You are on page 1of 12

Giá của một lời

Khi nghe thông tin các F0 và F1 khai báo gian dối, phản ứng đầu tiên của tôi
là “không thể tưởng tượng nổi”.

Khó tin nhưng có thật. Thế giới này rộng lớn và vẫn không ngừng làm chúng
ta ngỡ ngàng trước sự đa dạng của nhân cách con người. Thành viên Tổ truy
vết thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid khẳng định rằng trong quá
trình cung cấp thông tin, có đến 20% các trường hợp F0 - tôi xin nhấn mạnh
là F0 - không hợp tác.

Sáng ngày 27 tháng Chạp, một thành viên Tổ truy vết gọi điện cho tôi. Ngày
trước đó, một ca F1 đã im lặng 10 ngày, không khai báo dù tiếp xúc với
nguồn lây. Người đó biến thành F0, và tạo ra một cuộc khủng hoảng mới -
không ai biết ca bệnh này đã lây cho bao nhiêu người - ngay trước thềm Tết
Nguyên đán.
"Hoàng viết gì đi", anh tâm sự. Anh nói về một luận điểm, rằng nếu mọi người
hợp tác với các cơ quan dân sự, như CDC từ đầu, mọi chuyện sẽ diễn ra rất
nhẹ nhàng. CDC chỉ cần biết một người nghi nhiễm đã gặp ai, ở đâu. Nhưng
nếu một người quyết định khai báo loanh quanh, các thông tin không trùng
khớp, công an sẽ phải vào cuộc. Và lúc đó, công an sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng theo
đúng chức năng của họ, cả đến việc gặp ai, để làm gì, quan hệ như thế nào.

Đó đúng là một luận điểm. Nhưng khi cúp máy xuống, tôi nghĩ về điều anh
nói, và thấy xót thương những cán bộ như anh. Khổ quá, sao phải dùng cả
luận điểm như thế để thuyết phục người ta làm việc đúng?

Tôi muốn nói thêm một luận điểm khác. Rằng cái giá phải trả của lời nói dối
trong bối cảnh này, đơn giản là đắt đến mức bạn không nên đánh đổi. Cho dù
cái giá của việc nói thật là gì, nó cũng không lớn bằng việc bạn trở thành kẻ
thù của công chúng.
Cái giá của nói thật là gì? Đón Tết trong trung tâm cách ly? Quá nhỏ nhặt,
nếu bạn nghĩ kỹ bạn có thể nhận ra mình cũng chẳng yêu Tết đến thế, và
những khái niệm "về quê ăn Tết", "sum họp gia đình" hay "báo hiếu cha mẹ"
đều có thể làm 365 ngày trong năm. Chúng vốn chỉ được thần thánh hóa
trong tâm tưởng của mình, nhờ công của các chiến dịch quảng cáo bán hàng
nữa.

Cái giá của nói thật là gì? Bị vợ hoặc chồng phát hiện ra có người thứ ba?
Hoặc một bí mật đời tư ghê gớm hơn nữa, kể cả một đứa con riêng mà bạn
trót ghé thăm? Nếu cái giá là thế, tôi phải chúc mừng bạn. Tôi không biết bạn
là ai, chức vụ gì, gia đình đang sống trong cái vỏ ấm êm lấp lánh đến thế nào;
nhưng tôi biết, như bao người, việc mang theo một bí mật luôn là gánh nặng.
Nó có thể đang dày vò cào xé bạn từng đêm trong nhiều năm qua. Và cũng
như mọi người mang bí mật, bạn thật ra khao khát tìm cơ hội để được nói ra
điều trĩu nặng trong lòng. Bạn chỉ chưa bao giờ gom đủ dũng cảm. Và bây giờ
bạn có cơ hội tuyệt vời nhất: bạn nói thật để cứu mạng những người vô tội.

Cái giá của nói thật là gì? Bị nhắc đến trên mạng xã hội với một vài bình
phẩm khó nghe, hoặc đầy định kiến? Giá đó kể cũng đắt, và tôi thông cảm
nếu bạn không muốn trải qua. Ngay lúc này, đang có những phản biện nhất
định về hàm lượng thông tin cá nhân của các F0 được công bố.

Nhưng tôi có thể nói với bạn, rằng chuyện sẽ qua nhanh thôi. Tôi nói điều đó,
bằng tư cách của một người đã sống trong sóng gió của truyền thông xã hội
suốt một thập niên, và đã trải qua những cơn bão mà đến showbiz cũng phải
vái chào. Bị đàm tiếu chẳng có gì đáng tự hào, cũng chẳng có gì nhiều để
mặc cảm: trí nhớ xã hội cơ bản là không có chỗ để chứa mấy chuyện thị phi
quá lâu. Trừ khi bạn quyết định nói dối.

Còn cái giá của nói dối trong bối cảnh này là gì? "Kẻ thù của công chúng" có
thể không phải là khái niệm pháp định, như tội phản bội tổ quốc. Nhưng Covid
đã tạo ra quá đủ bi kịch để công chúng có thể duy trì lòng vị tha. Bạn có biết
rằng cho đến trước đại dịch này, giai đoạn 2017-2019, Ngân hàng Thế giới và
Tổ chức Nông lương vẫn khẳng định rằng có đến 6,4% dân số Việt Nam thiếu
dinh dưỡng. Ngoài kia có những người đánh vật với miếng ăn theo nghĩa
đen. Bạn có nhớ lần gần nhất mình bị đói đến mức hạ đường huyết không?
Những doanh nghiệp du lịch và bán lẻ khốn đốn, những người lao động mất
việc làm, những gia đình chia lìa, và cả những người đã chết. Việt Nam đơn
giản là không còn sức để gánh thêm một lời nói dối của bạn. Mọi người sẽ
căm ghét bạn, nếu bạn nói dối.
Và trở thành kẻ chống lại cộng đồng chỉ là cái giá cơ bản. Sẽ còn những cái
giá đắt hơn, khi người thân của bạn nhiễm Covid chỉ vì sự loanh quanh này.
Nếu tôi ở trong cảnh đó, tôi nghĩ mình sống không bằng chết.

Một trong những bài học đầu tiên tôi được dạy khi gia nhập VnExpress và
phụ trách chuyên mục Góc nhìn này, là sự khách quan. Không sử dụng mệnh
lệnh thức, không đưa ra lời kêu gọi trực tiếp – Tổng biên tập của chúng tôi
yêu cầu. Và đó đúng là những thứ cần tránh trong nghề báo. Suốt 6 năm, một
trong những việc quan trọng của tôi là ngồi điều chỉnh sự khách quan. Các
chuyên gia nhiều khi cũng muốn khuyến nghị trực tiếp. Tôi thương lượng để
chỉnh lại hết. Tôi biên tập các mệnh đề kiểu "chính phủ phải làm ngay" thành
"chính phủ cần cân nhắc", tôi biến "cách duy nhất để..." thành "một trong
những ưu tiên lúc này là...". Tôi chỉ chấp nhận các đề xuất, không chấp nhận
mệnh lệnh thức.

Nhưng hôm nay, trong tư cách một tác giả, trong bối cảnh đất nước gian
nguy, tôi nghĩ rằng có những thứ không thể khách quan được. Suốt cả bài
viết này, tôi đã dùng nhiều mệnh đề tuyệt đối hóa.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi viết bằng giọng kêu gọi này.
Nhưng có những thứ tôi biết rằng tuyệt đối đúng. Đơn cử, như là nỗi sợ chết
của chính tôi lúc này, một người Việt Nam. Và nếu bạn nghe kỹ, có đến một
trăm triệu lời cầu khẩn đang vang bên tai bạn, cùng một nỗi sợ như thế. Nếu
đã dương tính, hoặc tiếp xúc với nguồn lây, bạn không cần làm gì hơn ngoài
nói thật.
May, vui, và giàu
Ngày cuối năm, tôi đem ba câu hỏi đến cho ba người bạn của mình: may
mắn, niềm vui và sự giàu có là gì?

Chương trình "Ai là triệu phú" của VTV sẽ có người dẫn mới trong năm 2021.
Người ký séc mới của chương trình sẽ là Đinh Tiến Dũng, hay là "Giáo sư Cù
Trọng Xoay" quen thuộc.

Tôi nhắn tin cho anh Dũng: "May mắn với anh là gì?". Đó là người sẽ điều
phối một trò chơi với trị giá giải thưởng lên đến cả trăm triệu, bàn về sự may
mắn chắc là hợp.

Giáo sư Xoay trả lời: "Đôi khi tôi không biết may mắn là đặc ân hay một cái
bẫy". Như trong một trò chơi, người thắng cuộc chưa chắc đã là người may
mắn; và người thua cuộc chưa chắc đã là kẻ không may. "Tôi đã quen nhiều
người thắng bạc và làm những điều ngu ngốc không gỡ lại được nữa; nhưng
tôi cũng biết những cú ngã mang đến cho người ta rất nhiều".

Tôi hỏi người thứ hai, đạo diễn Việt Tú: "Niềm vui với anh là gì?". Hai mươi
sáu tuổi, Việt Tú đã là tổng đạo diễn hình ảnh của Lễ khai mạc SEAGames
22, và suốt cả sự nghiệp, với những Đẹp Fashion show, Giai điệu tự hào,
Hoa hậu Việt Nam hay 5 giải Cống hiến, anh được nuôi dưỡng trong những
tiếng vỗ tay của khán giả. Chắc là Việt Tú có tư cách nói về niềm vui.

Việt Tú kể câu chuyện riêng của anh trong năm 2020. Niềm vui với anh chia
ra làm hai giai đoạn, trước và sau khi bố anh qua đời. "Trước đây niềm vui
của tôi, phần nhiều liên quan đến công việc, sự nghiệp của bản thân và gia
đình riêng. Kể từ ngày bố mất, niềm vui với tôi rất đơn giản. Mọi thứ được
bình yên, không có biến động, mọi người trong gia đình ổn, mỗi tối được gặp
nhau đầy đủ".
"Trước đây để vui cần nhiều xúc tác, nhiều điều kiện hơn. Giờ đây nó đi kèm
ít tính sở cầu hơn, nhiều sự chấp nhận và thấu hiểu hơn", Việt Tú kết câu trả
lời ngắn của mình.

Tôi hỏi người thứ ba, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán
SSI: "Sự giàu có với anh là gì?". Vẫn cùng logic như hai người trên, lãnh đạo
của công ty đại chúng đứng top 50 của Việt Nam, lại hoạt động trong lĩnh vực
tài chính, có thể bàn về sự giàu có.

Anh Hưng trả lời: "Sự giàu có là khi người ta có thể làm điều mình thích mà
không quan tâm đến tiền nữa". Người có tiền chưa chắc đã là giàu có. Có
người rất nhiều tiền nhưng vẫn đau đầu vì tiền. Nhưng cũng có những người
không có tiền mà cũng chẳng nghĩ đến tiền. Vì thứ họ thích làm không cần
quá nhiều tiền. "Họ được làm điều mình thích, có thể là thích kinh doanh,
nhưng cũng có thể là thích làm từ thiện, thích đi chơi hay thích làm báo... và
trong đầu họ không quan tâm đến tiền nữa".

Tôi hỏi lại anh Hưng, rằng sẽ có rất nhiều người nói sự giàu có của họ đã
biến mất trong năm 2020, anh nghĩ thế nào. Anh Hưng trả lời: "Người giàu có
thực sự, là người không lúc nào có thể cảm thấy mình nghèo trở lại".

Đấy là câu chuyện buổi chiều cuối năm của tôi. Người dẫn gameshow nói
rằng không biết sự may mắn có phải một cái bẫy không. Nhà đạo diễn sân
khấu nổi tiếng nói rằng niềm vui đi kèm với nhiều sự chấp nhận. Và ông chủ
công ty chứng khoán nói rằng giàu có là trong đầu không nghĩ đến tiền.

Đó là cuộc khảo sát cuối cùng của tôi cho năm 2020. Vì năm 2020, chúng ta
sẽ có nhiều cảm xúc trái ngược về ba điều tôi nêu ra. Sẽ có người cảm thấy
rằng bản thân, cộng đồng hay cả hành tinh này đã bị tước đoạt đi may mắn,
niềm vui và sự giàu có trong chốc lát. Nhưng chắc là cũng sẽ có người, vì
cách định nghĩa may mắn, niềm vui và sự giàu có riêng của bản thân, ngoại
cảnh không thể tước đoạt chúng từ họ.
Tôi không định dùng bài viết này để vỗ về độc giả theo kiểu sáo ngữ: hạnh
phúc từ tâm mà ra. Khái quát thế trong năm 2020 là bàng quan. Năm 2020,
sẽ có nhiều người trên hành tinh này ở nhiều thời điểm cảm thấy khổ đau
thực sự, đói khát và tuyệt vọng thực sự - và chúng ta cần sẻ chia điều đó.
Nhưng nếu ai đã đọc Phật, chắc chắn sẽ nhớ một ý quan trọng, rằng "quả dị
thục của nghiệp" - tức là kết quả cuối cùng của nghiệp - "thời không thể nghĩ
đến được". Đó có lẽ là ý mà Giáo sư Xoay muốn nói, rằng chúng ta sẽ cần
nhiều năm nữa để nhìn lại và biết rằng thực sự 2020 đã mang lại cho mình
điều gì; những cái gọi là "cú sốc" hôm nay có cần thiết và quan trọng cho
tương lai hay không, và chúng ta vẫn có quyền hy vọng, trong tư cách một
cộng đồng.

Và cuộc trò chuyện cuối năm còn mang lại cho tôi một suy nghĩ nữa. Đó là
ngoại cảnh có thể lấy đi rất nhiều thứ, nhưng không thể lấy đi hết cảm xúc
tích cực của một con người, nếu như họ thực sự sở hữu chúng. Việc sở hữu
niềm vui và sự giàu có, thực ra luôn là một quá trình tìm kiếm từ bên trong,
chứ không thể mua như đồ vật.

Năm 2021, chúc bạn tìm thấy niềm vui, và trở thành người thực sự giàu có.
Não nhanh hơn tay
“Share” cái gì trên mạng xã hội trong thời đại dịch này là một câu hỏi lớn. Nó
không dễ trả lời.

Không dễ trả lời vì chúng ta biết quá ít về tác động mà đại dịch có thể tạo ra;
vì tâm lý chúng ta lo lắng; vì ta không còn biết cách nào hiệu quả hơn để
chung tay với cộng đồng ngoài việc "share" (chia sẻ) thông tin đến cho mọi
người. Đó là quyền năng tốt đẹp mà thời đại Internet đã mang đến.

Nhưng vừa có ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng, đến chiều thứ Sáu tin tức kiểu "sân
bay Đà Nẵng vỡ trận" đã lan đầy trên mạng, người người rủ nhau đi mua mì
ăn liền. Câu hỏi "nên share gì" lại phải được đặt ra.

Đầu tháng 2/2020, khi WHO và giới chức toàn cầu còn chưa thống nhất được
quan điểm về khẩu trang trong phòng dịch, Góc nhìn đăng một bài của bác sĩ
Võ Xuân Sơn. Trong bài viết đó, bác sĩ Sơn công khai khuyến nghị đeo khẩu
trang.
Lập luận của ông: "Trong y học điều trị, rất nhiều trường hợp, rất nhiều thời
điểm, bác sĩ phải đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm chứ không thể chờ
đợi các kết quả nghiên cứu. Nếu ai cho rằng việc ủng hộ mang khẩu trang
như một biện pháp phòng dịch biến tôi thành "bác sĩ vườn", tôi cũng vui lòng".

Giờ phút này, tôi nghĩ mình có quyền nói đó là lời khuyên đúng. Nhưng tại
sao chúng tôi quyết định đăng một lời kêu gọi hành động của một vị bác sĩ nói
thẳng rằng ông không dựa vào luận cứ khoa học, mà dựa vào kinh nghiệm?
Tôi, người duyệt bài đó, không cho rằng mình hiểu biết hơn WHO. Phải ít
ngày sau bài đó, Bộ Y tế mới chính thức quy định hóa việc đeo khẩu trang
toàn cộng đồng.

Có mấy lý do tôi phát tán thông điệp này: tác giả là người có kinh nghiệm y
học lâm sàng; ông đã suy nghĩ sâu trước khi đưa ra khuyến nghị; và đặc biệt,
ông đưa ra một giải pháp cụ thể và khả thi cho tình huống khẩn cấp.
Bài viết đã lật vấn đề đến hai lần: chưa có nghiên cứu khẳng định tác dụng
không có nghĩa là không tác dụng; và cũng không có cơ sở nào khẳng định
đeo khẩu trang là có hại. Nếu ngày mai, có nghiên cứu khẳng định đeo khẩu
trang làm lây Covid-19 nhanh hơn, thì tôi đành chấp nhận rủi ro cùng với anh
Sơn.

Bạn có thể tự hỏi rằng trong những gì mình đã share trên mạng xã hội suốt
nửa năm qua liên quan đến đại dịch, có bao nhiêu tin tức và lời kêu gọi hội đủ
ba yếu tố: đã qua quá trình phản biện; người phản biện có kinh nghiệm trong
vấn đề bàn tới; và cuối cùng đưa ra giải pháp khả thi?

Bạn có thể nói mình không phải là biên tập viên. Chúng tôi ăn lương toàn thời
gian để "phụng sự độc giả". Còn bạn không có trách nhiệm phải đấu tranh
nửa ngày để quyết định "share" thứ gì đó trên facebook.

Nhưng ngay lúc này, mỗi người trong chúng ta đều là một chiến binh chống
dịch. Hoặc ngược lại, trong giây phút ta có thể thành một Mỵ Châu, hủy hoại
cơ đồ quốc gia vì niềm tin chất phác.

Covid-19 khiến mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng.
Ngày thường, thể trạng xã hội khỏe mạnh và năng lực tự điều chỉnh cao.
Nhưng cơ thể xã hội đang yếu. Nó mẫn cảm với thông tin và các lời kêu gọi.
Có một số tiêu chuẩn của chia sẻ nội dung trên mạng buộc phải được nâng
lên.

Các nhà khoa học Mỹ mấy tháng trước đã tìm đến khoa học thần kinh để tìm
hiểu xem tin tức kiểu gì thì "hiệu quả" cho chống dịch. Một phòng thí nghiệm
tại Texas đeo máy điện não đồ cho tình nguyện viên và cho họ xem tin tức về
Covid-19. Kết quả chỉ ra khán giả rất chú ý đến các tin tức kinh hãi vào lúc
đầu, như nhà xác hết chỗ hoặc tình cảnh thảm họa tại Italy. Nhưng não họ sẽ
ngừng xử lý tin này khi nhận ra mình bị quá tải.
Ngược lại, họ sẽ dành sự chú ý liên tục đến các video có màu sắc hy vọng,
hoặc liên quan trực tiếp đến bản thân. Có một video của CDC Mỹ nhận được
sự chú ý không thay đổi. Nó nói về sự nguy hiểm của Covid với người có
bệnh lý nền. Sau khi xem xong video này, tình nguyện viên tự nói: "Tôi có
quen biết ai đó bị hen, ai đó có vấn đề tim mạch hoặc tiểu đường". Nó cho họ
cảm giác mình có thể hành động.

Luôn có loại thông tin tạo ra tác động thực tiễn và loại chỉ làm suy giảm sức
chú ý. Thêm nhiệm vụ cho những bộ não căng thẳng chỉ làm nó kém hiệu
suất. Trong khi nhà đang khốn đốn bao việc, từ cứu doanh nghiệp; phòng
dịch; giữ công ăn việc làm; cân đối chi tiêu và đầu tư... thì việc có ai đó cứ hô
lên "Toang rồi" cho vui mồm rất đáng sợ.

Nhưng thế nào là thứ đáng share, thứ nào không nên vẫn là một ranh giới mơ
hồ. Động cơ của đa số người dùng mạng nói chung là tốt. Không phải ai cũng
"câu likes", bạn chỉ muốn đưa thêm thông tin nhanh chóng đến cộng đồng để
mọi người quyết định trong cảnh khó khăn. Bạn không phải là nhà báo
chuyên nghiệp, cũng không có quan hệ trong chính phủ và không có thời gian
đâu mà đi xác minh. Ranh giới giữa tin nào có tác động tốt và xấu thì đến giới
khoa học người ta còn cãi nhau.

Làm sao để giải quyết nghịch lý này? Làm thế nào để không tự biến mình
thành Mỵ Châu khi "chơi mạng"?

Có mấy khuyến nghị hành động ngắn liên quan đến thông tin bạn có thể tham
khảo những ngày này. Có 3 yếu tố cơ bản cần cân nhắc trước khi bạn quyết
định phát tán một thông tin hoặc thông điệp.

Đầu tiên, nguồn của tin tức này là gì. Mạng xã hội vẫn là công cụ hiệu quả
để lan truyền các tin tức liên quan đến đại dịch, và thực tế Việt Nam còn là
một điển hình tiên tiến của thế giới về dùng mạng xã hội chống dịch (sau điệu
nhảy rửa tay của Quang Đăng). Người dân vẫn lên mạng xã hội tìm kiếm và
chia sẻ các thông điệp về Covid. Nhưng ngay cả khi bạn chia sẻ thông tin từ
một cá nhân trên mạng, bạn cũng có quyền tự hỏi: Người này là ai? Họ có
kinh nghiệm về vấn đề không?
Họ là bác sĩ, cán bộ cảng hàng không hay là chuyên gia kinh tế vi mô? Hay là
bạn sẽ "forward" cả một bức ảnh từ cậu bạn cùng khóa đã 10 năm không
gặp, chỉ vì cậu này có cửa hàng bán hải sản ở Sơn Trà, Đà Nẵng? Bạn chia
sẻ tin từ anh chủ hãng vận tải vì anh ấy biết nhiều lái xe đường dài? Bản thân
họ cũng có phải nguồn của tin tức không? Hay mới hóng được? Đừng cho dạ
dày ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, và não cũng vậy.

Câu hỏi tiếp theo, thông điệp này đã được phản biện đủ nhiều hay chưa.
Ngày nay, trước sự hấp dẫn của mạng xã hội, ngay cả một chuyên gia tên
tuổi cũng có thể nói khi nghĩ chưa kỹ. Nhu cầu tỏ ra thạo tin, được hít một
bi likes cho đỡ nghiện là không của riêng ai.
Việc phân biệt này thật ra không khó: hàm lượng phản biện thể hiện ngay
trong nội dung bạn muốn chia sẻ. Trong bài được nhắc ở đầu, bác sĩ Sơn đã
dành 900 chữ trong tổng số 1.369 chữ để viết riêng về việc đeo khẩu trang,
trong đó có tổng cộng 11 đoạn lập luận. Tôi tin người như vậy. Tôi không tin
ai đó phát biểu 20 chữ kèm một cái ảnh mờ mịt, kể cả họ có tên là Elon Musk
hay Donald Trump. Tiếc rằng quá nhiều người sẵn sàng chia sẻ một dòng
trạng thái chỉ 2 chữ ("Toang rồi").

Cuối cùng, quan trọng nhất, hãy tự hỏi chúng ta có thể phản ứng cụ thể ra
sao trước thông điệp này. Có những thông tin trông có vẻ rất hệ trọng nhưng
rốt cục chúng ta không biết làm thế nào với nó. Nó chỉ làm người đọc hoang
mang. Trước khi chia sẻ, bạn cần tự hỏi: "Xong rồi sao nữa?".
Nếu bác sĩ nói: "Kinh nghiệm của tôi cho thấy cần đeo khẩu trang"; thì bạn có
thể đeo khẩu trang, rất đơn giản. Nếu bạn bè của bạn nói: "Đường đi qua
Bạch Mai đang bị chặn", bạn sẽ tìm đường khác. Nhưng nếu ai đó hô hoán
lên: "Cầu Giấy bị phong tỏa rồi" hoặc "Sân bay Đà Nẵng vỡ trận rồi", bạn
share tin đó xong rồi sao nữa? Để làm gì? Để ai đang ở Cầu Giấy biết đường
trốn cách ly hay là để người ở Đà Nẵng kịp chạy ra sân bay bon chen?
Tóm lại, bạn không cần phải có khả năng phân biệt tin giả hay thông điệp có
đủ khoa học hay không. Các tờ báo đôi lúc còn sơ suất trong việc đó. Bạn chỉ
cần dành đúng 10 giây để tự hỏi 3 điều: Thông điệp này ở đâu ra; Nó được
tạo ra đủ trách nhiệm hay không; Và rốt cục thì chia sẻ để làm gì, giúp được
ai. Chỉ mười giây, bạn sẽ lọc được hằng hà sa số những thứ trôi nổi trên
mạng.

Tay con người ta về lý thuyết không thể nhanh hơn não được. Chỉ là não có
làm việc hay không mà thôi.

Còn nếu não bạn thực sự nói rằng tôi đang cần hít một bi likes cho đỡ
nghiện, thì thôi bạn cứ thực hiện, và chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện cho xã
hội qua đẫn này.

You might also like