You are on page 1of 31

Cây chết, vì sao?

Ebook này dành cho những bạn trẻ thực sự yêu cây cối, nhưng gặp rất nhiều khó
khăn trong việc chăm sóc chúng.

Vườn NOTH không phải là một shop cây, đây chỉ là một khu vườn nhỏ, nơi mà tôi và
các anh em của mình - những nguời trẻ yêu cây - cùng nhau tự tìm hiểu về cây, để cùng
lan tỏa tình yêu đó với càng nhiều người càng tốt.

Nguyễn Trung Hiếu


Sáng lập thương hiệu NOTH Garden
Mục lục

00 Lời chia sẻ

01 Vì sao cây chết?

02 Bí quyết lựa chọn cây phù hợp

03 Không cần chăm, cây vẫn sống khỏe

04 Khởi đầu lại, kết quả mới

05 Món quà nhỏ dành tặng bạn

06 Nếu bạn cần hỗ trợ


Lời chia sẻ
Vì sao tôi lại đặt tên ebook này như vậy? Để tôi có thể tìm được những người yêu
cây có cùng chung hoàn cảnh giống tôi cách đây gần 4 năm, đó là chăm cây nào
cũng chết... Tại vườn NOTH, tôi đã gặp rất nhiều bạn, họ tới vườn chỉ để được
ngắm nghía những chậu cây, chứ không dám mua về, vì họ sợ rằng nếu mua về
sẽ lại chăm không nổi, cây lại chết và rất lãng phí tiền bạc.

Thế mới thấy, cây chết là vấn đề rất phổ biến và những người thuộc tuýp “chăm
cây nào cũng chết” rất nhiều. Chúng ta luôn lấy rất nhiều cái cớ để biện minh cho
việc cây chết, người thì bảo tôi mệnh hoả nên không chăm được cây cối, người thì
bảo không hợp cây nên chăm cây toàn chết... với đủ các lý do khác. Tuy nhiên, tất
cả những lý do đó hoàn toàn không có một chút căn cứ nào, chỉ là do bạn tự suy
đoán. Vì tôi, một người mệnh Hoả, đã từng làm chết không dưới 50 cây, giờ đã có
cả một vườn cây xanh ngát sau nhiều năm tìm tòi về sự thật của việc cây chết, và
tôi phải công nhận một điều rằng, việc cây chết ngày càng nhiều và nó là một bí
mật khó có thể giải đáp. Liệu cây bị chết có phải là do lỗi của bạn hay không? Hay
là rõ ràng bạn đã chăm đúng với hướng dẫn rồi nhưng cây vẫn chết?

Đó là lý do mà tôi đã tạo ra ebook này và tặng nó miễn phí cho bạn. Ebook này
thực chất là chia sẻ về trải nghiệm gần 4 năm bỏ học đại học làm "nông dân" của
tôi, những bí mật mà không phải ai cũng biết sẽ được bật mí cho bạn ngay trong
ebook này. Vì thế, bạn đừng bỏ lỡ từng dòng mà tôi viết nhé, vì đó là những trải
nghiệm thực tế, toàn bộ kiến thức sau nhiều năm của tôi sẽ gói gọn lại để tặng
cho bạn, hãy trân trọng nhé.

Phần đầu tiên với tiêu đề: “Vì sao cây chết?” sẽ được chia sẻ với bạn ngay sau đây
thôi, hãy dành thời gian rảnh của mình để đọc trọn vẹn vì trong đó sẽ chứa đựng
rất nhiều thông tin giúp ích cho bạn.
1. Vì sao cây chết?
Chào mừng bạn bắt đầu với bài học đầu tiên.

Tôi rất vui vì bạn đã dành thời gian để đọc ebook này, vì trong thời đại công

“ nghệ thông tin ngày nay, đa phần mọi người đều rất lười “đọc”, họ suốt
ngày chỉ lướt lướt facebook, xem mấy video vô bổ và không bao giờ dành
thời gian để đọc hay học một thứ gì đấy, đặc biệt là đọc sách. Nhưng bạn
thì rất khác, bạn dành thời gian bận rộn của mình để đọc từng chữ mà tôi
chia sẻ, thế mới thấy bạn thực sự là người yêu cây và quan tâm đến chúng
như thế nào. Vì thế tôi sẽ không dài dòng nữa mà sẽ bắt đầu chia sẻ về cây
ngay dưới đây.

Chỉ có 2 nguyên nhân lớn nhất tác động dẫn đến việc cây cối chết, một là tác động
từ Thiên Nhiên - hai là tác động từ Con Người.

Tác động từ thiên nhiên là thời tiết, khí hậu, các mầm bệnh… Tuy nhiên, khi sống
trong tự nhiên, cây sẽ tự sinh tồn và phát triển, tự nhiên sẽ quyết định việc ‘sống-
chết’ hay sự ‘phát triển-héo tàn’ của cây một cách hoàn hảo, vì thế chúng ta không
cần quan tâm trong ebook này.

Tác động từ con người mới là nguyên nhân chính khiến cây cối phải chết, từ việc
nhân giống công nghiệp tại các nhà vườn, cho tới việc vận chuyển cây đi các nơi,
về tay các dân buôn, các chợ cây, các shop cây, cuối cùng mới tới tay bạn, và lúc
này bạn là người trực tiếp tác động tới cây, và chỉ có bạn mới phải chứng kiến chậu
cây yêu quý của mình chết dần chết mòn.

Để hiểu mọi vấn đề trong cuộc sống nói chung, cũng giống như việc chăm sóc cây
cối nói riêng, chúng ta phải nhìn vào gốc rễ chứ đừng nhìn vào phần nổi bên ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cây được sản xuất từ các nhà vườn phải đáp
ứng được số lượng nhiều, sản xuất nhanh nhất và đẹp nhất. Tại đó, họ sản xuất
cây theo kiểu công nghiệp, tức là hàng loạt cây sẽ được trồng hoàn toàn bằng giá
thể xơ dừa, mùn dừa… chứ không phải bằng đất, chất dinh dưỡng sẽ được cung
cấp cho cây theo dạng chất lỏng vô cơ, tưới tự động và trực tiếp vào giá thể trồng
cây, giúp cây lớn và phát triển rất nhanh. Chưa hết, cây được sản xuất trong môi
trường nhà kính, ít có tác động bên ngoài từ môi trường, mọi điều kiện đều được
đáp ứng đầy đủ, nên cây sẽ đẹp một cách lung linh (nhiều bạn bảo trông như cây
giả). Như vậy là các nhà vườn đã đáp ứng đủ các tiêu chí của thị trường: Nhanh,
Nhiều, Đẹp.

Cây cối cũng như con người vậy, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện ngắn để bạn
dễ hiểu hơn.

Có 2 cậu bé bằng tuổi nhau nhưng sinh ra ở 2 gia đình khác nhau. Cậu A được lớn lên
trong nhung lụa, gia đình luôn luôn bao bọc, cậu bé này ít được ra ngoài chơi vì bố mẹ
luôn sợ bụi bẩn nắng mưa, vì thế quần áo của cậu luôn sạch đẹp và tươm tất, tay chân
không bị xước xát do đùa nghịch, da dẻ trắng trẻo mịn màng. Ngược lại với cậu A, cậu
bé B sinh ra trong một gia đình bình thường, từ bé đã được tự do nô đùa chạy nhẩy
cùng với bạn bè bên ngoài, vì thế quần áo của cậu luôn bị lem luốc bẩn, chân tay thì
thường xuyên chầy xước, da thì xạm màu vì phơi nắng tắm mưa.

Ở 2 cậu bé này rõ ràng ta sẽ thấy có sự đối nghịch hoàn toàn, cậu A suốt ngày bị nhốt
trong nhà ăn xong lại ngủ, vì thế cậu ta sẽ bụ bẫm và luôn sạch đẹp, tạm gọi là “công
tử bột”. Tuy nhiên, trên thực tế khi thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, cậu A sẽ hoàn
toàn không có khả năng chống chọi lại với những tình huống bên ngoài, hơn nữa sức
đề kháng của A sẽ rất yếu nên rất dễ ốm. Chắc hẳn bạn sẽ biết cậu bé B ngược lại rồi
đúng không, tuy vẻ ngoài của cậu ta có vẻ nhám nhem và lôi thôi, nhưng ngược lại B
lại có sức khoẻ rất tốt và sự thích nghi với mọi tình huống bên ngoài khi không còn
trong vỏ bọc của gia đình.

Cây cối cũng như vậy, khi được nhân giống trong điều kiện nhà vườn, cây sẽ rất
đẹp nhưng không khoẻ, vì thế khi thoát ra khỏi các nhà vườn, nó sẽ phải tự thích
nghi với môi trường, và chúng ta - những người yêu cây chỉ góp phần giúp cho cây
tự sống chứ không giúp nó sống được. Khi về tới tay các dân buôn, các chợ cây,
việc mà họ quan tâm duy nhất chỉ là bán được cây và thu về tiền, chứ họ quan tâm
gì tới việc bạn có chăm được hay không, và họ cũng không thừa thời gian để đem
cây về thay đất hay thuần khí hậu để cây khỏe (rất mất thời gian và tăng giá thành).
Vì thế nếu bạn hỏi cây này chăm dễ không, có cần tưới nhiều hay không, thì câu
trả lời vẫn sẽ luôn làm hài lòng khách hàng thôi!
Ảnh minh họa từ Pxfuel.com

Cuối cùng khi cây về tới tay bạn, nó không còn được cung cấp chất dinh dưỡng vô
cơ cùng với các điều kiện hoàn hảo như ở nhà vườn nữa, sau một thời gian cây sẽ
tự chết dần chết mòn mà bạn không thể hiểu nổi lý lo vì sao. Đó là lý do tại vườn
NOTH, tôi cùng đội ngũ luôn thay toàn bộ giá thể trồng hữu cơ do vườn tự mix
phù hợp với đặc tính từng loại, để mỗi cây khi xuất hiện tại vườn sẽ luôn khoẻ
mạnh về tới tay những người yêu cây.

Hơn thế, cây trước khi về vườn luôn được thử nghiệm sự thích nghi với các điều
kiện sống khác nhau sau nhiều tháng, sau đó mới được đặt lên kệ bầy tại vườn.
Chính vì thế cây của NOTH luôn có giá thành đắt hơn những nơi khác rất nhiều.

Quay lại với những lí do khiến cây chết, tôi sẽ không đổ lỗi hoàn toàn cho những
nhà vườn vì cách sản xuất cây công nghiệp hay kém chất lượng, tôi sẽ nhìn lại vào
vấn đề Cung - Cầu. Vì nếu không có cầu thì ắt không có cung, nếu chúng ta không
suốt ngày đòi hỏi về những loài cây hợp mệnh hợp phong thuỷ, những chậu hoa
đá màu mè sặc sỡ lung linh, thì nhà vườn họ sản xuất ra và bán cho ai? Chính vì
những bài báo lá cải suốt ngày tung hô về cây phong thuỷ mang lại tiền tài, chúng
ta mới tạo ra nhu cầu nhiều đến vậy. Vì thế tôi sẽ không trách các nơi sản xuất, tôi
sẽ trách chính bản thân mình, và bạn cũng nên vậy.

Cuối cùng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc khiến cây phải chết, là do chính chúng
ta. Chúng ta không có sự hiểu biết về cây cối, nên mới dễ bị truyền thông dẫn dắt,
nên mới dễ tin bởi những lời ngon ngọt, mới bị mê hoặc bởi sự lung linh đẹp đẽ
vẻ bên ngoài và rồi chúng ta tự gánh lấy hậu quả, đó là những chậu cây của mình
phải chết.

Đó là nói hơi sâu xa một chút, nhưng nếu nói một cách dễ hiểu hơn, thì tôi thử hỏi
bạn một câu rằng, bạn mua cây vì lý do gì? Vì đẹp, vì hợp mệnh (phong thuỷ), hay
vì dễ chăm sóc? Bỏ qua cái phần dễ chăm sóc đi, vì bất kì ai đi mua cây mà chả
muốn mua cây đẹp, hoặc là hợp phong thuỷ. Vì khi đã đẹp và hợp mệnh rồi, thì
chăm sóc được nó hay không, chỉ có khi mua về rồi bạn mới biết được, chứ lúc
mua thì cây nào nghe nói chẳng dễ chăm và dễ sống. Chốt lại, có duy nhất một lý
do dẫn đến việc cây của bạn chết. Đó là sự thiếu hiểu biết về cây cối, dẫn tới việc
chọn cây sai cách và dễ tin lời của những nơi bán cây không có tâm, đặt lợi nhuận
lên hàng đầu.

Thôi thì đằng nào cây cũng đã chết rồi, điều quan trọng hơn cả không phải đi suy
xét xem lí do nào khiến cây chết hoặc trách móc bất kì ai nữa, mà hãy tự trau dồi
kiến thức về cây cho bản thân, để bạn có thể hiểu về cây hơn, để biết cách chọn
cây và chăm sóc chúng tốt hơn. Chỉ vậy, bạn mới có thể phủ kín mọi không gian
sống của mình bằng cây xanh và có một cuộc sống trong lành hơn được. Và tất
nhiên, trong bài học số 2, tôi sẽ chỉ cho bạn “Bí quyết lựa chọn cây phù hợp”. Để bạn
có thể bắt đầu lại mà không mắc khỏi sai lầm nữa.

Và nếu bạn thực sự yêu cây, muốn có cả một khu vườn nhỏ giống như tôi mà
không phải chứng kiến chậu cây nào phải chết nữa, thì đừng bỏ lỡ bài học số 2 ở
ngay sau nhé.
2. Bí quyết lựa chọn cây
phù hợp
Chắc hẳn bạn đang rất muốn kéo thật nhanh xuống dưới để đọc luôn phần chính
của phần này rồi đúng không? Nhưng hãy từ từ đã nhé, vì mọi thứ bạn mong
muốn đều phải trải qua quãng thời gian với công sức nhất định thì mới có thể đạt
được nó, không có gì quá dễ dàng cả.

Trước khi kể cho bạn “Bí quyết lựa chọn cây phù hợp”, tôi muốn chia sẻ với bạn
một câu chuyện thật của tôi, với hơn 50 loại cây đã phải chết dưới tay tôi, để tôi
có thể tạo ra ebook này và chia sẻ nó cho bạn MIỄN PHÍ.
Tôi đến với cây bằng một sự tình cờ, trước đó tôi không hề quan tâm gì

“ nhiều tới cây cối, chỉ biết rằng nó tồn tại trên trái đấy này đã rất lâu rồi.
Vào một ngày đẹp trời, chắc bạn cũng như tôi, lượn lờ trên mạng và thấy
được những chậu cây nhỏ nhỏ xinh xinh, và rồi một cuộc hành trình bắt
đầu từ đó. Tìm hiểu cây cối cũng được gần 4 năm, không dưới 50 cây đã
"hịu" dưới bàn tay của tôi, cũng chẳng nhớ rõ vì giờ đây việc cây chết với
tôi không còn quá quan trọng. Tôi thực sự may mắn hơn nhiều người, vì
bố tôi cũng là một người yêu cây, tôi có một khu vườn nhỏ tại nhà, hơn
nữa, tôi có một người anh - một người thầy luôn giúp đỡ tôi mọi vấn đề
liên quan đến nông nghiệp, và bây giờ, tôi hiện đang sở hữu một vườn cây
mang tên NOTH Garden. Có thể bạn đang thấy rằng tôi may mắn hơn bạn,
nhưng không, bạn mới thực sự là người may mắn hơn tôi. Vì tôi đã phải
cật lực trong suốt 3 năm để có thể hiểu về cây, hơn 50 cây phải chết dưới
tay tôi để tôi viết ra được những dòng trải nghiệm này, còn bạn chỉ mất vài
phút để đọc nó mà thôi... Tôi bắt đầu cuộc hành trình xanh này bằng
những chậu Sen đá, rất rất nhiều sen đá và xương rồng. Tiếp đến với nhiều
loại cây nội thất, rồi đủ thể loại cây trên đời, tôi chăm nhiều cây tới nỗi mà
chỉ cần nhìn hình dáng là biết cây này có dễ chăm hay không (tất nhiên là
không phải tất cả các loại cây trên đời).

Vậy bí quyết thực sự giúp bạn chọn cây là gì? Bạn hãy tự mình trả lời câu hỏi này
trước đã nhé!

Bạn mua cây để làm gì?

Cũng giống như bạn, tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những chậu Sen đá lung linh
sắc màu. Tôi còn tham gia rất nhiều workshop dậy cách trồng terrarium, và đó
cũng chính là những chậu cây đầu tiên của tôi chịu cảnh chết chóc. Chưa dừng lại
ở đó, tôi tiếp tục tìm hiểu thêm với hàng chục cây sen đá và xương rồng khác nhau,
và chúng nó cũng chịu chung cảnh ngộ. Tiếp đến với hàng loạt những loại cây lá
đặt trong nhà, với mục đích để dễ dàng chăm sóc hơn, vì lúc này tôi gần như đã
mất niềm tin vào các loại Sen Đá (để tìm hiểu chi tiết hơn tôi sẽ chia sẻ với bạn vào
khoá học về Sen Đá mà tôi đang ấp ủ).
Cuối cùng sau hơn 1 năm trôi qua, tôi nhìn lại cái vườn tan hoang của mình với sự
thất vọng, hơn 80% sen đá ra đi, còn cây nội thất thì khá khẩm hơn với hơn 50%
cây ra đi… Dừng lại một chút, từng ấy loại cây mà tôi đã mua về chăm thử, tôi đang
tự hỏi mình rằng lúc đó vì lý do gì mà tôi đã mua chúng? - Vì chúng nó đẹp!

Bí quyết số 1: Đừng mua cây vì nó đẹp


Cái đẹp thực sự khiến con người ta khó cưỡng lại. Trong suốt 1 năm trời đó tôi mới
nhận ra một chân lý rằng: “Vẻ đẹp bên ngoài thật mong manh và mơ hồ.” Đó là về
chân lý mà tôi nhận ra, nhưng nếu đi vào tìm hiểu kĩ về từng loại cây, về nơi mà
nó sinh ra và nghiên cứu sâu hơn về thực vật, tôi sẽ chỉ cho bạn lý do vì sao những
cây “đẹp” thì lại dễ chết.

Tôi tạm gọi cái “đẹp” ở đây là sự mới lạ, đa dạng và sặc sỡ. Vì cái cái đẹp ở đây chỉ
là những cảm nhận mang tính cá nhân, có người thấy đẹp có người thì lại không.
Chúng ta nhìn thấy một cái cây tạm gọi là “đẹp”, khi mà chúng ta chưa nhìn thấy
nó bao giờ, khi mà nhiều người thích nó và coi nó là đẹp, khi mà nó thật lung linh
và sặc sỡ sắc màu. Ngược lại đối với những loại cây mà đã quá quen thuộc hay
bạn đã nhìn thấy nó nhan nhản, đôi khi còn mọc dại ở nhiều nơi, thì mặc định
chúng ta sẽ có suy nghĩ coi thường loại cây đó, kiểu như “cây này quê tao đầy?”

Chính vì sự thiếu hiểu biết về thiên nhiên cây cối, nên chúng ta mới có cái nhìn sai
lệch về hoàn toàn về giá trị của các loại cây, từ đó khiến bạn chọn sai loại cây và
dẫn đến hậu quả là không chăm sóc nổi.

Như tôi đã nói, bạn đừng cố gắng để chăm sóc cây, điều duy nhất bạn có thể làm
là tạo điều kiện tốt nhất để nó phát triển, tức là bạn phải hiểu về nó.
Bí quyết số 2: Hãy hiểu về cây và đừng cố
chăm sóc nó
Hiểu về cây không có nghĩa là bạn phải tìm hiểu thật kĩ về từng loại cây trước khi
đem nó về. Điều tôi muốn nói ở đây là bạn phải hiểu về giá trị thật của nó và những
gì nó đem lại cho con người chứ không phải là giá trị về tiền.

Tôi sẽ phân tích cho bạn một vấn đề đơn giản, theo bạn thì vì sao có cây có thể
mọc dại, có cây thì lại không?

Thực chất tất cả các loại cây đều MỌC DẠI, nó sẽ mọc dại ở những nơi có điều kiện
thời tiết, khí hậu phù hợp để nó phát triển, chứ không phải vì nó tầm thường nên
mới mọc dại. Giống như Phong Lan chỉ là một loại cây có hoa mọc dại trên những
thân cây to trong rừng mà thôi. Chúng ta thường ưa chuộng những loại cây ở đẩu
ở đâu trông thật lạ lùng mà quên mất rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho chính
vùng đất quê hương thật nhiều những loài thực vật quý giá.

Tôi đã từng chia sẻ trên facebook về một điều rất ngược đời ở Việt Nam, rằng có
1 loại cây được mệnh danh là loài thuốc thần ở nước ta, bị coi thường chỉ vì mọc
dại. Còn 1 loại cây được gắn mác phong thuỷ, chẳng may ăn phải sẽ bị ngộ độc
nặng dẫn đến tử vong, thì lại được dân tình ưa chuộng và “tôn thờ”. Bạn có thể
xem bài chia sẻ của tôi tại link phía dưới:

https://www.facebook.com/noth.garden/posts/1534101126716634.

Chính vì vậy, nếu bạn hiểu về giá trị thật của cây cối, và hiểu rằng thiên nhiên đã
ban tặng cho chúng ta nhiều loại cây tuyệt vời thế nào, thì bạn chẳng cần chăm
sóc, cây của bạn vẫn sống và phát triển khoẻ mạnh.
Bí quyết số 3: Đừng chọn cây theo phong
thuỷ
Có rất nhiều bạn tới vườn NOTH và hỏi tôi những câu hỏi rằng, mệnh Thuỷ thì hợp
cây nào, tuổi Tí thì hợp cây nào…

Cũng không thể trách bạn ấy được, vì bạn ấy đâu phải một người tìm hiểu nhiều
về cây như tôi, bạn ấy không thể biết được sự thật đằng sau những cây gắn mác
“phong thuỷ” đấy.

Cách đây gần 3 năm, cái lúc mà tôi mới bắt đầu tìm hiểu về cây, xem trên pinterest
thấy rất nhiều ảnh đẹp về cây Sansevieria (Lưỡi hổ). Tôi tìm hiểu và cũng thấy
thích, mua về nhà thì nhiều người bảo, “cái cây này ngày xưa ở quê mọc dại đầy mua
về làm gì, với cả để trong nhà không tốt cho phong thuỷ...blah.” Cho tới một ngày
NASA công bố nghiên cứu về cây lưỡi hổ - một trong những loại cây có khả năng
lọc không khí hàng đầu, các bài báo ở Việt Nam bắt đầu đưa tin, lúc đó các nhà
vườn mới sản xuất hàng loạt và gắn cho nó cái mác “cây phong thuỷ” giúp xua
đuổi vận xui, và thế là loài cây mọc dại trước đó bị coi thường đã được người ta
tôn vinh hơn rất nhiều, tất nhiên giá thành của chúng cũng tăng lên theo. Thế mới
nói tất cả chúng ta đa phần đều bị dắt mũi bởi những thông tin không chính thống.

Có hôm, một bạn tới vườn NOTH chơi và hỏi rất nhiều về cây phong thuỷ, cây nào
hợp mệnh Thuỷ, cây nào hợp duổi Dần... blah. Tôi cười và nói với bạn ây rằng: “Bạn
nên chọn cây phù hợp với điều kiện chăm sóc và không gian sống của mình thì tốt hơn,
vì nếu mua cây hợp mệnh về, chẳng may bạn không chăm được để nó chết thì không
hay chút nào đúng không?”

Kết quả là bạn ấy vẫn muốn tìm cái cây phong thuỷ hợp với tuổi mà bạn ấy xem
được trên một trang báo mạng. Bạn ấy tin nhà báo hơn một người làm vườn 3
năm như tôi, trừ giả bạn ấy tin thầy phong thuỷ hơn thì tôi không nói làm gì...

PS: Nếu search những từ khóa liên quan đến cây phong thủy trên google, bạn sẽ dễ
dàng thấy được thông tin từ những trang báo hoặc trang bán cây cảnh.
Bí quyết số 4: Chọn cây phù hợp với không
gian sống và điều kiện chăm sóc
Nhiều bạn nghĩ rằng, nếu tôi có cả một vườn và nhiều cây để trong nhà như thế,
chắc tôi rảnh và dành nhiều thời gian để chăm sóc cây lắm nhỉ ???

Ồ không, như tôi đã nói ở bí quyết số 2, bạn đừng cố gắng chăm sóc cây vì chúng
sẽ tự thích nghi được với môi trường sống, nếu bạn tạo điều kiện tốt nhất để nó
sống và bạn hiểu nó.

Hiện tôi đang có hơn 20 chậu sen đá, xương rồng rất nhiều loại ở nhà. Bố tôi lâu
lâu lại bảo với tôi là “con không tưới đi để đấy nó héo hết cả à, bố chẳng bao giờ thấy
con tưới cả”. Vậy mà đám cây ấy vẫn nhăn răng, tuy có hơi già và cằn cỗi. Đó là vì
tôi hiểu chúng cần gì, và tôi tạo điều kiện tốt nhất để chúng nó có thể tự sống
trong môi trường tự nhiên mà gần như không cần đến sự chăm sóc của tôi quá
nhiều. Hàng ngày công việc của tôi chỉ là ngắm nghía và quan sát chúng, xem biểu
hiện và mới quyết định có tưới hay không. Nhiều người bảo với tôi là “sen đá tưới
nhiều là chết đấy, tưới ít thôi”, vậy mà đám cây ấy đã ở với tôi hơn 3 năm và trải qua
rất nhiều trận bão ở Hà Nội, mưa ngập cả chậu cây mà vẫn sống khỏe mạnh.
(Những bí mật về Sen Đá tôi sẽ chia sẻ với bạn trong một khoá học sắp tới)

Chính vì thế, hãy hiểu rõ điều kiện không gian sống và điều kiện chăm sóc của bạn
trước khi chọn cây. Điều kiện không gian sống tức là ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm tại
không gian mà bạn định đặt cây, điều kiện chăm sóc tức là thời gian mà bạn có
thể dành cho cây mỗi ngày. Từ đó bạn mới có thể lựa chọn được từng loại cây phù
hợp với mình và không cần mất quá nhiều thời gian chăm sóc.

Bí quyết cuối cùng và cũng là bí quyết lợi hại nhất và dễ dàng nhất. Tuy nhiên hãy
chắc rằng bạn đã đọc thật kĩ 4 bí quyết trước.
Bí quyết số 5: Hỏi vườn NOTH
Cách nhanh nhất để bạn có thể tìm cho mình một loại cây phù hợp, đó chính là
hỏi chúng tôi. Vườn NOTH cùng đội ngũ luôn mong muốn bằng kinh nghiệm của
mình có thể giúp đỡ được càng nhiều bạn trẻ yêu cây càng tốt. Mỗi ngày trôi qua,
mỗi ngày chăm sóc cây lại là những ngày trải nghiệm, thực hành và học thêm
những kiến thức mới về cây. Chính vì thế bạn đừng ngại ngần, hãy liên hệ với
NOTH để được hỗ trợ mọi vấn đề và hơn thế nữa, chúng tôi còn tạo ra một cộng
đồng với tên gọi “Yêu Cây Xanh” (link sẽ được chia sẻ ở phía dưới), nơi tập hợp tất
cả những bạn trẻ trên mọi miền Tổ quốc có chung một tình yêu với cây cối, chùng
chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Bài số 2 có vẻ khá dài đúng không, nhưng tôi rất vui vì bạn đã dành thời gian quý
báu của mình để kiên nhẫn đọc đến những dòng này. Và tất nhiên trong bài số 3,
tôi sẽ chia sẻ cho bạn những bí quyết tuyệt vời hơn, giúp bạn “Không cần chăm,
cây vẫn sống khoẻ”. Bạn có thể nghỉ ngơi một chút, suy ngẫm về những thông tin
đã đọc và liên hệ với bản thân mình, khi nào sẵn sàng hoặc thảnh thơi có thể đọc
tiếp bài số 3 cũng được nhé.
3. Không cần chăm, cây vẫn
sống khoẻ
Tiêu đề của bài này nghe có vẻ hơi hoang đường nhỉ, liệu có thật là có cách chăm
cây như vậy không?

Tâm sự một chút với bạn, trước khi hoàn thiện Ebook này và tung nó ra, trong cái
lúc mà tôi đang viết những dòng này, tôi đã biết chắc chắn rằng, sẽ có rất nhiều
người đăng kí nhận ebook, tuy nhiên chưa đến một nửa số đó học đến bài cuối
cùng đâu. Sự thật đúng là như vậy, dù thế nào đi nữa thì tôi cũng muốn cảm ơn
bạn đã trân trọng ebook và lắng nghe những chia sẻ của tôi. Tuy tôi chia sẻ miễn
phí nhưng đây thực sự là tâm huyết của tôi cùng đội ngũ NOTH sau nhiều năm
trải nghiệm và hơn 3 tháng để hoàn thành ebook này.

Nói về cây cối, mỗi người chơi sẽ có những trải nghiệm khác nhau, với những cách
chơi khác nhau mà không ai giống ai cả. Riêng tôi, tôi coi cây cối không phải là một
nghề để sinh sống, không phải một thú chơi hay một món đồ trang trí. Tôi hướng
tới nghề nông để tu dưỡng và hoàn thiện con người.

Trong tự nhiên, cây cối được sinh ra với bản năng tự sinh tồn và phát triển khoẻ
mạnh, đâu cần tới ai chăm sóc. Vì thế, cách mà tôi chăm sóc cây là để cây tự sống
và sinh tồn với bản năng vốn có của nó. Điều tôi làm duy nhất chỉ là lựa chọn cây
phù hợp (như tôi đã chia sẻ trong bài 2) và quan sát nó.

Vì sao tôi lại chỉ quan sát nó?

Từ khi sinh ra, con người chúng ta đã có khả năng quan sát và cảm nhận tuyệt vời,
chỉ khi quan sát, bạn mới có thể hiểu được cây cần gì và tình trạng của nó thế nào.
Cũng giống như việc bạn xử lý một vấn đề trong cuộc sống, nếu bạn không quan
sát và cảm nhận rõ ràng mọi thứ, bạn sẽ dễ hành động sai lầm.

Để rõ hơn, tôi sẽ lại kể cho bạn nghe một câu chuyện của tôi, về loại cây đầu tiên
mà tôi tự nhân giống được và nuôi nó đến tận bây giờ - Panda Plant (Kalanchoe
Tomentosa)

Ở Việt Nam gọi loại cây này là Sen Nhung Đen, tôi đã quan sát nó trong hơn 1 năm
để có thể hiểu được nó. Ban đầu, tôi chỉ mầy mò học cách nhân giống bằng lá,
ngắt 1 lá và đặt xuống đất dưới gốc cây mẹ và cuộc hành trình lại bắt đầu. Sen
nhung đen có sức sống khá khoẻ so với điều kiện khí hậu ở Hà Nội. Ban đầu tôi
ngắt một lá khoẻ đặt xuống đất, tuy nhiên do tác động nào đó mà tôi không hề
biết, có thể do chuột, chiếc lá ấy bị gẫy làm đôi, việc tôi làm duy nhất lúc đó là “mặc
kệ”.

Thế rồi chiếc lá đó dần dần cũng ra được rễ, đặc biệt hơn cả là nó ra một lúc 3 cây
con ở phần lá bị gẫy, rễ dần dần đâm sâu vào đất hút dinh dưỡng, cây con nhờ đó
mà phát triển rất nhanh. Lúc này, với tâm trạng của một người mới tập toẹ về cây,
ai chẳng muốn cây lớn thật nhanh, tôi liền hỏi ngay người anh và cũng là người
thầy của tôi, xem có cách nào để cây lớn thật nhanh không??? Khác với những
người làm nông khác, anh không chỉ cho tôi dùng thuốc kích rễ hay bất kì loại phân
bón nào, anh chỉ cho tôi về khả năng tự sinh tồn của cây.
“Em muốn cây ra rễ nhiều, thì em đừng tưới nhiều. Vì bản năng của rễ là đi tìm nước
và các chất dinh dưỡng, khi tưới nhiều, rễ cây sẽ cảm nhận được rằng nó đang đủ
nước, vì thế nó sẽ cứ ở đó mà uống nước thôi. Nhưng khi tưới ít, bản năng sinh tồn của
cây sẽ trỗi dậy, bằng mọi giá nó phải tìm được nguồn nước nếu không cây sẽ chết, vì
thế nó sẽ dùng hết khả năng của mình để vươn rễ dài ra, đi tìm nguồn sống. Lúc này
em mới lại tưới cho cây một lần nữa, để nó có sức mà đi tìm nước tiếp.”

Những lời mà anh nói tôi vẫn nhớ rõ cho tới tận bây giờ, in sâu vào đầu tôi và trở
thành cách mà tôi có thể chăm sóc bất kì loại cây nào, hơn thế, cách suy nghĩ và
lối sống của tôi cũng dần thay đổi từ ngày nghe anh ấy nói, tôi chợt nhận ra nhiều
điều giá trị trong cuộc sống này. Con người cũng giống như cây cối, nếu đặt mình
vào những hoàn cảnh khó, chúng ta mới có thể tự động não suy nghĩ và trưởng
thành hơn được. Cũng giống như một đứa trẻ mới tập tững biết đi, phải ngã vài
lần thì nó mới có thể tự đứng dậy.

Và đó là cách mà tôi giúp cây sống sót. Có những lúc tôi nhìn cây héo khô không
còn tí sức sống nào vì quá nắng nóng, tôi vẫn không tưới. Rồi trận mưa bất trợt
đến, chúng nó như được hồi sinh trở lại và tươi tắn lạ thường ngay hôm sau. Cho
tới bây giờ khi mà chậu sen nhung đó, đất đã quá cằn và gần như chẳng còn tí
dinh dưỡng nào, lá rụng rất nhiều và tôi vẫn cứ mặc kệ nó. Vì tôi biết rằng nó sẽ
tự sinh tồn được, lá rụng xuống sẽ lại đẻ ra cây con và cứ thế, có đúng là tôi không
cần chăm, cây vẫn sống và phát triển rất khoẻ mạnh không?

Tất nhiên, không phải loại cây nào cũng có cách sinh tồn giống nhau. Bạn chỉ cần
hiểu rõ điều kiện chăm sóc và điều kiện không gian sống của mình trước (như tôi
đã nói ở bài 2), tôi sẽ nói kĩ hơn về yếu tố môi trường sống gồm ánh sáng, nhiệt
độ và độ ẩm.

Ánh sáng:
Hãy xem ánh sáng tại nơi mà bạn muốn đặt cây như thế nào. Ánh nắng trực tiếp,
gián tiếp, bóng râm hay không có một chút ánh sáng tự nhiên nào mà chỉ có ánh
đèn. Nếu căn phòng của bạn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và có ánh nắng hướng
đông buổi sáng thì thật hoàn hảo, bạn có thể đặt kín cây trong phòng và tạo thành
một khu vườn rồi. Nếu phòng của bạn không hề có một chút ánh sáng tự nhiên
nào, cũng đừng lo lắng nhé, vì có rất nhiều loại có thể sống khoẻ mạnh với ánh
sáng yếu hoặc ánh đèn.

Nhiệt độ:
Đây cũng là một vấn đề bạn cần quan tâm, ví dụ ở Hà Nội với khí hậu nóng ẩm,
chúng ta cần để ý đến khả năng chịu nóng của cây, vì nếu bạn chọn những loại
đỏng đảnh chịu nóng yếu, nó sẽ không thể thích nghi được với thời tiết và dù có
chăm sóc thế nào, kể cả bật điều hoà cho cây thì nó vẫn sẽ chết. (Ví dụ như một
số dòng Sen Đá được nhập từ Đà Lạt, thậm chí Hàn Quốc…, hoặc một số cây cần
điều kiện sống đặc biệt như Tùng Thơm…) Đối với trường hợp bạn muốn đặt cây
trong phòng điều hoà, nên tránh để cây bị sốc nhiệt, nóng lạnh quá đột ngột, nhiệt
độ phòng không nên chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

Độ ẩm:
Độ ẩm là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn tưới cây, và ảnh hưởng đến việc
chọn đất trồng. Ví dụ ở Hà Nội, khí hậu với độ ẩm trung bình hàng năm là 79%,
tức là khá cao, vì vậy bạn nên để ý và cảm nhận tới thời tiết một chút để quyết
định xem có nên tưới cho cây hay không, và lượng nước thế nào. Nếu độ ẩm cao
do trời đang mưa dai dẳng, thì tất nhiên lượng nước tưới sẽ phải giảm đi đáng kể,
và đôi khi bạn chẳng cần tưới. Còn nữa, độ ẩm về đêm sẽ cao hơn ban ngày, do
vậy bạn nên tưới vào buổi sáng để đất kịp khô thoáng, ban đêm sẽ tạo điều kiện
cho vi khuẩn phát triển nếu đất quá ẩm. Đối với những văn phòng cả ngày điều
hoà, độ ẩm không khí trong phòng sẽ khá thấp, chỉ từ 30-40%, lúc này tất nhiên là
lượng nước sẽ phải nhiều hơn so với điều kiện phòng thông thường thường một
chút.

Tất cả những yếu tố thời tiết tôi vừa kể trên thực chất không phải là kiến thức gì
cao siêu, chỉ đơn giản là bạn có để ý tới hay không thôi. Và không chỉ những người
chăm cây mới cần để ý tới thời tiết, mà sức khoẻ và sức đề kháng của con người
chịu ảnh hưởng rất nhiều, do vậy hiểu về thời tiết sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng
trong việc chăm sóc cây, và bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình.
Có một tuyệt chiêu cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ với bạn, để bạn có thể chăm
sóc cây một cách nhàn hạ nhất có thể như tôi.

Tuyệt chiêu này sẽ tổng hợp kiến thức từ 3 bài học lại với nhau, bạn có nhớ bài 1
và bài 2 tôi đã nói chia sẻ gì chứ? Hãy nhớ lí do vì sao khiến cây chết, nếu thực sự
yêu cây cối và muốn sống hoà hợp với thiên nhiên, thì chúng ta hãy coi trọng
những gì đang có. Thiên nhiên vốn đã ban tặng cho đất nước ta muôn loài động
vật phong phú, nếu mà so sánh với các nước khác, thì Việt Nam chúng ta vô cùng
trù phú, tuy nhiên vì đã có sẵn nên chúng ta thường hay coi thường. Bạn còn nhớ
những gì tôi chia sẻ về những loại cây mọc dại đúng không? Chính vì nó mọc dại
nên sức sống của nó đã quá quen với thời tiết khí hậu nơi đây rồi, và chính vì thế
nó sẽ chẳng cần bạn chăm sóc đâu, chỉ cần bạn hiểu điều kiện nó cần để sống là
gì, ở nhà bạn có đủ điều kiện như vậy không, nếu đủ thì đặt nó vào đúng chỗ đó
và việc bạn làm duy nhất chỉ là “chống mắt lên” mà xem nó sống.

Ví dụ thật cụ thể nhé, cây Lưỡi Hổ nếu về quê bạn sẽ thấy nó mọc dại rất nhiều,
loài này ưa nắng vì nó là thực vật mọng nước (tương tự sen đá, xương rồng), tuy
nhiên điểm khác biệt của nó là có thể sống được một thời gian dài trong môi
trường thiếu sáng, và không cần nhiều nước. Vì thế nếu chăm tại nhà, bạn có thể
đặt nó ở bất kì đâu, nếu chỗ có nắng thì càng tốt, nếu chỗ nào không có nắng, thì
thỉnh thoảng đem nó đi phơi nắng là được. Cây cối cũng như con người thôi, nếu
bạn bị nhốt trong nhà với 4 bức tường không có ánh sáng tự nhiên suốt 1 tuần,
thì bạn có chịu nổi không? Còn nữa, vì nó ưa khô nên bạn sẽ chọn những loại đất
trồng thật tơi xốp, thoát nước tốt và có thể kết hợp với chậu đất nung để hút nước,
như vậy là bạn đã có một chậu Lưỡi Hổ hoàn hảo và chẳng cần chăm sóc mấy, 1-
2 tuần mới cần đem ra ngoài và tưới 1 lần, quá đơn giản.

Còn một loại cây nữa mà mình muốn kể cho bạn, đó là Trầu Bà Vàng. Loài này
cũng giống lưỡi hổ ở điểm là, vừa có thể chịu được nắng ngoài trời, vừa có thể
sống được trong điều kiện ánh sáng yếu (trong nhà), tuy nhiên loài này lại ưa nước
vì nó là dòng thân bò, trong tự nhiên hay bám và hút ẩm từ các thân cây to. Vì thế
khi mang về nhà, bạn có thể thoải mái chọn vị trí, nên bổ sung thêm ánh đèn để
nó khoẻ mạnh hơn nếu phòng quá thiếu ánh sáng, ngoài ra tưới 3-4 lần / tuần,
cây Trầu Bà Vàng của tôi để ngoài trời và thậm chí nhiều khi quên tưới suốt 1 tuần,
cây héo rũ ra và chỉ cần 1 gáo nước, nó lại tươi tắn và khoẻ mạnh. Đặc biệt với
những dòng ưa nước và rễ bụ như Trầu Bà Vàng, có một cách chăm sóc nó cực kì
thông minh, đó là áp dụng phương pháp trồng thuỷ canh, tức là trồng hoàn toàn
bằng nước, như vậy là bạn sẽ chẳng cần tưới, cây vẫn sống và phát triển cực kì
khoẻ mạnh.

Như vậy, sau 3 phần chính của ebook, bạn đã nắm bắt được lý do dẫn đến việc
cây chết và toàn bộ bí quyết dựa trên kinh nghiệm thực tế của tôi. Tuy nhiên, mọi
kiến thức luôn cần những kinh nghiệm thực tế của bản thân bạn. Do vậy, ebook
này sẽ không dừng lại ở đây, từ giờ bạn đã có thể tự tin mua cây về chăm sóc mà
không phải lo về bất kì điều gì, vì đã có sự hỗ trợ của tôi cùng đội ngũ vườn NOTH.
Khởi đầu lại, kết quả mới
Có một điều mà ai cũng biết những không hẳn ai cũng để ý.

Đó là khi bắt đầu làm bất kì thứ gì, cuối cùng mọi thứ cũng đều có kết quả, dù
chúng ta coi kết quả đó là tốt hay chưa tốt.

Ví dụ: Khi bắt đầu tìm hiểu và thích một ai đó, cuối cùng bạn với người đó có thể thành
đôi, hoặc không. Khi bắt đầu một kỳ học, kết quả về kì thi của bạn có thể sẽ đạt điểm
cao, hoặc điểm kém. Hay kể cả khi bạn bắt đầu thử chăm một chậu cây nhỏ xinh, sau
một thời gian thì có thể chậu cây đó sống rất khỏe, hoặc chết.

Dù kết quả là gì, bạn cho rằng kết quả đó là tốt hay xấu, nhưng có một sự thật
rằng, nếu bạn bắt đầu lại làm việc đó một lần nữa, hoặc nhiều lần nữa, kết quả
chắc chắn sẽ khác. Tôi đã chứng nghiệm điều này, tôi từng trồng nhiều lần cùng
một loại cây, và kết quả là chúng đều chết, nhưng mỗi lần chết đều có lí do khác
nhau, có lần do úng nước nhưng có lần lại do thiếu nước. Và để tìm hiểu kĩ từng
loại cây, tôi cùng với các anh em vườn NOTH đã cùng nhau thử đi thử lại rất nhiều
lần mỗi loại cây, cho đến khi đạt được kết quả mà chúng tôi mong đợi. Điều quý
giá mà chúng tôi nhận ra khi có được kết quả mong đợi, không phải là sự hãnh
diện khi đã chinh phục được một thứ gì, mà đó là nhận ra được giá trị cốt lõi sau
mỗi lần thất bại, đó là những bài học vô cùng quý giá mà chỉ khi bạn sẵn sàng cho
sự thất bại.

Đơn giản là hành động, bắt đầu lại để tạo ra một kết quả mới, rồi mọi thứ sẽ như
bạn mong đợi.

Bạn đã có đủ động lực để sẵn sàng cuộc hành trình mới chưa? Tôi luôn tự hình
dung tới những hình ảnh tươi đẹp trong đầu, đó là một góc bàn với vài chậu cây,
cho tới một góc phòng xanh mát, hay cả một khu vườn tràn ngập cây xanh,… tới
khi những hình ảnh đó thành hiện thực, đó là cách mà tôi dấn thân vào cuộc sống
gắn liền với thiên nhiên.
Bạn có thể suy nghĩ về những chậu cây nhỏ nhắn để bắt đầu lại, với sự giúp đỡ
của tôi cùng đội ngũ vườn NOTH, tôi tin rằng sẽ không khó khăn để bạn nhanh
chóng xây dựng được một khu vườn nhỏ ngay trong không gian sống của mình,
những kết quả tươi đẹp sẽ xuất hiện.
Món quà nhỏ dành cho bạn
Để giúp bạn có một khởi đầu hơn cả mong đợi, tôi sẽ tặng bạn một món quà đặc
biệt, nhưng trước tiên tôi muốn chia sẻ ngắn, về việc vì sao tôi lại tặng bạn món
quà này.

Nhớ lại chút về từng bài trong ebook, bạn đã hiểu rõ những vấn đề khiến cây của
bạn chết, bạn đã biết cách lựa chọn cây phù hợp để không cần chăm cây vẫn sống
khoẻ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ khó có thể hiểu được cây cối khi mà
bạn không bắt tay vào thực hành ngay với những chậu cây mới. Chỉ khi học kết
hợp với hành, bạn mới làm được những điều mình mong muốn. Hãy bắt đầu từ
những loại cây dễ sống trước, sau đó mới thử sức với những loại phức tạp hơn.

Trước khi viết lên ebook này, tôi cùng đội ngũ NOTH đã cùng với nhau để thiết kế
một sản phẩm, giúp những người yêu cây không cần lo lắng về việc chăm sóc một
chậu cây như thế nào nữa. Tức là từ việc chọn giống cây và chọn phương pháp
trồng, cho đến việc thử nghiệm sự thích nghi của nó với mọi môi trường sống,
chúng tôi đã làm giúp bạn luôn rồi, việc bạn cần làm chỉ là quan sát sự phát triển
tuyệt vời của nó.

Chúng tôi gọi tên sản phẩm đó là Bộ Trồng Nước (Plant Lab). Sản phẩm này là
kết tinh của toàn bộ kiến thức mà tôi đã chia sẻ với bạn trong ebook “Cây chết, vì
sao?”. Giống cây Trầu Bà Vàng được vườn NOTH tự nhân giống, kết hợp với
phương pháp trồng thuỷ canh giúp bạn có một góc xanh tươi tại không gian sống
của mình mà không cần bận tâm tới việc chăm sóc, vì Plant Lab thích mợi với mọi
không gian dù thiếu thốn ánh sáng tự nhiên, hay điều kiện chăm sóc không có
nhiều.

Món quà nhỏ mà chúng tôi dành tặng cho bạn đó là mã giảm giá 30% cho sản
phẩm Plant Lab, bạn có thể truy cập vào link phía dưới và nhập mã PLANTLAB30
trong phần thanh toán.

http://noth.garden/product/bo-trong-nuoc-plant-lab/
Tôi tin rằng với sản phẩm này, cây của bạn sẽ sống khỏe mạnh, để khởi đầu mới
với kết quả mới. Và tất nhiên sau ebook này, chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng
với bạn, giúp đỡ bạn mọi lúc bạn cần.
Nếu bạn cần hỗ trợ
Ngay từ khi thành lập cho tới nay, vườn NOTH không hề đặt nặng vấn đề kinh
doanh, chúng tôi mong muốn ở Việt Nam có càng nhiều người trẻ yêu cây càng
tốt, mong muốn rằng những chậu cây khỏe mạnh có thể len lỏi vào từng không
gian sống cho dù chật hẹp, để mỗi chúng ta có thể sống gần gũi với thiên nhiên
hơn.

Vì thế, dù có mua cây ở vườn NOTH hay không, chúng tôi vẫn hỗ trợ bạn theo
nhiều cách sau:

1. Inbox cho NOTH tại facebook hoặc instagram @noth.garden


2. Tham gia cộng đồng Yêu Cây Xanh để được hỗ trợ và chia sẻ từ các thành viên
đã có kinh nghiệm. https://www.facebook.com/groups/yeucayxanh/
3. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua instagram @hiieu hoặc facebook
cá nhân facebook.com/nguyentrunghiieu

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã dành thời gian đọc tới những dòng cuối cùng của
ebook này. Chúc bạn sớm có một khu vườn nhỏ của riêng mình để sống hòa hợp
với thiên nhiên!

Hiếu – NOTH Founder

You might also like