You are on page 1of 74

7.

CHỦ QUAN VÀ KHÁCH QUAN – GIỚI HẠN VÀ TỰ DO

Nhắc đến vầng trăng đầy cảm xúc, ta không thể không nhắc tới Lý Bạch đời Đường bên
Trung Hoa. Tương truyền năm 61 tuổi, ông đi chơi thuyền trên sông, uống say, thấy trăng
lung linh đáy nước, nhảy xuống vớt trăng mà chết đuối. Chết với trăng mà ông cũng đã
cùng sống với trăng, như trong lời bài thơ bất hủ “Tĩnh Dạ Tứ” ông đã để lại:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”

mà Thu Tứ đã phỏng dịch như sau:

“Trước giường lơ lững vừng trăng,

Dở mê những tưởng sương giăng giữa nhà!

Ngửng trông vằng vặc trời xa,

Cúi nghe niềm nhớ chực òa trong tim...”

Nhìn trăng rồi lại nhìn mình. Là những kẻ sống ly hương, chúng ta ai cũng đã rất hiểu rõ
cái tâm sự mắt nhìn trăng mà tim thổn thức cho quê hương, nơi ta đã chia cùng một vầng
trăng trong quá khứ.

Nhưng vầng trăng đó vẫn thật sự hiện hữu khi không còn ai ngắm nhìn nó nữa hay
không?
Đó là câu hỏi Albert Einstein đã đặt ra cho Neils Bohr khi hai người này tranh cãi kịch
liệt với nhau về cơ học lượng tử. Và Bohr đã trả lời rằng đấy là câu hỏi vô nghĩa, và nằm
ngoài giới hạn của vật lý.

**

Ánh trăng tưởng chừng là sóng điện từ, nhưng cũng lại có thể biểu hiện tính chất hạt.
Vậy, một vật tưởng như là hạt, như hạt điện tử, có tiềm ẩn tính chất sóng hay không?

“Có, điện tử và vật chất nói chung cũng có thể có tính chất sóng.” Đấy là một giả thuyết
được đề ra vào năm 1924, trong luận án tiến sĩ của một vị hoàng tử người Pháp tên là
Louis de Broglie. Không một ai ở Pháp biết làm gì với cái luận án táo bạo này, nên chấm
đậu hay cho rớt? Rồi người ta đã phải nhờ đến Eisntein cho ý kiến, và ông đã hết lời khen
ngợi tư tưởng táo bạo ấy. Nhờ đó de Broglie lấy được bằng tiến sĩ. Sau đó, Ehrenfest,
một nhà vật lý tài giỏi người Đức, viết thư cho Einstein than phiền rằng nếu de Broglie
mà đúng thì có lẽ Ehrenfest không còn hiểu gì về vật lý nữa. Eisntein vội trấn an là vật lý
thì Ehrenfest vẫn hiểu rõ lắm, chỉ có điều Ehrenfest chưa biết nhiều về thiên tài thôi!

Nếu Planck đã dùng một hằng số mang tên mình để đưa tính hạt vào sóng ánh sáng, thì
de Broglie cũng đã phải mượn hằng số Planck để đưa tính sóng vào hạt (qua sự nối kết
giữa xung lượng của hạt và chiều dài của bước sóng). Không lâu sau đó, tính chất sóng
của cái gọi là hạt điện tử đã được xác nhận qua khả năng nhiễu xạ của điện tử trong một
thí nghiệm vật lý. Từ đó, cơ học lượng tử được xây dựng trên nền tảng là mọi vật đều có
hai thuộc tính sóng và hạt – mọi vật, từ điện tử cho tới chiếc ghế ta đang ngồi. Nhưng vì
hằng số Planck lại quá nhỏ trong khi kích thước cái ghế lại quá lớn nên ta không thấy
được hiện tượng nhiễu xạ hay giao thoa của cái ghế trong đời sống hằng ngày.

Cũng may, không thì cái ghế sẽ lúc ẩn lúc hiện, và ta sẽ phải đứng miết mà thôi vì không
tìm được một cái ghế để ngồi!

**
Nếu vật chất có lúc là sóng, có lúc là hạt thì nó có phải là vừa hạt, vừa sóng không? Hay
là nó không phải là hạt, mà cũng không phải là sóng?

Theo Neils Bohr, nhà vật lý lượng tử tiên phong người Đan Mạch, thì hai câu hỏi trên
đây đều là vô nghĩa, một khi ta không thể nào trả lời chúng bằng sự đo lường, định lượng
được. Theo ông, khoa học chỉ có thể trả lời và, do đó, chỉ nên quan tâm đến những gì có
thể đo lường, định lượng được – mặc dù khi ta chấp nhận điều này thì ta cũng sẽ phải giới
hạn lại cái phạm vi của vật lý và khoa học nói chung.

Chính sự đo lường mới mang lại ý nghĩa. Hơn thế nữa, chính sự đo lường mới cùng định
nghĩa nên các tính chất của vật thể. Đo lường chẳng qua là sự tương tác giữa vật thể bị đo
và các dụng cụ đo đạc. Tương tác đó hoàn toàn tùy thuộc vào dụng cụ nào, câu hỏi nào
đã được đặt ra cho sự đo lường. Đây không phải là tình đơn phương. Các kết quả đạt
được chính là hệ quả của sự tương tác này; chứ ta không thể cho rằng các kết quả đạt
được đó là do thuộc tính tự sẵn có của vật chất được đo.

Dụng cụ đo và vật được đo trở thành một hệ thống bất khả phân ly vì cả hai đều góp phần
vào những kết quả sau cùng. Werner Heisenberg cũng đồng ý rằng những gì ta quan sát
được không hẳn là bản chất của cái thiên nhiên ngoài kia, mà chỉ là cái thiên nhiên bộc lộ
bởi cách đặt câu hỏi của ta [“What we observe is not nature itself but nature exposed to
our method of questioning”]. Đây cho ta cái tự do của người đặt câu hỏi; cái tự do chọn
lựa câu hỏi trong cái giới hạn của vật lý qua sự đo lường.

Chính cái tâm, cái nhìn của chúng ta, do đó, đã tham gia và cùng “chế tạo” nên cái hiện
tượng, chứ đấy đâu hẳn là bản chất tự có của sự vật. Như thế thì có khác gì lời của Kinh
Hoa Nghiêm:

“Ưng quán pháp giới tánh

Nhất thiết duy tâm tạo”


**

[Từ đấy, Neils Bohr đã đề xướng cái nguyên lý bổ sung (complementarity) của cơ lượng
tử. Theo nguyên lý vô cùng cơ bản này thì các kết quả đo lường sẽ hoàn toàn phụ thuộc
vào các dụng cụ đo lường (tức là vào cách đặt câu hỏi của người đo) và phải được diễn tả
trong ngôn ngữ của vật lý cổ điển (chẳng qua là vì các dụng cụ đo lường lại tuân theo quy
luật của vật lý cổ điển). Hơn nữa, nguyên lý này đòi hỏi là muốn có một sự mô tả sự vật
một cách trọn vẹn thì ta phải thực hiện tất cả các loại đo lường có thể áp đặt lên sự vật.]

Để có được một hình ảnh trọn vẹn về sự vật (xin nhấn mạnh là đây chỉ là hình ảnh như
chiếc bóng trên tường chứ không hẳn là bản chất thật sự của sự vật) thì ta phải áp dụng
lên sự vật tất cả những sự đo lường có thế áp đặt được một cách thích đáng -- bao gồm
luôn cả những đo lường về những tính chất trái ngược nhau, như hạt và sóng. Tuy không
thể hiện trong cùng một sự đo lường, chúng vẫn có thể hiện hữu song song với nhau, như
trong một câu của sách Trung Dung: “Đạo tịnh hành, nhi bất tương bội” -- trên con
đường Đạo, tất cả đều đi mà chẳng chống nhau.

**

Cái nhìn của vật lý hiện đại dường như cũng lại phù hợp với cái nhìn Trung Đạo của nhà
phật.

Một hôm khi nghe các nhà sư tranh cãi với nhau đâu là chủ quan, đâu là khách quan,
thiền sư Hogen của Nhật Bản đã hỏi các nhà sư này: “Có một tảng đá lớn đằng kia, vậy
tảng đá đó hiện hữu ở ngoài (một cách khách quan) hay chỉ có trong tâm tưởng của các
ngươi (một cách chủ quan)?”

Một nhà sư vội trả lời: “Theo cái nhìn của nhà phật thì mọi vật đều do tâm tạo, do đó tôi
cho rằng nó chỉ hiện hữu trong tâm trí của tôi thôi!”

Hogen phì cười: “À, cái đầu của ông chắc phải là nặng nề lắm; vì ông cứ phải mãi đeo
mang tảng đá đó trong tâm trí của mình!”
**

Albert Einstein đã không thể chấp nhận cách giải thích trên đây cho cơ lượng tử, và đã
chống đối kịch liệt vì ông không tin rằng cái thực thể ngoài kia lại có tính cách chủ quan.
Trong nhiều cuộc tranh luận với Neils Bohr, ông đã đưa ra rất nhiều điều có vẽ như
nghịch lý của cơ lượng tử. Nhưng lần nào Bohr cũng có thể đối đáp lại được. Mặc dù
Bohr vẫn không thể thuyết phục Einstein thay đổi quan điểm của mình, nhưng những lý
luận của Bohr lại rất chặt chẽ và hợp nhất, không mâu thuẩn với nhau.

Có lần Einstein đã cắc cớ hỏi rằng Bohr có thật sự tin rằng cái mặt trăng trên kia vẫn còn
hiện hữu khi không còn ai ngắm nhìn nó nữa hay không? Đây cũng tương tự như một câu
hỏi đã có từ trước trong triết học: Khi cây cổ thụ ngã đổ trong một khu rừng vắng không
người thì nó có tạo ra tiếng động không? (Xin mở ngoặc, ta cũng có thể cắc cớ hỏi rằng
khi cây đa trên cung Hằng bị ngã đổ thì nó có gây nên thanh âm không? À, dù có chú
Cuội ở đó, nhưng vì chú ấy lại hay … cuội nên ta sẽ không thể nào tin lời chú ấy được!)

**

Với những câu hỏi như thế, Bohr đã trả lời rằng đấy không những nằm ngoài phạm vi của
vật lý mà còn là các câu hỏi vô nghĩa. Vì dù cố gắng bao nhiêu đi nữa thì cũng không một
ai, kể cả Einstein, có thể cho rằng mặt trăng vẫn còn đó hay không còn đó; sẽ có hay
không có tiếng động khi cây đổ.

Theo Bohr, chúng ta không thể nào giả định là cái thế-giới-không-được-quan-sát cũng sẽ
vận hành như cái thế-giới-được-quan-sát. Một hiện tượng thật sự không được quan sát là
khi nó không lưu lại một dấu tích gì, một ảnh huởng gì lên các vật thể khác, một hệ quả
gì trong tương lai. Như thế thì nó chẳng khác gì một hiện tượng đã không tồn tại. Và
không một ai có thể chứng minh hay khẳng định là điều gì đã, hay không đã xảy ra.

Tất cả mọi sự vật, ngay cả không gian và thời gian, có được cái hiện hữu của chúng là
đều là do các mối liên hệ phụ thuộc giữa chúng với nhau. Nếu không có những liên hệ
này, thì mọi sự vật đều không là gì cả.
**

Ngay chính bản thân ta, nếu không có những mối liên hệ gia đình, xã hội, nhân loại thì
bản thân ta có mang một ý nghĩa gì không? Với một người, ta có thể bị coi là “thù” và
với người khác thì ta được coi là “bạn.” “Bạn” hay “thù” đâu phải là bản chất của ta, như
“hạt” hay “sóng” đâu hẳn là bản chất của vật. Chúng chỉ là biểu hiện của những sự tương
tác xảy ra trong một thời điểm, cùng với một hay nhiều đối thể nào đó mà thôi.

Và một khi cái “ta” chỉ được cùng định nghĩa, và luôn biến đổi qua các mối liên hệ với
người, thì cái “ta” trong ngoặc kép có thật sự là cái “ta” không? Nhưng cũng rõ ràng nó
cũng chẳng là cái “người” trong ngoặc kép.

**

Goyozei là hoàng đế thứ 107 của nước Nhật vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Ông có vị
thầy là thiền sư phật giáo Gudo Toshoku.

Một hôm, Nhật Hoàng hỏi thầy của mình: “Thưa thầy, khi chết những người giác ngộ sẽ
đi về đâu?”

Thiền sư đáp: “Bẩm bệ hạ, ta không biết.”

“Tại sao thầy không biết?”

“Tại ta chưa chết nên ta chưa biết!”

**

Vật lý cũng vậy, chỉ trả lời được những câu hỏi nào mà vật lý có thể đo lường, định lượng
được. “Chết rồi sẽ đi về đâu?” là một câu hỏi ngoài tầm với của vật lý -- vì người chết
không còn khả năng đo lường được nữa; hoặc nếu có thì cũng không thể truyền đạt kết
quả của việc đo đạc đó đến người còn sống trên dương trần được.

Tuy nhiên, sống hay chết là những trạng thái ta có thể khẳng định rõ ràng, mặc dù đó là
hai trạng thái hoàn toàn trái ngược nhau, dường như không thể cùng tồn tại trong một cơ
thể, trong cùng một lúc. Lợi dụng sự trái ngược giữa cái sống và cái chết này, Erwin
Schrödinger, một nhà vật lý người Áo, đã đưa ra một ví dụ trừu tượng nhằm đả kích cách
giải thích của cơ lượng tử, mặc dù chính ông là người đã đưa phương trình sóng mang tên
mình vào cơ lượng tử. Xin nhấn mạnh, ngày nay phương trình Schrödinger vẫn là nền
tảng toán học của cơ lượng tử, và nay phương trình này cũng đã được ghi khắc trên mộ
bia của ông ở Vienna, Áo quốc. Cái đã được và vẫn còn được tranh cãi không phải là về
cái phương trình rất thành công này, mà là về vấn đề phải giải thích làm sao những kết
quả và đáp toán của phương trình này.

Schrödinger đã vật cách hóa vấn đề này qua một cô mèo, mà nay được gọi là cô mèo của
Schrödinger (Schrödinger cat). Cũng xin mở ngoặc, đây rõ ràng là cô mèo bốn chân. Sỡ
dĩ phải nói rõ như vậy vì thời sinh tiền Schrödinger là người rất đào hoa. Và cũng rất tài
hoa. Ngoài những đóng góp lớn lao cho vật lý và đã được giải Nobel, ông cũng còn được
xem là cha đẻ của ngành sinh học phân tử (molecular biology) -- về sau đưa đến các
khám phá về cấu trúc của DNA trong ngành di truyền học.

**

Các chất đồng vị phóng xạ thí dụ như carbon-14 sẽ tự phân hủy sau một thời gian để trở
thành nitrogen-14, là một nguyên tố bền vững. Thời gian phân hủy half life của carbon-
14 là 5730 năm. Có nghĩa là trung bình sau 5730 năm thì ta chỉ còn lại một nửa của khối
lượng ban đầu của khối carbon-14. Đây chỉ là con số trung bình cho một tập thể của
nhiều nguyên tử carbon, chứ ta không thể biết được chính xác là nguyên tử nào sẽ bị phân
hũy, nguyên tử nào chưa. Cũng giống như khi ta nói tuổi thọ trung bình của dân Úc là 75
năm thì ta không thể biết chính xác được là cá nhân nào trong tập thể đó sẽ sống đúng 75
tuổi.

Người ta đã dùng đồng vị carbon-14 này trong phương cách gọi là carbon dating để định
tuổi các vật cổ xưa, khá chính xác với số tuổi khoảng 60 ngàn năm trở lại.

Với một nguyên tử riêng lẻ thì cơ lượng tử chỉ cho ta cái xác suất tồn tại mà thôi, thí dụ là
50% nó sẽ bị phân hủy trong vòng 1 phút nữa, và 50% là vẫn còn như thế. Sự bất định
biểu hiện qua cái xác suất này là bẩm tính của cơ lượng tử, không phải là do khả năng
thiếu sót của chúng ta trong việc đo lường. Nguyên tử carbon đó sau một phút đã phân
hủy hay chưa? Đó là câu hỏi chỉ có được câu trả lời sau khi ta thực hiện sự đo lường.
Nhưng trước khi đo thì ta không thể cho rằng hay biết là nó là đã, hay chưa phân hủy.
Dường như là trước khi được đo đạc nó ở trong một trạng thái kỳ lạ giữa cái sống và cái
chết.

Một nguyên tử ở trạng thái giữa sống và chết, hay không sống mà cũng không chết là
điều không thấy thể hiện ở các sinh vật trong đời sống hằng ngày của ta. Hay đó chỉ là
một hiện tượng của các hạt rất nhỏ?

Tuy nhiên, Schrödinger đã lý luận rằng nếu một nguyên tử có thể như thế, thì một cô mèo
cũng có thể ở trong một trạng thái như thế. Trong một thí nghiệm tưởng tượng, ông đem
nhốt cô mèo vào trong một hộp kín cùng với cái nguyên tử kia; và bố trí hệ thống sao cho
một khi nguyên tử bị phân hủy, thì một chai chứa khí độc sẽ bị đập vỡ, làm chết cô mèo.

Với những lý luận đó, Schrödinger đã gắn liền cái trạng thái nửa chừng của nguyên tử
nhỏ bé trước khi được đo đạc với cô mèo có kích thước to lớn hơn nhiều. Và chỉ sau khi
mở hộp ra để đo đạc, ta mới khiến cho cô mèo sống hay chết. Còn trước đó thì cô mèo
cũng đã phải ở cái trạng thái giữa sống và chết, hay không sống mà cũng không chết, y
hệt như nguyên tử kia vậy.

Hay nói theo Neils Bohr thì câu hỏi về trạng thái của cô mèo trước khi mở nắp hộp (tức
là trước khi được đo lường) là một câu hỏi vô nghĩa! -- cũng vô nghĩa như những câu hỏi
về mặt trăng hay cây cổ thụ trên đây.

**

Dĩ nhiên cái nghịch lý Schrödinger này đã gây ra biết bao tranh cãi. Có người cho rằng lý
luận của Schrödinger là sai vì cơ lượng tử chỉ áp dụng cho các hệ vi mô của một vài
nguyên tử, chứ không thể áp dụng được cho cô mèo là một thể vĩ mô. Nhưng đấy cũng lại
là một vấn đề khó khăn khác: Đâu là vi mô, đâu là vĩ mô? Nếu nó áp dụng được cho một
nguyên tử thì đến bao nhiêu nguyên tử, một ngàn, một triệu hay một tỷ nguyên tử thì cơ
lượng tử không còn áp dụng được nữa? Hiện tại, chưa ai có thể trả lời câu hỏi đâu là ranh
giới này.
Ngay bây giờ, trong một số phòng thí nghiệm trên thế giới người ta đang cố gắng thực
hiện cái thí nghiệm này với một “cô mèo” trong ngoặc kép, tức là với một thể có rất
nhiều nguyên tử. Và đã có một vài bước tiến nho nhỏ, nhưng cũng chưa có dấu hiệu gì là
cơ lượng tử là sai lầm cả.

Những lý luận lúc đầu được đề xướng ra chỉ nhằm để đả kích cơ lượng tử qua cái tưởng
chừng như là phi lý, nay có lẽ lại làm thuyết lượng tử lại càng vững mạnh thêm lên.

**

Đo lường là thành phần chủ yếu của cơ lượng tử, nhưng cũng là điều khó hiểu nhất của
nó. Đo lường trong cơ lượng tử hoàn toàn đánh đổ khái niệm cũ của vật lý cổ điển về một
thực thể tự tồn tại, độc lập ngoài kia.

Ngoài cái bất định cố hữu trong sự đo lường, ngoài cái hợp nhất không thể tách biệt được
giữa kẻ thực hiện sự đo đạc và các đối thể được đo lường, thì cơ học lượng tử còn cho ta
cái nhức đầu khác của cái gọi là “entanglement,” là cái mãi “quấn quít” của những vật thể
một khi chúng đã gặp và tương tác với nhau trong quá khứ -- như trường hợp cô mèo
Schrödinger và nguyên tử phóng xạ trên đây.

Cái quấn quít entanglement này sẽ là đề tài của bài kế.

**

Trở về cái sống và cái chết.

“Nhật phương trung phương nghễ; vật phương sinh phương tử;” khi mặt trời ở đỉnh đầu
cũng là lúc nó đang lặn, trong lúc mọi sinh vật đang sống cũng là lúc nó đang chết.
Những võ sĩ đạo samurai biết chấp nhận và chuẩn bị cho cái chết có thể đến bất cứ lúc
nào, chính thật ra là để họ có thể sống một cách trọn vẹn vì không còn bị ràng buộc nữa
với những ám ảnh của cái chết.

Cái chết là không tránh khỏi vì thời gian sống là có giới hạn; nhưng trong cái giới hạn đó
ta vẫn luôn có cái tự do vô biên: Ta vẫn luôn có sự chọn lựa để sống như thế nào, sống ra
sao.

Trần Văn Thủy, đạo diễn cuốn phim “Chuyện Tử Tế,” đã có lời nhắn gởi qua cuốn phim
của mình:

“Phải làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà
điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm
lo hơn.

Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại –
Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con
đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau.

Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của
mình.”

Vâng, nếu không thoát khỏi chết thì chính con đường dẫn đến cái chết mới là quan trọng;
chứ không phải là cái điểm tới trong cái chết kia. Quan trọng phải là cái hạnh phúc và no
ấm của dân tộc, chủ quyền và thịnh vượng của đất nước – chứ không phải là cái mộ phần
to nhất nước, đang nằm lù lù ở Ba Đình.
8. QUẤN QUÍT BẤT KHẢ PHÂN

Trong một giây phút nào đó, có lẽ vì quá đau khổ sau sự đổ vỡ của một mối liên hệ, nhạc
sĩ Paul Simon đã viết lên trong một bài hát những lời cay đắng, phủ định mọi liên hệ với
thế giới ngoài kia:

“I touch no one and no one touches me.

I am a rock,

I am an island

And a rock feels no pain,

And an island never cries”

Tôi không đụng tới ai, và không ai chạm đến tôi

Tôi là một tảng đá

Tôi là một ốc đảo

Và tảng đá không biết đớn đau

Và ốc đảo chưa bao giờ khóc

Có thật sự như vậy không? And a rock feels no pain? Làm sao ta biết bia đá không đau?
Hay để rồi, ngày sau sỏi đá lại cũng phải cần có nhau?

Cơ lượng tử cho rằng một vật thể, một hiện tượng không thể được coi là hiện hữu nếu nó
không có những mối quan hệ với những đối thể khác. Hơn thế nữa, cơ lượng tử còn
khẳng định rằng một khi đã “có gì” với nhau thì sau đó dù có cách biệt thời gian, có xa
cách không gian thì chúng vẫn mãi có những liên hệ vô cùng mật thiết. Một lần là trăm
năm. Đây là điều kỳ bí nhất mà cũng lại là khả năng to lớn nhất của thuyết lượng tử, đưa
đến các hệ quả tưởng chừng như không tưởng.
**

Con đường quốc lộ 95, hay còn có tên là New Jersey Turnpike, dẫn từ phi trường JFK đi
về phía Nam đi qua những thành phố kỷ nghệ, ồn ào, bụi bặm tiêu biểu của miền Đông
Hoa Kỳ. Nhưng chỉ cần quẹo phải vào Princeton là ta bước vào một thế giới hoàn toàn
khác, ở đấy có đại học Princeton là một trong những đại học lớn nhất nước Mỹ. Nhưng
cùng ngay trong thành phố lại là một học viện khác, hoàn toàn độc lập và còn nỗi tiếng
hơn cả đại học Princeton. Học viện đó mang tên là Princeton Institute of Advanced
Study, Học Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Princeton, được lập ra từ năm 1930.

Tôi đã từng làm việc ở học viện này nhiều lần, mỗi lần ăn dầm ở dề cả một thời gian dài
với biết bao kỷ niệm. Trong những nhân vật huyền thoại đã đi qua học viện này ta phải
kể đến Robert Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử của Hoa Kỳ; Kurt Gödel, nhà toán
học tác giả của định lý về cái không trọn vẹn của số học (Incompleteness Theorem); v.v
Nhưng nổi tiếng nhất phải là Albert Einstein. Rồi cũng ngay nơi học viện này, Einstein
đã cùng với hai cộng tác viên là Podolsky và Rosen đề xướng lên cái gọi là hiệu ứng
EPR, mà người ta cho là hiệu ứng kỳ bí nhất trong khoa học từ xưa đến nay.

**

Sau nhiều tranh luận không thành công với Niels Bohr về cơ lượng tử, Einstein, Podolsky
và Rosen đã đề nghị ra một thí nghiệm tưởng tượng như sau, nhằm để đả kích lý thuyết
này là còn thiếu sót về nhiều mặt.

Trong thí nghiệm EPR, ta dàn xếp cho hai vật thể tương tác với nhau sao cho một lượng
số nào đó của cả hai vật thể này được bảo toàn. Thí dụ như tổng xung lượng (total
momentum) của cả hai là một số lượng bảo toàn, không thay đổi mặc dù xung lượng
riêng lẻ của mỗi vật thể là có thể đổi thay (nhưng sao cho tổng xung lượng vẫn là không
đổi thay). Sau đó ta tách rời hai vật thể này, A và B, và đem mỗi đứa một chân trời, góc
bể. Ở một chân trời với vật A, ta có thể tùy tiện chọn để đo tính hạt hay tính sóng của nó.
Nhưng điều kỳ lạ theo cơ lượng tử là một khi ta đo tính hạt của vật A thì ở góc bể xa tít
đằng kia vật B sẽ phải thể hiện tính hạt cùng một lúc, mặc dù không một ai áp đặt bất kỳ
một sự đo lường nào lên vật B, và mặc dù A đã không thể báo tin, với một tín hiệu bị giới
hạn bằng vận tốc ánh sáng, cho B biết là mình nay đã thể hiện tính hạt.

Cũng vậy, nếu ta chọn đo tính sóng của A thì ngay tức khắc B ở tuốt góc kia của vũ trụ
cũng thể hiện tính sóng. Cái thí nghiệm tưởng tượng EPR này đã đặt ra quá nhiều vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là vật B chưa hề bị đo đạc nhưng tại sao lại tự thể hiện tính sóng hay hạt
của nó? Vậy tính chất này có phải là bản thể tự nó có hay không? Cơ lượng tử đã trả lời
rằng tuy B chưa được đo đạc tại địa phương đó, nhưng qua sự tương tác của B và A trong
quá khứ nên chúng phải chịu cùng một số phận dù chỉ mỗi mình A bị đo mà thôi!
Shrödinger đã đặt tên cho hiện tượng này là “entanglement”, sự quấn quít bất khả phân
của vật chất một khi chúng đã tương tác với nhau trong quá khứ, dù nay đã cách biệt
không gian và thời gian.

Từ đấy lại nảy sinh ra vấn đề thứ hai là bằng cách nào vật B lại biết ngay cùng lúc đó vật
A đã làm gì khi chúng ở quá xa nhau như vậy mà lại không có một tín hiệu nào có thể đi
nhanh hơn vận tốc ánh sáng như đã được giả định trong Thuyết Tương Đối Hẹp? Cơ
lượng tử cho điều này là đúng nhưng không biết giải thích tại sao nó có thể xảy ra như
vậy.

Xin nhấn mạnh là cái mấu chốt của vấn đề là ở chổ ta có cái tự do chọn lựa để đo tính hạt
hay đo tính sóng của vật A. Còn không, thì đây chẳng có gì là kỳ bí cả. Vì nó chẳng khác
gì việc tách đôi một đôi găng tay, bỏ mỗi chiếc vào một hộp kín, rồi đem một cái đi Mỹ,
một cái để ở Úc. Rồi khi người ở Mỹ mở hộp ra thấy được chiếc găng bên tay trái thì biết
ngay là chiếc găng còn lại ở Úc là chiếc bên tay mặt. Cái tự do chọn lựa đo tính sóng hay
hạt của A tương đương với việc người ở Mỹ có thể, bằng cách nào đó, chọn là trong hộp
sẽ có chiếc giầy hay chiếc găng tay. Nếu chọn là chiếc giầy và mở ra thì thấy đấy là chiếc
giầy chân phải, thì ngay lúc đó cái vật trong hộp ở Úc sẽ từ trạng thái giữa giầy giữa găng
sẽ trở thành chiếc giầy, và là chiếc giầy bên chân trái!

Vấn đề thứ ba là hiệu ứng EPR chỉ là điều tưởng tượng hay hiện thực? Xin trả lời đấy là
hiện thực vì đấy đã được thực hiện trong các thí nghiệm vô cùng khó khăn nhưng cuối
cùng, gần 50 năm sau, đã thành công ở Berkeley, Hoa Kỳ; Paris, nước Pháp; và Geneva,
Thụy Sĩ.

Những điều tưởng chừng như là phi lý được vạch ra để chỉ trích cơ lượng tử lại một lần
nữa đã biến thành “hiện thực.” “Hiện thực” thật ra nhiều khi còn kỳ lạ hơn cả tiểu thuyết
nữa!

**

Từ trước năm 1975 trên truyền hình Mỹ ở Việt Nam đã có chiếu một chương trình khoa
học giả tưởng mang tên là Star Trek. Gần đây Hollywood vẫn tiếp tục dựng những cuốn
phim về chương trình này. Star Trek nói về một phi thuyền đi thám hiểm các vì sao trong
vũ trụ. Trong phi hành đoàn có một nhân vật mang tên là Mr Spock, là người đến từ hành
tinh Vulcan, là giống “người” rất giỏi về lý luận và hình như không hề bị tình cảm chi
phối. Điểm đặc biệt là ông ấy có đôi tai nhọn hoắc, mà ta hay gọi là tai lừa. Tuổi thơ của
tôi đã biết bao lần khổ sở vì luôn bị đám con nít chọc ghẹo là “đồ lỗ tai lừa” cũng chỉ vì
cái tai quá khổ của mình.

Mr Spock và phi hành đoàn chỉ cần bước lên một cái máy trên phi thuyền rồi biến mất để
xuất hiện bất cứ nơi nào ngoài phi thuyền, mà không cần phải đích thân đi qua cái không
gian giữa hai nơi này. Cách vận chuyển này tưởng chỉ để coi cho vui nhưng nay đã thành
hiện thực và được gọi là quantum teleportation – tạm gọi là “viễn chuyển lượng tử.”

Viễn chuyển lượng tử dựa vào sự entanglement (quấn quít bất khả phân) của vật chất như
đã trình bày trên đây. Và thật ra chỉ mới được kiểm chứng cho một hạt ánh sáng hay hạt
nguyên tử, nhưng đã đạt được một khoảng cách lên đến 143 cây số!

**

Đầu tiên ta cần tạo ra một cặp vật thể quấn quít bất khả phân, gồm hai vật A và B. Đem
vật B đến nơi muốn viễn chuyển đến, để sẵn đó. Về sau, khi muốn chuyển Mr Spock từ A
đến B thì ta cần thực hiện hai bước. Một, để Mr Spock tương tác với vật A; và, hai,
chuyển kết quả tương tác này bằng sóng điện từ với vận tốc ánh sáng tới B. Khi A tương
tác với Mr Spock trong bước thứ nhất thì ngay tức khắc vật B ở đằng kia sẽ có phần nào
tính chất của Mr Spock do hiện tượng quấn quít bất khả phân. Và tiếp theo sau đó, khi B
nhận được tín hiệu điện từ xuất phát từ A trong bước thứ hai thì nó có thể hoàn toàn biến
thành Mr Spock.

Điều quan trọng là ngay sau khi Mr Spock tương tác với A thì cả hai đều bị phân hủy. Mr
Spock không còn tồn tại và phải tạm thời vắng mặt trong vũ trụ này, cho đến khi B hoàn
tất việc biến thành Mr Spock trở lại ở phương trời xa xăm kia!

Cũng may, nếu không thì ta lại có hai Mr Spock y như nhau cùng một lúc ở A và ở B, tức
là hai cặp lỗ tai lừa! Lúc ấy không biết bà vợ của Mr Spock sẽ tính sao đây?

**

Hiện tượng viễn chuyển này cũng đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm “The Fly” (Con
Ruồi) của George Langelaan, và cũng đã được dựng thành phim. Trong đó, một nhà khoa
học tự viễn chuyển chính mình, nhưng không may trong máy lại lọt vào một con ruồi.
Nên đầu đằng kia, sau cuộc vận chuyển lại là một con người với cái đầu ruồi, và một con
ruồi với cái đầu người!

Accident does happen! Tai nạn luôn rình rập!

**

Các máy tính của ta càng ngày càng được thu nhỏ. Xưa kia chiếm trọn cả một tòa nhà,
nay được thu nhỏ lại gọn trong một laptop cầm tay. Cứ theo cái đà thu nhỏ này thì không
bao lâu nữa các transitors sẽ chỉ còn vài nguyên tử; lúc đó ta phải dùng cơ lượng tử vào
công cụ tính toán. Do đó các nghiên cứu về quantum computers (máy tính lượng tử) nay
đã được chú ý. Đơn vị tính toán chính của máy tính thông thường là một “bit,” tức là một
đơn vị logic có giá trị 1 hay 0, hay là sai hay đúng, là hai trạng thái hoàn toàn đối nghịch
nhau như hạt với sóng. Trong máy tính lượng tử thì đơn vị chính lại là “quantum bit” rút
gọn lại là “qubit” (bit lượng tử). Khác với các bits thông thường, qubits có thể “tồn tại”
(trong ngoặc kép) giữa hai trạng thái 0 và 1, giữa sai và đúng

-- giống như cô mèo của Schrödinger có thể vừa hạt vừa sóng, vừa chết vừa sống. Hơn
thế nữa, các qubits lại có khả năng quấn quít bất khả phân với nhau để tạo ra những khả
năng kỳ diệu như đã trình bày trên đây.

Cả hai đặc tính lượng tử này của qubits là sức mạnh kỳ diệu của máy tính lượng tử, giúp
nó có thể tính nhanh hơn rất nhiều so với máy tính thông thường, hay có thể giải được
những bài toán mà trên nguyên tắc không thể giải được.

Một trong những bài toán mà máy tính lượng tử có thể giải đáp nhanh chóng là làm sao
hóa giải được các mật mã của các tín hiệu.

**

Việc mã hóa các tín hiệu là việc rất quan trọng và đã được áp dụng từ ngàn xưa để các
thông tin trọng yếu không bị người khác đọc lén, nhất là trong chiến tranh. Thí dụ gần
đây là trong Đệ Nhị Thế Chiến, Anh quốc đã có cả một trung tâm giải mã các tín hiệu của
hải quân Đức Quốc Xã truyền đi đến các tàu ngầm U boats của Đức. Các U boats này đã
đánh chìm rất nhiều tàu của Hoa Kỳ trên đường vượt Đại Tây Dương đến tiếp viện cho
nước Anh. Đây là vấn đề sống còn của London. Nhưng chỉ vì sự lười biếng của một viên
sĩ quan Đức đã không tận dụng tất cả khả năng chiếc máy mã hóa của mình, và chỉ một
sơ hở nhỏ này thôi, đã giúp các nhà toán học Anh quốc giải mã được cái tưởng chừng
không giải được. Từ đó các U boats bị vô hiệu hóa, mở đầu cho sự thất bại quân sự toàn
diện của Đức Quốc Xã.

Trong các trận chiến Trung Đông, các oanh tạc cơ và các phi cơ không người lái được
điều khiển từ rất xa; có khi từ căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở tận Florida, gần nửa vòng
trái đất. Tất cả đều dựa vào sự bảo mật của các tín hiệu radio liên lạc, nên các tín hiệu này
phải được mã hóa để không ai khác có thể nghe lén hay thay đổi mệnh lệnh.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, các liên lạc hệ trọng như việc chuyển ngân qua
internet cũng phải được mã hóa. Chỉ cần giải mã được là cả tỷ tỷ dollars sẽ bị mất cắp.
Toàn bộ nền kinh tế của các nước phát triển hầu như phải dựa vào việc mã hóa trên
internet.

Do tầm mức quan trọng của việc mã hóa, chính phủ Hoa Kỳ đã liệt kê một số thảo
chương mã hóa và giải mã vào hàng vũ khí phải được bảo mật, chẳng khác gì vũ khí
nguyên tử!

**

Có nhiều phương pháp để mã hóa một tín hiệu, nhưng phương cách nào cũng có điểm
yếu của nó. Một phương cách thường dùng là dựa vào những phép toán dễ làm một chiều
nhưng rất khó để đi ngược lại. Thí dụ như phép nhân, rất dễ dàng để nhân hai số nguyên
tố với nhau, thí dụ 7 nhân cho 31 cho ta 217; nhưng nếu ta bắt đầu từ con số 217 thì phải
khó khăn hơn mới tìm lại được hai con số 7 và 31 ban đầu.

Muốn phá vỡ tiêu chuẩn mã hóa (512 bits) thường dùng trong quân đội hiện tại thì ta cần
một máy siêu điện toán (supercomputer) chạy ngày chạy đêm tới hơn 15 tỷ năm, nghĩa là
lâu hơn cái tuổi của vũ trụ này, thì mới làm được! Công việc có vẽ bất khả thi này có thể,
trên nguyên tắc, sẽ tốn chỉ vài phút hay chỉ vài giây trên một máy tính lượng tử!

Vì cái hứa hẹn đó, nhiều quốc gia, có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và các cơ quan an ninh
đã bỏ hàng tỷ dollars vào việc nghiên cứu máy tính lượng tử. Trong số các cơ quan đó
phải kể đến cơ quan An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ (NSA – National Security Agency),
có một ngân sách mật và cũng là cơ quan đã bị Edward Snowden tố cáo như trong các
bản tin thời sự gần đây, và nay NSA cũng đã thú nhận, là đã nghe lén nhiều cuộc điện
đàm trên toàn thế giới.

Nếu đầu thế kỷ 20 nhân loại đã có cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử, thì ngày nay, đầu thế
kỷ 21, máy tính lượng tử cũng lại là một phần thưởng chiến lược cho bao kẻ tranh giành.
Nhưng có lẽ nhân loại còn phải chờ từ 30 đến 50 năm nữa.
**

Tất cả các khả năng kỳ diệu trên đây đều phải dựa vào hiện tượng chủ yếu quấn quít bất
khả phân của cơ lượng tử.

Làm thế nào để giải thích hiện tượng chủ yếu này? Làm cách nào hai vật thể cách thời
gian, biệt không gian lại có thể cùng biểu hiện cùng tính chất, cùng một lúc? Không một
ai có câu trả lời thích đáng – ngoại trừ những lối giải thích “thần giao cách cảm” mà ta
không bàn tới, vì chúng không thể lập đi lập lại được như các hiện tượng khoa học.

Chỉ biết rằng, theo Niels Bohr, một vật thể hoàn toàn cô lập chỉ có thể là một cái gì trừu
tượng mà thôi (“Isolated material particles are abstractions” ). Và cũng chỉ biết rằng chỉ
cần một lần gặp gỡ mà có thể vương vấn mãi về sau, dù có ở hai đầu của con sông
Tương:

"Nhân đạo Tương giang thâm

Vị để tương tư bạn

Giang thâm chung hữu để

Tương tư vô biên ngạn

Thiếp tại Tương giang đầu

Quân tại Tương giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Ðồng ẩm Tương giang thuỷ”

(Lương Ý Nương)
Đinh Vũ Ngọc dịch là:

"Người bảo sông Tương sâu

Sâu chưa bằng nỗi nhớ

Sông sâu còn có đáy

Tương tư không có bờ.

Đầu sông Tương em đợi

Cuối sông Tương chàng mong

Nhớ nhau mà chẳng gặp

Cùng uống nước chung dòng”

**

Vật chất vô tri còn biết quấn quít bất khả phân, còn không thể “quên” nhau. Còn chúng ta
thì sao? Chúng ta không cần phải tin vào huyền thoại một bọc trăm trứng. Chúng ta
không cần phải tin vào cái gọi là cộng nghiệp của nhà phật. Nhưng chúng ta đã gọi nhau
là đồng bào, đã cùng chia xẻ một lịch sử, một tiếng nói, một văn hóa. Cùng đã ăn quả
mọc từ đất cát đựng xương cốt của cha ông, cùng uống nước từ dòng sông thắm đầy máu
đào của tổ tiên. Làm sao ta có thể ngoảnh mặt với những người cùng huyết thống đang
chịu bao áp bức? Làm sao ta có thể làm ngơ khi đất nước đứng bên bờ diệt vong?

“Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và
chăm lo riêng cho bộ da của mình ...”

(Trích từ phim Chuyện Tử Tế do Trần Văn Thủy đạo diễn)


9. ĐA VŨ TRỤ - ĐA TÂM

Sir Arthur Eddington là người đã đo độ lệch của ánh sáng khi nó đi qua sức hút trọng lực
của mặt trời, từ đó đã kiểm chứng và xác nhận Thuyết Tương Đối Rộng của Albert
Einstein. Chuyện kể rằng có lần có người hỏi là ông nghĩ sao về Thuyết Tương Đối, khi
trên thế giới lúc ấy chỉ có 3 người hiểu lý thuyết này. Eddington giựt mình, hỏi lại: “Ủa,
ai là người thứ ba vậy?”

Danh hề Charlie Chaplin, mà ta biết qua cái tên Charlot trong các phim câm của ông,
cũng có lần đã nói với Einstein là: “Người ta vỗ tay khen thưởng tôi bởi vì mọi người đều
hiểu tôi muốn nói gì, nhưng khi người ta vỗ tay khen ông thì bởi vì không ai hiểu nỗi ông
cả!”

Nhưng đó chỉ là khi Thuyết Tương Đối mới ra đời, còn quá mởi mẻ với những tư tưởng
và kết luận táo bạo. Ngày nay Thuyết Tương Đối đã trở thành quen thuộc và “dễ hiểu”
ngay cả với các sinh viên đại học.

Nhưng với cơ lượng tử thì lại khác.

Richard Feynman là một nhà vật lý được giải Nobel về Thuyết Trường Lượng Tử, với cái
“chân không” đầy rẫy năng lượng và các cặp vật chất và phản vật chất như đã có nói qua
trong một bài trước đây. (Cũng xin thú thật, vì chịu ảnh hưởng từ một cuốn sách của
Richard Feynman, tôi đã chọn con đường vật lý cho chính mình ngay từ khi còn ở bậc
trung học ở Việt Nam.) Feynman đã có lần tuyên bố: “Ngày nay thì chúng ta đã hiểu rõ
Thuyết Tương Đối, nhưng tôi có thể nói chắc rằng không một ai thấu hiểu cơ lượng tử.”
Đấy là lời phát biểu năm 1965, nhưng vẫn đúng cho ngày hôm nay, ở đầu thế kỷ 21 này.

Góp phần thêm vào sự khó hiểu của cơ lượng tử lại cũng không ai khác hơn là Albert
Einstein với cái hiệu ứng EPR vào năm 1935 xuất phát từ học viện Princeton IAS, nơi
ông đã làm việc cho đến cuối đời. Đến nỗi, Robert Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử
của Hoa Kỳ, đã phải thốt lên rằng: “Princeton là một nhà thương điên, và Einstein là một
người hoàn toàn khùng” -- “Princeton is a madhouse and Einstein is completely cuckoo.”
**

Tính bất định là bản chất của cơ lượng tử, không phải do sự thiếu sót trong khả năng đo
lường của ta. Khi ta đo vị trí của một hạt electron, ta được một tọa độ nào đó; nhưng khi
ta lập lại y hệt cái thí nghiệm này thì ta lại đo được một tọa độ khác, mặc dù ta có cẩn
thận bao nhiêu đi nữa.

Cái bất định lượng tử này cũng đã được lợi dụng trong việc tạo ra các con số hoàn toàn
ngẫu nhiên, không thể tiên đoán được, thí dụ như trong việc xổ số lotto của chính phủ
Anh quốc (UK National Lottery). Xin mở ngoặc là việc xổ số bằng những trái banh như
ta thường thấy trên TV thật ra có thể trên nguyên tắc tiên đoán được, nếu ta biết chính
xác vị trí ban đầu của các trái banh và hình thể của lồng đựng banh. Mặt khác, các con số
gọi là ngẫu nhiên (random numbers) từ máy tính computer thật ra chẳng hoàn toàn là
ngẫu nhiên (random) vì chúng được tạo ra từ các công thức toán nên trước sau gì các con
số đó cũng sẽ phải lập lại theo một thứ tự nhất định.

Các con số hoàn toàn ngẫu nhiên trong việc đo lường lượng tử thật ra cũng có một cấu
trúc nào đó. Thí dụ, trong 100 thí nghiệm thì ta có được 80 lần là hạt điện tử ở vị trí A,
còn 10 lần khác thì thấy nó ở B, v.v. Từ đó ta có xác suất ở A là 80%, ở B là 10%, v.v.
Nhưng sự ngẫu nhiên vẫn còn đó là vì trước khi thí nghiệm lần thứ 1001 ta sẽ không biết
là hạt điện tử nằm đâu chắc chắn, mà chỉ biết được cái xác suất mà thôi.

Cái giá trị của cơ lượng tử là nó cho ta cái xác suất này qua cái gọi là hàm sóng
(wavefunction). Hàm sóng lại là đáp số của phương trình sóng của Schrödinger. Câu hỏi
được đặt ra là cái hàm sóng này có phải là một thực thể như sóng âm thanh, hay sóng
điện từ không?

Nếu không thực thì tại sao nó lại có thể cho ta cái xác suất trong việc đo lường?
Nhưng nếu nó là một thực thể hiện hữu thì nó mang ý nghĩa gì khi ta có cái trạng thái
hoàn toàn nghịch lý giữa hạt và sóng của vật chất, giữa sống và chết của cô mèo
Schrödinger? Cũng thế, nếu hàm sóng Schrödinger là có thực thì làm cách nào nó có thể
truyền đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng trong hiệu ứng EPR, với sự quấn quít bất khả phân
của vật chất? (Xin nhắc lại “quấn quít bất khả phân” là khi hai vật A và B vẫn chịu chung
một số phận nào đó dù chỉ đã gặp nhau trong quá khứ, nhưng nay đã cách không gian và
biệt thời gian.)

**

Để tránh những khó khăn này và để có được một thuyết hợp nhất, Niels Bohr cho rằng
những câu hỏi trên đây là vô nghĩa. Và chúng ta chỉ nên nói tới những gì đo lường được
mà thôi. Và vì ta không đo được các hàm sóng trực tiếp nên chúng không thể hiện hữu,
nó chỉ là những công cụ tính toán trừu tượng trung gian để đi đến cái xác suất cho các kết
quả đo lường sau cùng mà thôi.

Xin nhấn mạnh là đây chỉ là một cách diễn dịch của Bohr cho cơ lượng tử, hoàn toàn độc
lập với các phương trình toán của thuyết này. Cách diễn dịch này còn được gọi là lối diễn
dịch Copenhagen (Copenhagen interpretation) -- vì Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch,
là nơi Bohr xuất thân.

Theo ông, việc đo lường là cốt lõi của vấn đề: Chính sự đo lường đã tạo nên cái thực thể
ngoài kia, qua sự tương tác giữa dụng cụ đo và vật được đo; và những gì không thể đo
được trực tiếp không phải là hiện thực!

**

Đo lường được coi là một sự tương tác, nhưng lại là một loại tương tác đặc biệt. Trong sự
tương tác thường phải có sự trao đổi năng lượng giữa hai bên, từ đó dẫn đến các kết quả
đo đạc. Nhưng cũng có các loại đo lường không cần trao đổi năng lượng, “không tương
tác” nhưng cũng có thể dẫn đến những hệ quả quan trọng.
Thí dụ như trong thí nghiệm một hạt photon ánh sáng đi qua hai khe hở, nếu ta đặt máy
dò ánh sáng ngay sau khe số 1, và nếu máy dò nhận được một hạt ánh sáng thì dĩ nhiên ta
biết là hạt ánh sáng đã đi qua khe số 1. Nhưng nếu ta biết là ánh sáng đã đi qua rồi (và tới
được màn hình tuốt đàng kia) mà máy dò ở khe số 1 không báo hiệu gì cả, tức là không
có sự tương tác giữa dụng cụ đo và hạt ánh sáng, thì ta vẫn có thể kết luận là nó đã phải
đi qua khe số 2.

Nhưng đấy lại là cái nhức đầu của cơ lượng tử. Nếu không có máy dò ánh sáng thì ta sẽ
có hiện tượng giao thoa như cũng đã bàn tới tước đây. Nay nếu đặt máy dò sau khe số 1
thì ta lại mất đi hiện tượng giao thoa -- dù khi ánh sáng đã có tương tác với máy dò khi đi
qua khe số 1, hay khi ánh sáng đã đi qua khe số 2 mà không biết gì về máy dò đăt tại khe
số 1! Cái nhức đầu là nó đã không đi qua khe số 1 mà tại sao lại biết được là có máy dò
tại đây?

Theo cơ lượng tử thì giữa hai trường hợp có máy dò và không có máy dò thì chỉ có hàm
sóng Schrödinger là khác biệt. Và chính là nhờ vào cái tính sóng bao trùm của hàm sóng
này mà ánh sáng biết được máy dò đang hiện diện ở khe số 1, mặc dù nó chỉ đi qua khe
số 2 cách đó xa lắc xa lơ.

Như thế thì tại sao Bohr có thể cho rằng hàm sóng không phải là một thực thể? Do đó,
người ta đã đưa ra nhiều cách diễn dịch khác nhau cho cơ lượng tử, chấp nhận tính thực
tại của hàm sóng, khác với trường phái Copenhagen của Niels Bohr.

**

Thí nghiệm vừa được mô tả đã được thực hiện thành công và cũng đã được đề nghị để
dùng trong việc thử bom; coi trái bom nào là trái bị xì, không nổ được, và trái bom nào là
bom tốt, mà không cần phải cho nó nổ hết những trái bom tốt.

Trước hết, ta gắn một cơ chế vào các quả bom sao cho nếu trái bom đó là tốt thì nó sẽ tác
động như một máy dò ánh sáng, và nổ tung khi nhận được một hạt ánh sáng. Còn nếu nó
bị xì thì sẽ không dò được ánh sáng. Rồi bây giờ chỉ cần đem các trái bom lần lượt đặt
ngay phía sau của khe hở số 1.

Nếu đó là trái bom xì thì ta có hiện tượng giao thoa, vì cũng như đã không có máy dò ánh
sáng nào cả. Vứt bỏ trái xì này đi và đem thay một trái bom khác vào vị trí đó. Nếu trái
bom kế tiếp này lại là trái bom tốt thì có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là ánh sáng đi
qua khe số 1, làm nổ tung trái bom này – thế là ta mất tiêu một trái bom tốt. Hai là hạt
ánh sáng đi qua khe số 2, không trực tiếp trao đổi năng lượng với trái bom nên không làm
nó phát nổ. Nhưng ta biết đấy lại là trái bom tốt, vì nay ta đã không còn hiện tượng giao
thoa nữa với sự hiện diện của khả năng dò ánh sáng của các trái bom tốt.

Cứ tiếp tục như thế, kết quả là ta biết được 100% đâu là bom xì. Còn với bom tốt thì ta
mất đi một nửa bị nổ tung trong lúc thử, nhưng vẫn còn lại một nửa bom tốt chưa bị nổ!
Ngược lại, nếu ta thử bằng cách cho nổ trực tiếp thì mấy trái bom tốt nổ hết ráo trong lúc
thử, không còn trái nào xót lại.

Cơ lượng tử đã cho ta bom nguyên tử và nay lại cho ta cách thử bom!

**

Một trong những cách diễn dịch khác cho cơ lượng tử, với sự chấp nhận tính thực tại của
hàm sóng, được gọi là cách “diễn dịch đa thế giới” (Many Worlds Interpretation) do
Hugh Everett, cũng đã xuất thân từ Princeton, đề nghị vào năm 1957.

Trong cách diễn dịch này, trong một lần đo nào đấy ta có được kết quả cô mèo
Schrödinger còn sống trong thế giới này, thì ngay tức khắc có một thế giới mới khác
được phân nhánh sinh ra, nhưng ở đấy ta sẽ có kết quả cô mèo Schrödinger đã chết! Do
sự phân nhánh này ta có cả hai kết quả mặc dù trái nghịch nhưng lại ở những thế giới
khác nhau. Đây là cách giữ gìn được cái thực thể của hàm sóng, không cho nó biến mất
đi khi ta thực hiện sự đo lường, như đã xẩy ra trong lối giải thích của Niels Bohr.
Nhưng các thế giới phân nhánh này lại không thể liên lạc được với nhau, tránh cho ta cái
phi lý của sự kiện cô mèo sống nhăn, mà lại biết về cái chết của mình ở thế giới “bên
kia!”

Cứ thế, sau mỗi lần đo lường ta lại có các thế giới mới được phân nhánh sinh ra, mỗi thế
giới có một kết quả có thể có của việc đo lường. Đây là nguồn gốc của cái gọi là “đa vũ
trụ” – multi-verse – thay vì chỉ có một vũ trụ duy nhất – uni-verse.

Mới nghe qua tưởng chừng như chuyện đùa, nhưng cái “diễn dịch đa thế giới” này đã
được một số người chấp nhận và dùng để giải thích tính thực tại của hàm sóng, sự bất
định biểu kiến trong việc đo lường, bao gồm luôn hiện tượng “quấn quít bất khả phân.”
Nó cũng giúp loại bỏ cái cần thiết của sự hiện diện của một người quan sát từ bên ngoài.
Điều này có sức thu hút hấp dẫn với các nhà vũ trụ học vì theo đó thì cái vũ trụ này
không cần phải được quan sát mà vẫn hiện hữu. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với cái
lập luận của Niels Bohr là mặt trăng kia (hay vũ trụ này cũng thế) sẽ không thể gọi là
hiện hữu nếu không có người quan sát từ bên ngoài.

**

“Diễn dịch đa thế giới” cũng có thể giúp giải quyết một luận lý logic phản bác lại việc đi
ngược thời gian về quá khứ như trong các cuốn phim khoa học giả tưởng. Lý luận này
cho rằng nếu người con của tôi trong tương lai đi có thể ngược về quá khứ, lúc tôi còn
chưa có con, và nếu cô ta lỡ tay giết chết tôi, thì làm sao cô ta có thể hiện hữu trong
tương lai để mà có thể đi ngược lại quá khứ?

Vậy thì cô ta chỉ có thể đi ngược lại quá khứ nhưng không thể làm thay đổi được cái dĩ
vãng của mình. Như thế thì có khác chi lúc ta ngồi trước màn hình coi lại một cuộn phim
chứa đầy kỷ niệm dĩ vãng, và rồi đành bất lực với những gì đã xẩy ra.

Hoặc là cô ấy chỉ có thể đi về quá khứ của một nhánh vũ trụ trong thuyết đa thế giới, đa
vũ trụ, khác với cái vũ trụ cô ấy khởi hành. Và rồi có chuyện gì xảy ra đi nữa thì chỉ có
cái tương lai trong cái nhánh vũ trụ đó bị ảnh hưởng mà thôi. Do đó sẽ không đưa tới
những sự việc phi lý trong cái vũ trụ đầu tiên mà từ đó cô đã khởi hành.

**
Cái diễn dịch đa thế giới này có vẽ quá xa xỉ và phung phí; cứ mỗi lần đo lường là nhiều
nhánh vũ trụ mới lại đươc sinh ra! Và năng lượng cũng lại không được bảo toàn với sự
phân nhánh liên tục này.

Năm 1988 hai nhà vật lý David Albert và Bary Loewer đã đề nghị thay cái “đa thế giới”
này bằng cái “đa tâm.” Trong “diễn dịch đa tâm” (Multi Minds Interpretation) mới mẻ
này thì mỗi lần đo lường là mỗi lần cái tâm của người quan sát (chứ không phải là cái thế
giới vật chất này) lại bị phân nhánh thành nhiều cái tâm, mỗi cái tâm tương ứng với một
kết quả có thể có của việc đo lường. Chính mỗi một cái tâm đó đã tạo cho ta cái ảo tưởng
là ta đang sống trong một vũ trụ duy nhất. Cốt lõi là mỗi cái vũ trụ cách biệt ngoài kia là
do một cái tâm nào đó tạo ra! Cái ngoài kia được thay thế bằng cái trong đây -- “thiên tại
nội, nhân tại ngoại.”

**

Thế thì, cái thế giới ta đang sống ngay lúc này là “hiện thực” trong ngoặc kép, hay chỉ là
vọng tâm, một ảo vọng của cái tâm bị chia nhánh trong lượt đo lường lần cuối cùng? Đâu
là thực đâu là hư?

Thế thì, cái thế giới ta đang sống ngay lúc này có khác chi cái giấc mộng hóa bướm Hồ
Mộng Điệp của Trang Tử ngày xưa?

“Bước vào mộng Châu biến thành Bướm,

Bước ra khỏi mộng Bướm biến thành Châu.

Như vậy Bướm là Châu? Hay Châu là Bướm?

Đâu là thực đâu là hư?

Từ thực biến thành hư, từ hư biến thành thực.

Từ Châu biến thành Bướm, từ Bướm biến thành Châu.

Trong hư có thực trong thực có hư,

Trong âm có dương, trong dương có âm.

Đây gọi là sự biến hóa giữa vạn vật

Đó chính là cái Đạo của Lão Tử, Trang Tử.”

(Quên Đi)
10. THỰC THỂ VÀ VÔ TỰ TÍNH

Cuốn phim mang tựa đề “Sliding Doors” (Những Cánh Cửa Kéo), ra đời vào năm 1998,
kể về hai cuộc đời của một cô gái tên là Helen. Vâng, hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt
xảy ra cùng một lúc, nhưng lại là hai cuộc đời trong hai vũ trụ song hành.

Helen vừa mới bị đuổi việc và được cho ra về sớm. Trên đường về nhà cô vừa kịp đến
cửa xe điện ngầm thì hai cánh cửa đang từ từ kéo khép lại. Chỉ cái tíc tắc đó đã phân hóa
cuộc đời của Helen ra làm hai: Một cuộc đời trong đó cô đã nhảy kịp lên xe trước khi cửa
khép kín; và một cuộc đời khác khi cô đã lỡ chuyến tàu.

Trong cái vũ trụ cô lên kịp tàu, Helen đã gặp một người đàn ông tên là James bắt chuyện
suốt cuộc hành trình. Nhưng chỉ vì được về nhà sớm hơn mọi bữa nên cô đã bắt gặp một
sự thật phũ phàng, lại làm đời cô càng thêm xáo trộn. Để dành sự bất ngờ cho những độc
giả sẽ tìm xem phim này, tôi chỉ xin tiết lộ là cuối cùng khi James thố lộ là đã yêu cô thì
ngay sau đó, trong lúc trái tim đang tràn ngập với những xúc cảm yêu đương, cô đã bất
cẩn để bị xe đụng trong lúc vội vã băng qua đường. Và Helen đã chết trên tay người yêu.

Trong cái vũ trụ khác nơi cô đã lỡ chuyến tàu, cuộc đời Helen cũng đã phải trải qua bao
sóng gió. Nhưng trong một giấc ngủ, cô cũng đã mơ thấy loáng thoáng cuộc đời của
chính mình trong cái vũ trụ song hành kia, nơi cô đã bắt kịp chuyến tàu và chết trong một
tai nạn xe cộ. Nhưng cũng ở đoạn kết trong cái vũ trụ này, Helen lại tình cờ gặp James
lần đầu tiên, y hệt như trong đoạn đầu của cái vũ trụ cô đã lên được tàu điện. Đạo diễn đã
kết thúc cuốn phim nơi đây, để dành cho người xem tự suy đoán là Helen và James rồi sẽ
đi về đâu ở cái thế giới này.

Nhắc lại câu chuyện phim thú vị này nơi đây là vì tôi muốn qua đấy nói lên các vấn đề:
về sự ngẫu nhiên/bất định, về các vũ trụ song hành, về định mệnh và quyền tự quyết dưới
cái nhìn của vật lý hiện đại.

**
Theo “diễn dịch đa vũ trụ” hay “đa tâm” được đề ra trong khuôn khổ của cơ lượng tử,
ngay sau mỗi lần đo đạc thì nhiều thế giới được nảy sinh ra, mỗi một thế giới tương ứng
với một kết quả có thể có được của việc đo lường. Đấy đã được tiểu thuyết hóa qua hai
cái vũ trụ song hành của Helen, một vũ trụ khi cô đã lên được tàu và một vũ trụ khác khi
cô đã lỡ chuyến tàu -- với những diễn tiến hoàn toàn khác biệt trong hai cái tương lai khởi
nguồn từ hai sự việc/kết quả tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này.

Những vũ trụ này có thể là những “hiện thực” trong ngoặc kép của thế giới vật chất (như
theo thuyết “đa vũ trụ”) hay có thể chỉ là những “hiện thực” trong tâm tưởng của người
quan sát (như theo thuyết “đa tâm”).

**

Vào năm 1964, một nhà vật lý người Ái Nhỉ Lan tên là John Bell đã công bố một định lý
toán học, về sau được gọi là Bell’s Theorem (định lý của Bell). Về mặt toán học thì đây
là một định lý có vẽ đơn giản, không cần dùng các phương pháp toán cao cấp để chứng
minh. Nhưng về ảnh hưởng trên khoa học thì Định Lý Bell được coi là quan trọng nhất
trong lịch sử khoa học từ xưa đến nay. Động lực đã khai sinh định lý này chính là cái
“quấn quít bất khả phân” trong hiệu ứng EPR của cơ lượng tử.

Một mai này thuyết lượng tử nói riêng và lý thuyết khoa học nói chung có thể sẽ bị loại
bỏ một khi chúng không phù hợp với thế giới thực nghiệm nữa. Nhưng cái hay của một
định lý toán học là nó luôn có giá trị trường tồn trong khuôn khổ luận lý. Như mọi định lý
toán học khác, Bell đã bắt đầu từ giả thuyết A để đi đến kết luận B. Cái kết luận B này
của Bell lại có thể được kiểm chứng hay bác bỏ qua thực nghiệm.

Các thí nghiệm vật lý lượng tử sau đó đã đưa đến kết luận là kết luận B là “sai”, là bị bác
bỏ bởi hiệu ứng “quấn quit bất khả phân”, là không phù hợp với thế giới vật chất lượng tử
của chúng ta.

Nhưng đấy không có nghĩa là định lý Bell là sai. Theo toán học, một khi A suy ra B thì
có nghĩa là trong một thế giới nào đó (tuân thủ theo luận lý toán học) nếu có A thì ắt phải
có B. Ngược lại, trong một thế giới nào đó nếu không thể có được B thì chỉ có nghĩa là
giả thuyết A là sai. Và đó là giả thuyết gì trong định lý Bell? Giả thuyết A của Bell gồm
có hai phần: Một là cái thế giới vật chất này là tự nó tồn tại và có tự tính riêng; và hai là
không có một tín hiệu nào có thể truyền đi một cách tức thời.
Nói tóm lại, định lý Bell và sự thành công của thuyết lượng tử đã buộc ta phải đi đến cái
kết luận hoặc là cái thế giới vật chất của chúng ta không tự tồn tại, không có tự tính; hoặc
là mọi vật trong thế giới này có thể liên hệ tức khắc với nhau, bất kể không gian cách
biệt. Hoặc là cả hai điều này!

Hay là cái thế giới này lại không tuân thủ theo luận lý toán học? Nhưng nếu vậy tại sao
các phương trình cơ lượng tử lại được kiểm chứng chính xác?

Chủ đích của Bell lúc đầu khi nghiên cứu vấn đề này là nhằm chứng minh cơ lượng tử là
vẫn còn thiếu sót, chưa phải là lý thuyết cơ bản sau cùng của vật chất. Nhưng một cách
ngoan cố cơ lượng tử vẫn tiếp tục đứng vững và đã cho ông và cho chúng ta từ ngạc
nhiên này tới ngạc nhiên khác.

**

Nếu những điều trên đây là quá trừu tượng hay khó tin, thì cũng không phải chỉ có chúng
ta là bị nhức đầu không thôi đâu. Đến ngay chính cha đẻ của phương trình sóng là Erwin
Schrödinger cũng có lúc đã phải bực mình: “Tôi không thích cơ lượng tử, và tôi hối hận
là đã từng dính dáng tới nó” – “I do not like it, and I am sorry I ever had anything to do
with it.”

Còn Einstein thì cũng chẳng hơn gì, ông có lần đã thú nhận trong bức thư cuối cùng gởi
cho Max Born rằng: “Điều mà tôi muốn nói là như vầy: Trong hoàn cảnh hiện tại, cái
nghề duy nhất mà tôi sẽ chọn lựa là một cái nghề nào đó mà cách kiếm sống không liên
quan gì đến công chuyện tìm tòi về kiến thức!” - “What I wanted to say was just this: In
the present circumstances, the only profession I would choose would be one where
earning a living had nothing to do with the search for knowledge.”

**

Cơ lượng tử là một lý thuyết vật lý nghịch lý nhất. Không một cá nhân riêng lẻ, tỉnh táo
nào mà lại có thể đương không đi tạo dựng ra cơ lượng tử. Và bình thường thì không một
ai hiểu biết lại có thể đi tin vào cái thuyết nghịch lý này. Nhưng cuối cùng vật lý đã phải
đi đến thuyết này, không phải vì nó hợp lý, mà chỉ là vì hằng hà vô số các thí nghiệm và
quan sát đã dẫn chúng ta đến cái thuyết tất yếu, phải có này. Tất yếu là vì trong khoa học
hiện nay, duy nhất chỉ có cơ lượng tử là có thể dự đoán được và đã được kiểm chứng
chính xác tất cả các kết quả thực nghiệm.

Nhưng cơ lượng tử càng ngày lại càng kỳ bí. Một thuyết khoa học bắt nguồn từ hiện
tượng / bản thể của vật chất nay lại đi bàn về cái tâm! Chính Einstein thời sinh tiền đã
thấy được điều này nên đã cho rằng: “Nếu cơ lượng tử là đúng, thì nó đánh dấu cho sự
cáo chung của vật lý như là một bộ môn khoa học” -- “If [quantum theory] is correct, it
signifies the end of physics as a science.”

**

Thật vậy, cái lối “diễn giải đa tâm” của cơ lượng tử lại rất gần gũi với cái vũ trụ quan
“vạn pháp do tâm tạo” trong ngoặc kép của phật giáo.

Theo Nguyễn Tường Bách, thì Kinh Lăng Nghiêm của phật giáo nói về một thể tạm
mệnh danh là "Chân Tâm". Chân Tâm là phi hình tướng, phi tính chất, không thể nghĩ tới
bàn tới. Nhưng Chân Tâm lại có thể nhận thức ngay chính mình.

Xuất phát từ Chân Tâm đó, nếu bỗng có "vọng tâm" nổi lên, thì đó là lúc Chân Tâm sẽ
quay qua tự nhận thức chính mình và thấy có một thể bị nhận thức (tướng phần) và một
thể nhận thức (kiến phần). Tức là, với vọng tâm, xuất hiện một lúc hai thể tính: người
quan sát và vật bị quan sát. "Vọng tâm" được Kinh Lăng Nghiêm so sánh với giấc mộng,
trong đó có người có ta, có cảnh vật, có diễn biến thông không gian và thời gian. Nếu tỉnh
dậy thì tất cả cảnh vật trong mơ cũng không còn. "Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp
đều sinh khởi, vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt".

Theo phật giáo, cái thế giới vật chất mà ta đang cảm nhận thật ra được hình thành và duy
trì dựa trên vọng tưởng của tâm – vì vật chất không có một tự tính riêng biệt (pháp vô
ngã), mà chỉ tồn tại trên cơ sở tương quan đối với người quan sát. Đây không có nghĩa là
cái tảng đá đằng kia chỉ có trong sự tưởng tượng của ta và luôn đè nặng lên cái tâm tưởng
của ta. Nhưng chính là do tâm thức của ta mà vật chất mang một “tính chất” nào đó,
“hiện hữu” dưới một dạng nào đó, như trong thí dụ hạt và sóng.
Mỗi thế giới như thế tuy chỉ có giá trị đối với mỗi cá thể riêng lẻ, nhưng chúng cũng lại
có thể hòa vào nhau, tưởng chừng như thể của chung của nhiều cá thể. Lúc ấy, dường
như toàn xã hội, toàn loài người đều có chung một thế giới. Đó được giải thích là vì cái
gọi là "cộng nghiệp", tức là cái nghiệp chung của nhiều cá thể làm cho những cá thể đó
thấy chung một thế giới -- như thể chỉ có một thế giới duy nhất. Do đó khái niệm cộng
nghiệp là hết sức quan trọng để giải thích thế giới hiện tượng "chung" của cái thế giới
“riêng” của chúng ta.

Điều này còn dẫn đến một triết lý sâu xa hơn nữa, đó là "pháp vô ngã" và "nhân vô ngã".
Pháp vô ngã thì cho rằng không có sự vật nào tồn tại với tự tính riêng của nó cả, tất cả
đều chỉ là sự biến hiện làm ta thấy "có" khi đủ điều kiện (nhân duyên sinh) để cho sự vật
trình hiện trước mắt ta. Nhân vô ngã lại cho rằng con người mà ta tưởng là có một cái
“Tôi” đứng đằng sau, thật sự chỉ là sự vận hành vô chủ của ngũ uẩn. Triết lý nhân vô ngã
và pháp vô ngã cho thấy mặc dù thế giới hiện tượng và thế giới tâm lý vận hành liên tục
nhưng đó chỉ là sự vận động nội tại của nó, và không một ai làm chủ chúng cả. Sự vận
động đó chủ yếu xuất phát do động cơ tâm lý được gọi là "nghiệp" hay "nghiệp lực".
Nghiệp lực (bao gồm “biệt nghiệp” của cá thể và “cộng nghiệp” của toàn thể) chính là tác
nhân làm thế giới vật chất được duy trì, làm cho vũ trụ được sinh ra và phát triển.

**

Tóm lại, cái nhìn của nhà phật là là thế giới vật chất chỉ là dạng xuất hiện của tâm, là sự
trình hiện của tâm trước mắt người quan sát, mà người quan sát cũng là tâm nốt. Vì có
người quan sát nên có vật được quan sát. Ngược lại, vật được quan sát không thể tồn tại
được nếu không có người quan sát.

Điều này có thể giải đáp một câu hỏi quan trọng của vật lý là, nếu thực tại bên ngoài là
độc lập với ý thức thì tại sao con người có thể nắm bắt được thực tại, và tại sao thực tại
lại tuân thủ theo những công thức toán học của con người.

Vì vật chất chỉ là dạng xuất hiện của tâm, không có tự tính riêng, chỉ tùy “duyên khởi”
mà trình hiện nên Phật giáo không thấy có mâu thuẫn giữa hai dạng sóng-hạt của vật
chất. Cả sóng lẫn hạt đều xuất hiện khi đầy đủ nhân duyên hội tụ thì chúng xuất hiện.
Trong vật lý, cái "duyên khởi" chính là cách đặt câu hỏi của người quan sát và cách xếp
đặt thiết bị đo lường. Sự nghịch lý sóng-hạt chỉ có khi ta cho rằng vật chất tự nó phải có
một tự tính riêng.

Cũng vậy, mọi nghịch lý trong hiệu ứng EPR, quấn quít bất khả phân, cũng có thể giải
đáp được bằng vũ trụ quan này của phật giáo -- tương tự như cách giải thích qua cái “diễn
dịch đa thế giới” hay “đa tâm” của vật lý lượng tử.

**

Mỗi thế giới trong muôn vàn thế giới này của “đa thế giới” cũng có thể được so sánh như
một giấc mơ sinh ra từ cái tâm của ta. Trong giấc mơ đó mọi sự đều hài hòa, không tự
mâu thuẩn, và vận hành theo những quy luật nhân quả.

Như trong Hồ Mộng Điệp khi Trang Châu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay
lượn, mà không biết mình là Châu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Châu.
Không biết phải mình là Châu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm nằm mộng thấy
hóa Châu. Trang Châu với bướm tất có phải là khác nhau không?

Hay cũng như khi cô Helen ở vũ trụ này mà lại nằm mơ về cái vũ trụ nơi cô đã bước lên
được chuyến tàu kia. Với cô thì cái vũ trụ nào là thật hơn cái vũ trụ nào?

**

Nhân vật tên là Prospero trong kịch bản The Tempest (Cơn Bão) của Shakespeare, trong
một cuộc vui để mừng đám cưới con gái mình, đã giải thích cho hai trẻ rằng:

“These our actors,

As I foretold you, were all spirits and

Are melted into air, into thin air:


And, like the baseless fabric of this vision,

The cloud-capp'd towers, the gorgeous palaces,

The solemn temples, the great globe itself,

Ye all which it inherit, shall dissolve

And, like this insubstantial pageant faded,

Leave not a rack behind. We are such stuff

As dreams are made on, and our little life

Is rounded with a sleep.”

Những kịch sĩ này,

Như cha đã nói trước với con, đều là những bóng ma và

Sẽ tan chảy vào không khí, vào hư vô:

Và, cũng như cái cấu trúc không nền tảng của cái ảo tưởng này,

Những ngọn tháp cao thấu mây, những hoàng cung tráng lệ,

Những đền thờ trang nghiêm, và ngay cả trái đất này,

Tất cả những gì nó thừa hưởng, sẽ tan biến

Và, cũng như đoàn diễn hành thưa thớt dần dần mờ nhạt

Không để lại dấu tích gì. Chúng ta chỉ là những vật liệu

Tạo nên những giấc mơ, và cuộc đời nhỏ bé của chúng ta

Chỉ là nằm gọn trong một giấc ngủ

Có lẽ Shakespeare muốn nói rằng khi ta chết đi cũng là lúc ta rời cuộc sống mộng mị này
để tỉnh dậy trong thực tại. Hay rồi, chỉ để tỉnh dậy lại trong một giấc mộng khác -- chẳng
thực hơn, chẳng hư hơn giấc mộng này?

**
“Một mai qua cơn mê

Xa cuộc đời bềnh bồng

Tôi lại về bên em.

Ta sẽ thăm từng người

Sẽ đi thăm từng đường

Sẽ vô thăm từng nhà.

Tình người sau cơn mê vẫn xanh

Dù bao tháng năm đau thương dập vùi

Rồi đây qua cơn mê

Sông cạn lại thành dòng

Xuôi về ngọn quê hương.”

(Trịnh Lâm Ngân – Qua cơn mê )

**

Đo lường là nền tảng cốt lõi của cơ lượng tử, trong đó kết quả của đo lường lại là ngẫu
nhiên và bất định trong mỗi lần đo đạc – như sự ngẫu nhiên trong việc Helen đã hay
không đã bước lên được chuyến tàu trước khi đôi cánh cửa kéo kín.

Nhưng chính cái ngẫu nhiên đó (xuất phát từ cơ lượng tử hay từ đâu đi nữa) đã cho sự
sống cái cơ hội được hình thành. Vũ trụ vào lúc sơ lập, chính cái giao động ngẫu nhiên
trong “nồi súp” khởi thủy đã phá vỡ sự cân bằng hóa học, tạo cơ hội cho các chất hữu cơ
được hình thành từ các chất vô cơ trong nồi súp đó. Các chất hữu cơ này bao gồm luôn cả
các amino acids là nền tảng của các proteins. Rồi kế đó là sự hình thành của những tế bào
có thể tự sinh sản, mặc dù chúng chưa hẳn là sự sống. Và sau cùng là sự xuất hiện của sự
từ những tế bào đơn sơ này.

Và khi sự sống đã được hình thành thì sự phát triển đa dạng của sự sống theo thuyết tiến
hóa của Charles Darwin lại cũng phải nhờ vào cái yếu tố ngẫu nhiên. Các thế hệ về sau
của sinh vật sẽ có những thay đổi trong các di truyền tử (genes). Sự khác biệt này một
phần là do sự kết hợp từ các di truyền tử khác nhau của bố và mẹ, một phần khác là do
những biến động ngẫu nhiên, tình cờ gây ra những biến dạng của gene. Môi trường sống
sẽ gạn lọc, chỉ những di truyền tử nào thích hợp thì sẽ tiếp nối trong các thế hệ sau, và
dần dần loại bỏ những sự sống không thích hợp. Nhất là khi môi trường có những biến
động lớn về khí hậu hay điều kiện sống, thì chỉ có những sinh vật nào thích ứng được mới
có thể sống còn và phát triển.

Nếu không có những sự thay đổi ngẫu nhiên, tình cờ trong các di truyền tử thì các thế hệ
đi sau sẽ có cấu trúc tương tự như bố mẹ của mình và, do đó, sẽ không thích ứng và sống
còn được với những biến đổi to tát của môi trường sống này. Đây là trường hợp diệt
chủng của loài khủng long giống máu lạnh hàng triệu năm trước đây trên trái đất này, khi
mặt trời đã bị bụi che kín trong một khoảng thời gian dài.

**

Nếu sự ngẫu nhiên, tình cờ là không thể thiếu được cho sự nảy sinh và tiến hóa của sự
sống, thì nó có vai trò gì trong cái khả năng tự do quyết định (free will) của chúng ta
không?

Theo vật lý cổ điển khởi nguồn từ Isaac Newton thì một khi các điều kiện ban đầu đã
được xác định thì mọi tiến trình sau đó sẽ là cố định. Theo thuyết xác định (determinism)
này thì mọi việc, nhỏ hay lớn, đều là do định mệnh định đoạt cả: "Nhất ẩm nhất trác mạc
phi tiền định" -- ăn một miếng, uống một hớp, không gì là không do quá khứ quyết định
trước. Theo đó, con người chúng ta thật ra không có cái khả năng tự do quyết định gì cả.
Cô Helen trong phim “Sliding Doors” dù ở trong cái thế giới nào đi nữa thì cũng đã gặp
James, dù sớm hay muộn. Đấy có phải là định mệnh không tránh được của cô ấy hay
không?

Ngược lại, trong một thế giới mà cái gì cũng là ngẫu nhiên bất định thì không thể có định
mệnh, vì không có gì có thể định trước được. Nhưng trong thế giới đó thì ta cũng lại
không có luôn cả cái khả năng tự do quyết định. Quyết định làm sao được khi những biến
cố kế tiếp sau đó lại hoàn toàn là bất định!

**

Cơ lượng tử lại nằm giữa hai thái cực này. Vì bản chất ngẫu nhiên trong sự đo đạc, cơ
lượng tử không hẳn là một thuyết định mệnh, vì nó còn có chổ trống cho sự ngẫu nhiên,
bất định. Nhưng cái bất định lượng tử này lại bị giới hạn phần nào trước đó qua hàm sóng
Schrödinger. Hơn thế nữa, cơ lượng tử cũng lại cho người quan sát cái tự do để chọn lựa
tính chất nào, hạt hay sóng, trong việc tương tác với các đối thể bị đo lường.

Với một cấu trúc như thế, cơ lượng tử có chổ cho cái gọi là định mệnh qua hàm sóng,
nhưng cũng lại có thể dung chứa cái khả năng tự do quyết định trong khuôn khổ của hàm
sóng định mệnh này.

Nhưng đấy chỉ là điều mạn đàm, vì đi từ vật chất vi mô lượng tử đến thuyết định mệnh,
đến cái tự do chọn lựa của con người là một bước quá dài. Có lẽ ta đã bước ra ngoài giới
hạn của vật lý nói chung rồi đấy.

**

Dịch học là một triết học bàn về đạo lý thịnh suy, lành dữ, hạnh và bất hạnh của cá nhân
và xã hội, đất nước. Nhưng tinh thần của dịch học là "đức năng thắng số" chứ không hẳn
con người là phải phục tùng số mệnh. Nghĩa là dù gặp phải cảnh ngộ khó khăn, gian khổ,
nhưng nếu biết giữ đức hạnh, sống chính đáng thì dữ biến thành lành, hung biến thành
cát:
"Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương" -- nhà nào
tích chứa nhiều điều thiện thì sẽ có thừa điều lành, nhà tích chứa nhiều điều ác thì sẽ gặp
nhiều chuyện dữ.

Gia đình như vậy, cá nhân cho tới xã hội, đất nước cũng đều như vậy. Trị nước mà tàn
bạo, hà hiếp, bóc lột dân quá đáng thì trước sau gì dân cũng sẽ phải nổi dậy, phá bỏ gông
xiềng.

**

Phật giáo, vì được xây dựng trên thuyết nhân quả, nên cho rằng định mệnh không nằm
trong bàn tay quyết định của thần linh hay người nào khác, mà nó tuỳ thuộc ở ngay hành
động và ý tưởng của chính người ấy, thường được gọi là nghiệp. Nghiệp được tạo mỗi
khi có dụng tâm, dù đó chỉ là ý nghĩ, lời nói hay hành động.

Kinh "Tiểu Nghiệp Phân Biệt" có câu: "Người là chủ nhân của nghiệp, cũng là thừa tự
của nghiệp." Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"

(Nguyễn Du – Kiều )

Phật giáo khẳng định rằng định mệnh chỉ là hình bóng của nghiệp, và không hẳn là bất di
bất dịch không thay đổi được. Định mệnh có hay không là do ta. Nếu ta thụ động đổ thừa
cho số mạng, hay ngồi đó chờ một phép lạ xảy ra thì lúc đó định mệnh là có thật, vì ta đã
không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của ta. Con người chúng ta lúc nào cũng có
cái quyền, cái tự do chọn lựa, ít nhất là trong thái độ của ta đối với những biến cố trong
đời sống.

**
Cái quan trọng không phải chỉ ở những gì đã và sẽ đến với ta, không phải là có hay
không có định mệnh. Mà quan trọng cũng ở chổ ta đã học được những gì trong quá khứ
và sẽ phản ứng ra sao trong tương lai. Quan trọng là cái nhìn, cái suy nghĩ và phản ứng
của ta. Hay nói cách khác, quan trọng là ở chổ cái tâm của ta. Cái tâm của ta có thể không
hoàn toàn đồng nghĩa với thế giới gọi là hiện thực ngoài kia, nhưng cái tâm này đã góp
phần nào tạo nên cái thế giới đó. Chính cái tâm này ít nhất đã gán ép cho cái thế giới
ngoài kia cái giá trị và ý nghĩa của nó.

Trong muôn vàn điều ngẫu nhiên và bất định của cuộc sống, chính cái tâm của ta lại là
chủ thể của sự chọn lựa trong một giới hạn nào đó. Nếu như người làm thí nghiệm có sự
lựa chọn để đo tính hạt hay tính sóng của vật chất, mặc dù cuối cùng hạt đó nằm ở đâu lại
là một sự hoàn toàn ngẫu nhiên, thì ta cũng có thể chọn lựa để nhìn cuộc sống dưới nhãn
quan nào, như một ly nước vơi một nửa hay như một ly nước đầy một nửa, cho dù cái kết
cuộc sau cùng có bất định ra sao đi nữa.

**

Ca nhạc sĩ Bob Dylan cũng đã từng hỏi:

“Yes, how many years can some people exist

Before they're allowed to be free?

Yes, how many times can a man turn his head

Pretending he just doesn't see?”

Vâng, một dân tộc phải tồn tại bao lâu

Trước khi họ “được phép” tự do?

Vâng, một người phải ngoảnh mặt đi bao lần

Để giả vờ không trông thấy gì?

Và:
“Yes, how many times must a man look up

Before he can see the sky?

Yes, how many ears must one man have

Before he can hear people cry?”

Vâng, con người phải ngóc lên bao lần

Thì mới có thể thấy được bầu trời kia?

Vâng, một người phải có bao nhiêu tai

Thì mới nghe được tiếng kêu gào của con người?

“The answer my friend is blowin' in the wind

The answer is blowin' in the wind.”

Câu trả lời, bạn hỡi, đang thổi bùng trong gió

Câu trả lời đang bừng bừng trong gió

**

Cho dù tương lai của cá nhân mình ra sao, ta không thể không cố sức trong hiện tại. Cho
dù thất bại hay thành công, ta không thể không góp gió cùng với dân tộc. Ta không thể
giả điếc không nghe tiếng kêu gọi đánh thức lương tâm của tuổi trẻ, của người dân Việt
Nam. Ta không thể giả đui không thấy nguy cơ mất nước, khi giặc ngoại xâm đã xiết chặt
từ bên ngoài, nghênh ngang ngay ở bên trong.

Định mệnh của đất nước, của dân tộc Việt là ở sự chọn lựa ở mỗi cá nhân trong chúng ta.
11. VÒNG THỜI GIAN

Ngay từ lúc sinh ra đời, tôi đã bị một chứng bệnh nan y, đến nỗi cả hai nhà thương Grall
của Pháp và nhà thương Cơ Đốc của Mỹ ở Sài Gòn vào lúc bấy giờ đã từ chối chữa trị,
khuyên bố mẹ tôi đem thằng bé sơ sinh về lo hậu sự. Nhưng tôi đã sống sót, nhờ tình cờ
gặp được người mách bảo cho thuốc Nam. Khi lớn lên, có lẽ nhờ câu chuyện ấy mà tôi lại
càng thêm trân quý cái thời gian mình còn đang hiện hữu nơi cuộc sống này.

Về sau tôi cũng đã suýt chết đôi ba lần. Một trong những lần ấy là lần vượt biên thất bại
vào năm 1977. Vào khoảng 2 giờ sáng một đêm không trăng không sao, một mình tôi
phải gắng sức bơi tìm đường vào bờ từ ngoài khơi Nha Trang. Quanh tôi chỉ là sóng nước
mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Hoảng hốt, tôi cứ loay hoay đứng nước mãi không
biết phải làm gì. Thời gian như ngừng trôi. Cuối cùng, không thể chần chừ mãi vì đã bắt
đầu kiệt sức, tôi đã phải chọn đại một hướng bơi, dù biết rằng mình có thể đang bơi mãi
ra khơi để rồi phải chết đuối ở ngoài ấy.

Ngụp lặn trong một biển nước mênh mông, đâu đâu cũng như nhau, không một cột mốc
định hướng, không gian sẽ trở thành vô nghĩa. Thời gian cũng vậy, nó cũng sẽ không
mang một ý nghĩa gì cả khi không có một biến động nào để đánh dấu cho sự đổi thay.
Một khi tâm tưởng đã bị đông cứng lại trong sự sợ hãi, khái niệm thời gian cũng sẽ không
còn nữa.

Khái niệm thời gian có được là do những thay đổi của thế giới vật chất hay những biến
động ngay chính trong tâm tưởng của ta.

**

Vật lý hiện đại định nghĩa một giây trong đơn vị của thời gian khách quan là khoảng thời
gian của 9.192.631.770 lần giao động giữa hai mức năng lượng của nguyên tử cesium
133.
Còn cái thời gian chủ quan thì khỏi nói. “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère, Un
amour éternel en un moment conçu” -- Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây phút
mà thành thiên thu (Khái Hưng dịch).

Trong cái thời gian chủ quan, một đêm ân ái sẽ mãi là thiên thu:

“Ta có nhau đời tựa chiêm bao

Có trong dạ khúc lời tiêu dao

Mai sau trời có làm dâu biển

Vẫn hát thiên thu khúc ngọt ngào

Nhớ mãi đêm vàng như đêm qua

Vầng trăng tình sử, gió khoan hòa

Khắc trong tâm cảm thâm tình ấy

Trăng ở lòng em, gió ở ta

Hừng sáng chim muông thức gọi bầy

Tay còn quấn quýt ở trong tay

Níu nhau từng phút trong mê hoặc

Rượu ở môi người, trời đất say”

(Hà Huyền Chi)

**
Thời gian vẫn còn là một bí ẩn trong khoa học ngày nay, dù nó đã đi từ cái tuyệt đối, độc
lập với không gian trong cơ học Newton đến cái tương đối, hòa lẫn với không gian trong
thuyết của Einstein. Ngay cả trong cơ học lượng tử, thời gian vẫn là một ngoại thể xa lạ
được áp đặt từ bên ngoài, không như một cấu trúc được tạo dựng từ bên trong như trường
hợp của thuyết Tương Đối Rộng. Nhưng cho tới nay mọi cố gắng để thống nhất cơ lượng
tử và thuyết Tương Đối Rộng trong cái lý thuyết gọi là Trọng Trường Lượng Tử
(Quantum Gravity) đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, chủ yếu là do ta không biết
làm cách nào để giải quyết hay diễn dịch những số lượng vô hạn trong lý thuyết này. (Ở
nơi đây, ta chưa vội bàn đến “thuyết sợi” (string theory).)

Điều khó hiểu là những định luật vật lý ở mức cơ bản nhất, trừ một vài hiện tượng riêng
lẻ, đều có thể đi ngược lại dòng thời gian – thời gian dường như có hai chiều. Thí dụ, một
phân tử mực màu đen bắt đầu từ điểm A đi đến điểm B trong một ly nước, thì sau đó nó
cũng có thể đi từ B ngược trở lại A -- không có một định luật vật lý nào cấm cản điều đó
cả. Nhưng khi ta nhỏ một giọt mực đen, gồm nhiều phân tử mực, vào ly nước trong thì
dần dần các phân tử đó sẽ tỏa ra nhuộm màu cả ly nước. Và chưa bao giờ ta thấy từ một
ly nước nhuộm màu, các phân tử bỗng dưng tụ lại thành giọt mực ban đầu, trả lại cho ta
một ly nước trong vắt.

Để giải thích những sự kiện như trên, vật lý đã cần tới khái niệm gọi là entropy, là một
khái niệm áp dụng cho nhiều phần tử trong một hệ thống, như những phân tử mực trong
giọt mực kia. Cái dòng chảy một chiều của thời gian -- đi từ sanh, trụ, hoại, đến diệt –
được giải thích qua một định luật là tổng lượng entropy của một hệ kín không thể giảm
đi. Nó chỉ có thể tăng lên khi hệ đó bị lão hóa; hay cuối cùng là không thay đổi nữa ở cái
quân bằng và cũng là ở cái chết sau cùng.

(Xin mở ngoặc ở đây là ngày nay cái khái niệm entropy còn được dùng trong ngành tin
học và việc mật mã hóa các tín hiệu.) Định luật không giảm thiểu của entropy có thể giải
thích nôm na như sau. Khi các phân tử mực tỏa đều trong ly nước thì entropy của nó lớn
hơn là khi các phân tử này tụ lại trong một giọt mực ở một góc của ly nước. Mặt khác,
nói về xác suất thì trạng thái mực hòa đều trong nước lại dễ xuất hiện hơn vì có nhiều
cách để bố trí các phân tử mực khắp cùng ly nước, hơn là số cách để bố trí các phân tử
này trong một giọt mực. Do đó entropy sẽ đi dần từ lượng nhỏ đến lượng cao, rồi đến
mức nào đó thì không tăng được nữa.
Cũng từ định luật entropy không thuyên giảm này đã nảy sinh ra nhiều tranh cãi là vũ trụ
của chúng ta đang hiện hữu nơi đây, như một hệ kín, rồi cũng sẽ phải đi đến một cái chết
sau cùng (gọi là heat death) hay không. Hy vọng sẽ có dịp trở lại vấn đề này trong đề tài
về nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ trong một lần nào khác.

**

Các định luật cơ bản của từng phần tử riêng lẻ có thể đi ngược thời gian như thế thì có gì
mâu thuẫn với cái định luật entropy không bao giờ giảm thiểu hay không, mặc dù entropy
chỉ áp dụng cho hệ có rất nhiều phần tử?

Henry Poincare, nhà toán học người Pháp, đã chứng minh qua toán học được rằng là nếu
ta kiên nhẫn chờ đợi thì các phân tử mực nhuốm đen ly nước sẽ có lúc tự tụ ngược trở lại
vào giọt mực ban đầu! Định luật không giảm thiểu entropy do đó chỉ có thể trì hoãn, chứ
không thể, theo các lý luận toán học, mãi mãi cản ngăn cái vòng trở lại của thời gian.
Nhưng chu kỳ tuần hoàn Poincare (Poincare cycle) này lại rất dài; chỉ với một giọt mực
nhỏ bé ta đã phải chờ một chu kỳ dài hơn cả cái tuổi của vũ trụ này!

Dĩ nhiên, ngay cả ly nước cũng không thể tồn tại lâu dài đến thế để ta có thể chứng kiến
việc hội tụ trở lại giọt mực ban đầu. Trừ phi, trừ phi thay vào giọt mực đó lại là tình yêu.
Vì có người, nhất là những kẻ đang yêu, cho rằng tình yêu là thiên thu. Và nếu tình yêu
tồn tại mãi thiên thu thì chàng sẽ có cơ hội trở lại cái:

“Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng

Lòng đang giá băng, bỗng ngập tràn bao tia nắng

Nghe bao xót xa vụt bay theo cánh chim ngàn”

(Tùng Giang)
Nhưng không biết là chàng lúc ấy, sau một thiên thu dài đăng đẳng, còn muốn, hay còn
dám, trở lại giây phút ban đầu “dại dột” ngày xưa ấy nữa chăng?

**

Chu kỳ Poincare có thể đem so sánh với chuỗi ngày lập đi lập lại trong cuốn phim
“Groundhog Day” ra đời vào năm 1993. Phim kể về một người đảm trách mục khí tượng
tên là Phil trên một đài TV. Trong một dịp tường trình về ngày lễ mang tên Groundhog
Day ở một ngôi làng xa xôi, thì vì một lý do nào đó Phil đã bị mắc kẹt vào một cái vòng
thời gian, ngày hôm sau cũng lại bắt đầu lại cái ngày hôm trước đã sống qua. Như thế,
một ngày là một chu kỳ Poincare.

Lúc đầu ông đã lợi dụng sự kiện này để sống hưởng thụ và làm bất cứ điều gì mà không
sợ đến hậu quả, vì ngày mai ông lại có thể bắt đầu lại từ đầu của ngày hôm nay. Nhưng
cứ thế dần dà cuộc sống, và cả thời gian nữa, trở nên không còn ý nghĩa. Sau cùng, Phil
đã thay đổi cuộc sống và tìm ra được ý nghĩa cho nó. Và chỉ khi đó Phil mới phá vỡ được
cái vòng thời gian ác nghiệt này.

Nếu so sánh một cách xa xôi hơn, thì mỗi ngày lập đi lập lại của Phil có thể ví như một
kiếp sống trong vòng tái sinh luân hồi. Và con người chỉ có thể thoát khỏi cái vòng luẩn
quẩn này khi ta nhận thức được nó và sống sao cho có ý nghĩa đích thực -- ngay trong lúc
này.

Năm 2006, cuốn phim Groundhog Day đã được Cơ quan Lưu Ký Phim Ảnh Quốc Gia
Hoa Kỳ (United States National Film Registry) chính thức công nhận là một cuốn phim
đáng kể về văn hóa, lịch sử và có giá trị thẩm mỹ.

**

Cái vòng thời gian đã được ghi nhận từ ngàn xưa từ Đông sang Tây với sự tuần hoàn thể
hiện đầy rẫy quanh ta: ngày nối ngày ; thủy triều lúc dâng lúc rút; mùa cứ tiếp mùa; tinh
tú cứ vần xoay rồi lại xoay vần. Ngay chính chúng ta cũng từ cát bụi mà ra, và cũng đến
bụi cát mà về. Dường như mọi sự vật đều diễn biến theo một phương hướng nào đó, khi
tới mức cùng tột không thể tiến triển được nữa thì lại chuyển biến mà quay trở lại theo
chiều nghịch với phương hướng cũ. Cứ như thế mãi, không bao giờ thôi.

Người Ai Cập cổ đã dùng hình ảnh gọi là Ouroboros của một con rắn ngậm cái đuôi của
chính mình để nói lên các chu kỳ sinh-tử, đến-đi, tự sáng tạo rồi hủy hoại của vạn vật.
Ouroboros còn nói lên hình tượng của những gì có từ khởi thủy và sẽ tồn tại mãi không
bao giờ dập tắt được. Trong cái biến là cái bất biến.

Những cái không thể dập tắt được cũng chính là cái nguyên động lực thúc đẩy sự biến
chuyển của vũ trụ và được Kinh Dịch gọi là các nguyên tố âm và dương. Kinh Dịch, dù
đấy là biến dịch, giao dịch hay bất dịch, đã nói lên sự đổi thay và những gì lại không bao
giờ thay đổi sau những đổi thay đó. Mà nói đến thay đổi là phải nói đến thời gian.

Do đó, nếu phải tóm gọn toàn bộ Kinh Dịch bằng một chữ thì đấy phải là chữ Thời. Thật
vậy, 64 quẻ Dịch là 64 Thời, 384 hào cũng lại là 384 thời nhỏ nằm trong 64 thời lớn. Mỗi
thời nhỏ ấy, của mỗi hào đi từ dưới lên trên trong mỗi quẻ, lại nằm trong những hoàn
cảnh, tình huống tạo nên các thời thế, và thời cơ khác nhau của cá nhân và tập thể, đất
nước và luôn cả thế giới loài người.

Nói về chữ Thời thì tiếng Hy Lạp phân biệt rất rõ ràng hai nguyên tắc được gọi là
Chronos và Kairos. Chronos nói về lượng thời gian; trong khi đó Kairos lại chỉ về phẩm,
tức là thời cơ -- tốt hay xấu, đúng hay sai. Chữ Thời trong Kinh Dịch phải được hiểu theo
cái ý nghĩa của thời cơ như cái khái niệm Kairos này.

Theo cái nhìn của dịch học thì vì có âm dương tương sinh, tương diệt, tương xung, tương
khắc, lưỡng phân, lưỡng hợp mà vạn thể mới có thể chuyển vận. Cũng vì chỉ có cái nhị
thể âm dương song hành này, và không thể chỉ có độc dương hay cô âm, mà mọi vật đều
động chuyển; và một khi đã đi đến mức cùng cực thì chỉ có một đường là quay trở lại mà
thôi. Đấy là một định luật bất biến: Cực thịnh tắc suy, vật cùng tắc biến, mà biến là phản
phục. Nhờ luật phản phục này mà sự vật trong vũ trụ không bị tắc, bị cùng, mới thông
được, mới sinh hóa hoài hoài được.
Thời phản của dương là thời phục của âm, thời phục của dương là thời phản của âm. Cứ
một lần phản, một lần phục, phục rồi lại phản, như vậy thành luật tuần hòan.

“Vô bình bất pha, vỗ vãng bất phục” -- Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi
mà không trở lại.

“Phản phục kì đạo, thất nhật lai phục” -- Vận trời tráo đi trở lại, cứ bảy ngày thì trở lại.
Chữ ngày (nhật) ở đây thay cho chữ hào mỗi ngày là một hào, một lần biến; cứ bảy ngày
thì trở lại vì mỗi quẻ có 6 hào. Có lẽ do câu này mà y học Trung Hoa cho rằng khí huyết
người ta bảy ngày thì thay đổi. Về khí tiết trong một năm thì là bảy tháng, từ tháng năm
tới tháng mười một âm lịch ở bắc bán cầu, là có sự đổi thay.

Từ sự vận hành của mặt trời mặt trăng: “Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực” --
Mặt trời tới đỉnh đầu rồi thì xế, mặt trăng đầy rồi thì khuyết, Kinh Dịch cũng đã kết luận:
“Chung tắc hữu thủy, thiên hành dã” -- Hết rồi thì bắt đầu lại, đó là sự vận hành của trời.

Bắt đầu từ quẻ thuần dương có 6 vạch hào dương là quẻ Càn, thì khi suy hóa đến cùng sẽ
biến thành quẻ thuần âm với sáu vạch hào âm đứt đoạn được gọi quẻ Khôn. Nhưng tiếp
theo quẻ Khôn là quẻ Phục, một hào dương lại sinh. Khôn là âm cực thịnh, từ đó lại suy
lần, khi suy hóa tới cùng, 6 hào âm bị 6 hào dương chiếm ngôi hết thì lại trở thành quẻ
Càn. Rồi tiếp theo quẻ Càn là quẻ Cấu, một hào âm lại sinh, v.v.

Trong kinh Dịch, luật phản phục được tượng trưng bằng quẻ Phục. Quẻ này gồm năm
hào âm ở trên và một hào dương ở dưới. Khi khí âm đã phát đến cực điểm (sáu hào cùng
là âm cả, tức tháng 10 âm lịch là lúc lạnh nhất) thì một hào dương xuất hiện ở dưới, nghĩa
là khí dương bắt đầu sinh trở lại. Do đó mà quẻ có tên là Phục (trở lại), biểu hiện cho
tháng 11 âm lịch, ngày đông chí (tức là ngày ngắn nhất trong năm ở bắc bán cầu, cũng là
lúc mà mặt trời xuống tới điểm thấp nhất về phía nam trên bầu trời để sau đó bắt đầu
quay trở lại phía bắc).
Vì vậy “Phục kì kiến thiên địa chi tâm” -- Xét quẻ Phục mà biết được lòng hiếu sinh của
trời đất.

**

Đạo Đức Kinh ra đời sau Kinh Dịch và cũng đã tiếp nối cái nguyên lý âm dương và quy
luật phản phục, cũng là quy luật quan trọng nhất của Đạo.

Sau Kinh Dịch thì cuốn sách nói nhiều đến phản phục phải là Đạo Đức Kinh của Lão tử:
“Vật cực tắc phản”; “Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản” -- ([Đạo] lớn (vô cùng)
thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về). Và thêm
nữa: “Phản giả, đạo chi động” -- Luật vận hành của đạo là quay trở về.

Ngoài chữ phản, Lão Tử còn dùng thêm chữ phục: “Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục” -
- Xem vạn vật sinh trưởng, chúng ta thấy được qui luật phản phục. Phản hay phục thì
nghĩa cũng như nhau, đều là quay trở về cả.

“Đạo trời giống như buộc dây cung vào cây cung chăng? Dây cung căng quá thì hạ nó
xuống, chùng quá thì nâng nó lên; dài quá thì bỏ bớt đi, ngắn quá thì thêm vào. Đạo trời
bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu” -- Thiên chi đạo, tổn hữu dư, nhi bổ bất túc.

Đối với Đạo, vật nào cũng ngang nhau, không có quí-tiện, không có họa-phúc vì “hoạ là
chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ” (hoạ hề phúc chi sở ỷ, phúc hề hoạ chi sở
phục), “chính có thể biến thành tà, thiện có thể thành ác” (chính phục vi kì, thiện phục vi
yêu). Tất cả chỉ là tuỳ thời biến hoá, lúc này là quí, là phúc, là chính, là thiện thì lúc khác
là tiện, là hoạ, là tà, là ác. Tất cả những thứ đấy đều là tương đối.

Vạn vật từ “không” mà sinh ra, mới đầu còn nhỏ, yếu (như vậy là bất túc), lần lần lớn lên,
mạnh lên – tức là được bồi bổ. Khi lớn, mạnh tới cực điểm rồi (như vậy là hữu dư ) thì
trở ngược lại, nhỏ đi, yếu đi – tức là bị giảm, tổn đi; giảm lần, suy lần cho tới khi trở về
“không”. Thế là xong một vòng.
**

Tôi rất thích những bức tranh của họa sĩ nổi danh Maurits Escher, người Hòa Lan. Trong
một bức tranh, Escher lồng một tấm tranh hai chiều khác được vẽ nằm trên mặt bàn. Trên
hình vẽ hai chiều làm nền cho bức tranh chính đó lại là hình ảnh những con cá sấu xen kẽ
lẫn nhau, khít rịt. (Xin mở ngoặc, tấm tranh hai chiều làm nền này cũng là phác họa của
một bức tranh nỗi tiếng khác của Escher.) Từ tấm tranh phẳng lì hai chiều này, một nửa
thân trên của một con cá sấu bắt đầu nhú lên trong không gian 3 chiều. Rồi con cá sấu đó
hiện nguyên hình 3 chiều, bò dần lên một cuốn sách đặt bên cạnh chai rượu whiskey. Con
cá sấu cứ tiếp tục bò đi lên những đồ vật trên bàn; tới điểm cao nhất thì nó có vẻ hung
hãn nhất, khói xì ra cả hai lỗ mũi. Sau đó, nó bắt đầu bò xuống bao thuốc lá; rồi đi dần
xuống thấp. Cuối cùng, nó trở về lại tấm tranh hai chiều lúc ban đầu, từ không gian 3
chiều để tan biến vào một mặt phẳng hai chiều.

Thành, trụ, hoại, không được gói ghém trọn vẹn trong một bức tranh!

**

“Vành vũ trụ khép khung trời xa tít

Thắp ngàn sao nhấp nháy dệt tầng không

Một mình ta phiêu bạt giữa mênh mông

Ôm hư vô thả xuống bờ băng giá

Vọng âm vang, vẳng nghe hồn sỏi đá

Tấm hình hài xơ xác mảnh hồn đau

Ta vẳng nghe tiếng nói của thiên thu

Gõ khoan nhặt trên nhịp cầu còn-mất


Cát bụi bay trả về cho đất

Sương gió bay trả lại cho trời

Một mình ta độc lữ không thôi

Đi đi mãi con đường không sắc

Không, ta trả về cho sắc

Sắc, ta trả về cho không

Tử sinh hai nẻo bềnh bồng

Chân thân hồi quan tự kỷ

Vành vũ trụ khép khung trời vô thủy

Nẻo hư vô khép cánh cửa vô chung

Ta cứ đi, không có điểm cuối cùng

Gói hành trang là Ưu Đàm vô nhiễm”

(Mặc Giang)

[Tương truyền Ưu Đàm là loài hoa quý, ba ngàn năm mới nở một lần.]

**

Sau quẻ thứ 63 là quẻ Ký Tế (nghĩa là đã xong việc) thì Kinh Dịch được kết thúc ở quẻ
thứ 64 là quẻ Vị Tế (nghĩa là chưa xong việc). Ý nghĩa của người xưa muốn nhắn gởi ở
đây là mọi sự việc tưởng chừng như đã kết thúc nhưng thực ra thì không bao giờ thật sự
kết thúc. Sự chuyển động, thay đổi nói chung là không có đầu mà cũng chẳng có cuối.
Một cánh cửa khép lại cũng là lúc một cánh khác mở ra; kết thúc của một sự việc lại là
mở đầu cho một sự việc khác; ngày tiếp ngày; con nối cha; ngay cả vũ trụ cũng không
thoát khỏi vòng tử sinh.

Từ đó dịch học có cái luật tuần hoàn, từ cực thịnh qua suy vi, tới diệt vong, từ diệt vong
lại phát sinh để tiến triển đến chỗ cực thịnh. Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai.

Nhưng ta cũng không cần đến Kinh Dịch để ý thức được rằng tình trạng hiện tại khốn
cùng của dân tộc, nguy cập của đất nước không thể được phép tồn tại như thế mãi được.

Chỉ còn hai con đường đi tới: một là chấp nhận diệt vong, hai là tranh đấu để sống còn và
được sống còn như thế nào. Sự chọn lựa là quá rõ ràng -- nhưng sẽ đòi hỏi biết bao công
sức, hy sinh.

“Freedom is not free” – Vâng, sự tự do không phải là miễn phí!


12. CHỈ LÀ MỘT KHOẢNH KHẮC

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ.

Hồn ở đâu bây giờ?”

(Vũ Đình Liên)

Hoa anh đào hồng-trắng, đơn-kép đã bắt đầu chớm nở ở Melbourne. Dù đây là những
cánh hoa trên đất Úc nơi tôi đang sống, hay dọc theo bờ sông Potomac ngay giữa
Washington DC, nơi tôi đã say ngất ngưởng trong những quán nhạc jazz, hay viền theo
lối mòn mang cái tên thơ mộng là Philosopher’s Path (lối mòn của triết gia) ở Kyoto, nơi
tôi đã có bao kỷ niệm; dù đây là cuối tháng 8 ở Melbourne hay cuối tháng 3 ở bắc bán
cầu, thì đấy cũng là những cánh hoa biểu hiện cho sự tuần hoàn của thời gian qua cái đi-
lại của bốn mùa.

Xuân đến, xuân đi, và rồi xuân sẽ lại trở về. Nhưng người thân của ta hay chính chúng ta
có còn ở đây để được nhìn thấy một mùa hoa anh đào kế tiếp nữa hay không?

“Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong”

(Thôi Hộ)
Qua lời dịch của Tản Đà:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này

Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây

Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá

Hoa đào còn bỡn gió xuân đây

(Tản Đà)

Thời gian dường như cứ mãi miệt mài, không chờ, chẳng đợi một ai -- dù cho Hàn Mặc
Tử có khẩn khoản, van nài:

“Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé

Xin đừng luân chuyển để thời gian

Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu

Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân”

(Hàn Mặc tử)

**

Cái tuần hoàn của ngày đêm, của bốn mùa cũng đã được Phật giáo nới rộng ra trong
thuyết luân hồi, sinh-tử, tử-sinh. Thật ra, khái niệm luân hồi đã có trong Ấn Độ Giáo từ
trước Thích Ca; song cái khác biệt là Phật giáo không tin vào cá thể linh hồn riêng biệt
tồn tại từ kiếp này sang kiếp khác. Cái vận hành của sự luân hồi, theo Phật giáo, chỉ là
dựa trên nguyên tắc nghiệp lực và duyên khởi. Cái nghiệp chính là cái nhân; rồi cái nhân
chỉ có thể sinh ra cái quả khi có đầy đủ những duyên tố hội tụ. Cũng qua lý luận này,
Phật giáo cũng không tin là có một đấng tối cao, sáng tạo nên muôn loài. Đây là một điều
khác biệt với tất cả các tôn giáo khác, dù đa thần hay độc thần.
Nhưng đấy lại thuộc về bộ môn thần học, ở xa ngoài tầm hiểu biết hữu hạn của người
phàm làm khoa học như tôi.

Qua việc nguyên nhân sẽ dẫn đến hậu quả nói chung, không hẳn là chỉ giới hạn trong cái
nhân-quả của phật giáo, ta có cái khái niệm dòng chảy một chiều của thời gian. Thời gian
dường như chỉ bị ràng buộc bởi cái thứ tự đi trước của cái nhân và đi sau của cái quả.
Ngoài điều ấy ra, cái trước, sau, hay là cùng lúc trong thời gian cũng chỉ là tương đối.

**

Theo cả hai Thuyết Tương Đối Hẹp và Rộng của Einstein thời gian chỉ là tương đối và
không thể tách biệt ra khỏi không gian.

Một quan sát viên càng đi nhanh gần tới vận tốc ánh sáng thì thời gian càng chậm lại.
Cuối cùng thì thời gian sẽ ngừng trôi ở vận tốc ánh sáng: người ấy sẽ trẻ mãi không già.
Nhưng về mặt kích thước không gian thì người ấy cũng không còn là người ấy nữa, vì khi
đó thân thể sẽ bị dẹp lại với kích thước zero, đằng trước cũng chính là đằng sau! Đó là
chưa kể người ấy bổng trở nên vô cùng nặng ký, và cái khái niệm béo phì obesity lúc đấy
sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới!

Thời gian cũng sẽ trôi chậm hơn lại ở những nơi có trọng trường lớn hơn. Thí dụ, đồng
hồ ở mặt đất sẽ chạy chậm hơn so với cái đồng hồ ở trên không gian, vì trọng lực ở mặt
đất lớn hơn ở trên cao. Hay khi một phi hành gia từ từ tiến đến một “hố đen” (black hole)
thì thời gian từ từ trôi chậm lại; rồi sẽ ngừng trôi hẳn khi người ấy bước vào “vòng chân
trời sự kiện” (event horizon) của hố đen đó. Nhưng cùng lúc ấy thì phi hành gia đó không
còn gì là hình hài nữa, vì sẽ bị trọng lực mạnh mẽ của hố đen xé tan xác!

Hố đen (black hole) là một loại thiên thể có sức hút trọng lực vô cùng lớn, một khi ánh
sáng bị hút vào thì cũng không có đường ra. Do ánh sáng không tỏa ra được nên ta không
thấy được chúng, vì vậy chúng mới có tên là hố đen. Cấu trúc vật lý của các hố đen vẫn
còn nhiều tranh cãi, nhưng lại có thể sinh ra những hiện tượng vô cùng lý thú trong các
trường trọng lực vô cùng lớn mạnh như thế.

**

Cũng xin mở ngoặc ở đây là cái trôi chậm lại của thời gian theo thuyết tương đối cũng có
thể là nền tảng khoa học cho câu truyện ông Từ Thức đời nhà Trần lạc lên thiên thai với
nàng Giáng Hương chỉ trong vài ngày, nhưng đến khi ông về lại làng cũ thì ở đấy đã trải
qua cuộc bể dâu trên trăm năm! Lúc ấy Từ Thức có muốn quay trở lại thiên thai thì cũng
không được nữa, chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài câu từ biệt của Giáng Hương: "Kết loan lữ
ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn - Phỏng trên sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân"-- kết lứa
phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết; tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu!

Theo Phùng Ngọc Quang thì biết đâu đó là Từ Thức đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc
lên phi thuyền UFO. Vì phi thuyền UFO bay rất nhanh nên thời gian trên phi thuyền sẽ
trôi chậm hơn nhiều so với trái đất -- vài ngày so với trăm năm. Và trong lúc bị bắc cóc
Từ Thức cũng lại có thể bị cho say thuốc, nên cứ tưởng là gặp “nàng tiên Giáng Hương”
trong ngoặc kép.

Hơn thế nữa, giả thuyết UFO này lại cũng có vẻ phù hợp với sự kiện là có nhiều dân tộc
khác trên thế giới cũng có những câu chuyện cổ tích tương tự với chuyện của Việt Nam
ta! Phải chăng các nhân vật cổ tích đó cũng đã bị bắt cóc như Từ Thức nhà mình?

**

Một điều có vẻ nghịch lý khác trong Thuyết Tương Đối là cả cái khái niệm trước-sau
trong thời gian cũng lại là tương đối!
Với một người quan sát thì một tai nạn xe cộ ở London đã xảy ra trước một tai nạn khác
ở New York. Nhưng với một người quan sát khác di chuyển với một vận tốc khác thì
New York lại đã xảy ra trước London! Việc đảo lộn trước-sau này chỉ có thể được cho
phép với hai biến cố độc lập, không có liên hệ nhân quả với nhau.

Nhưng một khi đã có liên hệ nhân quả với nhau thì cái nhân dường như luôn phải đi trước
cái quả. Không có lối quan sát nào mà có thể chuyển hóa để đưa cái quả đi trước cái
nhân. Đây là cái hay của toán học trong thuyết tương đối. Nếu không thì, trước khi cuộc
sổ xố lotto được bắt đầu, ta đã tìm cách để biết được là các con số nào “sẽ” được xổ!

Nhưng có phải cái nhân phải luôn luôn đi trước cái quả chăng? Thuyết cơ lượng tử,
không như thuyết tương đối, đã đặt vấn đề và nêu lên cái nghi vấn về sự kiện nhân-trước-
quả-sau này. Một thí nghiệm cơ lượng tử dường như cho phép cái quả hiện ra trong thời
gian trước cái nhân!

**

Quasar được viết tắt từ chữ quasi-stellar radio source, nghĩa là nguồn thiên thể giống như
một ngôi sao phát sóng radio. Nó gần giống như một ngôi sao vì quasar có kích thước
tương đối nhỏ hơn nhiều so với một thiên hà, nhưng lại có thể tỏa ra một năng lượng,
dưới dạng ánh sáng hay sóng radio và ngay cả dạng X-ray, tương đương với năng lượng
của cả một thiên hà có tới hàng trăm tỷ ngôi sao.

Đặc biệt có một quasar có tên khoa học là QSO 0957+561, ở cách chúng ta đến hơn 10 tỷ
năm ánh sáng. Nghĩa là những tia sáng hay tín hiệu phát đi từ đấy mà ta nhận được ngày
hôm nay là đã được phát đi trên 10 tỷ năm về trước. Và có thể ngay trong lúc này thì
quasar đó đã không còn tồn tại nữa. Nói chung, những tia sáng từ các thiên thể càng xa
xôi trong không gian lại mang theo những hình ảnh càng xa xưa trong dĩ vãng! Do đấy
khi ta nhìn qua viễn vọng kính càng sâu vào cái không gian của vũ trụ thì ta lại càng đi
ngược vào cái quá khứ của vũ trụ!
Các tia sáng từ quasar này khi đi qua không gian của những thiên hà trên đường tới ta đã
bị trọng trường của những thiên hà này uốn cong tia sáng. Kết quả là ta nhận được hai tia
sáng, một tia bên trái và tia kia bên phải đến từ cái quasar nằm khuất đàng sau thiên hà
cản lối kia. (Hiện tượng này được gọi là sự hội tụ ánh sáng do sức hút trọng lực –
gravitational lensing.) Đấy chẳng khác gì một cấu trúc thí nghiệm khi ánh sáng đi qua hai
khe hở bên trái và bên mặt; và người ta đã thành công lập lại thí nghiệm hạt-sóng với ánh
sáng phát ra từ quasar này.

Kết quả đạt được cũng như các thí nghiệm lượng tử đã bàn tới trước đây. Nghĩa là khi ta
đặt một màn hình nơi hai tia sáng từ quasar hội tụ thì ta cũng sẽ có hiện tượng giao thoa
do tính sóng của ánh sáng. Nhưng nếu ta quyết định đặt máy dò tính hạt thì sẽ có kết quả
là ánh sáng đó đến từ bên trái hay từ bên phải.

Khi không đặt máy thì có giao thoa, tức là ánh sáng “cùng lúc” đi qua bên phải và bên
trái, như là sóng. Khi đặt máy thì ánh sáng chỉ có thể đi qua hoặc là bên trái, hoặc là bên
phải như là hạt mà thôi. Thế thì cái quyết định ngẫu hứng của ta ngay lúc này để đặt hay
không đặt máy đo lại ảnh hưởng đến quỹ đạo của ánh sáng đã phát ra từ 10 tỷ năm về
trước! (Hay ít nhất là hàng triệu năm ánh sáng vì đây là khoảng cách giữa hai quỹ đạo
bên phải và bên trái.) Cái hành động của ta nằm trong hiện tại tại sao lại có thể là cái
nguyên nhân cho một hậu quả đã nằm trong quá khứ?

Hay là cái gọi là quyết định ngẫu hứng của ta trong hiện tại thực ra không phải là ngẫu
hứng chút nào? Hay là những quyết định của ta trong hiện tại và cả trong tương lai lại
được định đoạt từ hơn 10 tỷ năm về trước, lúc ánh sáng bắt đầu cuộc hành trình xuyên vũ
trụ?

Nếu ta không chấp nhận điều vừa nêu trên cho một định mệnh đã được an bày trước đây
trên 10 tỷ năm -- nên nhắc lại rằng trái đất chỉ có vào khoảng năm tỷ năm trở lại mà thôi,
còn con người thì trên dưới hai trăm ngàn năm là cùng. Thế thì cái quyết định của ta ngay
lúc này để đặt hay không đặt máy đo lại ảnh hưởng đến quỹ đạo của ánh sáng đã phát ra
từ 10 tỷ năm về trước! Đó là: cái hành động của ta trong hiện tại lại là cái nguyên nhân
cho cái hậu quả nằm trong quá khứ!
**

Ta vẫn thường có thể chấp nhận và sống được với cái nhân trong quá khứ và cái quả
trong hiện tại hay trong tương lai. Nhưng làm sao thứ tự nhân-quả lại có thể đảo lộn thời
gian như trên? Vô cùng nghịch lý! Vì đây chẳng khác gì chuyện cô nàng quyết định nhận
lời cầu hôn ngày hôm nay với chàng lại có thể định đoạt việc chàng đã hay không đã
bước lên thuyền vượt biên năm nao!

Toàn là nghịch lý nhưng đấy lại là kết quả của những thí nghiệm vật lý!

Khi Albert Einstein cho rằng: “The distinction between the past, present and future is
only a stubbornly persistent illusion”-- sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ
là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố -- ông chỉ có ý định nói về thuyết tương đối của
mình. Nhưng có lẽ ông cũng không ngờ rằng cái ảo tưởng này dường như cũng áp dụng,
trong cơ lượng tử, cho cái thứ tự trước-sau của nhân và quả!

**

Ta cảm nhận và định nghĩa được thời gian qua những sự việc trong đó cái nhân đi trước
dẫn đến cái quả theo sau. Thời gian, ta đã luôn cứ tưởng, là đồng nghĩa với thứ tự trước
sau của nhân và quả. Nhưng nay ánh sáng phát đi từ một quasar xa xôi lại cũng có thể
cho ta cái quả đi trước cái nhân! Nhất là cái nhân đó dường như là ở ngay chính quyết
định ngẫu hứngcủa chúng ta, ở việc đặt hay không đặt máy dò!

Xin nói rõ là ta không thể dùng hiện tượng này để truyền tín hiệu mang ý nghĩa
(information) ngược về trong quá khứ, tương tự như việc ta không thể dùng hiện tượng
quấn quít bất khả phân để truyền tín hiệu mang ý nghĩa (information) ngay tức khắc tới
hai đầu của vũ trụ. Cái ngẫu nhiên trong sự đo lường của cơ lượng tử không cho phép
những việc truyền tín hiệu như thế, và sẽ xóa đi những ý nghĩa được chứa đựng trong các
tín hiệu này.

Nói một cách khác, vì cái kết quả ngẫu nhiên trong việc đo lường nào đó vào lúc này, ta
không thể khẳng định được kết quả đó thật sự là ngẫu nhiên, hay lại là hậu quả của một
nguyên nhân nào đó trong tương lai.

Tuy vậy, thời gian như thế có còn mang một ý nghĩa gì nữa không? Hay quá khứ, tương
lai chỉ là ảo ảnh? Và hiện tại chỉ là những gì chúng ta thật sự có mà thôi? Đây cũng lại là
cái nhìn của phật giáo nguyên thủy.

**

Thích Ca hỏi một vị sư: "Mạng người được bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng vài ngày."

Thích Ca im lặng mỉm cười, quay qua hỏi vị sư khác: "Mạng người được bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng một bữa ăn."

Thích Ca cũng lại im lặng mỉm cười, rồi lại hỏi một vị Sa-môn khác: "Mạng người được
bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng một hơi thở."


Thích Ca cười: "Lành thay! Ông đã hiểu được Đạo rồi vậy!"

**

Làn ranh sinh tử là chỉ ở trong khoảng khắc của một hơi thở. Phải ôm người thân trong
tay mình khi người ấy thở hắt ra hơi cuối cùng thì có lẽ ta mới thật sự nghiệm được sự
sống mong manh đến chừng nào. Thì mới hiểu được ta cũng đã phần nào chết theo, khi
người chết đã mang đi một phần sự sống của ta.

Thiền tông của phật giáo không bàn nhiều về cái quá khứ đã chết, hay cái tương lai có thể
hay không có thể xảy ra, mà chỉ nhấn mạnh về cái giây phút hiện tại, và những suy niệm
và cảm nhận trong giây phút này. Đó là cái phi thời gian của Phật giáo.

Hay nói như lời của Swami Vivekananda: “Thời gian, không gian và mối liên hệ nhân
quả giống như một tấm kính ta nhìn xuyên qua nó để thấy cái tuyệt đối ... Trong tuyệt đối
thì không có thời gian, lẫn không gian, lẫn quan hệ nhân quả.”

Cái vòng thời gian phải chăng chỉ là ảo ảnh? Tồn tại tuyệt đối phải chăng chỉ là tâm điểm
của cái vòng lẩn quẩn ấy?

**

Nhà sư Đức Sơn người Nhật Bản, trên đường đi tới Đài Sơn dừng chân bên quán nhỏ gọi
điểm tâm ăn sáng. Bà lão bán quán thử thách nhà sư bằng một câu hỏi, nếu nhà sư trả lời
được thì bà mới dọn điểm tâm:

“Thưa thầy, Kinh Kim Cương có viết:


“Quá khứ tâm bất khả đắc

Hiện tại tâm bất khả đắc

Vị lai tâm bất khả đắc”

Cái tâm trong quá khứ là không thể có được, cái tâm trong hiện tại là không thể có được,
và cái tâm trong tương lai cũng lại không thể có được. Vậy thầy muốn điểm cái tâm nào
đây?”

Ở đây bà đã chơi chữ điểm tâm với cái nghĩa là điểm chỉ vào cái tâm. Không trả lời được
câu hỏi hóc búa đó, nhà sư đành nhịn đói ra đi.

Trong kinh Kim Cương không có thời nào cả. Quá khứ-tương lai, hữu hạn-vô hạn là đồng
nhất trong từng khoảnh khắc của đời sống hiện tại. Cái lưu chuyển vô thường và cái bất
tử vĩnh hằng cũng chỉ là một trong tâm người đã giải thoát.

“Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất nhị


Bất lai diệc bất xuất”

(Long Thọ -- Trung Quán Luận)

Không sinh cũng là không diệt

Không lâu dài cũng là không ngắn ngủi

Không một cũng là không hai

Không đến cũng là không đi

Khi hướng vào tâm để tìm giải thoát, gạt bỏ đi những phân biệt sinh-tử, thường-đoạn,
một-hai, đến-đi, thì không còn cách biệt giữa ta và tha nhân, quá khứ và tương lai. Chỉ
còn đấy một sự đồng nhất tuyệt đối của cái “Không” tĩnh lặng đến vô cùng trong tâm
người giải thoát.

**

Họa sĩ Escher cũng đã vẽ một bức tranh với hai đoàn tu sĩ dòng kín, đầu phủ mũ kín xếp
hàng đi lên một cầu thang, và một đoàn tu sĩ khác đi ngược chiều xuống cũng trên cùng
cái cầu thang đó. Cái ảo ảnh là ở chỗ cái cầu thang đó, và hai đoàn tu sĩ lên-xuống ấy, lại
có thể khép kín lại thành một vòng tròn. Vâng, một vòng tròn chứ không phải là một
vòng xoắn ốc đi lên!

Làm sao ta có thể có một cái cầu thang với các bậc thang cứ mãi đi lên, nhưng sau đó lại
đi vòng ngược trở lại chính mình? Nếu ta đánh dấu một bực thang là A, thì làm sao ta có
thể có một cái cầu thang với bực A này thấp hơn bực sau, bực sau thấp hơn bực sau nữa
v.v. Nhưng rồi đi một lúc thì vì cái cầu thang lại khép kín nên rồi một bực thang sau đó
lại thấp hơn bực A khởi đầu này?

Cái ảo ảnh đó trong tranh vẽ này của Escher cũng chẳng khác gì cái nghịch lý nhân-quả.
Nghịch lý ở chỗ là, từ cái quyết định đặt máy dò thì ta có được cái kết quả là ánh sáng đã
đi qua con đường nào; nhưng cái quả này cũng lại là cái nguyên nhân cho ánh sáng đã
được phát ra như thế nào từ quasar trước đó vào 10 tỷ năm trước đây. Và cuối cùng là cái
quả ánh sáng đã phát ra như thế nào vào 10 tỷ năm trước này lại góp phần vào cái nguyên
nhân cho sự hiện hữu của chúng ta lúc này, để rồi từ đó ta có thể quyết định làm thí
nghiệm ra sao!

Cái vòng thời gian đúng là lẩn quẩn và cũng lại vô cùng ác nghiệt!

**

Một nhà thơ đã ví von rằng:

“Mời em vào quán thời gian

Khuấy ly ký ức uống làn hương xưa

Mời em vào quán không mùa

Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm

Mời em vào quán không năm

Để nghe nhớ khóc ướt đầm ngón tay

Mời em vào quán không ngày

Để xem trời thả heo may, để buồn

Đắng lòng môi chạm yêu thương


Thời gian quên bỏ muỗng đường đó em!”

**

Cái tổng thể không phải đơn thuần là một tập hợp rời rạc của những cá thể. Đành rằng
các cá thể là phần tử của tổng thể, nhưng chính cái tổng thể đã định nghĩa nên các cá thể
đó. Vũ trụ này tuy rộng lớn nhưng dường như không thể phân chia ra được. Tất cả các sự
vật trong vũ trụ này đều liên hệ và phụ thuộc chặt chẻ vào lẫn nhau, trong không gian lẫn
thời gian. Khoảng cách gần-xa, quá khứ-tương lai, luôn cả nhân-quả không những là
tương đối mà dường như chỉ là ảo ảnh.

Những gì chúng ta thật sự có chỉ là khoảnh khắc của một hơi thở. Sau hơi thở này, chưa
chắc sẽ có cái kế tiếp. Nên điều quan trọng là hãy sống làm sao cho trọn vẹn, vì chưa hẳn
một người chết là một người đã từng sống trọn vẹn. Và trọn vẹn là chỉ khi nó có ý nghĩa.
Và có ý nghĩa không phải là chỉ sống cho riêng ta, mà còn là cho cái tổng thể từ đó ta đã
được sinh ra.

Đời người được đo không phải bằng thời gian mà chính bằng tư tưởng và hành động. Hãy
sống, và chết, ra sao để dân tộc vẫn mãi mãi bất diệt – như hoa đào vẫn mãi trở về trong
gió xuân.
13. LỜI KẾT

“Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”

(Đạo Đức Kinh)

Người biết thì không nói, còn kẻ nói thì không biết tới nơi tới chốn. Đã vậy mà còn dám
lạm bàn về một đề tài vô cùng rộng lớn, khó khăn gồm bao cả khoa học phương tây và
triết lý phương đông! Tuy biết vậy, nhưng chúng tôi chỉ mong cố gắng trình bày cái hiểu
biết nông cạn của mình để chia xẻ với mọi người, trong cùng một tâm tình như của cụ
Sào Nam Phan Bội Châu:

“Nếm máu cũ của tiên nhân mà không dám quên

Phơi tấm lòng với anh em mà không dám dấu”

Lúc khởi đầu, tôi dự định loạt bài sẽ chỉ có 5 bài mà nay đã lên đến trên cả chục 12 rồi.
Càng viết thì càng thấy thiếu xót, như mình càng già thì mới biết mình càng ít biết –
chẳng bù với thời trai trẻ, cái gì mình cũng tưởng là biết! Nhưng có viết bao nhiêu đi nữa
thì vẫn sẽ mãi còn thiếu xót. Và cũng để tránh nhàm tai người nghe, mõi mắt người đọc,
nay tôi xin dừng ở bài cuối đây cho chủ đề khoa học và triết lý này.

Người xưa có câu:

“Thiên hạ thùy nhân tri kỷ?

Hận nhất dạ.

Thiên hạ vô nhân tri kỷ!

Hận thiên thu”

Còn hỏi được trong thiên hạ ai là người tri kỷ thì chỉ “hận” một đêm. Nhưng một khi đã
biết dưới gầm trời này không còn người tri kỷ nữa thì có lẽ phải “hận” đến nghìn thu.
Người viết xin chân thành cảm ơn người nghe và người đọc đã theo dõi, góp ý, và cũng
đã lượng thứ cho sự thô thiển và kém hiểu biết của người viết. Như vậy là người viết
không những khỏi phải “hận” thiên thu, mà cũng không cần “hận” dù chỉ một đêm!

**

Chuyện bên lề, nhắc đến hai chữ “tri kỷ” thì một bạn trẻ ở Việt Nam đã giải thích trên
một trang mạng như sau, trích:

“Theo cách hiểu của mình … : 1 cặp vợ chồng mới cưới chỉ là tri kỷ ([vì chữ] kỷ [nghĩa]
là giường) … mình nghĩ như trên [có] đúng ko?"

(http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20080911040729AAe9KWu)

Hết trích. Và cũng thật hết biết luôn! Nếu biết người đời sau cho “tri kỷ” là biết nhau qua
cái giường, thì ôi thôi Bá Nha / Tử Kỳ có lồng lộn dưới đáy mồ không?

**

Ca dao ta có câu:

“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”

Khoa học phương tây và triết học đông phương tuy là hai nhưng lại là một trong việc
cùng đi tìm cái gọi là sự thật tuyệt đối sau cùng; và tuy cùng chung một cứu cánh nhưng
lại đi bằng hai con đường khác nhau.

Khổng Tử cũng cho rằng: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” – Thiên hạ
tuy có thể đi bằng nhiều đường khác nhau, nhưng sẽ cùng quy về một mối; thiên hạ có
thể suy nghĩ nhiều cách khác nhau nhưng sẽ cùng đi đến chỗ nhất trí.
Cũng thế, sách Trung Dung lại có câu: “Đạo tịnh hành, nhi nhất tương bội” -- trên đường
Đạo, tất cả đều đi mà chẳng chống nhau.

Trong khi đó ở phương tây, Neils Bohr lại cho rằng: “Đối nghịch với lời đúng là lời sai.
Nhưng đối xứng với một sự thật sâu xa cũng lại là một sự thật thâm thúy khác” – “The
opposite of a correct statement is a false statement. But the opposite of a profound truth
may well be another profound truth.”

Thật vậy, mặc dù với những điểm khởi đầu xa cách, mặc dù với những phương pháp khác
biệt giữa khoa học tây phương và triết học phương đông, chúng ta đã điểm qua trong loạt
bài này không ít những tương đồng sâu sắc. Nhưng tại sao lại có sự tương đồng? Hệ quả
của sự tương đồng này là gì? Phải chăng, chính các điểm tương đồng trong hai hướng đi
vô cùng dị biệt này đã nói lên, đã ám chỉ sự hiện hữu của một, và chỉ một, sự thật tuyệt
đối và sau cùng?

**

Không những thế, sự tương đồng có lẽ còn khẳng định cái thống nhất toàn thể, cái bất
khả phân của mọi hiện tượng trong vũ trụ này, dù chúng có cách thời gian hay biệt không
gian. Và vì mọi vật đều phụ thuộc vào nhau nên ta không thể định nghĩa một sự vật chỉ
bằng những “thuộc tính” của nó mà còn bằng những gì không phải là nó. Đấy là vì bản
chất của sự vật không phải tự có mà còn phải tùy thuộc vào sự tương quan với các vật thể
khác; cũng như chính việc quan sát đo lường mới định nên được cái tính chất của vật
được đo lường. Như cái được gọi là “ta” thật ra lại phải được định nghĩa bởi chính những
mối quan hệ với “người”; vậy cái “ta” đâu phải là tự có, và cái “ta” cũng đã phải mang
cái “người” trong đó rồi!

Ở đâu đó có một câu ví von rằng: Nếu phép chia cho zero trong toán học là vô nghĩa, thì
trong cuộc sống, nếu không chia sẻ cho một ai cả thì cuộc sống ấy cũng chẳng có ý nghĩa
gì cả.

**
Thiền sư Khánh Hỷ, đức Tăng Thống của Phật giáo Đại Việt ta vào thế kỷ thứ 11 có câu:

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”

Tất cả trời đất có thể đặt gọn trên một sợi tóc, và cả mặt trời mặt trăng có thể nhét vào
trong một hạt cải. Cái vô cùng lớn nằm trong cái vô cùng nhỏ, và cái thiên thu nằm trong
cái khoảnh khắc.

Thi sĩ và cũng là họa sĩ tài hoa người Anh tên là William Blake vào thế kỷ thứ 19 cũng có
những vần thơ:

“To see a world in a grain of sand

And a heaven in a wild flower,

Hold infinity in the palm of your hand,

And eternity in an hour”

(William Blake)

Tạm dịch:

Nhận thấy một thế giới trong một hạt cát

Và một thiên đàng trong một đóa hoa dại

Nắm gọn cái vô cùng trong lòng bàn tay

Và cái vĩnh cửu trong một giờ đồng hồ

Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều liên đới; quá khứ và tương lai trong thời gian chẳng qua
cũng chỉ nằm trong một khoảnh khắc.

**
Vì chỉ có một, và chỉ một, sự thật tuyệt đối nên có lẽ ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên
khi mọi con đường đi tìm sự thật và bản chất của vạn hữu đều dẫn về cái tuyệt đối ấy.
Nhưng chính sự hiện hữu của các con đường khác biệt này cũng là điều cần thiết để từ đó
“nói” lên được (chữ nói trong ngoặc kép) cái tuyệt đối – vì cái tuyệt đối này không thể
định được chỉ bằng một phương cách riêng lẻ, không thể gọi tên hay diễn tả được bằng
ngôn từ loài người, kể luôn cả ngôn từ toán học: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo; Danh
khả Danh phi thường Danh” (Đạo Đức Kinh).

Các con đường khác nhau, tương khắc mà cũng lại tương xung, dù đấy là khoa học hay
triết lý, đều là cần thiết – như sự cần thiết của hạt và sóng, của âm và dương – để nói lên
bản chất luôn động chuyển của sự vật.

Âm-Dương là nguyên lý, là động cơ, là nguồn năng lượng cho sự biến dịch của vạn vật:
“Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa” – Trong vạn vật không có vật nào
không cõng đèo Âm và bồng bế Dương, nhưng ở giữa là nguyên khí dung hòa (Đạo Đức
Kinh).

Kinh Dịch cũng khẳng định: “Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo.” Trong sự biến dịch,
giao dịch lại là cái bất dịch – như các định luật bảo toàn của vật lý, hay cái chân không
lượng tử, hay cái Đạo của Đạo Đức Kinh, hay cái vô cực của Dịch, hay cái gọi là
“không” trong trung đạo của nhà phật.

Cả khoa học hiện đại và triết học cổ xưa nay cùng hội tụ về quan điểm là bản chất của sự
vật không phải là “đang là” (being) mà chỉ là “đang thành” (becoming). Vì là “đang
thành” nên sự vật không cố định mà luôn biến đổi cùng với vũ trụ ngoài kia.

**

Một điểm hội tụ quan trọng khác giữa triết học phương đông và khoa học hiện đại là ở vị
trí và vai trò của con người, hay đúng hơn là ở cái tâm thức (consciousness) của chúng ta.
Khoa học cơ bản nhìn ra bên ngoài để tìm hiểu cái vũ trụ vật lý “khách quan” ngoài kia.
Nhưng cuối cùng cơ lượng tử lại đi đến kết luận là cái hiện hữu và cấu trúc của chúng lại
tùy thuộc vào cái tâm thức nằm ngay trong chúng ta! Qua chính sự khảo sát chủ quan của
mình, chúng ta đã góp phần tạo nên, cả về mặt không gian lẫn thời gian, của cái gọi là vũ
trụ khách quan đó!

Eugene Wigner, nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963, đã
cho rằng: “Càng nghiên cứu về thế giới bên ngoài, càng dẫn tới cái kết luận rằng chính
tâm thức lại là thực tại tối hậu. Các hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực
tại của hạt bắt buộc rằng tâm thức phải là yếu tố cơ bản của thực tại” – “The very study
of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an
ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails
that consciousness is a fundamental element of reality.”

Sir Arthur Eddington, người đầu tiên kiểm chứng thành công Thuyết Tương Đối Rộng
của Albert Einstein, cũng đã đồng ý rằng: “Bộ môn vật lý là ngành nghiên cứu về cấu
trúc của tâm thức. Mọi sự vật trong vũ trụ đều từ tâm thức mà ra” – “Physics is the study
of the structure of consciousness. The stuff of the world is the mindstuff.”

**

Điều đấy lại càng kỳ lạ hơn nữa vì chính khoa học cũng lại cho rằng con người cùng với
tâm thức của mình chỉ là sản phẩm ra đời sau khi vũ trụ vật lý này đã được hình thành.
Có lẽ sau cái khởi đầu bằng một cái “Nổ Lớn” Big Bang từ một không gian vô cùng nhỏ
bé thì vũ trụ đã giản nở rất nhanh chóng. Khi nhiệt độ nguội xuống thì vật chất từ từ tụ lại
thành các thiên thể do sức hút của trọng lực. Một khi môi trường thích hợp được hình
thành thì sự sống bắt đầu xuất hiện, và rồi phát triển và tiến hóa qua sự chọn lọc tự nhiên
của môi trường – cho đến khi, ở trái đất này hay trên nhiều hành tinh thích hợp khác
trong vũ trụ, tâm thức được hình thành qua loài người hay các sinh vật nào khác.

Giờ đây với cái nhìn là vũ trụ chỉ hiện hữu trong tâm thức, phải chăng con người lại là cái
nguyên nhân trong hiện tại của sự hình thành của một vũ trụ trong quá khứ? Phải chăng
chúng ta ngày nay cũng lại một lần nữa đem đặt con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ
-- như Tòa Thánh La Mã đã làm khi xưa, để rồi dẫn đến việc họ xử tội Bruno và Galileo
khi những người này dám cho rằng trái đất và con người chúng ta đâu phải là cái rốn của
vũ trụ?

Cái khác biệt ở đây là khoa học hiện đại không nói đến, và cũng không cần đến, một
thượng đế đầy quyền năng. Và loài người có lẽ không phải là sinh vật duy nhất trong vũ
trụ có được cái gọi là tâm thức.

Tâm thức và sự sống có lẽ đã và sẽ xuất hiện rất nhiều nơi trong vũ trụ bao la ngoài kia.
Nhưng, ngược lại, nếu không có một ai quan sát thì mặt trăng đó, vũ trụ này có thật sự
hiện hữu hay không?

Cũng như, cũng như nếu không có em thì gương kia có đó hay không, để ai soi trang
điểm cho đời thêm tươi? Hay là, hay là lại bắt:

“Anh làm chiếc gương soi

Để em điểm trang trước giờ đến sở

Em vô tình đứng trước gương thay áo

Anh bị bất ngờ tim đập nhịp lung tung”

(Quan Dương)

**

Đạo Đức Kinh cũng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của con người:

“Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật” – Đạo sinh một, một sinh
hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Có người giải nghĩa là khởi đầu từ Đạo rồi sinh ra cái
nhất, là thái cực. Từ cái nhất thái cực này lại sinh ra cái nhị của lưỡng nghi. Và rồi hai
lưỡng nghi lại sinh ra tam tài là trời, đất và con người. Cuối cùng tam tài sinh ra vạn vật.
Hay là ta cũng có thể diễn giải song song với lý thuyết vật lý rằng: Đạo là chân không
lượng tử sinh ra trời ở dạng khí (với con số 1 cũng được Kinh Dịch dùng cho trời, thuần
dương); sau đó các khí này tụ lại thành đất (với con số 2 cũng được Kinh Dịch dùng cho
đất, thuần âm); rồi sau đó là loài người, được ám chỉ bằng con số 3, được sinh ra trong
trời-đất. Với tâm thức của mình, loài người sau cùng đã góp phần “sinh ra” trong ngoặc
kép tất cả những thực thể ngoài kia – như theo một lối diễn giải của cơ lượng tử.

Địa vị của con người cũng được đề cao trong Kinh Dịch, và đã được tượng trưng bằng
hai vạch (hai hào) đứng giữa trong sáu vạch của mỗi quẻ, với hai vạch ở dưới tượng
trưng cho đất, và hai vạch trên cùng tượng trưng cho trời. Tức là làm người thì đầu đội
trời, chân đạp đất.

Riêng trong phật giáo thì mệnh kiếp con người cũng được coi là đặc biệt và vô cùng quý
giá.

**

Tóm lại, những tương đồng quan điểm chính giữa Đông và Tây là ở chổ sự vật trong vũ
trụ này tuy thể hiện khác nhau và luôn biến dịch, nhưng chúng lại liên hệ chặt chẻ với
nhau và có cùng một bản chất thống nhất, “có” mà cũng “không có”. Trong đó vai trò
trọng yếu, quyết định là con người hay đúng hơn là cái tâm thức (consciousness) của
chúng ta.

Còn nói về sự khác biệt thì dĩ nhiên khoa học phương tây và triết lý đông phương còn rất
nhiều điều xa cách nhau.

Nền móng của khoa học là nghi vấn và cái quyền được đặt nghi vấn, phương thức của
khoa học là lý luận và toán học, và sức mạnh của khoa học là khả năng kiểm chứng
những hệ quả của lý luận với hiện tượng được khảo sát. Mọi lý thuyết đều phải chịu sự
kiểm chứng; một thuyết không nêu được một kết luận mà có thể kiểm chứng được thì đấy
không phải là khoa học. Và vì ta không thể bao giờ kiểm chứng được với tất cả các hiện
tượng có thể có nên các thuyết khoa học không thể bao giờ đúng tuyệt đối. Có đúng
chăng chỉ là đúng trong phạm vi nào đó, trong giai đoạn nào đó. Vì thế mọi kết luận trong
khoa học đều mang tính chất tương đối và tạm bợ. Lý thuyết khoa học luôn mang sẵn
ngay trong chính nó mầm mống của sự nghi ngờ: ta có thể chứng minh được một thuyết
khoa học là sai nếu khám phá ra một hiện tượng không phù hợp, nhưng không bao giờ ta
có thể chứng minh được nó là đúng tuyệt đối. Cái đúng-sai trong khoa học không tùy
thuộc vào ai là người, dù người đó quyền uy bao nhiêu, hay là bao nhiêu người, dù có
đông đảo bao nhiêu, đã đưa ra một lý thuyết nào đó.

Trái ngược lại, triết học phương đông chỉ đưa ra những kết luận được cho là chân lý tuyệt
đối, nhưng lại không trình bày một cách sáng tỏ các phương cách khảo cứu để đi đến
những kết luận này.

Phật giáo, hơn thế nữa, không những là một triết lý mà còn được coi là một tôn giáo, mặc
dù phật giáo đặt nặng sự suy luận, cảm nhận và kiểm chứng bằng kinh nghiệm và trực
giác. Nhưng đã là một tôn giáo thì nó cũng đòi hỏi một niềm tin nào đó ở ta, dù nhiều hay
ít.

Khác với nhiều tôn giáo khác là đức tin trong Phật giáo chỉ được coi là một phương tiện.
Trí tuệ cũng chỉ là phương tiện, nhưng lại là phương tiện cốt yếu. Trong khi đó đức tin lại
là một phương tiện thứ yếu, tạm thời. Mục đích tối hậu và duy nhất của Phật giáo là giải
thoát, là giác ngộ.

**

Dù cho triết lý đông phương có hướng về bên trong nội tâm của ta, hay khoa học phương
tây có nhìn ra thế giới bên ngoài, thì cả hai đều là đi tìm sự thật để giải thoát chúng ta ra
khỏi sự tăm tối, vô minh. Vô minh có thể không có bắt đầu nhưng lại được kết thúc khi
chúng ta có được ý thức về sự kiện. Và một khi ý thức đã thành hình rồi thì sẽ không mất
đi được.

Cũng vì lo sợ cái ý thức sẽ tước đi ngôi vị độc tôn của mình, nên trong lịch sử loài người
biết bao chủ nghĩa, đảng phái và triều đại đã tìm đủ mọi cách để ru ngủ con người, đã
viện dẫn bao lý lẻ để ngăn chặn ý thức của con người, đã sử dụng bao thủ đoạn để không
cho con người được quyền đặt nghi vấn. Nhưng chúng đã và sẽ thất bại vì bàn tay không
che được mặt trời, giấy không gói được lửa, bóng đêm không thể bao trùm được sự thật.
Thân xác có thể bị cầm tù, nhưng nào ai giam nhốt được tư tưởng và ý chí của con
người?

“Everything that kills me

Makes me feel alive

Everything that drowns me

Makes me want to fly”

(OneRepublic – Counting Stars)

Tạm dịch lời của những câu hát này:

Những gì cố giết tôi

Lại càng làm tôi thêm sức sống

Những gì cố nhận chìm tôi

Lại càng làm tôi muốn bay bổng

Người ta có thể lừa gạt một người mọi lúc, cũng có thể lừa gạt nhiều người một lúc,
nhưng không ai có thể lừa gạt tất cả mọi người trong mọi lúc. Do đó, rồi sẽ có một ngày:

“Sẽ có một ngày con người hôm nay

Vất súng

Vất cùm

Vất cờ

Vất Đảng

Đội lại khăn tang


Đêm tàn ngày rạng

Quay ngang vòng nạng oan khiên

Về với miếu đường, mồ mả gia tiên

Mấy chục năm trời bức bách lãng quên

Bao hận thù độc địa dấy lên

Theo hương khói êm lan, tan vào cao rộng

Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng

Kẻ lọc lừa

Kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận

Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân

Đứng bên nhau trong mất mát quây quần

Kẻ bùi ngùi hối hận

Kẻ bồi hồi kính cẩn

Đặt vòng hoa tái ngộ trên mộ cha ông

Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!”

(Nguyễn Chí Thiện – 1971)

Bao giờ ngày ấy về với quê hương ta, sớm hay muộn là do ở nỗ lực của mỗi một người
trong chúng ta.

Kiều Tiến Dũng

Melbourne, Úc Châu

Tháng 9, 2013

You might also like