You are on page 1of 4

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu


Bởi:
Wiki Pedia

Khái niệm

Tâm lý trị liệu, (tiếng Anh: psychotherapy) là hệ thống các phương pháp, kỹ thuật được
nhà tâm lý trị liệu sử dụng, nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong
cảm xúc và hành vi của thân chủ, mà nó là nguyên nhân làm cho họ cảm thấy khó khăn
trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình.

Vấn đề riêng tư

Nhà tâm lý trị liệu bắt đầu bằng công việc bằng cách tìm hiểu những vấn đề mà thân chủ
đang gặp phải để tìm cách giải quyết. Đây là vấn đề có tính chất nhạy cảm, riêng tư, vì
thể nhà tâm lý trị liệu có trách nhiệm trước pháp luật bảo toàn bí mật những thông tin
liên quan đến trị liệu cho thân chủ của mình.

Nhà tâm lý trị liệu

Ở nhiều quốc gia, những người làm tâm lý trị liệu phải được đào tạo, cấp bằng và cấp
phép hành nghề. Nhà tâm lý trị liệu có thể xuất thân từ những chuyên ngành khác nhau:
có thể là nhà tâm lý, nhân viên các cơ quan xã hội, điều dưỡng viên tâm thần, bác sĩ tâm
thần, nhà phân tâm học hoặc các chuyên viên khác đang làm việc trong lĩnh vực chăm
sóc sức khỏe tinh thần.

Tâm lý trị liệu là phương pháp tâm lý, dùng để chữa trị các vấn đề tâm lý, cảm xúc chủ
yếu bằng lời nói hoặc các kỹ năng giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và thân chủ. Trong
tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề
mà họ mắc phải và thiết lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của
quá trình này là giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối
quan hệ trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh.
[1]

Theo Alexander, tâm lý trị liệu thực sự không phải là việc gì đó quá mới mẻ, xa lạ hoặc
vượt quá tầm hiểu biết của con người. Alexander phát biểu: Bất kỳ ai đang cố gắng cảm
thông với một người bạn đang đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ, thì

1/4
Tâm lý trị liệu

cũng có thể xem người ấy đang thực hành tâm lý trị liệu. Người đó đang cố gắng vận
dụng các phương thức tương tác về mặt tâm lý để bảo tồn trạng thái thăng bằng về mặt
cảm xúc ở một người khác. Những cách thức thông thường này chủ yếu được dựa trên
những sự hiểu biết có tính trực giác hơn là sự hiểu biết có tính khoa học. Khi bạn đang
nói chuyện với ai đó đang có tâm trạng phiền muộn, bạn cũng có thể tự nhiên hiểu được
tác dụng tốt của việc giúp cho người ấy giải tỏa cảm xúc. Với một người đang trong
trạng thái hoảng sợ, quẫn trí, bạn cũng có thể (bằng sự hiểu biết có tính trực giác) mang
đến cho người ấy sự hỗ trợ về mặt cảm xúc bằng những lời khuyên và một thái độ vững
chãi để người ấy có thể tin tưởng nương tựa vào bạn. Bạn vốn cũng có thể đã biết rằng
khi một người đang bị chìm ngập trong một tình huống có tính nguy hiểm, đáng sợ thì
người ấy không thể sử dụng được lý trí của mình một cách hiệu quả, và bạn cần giúp
anh ta ổn định bằng cách nâng đỡ về mặt tâm lý. Trong lúc nói chuyện với người ấy về
hoàn cảnh khách quan mà anh ta đang đương đầu, bạn có thể cho anh ta ‘mượn’ công cụ
lý trí của chính bạn để sử dụng. Khi làm tất cả những việc này, chúng ta đã thực hành
một sự phối hợp giữa hai công việc có tính chất chữa trị, một là nâng đỡ (supportive),
hai là thấu hiểu (insight).

Và Alexander đã định nghĩa tâm lý trị liệu "... không gì khác hơn ngoài việc áp dụng
một cách có hệ thống, một cách có ý thức những phương pháp mà chúng ta áp dụng để
ảnh hưởng lên những người sống xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự
khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có
tính trực giác mà thay vào đó là phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý
động học (psychodynamics)"[2].

Như vậy, khác với sự giúp đỡ từ một người thân quen thường gặp trong đời sống, “sự hỗ
trợ trong tâm lý trị liệu được tiến hành bởi một nhà trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp
để có thể làm chức năng hỗ trợ người khác mà không nhất thiết phải trở nên gắn kết với
thân chủ của mình về mặt đời sống riêng tư” (Goffman; 1962).

Các mục tiêu của tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng nhân cách một con người theo
chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó “tự hiện thực hóa bản
thân mình”. Các mục tiêu chính của tâm lý trị liệu bao gồm: Gia tăng khả năng thấu hiểu
bản thân của thân chủ, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột, gia tăng sự tự chấp nhận
bản thân của thân chủ, giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó
khăn, giúp thân chủ củng cố một cái "Tôi" vững mạnh, toàn vẹn và an toàn.

Các bước cơ bản trong tiến trình làm tâm lý trị liệu là: Tạo một bầu không khí quan hệ
có tính trị liệu, giải tỏa cảm xúc của thân chủ, tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ, giúp thân
chủ định hình lại cảm xúc, kết thúc trị liệu[3]

2/4
Tâm lý trị liệu

Từ thời cổ đại, Hippocrates, ông tổ của y học phương Tây đã từng kể ra ba công cụ chủ
yếu mà một người thầy thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh, đó là: cây cỏ, con dao và
lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất ra các dược liệu, từ con dao có thể cắt bỏ đi những
phần cơ thể bị bệnh mà không thể giữ lại được, và từ đó đã dần dần hình thành nên các
chuyên khoa nội và ngoại trong y khoa hiện đại. Song chỉ khi có sự hình thành và phát
triển của ngành tâm lý học hiện đại và ngành tâm thần học hiện đại, giá trị của việc sử
dụng lời nói trong chữa bệnh mới được phát huy thành một phương pháp trị liệu thực
sự khoa học. Phương thức trị liệu ấy được một số nhà tiên phong trong lĩnh vực này,
như Sigmund Freud gọi là "chữa trị bằng lời nói", tiếng Anh: talking cure mà về sau nó
trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu, với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác
nhau.

Những yếu tố tạo nên hiệu quả trị liệu

Nhiều yếu tố giúp tạo nên hiệu quả của tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu và thừa nhận
như bản chất mối quan hệ trị liệu (Goldstein; 1962), sự hữu dụng của lời nói (Bernstein;
1965), lòng tin của người bệnh (hoặc thân chủ) đối với nhà trị liệu (Frank; 1961). Tuy
vậy, tác động thực sự của tâm lý trị liệu vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi mãi cho đến
hiện nay. Một trong các nghi vấn đó là liệu các cách thức chữa trị bằng lời nói có thực
sự chữa trị được các chứng rối loạn tâm trí?

Trong thực tế, việc tranh luận về hiệu quả của tâm lý trị liệu phần lớn xảy ra trong giới
chuyên môn, ngay cả giữa những người thực hành tâm lý trị liệu thuộc các trường phái
và xu hướng khác nhau. Đánh giá thích hợp nhất sẽ có được, nếu tác động của tâm lý trị
liệu đươc xét từ góc độ và địa vị của người bệnh (hoặc thân chủ).

Thân chủ không “nhìn thấy” những học thuyết và lý luận của nhà trị liệu, mà “nhìn vào”
hành vi và thái độ ứng xử của họ. Vì thế việc "ai là nhà trị liệu" có khi còn quan trọng
hơn cả việc nhà trị liệu áp dụng học thuyết nào, phương pháp nào... Nhà trị liệu là người
ở vị thế có ảnh hưởng đối với thân chủ, mà nếu không có sự ảnh hưởng này, việc trị liệu
sẽ không còn giá trị. Do vậy tâm lý trị liệu có thể được xem là “nghệ thuật tạo sự khích
lệ, và kế đó là sử dụng tầm ảnh hưởng của nhà trị liệu lên thân chủ của mình một cách
thuần thục” (Micheal Franz Basch).

Mặt khác, việc xác định hiệu quả của tâm lý trị liệu khó xác định, mà thay vào đó chỉ
có thể xem xét được hiệu năng của nó, tức là việc tâm lý trị liệu tạo khả năng để có thể
đạt đến một kết quả mong muốn. Theo Gregory Bateson: tâm lý trị liệu “cung cấp một
sự khác biệt để tạo nên một sự khác biệt mới”. Nhà tâm lý trị liệu không giúp thay đổi
những sự kiện trong thực tế khách quan, mà nhắm đến những thay đổi những gì xảy ra
trong thực tại chủ quan của người bệnh hoặc thân chủ. Nói một cách hình tượng thì “nhà
trị liệu mang thân chủ đến một điểm, mà ở đó họ không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa”
(Martin Seligman; 1975).

3/4
Tâm lý trị liệu

Nhiều định kiến cho rằng: nhà tâm lý trị liệu thì chữa bệnh cho bệnh nhân bị rối loạn
tâm trí, còn các chuyên viên tư vấn (counsellor) giúp tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong
cuộc sống của thân chủ. Tuy nhiên, cả hai công việc tư vấn và trị liệu tâm lý đều cùng
chia sẻ chung những học thuyết, lý luận, kỹ năng và phương pháp. Theo Jessie Bernard
(1969), “tư vấn tâm lý giúp con người của thân chủ trở lại hòa hợp với số phận của
họ, điều chỉnh bản thân họ khi sống đối mặt với những thất bại và đau khổ. Nhưng nếu
những thân chủ ấy có những ứng xử không tuân theo các chuẩn mực hoặc có những rối
loạn tâm trí nghiêm trọng, thì việc giúp đỡ những thân chủ ấy sẽ thuộc trách nhiệm của
nhà tâm lý trị liệu”.

Tâm lý trị liệu không diễn ra như nhiều người suy nghĩ: Đó không hẳn là việc chữa lành
một căn bệnh, không phải là sự hướng dẫn của một nhà thông thái, lời chia sẻ giữa hai
người bạn thân, cũng không phải là một quá trình học hỏi những kiến thức.

Tâm lý trị liệu không liên quan đến những điều con người suy nghĩ, mà nó diễn ra qua
cách suy nghĩ của con người, nó gây chú ý đến cách thức mà con người suy nghĩ. Nó
phân biệt rõ giữa những điều con người đang suy nghĩ đến và cách thức thực hiện suy
nghĩ ấy. Tâm lý trị liệu ít chú ý đến việc tìm kiến những nguyên nhân, để giải thích
những gì con người đang làm, nó quan tâm đến việc khám phá những ý nghĩa từ những
gì mà con người đang làm (James Bugental, Ph.D.).

Tâm lý trị liệu liên quan đến cách sống với những tình cảm của con người, liên quan
đến những quan điểm được áp dụng trong những mối quan hệ giữa người với người, đến
những điều con người muốn đạt đến trong cuộc đời và cách thức mà con người cố gắng
đạt đến và nó liên quan đến các động lực giúp con người có thể tìm thấy những tiềm
năng thay đổi trong bản thân mỗi người.

4/4

You might also like