You are on page 1of 14

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI KÌ 1 – NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2022 - 2023

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)


Đề 1: Đọc văn bản:
Hành trình từ bản người Dao đến học bổng châu Âu của một cô gái dân tộc thiểu số sẽ truyền
cảm hứng tới mọi người về khát khao chinh phục những chân trời, dù bạn là ai và sinh trong hoàn cảnh
nào.
Chọn con đường ngược chiều so với suy nghĩ của bản làng, Chảo Thị Yến quyết tâm học hết cấp
3, sau đó cô trở thành sinh viên Đại học Lâm nghiệp.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, Yến dành được học bổng toàn phần trị giá
50.000 USD tức khoảng 1,2 tỷ đồng, đào tạo Thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đức
và Italy, trở thành cô gái miền núi đầu tiên của xã vùng biên giới Việt - Trung đi du học. Tất cả hành
trình đầy gian nan nhưng vô cùng tự hào ấy được Chảo Yến ghi lại trong cuốn tự truyện Đường ngược
chiều.
Du học và quay trở về Việt Nam, Chảo Thị Yến hiện là một cán bộ của Trung tâm Con người và
Thiên nhiên với những dự án giúp ích cho các vùng khó khăn. Dám mơ, dám đi và dám thử một lần
ngược chiều, những điều ấy đã tạo nên một Chảo Thị Yến khác biệt, bản lĩnh và truyền cảm hứng.
(Chảo Thị Yến, Cô gái từ bản người Dao đến học bổng châu Âu ,
Nguyễn Nga, Trung tâm tin tức vtv24 - VTV News, thứ 4, ngày 01/04/2020)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Văn bản trên cung cấp cho anh/chị thông tin gì?
Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về đường ngược chiều trong suy nghĩ của Chảo Thị Yến?
Câu 4: Thông điệp có ý nghĩa nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì? Vì sao?

Đề 2: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
“Ông huyện ngẩng mặt một lát để nghĩ ngợi, rồi gọi đội lệ.
Ông hỏi:
- Ai bảo cấm chợ từ phiên mười bốn đến giờ?
Đội lệ ngơ ngác, gãi tai đáp:
- Bẩm quan lớn, con thấy thầy quản đồn nói rằng lệnh của quan lớn.
Ông huyện gắt:
- Gọi quản đồn lên đây.
Quản đồn hớt hơ hớt hải chạy lên. Quan hất hàm hỏi:
- Ai báo thầy cấm chợ.
- Lạy quan lớn, hôm ở phố có tên Bài nó chết, quan lớn báo cấm chợ, chờ xem quan đốc tờ khám xét
xong hãy hay.
Quan huyện giơ hai tay lên trời tỏ ý thất vọng:
- Phải rồi, nhưng khi xét thấy nó chết về cảm thì phải cho chợ họp như thường chứ?
Quản đồn sợ hãi đáp:
- Lạy quan lớn, quan lớn không ra lệnh lại cho họp, nên con không dám tự tiện.
Ông huyện không nói gì, thở dài. Bà huyện chép miệng:
- Thế mà làm cho nhân dân sống dở chết dở gần nửa tháng rồi.
Đội lệ và quản đồn bị quở vừa ra khỏi, ông huyện chống tay ngồi yên lặng, hai mắt lờ đờ, rồi thở
dài. Bà huyện trách:
- Tại ông không nói rõ, và khi khám không phải bệnh thời khí, ông quên không dặn lại quản đồn từ
phiên sau cho họp chợ như thường.
Ông huyện nhìn vợ một cách hối hận, gật gù:
- Phải, tại tôi nhiều việc quá nên quên đứt đi mất.
Giữa lúc ấy, có tên lính vào, bẩm:
- Bẩm quan lớn, có mấy người hàng phố xin vào hầu.
Ông huyện cho phép họ vào. Thì là những người đến nhà trưởng phố ban nãy. Họ nói:
- Bẩm quan lớn, từ ngày có lệnh cấm chợ, nhân dân chúng tôi rất nheo nhóc khố sở. Đồ ăn gạo củi, lên
giá một cách không ngờ...
Ông huyện không muốn nghe hết câu, ngắt lời:
- Tôi cũng biết trước thế. Nhưng các người muốn gì?
- Bẩm, chúng tôi muốn xin quan lớn cho phép họp chợ như cũ, kẻo đói to.
Ông huyện cau mặt đáp:
- Cái đó là lệnh trên bắt thế, chứ nào tôi có muốn. Nhưng để tôi xin cho. Các người hãy dằn lòng chờ ít
lâu và nên yên trí trước rằng đang khi mọi nơi nhốn nháo về bệnh thời khí, thì việc xin mở chợ, là một
việc rất khó. Song tôi cố hết sức xin, và may ra quan Sứ, quan Tuần nể lời tôi, thì mười phần cũng chắc
được tám.
Đoàn đại biểu cảm tạ lòng tử tế thương dân của vị phúc tinh. Và chợ Huyện, từ phiên mồng chín
trở đi, lại được vui vẻ sầm uất như trước.
Trong khi ngoài phố lác đác có một hai người chết đói trong khi tên bếp trong huyện cố hà hiếp
tàn nhẫn mới mua được đồ ăn, bà huyện thường cự ông huyện sao không cho họp chợ ngay phiên mồng
bốn là sau ngày ông biết cái lỗi quá lơ đễnh đến nỗi nhân dân quá khổ sở. Thì ông nháy một mắt, nói
thầm:
- Không trách, người thật thà không làm nổi quan. Nếu hôm chúng nó vào xin họp chợ, mình nhận lỗi
rằng mình quên, thì chúng nó oán đến mấy đời. Mình phải làm ra cách khó khăn, đổ cho lệnh trên, và
mình làm ơn cố xin hộ. Như thế có phải chúng nó lại ơn mình nữa hay không! Cũng bởi vậy, tôi cần
phải cấm thêm một phiên nữa cho ra dáng sự cấm là hợp lẽ phải và ngặt nghèo là nhường nào.”

(Nguyễn Công Hoan – Cấm chợ)


Câu 1: Khái quát nội dung đoạn trích.
Câu 2: Giọng điệu nghệ thuật được tác giả sử dụng trong đoạn trích?
Câu 3: Anh (chị) hiểu câu nói người thật thà không làm nổi quan của nhân vật quan huyện như thế
nào?
Câu 4: Người dân có biết được bộ mặt thật của quan huyện không? Anh (chị) suy nghĩ gì về trình độ
dân trí lúc bấy giờ?
Đề 3: Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:
Nhiều người cho rằng phát triển là điều tốt. Nhưng chỉ ít người dám cống hiến cả cuộc đời mình cho
sự phát triển đó. Tại sao vậy? Bởi vì muốn phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi, trong khi đó họ lại
không sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là nếu không thay đổi thì
không thể có sự phát triển. Nhà văn Gail Sheehy đã khẳng định:
“Nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ phát triển. Nếu không phát triển thì không phải là cuộc
sống. Phát triển đòi hỏi phải tạm thời từ bỏ cảm giác an toàn. Điều này có nghĩa là phải từ bỏ lối sống
quen thuộc nhưng luôn bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến
cuộc sống của bạn tốt hơn được. Những điều đó sẽ khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác,
mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa. Nhà văn Dostoevsky nói: “Tiến thêm một bước, nói thêm một
lời là những điều đáng sợ nhất”. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới là điều đáng sợ nhất.”
Tôi nghĩ không có gì tồi tệ hơn là cứ sống mãi một cuộc sống trì trệ, không bao giờ thay đổi và
không bao giờ phát triển.
(John C. Maxwell - Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động - Xã hội, 2015, tr.130)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2. Chỉ ra tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc được nêu trong đoạn trích?
Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có tác dụng gì?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị rút qua văn bản là gì?
Đề 4:
Đọc đoạn trích sau:
“Hạnh phúc là ước mơ và là mục tiêu của tất cả mọi người. Suy cho cùng, mọi nỗ lực và hành
động của con người đều chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là sống hạnh phúc. Hạnh phúc giúp con
người có thể cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ. Người sống hạnh phúc luôn có khả năng lôi cuốn người
khác bằng dáng vẻ tự tin của mình.
Để có được hạnh phúc vững bền, nhiều người đã cố gắng tích lũy thật nhiều tiền bạc mà quên
rằng tiền không thể mua được hạnh phúc. Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp con người có được hạnh
phúc (…) Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết sẻ chia mà không cần đáp trả.
Hạnh phúc cũng chỉ đến với những ai biết hài lòng với mục tiêu mình đã đề ra, đồng thời không
ngừng nỗ lực để hiện thực hóa chúng. Hạnh phúc không nằm ở cảm giác tới đích mà chính trên từng
chặng đường đi. Để sống một cuộc đời hạnh phúc, bạn hãy làm việc gì đó có ý nghĩa bằng tất cả tài
năng và tâm huyết của mình.
Xét cho cùng, hạnh phúc chỉ đơn giản là nhận thấy những nỗ lực của bản thân mình đã được đền
đáp xứng đáng. Một cuộc đời hạnh phúc chính là một cuộc đời hữu ích! Hãy cảm nhận hạnh phúc từ
những điều bình dị mà cuộc sống đã mang lại cho bạn. Và trên hết, hãy sống hạnh phúc từ những gì bạn
đã cho đi”.
(Trích “Không gì là không thể” – George Matthew Adams – Thu Hằng dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, đâu là “ước mơ và là mục tiêu của tất cả mọi người” ?
Câu 3. Theo anh / chị, vì sao “Hạnh phúc giúp con người có thể cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ” ?
Câu 4. Anh / chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên?
Đề 5. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những
mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc
đời mình.
Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục
đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở
phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp”
về nhân cách của mỗi người.
Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực
tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào
khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan
tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.
Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở
thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là
bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người
xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự
hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến?
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị.
Đề 6. Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Trong Diễn văn khai giảng năm học 2014 - 2015 ở trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), Giáo sư
Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường - có nói:
Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi
cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc
cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất…Chúng ta hãy yêu mến
nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô…Hãy nhớ rằng chúng ta
được nuôi dưỡng bằng dòng sữa Mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc
nhằn và cay đắng…
Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của
mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập
không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: "Một dân tộc
dốt là một dân tộc yếu", mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt
được điều chúng ta mong muốn là "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh".
(Theo http://www.tinmoi.vn ngày 4/9/2014)
Câu 1. Những từ ngữ nào trong đoạn văn bản thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam?
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ trong câu sau: Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển
bạc, yêu đất liền và đảo xa.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về lời nhắn nhủ của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ
bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình ?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", mà một dân tộc yếu thì
không làm chủ được chính mình? Hãy nêu ít nhất hai lí do cho ý kiến của mình.
Đề 7: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
... (1) Vậy tìm hứng thú học Văn ở đâu?
(2) Trước hết, cần tìm ngay ở môn Ngữ văn, một môn học rất hay. Văn chính là môn học chứa
đựng và truyền tải đi những thông điệp của tình cảm, cảm xúc đẹp ở con người. Học Văn sẽ giúp các
em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung
quanh.
(3) Môn Văn ở bất cứ nước nào cũng được coi là môn học làm người. Tôi nhớ khi còn đi học,
vào ngày tựu trường, mẹ tôi cũng dắt tay tôi đến trường, lúc đó tôi không biết gọi cảm xúc lòng mình
đang có là gì, chỉ đến khi cô giáo của tôi đọc một đoạn trong bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, tôi mới
hiểu được cái hơi thu se lạnh, cái siết tay nắm chặt của mẹ và cảm giác vừa hân hoan vừa lo sợ của
tôi,... Nếu không có áng văn đó chắc phải lâu lắm tôi mới hiểu được những tình cảm và cảm xúc tốt đẹp
ngây thơ khi còn nhỏ dại.
(4) Cùng những tình cảm đẹp mà các em học được từ những áng văn hay, kết hợp với suy nghĩ
trong sáng, học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng.
Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành. Chính sự lớn lên và trưởng thành đó sẽ tặng các em
hứng thú học Văn.
(Trích “Tìm hứng thú học Văn”, Phong Thu,
Tạp chí Văn học và tuổi trẻ số 2, NXB Giáo dục, 2015)
Câu 1. Tìm câu chủ đề của đoạn trích trên
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn (3).
Câu 3. Tác giả đã khẳng định điều gì khi viết:
- Học Văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những
con người bình dị xung quanh.
- ... học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước
mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành.
Câu 4. Theo em tại sao môn Văn được coi là môn học làm người.
Đề 8: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu sau:
Tất nhiên, đối với con người, việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy:
“Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo
lời dạy này thì cũng chưa phải là đã làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời
dạy này mới dùng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có
thế.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng,… tự chúng không kiếm được mồi sao ? Ví như
loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm tổ, tích
trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.
Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng
tự mãn.
[…] Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra
cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao ?
Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho
có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Nếu đến thế hệ con cháu,
cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi
anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và
gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.
Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi đang còn sống.
Người Châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân
mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”.
(Fukazawa Yukichi, Khuyến học hay những bài học về tình thần độc lập tự cường của người Nhật
Bản, Nxb Thế giới, 2015)
Câu 1.Nhận diện phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra thái độ của tác giả đối với những người chỉ biết đến lợi ích cá nhân và gia đình.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 4. Phẩm chất nào của người Nhật Bản mà anh/chị có thể học tập và phát huy, nhất là trong cuộc
sống hôm nay?
ĐỀ 9. Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:
“Một bộ phận thanh niên ngày nay chạy theo thời đại mà quên mất những giá trị xưa cũ. Biểu
hiện là coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ. Họ thường nói
vấn đề đó xưa lắm rồi, bây giờ ai nghĩ thế, ai làm thế. Chúng ta đâu biết rằng chỉ có văn minh là xưa
cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống, văn hóa luôn bắt rễ vào hiện tại và thúc đẩy hiện tại.
Nếu ta không coi trọng những giá trị văn hóa gia đình và dân tộc, ta sẽ mất gốc và thiếu đi sức sống
bên trong vì vậy sự phát triển của ta sẽ không thể lâu bền được. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh
niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê
hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…”
(ThS. Phạm Thạch Hoàng, ĐH Lâm nghiệp - Tạp chí Thanh niên, số tháng 8/2018)
Câu 1. Trình bày tác hại của việc chạy theo thời đại của một bộ phận thanh niên ngày nay được nêu
trong đoạn trích.
Câu 2. Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nhiều giá trị văn hóa dân tộc
thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu
quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nhận định: chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ
mất đi sức sống?
Câu 4. Anh/chị hãy nêu thông điệp tác giả gửi gắm qua đoạn trích?
ĐỀ 10. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Xin đừng vội nghĩ cứ có học vấn, bằng cấp cao là nghiễm nhiên trở thành người có văn hóa.
Trình độ tri thức văn hóa cũng mới chỉ là tiền đề. Nếu sự rèn luyện nhân cách kém thì tiềm năng hiểu
biết đó sẽ tạo nên thói hợm hĩnh, khinh đời; phong cách sống càng xấu đi, càng giảm tính chất văn hóa.
Trong thực tế, ta thấy không hiếm những người có học mà phong cách sống lại rất trái ngược. Họ mở
miệng là văng tục, nói câu nào cũng đều có kèm từ không đẹp. Mặt vênh vênh váo váo, coi khinh hết
thảy mọi người. Trò chuyện với ai thì bao giờ cũng hiếu thắng, nói lấy được, nhưng khi gặp khó khăn
thì chùn bước, thoái thác trách nhiệm. Trong lúc đó, có người học hành chưa nhiều, chưa có học hàm,
học vị gì nhưng khiêm tốn, lịch sự, biết điều trong giao tiếp, khéo léo và khôn ngoan trong cách ứng xử
trước mọi tình huống của cuộc sống. Rõ ràng là chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều
vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
Tất nhiên, tác động của trình độ học vấn đến sự nâng cao phong cách văn hóa của một người rất
lớn. Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan
mật thiết đến tiềm năng hiểu biết. Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp.
Không thể phủ nhận thực tế đó, chỉ có điều cần nhớ là trình độ học vấn và phong cách sống văn hóa
không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
(Trích “Học vấn và văn hóa” – Trường Giang)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2: Theo tác giả, “chất văn hóa” trong phong cách sống của mỗi người phụ thuộc nhiều vào những
điều gì?
Câu 3: Theo tác giả, trình độ học vấn có tác động như thế nào đến phong cách văn hóa của một người?
Câu 4: Theo anh (chị), quan điểm của tác giả có phù hợp với cuộc sống hiện đại không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
A. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (2 điểm)
Câu 1 Trình bày suy nghĩ của anh/chị về người truyền cảm hứng trong đề đọc hiểu 1 (khoảng 150 chữ)
Câu 2: Viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến ở phần Đọc hiểu:
Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành.
Câu 3: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu
trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá
nhân mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”.
Câu 4. Anh/chị viết đoạn văn khoảng 150 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Thế nên hãy buồn
hãy khóc. Hãy ôm nhau thổn thức vì một giấc mơ vuột trôi đi. Nhưng sau đó hãy gạt nước mắt và
đứng thẳng dậy.
Câu 5. Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 150 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có
bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.
Câu 6: Từ nội dung của phần Đọc – hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) trình
bày suy nghĩ của bản thân về cách thức rèn luyện, tu dưỡng văn hóa của mỗi người trong thời đại ngày
nay
B. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC (5 điểm)
Câu 1: Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ.
Câu 2: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của
nhà văn Nguyễn Tuân.
Câu 3 Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) từ buổi
sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của
nhân vật này.
Đề 4. Hãy phân tích những kiếp người tàn trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
GỢI Ý ĐÁP ÁN:

I.Đọc hiểu:
Đề 1:
Câu 1: Văn bản cung cấp thông tin: Chảo Thị Yến - Cô gái từ bản người Dao đến học bổng châu Âu
Câu 2: Phong cách ngôn ngữ: báo chí
Câu 3: Đường ngược chiều trong suy nghĩ của Chảo Thị Yến chính là cách nghĩ, cách làm khác biệt so
với suy nghĩ và hành động của dân làng - theo đuổi con đường học tập, dám mơ, dám đi và dám thử
một lần ngược chiều để phát triển, cống hiến và khẳng định bản thân, để khác biệt, bản lĩnh và truyền
cảm hứng.
Câu 4: Học sinh nêu được thông điệp và có lí giải phù hợp
Ví dụ:
+ Cần dũng cảm lựa chọn con đường của riêng mình
+ Dám mơ ước, sống có bản lĩnh
+…

Đề 2:
Câu 1:
Nội dung đoạn trích: Vì có người chết nghi có bệnh dịch thời khí, quan huyện ra lệnh cấm chợ
để chờ khám xét tử thi. Sau khi xác định không có bệnh dịch nhưng quan huyện quên rút bỏ lệnh cấm
nên dẫn đến tình trạng đình trệ sinh hoạt, đói khát, chết chóc. Tuy vậy quan huyện không thừa nhận sự
quan liêu tai hại của mình trước dân mà trí trá, lươn lẹo để chối tội.
Câu 2: Giọng điệu nghệ thuật: Châm biếm.
Câu 3: Người thật thà không làm quan nổi:
Tự sổ toẹt mình, lộ rõ chân tướng tên quan không tôn trọng dân, dối trá, bất lương.
Qua câu nói đó còn có thể suy rộng là cả bè lũ thống trị đương thời đều cùng phường dối trá.
Câu 4: Người dân không thấy được bộ mặt thật của tên quan huyện. Dân trí bấy giờ còn thấp do chính
sách ngu dân của thực dân Pháp

Đề 3:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. Tác hại của việc không dám từ bỏ lối sống quen thuộc:
- Bị hạn chế bởi tính khuôn mẫu, tính an toàn, những điều không bao giờ khiến cuộc sống của
bạn tốt hơn được.
- Khiến bạn không còn tin tưởng vào các giá trị khác, mọi mối quan hệ đều không còn ý nghĩa.
Câu 3.Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Gail Sheehy có 2 tác dụng:
- Chỉ ra tác hại của việc “nếu không thay đổi thì con người sẽ không phát triển được: Cuộc sống
sẽ trở nên vô vị nếu con người chỉ sống trong “vòng an toàn” mà không có những thay đổi, bứt phá.
Điều đáng sợ nhất là chỉ đứng yên một chỗ, không làm gì để tiến lên.
- Khuyên chúng ta phải thay đổi tư duy, mạnh dạn hành động sẽ làm được những điều chưa bao
giờ đạt được. Điều quan trọng là phải hành động để tìm kiếm điều mới mẻ, tốt đẹp.
Câu 4. Thông điệp:
Cần phải sống chủ động, kiên cường, mạnh mẽ.
Phải mạnh dạn thay đổi để phát triển, để bản thân, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đề 4:
Câu 1:Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, ước mơ và mục tiêu lớn nhất của mỗi người chính là: Hạnh phúc.
Câu 3: Hạnh phúc giúp con người có thể cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ là vì:
- Khi sống hạnh phúc, con người sẽ không sa vào những trạng thái tiêu cực, do vậy, không làm
tổn hại đến tinh thần của mình, không làm phát sinh bệnh tật.
- Khi sống hạnh phúc, con người sẽ có những hoạt động lành mạnh, tích cực hơn, do vậy giúp
cải thiện sức khỏe.
- Người sống hạnh phúc cũng được nhiều người yêu mến, do vậy, họ sống vui, sống khỏe, sống
lâu hơn.
Câu 4: Bài học: Hs có thể rút ra nhiều bài học khác nhau nhưng những bài học rút ra phải đúng với ý
nghĩa văn bản.
Gợi ý:
- Hạnh phúc là chia sẻ
- Hạnh phúc đến từ những điều giản dị
- Hạnh phúc là một cuộc hành trình.
Đề 5.
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?
Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước
mơ của mỗi người
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự
hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến?
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản
thân họ làm ra và đạt đến vì: “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản
lĩnh, bất tài. Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng
tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.
Câu 4. Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị.
- Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
- Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người
Đề 6.
Câu 1. Những từ ngữ nào trong đoạn văn bản thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam?
Những từ ngữ thể hiện rõ sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam: núi cao, sông dài, rừng xanh, biển bạc
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ trong câu sau: Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển
bạc, yêu đất liền và đảo xa.
- Phép điệp (điệp từ): yêu
- Phép liệt kê: núi cao, sông dài, rừng xanh, biển bạc, đất liền, đảo xa
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về lời nhắn nhủ của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ
bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình ?
Lời nhắn nhủ muốn nói với chúng ta rằng, học tập tiếp thu tri thức là điều hiển nhiên và quan trọng;
nhưng hơn thế nữa học tập còn để bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn của mỗi chúng ta.
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", mà một dân tộc yếu thì
không làm chủ được chính mình? Hãy nêu ít nhất hai lí do cho ý kiến của mình.
Hs bày tỏ rõ quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình; nêu 2 lí do hợp lí, thuyết phục
ĐỀ 7:
1. Câu chủ đề: Vậy tìm hứng thú học Văn ở đâu?
2. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
3. Khẳng định tầm quan trọng, tác động của việc học văn đối với tình cảm, nhận thức con người; đồng
thời đó cũng là động lực để tạo nên niềm hứng thú học văn.
4. Mục đích của học văn là nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách, tư tưởng thông qua những hình tượng
văn học giàu cảm xúc, hình ảnh. Vì thế môn văn đã tác động lớn đến việc bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng,
nhân cách của những người học, nó xây dựng ý thức trách nhiệm, lối sống thông qua mỗi tác phẩm văn
học. Học văn để biết làm người, có cảm xúc, yêu thương cái đẹp, biết ghét cái xấu, phân biệt đúng - sai,
biết cảm thông, rơi lệ trước nỗi đau...
ĐỀ 8:
1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
2. Tác giả phê phán những kẻ có lối sống ích kỉ, chỉ biết chăm lo cho bản thân và gia đình của mình vì
nếu sống như vậy thì con người chỉ ngang hàng với côn trùng và xã hội sẽ không thể tiến bộ, phát triển
được.
3. Tác giả đã so sánh con người với loài vật, côn trùng. Biện pháp so sánh này có tác dụng nhấn mạnh ý
nghĩa: Con người khác với các loài động vật khác vì có ý thức và có văn hóa nên con người nhất định
phải sống có ý nghĩa hơn, sống vì quê hương, đất nước, vì cộng đồng chứ không chỉ biết lo cho bản thân
4. Người Nhật Bản luôn đề cao tinh thần sống vì cộng đồng. Đó là nguồn gốc tạo nên sự cường thịnh và
phát triển của đất nước Nhật Bản
ĐỀ 9.
Câu 1. Tác hại của việc chạy theo thời đại của một bộ phận thanh niên ngày nay được nêu trong đoạn
trích:
- Quên mất những giá trị xưa cũ.
- Coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ
Câu 2. Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu: Nhiều giá trị văn hóa dân tộc
thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu, kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu
quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…
- Biện pháp tu từ: liệt kê.
- Hiệu quả: nhấn mạnh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Câu 3. Chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống.
- Nói văn minh là xưa cũ vì các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn lại là những di sản được tích lũy
(tri thức, tinh thần và vật chất) của con người kể từ khi loài người hình thành cho đến thời điểm xét đến.
Văn minh có thể thay đổi theo thời gian.
- Văn hóa không bao giờ mất đi sức sống: Văn hóa là tất cả mọi giá trị vật chất và tinh thần mà con
người ta đã sáng tạo ra hay thu nhận được trong quá trình lịch sử. Đó là những nét văn hóa tốt đẹp của
dân tộc được tích lũy, kế thừa từ nhiều thế hệ. Văn hóa truyền thống góp phần định hình bản sắc văn hóa
dân tộc, tạo nên những chuẩn mực xã hội, hoàn thiện vẻ đẹp nhân cách của mỗi cá nhân.
Câu 4.Thông điệp tác giả gửi gắm: HS có thể nêu :
- Phê phán nhận thức sai lệch của thanh niên.
- Đề cao vai trò giá trị văn hóa gia đình, ý thức trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

ĐỀ 10
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. “Chất văn hóa” của mỗi người phụ thuộc vào:
- Ý thức tu dưỡng tính nết.
- Học tập trường đời.
- Kết quả của giáo dục gia đình.
(Mỗi ý HS nêu được sẽ được 0,25 điểm).
Câu 3. Trình độ học vấn có tác động đến phong cách văn hóa của mỗi người:
- Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan mật
thiết đến tiềm năng hiểu biết.
- Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp.
(Mỗi ý HS nêu được sẽ được 0,5 điểm).
Câu 4. - Trình bày ý kiến của bản thân (đồng ý hoặc không đồng ý).
- Lí giải lí do (rõ ràng, chặt chẽ, có sức thuyết phục).
II. LÀM VĂN
A. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI.
Câu 1: Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “Người truyền
cảm hứng”
Người truyền cảm hứng là người có phẩm chất, năng lực tốt, có sự nghiệp hoặc thành tích nổi
bật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo nên ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ, hành động của
những người xung quanh; làm thức tỉnh nhận thức, thái độ sống và nhân tâm của con người.
Muốn trở thành “người truyền cảm hứng” phải có những cách thức riêng như:
+ Luôn thể hiện sự nhiệt tình.
+ Có khả năng thuyết phục người khác.
+ Xây dựng tinh thần lạc quan ....
Câu 2: Gợi ý những nội dung cần bàn luận:
- Khẳng định tầm quan trọng của ước mơ đối với cuộc sống của con người. Chỉ khi có ước mơ, nuôi
dưỡng được ước mơ, con người mới trở nên vững vàng, cuộc sống mới có ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
- Vai trò của ước mơ với sự lớn lên và trưởng thành của con người: Ước mơ tạo nên những cơ hội, tạo
nên sức mạnh giúp con người đạt được thành công, làm được những việc lớn lao có ích cho bản thân,
gia đình và xã hội…
- Nếu không có ước mơ, không quyết tâm thực hiện ước mơ: Con người sống đơn điệu, dễ chán nản,
buông xuôi trước khó khăn thử thách, thậm chí dễ sa ngã, lầm lạc…
- Phê phán những người không có ước mơ hoặc có ước mơ mà không dám thực hiện
- Ước mơ phải phù hợp với khả năng và cần phải có những hành động cụ thể thì mới trở thành hiện thực
- Bài học nhận thức và hành động
Câu 3: Gợi ý những nội dung cần bàn luận:
- Giải thích:
+ Mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình: Lối sống đặt lợi ích
cá nhân lên hàng đầu, chăm chăm hưởng thụ cho riêng mình, chỉ biết nhận mà không biết cho đi, không
biết công hiến cho đời.
+ Thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người: xã hội loài người qua bao nhiêu thế
kỉ vẫn như thuở sơ khai, không phát triển, kém văn minh.
Ý nghĩa của câu nói: Lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết chăm lo, hưởng thụ cho bản thân thì sẽ
làm cho xã hội không thể tiến bộ, kém phát triển. Đây là một lối sống cần bị lên án.
Từ đó, ta rút ra được một quan niệm sống có ý nghĩa: đề cao lối sống vì cộng đồng, luôn cống
hiến, dâng hiến cho đời những điều tốt đẹp
- Bàn luận
+ Khẳng định ý kiến đưa ra là đúng hay sai; hợp lí hay không hợp lí
+ Bày tỏ thái độ, suy nghĩ về ý kiến bằng những lí lẽ, dẫn chứng phù hợp, có sức thuyết phục
+ Bài học nhận thức và hành động
Đề 4. Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo
nhiều cách khác nhau song phải làm rõ những ý cơ bản sau:
 Giải thích:
-“ Thế nên hãy buồn hãy khóc. Hãy ôm nhau thổn thức vì một giấc mơ vuột trôi đi.”: Hãy thể hiện
cảm xúc chân thật của mình khi thất bại, không cần dấu diếm, chịu đựng.
“ Nhưng sau đó hãy gạt nước mắt và đứng thẳng dậy.”: Tuy nhiên sau thất bại hãy đứng dậy và làm
lại từ đầu.
 Bàn luận:
- Trong hành trình của cuộc sống, con người luôn khao khát chiến thắng nhưng con người
cúng có lúc gặp thất bại và chấp nhận sự thất bại
- Thất bại không có nghĩa là kết thúc cuộc hành trình mà chấp nhận sự thất bại để để con
người thật sự thấy được khả năng của mình rèn luyện ý chí, để bước tiếp, chinh phục những
khát khao chiến thắng
- Bàn bạc mở rộng: Phê phán những người chán nản, buông xuôi trước khó khăn.
 Bài học: Cần có nghị lực, niềm tin và biết cách đứng dậy trước khó khăn, thử thách.
Đề 5. * Giải thích: Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính
kiến riêng trong mọi vấn đề.
* Bàn luận:
– Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh.
+ Có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.
+ Dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới.
+ Có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.
- Mở rộng: Phê phán những người sống hèn nhát, không có bản lĩnh, chính kiến của riêng mình.
* Bài học nhận thức và hành động: Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử
thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã… mỗi chúng ta sẽ dần tạo
nên bản lĩnh cho mình.
ĐỀ 6. Viết đoạn văn nghị luận 150 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về cách thức rèn luyện,
dưỡng văn hóa của mỗi người trong thời đại ngày nay.
a) Yêu cầu về hình thức:
- Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn (không xuống dòng, có câu mở đoạn, câu triển khai và câu kết
đoạn).
- Đảm bảo dung lượng, tránh viết quá ngắn hoặc quá dài.
b) Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần bày tỏ được những suy nghĩ cảm nhận
của bản thân về sự hi sinh của những người lính trong thời bình.
- Nêu ra được vấn đề: Rèn luyện, tu dưỡng văn hóa là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của mỗi
người chúng ta.
- Bình luận:
+ Ý nghĩa của phong cách sống văn hóa đối với cuộc đời mỗi con người.
+ Cách thức để mỗi người có thể rèn luyện, tu dưỡng chất văn hóa của mình (trong gia đình, trường
học, thực tế xã hội…).
+ Phê phán những con người sống không có văn hóa, không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện vốn văn
hóa của bản thân mình.
- Liên hệ, rút ra phương hướng cho bản thân.

B.NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Câu 1:
Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ.
1. Thể hiện qua đề tài: đó là những kiếp người nghèo khổ ở thôn quê.
2. Thấu hiểu hoàn cảnh, tâm hồn của những người nghèo:
a) Hoàn cảnh: Những con người nơi phố chợ thời thuộc Pháp nghèo xơ xác, cuộc sống quẩn quanh, tăm
tối, không lối thoát.
- Thiếu ánh đèn hoặc quá yếu ớt, bóng tối phủ đầy.
- Hoạt động kinh tế yếu ớt, thu nhập thấp, đói khổ bao quanh.
- Dù rất cố gắng nhưng họ không có cách gì thay đổi được điều kiện sống của họ.
b) Tâm hồn:
Thấu hiểu thẳm sâu trong tâm hồn những người nghèo khổ này đều muốn vượt ra ngoài hoàn
cảnh khổ đau:
Hai chị em luôn hoài niệm về thời gia đình còn sung túc ở Hà Nội.
Tất cả người dân phố huyện đêm đêm hướng về con tàu để gửi vào đó ước mơ xa xôi về một
cuộc sống đổi khác.
3. Bằng thái độ hòa cảm, bao dung, Thạch Lam xót thương cho những cảnh đời đang lụi tàn dần trong
nghèo cực tăm tối.

Câu 2:
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”
của nhà văn Nguyễn Tuân.

I. Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật Huấn Cao.
II.Thân bài:
- Huấn Cao mang vẻ đẹp của một nghệ sĩ tài hoa : có tài viết chữ nhanh và đẹp.
+ Gián tiếp qua lời kể chuyện đầy cảm phục của viên quản ngục và thầy thơ lại “Hay là cái người
mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp…”
+ Sự ngưỡng mộ và khao khát của viên quản ngục “Chữ ông Huấn cao đẹp lắm, vuông lắm …có được
chữ ông Huấn mà treo là một báu vật trên đời…”
=> Ca ngợi tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ những bậc tài
hoa, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của cha ông.
- Huấn Cao mang vẻ đẹp của con người có khí phách hiên ngang bất khuất.
+ Dám cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến.
+ Khi bị giải đến đề lao, ông vẫn thản nhiên trước lời đe dọa của bọn lính, hiên ngang “chúc mủi gông
nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Hành động ấy
không chỉ là sự ngang nhiên, coi khinh bọn lính giải tù mà là sự biểu thị ý chí tự do, muốn làm việc gì
thì làm bằng được.
+ Những ngày trong chốn lao tù chờ ra pháp trường, Huấn Cao vẫn giữ được tư thế cứng cõi, ung dung
“vẫn thản nhiên nhận rượu thịt ăn uống ngon lành, coi đó là việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình”
+ Không hề khuất phục trước kẻ quyền thế, dám sỉ nhục quản ngục khi quản ngục vào phòng ông ân
cần, hỏi han“ ngươi hỏi ta muốn gì? ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa...”
=>Qua chí khí của Huấn Cao, tác giả nhằm ca ngợi những người dám xả thân vì dân, vì nước, những
anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang .
- Huấn Cao sáng ngời vẻ đẹp của người có thiên lương trong sáng.
+ “Tính ông vốn khỏanh, trừ chỗ tri kỉ ông ít chịu cho chữ ”.
+ Không tham danh lợi , không sợ kẻ quyền thế “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép
mình viết câu đối bao giờ”. Chính vì thế mà quản ngục đau khổ, có trong tay Huấn Cao mà không sao
xin được chữ.
+ Cái tâm của Huấn Cao thể hiện nổi bật trong việc nhận cái tâm của quản ngục. Đồng ý cho chữ “ta
cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi .Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà
lại có những sở thích cao quí như vậy.Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
=>Tác giả ca ngợi lớp nhà nho chân chính vẫn giữ được thiên lương trước những biến động của xã hội.
- vẻ đẹp tài hoa, khí phách, thiên lương ở Huấn Cao kết tinh trong cảnh cho chữ - một
cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con
người đã chiến thắng.
=> Qua cảnh cho chữ, những vẻ đẹp ấy của Huấn Cao càng tỏa sáng: Huấn Cao thành biểu tượng của
cái đẹp, cái cao cả chiến thắng cái phàm tục, dơ bẩn.
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặt nhân vật trong tình huống độc đáo, bút pháp lãng mạn kết hợp
với bút pháp hiện thực, nghệ thuật tương phản, đối lập, ngôn ngữ giàu tính tạo hình, gây ấn tượng.
III. Kết bài:
- Nhân vật Huấn Cao là thành công xuất sắc của Nguyễn Tuân trong “ Chữ người tử tù”.
- Qua tác phẩm đã bộc lộ được quan niệm thẩm mĩ tiến bộ của Nguyễn Tuân.

Câu 3
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) từ buổi
sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của
nhân vật này.

A. Giới thiệu tác giả, tác phẩm


B. Giới thiệu nhân vật
- Xuất thân: Mồ côi, bị trao qua đổi lại, lớn lên trong sự cưu mang của cộng đồng.
- Khi lớn lên (20 tuổi): Chí Phèo làm canh điền cho nhà lí Kiến, lành như đất → lương thiện đích thực
- Diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở:
* Mối quan hệ Thị Nở và Chí Phèo:
Là quan hệ trực tiếp thể hiện phần nhân tính chìm khuất cũng như bi kịch bị từ chối quyền làm
người của Chí.
- Sự xuất hiện của Thị Nở có một ý nghĩa khá đặc biệt trong việc thể hiện số phận, tính cách
nhân vật Chí.
+ Dưới mắt người dân làng Vũ Đại, thị Nở nghèo, xấu, dở hơi, là dòng dõi của nhà “có ma hủi”. Nhưng
với Chí thì thị Nở là người “có duyên”. Bởi vì thị không chỉ là người mà còn là ước mơ hạnh phúc của
Chí, thị đã giúp Chí phát hiện lại chính mình.
+ Nhưng thị cũng là nỗi đau sâu thẳm của Chí. Nghèo xấu, dở hơi...thế mà Chí vẫn không “xứng đôi”
với thị
=> Tô đậm cái bi đát, hẩm hiu trong số phận Chí.
* Việc gặp Thị Nở như một bước ngoặc trong cuộc đời Chí. Tình yêu của Thị Nở dành cho Chí đã thức
tỉnh linh hồn của Chí, kéo Chí từ thú vật trở lại làm người
- Chí có sự thay đổi về tâm lí:
- Chí cảm nhận được âm vang cuộc sống chung quanh mình:
- Chí hồi tưởng về quá khứ và hi vọng trong tương lai.
* Khi bị thị Nở dứt tình thì tâm trạng của Chí có nhiều thay đổi:
Chí ngạc nhiên sau đó Chí chợt hiểu. Quá trình diễn biến tâm lí đầy phức tạp: thức tỉnh – hi vọng – thất
vọng, đau đớn – phẫn uất – tuyệt vọng.
+ Chí thức tỉnh và muốn làm người lương thiện. Chí không thể đập phá, rạch mặt ăn vạ được nữa.
+ Nhưng ai cho Chí lương thiện.
+ Kẻ thù của Chí không phải một mình bá Kiến mà là cả xã hội đương thời thối nát và độc ác.
+ Dưới con mắt của mọi người, của xã hội ấy, Chí Phèo chỉ có thể là con quỷ dữ không thể là người. Vì
thế một người tập trung tất cả cái xấu như thị Nở đã phũ phàng cự tuyệt chí.
+ Chí vô cùng đau đớn tuyệt vọng “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí dùng dao đâm chết kẻ thù và tự sát. Chí
đã chết trên ngưỡng cửa lương thiện
=> Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
C. Tổng kết
- Chí Phèo là một nhân vật điển hình bất hủ của văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Hiện tượng Chí Phèo” in
đậm dấu ấn của thời kì Tiền khởi nghĩa 1940 – 1945.
- Nam Cao đã rất thành công trong việc tạo dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo thông qua bút pháp
miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, giọng kể độc đáo, có sự kết hợp giữa lời trực tiếp với lời nửa trực tiếp.
Đề 4. Hãy phân tích những kiếp người tàn trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
I. Mở bài:
- Giới thiệu vài nét về tác tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận.
II. Thân bài:
a. Giới thiệu về truyện ngắn
- Hai đứa trẻ là một truyện ngắn không có chuyện. Toàn bộ truyện là một mành đời nơi phố huyện nhỏ
chầm chậm diễn xa xung quanh chị em Liên và An vào một buổi chiều tối mùa hè.
- Cảm xúc đến với người đọc là tình thương giữa những người dân nghèo nơi phố huyện tối tăm, chật
hẹp vào một thời khắc bình lặng của cuộc sống. N
- Những cảnh đời đơn điệu với những nhân vật bé mọn như chị Tí, gia đình bác Xẩm, bác Xiêu, Liên và
An cử động lặng lẽ, chậm chạp, nói năng khiêm nhường và giọng thấp như thở dài. Tất cả đều vô vọng
“Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày
của họ”.
b. Hình ảnh những kiếp người tàn:
- Những đứa trẻ con nhà nghèo: Trong cái ảm đạm của buổi chợ chiều đã vãn khi trên đất chỉ còn rác
rưởi, vỏ bưởi, lá thị, lá nhãn và lá mía. Đó là những phế thải không có giá trị nhưng những đứa trẻ con
nhà nghèo vẫn lom khom đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh, bới tìm sự sống từ những gì thừa thãi. Chính hình
ảnh đó đã gợi mở để đưa ta về với khung cảnh phố huyện xơ xác, tiêu điều bên cạnh mảnh đời lay lắt,
đói khổ.
- Mẹ con chị Tí: công việc mưu sinh là mò cua bắt ốc, tối bán nước dưới gốc bàng thêm vài thứ vặt vãnh
để cầu may. Một cái chép miệng và tiếng thở dài ngao ngán của chị Tí đã thay bao câu chữ nói lên kiếp
đời tối tăm, mịt mù, không ánh sáng, không ngày mai của chị.
- Bác Siêu: “đến với cái bóng mênh mang, ngả xuống đất một vùng”. Ở đây, phở bác Siêu là thứ gì đó
xa xỉ, nhiều tiền, không thể bao giờ mua được. Nó càng làm bật lên gia cảnh và mức sống của những
con người nơi đây.
- Gia đình bác Xẩm: nghèo túng, vất vả “ngồi trên manh chiếu rách để mua vui, thằng con nhỏ bò trên
đất nghịch rác bẩn”, “cái thau chờ tiền vẫn chỏng chơ”.
- Chị em Liên: sở hữu một hàng tạp hóa nho nhỏ. Thưở khá giả, chị em Liên từng được sung túc nơi thị
thành còn giờ thì mưu sinh nơi quê nghèo.
- Bà cụ Thi: Hơi điên, nghiện rượu cùng tiếng cuòi khanh khách đầy ám ảnh -> kiếp người cô đơn, tội
nghiệp.
Mỗi người là mỗi thân phận và cảnh đời nhưng cuộc sống của họ như cạn kiệt sinh lực. Họ như bước
lên sân khấu cuộc đời để độc diễn một bản đơn điệu với sự sống lắt lay, mòn mỏi không bao giờ thay
vai, đổi cảnh.
- >Nhà văn đã gửi đến họ giọt lệ thầm kín của tình thương, sự cảm thương cho từng kiếp người, từng số
phận. Trong cuộc sống đơn điệu bủa vây ấy tác giả đã lắng nghe những ước mơ của người dân nghèo về
niềm tin, hy vọng dẫu mong manh nhưng vẫn cứu cánh tinh thần để vượt lên trên sự tù đọng, tối tăm.
III. Kết bài: Khái quát vấn đề.

You might also like