You are on page 1of 6

ÔN TẬP ĐỌC HIỂU VĂN BẢN 01.07.

2021

Bài 1.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học công bố rằng một cuộc sống hạnh phúc và một
cuộc sống có ý nghĩa vừa giống, vừa khác nhau. Người hạnh phúc thường là kẻ biết chìa tay đón nhận.
Những yếu tố làm cho họ hạnh phúc thường là tiền bạc, sức khỏe, sự tiện nghi, bạn bè, vị trí xã hội. Người
sống có ý nghĩa thường là kẻ biết cho đi. […]
May mắn thay, một cuộc sống vừa hạnh phúc vừa có ý nghĩa là điều hoàn toàn có thể. Như hai vòng
tròn chồng lên nhau và vùng trung gian là bến đỗ của những kẻ tìm được sự cân bằng. Họ là những người
không đi tìm hạnh phúc cá nhân, cũng không hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm hài lòng xã hội. Họ không
coi hạnh phúc là mục đích của cuộc sống. Với họ, hạnh phúc cũng như tiền bạc. Để không thì không có giá
trị. Có thì bao nhiêu cũng không đủ. Tiêu thì đằng nào cũng hết. Trên đường đời, hạnh phúc như những cái
cột đèn lướt qua soi sáng mặt đường. Hạnh phúc là những khoảnh khắc thoắt đến thoắt đi, như những trạm
xăng tiếp nhiên liệu, cần, nhưng không phải là bến đỗ cuối cùng.
Hạnh phúc không ở cuối con đường, nó chỉ là một phần của con đường. Con đường ấy dẫn về đâu,
chúng ta phải tự quyết định. Mục đích của cuộc sống chính là hướng tới một đích đến cuối con đường cho
thật có ý nghĩa. Bạn đã làm được gì cho đời, cho người thân và xã hội? Bạn có tạo được sự thay đổi gì có ý
nghĩa không? Bạn để lại di sản gì trên cõi trần này?
Và vì thế, thay vì chúc nhau hạnh phúc, tôi muốn chúc bản thân mình một năm mới sống thật nhiều ý
nghĩa.
(Trích Đừng chỉ tìm hạnh phúc!, Nguyễn Phương Mai, theo thanhnien.vn, ngày 13/01/2019)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, mục đích cuối cùng con người cần hướng tới trong cuộc sống là gì? Làm thế nào
để đạt được điều đó?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan niệm “Hạnh phúc không ở cuối con đường, nó chỉ là một
phần của con đường”? Vì sao?
Câu 5. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa trong tầm tay.
Bài 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1)… Năm tôi 20 tuổi, tôi cảm thấy thế giới này thật bất công. Tại sao có những người không bao giờ
phải lo ăn lo mặc? Tại sao có những người có đủ điều kiện để theo học những lớp học đắt tiền?... Tại sao
họ muốn làm gì là gia đình có thể đáp ứng một cách vô điều kiện?... Chỉ vì họ sinh ra đã ngậm thìa vàng rồi
sao?
(2) Tại sao tôi không thể đủ tiền để mua màu vẽ, in tác phẩm hay thuê sân bãi để mở triển lãm? Tại
sao tôi phải đi gia sư mỗi ngày, thậm chí phải làm thêm ở quán cà phê ?... Tại sao cuộc sống của tôi lại khó
khăn đến vậy? Tại sao từ nhỏ tôi đã phải chịu đựng những điều này? Tại sao vậy?...
(3) Thế nhưng, tôi phát hiện ra rằng, việc không ngừng oán trách thế giới này và hợp lý hóa sự thành
công của người khác không giúp tôi học được gì. Phê phán người khác không khiến tôi trở nên tốt hơn.
Ngược lại khiến tôi rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, không có tiền bằng với định kiến không thể thành
công…
(4) Sự lựa chọn của bạn quyết định việc bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Tôi lựa chọn chuyên
tâm vào việc làm thế nào để khiến mình trưởng thành, làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng
sức mạnh bản thân. Hay thậm chí là hòa đồng với những kiểu người khác nhau, với những người có hoàn
cảnh khác với mình. Thay thế sự bài bác bằng sự đồng cảm…
[…]
(5) Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có
thể quyết định bạn là ai. Đừng oán trời trách người hay hận đời, dù là việc tốt hay điều xấu thì đều có ý
nghĩa cả, bởi chúng sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn.
( Trích Bài diễn thuyết chấn động của nữ sinh viên sau 10 năm tốt nghiệp:“Những người thắng ở vạch
xuất phát chưa chắc có thể chạy tới cuối cùng.”- Theo: https://soha.vn/)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0.5 điểm)
Câu 2. Tác giả đã lựa chọn như thế nào thay vì oán trách thế giới và phê phán sự thành công của người
khác? (0.5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (1) và (2) (1.0 điểm)
Câu 4. Tại sao tác giả lại cho rằng “Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như
thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai.”? (1.0 điểm)
Câu 5. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc- hiểu em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ
của em về ý nghĩa sự nỗ lực của bản thân.
Bài 3.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc đời là một chuyến hành trình. Nếu bạn chỉ sống trên đời cùng tâm trạng âm u và những cảm
xúc bất bình, bất mãn thì cuộc đời của bạn sẽ trở nên thật buồn tẻ. Vậy nên bạn phải sống một cách thật
vui vẻ trong phần lớn cuộc hành trình.
Nếu coi những bất ngờ xảy ra trong cuộc đời như từng phần của bộ phim cuộc đời, chúng ta có thể
khắc sâu vào linh hồn. Danh lam thắng cảnh của hành trình linh hồn chính là những trải nghiệm và cảm
xúc. Người có nhiều trải nghiệm chỉ cần như vậy đã có thể trở thành người bạn của cuộc đời rồi. Ngoài ra
bạn đừng cảm nhận nỗi đau buồn, gian khổ mà hãy cảm nhận cả những niềm vui và hạnh phúc.
Bởi vậy, hãy sống thật hạnh phúc. Hãy sống ngập tràn hạnh phúc như thể bạn có thể chia sẻ hạnh
phúc cho người khác. Và hãy sống hạnh phúc theo ý của bạn.
Nếu bạn không có hạnh phúc và niềm vui thì việc vất vả lắm bạn mới được sinh ra cõi đời này cũng
đâu còn có ý nghĩa gì nữa. Bởi vậy, dựa trên nền tảng này thì bạn không được quên việc tận hưởng cuộc
sống một cách hạnh phúc, vui vẻ. Tất cả những việc xảy ra trong cuộc đời đều là những kỷ niệm quan
trọng. Bởi vì đó là kỷ niệm vĩnh viễn của bạn.
Viên ngọc quý mang tên ký ức này không ai có thể đánh cắp được khỏi bạn. Đó chính là tài sản của
duy nhất một mình bạn.
(Trích "Hộ chiếu hạnh phúc"- Ehara, Hiroyuki, Kam tròn dịch, NXB Thanh niên, 2018, trang 207,
208)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, việc sống một cách hạnh phúc, vui vẻ có ý nghĩa gì với mỗi người? (0.5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn:
“Viên ngọc quý mang tên ký ức này không ai có thể đánh cắp được khỏi bạn”. (1.0 điểm)
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với ý kiến: “Tất cả những việc xảy ra trong cuộc đời đều là những kỷ niệm
quan trọng” không? Vì sao? (1.0 điểm)
Câu 5. Từ nội dung của đoạn trích trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về lời
khuyên “Hãy sống thật hạnh phúc”.
Bài 4.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Hãy hạnh phúc bất cứ khi nào có thể. Bạn sẽ hỏi làm thế nào để được như vậy? Đầu tiên, hãy vứt
bỏ ngay niềm tin rằng cứ có một cuộc sống hoàn hảo là hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ trải nghiệm những
nỗi buồn trong cuộc sống khiến chúng ta đồng cảm với những người rơi vào cùng hoàn cảnh giống mình.
Nếu cuộc sống hoàn hảo, bạn không thể biết cảm thông. Nếu cuộc sống không có khó khăn, bạn không thể
trưởng thành.
(2) Để hạnh phúc thật sự, hãy ngừng theo đuổi một hạnh phúc mãi mãi. Chấp nhận rằng cuộc sống
của bạn sẽ có lúc lên rồi xuống. Hiểu rằng, hạnh phúc là sự dao động giữa các các điều tích cực và tiêu
cực. Hiểu tầm quan trọng của lòng biết hơn. Thay vì tập trung vào những khoảnh khắc không vui của hiện
tại, hãy nghĩ lại về những lúc bạn có hoặc không có gì. […] Những kí ức này sẽ giữ cho bạn tiếp tục tiến về
phía trước. Phải có những khoảng lặng trong cuộc sống, bạn mới biết giá trị của niềm vui.
(3) Bạn cần phải nhớ điều này: Cuộc sống của bạn sẽ tràn đầy những điều tốt đẹp, vui vẻ và những
giây phút hạnh phúc đến khó tin. Những giọt nước mắt vui mừng, những tiếng reo sung sướng, và những
câu chuyện cười. Nhưng cuộc sống của bạn cũng sẽ có rất nhiều những bão tố. Nó dường như không có
điểm dừng, cho đến khi bạn vượt qua.
(4) Nhưng cho dù bạn đối diện với mặt trời ấm áp, hay trái tim bạn ngập lụt trong trận cuồng phong,
hãy biết rằng đó là dòng chảy không ngừng của cuộc sống. Trân trọng những giờ phút hạnh phúc và mạnh
mẽ đi qua những niềm đau. Đừng cố gắng không “buồn” hay né tránh các kinh nghiệm tiêu cực. Cũng
đừng bao giờ ngừng theo đuổi hạnh phúc. Tìm ra ý nghĩa của cả vấn đề tích cực và tiêu cực, từ đó trưởng
thành hơn, đó mới là ý nghĩa thật sự của hạnh phúc.
(Trích Theo đuổi hạnh phúc có làm bạn hạnh phúc hơn?, Thảo Nguyên tổng hợp từ Lifehack, Theo:
dantri.com)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả bài viết, làm thế nào để tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự? (0.75 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của 01 biện pháp tu từ trong đoạn (4) của phần trích trên. (0.75
điểm)
Câu 4. Trong bài viết, tác giả khẳng định: “Nếu cuộc sống hoàn hảo, bạn không thể biết cảm thông.
Nếu cuộc sống không có khó khăn, bạn không thể trưởng thành.” Anh/ chị có đồng ý với ý kiến trên hay
không? Vì sao? (1.0 điểm)
Câu 5. Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình
bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Nỗi buồn cũng là một phần của niềm hạnh phúc.
Bài 5.
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:
Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, chấn chỉnh mọi sai sót và biến mọi lỗi lầm thành tài sản.
Song, nó chỉ thích chơi với những ai có thể giết chết sự trì hoãn và biết hướng đến các mục tiêu cụ thể với
mục đích rõ ràng. Cứ mỗi giây phút trôi qua, khi đồng hồ gõ đều để rút dần khoảng cách là khi thời gian
đang chạy đua với từng người. Trì hoãn đồng nghĩa với thất bại, bởi không ai có thể lấy lại được thời gian
đã mất - dù chỉ một giây.
Hãy tiến về phía trước với sự quả quyết và đúng lúc, rồi thời gian sẽ yêu mến bạn. Nếu bạn lưỡng lự
hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi. Cách duy nhất để tiết kiệm thời gian là sử dụng nó
một cách khôn ngoan.
Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết
mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu.
(Napoleon Hill, Dẫn theo Không gì là không thể, George Matthew Adams,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 12)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích. (0.5 điểm)
Câu 2. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Trì hoãn đồng nghĩa với thất bại, bởi không ai có thể lấy lại được
thời gian đã mất - dù chỉ một giây”? (0.5 điểm)
Câu 3. Thông điệp được tác giả gửi gắm qua đoạn trích là gì? (1.0 điểm)
Câu 4. Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích
trên. (1.0 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình
bày suy nghĩ về ý kiến của tác giả: “Cách duy nhất để tiết kiệm thời gian là sử dụng nó một cách khôn
ngoan.”
Bài 6.
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Nếu bạn không thể là cây thông trên đỉnh đồi
Hãy là một bụi rậm trong thung lũng, nhưng
Hãy là một bụi rậm nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi nhất bên cạnh quả đồi
Hãy là một bụi cây nhỏ nếu bạn không thể là cái cây lớn
Nếu bạn không thể là một bụi cây hãy là một bụi cỏ
Làm cho con đường hạnh phúc hơn
Nếu bạn không thể là một con cá muskie hãy chỉ là một con cá vược
Tất cả chúng ta không thể là thuyền trưởng
Nhưng có thể làm thủy thủ
Có một thứ dành cho tất cả chúng ta
Có việc lớn và cũng có việc nhỏ
Và việc nên làm chính là việc gần ta
Nếu bạn không thể là quốc lộ, hãy là một con đường mòn nhỏ
Nếu bạn không thể là mặt trời hãy là một vì sao
Điều quan trọng không ở chỗ quy mô bạn thành hay bại
Dù bạn là gì, hãy là cái tốt nhất.
(Dù bạn là gì đi nữa, hãy là cái tốt nhất, Douglas Malloch,
theo Dám thất bại, Billi P.S. Dim, NXB Trẻ, Hà Nội, 2005, tr.136 - 137)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng nổi bật trong bài thơ trên.
Câu 3. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến của tác giả được gửi gắm trong hai câu thơ sau hay không? Vì
sao?
Có việc lớn và cũng có việc nhỏ
Và việc nên làm chính là việc gần ta
Câu 4. Martin Luther King từng nói: “Nếu một người đã được gọi để làm một người phu quét đường,
hãy quét những con đường như đại danh họa Michelangelo đã họa tranh, hãy quét những con đường như
đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ.
Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên
đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại - ông ta
đã làm công việc của mình thật tốt đẹp”
Chỉ ra điểm tương đồng giữa câu nói của Martin Luther King với ý thơ của Douglas Malloch:
Nếu bạn không thể là quốc lộ, hãy là một con đường mòn nhỏ
Nếu bạn không thể là mặt trời hãy là một vì sao
Điều quan trọng không ở chỗ quy mô bạn thành hay bại
Dù bạn là gì, hãy là cái tốt nhất.
Từ đó, hãy chia sẻ suy nghĩ của anh/chị về điều thực sự làm nên ý nghĩa của cuộc sống.
Câu 5. Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/ chị về thông
điệp: “Dù bạn là gì, hãy là cái tốt nhất”
Bài 7.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta hay nghĩ về cái ác thật nặng nề, cho rằng giết người, bắt cóc, hãm hiếp mới là ác. Chúng ta
quên rằng cái ác hiển hiện xung quanh mình mỗi ngày, trong từng ngóc ngách của tâm hồn mà ngay cả
bản thân người đó cũng không nhận thức được.
Nói một lời chia rẽ, đó là cái ác.
Giết một sinh vật nhỏ bé không có khả năng chống cự, đó là cái ác.
Nhận lợi ích hai bên dù ban đầu đứng về một bên, đó là cái ác.
Nói xấu và đơm đặt thêm thắt vào cuộc đời ai đó, đó là cái ác.
Nhận xét một cách ác ý về người của công chúng cho mục đích mua vui, đó cũng là cái ác
Một số người có lẽ không biết rằng mình ác, nên mỗi ngày đều xem đó là sự hiển nhiên, xem những
phán xét, hằn học, miệt thị, công kích là quyền cá nhân. Quyền cá nhân mà gây tổn thương đến tinh thần
người khác, thì là cái ác kinh hồn. Những tổn thương về thể xác còn theo thời gian mà lành lặn, nhưng vết
thương trong tâm hồn bao giờ mới được chữa lành?
Dĩ nhiên không ai là hoàn toàn trong sáng. Nhưng chỉ cần chúng ta nhận thức được cái ác đang
hoành hành và thao túng chúng ta thì đó là bước đi đầu tiên để kiểm soát. Cách tốt hơn hãy đặt mình vào
vị trí của nạn nhân. Nếu bản thân ta hay những người ta thương yêu rơi vào tình huống đó, liệu ta sẽ chịu
đựng ra sao? Cứ nghĩ như vậy, thì lưỡi sẽ uốn đến bảy lần trước khi nói.
[…]
Đừng sống mà vô tri.
Đừng ác mà không biết.
(Trích Người trong đau khổ vẫn cười, Hamlet Trương)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên
Câu 2. Đoạn trích đã chỉ ra sự nhầm lẫn thường gặp nào trong quan niệm của chúng ta về cái ác?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 4. Theo tác giả “dĩ nhiên không ai là hoàn toàn trong sáng” nhưng làm thế nào để hạn chế được
cái ác vô tri?
Câu 5. Vì sao tác giả lại khẳng định rằng sự vô tri có thể sinh ra cái ác kinh hồn?
Bài 8.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt
nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ
rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương.
Đừng dồn ai vào đường cùng...
Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy
cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành
cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này,
luôn luôn đông hơn.
Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng
hương, đồng loại… Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy siết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai
thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.
Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay
bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2016, tr.178-179)
a, Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên
b, Trong đoạn trích, tác giả đã chỉ ra nghịch lý nào khi đặt cái thiện trong tương quan đối sánh với cái ác?
c, Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích.
d, Theo tác giả đoạn trích, làm cách nào để cái thiện mạnh lên và cuộc chiến chống lại cái ác không
còn đơn độc?
e, Anh/ chị có đồng tình với ý kiến của tác giả hay không “Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành
thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân”? Vì sao?

You might also like