You are on page 1of 4

Họ và tên: Nguyễn Anh Vũ

Mã sinh viên: 11226955


Đề bài: Hiện nay, khi tìm kiếm trên các trang web về giai đoạn 1954-1975, quá nửa số
trang đó có nhận định rằng giai đoạn này ở Việt Nam có nội chiến. Là sinh viên Việt
Nam, em có suy nghĩ gì về nhận định trên? Hãy chứng minh cho ý kiến của mình.

Bài làm

Trước khi bước vào thời kỳ hòa bình, đổi mới, xây dựng đất nước tiến lên chủ
nghĩa xã hội ngày nay, Việt Nam ta đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm, biết bao con người đã phải rên xiết dưới họng súng quân thù, và cũng biết bao
xương máu, thân xác đã phải nằm xuống vì nền độc lập của ngày hôm nay. Trong đó,
không thể không kể đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt kéo dài 21 năm,
từ 1954 tới 1975 của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng mốc son oanh liệt
vào ngày 30/4/1975, với hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đã
gần nửa thế kỷ kể từ thời khắc lịch sử ấy, tuy nhiên thật đáng buồn và phẫn nộ thay, vẫn
còn những ý kiến xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch cho rằng, cuộc kháng
chiến ấy của nhân dân ta chỉ thực chất là cuộc nội chiến, giữa hai phe Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Là một sinh viên Việt Nam, với vốn kiến thức đã được
học, được nghe về lịch sử dân tộc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nước nhà,
em hoàn toàn có thể phủ nhận quan điểm: “Cuộc chiến ở Việt Nam trong giai đoạn 1954
– 1975 là một cuộc nội chiến”.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu những luận điểm, luận cứ được đưa ra từ phe ủng
hộ ý kiến “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc nội chiến”. Họ cho rằng, Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa là phe hiếu chiến, muốn gây chiến tranh thôn tính miền Nam Việt
Nam, do đó đã đưa quân qua ranh giới vĩ tuyến 17 hòng gây chiến. Bên cạnh đó, họ cho
rằng, cuộc chiến này bắt nguồn từ sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản,
đồng thời cho rằng, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam vì mục đích cao cả “thế giới tự
do”. Ở đây, Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho đồng minh Việt Nam Cộng hòa, giống như
việc Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ hoàn toàn
không phải cuộc chiến tranh của Mỹ. Hoặc thậm chí, một số ý kiến còn khẳng định chắc
chắn rằng, sau hiệp định Paris năm 1973, 2 năm cuối cùng của cuộc chiến phải được coi
là nội chiến, vì khi này Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, và chỉ còn người Việt đánh nhau khi đó.

Để phản bác lại những luận điểm trên, trước hết, ta hãy xem xét hai cuộc chiến
tranh sau: Đầu tiên là cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865). Trong giai đoạn đó, đế quốc
Anh hùng mạnh khi ấy đã viện trợ vũ khí, tiền bạc, cố vấn cũng như quân đội tham chiến
cho phe miền Nam Hoa Kỳ, với âm mưu thúc đẩy miền Nam ly khai khỏi Mỹ lúc bấy
giờ. Trong cuộc chiến đó, những lực lượng địa phương của phe miền Nam ủng hộ phe
miền Bắc đã sẵn sàng cầm súng đứng lên để chống lại phe Miền Nam, dẫn tới thắng lợi
sau cùng của phe Miền Bắc. Với tính chất, bối cảnh tương tự với cuộc chiến tại Việt
Nam, vậy tại sao người Mỹ lại gọi cuộc chiến của họ là “cuộc kháng chiến giành độc lập
lần thứ 2”, trong khi lại kết luận rằng cuộc chiến tại Việt Nam lại là một cuộc nội chiến?
Cuộc chiến thứ hai được đề cập đến ở đây là chiến tranh Bán đảo (Peninsular War), giữa
Hoàng đế Napoleon và quân nổi dậy Tây Ban Nha. Trong trận chiến ấy, cả hai phe đều sở
hữu lực lượng quân Thụy Sĩ, với màu áo đỏ thuộc quân đội Napoleon, còn màu áo xanh
nằm bên kia chiến tuyến. Rõ ràng, không có bất cứ một tài liệu nào ghi lại cuộc chiến này
với cái tên “Cuộc nội chiến Thụy Sĩ” cả. Do đó, nếu dựa vào quan điểm lực lượng tham
gia của hai phe thuộc cùng một quốc gia mà kết luận đó là nội chiến, thì quan điểm đó
quá sức vội vàng và thiếu thuyết phục!

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, trên hết, xuất phát từ
lợi ích bên trong của đế quốc Mỹ, từ âm mưu làm bá chủ thế giới của Mỹ mà ra. Trong
hội nghi Geneve về việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương vào năm
1954, Mỹ chính là nước duy nhất đã không ký vào bản hiệp định ấy, cũng như tìm đủ mọi
cách để trì hoãn, kéo dài hòng phá hoại bản hiệp định này. Sau cùng, không có một quốc
gia nào ngoài Mỹ, đã rải hơn 8 triệu tấn bom khắp 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào
và Campuchia, gây nên cái chết của hơn 3 triệu người dân, đưa hàng triệu quân vào miền
Nam Việt Nam vì mục đích “tự do” nghe có vẻ cao cả. Về quan điểm “Mỹ tương đồng
với Liên Xô và Trung Quốc, chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho Việt Nam Cộng hòa”, đây cũng là
một quan điểm không phù hợp, đi ngược lại với sự thật lịch sử. Xét về lực lượng, trong
thời điểm cao điểm nhất, Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam khoảng 550.000 lính Mỹ,
cùng hơn 60.000 lính của các quốc gia đồng minh. Đây là lực lượng đã tham gia và chạm
trán trực tiếp với quân giải phóng Việt Nam trong nhiều trận đánh, cũng như trực tiếp
dùng không quân ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Do vậy, Mỹ đã thực sự tham
chiến tại Việt Nam trong giai đoạn lúc bấy giờ. Trong khi đó, phía Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa chưa bao giờ để cho bất kỳ một lực lượng quân sự nào của Liên Xô, hay Trung
Quốc tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Bên cạnh đó, con số viện trợ của Mỹ cho
Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn 21 năm kể trên là 26 tỷ USD, với hơn nửa trong số
đó nhằm vào mục đích quân sự. Con số này mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được
chỉ là 6.8 tỷ USD từ phe Xã hội Chủ nghĩa.

Thực tế rõ ràng rằng, đế quốc Mỹ đã áp đặt phương thức thống trị thực dân kiểu
mới, dựng lên chính quyền bù nhìn Việt Nam Cộng hòa nhưng chưa bao giờ thực sự coi
trọng lực lượng này. Đối với Mỹ, đây chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ chiến lược của
họ, với mục đích là để phục vụ cho âm mưu sau cùng mà thôi. Ngay cả những quan chức
cấp cao của bộ máy bù nhìn đó, cũng phải lên tiếng thừa nhận rằng, Mỹ là một đồng minh
thất hứa, thiếu công bằng, vô nhân đạo và chỉ muốn đứng ra làm sân khấu, làm “kép
nhất” chứ không chịu đứng ngoài cuộc. Và trên hết, lực lượng tham chiến chính tại miền
Nam được ghi nhận là lực lượng quân giải phóng miền Nam, trực thuộc Mặt trận dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ hỗ trợ tham chiến
từ năm 1965. Với số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại miền Nam là 30.000 mẹ, gấp
đôi so với miền Bắc, đây là bằng chứng không thể phủ nhận, hoàn toàn đánh đổ luận
điểm “nội chiến” mà các thế lực thù địch đã đưa ra.

Như vậy, với những bằng chứng thuyết phục nêu trên, bản thân em hoàn toàn có
thể khẳng định, cuộc chiến tranh Việt Nam không phải, và chưa bao giờ là một cuộc nội
chiến. Đó là cuộc chiến tranh mang tính chất chính nghĩa, cuộc chiến tranh giải phóng
dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra một thời đại mới cho lịch sử và dân tộc Việt Nam –
thời đại của hòa bình, tự do, độc lập, hạnh phúc. Lịch sử là tấm gương phản ánh chân thật
nhất, và chừng nào mỗi người dân Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng,
của Nhà nước, thì khi đó không một thế lực thù địch, phản động nào có thể gây chia rẽ,
phá hoại nước nhà bằng những luận điểm xuyên tạc, vô căn cứ của chúng!

You might also like