You are on page 1of 92

CHƯƠNG 1:

TỔNG QUAN VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ


1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH QUAN HỆ THANH TOÁN QUỐC TẾ
Từ xa xưa, khi các quốc gia có chủ quyền được hình thành theo tiến trình lịch sử nhân
loại, bao giờ cũng có những mối quan hệ nhất định với phần còn lại của thế giới. Đề tồn tại và
phát triển mỗi quốc gia luôn có các quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ với các quốc gia khác. Sự
ra đời và phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế đã thúc đẩy quá trình phát triển các quan hệ chính
trị, văn hóa và xã hội giữa các quốc gia. Chính sự phát triển các mối quan hệ đó tác động ngược
lại làm cho quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển. Các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa
xã hội giữa từng quốc gia với phần còn lại của thế giới đã làm nảy sinh các quan hệ thanh toán
quốc tế (chi trả hoặc thu nhận từ các chủ thể ngoài nước)
Ngày nay với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa về kinh tế, các quan hệ kinh tế, chính trị,
văn hóa xã hội giữa các quốc gia phát triển với qui mô chưa từng có và ngày càng đa dạng nên
hoạt động thanh toán quốc tế cũng trở nên ngày càng phức tạp hơn, qui mô hơn. Tuy nhiên, hoạt
động thanh toán quốc tế hàm chứa nhiều rủi ro do tính chất không nhất quán về luật pháp, thói
quen và tâm lý giữa các vùng, miền và các quốc gia.
Các quan hệ kinh tế quốc tế ngày nay rất đa dạng diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: mua
bán hàng hóa (ngoại thương), mua bán dịch vụ (du lịch, vận tải, tài chính, thông tin liên lạc…)
quốc tế, tín dụng và đầu tư quốc tế. Ngoài ra còn có các nhu cầu công tác, học tập, thăm viếng,
chữa bệnh ở nước ngoài. Hoạt động thanh toán quốc tế phải thực sự phát triển để phục vụ các
nhu cầu nói trên.
2. KHÁI NIỆM THANH TOÁN QUỐC TẾ:
 Thanh toán quốc tế là việc thanh toán các nghĩa vụ tiền tệ phát sinh có liên quan tới các
quan hệ kinh tế, thương mại và các mối quan hệ khác giữa các tổ chức, các công ty và các
chủ thể khác nhau giữa các nước (Đinh Xuân Trình, 1996).
 Thanh toán quốc tế là quá trình thực hiện các khoản thu chi tiền tệ quốc tế thông qua hệ
thống ngân hàng thế giới nhằm phục vụ cho các mối quan hệ trao đổi quốc tế phát sinh
giữa các nước với nhau (Trầm Thị Xuân Hương, 2006).
 Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ tiền tệ, phát sinh trên cơ sở các hoạt
động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức hay cá nhân nước này với các tổ chức hay
cá nhân nước khác, hoặc giữa một quốc gia với một tổ chức quốc tế, thường được
thông qua quan hệ giữa các Ngân hàng của các nước có liên quan.
3. ĐẶC ĐIỂM CỦA THANH TOÁN QUỐC TẾ
 Chủ thể tham gia các quan hệ thanh toán quốc tế khá đa dạng. Đó có thể là doanh nghiệp,
ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại hay cá nhân….
 Đồng tiền sử dụng trong quan hệ thanh toán quốc tế là bản tệ hoặc ngoại tệ. Đồng tiền đó
có thể là đồng tiền quốc tế (được hình thành trên cơ sở các hiệp định song phương hoặc đa
phương) hoặc đồng tiền quốc gia. Đồng tiền được sử dụng trong thanh toán quốc tế thường là
đồng tiền mạnh và có khả năng chuyển đổi cao.
 Hoạt động thanh toán quốc tế hầu như không thực hiện bằng tiền mặt mà luôn thông qua
chuyển khoản giữa các ngân hàng của những quốc gia có liên quan. Muốn vậy, các ngân hàng
phải thiết lập quan hệ đại lý lẫn nhau. Các ngân hàng đại lý thường cung cấp cho nhau nhiều dịch
vụ: thu chi hộ, chia sẻ khách hàng và thị phần, cung cấp thông tin khách hàng, tư vấn, trợ
giúp…Trong đó, thu chi hộ bao giờ cũng là mục đích đầu tiên khi các ngân hàng thiết lập quan
hệ đại lý. Ngân hàng có quan hệ đại lý với ngân hàng nước ngoài thường có 2 loại tài khoản
(TK) chủ yếu: TK nostro và TK vostro (hay loro). TK nostro là TK tiền gửi của ngân hàng ở
ngân hàng nước ngoài, còn TK Vostro là TK tiền gửi của ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng
mình. Khi ngân hàng thu chi hộ phục vụ cho các quan hệ phục vụ thanh toán quốc tế, các bút
toán sẽ được thực hiện trên các tài khoản này.
 Hoạt động thanh toán quốc tế diễn ra theo những điều kiện nhất định. Đó là: Điều kiện
thanh toán, phương thức thanh toán, phương tiện thanh toán, đồng tiền thanh toán, thời gian và
địa điểm thanh toán theo thỏa thuận của các bên liên quan. Những thỏa thuận này bị chế định bởi
luật quốc tế, luật quốc gia, các thông lệ và tập quán quốc tế liên quan rất phức tạp.
 Hoạt động thanh toán quốc tế luôn chứa đựng nhiều rủi ro và tiềm ẩn do các đặc điểm
sau:
 Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan là khá ít và rất khó thẩm định.
 Phạm vi không gian rất rộng. Hàng hóa khi chuyển từ người bán sang người mua phải
qua trung gian người vận chuyển. Tiền thanh toán phải qua trung gian các ngân hàng liên
quan. Thời gian thanh toán thường khá dài.
 Môi trường pháp lý quốc tế không đồng nhất, không đầy đủ cho trình độ phát triển và luật
điều chỉnh, tập quán giao dịch và thanh toán các quốc gia rất khác nhau.
 Lợi ích và mong muốn các bên tham gia là không đồng nhất.
 Xu hướng phát triển của kỹ thuật thanh toán quốc tế điện tử. Sự phát triển mạnh mẽ của
công nghệ điện tử và công nghệ ngân hàng điện tử vào nửa cuối thế kỷ XX đã tạo điều kiện cho
sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng kỹ thuật thanh toán quốc tế điện tử. Sự xuất hiện của các
hệ thống chuyển tiền điện tử quốc tế, hiệp hội liên ngân hàng tài chính toàn cầu…là minh chứng
rõ ràng cho điều này. Kỹ thuật thanh toán quốc tế điện tử có những ưu điểm nổi bật: Rất nhanh
chóng, tính bảo mật cao, chi phí rẻ song đòi hỏi trình độ công nghệ điện tử tương đồng giữa các
quốc gia và sự nghiêm ngặt trong quy trình thực hiện.
4. CÁC CHỦ THỂ THAM GIA QUAN HỆ THANH TOÁN QUỐC TẾ
4.1. Ngân hàng trung ương:
Ngân hàng trung ương tham gia vào thanh toán quốc tế với cương vị là người thay mặt
Chính phủ ký kết và thực hiện các hiệp định về tiền tệ và tín dụng quốc tế. Ngoài ra, Ngân hàng
Trung ương của các quốc gia còn là Ngân hàng trung gian thanh toán giữa các Ngân hàng trong
nước với nước ngoài. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương thường có tài khoản tiền gửi tại các Ngân
hàng Trung ương của các quốc gia khác và tại các tổ chức tài chính quốc tế mà quốc gia của
mình là thành viên. Các dòng tiền thu vào và chi ra của chính phủ với nước ngoài là rất lớn được
thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương qua các tài khoản này.
4.2. Ngân hàng thương mại:
Ngân hàng thương mại là chủ thể chủ yếu của các trung gian tài chính tham gia thanh
toán quốc tế. Ngân hàng thương mại có mạng lưới bao trùm rộng khắp trên toàn quốc, nắm trong
tay hầu hết toàn bộ của cải xã hội dưới hình thức bằng tiền, nó có mạng lưới ở hầu hết các quốc
gia đối tác trên phạm vi toàn cầu và là thành viên của thị trường liên ngân hàng toàn cầu. Trong
hoạt động thanh toán quốc tế, chức năng trung gian thanh toán của Ngân hàng không chỉ biểu
hiện ở phạm vi trong nước mà còn ở ngoài nước. Các Ngân hàng thương mại là người thu hộ, chi
hộ, thực hiện các trách nhiệm liên quan cho các tác nhân trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, với
vị thế và quan hệ của mình với nước ngoài, Ngân hàng thương mại còn cung cấp thông tin, tư
vấn, tài trợ tín dụng, bảo lãnh cho khách hàng của mình, giúp cho quan hệ thanh toán quốc tế
được thực hiện thông suốt, đồng thời góp phần tạo nên sự an toàn và đảm bảo quyền lợi chính
đáng cho khách hàng trong nước.
Hơn nữa, các Ngân hàng Thương mại tham gia thanh toán quốc tế không chỉ để phục vụ
cho khách hàng của mình mà còn vì nhu cầu của chính ngân hàng, chẳng hạn, Ngân hàng chuyển
vốn để kinh doanh ngoại tệ ở nước ngoài, cho vay đối với nước ngoài và đầu tư ở nước ngoài.
4.3. Các chủ thể khác:
Các chủ thể khác bao gồm các pháp nhân, thể nhân hoạt động trong các lĩnh vực phi ngân hàng
như kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập khẩu lao động và chuyên gia, du lịch, vận
tải, giao nhận, bảo hiểm, đầu tư và các hoạt động ngoại giao, quân sự, giao lưu văn hóa, nghệ
thuật, khoa học, kỹ thuật và xã hội. Các chủ thể này tham gia hoạt động thanh toán quốc tế với tư
cách là người ủy thác cho ngân hàng thu hộ những khoản phải thu và ra lệnh cho ngân hàng chi
các khoản phải chi cho nước ngoài.
*Chính phủ của các quốc gia cũng là loại chủ thể chủ yếu tham gia thanh toán quốc tế thông qua
ngân hàng trung ương là người đại diện.
5. CÁC ĐIỀU KIỆN THANH TOÁN QUỐC TẾ
Trong quan hệ thanh toán quốc tế, các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ mà các bên
phải đề ra để giải quyết và thực hiện được quy định thành những điều kiện gọi là điều kiện thanh
toán quốc tế. Các điều kiện đó bao gồm:
 Điều kiện về tiền tệ
 Điều kiện về địa điểm thanh toán
 Điều kiện về thời gian thanh toán
 Điều kiện về phương tiện thanh toán
 Điều kiện về phương thức thanh toán
5.1. Điều kiện về tiền tệ
5.1.1. Khái niệm
Điều kiện tiền tệ là việc sử dụng đồng tiền nào để tính toán và thanh toán trong hợp đồng
và hiệp định kí kết giữa các nước, đồng thời quy định cách xử lý khi giá trị đồng tiền đó biến
động.
5.1.2. Phân loại tiền tệ trong thanh toán quốc tế
a. Căn cứ vào phạm vi sử dụng tiền tệ:
Tiền tệ thế giới (World Currency): Là tiền tệ được các quốc gia mặc nhiên thừa nhận
làm phương tiện thanh toán quốc tế, phương tiện dự trữ quốc tế mà không cần phải có sự thừa
nhận trong các hiệp định kí kết giữa các chính phủ nhiều bên hay hai bên. Đồng tiền đó chỉ có
thể là vàng. Tuy nhiên, ngày nay vàng đang từng bước tách rời khỏi chức năng là tiền tệ thế giới,
nó đã và đang trở thành một hàng hóa thông thường quý và hiếm như các hàng hóa khác. Vàng
không những là đối tượng dự trữ ngoại hối quốc gia, mà còn là mặt hàng bị đầu cơ nghiêm trọng.
Tiền tệ quốc tế (International currency): Là tiền tệ chung của một khối kinh tế quốc tế.
Tiền tệ quốc tế còn được gọi là tiền hiệp định, bởi vì nó ra đời từ một hiệp định tiền tệ ký kết
giữa các nước thành viên. Ví dụ: Hiệp định tiền tệ Bretton Woods (1944-1971) của IMF thừa
nhận USD; Hiệp định Jamaica 1976 cho ra đời quyền rút vốn đặc biệt- Special Drawing Right –
SDR; EURO – Đồng tiền chung Châu Âu
Tiền tệ quốc gia (National currency): Là tiền tệ của từng nước như USD, GBP, VND…
b. Căn cứ vào khả năng chuyển đổi của tiền tệ:
Tiền tệ tự do chuyển đổi (Free convertible currency): Là những tiền tệ mà luật tiền tệ
của nước hoặc khối kinh tế có tiền tệ đó cho phép bất cứ ai có thu nhập tiền tệ này đều có quyền
yêu cầu hệ thống ngân hàng nước đó chuyển đổi tiền tệ này ra các tiền tệ nước khác một cách tự
do mà không cần phải có giấy phép. Có hai loại tiền tệ tự do chuyển đổi: Tự do chuyển đổi toàn
bộ và tự do chuyển đổi từng phần. Đồng tiền chuyển đổi tự do từng phần là đồng tiền mà việc
chuyển đổi của nó phụ thuộc vào một trong 3 điều kiện: Chủ thể chuyển đổi, mức độ chuyển đổi
hoặc nguồn thu nhập tiền tệ từ đâu ra.
Tiền tệ chuyển khoản (Transferable currency): Là tiền tệ mà luật tiền tệ của một nước
hoặc của một khối kinh tế qui định những khoản thu nhập bằng tiền tệ này sẽ được ghi vào tài
khoản mở tại các ngân hàng chỉ định và sẽ được quyền chuyển khoản sang tài khoản chỉ định của
một bên khác ở cùng một ngân hàng hoặc một ngân hàng ở nước khác khi có yêu cầu mà không
cần giấy phép. Tiền tệ chuyển khoản không thể được tự do chuyển đổi sang các ngoại tệ khác, nó
chỉ được quyền chuyển nhượng quyền sở hữu tiền tệ từ người này sang người khác trên hệ thống
tài khoản mở tại một ngân hàng hoặc một hay một số ngân hàng khác ở nước khác.
Tiền tệ thanh toán bù trừ (Clearing currency): Là tiền tệ quy định trong hiệp định thanh
toán bù trừ hai bên kí kết giữa hai chính phủ hai nước với nhau. Tiền tệ thanh toán bù trừ không
được chuyển đổi sang các tiền tệ khác, không được chuyển sang các tài khoản khác, chỉ được ghi
có và ghi nợ trên tài khoản thanh toán bù trừ do hiệp định qui định, cuối năm sẽ tiến hành bù trừ
bên có và bên nợ của tài khoản, bên nào dư nợ sẽ phải trả bằng ngoại tệ tự do hoặc chuyển sang
tài khoản vay nợ năm sau hoặc là trả nợ bằng hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của nước chủ nợ.
c. Căn cứ vào hình thức tồn tại (hình thái) của tiền tệ:
Tiền mặt (Cash): Là tiền giấy của từng quốc gia riêng biệt. Tỷ trọng tiền mặt trong thanh
toán quốc tế thường rất nhỏ, chưa đến 1% tổng lượng thanh toán toàn cầu.
Tiền tín dụng (Credit currency): là tiền tài khoản, tiền ghi sổ. Hình thức tồn tại của tiền
tín dụng là các phương tiện thanh toán quốc tế như hối phiếu, séc, v.v.. Tiền tín dụng chiếm tỷ
trọng rất lớn trong thanh toán quốc tế.
d. Căn cứ vào năng lực trao đổi hàng hóa, dịch vụ:
Ngoại tệ mạnh (strong currency): Là tiền tệ có năng lực trao đổi cao, có thể đổi lấy bất
cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào, ở bất cứ thị trường nào trên thế giới. Ví dụ đồng tiền của các nước
phát triển như đồng USD của Mỹ, đồng GBP của Anh, đồng EUR của khối Cộng đồng chung
Châu Âu v.v.
Ngoại tệ yếu (Weak currency): Là đồng tiền quốc gia mà nó không có giá trị gì khi mang
ra khỏi nước đó vì hầu như không có nước nào chấp nhận sử dụng đồng tiền này trong thanh toán
quốc tế. Ví dụ như đồng tiền của các nước đang và chậm phát triền (VND)
e. Căn cứ vào mục đích sử dụng tiền tệ:
Tiền tính toán (Account currency): Là tiền tệ được dùng để thể hiện giá cả và tính tổng
giá trị hợp đồng.
Tiền thanh toán (Payment currency): Là tiền tệ được dùng để thanh toán trong các hợp
đồng thương mại hoặc vay nợ giữa các nước. Việc sử dụng tiền tệ nào là tiền thanh toán trong
các hợp đồng thương mại quốc tế, đầu tư và cho vay nói chung phụ thuộc vào các yếu tố như sự
so sánh lực lượng của hai bên mua và bán, vị trí của đồng tiền đó trên thị trường quốc tế, tập
quán sử dụng đồng tiền thanh toán trên thế giới, đồng tiền thanh toán thống nhất trong các khu
vực kinh tế trên thế giới.
5.1.3. Điều kiện đảm bảo hối đoái
Trong quan hệ mua bán quốc tế, luôn có sự tách rời giữa các thời điểm tính toán, ký kết
hợp đồng (hay ngày hợp đồng có hiệu lực) với thời điểm thanh toán. Nếu trong khoảng thời gian
đó tỷ giá hối đoái có sự biến động thì có thể dẫn đến rủi ro về ngoại hối gây thiệt hại cho các bên
trong quá trình thực hiện hợp đồng. Có thể có 2 trường hợp:
 Giá trị nguồn thu bị tổn thất do đồng ngoại tệ thanh toán bị sụt giá
 Các khoản chi về ngoại tệ cũng có khả năng bị tổn thất khi ngoại tệ tăng giá.
Để tránh những tổn thất đó, trong các hợp đồng mua bán ngoại thương, thông thường
người ta quy định các điều kiện bảo đảm nhằm đảm bảo giá trị thực tế của các khoản thu nhập
hay chi trả bằng tiền khi tiền tệ lên xuống thất thường. Những điều kiện bảo đảm đó được gọi là
điều kiện đảm bảo hối đoái.
Thực chất của những điều kiện đảm bảo hối đoái là cách thức người ta điều chỉnh số tiền
thanh toán theo sự biến động của giá vàng hay tỉ giá hay chỉ số giá…(tùy theo điều kiện đảm bảo
được lựa chọn) để sao cho giá trị thực tế của khoản thu hay khoản chi giữa hai thời điểm là
không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể.
Những điều kiện đảm bảo hối đoái thường dùng trong thanh toán quốc tế bao gồm:
a. Điều kiện đảm bảo vàng:
a.1. Đảm bảo bằng vàng thực sự:
Đây là hình thức đơn giản nhất: Giá cả hàng hóa và tổng giá trị hợp đồng được trực tiếp
quy định bằng một số lượng vàng nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế mậu dịch quốc tế hiện nay,
người ta không sử dụng hình thức này do vàng không còn được dùng để hạch toán giá cả và để
chi trả.
a.2. Đảm bảo bằng giá trị vàng của đồng tiền, có 2 cách:
+ Giá cả của hàng hóa và tổng giá trị hợp đồng đều dùng một đồng tiền để tính toán và
thanh toán, đồng thời xác định hàm lượng vàng của đồng tiền đó. Khi thanh toán nếu hàm lượng
vàng của đồng tiền thay đổi thì giá cả và tổng giá trị hợp đồng mua bán cũng được điều chỉnh
một cách tương ứng.
Ví dụ: Ngày 01/04: Ký hợp đồng mua bán 1000 tấn bột. Giá 1 tấn bột 10 USD. Tổng giá
trị hợp đồng là: 10 000 USD; Hàm lượng vàng của USD lúc đó giả sử là 0,1 gr Au/USD. Đến
ngày 01/07: Chính phủ Mỹ quy định lại hàm lượng vàng là 0.08 gr Au/USD. Ngày 01/09: Thời
điểm thanh toán: 1 USD cũ = 0.1/ 0.08 = 1.25 USD. Khi đó tổng giá trị hợp đồng sẽ được điều
chỉnh lại và số tiền thanh toán là: 10 000 x 1.25 = 12 500 USD.
Cách đảm bảo này chỉ có thể áp dụng đối với những đồng tiền có công bố hàm lượng
vàng và chỉ có tác dụng trong trường hợp Chính phủ chính thức công bố thay đổi hàm lượng
vàng của đồng tiền. Tuy nhiên cách đảm bảo này có những hạn chế:
 Việc quy định hàm lượng vàng đồng tiền của Chính phủ thường không tương xứng với
việc tăng hay giảm giá của đồng tiền mà nó phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của quốc gia.
 Bản thân việc tăng hay giảm giá của đồng tiền là thường xuyên nhưng Chính phủ không
thể liên tục quy định hàm lượng vàng được.
Để khắc phục điều này, người ta sử dụng cách đảm bảo sau:
+ Giá cả hàng hóa và tổng trị giá hợp đồng mua bán đều dùng một đồng tiền để tính toán
và thanh toán, đồng thời xác định giá vàng lúc đó trên một thị trường tham chiếu làm cơ sở đảm
bảo. Khi trả tiền, nếu giá vàng trên thị trường đó thay đổi thì giá cả hàng hóa và tổng trị giá hợp
đồng mua bán cũng sẽ được điều chỉnh một cách tương ứng.
Ví dụ: Ngày 01/04: Ký hợp đồng mua bán 1000 tấn bột, Giá 1 tấn bột: 10 USD. Tổng trị
giá hợp đồng là 10 000 USD; Giá vàng trên thị trường London là 1 ounce = 300 USD. Ngày
01/09: Thời điểm thanh toán: Trên thị trường London 1 ounce = 330 USD. Khi đó tổng trị giá
hợp đồng sẽ được điều chỉnh và số tiền thanh toán là: 10 000 x (330:300) = 11 000 USD.
Cách đảm bảo này chỉ áp dụng khi đồng tiền của hợp đồng cũng là đồng tiền thể hiện giá
vàng. Cách đảm bảo này tương đối phù hợp vì nó phản ánh nhạy bén sự lên xuống của giá trị
đồng tiền. Tuy nhiên, trong thực tế thị trường vàng là thị trường bị đầu cơ nhiều nhất, giá vàng
thường xuyên biến động mạnh nên cách đảm bảo này cũng không được chính xác.
b. Điều kiện đảm bảo ngoại hối:
Chọn một đồng tiền có sức mua tương đối ổn định. Căn cứ vào sự biến động của tỷ giá
giữa đồng tiền thanh toán với đồng tiền được chọn giữa hai thời điểm để điều chỉnh số tiền thanh
toán. Điều kiện đảm bảo ngoại hối có hai cách quy định:
+ Trong hợp đồng quy định đồng tiền tính toán và đồng tiền thanh toán là một loại đồng
tiền, đồng thời xác định tỷ giá giữa đồng tiền đó với một đồng tiền khác (thường là đồng tiền có
sức mua tương đối ổn định). Khi trả tiền, nếu tỷ giá đó thay đổi thì giá cả hàng hóa và tổng trị giá
hợp đồng sẽ được điều chỉnh tương ứng.
Ví dụ: Giả sử tổng trị giá hợp đồng 10 000 USD. Hợp đồng lấy USD làm đồng tiền tính
toán vừa là đồng tiền thanh toán, chọn CAD làm tiền tệ đảm bảo đồng tiền của hợp đồng. Vào
thời điểm ký kết hợp đồng: USD/CAD = 1,4550. Vào thời điểm thanh toán: USD/CAD =1,4000
USD. Khi đó số tiền thanh toán sẽ là: 10 000 x (1,4550: 1,4000) = 10 393 USD
+ Trong hợp đồng quy định đồng tiền tính toán là một đồng tiền (thường là đồng tiền có
sức mua tương đối ổn định) và thanh toán bằng đồng tiền khác (tùy theo thỏa thuận). Khi trả tiền
căn cứ vào tỷ giá giữa đồng tiền tính toán và đồng tiền thanh toán để tính ra số tiền phải trả. Đây
là cách thường dùng trong thanh toán quốc tế hiện nay.
Ví dụ: Tổng trị giá hợp đồng là 1000 USD. Hợp đồng lấy USD làm đồng tiền tính toán,
lấy JPY làm đồng tiền thanh toán. Thời điểm thanh toán: USD/JPY = 99.80. Khi đó số tiền thanh
toán: 1000 x 99.80 = 99800 JPY.
Trong hai cách đảm bảo này, cần chú ý tỷ giá chọn là tỷ giá nào. Thường người ta lấy tỷ
giá bình quân hay tỷ giá đóng cửa trên 1 thị trường chuẩn vào ngày hôm trước. Tính chính xác
của cách đảm bảo này phụ thuộc vào đồng tiền được chọn. Trong trường hợp cả 2 đồng tiền cùng
mất giá một mức độ như nhau thì điều kiện đảm bảo ngoại hối này mất tác dụng.
c. Điều kiện đảm bảo theo “rổ” tiền tệ:
Trong điều kiện hiện nay, khi hệ thống tỉ giá hối đoái cố định dưới mọi hình thức đã bị
tan vỡ, tỉ giá hối đoái luôn bị biến động, sức mua của các đồng tiền luôn bất ổn. Người ta phải
dựa vào đồng tiền của nhiều nước để đảm bảo giá trị thực tế của các khoản thu nhập bằng ngoại
tệ trong hợp đồng. Cách đảm bảo đó gọi là đảm bảo hối đoái theo “rổ” tiền tệ.
Khi áp dụng điều kiện đảm bảo này, một vấn đề đặt ra là các bên phải thống nhất:
 Chọn đồng tiền nào để đưa vào “rổ”?
 Tỷ giá được xác định như thế nào? (Thời gian và thị trường)
 Phương thức tổng hợp.
Thông thường người ta chọn:
 Các đồng tiền mạnh
 Lấy tỉ giá trên thị trường tiền tệ quốc tế chủ yếu
Đảm bảo hoái đối theo “rổ” tiền tệ có 2 cách:
Cách 1:
Tổng trị giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh căn cứ vào mức bình quân tỷ lệ biến động của
tỷ giá hối đoái cả “rổ” tiền tệ:
Ví dụ: Đồng tiền thanh toán trong hợp đồng là USD.
Chọn “rổ” tiền tệ gồm: JPY, AUD, HKD
Thống nhất lấy tỷ giá USD/JPY; USD/AUD; USD/HKD trên thị trường ngoại hối
London.
Tổng trị giá hợp đồng: 1000 USD
Tỷ giá USD/X
Tỷ lệ biến động của
Tên ngoại tệ Thời điểm ký hợp Thời điểm thanh
tỷ giá USD (%)
đồng toán
JPY 100 80 -20
AUD 1.80 1.89 +5
HKD 6.0 6.12 +2
Cả “rổ” 107.8 88.01 -13
Mức bình quân tỷ lệ biến động của tỷ giá hối đoái của “rổ” tiền tệ:
-13% : 3 = - 4.333%.
Nếu xem tổ hợp 3 đồng tiền này không thay đổi sức mua giữa hai thời điểm thì bản thân
USD đã bị sụt giá 4.333%. Như vậy tổng trị giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh và số tiền thanh
toán sẽ là: 1000 x (1+ 4.333%) = 1043.33 USD.
Cách 2:
Tổng trị giá hợp đồng được điểu chỉnh căn cứ vào tỷ lệ biến động bình quân tỷ giá hối
đoái của cả “rổ” tiền tệ vào lúc thanh toán so với lúc ký kết hợp đồng.
Cũng ví dụ trên:
Tỷ lệ biến động của bình quân tỷ giá hối đoái của cả “rổ” tiền tệ vào lúc thanh toán so với
lúc ký kết hợp đồng là:
88.01 − 107.80
( ) 𝑥 100 = −18.358%
107.80
Như vậy tổng trị giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh và số tiền thanh toán sẽ là:
1000 x 118.358% = 1183.58 USD
d. Điều kiện đảm bảo theo tiền tệ quốc tế:
Tổng trị giá hợp đồng được tính toán và thanh toán bằng ngoại tệ nào đó, đồng thời chọn
một đồng tiền quốc tế nào đó (chẳng hạn SDR) làm tiền tệ đảm bảo đồng tiền của hợp đồng.
Số tiền thanh toán của hợp đồng sẽ được điều chỉnh căn cứ vào mức chênh lệch giữa tỷ giá của
SDR và đồng tiền thanh toán vào ngày thanh toán so với ngày ký hợp đồng.
e. Điều kiện đảm bảo theo chỉ số giá cả hàng hóa:
Số tiền thanh toán được điều chỉnh căn cứ vào sự biến động của chỉ số giá cả hàng hóa.
g. Điều kiện đảm bảo thanh toán theo giá cả:
Số tiền phải trả căn cứ vào tình hình biến động của giá cả hàng hóa đó giữa 2 thời điểm
giao dịch và thanh toán trên thị trường. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những hàng hóa có
thị trường quốc tế chuyên biệt.
5.2. Điều kiện địa điểm thanh toán
Điều kiện này quy định việc thanh toán được tiến hành ở đâu. Trong thanh toán quốc tế,
thường bên nào cũng muốn trả tiền tại nước mình vì các lý do:
 Đối với người bán: Có thể thu tiền nhanh hơn, thuận lợi, ít chi phí
 Đối với người mua: Có thể trả tiền chậm hơn, ít rủi ro hơn, chi phí ít hơn
Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng cùng với sự hỗ
trợ của công nghệ thông tin thì những yêu cầu trên đều có thể thỏa thuận được.
5.3. Điều kiện về thời gian thanh toán
Điều kiện về thời gian thanh toán có liên quan chặt chẽ tới việc luân chuyển vốn, ảnh
hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, ngoài ra còn có thể tránh được những rủi ro tổn thất do sự biến
động của tỷ giá hối đoái. Người bán thì muốn thu tiền về nhanh, còn người mua thì muốn trả
chậm. Trong khi đàm phán ký kết hợp đồng, việc quy định thời hạn trả tiền còn phụ thuộc vào
những yếu tố:
 Tình hình thị trường
 Đối tượng hàng hóa
 Mối quan hệ giữa bên mua, bên bán
Thông thường có 4 cách quy định:
a. Trả tiền trước:
Trả tiền trước là việc trả tiền toàn bộ hay từng phần trị giá hợp đồng xảy ra hoặc là sau
khi ký hợp đồng hoặc sau khi hợp đồng được phê duyệt hoặc là sau khi bên xuất khẩu chấp nhận
đơn đặt hàng của bên nhập khẩu, nhưng trước khi giao hàng một số ngày nhất định.
b. Trả tiền ngay:
 Nhà nhập khẩu trả tiền ngay sau khi nhà xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng
KHÔNG trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng chỉ định. Ví dụ giao hàng theo điều kiện
EXW, FAS, FCA…( incoterms).
 Nhà nhập khẩu trả tiền ngay sau khi nhà xuất khẩu hoàn thành nghĩa vụ giao hàng trên
phương tiện vận tải tại nơi giao hàng chỉ định. Ví dụ giao hàng theo điều kiện FOB, CFR,
CIF…(incoterms)
 Nhà nhập khẩu trả tiền ngay sau khi nhận được các chứng từ gửi hàng từ nhà xuất khẩu
 Nhà nhập khẩu trả tiền ngay sau khi nhận chứng trong vòng 5 đến 7 ngày.
 Nhà nhập khẩu trả tiền ngay sau khi nhận xong hàng hóa tại nơi qui định hoặc tại cảng
đến.
c. Trả tiền sau:
Trả tiền sau chính là một hình thức tín dụng thương mại mà người bán cấp vốn cho người
mua bằng cách bán chịu. Gồm có:
 Trả tiền sau X ngày kể từ ngày nhận được thông báo của người xuất khẩu đã hoàn thành
giao hàng KHÔNG trên phương tiện vận tải tại nơi giao hàng qui định.
 Trả tiền sau X ngày kể từ ngày người xuất khẩu đã hoàn thành giao hàng trên phương
tiện vận tải tại nơi giao hàng qui định.
 Trả tiền sau X ngày kể từ ngày nhận được chứng từ gửi hàng.
 Trả tiền sau X ngày kể từ ngày nhận xong hàng hóa.
d. Thanh toán hỗn hợp:
Là sự kết hợp của các thời gian thanh toán nêu trên cho cùng một hợp đồng ngoại thương.
5.4. Điều kiện phương thức thanh toán
Phương thức thanh toán chỉ ra người bán dùng cách nào để thu tiền về, người mua dùng
cách nào để trả tiền. Trong buôn bán, người ta có thể lựa chọn nhiều phương thức thanh toán
khác nhau để thu tiền về hoặc trả tiền, nhưng việc lựa chọn phương thức nào cũng phải xuất phát
từ yêu cầu của người bán là thu tiền nhanh, đầy đủ, đúng và từ yêu cầu của người mua là nhập
hàng đúng số lượng, chất lượng và đúng hạn.
6. CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỦ YẾU ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THANH TOÁN
QUỐC TẾ
Mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng. Do lịch sử, thể chế chính trị kinh tế xã hội và trình
độ phát triển, văn hóa khác nhau, nên hệ thống luật quốc gia của các nước cũng khác nhau. Một
quan hệ thanh toán quốc tế cụ thể liên quan ít nhất đến 2 quốc gia. Vì vậy chúng được điều chỉnh
bởi một hệ thống luật quốc tế, luật quốc gia liên quan và các thông lệ và tập quán quốc tế. Cụ thể
có thể nêu một số văn bản chủ yếu điều chỉnh quan hệ thanh toán quốc tế như sau:
Luật quốc tế như: Công ước Giơ-ne-vơ, Luật thống nhất hối phiếu 1930, Công ước Giơ-
ne-vơ Séc quốc tế năm 1931, Công ước về hối phiếu và lệnh phiếu quốc tế 1980 của Liên Hiệp
Quốc, các hiệp định song phương và đa phương…
Các luật quốc gia liên quan: Luật dân sự, luật ngoại hối, luật thanh toán quốc tế…
Các thông lệ và tập quán quốc tế như: Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng
từ, tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chứng từ theo tín dụng chứng từ, quy tắc
thống nhất về nhờ thu, điều kiện thương mại quốc tế…
Trình tự ưu tiên pháp lý của các văn bản nêu trên có thể sắp xếp theo mức giảm dần: Luật
quốc tế, luật quốc gia, các thông lệ và tập quán quốc tế. Riêng các thông lệ và tập quán quốc tế
bản thân nó chưa có giá trị pháp lý. Vì vậy việc áp dụng cần có sự lựa chọn và dẫn chiếu chính
thức theo thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, dù đã được dẫn chiếu, song 2 bên vẫn có thể thỏa
thuận riêng thành những điều khoản cụ thể khác với thông lệ và tập quán quốc tế đã chọn. Tính
chất “lỏng” này giúp cho các văn bản thông lệ và tập quán quốc tế được vận dụng một cách rộng
rãi với phạm vi toàn cầu.
CHƯƠNG II
HỐI ĐOÁI
Khái niệm ngoại tệ và ngoại hối thường được sử dụng để chỉ những đồng tiền của các
quốc gia được lưu thông trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ngoại tệ và ngoại hối là hai phạm trù
khác nhau mà chúng ta cần phải phân biệt.
Ngoại tệ: Là đồng tiền của quốc gia được lưu thông trên thị trường quốc tế. Ví dụ: Tại
Việt Nam thì USD, GBP, EUR, JPY… là ngoại tệ.
Ngoại hối: Là phạm trù rộng hơn so với ngoại tệ, ngoại hối bao gồm ngoại tệ, kim khí
quý, đá quý và các phương tiện có giá trị như ngoại tệ được sử dụng trong thanh toán giữa các
nước với nhau.
1. TỈ GIÁ HỐI ĐOÁI (FOREIGN EXCHANGE RATE – FX)
1.1. Khái niệm:
Hối đoái (exchange): Là sự chuyển đổi từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác.
Ví dụ: chuyển đổi từ đồng Việt Nam (VND) sang đô la Mỹ (USD) hay từ Euro (EUR)
sang Yên Nhật (JPY)…
Tỉ giá hối đoái (foreign exchange rate): Là sự so sánh mối tương quan giá trị giữa hai
đồng tiền với nhau.// Là giá cả của một đơn vị tiền tệ nước này thể hiện bằng số lượng đơn vị
tiền tệ nước khác.
Ví dụ: Ngày XX/YY/ZZZZ tại Ngân hàng VCB ta có thông tin:
1 đô la Mỹ (USD) = 22,360.00 Việt Nam đồng (VND). Điều này nghĩa là tỉ giá giữa USD và
VND (viết là USD/VND) là 22,360.00 hay cần 22,360.00 VND để mua 1 USD.
1.2. Phương pháp biểu thị yết giá (Yết giá – Quotation)
1.2.1. Nguyên tắc yết giá

1 đồng tiền yết giá = X đồng tiền định giá


Đồng tiền yết giá (Commodity currency – base currency) là đồng tiền được thể hiện giá
trị của nó qua một đồng tiền khác. Ngoài ra đồng tiền này còn được coi như là hàng hóa ngoại tệ
được mua vào hoặc bán ra trên thị trường so với ngoại tệ khác.
Đồng tiền định giá (Terms currency – counter currency) là đồng tiền được sử dụng để
xác định giá trị của đồng tiền yết giá.
Ví dụ: USD = 1.7870 SGD, có nghĩa là 1 USD có giá trị là 1.7870 SGD, hoặc 1.7870
SGD có thể đổi được 1 USD. Khi công bố giá ( currency quotation) trên thị trường, tỷ giá được
viết hoặc mô tả ngắn gọn như sau: USD/SGD = 1.7870.
1.2.2. Phương pháp yết giá:
a. Phương pháp yết giá trực tiếp (Direct quotation – Price quotation):

1 ngoại tệ = X nội tệ
Phương pháp yết giá trực tiếp này được áp dụng ở các quốc gia như: Nhật, Thái Lan, Hàn
Quốc, Singapore, Việt Nam…
b. Phương pháp yết giá gián tiếp (Indirect quotation – Volume quotation)

1 nội tệ = Y ngoại tệ

Phương pháp yết giá gián tiếp này được áp dụng ở một số nước như: Anh, Úc, EMS
(khối liên minh tiền tệ Châu Âu), Mỹ, Newzealand…
1.3. Một số quy ước trong giao dịch hối đoái quốc tế
1.3.1. Ký hiệu tiền tệ:
Ký hiệu tiền tệ gồm 3 ký tự (XXX), trong đó:
 Hai ký tự đầu tiên là tên quốc gia
 Ký tự cuối là tên gọi của đồng tiền
Ví dụ: Ký hiệu tiền tệ của Việt Nam ( VND), đô la Mỹ (USD), Đồng Bảng Anh (GBP),
Bạt Thái Lan (THB)…
1.3.2. Cách viết tỷ giá:
𝑨 𝑨 𝟏
1A = x B hoặc = 𝒙 hoặc = 𝑩⁄
𝑩 𝑩 𝑨
Ví dụ: Tỉ giá 1USD = 120 JPY ta cũng có thể viết USD/JPY = 120 hoặc là
120JPY/USD.
1.3.3. Ngôn ngữ trong giao dịch hối đoái quốc tế
Trong giao dịch với khách hàng, các ngân hàng thương mại luôn niêm yết hai tỉ giá là tỉ
giá mua (BID) và tỉ giá bán (ASK). Theo đó, khi khách hàng đến mua ngoại tệ, ngân hàng sẽ áp
dụng tỉ giá bán, và ngược lại, khách hàng đến bán ngoại tệ thì ngân hàng sẽ áp dụng tỉ giá mua.
Thông thường, tỉ giá bán và tỉ giá mua có khoản chênh lệch (SPREAD).
Tỉ giá bán−Tỉ giá mua
Chênh lệch (%) = x 100
Tỉ giá bán

Ví dụ:
EXCHANGE RATE BID RATE ASK RATE
USD/VND 22,250.00 22,300.00
Mua USD Bán USD
Bán VND Mua VND
1.4. Xác định tỉ giá theo phương pháp tính chéo:
1.4.1. Nguyên tắc tính tỉ giá chéo:
Tỉ giá chéo là tỉ giá giữa hai đồng tiền được tính toán thông qua một đồng tiền thứ 3.
Nguyên tắc tính tỉ giá chéo được thiết lập như sau:
𝐀 𝐀 𝐂
= 𝐱
𝐁 𝐂 𝐁
1.4.2. Vận dụng nguyên tắc tính chéo để tính tỉ giá:
Ví dụ: Công ty Big Mouth cần bán cho ngân hàng 100,000.00 GBP để lấy JPY. Tỉ giá
được niêm yết tại ngân hàng như sau:
FX BID ASK
GBP/USD 1.3550 1.3555
USD/JPY 106.00 107.00
Căn cứ vào phương pháp tính tỉ giá chéo ta có:
𝐆𝐁𝐏 𝐆𝐁𝐏 𝐔𝐒𝐃
= 𝐱
𝐉𝐏𝐘 𝐔𝐒𝐃 𝐉𝐏𝐘
 Trước tiên công ty Big Mouth sẽ phải bán GBP cho ngân hàng để mua USD. Do
đó ngân hàng sẽ áp dụng tỉ giá mua vào là : 1.3550.
 Tiếp theo công ty Big Mouth sẽ phải bán USD vừa mua được cho ngân hàng để
lấy JPY. Như vậy ngân hàng sẽ áp dụng tỉ gia mua vào là : 106.00.
 Thế vào công thức được thiết lập ở trên ta sẽ có tỉ giá giữa đồng GBP và JPY mà
ngân hàng sẽ thực hiện chuyển đổi cho công ty là: GBP/JPY = 1.3550 x 106 = 143.63
 Số tiền JPY mà công ty Big Mouth nhận được khi bán GBP cho ngân hàng là:
 100,000.00 x 143.63 = 14,363,000.00 JPY.
1.5. Các nhân tố chủ yếu tác động đến sự biến động của tỉ giá hối đoái
1.5.1. Mức chênh lệch lạm phát của hai nước.
Theo lý thuyết cân bằng sức mua, tỷ giá hối đoái phản ánh so sánh sức mua của đồng nội
tệ so với đồng ngoại tệ hay mức giá trong nước và mức giá của nước ngoài. Vì vậy, khi chênh
lệch lạm phát giữa hai nước thay đổi, tức là mức giá cả ở hai nước này thay đổi, tỷ giá hối đoái
giữa hai đồng tiền của hai nước đó sẽ biến động theo.
Nếu mức lạm phát trong nước cao hơn mức lạm phát của nước ngoài, sức mua của đồng
nội tệ giảm so với ngoại tệ thì tỷ giá hối đoái có xu hướng tăng lên. Ngược lại, nếu mức lạm phát
trong nước thấp hơn mức lạm phát ở nước ngoài, sức mua của đồng nội tệ tăng tương đối so với
đồng ngoại tệ và tỷ giá giảm xuống.
Ví dụ: Năm 2006, trước lạm phát, mặt hàng A bán tại Mỹ với giá 1USD, bán tại Việt
Nam với giá 16.000 VND. Tỷ giá hối đoái USD/VND lúc này là 1 USD = 16.000 VND. Giả sử,
năm 2006, mức lạm phát tại Mỹ là 3%, tại Việt Nam là 7% thì mức giá của mặt hàng A lúc này
đã thay đổi. Ở Mỹ, mặt hàng A sẽ được bán với giá 1 USD + 1USD×3% = 1,03 USD. Tại Việt
Nam, giá của mặt hàng A do tác động của lạm phát lúc này sẽ là 16.000 VND + 7%×16.000
VND = 17.120 VND. Tỷ giá USD/VND sau tác động của lạm phát là 1 USD = 17.120/1,03 =
16.621 VND. Như vậy, do chênh lệch lạm phát dương giữa Việt Nam và Mỹ, tỷ giá hối đoái giữa
hai đồng tiền này đã tăng lên. Nếu chúng ta giả sử ngược lại, tức là mức lạm phát ở Mỹ là 7% và
ở Việt Nam là 3% thì tỷ giá sẽ giảm đi, nhỏ hơn mức 1 USD tương đương với 16.000 VND.
1.5.2. Mức chênh lệch lãi suất
Nước nào có lãi suất ngắn hạn cao hơn thì luồng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy vào
nhằm thu phần chênh lệch do tiền lãi tạo ra, do đó sẽ làm cung ngoại hối tăng lên, cầu ngoại hối
giảm đi và tỷ giá hối đoái có xu hướng giảm.
Để xác định mức lãi suất của một nước là cao hay thấp, thông thường người ta so sánh
mức lãi suất của nước đó với các lãi suất quốc tế như lãi suất đi vay trên thị trường liên ngân
hàng London LIBID, lãi suất quốc tế trên thị trường liên ngân hàng Singapore SIBID...
Cần lưu ý rằng, chênh lệch lãi suất có tác động tới sự biến động của tỷ giá nhưng đó chỉ
là sự tác động gián tiếp chứ không phải trực tiếp bởi lãi suất trong nhiều trường hợp không phải
là nhân tố quyết định tới sự di chuyển của các dòng vốn. Chênh lệch lãi suất phải trong điều kiện
ổn định kinh tế chính trị thì mới thu hút được nhiều vốn ngắn hạn từ bên ngoài đổ vào.
1.5.3. Cung và cầu ngoại tệ trên thị trường
Ngoại tệ là một hàng hóa đặc biệt hàm chứa trong nó giá trị trao đổi và giá trị sử dụng. Vì
là môt loại hàng hóa nên ngoại tệ cũng bị chi phối bởi quy luật cung cầu trên thị trường. Các
thành tố cấu thành cung cầu ngoại tệ trên thị trường có thể gồm: Tinh hình dư thừa hay thiếu hụt
của cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt là cán cân thanh toán vãng lai của nước đó; thu nhập
thực tế (tốc độ tăng GDP); những nhu cầu về ngoại tệ bất thường tăng lên do thiên tai, hạn hán,
mất mùa, bão lụt, khủng bố, chiến tranh…
1.5.4. Các chính sách và/hoặc sự can thiệp của chính phủ hay của Ngân hàng trung
ương
Chính phủ có thể tác động đến tỷ giá hối đoái bằng cách tác động đến lạm phát, lãi suất
và tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể
tác động đến cung và cầu ngoại hối trên thị trường thông qua các hành động can thiệp. Thông
thường, chính phủ của một nước có thể tác động đến giá trị đồng tiền của nó theo các cách chủ
yếu sau:
+ Can thiệp vào hoạt động thương mại quốc tế:
Thực hiện các hoạt động can thiệp trực tiếp vào xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Ví
dụ: Khi chính phủ muốn gia tăng xuất khẩu, họ có thể thực hiện một số biện pháp như sử dụng
những kỹ thuật trợ cấp xuất khẩu để gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị
trường thế giới (can thiệp về phía xuất khẩu). Nhu cầu hàng xuất khẩu gia tăng sẽ dẫn đến gia
tăng cầu đồng nội tệ và tăng cung đồng ngoại tệ. Để hạn chế nhập khẩu, chính phủ có thể thực
hiện các biện pháp can thiệp như thuế quan, hạn ngạch, hoặc có thể áp đặt một số loại giấy phép
nhập khẩu…Mỗi biện pháp nêu trên đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu, và do vậy ảnh
hưởng đến cung, cầu ngoại tệ trên thị trường.
+ Can thiệp vào hoạt động đầu tư nước ngoài:
Chính phủ cũng có thể can thiệp đến sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư giữa một nước
với các nước khác. Một số biện pháp có thể được sử dụng như cấm chuyển vốn ra đầu tư ở nước
ngoài hoặc áp đặt thuế trên việc chuyển lợi tức ra nước ngoài, đồng thời đưa ra các chính sách ưu
đãi, khuyến khích nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư từ bên ngoài vào nước đó. Bằng cách can
thiệp như vậy, chính phủ có thể tác động đến cung, cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, và do
vậy tác động đến tỷ giá hối đoái.
Bản thân Ngân hàng trung ương cũng có thể thực hiện sự can thiệp nhằm tác động đến tỷ
giá hối đoái. Thông thường, việc can thiệp của Ngân hàng trung ương được tiến hành trên thị
trường ngoại hối. Cụ thể, Ngân hàng trung ương chủ động tham gia vào việc mua bán ngoại tệ
trên thị trường. Có hai lý do thúc đẩy sự can thiệp của Ngân hàng trung ương. Thứ nhất, can
thiệp để ổn định thị trường. Loại can thiệp này nhằm bình ổn những biến động của tiền tệ do
những nhân tố ngẫu nhiên tạm thời, chứ không nhằm thay đổi giá trị của đồng tiền (giá trị của
đồng tiền vẫn do những nhân tố kinh tế nền tảng quyết định). Thứ hai, can thiệp nhằm thay đổi
giá trị của đồng tiền để đạt một tỷ giá mục tiêu mới.
Ngoài ra, ở một số quốc gia, việc can thiệp của chính phủ hay của Ngân hàng trung ương
còn được thể hiện thông qua việc ban hành các chính sách quản lý ngoại hối, hay chính sách tỷ
giá hối đoái.
Chính sách quản lý ngoại hối là những quy định pháp lý, những thể lệ của chính phủ
trong vấn đề quản lý ngoại tệ, quản lý vàng, bạc, đá quý, quản lý các chứng từ có giá bằng ngoại
tệ, cũng như đối với việc sử dụng, trao đổi, mua bán trên thị trường nội địa và các quan hệ thanh
toán quốc tế. Thông thường, chính sách quản lý ngoại hối của một quốc gia bao gồm các nội
dung liên quan đến quản lý, kiểm soát các dòng dịch chuyển ngoại hối có liên quan đến quan hệ
thương mại quốc tế cũng như các quan hệ kinh tế quốc tế khác từ nước ngoài vào quốc gia đó và
từ trong nước đó ra bên ngoài. Mục đích chung của chính sách quản lý ngoại hối là nhằm góp
phần phát triển giao thương quốc tế, tạo sự cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, ổn định được
giá trị đồng tiền, và xây dựng quỹ dự trữ ngoại hối hợp lý. Trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy sự
tăng trưởng, phát triển nền kinh tế quốc gia.
1.5.5. Yếu tố tâm lý và các hoạt động đầu cơ
Yếu tố tâm lý được thể hiện bằng sự phán đoán của thị trường về các sự kiện kinh tế,
chính trị... từ những sự kiện này, người ta dự đoán chiều hướng phát triển của thị trường và thực
hiện những hành động đầu tư về ngoại hối, làm cho tỷ giá có thể đột biến tăng, giảm trên thị
trường.
2. THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI (THỊ TRƯỜNG HỐI ĐOÁI)
2.1. Khái niệm:
Thị trường hối đoái là nơi thực hiện việc trao đổi mua bán các ngoại tệ và phương tiện
thanh toán có giá trị như ngoại tệ, mà giá cả ngoại tệ được xác định trên cơ sở cung cầu…Hoặc
nói một cách khác, thị trường hối đoái là nơi chuyên môn hóa về trao đổi mua bán ngoại tệ,
thông qua sự có cọ xát giữa cung và cầu ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể kinh tế,
đồng thời xác định các điều kiện giao dịch tức là giá cả và số lượng ngoại tệ mua bán.
2.2. Đặc điểm:
 Thị trường hối đoái là thị trường mang tính quốc tế.
 Thị trường hối đoái là thị trường hoạt động liên tục, giao dịch diễn ra 24 giờ trong một
ngày của các ngày làm việc trong tuần.
 Thị trường hối đoái chịu sự tác động mạnh mẽ quan hệ cung cầu ngoại hối trên thị
trường.
 Thị trường hối đoái chỉ giao dịch một số ngoại tệ như: USD, GBP, EUR, JPY,
SGD…Trong đó USD được coi là đồng tiền chuẩn.
 Phương thức giao dịch trên thị trường hối đoái chủ yếu được thực hiện qua điện thoại,
telex, fax, vi tính nối mạng…
 Phương thức thanh toán: các giao dịch hối đoái đều được thực hiện thanh toán qua hệ
thống ngân hàng trên toàn cầu.
2.3. Đối tượng tham gia thị trường ngoại hối
 Ngân hàng thương mại (Commercial Bank)
 Các định chế phi ngân hàng (Non Bank Institutions): công ty tài chính, công ty bảo hiểm,
các quỹ đầu tư…
 Người môi giới
 Công ty đa quốc gia (Multinational corporation): những tập đoàn có mặt ở khắp nơi trên
thế giới
 Các công ty kinh doanh (Corporate businesses)
 Các cá nhân (Individuals)
 Ngân hàng trung ương (Central Bank): tham gia với vai trò giám sát thị trường.
2.4. Phân loại thị trường hối đoái
2.4.1. Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh
 Thị trường giao ngay (Sport Market)
 Thị trường kỳ hạn (Forward Market)
 Thị trường quyền chọn (Option Market)
 Thị trường giao sau (Futures Market)
2.4.2. Căn cứ vào phạm vi hoạt động
 Thị trường quốc tế
 Thị trường khu vực (địa phương): thị trường chỉ thực hiện một số nghiệp vụ đối với một
số loại tiền nhất định.
3. RỦI RO TỈ GIÁ
3.1. Khái niệm
Rủi ro tỉ giá chính là rủi ro phát sinh do sự biến động tỷ giá làm ảnh hưởng đến giá trị kỳ
vọng trong tương lai. Rủi ro tỉ giá có thể phát sinh trong nhiều hoạt động khác nhau của doanh
nghiệp. Nhưng nhìn chung, bất cứ hoạt động nào mà ngân lưu thu vào (inflows) phát sinh bằng
một loại đồng tiền trong khi ngân lưu chi ra (outflows) phát sinh một loại đồng tiền khác đều
chứa đựng nguy cơ rủi ro tỷ giá.
3.2. Các loại rủi ro tỷ giá đối với doanh nghiệp
3.2.1. Rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư
Rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư thường phát sinh đối với công ty đa quốc gia
(multinational corporations) hoặc đối với các nhà đầu tư tài chính có danh mục đầu tư đa dạng
hóa trên bình diện quốc tế.
Chẳng hạn, tập đoàn Unilever khi đầu tư vào Việt Nam phải bỏ vốn ra bằng ngoại tệ
(USD) để thiết lập nhà máy, nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất. Phần lớn sản phẩm sản xuất
đều là sản phẩm tiêu dùng trên thị trường Việt Nam và đương nhiên doanh thu bằng VND. Nếu
như đại bộ phận chi phí của Unilever phát sinh bằng ngoại tệ (ngoại trừ tiền lương cho nhân
công và cán bộ quản lý Việt Nam), trong khi doanh thu đại bộ phận bằng VND (ngoại trừ doanh
thu xuất khẩu sang nước thứ 3) thì Unilever phải đối mặt thường xuyên với rủi ro tỉ giá. Nếu
USD lên giá so với VND thì chi phí sản xuất gia tăng đương đối so với doanh thu. Giả sử nếu
trước đây tỷ giá USD/VND =16,000, hằng năm chi phí nhập khẩu nguyên liệu của Unilever là 1
triệu USD, tương đương với 16 tỷ VND. Bây giờ tỷ giá USD/VND = 16,900 thì chi phí nhập
khẩu nguyên liệu quy ra VND là 16,9 tỷ VND, tăng lên 900 đồng mỗi USD nhập khẩu. Điều này
khiến cho chi phí sản xuất tăng thêm 900 triệu đồng. Sự gia tăng này trong chừng mực nào đó
làm cho lợi nhuận giảm đi nhưng nghiêm trọng hơn có thể làm đảo lộn kết quả kinh doanh.
Bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp như vừa phân tích, rủi ro tỷ giá cũng
có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư gián tiếp, tức là đầu tư trên thị trường tài chính.
Chẳng hạn một nhà đầu tư HongKong vừa rút vốn đầu tư 500,000 USD khỏi thị trường
Mỹ do lãi suất USD giảm và tình hình kinh tế Mỹ không mấy khả quan. Giả sử bây giờ do ảnh
hưởng lời kêu gọi và khuyến khích đầu tư của chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư muốn đầu tư mua
cổ phiếu SAM. Giá thị trường của SAM hiện tại là 30,000 VND/cổ phiếu và tỷ giá là USD/VND
= 16,900. Như vậy, với 500 nghìn USD nhà đầu tư có thể mua được (500,000 x 16,900)/30,000 =
281,667 cổ phiếu. Giả sử, một năm sau nhà đầu tư vì lý do nào đó muốn bán cổ phiếu SAM để
rút vốn về đầu tư nơi khác. Lúc này giá cổ phiếu SAM tăng đến 31,000 VND/cổ phiếu trong khi
giá USD cũng tăng so với VND lên đến 17,500 VND/USD. Số USD nhà đầu tư rút về bây giờ sẽ
là (281,667 x 31,000)/17,500 = 498,953 USD thấp hơn vốn đầu tư ban đầu 1,047 USD mặc dù
giá cổ phiếu SAM tăng 1000 VND. Trong trường hợp này nhà đầu tư tổn thất 1047 (giả sử bỏ
qua cổ tức nhà đầu tư nhận được sau một năm). Sự tổn thất này do biến động tỷ giá gây ra vì giá
cổ phiếu SAM tăng 1000 VND không đủ bù đắp sự mất giá của VND.
3.2.2. Rủi ro tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu
3.2.2.1. Rủi ro tỷ giá đối với hợp đồng xuất khẩu
Giả sử ngày 04/08 công ty Savimex đang thương lượng ký kết hợp đồng xuất khẩu trị giá
200,000 USD. Hợp đồng sẽ đến hạn thanh toán sau sáu tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Ở thời điểm thương lượng hợp đồng, tỷ giá USD/VND = 16,900, trong khi tỷ giá ở thời
điểm thanh toán chưa biết vì chưa đến hạn. Sự không chắc chắn của tỷ giá USD/VND vào thời
điểm thanh toán khiến cho hợp đồng xuất khẩu của Savimex chứa đựng rủi ro tỷ giá.
Nếu đến hạn thanh toán, USD tiếp tục lên giá so với VND thì bên cạnh lợi nhuận do hoạt
động xuất khẩu đem lại công ty còn kiếm thêm được khoản lợi nhuận tăng thêm do USD lên giá
so với VND.
Ngược lại, nếu đến hạn thanh toán, USD xuống giá so với VND thì doanh thu kỳ vọng
bằng VND của hợp đồng xuất khẩu trên giảm đi. Sự sụt giảm này làm cho lợi nhuận kỳ vọng từ
hợp đồng xuất khẩu giảm đi, nghiêm trọng hơn có thể khiến cho hợp đồng trở nên lỗ nếu như sự
sụt giá USD quá mạnh.
Chẳng hạn, vào ngày thanh toán, nếu USD/VND = 16,500 thì cứ mỗi USD xuất khẩu
công ty tổn thất 400 VND do USD giảm xuống. Toàn bộ hợp đồng trị giá 200,000 USD, công ty
bị thiệt 400 x 200,000 = 80 triệu VND. Sự thiệt hại này không lớn lắm trong phạm vi một hợp
đồng, nhưng nếu tính chung trong toàn bộ hoạt động xuất khẩu, công ty có đến hàng trăm hợp
đồng như vậy, thiệt hại sẽ lớn đáng kể.
3.2.2.2. Rủi ro tỷ giá đối với hợp đồng nhập khẩu
Giả sử ngày 04/08 công ty Gonimex đang thương lượng ký kết hợp đồng nhập khẩu trị
giá 200,000 USD. Hợp đồng sẽ đến hạn thanh toán sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Ở thời điểm thương lượng hợp đồng, tỷ giá USD/VND = 16,900 trong khi tỷ giá ở thời
điểm thanh toán chưa biết. Sự không chắc chắn của tỷ giá USD/VND vào thời điểm thanh toán
khiến cho hợp đồng nhập khẩu của Gonimex chứa đựng rủi ro tỷ giá.
Nếu đến hạn thanh toán, USD xuống giá so với VND thì bên cạnh lợi nhuận do hoạt động
nhập khẩu đem lại công ty còn kiếm thêm được khoản lợi nhuận tăng thêm do USD xuống giá so
với VND làm cho chi phí nhập khẩu giảm tương đối.
Ngược lại, nếu đến hạn thanh toán USD lên giá so với VND thì chi phí nhập khẩu kỳ
vọng bằng VND của hợp đồng nhập khẩu trên tăng lên. Sự gia tăng chi phí này làm cho lợi
nhuận kỳ vọng từ hợp đồng nhập khẩu giảm đi thậm chí khiến cho hợp đồng có thể trở nên lỗ
nếu như sự lên giá USD quá mạnh.
Chẳng hạn, vào ngày thanh toán nếu USD/VND = 17,200 thì cứ mỗi USD nhập khẩu làm
cho chi phí gia tăng 300 VND so với tỷ giá lúc thương lượng hợp đồng. Toàn bộ hợp đồng trị giá
200,000 USD, công ty bị thiệt hại 300 x 200,000 = 60 triệu VND. Sự thiệt hại này không lớn lắm
trong phạm vi một hợp đồng, nhưng nếu tính chung trong toàn bộ hoạt động nhập khẩu, công ty
có đến hàng trăm hợp đồng như vậy hoặc hợp đồng có giá trị lớn hơn, thiệt hại sẽ lớn đáng kể.
3.2.3. Rủi ro tỷ giá trong hoạt động tín dụng
Bên cạnh rủi ro tỷ giá trong hoạt động đầu tư và xuất nhập khẩu như vừa phân tích trên
đây, hoạt động tín dụng cũng chứa đựng rủi ro tỷ giá rất lớn. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong
hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại. Đứng trên giác độ doanh
nghiệp, khách hàng của các ngân hàng thương mại, việc vay vốn bằng ngoại tệ cũng bị ảnh
hưởng bởi rủi ro tỷ giá.
Chẳng hạn, thời điểm Ngân hàng Dự trữ Liên Bang Mỹ đã hạ lãi suất xuống mức thấp chỉ
còn 1.25%/năm là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể vay vốn ngoại tệ với
chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu vay USD trong thời gian tương đối dài với số lượng lớn, doanh
nghiệp cần lưu ý tác động của yếu tố rủi ro tỷ giá.
Ví dụ công ty Gadimex đang thương lượng xin vay vốn tài trợ xuất khẩu của HSBC số
tiền 3 triệu USD để thu mua và chế biến hàng xuất khẩu. Do lãi suất USD trên thị trường giảm
nên HSBC đồng ý cho Gadimex vay với lãi suất 3%/năm trong thời hạn 6 tháng. Ở thời điểm vay
vốn, tỷ giá USD/VND = 16,000. Sáu tháng sau khi nợ đáo hạn, tỷ giá USD/VND là bao nhiêu
công ty chưa biết, do đó, công ty đối mặt với rủi ro tỷ giá nếu ký hợp đồng vay vốn này. Công ty
ước tính, sáu tháng sau phải trả nợ cả gốc và lãi là 3x(1 + 0.03x 6/12) = 3.045 triệu USD. Với tỷ
giá hiện tại công ty phải bỏ ra 3.045 x 16,000 = 48,720 triệu VND trả nợ và lãi. Nhưng nếu 6
tháng sau tỷ giá USD/VND = 16,500 thì cứ mỗi USD phải trả công ty phải bỏ thêm 500 VND,
tổng chi phí trả nợ và lãi sẽ lên đến 3.045 x 16,500 = 50,242.5 triệu VND, tăng 50,242.5 –
48,720 = 1,522.50 triệu VND so với ước tính.
3.3. Tác động của rủi ro tỷ giá
3.3.1. Tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp tập trung ở khả năng quyết định giá cả của doanh
nghiệp so với đối thủ trên thị trường. Hoạt động trong điều kiện có rủi ro tỷ giá tác động khiến
doanh nghiệp luôn phải đối phó với tổn thất ngoại hối, bằng cách nâng giá bán để trang trải tổn
thất nếu xảy ra. Điều này làm cho giá cả của doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn và khả năng
cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. Do đó, có thể thấy rằng rủi ro tỷ giá phát sinh trong hoạt
động của doanh nghiệp có thể gây ra ba loại tổn thất ngoại hối: Tổn thất giao dịch, tổn thất kinh
tế, tổn thất chuyển đổi kế toán.
a. Tổn thất giao dịch (Transaction exposure)
Tổn thất giao dịch phát sinh khi có các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ. Chẳng
hạn, hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động tín dụng như vừa phân tích là những dạng điển hình
của tổn thất giao dịch. Tổn thất trong giao dịch, do đó có thể chia thành tổn thất các khoản phải
thu ngoại tệ và tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ.
Tổn thất các khoản phải thu ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị qui ra nội tệ thu về
sụt giảm do ngoại tệ xuống giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải thu có thể phát sinh từ
những hoạt động sau đây:
 Hoạt động xuất khẩu thu ngoại tệ
 Cho vay ngoại tệ
 Thu đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ về từ nước ngoài.
 Thu lãi vay bằng ngoại tệ
 Nhận cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ
Tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị qui ra nội tệ chi trả
tăng lên do ngoại tệ lên giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải trả có thể phát sinh từ những
hoạt động sau đây:
 Hoạt động nhập khẩu phải chi trả bằng ngoại tệ
 Trả nợ vay ngoại tệ
 Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp ra nước ngoại bằng ngoại tệ
 Trả lãi vay bằng ngoại tệ
 Trả cổ tức đầu tư bằng ngoại tệ
b. Tổn thất kinh tế (economic exposure)
Tổn thất kinh tế là tổn thất phát sinh do sự thay đổi của tỷ giá làm ảnh hưởng đến ngân
lưu qui ra nội tệ hoặc ngoại tệ của doanh nghiệp. Tổn thất kinh tế xảy ra tương tự như tổn thất
giao dịch, chỉ khác biệt ở chỗ nó là những khoản tổn thất không xuất phát từ các khoản phải thu
hoặc phải trả có hợp đồng rõ ràng mà từ ngân lưu hoạt động của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, sự lên giá của nội tệ làm sụt giảm doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp, do
hàng xuất khẩu bây giờ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài. Hoặc giả, chi phí
đầu vào của doanh nghiệp gia tăng do ngoại tệ lên giá so với nội tệ khi đại đa số nguyên vật liệu
đầu vào phục vụ sản xuất từ nguồn nhập khẩu. Tổn thất kinh tế nói chung liên quan đến vị thế
cạnh tranh tương đối của doanh nghiệp, theo đó do ảnh hưởng của biến động tỷ giá khiến cho
khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút và làm ảnh hưởng đến ngân lưu hoạt động nói
chung của doanh nghiệp. Không giống như tổn thất giao dịch, tổn thất kinh tế thường không thể
kế hoạch hóa hay dự báo chính xác được.
c. Tổn thất chuyển đổi (Translation exposure)
Tổn thất chuyển đổi là tổn thất phát sinh do thay đổi tỷ giá khi sáp nhập và chuyển đổi tài
sản, nợ, lợi nhuận ròng và các khoản mục khác của các báo cáo tài chính từ đơn vị tính toán
ngoại tệ sang đơn vị nội tệ. Về kinh tế, giá trị của doanh nghiệp hoàn toàn giống nhau ở hai quốc
gia, nhưng khi chuyển đổi, do tác động của sự thay đổi tỷ giá, nên giá trị doanh nghiệp có thể
khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy loại tổn thất này ít khi phát sinh trong hoạt động của
doanh nghiệp Việt Nam.
3.3.2. Tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp
3.3.2.1. Tác động bất ổn đến hoạt động doanh nghiệp
Rủi ro tỷ giá tác động đến việc hoạch định tài chính doanh nghiệp thường thấy trong khi
phân tích và xem xét dự án đầu tư mà ngân lưu kỳ vọng chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ
giá ngoại hối trong tương lai.
Chẳng hạn, chúng ta xem xét quyết định có đầu tư hay không vào một dự án mở rộng sản
xuất hàng xuất khẩu. Một trong những chỉ tiêu đánh giá xem có nên đầu tư hay không vào dự án
𝐶𝐹
này là hiện giá ròng NPV. Công thức chung để tính NPV như sau: NPV = ∑𝑛𝑡=0 (1+𝑊𝐴𝐶𝐶)
𝑡
𝑡 , trong
đó CFt là dòng tiền ròng ở thời điểm t, WACC là chi phí huy động vốn trung bình, n là số năm
hoạt động của dự án.
Dòng tiền ròng kỳ vọng được xác định từ doanh thu và chi phí. Doanh thu xuất khẩu chịu
tác động của tỷ giá hối đoái, do đó, dòng tiền ròng CFt phụ thuộc vào tỷ giá. Tỷ giá thay đổi làm
thay đổi dòng tiền ròng từ đó làm ảnh hưởng đến NPV và ảnh hưởng đến việc hoạch định đầu tư
vốn của doanh nghiệp.
3.3.2.2. Tác động đến sự tự chủ tài chính của doanh nghiệp
Như đã phân tích rủi ro tỷ giá mang đến sự tổn thất cho doanh nghiệp thông qua tác động
đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài trợ. Sự tổn thất này
cuối cùng tác động đến khả năng chịu đựng tài chính của doanh nghiệp. Sự chịu đựng tài chính
của doanh nghiệp ở đây được xác định và đo lường bởi sự tự chủ về tài chính. Trong tài chính
công ty, chúng ta đã biết sự tự chủ tài chính được xác định bởi tỷ số vốn chủ sở hữu trên nợ hoặc
trên tổng tài sản. Khi có rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp đối mặt với tổn thất làm cho giá trị phần vốn
chủ sở hữu trở nên bất ổn và có nguy cơ sụt giảm khiến cho tỷ số chủ động về tài chính giảm
theo. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mà qui
mô vốn không lớn lắm, đôi khi sự tổn thất ngoại hối nếu quá nghiêm trọng có thể làm điêu đứng
doanh nghiệp.
3.3.2.3. Tác động đến giá trị doanh nghiệp
Giá trị doanh nghiệp ở đây được đo lường bởi giá trị thị trường. Đối với các công ty cổ
phần niêm yết hoặc chưa niêm yết, giá trị thị trường của doanh nghiệp phản ảnh bởi giá trị của cổ
phiếu trên thị trường. Những doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên
chịu tác động của rủi ro tỷ giá thì giá trị của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động
của tỷ giá. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự biến động của tỷ giá có tác động làm thay đổi dòng tiền
kỳ vọng của doanh nghiệp, qua đó, làm thay đổi giá trị doanh nghiệp.
4. CÁC NGHIỆP VỤ HỐI ĐOÁI QUỐC TẾ
4.1. Nghiệp vụ hối đoái giao ngay (Spot operation)
4.1.1. Khái niệm
Giao dịch hối đoái giao ngay là một giao dịch mà trong đó hai bên trao đổi hai đồng tiền
khác nhau theo tỷ giá thỏa thuận vào một thời điểm cụ thể, việc thanh toán được thực hiện chậm
nhất trong vòng 2 ngày làm việc
4.1.2. Đặc điểm
Thuật ngữ “Spot” xuất phát từ các giao dịch mua – bán ngoại tệ được thực hiện ngay,
nhưng thực tế việc chuyển giao ngoại tệ chỉ diễn ra sau đó hai ngày làm việc. Việc mua bán
ngoại tệ được thực hiện ngay thời điểm giao dịch, ngày giao dịch (trade date, ngày J); nhưng việc
chuyển giao ngoại tệ được tiến hành sau ngày đó, thông thường sau 2 ngày. Ngày mà hai đồng
tiền được trao đổi được gọi là ngày thanh toán hoặc ngày giá trị (settlement date or value date)
tức là ngày J+2, không kể ngày nghỉ và lễ.
Mặc dù kỹ thuật công nghệ tiên tiến, các lệnh mua bán ngoại tệ được thực hiện ngay lập
tức, nhưng phần lớn việc chuyển giao ngoại tệ giao ngay vẫn được thực hiện sau 2 ngày kể từ
ngày giao dịch. Đó là khoảng thời gian để tiến hành ghi chép kế toán và chuyển tiền giữa ngân
hàng các nước với nhau.
Tỷ giá giao ngay áp dụng trong nghiệp vụ này là tỷ giá điện hối trên thị trường trên cơ sở
tham khảo tỷ giá trên thị trường thông qua mạng của Reuters, Dowjones…
Trên thị trường hối đoái, các ngân hàng có thể không thu phí giao dịch hay hoa hồng mà
sử dụng chênh lệch giữa tỷ giá bán và tỷ giá mua để trang trải chi phí giao dịch và thu lợi nhuận
thỏa đáng. Chênh lệch tỷ giá bán và tỷ giá mua của một ngoại tệ cao hay thấp tùy thuộc vào
phạm vi giao dịch hẹp hay rộng và mức độ biến động giá trị của ngoại tệ đó trên thị trường. Các
ngoại tệ mạnh có qui mô tương đối lớn trên thị trường như USD, GBP, EUR, JPY thường có
chênh lệch giá mua bán ở mức thấp trong khi các ngoại tệ mà có qui mô giao dịch nhỏ hơn có
mức chênh lệch giữa tỷ giá bán và tỷ giá mua vào mục đích bù đắp chi phí giao dịch và kiếm lợi
nhuận thỏa đáng. Do vậy, với các ngoại tệ có phạm vi giao dịch hẹp hoặc vào những thời kỳ tỷ
giá của ngoại tệ nào đó biến động mạnh thì ngân hàng duy trì chênh lệch giữa tỷ giá bán và tỷ giá
mua lớn hơn so với các ngoại tệ khác hoặc so với thời kỳ tỷ giá ổn định.
4.1.3. Mục đích sử dụng nghiệp vụ giao ngay
Nghiệp vụ giao ngay được sử dụng cho các mục đích sau:
Đáp ứng nhanh chóng nhu cầu ngoại tệ của các đối tượng tham gia trên thị trường khi cần
mua hoặc cần bán ngoại tệ
Tạo điều kiện cho ngân hàng thu được lợi nhuận thông qua chênh lệch giữa tỷ giá bán so
với tỷ giá mua và phí, làm cân đối ngoại tệ đảm bảo kiểm soát được trạng thái ngoại hối theo quy
định của Ngân hàng trung ương.
4.2. Nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrage operation)
4.2.1. Khái niệm
Nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch giá là nghiệp vụ mua bán ngoại tệ đồng thời trên các
thị trường hối đoái nhằm sử dụng mức chênh lệch tỷ giá để thu lợi nhuận.
4.2.2. Nguyên tắc
Arbitrage được áp dụng dựa vào nguyên tắc là mua ngoại tệ ở nơi giá thấp và bán ngoại
tệ ở nơi giá cao.
Giao dịch mua bán ngoại tệ tất cả đều được thanh toán qua hệ thống ngân hàng nên phát
sinh chi phí bao gồm: chi phí giao dịch, chuyển tiền, điện phí…Vì vậy, các nhà đầu tư so sánh
thu nhập do chênh lệch tỷ giá phải bù đắp chi phí phát sinh và đảm bảo có lời thì nghiệp vụ
Arbitrage mới được thực hiện.
4.2.3. Minh họa giao dịch
a. Giao dịch qua hai thị trường
Tại thời điểm t, có thông tin trên thị trường hối đoái quốc tế như sau:
NewYork: USD/CAD = 1.1490 – 95
Toronto: USD/CAD = 1.1510 – 14
Với 1 triệu USD, nhà đầu tư nên giao dịch như thế nào trên hai thị trường để có lợi
nhuận?
Với 1 triệu USD, nhà đầu tư chỉ có thể đổi ra CAD, bằng cách bán USD lấy CAD theo tỷ
giá mua trên thị trường Toronto là 1.1510. Do đó, số CAD thu được là: 1,000,000 x 1.1510 =
1,151,000 CAD
Sau đó từ CAD đổi ra USD trên thị trường NewYork theo tỷ giá bán là 1.1495. Do đó, số
USD thu được là: 1,151,000/1.1495 = 1,001,304.915 USD
Như vậy, kinh doanh 1 triệu USD, nhà đầu tư thu được:
1,001,304.915 – 1,000,000 = 1,304.915 USD
Với kết quả này các nhà đầu tư cần so sánh với chi phí thực hiện giao dịch để đưa ra
quyết định kinh doanh hay không?
b. Giao dịch từ 3 thị trường trở lên
Tại thời điểm t, có thông tin trên thị trường hối đoái quốc tế như sau:
London: GBP/USD = 1.9106 – 10
NewYork: USD/CAD = 1.1490 – 95
Toronto: GBP/CAD = 2.0110 – 15
Với 1 triệu GBP nhà đầu tư nên giao dịch như thế nào trên thị trường để có lợi cho mình?
Nhà đầu tư kinh doanh với số vốn 1 triệu GBP trên 3 thị trường như sau:
- Bán 1 triệu GBP lấy USD tại thị trường London:
1,000,000 x 1.1906 = 1,190,600 USD
- Bán 1,190,600 USD lấy CAD tại thị trường NewYork:
1,190,600 x 1.1490 = 2,195,279.40 CAD
- Bán 2,195,279.40 CAD lấy GBP tại thị trường Toronto:
2,190,600 / 2.0115 = 1,091,364.355 GBP
Như vậy, kinh doanh 1 triệu GBP nhà đầu tư thu được:
1,091,364.355 – 1,000,000 = 91,364.355 GBP
4.3. Nghiệp vụ hối đoái kỳ hạn
4.3.1. Khái niệm:
Nghiệp vụ hối đoái kì hạn là nghiệp vụ mà trong đó hai bên mua bán sẽ thỏa thuận về
việc chuyển giao một số ngoại tệ nhất định, sau một thời gian nhất định kể từ ngày kí kết hợp
đồng, theo tỷ giá được xác định vào thời điểm kí kết.
4.3.2. Công thức tính tỉ giá kì hạn:
1+𝑛𝑟𝑏
F=Sx( ) (1)
1+𝑛𝑟𝑎
Hoặc F = S + S x n x (rb – ra) (2)
 F: tỉ giá kì hạn (Forward rate)
 S: tỉ giá giao ngay (Spot rate)
 rb: lãi suất của đồng tiền định giá (interest rate of terms currency)
 ra: lãi suất của đồng tiền yết giá (interest rate of base currency)
 n: thời hạn của giao dịch kì hạn (duration), thường tính theo năm (annual basic)
Ví dụ minh họa:
Ngày 15/08/2016, Vietcombank niêm yết thông tin về tỉ giá và lãi suất như sau:
Tỉ giá giao ngay USD/VND Lãi suất kì hạn 3 tháng (VND) Lãi suất kì hạn 3 tháng (USD)
22,000.00 – 22,500.00 7% - 9% 2.5% - 4.5%
Dựa vào thông tin trên hãy xác định tỉ giá kì hạn 3 tháng của USD/VND?
Bước 1: Xác định từng yếu tố thông tin có trong bảng.
 Tỉ giá USD/VND mua vào: 22,000.00
 Tỉ giá USD/VND bán ra: 22,500.00
 Lãi suất tiền gửi của đồng VND: 7%/năm
 Lãi suất cho vay của đồng VND: 9%/năm
 Lãi suất tiền gửi của đồng USD: 2.5%/năm
 Lãi suất cho vay của đồng USD: 4.5%/năm
 VND: đồng tiền định giá
 USD: đồng tiền yết giá
Bước 2: Nguyên tắc lựa chọn các thành tố để tính tỉ giá.
 Để tính tỉ giá kỳ hạn mua vào thì ta chọn: Tỉ giá giao ngay mua vào, lãi suất tiền gửi của
đồng tiền định giá, lãi suất cho vay của đồng tiền yết giá.
 Để tính tỉ giá kỳ hạn bán ra thì ta chọn: Tỉ giá giao ngay bán ra, lãi suất cho vay của đồng
tiền định giá, lãi suất tiền gửi của đồng tiền yết giá.
Bước 3: Áp dụng công thức tính để cho ra kết quả.
 Tỉ giá mua kì hạn 3 tháng của USD/VND:
Fbid = 22,000.00 + 22,000.00 x 3/12 x (7% - 4.5%) = 22,137.50
 Tỉ giá bán kì hạn 3 tháng của USD/VND:
Fask = 22,500.00 + 22,500.00 x 3/12 x (9% - 2.5%) = 22,865.63
4.3.3. Cách niêm yết tỉ giá kỳ hạn
Tỷ giá kì hạn thường được yết theo hai cách: yết giá theo kiểu outright và yết giá theo
kiểu forward point
Tỷ giá kỳ hạn theo kiểu outright đơn giản là giá cả của một đồng tiền này tính bằng một
số đơn vị đồng tiền kia. Mặt khác, tỷ giá kỳ hạn cũng được niêm yết tương tự như tỷ giá giao
ngay chỉ khác một điều là tỷ giá được hai bên xác định và thỏa thuận ở hiện tại nhưng sẽ được áp
dụng trong tương lai.
Tỷ giá kỳ hạn theo kiểu forward point chỉ yết phần chênh lệch theo số điểm kỳ hạn giữa
tỷ giá kì hạn và tỷ giá giao ngay tương ứng.
Bảng minh họa yết giá kỳ hạn ở thị trường Chicago
Yết giá theo kiểu
Giao ngay 1 tháng 3 tháng 6 tháng
forward point
GBP/USD 1.6440 - 50 99 – 97 278 – 275 536 – 530
USD/CHF 1.7140 – 50 4–2 0–3 13 – 19
USD/CAD 1.1720 – 30 40 – 43 105 – 109 175 – 181
USD/JPY 145.80 – 90 22 – 20 48 – 45 136 – 130
Yết giá theo kiểu
Giao ngay 1 tháng 3 tháng 6 tháng
Outright
GBP/USD 1.6440 - 50 1.6341 – 53 1.6162 – 75 1.5904 – 20
USD/CHF 1.7140 – 50 1.7136 – 48 1.7140 – 53 1.7153 – 69
USD/CAD 1.1720 – 30 1.1760 – 73 1.1825 – 39 1.1895 – 911
USD/JPY 145.80 – 90 145.58 – 70 145.32 – 45 144.44 – 60
4.3.4. Mục đích sử dụng nghiệp vụ kỳ hạn
Giao dịch hối đoái kỳ hạn được coi như công cụ phòng chống rủi ro khi tỷ giá biến động
cho các đối tượng tham gia thị trường hối đoái.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư khảo sát biến động tỷ giá trên thị
trường, nếu dự đoán ngoại tệ tăng giá trong tương lai thì quyết định nên mua kỳ hạn, ngược lại
dự đoán ngoại tệ có xu hướng giảm thì tốt nhất nên bán kỳ hạn ngoại tệ nhằm ngăn chặn sự thiệt
hại về thu nhập và tài sản trong tương lai.
Khi giao dịch kỳ hạn cho phép những người tham gia mua, bán có thể xác định thu nhập,
chi phí cũng như lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, giao dịch kỳ hạn còn có nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ việc giao dịch
kỳ hạn cũng trở thành công cụ đầu cơ trên thị trường hối đoái, nhằm để kiếm lợi nhuận thông
qua chênh lệch tỷ giá. Phần lớn ở những quốc gia mà thị trường hối đoái phát triển thì kết thúc
hợp đồng kỳ hạn không phải là việc giao nhận ngoại tệ mà chính là việc thanh toán khoản chênh
lệch giữa tỷ giá giao ngay ở thời điểm khi kết thúc hợp đồng so với tỷ giá kỳ hạn đã được ký kết.
Vì vậy, thị trường kỳ hạn đã thúc đẩy hiện tượng mua bán khống tài chính, các nhà đầu tư kinh
doanh vượt quá khả năng nguồn vốn của mình, đẩy cung cầu ngoại tệ tăng lên một cách giả tạo.
Đây chính là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến khủng hoảng tài chính.
4.4. Nghiệp vụ hối đoái hoán đổi: (Swap operation)
4.4.1. Khái niệm:
Nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ là nghiệp vụ hối đoái kép, trong đó thực hiện việc hoán đổi
một cặp tiền tệ mà hai bên mua và bán cùng một số lượng ngoại tệ với hai ngày giá trị khác
nhau.
Nghiệp vụ swap không chỉ kết hợp đối ứng giữa giao dịch giao ngay với kì hạn, mà thực
tế còn xuất hiện kì hạn đối kì hạn.
4.4.2. Minh họa giao dịch
Một công ty X đến ngân hàng A xin vay 150,000 SGD, thời hạn vay 3 tháng, kèm theo
phương án xin vay hiệu quả. Ngân hàng đồng ý cho vay nhưng trong ngân quỹ chỉ có USD. Vì
vậy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bảo tồn ngân quỹ, ngân hàng A cần thực hiện nghiệp vụ
Swap. Cho biết tỉ giá giao ngay USD/SGD = 1.50; Tỉ giá kì hạn 3 tháng USD/SGD = 1.5009;
RUSD : 5.5.%/năm RSGD : 5.75%/năm
Để có 150,000 SGD cho khách hàng vay thì ngân hàng A sẽ phải bán một lượng USD sẵn
có trên thị trường ngoại hối để đổi lấy SGD. Số USD mà khách hàng A phải bán là: 150,000 /1.5
= 100,000 USD
Ngân hàng A cho công ty X vay 150,000 SGD với thời hạn vay 3 tháng, vậy số tiền SGD
ngân hàng A nhận lại được từ công ty X khi đáo hạn là : 150,000 x (1+ 3/12 x 5.75%) =
152,156.25 SGD.
Đồng thời tại thời điểm bán USD để có SGD cho khách hàng vay, Ngân hàng A kí một
hợp kì hạn mua 100,000 USD với kỳ hạn 3 tháng. Đến ngày đáo hạn của hợp đồng kỳ hạn, ngân
hàng A sẽ dùng số SGD thu được từ việc khách hàng trả nợ để thanh toán cho việc mua USD. Số
tiền ngân hàng A phải chi ra: 100,000 x 1.5009 = 150,090 SGD
Lợi nhuận của ngân hàng A sau 3 tháng khi tham gia vào nghiệp vụ swap: 152,156.25 –
150,090 = 2,006.25 SGD
4.5. Nghiệp vụ hối đoái quyền chọn (Option operation)
4.5.1. Khái niệm:
Quyền chọn ngoại tệ (option) là một công cụ tài chính cho phép người nắm giữ nó có
quyền nhưng không bắt buộc phải mua (call) hay bán (put) một số lượng ngoại tệ nhất định tại
một mức giá xác định vào một ngày cụ thể trong tương lai hoặc trước đó.
Khi mua quyền chọn, người mua quyền phải trả một khoản phí (premium) cho nên có
quyền nhưng không bắt buộc phải mua hoặc bán một số lượng ngoại tệ với một giá xác định vào
một ngày cụ thể trong tương lai hoặc trước đó. Ngược lại, để được quyền hưởng một khoản phí,
người bán quyền phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng nếu người mua yêu cầu.
Nghiệp vụ hối đoái quyền chọn có thể sử dụng cho cả hai mục tiêu: đầu cơ và phòng
ngừa rủi ro tỷ giá.
4.5.2. Các thuật ngữ liên quan được dùng trong nghiệp vụ hối đoái quyền chọn
Người mua quyền chọn (Holder): Người bỏ ra chi phí để nắm giữ quyền chọn (quyền
chọn bán hoặc quyền chọn mua) và có quyền yêu cầu người bán có nghĩa vụ thực hiện quyền
chọn theo ý mình.
Người bán quyền chọn (Writer): Người nhận chi phí mua quyền của người mua quyền
chọn, do đó có nghĩa vụ phải thực hiện quyền chọn theo yêu cầu của người mua quyền chọn.
Tỉ giá thực hiện (Exercise price or strike price): Tỉ giá sẽ được áp dụng nếu người mua
quyền yêu cầu thực hiện quyền chọn.
Trị giá hợp đồng quyền chọn (Volume): Trị giá được chuẩn hóa theo từng loại ngoại tệ
và thị trường giao dịch.
Thời hạn của quyền chọn (Maturity): Thời hạn hiệu lực của quyền chọn. Quá thời hạn
này quyền chọn không còn giá trị.
Phí quyền chọn (phí mua quyền chọn mua hoặc phí mua quyền chọn bán): Chi phí mà
người mua quyền phải trả cho người bán quyền để được nắm giữ hay sở hữu quyền chọn.
Loại quyền chọn. Có 2 loại quyền chọn: Quyền chọn mua (call option) và quyền chọn
bán (put option). Theo đó, quyền chọn mua là kiểu quyền chọn cho phép người mua quyền có
quyền nhưng không bắt buộc phải mua một lượng ngoại tệ ở mức giá xác định trước trong thời
hạn nhất định. Quyền chọn bán là kiểu quyền chọn cho phép người mua quyền có quyền nhưng
không bắt buộc phải bán một lượng ngoại tệ ở mức giá xác định trước trong thời hạn nhất định.
Kiểu quyền chọn: Kiểu giao dịch do hai bên thoải thuận cho phép người mua quyền được
lựa chọn thời điểm thực hiện quyền.
Quyền chọn kiểu Mỹ: cho phép người mua quyền được thực hiện bất cứ thời điểm nào
trong thời hạn hiệu lực của quyền chọn.
Quyền chọn kiểu Châu Âu: chỉ cho phép người mua thực hiện khi quyền chọn đến hạn.
Trạng thái của quyền chọn: ITM (in the money) – lời; ATM (at the money) – hòa vốn ;
OTM (out of the money) – lỗ.
Breakeven point Gain Loss
(điểm hòa vốn) (lời) (lỗ)
Call option SP + premium Unlimited Limited
Buying
Put option SP - premium Unlimted Limited
Selling Call option SP + premium Limited Unlimted
Put option SP - premium Limited Unlimted
4.5.3. Minh họa giao dịch
Công ty ABC cần phải mua 50,000.00 USD để cân đối ngân quỹ vào 3 tháng tới. Tuy
nhiên do phòng kế hoạch dự báo USD sẽ tăng giá so với VND nên ban lãnh đạo công ty ABC
quyết định mua một hợp đồng quyền chọn mua USD tại ngân hàng VCB. Tại thời điểm giao
dịch, VCB niêm yết thông tin hợp đồng quyền chọn như sau:
Maturity Strike price Type Call Put
3m 22,500VND/USD European 50 VND/USD 50 VND/USD
Tỉ giá hòa vốn = Tỉ giá thực hiện + Phí mua quyền chọn mua
= 22,500 + 50 = 22,550.00
Đến 3 tháng sau sẽ có ba tình huống xảy ra:
Tình huống 1: Tỉ giá trên thị trường giao ngay lúc này là 22,300VND/USD (<22,500 –
tỷ giá thực hiện) nên công ty ABC sẽ không thực hiện quyền chọn mua mà chuyển sang mua
USD ở thị trường giao ngay. Chi phí mà công ty ABC bỏ ra cho 1 USD chỉ là: 22,300 + 50 =
22,350 VND. < 22,550.
Tình huống 2: Tỉ giá trên thị trường giao ngay lúc này là 22,520VND/USD (tuy tỉ giá
này thấp hơn tỉ giá hòa vốn nhưng vẫn cao hơn tỉ giá thực hiện) nên công ty ABC vẫn thực hiện
quyền chọn mua khi quyền chọn đến hạn. Chi phí công ty ABC bỏ ra cho 1 USD là: 22,550 <
22,570 (22,520 + 50)
Tình huống 3: Tỉ giá trên thị trường giao ngay lúc này là 22,700VND/USD thì công ty sẽ
thực hiện quyền chọn mua. Lúc này công ty ABC sẽ mua 50,000 USD chỉ với tỉ giá là 22,550
Khoản lãi mà công ty có được từ việc thực hiện hợp đồng là:
(22,700 – 22,500 – 50) x 50,000 = 7,500,000.00 VND
4.6. Thị trường giao sau tiền tệ (Futures market)
4.6.1. Khái quát về thị trường ngoại tệ giao sau
Thị trường ngoại tệ giao sau (currency futures market) là thị trường giao dịch các hợp
đồng mua bán ngoại tệ giao sau, gọi tắt là hợp đồng giao sau.
Hợp đồng giao sau là một sự thỏa thuận mua bán một số lượng ngoại tệ đã biết theo tỉ giá
cố định tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực và việc chuyển giao ngoại tệ được thực hiện vào một
ngày trong tương lai được xác định bởi Sở giao dịch.
4.6.2. Thành phần tham gia giao dịch:
Nhà kinh doanh ở sàn giao dịch (floor traders): thường là các nhà đầu cơ (speculators)
hoặc đại diện các ngân hàng, công ty sử dụng thị trường giao sau để bổ sung cho các giao dịch kì
hạn.
Nhà môi giới ở sàn giao dịch (floor brokers): nói chung là đại diện của các công ty đầu
tư, những công ty chuyên môi giới đầu tư hưởng hoa hồng.
4.6.3. Cơ chế giao dịch:
Tất cả các hợp đồng giao sau đều thực hiện giao dịch ở sở giao dịch có tổ chức. Sở giao
dịch là người đề ra qui chế và kiểm soát hoạt động của hội viên. Hội viên của sở giao dịch là các
cá nhân, có thể là đại diện của các công ty, ngân hàng thương mại hay cá nhân có tài khoản
riêng.
Sở giao dịch giới hạn số lượng hội viên và vì thế quyền hội viên có thể được mua bán cho
thuê hay ủy quyền giao dịch lại cho các nhà giao dịch không phải hội viên. Các công ty môi giới
có quyền cử đại diện của mình ở sàn giao dịch.
Thị trường giao sau tiền tệ thường được giao dịch theo hai hình thức: rao giá công khai
(open outcry) và giao dịch điện tử.
4.6.4. Đặc điểm của thị trường giao sau
Thị trường giao sau thực chất là thị trường kì hạn được tiêu chuẩn hóa về các loại ngoại
tệ, số lượng ngoại tệ qui định cho mỗi lần giao dịch và ngày chuyển giao ngoại tệ. Khác với hợp
đồng có kì hạn, hợp đồng giao sau chỉ sẵn sàng cung cấp đối với một vài loại ngoại tệ. Chẳng
hạn, thị trường Chicago chỉ cung cấp hợp đồng giao sau với 6 loại ngoại tệ mạnh là GBP, CAD,
EUR, JPY, CHF và AUD. ( Tham khảo trên Chicago Mercantile Exchange).
Để đảm bảo sự vận hành ổn định của thị trường giao sau, phòng thanh toán bù trừ
(clearing house) được lập ra và hoạt động như người bán của tất cả người mua và như người mua
của tất cả người bán. Người mua và người bán đều có tài khoản riêng để tiến hành thanh toán
hằng ngày.
Khi muốn giao dịch mua bán ngoại tệ giao sau thì người mua và người bán đều phải thực
hiện kí quĩ ban đầu (initial margin), mức kí quĩ này được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị
hợp đồng tài phòng thanh toán bù trừ. Số tiền kí quĩ sẽ được tính toán và điều chỉnh hằng ngày.
Phòng thanh toán bù trừ sử dụng số tiền kí quĩ để thực hiện thanh toán hằng ngày giữa một bên
lời và lỗ, nếu như có chênh lệch giữa tỉ giá thị trường với tỉ giá thỏa thuận khi kí hợp đồng giao
sau. Nếu số tiền kí quĩ thấp hơn mức kí quĩ duy trì (maintainable margin) thì người mua hoăc
người bán phải kí quĩ bổ sung (variation margin).
Hợp đồng giao sau có tính thanh khoản cao bởi vì phòng thanh toán bù trừ sẵn sàng đứng
ra “đảo hợp đồng” bất cứ khi nào có một bên yêu cầu. Khi đảo hợp đồng thì hợp đồng cũ bị xóa
bỏ và hai bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch giá trị tại thời điểm đảo hợp đồng.
Hầu hết các hợp đồng giao sau yết giá theo kiểu Mỹ (yết giá trực tiếp)
Hợp đồng giao sau cung cấp những hợp đồng có giá trị nhỏ dễ dàng và thuận lợi trong
giao dịch.
4.6.5. Minh họa việc thực hiện một hợp đồng ngoại tệ giao sau:
Ngày 1/6 công ty ABC kí hợp đồng giao sau, mua 125,000.00 GBP tức hai hợp đồng
Futures. Với tỉ giá GBP/USD = 1.6 tương đương với 200,000.00 USD. Kí quĩ 5% hợp đồng là
5,000.00 USD/1 hợp đồng. Số tiền kí quĩ 2 hợp đồng Futures là 10,000.00 USD. Nếu người mua
hoặc người bán thua lỗ, số tiền kí quĩ ở mức dưới 1,500.00 USD (kí quĩ tối thiểu) cho mỗi hợp
đồng thì phải kí quĩ bổ sung.
Giá trị hợp Lãi (- Kí quĩ
Tỉ giá Số tiền kí
đồng giao Lỗ) Lãi (lỗ) lũy kế bổ sung
Ngày GBP/USD quĩ
sau USD Gain (Accumulated (Margin
(Date) (FX – (Deposit)
(Contract (-Loss) result) USD calls)
GBP/USD) USD
value) USD USD USD
1/6 1.6 200,000 10,000
2/6 1.598 199,750 -250 -250 9,750
3/6 1.598 199,750 0 -250 9,750
4/6 1.5982 199,775 +25 -225 9,775
5/6 1.5960 199,500 -275 -500 9,500
……
3/7 1.4 175,000 -200 -25,000 2,500 500
….
CHƯƠNG III.
CÁC PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN QUỐC TẾ
1. HỐI PHIẾU (BILL OF EXCHANGE/DRAFT)
1.1. Sơ lược về sự hình thành và phát triển của hối phiếu
Hối phiếu được biết đến từ xa xưa như một phương tiện tín dụng và thanh toán trong
thương mại. Thoạt tiên hối phiếu mới chỉ hình thành dưới hình thức hối phiếu tự nhận nợ (ngày
nay có tên gọi là lệnh phiếu), là loại hối phiếu do con nợ tự lập ra và trao cho chủ nợ (thường là
người bán). Do lệnh phiếu không tạo được sự chủ động trong việc đòi nợ của người bán đối với
người mua nên từ thế kỷ XVI, bắt đầu xuất hiện hối phiếu đòi nợ, là loại hối phiếu do chủ nợ lập
và gởi cho con nợ để yêu cầu thanh toán. Vào thời kỳ này việc chuyển nhượng hối phiếu đã phát
triển mạnh với hình thức ký hậu, và điều này làm cho hối phiếu trở thành một phương tiện thanh
toán phổ biến trong lưu thông. Một loạt các đạo luật riêng lẻ về hối phiếu xuất hiện ở nhiều nước
trên thế giới, tuy nhiên do vai trò ngày càng tăng của hối phiếu trong thương mại quốc tế đòi hỏi
phải xây dựng một Luật quốc tế thống nhất về hối phiếu.
Năm 1912, Hội nghị quốc tế đầu tiên về hối phiếu đã được tổ chức tại Den Haag (không
có sự tham gia của Mỹ và Anh). Hội nghị đã ra tuyên bố chung về hướng dẫn các quy định của
hối phiếu trong các nước thành viên. Tuy nhiên, tuyên bố chung này đã hết hiệu lực khi chiến
tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.
Năm 1930, một hội nghị về Luật hối phiếu được tổ chức tại Giơ-ne-vơ, các nước thành
viên đã đi đến ký kết một công ước quốc tế, trong đó có ban hành một luật điều chỉnh về hối
phiếu gọi là “Luật thống nhất về hối phiếu” (Uniform Law for Bills of Exchange) viết tắt là ULB
1930 mà ngày nay vẫn có ý nghĩa quan trọng.
Năm 1982, Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc cũng ban hành văn kiện
số A/CN, 9/211 ngày 18/2/1982 về kỳ phiếu và hối phiếu quốc tế nhằm sử dụng cho cả thế giới
nhưng ý định này không thành công.
Ngày nay, công ước Giơ-ne-vơ được áp dụng rộng rãi ở các nước. Tuy nhiên có 2 nước
không theo công ước này là Mỹ và Anh, 2 nước này ban hành luật riêng lẻ của họ. Tuy nhiên,
công ước Giơ – ne – vơ có nhược điểm là chứa đựng một số xung đột. Những xung đột cơ bản có
thể kể đến bao gồm:
 Hình thức trình bày hối phiếu phụ thuộc vào luật quốc gia nơi mà nó được ký
 Năng lực của người chịu nghĩa vụ trên hối phiếu phụ thuộc vào luật quốc gia của
người đó.
 Hậu quả của nghĩa vụ chính thức của người chấp nhận hối phiếu và của nghĩa vụ
của người ký phát hối phiếu phụ thuộc vào luật được áp dụng tại nơi thanh toán.
 Hình thức kháng kiện và thời gian hiệu lực cho kháng kiện phụ thuộc vào luật
quốc gia nơi mà hối phiếu kháng kiện.
 Luật áp dụng nơi thanh toán sẽ được xác định tiêu chuẩn để đánh giá nếu hối
phiếu bị mất hoặc hư hỏng.
Trên thế giới, cho đến nay, về phương diện pháp lý, có 4 nguồn luật điều chỉnh lưu thông
hối phiếu. Đó là: (1) Luật thống nhất về hối phiếu (Uniform Law for Bills of Exchange – ULB
1930); (2) Luật hối phiếu của Anh 1882 (Bills of Exchange Act of 1882 – BEA); (3) Luật thương
mại thống nhất của Mỹ (Uniform Commercial Code of 1995 – UCC); (4) Hối phiếu và lệnh
phiếu quốc tế (International Bills of Exchange and Promissory Note) do Ủy ban luật thương mại
quốc tế của Liên hiệp quốc ban hành 1982.
Trong đó, Luật thống nhất hối phiếu (ULB 1930) được nhiều nước thống nhất sử dụng
như: Úc, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ý, Luxembourg, Monaco, Hà Lan,
Ba Lan, Nga, Braxin, Nhật…
Pháp tham gia Công ước Giơ – ne – vơ 1930, nhưng chính thức áp dụng ULB năm 1936.
Việt Nam lúc đó là thuộc địa của Pháp nên cũng áp dụng luật này từ 1937 theo nghị định của
Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.
Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005/QH 11 (hay còn gọi là Luật các công cụ
chuyển nhượng Việt Nam) chính thức ra đời và được áp dụng tại Việt Nam từ ngày 29 tháng 11
năm 2005. Luật này điều chỉnh các quan hệ công cụ chuyển nhượng trong việc phát hành, chấp
nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện. Công cụ
chuyển nhượng quy định trong luật này gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ (lệnh phiếu),
séc, công cụ chuyển nhượng khác, trừ công cụ nợ dài hạn được tổ chức phát hành nhằm huy
động vốn trên thị trường. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, Việt Nam, tổ chức, cá nhân
nước ngoài tham gia vào quan hệ công cụ chuyển nhượng trên lãnh thổ nước cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam (điều 2). Chương II của luật về các công cụ chuyển nhượng Việt Nam gồm
37 điều khoản về việc lập, phát hành, chấp nhận, chuyển nhượng, bảo lãnh…hối phiếu đòi nợ.
Các điều khoản này cũng dựa trên các điểm cơ bản của ULB 1930. Mặt khác, khi lập và sử dụng
hối phiếu trong các phương thức thanh toán quốc tế, bên cạnh luật các công cụ chuyển nhượng
của Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam vẫn tuân theo ULB 1930 nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra
khi có xung đột về quyền lợi giữa các bên có liên quan.
1.2. Khái niệm
Hối phiếu là một mệnh lệnh đòi tiền vô điều kiện do một người ký phát cho người khác,
yêu cầu người này khi nhìn thấy hối phiếu, hoặc đến một ngày nhất định trong tương lai, phải trả
một số tiền nhất định cho một người thụ hưởng (có thể là người phát hành hối phiếu hoặc người
thứ 3), hoặc trả cho người cầm hối phiếu tại thời điểm đó.
1.3. Các đối tượng liên quan đến hối phiếu
Người kí phát hối phiếu Người bị kí phát (người trả Người hưởng lợi hối phiếu
(Drawer) tiền) hối phiếu (Beneficiary)
(Drawee)
Người bán Người mua Người kí phát hối phiếu
Đại diện đơn vị xuất khẩu, Đại diện đơn vị nhập khẩu Người do người kí phát hối
cung ứng dịch vụ Ngân hàng mở L/C, xác nhận phiếu chỉ định
…… L/C, thanh toán L/C Người cầm hối phiếu
Người nhận cung ứng dịch vụ (Lưu ý: Theo qui định quản lý
……. ngoại hối ở hầu hết các nước,
người hưởng lợi thường là các
ngân hàng thương mại mà
người kí phát xuất trình hối
phiếu để được thanh toán)
1.4. Đặc điểm của hối phiếu
Hối phiếu có 3 đặc điểm
Tính trừu tượng: Hối phiếu không cần phải ghi rõ nội dung quan hệ kinh tế phát sinh ra
hối phiếu. Tính pháp lý của tờ hối phiếu không gắn với nguyên nhân phát sinh ra nó. Tuy nhiên,
các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực thanh toán thì cần ghi rõ như: số tiền phải trả là bao nhiêu
và trả cho ai, người nào sẽ thanh toán, thanh toán khi nào...
Tính bắt buộc trả tiền: Người trả tiền của hối phiếu phải trả tiền đầy đủ đúng theo yêu
cầu của tờ hối phiếu. Người trả tiền không được viện lý do riêng của bản thân đối với người kí
phát hối phiếu, để từ chối trả tiền.
Tính lưu thông của hối phiếu: Hối phiếu có thể chuyển nhượng từ người này sang người
khác trong thời hạn của hối phiếu, người trả tiền sẽ thanh toán cho người đang sở hữu hối phiếu.
1.5. Hình thức của hối phiếu
 Hối phiếu phải được lập thành văn bản
 Hình mẫu hối phiếu dài hay ngắn không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của nó. Hối phiếu
có thể viết tay, đánh máy, in sẵn…đều có giá trị.
 Ngôn ngữ tạo lập hối phiếu phải đồng nhất. Hiện nay, ngôn ngữ thông dụng được sử
dụng để tạo lập hối phiếu là tiếng Anh
 Không được viết hối phiếu bằng viết chì, mực dễ phai, mực đỏ. Đồng thời không được
tẩy xóa và sửa chữa hối phiếu
 Hối phiếu có thể lập một hay nhiều bản. Thông thường là hai bản, mỗi bản đều đánh số
thứ tự và có giá trị ngang nhau. Hối phiếu không có bản chính, bản phụ.
1.6. Nội dung chính của hối phiếu
Theo qui định thống nhất về hối phiếu (ULB1930), hối phiếu có giá trị pháp lý là hối
phiếu được lập ra với đầy đủ nội dung sau:
 Tiêu đề hối phiếu: Bill of Exchange hoặc Exchange
 Địa điểm kí phát hối phiếu: địa chỉ của người kí phát hối phiếu
 Ngày tháng kí phát hối phiếu: ngày tạo lập hối phiếu, ngày này không thể trước ngày giao
hàng ghi trên vận tải đơn, hóa đơn hoặc không thể sau ngày hết thời hạn hiệu lực của L/C
 Mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện: Hối phiếu bắt buộc phải ghi câu “Trả tiền theo lệnh
của…” (Pay to the order of…)
 Số tiền và loại tiền: số tiền được ghi cả bằng số lẫn bằng chữ.
 Kì hạn trả tiền trên hối phiếu: Trả tiền ngay ( Sight Bill of Exchange) hoặc Trả tiền sau
(Usance Bill of Exchange)
 Người hưởng lợi (Beneficiary)
 Người trả tiền hối phiếu/ người bị kí phát hối phiếu (Drawee): phải được thể hiện cụ thể,
chi tiết bao gồm tên và địa chỉ và được ghi vào góc dưới bên trái của hối phiếu. Tức là
ghi vào chỗ “To…”
 Người kí phát hối phiếu: được ghi ở góc dưới bên phải của tờ hối phiếu và người kí phát
hối phiếu phải kí tên bằng chữ kí thông dụng trong giao dịch.
1.7. Các nghiệp vụ liên quan đến việc lưu thông hối phiếu.
1.7.1. Chấp nhận hối phiếu (Acceptance)
Chấp nhận hối phiếu là một hình thức xác nhận việc cam kết thanh toán của người trả tiền
hối phiếu khi hối phiếu đến hạn. Nghiệp vụ này liên quan đến các hối phiếu trả chậm.
Sự chấp nhận hối phiếu được thực hiện bằng cách: người trả tiền ghi vào mặt trước, góc
dưới bên trái của tờ hối phiếu bằng chữ “Chấp nhận” (Accepted) kế bên là chữ kí của người trả
tiền. Nếu mặt trước đã đầy kín thì người chấp nhận trả tiền có thể kí chấp nhận ở mặt sau. Hoặc
có thể chấp nhận bằng một thông báo chấp nhận (điện swift chấp nhận)
1.7.2. Kí hậu hối phiếu (Endorsement)
Kí hậu hối phiếu là một thủ tục để chuyển nhượng hối phiếu từ người hưởng lợi này sang
người hưởng lợi khác. Nghiệp vụ này áp dụng cho các hối phiếu được lập theo lệnh.
Việc kí hậu sẽ được thực hiện bằng cách người chuyển nhượng hối phiếu phải kí vào mặt
sau của tờ hối phiếu rồi chuyển nhượng hối phiếu cho người được chuyển nhượng. Việc kí hậu
có thể được thực hiện một trong bốn hình thức sau:
 Ký hậu để trắng (Blank endorsement): người chuyển nhượng chỉ đơn giản kí tên vào
mặt sau và không chỉ định tên người được hưởng  người nào cầm được hối phiếu thì có quyền
hưởng lợi số tiền ghi ở trên hối phiếu.
 Kí hậu theo lệnh (To order endorsement): hay còn gọi là kí hậu đặc biệt (Special
endorsement): Là cách kí hậu trong đó chỉ định người bị kí phát trả theo lệnh của ai đó. Ví dụ:
Pay to the order of Company ABC hoặc là pay to the order of Vietcombank.  Kí hậu theo lệnh
tạo điều kiện để hối phiếu được chuyển nhượng liên tục từ người này sang người khác bằng cách
kí hậu nối tiếp. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng bằng thủ tục kí hậu cuối cùng phải được thực
hiện trước khi hối đến hạn thanh toán.
 Kí hậu hạn chế (Nominated or Restrictive endorsement): Người chuyển nhượng chỉ
đích danh người hưởng lợi kế tiếp và chỉ có người đó mà thôi. Ví dụ Pay to A, Pay to VCB 
Người thụ hưởng kế tiếp không được quyền kí hậu để chuyển nhượng hối phiếu cho người khác.
 Kí hậu miễn truy đòi (Without recourse endorsement): Là cách kí hậu trong đó người kí
hậu ghi thêm câu “miễn truy đòi”  Nếu hối phiếu không được thanh toán thì miễn truy đòi lại
tiền của người kí hậu.
Ý nghĩa pháp lý của việc ký hậu:
 Thừa nhận quyền hưởng lợi hối phiếu đối với người được chuyển nhượng.
 Xác định trách nhiệm của người ký hậu về việc trả tiền hối phiếu đối với người được
chuyển nhượng.
1.7.3. Chiết khấu hối phiếu:
Chiết khấu hối phiếu là nghiệp vụ tín dụng phổ biến của ngân hàng. Người bán hoặc
người hưởng lợi hối phiếu chuyển nhượng hối phiếu chưa đến hạn trả tiền cho ngân hàng thấp
hơn số tiền ghi trên hối phiếu. Chênh lệch đó là lợi tức chiết khấu mà ngân hàng được hưởng từ
việc chiết khấu hối phiếu.
1.7.4. Bảo lãnh hối phiếu (Guarantee)
Bảo lãnh là sự cam kết của người thứ ba trả tiền cho người hưởng lợi hối phiếu nếu người
trả tiền không thực hiện nghĩa vụ hoặc thanh toán không đầy đủ nghĩa vụ của mình khi đến hạn
trả tiền. Thông thường người đứng ra bảo lãnh hối phiếu là ngân hàng.
Hình thức bảo lãnh được thực hiện bằng cách ghi chữ bảo lãnh “Guarantee” vào mặt
trước hoặc sau của tờ hối phiếu và người bảo lãnh sẽ kí tên lên hối phiếu. Ngoài ra, ở một số
nước việc bảo lãnh cũng có thế được thực hiện bằng một văn thư riêng gọi là bảo lãnh bí mật.
1.7.5. Kháng nghị (Protest)
Kháng nghị là một thủ tục pháp lý bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ, đó là bản tuyên bố của
công chứng viên, người đại diện cơ quan pháp luật, xác thực tình trạng không trả nợ của con nợ.
Thông thường, công chứng viên sẽ gửi thông báo cho con nợ trước, nếu không có phản ứng thì
mới lập giấy kháng nghị. Người bị từ chối trả tiền phải gửi giấy kháng nghị cho người chấp nhận
trả tiền và những người có liên quan như người bảo lãnh, người kí hậu chuyển nhượng. Giấy
kháng nghị phải do người hưởng lập ra trong thời gian không quá hai ngày làm việc kể từ ngày
hết hạn thanh toán của hối phiếu.
1.8. Phân loại hối phiếu
a. Căn cứ vào người kí phát hối phiếu:
 Hối phiếu thương mại (Commercial Bills)
 Hối phiếu ngân hàng (Bank Bills)
b. Căn cứ vào thời hạn trả tiền:
 Hối phiếu trả ngay (Sight Draft or Draft at sight)
 Hối phiếu trả chậm (Time Draft/ Usance draft)
c. Căn cứ vào chứng từ kèm theo:
 Hối phiếu trơn (Clean draft)
 Hối phiếu kèm theo chứng từ (documentary draft)
d. Căn cứ vào người thụ hưởng:
 Hối phiếu đích danh (Nominated draft)
 Hối phiếu vô danh (Bearer draft)
 Hối phiếu trả theo lệnh (Order draft)
2. LỆNH PHIẾU (PROMISSORY NOTE)
2.1. Khái niệm
Lệnh phiếu là một lời hứa, lời cam kết trả tiền trong đó người kí phát, cam kết sẽ trả một
số tiền nhất định vào một ngày xác định cho người thụ hưởng lệnh phiếu hoặc theo lệnh của
người đó.
2.2. Các đối tượng liên quan đến lệnh phiếu
Người ký phát lệnh phiếu (Drawer) Người hưởng lợi lệnh phiếu (Beneficiary)
 Người mua  Người bán
 Đại diện đơn vị nhập khẩu  Đơn vị xuất khẩu
 Người nhận cung ứng hàng hóa, dịch vụ  Người do đơn vị xuất khẩu chỉ định
 Người cam kết trả tiền  Người cầm lệnh phiếu.
2.3. Đặc điểm lưu thông của lệnh phiếu
Lệnh phiếu là một công cụ hứa trả tiền, chứ không phải công cụ đòi tiền, cho nên muốn
lưu thông thường phải được một người thứ ba đứng ra bảo lãnh thanh toán, trừ trường hợp người
lập lệnh phiếu là người có uy tín lớn về tài chính.
Lệnh phiếu là một công cụ hứa trả tiền vô điều kiện nên trong lưu thông không phát sinh
yêu cầu chấp nhận thanh toán.
Người lập lệnh phiếu phải phát hành lệnh phiếu trước khi người thụ hưởng lệnh phiếu
thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng giao dịch cơ sở. Sau khi thực hiện nghĩa vụ, người thụ hưởng
mới ủy thác cho ngân hàng thu tiền của lệnh phiếu từ người lập phiếu.
Các qui định pháp lý đối với hối phiếu có thể áp dụng để điều chỉnh đối với lệnh phiếu,
trong chừng mực không trái đối với tính chất và đặc điểm của lệnh phiếu.Ví dụ như các qui định
liên quan đến nghiệp vụ lưu thông hối phiếu.
2.4. Nội dung của lệnh phiếu
Theo qui định của luật thống nhất về hối phiếu (ULB 1930), lệnh phiếu có giá trị pháp lý
là lệnh phiếu được lập ra với đầy đủ nội dung sau:
 Tiêu đề của lệnh phiếu phải ghi chữ “PROMISSORY NOTE” ở mặt trước. Thông thường
tiêu đề này được viết bằng thứ tiếng mà chứng từ này được soạn thảo
 Số tiền và loại tiền
 Lời hứa trả tiền vô điều kiện: bắt buộc phải ghi câu “ Promise to pay…”
 Ngày tháng phát hành lệnh phiếu
 Địa điểm kí phát lệnh phiếu
 Thời hạn thanh toán: Tương tự như kì hạn trả tiền của hối phiếu
 Người hưởng lợi lệnh phiếu
 Người kí phát lệnh phiếu: Thông thường được ghi ở góc dưới bên phải của tờ lệnh phiếu
và người kí phát phải kí tên bằng chữ kí thông dụng trong giao dịch.
3. SÉC (CHEQUE/ CHECK)
Nếu như hối phiếu hình thành trên cơ sở lưu thông hàng hóa thì séc được hình thành trên
cơ sở lưu thông tín dụng ngân hàng. Những người có tiền gửi không kì hạn có tính chất thanh
toán ở ngân hàng đều có thể yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình để trả cho người
khác. Yêu cầu này được làm thành văn bản dưới một hình mẫu nhất định, đó là Séc.
Năm 1931, khoảng 26 nước đã họp tại Giơ – ne – vơ để ký một công ước quốc tế về Séc.
Tuy nhiên có 2 nước có tầm quan trọng lớn lao về kinh tế là Mỹ và Anh đã không tham gia vào
công ước này. Vì vậy phải phân biệt Luật Séc Giơ – ne - vơ là Luật Séc Mỹ, Anh. Hiện nay,
Công ước Giơ – ne – vơ về Séc năm 1931 được nhiều nước áp dụng và văn bản pháp lý quốc tế
cơ bản trong quá trình sử dụng Séc.
3.1. Khái niệm
Séc là một tờ mệnh lệnh vô điều kiện của người chủ tài khoản tiền gửi, ra lệnh cho Ngân
hàng trích từ tài khoản của mình một số tiền nhất định để trả cho người cầm séc, người có tên
trong séc hoặc trả theo lệnh của người ấy.
3.2. Những đối tượng liên quan đến nghiệp vụ thanh toán bằng séc.
Người phát hành séc: chủ tài khoản, người mua hàng, người nhận cung ứng, người nợ
tiền lập ra séc để trả nợ.
Ngân hàng thanh toán: ngân hàng trả tiền tờ séc.
Người nhận tiền (người thụ hưởng): người được hưởng số tiền ghi trên tờ séc.
3.3. Nội dung của séc
Tờ séc muốn có hiệu lực bắt buộc phải có những yếu tố sau:
 Tiêu đề “ Cheque”
 Số tiền của tờ Séc: số tiền tờ séc thể hiện vừa bằng số vừa bằng chữ và phải khớp với
nhau.
 Địa điểm và ngày tháng phát hành séc
 Tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản của người phát hành séc
 Tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản (nếu có) của người thụ hưởng
 Chữ kí của người kí phát
Tùy từng loại séc mà có thêm một số nội dung khác. Séc cũng có thể do một ngân hàng
này phát hành để lãnh tiền tại một ngân hàng khác.
3.4. Điều kiện và thời hạn hiệu lực của séc
3.4.1. Điều kiện để được phát hành séc:
 Người kí phát séc phải có tài khoản ở ngân hàng và tài khoản phải có đủ số dư để chi trả
khi séc được phát hành.
 Người kí phát séc được ngân hàng cấp cho tài khoản tín dụng thấu chi để có thể phát séc
mà trên tài khoản không cần có số dư có.
3.4.2. Thời hạn hiệu lực của Séc:
Luật thống nhất về Séc năm 1931 quy định thời hạn hiệu lực của Séc như sau:
 8 ngày làm việc kể từ ngày phát hành nếu séc lưu thông trên cùng một nước
 20 ngày làm việc nếu séc lưu thông ra nước ngoài nhưng trên cùng châu lục
 70 ngày làm việc nếu séc lưu thông không cùng châu lục
Theo luật các công cụ chuyển nhượng Việt Nam thời hạn xuất trình Séc là 30 ngày kể từ
ngày ký phát. Điều 71, mục 4 của luật này còn qui định nếu Séc được xuất trình sau thời hạn
xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 6 tháng kể ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể
thanh toán nếu người bị ký phát không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với Séc đó
và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.
Luật Anh – Mỹ không qui định thời hạn hiệu lực cụ thể của Séc mà Séc phải xuất trình để
lãnh tiền trong “thời hạn hợp lý” do ngân hàng xác định.
3.5. Phân loại séc
3.5.1. Căn cứ vào tính lưu chuyển của séc. Séc có 3 loại:
Séc đích danh (Nominal cheque): Là loại séc ghi đích danh người thụ hưởng tấm séc,
séc này không thể chuyển nhượng, chỉ người có tên được ghi trên tấm séc mới được nhận tiền
Séc vô danh (Cheque to bearer): Là loại séc không ghi tên người thụ hưởng nhất định
nào, mà chỉ yêu cầu trả tiền cho người cầm séc.Loại séc này có thể chuyển nhượng bằng cách
trao tay, ai cầm séc thì đều có thể đến ngân hàng lãnh tiền.
Séc theo lệnh (Cheque to order): Là loại séc có ghi câu “trả tiền theo lệnh ông (bà)…”.
Loại séc này có thể chuyển nhượng cho người khác bằng thủ tục kí hậu chuyển nhượng.
3.5.2. Căn cứ vào đặc điểm sử dụng séc.
Séc gạch chéo (crossed cheque): Là loại séc mà mặt trước của séc có hai gạch chéo song
song với nhau. Gạch chéo là để chỉ tờ séc không được rút tiền mặt, chỉ dùng để thanh toán
qua ngân hàng. Séc gạch chéo có hai loại:
 Séc gạch chéo thường (cheque crossed generally): có đặc điểm là giữa 2 gạch
chéo không ghi tên ngân hàng lĩnh hộ tiền.
 Séc gạch chéo đặc biệt (cheque crossed specially): có đặc điểm là giữa 2 gạch
song song có ghi tên một ngân hàng lĩnh tiền. Do đó, người hưởng lợi chỉ được thanh
toán tại ngân hàng này.
Séc chuyển khoản (Transferable cheque): Là loại séc mà người kí phát séc ra lệnh cho
ngân hàng trích tiền từ tài khoản của mình để chuyển trả sang một tài khoản khác của một người
khác trong hoặc khác ngân hàng. Séc chuyển khoản không thể chuyển nhượng được và không
thể lĩnh được tiền mặt.
Séc xác nhận (Certified cheque): Là loại séc được ngân hàng xác nhận đảm bảo việc trả
tiền. Mục đích của việc xác nhận là nhằm đảm bảo khả năng chi trả của tờ séc, chống phát séc
khống.
Séc du lịch (Traveller cheque): còn gọi là séc lữ hành, séc này do một ngân hàng phát
hành và được trả tiền tại bất cứ một chi nhánh hay đại lý của ngân hàng đó. Ngân hàng phát hành
séc đồng thời cũng là ngân hàng trả tiền. Trên séc du lịch phải có chữ kí của người thụ hưởng.
Khi lĩnh tiền tại ngân hàng được chỉ định, người thụ hưởng phải kí tại chỗ để ngân hàng kiểm tra,
nếu đúng, ngân hàng mới trả tiền. Thời hạn hiệu lực của séc du lịch là vô hạn. Trên séc du lịch
có ghi rõ khu vực của ngân hàng trả tiền, ngoài khu vực đó, sẽ không có giá trị lĩnh tiền.
3.6. Các nghiệp vụ lưu thông séc
3.6.1. Lưu thông chuyển giao
Là việc lưu thông séc từ địa điểm phát hành séc đến địa điểm trả tiền séc nhưng không
làm thay đổi quyền sở hữu séc của người thụ hưởng séc
Ví dụ: Nhà nhập khẩu sau khi nhận hàng xong sẽ kí phát séc để trả tiền cho nhà xuất
khẩu và trực tiếp trao séc cho nhà xuất khẩu. Nhà xuất khẩu sau khi nhận được tấm séc sẽ mang
đến ngân hàng phục vụ mình để nhờ ngân hàng này thu hộ. Ngân hàng nước xuất khẩu bằng
nghiệp vụ của mình sẽ ủy thác cho ngân hàng nước nhập khẩu thu séc. Ngân hàng nước nhập
khẩu sẽ xuất trình séc cho nhà nhập khẩu để yêu cầu trả tiền.
3.6.2. Lưu thông chuyển nhượng séc (thông qua nghiệp vụ kí hậu séc)
Là việc chuyển giao séc từ người thụ hưởng này sang người thụ hưởng khác có làm thay
đổi quyền hưởng lợi séc giữa các người thụ hưởng. Việc chuyển giao séc theo hình thức này
được thực hiện bằng thủ tục kí hậu.
3.6.3. Bảo lãnh thanh toán
Là việc người thứ ba cam kết với người thụ hưởng séc sẽ thanh toán vô điều kiện một
phần hay toàn bộ số tiền của séc nếu khi xuất trình mà séc không được trả tiền.
4. THẺ THANH TOÁN
4.1. Khái niệm
Thẻ thanh toán là phương tiện thanh toán do các ngân hàng, định chế tài chính phát hành
và người sở hữu thẻ có thể sử dụng thẻ có thể sử dụng nó để nạp, rút tiền mặt tại các máy, các
quầy tự động của ngân hàng, có thể sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa dich vụ hoặc có thể
sử dụng để chuyển khoản.
4.2. Mô tả kỹ thuật của thẻ thanh toán
4.2.1. Mặt trước của thẻ: Tên tổ chức, ngân hàng phát hành thẻ

Số của thẻ

Thương hiệu của tổ


Thời hạn hiệu lực của thẻ
chức thẻ quốc tế

Tên của chủ thẻ


4.2.2. Mặt sau của thẻ:

4.3. Các thành viên tham gia trong quy trình thanh toán thẻ
4.3.1. Tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT – Card Association):
Là tổ chức cấp phép thành viên cho các ngân hàng phát hành (NHPH) và ngân hàng
thanh toán thẻ (NHTT). TCTQT có nhiệm vụ chính là cung cấp mạng lưới viễn thông toàn cầu
phục vụ cho qui trình thanh toán thẻ, đưa ra các điều lệ, quy chế hoạt động thanh toán thẻ và là
trung gian giải quyết tranh chấp khiếu nại giữa các thành viên. (Visa, MasterCard, American
Express, JCB, Diners Club International)
4.3.2. Ngân hàng phát hành thẻ (Card Issuing Bank):
Là ngân hàng chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ xin cấp thẻ, xử lý và phát hành thẻ, mở và
quản lý tài khoản thẻ, đồng thời thực hiện việc thanh toán cuối cùng với chủ thẻ.
Ngân hàng phát hành thẻ quốc tế phải được phép hoạt động ngoại hối, dịch vụ thanh toán quốc tế
và phải là thành viên của tổ chức thẻ quốc tế.
4.3.3. Ngân hàng đại lý (Acquirer):
Ngân hàng đại lý còn gọi là ngân hàng thanh toán thẻ, là ngân hàng có trách nhiệm thanh
toán khi nhận được các chứng từ do cơ sở chấp nhận thẻ xuất trình, đồng thời có trách nhiệm trả
tiền mặt theo yêu cầu của chủ thẻ.
4.3.4. Cơ sở chấp nhận thẻ (Merchant):
Cơ sở chấp nhận thẻ là các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ khi bán hàng, cung ứng
dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện hay các đơn vị ứng tiền mặt,
các ngân hàng đại lý. Cơ sở chấp nhận thẻ có thể được trang bị máy cấp phép tự động (Electronic
Data Capture), máy cà tay hóa đơn thẻ (Imprinter) để thực hiện thanh toán thẻ.
4.3.5. Chủ thẻ (Card holder)
Chủ thẻ là người có tên ghi trên thẻ được dùng thẻ để nộp, rút tiền mặt, để chi trả, thanh
toán hàng hóa dịch vụ. Chủ thẻ có thể là cá nhân hoặc là người được các công ty ủy quyền nếu là
thẻ công ty được ngân hàng phát hành cấp thẻ để sử dụng. Hiện nay, để tạo tính thuận tiện cho
việc sử dụng thẻ, các ngân hàng đã phát hành cho chủ thẻ thêm một thẻ phụ. Do đó, ở một số
trường hợp cần phân biệt chủ thẻ chính và chủ thẻ phụ.
 Chủ thẻ chính: người đứng tên đề nghị ngân hàng cấp thẻ và hoàn toàn chịu trách nhiệm
xử lý, thanh toán các vấn đề có liên quan sử dụng thẻ của mình, kể cả thẻ phụ phát hành
theo thẻ chính
 Chủ thẻ phụ: là người được cấp thẻ theo đề nghị của chủ thẻ chính.
4.4. Quy trình lưu thông của thẻ

4
Card Holder Merchant

3b
3a
5
1 2 8 ATM 6

Card Issuing 3a Acquirer


Bank
7

Bước 1: Chủ thẻ yêu cầu ngân hàng phát hành cấp thẻ
Bước 2: Ngân hàng phát hành cấp thẻ cho chủ thẻ.
Bước 3: Có hai trường hợp
 Khách hàng giao dịch tiền mặt (3a): Khách hàng có thẻ dùng thẻ để nộp tiền mặt hay rút
tiền tại các máy ATM đặt tại các nơi công cộng hay tại ngân hàng đại lý
 Khách hàng thanh toán hàng hóa dịch vụ (3b): Khách hàng dùng thẻ mua hàng hóa, dịch
vụ tại cơ sở chấp nhận thẻ.
Bước 4: Sau khi kiểm tra và giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho khách hàng, cơ sở chấp
nhận trả lại thẻ cho khách hàng.
Bước 5: Lập hóa đơn và gửi ngân hàng đại lý yêu cầu thanh toán.
Bước 6: Ngân hàng đại lý kiểm tra hóa đơn, nếu hợp lệ sẽ thanh toán cho cơ sở chấp nhận thẻ.
Bước 7: Ngân hàng đại lý yêu cầu ngân hàng phát hành thanh toán toàn bộ số tiền mà ngân hàng
đại lý thanh toán cho cơ sở chấp nhận thẻ hoặc đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.
Bước 8: Nếu chấp nhận ngân hàng phát hành sẽ thực hiện bút toán chuyển tiền cho ngân hàng
đại lý.
4.5. Phân biệt giữa thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng dùng trong thanh toán quốc tế
4.5.1. Thẻ ghi nợ (debit card)
Là loại thẻ mà theo đó chủ thẻ sử dụng để thanh toán hàng hóa dịch, giá trị những khoản
giao dịch được khấu trừ ngay vào tài khoản tiền gửi của chủ thẻ thông qua những thiết bị điện tử
gắn tại cơ sở chấp nhận thẻ (Imprinter – máy chà tay hóa đơn, máy POS – Point of sale – máy xử
lý thẻ, máy cà thẻ có nối mạng vi tính với ngân hàng) đồng thời ngân hàng phát hành sẽ thanh
toán cho các cơ sở chấp nhận thẻ. Ngoài công dụng để thực hiện cho trả hàng hóa dịch vụ, thẻ
ghi nợ còn dùng để thực hiện giao dịch tiền mặt tại các máy rút tiền tự động, truy vấn số dư tài
khoản, và thực hiện chuyển khoản. Để sử dụng thẻ ghi nợ đòi hỏi chủ thẻ luôn đảm bảo có số dư
trên tài khoản tiền gửi.
4.5.2. Thẻ tín dụng (credit card)
Là loại thẻ mà chủ thẻ được ngân hàng cấp cho một hạn mức tín dụng không phải trả lãi
để mua sắm hàng hóa dịch vụ tại khách sạn, sân bay, nhà hàng, cơ sở kinh doanh...Thẻ tín dụng
không đòi hỏi chủ thẻ phải có sẵn tiền trên tài khoản tại ngân hàng vì khi được cấp hạn mức tiêu
dùng, chủ thẻ có thể dùng nó đi mua hàng hóa không phải trả tiền ngay, chỉ thanh toán sau một
thời gian nhất định. Thông thường, cuối mỗi tháng ngân hàng gửi chủ thẻ bảng kê hóa đơn và
yêu cầu chủ thẻ thanh toán.Nếu chủ thẻ trả hết số nợ vào cuối tháng cho ngân hàng thì không
phải trả lãi cho số tiền đã sử dụng trong tháng. Còn nếu chủ thẻ trả nợ không hết thì phải trả lãi
trên số tiền còn nợ của ngân hàng theo mức lãi suất do ngân hàng ấn định.
5. THANH TOÁN TRỰC TUYẾN PAYPAL (đọc thêm)
5.1. Giới thiệu sơ lược về Paypal
Paypal là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các
dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet. Đây là dịch vụ thanh toán và chuyển khoản
điện tử thay thế cho các phương thức truyền thống sử dụng giấy tờ như séc và các lệnh chuyển
tiền.
PayPal được thành lập vào tháng 12 năm 1998 tại Mỹ, đến ngày 3/10/2002 thì được eBay
mua lại, và cho đến bây giờ thì là 1 công ty con của eBay (Một công ty kinh doanh lĩnh vực
thương mại điện tử theo hình thức C2C). Lĩnh vực hoạt động chính của PayPal là chuyên cung
cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền trực tuyến qua mạng Internet. Vì vậy, người ta vẫn
thường nói ngắn gọn là dịch vụ thanh toán trực tuyến Paypal
 Paypal là một cổng thanh toán trực tuyến (dịch vụ trung gian) giúp bạn đưa tiền từ tài
khoản vào tài khoản PayPal để giao dịch trên mạng. Hoặc rút tiền từ tài khoản PayPal về ngân
hàng. Khi có PayPal trung gian thì quá trình giao dịch đơn giản hơn và bảo mật hơn rất nhiều
5.2. Điều kiện để sử dụng Paypal
 Khách hàng phải trên 18 tuổi
 Có sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế hoặc thẻ tín dụng quốc tế (thông thường của thương hiệu
Visa hoặc Master)
 Có tài khoản thanh toán tại ngân hàng
 Có địa chỉ email để giao dịch
 Tạo một tài khoản trên Paypal và thực hiện verify tài khoản Paypal thành công.
5.3. Cơ chế vận hành của Paypal
Sau khi người mua tạo được tài khoản trên Paypal thì mọi thông tin cá nhân của người
mua, kể cả tài khoản ngân hàng và số thẻ thanh toán quốc tế của người mua sẽ được liên kết đến
hệ thống máy chủ của Paypal. Do đó khi thanh toán trực tuyến trên Paypal, người mua không cần
phải nạp tiền vào tài khoản Paypal mà Paypal sẽ tự động trích tiền từ thẻ thanh toán quốc tế của
người mua để chi trả cho phía người bán.
Trong trường hợp người bán nhận được tiền hàng thanh toán từ người mua qua Paypal thì
người bán phải thực hiện thao tác rút tiền (withdraw) từ tài khoản Paypal về tài khoản ngân hàng
của mình thì mới có thể rút được tiền mặt.
Có thể khái quát cơ chế vận hành của cổng thanh toán trực tuyến Paypal như sau:
7
BUYER SELLER

1
6
2
BUYER’S
SELLER’S
BANK
BANK

PAYMENT GATEWAY
3 (PAYPAL) 5
BUYER’S SELLER’S
PAYPAL PAYPAL
ACCOUNT ACCOUNT

Bước 1: Người mua sau khi lựa chọn mặt hàng cần mua qua mạng sẽ phải đến ngân hàng gửi
tiền vào tài khoản (nếu dùng thẻ debit) hoặc yêu cầu cấp hạn mức (nếu dùng thẻ credit) để thực
hiện thanh toán tiền hàng qua Paypal
Bước 2: Người mua nhấp chuột vào biểu tượng thanh toán Paypal trên máy tính để thực hiện
thanh toán.
Bước 3: Hệ thống Paypal sau khi nhận được lệnh thanh toán từ người mua sẽ tiến hành cắt tiền
từ thẻ thanh toán quốc tế của người mua để đưa vào tài khoản Paypal của người mua.
Bước 4: Dựa vào yêu cầu thanh toán (trả sau bao nhiêu ngày, trả trước khi nhận hàng hay sau khi
nhận hàng…) mà Paypal sẽ chuyển tiền từ tài khoản Paypal của người mua sang tài khoản
Paypal của người bán khi đến hạn thanh toán.
Bước 5: Người bán thực hiện thao tác chuyển tiền từ tài khoản Paypal của mình về tài khoản
ngân hàng của mình để rút tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy ý.
Bước 6: Người bán rút tiền từ ngân hàng sau khi đã chuyển tiền từ tài khoản Paypal về tài khoản
cá nhân.
Bước 7: Người bán giao hàng cho người mua (việc giao hàng này không nhất thiết phải thực
hiện sau cùng mà có thể thực hiện ngay từ sau bước 4, tùy vào yêu cầu của phía người mua).
CHƯƠNG IV
CHỨNG TỪ TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ
1. HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI (COMMERCIAL INVOICE)
1.1. Khái niệm
Hóa đơn thương mại là chứng từ cơ bản trong chứng từ hàng hóa. Hóa đơn thương mại
do người bán lập và xuất trình cho người mua sau khi gửi hàng đi. Đó là yêu cầu của người bán
đòi hỏi người mua trả tiền, theo tổng số hàng đã được ghi trên hóa đơn. Trong hóa đơn có nêu
đặc điểm của hàng hóa, tổng trị giá hàng hóa, điều kiện cơ sở giao hàng, phương thức thanh toán,
phương tiện vận tải…
1.2. Công dụng của hóa đơn:
Trong thanh toán, hóa đơn đóng vai trò trung tâm của bộ chứng từ. Trường hợp bộ chứng
từ có hối phiếu kèm theo, thông qua hóa đơn, người trả tiền có thể kiểm tra lệnh đòi tiền trong
nội dung của hối phiếu. Nếu số tiền ghi trên hối phiếu không đúng với hóa đơn thì hóa đơn có tác
dụng thay thế hối phiếu, làm cơ sở cho việc đòi tiền và trả tiền.
Trong khai báo hải quan và mua bảo hiểm, hóa đơn thương mại thể hiện trị giá hàng hóa
và là bằng chứng cho sự mua bán, là cơ sở tiến hành kiểm tra và tính tiền thuế xuất nhập khẩu,
tính số tiền bảo hiểm.
Trong nghiệp vụ tín dụng, hóa đơn với chữ kí chấp nhận trả tiền của người mua có thể
làm vai trò của một chứng từ bảo đảm cho việc vay mượn.
Hóa đơn cũng cung cấp những chi tiết về hàng hóa, cần thiết cho việc thống kê, đối chiếu
hàng hóa với hợp đồng và theo dõi thực hiện hợp đồng
1.3. Nội dung của một hóa đơn thương mại
Hóa đơn thương mại thường bao gồm những nội dung chi tiết sau:
(1) Số hóa đơn;
(2) Ngày lập hóa đơn;
(3) Tên và đia chỉ đầy đủ của người mua và người bán;
(4) Điều kiện giao hàng;
(5) Điều kiện thanh toán và trao chứng từ
(6) Số tiền phải thanh toán;
(7) Hàng hóa: Chỉ ra chi tiết về hàng hóa, bao gồm: trọng lượng, khối lượng, đơn giá và
tổng giá trị;
(8) Chi tiết về vận tải: Chỉ ra phương tiện chuyên chở, người chuyên chở, cảng bốc hàng,
cảng dỡ hàng…
Ngoài ra tùy theo yêu cầu của từng nước, mà trên hóa đơn thương mại còn phải thể hiện
một số nội dung như sau:
(1) Thông tin về xuất xứ hàng hóa;
(2) Thể hiện chi phí bảo hiểm và vận tải một cách độc lập;
(3) Chữ ký bằng tay của người xuất khẩu;
(4) Mã số phân loại thuế quan;
(5) Ngôn ngữ sử dụng trong hóa đơn thương mại thường là tiếng Anh
Theo UCP 600 hóa đơn thương mại phải do người thụ hưởng phát hành (trừ khi áp dụng
thư tín dụng có thể chuyển nhượng); phải đứng tên người yêu cầu mở thư tín dụng; ghi bằng loại
tiền của L/C; không nhất thiết phải ký
UCP 600 cũng quy định, một ngân hàng chỉ định hành động theo sự chỉ định, ngân hàng
xác nhận, nếu có, hoặc ngân hàng phát hành có thể chấp nhận một hóa đơn thương mại phát hành
có số tiền vượt quá số tiền cho phép của L/C, và quyết định của ngân hàng này sẽ ràng buộc tất
cả các bên miễn là ngân hàng đó chưa thanh toán hoặc thương lượng thanh toán cho số tiền vượt
quá số tiền cho phép của L/C.
Việc mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện trong hóa đơn thương mại phải phù hợp với
mô tả hàng hóa trong L/C.
1.4. Phân loại:
Trong thực tiễn thương mại, ngoài hóa đơn thương mại, các tổ chức ngoại thương còn sử
dụng những chứng từ hàng hóa khác có tên họi hoặc tính chất như hóa đơn thương mại như:
Hóa đơn chiếu lệ (Proforma Invoice): Là loai chứng từ có hình thức như hóa đơn nhưng
không dùng để thanh toán như hóa đơn thương mại. Hóa đơn chiếu lệ dùng cho mục đích như:
khai thuế hải quan, xin giấy phép nhập khẩu, kê khai giá trị hàng hóa đem đi triễn lãm, đê gửi
bán hoặc có tác dụng làm đơn chào hàng.
Hóa đơn tạm tính (Provisional Invoice): Là hóa đơn dùng trong việc thanh toán sơ bộ
tiền hàng trong các trường hợp như giá hàng hóa chỉ là tạm tính, tạm thu tiền hàng vì việc thanh
toán cuối cùng sẽ căn cứ vào trọng lượng (hoặc số lượng) xác định ở cảng dỡ hàng, hàng hóa
được giao nhiều lần mà mỗi lần chỉ thanh toán một phần cho đến khi bên bán giao xong mới
thanh toán dứt khoát, khi tỉ lệ tăng giảm giá được xác định ở cảng dỡ hàng, căn cứ vào sự thay
đổi phẩm chất hàng hóa sau quá trình chuyên chở.
Hóa đơn chính thức (Final Invoice): Trong trường hợp sử dụng hóa đơn tạm tính thì khi
thanh toán cuối cùng, người bán phải lập hóa đơn chính thức. Vì vậy hóa đơn chính thức là hóa
đơn thương mại xác định tổng trị giá cuối cùng của lô hàng và là cơ sở thanh toán dứt khoát tiền
hàng.
Hóa đơn chi tiết (Detail Invoice): Trong hóa đơn chi tiết, giá cả được phân tích ra thành
những mục rất chi tiết. Muốn được công nhận là hóa đơn chi tiết trước hết tiêu đề của hóa đơn
phải ghi rõ tên “Hóa đơn chi tiết”. Còn nội dung được chi tiết đến mức độ nào là tùy theo yêu
cầu của từng trường hợp cụ thể, không có một qui định nào có tính chất cố định cả.
Hóa đơn trung lập (Neutral Invoice): Là loại hóa đơn mà người mua có thể sử dụng lại
hóa đơn này để bán lại hàng cho người thứ ba. Thông thường loại hóa đơn này không ghi rõ tên
của người bán.
Hóa đơn lãnh sự (Consular Invoice): Là hóa đơn có sự chứng nhận của lãnh sự nước
nhập khẩu tại nước xuất khẩu chứng thực về giá cả hàng hóa. Sự chứng nhận của lãnh sự trên
hóa đơn được qui định tùy theo qui định của mỗi nước. Việc xuất trình hóa đơn lãnh sự cho cơ
quan hải quan nước nhập khẩu là bắt buộc ở những nước mà thuế nhập khẩu được tính theo giá
trị hàng.
Hóa đơn hải quan (Custom Invoice): Là loại hóa đơn có thể sử dụng trong trường hợp
khai báo hải quan. Theo qui định của một số nước, khi nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải
xuất trình cho cơ quan hải quan “hóa đơn hải quan” nhằm: thuận tiện cho việc thống kê hàng hóa
nhập khẩu, xác định nguồn gốc (xuất xứ) của hàng hóa, trên cơ sở đó có thể thay thế giấy chứng
nhận xuất xứ. Nội dung của hóa đơn hải quan thường bao gồm: Chi tiết về người bán, người
mua, đia điểm và thời gian lập hóa đơn, nơi gởi và nơi nhận, tên hàng, kí mã hiệu, nước xuất
khẩu hàng hóa, số lượng, trọng lượng hàng hóa, giá hàng tính bằng tiền của nước xuất khẩu,
chứng nhận tất cả các điểm chi tiết của hóa đơn đã làm là đúng và chính xác.
2. VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN (BILL OF LADING)
2.1. Khái niệm
Vận đơn đường biển (Ocean Bill of Lading hay Marine Bill Of Lading – thường được
viết tắt là B/L) là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển do người có chức năng ký
phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc sau khi hàng hóa đã được
nhận để chở.
Theo công ước Brussel 1924, Vận đơn đường biển được định nghĩa như sau: Vận đơn
đường biển là chứng từ làm chứng cho một hợp đồng chuyên chở bằng đường biển và cho việc
người chuyên chở đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng vận đơn này người
chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình vận đơn.
2.2. Chức năng của vận đơn đường biển
 Là biên lai nhận hàng để chở của người chuyên chở.
 Là chứng từ sở hữu những hàng hóa mô tả trên vận đơn. Ai có vận đơn trong tay, người
đó có quyền đòi sở hữu hàng hóa ghi trên đó. Do có tính chất sở hữu nên vận đơn là một chứng
từ lưu thông được (Negotiable). Người ta có thể mua bán, chuyển nhượng hàng hóa ghi trên vận
đơn bằng cách chuyển nhượng vận đơn.(a document of title to the goods).
 Là bằng chứng của hợp đồng vận tải (Contract of carriage) đã được kí kết giữa các bên.
Mặc dù bản thân vận đơn đường biển không phải là một hợp đồng vận tải, vì nó chỉ có chữ kí
của một bên, nhưng vận đơn có giá trị như một hợp đồng vận tải đường biển. Nó không những
điều chỉnh mối quan hệ giữa người gửi hàng với người chuyên chở, mà còn điều chỉnh mối quan
hệ giữa người chuyên chở và người nhận hàng hoặc người cầm vận đơn. Nội dung của vận đơn
không chỉ được thể hiện bằng những điều khoản trên đó, mà bị chi phối bởi các công ước quốc tế
về vận đơn và vận tải đường biển.
2.3. Công dụng của vận đơn đường biển
 Làm căn cứ khai thuế xuất nhập khẩu, làm thủ tục xuất hoặc nhập khẩu.
 Làm tài liệu kèm theo hóa đơn thương mại trong bộ chứng từ mà người bán gửi cho
người mua hoặc ngân hàng để thanh toán tiền hàng.
 Làm chứng từ để cầm cố, mua bán, chuyển nhượng hàng hóa.
 Làm căn cứ xác định lượng hàng đã gửi đi, dựa vào đó theo dõi việc thực hiện hợp đồng.
2.4. Nôi dung của một vận đơn đường biển
(1) Tên người vận tải
(2) Người gửi hàng
(3) Tên người nhận hàng (nếu là vận đơn đích danh) hoặc ghi theo lệnh (nếu là vận đơn
theo lệnh) hoặc không ghi rõ người nhận hàng (nếu là vận đơn xuất trình)
Tên tàu
(4) Cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng
(5) Tên hàng
(6) Ký mã hiệu hàng hóa
(7) Số lượng kiện; Trọng lượng cả bì hoặc thể tích của hàng
(8) Cước phí, phụ phí phải trả cho người vận tải
(9) Điều kiện thanh toán (điều kiện giao hàng): cước phí trả trước (freight prepaid), cước
phí trả sau (freight to collect)
(10) Thời gian và địa điêm cấp vận đơn.
(11) Số bản gốc vận đơn
(12) Chữ kí của người vận tải hoặc của thuyền trưởng hoặc của người đại diện cho thuyền
trưởng
(13) Cơ sở pháp lý của vận đơn (nguồn luật để điều chỉnh các điều khoản của vận đơn và
giải quyết những sự tranh chấp giữa chủ hàng và người vận tải)
(14) Các điều khoản về trách nhiệm và miễn trách nhiệm của người vận tải
2.5. Phân loại
2.5.1. Căn cứ vào cách chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa
Vận đơn đích danh (Straight Bill Of Lading): Trong vận đơn này người ta ghi rõ tên
người nhận hàng.
Vận đơn theo lệnh (Order Bill Of Lading): là vận đơn trên đó không ghi rõ tên, địa chỉ
của người nhận hàng mà ghi chữ “theo lệnh” (To order) hoặc có ghi tên người nhận hàng đồng
thời ghi thêm chữ “hoặc theo lệnh” (Or order). Trên vận đơn theo lệnh có ghi rõ theo lệnh của
người gửi hàng, của người nhận hàng, của Ngân hàng. Nếu không ghi rõ theo lệnh của ai thì hiểu
là theo lệnh của người gửi hàng. Vận đơn theo lệnh có đặc điểm là có thể chuyển nhượng được
cho người khác bằng cách kí hậu (Endorsement). Nếu vận đơn theo lệnh không được kí hậu thì
chi có người gửi hàng mới nhận được hàng.
Vận đơn xuất trình (Bearer Bill Of Lading): Là vận đơn mà trong đó có ghi rõ chữ “To
bearer” hoặc phát hành theo lệnh nhưng không ghi tên người nhận hay người hưởng lợi nào,
hoặc phát hành theo lệnh cho một người hưởng lợi và người đó đã kí hậu để trống mà không chỉ
định một người hưởng lợi khác. Vận đơn này có nhiều rủi ro đối với người gửi hàng vì bất cứ
người nào có vận đơn trong tay đều có thể nhận được hàng.
2.5.2. Căn cứ nhận xét, ghi chú trên vận đơn:
Vận đơn hoàn hảo hay còn gọi là vận đơn sạch (Clean Bill Of Lading): Là vận đơn mà
người vận tải khi cấp không có phê chú xấu về tình trạng của hàng hóa và bao bì.
Vận đơn không hoàn hảo (Unclean Bill Of Lading): Là vận đơn có ghi những phê chú
của người vận tải về tình trạng xấu của hàng hóa hoặc bao bì như: thủng, cháy, bao rách…Vận
đơn không hoàn hảo không được ngân hàng chấp nhận để thanh toán tiền hàng.
2.5.3. Căn cứ vào hành trình vận chuyển:
Vận đơn đi thẳng (Direct Bill Of Lading): Là vận đơn được sử dụng trong trường hợp
hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dở hàng bằng một con tàu, tức hàng hóa
không phải chuyển tải ở cảng dọc đường.
Vận đơn đi suốt (Through Bill Of Lading): Là vận đơn được sử dụng trong trường hợp
hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng hai hay nhiều con
tàu của hai hay nhiều người chuyên chở, tức hàng hóa phải chuyển tải ở cảng dọc đường. Vận
đơn đi suốt có đặc điểm:
 Có điều khoản cho phép chuyển tải
 Có ghi rõ cảng đi, cảng đến, cảng (có thể cả tên tàu) chuyển tải.
 Người cấp vận đơn đi suốt phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt hành trình
đường biển từ cảng đi cho đến cảng đích, kể cả trên chặng đường do người chuyên
chở khác thực hiện.
Vận đơn đa phương thức (vận tải liên hợp): Vận đơn vận tải đa phương thức
(Multimodal Transport Bill Of Lading) hay vận đơn vận tải liên hợp (Combined Transport Bill
Of Lading) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ nơi đi đến
nơi đến bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau. Vận đơn này có đặc điểm:
 Trên vận đơn thường ghi rõ nơi nhận hàng để chở và nơi giao hàng, người cấp B/L
này phải là người chở hoặc MTO (người kinh doanh vận tải đa phương thức)
 Ghi rõ việc được phép chuyển tải, các phương thức vận tải tham gia và nơi chuyển
tải.
 Người cấp vận đơn này phải chịu trách nhiệm về hàng hóa từ nơi nhận hàng để chở
(có thể nằm sâu trong nội địa) đến nơi giao hàng (có thể nằm sâu trong nội địa của
nước đến).
2.5.4. Căn cứ vào thời gian cấp vận đơn và thời gian bốc xếp hàng:
Vận đơn đã xếp hàng (Shipped on board Bill Of Lading): Là vận đơn được cấp phát cho
người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc xếp lên tàu. Đây là loại vận đơn được dùng phổ
biến, vì người mua khi yêu cầu xuất trình bộ chứng từ để thanh toán tiền hàng thường yêu cầu
xuất trình vận đơn đã xếp hàng, tức là hàng hóa đã thực sự được xếp lên tàu.
Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for Shipment Bill Of Lading): Là vận đơn do
người chuyên chở cấp, khi người chuyên chở nhận hàng (ở kho hoặc ở bãi) để xếp lên con tàu
ghi trên vận đơn, tức là hàng hóa thực tế chưa được xếp lên tàu. Do đó, khi cấp vận đơn này,
thông thường người vận tải sẽ ghi ngày giờ dự định xếp hàng lên tàu. Khi hàng đã thực sự được
xếp lên tàu, có thể đóng dấu hoặc ghi thêm chữ “Shipped” để biến thành vận đơn đã xếp hàng.
2.5.5. Ngoài ra các loại vận đơn sau đây cũng thường được sử dụng trong thanh
toán quốc tế:
 Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu (Charter party Bill Of Lading)
 Vận đơn đến chậm (Stale Bill Of Lading)
 Vận đơn gom hàng hay còn gọi vận đơn tập thể (House Bill Of Lading)
 Vận đơn chủ (Master Bill Of Lading)
 Vận đơn đã xuất trình tại cảng gửi ( Surrendered Bill Of Lading)
3. VẬN ĐƠN HÀNG KHÔNG (AIRWAY BILL – AWB)
3.1. Khái niệm
Theo điều 129, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006, Vận
đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của
việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.
3.2. Chức năng của vận đơn hàng không
 Biên lai nhận hàng của hãng hàng không phát hành cho người gửi hàng
 Bằng chứng của một hợp đồng vận tải đã được kí kết giữa người chuyên chở và người
gửi hàng
 Bằng chứng của việc người chuyên chở hàng không đã nhận hàng
 Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không
 Chứng từ kê khai hải quan của hàng hóa
 Là chứng từ hướng dẫn cho nhân viên hàng không trong quá trình phục vụ chuyên chở
hàng hóa.
 Chức năng là chứng từ sở hữu hàng hóa thì vận đơn hàng không không có. Vì không phải
là chứng từ sở hữu hàng hóa, nên vận đơn hàng không không thể chuyển nhượng bằng
thủ tục ký hậu thông thường. Nguyên nhân của điều này là do tốc độ vận tải hàng không
rất cao, thời gian để hãng hàng không hoàn thành nghĩa vụ giao hàng cho bên nhận hàng
thường nhanh hơn thời gian chứng từ đến tay của nhà nhập khẩu vì bộ chứng từ xuất
khẩu thường được lập, xử lý và gửi đi phải mất khá nhiều thời gian. Vì những lý do trên
mà vận đơn hàng không thường không có chức năng sở hữu hàng hóa. Vận đơn hàng
không có thể do hàng hàng không phát hành, cũng có thể do người khác không phải do
hãng hàng không phát hành.
3.3. Phân loại
3.3.1. Căn cứ vào người phát hành, vận đơn hàng không được chia làm hai loại:
Vận đơn của hãng hàng không (Airline airway bill): Vận đơn này do hãng hàng không
phát hành, trên vận đơn có ghi biểu tượng và mã nhận dạng của người chuyên chở.
Vận đơn trung lập (Neutral airway bill): Vận đơn này không phải do người chuyên chở
phát hành, trên vận đơn không có biểu tượng và mã nhận dạng của người chuyên chở. Vận đơn
này thường do đại lý của người chuyên chở hay người giao nhận phát hành.
3.3.2. Căn cứ vào việc gom hàng, vận đơn được chia làm hai loại:
Vận đơn chủ (Master Airway bill – MAWB): Là vận đơn do người chuyên chở hàng
không cấp cho người gom hàng có vận đơn nhận hàng ở sân bay đích. Vận đơn này dùng để điều
chỉnh mối quan hệ giữa người vận chuyển hàng không và người gom hàng và làm chứng từ giao
nhận hàng giữa người chuyên chở và người gom hàng.
Vận đơn của người gom hàng (House Airway bill – HAWB): Là vận đơn do người gom
hàng cấp cho các chủ hàng lẻ khi nhận hàng từ họ để các chủ hàng lẻ có vận đơn đi nhận hàng ở
nơi đến. Vận đơn này dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa người gom hàng với các chủ hàng lẻ.
3.4. Hình thức và nội dung của vận đơn hàng không
3.4.1. Nội dung mặt trước của vận đơn
Mặt trước của vận đơn bao gồm các cột mục để trống để người lập vận đơn điền những
thông tin cần thiết khi lập vận đơn. Theo mẫu tiêu chuẩn của IATA, những cột mục đó là:
 Số vận đơn (AWB number)
 Sân bay xuất phát (Airport of departure)
 Tên và địa chỉ của người phát hành vận đơn (Issuing carriers’name and address)
 Tham chiếu tới các bản gốc ( Reference to originals)
 Tham chiếu tới các điều kiện của hợp đồng ( Reference to conditions of contract)
 Người chủ hàng (Shipper)
 Người nhận hàng (Consignee)
 Tiền tệ (Currency)
 Mã thanh toán cước (Charges codes)
 Giá trị kê khai vận chuyển (Declare value for carriage)
 Giá trị khai báo hải quan (Declare value for customs)
 Số tiền bảo hiểm (Amount of insurance)
 Thông tin làm hàng (Handling information)
 Số kiện (Number of pieces)
 Các chi phí khác (Other charges)
 Cước và chi phí trả trước (Prepaid)
 Cước và chi phí trả sau (Collect)
 Ô ký xác nhận của người gửi hàng (Shipper of certification box)
 Ô dành cho người chuyên chở (Carrier of excution box)
3.4.2. Nội dung mặt sau vận đơn
Trong bộ vận đơn gồm nhiều bản, chỉ có ba bản gốc và một số bản copy có những quy
định về vận chuyển ở mặt sau.
Mặt sau của vận đơn hàng không bao gồm hai nội dung chính:
 Thông báo liên quan đến trách nhiệm của người chuyên chở
Tại mục này, người chuyên chở thông báo số tiền lớn nhất mà họ phải bồi thường trong
trường hợp hàng hoá bị tổn thất trong quá trình chuyên chở, tức là thông báo giới hạn trách
nhiệm của mình. Giới hạn trách nhiêm của người chuyên chở được quy định ở đây là giới hạn
được quy định trong các công ước, quy tắc quốc tế hoặc luật quốc gia về hàng không dân dụng.
 Các điều kiện hợp đồng
Nội dung này bao gồm nhiều điều khoản khác nhau liên quan đến vận chuyển lô hàng
được ghi ở mặt trước. Các nội dung đó thường là:
 Các định nghĩa, như định nghĩa về người chuyên chở, định nghĩa về công ước Vac-sa-va
1929, định nghĩa về vận chuyển, điểm dừng thoả thuận...
 Thời hạn trách nhiệm chuyên chở của người chuyên chở hàng không
 Cơ sở trách nhiệm của người chuyên chở hàng không
 Giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở hàng không
 Cước phí của hàng hoá chuyên chở
 Trọng lượng tính cước của hàng hoá chuyên chở
 Thời hạn thông báo tổn thất
 Thời hạn khiếu nại người chuyên chở
 Luật áp dụng.
4. GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ (CERTIFICATE OF ORIGIN – C/O).
4.1. Khái niệm
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản do tổ chức có thẩm quyền thuộc quốc gia
hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên những qui định và yêu cầu liên quan về xuất
xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Lưu ý:
 Đối với phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ nếu thư tín dụng không đòi hỏi
cụ thể ai là đơn vị cấp phát giấy chứng nhận xuất xứ thì một giấy chứng nhận xuất xứ do
chính đơn vị xuất khẩu tự cấp vẫn có thể được chấp nhận.
 Ở hầu hết các nước trên thế giới, giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng Công nghiệp và
Thương mại cấp.
4.2. Công dụng của giấy chứng nhận xuất xứ
 Là căn cứ để Hải quan tính thuế trên cơ sở áp dụng biểu thế ưu đãi
 Là cơ sở để Hải quan thi hành chính sách khu vực, chính sách phân biệt đối xử trong mua
bán khi tiến hành giám quản, xác nhận ở một mức độ nhất định về chất lượng hàng hóa.
4.3. Nội dung
Xuất phát từ mục đích, đặc điểm của giấy chứng nhận xuất xứ mà nội dung cơ bản của
giấy chứng nhận xuất xứ phải thể hiện được các nội dung:
 Loại mẫu C/O: nhằm thể hiện C/O được cấp theo một Qui tắc xuất xứ cụ thể tương ứng
 Tên, địa chỉ người xuất khẩu, nhập khẩu
 Tiêu chí về vận tải (tên phương tiện vận tải, cảng, địa điểm xếp hàng/ dỡ hàng, vận tải
đơn…)
 Tiêu chí về hàng hoá (tên hàng, bao bì, nhãn mác đóng gói hàng hoá, trọng lượng, số
lượng, giá trị…)
 Tiêu chí về xuất xứ hàng hoá (tiêu chí xác định xuất xứ, nước xuất xứ hàng hoá)
 Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước cấp xuất khẩu.
4.4. Phân loại
Giấy chứng nhận xuất xứ form P: Chỉ có chức năng là giấy chứng nhận đơn thuần về
nơi xuất xứ hàng hóa.
Giấy chứng nhận xuất xứ form A. Dùng để thực hiện chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập
GSP (Generalised system of preferences). Các quốc gia thuộc hệ thống ưu đãi phổ cập bao gồm:
Mỹ, Nhật, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Úc, Áo…và các nước thuộc Liên minh châu
Âu thỏa thuận một chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng có xuất xứ từ
một nước mà hàng hóa này sử dụng 65% nguyên liệu trong nước. Mẫu “C/O Form A” được lập
theo hình thức thống nhất và được dùng cho toàn bộ các nước trong hệ thống GSP. Nếu C/O
được lập không theo mẫu quy định thì sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan này.
Chỉ được cấp khi hàng hóa được xuất khẩu sang một trong những nước được ghi ở mặt
sau Mẫu A và nước này đã cho Việt Nam được hưởng ưu đãi từ GSP. Chế độ ưu đãi thuế quan
phổ cập (GSP) là chế độ ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu của các phát triển dành cho các nước
đang phát triển và kém phát triển nhằm giúp cho sản phẩm của các nước này tiêu thụ được trên
thị trường quốc tế; và khi hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ do nước này quy định.
Giấy chứng nhận xuất xứ Form O: Được lập riêng cho mặt hàng cà phê để sử dụng
thống nhất giữa các nước là thành viên của Hiệp hội cà phê quốc tế (ICO). Mẫu này luôn được
cấp kèm với hoặc mẫu A hoặc mẫu B
Giấy chứng nhận xuất xứ Form X: Được lập riêng cho mặt hàng xuất khẩu thuộc dạng
hàng may mặc gia công thường đi kèm với giấy phép xuất khẩu. Mẫu này luôn được cấp kèm với
hoặc mẫu A hoặc mẫu B
Giấy chứng nhận xuất xứ Form D: Chỉ cấp cho hàng hóa xuất khẩu từ một nước thành
viên của ASEAN sang một nước thành viên ASEAN khác.
Giấy chứng nhận xuất xứ Form B: Được lập cho các hàng hóa xuất khẩu không thuộc
yêu cầu của các loại C/O khác mà bên mua yêu cầu.
5. CHỨNG TỪ BẢO HIỂM (INSURANCE DOCUMENT)
5.1. Khái niệm và giải thích các thuật ngữ liên quan
Bảo hiểm là sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm về
những tổn thất của đối tượng bảo hiểm do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra với điều kiện người
được bảo hiểm đã mua bảo hiểm cho đối tượng đó và nộp một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm.
Như vậy, bản chất của bảo hiểm là sự phân chia rủi ro, tổn thất của một hay của một số người
cho cả cộng đồng tham gia bảo hiểm cùng gánh chịu.
Giải thích các thuật ngữ liên quan:
Người bảo hiểm (Insurer, underwriter): Là người ký kết hợp đồng bảo hiểm với người
được bảo hiểm, nhận trách nhiệm về rủi ro, được hưởng phí bảo hiểm và phải bồi thường khi có
tổn thất xảy ra. Người bảo hiểm có thể là công ty của nhà nước hay tư nhân.
Người được bảo hiểm (the insured): Là người có lợi ích bảo hiểm, là người bị thiệt hại
khi rủi ro xảy ra và được người bảo hiểm bồi thường. Người được bảo hiểm là người có tên trong
hợp đồng bảo hiểm và là người phải nộp phí bảo hiểm.
Đối tượng bảo hiểm (Subject matter insured): Là tài sản hoặc lợi ích mang ra bảo hiểm.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu đối tượng được bảo hiểm là hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá
trình chuyên chở.
Tỷ lệ phí bảo hiểm (Insurance Rate): Là một tỷ lệ phần trăm nhất định thường do các
công ty bảo hiểm công bố. Tỷ lệ phí bảo hiểm được tính dựa vào thống kê rủi ro tổn thất trong
nhiều năm. Xác suất xảy ra rủi ro càng lớn thì tỷ lệ phí bảo hiểm càng cao. Các công ty bảo hiểm
thường công bố bảng tỷ lệ phí bảo hiểm cho từng nghiệp vụ bảo hiểm.
Tổn thất (Loss, Average, Damage): Là sự mất mát, hư hại do rủi ro gây nên. Ví dụ: Tàu
bị đắm, hàng bị ướt, tàu đâm phải đá ngầm, hàng bị vỡ…
Rủi ro được bảo hiểm (Risk Insured Against): Là rủi ro đã thỏa thuận trong hợp đồng
bảo hiểm. Người bảo hiểm chỉ bồi thường những tổn thất do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra.
Thực tế các rủi ro này không được thể hiện trực tiếp trên hợp đồng mà được thể hiện tiếp qua các
điều khoản tham chiếu đến nguồn điều chỉnh.
Phí bảo hiểm (Insurance Premium): Là một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị bảo
hiểm hay số tiền bảo hiểm. Phí bảo hiểm chính là khoản tiền mà người được bảo hiểm phải trả
cho người bảo hiểm để đối tượng bảo hiểm của mình được bảo hiểm.
Trị giá bảo hiểm (Insurance value): Là số tiền tối đa mà người bảo hiểm cam kết bồi
thường cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra. Là giá trị của tài sản và các chi phí hợp
lý khác có liên quan như phí bảo hiểm, cước phí vận tải và lãi dự tính. Trị giá bảo hiểm là khái
niệm thường chỉ được dùng với bảo hiểm tài sản.
5.2. Các loại chứng từ bảo hiểm hàng hóa
5.2.1. Bảo hiểm đơn (Insurance policy)
a. Khái niệm:
Bảo hiểm đơn là chứng từ do công ty bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm nhằm cam
kết sẽ bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm trong phạm vi giá trị bảo hiểm khi có tổn
thất xảy ra.
b. Công dụng của bảo hiểm đơn
 Xác nhận đã kí kết một hợp đồng bảo hiểm và các điều khoản của hợp đồng đó.
 Xác nhận việc trả phí bảo hiểm, do đó nó thừa nhận rằng hợp đồng bảo hiểm nói trên đã
có hiệu lực.
 Nó là chứng từ cần thiết để khiếu nại công ty bảo hiểm và để nhận tiền bồi thường bảo
hiểm.
c. Nội dung của một bảo hiểm đơn
 Các điều khoản chung và có tính chất thường xuyên, đó là các điều khoản qui định trách
nhiệm của người bảo hiểm và người được bảo hiểm theo từng điều kiện bảo hiểm (Các điều này
thường được in sẵn)
 Các điều khoản riêng biệt của hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết bao gồm các nội dung
về:
 Đối tượng được bảo hiểm như: tên hàng, số lượng, ký mã hiệu phương tiện chuyên
chở.
 Giá trị bảo hiểm: Mức bảo hiểm tối thiểu thông thường là 100% giá trị hàng và phải
thể hiện bằng đồng tiền ghi trong hợp đồng hoặc L/C
 Điều kiện bảo hiểm đã được thỏa thuận (mua bảo hiểm điều kiện C, B, A hay All risk,
FPA, SRCC…)
 Tổng số phí bảo hiểm
5.2.2. Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate)
a. Khái niệm
Giấy chứng nhận bảo hiểm hay còn gọi là chứng thư bảo hiểm là một chứng từ do công
ty Bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm để xác nhận hàng hóa đã được mua bảo hiểm theo
điều kiện của hợp đồng.
b. Công dụng của giấy chứng nhận bảo hiểm
 Chứng nhận cho một lô hàng đã được bảo hiểm
 Thay thế cho bảo hiểm đơn, làm bằng chứng về một hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết
c. Nội dung của một giấy chứng nhận bảo hiểm
Các điều khoản nói lên đối tượng được bảo hiểm, các chi tiết cần thiết cho việc tính toán
phí bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm đã thỏa thuận.
6. CÁC CHỨNG TỪ THƯƠNG MẠI KHÁC
+ Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List): Thường chỉ ra các chi tiết về: số hàng hóa
được đóng gói trong một bao, kiện, thùng, hộp hay container nhất định; Trọng lượng tịnh và cả
bì của mỗi bao, kiện, thùng hay hộp; Số lượng bao, kiện, thùng, hộp, container.
+ Giấy chứng nhận trọng lượng/ số lượng (Certificate of Weight/ Quantity): Là chứng từ
xác nhận số lượng, trọng lượng của hàng thực giao và chứng minh số lượng trọng lượng hàng
giao phù hợp với các điều khoản của hợp đồng.
+ Giấy chứng nhận phẩm chất (Certificate of Quality): Là chứng từ có thể do người cung
cấp hàng hoặc do cơ quan kiểm nghiệm hàng xuất khẩu cấp, tùy theo sự thỏa thuận giữa hai bên
mua bán.
+ Giấy chứng nhận vệ sinh (Sanitary Certificate): Là chứng từ do cơ quan có thẩm quyền
kiểm tra về phẩm chất hàng hóa hoặc về y tế cấp cho chủ hàng, xác nhận hàng hóa đã được kiểm
tra và trong đó không có vi trùng gây bệnh cho người sử dụng.
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitory Certificate): Là chứng từ do cơ
quan bảo vệ thực vật cấp cho hàng hóa là thực vật hoặc có nguồn gốc là thực vật, xác nhận hàng
hóa đã được kiểm tra và xử lý chống các bệnh dịch, nấm mốc, cỏ dại…
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (Vetecinary certificate): Là chứng từ do cơ quan
kiểm dịch động vật cấp cho các hàng hóa là động vật (súc vật, gia cầm…) hoặc các sản phẩm
động vật (trứng, thịt, lông, da, cá…) hoặc bao bì của chúng, xác nhận đã kiểm tra và xử lý chống
các bệnh dịch.
+ Giấy chứng nhận phun trùng (Fumigation Certificate).
+ Giấy chứng nhận của người hưởng lợi (Beneficiary Ceritficate)
CHƯƠNG V
CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN QUỐC TẾ
1. PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN CHUYỂN TIỀN (REMITTANCE)
1.1. Khái niệm
Phương thức chuyển tiền là phương thức thanh toán đơn giản nhất, trong đó khách hàng
(người trả tiền, người mua, đơn vị nhập khẩu…) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số
tiền nhất định cho người hưởng lợi (người bán, đơn vị xuất khẩu, người nhận tiền) ở một địa
điểm xác định trong một thời gian nhất định.
1.2. Đối tượng tham gia
Người chuyển Ngân hàng chuyển Người thụ Ngân hàng đại lý Ngân hàng trả
tiền tiền hưởng (The tiền
(The Remitter, (The Remitting (The corresponding/ (The Beneficiary
The Applicant, Bank, The Beneficiary) Agent bank) Bank)
The Customer) Applicant bank)
Người mua Ngân hàng nhận ủy Người bán Ngân hàng có Ngân hàng phục
Nhà nhập khẩu thác chuyển tiền Người xuất quan hệ đại lý với vụ người thụ
Người mắc nợ của người chuyển khẩu ngân hàng chuyển hưởng.
Người đầu tư tiền. Chủ nợ tiền, thường đặt
Kiều bào Ngân hàng phục vụ Người tiếp tại nước của
chuyển tiền về người chuyển tiền nhận vốn đầu người thụ hưởng.
nước… tư
Người yêu cầu Một người nào
ngân hàng đó do người
chuyển tiền chuyển tiền chỉ
định hưởng lợi
1.3. Trường hợp áp dụng
Phương thức chuyển tiền là một bộ phận của phương thức thanh toán khác, thường là
khâu kết thúc của phương thức nhờ thu, ghi sổ, tín dụng chứng từ. Tuy nhiên, phương thức này
cũng được áp dụng một cách độc lập.
Chỉ nên áp dụng phương thức chuyển tiền độc lập trong hoạt động thương mại quốc tế
khi người xuất khẩu và người nhập khẩu tín cậy lẫn nhau hoặc giá trị hợp đồng thương mại quốc
tế tương đối nhỏ.
Chỉ nên áp dụng phương thức chuyển tiền trong thanh toán quốc tế phi thương mại, bởi vì
đặc trưng của giao dịch phi thương mại là chỉ sau khi có kết quả của việc hoàn thành nghĩa vụ
giao dịch phi thương mại thì mới có số liệu để quy ra số tiền phải thanh toán…
1.4. Hình thức chuyển tiền
Chuyển tiền được thực hiện dưới 2 hình thức:
Chuyển tiền bằng thư (Mail Transfer – M/T): Ngân hàng thực hiện chuyển tiền bằng
cách gửi thư ra lệnh cho ngân hàng đại lý ở nước ngoài trả tiền cho người nhận.
Hình thức này tương đối chậm, khả năng rủi ro cao, có thể dễ bị ảnh hưởng biến động của
tỷ giá nhưng chi phí chuyển tiền thấp.
Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – T/T): Ngân hàng thực hiện chuyển tiền
bằng cách đánh điện ra lệnh cho ngân hàng đại lý ở nước ngoài trả tiền cho người nhận.
Hình thức này nhanh, rủi ro thấp nhưng chi phí cao.
Có hai hình thức: chuyển tiền bằng điện thông thường (Telex) và chuyển tiền thông qua
mạng Swift.
1.5. Quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán chuyển tiền
1.5.1 Trả tiền ngay (Sight payment)

Corresponding 4b. T/T


4a. T/T
Bank

Remitting Bank Beneficiary Bank

4. T/T

3.Báo 2.Lệnh chuyển 5. Báo có


nợ tiền

Applicant Beneficiary

(Importer) (Exporter)
1. HH + BCT
1.5.2 Trả tiền sau (Deferred Payment)
Trong trường hợp người mua hàng trả chậm, quy trình thanh toán được thực hiện tương
tự như qui trình thanh toán trả tiền ngay nhưng chỉ khác ở bước 2 về thời điểm đơn vị nhập khẩu
viết lệnh chuyển tiền – là thời điểm đến hạn thanh toán qui định trong hợp đồng, thông thường là
X ngày sau ngày nhận được hàng.
1.5.3. Trả tiền trước (Advanced Payment)

3a.T/T Corresponding 3b.T/T


Bank

Remitting Bank Beneficiary Bank

3.T/T

4.Báo
2.Báo 1.Lệnh chuyển có
nợ tiền

Applicant Beneficiary

(Importer) (Exporter)
5.HH+BCT

2. PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN GHI SỔ (OPEN ACCOUNT)


2.1. Khái niệm
Phương thức thanh toán ghi sổ (Open Account) là một phương thức trong đó qui định
rằng,sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ qui định trong hợp đồng cơ sở, Người ghi sổ sẽ mở một
quyển sổ cái để ghi nợ Người bị ghi sổ bằng một đơn vị tiền tệ nhất định và đến từng thời kì nhất
định do hai bên thỏa thuận (tháng, quý, nửa năm). Người bị ghi sổ sẽ sử dụng phương thức
chuyển tiền để thanh toán cho Người ghi sổ.
2.2. Đặc điểm của phương thức thanh toán ghi sổ
Đây là một phương thức thanh toán không có sự tham gia của các ngân hàng với chức
năng là người mở tài khoản và thu tiền cho Người ghi sổ.
Bên người ghi sổ chỉ mở tài khoản đơn biên, không mở tài khoản song biên. Nếu Người
bị ghi sổ mở tài khoản để theo dõi thì tài khoản đó chỉ là tài khoản theo dõi, không có giá trị
thanh toán giữa hai bên.
Với giác độ thu tiền, phương thức này chỉ có hai thành phần tham gia phương thức thanh
toán: Người ghi sổ và Người bị ghi sổ.
Giá cả hàng hóa hay dịch vụ thuộc hợp đồng cơ sở sử dụng phương thức ghi sổ thông
thường cao hơn giá cả thuộc hợp đồng cơ sở thanh toán trả tiền ngay, bởi vì thực chất của
phương thức thanh toán ghi sổ là Người ghi sổ cấp tín dụng cho Người bị ghi sổ. Thời gian cấp
tín dụng là bằng thời gian định kì thanh toán của phương thức ghi sổ.
Trong thương mại quốc tế, phương thức thanh toán ghi sổ về thực chất là một phương
thức tài trợ nhập khẩu, do đó rủi ro thanh toán đối với người bán là rất cao. Để phòng ngừa rủi ro
và hạn chế tổn thất khi xảy ra rủi ro, Người ghi sổ thường yêu cầu Người bị ghi sổ phải có những
biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự như: Cầm cố tài sản, Thế chấp tài sản, đặt cọc, bảo
lãnh…
2.3. Quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán ghi sổ

4a.T/T Corresponding 4b.T/T


Bank

Remitting Bank Beneficiary Bank

4.T/T

5.Báo có
3.Báo nợ 2.Định kỳ -Lệnh
chuyển tiền

Applicant Beneficiary

(Importer) (Exporter)
1.HH+BCT

3. PHƯƠNG THỨC GIAO CHỨNG TỪ NHẬN TIỀN (CAD – CASH AGAINST


DOCUMENTS)
3.1. Khái niệm
Phương thức thanh toán giao chứng từ nhận tiền là phương thức thanh toán mà trong đó
đơn vị nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng mua bán yêu cầu Ngân hàng phục vụ đơn vị xuất khẩu mở
cho mình một tài khoản tín thác (Trust Account) để thanh toán tiền cho đơn vị xuất khẩu khi đơn
vị xuất khẩu xuất trình đầy đủ chứng từ theo đúng thỏa thuận.
3.2. Đối tượng tham gia
 Đơn vị xuất khẩu (Seller, Beneficiary)
 Đơn vị nhập khẩu (Buyer)
 Ngân hàng phục vụ đơn vị xuất khẩu (Beneficiary’s Bank)
3.3. Trường hợp áp dụng
Phương thức thanh toán này được áp dụng trong trường hợp:
 Đơn vị nhập khẩu rất tin tưởng đơn vị xuất khẩu vì trên thực tế chưa có cơ sở pháp lý nào
rõ ràng để điều chỉnh phương thức thanh toán này nên nếu có tranh chấp xảy ra thì việc
xử lý rất phức tạp.
 Đơn vị nhập khẩu có văn phòng đại diện tại nước của đơn vị xuất khẩu.
 Mua bán hàng hóa độc quyền, khan hiếm.
3.4. Quy trình nghiệp vụ của phương thức giao chứng từ nhận tiền

EXPORT COUNTRY IMPORT COUNTRY

EXPORTER IMPORTER
(BENEFICIARY)
4

6 7 8
3

5 BENEFICIARY’S
1
BANK

IMPORTER’S
REPRESENTATIVE
Bước 1: Trên cơ sở hợp đồng mua bán ngoại thương, nhà nhập khẩu ủy quyền cho đại diện của
mình ở nước xuất khẩu mở một tài khoản tín thác để thực hiện phương thức thanh toán CAD
Bước 2: Văn phòng đại diện của nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu mở
một tài khoản tín thác và kí quỹ vào tài khoản này một số tiền bằng 100% trị giá hợp đồng, số
tiền kí quỹ này được dùng để thanh toán cho nhà xuất khẩu, theo đúng các thỏa thuận được ghi
trong bản ghi nhớ (memorandum) mà đại diện nhà nhập khẩu đã kí hết với ngân hàng nhà xuất
khẩu.
Bước 3: Ngân hàng thông báo cho đơn vị xuất khẩu về việc bên phía nhà nhập khẩu đã mở tài
khoản tín thác và những yêu cầu liên quan đến việc xuất trình chứng từ.
Bước 4: Nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu theo đúng thỏa thuận trên hợp đồng dưới
sự giám sát của người đại diện đơn vị nhập khẩu tại nước xuất khẩu.
Bước 5: Sau khi việc giao hàng đã hoàn tất và thỏa mãn các yêu cầu mà phía nhà nhập khẩu đưa
ra, văn phòng đại diện của nhà nhập khẩu sẽ cấp cho nhà xuất khẩu thư xác nhận (confirmation
letter) trong đó có thể hiện rõ việc đồng ý thanh toán cho nhà xuất khẩu.
Bước 6: Nhà xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ theo yêu cầu cho ngân hàng của mình.
Bước 7: Ngân hàng kiểm tra chứng từ, đối chiếu với biên bản ghi nhớ, nếu đúng thì thanh toán
tiền cho đơn vị xuất khẩu từ tài khoản tín thác của đơn vị nhập khẩu.
Bước 8: Ngân hàng chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và quyết toán tài khoản tín thác.
4. PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN NHỜ THU (COLLECTION)
4.1. Cơ sở pháp lý
Văn bản pháp lý điều chỉnh phương thức nhờ thu là “Quy tắc thống nhất về nhờ thu (The
Uniform Rules for Collection – URC) do Phòng thương mại quốc tế (ICC) biên soạn và phát
hành lần đầu tiên vào năm 1956. Các quy tắc này đã được sửa đổi vào năm 1967 và 1978. Năm
1995, một lần nữa qui tắc này lại được sửa đổi mang số 522 (The Uniform Rules for Collection
No 522 Revision 1995 – gọi tắc là URC 522 1995 ICC), có hiệu lực từ ngày 1/1/1996.
URC 522 là một tập quán quốc tế, không ràng buộc các bên phải thi hành. Nếu muốn áp
dụng URC 522, các bên phải dẫn chiếu vào hợp đồng cơ sở và chỉ thị nhờ thu. Khi dẫn chiếu áp
dụng URC 522 thì các điều khoản của nó sẽ ràng buộc tất cả các bên liên quan trừ khi có sự thỏa
thuận khác rõ ràng hoặc trừ khi trái với các qui định trong luật của địa phương, một bang hay
quốc gia hoặc quy chế mà không thể bỏ qua được. Tuy nhiên hầu hết các nước trên thế giới đều
không có luật riêng về nhờ thu. Vì vậy, URC 522 đã và đang được áp dụng rộng rãi trong nhờ
thu ở nhiều nước trên thế giới.
4.2. Khái niệm
Phương thức thanh toán nhờ thu là phương thức thanh toán trong đó đơn vị xuất khẩu sau
khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ sẽ tiến hành ủy thác cho ngân hàng
phục vụ mình thu hộ tiền từ đơn vị nhập khẩu dựa trên cơ sở hối phiếu (hoặc séc) và bộ chứng từ
do đơn vị xuất khẩu xuất trình.
Theo điều II URC 522 của ICC, nhờ thu (collection) được định nghĩa như sau:
a. “Nhờ thu” có nghĩa là các ngân hàng tiếp nhận các chứng từ như đã định nghĩa ở
phần b của điều này theo đúng các chỉ thị đã được nhận để:
 Thanh toán và/hoặc chấp nhận thanh toán, hoặc:
 Giao chứng từ để được thanh toán và/hoặc chấp nhận thanh toán, hoặc:
 Giao chứng từ theo các điều kiện khác đặt ra.
b. “Chứng từ” là chứng từ tài chính và/hoặc chứng từ thương mại
 Chứng từ tài chính bao gồm hối phiếu, kỳ phiếu, séc hoặc các loại chứng từ tương
tự khác dùng để thu tiền.
 Chứng từ thương mại gồm có các hóa đơn, chứng từ vận chuyển, chứng từ về
quyền sở hữu hoặc bất kỳ một loại chứng từ tương tự nào khác miễn là không phải là chứng từ
tài chính.
4.3. Các đối tượng liên quan đến nghiệp vụ thanh toán nhờ thu
Người ủy thác Người trả Ngân hàng chuyển Ngân hàng thu hộ Ngân hàng xuất
(Principal) tiền chứng từ tiền trình chứng từ
(Drawee) (Remitting Bank) (Collecting Bank) (Presenting
Bank)
Đơn vị xuất Đơn vị nhập Ngân hàng phục vụ Là ngân hàng đại lý Thực hiện chức
khẩu khẩu cho đơn vị xuất của ngân hàng năng giống như
Người bị kí khẩu, được đơn vị chuyển chứng từ. ngân hàng thu hộ.
phát hối xuất khẩu ủy thác Nếu trong trường Là đại lý của
phiếu thu hộ tiền bên hợp ngân hàng thu ngân hàng
mua, có nhiệm vụ hộ không trực tiếp chuyển chứng từ
chuyển giao chứng xuất trình chứng từ trực tiếp xuất
từ ra ngân hàng đòi tiền đơn vị nhập trình chứng từ đòi
nước ngoài để đòi khẩu mà phải thông tiền bên mua.
tiền bên mua. qua một ngân hàng
khác thì 
4.4. Quy trình nghiệp vụ của phương thức nhờ thu
4.4.1. Nhờ thu trơn (clean collection)
4.4.1.1. Khái niệm
Nhờ thu trơn là phương thức thanh toán nhờ thu mà trong đó đơn vị xuất khẩu sau khi
giao hàng và bộ chứng từ cho đơn vị nhập khẩu, chỉ kí phát hối phiếu (hoặc nhờ thu Séc) đòi tiền
đơn vị nhập khẩu và yêu cầu ngân hàng thu số tiền ghi trên tờ hối phiếu đó, không kèm theo một
điều kiện nào cả của việc trả tiền.
4.4.1.2 Quy trình thanh toán nhờ thu trơn

1. HH + BCT

5. Lệnh 2. HP
6.Báo nợ 4. HP 8.Báo có
Chuyển
tiền

3. HP

7. TT

4.4.2. Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary collection)


4.4.2.1. Khái niệm
Phương thức nhờ thu kèm chứng từ là phương thức thanh toán mà trong đó đơn vị xuất
khẩu nhờ ngân hàng thu hộ tiền từ đơn vị nhập khẩu không những chỉ căn cứ vào hối phiếu mà
còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hóa gởi kèm theo hối phiếu, với điều kiện nếu đơn vị nhập
khẩu đồng ý trả tiền hoặc chấp nhận lên hối phiếu thì ngân hàng mới giao bộ chứng từ hàng hóa
cho đơn vị nhập khẩu để nhận hàng.
4.4.2.2. Phân loại nhờ thu kèm chứng từ
a. Nhờ thu trả ngay (Documents against payment – DP)
Nhờ thu trả ngay còn được hiểu là nhờ thu trả tiền đổi chứng từ. Phương thức này được
sử dụng trong trường hợp mua bán trả tiền ngay khi người mua trả tiền thì ngân hàng mới trao bộ
chứng từ thanh toán để nhận hàng.
b. Nhờ thu trả chậm (Documents against acceptance – D/A)
Nhờ thu trả chậm hay còn được hiểu là nhờ thu chấp nhận trả tiền đổi chứng từ. Phương
thức này được sử dụng trong trường hợp mua bán có kỳ hạn hay mua bán chịu, chỉ khi nào người
mua chấp nhận trả tiền trên hối phiếu (hối phiếu có kỳ hạn) thì ngân hàng mới giao bộ chứng từ
để nhận hàng. Đến hạn thanh toán hối phiếu, người mua có nhiệm vụ thanh toán đúng hạn cho
người cầm hối phiếu.
4.4.2.3. Quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ

REMITTING BANK PRESENTING BANK


(7)
(EXPORTER’S BANK) (COLLECTING BANK)

(3)

(2)
(8) (4) (5) (6)

EXPORTER IMPORTER

(BENEFICIARY) (DRAWEE)

(1)
(1): Đơn vị xuất khẩu giao hàng cho đơn vị nhập khẩu
(2): Đơn vị xuất khẩu ký phát hối phiếu đòi tiền đơn vị nhập khẩu kèm theo bộ chứng từ hàng
hóa và chỉ thị nhờ thu gửi đến ngân hàng phục vụ mình để nhờ thu hộ tiền từ đơn vị nhập khẩu
(3): Ngân hàng nhờ thu gửi hối phiếu, bộ chứng từ hàng hóa kèm theo chỉ thị nhờ thu gửi đến
Ngân hàng thu hộ để nhờ thu hộ tiền từ nhà nhập khẩu.
(4): Ngân hàng thu hộ thông báo cho đơn vị nhập khẩu biết về việc đang nắm giữ bộ chứng từ.
Yêu cầu đơn vị nhập khẩu có phản hồi về việc nhận chứng từ thanh toán hoặc từ chối chuyển trả
chứng từ.
(5): Đơn vị nhập khẩu đến ngân hàng thu hộ/ ngân hàng xuất trình để làm thủ tục nhận chứng từ.
Nếu đồng ý nhận chứng từ thì có hai trường hợp:
 Nếu chứng từ nhờ thu theo phương thức D/P: Đơn vị nhập khẩu phải trả tiền thanh toán
ngay, ngân hàng mới giao bộ chứng từ gốc để nhận hàng
 Nếu chứng từ nhờ thu theo phương thức D/A: Đơn vị nhập khẩu chỉ cần ký chấp nhận lên
hối phiếu, Ngân hàng sẽ giao bộ chứng từ.
(6): Ngân hàng thu hộ giao chứng từ cho đơn vị nhập khẩu để nhận hàng
(7): Ngân hàng thu hộ thực hiện các bút toán chuyển tiền hoặc hối phiếu đã chấp nhận và gửi
thông báo về ngân hàng nhờ thu đơn vị xuất khẩu. Hoặc thông báo về sự từ chối thanh toán của
đơn vị nhập khẩu.
(8): Ngân hàng nhờ thu sau khi nhận được thông báo ghi có từ ngân hàng thu hộ sẽ thực hiện bút
toán ghi có vào tài khoản của đơn vị xuất khẩu hoặc chuyển hối phiếu đã chấp nhận cho đơn vị
xuất khẩu hoặc thông báo về sự từ chối thanh toán của đơn vị nhập khẩu cho nhà xuất khẩu.
5. PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ (DOCUMENTARY
CREDIT)
5.1. GIỚI THIỆU VỀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ
5.1.1. Cơ sở pháp lý của phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
a. UCP No. 600 (Uniform Customs and Practice for documentary credit)
UCP 600 là bản qui tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ. Khi sử dụng chỉ
cần dẫn chiếu UCP vào L/C thì UCP trở thành một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để giải
quyết những tranh chấp phát sinh giữa các bên tham gia.
UCP 600 là văn bản hiện hành và được xây dựng với 2 nhóm quy định sau đây:
 Nhóm quy định mang tính bắt buộc: đây là những quy định này mang tính chất chủ đạo
làm nền tảng vững chắc cho phương thức thanh toán tín dụng chứng từ nên mang tính bắt buộc
cao, không được làm trái với những điều bắt buộc mà UCP đã đề ra nếu các bên đã thống nhất sử
dụng phương thức này.
 Nhóm quy định không mang tính bắt buộc: Bao gồm một số điều khoản trong L/C cho
phép lựa chọn. Tùy theo điều kiện và khả năng mà các bên tham gia sẽ bàn bạc và thỏa thuận cụ
thể, sau đó lựa chọn và cụ thể hóa thành các điều khoản và điều kiện trong L/C. Điều này đã góp
phần tạo nên sự ứng dụng phong phú và đa dạng của UCP 600, ngày càng phù hợp với xu hướng
phát triển thương mại quốc tế.
b. URR No.725 (Uniform rules for bank to bank reimbursements under documentary
credits)
 URR 725 là quy tắc thống nhất về bồi hoàn chuyển tiền giữa các ngân hàng theo tín dụng
chứng từ do ICC ban hành thay thế URR No.525 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2008.
 URR No.725 được áp dụng trong trường hợp L/C quy định thanh toán hoặc chấp nhận
thanh toán tại ngân hàng thanh toán, ngân hàng xác nhận, hoặc ngân hàng chiết khấu…Nếu
người hưởng lợi xuất trình bộ chứng từ vào ngân hàng chiết khấu xin thanh toán, sau khi kiểm
tra xác định bộ chứng từ phù hợp với L/C, ngân hàng tiến hành thanh toán tiền cho người thụ
hưởng và yêu cầu ngân hàng mở L/C bồi hoàn tiền hoặc có thể chị thị đòi tiền ở một ngân hàng
khác – gọi là ngân hàng hoàn trả tiền. Quy tắc URR 725 ra đời nhằm phân chia quyền hạn trách
nhiệm giữa các ngân hàng, đồng thời tránh trường hợp các ngân hàng chiếm dụng vốn lẫn nhau
c. ISBP 745 (International Standard Banking Practice for examination of documents
under UCP 600)
ISBP745 được đổi tên: là “Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chứng từ
theo UCP600” thay vì tên cũ “Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chứng
từ theo tín dụng chứng từ” của ISBP 681.
ISBP 745 được hiểu là gắn liền và không tách rời UCP 600. Nội dung này khẳng định
rằng ISBP 745 đã tạo ra một “hành lang pháp lý” để các ngân hàng kiểm tra chứng từ xuất trình
theo L/C tuân thủ UCP 600.
ISBP 745 là nhằm diễn giải và hướng dẫn áp dụng các điều khoản của UCP600, trong
phạm vi của các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng hoặc bất cứ các sửa đổi thư tín dụng
kèm theo. Ngoài UCP 600, ngân hàng căn cứ vào ISBP 745 để kiểm tra chứng từ và có thể trích
dẫn các điều khoản thích hợp của ISBP 745 để làm cơ sở quyết định thanh toán hay từ chối nếu
các chứng từ xuất trình phù hợp hay không phù hợp với điều kiện và điều khoản của L/C và các
sửa đổi L/C kèm theo có dẫn chiếu đến UCP600.
Nếu một L/C dẫn chiếu áp dụng ISBP 745 thì đương nhiên cũng phải hiểu là L/C đang
dẫn chiếu áp dụng UCP 600. Tuy nhiên theo chiều ngược lại, nếu L/C dẫn chiếu áp dụng UCP
600 thì không nhất thiết phải áp dụng ISBP 745 mà tùy vào các bên có thể lựa chọn các phiên
bản ISBP tùy ý.
d. Một số văn bản pháp lý khác
Ngoài ra, khi thực hiện, phương thức tín dụng chứng từ kết hợp với các văn bản pháp lý
như: Incoterms 2000, luật hối phiếu, nghị định quản lý ngoại hối…
Trên thực tế, khi thực hiện phương thức tín dụng chứng từ, ngoài các văn bản pháp lý nêu
trên thì tập quán thương mại quốc tế có ảnh hưởng nhất định đến việc hai bên lựa chọn các điều
khoản trong hợp đồng, cũng như tập quán kinh doanh của từng ngân hàng…nên các ngân hàng
tham gia trong phương thức này cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa các quy định pháp luật với
tập quán thương mại quốc tế.
5.1.2. Khái niệm
Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận mà trong đó một ngân hàng (ngân
hàng phát hành thư tín dụng) theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) cam
kết hay cho phép ngân hàng khác chi trả hoặc chấp nhận những yêu cầu của người thụ hưởng khi
xuất trình bộ chứng từ phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định trong thư tín dụng.
5.1.3. Các bên tham gia trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
Người yêu cầu mở L/C (Applicant): đơn vị nhập khẩu. Theo điều 2 UCP 600, người yêu
cầu mở L/C là bên mà theo yêu cầu của bên đó, thư tín dụng được phát hành.
Người thụ hưởng (Beneficiary): đơn vị xuất khẩu. Theo điều 2 UCP 600, người thụ
hưởng là bên mà vì quyền lợi của bên đó, một thư tín dụng được phát hành.
Ngân hàng mở hay ngân hàng phát hành thư tín dụng (Issuing Bank): là ngân hàng
phục vụ đơn vị nhập khẩu, cung cấp tín dụng cho đơn vị nhập khẩu và là ngân hàng thường được
hai bên nhập khẩu và xuất khẩu thỏa thuận, lựa chọn và được quy định trong hợp đồng thương
mại. Nếu chưa có sự quy định trước, đơn vị nhập khẩu có quyền lựa chọn. Theo điều 2 UCP 600,
ngân hàng phát hành là ngân hàng theo yêu cầu của người yêu cầu mở L/C hoặc nhân danh chính
mình, phát hành một thư tín dụng.
Ngân hàng thông báo thư tín dụng (Advising Bank): là ngân hàng phục vụ đơn vị xuất
khẩu, thông báo cho đơn vị xuất khẩu biết thư tín dụng đã mở. Ngân hàng này thường ở nước
xuất khẩu và có thể là ngân hàng chi nhánh hoặc đại lý của ngân hàng phát hành thư tín dụng.
Ngoài các bên tham gia vừa nêu trên, còn có thể có các ngân hàng khác tham gia trong
phương thức thanh toán này, bao gồm:
 Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank)
 Ngân hàng chỉ định (Nominating Bank)
 Ngân hàng thanh toán (Paying Bank)
 Ngân hàng chiết khẩu (Negotiating Bank)
 Ngân hàng chấp nhận (Accepting Bank)
 Ngân hàng bồi hoàn (Reimbursing Bank)
 Ngân hàng chuyển nhượng (Transfering Bank)
5.1.4. Quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
5.1.4.1. Quy trình mở và thông báo thư tín dụng

ISSUING BANK ADVISING BANK


L/C

(2)
DOCUMENTARY L/C
(3)
CREDIT
APPLICANTION
(1)

APPLICANT BENEFICIARY
SALE
(IMPORTER) CONTRACT (EXPORTER)

Bước 1: Căn cứ vào hợp đồng mua bán ngoại thương, đơn vị nhập khẩu viết giấy đề nghị mở thư
tín dụng gửi đến ngân hàng phục vụ mình (chính là ngân hàng phát hành thư tín dụng) để yêu
cầu ngân hàng này mở một thư tín dụng cho đơn vị xuất khẩu hưởng lợi.
Bước 2: Căn cứ vào giấy đề nghị mở thư tín dụng của đơn vị nhập khẩu và các chứng từ có liên
quan, nếu đồng ý, ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nhập khẩu để thực hiện ký quỹ (mức ký
quỹ 0 – 100% trị giá thư tín dụng tùy thuộc vào việc thẩm định hồ sơ yêu cầu mở thư của ngân
hàng mở thư). Sau đó, ngân hàng mở thư tín dụng sẽ phát hành một L/C gởi cho đơn vị xuất
khẩu thông qua ngân hàng thông báo tại nước xuất khẩu. Việc chuyển thư tín dụng đến ngân
hàng thông báo có thể được thực hiện bằng đường bưu điện (mail), đường điện tín (telex) hoặc
bằng hệ thống Swift (điện MT700)
Bước 3: Khi nhận được thư tín dụng của ngân hàng mở L/C gửi đến, ngân hàng thông báo sẽ tiến
hành kiểm tra tính xác thực của thư tín dụng, rồi chuyển bản chính L/C cho đơn vị xuất khẩu
dưới hình thức văn bản “nguyên văn”
5.1.4.2. Quy trình thanh toán thư tín dụng

(6)
ISSUING BANK ADVISING BANK
(NEGOTIATING BANK)
(3)

(2) (7)
(5) (4)

APPLICANT BENEFICIARY
(IMPORTER) (EXPORTER)
(1)

Bước 1: Đơn vị xuất khẩu tiến hành giao hàng cho đơn vị nhập khẩu theo đúng thỏa thuận trong
hợp đồng ngoại thương.
Bước 2: Đơn vị xuất khẩu lập bộ chứng từ theo đúng các điều kiện và điều khoản đã được quy
định trong thư tín dụng và xuất trình bộ chứng từ đến ngân hàng thông báo (đồng thời có thể là
ngân hàng chiết khấu) để ngân hàng này gửi đến ngân hàng phát hành đòi tiền.
Bước 3: Sau khi nhận được bộ chứng từ từ đơn vị xuất khẩu, ngân hàng thông báo hỗ trợ đơn vị
xuất khẩu kiếm tra tính chính xác của bộ chứng từ so với các điều kiện và điều khoản mà L/C qui
định. Ngân hàng thông báo lập chỉ dẫn thanh toán kèm theo bộ chứng từ gửi đến ngân hàng phát
hành để đòi tiền
Bước 4: Sau khi nhận được bộ chứng từ từ ngân hàng thông báo, ngân hàng phát hành tiến hành
kiểm tra bộ chứng từ và thông báo về tính trạng bộ chứng từ cho đơn vị nhập khẩu
Bước 5: Đơn vị nhập khẩu thanh toán (trường hợp L/C trả ngay) hoặc chấp nhận thanh toán
(trường hợp L/C trả chậm) để nhận bộ chứng từ từ ngân hàng phát hành. Có 02 tình huống xảy
ra:
 Nếu thấy bộ chứng từ phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định trong L/C thì
ngân hàng phát hành sẽ thanh toán cho đơn vị xuất khẩu thông qua ngân hàng thông báo, đồng
thời thông báo cho đơn vị nhập khẩu đến làm thủ tục để nhận bộ chứng từ.
 Nếu bộ chứng từ không phù hợp với những điều kiện và điều khoản đã được quy định
trong L/C thì ngân hàng phát hành có quyền từ chối thanh toán L/C đồng thời thông báo cho đơn
vị nhập khẩu về những sai sót và xin ý kiến của đơn vị nhập khẩu về việc thanh toán lô hàng
nhập khẩu. Nếu đơn vị nhập khẩu chấp nhận sai sót và nhận bộ chứng từ thì ngân hàng phát hành
sẽ thanh toán L/C, còn ngược lại, nếu đơn vị nhập khẩu từ chối nhận bộ chứng từ thì ngân hàng
phát hành sẽ tiến hành thông báo cho đơn vị xuất khẩu về việc từ chối thanh toán L/C và chuyển
trả lại bộ chứng từ cho đơn vị xuất khẩu thông qua ngân hàng thông báo.
Bước 6: Sau khi đơn vị nhập khẩu đã hoàn tất các thủ tục thanh toán và nhận bộ chứng từ tại
ngân hàng phát hành, ngân hàng phát hành sẽ phát điện báo có tài khoản đơn vị xuất khẩu cho
ngân hàng thông báo (trường hợp L/C trả ngay) hoặc phát điện chấp nhận thanh toán cho đơn vị
xuất khẩu và gửi đến ngân hàng thông báo để ngân hàng thông báo thông báo cho đơn vị xuất
khẩu (trường hợp L/C trả chậm)
Bước 7: Nhận được điện báo có từ ngân hàng phát hành L/C, ngân hàng thông báo tiến hành ghi
có tài khoản cho đơn vị xuất khẩu (trường hợp L/C trả ngay) hoặc nếu nhận được điện chấp nhận
thanh toán từ ngân hàng phát hành, ngân hàng thông báo sẽ thông báo cho đơn vị xuất khẩu biết
về thời điểm đơn vị xuất khẩu sẽ được thanh toán trong tương lai. Trường hợp bộ chứng từ có sai
sót và ngân hàng phát hành đã gửi điện từ chối thanh toán thì ngân hàng thông báo sẽ thông báo
về sự từ chối của ngân hàng phát hành, đồng thời bằng các nghiệp vụ của mình, ngân hàng thông
báo sẽ tư vấn cho đơn vị xuất khẩu cách thức đòi tiền bằng phương thức khác hoặc sửa đổi bộ
chứng từ để phù hợp với các điều kiện và điều khoản của L/C.
5.2. THƯ TÍN DỤNG (LETTER OF CREDIT)
5.2.1. Khái niệm
Thư tín dụng là một văn bản do ngân hàng mở L/C lập ra theo yêu cầu của nhà nhập khẩu
(Người yêu cầu mở L/C) nhằm cam kết trả cho đơn vị xuất khẩu (Người thụ hưởng) một số tiền
nhất định, trong một thời gian nhất định với điều kiện người này thực hiện đúng và đầy đủ những
điều khoản quy định trong văn bản đó
5.2.2. Bản chất và ý nghĩa của thư tín dụng
Thư tín dụng là cốt lõi, là phương tiện chủ yếu của phương thức thanh toán tín dụng
chứng từ. Do đó, nếu thư tín dụng hết thời hạn hiệu lực thì phương thức thanh toán tín dụng
chứng từ sẽ không có ý nghĩa.
Thư tín dụng là văn bản thể hiện sự cam kết của ngân hàng mở thư tín dụng đối với đơn
vị xuất khẩu để thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo điều khoản thanh toán của hợp đồng mua bán
ngoại thương. Tuy thư tín dụng được soạn thảo trên cơ sở hợp đồng mua bán giữa đơn vị xuất
khẩu và đơn vị nhập khẩu nhưng nó được ngân hàng mở phát hành để cam kết thanh toán cho
đơn vị xuất khẩu nên về bản chất nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng mua bán. Tính chất độc lập
thư tín dụng thể hiện ở chỗ ngân hàng mở thư tín dụng không cần biết đến hợp đồng mua bán mà
chỉ căn cứ vào nội dung đơn yêu cầu mở L/C của đơn vị nhập khẩu để lập thư tín dụng (mở L/C)
cho đơn vị xuất khẩu.
Trong trường hợp không có ký kết hợp đồng, đơn vị nhập khẩu dựa vào hóa đơn chào
hàng (Profoma invoice) của đơn vị xuất khẩu, tự mình xin mở L/C và được đơn vị xuất khẩu
chấp nhận thì thư tín dụng cũng chính là hợp đồng.
5.2.3. Nội dung của thư tín dụng
Thư tín dụng chứa đựng những nội dung sau đây:
a. Số hiệu L/C (DCs number)
Tất cả các L/C đều phải có số hiệu riêng của nó. Tác dụng của số hiệu là dùng để trao đổi
thư từ, điện tín có liên quan đến việc thực hiện L/C. Số hiệu của L/C còn được dùng để ghi vào
các chứng từ có liên quan trong bộ chứng từ thanh toán của L/C, đặc biệt là tham chiếu khi lập
hối phiếu đòi tiền.
b. Địa điểm mở L/C (Issuing place)
Địa điểm mở L/C là nơi ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho người hưởng lợi. Địa
điểm này liên quan đến việc tham chiếu luật lệ áp dụng giải quyết mâu thuẫn hay bất đồng xảy ra
(nếu có)
c. Ngày mở L/C (Date of Issue)
Ngày mở L/C là ngày bắt đầu phát sinh và có hiệu lực về sự cam kết của ngân hàng mở
L/C đối với người thụ hưởng. Ngày mở L/C còn có ý nghĩa như là ngày ngân hàng mở L/C chính
thức chấp nhận giấy yêu cầu mở L/C của đơn vị nhập khẩu, là ngày bắt đầu tính thời hạn hiệu lực
của L/C và cũng là căn cứ để đơn vị xuất khẩu kiểm tra xem đơn vị nhập khẩu có thực hiện việc
mở L/C đúng thời hạn như trong hợp đồng hay không.
d. Địa điểm và ngày hết hạn hiệu lực L/C (Date and place of Expiry)
Địa điểm hết hạn hiệu lực L/C: có thể tại nước người bán, tại nước người mua hay tại
nước thứ ba. Thông thường là hết hạn tại nước người bán. Tuy nhiên, người mua hay người bán
đều muốn địa điểm hết hạn hiệu lực tại nước mình vì có thể chủ động về thời gian trả tiền, giảm
thiểu được chi phí chuyển tiền và các chi phí khác phát sinh có liên quan, đồng thời ngân hàng
nước mình thu được thủ tục phí.
Thời hạn hiệu lực L/C: Là thời hạn mà ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho đơn vị
xuất khẩu, nếu đơn vị xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ thanh toán trong thời hạn đó và phù hợp
với những điều đã qui định trong L/C. Thời hạn hiệu lực của L/C bắt đầu tính từ ngày mở L/C
đến ngày hết hiệu lực của L/C.
e. Loại thư tín dụng (Form of DCs)
Mỗi loại L/C đều có tính chất, nội dung khác nhau, quyền lợi và nghĩa vụ của những
người có liên quan tới thư tín dụng cũng rất khác nhau. Do đó, khi mở thư tín dụng, người có
nhu cầu cần phải xác định cụ thể loại thư tín dụng nào cần mở.
f. Tên, địa chỉ của những người liên quan (Full name and address of parties to the
DCs)
Những người liên quan đến phương thức tín dụng chứng từ bao gồm người yêu cầu mở
L/C, người thụ hưởng L/C, ngân hàng mở L/C, ngân hàng thông báo cần được chỉ rõ ràng tên và
địa chỉ trong thư tín dụng.
g. Số tiền của thư tín dụng (Amount)
Số tiền của thư tín dụng là một nội dung rất quan trọng. Vì vậy việc qui định nội dung
này trong L/C cũng rất chặt chẽ như theo điều 30 UCP 600. Những lưu ý khi ghi số tiền trên
L/C:
Phải ghi tên đơn vị tiền tệ, rõ ràng cụ thể vì cùng một tên gọi là đô la nhưng có nhiều loại
khác nhau như đô la Mỹ, Úc, Canada…
Số tiền ghi trên thư tín dụng phải phù hợp với số tiền ghi trong hóa đơn, số tiền ghi bằng
chữ và số phải thống nhất nhau. Thông thường ghi như sau:
Ghi bằng số tuyệt đối trong trường hợp hàng hóa dễ cân đo đong đếm một cách chính xác
tính theo đơn vị sản phẩm như cái, chiếc…Cách ghi này ít được sử dụng vì giá trị thực tế hàng
hóa giao nhận ít khi chính xác với số tiền qui định trong L/C, nên có thể gây khó khăn trong
thanh toán.
Ghi một số giới hạn mà đơn vị xuất khẩu có thể đạt được khi giao hàng trong trường hợp
hàng hóa khó cân đo đong đếm một cách chính xác như hóa chất, phân bón, than, quặng
mỏ…nên thường dùng từ “vào khoảng (about)”, “độ chừng (circa)”. Theo điều 30 UCP 600, qui
định những từ như “about”, “circa” hoặc những từ ngữ tương tự dùng để nói về số tiền của L/C
hoặc số lượng hoặc đơn giá ghi trong L/C phải được hiểu là cho phép biến động không quá 10%
so với số tiền hoặc số lượng đơn giá mà từ ngữ ấy nói đến.
Ngoài ra còn qui định, trừ khi L/C qui định việc giao hàng nhiều hơn hay ít hơn số lượng
qui định thì một dung sai hơn hoặc kém hơn 5% có thể được chấp nhận, nhưng miễn là L/C
không qui định số lượng tính bằng đơn vị bao kiện hoặc chiếc.
Ngay cả khi không cho phép giao hàng từng phần, dung sai không vượt ít hơn 5% số tiền
của thư tín dụng được cho phép với điều kiện số lượng hàng hóa trong L/C phải được giao đủ,
đơn giá không được giảm xuống.
h. Thời hạn xuất trình chứng từ (Period for Presentation)
Theo điều 6 UCP 600, thời gian xuất trình là thời hạn quy định xuất trình bộ chứng từ tại
nơi thực hiện thanh toán, nhưng phải nằm trong thời gian hiệu lực L/C.
Nếu không ghi ngày xuất trình chứng từ thì theo điều 14 UCP 600 thời hạn xuất trình
chứng từ trong vòng 21 ngày sau ngày giao hàng nhưng trong thời gian hiệu lực của L/C.
i. Thời hạn trả tiền của L/C (Date of Payment)
Thời hạn trả tiền có liên quan tới việc trả tiền ngay hay trả tiền chậm. Điều này hoàn toàn
tùy thuộc vào quy định của hợp đồng. Thời hạn trả tiền có thể nằm trong thời hạn hiệu lực của
L/C (nếu trả tiền ngay) hoặc có thể nằm ngoài thời hạn hiệu lực của L/C (nếu trả tiền chậm).
Trong trường hợp này, phải lưu ý là hối phiếu có kỳ hạn phải được xuất trình để chấp nhận trong
thời hạn hiệu lực của L/C.
j. Thời hạn giao hàng (Date of Shipment)
Thời hạn giao hàng được ghi trong L/C và cũng do hợp đồng thương mại quy định. Đây
là thời hạn quy định bên bán phải chuyển giao hàng cho bên mua kể từ khi L/C có hiệu lực. Thời
hạn giao hàng liên quan chặt chẽ với thời hạn hiệu lực của L/C. Nếu hai bên thỏa thuận kéo dài
thời hạn giao hàng một số ngày, thì đương nhiên ngân hàng mở L/C cũng phải hiểu rằng thời hạn
hiệu lực của L/C cũng được kéo dài thêm một số ngày tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn
xảy ra nhiều trường hợp thời hạn giao hàng được mở rộng nhưng thời hạn hiệu lực thì không.
Thời hạn giao hàng phải được quy định chính xác, rõ ràng, có nghĩa là không được dùng
các thuật ngữ sau đây để diễn tả ngày giao hàng ví dụ như: ngay tức thì (prompt), ngay lập tức
(immediately), càng sớm càng tốt (as soon as possible) điều 3 UCP 600. Để đơn giản thuận tiện
thì hầu hết trong các mẫu đơn mở L/C của ngân hàng hiện nay đều thiết kế sẵn ngày giao hàng
trễ nhất (latest date of shipment), cách quy định này là phổ biến nhất hiện nay.
k. Giao hàng từng phần (Partial shipment)
Tùy theo quy định cụ thể trong L/C, nếu giao hàng từng phần được cho phép hoặc không
cho phép thì trong L/C phải ghi: “Partial Shipment: allowed, not allowed, permitted,
prohibited…”
Theo điều 31 UCP 600, “giao hàng từng phần có nghĩa là việc giao hàng được tiến hành
nhiều lần, nhiều chuyến khác nhau ở nhiều địa điểm khác nhau, trên từng chuyến tàu khác nhau.
Giao hàng có thể tiến hành nhiều lần nhưng trên cùng một phương tiện vận tải, cùng một cuộc
hành trình và thể hiện cùng nơi đến thì được hiểu là không giao hàng từng phần”.
Giao hàng từng phần có nghĩa là thanh toán từng phần, nếu như không có quy định gì
khác về thanh toán. Còn có những quy định khác về thanh toán thì phải ghi rõ trong L/C.
l. Chuyển tải (Transhipment)
Chuyển tải có nghĩa là hàng hóa bốc dỡ từ một phương tiện vận tải này lên một phương
tiện vận tải khác trong quá trình vận chuyển đoạn đường từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng cuối
cùng. Trong trường hợp sử dụng vận chuyển đa phương thức thì đương nhiên được chuyển tải,
miễn là sử dụng một vận đơn.
m. Điều khoản về hàng hóa (Description of Goods/Service)
Điều khoản về hàng hóa là điều khoản chỉ ra những quy định có liên quan đến hàng hóa,
bao gồm tên hàng, số lượng và trọng lượng, giá cả, quy cách phẩm chất, bao bì, ký hiệu…
n. Những nội dung về vận tải, giao nhận hàng hóa
Điều kiện cơ sở giao hàng (FOB, CIF, CFR,…), nơi gởi hàng, nơi giao hàng, cách vận
chuyển và cách giao hàng…cũng được ghi vào L/C. Thông thường, điều kiện giao hàng tùy
thuộc vào khả năng cung ứng hàng của đơn vị xuất khẩu, khả năng nhận hàng của đơn vị nhập
khẩu, khả năng vận chuyển của phương tiện vận tải, hàng hóa phải được giao trên boong tàu.
Nếu nhận thấy những điều kiện giao hàng ghi trong L/C không thể thực hiện được thì đơn vị xuất
khẩu có thể đề nghị điều chỉnh L/C.
o. Các chứng từ mà người xuất khẩu phải xuất trình (Documents required)
Yêu cầu về việc ký phát và xuất trình các loại chứng từ cần phải được nêu rõ ràng, cụ thể
và chặt chẽ trong L/C. Các yêu cầu này xuất phát từ đặc điểm của hàng hóa, của phương thức
vận tải, của công tác thanh toán và tín dụng, của tính chất hợp đồng và các nguồn pháp lý có liên
quan đến việc thực hiện hợp đồng đó.
p. Cam kết trả tiền của ngân hàng mở thư tín dụng
q. Những nội dung khác (Additional conditions)
Những điều kiện khác có thể liệt kê như phí ngân hàng được tính cho bên nào, điều kiện
đặc biệt hướng dẫn đối với ngân hàng chiết khấu, phí, trả tiền bằng điện, trả tiền bằng điện cho
phép bồi hoàn (telegraphic transfer reimbursement allowed) và dẫn chiếu số UCP áp dụng…
r. Chữ ký của ngân hàng mở L/C (Signature of Issuing bank)
L/C thực chất là một khế ước dân sự. Do vậy người ký L/C cũng phải là người có năng
lực hành vi, năng lực pháp lý để tham gia và thực hiện một quan hệ dân luật. Nếu gửi bằng telex,
swift thì không có chữ ký, khi đó căn cứ vào mã khóa (testkey) của L/C.
5.2.4. Tu chỉnh L/C (L/C Amendment)
Tu chỉnh L/C hay sửa đổi L/C là việc bổ sung, sửa đổi hay hủy bỏ một số điều kiện, điều
khoản của L/C. Nội dung tu chỉnh L/C thường là những nội dung chủ yếu sau:
 Tăng hoặc giảm giá trị L/C
 Thay đổi ngày giao hàng muộn nhất, ngày hết hạn hiệu lực của L/C
 Tăng – giảm số lượng hàng hóa , trị giá L/C
 Bổ sung cho phép bồi hoàn bằng điện và chỉ định ngân hàng hoàn trả
 Chuyển sang L/C xác nhận và qui định ngân hàng xác nhận
Việc tu chỉnh L/C phải nằm trong thời hạn hiệu lực của L/C. Thư tín dụng được phát
hành và thông báo theo cách thức nào thì tu chỉnh L/C cũng phải được thực hiện như vậy.
Tu chỉnh L/C thường xuất phát hoặc từ đơn vị xuất khẩu hoặc từ đơn vị nhập khẩu. Tuy
nhiên để tu chỉnh L/C có hiệu lực thì việc tu chỉnh phải được sự đồng ý, chấp thuận của tất cả
các bên tham gia trong L/C. Riêng L/C xác nhận thì phải có sự đồng ý của ngân hàng xác nhận.
5.2.5. Các loại thư tín dụng
a. Thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable L/C)
Là loại thư tín dụng mà ngân hàng mở L/C phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho đơn
vị xuất khẩu trong thời gian hiệu lực của L/C, không có quyền đơn phương tự ý sửa đổi hay hủy
bỏ thu thư tín dụng đó. Nếu L/C không ghi là hủy ngang hay không được hủy ngang thì nó là
không thể hủy ngang (điều 3 UCP600)
b. Thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận (Confirmed irrevocable L/C)
Là loại thư tín dụng không hủy ngang và được một ngân hàng khác uy tín hơn đứng ra
bảo đảm việc trả tiền theo thư tín dụng đó cùng với ngân hàng mở L/C. Điều này có nghĩa là
ngân hàng xác nhận chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho đơn vị xuất khẩu, nếu như ngân hàng
mở thư tín dụng không trả tiền (trong trường hợp ngân hàng mở L/C bị phá sản hoặc mất khả
năng chi trả). Do đó, đối với loại L/C này, quyền lợi của đơn vị xuất khẩu được bảo đảm hơn.
Trong L/C này, trách nhiệm ngân hàng xác nhận nặng hơn ngân hàng mở L/C, do đó để đảm bảo,
có khi ngân hàng xác nhận yêu cầu ngân hàng mở L/C phải kí quỹ trước (có trường hợp phải ký
quỹ 100% trị giá L/C) và phải trả tiền thủ tục phí cho ngân hàng xác nhận thường rất cao. Thông
thường, ngân hàng mở L/C sẽ nhờ ngân hàng thông báo đóng luôn vai trò ngân hàng xác nhận.
c. Thư tín dụng không hủy ngang và miễn truy đòi. (Irrevocable without recourse L/C)
Là loại L/C không thể hủy ngang trong đó qui định ngân hàng mở L/C sau khi đã thanh
toán cho đơn vị xuất khẩu thì không được quyền truy đòi lại tiền với bất cứ trường hợp nào. Khi
sử dụng loại L/C này đơn vị xuất khẩu khi kí phát hối phiếu phải ghi câu “miễn truy đòi lại người
kí phát” (Without recourse to drawers)
d. Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving L/C)
Là loại L/C không thể hủy bỏ sau khi sử dụng xong thì nó lại tự động có giá trị như cũ và
cứ như vậy nó tuần hoàn cho đến khi nào tổng giá trị hợp đồng được thực hiện.
Thư tín dụng tuần hoàn cần ghi rõ ngày hết hiệu lực cuối cùng và số lần tuần hoàn căn cứ
vào thời hạn hiệu lực trong mỗi lần tuần hoàn thì phải ghi rõ có cho phép số dư của L/C trước
cộng dồn vào những L/C kế tiếp hay không, nếu không cho phép thì gọi nó là L/C tuần hoàn
không tích lũy (non – cumulative revolving L/C), nếu cho phép thì gọi nó là tuần hoàn tích lũy
(cumulative revolving L/C).
L/C tuần hoàn có ba cách tuần hoàn:
 Tuần hoàn tự động: L/C tự động có giá trị như cũ, không cần có sự thông báo của ngân
hàng phát hành L/C cho người thụ hưởng.
 Tuần hoàn hạn chế (Tuần hoàn không tự động): Tức là chỉ khi nào ngân hàng phát
hành L/C thông báo cho người hưởng lợi thì L/C kế tiếp mới có giá trị hiệu lực.
 Tuần hoàn bán tự động: Tức là sau khi L/C sử dụng xong, nếu sau một vài ngày mà
ngân hàng phát hành L/C không có ý kiến gì về L/C kế tiếp thì nó lại tự động có giá trị như cũ.
Lưu ý:
 Thư tín dụng tuần hoàn được dùng khi các bên tin cậy lẫn nhau, mua hàng thường xuyên,
định kì, khối lượng lớn và trong thời gian dài hạn và hàng hóa phải đồng nhất về chủng loại,
phẩm chất, cách đóng gói bao bì.
 Khi tu chỉnh L/C tuần hoàn, cần phải tuyên bố rõ ràng nội dung tu chỉnh L/C có giá trị
tuần hoàn hay không, hay chỉ có giá trị cho một lần tu chỉnh.
e. Thư tín dụng giáp lưng (Back to Back L/C)
Người hưởng lợi dùng L/C như một tài sản thế chấp để yêu cầu ngân hàng phát một L/C
khác cho người hưởng lợi khác hưởng, L/C phát hành sau gọi là L/C giáp lưng
Về đại thể L/C gốc và L/C giáp lưng giống nhau, nhưng xét riêng, chúng có những điểm
cần phân biệt:
 L/C giáp lưng được phát hành dựa trên L/C gốc, tuy nhiên sau khi phát hành thì hai L/C
này hoàn toàn độc lập với nhau
 Số chứng từ của L/C giáp lưng phải nhiều hơn L/C gốc
 Số tiền ghi trên L/C giáp lưng phải nhỏ hơn số tiền ghi L/C gốc, khoản chênh lệch này do
người trung gian hưởng dùng để chi trả phí mở L/C giáp lưng và phần hoa hồng hoặc ăn
chênh lệch giá của họ.
 Thời hạn giao hàng của L/C giáp lưng phải sớm hơn L/C gốc.
Múc đích sử dụng L/C giáp lưng: L/C giáp lưng sử dụng chủ yếu trong mua bán trung
gian khi mà
 L/C gốc (Master L/C) không cho phép chuyển nhượng.
 Nhà cung cấp (người hưởng lợi thứ 2) không đồng ý L/C chuyển nhượng vì nó không
đảm bảo khả năng được thanh toán.
 Khi các điều kiện của hợp đồng mua và bán là khác nhau.
 Khi các chứng từ cần có theo L/C gốc không trùng khớp với các chứng từ của L/C thứ
hai.
 Người trung gian muốn giấu tất cả các thông tin liên quan đến điều kiện giao hàng, nhà
nhập khẩu, nơi hàng đến, và các thông tin về giá cả.
f. Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C)
Là loại L/C không hủy ngang trong đó qui định L/C chỉ có giá trị hiệu lực khi L/C khác
đối ứng được mở ra. Điều đó có nghĩa là đơn vị xuất khẩu khi nhận được L/C do đơn vị nhập
khẩu mở thì phải mở lại L/C tương ứng thì nó mới có giá trị.
Loại L/C đối ứng được sử dụng khi giữa hai bên xuất nhập khẩu có quan hệ thanh toán
trên cơ sở mua hàng đổi hàng (barter) hoặc gia công. Nếu trong gia công thì L/C để nhập thành
phẩm sẽ là L/C trả ngay (L/C available by sight payment), L/C nhập nguyên liệu là L/C trả chậm
(Available by acceptance)
h. Thư tín dụng thanh toán chậm (Deferred payment L/C)
Là loại L/C không hủy ngang trong đó qui định ngân hàng mở L/C hay ngân hàng xác
nhận L/C cam kết với người hưởng lợi sẽ thanh toán dần dần toàn bộ số tiền của L/C trong
những thời hạn qui định rõ trong L/C sau khi nhận được bộ chứng từ phù hợp và không cần có
hối phiếu
i. Thư tín dụng với điều khoản đỏ (Red clause L/C)
Là loại L/C ứng trước một phần tiền cho người hưởng lợi L/C trước khi giao hàng. Ngân
hàng phát hành L/C điều khoản đỏ quy định, người hưởng lợi L/C trước ngày giao hàng X ngày
được quyền kí phát một hối phiếu trơn đòi tiền ngân hàng phát hành kèm theo một bảo lãnh ngân
hàng (letter of guarantee) cam kết hoàn trả tiền ứng trước nếu không thực hiện L/C điều khoản
đỏ hoặc một L/C dự phòng hoặc một lệnh phiếu có ký bảo lãnh của ngân hàng.
j. Thư tín dụng dự phòng (Standby L/C)
Thư tín dụng dự phòng là một văn bản trong đó ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho
người thụ hưởng khi người này xuất trình những chứng từ yêu cầu thanh toán và những chứng từ
chứng minh việc không thực hiện những nghĩa vụ của người yêu cầu mở thư tín dụng đó với điều
kiện còn trong thời hạn hiệu lực của L/C
L/C dự phòng được sử dụng trong các trường hợp sau:
 Bảo đảm cho khoản vay trong xây dựng
 Bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hàng hóa hoặc gia công
 Bảo đảm người tham gia dự thầu
 Bảo đảm an toàn cho khoản thanh toán ứng trước
 Bảo đảm khả năng thanh toán
 Bảo đảm việc trả tiền thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính.
k. Thư tín dụng chuyển nhượng (Irrevocable Transferable L/C)
Là loại thư tín dụng không hủy ngang, trong đó qui định quyền của người hưởng lợi thứ
nhất có thể yêu cầu ngân hàng phát hành chuyển nhượng toàn bộ hay một phần quyền thực hiện
L/C cho một hay nhiều người khác. L/C chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng một lần. Chi
phí chuyển nhượng thường do người hưởng lợi đầu tiên chịu.
Với những đặc điểm trên, L/C chuyển nhượng thường được sử dụng khi mua hàng qua
các đại lý, mua hàng qua trung gian, hàng do các công ty con, chi nhánh giao nhưng công ty mẹ
là người hưởng lợi.
Hình thức chuyển nhượng L/C:
 Ngân hàng chuyển nhượng phát hành một L/C chuyển nhượng mới trên cơ sở kết hợp
L/C chuyển nhượng gốc và đơn yêu cầu chuyển nhượng L/C.
 Ngân hàng chuyển nhượng nguyên L/C chuyển nhượng gốc kèm với đơn yêu cầu chuyển
nhượng cho người hưởng lợi kế tiếp.
Hai mô hình chuyển nhượng L/C thông dụng:
 Chuyển nhượng L/C tại nước người hưởng lợi: Người hưởng lợi L/C thứ nhất ra lệnh cho
ngân hàng phát hành chuyển nhượng L/C cho một hay nhiều người ở cùng nước với anh ta.
Những người hưởng lợi kế tiếp gọi là người hưởng lợi thứ hai.
 Chuyển nhượng L/C qua nước thứ ba: Người hưởng lợi L/C thứ nhất ra lệnh cho ngân
hàng phát hành chuyển nhượng L/C cho một hay nhiều người ở nước ngoài. Những người hưởng
lợi kế tiếp gọi là người hưởng lợi thứ hai.
Người hưởng lợi thứ nhất phải dành quyền thay thế chứng từ để hoàn chỉnh chứng từ
theo yêu cầu của L/C chuyển nhượng gốc. Chứng từ thay thế là hóa đơn và hối phiếu.
Lưu ý: L/C chuyển nhượng gốc cần có những quy định sau đây thì mới có thể vận
hành L/C chuyển nhượng thuận lợi:
 Cho phép giao hàng từng phần (Partial shipment allowed)
 Chấp nhận thanh toán các chứng từ do bên thứ ba cấp (Third party documents are
acceptable)
 Chứng từ đến chậm cũng chấp nhận (Stale documents are acceptable)

You might also like