You are on page 1of 1

Có công mài sắt, có ngày nên kim

Hình ảnh trong câu tục ngữ là hình ảnh ẩn dụ và đối lập giữa “sắt” và “kim”. "Sắt" thường là
những hình khối to lớn, có vẻ bề ngoài sần sùi còn "kim" lại là một vật vô cùng nhỏ bé, sáng
bóng. Ngày xưa, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, muốn làm được một cây kim thì phải
mài từ khối sắt lớn hơn rất nhiều lần so với cây kim nhỏ bé.
Chúng ta biết “sắt” là một kim loại cứng không dễ gì mài một trong hai ngày mà thành cái kim
ngay được. Từ sắt làm ra cây kim là một quá trình công phu, gian khổ. Nó đòi hỏi phải có một sự
kiên trì, tốn bao công sức mồ hôi mới có được. Cây kim ai cũng biết nó rất bé nhỏ nhưng nó
đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người.
Mượn hai hình hình ảnh đối lập sắt và kim, ông cha ta mong muốn được truyền tải thông điệp
đến mọi người, đó là bài học về tính kiên trì nỗ lực. Sắt là hình ảnh ẩn dụ cho khó khăn thử thách
mà ta phải trải qua trong cuộc đời. Trên con đường đi tìm hạnh phúc, hẳn ai trong chúng ta cũng
đôi lần vấp ngã, con đường đó không hề được trải hoa hồng mà ẩn chứa rất nhiều thử thách thậm
chí là nguy hiểm. Kim là hình ảnh ẩn dụ cho thành quả mà ta đạt được. Như vậy, câu thành ngữ
này ý muốn nói, Mỗi chúng ta trong cuộc đời ai chẳng muốn thành đạt, nhưng con đường đi đến
thành công không phải lúc nào cũng là con đường bằng phẳng mà có thể là con đường chông gai,
đầy khó khăn. Vì vậy để động viên mọi người biết bền gan vững chí, ông cha ta đã răn dạy bằng
một câu tục ngữ đầy tính thuyết phục để mỗi người biết rèn luyện lòng kiên trì, ý chí quyết tâm.
Chỉ cần có ý chí quyết tâm, thì nhất định sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhắc nhở chúng ta cần có lòng biết ơn, quý trọng tình nghĩa. Về
nghĩa đen, hiểu đơn giản “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có nghĩa là chúng ta được thưởng thức hoa
thơm, quả ngọt cần phải nhớ tới công lao của người gieo trồng.
Về nghĩa bóng, câu tục ngữ nhắc nhở con người sống cần có lòng biết ơn. “Quả” ẩn dụ cho thành
tựu mà chúng ta đã đạt được còn “kẻ trồng cây” là những người đã nâng đỡ chúng ta giúp ta đạt
được những thành công đó. Khi được hưởng một thành quả nào đó, cần phải trân trọng công lao
của những người đã tạo ra nó, nhận được sự giúp đỡ của người khác cần phải biết ơn. Sống luôn
biết ơn sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Đó chính là tình cảm yêu thương, trân trọng từ mọi
người xung quanh. Từ xa xưa, ông cha ta đã thể hiện lòng biết ơn qua việc thờ cúng tổ tiên, hay
các lễ hội tưởng nhớ công ơn của những bậc anh hùng có công với đất nước như hội Gióng, hội
gò Đống Đa, hội Cổ Loa… Đến ngày hôm nay, lòng biết ơn thể hiện qua các hành động nhỏ bé
nhưng rất ý nghĩa. Lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Các cuộc viếng thăm
những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với mỗi học sinh, việc thể hiện lòng biết ơn lại đến từ
những hành động vô cùng đơn giản: lễ phép với ông bà, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, chăm chỉ
học tập, tích cực rèn luyện… Qua câu tục ngữ, mỗi người hãy biết tự hào với truyền thống vẻ
vang của nước nhà, tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống đó.

You might also like