You are on page 1of 4

Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh

Chúng ta thường nghe nói nhiều về mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh.
Dường như trong hai lĩnh vực này có mối liên hệ bí ẩn nào đó khiến chúng không
thể tồn tại độc lập tách rời nhau. Cũng giống như một tác phẩm văn học, một bộ
phim sẽ không thể tồn tại mãi với thời gian được nếu nó chỉ đơn thuần là việc diễn
xuất trên màn ảnh của diễn viên mà nội dung lại sáo rỗng, chuyển tải một tư tưởng
hạn hẹp. Quan trọng hơn nữa, văn học còn có thể là cái kho vô tận và là nền tảng
vững chắc cho các nhà làm điện ảnh có được nguồn chất liệu tốt để chuyển thể
những câu chuyện đời từ một tác phẩm văn học lên màn ảnh nhỏ.
Trước hết phải khẳng định, văn học và điện ảnh đều là các bộ môn nghệ
thuật mang tính tổng hợp, nhưng nếu như văn học là loại hình nghệ thuật mang
tính tổng hợp gián tiếp, thì điện ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp
trực tiếp. Sử dụng ngôn từ làm chất liệu, văn học có thể dựng lại tất cả các loại
hình nghệ thuật khác. Nó như là một điểm giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật.
Văn học thể hiện trong lời nói tự do của con người, mà lời nói vừa là âm
thanh, vừa là bức tranh, vừa là khái niệm. Do vậy, văn học mang trong mình tất cả
các yếu tố của các nghệ thuật khác, nó như đồng thời sử dụng không tách rời
phương thức của tất cả các loại hình nghệ thuật riêng biệt. Văn học chính là toàn
bộ nghệ thuật. Lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, văn học có thể sử
dụng đa dạng, linh hoạt tất cả các yếu tố hình ảnh, sắc màu, đường nét… vốn là
chất liệu ngôn ngữ đặc trưng của các loại hình nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, khác với văn học, điện ảnh mang tính tổng hợp trực tiếp. Nó
vừa có khả năng tái hiện đời sống một cách khách quan, chân thực thông qua hệ
thống âm thanh, hình ảnh sống động, ánh sáng… tác động trực tiếp đến các giác
quan thị giác, thính giác của người xem; vừa có khả năng biểu hiện đời sống nội
tâm phong phú của con người.

Văn học và điện ảnh có mối quan hệ gắn bó, qua lại lẫn nhau. Ở trong văn
học có yếu tố điện ảnh, và ngược lại, trong điện ảnh có yếu tố của văn học. Điện
ảnh đã tiếp thu của văn học các yếu tố như: cốt truyện, nghệ thuật kể chuyện, hệ
thống tu từ… Là loại hình nghệ thuật trẻ so với văn học, điện ảnh sử dụng rất nhiều
các yếu tố kĩ thuật, kĩ xảo tiên tiến và đó cũng là điều mà văn học tiếp thu từ điện
ảnh để tạo nên những tác phẩm độc đáo, hấp dẫn. Như vậy, có thể khẳng định rằng,
văn học từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp tư liệu quý giá cho điện ảnh. Đồng
thời, điện ảnh cũng giúp văn học mở rộng không gian truyền tải và “tác động đến
văn học bằng cách kiến giải tác phẩm, bằng sự tác động vào phương thức thuật
chuyện của văn học”

Nguồn: http://www.jordanellinger.com/van-hoc-va-dien-anh/moi-quan-he-giua-
van-hoc-va-dien-anh/

You might also like