You are on page 1of 5

Phán xét và đánh giá

Hôm qua tôi xem một đoạn buổi tang lễ ca sĩ Phi Nhung, thấy người MC nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta
không nên phán xét người khác. Đây là một vấn đề đáng được bàn đến, vì thói phán xét này gây tổn hại
cho xã hội nhiều lắm, nhứt là trong xã hội Việt Nam ngày nay.

1 Phân biệt phán xét và đánh giá

Người phương Tây phân biệt giữa hai hành vi: Judgment và Assessment. Judgment, nói theo tiếng Việt,
có nghĩa là phán xét, còn Assessment có nghĩa là đánh giá. Hai hành vi này rất khác nhau. Phán xét là
một phát biểu về ý kiến cá nhân và trong tâm thế chủ quan, và nó hàm chứa cảm tính, tự thị. Còn đánh
giá là một phát biểu mang tính mô tả về sự kiện hay sự vật trong tâm thế trung dung và khách quan, nó
mang tính khoa học. Ví dụ như nói "Cô ca sĩ đó là người dành ra gần cả đời làm từ thiện" là một đánh
giá, nhưng câu "Anh ấy là một kẻ dốt và bất tài" thì đó là một phán xét.

Như thấy trên, đánh giá chỉ đơn thuần mô tả những gì chúng ta thấy, nghe, và cảm được, với giả định
rằng những gì anh làm tôi không thể theo đuổi được. Đánh giá mang tính quan sát và khám phá.

Phán xét dựa trên giả định rằng "ta đúng, người sai". Mỗi một phát biểu về phán xét / chê bai người
phát biểu giả định rằng mình biết một chút gì đó về đối tượng. Nhưng dĩ nhiên người phát biểu không
thể nào biết hết về đối tượng. Khi đưa ra lời phán xét, người phát biểu đặt mình ở vị trí cao hơn, và do
đó là một thái độ trịch thượng. Phán xét không có sự thông cảm, mà chỉ là một sự chỉ trích và chê bai.
Người phán xét hàm ý tự cho rằng mình ưu việt hơn kẻ họ phán xét. Người phán xét thường là người
ganh tị.

Tóm lại, đánh giá có hàm ý tích cực, còn phán xét có hàm ý tiêu cực. Do đó, trong các hội đồng khoa học
ở Úc người ta dùng chữ 'Assessor' (người đánh giá), chớ không phải 'judgment'. Thành ra, chữ
"judgment" trong văn cảnh của bài này phải dịch là 'chê bai'.

2 Phán xét và nhiễu


Tôi mới đọc cuốn sách có tựa đề là "Noise - the flaw of human judgment" (Nhiễu - sai sót trong phán xét
của con người) của ba giáo sư Daniel Kahneman, Oliver Sibony, và Cass Sunstein. Cuốn sách dài hơn 400
trang chỉ để luận về sự nhiễu loạn và sai sót trong phán xét của con người.

Đọc những trang đầu của cuốn sách này tôi liên tưởng ngay đến những phán quyết của các quan toà
Việt Nam. Một thanh niên ở Kiên Giang với tội ăn trộm 1 con vịt về nhậu, và anh ta bị Tòa án nhân dân
huyện Châu Thành (Tỉnh Kiên Giang) xử phạt 7 năm tù giam. Ở Trà Vinh, một thanh niên ăn trộm 1 con
gà và 1 con vịt trị giá chưa tới 200,000 đồng, và anh ta bị phạt 2 tháng tù giam. Ở Khánh Hoà, 2 thanh
niên cũng phạm tội ăn trộm 3 con vịt trị giá 360,000 đồng, và họ bị phạt tổng cộng 15 tháng tù. Những
trường hợp trên, chúng ta thấy các phạm nhân có tội gần giống nhau và hoàn cảnh cũng giống nhau,
nhưng phán quyết của chánh án thì quá khác nhau. Sự khác nhau đó là nhiễu.

Phán xét rất dễ bị nhiễu. Các tác giả phân tích rằng nhiễu xuất phát từ 2 nguồn: level noise và pattern
noise. Level noise phản ảnh sự khác biệt giữa các cá nhân (chúng ta), và do đó nó cũng phản ảnh sự
thiên lệch hay bias. Còn pattern noise phản ảnh sự khác biệt giữa các phán xét ở mỗi cá nhân. Chẳng hạn
trước một phát biểu của một nhân vật chánh trị, người thì khen hay là thông thái, kẻ thì chê thậm tệ, và
sự khác biệt đó là level noise - nhiễu hệ thống. Nhưng ở một cá nhân, hôm trước thì khen một cá nhân
nào đó, nhưng sau đó thì đổi ý và chê bai, và đó là pattern noise - nhiễu ngẫu nhiên.

Họ còn tách pattern noise ra thành 2 nguồn độc lập: stable pattern noise và occasional noise. Tác giả giải
thích rằng stable pattern noise là nhiễu xuất phát từ các yếu tố 'nội tại' như cá tánh của một cá nhân.
Còn occasional noise là nhiễu do các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết và các yếu tố lệ thuộc vào thời gian
của quyết định.

Ông chánh án có thể do ai đó chỉ thị nên đã ra một bản án nặng cho phạm nhân. Ông cũng có thể từng bị
ăn trộm vịt nên ra những bản án nặng nhứt cho những ai ăn trộm vịt. Có thể xem đó là nhiễu do yếu tố
ngoại cảnh. Chính vì những nhiễu này làm cho chúng ta rất dễ phạm phải sai sót trong phán xét.

3 Sống tích cực: bớt phán xét!

Trong thực tế, tất cả sự việc, dù lớn hay nhỏ, đều mời gọi phán xét và đánh giá của chúng ta. Chuyện
thời tiết, chuyện chánh trị, chuyện món ăn, một chương trình tivi -- ở mỗi thời điểm trong ngày -- đều có
cái gì đó mời gọi bạn phán xét hay đánh giá. Và, thường thì chúng ta sẵn lòng đưa ra lời phán xét mà
không nhận ra hậu quả của phán xét, không nhận thức hay quan tâm đến trách nhiệm của mình.
Phán xét người khác là một hành động tự phụ lớn lao. Có thể là tự phụ trong sự bực tức, nhưng cũng có
thể là loại tự phụ không tưởng. Khi chúng ta đưa ra một lời phán xét hay chê bai người khác, chúng ta
mang trên người một gánh nặng trách nhiệm để phán xét đúng. Nhưng như nói trên, phán xét nào cũng
sai, bởi vì chúng ta không biết về đối tượng, chúng ta dựa giả định sai và và chúng ta chủ quan.

Thành ra, không ngạc nhiên khi các chuyên gia tâm lí và nhà đạo đức học khuyên chúng ta không nên
phán xét người khác. Họ khuyên sống tích cực. Sống tích cực ở đây có nghĩa là tìm cái hay của người
khác. Mỗi chúng ta đều có những nét hay và điều tốt. Nhưng phán xét thì thường chỉ muốn và nhìn vào
cái điểm xấu của người khác. Cho dù tâm trí chúng ta mặc định tìm cái xấu, chúng ta vẫn có thể thay đổi
cái mặc định đó để tìm điều tích cực của người khác. Nếu không tìm thấy cái hay của người khác thì tốt
nhứt là im lặng (như ông cụ tôi đề cập trên).

Một cách khác sống tích cực là tập trung vào cuộc sống của chúng ta. Đừng quá bận tâm với suy nghĩ và
việc làm của người khác. Hãy suy nghĩ về cuộc sống của chính chúng ta và hỏi chúng ta muốn hoàn thành
điều gì trong đời và hãy theo đuổi mục tiêu đó. Hãy suy nghĩ tích cực. Hãy tự theo dõi suy nghĩ của
chúng ta. Thay vì chê bai người khác, chúng ta nên chú ý đến tư tưởng và hành trình suy nghĩ của chính
mình, và cố gắng chuyển sang chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực.

Thay vì phán xét, chúng ta nên học cách đánh giá. Ngôn ngữ và cách nói trong đánh giá có khi đóng vai
trò quan trọng. Tôi mới đọc bài trên Nature có tựa đề "If you can’t be kind in peer review, be neutral"
(Nếu bạn không có lòng tử tế trong bình duyệt thì ít ra cũng nên trung dung). Bài viết có một ví dụ như
sau: thay vì phê bình người ta là (dịch):

"Đề cương này không thèm đáp ứng yêu cầu mô tả trong thông cáo"

thì nên viết cho trung dung (assessment) hơn:

"Đề cương này không đáp ứng yêu cầu trong thông báo".
Đọc được câu này tôi thấy hay quá, và hiểu tại sao trước đây thầy tôi hay chỉ cách viết tích cực này.
Chúng ta có thể biến mỗi tình huống thành một trải nghiệm tích cực. Khi chúng ta thực hành sống tử tế
(kindness toward life), chúng ta sẽ thấy thế giới rất khác.

• Thay vì nói "tôi đã phí thời giờ", thì nên nói "tôi cám ơn cho thời gian mà tôi có được"

• Thay vì nói "tôi đã thất bại, nên nói "tôi sẽ tìm hiểu tại sao có vấn đề"

• Thay vì nói "đó là việc không hoàn hảo", nên nói "tôi có thể làm tốt hơn lần sau"

• Thay vì nói "tôi đã trải qua một thời kì khó khăn ", nên nói "ngày mai sẽ tốt hơn"

• Thay vì nói "ông ấy là người keo kiệt", nên nói "ông ấy cần tình thương".

Phán xét người khác là một hành vi tìm tòi trong kho tàng kiến thức cá nhân, rồi xâu chuỗi lại vài dữ kiện
để đi đến một câu trả lời cho một vấn đề hay một tình huống. Thường thì câu trả lời sai, vì chúng ta
không bao giờ biết hết hay hiểu hết người mình phán xét. Từ cái sai đó, người phán xét có thể làm tổn
thương đến người khác. Nếu chúng ta chê bai người khác và nếu người đó không biết thì có lẽ chẳng có
gì xảy ra? Không hẳn vậy đâu. Sự việc lúc nào cũng quay tròn và phán xét của chúng ta sẽ gây tổn hại
đến họ một cách bất ngờ. Hãy suy nghĩ cẩn thận và hỏi: chúng ta có muốn bị chê bai như chúng ta chê
bai người khác.

Tôi chắc chắn rằng trong quá khứ bất cứ ai trong chúng ta đã lẫn lộn giữa đánh giá và phán xét, bởi vì lằn
ranh giữa 2 hành vi này quá gần nhau, và bởi vì chúng ta kém hiểu biết. Nhưng từ ngày nghe vị tiền bối ở
Garvan nói câu "Nếu không có gì tốt để nói thì nên im lặng" và từ ngày biết được phán xét khác với đánh
giá thế nào, thì tôi tránh phán xét tối đa. Không dễ đâu, nhưng cố gắng dùng ngôn ngữ và cách viết/nói
cũng có thể gieo mầm mống tích cực cho đời.

Carl Jung từng nói rằng "Mọi thứ làm cho chúng ta tức tối về người khác có thể giúp chúng ta hiểu chính
mình hơn" ("Everything that irritates us about others can lead us to an understanding of ourselves.")
Nghĩ về câu này tôi thấy có thể hiểu là khi chúng ta phán xét ai đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều
hơn là ảnh hưởng người đó. Nó cũng nói về chúng ta nhiều hơn là nói về người đó. Chúng ta chuyển đi
một cảm nhận của chúng ta về thế giới, và do đó, nó nói lên cái thiên vị trong đầu óc mình. Thay vì phán
xét, chúng ta nên quan sát và tò mò, tìm thêm thông tin và mở rộng cái khoảng cách giữa quan sát và
kết luận.

You might also like