You are on page 1of 19

Bốn học thuyết chi phối hệ thống

truyền thông
8 months ago758 Views

Tổng hợp từ sách Bốn học thuyết truyền thông – Fred S. Siebert,
Theodore Peterson, Wilbur Schramm

Câu hỏi căn bản đặt ra khi nghiên cứu truyền thông là “Tại sao truyền
thông lại có hình hài như ngày nay? Tại sao nó lại mang hình thức như
hiện có, mang chức năng, mục đích như hiện có ở từng quốc gia khác
nhau?” Có rất nhiều hướng để phân tích nền truyền thông của một
quốc gia: từ góc độ điều kiện kinh tế, từ truyền thống nghề nghiệp, tập
quán truyền tin trong quá khứ, mức độ đầu tư cho ngành, các chính
sách của chính phủ, khả năng đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền
thông, mức độ đô thị hóa, mức độ chuyên nghiệp của các cơ quan
truyền thông… Trong cuốn sách “Bốn học thuyết truyền thông” ra đời
năm 1956, được coi là cuốn sách gối đầu giường của những ai nghiên
cứu truyền thông, các học giả mở đầu cho ngành nghiên cứu hệ thống
báo chí truyền thông như Fred S.Siebert, Theodore Peterson hay
Wilbur Schramm đã khẳng định rằng thứ cốt lõi nhất chi phối hình thức
và mục đích của hệ thống truyền thông ở một quốc gia là thể chế và
cấu trúc xã hội. Nghĩa là hệ thống truyền thông được định hình trên
nền tảng của cấu trúc xã hội, bao gồm hệ thống quyền lực chính trị, hệ
thống kiểm soát xã hội điều chỉnh mối quan hệ của các cá nhân và các
định chế. Hệ thống quyền lực chính trị này lại bị chi phối bởi một hệ
thống tư tưởng, gồm các quan niệm cơ bản được phổ biến rộng rãi,
được cộng đồng chia sẻ, được áp đặt lên xã hội. Hệ thống tư tưởng ấy
gọi là học thuyết truyền thông. Học thuyết truyền thông sẽ chi phối
cách thức chính quyền tổ chức hệ thống truyền thông, và từ đó sinh ra
nền truyền thông tương ứng.

Thế kỷ XVI, XVII, ở phương Tây, khi việc in ấn báo chí mới bắt đầu và
còn tương đối dễ kiểm soát, nền báo chí truyền thông non trẻ nằm gọn
trong bàn tay chi phối của các chính quyền độc tài, các gia đình hoàng
tộc. Đó là lúc hệ thống truyền thông được vận hành bởi Thuyết Độc
đoán. Thế kỷ XVIII, nền báo chí truyền thông đã phát triển mạnh hơn,
các thành phần tư nhân ngày một chiếm ưu thế, quyền lực chi phối
ngành truyền thông không còn là của riêng hoàng gia nữa, mà được
chia cho bất kỳ ai có năng lực tài chính để “gia nhập cuộc chơi”.
Truyền thông tách ra khỏi bàn tay chính quyền, và đứng đối diện với
chính quyền. Cơ sở lý thuyết chính giúp nền truyền thông kiểu mới này
vận hành là Thuyết Tự do, song hành cùng trào lưu tư tưởng Khai
sáng đương thời. Thế kỷ XX, mô hình tự do vấp phải vấn đề lớn là các
ông trùm truyền thông đã hoàn toàn chi phối được cả hệ thống, “khu
vực thị trường tự do” của ý tưởng và thông tin đã bị họ nắm trong lòng
bàn tay, Thuyết Tự do đã phải trang bị thêm các lý tưởng mới để điều
chỉnh quyền lực và hành vi của các ông trùm truyền thông lớn. Từ đó,
nền truyền thông Anh – Mỹ chuyển dần sang vận hành bằng Thuyết
Trách nhiệm Xã hội. Cùng thời điểm, các nước Xã hội chủ nghĩa đã
đẩy Thuyết Độc đoán lên một mức độ kiểm soát mới hoàn toàn triệt
để, hình thành nên Thuyết Toàn trị Xô Viết.

Thuyết Độc Thuyết Tự Thuyết Trách Thuyết Toàn


đoán do nhiệm Xã hội trị Xô Viết
Trong thế kỉ
XVI và XVII ở Được chấp Trong Đảng Xô
nước Anh, nhận ở Anh viết, mặc dù
được chấp sau năm vậy một số
Quá trình nhận rộng 1688, ở Mỹ; Ở Mĩ vào thế điều tương tự
phát triển rãi, và ngày và có tầm kỷ XX. cũng được áp
nay vẫn ảnh hưởng dụng bởi Đức
được áp tới các nơi Quốc Xã và
dụng ở nhiều khác. người Ý.
nơi.

Các bài viết Các bài viết


của Milton, của W.E Hệ thống quan
Triết lý về Hocking, Ủy
Locke, Mill điểm của
quyền lực ban Tự do Báo
Nền tảng và triết lí Marx-Lenin-
tuyệt đối của chí, những
lí luận chung của Stalin cùng với
nhà vua, người trong
chủ nghĩa Hegel và người
chính phủ nghề và các
duy lí và Nga vào thế kỉ
hoặc cả hai. qui tắc truyền
quyền tự XIX
nhiên. thông

Cung cấp
Cung cấp
Ủng hộ và thông tin, giải
thông tin,
xúc tiến các trí, kinh Đóng góp vào
giải trí, kinh
chính sách doanh, nhưng thành công và
doanh,
Mục đích của chính chủ yếu để sự phát triển
nhưng chủ
chính phủ về đưa các vấn của hệ thống
yếu để tìm
quyền lực, và đề gây tranh xã hội chủ
ra sự thật và
phục vụ nhà cãi lên thảo nghĩa Xô viết.
nước. kiểm tra luận công
chính phủ. khai.

Người có
Người có
quyền sử
chứng nhận Bất kì ai có Các thành viên
dụng Bất kì ai có
của hoàng nhu cầu thể trung thành và
phương đủ tiềm lực
gia hoặc các hiện quan chính thống
tiện kinh tế.
giấy phép điểm. của đảng.
truyền
tương tự.
thông
“Quá trình
Phương Giấy phép
tụ điều Quan điểm
pháp chính phủ, Giám sát và
chỉnh của cộng đồng,
quản lí thương hội, can thiệp
sự thật”, “thị hành vi người
phương cấp phép và chính trị hoặc
trường ý tiêu dùng và
tiện đôi khi dưới kinh tế của
tưởng tự đạo đức nghề
truyền hình thức chính phủ.
do” và tòa nghiệp.
thông kiểm duyệt.
án.
Các nội Sự can thiệp
dung liên sâu sắc vào
Phê bình bộ Phê bình các
quan tới phỉ các quyền cá
máy chính trị mục tiêu của
Điều cầm bang, khiếm nhân được
và công đảng là xa rời
kị nhã, khiêu công nhận và
chức đương khỏi chiến
dâm, xúi các lợi ích cơ
nhiệm. lược.
giục nổi bản của xã
loạn. hội.
Tư nhân, trừ
phi chính phủ
Tư nhân
Chủ sở Chủ yếu là cần tham gia
hoặc nhà Nhà nước
hữu tư nhân. để đảm bảo
nước.
dịch vụ công
cộng
Thuộc quyền
Công cụ xúc Truyền thông sở hữu của
tiến các Công cụ phải có nghĩa nhà nước, và
chính sách kiểm tra vụ thực hiện truyền thông
Điểm đặc của chính chính phủ trách nhiệm được kiểm
trưng phủ, mặc dù và đáp ứng xã hội; và nếu soát chặt chẽ
không nhất các nhu cầu họ không thực bởi nhà nước,
thiết được sở khác của xã hiện, phải có tồn tại đơn
hữu bởi nhà hội. người đứng ra thuần như một
nước. giám sát. công cụ của
nhà nước.

Thuyết Độc đoán

Thuyết Độc đoán chi phối nền truyền thông trong các triều đại phong
kiến phương Tây thế kỷ XVI, XVII: Thời Tudor ở Anh, thời Bourbon ở
Phap, thời Hapsburg ở Tây Ban Nha. Nước Ý của Mussolini và nước
Đức của Hitler cũng dùng một phiên bản của hệ thống này.

Tuy ngày nay mang tiếng xấu, thường chịu ác cảm, nhưng Thuyết Độc
đoán lại là học thuyết được sử dụng phổ biến nhất trên cả bình diện
địa lý lẫn lịch sử, nó có tầm ảnh hưởng sâu rộng vì là hệ thống nền
tảng giúp hình thành nên nền báo chí truyền thông hiện đại. Mọi sự
phát triển sau này của nền báo chí truyền thông đều bắt nguồn từ các
nền truyền thông độc đoán xưa kia.

Nội dung triết lý

Con người có năng lực hữu hạn. Tập thể có khả năng vô hạn. Con
người phụ thuộc vào tập thể để thực hiện hết tiềm năng của mình. Nhà
nước là hình thức cao nhất của tập thể. Con người phải phụ thuộc vào
nhà nước.

Tri thức có thể được khám phá qua nỗ lực tư duy. Nhưng năng lực
khám phá của các cá nhân có sự cách biệt rất lớn. Những người có
năng lực tư duy để đưa ra quyết định, phân biệt đúng sai phải trái,
khám phá tri thức, sẽ đứng ở vị trí cao trong Nhà nước, làm lãnh đạo
hoặc cố vấn. Đa phần dân chúng được coi như thiếu khả năng thẩm
định, nên cần được truyền đạt, tuyên truyền, giảng dạy. Thực chất, tri
thức và sự thật bị quy định bởi Nhà nước.

Vì chỉ Nhà nước mới có năng lực và quyền lực để đưa ra quyết định
cho cả tập thể, nên cá thể phải phục tùng Nhà nước. Việc phục tùng
sẽ phải đảm bảo tuyệt đối thì mới có được hiệu quả tối đa. Mọi sự phân
tán tư tưởng hay tiếng nói đối lập sẽ làm tiêu tốn tài nguyên của tập
thể.

“Tại sao những người có quyền truy cập vào các phương tiện truyền
thông đại chúng, những người thường xuyên không thể nắm được
toàn bộ mục đích của nhà nước, những người thường xuyên không
được thông báo cụ thể về các mục tiêu của chính sách nhà nước – tại
sao những người này, với sự ngu dốt hay bàng quan của mình, lại được
phép đe dọa tới sự thành công của chính sách nhà nước vì lợi ích của
tất cả mọi người?”

Thuyết độc đoán nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất tư
tưởng, bài trừ các tư tưởng đối lập.

Trong hệ thống độc đoán, truyền thông làm nhiệm vụ ủng hộ và xúc
tiến các chính sách của chính phủ, phục vụ nhà nước.

Vận hành hệ thống kiểm soát

Hệ thống truyền thông Độc đoán vận hành theo một quy tắc bất di bất
dịch: hỗ trợ và thúc đẩy các chính sách của chính quyền. Với các chính
quyền lỏng tay trong quản lý, họ cấm truyền thông không được can
thiệp vào các mục tiêu của chính quyền. Nhưng đa phần các chính
quyền độc đoán về sau đều kiểm soát chặt chẽ hơn, họ tích cực sử
dụng hệ thống truyền thông như một công cụ nhằm đạt được mục tiêu
của chính quyền.

Nhà nước độc đoán đã sử dụng nhiều phương án để cố gắng kiểm


soát truyền thông, tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của truyền
thông báo chí khiến cho các phương pháp này nhanh chóng lỗi thời,
không hiệu quả hoặc gặp sự cố. Các phương pháp kiểm soát hệ thống
truyền thông của nhà nước độc đoán:

Phương pháp 1: Hình thành hệ thống Cấp phép cho cá nhân/tổ chức
được quyền in ấn/xuất bản.

Vương triều Tudor ở Anh thế kỷ XVI cấp giấy phép độc quyền cho tư
bản làm truyền thông với điều kiện ràng buộc họ không làm rung
chuyển bộ máy nhà nước. Các chính quyền khác thì lập nên hệ thống
giám sát cồng kềnh. Hầu hết các chính phủ độc đoán ở thế kỷ XVII và
XVIII đều không thể nắm truyền thông gọn trong lòng bàn tay nữa, mà
phải cạnh tranh với tư nhân. Nhà nước cho ra báo chí “chính thống”,
đưa ra các thông tin được cho là chính thức, chính xác, đáng tin cậy,
để chống lại các nhận thức sai lệch và các luận điệu xuyên tạc nếu có
của báo chí tư nhân. Tuy vậy, càng ngày báo tư nhân càng đưa ra các
dịch vụ cạnh tranh hơn.

Hoàng gia cấp giấy phép in cho các nhà in “có thiện chí” với chính
quyền. Từ đó hình thành nên một Tổ chức độc quyền in ấn, là một hội
gồm các nhà in được cấp giấy phép của hoàng gia, có các đặc quyền.
Tổ chức này kiểm soát hoàn toàn ngành in ấn, tuyệt đối trung thành với
chình quyền, uốn nắn và trừng trị các thành viên trái ý, vì vị thế độc
quyền của nó có được nhờ việc phục vụ cho chính quyền. Hiệp hội tự
hoạt động như một vệ sĩ tư tưởng cho chính quyền. Ở vị thế đó, Tổ
chức độc quyền in ấn muốn tăng lợi nhuận và mở rộng quy mô, nên đã
đào tạo rất nhiều công nhân. Lượng người lao động nhiều lên, mà vị trí
công việc thì có hạn (do nhà nước giới hạn số lượng các nhà xuất bản
và doanh nghiệp in ấn), nên các công nhân này đứng trước lựa chọn
giữa hai phương án, phương án an toàn chết chóc: chấp nhận mức
lương của nhà in trong hệ thống chính quyền; hoặc phương án mạo
hiểm chết chóc: làm cho các nhà in lậu, được vận hành dưới ảnh
hưởng của các nhóm tôn giáo và chính trị đối lập. Cùng với đó, phổ
cập giáo dục, nhu cầu tài liệu tăng cao, sự vươn lên của các doanh
nghiệp tư nhân trong mọi lĩnh vực, sư truyền bá của các tư tưởng tôn
giáo và chính trị mới, và chế độ dân chủ đã dẫn đến kết cục là, đến thế
kỷ XVII, Tổ chức này sụp đổ, quyền lực kiểm soát của chính quyền độc
đoán trong lĩnh vực in ấn cũng sụp đổ theo.

Phương pháp 2: Hình thành hệ thống kiểm duyệt tác phẩm – Hệ thống
cấp phép cho từng tác phẩm xuất bản

Thế kỷ XVI, việc kiểm duyệt không phải việc của nhà xuất bản, vì các
nhà xuất bản lúc bấy giờ cũng khá mù mờ với các công việc của chính
quyền và không có đủ năng lực thẩm duyệt xem tác phẩm có đi ngược
lại chính sách hay không. Vì vậy, chính quyền cắt cử ra các cá nhân, tổ
chức riêng để làm việc này.

Tuy vậy đến thế kỷ XVII, số lượng tác phẩm nhiều hơn, các công việc
của chính phủ cũng phức tạp hơn nhiều, nên việc kiểm duyệt trở thành
một việc nguy hiểm. Đó là công việc vừa khó vừa khổ, vừa bị nhà in,
nhà xuất bản chì chiết, lại vừa phải đối mặt với đống thông tin chính
sách khổng lồ, vừa phải cân bằng giữa lợi ích của tổ chức với đại gia
quyền lực, vừa phải dự đoán các kết quả vô cùng phức tạp khi thông
tin này truyền ra đại chúng. Người làm kiểm duyệt sai một ly là kết thù
kết oán với đủ các thế lực, vậy nên người làm chính trị thời đó thường
né vị trí này, giao cho cấp dưới xử lý và chịu trách nhiệm. Vì vậy mà hệ
thống kiểm duyệt về sau cũng không hoạt động hiệu quả.
Phương pháp 3: Hệ thống khởi tố được sử dụng khi hai phương pháp
trên tỏ ra vô dụng. Các trường hợp vi phạm giới hạn, điều lệ in ấn xuất
bản sẽ bị khởi tố. Các tội danh thường được ghép cho tội nhân là mưu
phản, phỉ báng và nổi loạn.

Các phương pháp mới hơn, mang tính chất tiểu xảo hơn được nhà
nước sử dụng để kiểm soát ngành tryền thông: dùng nguồn ngân sách
để mua lại hoặc trợ cấp cho báo chí tư nhân, qua đó kiểm soát nó; mua
chuộc hoặc đe dọa các chủ bút đối lập, tri thức phản biện, biến họ
thành kẻ hai mang, sau đó có thể sử dụng họ hoặc bóc mẽ họ trước
công luận; thiết kế hệ thống thuế quan để hạn chế lợi nhuận của báo
chí tư nhân, vì báo nào tự do tài chính, sống không nhờ chính phủ thì
cũng láo với chính phủ hơn.

Chủ đề bị cấm và chủ đề được phép

Truyền thông và báo chí là để giúp chính quyền đạt được các mục đích
của nó, chứ không phải để phân tích, xác định, nghiên cứu mục đích
đó. Trong hệ thống truyền thông độc đoán, truyền thông được phép
thảo luận về hệ thống chính trị trên bình diện triết học, miễn là không
chỉ trích trực tiếp đến người cầm quyền hiện tại. (Điều này bị cấm ở hệ
thống Toàn trị Xô Viết). Elizabeth Đệ nhất vào thế kỷ XVI cho phép báo
chí truyền thông thảo luận về các vấn đề đương thời, chỉ cần đừng
điều tra quyết định cuối cùng của bà là được. Tuy vậy, công chúng ít
am hiểu các vấn đề chính trị, nên nội dung thảo luận cũng bị giới hạn.

Thuyết tự do

Thuyết Tự do được chấp nhận ở Anh sau năm 1688, ở Mỹ; và có tầm
ảnh hưởng tới các nơi khác.

Thuyết độc đoán là thứ nhiều người tuyên bố ghét bỏ, nhưng thực
chất lại là nền tảng của hầu hết mọi nền truyền thông, còn thuyết tự do
là thứ mà hầu hết mọi nền truyền thông đều tuyên bố hướng tới, ít nhất
là trên học thuyết.

Nội dung triết lý

Nội dung triết lý của học thuyết này dựa trên nền tảng triết học chủ
nghĩa tự do, được phát triển trong giai đoạn thế kỷ XVII, XVIII. Nền tảng
của nó là thế giới quan mô hình hóa thành các cỗ máy vận hành theo
các định luật bất biến của Newton, là tư tưởng của John Locke về
quyền tự do, là học thuyết kinh tế cổ điển, nhấn mạnh vào sự can thiệp
tối thiểu của chính phủ và niềm tin rằng con người vì lợi ích của bản
thân sẽ tự động dấn đến lợi ích chung, là quá trình tự điều chỉnh của
John Milton cho rằng sự thật sẽ được phát hiện từ quá trình gặp gỡ tự
do của các ý tưởng trong thị trường mở.

Trái với thuyết độc đoán, Chủ nghĩa tự do có cái nhìn trân trọng hơn
đối với năng lực của cá nhân. Theo đó, mỗi cá nhân đều có tầm quan
trọng nhất định. Con người là sinh vật có tư duy, có khả năng ghi nhớ,
tận dụng kinh nghiệm và rút ra kết luận, có khả năng giải quyết vấn đề
và đưa ra quyết định có lợi cho bản thân. Tiếng nói cá nhân của mọi
người, góp vào không gian bàn luận của cộng đồng, có thể thúc đẩy
văn minh và tiến bộ của xã hội. Theo các nhà tự do chủ nghĩa, việc
hoàn thiện các cá hân, gia tăng lợi ích cho các cá nhân là mục đích và
cũng là chức năng của xã hội.

Nếu như các nhà lý thuyết độc đoán cho rằng Nhà nước là biểu hiện
cao nhất trong sự phát triển loài người, còn các nhà tự do chủ nghĩa
thì bác bỏ điều này, họ chỉ coi nhà nước như một công cụ hữu ích và
cần thiết nhằm thực hiện mục đích của các cá nhân mà thôi. Tóm lại,
theo họ, xã hội, tập thể không thể đóng vai trò quan trọng hơn các cá
thể tạo dựng nên xã hội đó.

Về bản chất của chân lý và sự thật, học thuyết này công nhận rằng cá
nhân với khả năng tư duy phân biệt phải trái đúng sai của mình, có thể
tìm được sự thật và chân lí. Các cá nhân phải tìm chân lí qua các hoạt
động tư duy, tìm căn cứ, hình thành lập luận, tìm luận cứ, kiểm tra các
giả định… Tức là sự thật và chân lí phải được từng người xác minh, và
người đó phải tìm được đủ thông tin cần thiết để phán xét, chứ không
còn đợi chân lí được trao truyền từ trên xuống như trong thuyết Độc
đoán.

Vận hành hệ thống báo chí tự do

Các triết lý này thúc đẩy tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Thế kỷ XVIII ở phương Tây diễn ra cuộc chuyển giao toàn diện, hệ
thống truyền thông độc đoán dần trở thành hệ thống truyền thông
được vận hành theo các nguyên tắc tự do. Đầu thế kỷ XVIII, hệ thống
kiểm soát báo chí truyền thông dần sụp đổ. Quyển chi phối của vua lên
báo chí bị loại bỏ, nhà thờ không còn là cơ quan lãnh đạo, sự độc
quyền của nhà nước trong công tác xuất bản bị xóa bỏ. Đến cuối thế
kỷ, các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do đã đưa quyền tự do ngôn luận
và tự do báo chí vào trong các bản Hiến pháp.

Thuyết tự do sinh ra như một sự phản kháng lại với thuyết độc đoán,
nó giới hạn quyền lực chi phối truyền thông của thế lực thống trị cũ.
Báo chí truyền thông trở thành một lực lượng giám sát lại chính phủ.

Mục đích của truyền thông là cung cấp thông tin, giải trí, kinh doanh,
nhưng chính yếu nhất vẫn là giúp tìm ra sự thật và hỗ trợ cho quá trình
giải quyết các vấn đề chính trị xã hội bằng cách đưa ra tất cả các căn
cứ và các ý kiến liên quan, tạo tiền đề để đưa ra quyết định. Chủ nghĩa
tự do khuyến khích các cá nhân lên tiếng, để thu được nhiều góc cạnh
nhất, nhìn nhận được đa diện nhất. Khi đó, không thể tránh khỏi việc
các thông tin được đưa ra có thể sai lầm hoặc thiếu căn cứ. Dù vậy nhà
nước vẫn không được ngăn chặn, vì như thế là vi phạm quyền tự do, và
tiền lệ ngăn chặn sẽ thành cơ sở để nhà nước bịt miệng các tiếng nói
phản biện mình trong tương lai. Các nhà tự do chủ nghĩa tin tưởng
rằng với việc phơi bày tối đa thông tin như thế, người đọc sẽ tự có khả
năng sàng lọc, loại bỏ những gì không phù hợp, và cuối cùng, cái gì
được công chúng giữ lại sau cùng chính là cái đúng đắn, theo quy luật
tự nhiên.

Người tự do chủ nghĩa tin rằng báo chí không nên là lĩnh vực độc
quyền của nhà nước, mà quyền sở hữu phương tiện truyền thông nên
được mở ra với bất cứ ai có đủ tài chính để “gia nhập cuộc chơi”. Môi
trường truyền thông sẽ vận hành theo nguyên lý kinh doanh tự do, các
phương tiện truyền thông sẽ được tư hữu hóa và cạnh tranh nhau
trong một thị trường tự do. Chủ nghĩa tự do lúc bấy giờ không tin
tưởng nhà nước, mà tin tưởng đặt truyền thông vào tay hệ thống tư
bản của các doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước không được tham gia
cuộc chơi, mà phải có chức năng tạo ra một sân chơi lành mạnh, duy
trì một cơ cấu ổn định để các lực lượng tự do có thể tương tác với
nhau.

Trong các nền báo chí truyền thông tự do, nhà nước vẫn có các biện
pháp kiểm soát báo chí trong một chừng mực nào đó. Chẳng hạn, nhà
nước điều hành hệ thống điện thoại điện báo, kiểm soát xuất nhập
khẩu, đánh thuế các cơ quan báo chí truyền thông, và một công cụ
khác là hệ thống tòa án.

Vận hành theo thuyết tự do, hệ thống truyền thông gặp phải vấn đề
lớn là xung đột giữa nhà nước và báo chí. Hai lực lượng là quyền lực
nhà nước và quyền lực báo chí tự do luôn ở thế đối đầu nhau để giành
lợi ích. Chiến tranh hay các tình huống bất ổn, khẩn cấp là cái cớ để
nhà nước thâu tóm báo chí. Tự do ngôn luận chỉ tốt cho thời bình, khi
các quyết định cần được lắng nghe nhiều phía và bàn bạc kỹ lưỡng.
Thời chiến đòi hỏi phải có sự nhất quán cao trong tư tưởng, và cần xử
lý vấn đề nhanh chóng, nên tự do ngôn luận thường phải được kiềm
chế. Tình hình nước Mỹ lâm vào cuộc nội chiến, rồi các cuộc chiến
tranh liên tiếp nổ ra ở châu Âu và trên toàn thế giới trong thế kỷ XIX và
XX đã khiến cho lý tưởng tự do gặp phải nhiều trở ngại.

Vấn đề khác các nhà báo gặp phải là xác định giới hạn 1uyền tiếp cận
các nguồn thông tin của chính phủ. Đến nay, đây vẫn là một vấn đề lớn
gây nhiều tranh cãi cho nhiều chính quyền và hệ thống truyền thông tự
do.

Thuyết Tự do đã được phổ biến trên toàn thế giới. Nó trở thành nguyên
lý xây dựng nên nhiều nền truyền thông ở nhiều khu vực, tuy nhiên,
các đất nước kém phát triển sẽ thấy đặc biệt khó khăn khi du nhập tư
tưởng báo chí tự do của phương Tây. Một số trường hợp, như
Colombia hay Argentina ở thế kỷ trước đã tạo ra một nền tảng tương
đối tự do và tách biệt được quyền lực của nhà nước khỏi khu vực báo
chí – truyền thông, tuy nhiên, bất kỳ khủng hoảng hay sự cố chính trị
nào xảy ra, các nước này đều sẵn sàng quay trở lại với truyền thống
độc đoán để kiểm soát cục diện. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các
giá trị của chủ nghĩa tự do được Liên Hợp Quốc đẩy ra toàn cầu để đối
chọi với hệ thống Độc đoán và Toàn trị Xô Viết.

Thuyết Trách nhiệm xã hội

Thuyết tự do cho rằng Nhà nước là kẻ thù lớn nhất có thể tồn tại của
tự do, một nhà nước “đúng đắn” phải cho phép tự do hiện hữu. Còn
Thuyết Trách nhiệm xã hội thì nhấn mạnh hơn vào trách nhiệm của
Nhà nước, Nhà nước không phải chỉ nên cho phép tự do, mà còn phải
chủ động khuyến khích và tạo điều kiện cho tự do.

Thuyết tự do nhấn mạnh đến quyền được phát ngôn, thì Thuyết trách
nhiệm xã hội nhấn mạnh đến quyền lợi của người tiếp nhận. Thuyết Tự
do đặt rất ít giới hạn lên người phát ngôn, lên các nhà xuất bản, còn
Thuyết Trách nhiệm xã hội thì yêu cầu nhà xuất bản phải có trách
nhiệm đạo đức.

Hoàn cảnh ra đời học thuyết: Nhờ các phát triển khoa học – kỹ thuật
và công nghiệp, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình… nền báo chí
truyền thông ngày cảng có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống xã hội.
Công nghiệp hóa khiến hàng hóa được sản xuất nhiều hơn, ngành
quảng cáo phất lên và báo chí thu được rất nhiều lợi nhuận. Quá trình
đô thị hóa, gia tăng dân số, những phát triển về giáo dục cũng làm số
lượng phát hành các tờ báo tăng vọt. Quyền lực báo chí lớn mạnh
nhanh chóng. Tuy vậy, “thị trường thông tin tự do” mà thuyết tự do
hướng tới lại đang bị phá vỡ, bởi ngành này đang bị chi phối bởi một
nhóm ít người. Rào cản nhập cuộc quá lớn, không nhà đầu tư mới nào
đủ khả năng gia nhập và lớn mạnh trong ngành công nghiệp truyền
thông. Năm nhà xuất bản lớn chiếm phần lớn tổng số lượng phát hành
tạp chí và tổng số chi phí quảng cáo. Năm công ti khác sản xuất gần
như toàn bộ số phim người Mĩ theo dõi. Hai hoặc ba mạng lưới phát
sóng lớn phục vụ toàn bộ các trạm phát sóng trên toàn quốc. Quyền
lực đang bị thâu tóm bởi một số ít người.

Cơ cấu ngành như vậy, cộng với việc báo chí chạy theo lợi nhuận và
doanh số đã dẫn đến rất nhiều vấn đề phát sinh: Truyền thông thời đó
truyền bá thông tin lệch lạc tùy theo lợi ích của ông chủ, hoặc các tập
đoàn tài trợ; truyền thông giật gân câu khách; truyền thông vi phạm
riêng tư cá nhân, hoặc góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội… Đã có
nhiều cây bút lên tiếng phê bình nền truyền thông thời bấy giờ. Tình
hình tệ hại đó đã khiến các học giả phải soạn ra những quy ước để giới
hạn về trách nhiệm xã hội phải có ở ngành truyền thông. Cùng với đó
là sự hình thành của một lớp nhà báo mới, thay thế lớp cũ, họ có học
thức hơn, có ý thức trách nhiệm về nghề nghiệp hơn, có tiêu chuẩn
cao hơn, hành nghề có nguyên tắc hơn. Từ không gian tự do không
hạn chế, các cơ quan truyền thông phải chấp nhận khép mình trong
các khuôn khổ trách nhiệm cụ thể với cộng đồng.

Học thuyết này làm hình thành nên những Bộ quy tắc về đạo đức báo
chí và truyền thông. Bộ quy tắc sớm nhất ra đời ở Mỹ năm 1923. Các
bộ quy tắc của ngành điện ảnh, ngành phát thanh, ngành truyền hình
cũng lần lượt ra đời trong các bối cảnh công chúng đã ngày một mất
cảm tình với các phương tiện truyền thông. Ủy Ban Tự Do Báo chí đưa
ra các yêu cầu cụ thể của xã hội hiện đại đối với báo chí truyền thông,
và chúng trở thành thước đo cho hoạt động của báo chí.

Khác biệt với Thuyết Tự do:

Các điều chỉnh về chức năng của nền báo chí truyền thống:

Cung cấp thông tin và tranh luận công vụ


Mở rộng kiến thức cho công chúng
Bảo vệ quyền cá nhân, giám sát chính phủ

Thuyết Trách nhiệm xã hội nhìn nhận báo chí nước Mỹ lúc bấy giờ, tức
là đầu thế kỷ XX chưa làm tốt 3 chức năng này

Kết nối bên mua với bên bán qua quảng cáo: Thuyết TNXH coi
nhẹ chức này hơn các chức năng khác
Giải trí: Thuyết TNXH yêu cầu chương trình giải trí đó phải “tốt”.
Duy trì khả năng độc lập tài chính để tránh áp lực từ các lợi ích
đặc biệt: Thuyết TNXH đồng ý, nhưng nếu cần thiết thì một vài
phương tiện truyền thông đại chúng có thể được miễn trừ trách
nhiệm tự tìm kiếm lợi nhuận trong thương trường.

Thuyết Toàn trị Xô Viết

Báo chí phương Tây ưa các thông tin đói lập trái chiều. Báo chí Xô Viết
ưa sự nhất quán, thống nhất. Người Mỹ chê truyền thông LX bị chi
phối bởi chính quyền. Người LX chê truyền thông Mỹ bị chi phối bởi
các tập đoàn lớn. Báo chí Mỹ đưa nhiều nguồn để độc giả phân biệt
thật giả. Báo chí Xô Viết nhất quán tư tưởng để bảo vệ và hướng dẫn
người đọc. Người Mỹ chê báo chí Liên Xô không tự do. Người LX chê
báo chí Mỹ vô trách nhiệm.

Nội dung nguyên tắc của thuyết Toàn trị Xô Viết

Thuyết Toàn trị Xô Viết khẳng định tính Đảng của hệ thống truyền
thông. Hệ thống truyền thông phải đóng góp vào công cuộc đấu tranh
giải phóng giai cấp, giải phóng loài người, phải phục vụ cho sự nghiệp
của Đảng.

Vận hành hệ thống

Hệ thống truyền thông vận hành như một công cụ của chính quyền.
Chính quyền sở hữu toàn bộ các phương tiện truyền thông. Không tồn
tại phương tiện truyền thông đại chúng nằm ngoài chính quyền, chứ
đừng nói đến việc đưa ra thông điệp đối lập. Hệ thống truyền thông,
giống các hệ thống khác trong tay nhà nước, phải thực hiện các nhiệm
vụ được nhà nước giao. Ngoài ra, không hề có sự liên kết nội tại trong
ngành. Mọi mối liên hệ nhỏ nhất xâu chuỗi các cơ quan này lại với nhau
đều do Nhà nước quyết định. Cơ quan truyền thông hoàn toàn vận
hành theo chỉ thị đường lối của Đảng.

Truyền thông đại chúng được chỉ đạo vận hành đồng bộ cùng các hệ
thống khác của chính quyền. Ở xã hội toàn trị Xô Viết, thông điệp chỉ
thị của chính quyền sẽ được phát đi qua radio, truyền hình, báo chí,
trong các cuộc họp tổ dân phố, hệ thống công đoàn, các loại giấy tờ
bản tin… Tất cả các công cụ truyền thông đều đồng loạt phát đi thông
điệp chỉ thị từ trung ương.

Truyền thông nhấn mạnh vào sự thống nhất quốc gia: đẩy mạnh sự
đoàn kết dân tộc. Sự đoàn kết dân tộc và sự thống nhất tư tưởng dưới
ngọn cờ Đảng luôn song hành cùng nhau.

Truyền thông luôn tuyên truyền để giác ngộ mọi người về đấu tranh
giai cấp, khuyến khích nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính đấu tranh giai
cấp. Với họ, cuộc đấu tranh giai cấp và giải phóng loài người là điều
thực nhất trên đời, và họ giúp nhau nhìn ra bản chất thực sự đó ở mọi
sự việc họ chứng kiến. Không chỉ tạo điều kiện giác ngộ, truyền thông
còn kích động người dân hành động theo Đảng Cộng sản để hiện thực
hóa lý tưởng.

Về khái niệm tự do trong truyền thông Liên Xô:

Người Mỹ chê truyền thông Liên Xô bị chi phối bởi chính quyền. Người
Liên Xô chê truyền thông Mỹ bị chi phối bởi các tập đoàn lớn. Người
Mỹ chê báo chí Liên Xô không tự do. Người Liên Xô chê báo chí Mỹ vô
trách nhiệm.

Người Liên Xô cho rằng nền truyền thông của họ là tự do, bởi định
nghĩa tự do của người theo chủ nghĩa xã hội khác với cái tự do mà
chúng ta hiểu ngày nay. Khi nói đến tự do, người phương Tây thường
nghĩ ngay đến tự do khỏi Nhà nước, khỏi sự can thiệp của chính phủ.
Còn người Liên Xô lúc bấy giờ hưởng thụ sự tự do ngay trong khuôn
khổ nhà nước, một nhà nước vừa bảo vệ họ, vừa nâng đỡ họ. Tự do
của phương Tây là đặt câu hỏi phản biện lại hệ thống xã hội, chống lại
các lề thói của hệ thống quyền lực đang áp chế lên anh ta. Tự do của
Liên Xô là được nhà nước bảo vệ và chia phần, được đảm bảo phần
quyền lợi đã phân chia mà không bị thế lực tư bản bóc lột nào đè đầu
cướp mất.

Cách Đảng kiểm soát báo chí và các cơ quan truyền thông:

Người biên tập được Đảng bổ nhiệm, và ứng cử viên đó phải tin
cậy về mặt chính trị với Đảng
Đảng đưa ra đường lối tuyên truyền, định hướng vấn đề nào nên
đưa lên báo, và đưa theo chiều hướng nào.
Đánh giá và phê bình tờ báo

Về nội dung, báo và đài của Đảng quản lý không cần tin nóng sốt dẻo,
không cần cung cấp đầy đủ thông tin, mà quan trọng là thông tin đó
phải minh họa được cho sự thật đấu tranh giai cấp, tuyên truyền được
cho đường lối đúng đắn của Đảng.

Phát thanh là hệ thống ra đời sau nhà nước XV, và nó là phương tiện
truyền thông đại chúng được LX xây dựng từ gốc. Chỉ trong vài năm,
hệ thống phát thanh của LX đã rộng và mạnh bằng cả hệ thống châu Á
và châu Âu cộng lại. Và hệ thống phát thanh khổng lồ ấy được nhà
nước LX sử dụng để mang tư tưởng và đường lối của Đảng tới từng
nhà.

Quan điểm chính thống cho rằng nền báo chí truyền thông Toàn trị Xô
viết là nền báo chí nhân dân, xây dựng và kiểm soát bởi người đại diện
của nhân dân, góp phần xây dựng “hình mẫu đích thực”. Còn theo
quan điểm từ bên ngoài, đó là một nền báo chí kiểm soát chặt chẽ,
không phải để phục vụ nhân dân, mà để làm thay nhân dân trong việc
nhận tin, suy nghĩ, lựa chọn… ngăn chặn mọi lựa chọn chủ ý cá nhân
từ họ.

Đến ngày nay, khi mà truyền thông trở nên đa dạng và phức tạp hơn
rất nhiều, không có nền truyền thông nào đơn thuần chạy theo một
học thuyết, tuy nhiên, ảnh hưởng về mặt tư tưởng của các học thuyết
này vẫn chi phối ngành truyền thông. Nhìn một nền truyền thông của
một nước, ta có thể đọc ra các yếu tố của từng học thuyết này, và nhìn
chung, về mặt kỹ thuật, báo chí truyền thông đã đi rất xa, nhưng về
mặt tư tưởng hệ thống chính trị, các nền báo chí truyền thông trên thế
giới hầu như không đi quá xa khỏi bốn học thuyết này.

Khi nghiên cứu, không nên nhìn nhận học thuyết này tiến bộ, học
thuyết kia không, học thuyết này xấu, học thuyết kia tốt. Xấu tốt, tiến
bộ hay phản động cũng chỉ là tương đối, việc quá ghét hoặc quá thích
hệ thống nào đó có thể làm ta không hiểu đúng và hiểu kỹ về nó, đi
nhiều vào cảm xúc cá nhân và bỏ qua các chi tiết. Mục đích của bài
viết này là điểm qua các học thuyết truyền thống có ảnh hưởng nhất,
xem có những ưu và nhược điểm nào, hiểu được logic hình thành và sử
dụng của nó, qua đó đi tới nhìn nhận truyền thông một cách toàn diện
và sâu sắc hơn.

Minh Hùng tổng hợp

You might also like