You are on page 1of 9

Các bạn mà follow mình lâu năm rồi thì chắc sẽ thỉnh thoảng thấy mình phát ngôn

mấy
câu rất “anti” đẻ con nhưng đâu phải đâu. Sự thật là cũng có nhiều người khi gặp mình thì tò
mò hỏi, hoặc thậm chí gay gắt tranh luận, phản đối các lý luận của mình về vấn đề này. Bản
thân mình cũng đã muốn viết 1 bài thế này khá lâu rồi, nhưng vì quá bận, mà đề tài này khá là
gây tranh cãi (còn tranh cãi hơn rất nhiều đề tài làm đám cưới mà mình từng viết), mình thì
đang trong giai đoạn muốn cai bớt các chủ đề dễ gây tranh cãi trên mạng xã hội để cho tâm
hồn thanh thản bớt. Nhưng suy đi nghĩ lại nhiều, sống ở cái đất Hà Nội này nhiều, mình càng
ngày càng cảm thấy có lẽ cần phải nói, ai đồng cảm được thì đồng cảm, không thì mình cũng
đành chịu.
Mình phải rào trước ngay luôn từ bây giờ là mình không phản đối việc đẻ con của bất
cứ ai. Đối với mình việc sinh con đẻ cái không chỉ là quyền bất khả xâm phạm của mọi người,
là lựa chọn cá nhân, mà còn một phần nào đó có thể coi là trách nhiệm đối với xã hội. Mình
cũng là một người khá gay gắt với những vấn đề về bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng như các vấn
đề về cải cách giáo dục, đặc biệt còn vì vợ mình là thạc sĩ giáo dục, đọc và nghiên cứu khá
nhiều về những vấn đề như vậy. Đối với mình đây là những điều quan trọng trong việc xây
dựng và phát triển một xã hội văn minh và tiến bộ.
Thế nhưng như tất cả chúng ta đều dễ thấy, xã hội Việt Nam của chúng ta nó… không
văn minh và tiến bộ cho lắm, đặc biệt là về thái độ sống và trách nhiệm cộng đồng của một bộ
phận lớn (ko phải tất cả) người dân. Những vấn đề căn bản, tối thiểu, siêu vi mô nhỏ bé như
việc bỏ rác vào thùng, chấp hành luật giao thông, vân vân lại là những thứ mà hầu hết dân số
Việt Nam không có khả năng, hoặc không muốn, không quan tâm đủ để có thể đáp ứng được,
chưa nói đến những vấn đề quan trọng hơn như vấn đề phát triển dân số hay giáo dục trẻ em.
Riêng về vấn đề trẻ em, mình và vợ mình từ trước khi lấy nhau đã có rất nhiều những
cuộc thảo luận, trao đổi mang tính lý trí, thậm chí học thuật về việc có sinh con sau khi kết
hôn hay không. Và cho đến tận thời điểm hiện tại, bọn mình vẫn thống nhất với nhau là sẽ
không/chưa có con trong tương lai gần ít nhất là 5 năm trước mắt. Và hầu hết các cuộc thảo
luận của bọn mình đều xoay quanh 1 số các điểm sau đây:
Bọn mình chưa sẵn sàng, trong ít nhất là 5 năm trước mắt, cả về tâm lý lẫn kinh tế.
Đương nhiên, ở cái lứa tuổi này của bọn mình, có rất nhiều bạn bè xung quanh, có cả các bạn
trẻ tuổi hơn đã có đến con thứ 2 thứ 3. Khi nhìn vào các gia đình đó, khi nói chuyện với họ về
trải nghiệm, kinh nghiệm về việc sinh đẻ, nuôi con, những điều vui và những khó khan của
nó, cả về tâm lý, sức khỏe, lẫn kinh tế, thì cả 2 bọn mình đều đi đến kết luận là sinh con là một
sự hi sinh hoàn toàn cuộc sống cá nhân của mình, 24/7, trong ít nhất là 18-25 năm của cuộc
đời mình. Đây là một công việc toàn thời gian, là ưu tiên trên mọi thứ trong cuộc sống, những
thứ cá nhân như công việc, sở thích riêng sẽ trở thành phụ, hoặc sẽ phải gạt bỏ hết để chỉ tập
trung dành hết sức lực, tâm huyết, tình yêu cho con. Khi đó sẽ không còn tồn tại “mình”, khi
đó thì cuộc đời mình 100% sẽ chỉ còn có dành cho con mà thôi. Và cả 2 bọn mình đều cảm
thấy không sẵn sàng (thật ra chủ yếu là không muốn) cho những sự hi sinh khủng khiếp đó.
Lý do đầu tiên là vì bản thân bọn mình đã đi học hết cả cuộc đời, và chỉ mới rời khỏi
vòng tay bố mẹ được chưa tới 5 năm, chưa kịp hết “trẻ con”, chưa kịp “sống” đúng với cái con
người thật sự của mình, cái con người mà đã mất hết hơn 27 năm bố mẹ nuôi mới hơi hơi hình
thành được 1 chút tròn trịa, chưa kịp làm những gì mình muốn, chơi những thứ mình thích.
Thế mà lại bảo là bây giờ phải vứt hết tất cả đi để hi sinh, để dành hết 25 năm phần cuộc đời
tiếp theo của mình cho một con người khác, thì thật sự là mình không chấp nhận được. Quá
bất công và vô lý. Là một sự hi sinh quá lớn mà mình không đủ dũng cảm (và không muốn)
để làm được.
Bản thân ngay lúc này, nhà chỉ có 2 đứa, mà mỗi ngày đi làm về bọn mình đều đã cảm
thấy kiệt sức, mệt mỏi không tưởng, đến bữa cơm còn nhiều khi cảm thấy không muốn nấu để
tự cho mình ăn, chưa nói đến những hoạt động khác như tập thể dục thể thao (làm gì còn
sức/thời gian mà tập). Nhiều hôm về nhà, cố gắng lắm để nấu một bữa cơm (nhiều khi còn
mua sẵn thịt nấu ở ngoài), rồi ăn uống rửa bát, giặt giũ, dọn nhà, đổ rác, vân vân, thế là đã
cũng đã 10h, hôm nào về muộn thì làm việc nhà đến nửa đêm luôn. Xong xuôi chỉ muốn dành
ít thời gian để hoặc là xem 1 cái phim mình thích mà đã ấp ủ suốt bao lâu, hoặc vẽ một chút
những cái cá nhân mình muốn mà lúc đi làm không có cơ hội vẽ, nhưng nhiều khi cũng chẳng
được, vì phải đi ngủ sớm để sáng mai còn đi làm sớm, hoặc cũng hết xừ sức lực rồi, còn vẽ
vời phim phủng gì nữa, có mà vừa xem vừa ngủ.
Dạo gần đây 2 đứa cũng mới nhận thêm con mèo, và thế là đã đủ là lý do để thỉnh
thoảng có thêm những cuộc cãi vã vì con mèo mà trước kia chưa bao giờ có, thêm những cái
việc nhà mới mà trước kia chưa bao giờ có, thêm những căng thẳng mà trước kia chưa bao giờ
có. Mới chỉ là con mèo với nhu cầu ăn uống, ỉa đái siêu đơn giản, một con mèo rất độc lập,
không giống như con chó rất quấn người, mà đã cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều
và cả 2 đều phải có những điều chỉnh nhất định để quen được sau vài tháng nuôi nó. Thế mà
bây giờ lại bảo là bắt vợ mang thai 9 tháng đau đớn, banh chân ra đau đớn đẻ, xong rồi nuôi
hẳn 1 con người, 1 cuộc đời mới, 1 cái trách nhiệm lớn như thế làm sao có thể coi nhẹ? Làm
sao có thể nói một cách nhẹ như lông hồng là “trời sinh voi sinh cỏ”, “cứ đẻ rồi sẽ yêu, cứ đẻ
rồi sẽ biết nuôi”, “ngày xưa bố mẹ làm được thì làm gì mà bây giờ ko làm được”, “đẻ cho vui
nhà vui cửa”, “đẻ cho ông bà có cháu bế”.
Nên nhớ, một đứa trẻ không phải là 1 món đồ chơi, không phải trò đùa, đây là một con
người, “CON NGƯỜI” ấy, với một bộ não hoàn toàn độc lập, tách biệt, hoàn toàn không liên
quan gì đến mình, với 1 cuộc đời phía trước mắt hoàn toàn mới với đầy đủ những tiềm năng
để đóng góp cho xã hội, hoặc phá hoại xã hội, chẳng ai có thể nói trước được. Một đứa trẻ
không phải con mèo, không phải món đồ chơi chỉ để cho vui.
Bọn mình thường xuyên được nghe những luận điểm như thế này “Đẻ ra rồi sẽ biết
nuôi”. Ủa sao mọi người biết? Lấy cơ sở đâu khẳng định 100% là mọi người đẻ được nuôi
được thì tức là nhà mình cũng đẻ được nuôi được? Nên nhớ là ngoài xã hội có đầy những gia
đình sinh con ra trở nên bất hạnh, ly tán, vợ chồng bỏ nhau, không còn yêu nhau, dằn vặt căm
ghét nhau cả đời, suốt ngày lấy đứa con ra làm món nợ để bắt vạ nhau, những gia đình mà vì
có đứa con mà không còn cuộc sống cá nhân, phải đối phó với bố mẹ thông gia, họ hàng,
những người thích chen vào ý kiến, ý cò hoành họe đủ đường, những gia đình đẻ con ra không
thể nuôi được, đem ném đứa trẻ vào chùa, vào thùng rác, thậm chí giết chết đứa trẻ, những gia
đình đẻ con ra không biết cách nuôi, để chúng nó lớn lên thiếu giáo dục, mắc đủ các loại bệnh
từ bệnh sinh học cho tới bệnh tâm lý, thậm chí trở thành những thành phần gây nguy hiểm cho
xã hội, hoặc nhẹ nhàng hơn thì là chạy nhảy gào thét như một lũ khỉ xổng chuồng ở khắp các
nơi công cộng như nhà hàng, rạp chiếu phim, siêu thị, những gia đình mà ông bà bố mẹ xích
mích, giành giật quyền nuôi cháu, can thiệp vô lý, tan cửa nát nhà, những gia đình vật vã chạy
chọt nợ nần chồng chất để kiếm tiền cho con đi học trường quốc tế, trường xịn, ăn ngon, mặc
đẹp, vân vân. Dựa vào đâu, cơ sở nào để khẳng định 100% khi bọn mình sinh con sẽ không
rơi vào các trường hợp như thế, nhất là trên cơ sở là cả 2 bọn mình đều KHÔNG MUỐN có
con, và chỉ đơn giản là sinh con ra “cho xong”, hoặc để chiều lòng ông bà, họ hàng? Ai sẽ là
người đảm bảo cho bọn mình điều đó?
Một luận điểm khác mà bọn mình cũng thường xuyên được nghe đó là “như thế là ích
kỷ, không biết thương bố mẹ, bố mẹ dù sao cũng muốn có cháu bế, ông bà còn trẻ đẻ sớm ông
bà chăm cho”. Câu hỏi đặt ra của mình là, vậy đứa con sinh ra là cho mình hay cho ông bà? 9
tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, ra viện vào viện thì ai đau? Ông bà bế cháu vui một vài hôm,
còn 25 năm nuôi con thì ai làm? Bây giờ mình đẻ con ra mình hoàn toàn không nuôi tí nào,
vứt hết cho ông bà nuôi như con luôn thì có được không? Ông bà muốn nuôi cháu hộ mình
hẳn luôn hay chỉ muốn ôm hôn vui vẻ 1 vài ngày cuối tuần, 1 vài ngày lễ tết? Ông bà có nuối
cháu cho mình mãi mãi được không? Ông bà có trả tiền cho cháu đi học trường quốc tế không,
ông bà có trả tiền ăn uống, quần áo, chơi bời không, ông bà có lo được những lúc cháu bệnh
tật ốm yếu cấp cứu không? Đến lúc ông bà phải lo những chuyện đó ông bà có trách bọn mình
là sinh con ra không biết nuôi không, nhất là khi mình không muốn sinh đứa con ra, và hoàn
toàn sinh con ra chỉ vì chiều lòng ông bà thôi? Nói phỉ phui, nhưng nhỡ ông bà có mệnh hệ gì,
thì cháu để cho ai nuôi? Trong câu chuyện này thì ai là người ích kỷ ở đây? Trong câu chuyện
này, ai là người không biết thương ai?
Ví dụ nhé, nếu như nói là sinh con ra cho ông bà, thì mình sẽ sinh con ra và đem cho
luôn ông bà, để ông bà nuôi, mình sẽ từ bỏ 100% trách nhiệm bố mẹ, hoàn toàn không làm bất
cứ thứ gì, không trả 1 xu nào để nuôi, không cho ăn cho mặc cho tắm rửa học hành, không gì
hết, coi như không tồn tại trong cuộc đời đứa con mình, bởi vì đấy đâu phải lựa chọn của mình
đâu, sinh con ra cho ông bà mà, ai là người muốn thì người đó chịu trách nhiệm chứ? Tại sao
bắt mình làm việc mình không muốn làm xong lại bắt mình chịu trách nhiệm? Như thế có được
không? Như thế có phải là thương bố mẹ không? Có bất hiếu không? Xong mình nghĩ là,
những ông bố bà mẹ sinh con ra, rồi mang ra nhà hàng, rạp chiếu phim, nơi công cộng nói
chung rồi để cho chúng nó chạy khắp nơi, gào thét như một lũ động rồ, làm ảnh hưởng đến
người khác, đến lúc bị nhắc thì lại phản ứng lại, hẳn chính là những người vốn không muốn
có con, không sẵn sàng nuôi con, không có ý định học cách dạy con, nhưng vẫn đẻ 2, 3 con
hoàn toàn chỉ để chiều lòng ông bà họ hàng. Và nhờ có những người thế này mà xã hội Việt
Nam thật là khó để có thể trở nên tiến bộ, vì người ta đẻ con như một trò chơi, nhẹ như lông
hồng, mà không hề quan tâm đến những hậu quả của việc đẻ con thiếu trách nhiệm nó khủng
khiếp đến thế nào. Vì người ta chỉ biết mỗi bản thân mình, và không quan tâm đến những
người khác. Đối với mình, ĐÓ MỚI LÀ ÍCH KỶ.
Còn những gia đình mà sinh con ra, 2 vợ chồng vì đẻ con mà xích mích chuyện người
thì vất vả nuôi con, người thì thờ ơ, kệ, ko bao giờ có mặt, người thì quá nặng nề với con,
người thì quá chiều chuộng vô lối, hai người đi ngoại tình, vân vân, về cơ bản là cuộc sống
hôn nhân của mỗi người trở nên bất hạnh cùng cực, đầy rẫy sự nhục nhã, cay đắng mà không
ai có thể (hoặc ko dám) tự giải thoát cho mình, và vì phải hi sinh cá nhân nên không thể làm
những điều mình muốn, mình đam mê, yêu thích, vì không còn sức, không còn thời gian, và
nói chung là BẤT HẠNH. Vậy thì lúc đó đẻ con ra cho “vui nhà” nào? “Vui cửa” nào? Đối
với mình, đó là một sự đánh cược quá nhiều rủi ro mà mình không có nhu cầu tham gia.
Có những lúc mình còn được nghe mọi người bảo mình là “ai cũng như chúng mày thì
xã hội đi về đâu”. Xong mình nghĩ là, vấn đề là làm gì có ai như mình? Tất nhiên là có những
người như mình, nhưng những người như mình chiếm đa số hay thiểu số trong xã hội Việt
Nam nói riêng và thế giới nói chung? Lúc ra siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim,
nhà hàng, bạn có thấy xã hội Việt Nam có dấu hiệu gì là người ta ít đẻ đi không? Thậm chí là,
nếu như đẻ con ra với những tư duy vô trách nhiệm, không đủ sự trang bị, không đủ tình yêu
thương, không sẵn sàng để hi sinh toàn bộ cuộc đời của mình, để rồi ra đường đèo con kẹp 4
không đội mũ bảo hiểm đi ngược chiều, hoặc để cho con vào nhà người khác ăn trực, đập phá
đồ đạc, chạy nhảy ầm ĩ, xong rồi giáo hoảnh “thông cảm đi, trẻ con biết gì”, thì mình cho là
có khi nên bớt đẻ đi có khi mới là tốt cho xã hội. Vì chắc chắn là một xã hội phát triển, nhân
văn thì sẽ không có, hoặc ít những cá nhân thiếu giáo dục, bố đời, mẹ thiên hạ, không biết cư
xử, không biết nghĩ tới người khác ở nơi công cộng, không biết tôn trọng sự khác biệt mà cứ
thích chen vào bình phẩm, đánh giá lựa chọn của người khác đẻ hay không đẻ, làm hay không
làm đám cưới, những cá nhân vô công rồi nghề không biết làm gì ngoài việc lên mạng làm
những trò dở người, sản xuất những nội dung độc hại để đầu độc những đứa trẻ khác, những
cá nhân lớn lên thay vì trong sự yêu thương và nâng niu của bố mẹ thì lớn lên với cái ipad,
iphone, những cá nhân ra đường huênh hoang khệnh khạng khoe quan hệ, những cá nhân
hoang tưởng tột độ nghĩ mình là thần đồng xuất chúng hơn cả xã hội. Bởi vì đó chính là những
cá nhân được sinh ra và nuôi lớn bởi 1 xã hội đẻ chỉ để đạt chỉ tiêu, cho xong chuyện, cho ông
bà, cho vui nhà vui cửa, để nối dõi tông đường, thậm chí còn vô trách nhiệm hơn, là vì đã lỡ
có bầu rồi nên cưới nhau rồi đẻ vậy.
Nói cho vui nhưng cứ khi nào đụng đến cái vấn đề “nối dõi tông đường” thì mình lại
chỉ phì cười rồi nghĩ “tông đường có cái gì hay mà nối?” Vì đấy là ở đây còn chưa bàn đến
những vấn đề cân bằng/công bằng giới tính như sự vô lý của việc đứa con đẻ ra auto lấy họ bố
(?), áp lực của việc đẻ con trai thì mới là tốt, là hoành tráng, còn đẻ con gái thì người vợ sẽ
được gọi là “con lợn không biết đẻ”, hoặc nếu vô sinh thì sẽ bị gọi là “cau điếc”. Nhưng đó có
lẽ là một chủ đề khác mất rồi.
Một vấn đề khác, đó chính là “vấn nạn” phá thai trong xã hội. Tại sao lại gọi là “vấn
nạn”? Cái việc người phụ nữ phá cái thai mà cô ấy chưa sẵn sàng, không đủ khả năng tâm lý,
sức khỏe, kinh tế để khi sinh ra có thể chăm nuôi nó một mình thì có gì sai trái? Tại sao lại bắt
cô ấy phải hi sinh bản thân mình để chăm lo cho một con người hoàn toàn mới trong suốt phần
đời còn lại của mình, mặc dù rất có thể đứa trẻ trong bụng cô ấy là sản phẩm của cưỡng hiếp,
của sự bất cẩn khi quan hệ không an toàn, của một người đàn ông đã bỏ rơi cô ấy? Rồi khi đứa
trẻ được sinh ra, vì quá cùng quẫn, cô ấy vứt nó đi, vứt thùng rác, vứt nhà chùa, nhà thờ, thậm
chí cay đắng hơn là giết con, thì cuối cùng cả xã hội lại lên án người phụ nữ là độc ác, vô nhân
tính? Có vô lý không khi xã hội bắt người ta phải làm cái việc người ta không muốn làm,
không thể làm, rồi để đến khi người ta làm rồi thì cả xã hội không còn ai chịu trách nhiệm nữa,
mà lại bắt người ta tự chịu trách nhiệm? Người ta phá thai vì người ta không đủ sẵn sàng về
mọi mặt để nuôi nó, và không có bất cứ ai khác trong xã hội nhận cái trách nhiệm nuôi đứa trẻ
đó. Người ta ném con đi vì họ không dám phá thai, vì sợ như thế là “thất đức” theo tiêu chuẩn
của những người khác ngoài mình.
Mình còn rất bực mình mỗi khi mà mình góp ý về việc các bố mẹ để cho con mình gây
ra phiền toái tới cộng đồng như gây tiếng ồn, đùa nghịch làm hỏng đồ đạc, của công, gây cản
trở nguy hiểm giao thông, thì thường xuyên nhận được cái phản ứng rất phổ biến là “thông
cảm trẻ con ko biết gì”, “đúng là chưa có con nên không biết gì”, blah blah. Những lúc như
thế mình chỉ muốn nói với họ rằng: Tại sao tôi lại phải thông cảm cho cái quyết định và lựa
chọn cá nhân của anh chị (ở đây là sinh con) để rồi không biết dạy con, không biết trông con,
nuôi con để cho nó gây hại đến người khác? Khi con anh chị hư vì lỗi tại anh chị, làm cho
cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn, ví dụ như gây tiếng ồn hàng ngày vào giai đoạn cách
ly xã hội, thì ai thông cảm cho cuộc sống của tôi, mặc dù tôi đâu có ép anh chị đẻ con? Còn
với câu “chưa có con nên không biết gì”, thì mình rất muốn trả lời là “vì biết là có con nó thành
ra như thế này nên tôi mới quyết định không có con đấy ạ.” Còn có cả những comment rất
buồn cười kiểu “không có con sướng nhỉ, không phải abc, xyz này nọ”, cứ như thể là ông trời
ban cho mình cái sự “sướng” đó, như kiểu nó rơi từ trên trời xuống, do mình ăn may, chó ngáp
phải ruồi nên mới sướng được như thế. Trong khi sự thật là mình “sướng” như thế hoàn toàn
là do lựa chọn cá nhân của mình. Và nếu như bạn sinh con ra để rồi nhìn cuộc sống của người
khác để thốt ra câu “sướng nhỉ” một cách ghen tị như thế thì mình e là lựa chọn của bạn có lẽ
là đã không làm cho bạn được hạnh phúc như bạn mong đợi rồi.
Nhắc lại lần nữa, mình không phản đối đẻ con, vì mình vẫn cho rằng đẻ hay không
100% là quyền quyết định của 2 vợ chồng, là lựa chọn cá nhân, có sự đồng thuận của 2 người,
chứ không phải của bất cứ ai, bất kể có huyết thống đến thế nào đi nữa, vì trách nhiệm nuôi
con suy cho cùng, cũng chỉ là của 2 vợ chồng, chứ chẳng có ai chịu trách nhiệm hộ cho được.
Trong nhiều trường hợp, thậm chí lựa chọn tối cao nhất của việc sinh con chỉ ở người phụ nữ,
chứ không phải là người đàn ông, vì người phụ nữ mới là người mang nặng đẻ đau, và lúc sinh
ra đứa trẻ rồi cũng là người có trách nhiệm nuôi con nhiều nhất.
Nhưng quan trọng hơn trong chuyện đẻ con, nó không phải là đẻ hay không đẻ, mà là
ở lựa chọn làm sao cho có trách nhiệm nhất với lựa chọn đó của mình. Với gia đình mình, thì
bọn mình đã có những sự chuẩn bị tâm lý cho lựa chọn của bọn mình, và bọn mình sẵn sàng
chịu trách nhiệm cho cuộc đời của riêng bọn mình. Nhưng với những gia đình khác, cái mình
muốn cổ vũ, đó là việc nâng cao trách nhiệm của mọi người khi đưa ra quyết định đẻ con. Một
đứa trẻ con không phải là trò đùa, không phải cho vui, đây là một mạng sống, một cuộc đời
hoàn toàn mới, một con người độc lập, một bộ não độc lập, nó là 1 trách nhiệm, 1 sự hi sinh
trong suốt hơn 20 năm cuộc đời của mình, một cá thể và thành viên mới đóng góp vào trong
xã hội, nó không hề đơn giản, và nó không nên là một quyết định chóng vánh, vì đã lỡ, hay vì
người khác quyết định hộ mình. Hãy sinh con khi bạn và bạn đời của bạn cảm thấy bạn đã sẵn
sàng, về tâm lý là đã sẵn sàng vứt bỏ tất cả những gì thuộc về cá nhân, để dành toàn bộ thời
gian cho một con người khác không phải mình, về kinh tế đã sẵn sàng để trang trải cho cuộc
sống của cả 3-4 người trong gia đình trong suốt hơn 20 năm phía trước, về kiến thức đã đủ
trang bị để sẵn sàng đối mặt với những vấn đề cực kỳ phức tạp, xa lạ trong việc nuôi con như
sức khỏe, ăn uống, học tập, đạo đức, vân vân, về trách nhiệm với phần còn lại của xã hội đã
sẵn sàng để nuôi con mình trở thành một thành viên có tác động tích cực đến xã hội chứ không
phải là làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Hãy bắt đầu vứt bỏ bớt những quan
niệm cũ kỹ, hủ lậu, và giảm bớt những gánh nặng, áp lực không nên có lên nhau, những điều
mà làm mất đi hạnh phúc của nhau trong cuộc đời vốn đã đủ nặng nề này rồi.
Tối qua ngồi gõ một cách rất nhanh bài này, ko bao giờ nghĩ là có nhiều sự đồng cảm
đến vậy. Mình còn đã chuẩn bị tâm lý là sẽ bị hàng trăm người vào phản đối, lên án, nên mình
còn tắt cả noti đi. Có lẽ những comment đồng cảm ở đây và các share cũng đã đủ phản ánh 1
thực trạng có thật về một thứ áp lực đang đè nặng lên và làm giảm bớt “hạnh phúc” của rất
nhiều người. Thế nhưng mình xin phép ko accept friend của mọi người, cũng như xoá các
comment tag bạn bè vào đây, vì mình ko phải người nổi tiếng, blogger, ko phải influencer, và
mình cũng ko có ý định trở thành người như vậy. Mình chỉ đơn giản là muốn tìm sự đồng cảm
từ các bạn bè của mình, những người có cùng quan điểm, sau nhiều năm nghe và chịu đựng
những áp lực như vậy đến từ rất nhiều nơi mà thôi, đặc biệt là những lúc mình chỉ muốn đi
chơi thư giãn nghỉ ngơi như đi xem phim. Mình phải viết bài dài dòng luận điểm này nọ thế
này vì post status ngắn nó ko đủ ý, nó cảm tính, ko đủ thuyết phục, mọi người lại cũng ko đồng
ý, cho là mình “lệch lạc”.
Một lần nữa mình khẳng định lại là mình ko phản đối các bạn đẻ con, đó là quyền của
mỗi người, mình cũng ko tuyên truyền và cổ vũ các bạn là các bạn ơi đừng đẻ nữa, mình thậm
chí còn vui khi các bạn có con là khác, và mình rất mong là các bạn đã có con rồi hãy cố gắng
yêu thương, nuôi dạy con cho tốt, và thông cảm với những người như mình một chút. Tại sao
thì bài mình đã nói rồi. Ko phải tự nhiên mình hững lên than thở kêu ca, cũng ko phải tự nhiên
mình nghĩ ra những thứ thế này để chia sẻ lên fb cá nhân của mình, nó đến từ trực tiếp trải
nghiệm cá nhân và những người mình quen biết thôi, cũng chẳng phải cực đoan gì đâu. Hi
vọng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn.
(Theo FB H*H* Hoàng)

Yêu cầu:

Xác định mô hình lập luận của bài viết trên.

(Giả sử) Nhóm bạn không đồng tình với quan điểm này, hãy xây dựng một lập luận để
phản biện.

Lưu ý 1: Cả 2 lập luận (của bài viết trên và của nhóm) đều thiết lập ở dạng sơ đồ hoá ngắn
gọn.

Lưu ý 2: Bài viết không thể hiện quan điểm của giảng viên, không định hướng quan điểm
cho người học, chỉ dùng để thực hành về nội dung Lập luận.

You might also like