You are on page 1of 16

HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC

MỤC TIÊU:

Sau khi học xong người học có thể:

1. Hiểu được các khái niệm cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng

2. Phân tích được các quy luật cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng

Hoạt động nhận thức là một trong 3 mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người
(nhận thức, tình cảm và hành động). Nó quan hệ chặt chẽ với các mặt kia,
nhưng không ngang bằng về nguyên tắc. Nó cũng có quan hệ mật thiết với các
hiện tượng tâm lý khác của con người.

Hoạt động nhận thức là hoạt động phản ánh bản thân hiện thực khách quan.
Đó là hoạt động nhận biết, đánh giá về thế giới quanh mình. Khi chúng ta nhìn
nhận, xem xét một vấn đề nào đó, khi chúng ta tìm hiểu đánh giá một con
người, thì có nghĩa là chúng ta đang tiến hành nhận thức chúng. Khi nhận thức
một sự vật, một hiện tượng, một con người, nghĩa là ta trả lời các câu hỏi: đó là
cái gì? Nó có ý nghĩa gì? Tại sao lại như vậy? Người đó là ai? Bản chất người đó
là như thế nào?... Hoạt động nhận thức là cơ sở của mọi hoạt động tâm lý khác
của con người, nhờ có nhận thức con người mới có tình cảm, xúc cảm, ý chí và
hành động. Có nhận thức đúng về đối tượng thì chúng ta mới có tình cảm, xúc
cảm đúng đắn, mới có những hành động đúng hợp với quy luật của sự vật hiện
tượng.

Hoạt động nhận thức diễn ra theo những cấp độ khác nhau, mỗi một cấp độ
nhận thức có những tính chất, qui luật riêng của mình. Cấp độ nhận thức thấp
nhất là nhận thức cảm tính, cấp độ nhận thức cao hơn là nhận thức lý tính.
Giữa cảm tính và lý tính có một cấp độ trung gian đó là trí nhớ. Trí nhớ giúp
chúng ta lưu giữ những gì đã nghe, đã thấy, đã cảm, trên cơ sở đó giúp tư duy
rút ra bản chất của sự vật hiện tượng. Các cấp độ của nhận thức có liên quan,
gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, chi phối lẫn nhau trong cùng một hoạt động
nhận thức của con người.

1. Nhận thức cảm tính.

Nhận thức cảm tính có 2 quá trình cơ bản là cảm giác và tri giác.

1.1 Cảm giác

1.1.1 Định nghĩa

Mỗi sự vật hiện tượng xung quanh ta đều được bộc lộ bởi hàng loạt những
thuộc tính bề ngoài như màu sắc (xanh, đỏ, tím. Vàng….), kích thước (cao thấp,
vuông tròn…), trọng lượng ( nặng nhẹ..), khối lượng (To, nhỏ, nhiều, ít..), tính
chất (nóng, lạnh, cay, đắng..). Những thuộc tính đó được liên hệ với bộ não con
người là nhờ cảm giác.

Cảm giác là một quá trình nhận thức đơn giản nhất, phản ánh những đặc điểm
riêng lẻ, bề ngoài của sự vật hiện tượng khi chúng tác động trực tiếp vào các giác
quan tương ứng của con người.

Ở mức độ cảm giác chúng ta mới chỉ có những hiểu biết rất mơ hồ, rất chung
chung về thế giới xung quanh, thậm chí cảm giác có thể không chính xác.
Chẳng hạn khi mới tiếp xúc với một người, ta đánh giá “Anh này trông có vẻ
không đàng hoàng”, nhưng chưa biết rõ là anh ta không đàng hoàng ở điểm
nào, căn cứ vào đâu lại đánh giá như vậy. Lời nhận xét đó mới chỉ ở mức độ
cảm giác mà thôi. Vì vậy khi nhận xét con người, chúng ta cần chú ý là cảm
giác không phải bao giờ cũng đúng.

Tuy là hiện tượng tâm lý sơ đẳng, song cảm giác là nền tảng của nhiều hoạt
động tâm lý khác của cả người và động vật. Với con vật, cảm giác là hình thức
định hướng cao nhất trong môi trường. Còn với con người, cảm giác là hình
thức định hướng đầu tiên, song nó đã giúp đỡ tích cực con người trong việc
điều khiển, điều chỉnh hoạt động trong môi trường. Giác quan của một số loài
vật phản ánh khá tinh vi và nhạy bén, như mắt của chim đại bàng,, tai của dơi.
Giác quan của người qua quá trình phát triển lâu dài, qua rèn luện, nhờ kinh
nghiệm, vốn sống và hoạt động nghề nghiệp mà không ngừng hoàn thiện, trở
nên tinh vi và nhạy bén hơn nhiều so với giác quan của các loài vật.

Chất lượng của cảm giác được xác định bởi tính nhạy cảm. Tính nhạy cảm là
khả năng cảm nhận về sự vật hiện tượng. Tính nhạy cảm giúp con người định
hướng một cách nhanh chóng trong hoạt động cũng như trong giao tiếp. Nó
làm cho con người trở nên tinh vi hơn, nhạy bén hơn và tế nhị hơn. Tính nhạy
cảm phụ thuộc vào tình trạng của các giác quan, tuổi tác, kinh nghiệm, tính
nghề nghiệp, sự rèn luyện và giới tính của con người.

1.1.2 Các loại cảm giác

Căn cứ vào vị trí của nguồn kích thích và bộ máy thụ cảm người ta chia thành
cảm giác bên ngoài và cảm giác bên trong.

• Cảm giác bên ngoài là những cảm giác do kích thích từ bên ngoài gây
nên. Bao gồm:

- Cảm giác nhìn (thị giác): cảm giác nhìn nảy sinh do sự tác động của sóng
ánh sáng phát ra từ các sự vật. Cơ sở giải phẫu sinh lí của cảm giác nhìn
là cơ quan phân tích thị giác. Cảm giác nhìn cho ta biết những thuộc tính
hình dạng, độ lớn, số lượng màu sắc, kích thước, số lượng và độ xa của
các sự vật. Cảm giác nhìn chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc thu
nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Khoảng 90% lượng thông tin thu
được bằng giác quan là do thị giác đem lại. “Trăm nghe không bằng một
thấy”

- Cảm giác nghe (thính giác): cảm giác nghe là cảm giác do những sóng âm
tức là những dao động của không khí, những sóng âm được lan ra mọi
phía từ nguồn phát ra âm thanh đến tai người nghe. Cơ sở giải phẫu sinh
lí của cảm giác nghe là bộ máy phân tích thính giác. Cảm giác nghe phản
ánh những thuộc tính như cường độ, cao độ và sắc của âm thanh.

Cảm giác nghe cũng có ý nghĩa to lớn trong đời sống. Nhờ cảm giác nghe
mà ta nghe được tiếng nói, có thể giao tiếp với người khác bằng ngôn
ngữ…

- Cảm giác ngửi (khứu giác): cảm giác ngửi là cảm giác do các phần tử của
các chất bay hơi tác động lên màng ngoài của khoang mũi cùng không
khí gây nên. Cảm giác ngửi cho ta biết được thuộc tính mùi của đối
tượng gây nên.

- Cảm giác nếm (vị giác) cảm giác nếm do sự tác động của các thuộc tính
hóa học của các chất hòa tan trong nước lên các cơ quan thụ cảm vị giác
ở lưỡi gây nên. Cảm giác nếm có 4 loại: cảm giác ngọt, cảm giác chua,
cảm giác mặn và cảm giác đắng. Sự đa dạng của các vị thức ăn phụ
thuộc đáng kể vào tính chất của sự kết hợp giữa các cảm giác kể trên và
vào sự phối hợp với cảm giác ngửi. Nếu hoàn toàn mất cảm giác ngửi thì
trong một mức độ đáng kể khó phân biệt được các vị khác nhau của đồ
ăn.

- Cảm giác da (xúc giác): là cảm giác do những kích thích cơ học và nhiệt
học tác động lên da tạo nên. Cảm giác da gồm 5 loại: cảm giác đụng
chạm, cảm giác nén, cảm giác nóng, cảm giác lạnh, cảm giác đau. Cảm
giác da cho ta biết sự đụng chạm, sức ép của vật vào da cũng như nhiệt
độ của vật.

Cảm giác bên ngoài liên kết với vận động tạo nên sức mạnh của lao động “
Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

• Cảm giác bên trong: là những cảm giác do những kích thích bên trong cơ
thể gây nên. Cảm giác bên trong bao gồm:

- Cảm giác vận động: là cảm giác phản ánh những biến đổi xảy ra trong
các cơ quan vận động. Cảm giác vận động báo hiệu về mức độ co của cơ
và vị trí của các phần thân thể chúng ta. Khi các cơ gân, khớp, xương
trong cơ thể chuyển động sẽ tạo nên cảm giác vận động. Cảm giác này
cùng với cảm giác bên ngoài, cho ta những thuộc tính : rắn, mềm, co
giãn, xù xì, trơn, nhẵn.

- Cảm giác thăng bằng: là cảm giác phản ánh vị trí và phương hướng
chuyển động của đầu. Khi cơ quan thăng bằng bị kích thích quá mức sẽ
gây mất thăng bằng, ta sẽ cảm thấy chóng mặt và buồn nôn.

- Cảm giác cơ thể là cảm giác phản ánh tình trạng hoạt động của các cơ
quan nội tại: cảm giác đói, cảm giác no, cảm giác đau (ở các cơ quan bên
trong), cảm giác khát, cảm giác buồn nôn.

1.1.3 Các quy luật cơ bản của cảm giác

- Quy luật về ngưỡng cảm giác: Muốn có cảm giác thì phải có kích thích
tương ứng tác động vào giác quan. Song không phải mọi kích thích cũng đều
gây ra được cảm giác. Nếu cường độ kích thích quá bé (hạt bụi rơi vào cánh tay
chẳng hạn) thì chưa gây ra được cảm giác, còn cường độ kích thích quá lớn (ví
dụ ngọn đèn pha chiếu vào mắt) thì cũng làm mất cảm giác. Vậy để gây được
cảm giác thì cường độ kích thích phải nằm trong một giới hạn nhất định. Giới
hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm giác.

- Quy luật về sự thích ứng của cảm giác. Độ nhạy cảm của các cơ quan phân
tích không phải là cố định, mà nó có thể thay đổi dưới ảnh hưởng của hàng
loạt những điều kiện tâm lý và sinh lý, trong đó có hiện tượng thích ứng. thích
ứng đó là khả năng thay đổi độ nhạy cảm cho phù hợp với cường độ kích thích
– khi cường độ kích thích tăng lên thì độ nhạy cảm giảm xuống và khi cường
độ kích thích giảm xuống thì độ nhạy cảm tăng lên. Thích ứng là sự quen dần
của cảm giác và có thể dẫn đến mất hẳn cảm giác khi kích thích tác động một
cách không đổi vào giác quan.

- Quy luật về sự tác động lẫn nhau giữa các cãm giác. Cảm giác của con
người không tồn tại một cách biệt lập, tách rời mà chúng tác động qua lại lẫn
nhau. Một cảm giác có thể thay đổi tính nhạy cảm do sự ảnh hưởng của các
cảm giác khác. Ví dụ “ nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

1.1.4 Rối loạn cảm giác.

Do cơ thể hoạt động không bình thường, hoặc do bệnh lý mà thu nhận cảm
giác không đúng.

- Tăng cảm giác: tăng khả năng thu nhận kích thích có thật. Khi ngưỡng cảm
giác tuyệt đối dưới giảm xuống, bệnh nhân đáp ứng một cách quá mẫn cảm với
kích thích, nhiều khi những kích thích trung bình hoặc nhẹ cũng làm cho
người bệnh không chịu nổi. ví dụ: những bệnh nhân suy nhược thần kinh,
bệnh nhân lên cơn dại rất khó chịu với những tác động của ánh sáng, tiếng
động… sợ gió, sợ nước..

- Giảm cảm giác: Giảm khả năng thu nhận kích thích có thật. Khi ngưỡng cảm
giác tuyệt đối dưới tăng cao, người bệnh không tiếp thu được những tác động
có cường độ kích thích trung bình hoặc thấp. Những người bệnh đó thấy xung
quanh mình như mờ mờ, ảo ảo, mọi tiếng động như xa xôi, mọi thức ăn trở
nên nhạt nhẽo.

- Mất cảm giác: Không có khả năng thu nhận kích thích có thật.

- Loạn cảm giác: Cảm giác không đúng, người bệnh có những cảm xúc không
bình thường, kỳ lạ hoặc có sự lẫn lộn về cảm giác. Trong rối loạn cảm giác bản
thể, bệnh nhân thấy đau nhức, tê, buồn, khó chịu trong cơ thể, trong nội tạng
một cách vô cớ, khó hiểu. Hoặc người bệnh tiếp nhận các cảm giác thông
thường trở nên nặng nề hơn, ví dụ cảm thấy nóng nực hơn, lạnh hơn, cảm giác
nghẹt thở, cảm giác ngứa ngáy làm cho người khó chịu. Trong những trường
hợp đó người bệnh sẽ bị kích thích mạnh, thiếu kiên nhẫn, có khi trở nên hung
dữ.

1.2 Tri giác

1.2.1 Định nghĩa

Khác với cảm giác, tri giác là một mức độ mới của nhận thức cảm tính, nó
không phải là tổng số các thuộc tính riêng lẻ mà là một sự phản ánh sự vật
hiện tượng nói chung trong tổng hòa các thuộc tính của nó.

Tri giác là một quá trình nhận thức phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính
bề ngoài của từng sự vật hiện tượng riêng lẻ khi chúng trực tiếp tác động vào
giác quan. Tri giác hình thành từ cảm giác nhưng được phát triển lên. Tri giác
là sự phản ánh cao hơn so với cảm giác, phản ánh một cách tổng hợp các thuộc
tính của sự vật hiện tượng cho một hình ảnh trọn vẹn trên não bộ. Tri giác là
khi chúng ta đã nhận ra sự vật hiện tượng một cách khá rõ ràng, cụ thể.

1.2.2 Các loại tri giác

Dựa vào đối tượng được phản ánh trong tri giác, có thể chia làm ba loại:

- Tri giác các thuộc tính không gian của đối tượng : là sự phản ánh cái
không gian tồn tại một cách khách quan. Nhờ khả năng tri giác các thuộc
tính không gian của đối tượng mà ta biết được hình dạng, độ lớn, vị trí
của sự vật, hình nổi, độ xa và phương hướng của chúng. Trên cơ sở đó
con người có thể định hướng và điều chỉnh hành động của mình trong
thế giới.

- Tri giác thời gian: Là sự phản ánh độ dài lâu, tốc độ và tính kế tục khách
quan của các hiện tượng trong hiện thực. Nhờ tri giác các thuộc tính thời
gian của đối tượng mà ta biết được độ lâu, độ nhanh, nhịp điệu, tính liên
tục hoặc gián đoạn của sự diễn biến trong thế giới xung quanh, những
biến đổi xảy ra trong thế giới. Chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như quá
trình sinh học, nhịp điệu sinh học của cơ thể (hô hấp, tuần hoàn, đói no,
thức ngủ:), chịu sự chi phối của chu kỳ thiên nhiên, của môi trường.

Các ảo giác thời gian: “ Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Ba thu dồn lại một
ngày dài ghê.”

- Tri giác sự chuyển động (vận động): là sự phản ánh những biến đổi về vị
trí của các sự vật trong khách quan nhờ đó ta biết được phương hướng,
tốc độ, thời gian chuyển động của sự vật.

Ba loại tri giác trên đây thường có liên quan mật thiết, bổ sung cho nhau giúp
con gnười tri giác trọn vẹn sự vật hiện tượng và thế giới khách quan. Sự phát
triển các loại tri giác này phụ thuộc vào kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn
của con người.

1.2.3 Các quy luật của tri giác.

- Quy luật về tính đối tượng của tri giác: Hình ảnh trực quan mà tri giác mang
lại bao giờ cũng thuộc về một sự vật, hiện tượng nhất định nào đó trong hiện
thực khách quan.

- Quy luật về tính lựa chọn của tri giác: Tri giác thực chất là một quá trình lựa
chọn tích cực: Khi ta tri giác một đối tượng nào đó có nghĩa là đã tách đối
tượng tri giác ra khởi bối cảnh xung quanh để tri giác tốt hơn. Trong trường
hợp này bối cảnh xung quanh là nền của đối tượng. sự vật hiện tượng càng
khác với bối cảnh tri giác thì tri giác càng lựa trọn dễ dàng. Tính lựa trọn của
tri giác thể hiện thái độ tích cực của con người đối với sự vật hiện tượng đang
được tri giác. Nhờ có tính chất này mà hiệu quả của tri giác được nâng cao và
kết quả tri giác càng phù hợp với hoạt động chủ thể. Bản chất của quá trình tri
giác tích cực là quá trình tách đối tượng ra khỏi bối cảnh xung quanh. Tính đối
tượng của tri giác phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như đặc điểm vật kích
thích (cường độ, nhịp điệu vận động, sự tương phản…) đặc điểm của môi
trường xung quanh (ánh sáng, khoảng cách, tác động của người khác…) và còn
phụ thuộc vào yếu tố chủ quan như nhu cầu, hứng thú, tình cảm, xu hướng,
tâm trạng, kinh nghiệm sống, tuổi tác, sức khỏe, nghề nghiệp của chủ thể…
Tính lựa chọn giúp tri giác khắc phục cách nhìn sự vật hiện tượng một cách
phiến diện, định kiến.

- Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác: Khả năng gọi tên, đặt tên sự vật hiện
tượng và xếp sự vật hiện tượng vào một nhóm, loại nào đó. Đây chính là tính ý
nghĩa của hình ảnh tri giác. Tính ý nghĩa này phụ thuộc vào vốn hiểu biết,
kinh nghiệm, khả năng tư duy, ngôn ngữ của chủ thể và liên quan đến tính
trọn vẹn của tri giác (tri giác càng đầy đủ các thuộc tính, bộ phận của sự vật
hiện tượng thì việc gọi tên, chỉ ra công dụng của nó càng cụ thể, chính xác)

- Quy luật về tính ổn định của tri giác: Là khả năng phản ánh sự vật, hiện
tượng không thay đổi khi điều kiện tri giác thay đổi. Ví dụ, trong ánh sáng
trắng hay đỏ, người bác sĩ vẫn tri giác đó là cái ống nghe. Tính ổn định của tri
giác khi ta tri giác độ lớn, hình dạng, màu sắc của đối tượng. Nó phụ thuộc
trước hết vào cấu trúc ổn định của đối tượng trong một thời gian nhất định và
phụ thuộc vào cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt của hệ thần kinh. Ngoài ra tính ổn
định còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, vốn sống… của chủ thể vào đối tượng tri
giác.

- Quy luật tính tổng giác: Là quá trình vận dụng toàn bộ đời sống tâm lý cá
nhân và đặc điểm nhân cách vào các quá trình tri giác. Là khả năng sử dụng
các giác quan, toàn bộ các hoạt động tâm lý, đặc điểm nhân cách của chủ thể
khi tri giác. Là năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người giúp
nhận thức thế giới ngày càng tinh vi, sâu sắc và tổng thể.

Các quy luật tri giác có liên quan chặt chẽ, bổ sung cho nhau và làm cho tri
giác con người trở nên tích cực, nhạy bén và sinh động.

1.2.4 Rối loạn tri giác

- Ảo tưởng: là tri giác sai lệch về toàn bộ về sự vật hiện tượng có thật của thế
giới khách quan. Ví dụ nhìn đoạn dây thừng tưởng là con rắn, nhìn hình nộm
tưởng con người. Trong lâm sàng thường gặp những loại tri giác sai với thực
tại như tri giác sai lệch thị giác, thính giác, vị giác… Có nhiều loại tri giác sai
lệch gắn với trạng thái cảm xúc, gắn với lời nói (do lo âu, trầm cảm, hưng
phấn…) Ảo ảnh kỳ lạ là một dạng đặc biệt của tri giác sai với thực tại, nó
thường xuất hiện ngoài ý chí, không liên quan đến cảm xúc người bệnh như
trong trạng thái mê sảng, mơ màng. Ví dụ: bệnh nhân nhìn vào bức tranh hoặc
vào đám mây thấy biến đổi dần dần thành người có khuân mặt kỳ dị, quái lạ.

- Ảo giác: Là những tri giác như có thật về một sự vật hiện tượng không hề có
trong thực tại khách quan như ảo thanh, ảo thị, ảo giác xúc giác… những ảo
giác xuất hiện hoặc mất đi ngoài ý muốn người bệnh và thường đi kèm với các
rối loạn ý thức, tư duy của người bệnh. Có 2 loại ảo giác. Ảo giác thật: là những
ảo giác được người bệnh chấp nhận như những sự vật hiện tượng có thực
trong hiện thực khách quan, không phân biệt được giữa ảo giác và sự thật. Ảo
giác giả là ảo giác mà người bệnh nhận ra như những sự vật hiện tượng lạ
lùng, không giống với hiện thực khách quan và họ có thể phân biệt được giữa
ảo giác và sự thật,

- Rối loạn tri giác: là những rối loạn bệnh lý tri giác đi kèm với rối loạn tâm lý
khác của người bệnh làm cản trở sự thống nhất, trọn vẹn về sự vật hiện tượng
trong hiện thực khách quan. Rối loạn tri giác có 2 loại: + Tri giác sai thực tại:
trong trường hợp người bệnh biết rằng bản chất của đối tượng tri giác không
thay đổi, mà chỉ thay đổi một vài chi tiết thuộc tính. Như vẫn thấy cái nhà
nhưng cái nhà đó có vẻ to hơn bình thường. Giải thể nhân cách: là những rối
loạn tri giác về sơ đồ cơ thể như: Người bệnh thấy mình như không có tim, tay
chân có thể dài ra, người nhẹ như bông…

2. Nhận thức lý tính.

2.1 Tư duy.

2.1.1 Khái niệm

Tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất,
những mối liên hệ và quan hệ có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong
hiện thực khách quan, mà trước đó ta chưa biết.

Ở mức độ nhận thức cảm tính con người mới phản ánh được những thuộc tính
trực quan cụ thể, bên ngoài. Những mối quan hệ không gian, thời gian và trạng
thái vận động của sự vật hiện tượng. Là những phản ánh trực tiếp những tác
động của sự vật hiện tượng.

Ở mức độ nhận thức lý tính, con người có tư duy. Tư duy đi sâu phản ánh
những thuộc tính bản chất bên trong của sự vật hiện tượng. Ví dụ, qua tư duy
mà chúng ta biết được bản chất vật chất của các hiện tượng tâm lý; biết được
bản chất của sự di truyền sinh vật là các gen di truyền… Tư duy còn đi sâu
phản ánh những mối quan hệ nhân quả, liên hệ mang tính quy luật của các sự
vật hiện tượng, như mối quan hệ nhân quả giữa thiếu iod và bệnh bướu cổ,
giữa viêm gan siêu vi và triệu chứng vàng da, vàng niêm mạc. Mặt khác, tư
duy còn có thể phản ánh những sự vật hiện tượng mới, khái quát, hiện tại
không có, không trực tiếp tác động vào giác quan, ví dụ con người tìm cách
thiết kế tòa nhà hiện đại, bác sĩ tìm phương pháp mổ tối ưu cho bệnh nhân.

Tư duy của con người mang bản chất xã hội, sáng tạo và có tính ngôn ngữ.
Những tình huống tư duy của con người được đặt ra do nhu cầu cuộc sống, lao
động học tập và hoạt động xã hội, được quy định bởi nguyên nhân xã hội, nhu
cầu xã hội. Sự phát triển các hình thức, thao tác tư duy của con người liên
quan đến sự phát triển lịch sử - xã hội. Trong quá trình tư duy, con người sử
dụng phương tiện ngôn ngữ. Kết quả hoạt động tư duy của con người là đóng
góp lớn lao cho nhận thức, cải tạo và phát triển xã hội loài người.

- Bản chất của tư duy thể hiện:


+ Tư duy nảy sinh từ đời sống và hoạt động sống

+ Tư duy bị quy định bởi xã hội

+ Nhận thức phát triển từ thao tác: Hình tượng->Ngôn ngữ->Tư duy trừu
tượng-> Tư duy khái quát

2.1.2 Phân loại tư duy

Phân loại theo phương diện phát triển chủng loại cá thể (phương diện lịch sử
hình thành và phát triển tư duy), gồm 3 loại: - Tư duy trực quan-hành động: có
ở người và một số động vật cao cấp. Trong loại tư duy này, việc giải quyết vấn
đề dựa vào các hình ảnh trực quan của sự vật hiện tượng khách quan. – Tư
duy trừu tượng: là tư duy phát triển cao hơn và chỉ có ở người bao gồm: + Tư
duy hình tượng: kết quả của loại tư duy này cho ta một hình tượng. Mỗi hình
tượng mang một nội dung khái niệm bản chất. Qua hình tượng, ta có thể hiểu
được những khái niệm có chứa trong đó. Ví dụ hình tượng “ông gióng nói lên
sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta…”. + Tư duy ngôn ngữ logic: là loại
tư duy phát triển ở mức độ cao nhất. Trong loại tư duy này việc giải quết vấn
đề dựa trên các khái niệm, các mối quan hệ logic và gắn bó chặt chẽ với ngôn
ngữ, lấy ngôn ngữ làm phương tiện.

Ba loại tư duy trên đây liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Tư duy
trừu tượng được thực hiện dựa trên cơ sở của 2 loại tư duy trực quan thấp hơn.
Ở người trưởng thành, khi đã phát triển tư duy trừu tượng điều đó có nghĩa là
không còn phát triển tư duy trực quan-hành động và tư duy trực quan hình
ảnh nữa mà trái lại tư duy trừu tượng tác động tác động vào tư duy trực quan
thêm cụ thể, thêm sinh động. Và tư duy trực quan tác động vào tư duy trừu
tượng thêm sâu sắc hơn làm cho các tư duy tồn tại, không ngừng phát triển và
hoàn thiện.

2.1.3 Đặc điểm của tư duy

- Tính có vấn đề của tư duy: Không phải bất kỳ tác động nào của hoàn
cảnh cũng đều làm nảy sinh tư duy. Trên thực tế, tư duy chỉ nảy sinh khi
gặp những hoàn cảnh có vấn đề. Hoàn cảnh có vấn đề là những tình
huống trong đó bằng những vốn hiểu biết cũ, bằng những phương pháp
hành động cũ, con người không thể giải quyết được nó. Nét chung của
hoàn cảnh có vấn đề là có sự mâu thuẫn giữa mục đích đề ra và việc
chưa biết cách đạt được mục đích đó. Tuy nhiên không phải bất kỳ một
hoàn cảnh có vấn đề nào cũng kích thích đoực tư duy, mà chỉ có những
tình huống nào được con người nhận thức một cách đầy đủ, được
chuyển thành nhiệm vụ tư duy thì mới làm nảy sinh tư duy.

- Tính khái quát của tư duy: Tư duy có khả năng xuất khỏi sự vật, hiện
tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt, cụ thể, chỉ giữ lại
những thuộc tính bản chất chung cho nhiều sự vật, hiện tượng. Trên cơ
sở đó mà khái quát những sự vật, hiện tượng riêng lẻ, nhưng có những
thuộc tính bản chất chung cho một nhóm, một loại, một phạm trù, qua
đó biết được bản chất, quy luật của những sự vật hiện tượng cùng loại
nhờ đó có thể giải quyết, cải tạo thế giới xung quanh và biết được hiện
tại, dự đoán được cả tương lai.

- Tính gián tiếp của tư duy: Tư duy của co người có thể phản ánh gián
tiếp, tư duy có thể phản ánh sự vật khi chúng không còn trực tiếp tác
động vào giác quan của ta hoặc chỉ cần một vài dấu hiệu hoặc quan hệ
nào đó của sự vật cũng giúp con người đó phản ánh được toàn bộ sự vật
ấy. Con người sử dụng những công cụ, phương tiện (máy móc, trang
thiết bị kỹ thuật…) để nhận thức đối tượng mà không thể tri giác trực
tiếp được.

- Tư duy liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ: sở dĩ tư duy con người có
những đặc điểm vừa nêu trên là vì tư duy con người gắn liền với ngôn
ngữ. Tư duy lấy ngôn ngữ làm phương tiện. Ngôn ngữ thể hiện tư duy.
Tư duy và ngôn ngữ thống nhất với nhau, nhưng không đồng nhất và
tách rời nhau được. Nếu không có ngôn ngữ thì sản phẩm của tư duy sẽ
không được chủ thể và người khác tiếp nhận, cũng như chính bản thân
quá trình tư duy cũng không diễn ra được.

2.2 Tưởng tượng

2.2.1.1 Khái niệm

Trong thực tiễn, nhiều khi gặp hoàn cảnh có vấn đề, nếu chỉ bằng tư duy,
con người không thể giải quết được. Trong những trường hợp này, con
người phải dùng một phương thức hoạt động khác, đó là nhận thức bằng
tưởng tượng.

Tưởng tượng là một quá trình nhận thức phản ánh những cái chưa từng
có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới
trên cơ sở những hình ảnh đã có.

Hình ảnh mới của tưởng tượng là hình ảnh đã có của trí nhớ được gọi là
biểu tượng. Biểu tượng của tưởng tượng là những hình ảnh mới, khái quát do
con người tự tạo ra. Còn biểu tượng của trí nhớ là hình ảnh của sự vật hiện
tượng trước đây đã tác động vào não nay nhớ lại, tái hiện lại. Biểu tượng của
tưởng tượng được tạo ra trên cơ sở những biểu tượng của trí nhớ. Tưởng tượng
của con người phụ thuộc vào những đặc điểm tâm lý của cá nhân như tri giác,
tư duy, tình cảm, hứng thú, năng khiếu… Và phụ thuộc vào thực tiễn của cuộc
sống, kinh nghiệm chung của xã hội loài người.

2..2.2 Các loại tưởng tượng:


- Tưởng tưởng tiêu cực và tưởng tượng tích cực

Tưởng tưởng tiêu cực: Là loại tưởng tưởng tạo ra những hình ảnh không
được thực hiện trong cuộc sống, vạch ra những chương trình của hành vi
không được thực hiện và luôn luôn không thể thực hiện.

Tưởng tượng tích cực: Là tưởng tượng tạo ra những hình ảnh nhằm đáp
ứng những nhu cầu, kích thích tích cực thực tế của con người.

- Ước mơ và lý tưởng

Ước mơ là một loại tưởng tưởng sáng tạo, nhưng không trực tiếp hướng
vào hoạt động hiện tại.

Lý tưởng: Là một hình ảnh mẫu mực, chói rọi, rực sáng, cụ thể, hấp dẫn
của tương lai mong muốn. Nó trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy con
người vuơn tới tương lai. Lý tưởng có tính tích cực và hiện thực cao hơn
ước mơ.

• Các cách sáng tạo ra hình ảnh mới trong tưởng tượng

- Thay đổi kích thước, số lượng của sự vật hay thành phần của sự vật.

- Nhấn mạnh các chi tiết, thành phần, thuộc tính của sự vật.

- Chắp ghép (kết dính)

- Liên hợp

- Điển hình hoá

- Loại suy

Tưởng tượng đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hoạt động nào của con
người. Tưởng tượng giúp con người định hướng hoạt động của mình bằng cách
xây dựng trước mô hình tâm lý về kết quả cuối cùng của hoạt động và đảm bảo
việc thành lập chương trình đi đến kết quả đó. Không hình dung ra được kết
quả công việc của mình, người ta khó có thể bắt đầu công việc được. Đây là sự
khác nhau cơ bản giữa lao động của con người và những hành động bản năng
của loài vật.

Tóm lại, hoạt động nhận thức là hoạt động cơ bản của đời sống tâm lý con
người, nó là cơ sở của cuộc sống của tài năng, của sự phát triển nhân cách con
người, bởi vậy chúng ta phải chú ý đến những đặc điểm sau đây của họ:

Thứ nhất, khi đánh giá khả năng nhận thức của con người, chúng ta nên chú ý
đến những đặc điểm sau đây:

- Sự nhạy bén, tinh tế, linh hoạt trong nhận thức


- Khả năng quan sát nhanh chóng. Chính xác và bao quát được nhiều đói
tượng

- Khả năng tư duy (từ việc phát hiện vấn đề nhanh, chính xác, cho đến
việc giải quyết vấn đề một cách linh hoạt và có tính sáng tạo.)

- Trí tưởng tượng phong phú, khả năng liên tưởng được những khái niệm
rất xa về mặt ý nghĩa, khả năng dự đoán và lường trước được những sự
kiện trong tương lai.

- Trình độ nhận thức, bao gồm trình độ văn hóa, trình độ kiến thức, vốn
hiểu biết thực tế, vốn kinh nghiệm…

Thứ hai, rèn luyện khả năng nhận thức, khả năng trí tuệ của bản thân cụ thễ
là:

- Rèn luyện tính nhạy cảm.

- Rèn luyện khả năng quan sát, nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách
chính xác và khách quan.

- Rèn luyện năng lực tư duy (phát hiện vấn đề nhanh, giải quyết vấn đề
chính xác, linh hoạt). Rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh,
trừu tượng hóa, khái quát hóa và khả năng vận dựng các kiến thức, các
mệnh lệnh, chỉ thị một cách sáng suốt, phù hợp với thực tế

3. Hoạt động nhận thức của người bệnh

Những biến đổi hoạt động nhận thức, trí tuệ của người bệnh là do tác động của
ổ hưng phấn ưu thế bệnh lý làm mất sự tập trung chú ý; do những xúc cảm âm
tính tác động lên quá trình tư duy và do hậu quả của các yếu tố độc hại đi kèm
với quá trình bệnh tật lên toàn bộ hoạt động nhận thức của người bệnh.

Người bệnh có hiện tượng giảm trí nhớ và tưởng tượng; đãng trí, không tập
trung chú ý; giảm khả năng sáng tạo, giảm khả năng lao động; các chức năng
nhận thức cấp cao như phân tích, tổng hợp bị suy yếu…

Khi những xúc động cảm xúc tăng lên, ý chí giảm đi, ở người bệnh có thể xuất
hiện tình trạng “tự động tâm lý” (mức độ thấp nhưng tinh vi hơn tình trạng “tự
động bệnh lý” – hội chứng Kandinasky); các ý nghĩ, liên tưởng trở nên lộn xộn
dễ bị ám thị..

Sự liên tưởng của người bệnh bị biến đổi dưới dạng mở rộng liên tưởng, hồi
tưởng, mong ước… do trương lực não bị giảm sút, giống như khi người khỏe
mạnh có giấc ngủ chập chờn, không sâu.
Tình trạng dễ bị ám thị tăng lên, người bệnh bị động, phụ thuộc. Thậm chí
những người vô thần, những nhà trí thức… cũng cầu cứu đến nhà thờ, chùa
chiền, tin vào số mệnh, phù phép, nhờ cậy cả vào những lang vườn… Đây
chính là hiện tượng quay về hoạt động tâm lý giống nòi phát sinh từ cổ xưa;
theo đuổi những logic cảm xúc không xuất phát từ quy luật tư duy.

CÂU HỎI THẢO LUẬN VÀ LƯỢNG GIÁ

1. Trình bày các quy luật của cảm giác, tri giác và ứng dụng của chúng
trong nghề nghiệp của anh / chị sau này.

2. So sánh nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Giữa chúng có mối
quan hệ với nhau như thế nào?

Câu 1: Cảm giác là:


a. Một quá trình nhận thức đem lại sự hiểu biết cho con người
b. Quá trình tâm lý phản ánh trực tiếp, riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật
hiện tượng bằng hoạt động của các giác quan
c. Quá trình tâm lý phản ánh trọn vẹn từng sự vật hiện tượng
d. Còn gọi là nhận thức cảm tính

Câu 2: Tri giác có đặc điểm là:


a. Là hiện tượng tâm lý xảy ra trong thời gian ngắn, có sự mở đầu, diễn
biến, kết thúc tương đối rõ ràng
b. Chỉ xảy ra khi sự vật hiện tượng tác động trực tiếp vào giác quan
c. Kết quả phản ánh là hình tượng trọn vẹn về sự vật, hiện tượng (các
thuộc tính của sự vật hiện tượng nằm trong một cấu trúc nhất định)
d. Cả a, b, c

Câu 3: Đặc điểm để phân biệt tri giác với cảm giác là:
a. Là quá trình tâm lý
b. Có tính chủ thể
c. Có sự phối hợp hoạt động tổng hợp của các giác quan để tạo nên hình
ảnh trọn vẹn về sự vật hiện tượng
d. Chỉ xảy ra khi sự vật hiện tượng tác động trực tiếp vào giác quan

Câu 4: Cách hiểu nào đúng với ngưỡng cảm giác


a. Là giới hạn cường độ kích thích mà ở đó còn gây được cảm giác trong
một cơ quan phân tích
b. Mỗi loại giác quan có ngưỡng cảm giác giống nhau ở tất cả mọi người
c. Ngưỡng cảm giác là một hằng số không thay đổi trong cuộc sống
d. Cả a, b, c
Câu 5: Khi ta từ chỗ có cường độ ánh sáng mạnh đi vào chỗ có cường độ ánh
sáng yếu thì độ nhạy cảm của cảm giác nhìn là:
a. Tăng lên
b. Giảm đi
c. Không thay đổi
d. Lúc đầu tăng, sau giảm đi

Câu 6: Đặc điểm phản ánh nào đặc trưng cho tư duy
a. Phản ánh kinh nghiệm đã qua dưới dạng các ý nghĩ, cảm xúc, hình
tượng
b. Phản ánh các sự vật với đầy đủ thuộc tính của chúng
c. Phản ánh các dấu hiệu bản chất, những mối liên hệ phổ biến của sự vật
hiện tượng mà con người chưa biết
d. Phản ánh những gì quan trọng với con người

Câu 7: Tìm dấu hiệu không phù hợp với quá trình tư duy của con người
a. Phản ánh những trải nghiệm của cuộc sống
b. Phản ánh hiện thực bằng con đường gián tiếp
c. Kết quả nhận thức mang tính khái quát
d. Diễn ra theo một qúa trình

Câu 8: Tưởng tượng tái tạo có đặc điểm là:


a. Tạo ra cái mới với cá nhân
b. Được thực hiện một cách có ý thức
c. Thực hiện dụa trên sự mô tả của người khác
d. a, b, c.

Câu 9: Căn cứ vào cơ quan phân tích nào giữ vai trò chính trong tạo ra hình
ảnh tri giác, người ta phân tri giác thành:

a. Tri giác không gian, thời gian

b. Tri giác nhìn, nghe, ngửi

c. Tri giác vận đông, con người

d. Tri giác có chủ định, không chủ định.

Câu 10: Một người có độ nhạy cảm cao được biểu hiện:

a. Kích thích rất nhỏ cũng gây được cảm giác

b. Phản ánh được cả kích thích có cường độ nhỏ và cường độ kích thích
lớn.

c. Phân biệt được nhiều kích thích khác nhau

d. Khó bị ảnh hưởng bởi môi trường

Câu 11: Quy luật thích ứng của cảm giác được thể hiện

a. Kích thích mạnh thì độ nhạy cảm giảm và ngược lại

b. Kích thích mạnh thì độ nhạy tăng, kích thích yếu thì độ nhạy cảm
giảm

c. Thay đổi độ nhạy cảm để phản ánh được tốt hơn những kích thích
với cường độ khác nhau

d. Thay đổi độ nhạy cảm để phù hợp trạng thái cơ thể

Câu 12: Hiện tượng tổng giác thể hiện:

a. Sự phụ thuộc của tri giác vào đặc điểm đối tượng tri giác

b. Sự phụ thuộc của tri giác vào nội dung tâm lý của chủ thể

c. Sự ổn định của hình ảnh tri giác

d. Sự hoạt động tổng hợp của các giác quan

Câu 13: Đặc điểm nào của tư duy được thể hiện rõ nhất trong tình huống “một
bác sĩ có kinh nghiệm chỉ cần nhìn vào vẻ ngoài của bệnh nhân là có thể đoán
biết được họ bị bệnh gì”.

a. Tính trừu tượng và khái quát của tư duy

b. Tính có vấn đề của tư duy

c. Tư duy liên hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính

d. Tính lí tính của tư duy

You might also like