You are on page 1of 34

ÔN TẬP ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Các biện pháp tu từ

- Các biện pháp tu từ từ vựng: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, ngoa dụ, nói giảm,
nhân hoá, vật hóa, điệp ngữ, uyển ngữ, nhã ngữ, chơi chữ…

- Các biện pháp tu từ cú pháp: Đảo ngữ, câu hỏi tu từ, lặp cú pháp, phép liệt kê, phép
chêm xen…

- Các biện pháp tu từ ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh, tượng thanh, hài âm,
tạo nhịp điệu, tạo âm hưởng…

2. Nghĩa tường minh và hàm ý

- Nghĩa tường minh: là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong
câu.

- Hàm ý: là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu
nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.

3. Liên kết trong văn bản

Các câu, các đoạn văn liên kết với nhau về nội dung và hình thức:

- Về nội dung:

+ Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu
phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.

+ Liên kết lô-gic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự
hợp lí.
Trang 1
- Về hình thức:

+ Phép lặp từ ngữ: là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ nào đó để tạo ra
tính liên kết giữa các câu chứa yếu tố đó. Có 3 cách sử dụng phép lặp: Lặp từ vựng,
lặp cấu trúc ngữ pháp, lặp ngữ âm. Lặp còn tạo ra sắc thái tu từ như nhấn ý, tạo nhịp
điệu, nhạc điệu,…

+ Phép liên tưởng: là cách dùng các từ, tổ hợp từ có quan hệ liên tưởng trong từng
câu giúp tạo ra sự liên kết giữa các câu chứa chúng.

+ Phép thế: là cách dùng những từ, tổ hợp từ khác nhau, nhưng cùng chỉ về một vật,
một việc để thay thế cho nhau và qua đó tạo nên tính liên kết giữa các câu chứa
chúng.

+ Phép nối: là cách liên kết câu bằng từ, tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ. Các
phương tiện sử dụng trong phép nối là các quan hệ từ (và, vì, nhưng, thì, mà, nếu,
cho nên, rồi,…) và các từ ngữ chuyển tiếp (bởi vậy, nếu thế, dầu vậy, tuy thế, vậy
mà, đã vậy,…) các phụ từ (lại, cũng, còn,…)

+ Phép tỉnh lược…

4. Các phương châm hội thoại

+ Phương châm về lượng. + Phương châm về chất.

+ Phương châm quan hệ. + Phương châm cách thức.

+ Phương châm lịch sự.

Trang 2
5. Phong cách chức năng ngôn ngữ

* Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

- Khái niệm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao
tiếp sinh hoạt hằng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức, dùng
để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm…đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.

- Đặc trưng:

+ Giao tiếp mang tư cách cá nhân.

+ Nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, hàng xóm,
đồng nghiệp.

- Nhận biết:

+ Gồm các dạng: Chuyện trò, nhật kí, thư từ.

+ Ngôn ngữ: Khẩu ngữ, bình dị, suồng sã, địa phương.

* Phong cách ngôn ngữ khoa học:

- Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực nghiên cứu,
học tập và phổ biến khoa học.

Là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu.

- Đặc trưng

+ Tính khái quát, trừu tượng.

+ Tính lí trí, lô gíc.

Trang 3
+ Tính khách quan, phi cá thể.

* Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:

- Khái niệm:

Là loại phong cách ngôn ngữ được dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn
chương (Văn xuôi nghệ thuật, thơ, kich).

- Đặc trưng:

+ Tính thẩm mĩ.

+ Tính đa nghĩa.

+ Thể hiện dấu ấn riêng của tác giả.

* Phong cách ngôn ngữ chính luận:

- Khái niệm: Là phong cách ngôn ngữ được dùng trong những văn bản trực tiếp bày
tỏ tư tưởng, lập trường, thái độ với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống,
đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội.

- Đặc trưng:

+ Tính công khai về quan điểm chính trị: Rõ ràng, không mơ hồ, úp mở. Tránh sử
dụng từ ngữ mơ hồ chung chung, câu nhiều ý.

+ Tính chặt chẽ trong biểu đạt và suy luận: Luận điểm, luận cứ, ý lớn, ý nhỏ, câu
đọan phải rõ ràng, rành mạch.

+ Tính truyền cảm, thuyết phục: Ngôn từ lôi cuốn để thuyết phục; giọng điệu hùng
hồn, tha thiết, thể hiện nhiệt tình và sáng tạo của người viết.

Trang 4
* Phong cách ngôn ngữ hành chính:

- Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính.

- Là giao tiếp giữa nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan nhà nước, giữa
cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác.

- Đặc trưng: Phong cách ngôn ngữ hành chính có 2 chức năng:

+ Chức năng thông báo: thể hiện rõ ở giấy tờ hành chính thông thường.

VD: Văn bằng, chứng chỉ các loại, giấy khai sinh, hóa đơn, hợp đồng,…

+ Chức năng sai khiến: bộc lộ rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của
cấp trên gửi cho cấp dưới, của nhà nước đối với nhân dân, của tập thể với các cá
nhân.

* Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn):

- Khái niệm: Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong
nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc
đẩy sự tiến bộ xã hội.

Là phong cách được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề
thời sự (thông tấn có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi).

Một số thể loại văn bản báo chí:

+ Bản tin: Cung cấp tin tức cho người đọc theo 1 khuôn mẫu: Nguồn tin - Thời gian
- Địa điểm - Sự kiện - Diễn biến - Kết quả.

+ Phóng sự: Cung cấp tin tức nhưng mở rộng phần tường thuật chi tiết sự kiện, miêu
tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có 1 cái nhìn đầy đủ, sinh động, hấp dẫn.
Trang 5
+ Tiểu phẩm: Giọng văn thân mật, dân dã, thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm
nhưng hàm chứa 1 chính kiến về thời cuộc.

6. Phương thức biểu đạt

* Tự sự (kể chuyện, tường thuật):

Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự
việc này đẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện 1 ý nghĩa.

* Miêu tả

Miêu tả là làm cho người đọc, người nghe, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng,
con người (Đặc biệt là thế giới nội tâm) như đang hiện ra trước mắt qua ngôn ngữ
miêu tả.

* Biểu cảm: Là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.

* Nghị luận: Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm
bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết.

* Thuyết minh: Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức
về 1 sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc, người nghe.

* Hành chính – công vụ: Văn bản thuộc phong cách hành chính công vụ là văn bản
điều hành xã hội, có chức năng xã hội. Xã hội được điều hành bằng luật pháp, văn
bản hành chính.

Văn bản này qui định, ràng buộc mối quan hệ giữa các tổ chức nhà nước với nhau,
giữa các cá nhân với nhau trong khuôn khổ hiến pháp và các bộ luật văn bản pháp
lý dưới luật từ trung ương tới địa phương.

Trang 6
7. Phương thức trần thuật:

- Trần thuật từ ngôi thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện (Lời trực tiếp)

- Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình.

- Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình, nhưng điểm nhìn và
lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm (Lời nửa trực tiếp)

8. Các thao tác lập luận:

* Giải thích: chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật của sự việc, hiện tượng được nêu
trong luận điểm. Trong văn nghị luận, giải thích là làm sáng tỏ một từ, một câu, một
nhận định.

* Phân tích: Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận,
yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối
tượng.

* Chứng minh: Chứng minh là đưa ra những cứ liệu - dẫn chứng xác đáng để làm
sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến để thuyết phục người đọc, người nghe tin tưởng vào vấn
đề đó.

* So sánh: So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối
tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau,
từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.

Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có
nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản.

* Bác bỏ: Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề trên cơ sở đó đưa ra nhận định
đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình.
Trang 7
9. Kết cấu đoạn văn

Trong văn bản, nhất là văn nghị luận, ta thường gặp những đoạn văn có kết cấu phổ
biến: quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp; bên cạnh đó là đoạn văn có kết cấu so sánh,
nhân quả, vấn đáp, đòn bẩy, nêu giả thiết, hỗn hợp,…

* Đoạn diễn dịch

Đoạn diễn dịch là một đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở
đầu đoạn, các câu còn lại triển khai ý tưởng chủ đề, mang ý nghĩa minh hoạ, cụ thể.
Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân
tích, bình luận; có thể kèm những nhận xét, đánh giá và bộc lộ sự cảm nhận của
người viết.

Ví dụ: Đoạn văn diễn dịch, nội dung nói về cá tính sáng tạo trong sáng tác thơ:

“Sáng tác thơ là một công việc rất đặc biệt, rất khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải
hình thành một cá tính sáng tạo (1). Tuy vậy, theo Xuân Diệu - tuyệt nhiên không
nên thổi phồng cái cá biệt, cái độc đáo ấy lên một cách quá đáng (2). Điều ấy không
hợp với thơ và không phải phẩm chất của người làm thơ chân chính (3). Hãy sáng
tác thơ một cách tự nhiên, bình dị, phải đấu tranh để cải thiện cái việc tự sáng tạo ấy
không trở thành anh hùng chủ nghĩa (4). Trong khi sáng tác nhà thơ không thể cứ
chăm chăm: mình phải ghi dấu ấn của mình vào trong bài thơ này, tập thơ nọ (5).
Chính trong quá trình lao động dồn toàn tâm toàn ý bằng sự xúc cảm tràn đầy, có
thể nhà thơ sẽ tạo ra được bản sắc riêng biệt một cách tự nhiên, nhà thơ sẽ biểu hiện
được cái cá biệt của mình trong những giây phút cầm bút” (6)...

Mô hình đoạn văn: Câu 1 là câu mở đoạn, mang ý chính của đoạn gọi là câu chủ đề.
Bốn câu còn lại là những câu triển khai làm rõ ý của câu chủ đề. Đây là đoạn văn
giải thích có kết cấu diễn dịch.
Trang 8
* Đoạn quy nạp

Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý chi tiết, cụ thể nhằm hướng
tới ý khái quát nằm ở cuối đoạn. Các câu trên được trình bày bằng thao tác minh
hoạ, lập luận, cảm nhận và rút ra nhận xét, đánh giá chung.

Ví dụ: Đoạn văn quy nạp, nội dung nói về đoạn kết bài thơ “Đồng chí” của Chính
Hữu.

“Chính Hữu khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo (1).

Đêm khuya chờ giặc tới, trăng đã xế ngang tầm súng (2). Bất chợt chiến sĩ ta có một
phát hiện thú vị: Đầu súng trăng treo (3). Câu thơ như một tiếng reo vui hồn nhiên
mà chứa đựng đầy ý nghĩa (4). Trong sự tương phản giữa súng và trăng, người đọc
vẫn tìm ra được sự gắn bó gần gũi (5). Súng tượng trưng cho tinh thần quyết chiến
quyết thắng kẻ thù xâm lược (6). Trăng tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, yên
vui (7). Khẩu súng và vầng trăng là hình tượng sóng đôi trong lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc Việt Nam bất khuất và hào hoa muôn thuở (8). Chất hiện thực
nghiệt ngã và lãng mạng bay bổng đã hoà quyện lẫn nhau tạo nên hình tượng thơ để
đời (9).

Mô hình đoạn văn: Tám câu đầu triển khai phân tích hình tượng thơ trong đoạn cuối
bài thơ “Đồng chí”, từ đó khái quát vấn đề trong câu cuối – câu chủ đề, thể hiện ý
chính của đoạn: đánh giá về hình tượng thơ. Đây là đoạn văn phân tích có kết cấu
quy nạp.
Trang 9
* Đoạn tổng - phân - hợp

Đoạn văn tổng phân hợp là đoạn văn phối hợp diễn dịch với quy nạp. Câu mở đoạn
nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát, câu kết đoạn là ý
khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu khai triển được thực
hiện bằng thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét hoặc nêu
cảm tưởng, để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp lại, khẳng định thêm
giá trị của vấn đề.

Ví dụ: Đoạn văn tổng phân hợp, nội dung nói về đạo lí uống nước nhớ nguồn:

“Lòng biết ơn là cơ sở của đạo làm người (1). Hiện nay trên khắp đất nước ta đang
dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ anh
hùng, những gia đình có công với cách mạng (2). Đảng và Nhà nước cùng toàn dân
thực sự quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách (3). Thương binh được học
nghề, được trợ vốn làm ăn; các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được
tặng nhà tình nghĩa, được các cơ quan đoàn thể phụng dưỡng, săn sóc tận tình (4).
Rồi những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa
trang liệt sĩ đẹp đẽ với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở
mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do…
(5)Không thể nào kể hết những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí uống nước
nhớ nguồn của dân tộc ta (6). Đạo lí này là nền tảng vững vàng để xây dựng một xã
hội thực sự tốt đẹp (7).

Mô hình đoạn văn: Đoạn văn gốm bảy câu:

- Câu đầu (tổng): Nêu lên nhận định khái quát về đạo làm người, đó là lòng biết ơn.

- Năm câu tiếp (phân): Phân tích để chứng minh biểu hiện của đạo lí uống nước nhớ
nguồn.
Trang 10
- Câu cuối (hợp): Khẳng định vai trò của đạo lí uống nước nhớ nguồn đối với việc
xây dựng xã hội.

Đây là đoạn văn chứng minh có kết cấu tổng phân hợp.

* Đoạn so sánh

- So sánh tương đồng.

Đoạn so sánh tương đồng là đoạn văn có sự so sánh tương tự nhau dựa trên một ý
tưởng: so sánh với một tác giả, một đoạn thơ, một đoạn văn,… có nội dung tương tự
nội dung đang nói đến.

Ví dụ: Đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về câu thơ kết trong bài “Nghe
tiếng giã gạo” của Hồ Chí Minh:

Ngày trước tổ tiên ta có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim” (1). Cụ Nguyễn Bá
Học, một nho sĩ đầu thế kỉ XX cũng viết: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách
núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (2). Sau này, vào đầu những năm 40, giữa
bóng tối ngục tù của Tưởng Giới Thạch, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng đã đề cập tới
tính kiên nhẫn, chấp nhận gian lao qua bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”, trong đó có
câu: “Gian nan rèn luyện mới thành công” (3). Câu thơ thể hiện phẩm chất tốt đẹp,
ý chí của Hồ Chí Minh đồng thời còn là châm ngôn rèn luyện cho mỗi chúng ta (4).

Mô hình đoạn văn: Câu nói của tổ tiên, câu nói của Nguyễn Bá Học (câu 1, 2) có nội
dung tương đương với nội dung câu thơ của Hồ Chí Minh (4). Đây là đoạn văn mở
bài của đề bài giải thích câu thơ trích trong bài “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chí
Minh có kết cấu so sánh tương đồng.

Trang 11
- So sánh tương phản.

Đoạn so sánh tương phản là đoạn văn có sự so sánh trái ngược nhau về nội dung ý
tưởng: những hình ảnh thơ văn, phong cách tác giả, hiện thực cuộc sống,… tương
phản nhau.

Ví dụ: Đoạn văn so sánh tương phản, nội dung nói về việc học hành:

Trong cuộc sống, không thiếu những người cho rằng cần học tập để trở thành kẻ có
tài, có tri thức giỏi hơn người trước mà không hề nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ
nghĩa vốn là giá trị cao quý nhất trong các giá trị của con người (1). Những người ý
luôn hợm mình, không chút khiêm tốn, đôi khi trở thành người vô lễ, có hại cho xã
hội (2). Đối với những người ấy, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân:
“Tiên học lễ, hậu học văn” (3).

Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là nói về quan niệm của việc học: học để
làm người. Câu 1, 2 nêu nội dung trái ngược với ý tưởng; câu 3 nêu ý tưởng. Nội
dung tương phản với ý tưởng bao giờ cũng được đề cập trước, sau đó dẫn đến nội
dung chính của ý tưởng. Đây là đoạn văn mở bài, giải thích câu nói của Khổng Tử
“Tiên học lễ, hậu học văn”.

* Đoạn nhân quả

- Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau.

Đoạn văn có kết cấu hai phần, phần trước trình bày nguyên nhân, phần sau trình bày
kết quả của sự việc, hiện tượng, vấn đề,…

Ví dụ: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói tới lời khuyên về lòng biết ơn của con cái
với cha mẹ trong một bài ca dao:

Trang 12
Núi Thái Sơn là núi cao nhất, đồ sộ nhất, vững chãi nhất ở Trung Quốc, cũng như
tình cha mạnh mẽ, vững chắc (1). Chính người đã dạy dỗ hướng cho ta về lẽ phải và
truyền thêm cho ta sức mạnh để bay vào cuộc sống (2). Và thông qua hình tượng
nước trong nguồn, dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhất, dạt dào mãi chẳng bao
giờ cạn, ta cảm nhận ró được tình yêu của mẹ mới thật ngọt ngào, vô tận và trong
lành biết bao nhiêu (3). Từ những hình ảnh cụ thể ấy mà ta có thể thấy ðýợc ý nghĩa
trừu tượng về công cha nghĩa mẹ (4). Công ơn đó, ân nghĩa đó to lớn sâu nặng xiết
bao; chính vì vậy mà chỉ có những hình tượng to lớn bất diệt của thiên nhiên kì vĩ
mới sánh bằng (5). Vì thế mà người xưa mới khuyên nhủ chúng ta phải làm tròn chữ
hiếu, để bù đắp phần nào nỗi cực nhọc, cay đắng của cha mẹ đã phải trải qua vì ta”
(6).

Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là giải thích ý nghĩa câu ca dao. Sáu câu
trên giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của hình ảnh trong câu ca dao, nêu nguyên
nhân. Câu 6 là kết luận về lời khuyên, nêu kết quả

- Chỉ ra kết quả trước, trình bày nguyên nhân sau.

Đoạn văn có kết cấu hai phần. Phần đầu nêu kết quả, phần sau nêu nguyên nhân.

Ví dụ: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói về lòng hiếu nghĩa của Kiều trong lúc lưu
lạc:

Chính trong hoàn cảnh lưu lạc quê người của nàng ta mới thấy hết được tấm lòng
chí hiếu của người con gái ấy (1). Nàng biết sẽ còn bao cơn “cát dập sóng vùi” nhưng
nàng vẫn chỉ lo canh cánh lo cho cha mẹ thiếu người đỡ đần phụng dưỡng vì hai em
còn “sân hoè đôi chút thơ ngây” (2). Bốn câu mà dùng tới bốn điển tích “người tựa
cửa”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân lai”, “gốc tử (3)”. Nguyễn Du đã làm cho nỗi nhớ

Trang 13
của Kiều đậm phần trang trọng, thiết tha và có chiều sâu nhưng cũng không kém
phần chân thực (4).

Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn bình về lòng hiếu của Kiều. Câu 1 nêu kết quả,
ba câu còn lại nêu nguyên nhân

* Đoạn vấn đáp

Đoạn văn vấn đáp là đoạn văn có kết cấu hai phần, phần đầu nêu câu hỏi, phần sau
trả lời câu hỏi. Nội dung hỏi đáp chính là chủ đề của đoạn văn. Trong kiểu kết cấu
này, phần sau có thể để người đọc tự trả lời.

Ví dụ: Đoạn văn vấn đáp, nội dung nói về cái hồn dân tộc trong bài “Ông đồ” của
Vũ Đình Liên:

Cứ đọc kĩ mà xem, sẽ thấy cái xót xa thấm đậm quay cuồng trong câu hỏi cuối:
“Những người muôn năm cũ”, những người ấy là những tâm hồn đẹp thanh cao bên
câu đối đỏ của ông đồ, hay những ông đồ trên phố phường Hà Nội xưa (1)? Tôi nghĩ
là cả hai (2). Thắc mắc của tác giả rất có lí, và chính vì có lí nên nó thật tàn nhẫn và
đau lòng (3). Những cái đẹp cao quý sâu kín, cái đẹp của hồn người Hà Nội, cái đẹp
của hồn Việt Nam cứ ngày càng mai một, càng bị cuộc sống với những quy tắc rất
thực tế lấn át, chà đạp và xô đẩy sang lề đường để rồi biến mất như ông đồ già kia,
và có lẽ sẽ mãi mãi không còn nếu như không có những Vũ Đình Liên đáng khâm
phục (4). “Hồn ở đâu bây giờ” (5)? Câu hỏi ấy là tiếng chuông cảnh tỉnh người đọc
ở mọi thế hệ mọi thời đại, thức dậy những gì sâu xa đã bị lãng quên, chon vùi dưới
cuộc sống ồn ào náo nhiệt (6). Làm sao để tìm lại cái hồn thanh cao cho mỗi con
người Việt Nam, để khôi phục lại cái hồn cho cả dân tộc, đó là điều nhà thơ Vũ Đình
Liên muốn nhắn gửi chúng ta (7).

Trang 14
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là giải thích và bình về hai câu thơ. Phần
nêu câu hỏi là câu 1, phần trả lời là câu 2, 3, 4.

*Đoạn đòn bẩy

Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy là đoạn văn mở đầu nêu một nhận định, dẫn một câu
chuyện hoặc những đoạn thơ văn có nội dung gần giống hoặc trái với ý tưởng (chủ
đề của đoạn) tạo thành điểm tựa, làm cơ sở để phân tích sâu sắc ý tưởng đề ra.

Ví dụ: Đoạn văn đòn bẩy, nội dung nói về hai câu thơ tả cảnh xuân trong “Truyện
Kiều” của Nguyễn Du:

Trong “Truyện Kiều” có hai câu thơ tả cảnh mùa xuân rất đẹp:

“Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lên trắng điểm một vài bong hoa” (1).

Thơ cổ Trung Hoa cũng có hai câu thơ tả cảnh đầy ấn tượng:

“Phương thảo liên thiên bích

Lê chi sổ điểm hoa (2).

Tác giả Trung Quốc chỉ nói: “Lê chi sổ điểm hoa” (trên cành lê có mấy bông hoa
(3). Số hoa lê ít ỏi như bị chìm đi trong sắc cỏ ngút ngàn (4). Những bông lê yếu ớt
bên lề đường như không thể đối chọi với cả một không gian trời đất bao la rộng lớn
(5). Nhưng những bông hoa trong thơ Nguyễn Du là hoàn toàn khác: “Cành lê trắng
điểm một vài bông hoa” (6). Nếu như bức tranh xuân ấy lấy phông nền là màu xanh
của của cỏ thì những bông hoa lê là một nét chấm phá vô cùng sinh động và tài tình
(7). Sắc trắng của bông hoa lê – cái sắc trắng chưa từng xuất hiện trong câu thơ cổ
Trung Hoa - nổi bật trên nền xanh tạo ra thanh khiết trong sáng vô cùng (8). Tuy chỉ
Trang 15
là một vài chấm nhỏ trên bức tranh nhưng lại là điểm nhấn toả sáng và nổi bật trên
bức tranh toàn cảnh (9). Những bông hoa “trắng điểm” thể hiện sự tài tình gợi tả gợi
cảm trong lời thơ (10). Cành hoa lê như một cô thiếu nữ đang e ấp dịu dàng (11).
Câu thơ cũng thể hiện bản lĩnh hội hoạ của Nguyễn Du (12). Hai sắc màu xanh và
trắng hoà quyện với nhau trong bức tranh xuân vừa đẹp vừa dào dạt sức sống đầy
xuân sắc, xuân hương và xuân tình (13).

Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là bình giảng câu thơ với hình ảnh thơ đặc
sắc. Câu 3, 4, 5 phân tích câu thơ cổ Trung Quốc làm điểm tựa để năm câu còn lại
(câu 6, 7, 8, 9, 10) làm rõ được chủ đề đoạn.

* Nêu giả thiết

Đoạn văn nêu giả thiết là đoạn văn có kết cấu: mở đoạn nêu giả thiết, để từ đó đề
cập tới chủ đề đoạn.

Ví dụ: Đoạn văn nêu giả thiết, nội dung nói về chi tiết “cái bóng” trong “Chuyện
người con gái Nam Xương”:

Giáo sư Phan Trọng Luận không sai khi nói: “Cái bóng đã quyết định số phận con
người”, đây phải chăng là nét vô lí, li kì vẫn có trong các truyện cổ tích truyền kì
(1)? Không chỉ dừng lại ở đó, “cái bóng còn là tượng trưng cho oan trái khổ đau, cho
bất hạnh của biết bao người phụ nữ sống dưới xã hội đương thời (2). Nỗi oan của họ
rồi cũng chỉ là những cái bóng mờ ảo, không bao giờ được sáng tỏ (3). Hủ tục phong
kiến hay nói đúng hơn là cái xã hội phong kiến đen tối đã vùi dập, phá đi biết bao
tâm hồn, bao nhân cách đẹp, đẩy họ đến đường cùng không lối thoát (4). Để rồi chính
những người phụ nữ ấy trở thành “cái bóng” của chính mình, của gia đình, của xã
hội (5). Chi tiết “cái bóng” được tác giả dùng để phản ánh số phận, cuộc đời người
phụ nữ đầy bất công ngang trái nhưng cũng như bao nhà văn khác ông vẫn dành một

Trang 16
khoảng trống cho tiếng lòng của chính nhân vật được cất lên, được soi sáng bởi tâm
hồn người đọc (5). “Cái bóng” được đề cao như một hình tượng đẹp của văn học, là
viên ngọc soi sáng nhân cách con người (6). Bạn đọc căm phẫn cái xã hội phong
kiến bao nhiêu thì lại càng mở lòng yêu thương đồng cảm với Vũ Nương bấy nhiêu
(7). “Cái bóng” là sản phẩm tuyệt vời từ tài năng sáng tạo của Nguyễn Dữ góp phần
nâng câu chuyện lên một tầm cao mới: chân thực hơn và yêu thương hơn (8).

Mô hình đoạn văn: Đoạn văn có câu thứ nhất nêu giả thiết về chi tiết “cái bóng”.
Các câu tiếp theo khẳnh định giá trị của chi tiết đó.

* Đoạn móc xích

Đoạn văn có mô hình kết câu móc xích là đoạn văn mà ý các câu gối đầu lên nhau,
đan xen nhau và được thể hiện cụ thể bằng việc lặp lại một vài từ ngữ ở câu trước
trong câu sau.

Ví dụ: Đoạn văn móc xích, nội dung nói về vấn đề trồng cây xanh để bảo về môi
trường sống:

Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây gây rừng. Trồng cây
gây rừng thì phải coi trọng chăm sóc, bảo vệ để có nhiều cây xanh bóng mát. Nhiều
cây xanh bóng mát thì cảnh quan thiên nhiên đẹp, đất nước có hoa thơm trái ngọt
bốn mùa, có nhiều lâm thổ sản để xuất khẩu. Nước sẽ mạnh, dân sẽ giàu, môi trường
sống được bảo vệ.

Mô hình đoạn văn: Các ý gối nhau để thể hiện chủ đề về môi trường sống. Các từ
ngữ được lặp lại: gỗ, trồng cây gây rừng, cây xanh bóng mát.

Trang 17
Giới thiệu một số đề tham khảo

Câu 1: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra
biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi,
người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong
sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỏ
xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn
đói khát này không?

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân)

a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

c. Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.

Trả lời:

Câu a: Đoạn văn được viết theo phương thức biểu cảm là chính.

Câu b: Đoạn văn diễn tả tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật
Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về nhà

Câu c: Đoạn văn cần đảm bảo các ý:

- Dẫn ý bằng chính dòng độc thoại nội tâm xúc động của bà cụ Tứ.

- Tình mẫu tử gì? Biểu hiện của tình mẫu tử?

- Ý nghĩa của tình mẫu tử?

Trang 18
- Phê phán những đứa con bất hiếu với mẹ và nêu hậu quả.

- Bài học nhận thức và hành động?

Câu 2: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai... Việt
ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ
quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng
nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống
đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên.
Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung
phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm...chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng
súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra...Cái cằm
nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động
viên Việt tiến lên...Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái
còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm
rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi
lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ...

(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)

a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

c. Xác định phép tu từ trong văn bản. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ đó?

d. Từ văn bản, việt đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ hôm
nay.

Trang 19
Trả lời:

Câu a: Đoạn văn được viết theo phương thức tự sự là chính.

Câu b: Đoạn văn kể chuyện nhân vật Việt bị thương nặng trên chiến trường. Một lần
tỉnh lại, Việt nghe tiếng súng của ta, nhớ về đồng đội và quyết tâm tìm về đơn vị.

Câu c: Đoạn văn cần đảm bảo các ý:

- Dẫn ý bằng tình huống nhân vật Việt dù bị thương nặng trên chiến trường, ngất đi
tỉnh lại nhiều lần như vẫn cố gắng hướng về nơi có tiếng súng để sẵn sàng chiến đấu
và tìm về với đồng đội.

- Ý chí, nghị lực của tuổi trẻ là gì? Biểu hiện?

- Ý nghĩa tác dụng của ý chí, nghị lực?

- Phê phán một bộ phận thanh niên có thái độ nãn chí, lùi bước trước thử thách khó
khăn và nêu hậu quả.

- Bài học nhận thức và hành động?

Câu 3: Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng.

Trang 20
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Trích từ Mẹ của nhà thơ, NXB Phụ nữ, 2008)

a. Nêu chủ đề của bài thơ?

b. Nghĩa của từ “trông” trong dòng thơ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng là gì?

c. Trong hai dòng thơ Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt
trăng tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

d. Ở khổ thơ thứ ba, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào?

e. Suy nghĩ, cảm xúc nào của nhà thơ để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với anh (chị).
Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng.

Trả lời:

Câu a. Bài thơ được viết với chủ đề là tình mẹ cao cả dành cho những đứa con.

Trang 21
Câu b. Từ “trông” trong câu thơ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng biểu đạt sự tin
tưởng, sự ngóng đợi của người mẹ vào những mùa quả dành cho những đứa con.

Câu c. Câu thơ Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng thể
hiện thủ pháp so sánh tài tình của nhà thơ. Liên từ so sánh “như” được lặp lại thể
hiện nhịp điệu đều đặn, không ngừng của những thăng trầm vườn quả. Cứ hết mùa
quả này mẹ lại trồng mùa quả khác, như chính tình mẹ vậy. Cách liên tưởng mùa
quả “lặn” và “mọc” như việc lặn và mọc của mặt trời, mặt trăng, vừa đem đến hình
dung cái nhìn của trẻ thơ dưới quan điểm của người con, vừa đem đến cho người
đọc cách so sánh ngầm ẩn về công lao to lớn của mẹ.

Câu d. Ở khổ thơ thứ ba hình ảnh người mẹ không hiện lên rõ ràng như hai khổ
trước, khổ thơ này là những tâm sự của người con về sự trôi chảy của thời gian có
thể làm “bàn tay mẹ mỏi” nhưng “mình vẫn còn là một thứ quả non xanh”, chưa đủ
chín chắn để có thể hiểu được tấm lòng của mẹ.

Câu e. Nhà thơ viết bài thơ khi ở độ tuổi chín chắn của cuộc đời nhưng người đọc
nhận thấy tình cảm của nhà thơ là vô cùng cao cả. Thể hiện ở cái nhìn sâu sắc của
ông về hi sinh, mất mát lớn lao của người mẹ. Dù đã trưởng thành, trong lòng ông
vẫn ẩn giấu một nỗi lo về sự già yếu của mẹ, sự già yếu khi chưa nhìn thấy những
đứa con của mình chưa trưởng thành. Tình cảm của nhà thơ dành cho mẹ làm cho
chúng ta xúc động bởi nó chạm thấu lòng ta, đến tâm trí người đọc khi hình dung về
chính người mẹ của mình...

Câu 4: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Trang 22
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.

a. Đoạn thơ trên trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai? Ví trí đoạn trích?

b. Nêu chủ đề của đoạn thơ?

c. Câu thơ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?

d. Trong thơ ca 1945 – 1975, có nhiều tác phẩm viết về đề tài người lính. Hãy kể tên
một số tác phẩm viết về đề tài này mà anh (chị) đã học hoặc đã đọc. Ghi lại hai câu
thơ mà anh (chị) tâm đắc nhất.

e. Chỉ bằng 5 câu đơn, hãy ghi lại cảm xúc của anh (chị) khi đọc đoạn thơ trên.

Trả lời:

Câu a. Đoạn thơ trên trích từ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Đoạn thơ là khổ
cuối của bài thơ. Câu 2. Chủ đề của đoạn thơ: khẳng định sự gắn bó của đoàn quân
Tây Tiến đối với mảnh đất Tây Bắc. Câu 3. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong
câu Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi là hoán dụ. Hồn ở đây là chỉ người lính Tây
Tiến (hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể).

Tác dụng: nhấn mạnh vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến luôn mang trong
mình những hoài bão lí tưởng cao đẹp, tạo nên cảm hứng lẫm liệt cho toàn bộ khổ
thơ.

Câu b. Những bài thơ tiêu biểu có thể kể đến như: Mặt đường khát vọng (Nguyễn
Khoa Điềm), bài thơ Đồng chí (Chính Hữu), bài thơ Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu)...

Trang 23
Có những câu thơ đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng đọc giả:

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

(Trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm).

Câu c. Thí sinh trả lời bằng đoạn văn gồm 5 câu (đảm bảo theo mô hình cụm C – V
cho mỗi câu và có câu chủ đoạn...)

Câu 5: Đọc bài thơ sau của nhà thơ Thanh Thảo:

bông súng mọc lên từ nước

bão Haiyan mọc lên từ biển

bão Haiyan cho tôi kinh hoàng

bông súng tím cho tôi bình yên

rồi có thể người ta quên

mà nhớ

trong siêu bão một bông súng nở

bông súng ấy màu tím bão Haiyan màu gì?

(Bông súng và siêu bão, Báo Thanh niên chủ nhật, 17/11/2013)

a. Chủ đề bài thơ là gì?

b. Hai câu thơ rồi có thể người ta quên/ mà nhớ gợi lên điều gì?

Trang 24
c. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

d. Tại sao những chữ đầu của các câu thơ đều không viết hoa? Anh (chị) đã gặp hiện
tượng này trong những bài thơ nào đã học hoặc đã đọc?

e. Hai câu kết bông súng ấy màu tím/ bão Haiyan màu gì? đã gợi cho anh (chị) cảm
xúc gì đặc biệt?

Trả lời:

Câu a. Chủ đề của bài thơ là sự thảm khốc mà cơn bão Haiyan đem lại cho con người.

Câu b. Hai câu thơ rồi có thể người ta quên/ mà nhớ gợi cho người đọc liên tưởng
đến nhiều suy nghĩ khác. Cơn bão Haiyan gợi ra nhiều cơn bão khác, nhiều thảm
họa thiên tai khác (lũ lụt, hán hán,...) diễn ra ở nhiều vùng của nước ta. Nhà thơ
muốn nhớ đến những cơn bão, nhớ đến những nỗi đau thảm khốc đó mà nhắc nhở
con người ta đôi khi cũng phải biết quên đi những nỗi đau, những mất mát mà thiên
tai đem lại.

Câu c. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Số chữ của mỗi dòng trong bài không
được viết theo một quy tắc nào cố định.

Câu d. Những chữ đầu của các câu thơ đều không viết hoa vì:

- Làm cho mạch thơ như mạch kể liên tục, không đứt đoạn, ý thơ liền mạch như nhà
thơ đang kể một câu chuyện. Dòng cảm xúc vì thế được diễn tả một cách tự nhiên,
người đọc trôi theo mạch kể của nhà thơ như chính câu chuyện của mình vậy.

- Thể hiện ý thức cách tân thơ ca của nhà thơ, không đi theo những lối mòn sẵn có
của những người đi trước. Cách viết thơ ấy là phù hợp và đem lại giá trị biểu đạt
cao.

Trang 25
Những bài thơ không viết hoa chữ cái đầu dòng có thể kể đến các bài như: Ánh trăng
(Nguyễn Duy), Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo),...

Câu e. (Học sinh trình bày bằng đoạn văn)

Câu kết bông súng ấy màu tím/ bão Haiyan màu gì? đã để lại cho người đọc nhiều
suy nghĩ.

Màu tím của bông súng vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng, đó là màu
của sự bình yên, trong trẻo, thứ màu vượt lên tất cả những khó khăn, thử thắch và
mất mát. Màu tím của bông hoa súng đã nhuộm tím cả bài thơ, ba trùm lên bài thơ
cảm hứng nhân sinh sâu sắc.

Câu hỏi tu từ bão Hiyan màu gì? gây cho người đọc nhiê day dứt về những mất mát
mà bão Haiyan cùng những thiên tai khác đem đến cho Việt Nam. Đọng lại cuối
cùng la thái độ phê phán sâu sắc những thiên tai đã gây ra cho con người, là lời cảnh
tỉnh đối với những người đã phá hủy môi trường, không góp phần giữ gìn sự trong
sạch của môi trường,...

Câu 6: Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:

... “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích
chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm
độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp
nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển
vông, lệ thuộc nào đó”. (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

a. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì?

b. Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép liên kết nào?
Trang 26
c. Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt nào?

d. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định
không chịu làm nô lệ”. Anh (chị) hãy tìm ra thông điệp chung của hai văn bản

Trả lời:

Câu a. Nội dung của văn bản trên học sinh trình bày thành đoạn văn, các ý cơ bản
sau:

- Đoạn văn là lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc khẳng định chủ
quyền biển đảo của Việt Nam.

- Thể hiện lòng yêu nước của Thủ tướng đối với sự bành trướng của đất nước Trung
Quốc trong ý muốn xâm lấn chủ quyền biển đảo.

- Đoạn văn còn là lời thách thức sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động xâm phạm trái
phép nào của Trung Quốc.

Câu b. Đoạn văn sử dụng nhiều phương pháp liên kết. Trước hết là phép liên kết lặp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lặp lại từ “chủ quyền” bốn lần trong hai câu nhằm mục
đích liên kết nội dung và mong muốn nhấn mạnh nội dung tư tưởng, thể hiện giọng
điệu khẳng định. Bên cạnh đó là việc lặp lại các từ như “thiêng liêng”, “biển” cũng
nhằm thống nhất chủ đề được nói đến trong đoạn văn.

Thứ hai là phép thế “chủ quyền biển đảo” bằng “điều thiêng liêng này” nhằm thể
hiện ý thức tự lực, tự cường, sẵn sàng đứng lên đánh đổ kẻ thù.

Câu c. Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt chính là phương thức chứng
minh/ chứng minh.

Trang 27
Câu d. Thông điệp chung của hai văn bản là: được viết trong hoàn cảnh đất nước
yên bóng xâm lược, thể hiện đặc điểm củ đất nước ta, luôn bị các nước ngoại bang
có ý đồ xâm lấn. Tiếp nối và phát huy những truyền thống cao đẹp của dân tộc. Đồng
thời khơi dậy lòng yêu nước, thôi thúc họ sẵn sàn đứng lên khi đất nước bị lâm nguy.

Câu 7: Đoạn đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

“... Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố!...”

a. Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?

b. Anh (chị) hãy nêu chủ đề - ý nghĩa của đoạn thơ?

Trang 28
c. Trong đoạn thơ trên hình ảnh “thuyền” và “biển” được sử dụng là nghệ thuật gì?
Ý nghĩa của nghệ thuật đó?

d. Hãy đặt tên nhan đề cho đoạn thơ.

e. Hình ảnh “biển bạc đầu” trong câu Biển bạc đầu thương nhớ có ý nghĩa gì?

f. Biện pháp tu từ cú pháp nào được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên? Tác dụng
của biện pháp đó?

Trả lời:

Câu a. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ 5 chữ.

Câu b. Đoạn thơ với hình tượng thuyền và biển gợi lên một tình yêu tràn trề, mênh
mông với nỗi nhớ da diết nhưng cũng đầy lo âu, khắc khoải của cái tôi thi sĩ đầy cảm
xúc.

Câu c. Bằng nghệ thuật ẩn dụ mượn hình tượng “thuyền” và “biển” thể hiện tình
cảm của đôi lứa yêu nhau - thuyền (người con trai), biển (người con gái) => Nổi bật
một tình yêu ngọt ngào, da diết, mãnh liệt nhưng sâu sắc và đầy nữ tính.

Câu d. Có thể đặt nhan đề: thuyền và biển/ nỗi nhớ,...

Câu e. Cách nói hình tượng, tác giả đã diễn tả nỗi nhớ thiết tha, nỗi nhớ được dựng
lên bởi một thời gian bất thường và cụ thể hóa được nỗi nhớ thương: biển bạc đầu
vì thương nhớ, biển thương nhớ cho đến nỗi bạc cả đầu, biển đã bạc đầu mà vẫn còn
thương còn nhớ như thuở đôi mươi.

Câu f. Biện pháp tu từ lặp cú pháp (chỉ có thuyền...chỉ có biển.../ Những ngày không
gặp nhau...)

Trang 29
Tạo nhịp thơ vừa da diết vừa dồn dập; khẳng định sụ thủy chung của nỗi nhớ, của
tình yêu qua thời gian.

Lưu ý: đây là dạng đề được ra theo hướng “mở”, phần hướng dẫn chi tiết trên chỉ
mang tính tham khảo, không phải là đáp án duy nhất cho các đề bài trên.

Phần tự luyện

Câu 8: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

Trong lúc chị Chiến xuống bếp nấu cơm, Việt đi câu con cá về làm bữa cúng má
trước khi dời bàn thờ sang nhà chú, còn một mình ở nhà trên, chú Năm lại cất tiếng
hò. Không phải giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dời lại trên
cái ghe heo chèo mướn của chú. Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như
một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ,
tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội.

(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)

a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

c. Xác định ít nhất hai biện pháp tu từ trong văn bản. Nêu hiệu quả nghệ thuật của
các phép tu từ đó?

Câu 9: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình.
Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó
bố con thống lý sẽ đổ là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị
chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ... Trong nhà
Trang 30
tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mị tưởng như A Phủ
biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè
từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói
ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi đi..." rồi
Mị nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến
nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

c. Từ văn bản, viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình yêu thương con người của
tuổi trẻ hôm nay.

Câu 10: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt
lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc
Mị xoã xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng
đầu được nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử
tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại”.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?

Trang 31
b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?

c. Trong đoạn văn trên, Tô Hoài sử dụng nhiều câu ngắn kết hợp với các câu dài có
nhiều vế ngắn, nhịp điệu nhanh. Tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì?

d. Đoạn văn bản trên khiến anh/chị liên tưởng đến hiện tượng nào trong cuộc sống?
Nêu ngắn gọn những hiểu biết của anh/chị về hiện tượng và đưa ra một giải pháp mà
anh/chị cho là hợp lý nhất đẻ giải quyết hiện tượng này?

Câu 11: Văn bản:

Hỡi đồng bào cả nước

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền
không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền
tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra,
câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc
nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng
nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do
và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Nêu cách trích dẫn và và ý chính của văn bản.

Trang 32
b. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng cụm từ “Suy rộng ra” có
ý nghĩa gì?

c. Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của mình trong việc kiên quyết
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong giai đoạn
hiện nay.

Câu 11: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

(Trích Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

a. Nêu nội dung của đoạn thơ?

b. Đoạn thơ đã sử dụng những biện pháp tu từ cú pháp nào?

c. Viết một đoạn văn ngắn bình về tác dụng của các biện pháp tu từ cú pháp trong
đoạn thơ trên?

Câu 12:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Trang 33
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

(Trích Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Đọc lời đề từ trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Nêu ý chính của lời đề từ?

b. Xác định các biện pháp tu từ trong lời đề từ và nêu tác dụng của nó trong việc thể
hiện nội dung?

c. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu và Tây Bắc?

Trang 34

You might also like