You are on page 1of 16

TRƯỜNG ĐẠI HỌC YERSIN ĐÀ LẠT

KHOA DƯỢC
----  ----

TIỂU LUẬN DƯỢC LIỆU

Chủ Đề: Trình bày về dược liệu


Cây Thiên Niên Kiện (Homalomena occulta)

Họ tên : NGUYỄN THỊ THU TRANG


MSSV : 2305102053
Lớp : DƯỢC K7
LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành bài tiểu luận này, em xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiêu, các
khoa, phòng và quý Thầy, Cô của trường Đại học Yersin Đà Lạt, những người đã tận
tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho em trong quá trình học tập. Đặc biệt, em xin gửi lời
cảm ơn sâu sắc đến Tiến sĩ Lê Bá Vinh - người đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn
em thực hiện bài tiểu luận này bằng tất cả lòng nhiệt tình và sự quan tâm sâu sắc.

Thời gian được tham gia học tập và thực hành môn Dược liệu tuy không quá dài
nhưng nhờ có sự chỉ dẫn tận tâm của các Thầy, Cô mà em có được một số kiến thức
nền tảng về các loài dược liệu, vừa tăng sự hiểu biết lại vừa có thể áp dụng vào đời
sống thực tế. Đó là điều em rất trân trọng và biết ơn.

Trong quá trình thực hiện bài tiểu luận này, do hiểu biết còn nhiều hạn chế nên bài
làm khó tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được những lời góp ý của
Thầy, Cô để bài tiểu luận được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

1
MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN .................................................................................................................. 1
I. Đặt vấn đề: ................................................................................................................ 3
II. Tổng quan về dược liệu: ..................................................................................... 5
1. Đặc điểm thực vật: .............................................................................................. 5
1.1. Phân bố:....................................................................................................... 5
1.2. Mô tả cây:.................................................................................................... 6
1.3. Bộ phận dùng: ............................................................................................. 6
1.4. Trồng trọt và thu hái: .................................................................................. 6
2. Thành phần hóa học:........................................................................................... 7
2.1. Sesquiterpen: ............................................................................................... 7
2.2. Tinh dầu: ..................................................................................................... 7
2.3. Các hợp chất khác: ...................................................................................... 8
3. Hoạt tính sinh học: .............................................................................................. 8

4. Tác dụng dược lý và ứng dụng: .......................................................................... 9

4.1. Tác dụng:..................................................................................................... 9


4.2. Ứng dụng: ................................................................................................. 10

4.3. Lưu ý khi sử dụng Thiên niên kiện:.......................................................... 12

III. Kết luận:........................................................................................................... 14


IV. Giải pháp: ................................................................................................................ 15

2
I. Đặt vấn đề:

Việt Nam ta là một đất nước có nhiều tài nguyên quý phải kể đến như: Rừng, thủy
hải sản, khoáng sản, du lịch,…Và nguồn dược liệu ở nước ta cũng là một nguồn tài
nguyên rất quý giá, tốt cho sức khỏe con người. Điều kiện thiên nhiên ở nước ta là một
sự ưu đãi, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và hệ sinh thái phong phú đa dạng là điều kiện
thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu. Nguồn dược liệu ở Việt Nam ta còn quý bởi
hàng ngàn bài thuốc dân gian đã được cha ông ta phát hiện, tích lũy và lưu truyền qua
nhiều đời, có tác dụng bảo vệ sức khỏe và điều trị bệnh cho con người.

Hiện nay việc điều trị bệnh còn có sự tham gia của Tây y - các loại thuốc Tây ở dạng
dung dịch hoặc viên nén được cô đọng lại từ một chất hoặc hỗn hợp các chất. Nhiều
người sử dụng thuốc Tây để điều trị bệnh vì độ hiệu quả và vì tính tiện lợi, gọn của
chúng. Thuốc Tây đã được bào chế sẵn ở dạng dùng được ngay và có Bác sĩ kê đơn
sẵn chỉ cần uống theo hướng dẫn; với những bệnh không quá phức tạp và nguy hiểm
thuốc thường có tác dụng điều trị chỉ sau một vài ngày sử dụng. K loại thuốc Nam
thường bán ở thành phẩm được cân đong, phân chia sẵn liều sử dụng, người dùng phải
về tự chế biến, nấu, sắc hoặc ngâm thành thuốc để sử dụng; điều này sẽ tốn thời gian
hơn và thuốc cũng đạt hiệu quả điều trị chậm hơn so với thuốc Tây. Tuy nhiên, với
phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, vẫn nhiều người chọn sử dụng các bài thuốc
dân gian vì một phần kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, và vì một số bài thuốc
dân gian có thể sử dụng thời gian dài như một thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Với lối sống hiện đại ngày nay, hầu như mọi người đều dành phần lớn sự tập trung
và thời gian của mình vào việc học hành, kiếm tiền, phát triển tri thức mà quên mất sức
khỏe của mình cũng rất quan trọng. Vì thế mà gây ra rất nhiều chứng bệnh, nhất là độ
tuổi trẻ bây giờ cũng đã xuất hiện những chứng bệnh mà những người trung niên mới
thường có, đó là các bệnh về đau nhức xương khớp, đau mỏi cổ vai gáy, thoái hóa cột
sống. Do có những thói quen không tốt, như ngồi nhiều, ngồi gù lưng, ít vận động để
thư giãn gân cốt, không kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống thiếu Canxi, Magie, làm
việc nặng nhọc khiến cột sống mất đi đường cong sinh lý, cả cơ thể gập cong về phía
trước. Vì những lí do đó mà các bệnh về xương khớp đang ngày càng bị “trẻ hóa”.

Chuyên đề này muốn đề cập đến 1 loại dược liệu khá dễ tìm nhưng có rất nhiều
công dụng hữu ích, đó là cây Thiên niên kiện. Cây Thiên niên kiện đã được chế ra
3
thành nhiều bài thuốc để chữa trị nhiều loại bệnh, nhưng có thể nói một trong số những
công dụng nổi trội của Thiên niên kiện là điều trị các bệnh về đau nhức xương khớp.
Các công dụng của Thiên niên kiện sẽ được đề cập chi tiết trong các phần sau đây của
bài luận.

4
II. Tổng quan về dược liệu:

1. Đặc điểm thực vật:

1.1. Phân bố:

- Cây Thiên niên kiện phổ biến ở Việt Nam, là loài bản địa của Việt Nam và Nam
Trung Quốc. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

- Thiên niên kiện thường mọc hoang ở các vùng đồi núi, nhất là những nơi ẩm thấp
dưới chân đồi. Cây còn hay mọc ở các vùng trũng, men các kênh rạch, khe, suối.

- Cây sinh trưởng và phát triển nhanh trong mùa mưa ẩm. Mỗi năm cây mọc ra 3 - 5
lá mới, các lá cũ tồn tại trên một năm thì bị thay thế, đồng thời phần thân rễ cũng phát
triển dài thêm từ 3 - 6cm. Thiên niên kiện có khả năng sinh chồi gốc khỏe. Trong tự
nhiên, cây thường tạo thành khóm với nhiều nhánh thân rễ từ gốc. Cây trưởng thành ra
hoa quả hàng năm. Mặc dù số hạt trên mỗi bông khá nhiều (10 - 30), nhưng lượng cây
con mọc từ hạt ít. Cây trồng được bằng hạt và các đoạn thân rễ.

5
1.2. Mô tả cây:

- Thiên niên kiện có tên khoa học là Homalomena occulta (Lour.) Schott, thuộc họ
Ráy (Araceae).

- Thiên niên kiện còn có tên gọi khác là cây Sơn thục hay cây Bao kim.

- Thiên niên kiện là cây thân thảo sống lâu năm nhờ thân rễ mập, bò dài, khi bẻ
ngang có nhiều xơ như kim. Lá mọc ra từ thân rễ, có cuống dài 27 - 50cm, gốc cuống
phình và xòe ra. Phiến lá sáng bóng, rộng, hình mũi mác, dài tới 30cm, rộng tới 18cm,
gốc lá hình tim, có 3 đôi gân gốc, 7- 9 đôi gân bên, gân phụ hình lông chim, tỏa ra từ
gân chính, mép lá nguyên.

- Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, không mở rộng, dài 4 - 6cm, không
rụng; buồng 3 - 4cm, ngắn hơn mo. Hoa đực có 4 nhị rời, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn
song song. Hoa cải có nhị lép hình khối, dài bằng đầu nhụy, bầu hình trứng, chứa
nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch. Mùa hoa vào tháng 4 - 6, mùa
quả vào tháng 8 - 10.

1.3. Bộ phận dùng:

- Thân rễ.

Thân rễ của cây Thiên niên kiện

1.4. Trồng trọt và thu hái:

- Thu hái quanh năm, nhưng thu hái vào mùa hạ là tốt nhất.

6
- Thu hái thân rễ già, cắt thành từng đoạn dài 10 - 27cm, sấy nhanh ở nhiệt độ dưới
50 độ C cho khô đều mặt ngoài, làm sạch vỏ, bỏ rễ con, phơi hoặc sấy ở 50 - 60 độ C
tới khô.

- Bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

2. Thành phần hóa học:

Bộ phận của Thiên niên kiện được dùng là thân rễ được thu hoạch và sấy khô.

2.1. Sesquiterpen:

- Đây là nhóm hợp chất chính trong thân rễ Thiên niên kiện. Từ chiết xuất Ethanol
88% đã phân lập được một loạt các Sesquiterpen, bao gồm: Homalomenins A-E;
asperpenoid; teucmosin; homalomenol C&D; 1β,4β,6β- trihydroxyeudesmane;
1β,4β,6α-trihydroxyeudesmane; pterodontriol; 1β,4β,7α-trihydroxyeudesmane;
oplodiol; 4β-hydroxy-11,12,13-trinor-5-eudesmen-1,7-dione, bullatantriol,
homalomenol A; 4α,10β-dihydroxyaromadendrane và ledol.

- Chiết xuất từ các phần trên mặt đất cũng chứa Sesquiterpen: 1β,4β,7β-
trihydroxyeudesmane; 1β,4β,7β,11-tetrahydroxyeudesmane; homalomentetraol;
mucrolidin; 1β,4β,7α-trihydroxyeudesmane; 1β,4β,6β,11-tetrahydroxyeudesmane;
oplodiol; bullatantriol; acetylbullatantriol; homalomenol và maristeminol.

- Ngoài ra, các hợp chất khác cũng được xác định, như: 3α,7α-dihydroxy-cadin-4-
ene; 3-oxofabiaimbricatan; 3β,4α-dihydroxy-7-epi-eudesm-11(13)-ene; integrifonol A;
1β,6β-dihydroxy-7-epi-eudesm-11(13)-ene; 4β,7β,11-enantioeudesmantriol;
epiguaidiol; oplopanone; 2α-hydroxyhomalomenol và (-)-T-muurolol.

2.2. Tinh dầu:

- Thiên niên kiện có chứa tình dầu với hàm lượng là 0,12% trọng lượng tươi, đã xác
định được 54 hợp chất, chiếm 88,8% tổng lượng tinh dầu. α-bisabolol (22,8%), benzyl
benzoat (11,4%), linalol (8,6%) là thành phần chính của tinh dầu. Ngoài ra còn có α-
terpinolen, benzyl salicylat, α-cadinol, β-farnesen, spathoulenol…

- Tinh dầu Thiên niên kiện có màu vàng nhạt hoặc màu nâu vàng nhạt, mùi thơm dễ
chịu.

7
2.3. Các hợp chất khác:

Ngoài sesquiterpen, một số hợp chất khác cũng được phân lập trong thân rễ Thiên
niên kiện, bao gồm: Tangeretin; ergosterol peroxide; sitoindoside I; stigmasterol; 5-
pentylresorcinol-β-glucoside; protocatechuic acid, 4-hydroxybenzoic acid; vanillic
acid; 5-hydroxymethyl-2-furancarboxylic acid; 2-furoic acid; 5-hydroxymethyl-2-
furfural; (R)-malic acid; (R)-dimethyl malate; 1,2,3-trimethyl propanetricarboxylate;
4-hydroxytetrahydrofuran-2-one và (1S,2S,4S)-p-menthane-1,2,4-triol.

Một số Sisquiterpen trong Thiên niên kiện

3. Hoạt tính sinh học:

- Cao chiết toàn phần và các cao chiết phân đoạn của thân rễ Thiên niên kiện lá lớn
được đánh giá tác dụng ức chế Acetylcholinesterase và hoạt tính chống oxy hóa.

- Kết quả cho thấy, cao n-hexane thể hiện hoạt tính ức chế Acetylcholinesterase
trung bình với IC50 là 133,87 2,76 g/ml. Cao ethyl acetat thể hiện hoạt tính chống
oxy hóa trung bình với IC50 là 69,51 0,05 g/ml. Các cao khác chưa thể hiện hoạt
tính ở điều kiện thí nghiệm.

- Alzheimer là một bệnh khá phổ biến hiện nay, liên quan đến sự suy giảm trí nhớ,
chủ yếu xuất hiện ở người lớn tuổi. Một trong những nguyên nhân của bệnh liên quan
đến sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholine (ACh) trong não.
8
Acetylcholinesterase (AChE) là một enzym xúc tác cho phản ứng chuyển hóa, thủy
phân ACh thành choline. Vì vậy, những hợp chất có khả năng ức chế AChE là những
chất có tiềm năng điều trị Alzheimer. Việc tìm ra phân đoạn n-hexan có hoạt tính ức
chế AChE mức độ trung bình có ý nghĩa khoa học, gợi ý việc tìm kiếm các hoạt chất ở
phân đoạn này có tác dụng ức chế AChE.

4. Tác dụng dược lý và ứng dụng:

4.1. Tác dụng:

a. Tác dụng dược lý:

 Kháng khuẩn:

Các hợp chất sesquiterpenoid trong thân rễ Thiên niên kiện đã được thử nghiệm về
đặc tính kháng khuẩn chống lại Shigella flexneri, S.dysenteriae, S.sonnei,
Mycobacterium tuberculosis, Streptococcus ahemolytic và S.pneumoniae bằng phương
pháp khuếch tán đĩa giấy. Kết quá cho thấy chiết xuất có khả năng chống lại các vi
khuẩn thử nghiệm, được so sánh với thuốc tiêu chuẩn Rifampicin.

 Ảnh hưởng tới xương:

Chiết xuất chloroform của Thiên niên kiện cũng như các hợp chất riêng lẻ đã được
thử nghiệm về hoạt động của chúng trong việc kích thích tăng sinh, biệt hóa và khoáng
hóa nguyên bào xương. Các hợp chất oplodiol, oplopanone, homalomenol C và
bullatantriol có tác dụng kích thích tăng sinh và biệt hóa đáng kể các nguyên bào
xương nuôi cấy, trong khi chiết xuất chloroform và oplodiol kích thích đáng kể quá
trình khoáng hóa các nguyên bào xương nuôi cấy trong ống nghiệm. Từ đó cho thấy
tác dụng tích cực của Thiên niên kiện trong bệnh xương khớp.

 Chống viêm:

Các sesquiterpenoid đã phân lập trong thân rễ được đánh giá về tác dụng ức chế của
chúng đối với sự biểu hiện protein COX-2 mRNA và COX-2, cũng như quá trình sản
xuất prostaglandin E2 (PGE2) trong các tế bào Raw264.7. Kết quả cho thấy các hợp
chất homalomenin E, homalomenol C và ledol thể hiện hoạt tính chống viêm mạnh
bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện COX-2 do LPS gây ra và ức chế sản xuất PGE2 theo

9
cách phụ thuộc vào liều lượng. Đây là cơ sở cho việc sử dụng Thiên niên kiện trong trị
viêm xương khớp.

b. Tác dụng theo Y học Cổ truyền:

Thiên niên kiện có tính ấm, vị đắng, cay, mùi thơm, quy vào kinh can, thận, có tác
dụng khư phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống tiêu thũng.

Trong đông y, Thiên niên kiện được dùng trong chữa phong hàn thấp, nhức mỏi gân
xương, co quắp tê dại, cũng dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau dạ dày, đau
bụng kinh.

4.2. Ứng dụng:

a. Bài thuốc chữa phong thấp, đau nhức xương khớp:

Bài 1: Thiên niên kiện khô, ngưu tất mỗi loại 10g; mộc qua, hy thiêm thảo mỗi vị
20g. Đem sắc tất cả với 1 lít nước, đến khi cạn còn 400 ml thì dừng, chia làm 2 lần
uống hết trong ngày.

Bài 2: Thiên niên kiện khô, ngải cứu, thương nhĩ tử mỗi vị 10g; rễ cây cỏ xước 40g;
hy thiêm, thổ phục linh mỗi loại 20g. Sắc các loại thuốc này với 4 bát nước đầy cho tới
khi còn lại 2 bát nước thì dừng, chia làm 2 lần, uống trước khi ăn.

Bài 3: Thiên niên kiện, cốt toái bổ mỗi vị 10g, bạch chỉ 8g, sắc lên uống mỗi ngày 1
thang.

Thiên niên kiện chữa đau nhức xương khớp, phong thấp
10
b. Bài thuốc chữa tê thấp, nhức mỏi gân cốt:

- Nguyên liệu: Thiên niên kiện 12g, cỏ xước 12g, thổ phục linh 12g, độc lực 8g, cam
thảo 6g, ngưu tất 12g, thương truật 10g.

- Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

c. Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống:

- Nguyên liệu: Thiên niên kiện 12g, đỗ trọng 12g, thổ phục linh 12g, quế chi 6g, cam
thảo 8g, ngưu tất 12g, thương truật 12g, đại táo 12g, tần giao 8g, ý dĩ 10g, xuyên
khung 10g, kỷ tử 10g.

- Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

d. Bài thuốc chữa đau bụng kinh:

- Nguyên liệu: Thiên niên kiện, rễ bưởi, rễ cây bướm bạc, rễ cây sim rừng mỗi vị
10g.

- Cách làm: Đem các nguyên liệu trên sắc lên, uống thay nước trong những ngày
hành kinh để giảm các triệu chứng đau tức bụng, đau thắt tử cung.

e. Bài thuốc chữa rôm sẩy, dị ứng, mẩn ngứa:

- Nguyên liệu: Thiên niên kiện, gừng tươi, củ sả.

- Cách làm: Tất cả rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng da bị bệnh. Thực hiện đều đặn
trong vòng 2 - 3 ngày.

11
Thiên niên kiện làm giảm các triệu chứng rôm sẩy, mẩn ngứa

f. Bài thuốc chữa mụn nhọt, mụn độc:

- Nguyên liệu: Lá Thiên niên kiện tươi, 1 nhúm muối hạt.

- Cách làm: Giã nát lá Thiên niên kiện tươi, trộn đều với muối hạt rồi đắp lên đầu
mụn, đắp mỗi ngày cho đến khi mụn lặn hẳn.

g. Thiên niên kiện ngâm rượu có tác dụng chữa bệnh:

Rượu Thiên niên kiện vừa có thể bảo quản trong thời gian dài vừa tăng thêm công
dụng chữa trị bệnh. Rượu Thiên niên kiện chữa đau lưng, mỏi gối, đau nhức xương
khớp, tê bì chân tay.

- Nguyên liệu: Thiên niên kiện, 100g, ngưu tất 100g, câu kỷ tử 100g, đỗ trọng 100g,
thục địa 200g, bạch thược 100g, đại táo 200g, đảng sâm 100g, đương quy 100g, rượu
trắng 5 lít.

- Cách làm: Tất cả đổ vào bình ngâm khoảng 30 ngày là dùng được, mỗi ngày uống
1 chén (khoảng 20ml), khi ăn, buổi tối.

4.3. Lưu ý khi sử dụng Thiên niên kiện:

Thiên niên kiện là dược liệu có nhiều công dụng và lành tính. Tuy nhiên, để nâng
cao hiệu quả chữa bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe, người dùng cần lưu ý một
số điểm như:

- Người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu không nên dùng Thiên niên kiện.

12
- Khi dùng Thiên niên kiện khô để ngâm rượu, không nên cho quá nhiều và không
nên uống quá 2 chén nhỏ một ngày vì có thể gây ra ngộ độc, nôn ói, chóng mặt, đau
đầu.

- Trong các bài thuốc, chỉ dùng tối đa 10g Thiên niên kiện khô/ngày.

- Hiệu quả của dược liệu tùy thuộc vào cơ địa từng người. Nếu sử dụng lâu mà
không thấy cải thiện, nên dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.

13
III. Kết luận:

Việt Nam hiện có hơn 4000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật
và gần 410 loài động vật làm thuốc. Tính riêng ở Khánh Hòa, theo tài liệu điều tra của
Viện Sinh thái học, tổng số loài thực vật có tiềm năng dược liệu ở Khánh Hòa là 974
loài, thuộc 607 chi và 177 họ.

Qua một vài số liệu vừa đề cập, có thể thấy rằng Việt Nam có rất nhiều loại dược
liệu quý và vô vàn bài thuốc hay, mỗi loại đều có cái hay riêng và công dụng riêng của
nó. Rất khó để nói dược liệu nào là tối ưu nhất. Vì vậy hầu như phần lớn các bài thuốc
từ dược liệu đều có sự kết hợp nhiều loại dược liệu với nhau để cho ra 1 bài thuốc có
hiệu quả điều trị tối ưu nhất. Sự kết hợp tinh tế giữa các vị thuốc không chỉ giúp tăng
cường hiệu quả chữa bệnh, mà còn giảm thiểu tác dụng phụ, giúp bài thuốc trở nên an
toàn và hiệu quả hơn.

Chuyên đề này chỉ đi sâu vào phân tích về 1 loại dược liệu là Thiên niên kiện. Thiên
niên kiện không phải loại dược liệu quý hiếm, nó khá dễ phát triển sinh sôi vì điều kiện
khí hậu ở Việt Nam rất phù hợp với điều kiện sinh sống của Thiên niên kiện, và loại
dược liệu này cũng khá dễ tìm. Tuy không quý hiếm nhưng Thiên niên kiện cũng rất
quan trọng vì có thể chữa các bệnh mà chúng ta dễ gặp thường ngày như đau nhức
xương khớp, đau bụng kinh, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Hiện nay trên thị trường đã có một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa thành phần
từ Thiên niên kiện như Cốt Thoái Vương, cao Thiên niên kiện, viên xương khớp
Sutong Gpharm,…. Có thể thấy Thiên niên kiện ngày càng được lựa chọn và tin dùng
trong việc bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

14
IV. Giải pháp:

Cây Thiên niên kiện tuy là dược liệu dễ tìm, dễ sử đụng nhưng nếu không dùng đúng
cách vẫn gây ra những tác hại không mong muốn cho sức khỏe như: Ngộ độc, chóng
mặt, đau đầu, dùng quá liều kéo dài gây suy thận, tăng men gan. Vậy nên dù là dược
liệu nguồn gốc từ thiên nhiên cũng cần có cách sử dụng đúng.

Để nâng cao hiểu biết về các loại dược liệu cho mọi người, em nghĩ bản thân mỗi
Dược sĩ cần có kiến thức về các loại dược liệu. Có thể thành lập những hội nhóm để
cùng trao đổi và chia sẻ kiến thức với nhau. Khi đứng bán thuốc tại các quầy thuốc,
nhà thuốc, nếu khách có nhu cầu muốn biết về dược liệu, Dược sĩ cũng nên tư vấn kĩ
như một cách chia sẻ thông tin đến khách hàng. Ngoài ra có thể chia sẻ trên mạng xã
hội những bài viết, thông tin hữu ích về các loại dược liệu để ngày càng có nhiều
người biết đến những thông tin chuẩn, từ đó biết cách sử dụng dược liệu phù hợp hơn
và không quá lạm dụng chúng.

Dược liệu chỉ phát huy tác dụng khi sử dụng đúng liều lượng, chế biến đúng cách.
Không có thuốc độc, chỉ có liều độc - nên việc nắm vững nguyên tắc sử dụng rất quan
trọng, không riêng gì thuốc Tây mà thuốc Nam cũng vậy. Có rất nhiều người sử dụng
thuốc Nam chỉ được nghe truyền miệng nhau, biết công dụng nhưng không nắm rõ liều
lượng mà chỉ áng chừng rồi chế biến, nếu không may mắn sẽ dẫn đến những tác hại rất
nguy hiểm. Nên việc chia sẻ thông tin đúng đến mọi người cũng là trách nhiệm của
những người học ngành Y nói chung và một Dược sĩ nói riêng.

15

You might also like