You are on page 1of 4

Họ và tên: Ngô Minh Phương

MSV: 21032162
Đề bài: Anh chị nghĩ gì về quan điểm cho rằng: "Đạo diễn làm nghệ thuật, điện ảnh;
còn phê bình làm văn hóa"
Bài làm
“Đạo diễn làm nghệ thuật, điện ảnh. Còn nhà phê bình làm văn hóa” – Đây là nhận định
của đạo diễn Trần Anh Hùng trong một bài phỏng vấn với tựa đề Đạo diễn Trần Anh Hùng:
“Anh nói phim tôi này kia, nhưng anh là ai?”. Có thể dùng câu nói này như một nhận định
khái quát về vai trò của nhà đạo diễn và vai trò của nhà phê bình, đồng thời suy ra được
mối liên hệ giữa hoạt động nghệ thuật và hoạt động phê bình.
Trước tiên ta cần làm rõ một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, đạo diễn là chủ thể sáng tạo nghệ thuật, là người làm ra những tác phẩm
nghệ thuật. Công việc của đạo diễn là làm ra và bao quát tác phẩm, đơn giản và dễ hiểu
nhất thì đạo diễn là người tạo ra bộ phim, chỉ đạo diễn xuất. Đạo diễn là người nghiên cứu
kịch bản, casting vai rồi đi đến việc thực hiện chủ trì thu hình, dựng phim. Người đạo diễn
quyết định những chuyên môn về mặt nghệ thuật.
Thứ hai, nhà phê bình là một trong những bộ phận của công chúng nghệ thuật, những
người tiêu thụ nghệ thuật. Họ làm công việc thẩm định các hiện tượng nghệ thuật, phát
hiện ra giá trị của hiện tượng nghệ thuật và thuyết phục độc giả tin vào những phát hiện
của mình. Nhà phê bình đọc ra ở các hiện tượng nghệ thuật những giá trị văn hóa và có thể
định hướng cho độc giả, giúp cho độc giả thấy được chiều sâu của tác phẩm nghệ thuật. Ở
đây cần phải nhấn mạnh, nhà phê bình cũng như hoạt động phê bình không có vai trò định
hướng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà chỉ chia sẻ cho công chúng tiếp nhận nghệ
thuật những góc nhìn mới về tác phẩm.
Hiểu một cách đơn giản vai trò và công việc của đạo diễn và nhà phê bình, ta có thể suy ra
được phần nào mối liên hệ giữa hai mặt của đời sống nghệ thuật. Trong đó, đạo diễn – nghệ
sĩ, nằm ở nửa sáng tạo nghệ thuật, còn nhà phê bình – một phần của công chúng nghệ thuật,
nằm ở nửa tiếp nhận nghệ thuật. Xếp theo trình tự, hiện tượng nghệ thuật, tác phẩm nghệ
thuật là cái có trước, giống như đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẽ trong buổi phỏng vấn được
đề cập ở trên: “Một đạo diễn khi bắt đầu làm việc, họ chẳng có gì cả. Một nhà phê bình,
khi bắt đầu, đã có tất cả. Nếu đạo diễn không làm ra phim, nhà phê bình lấy gì để bình
luận”. Có thể hiểu, quá trình sản xuất phim và hoạt động phê bình là độc lập với nhau, một
cái bắt đầu trước và một cái bắt đầu sau. Tuy nhiên hai hoạt động này lại có một mối quan
hệ biện chứng với nhau, hiện tượng nghệ thuật là cái có trước, là cơ sở để phê bình nghệ
thuật và nghiên cứu nghệ thuật tồn tại và sau đó tác động ngược lại các hoạt động sáng tạo
nghệ thuật. Nhà phê bình chuyên nghiệp là người có phương pháp, có quan niệm riêng và
vững chắc về giá trị, có khả năng thích ứng với các động thái văn chương mới, tiếp cận
được các lý thuyết văn học, đồng hành với đời sống văn học đương đại. Nhà phê bình
chuyên nghiệp không chỉ bày tỏ quan niệm giá trị của mình, mà còn biết cụ thể hóa, khái
quát hóa, thậm chí là mường tượng - dự báo các giá trị đang và sẽ xuất hiện trong đời sống
văn chương nghệ thuật, đưa đến cho công chúng lựa chọn.
Ngoài hai vấn đề trên, còn một số định nghĩa mà chúng ta cần làm rõ để có thể hiểu được
nhận định: đó là “nghệ thuật” và “văn hóa”
Nghệ thuật, thứ nhất bản chất là những thủ pháp mang tính đặc thù. Sự tồn tại của
một nghệ thuật được đảm bảo bằng những kĩ thuật có tính đặc thù đó. Không thể trở thành
hoạ sĩ nếu không làm chủ các kĩ thuật hội hoạ trên những thể loại khác nhau (phấn màu,
màu nước, sơn dầu, lụa…), không thể trở thành nhà soạn nhạc nếu không hiểu được nhạc
lý, nốt nhạc, nhịp điệu, cao độ, trường độ… Dù là nghệ thuật truyền thống hay hiện đại
(nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ) thì đều có những kĩ thuật cần được tuân thủ để đảm bảo
cho sự tồn tại của nó. Mặt khác, nghệ thuật có “tính cá nhân”, mỗi chủ thể sáng tạo nghệ
thuật đều có cho mình một phông nền kĩ thuật với những kinh nghiệm văn hóa khác nhau
tạo thành sự khác biệt mang tính độc quyền, độc bản trong các sáng tác nghệ thuật của họ.
Văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng, được hiểu như một hiện tượng xã
hội do con người sáng tạo nên, bao gồm tất cả từ những sản phẩm của thế giới hiện đại cho
đến những thứ thuộc về quá khứ như tín ngưỡng, phong tục, lối sống, lao động và mỗi dân
tộc lại có những cách hình dung khác nhau về văn hóa. Giá trị văn hóa là một hình thái của
đời sống tinh thần, nó phản ánh và kết tinh đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần
của con người. Văn hóa ở đây cũng có thể hiểu là một phong cách sống, các hệ giá trị, niềm
tin của con người về một hiện tượng nào đó, là sản phẩm tinh thần được sáng tạo bởi con
người và được công nhận một cách rỗng rãi.
Vậy tại sao lại nói “Đạo diễn làm nghệ thuật, điện ảnh. Nhà phê bình làm văn hóa”? Xét
về vế thứ nhất “Đạo diễn làm nghệ thuật, điện ảnh”, có thể hiểu công việc của các nhà đạo
diễn là tạo ra bộ phim. Các cách tổ chức ngôn ngữ điện ảnh, dàn cảnh, lắp ghép các cảnh
quay đều nhằm truyền tải một ý nghĩa theo ý đồ của đạo diễn. Các thước phim sẽ thể hiện
những trải nghiệm, thế giới quan, kinh nghiệm thẩm mỹ của nhà làm phim đồng thời thể
hiện những kĩ thuật đặc thù của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng thể hiện qua
góc quay, cú máy, chuyển động của máy quay… Nhìn chung, điện ảnh là một loại hình
nghệ thuật cần phải cân bằng giữa yếu tố thương mại và yếu tố nghệ thuật. Một bộ phim
điện ảnh không thể không chú tâm tới những dụng ý nghệ thuật, nhưng cũng đồng thời
phải xem xét đến thị hiếu và yêu cầu từ đối tượng công chúng tiếp nhận. Để làm ra một bộ
phim điện ảnh nói riêng phải tốn rất nhiều ngân sách, không chỉ là nguồn vốn vật chất mà
còn cả những nguồn vốn phi vật chất. Một khi đã được đưa vào quá trình lưu thông, tác
phẩm nghệ thuật sẽ trở thành một loại hàng hóa văn hóa và nó đặt ra yêu cầu là phải mang
về được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vậy nên việc của một nhà làm phim cũng bao gồm
cả việc cân bằng những giá trị thẩm mỹ và thương mại của bộ phim đó. Sau khi quá trình
sản xuất phim kết thúc và sản phẩm điện ảnh được trình chiếu, quá trình tiếp nhận sẽ bắt
đầu. Lúc này công việc của những nhà phê bình sẽ là “làm văn hóa”. Tất nhiên cũng có
những trường hợp hoạt động phê bình diễn ra trước khi bộ phim được phát hành rộng rãi
hoặc ngay trong quá trình làm phim để tạo sự thu hút đối với công chúng. Các bài tuyên
truyền, giới thiệu được đưa ra để đề cử cho người xem. Với môi trường báo chí và mức độ
tiếp cận rộng rãi tới nhiều nhóm đối tượng, hoạt động phê bình lúc này giống như một công
cụ để tuyên truyền vào tạo chủ đề bàn luận cho sản phẩm điện ảnh. Nếu như hiểu phê bình
là hoạt động thẩm định và đánh giá tác phẩm và đưa ra những phát hiện về tác phẩm đó
dựa trên kiến thức và hiểu biết của mình về nghệ thuật cũng như những phông nền văn hóa
về đề tài, lĩnh vực được đề cập tới trong sản phẩm điện ảnh thì “làm văn hóa” đặt trong bối
cảnh của câu nói có phần thiên về hoạt động định hướng dư luận, xác lập những những giá
trị niềm tin và tạo ra xu hướng cho đám đông. Bởi nhóm công chúng của phê bình đại đa
số là những người yêu thích nghệ thuật nhưng không phải ai cũng đều có kiến thức chuyên.
Vậy nên nhà phê bình cần nắm được đặc điểm giới hạn của công chúng để lựa chọn hình
thức biểu đạt phù hợp. Dựa vào những lĩnh vực hoạt động khác nhau, thế giới quan, kinh
nghiệm thẩm mỹ cũng như phông nền văn hóa khác nhau, không lạ gì khi cảm nhận và lý
giải của từng cá thể có sự xung đột. Giữa đạo diễn và nhà phê bình hoặc giữa các nhóm
công chúng tiếp nhận có những lý giải khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Nhưng
những tranh luận về bộ phim sẽ tạo sức lan tỏa cho sản phẩm điện ảnh và khiến cho công
chúng quan tâm tới sản phẩm điện ảnh hơn, bởi đối với điện ảnh, những đón nhận dù là
tích cực hay tiêu cực thì đều tạo sức nóng và thu lại lợi ích thương mại.
Nếu coi văn hóa là sản phẩm tinh thần được tạo bởi con người và được công nhận một cách
rộng rãi thì phê bình chính là hoạt động tạo ra văn hóa bởi nhà phê bình có thể thu hút sự
chú ý của độc giả qua những bài viết có mức độ tranh luận cao, những phát ngôn nhằm
nâng đỡ bộ phim dựa vào uy tín và mức độ ảnh hưởng của mình. Khi công chúng đón nhận
sản phẩm nghệ thuật dù có chủ đích hay không có chủ đích, họ cũng sẽ hình thành những
cách đọc văn bản nghệ thuật (hiểu theo nghĩa rộng) dựa trên những gì nhà phê bình đưa ra
và từ đó hình thành nghĩa văn hóa cho tác phẩm điện ảnh.
Tuy nhiên quá trình “làm văn hóa” không chỉ hiểu đơn thuần là tạo ra những sự tương tác
và sức ảnh hưởng cho tác phẩm điện ảnh. “Làm văn hóa” ở đây cũng có hai mặt. Chúng ta
sẽ không để cập nhiều đến việc “làm văn hóa” theo chiều hướng tiêu cực bởi đó không
phải là bản chất của phê bình. Trong nghệ thuật, phê bình bao giờ cũng được hiểu theo
nghĩa tích cực, phát hiện ra những giá trị tốt đẹp và thuyết phục người khác tin vào những
phát hiện đó. Vậy nên Hoài Thanh từng nhận định “Tìm thấy cái đẹp trong tự nhiên là nghệ
thuật, tìm thấy cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình”. Những bài phê bình mang đúng tinh
thần mà Hoài Thanh nhận định phải hướng ngòi bút đến những giá trị tốt đẹp và khiến cho
độc giả cũng nhìn ra được những giá trị tốt đẹp đó. Mặt khác, nhà phê bình từ sự quan sát,
thẩm định của mình, các thao tác khoa học được triển khai, nhằm diễn giải một cách logic,
sáng rõ kinh nghiệm nội tại trong tinh thần và trí tưởng của nhà phê bình, đưa đến cho công
chúng những tiêu điểm để có thể nhận diện, đánh giá hay lựa chọn giá trị phù hợp, những
góc nhìn mới, cách đọc mới đối với văn bản nghệ thuật. Đương nhiên là với một nhà phê
bình chuyên nghiệp, họ có một hệ giá trị mỹ học riêng, một thị hiếu riêng khi lựa chọn tác
phẩm mà họ cho là đáng để phê bình, đưa đến cho người đọc những góc nhìn một cách có
chọn lọc.
Nhìn chung thì ta có thể hiểu nhận định của đạo diễn Trần Anh Hùng như sau: có thể lập
luận rằng các đạo diễn có quyền chủ yếu trong việc đưa tầm nhìn điện ảnh vào cuộc sống
thông qua việc lựa chọn câu chuyện, phong cách, nhân vật,… Họ là những người trực tiếp
tạo ra sản phẩm nghệ thuật. Mặt khác, các nhà phê bình phản hồi và giải thích những bộ
phim đó, đồng thời những đánh giá và phân tích của họ có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách
công chúng nhìn nhận và hiểu một bộ phim. Tuy nhiên, mối quan hệ này liệu có đơn giản
như vậy không? Các nhà phê bình không tạo ra văn hóa trong chân không - họ cũng là sản
phẩm của môi trường văn hóa và các diễn ngôn mà họ hoạt động trong đó. Đánh giá của
họ được định hình bởi bối cảnh xã hội, lịch sử và nghệ thuật rộng lớn hơn. Bên cạnh đó
các đạo diễn cũng tham gia và phản ánh bối cảnh và diễn ngôn văn hóa thông qua quá trình
làm phim của họ. Những lựa chọn mà họ đưa ra không được thực hiện một cách biệt lập
mà bị ảnh hưởng và đóng góp vào cơ cấu văn hóa lớn hơn. Vậy có thể nói hai hoạt động
này có quá trình độc lập nhưng có mối quan hệ biện chứng và đều không tách rời khỏi văn
hóa. Không chỉ nhà phê bình mới làm văn hóa mà đạo diễn trong quá trình sáng tạo của
mình cũng đưa ra những góc nhìn cá nhân về văn hóa và kiến tạo văn hóa cho đứa con tinh
thần của mình. Sự tương tác giữa hai đối tượng nhà phê bình và đạo diễn sẽ giúp cho bộ
phim mang đến nhiều giá trị hơn cho công chúng tiếp nhận và làm phong phú hơn sức sống
của tác phẩm điện ảnh.
Tổng kết lại, nhận định của Trần Anh Hùng đã thể hiện một quan điểm rõ ràng và tương
đối thuyết phục về vai trò, mục đích và mối liên hệ của người sáng tạo và người tiếp nhận
nghệ thuật. Quan điểm này cũng đồng thời khẳng định sức ảnh hưởng của phê bình đối với
đời sống: hoạt động phê bình tạo ra văn hóa và làm phong phú hơn vốn văn hóa của công
chúng tiếp nhận.

You might also like