You are on page 1of 5

Đề: Học vẹt, học tủ trong học sinh hiện nay.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, bên cạnh những nhu cầu
về sinh hoạt thì nhu cầu giải trí của con người cũng tăng lên. Và để đáp ứng nhu
cầu đó thì trò chơi điện tử ra đời. Trò chơi điện tử đang xâm nhập sâu rộng vào
giới trẻ hiện nay nhất là học sinh, sinh viên.

Trò chơi điện tử là một tiện ích của mảng ứng dụng công nghệ thông tin
nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Trò chơi điện tử là trò chơi sử dụng
thiết bị điện tử để tạo ra sự tương tác giữa người chơi và nhân vật trong trò chơi.
Trò chơi điện tử có thể chơi trên máy game, máy tính, điện thoại thông minh,…

Vậy vì sao các bạn trẻ lại yêu thích trò chơi điện tử đến vậy? Vì tính hấp dẫn
của nó. Trò chơi điện tử giúp ta giải tỏa được những căng thẳng, mệt mỏi sau
những giờ làm việc, học tập. Trò chơi điên tử giúp chúng ta rèn luyện tư duy, nhạy
bén, xử lí tình huống một cách sáng tạo và khéo léo, nó tạo cho chúng ta sự kiên
trì, nhẫn nại. Một điều quan trọng là nó tạo được sự hồi hộp cho người chơi.
Không những thế trò chơi điện tử còn giúp ta mở rộng quen biết với mọi người,
nhất là các trò chơi trực tuyến. Nó giúp ta rèn luyện tính cách, đặc biệt là các trò
chơi hóa thân vào nhân vật. Một số trò chơi điện tử du nhập từ nước ngoài vào
giúp ta trau dồi vốn tiếng Anh... Tóm lại, trò chơi điện tử được ví như một món ăn
tinh thần của giới trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, trò chơi điện tử cũng bộc lộ những khuyết điểm của nó. Nhiều
bạn trẻ vì quá ham mê “món ăn tinh thần” này mà bỏ bê việc học, quên đi nhiệm
vụ chính của mình. Phần lớn thời gian các bạn dành vào việc chơi game nên không
ngó ngàng gì tới học bài và làm bài. Tình trạng đó dẫn đến kiến thức ngày càng mơ
hồ. Đối với các game thủ chơi trắng đêm là một chuyện hết sức bình thường.
Nhưng khi người ta không ngủ đủ giấc hoặc thức đêm nhiều thì đầu óc cực kì mệt
mỏi, dẫn đến tình trạng ngủ gật trong lớp và hậu quả là kết quả học tập sa sút.
Những trò chơi điện tử mang những hình ảnh bạo lực hoặc không phù hợp lứa tuổi
sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc và hành động của người chơi.

Về kinh tế, trò chơi điện tử tác hại vô cùng ngay cả với gia đình có kinh tế
khá giả. Khi quá đam mê, không có tiền để chơi, các em học sinh sẽ nói dối bố mẹ
để có tiền đi chơi. Nếu bố mẹ không cho tiền họ sẽ lấy các đồ đạc trong nhà đi bán,
thậm chí gây án mạng để có tiền thỏa mãn với vui chơi.

Về sức khỏe, chơi game nhiều gây hại cho sức khỏe là điều không cần bàn
cãi. Nghiện game sẽ gây căng thẳng, cận thị, một số bệnh về xương, phản ứng
chậm, lười vận động khiến sức khỏe suy giảm. Đối với những người chơi game
online dễ suy kiệt sức khỏe, mất ngủ, các bệnh về tim, não, có thể gây đột quỵ, rối
loạn tâm thần dẫn đến tử vong.

Vì vậy, nếu chơi trò chơi điện tử thì nên chơi một cách điều độ, dưới 1 tiếng/
ngày. Tuyệt đối tránh vì mải chơi game mà xao nhãng việc học tập. Gia đình cần
có sự quan tâm đến con cái, quy định về giờ học, giờ chơi, hướng con cái đến các
hình thức giải trí phong phú, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao để có lối
sống và tinh thần lành mạnh. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để
giáo dục con em tốt hơn. Các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ hoạt động của
các cơ sở Internet.

Tóm lại, trò chơi điện tử là thú vui tiêu khiển, hấp dẫn và có ích nếu chơi
điều độ. Ngược lại sẽ làm mầm họa tiêu diệt chính mọi cá nhân, gia đình, nhà
trường và xã hội. Là học sinh, em sẽ ý thức rõ ràng những mặt lợi và hại của trò
chơi điện tử để tự điều chỉnh mình, tự rèn luyện ý thức tự giác. Chỉ xem trò chơi
điện tử là thú vui tiêu khiển mang tính giải trí để không quá lạm dụng nó mà ảnh
hưởng đến học tập và tương lai sau này.

ĐỀ: Hiện nay còn khá nhiều học sinh học vẹt, học tủ, học đối phó. Suy nghĩ của em về
hiện tượng trên.

Có rất nhiều tấm gương học tập tốt, chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức,
rèn luyện kĩ năng, xác định đúng đắn động cơ, mục đích học tập. Bên cạnh đó, hiện nay
còn khá nhiều học sinh học vẹt, học tủ, học đối phó. Tất cả những lối học này gây ra
những hệ lụy gì?

Học vẹt là lối học ghi nhớ bài một cách máy móc, học thuộc bài một cách sáo
rỗng, học thuộc làu làu từng chữ nhưng không hiểu nội dung, như con vẹt học nói tiếng
người. Học tủ là lối học chỉ tập trung vào một vài bài, một vài nội dung mà người học
cho là quan trọng hoặc sẽ là nội dung trong các đề kiểm tra. Học đối phó là lối học không
nhằm mục đích trang bị kiến thức, kĩ năng mà chỉ đối phó với các kì kiểm tra.

Những cách học trên chỉ học thuộc lòng kiến thức, bài mẫu nhưng không hiểu bài,
chỉ học một số bài, kiến thức không mang tính hệ thống, không toàn diện. Những cách
học ấy sẽ dần nảy sinh hiện tượng quay cóp bài khi kiểm tra. Vì vậy không phát triển
được khả năng tư duy, năng lực phân tích và giải quyết vấn đề của người học.

Học vẹt, học tủ, học đối phó được gây ra bởi nhiều lí do. Đầu tiên bắt nguồn từ
bản thân mỗi em học sinh không xác định đúng mục đích, động cơ học tập đúng đắn.
Không thấy được tầm quan trọng của bài học, của hệ thống kiến thức. Do các em thiếu
phương pháp học tập, coi kết quả học tập chỉ là điểm số trong các kì kiểm tra. Tiếp theo
là do bệnh thành tích trong một số phụ huynh vì muốn con em mình đạt thành tích cao
trong khi khả năng các em có giới hạn, vì muốn đạt được thành tích đặt ra, các em phải
có những cách học lệch lạc.

Những cách học vẹt, học tủ, học đối phó sẽ dẫn tới những hậu quả gì? Hậu quả
cho chính bản thân những học sinh lựa chọn những cách học lệch lạc này. Các em sẽ
thiếu kiến thức nền tảng của môn học, thiếu kĩ năng cần thiết để làm việc. Từ đó dẫn đến
những quan niệm sai lầm về việc học, về cuộc sống. Những cách học này không mang lại
kết quả học tập tốt mà còn hao tốn tiền bạc, thời gian, công sức của bản thân, gia đình và
xã hội,…

Để khắc phục tình trạng học vẹt, học tủ, học đối phó mỗi học sinh phải xác định rõ
động cơ, mục đích học tập: học để trang bị kiến thức, kĩ năng để hoàn thiện mình, để đáp
ứng yêu cầu của xã hội, hòa nhập với thế giới. Người học phải xây dựng phương pháp
học tập đúng đắn, chủ động, sáng tạo trong tiếp thu tri thức, rèn luyện kĩ năng. Mỗi gia
đình cần định hướng cho con em từ nhỏ phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả. Nhà
trường tạo điều kiện cho các em tham quan, trải nghiệm thực tế nhằm bổ sung kĩ năng
cho các em. Tăng cường cho các em thực hành, hiểu và vận dụng kiến thức vào đời sống.

Lối học vẹt, học tủ, học đối phó là những cách học lệch lạc, sai trái. Là chủ nhân
tương lai của đất nước, em sẽ chọn cho mình cách học đúng đắn, xác định đúng mục tiêu
học tập: học để biết, học để làm, học để chung sống. Có như vậy mới trở thành người
công dân tốt và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đề: Bao bì ni lông đang được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện nay. Suy nghĩ của em
về hiện tượng trên.

Chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường chúng ta
đang sống. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ một mặt nâng cao điều kiện sống nhưng
mặt khác lại làm tổn hại đến môi trường, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một trong những nguyên nhân làm môi trường xuống cấp là rác thải công nghiệp, trong
đó có bao bì ni lông.

Bao bì ni lông là loại bao bì được tạo ra từ công nghệ hóa chất. Nó có mặt trong
mọi sinh hoạt của đời sống. Thật không khó để nhận ra trong mỗi hộ gia đình, ngày nào
cũng sẽ sử dụng bao ni lông để đựng thực phẩm và các loại đồ đạc được mua từ chợ, từ
siêu thị về, bất kể thứ gì đựng trong bao bì ni lông cũng trở nên gọn gàng hơn, thuận tiện
cho việc mang theo chúng hơn. Những nhà hàng, quán ăn, siêu thị cũng sử dụng bao ni
lông để phục vụ khách hàng của mình gói đồ ăn để mang về. Nhà nhà sử dụng túi ni lông,
người người sử dụng túi ni lông. Trung bình mỗi ngày một người sử dụng nhiều hơn hai
chiếc túi ni lông. Lượng rác thải ra môi trường ngày càng lớn mà chủ yếu là bao ni lông.

Nguyên nhân của việc sử dụng bao bì ni lông phải kể đến đầu tiên chính là do sự
phát triển của khoa học công nghệ nên bao bì ni lông được sản xuất dễ dàng, đa dạng về
mẫu mã, giá rẻ, dễ sử dụng. Tùy vào kích cỡ to nhỏ khác nhau mà chúng có thể chứa
đựng đồ vật từ vài kg đến cả chục kg. Hiện nay chưa có loại bao bì nào có tính năng
tương đương, thân thiện với môi trường để thay thế bao bì ni lông. Bên cạnh đó, một lí do
khác không thể không kể đến là do người sử dụng theo thói quen chưa nhận thức hết tác
hại to lớn của bao ni lông đối với môi trường, đối với sức khỏe con người. Ý thức bảo vệ
môi trường của người dân còn thấp. Công nghệ xử lí rác thải, tái chế bao bì ni lông chưa
phát triển.

Sử dụng bao bì ni lông một cách không ý thức dẫn đến những tác hại vô cùng lớn.
Trước tiên, bao bì ni lông vứt bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường. Đặc tính của loại
túi này là khả năng phân hủy trong môi trường không cao, chúng phải mất hàng nghìn
năm mới có thể tự phân hủy được. Bởi vậy, khi chúng bị thải ra môi trường gây ngăn cản
sự sinh trưởng của các loài thực vật, hạn chế khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ môi trường
của cây trồng dẫn đến năng suất thấp, thậm chí cây trồng có thể bị bệnh và chết khi chưa
ra hoa, kết quả. Đồng thời, ở một số nơi lượng rác thải quá lớn, cỏ cây bị ngăn cản không
có khả năng bám chặt vào đất dẫn đến tình trạng gãy đổ, xói mòn đất đai khi mưa lớn lũ
về. Mặt khác, lượng túi ni lông thải xuống sông biển lớn mà chưa được phân hủy kịp
thời, gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường biển, các loài sinh vật dần mất đi môi
trường sống của mình, khiến cho tình trạng cá tôm chết hàng loạt nổi lềnh bềnh trên các
sông hồ vẫn diễn ra ngày ngày. Túi ni lông vứt ngang nhiên giữa đường sá cũng gây cản
trở giao thông lớn, vào mùa mưa, chúng là nguyên nhân gây tắc nghẽn các đường ống
thoát nước gây ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Vứt bao bì ni
lông bừa bãi làm ảnh hưởng đến vẻ mĩ quan, đầu độc môi trường.

Bao bì ni lông không chỉ hủy hoại môi trường mà còn là tác nhân bào mòn sức
khoẻ con người. Trong túi ni lông có chứa các kim loại, khi dùng làm túi chuyên dụng
đựng đồ ăn, thức uống có thể đầu độc cơ thể đặc biệt là não bộ và là tác nhân gây nên
bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch cơ thể. Một số gia đình lựa chọn cách đốt bỏ túi ni
lông nhưng không hề biết rằng trong khi đốt bỏ loại túi này, trong khói có chứa chất độc
đi-ô-xin gây nên các bệnh về hô hấp như khó thở, ho ra máu và các dị tật cho trẻ.

Để hạn chế việc dùng bao bì ni lông, ta cần có những phải pháp khả thi. Mỗi
người, mỗi nhà nên hạn chế việc dùng bao bì ni lông. Khuyến khích người dân sử dụng
bao bì tự hủy sinh học thay thế cho bao bì ni lông. Tuyên truyền bằng hình thức tổ chức
các cuộc thi, các cuộc vận động tìm hiểu về tác hại của bao bì ni lông, nâng cao ý thức
của mỗi người trong việc sử dụng túi ni lông. Trong nhà trường, thầy cô phải là tấm
gương sáng về bảo vệ môi trường, là người bạn đồng hành cùng học sinh trong việc thực
hiện các chiến dịch "Hành động vì môi trường", "Nói không với ni lông",… cùng trao đổi
với học sinh những giải pháp tối ưu giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng túi ni
lông trong đời sống. Đẩy nhanh nghiên cứu khoa học công nghệ về xử lí rác thải, phân
loại rác thải sinh hoạt, tái sử dụng bao ni lông…

Tóm lại, sử dụng bao bì ni lông là có hại cho môi trường. Cho sức khỏe con người.
Vì thế mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường sống bằng cách hạn chế sử dụng bao bì
ni lông.

You might also like