You are on page 1of 57

CHƯƠNG I.

GIÚP TRẺ THÍCH ỨNG VỚI CẢM XÚC CỦA MÌNH

PHẦN I.

Tôi đã từng là một phụ huynh tuyệt vời trước khi tôi có con. Tôi đã từng là một chuyên
gia về những vấn đề nuôi dạy con cái của người khác. Nhưng giờ tôi có ba đứa con.
Nuôi dạy trẻ em phải rất thực tế. Mỗi sáng tôi lại tự nhủ “Hôm nay sẽ là một ngày khác”
và quả thật không buổi sáng nào giống buổi sáng nào: “Mẹ cho chị nhiều hơn con!”,
“Đây là cốc hồng, con muốn cốc xanh”, “Ngũ cốc này trông phát kinh”, “Anh ý đấm
con”, “Con chưa sờ vào nó”, “Con không về phòng, mẹ không phải là sếp của con!”.
Bọn trẻ làm tôi phát ốm. Và cuối cùng tôi cũng làm điều mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ
làm, tôi gia nhập một nhóm cha mẹ. Nhóm này gặp nhau tại một trung tâm giáo dục trẻ
em gần nhà và có một nhà tâm lý học làm điều phối, Bác sỹ Haim Ginott.
Buổi gặp rất thú vị. Chủ đề về “Cảm xúc của trẻ” và kéo dài 2 giờ. Tôi về nhà đầu óc
quay cuồng với những ý tưởng mới và đầy những ghi chép về các ý tưởng còn chưa suy
nghĩ hết:
Kết nối trực tiếp giữa việc trẻ em cảm thấy thế nào và hành động thế nào?
Khi trẻ cảm thấy đúng, chúng sẽ xử sự đúng
Làm sao chúng ta giúp chúng cảm thấy đúng?
Bằng cách chấp nhận cảm xúc của chúng.
Vấn đề là:
Cha mẹ không phải lúc nào cũng chấp nhận cảm xúc của trẻ. Ví dụ:
“Con không thực sự thấy như thế”
“Con chỉ nói thế vì con mệt”
“Không có lý do gì để chán cả”
Việc người lớn liên tục phủ nhận cảm xúc của trẻ có thể làm trẻ bối rối và tức giận. Và
khiến trẻ không nhận thức được chính xác cảm xúc của mình, không tin tưởng vào chính
chúng.
Sau buổi gặp ở hội, tôi tự nhủ “Có lẽ những cha mẹ khác mới mắc lỗi thế chứ mình thì
không”. Rồi tôi bắt đầu chú ý hơn. Và đây là mấy ví dụ về những cuộc nói chuyện ở nhà
tôi – chỉ trong một ngày.
1.Trẻ: Mẹ, con mệt
Mẹ: Sao mà mệt được, con vừa mới ngủ trưa dậy.
Trẻ: (nói to hơn) Nhưng đúng là con mệt
Mẹ: Con không mệt. Con chỉ hơi buồn ngủ. Mặc quần áo vào đi.
Trẻ: (lè nhè) Không, con mệt thật
1.Trẻ: Mẹ, con nóng
Mẹ: Trời lạnh, con đừng cởi áo len ra
Trẻ: Nhưng con nóng
Mẹ: Mẹ bảo “Con không cới áo len”
Trẻ: Không, con nóng

1.Trẻ: Chương trình này chán ốm


Mẹ: Không, nó hay đấy chứ
Trẻ: Nó như trò trẻ con
Mẹ: Đâu, nó có tính giáo dục thế còn gì
Trẻ: Chương trình như dở hơi
Mẹ: Con không được nói bậy

Bạn có thấy điều gì đang diễn ra không/ Không những tất cả các đoạn nói chuyện của
chúng tôi đều trở thành tranh luận, tôi còn liên tục khiến cho trẻ không tin vào nhận thức
và cảm xúc của chúng mà phải dựa vào của tôi.
Khi nhìn ra vấn đề, tôi quyết tâm thay đổi. Nhưng tôi thật sự không chắc phải làm thế
nào. Và cuối cùng tôi đặt mình vào vị trí của trẻ. Tôi tự hỏi “Nếu tôi thực sự là một đứa
trẻ đang mệt, nóng nực, và chán chường”, “Nếu tôi muốn tất cả những người lớn biết
rằng tôi đang cảm thấy gì?”
Trong vòng những tuần tiếp theo, tôi cố gắng đặt mình vào suy nghĩ của trẻ và khi đó lời
nói của tôi cũng tự điều chỉnh theo. Tôi không cố áp dụng mẹo gì. Tôi cảm thấy mình
thực lòng nói “Thế con vẫn cảm thấy mệt mặc dù vừa ngủ xong à”, “Mẹ lạnh, nhưng có
thể hơi nóng với con”, “Mẹ có thể thấy là con không quan tâm đến chương trình đó lắm”.
Rốt cuộc, tôi và con là hai cá thể riêng biệt, hoàn toàn có thể là chúng tôi có những cảm
xúc khác nhau. Không ai đúng hay sai. Mỗi người đều có cảm nhận của mình.
Sau một thời gian, tôi cảm thấy kỹ năng của mình thật sự có ích. Những cuộc tranh luận
giữa trẻ và tôi giảm đi đáng kể. Rồi một ngày, con gái tôi bỗng nói “Con ghét bà”, vâng
nó đang nói đến mẹ tôi đấy ạ. Phản ứng tức thời của tôi là “Nói như thế thật không hay”
rồi tôi nói thêm“Con biết là con không thực sự có ý như thế chứ. Mẹ không muốn nghe
những lời như thế thốt ra từ miệng con đâu”.
Đoạn nói chuyện khiến tôi nhận ra một điều. Tôi đã biết chấp nhận phần lớn cảm xúc của
trẻ nhưng chỉ cần một đứa nói điều gì đó làm tôi bực mình hoặc lo lắng, tôi lại lập tức trở
lại trạng thái ngày xưa.
Tôi biết rằng phản ứng của mình không phải hiếm.Ở phần tiếp theo, bạn sẽ thấy những ví
du về những câu nói của trẻ thường khiến người lớn phủ nhận. Hãy đọc và viết ra những
gì bạn nghĩ cha mẹ có thể nói khi họ phủ nhận cảm xúc của trẻ.
1.Trẻ: Con không thích em
2.Trẻ: Bữa tiệc sinh nhật của con thật chán (Sau khi bạn đang rất mất công để tổ chức
một buổi lễ tuyệt vời)
3.Trẻ: Con không đeo niềng răng ngu ngốc này nữa đâu. Nó đau lắm. Mặc kệ nha sỹ nói
gì thì nói
4.Trẻ: Con ghét huấn luyện viên mới. Con chỉ muộn có một phút mà ông ý đã đuổi con
khỏi đội rồi
Bạn có thấy mình viết những điều như:
“Không phải thế. Mẹ biết rằng con thực sự yêu em”
“Con nói gì thế? Con có một bữa tiệc tuyệt vời – kem, bánh sinh nhật, bóng bay. Được
rồi, đấy sẽ là bữa tiệc cuối cùng bố mẹ làm cho con”
“Niềng răng của con làm gì đau đến thế. Bố mẹ đã tốn bao nhiêu tiền, con phải đeo dù có
thích hay không”
“Con không có quyền cáu HLV. Đấy là lỗi của con. Con đáng nhẽ phải đúng giờ”
Đa phần chúng ta thường nói như trên. Nhưng trẻ cảm thấy như thế nào khi phải nghe
những lời như vậy. Để hiểu cảm giác khi cảm xúc của một người bị phủ nhận, hãy thử
làm một số việc sau:
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở chỗ làm. Sếp của bạn giao cho bạn thêm việc và muốn
bạn làm xong vào cuối ngày. Bạn muốn làm ngay nhưng có một loạt việc cấp bách khác
chen ngang và bạn quên hẳn. Có quá nhiều việc và bạn còn không có cả thời gian để ăn
trưa. Khi bạn và một số đồng nghiệp chuẩn bị rời chỗ làm, sếp bạn tiến đến và đề nghị
nộp kết quả. Bạn ngay lập tức giải thích hôm nay bạn quá bận thế nào. Nhưng sếp ngắt
lời và hét lên với bạn “Tôi không quan tâm tới lý do. Thế cô nghĩ tôi trả lương cho cô làm
gì, để ngồi không cả ngày chắc?”. Khi bạn vừa mở mồm định nói tiếp thì ông ta chặn lại
“Thôi” và bước ra thang máy.
Các đồng nghiệp giả vờ không nghe thấy gì. Bạn thu dọn hết các thứ và đi về. Trên
đường về nhà, bạn gặp một người bạn và kể lại điều đang khiến bạn chán. 
Bạn của bạn cố giúp bạn theo tám cách. Khi bạn đọc mỗi cách của bạn bạn, hãy viết lại
phản ứng của bạn:
1. Phủ nhận cảm xúc: “Không có lý do gì để chán cả. Ngố mà cảm thấy như thế. Có
lẽ bồ chỉ cảm thấy mệt và mọi việc tự dưng quá lên thôi. Mọi việc không tệ như
bạn nghĩ đâu. Thôi nào, thư giãn đê”
2. Triết lý: “Nghe này, cuộc sống là thế. Mọi việc không phải lúc nào cũng như ý
mình. Chúng mình phải cố gắng dũng cảm chấp nhận. Không có gì là hoàn hảo
cả”
3. Lời khuyên: “Bồ có biết mình nghĩ bồ nên làm gì không? Sáng mai, bồ đi thẳng
đến phòng sếp và thừa nhận “Ok, tôi biết là mình sai”. Sau đó về hoàn thành việc
hôm qua bồ bỏ quên. Cố gắng đừng để những việc nhỏ khác cuốn đi. Và nếu bồ
khôn ngoan và muốn giữ công việc, tốt nhất là đừng để những việc tương tự xảy ra
nữa”
4. Câu hỏi: “Thế chính xác là những việc gì khiến bồ có thể quên một việc quan
trọng như thế?”. “Bồ không thấy là sếp sẽ cáu thế nào nếu bồ không làm ngay việc
mà ông ý yêu cầu à?”. “Việc này đã bao giờ xảy ra chưa?”. “Tại sao khi bồ không
đi theo sếp mà cố gắng giải thích lần nữa?”
5. Bảo vệ người khác: “Mình có thể hiểu phản ứng của sếp bồ. Ông ý có lẽ đang chịu
nhiều áp lực. Bồ may là ông ý cũng ít khi nổi đóa như thế đấy”
6. Thương cảm: “Ồ, tội nghiệp bồ. Tệ quá. Mình cảm thấy tiếc cho bồ quá. Mình có
thể khóc lên được”
7. Phân tích tâm lý nghiệp dư: “Bồ có nghĩ rằng lý do thực sự khiến bồ chán là vì sếp
bồ như một người cha đối với bồ? Là con, bồ sẽ lo lắng việc làm bố mình thất
vọng và khi sếp mắng bạn, nó khiến bạn lại có cảm giác sợ hãi bị chối bỏ. Đúng
không?”
8. Thông cảm: “Trời, nghe có việc to chuyện đấy nhỉ. Khổ thân bồ phải chịu mắng
trước bao nhiêu người, trong khi bản thân bồ cũng vừa phải trải qua một ngày làm
việc vất vả”
Bạn vừa khám phá phản ứng của mình với một số cách nói thông dụng. Giờ tôi muốn
chia sẻ với bạn một số phản ứng của bản thân tôi. Khi tôi buồn hay tổn thương, điều cuối
cùng tôi muốn nghe là lời khuyên, triết lý, phân tích tâm lý hay quan điểm của người
khác. Những kiểu nói đó chỉ khiến tôi cảm thấy tệ hơn. Thương cảm khiến tôi cảm thấy
tự thương hại; câu hỏi khiến tôi cảm thấy phải bảo vệ mình; và đáng ghét nhất là phải
nghe rằng tôi không có quyền cảm thấy những gì mà tôi cảm thấy. Phản ứng của tôi đối
với phần lớn những kiểu chia sẻ ở trên là “Thôi, quên đi. Đừng nói chuyện này nữa”
Nhưng nếu có ai thực sự lắng nghe, thực sự thừa nhận nỗi đau của tôi và để tôi nói về
những điều khiến tôi đau lòng, tôi sẽ cảm thấy bớt buồn, bối rối và sẽ dễ dàng vượt qua
cảm xúc và vấn đề của mình hơn. Tôi thậm chí có thể tự thừa nhận “Sếp mình thường thì
cũng công bằng thôi. Mình nghĩ là lẽ ra mình nên làm báo cáo đó ngay.. nhưng mình vẫn
không thể hoàn toàn bỏ qua những gì ông ý làm... sáng mai mình sẽ đến sớm và làm ngay
báo cáo đó... nhưng khi mình nộp, mình sẽ nói với sếp rằng mình bị tổn thương vì cách
sếp nói với mình như thế nào... và rằng nếu sau này sếp có gì chỉ trích thì mình rất mong
sếp sẽ chỉ nói riêng với mình thôi” 
Chuỗi sự việc này không khác gì với con cái của chúng ta. Chúng cũng có thể tự giúp
mình nếu được lắng nghe và thông cảm. Nhưng ngôn ngữ cảm thông không dễ nói. Nó
không phải là một phần “ngôn ngữ tự nhiên”. Phần lớn chúng ta lớn lên với cảm xúc bị
phủ nhận. Để trôi chảy ngôn ngữ của sự chấp nhận, chúng ta phải thực hành. Đây là một
số cách để giúp trẻ xử lý được cảm xúc của mình:
1. Lắng nghe một cách chủ ý
2. Thừa nhận cảm xúc của trẻ bằng những từ như “ồ”, “ừ”, “mẹ hiểu”
3. Đặt tên cho cảm xúc của trẻ
4. Cho phép trẻ có những điều ước
Trong vài trang tới, bạn sẽ thấy sự đối lập giữa những phương pháp này và những
phương pháp mà người lớn thường phản ứng với trẻ đang gặp phải sự cố.
1. Lắng nghe một cách chú ý (Tranh: Bố đang xem tivi, con đến nói) 
A. Trẻ: Eric vừa đấm con nên...Bố, bố có nghe con không?
Bố: Có, con nói đi
Trẻ: Thế là con đấm lại nó. Nó đấm lại con. Bố có nghe không?
Bố (vẫn đang xem ti vi): Có, bố nghe từng lời con nói đây.
Trẻ: Không, bố chẳng nghe gì cả
Bố: Bố vừa xem vừa nghe được mà. Con nói tiếp đi.
Trẻ: Thôi, quên đi.
Chẳng có ích gì khi nói với một người chỉ nói là lắng nghe

B. Trẻ: Eric vừa đấm con nên...Bố, bố có nghe con không?


Bố (quay lại lắng nghe con)
Trẻ: Thế là con đấm lại nó. Nó đấm lại con – còn đau hơn. Nó thật là ích kỷ
Bố (vẫn lắng nghe con)
Trẻ: Bố biết không? Bây giờ con sẽ chỉ chơi với Danny. Bạn ý không đánh người khác
Sẽ dễ dàng hơn nhiều để nói chuyện với bố mẹ thực sự lắng nghe. Đôi khi, sự im lặng
cảm thông là tất cả những gì trẻ cần.

C. (Tranh, trẻ nói chuyện với mẹ lắng nghe nhưng lại đưa ra câu hỏi và lời khuyên)
Trẻ: Ai vừa lấy mất của con cái bút chì mới màu đỏ
Mẹ: Con chắc là con không làm mất đấy chứ?
Trẻ: Không, nó còn ở trên bàn khi con đi vào nhà vệ sinh mà.
Mẹ: Thế sao con để đồ vương vãi thế. Con đã từng bị lấy cắp đồ rồi. Mẹ vẫn bảo con là
phải cất đồ có giá trị vào ngăn bàn. Vấn đề là con không nghe mẹ gì cả.
Trẻ: Ôi, mẹ để con yên đi.
Rất khó để trẻ nghĩ rõ ràng, rành mạch khi bị ai đó chất vấn, trách mắng hay khuyên nhủ.
2. Thừa nhận với những từ “ồ, ừ, mẹ hiểu”
A. (Tranh, trẻ nói chuyện với mẹ)
Trẻ: Ai vừa lấy mất của con cái bút chì mới màu đỏ
Mẹ: Ồ
Trẻ: Con để nó trên bàn khi con đi vào nhà vệ sinh và ai đó đã lấy nó
Mẹ: ừ
Trẻ: Đây là lần thứ ba con mất bút chì rồi đấy
Mẹ: ừ
Trẻ: Từ giờ, mỗi khi đi ra khỏi phòng, con sẽ giấu bút chì vào ngăn bàn
Mẹ: Mẹ hiểu
Những từ đơn giản như “ồ, ừ, mẹ hiểu” đôi khi rất hữu ích. Những từ như vậy đi kèm với
thái độ quan tâm là cách để khuyến khích trẻ tự khám phá suy nghĩ, cảm xúc và có thể tự
tìm ra giải pháp.

B. (Tranh, trẻ nói chuyện với bố)


Trẻ: Con rùa của con bị chết rồi. Sáng nay nó vẫn sống mà
Bố: Thôi đừng buồn nữa con yêu. Đừng khóc. Chỉ là con rùa thôi mà
Trẻ (càng khóc to hơn)
Bố: Thôi, nín đi. Bố sẽ mua cho con con rùa khác
Trẻ (vẫn khóc): Con không muốn con khác
Bố: Thôi con vừa phải thôi chứ
Thật lạ. Khi chúng ta, dù rất nhẹ nhàng, khuyến khích trẻ chối bỏ một cảm xúc tiêu cực,
trẻ dường như càn thất vọng hơn.
3. Đặt tên cho cảm xúc
A. (Tranh, trẻ nói chuyện với bố)
Trẻ: Con rùa của con bị chết rồi. Sáng nay nó vẫn sống mà
Bố: Ôi, không. Thật buồn quá nhỉ.
Trẻ: Nó là bạn của con.
Bố: Ừ, mất một người bạn thật buồn
Trẻ: Con đã dạy nó bao nhiêu trò
Bố: Con và nó đã từng chơi rất vui
Trẻ: Con cho nó ăn hàng ngày
Bố: Con đúng là rất quan tâm đến nó
Bố và con tiếp tục tâm sự
Phụ huynh thường không phản ứng kiểu này vì họ sợ khi đặt tên cho cảm xúc, họ sẽ làm
cho cảm xúc đấy càng trầm trọng. Nhưng thực tế lại ngược lại. Trẻ khi được nghe từ
miêu tả cảm xúc của chúng sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều vì cảm xúc bên trong được
người khác thừa nhận.

B. (Tranh, trẻ nói chuyện với mẹ. Mẹ không đặt tên cho cảm xúc mà lại giải thích)
Trẻ: Con muốn ăn Toastie Crunchies.
Mẹ: Mình không còn nữa con ạ
Trẻ: Con muốn ăn nó
Mẹ: Mẹ vừa nói với con là nhà mình không còn rồi. Con ăn Nifty Crispies nhé
Trẻ: Không (bắt đầu khóc lóc)
Khi trẻ muốn gì mà không thể có, phụ huynh thương phản ứng với những lời giải thích
hợp lý, hợp tình tại sao trẻ không thể có. Nhưng thường, chúng ta càng giải thích, trẻ
càng bướng bỉnh phản đối
4. Cho phép trẻ có những điều ước
A. (Tranh, trẻ nói chuyện với mẹ)
Trẻ: Con muốn ăn Toastie Crunchies.
Mẹ: Mẹ ước rằng nhà mình có món đó cho con
Trẻ: Con muốn ăn nó
Mẹ: Mẹ biết là con rất muốn
Trẻ: Con ước rằng con có nó bây giờ
Mẹ: Mẹ ước mẹ có phép thuật để hiện ra một hộp ngũ cốc to đùng loại đấy cho con
Trẻ: Hay là con ăn một ít Nifty Crispies vậy
Mẹ: Ồ
Đôi khi có ai đó thấu hiểu nỗi mong ước của bạn về một điều gì đó sẽ giúp bạn chấp nhận
sự thật dễ hơn nhiều
Vậy đó, bạn có bốn cách để giúp đỡ trẻ đang căng thẳng: lắng nghe một cách chú ý, thừa
nhận cảm xúc của trẻ bằng từ ngữ, đặt tên cho cảm xúc của trẻ và cho phép trẻ được ước
mơ.
Nhưng quan trọng hơn từ ngữ là thái độ của chúng ta. Nếu chúng ta không thực sự cảm
thông, những gì chúng ta nói chỉ là sáo rỗng hoặc điều khiển trẻ. Chỉ khi lời nói của
chúng ta đi cùng với sự thông cảm thực sự, chúng mới với tới được trái tim của trẻ.
Trong bốn kỹ năng vừa được minh họa, khó nhất có lẽ là lắng nghe và đặt tên cho cảm
xúc của trẻ. Bạn cần luyện tập và tập trung để có thể nhìn thấu và vượt qua những gì trẻ
nói để xác định được thật sự những gì trẻ đang cảm thấy. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể
cho trẻ một từ để gọi tên sự thất vọng trong lòng chúng. Khi đó, chúng có thể tự giúp
mình. 
Bạn có thấy tốn nhiều suy nghĩ và công sức như thế nào để khiến trẻ biết là bạn hiểu
được những gì trẻ đang cảm thấy không?
Phần lớn chúng ta không tự nhiên mà nói được những điều như:
“Con trai, con có vẻ giận dữ”
“Hẳn điều đó rất thất vọng đối với con”
“Hừm, con có vẻ không chắc về việc đi dự bữa tiệc đó nhỉ”
“Nghe có vẻ con ghét tất cả các bài tập đấy”
“Ồ, điều đó hẳn rất bực mình”
“Bạn thân chuyển đi như vậy hẳn làm con rất buồn”
Tuy nhiên, những lời nói như vậy giúp trẻ cảm thấy được an ủi và khiến chúng bắt đầu tự
giải quyết các vấn đề của mình (đừng ngại dùng những thuật ngữ mới hoặc to tát. Cách
tốt nhất để học một từ mới là nghe chúng trong đúng ngữ cảnh).
Bạn có thể nghĩ, “Được rồi, trong bài tập này, tôi có thể thể hiện rằng tôi ít nhiều hiểu
được vấn đề. Nhưng rồi những cuộc nói chuyện này sẽ dẫn đến đâu? Tôi nên tiếp tục thế
nào? Sau đó có nên đưa ra lời khuyên không?”
Xin đừng đưa ra lời khuyên vội. Tôi biết bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào việc giải quyết các vấn
đề của trẻ bằng cách đưa ra một giải pháp tức thời:
“Mẹ, con mệt”. “Thế thì nằm xuống mà nghỉ”
“Con đói”. “Thế thì ăn gì đó đi”
“Con không đói”. “Thế thì không ăn nữa”
Hãy cưỡng lại cám dỗ “sửa chữa” ngay lúc đó. Thay vì đưa ra lời khuyên, hãy chấp nhận
và phản ứng theo cảm xúc của trẻ.
Đây là một ví dụ minh họa. Một người bố trong nhóm của chúng tôi kể rằng con trai của
ông ta lao vào nhà và hét lên “Con muốn đấm vào mũi của Michael”.
Người bố nói “Thông thường, cuộc đối thoại sẽ diễn ra như sau:
Con trai: Con muốn đấm vào mũi của Michael
Bố: Tại sao thế? Chuyện gì xảy ra thế?
Con: Nó ném sách của con xuống đất bẩn
Bố: Thế con làm gì trước?
Con: Không
Bố: Con chắc chứ
Con: Con thề, con không chạm vào nó
Bố: Rồi. Michael là bạn con. Nếu con nghe lời bố, con nên bỏ qua mọi chuyện. Con cũng
có lúc không hoàn hảo, con biết đấy. Đôi khi con cũng gây sự rồi lại đổ cho người khác-
như cách con làm với anh con ý
Con: Không, con không làm thế. Nó gây sự trước. Ôi con không nói chuyện với bố nữa”.
Nhưng người bố vừa tham dự khóa học giúp trẻ thích nghi với cảm xúc của mình vì thế
cuộc nói chuyện thật sự diễn ra như sau:
Con: Con muốn đấm vào mũi của Michael
Bố: Con trai. Con đang cáu đấy
Con: Con muốn đấm vào cái mặt béo của nó
Bố: Con cáu thế cơ à
Con: Bố biết nó làm gì không? Nó túm lấy vở của con ở trạm xe buýt và ném nó xuống
đất. Mà chẳng có lý do gì.
Bố: Ừ
Con: Con đoán là nó nghĩ con làm vỡ con chim đất sét của nó ở lớp Nghệ thuật
Bố: Con nghĩ vậy à
Con: Vâng, nó cứ nhìn con trong lúc nó khóc
Bố: Ồ
Con: Nhưng con không làm vỡ
Bố: Con biết chắc là con không làm vỡ phải không
Con: À, con không chủ ý làm vỡ nhưng mà là do bạn Debby xô con vào bàn 
Bố: Vậy là Debby xô con
Con: Vâng. Có rất nhiều thứ bị đổ nhưng chỉ có con chim bị vỡ. con không cố ý làm vỡ.
Con chim của bạn ý cũng đẹp.
Bố: Con không cố ý làm vỡ đúng không nào
Con: Nhưng nó sẽ không tin con
Bố: Con nghĩ là bạn ý sẽ không tin con nếu con nói sự thật với bạn ý à
Con: Con không biết. Con sẽ nói với bạn ý- dù bạn ý có tin hay không. Và con nghĩ bạn ý
cũng nên xin lỗi con vì đã vứt vở của con.
Người bố rất ngạc nhiên. Ông không hề phải hỏi nhưng cậu con trai đã kể lại cả câu
chuyện. Ông không phải đưa ra lời khuyên nhưng cậu con đã tự nghĩ ra giải pháp của
mình. Ông không thể tin được rằng ông có thể giúp con mình nhiều đến vậy chỉ bằng
lắng nghe và thừa nhận cảm xúc của mình.
Làm một bài tập viết và đọc một đoạn hội thoại mẫu là một chuyện. Áp dụng kỹ năng
lắng nghe vào tình huống thực tế lại là một chuyện khác. Các phụ huynh trong nhóm của
tôi kể rằng họ thường cùng nhau đóng vai và luyện tập một chút trước khi đương đầu với
tình huống thực tế ở nhà.

PHẦN II. BÌNH LUẬN, CÂU HỎI VÀ CÁC CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH

Các câu hỏi của phụ huynh


1. Có thật sự quan trọng là tôi luôn phải thông cảm với con không?
Không. Nhiều đoạn nói chuyện của chúng ta chỉ là những trao đổi thông thường. Nếu trẻ
nói “Mẹ, con quyết định con sẽ đến nhà David chơi sau giờ học”. Bạn sẽ không cần phải
trả lời “Vậy con đã quyết định đi thăm bạn chiều nay à” mà chỉ cần nói “Cám ơn con đã
cho mẹ biết” cũng đã đủ để thể hiện sự thừa nhận của bạn. 
Bạn cần bày tỏ sự thông cảm khi đứa trẻ muốn bạn biết cảm xúc của nó. Phản ứng theo
những cảm xúc tích cực của trẻ không có vấn đề gì khó. Không khó để trả lời cho một
đứa trẻ đang sung sướng khoe “Con được 97% cho bài kiểm tra toán hôm nay” bằng một
lời đáp cũng nhiệt tình “97%. Con hài lòng lắm nhỉ”.
Chính là những cảm xúc tiêu cực của trẻ mới cần đến kỹ năng của chúng ta. Đó là khi
chúng ta phải vượt qua cám dỗ để lờ đi, phủ nhận, giảng giải,...Một người cha nói rằng
ông nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của con khi ông coi những xúc cảm bị thương
tổn, buồn bã của trẻ cũng nghiêm trọng như những vết thương thể chất. Đôi khi hỉnh ảnh
một vết thương giúp ông nhận ra cần nhanh chóng và nghiêm túc quan tâm đến cảm xúc
của trẻ như khi ông phải xử lý vết thương ở đầu gối của con.
2. Có sai gì khi hỏi thẳng trẻ “Tại sao con lại cảm thấy thế?”
Một số trẻ có thể giải thích cho bạn tại sao chúng sơ, cáu hoặc buồn. Nhưng đối với nhiều
trẻ, câu hỏi “Tại sao” luôn chỉ làm vấn đề của chúng thêm trầm trọng. Ngoài việc phải
đương đầu với căng thẳng ban đầu, chúng giờ lại phải phân tích nguyên nhân và đưa ra
một lời giải thích hợp lý. Thường thì trẻ không hiểu tại sao chúng lại cảm thấy như vậy.
Những khi khác chúng lại ngại ngần không nói ra vì sợ rằng những lý do của chúng
không đủ thuyết phục trong mắt người lớn (có thế mà con cũng khóc à).
Sẽ có ích hơn nhiều cho một đứa trẻ đang buồn khi được nghe “mẹ thấy có gì đó đang
khiến con buồn” hơn là bị tra vấn với những câu hỏi “Chuyện gì xẩy ra?”, “Sao con lại
thấy thế?”. Sẽ dễ nói chuyện với một người lớn chấp nhận cảm xúc của bạn hơn là ép bạn
phải đưa ra lời giải thích.
3. Có cần thiết cho trẻ biết chúng ta đồng ý với cảm xúc của chúng?
Trẻ không cần có sự đồng thuận với cảm xúc của chúng, chúng cần sự chấp nhận với
chính bản thân chúng. Câu nói “ Con đúng rồi” có thể lọt tai lúc này nhưng có thể ngăn
trẻ suy nghĩ thêm cho đến khi thấu đáo.
Ví dụ:
Trẻ: Cô giáo nói là sẽ hủy vở kịch của lớp con. Cô thật là xấu
Phụ huynh: Sau tất cả những buổi tập sao? Mẹ đồng ý với con. Mẹ cũng thấy thế.
Cuộc nói chuyện kết thúc. Giờ hãy để ý trẻ dễ suy nghĩ rành mạch hơn khi cảm xúc của
mình được chấp nhận:
Trẻ: Cô giáo nói là sẽ hủy vở kịch của lớp con. Cô thật là xấu
Phụ huynh: Hẳn là con rất thất vọng. Con rất mong đến vở kịch mà
Trẻ: vâng, Mà chỉ bởi một số bạn nghịch ngợm lúc tập. Đấy là lỗi của mấy bạn ấy
Phụ huynh (vẫn lắng nghe)
Trẻ: Cô còn cáu vì không ai nhớ vai của mình cả
Phụ huynh: Mẹ hiểu
Trẻ: Cô nói nếu bọn con chỉnh đốn lại, cô có thể cho bọn con một cơ hội nữa. Có lẽ con
nên đi học lại lời thoại của con đây. Tối nay, mẹ giúp con nhé?
Kết luận: dù ở tuổi nào, cái người ta cần vào lúc căng thẳng không phải là sự đồng ý hay
không đồng ý, họ cần được ai đó nhận ra những gì họ đang trải qua.
4. Nếu tôi phải chỉ cho con thấy là tôi hiểu, sao không nói đơn giản “Mẹ hiểu con cảm
thấy thế nào”?
Vấn đề với việc nói “Mẹ hiểu con cảm thấy thế nào” là nhiều trẻ không tin bạn. Chúng sẽ
trả lời “Không, mẹ không hiểu”. Nhưng nếu bạn chịu khó cụ thể hơn (“Ngày đầu tiên đi
học có thể hơi đáng sợ vì phải làm quen với quá nhiều thứ mới), khi đó trẻ sẽ biết rằng
bạn thực sự hiểu.
5. Nếu tôi cố gắng xác định cảm xúc của trẻ nhưng tôi lại làm sai. Sau đó sẽ thế nào?
Không sao. Trẻ sẽ sửa cho bạn ngay
Ví dụ:
Trẻ: Bố, bài kiểm tra của con được hoãn đến tuần sau
Bố: Con thấy nhẹ nhõm hẳn đúng không
Trẻ: Không, con bực mình. Giờ con lại phải ôn lại lần nữa cho tuần tới
Bố: Bố hiểu. Con đang mong nó xong đi hả.
Trẻ: Vâng
Sẽ quá chủ quan cho rằng một người có thể luôn đúng về cảm xúc của người khác. Tất cả
những gì chúng ta cần làm là cố gắng hiểu cảm xúc của con cái chúng ta. Không phải lúc
nào chúng ta cũng thành công, nhưng cố gắng của chúng ta sẽ thường được trẻ rất trân
trọng.
6. Tôi biết rằng cảm xúc cần được chấp nhận nhưng tôi thấy khó mà phản ứng lại khi
nghe những câu như “Mẹ xấu”, “Con ghét mẹ”
Nếu câu “Con ghét mẹ” khiến bạn buồn, bạn có thể để trẻ biết “Mẹ không thích điều mẹ
vừa nghe. Nếu con bực một điều gì, hãy nói với mẹ theo cách khác. Lúc đấy mẹ có thể sẽ
giúp con”.
7. Có cách nào giúp một đứa trẻ đang buồn ngoài việc để cho cháu biết bạn hiểu cảm xúc
của nó? Con trai tôi rất khó chịu khi cáu giận. Thỉnh thoảng, khi tôi thừa nhận cảm xúc và
nói những câu như “Điều đó thật bức mình”, nó cũng giúp cháu. Nhưng thường khi cháu
đang ở trong trạng thái như vậy, cháu chẳng nghe gì đến tôi.
Phụ huynh trong nhóm của chúng tôi phát hiện ra rằng khi trẻ cực kỳ thất vọng, đôi khi
một hoạt động nào đó có thể giúp giải tỏa bớt cảm xúc. Chúng ta đã nghe nhiều về
chuyện trẻ đang cáu có thể bình tĩnh hơn khi đấm vào gối, đập các hộp thức ăn; đập và
nhào đất sét; hét lên như sư tử; ném lao. Nhưng một hoạt đông có lẽ dễ để cha mẹ yên
tâm nhất khi nhìn và trẻ thỏa mãn nhất khi làm là vẽ ra cảm xúc của chúng. Hai ví dụ sau
xảy ra cách nhau một tuần:
Tôi vừa từ cuộc hội thảo về nhà và thấy cậu con trai 3 tuổi của mình đang nằm trên nền
nhà và cáu kỉnh. Chồng tôi đứng đó nhìn đầy bực bội. Anh bảo “Đây, chuyên gia trẻ em,
xem em xử lý tình huống này thế nào nào”. Tôi cảm thấy mình phải giải quyết được tình
huống này. Tôi nhìn xuống Joshua, người vẫn đang vùng vẫy, la hét rồi tôi nắm một cái
bút chì và giấy ở gần điện thoại. Tôi quỳ xuống, đưa bút và giấy cho Joshua và nói “Đây,
chỉ cho mẹ xem con cáu thế nào. Vẽ cho mẹ một bức tranh về việc con cảm thấy thế nào”
Joshua nhảy lên ngay lập tức và bắt đầu vẽ những vòng tròn giận dữ. Sau đó, nó đưa cho
tôi và bảo “Đây, con cáu thế này này”. Tôi trả lời “Con thật sự cáu đấy” và xé một mảnh
giấy khác “Vẽ thêm cho mẹ nữa nào”.
Cháu tiếp tục vẽ đầy cáu giận lên giấy. Tôi thốt lên “Chà, cáu thế cơ à”. Chúng tôi lặp lại
một lần nữa. Khi tôi đưa cho cháu tờ giấy thứ tư, cháu đã bình tĩnh hơn rất nhiều. Cháu
nhìn vào tờ giấy một lúc rồi nói “Giờ con sẽ vẽ những vòng tròn hạnh phúc” và cháu vẽ
một vòng tròn với hai mắt và miệng cười. Thật là khó tin. Trong vòng hai phút, cháu đã
thay đổi từ một đứa trẻ cáu giận thành mỉm cười – chỉ vì tôi đã để cháu bày tỏ cảm xúc
của mình. Sau cùng chồng tôi thừa nhận “Em nên tiếp tục đi đến nhóm cha mẹ đó”.
Ở buổi gặp nhóm sau đó, một người mẹ kể về kinh nghiệm của mình đối với kỹ năng đó
như sau. Khi tôi nghe về chuyện của Joshua tuần trước, tôi tự nhủ “Gía mà mình cũng
làm được như thế với Todd”. Todd ba tuổi nhưng bé bị liệt não. Những điều tự nhiên với
những đưa trẻ khác là cả một kỳ công đối với cháu – đứng mà không ngã, giữ cho đầu
thẳng. Cháu đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn rất dễ cáu. Mỗi khi cháu cố làm gì nhưng
không được, cháu sẽ la hét hàng giờ. Chưa có cách nào tôi có thể ngăn được việc này.
Điều tệ nhất là cháu đá và tìm cách cắn tôi. Tôi nghĩ rằng cháu cho rằng những khó khăn
của cháu là lỗi của tôi và tôi phải làm điều gì đó. Cháu gần như lúc nào cũng cáu với tôi.
Trên đường về nhà từ cuộc gặp tuần trước, tôi nghĩ “mình nên tiếp cận Todd khi cháu
chưa lên đỉnh điểm của cơn cáu giận”. Chiều đó, khi cháu đang chơi trò xếp hình mới của
mình. Trò đó rất đơn giản, chỉ có một vài miếng lớn. Dù sao, cháu không thể nào ghép
được miếng cuối cùng và sau một vài lần thử cháu bắt đầu có vẻ mặt trước khi cáu. Tôi
nghĩ “Không, đừng có thế nữa”. Tôi chạy lại và hét “Dừng lại... Dừng mọi việc lại...
Đừng cử động...mẹ có cái này”. Cháu có vẻ ngạc nhiên. Tôi tìm thấy một cái bút chì tím
và một mảnh giấy vẽ. Tôi ngồi xuống sàn cạnh cháu và bảo “Todd, có phải con cảm thấy
giận dữ thế này không?” Và tôi vẽ những đường zic-zac. “Vâng”, cháu bảo và giằng cây
bút chì khỏi tay tôi và vẽ nhưng đường lung tung. Cháu đâm vào tờ giấy không ngừng
cho đến khi nó toàn lỗ thủng. Tôi cầm tờ giấy lên trước ánh sáng và nói “Con đúng là quá
cáu”. Cháu giằng tờ giấy khỏi tôi, vừa khóc vừa xé cho đến khi không còn gì ngoài
những mẩu giấy. Khi kết thúc, cháu ngẩng lên và nói “Con yêu mẹ”. Đây là lần đâu tiên
cháu nói điều đó. 

1. Nếu tôi chấp nhận tất cả các cảm xúc của trẻ, liệu có khiến cháu tưởng rằng cháu có
thể làm gì cũng được? tôi không muốn quá dễ dãi.
Chúng ta hơi quá lo lắng về việc tỏ ra dễ dãi. Nhưng dần chúng ta sẽ nhận ra rằng phương
pháp này chỉ dễ dãi nếu tất cả các cảm xúc được cho phép. VD: “Mẹ thấy con đang thích
thú tạo hình miếng bơ của con bằng dĩa đấy nhỉ”. Phương pháp này không có nghĩa là
bạn cho phép trẻ hành động theo những cách mà bạn không chấp nhận. Khi bạn chuyển
miếng bơ đi bạn có thể bảo “nghệ sỹ” trẻ rằng “miếng bơ khong phải để nghịch. nếu con
muốn nhào nặn, con có thể dùng đất sét”. Chúng tôi thấy rằng khi chúng ta chấp nhận
cảm xúc của trẻ, chúng sẽ dễ chấp nhận những giới hạn được đề ra.

2. Tại sao lại phản đối việc đưa ra lợi khuyên khi trẻ có vấn đề?
Khi chúng ta cho trẻ lời khuyên hay một giải pháp ngay lúc đó, chúng ta khiến trẻ không
còn được tự vật lộn với những vấn đề của chính chúng.
Liệu có bao giờ nên đưa là khuyên không? Chắc chắn. Nhưng chúng ta sẽ trao đổi ở phần
sau.

3. Liệu chúng ta có thể làm gì khi nhận ra vừa thực hiện một phản ứng không có ích đối
với trẻ? Hôm qua, con gái tôi rất buồn khi từ trường trở về. cháu muốn kể với tôi về
chuyện cháu bị trêu trọc ở sân trường. Tôi thì đang mệt và bận nên bảo cháu đi chỗ khác
và nín khóc đi, chuyện bị trêu có phải là quá tệ đâu. Cháu rất thất vọng và đi về phòng.
Tôi biết tôi đã làm cháu thấy tệ hơn nhưng tôi có thể làm gì được nữa?
Mỗi lần một cha mẹ tự nhủ “Giá mình đừng nói thế. Sao mình không nghĩ ra điều này để
nói”, phụ huynh đó đã tự cho mình một cơ hội. cuộc sống với trẻ em luôn có kết mở.
Luôn có cơ hội khác – sau này bạn có thể nói “Mẹ đã nghĩ về việc con kể với mẹ chuyện
các bạn trêu con ở trường. Bây giờ mẹ hiểu là con đã rất buồn. Sự thông cảm luôn được
trân trọng, dù đến sớm hay muộn.

1. THẬN TRỌNG

I. Trẻ thường phản đối khi lời của chúng bị lặp lại
Vd...

II. Một số trẻ không thích nói chuyện khi chúng buồn vì chuyện gì đó. Đối với chúng, sự
có mặt của bố/ mẹ là đủ để an ủi
Vd...
III. Một số trẻ cáu khi chúng tỏ ra nghiêm trọng và bố mẹ dù phản ứng “đúng” nhưng hơi
nhẹ nhàng 
Vd: tại một cuộc hội thảo của chúng tôi, một cô bé vị thành niên kể rằng. Một chiều, cô
về nhà trong cơn tức giận vì bị bạn thân tiết lộ một bí mật rất quan trọng của mình. Khi
cô kể với mẹ mình thì mẹ chỉ nói “Con cáu à”. Cô bé nói cô không thể kiềm được một
câu trả lời chua chát “mẹ đùa à”. Khi chúng tôi hỏi thế cô muốn mẹ trả lời thế nào. Cô
nghĩ một lúc rồi trả lời “vấn đề không phải là từ ngữ mà là cách mẹ cháu nói. Cứ như thể
mẹ cháu đang nói về cảm xúc của ai đó mà mẹ cháu không thật sự quan tâm. Cháu nghĩ
rằng cháu chỉ muốn mẹ thực sự ở vị trí như cháu. Nếu mẹ nói “chà, Cindy, con hẳn phải
phát điên lên với bạn ý nhỉ” thì cháu đã cảm thấy là mẹ hiểu cháu.”

IV. Không cần thiết nếu cha mẹ phản ứng nghiêm trọng hơn mức mà trẻ cảm nhận
Vd...
V. Trẻ không thích bị cha mẹ nhắc lại những tên gọi mà chúng tự gọi mình
Vd: khi một đứa trẻ bảo mình là dốt, xấu xí hoặc béo. Đừng nhắc lại những từ này....
NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
Nicky, 8 tuổi, về nhà và bảo “Con muốn đấm Jeffrey”.
Mẹ: Con thật sự cáu Jeffrey đấy nhỉ
Nicky: vâng, cứ khi nào chơi bóng mà con có bóng, bạn ý lại bảo “chuyền cho tớ, Nicky,
tớ giỏi hơn cậu” Thế thì ai mà không cáu cơ chứ?
Mẹ: Ừ
Nicky: Nhưng thực sự thì Jeffrey không phải như thế. Hồi lớp một, bạn ý rất tử tế. Con
nghĩ là từ hồi có Christ vào lớp hai, Jeffrey bắt đầu bắt chiếc thói quen khoác lác.
Mẹ: Mẹ hiểu
Nicky: Con sẽ gọi điện, rủ bạn ý ra khu vui chơi
....
Bố chuẩn bị đi câu cá và con gái bốn tuổi Danielle muốn đi theo.
Bố: Được thôi cưng, con có thể đi cùng nhưng phải nhớ là mình sẽ phải đứng rất lâu và
ngoài trời hôm nay rất lạnh.
Danielle (có vẻ rất bối rối và trả lời đầy lưỡng lự): thôi thế con ở nhà.
Hai phút sau khi bố đi, con gái bắt đầu khóc lóc.
Danielle: Bố bỏ con, bố biết là con muốn đi mà
Mẹ (đang bận việc khác và không có tâm trạng): Danielle, chính con bảo ở nhà ở mà.
Con khóc làm mẹ không tập trung và mẹ không muốn nghe, con về phòng mà khóc đi. 
Con gái chạy về phòng khóc. Mấy phút sau, mẹ quyết định thử phương pháp mới.
Mẹ (đi đến phòng con và ngồi bên giường): Con muốn đi với bố lắm phải không?
Danielle ngừng khóc và gật đầu.
Mẹ: Con thấy bối rối khi bố bảo lanh đúng không. Con không quyết định được,
Cô bé tỏ rõ vẻ nhẹ nhõm, gật đầu và lau nước mắt
Mẹ: Con cảm thấy con chưa có đủ thời gian để quyết định đúng không.
Danielle: vâng
Khi mẹ ôm cô bé, cháu nhảy xuống giường và đi chơi.
Cũng có thể cho trẻ biết rằng trẻ có thể có hai cảm xúc khác nhau cùng lúc. Khi em bé
mới sinh, tôi luôn bảo Paul rằng cháu yêu em. Paul thường lắc đầu “Không”. Tháng vừa
rồi tôi bảo cháu “Mẹ thấy là con cảm thấy 2 cách khác nhau về em bé. Đôi khi con mừng
vì có em. Có em rất vui để có thể ngắm và chơi cùng. Và đôi khi con không thích có em
tý nào. Con chỉ ước em biến đi”. Paul rất thích điều đó. Bây giờ, tuần nào ít nhất một lần,
cháu lại bảo tôi “Mẹ nói về hai cảm nhận của con đi”. 
Một số cha mẹ đặc biệt thích kỹ năng này khi trẻ có tâm trạng chán chường, nản lòng. Họ
mừng vì không phải gánh lấy nói buồn của trẻ và biến nó thành của mình. Một người mẹ
kể “Tôi nhận thấy mình đã mất công làm cho trẻ lúc nào cũng phải cảm thấy hạnh phúc.
Tôi nhận thấy mình đã đi quá xa khi vật lộn dán lại lọ muốn để khiến con trai bốn tuổi hết
khóc. Tôi cũng nhận thấy mình đã vô tình gây ra một gánh nặng cho trẻ. Nghĩ mà xem.
Chúng không chỉ thất vọng vì vấn đề ban đầu mà còn thất vọng hơn khi thấy tôi phải chịu
đựng điều mà chúng phải chịu đựng. Mẹ tôi thường làm tương tự như vậy và tôi nhớ đã
từng cảm thấy tội lỗi như thế nào- như thể tôi đã sai vì không vui vẻ. Tôi muốn con mình
hiểu rằng chúng được phép cảm thấy đau khổ mà không làm cho mẹ cảm thấy đau lòng”.
Chồng tôi và tôi đưa Jason và chị cháu, Leslie, đi bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Chúng tôi đã
có một thời gian rất vui vẻ. trên đường ra, chúng tôi đi qua cửa hàng đồ lưu niệm. Jason,
4 tuổi, rất phấn khích. Phần lớn đồ ở đó quá đắt, nhưng chúng tôi cũng mua cho cháu một
bộ sưu tập đá nhỏ. Rồi cháu bắt đầu lèo nhèo đòi một mô hình khủng long. Tôi cố gắng
giải thích rằng chúng tôi đã tiêu hơi quá nhiều tiền rồi. Bố cháu thì bảo cháu ngừng phàn
nàn và nên biết mừng vì đã được mua quà cho. Jason bắt đầu khóc. Bố cháu bảo cháu
ngừng ngay và cháu đang hành động như trẻ con. Jason bắt đầu lăn lộn ra sàn và khóc ầm
ĩ. Mọi người nhìn chúng tôi. Tôi ngượng đến muộn độn thổ. Rồi, không hiểu sao tôi lại
nảy ra ý này, tôi rút bút chì và giấy ra khỏi túi và bắt đầu viết. Jason hỏi tôi đang làm gì.
Tôi nói “Mẹ đang viết là Jason ước có được một con khúng long”. Cháu nhìn chằm chằm
vào tôi và nói “Và một kính vạn hoa nữa”. Tôi viết “Và một kính vạn hoa nữa”. Rồi cháu
làm một việc khiến tôi bất ngờ. Cháu chạy lại chỗ chị và bảo “Leslie, chị bảo mẹ chị
muốn gì đi. Mẹ sẽ viết cho chị đấy”. Và bạn có tin không, mọi chuyện kết thúc ở đấy.
Cháu về nhà trong yên bình.

2. KHUYẾN KHÍCH SỰ HỢP TÁC


PHẦN I.
Đến giờ, con bạn đã khiến bạn có rất nhiều cơ hội thực hành kỹ năng lắng nghe. Trẻ
thường cho chúng ta biết rất rõ ràng khi có gì khiến chúng bận lòng. Tôi biết như ở nhà
mình, mỗi ngày với trẻ như một đêm ở nhà hát. Một món đồ chơi bị mất, một mái tóc quá
ngắn,.. cũng đủ gây ra nước mắt và xúc cảm cho một vở kịch 3 màn. Chúng ta không bao
giờ thiếu cơ hội thực hành. Điều khác biệt duy nhất là ở nhà hát, khi màn hạ, khán giả về
nhà. Phụ huynh không có được sự xa xỉ đó. Chúng ta phải đương đầu với tất cả những
giận giữ, tổn thương và thất vọng mà sau tất cả, vẫn phải giữ được sự tỉnh táo.
Một người cha kể rằng “Tôi đã thử nhưng không có kết quả. Một hôm con gái tôi từ
trường học thêm về, mặt dài ra. Thay vì hỏi “Sao con lại cáu thế?” tôi nói “Con có vẻ
đang thất vọng chuyện gì à?” Cháu bật khóc và chạy về phòng, đóng sập cửa”. Tôi giải
thích với người cha rằng, khi “nó không có kết quả”, thực ra “nó đang có kết quả”. Con
của ông rồi sẽ nhận ra rằng có người quan tâm đến cảm xúc của cháu. Tôi khuyến khích
ông tiếp tục thử. Và quả đến lúc, khi Amy nhận ra cháu có thể trông cậy vào phản ứng
chấp nhận của chồng mình, cháu cảm thấy an toàn để mở lòng nói về những gì làm phiền
cháu.
Tới giờ, chúng tôi vẫn đang tập trung vào việc cha mẹ giúp con cái đương đầu với những
cảm xúc tiêu cực. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giúp cha mẹ đương đầu với
cảm xúc tiêu cực của chính họ. Một trong những nỗi bực mình thường trực nhất của việc
làm cha mẹ là việc hàng ngày buộc trẻ phải xử sự theo những phép tắc mà chúng ta và xã
hội thấy là đúng đắn. Việc này rất mệt mỏi và phát điên. Một phần vấn đề là ở chỗ sự
xung đột về nhu cầu. Những gì cha mẹ muốn là sự ngăn nắp, trật tự, lịch sự và nề nếp.
Nhưng trẻ chẳng quan tâm gì đến những điều này. Liệu có đứa trẻ nào, một cách tự giác,
đi tắm, nói “cám ơn”, “làm ơn” hay thay đồ lót? Liệu có đứa nào tự chịu mặc đồ lót? Rất
nhiều công sức làm cha mẹ đổ vào việc giúp trẻ điều chỉnh theo những chuẩn mực xã hội.
Nhưng hình như chúng ta càng cố gắng, trẻ càng chống đối.
Tôi biết rằng có những lúc con tôi coi tôi như “kẻ thù” – một người luôn bắt chúng làm
những việc chúng không muốn: “rửa tay đi.. dùng khăn đi...nói nhỏ đi... treo áo khoác
lên... con làm bài tập chưa...con đánh răng chưa... quay lại giật nước ở bồn cầu đi... mặc
quần vào... đi ngủ đi”.
Tôi cũng là người ngăn chúng làm những gì chúng muốn “đừng có gặm móng tay nữa...
đừng đá vào bàn...đừng vứt rác... đừng nhảy trên ghế... đừng kéo đuôi mèo...đừng cho hạt
đậu vào mũi”.
Thái độ của trẻ là “Con làm gì con muốn”. Thái độ của tôi là “Con làm những gì mẹ bảo”
và cuộc chiến tiếp diễn. Đến mức mà tôi thấy sợ thắt cả ruột mỗi lần phải yêu cẩn trẻ làm
điều gì đó dù là đơn giản nhất.
Liệu có giải pháp nào không?
Trước hết hãy xem một vài phương pháp người lớn thường dùng để trẻ hợp tác. Với mỗi
ví dụ bạn đọc, hãy giả vờ bạn là trẻ và đang lắng nghe người lớn nói. Bạn cảm thấy gì và
hãy viết ra những suy nghĩ của mình.
I. Khiển trách & Buộc tội
“Con lại sờ tay bẩn lên cửa rồi kìa. Sao con cứ làm thế mãi thế? ... Có vấn đề gì với con
thế?... Sao con không thể làm gì đúng được à?...Mẹ phải nói bao nhiều lần nữa chuyện
dùng núm cửa? Vấn đề của con là con không lắng nghe gì cả”.
II. Gọi tên
“Hôm nay trời rất lạnh mà con chỉ mặc áo khoác mỏng thế à. Con ngốc vừa thôi”
“Nào, để bố sửa xe cho con. Sao mà con vụng về thế”
“Nhìn cách con ăn kìa. Ghê quá”
“Con là mọi thì mới ở trong căn phòng bẩn như thế. Như là chuồng gia súc ý”
III. Đe dọa
“Con mà sờ vào đèn lần nữa con sẽ bị đánh đấy”
“Con mà không nhè kẹo cao su ra ngay, mẹ sẽ cạy miệng và moi ra đấy”
“Nếu con không mặc xong khi mẹ đếm đến 3, mẹ sẽ đi và kệ con ở lại”
IV. Yêu cầu
“Mẹ muốn con dọn phòng ngay lập tức”
“Giúp mẹ bê gói này với. nhanh lên”
“Con vẫn chưa vứt rác à? Làm ngay đi. Còn đợi gì nữa. Động đậy đi”
V. Giảng giải và thuyết giáo
“Con có nghĩ làm như thế là hay không- giằng sách từ mẹ ý. Mẹ thấy con không hiểu
được tầm quan trọng của cách cư xử. Con phải hiểu rằng nếu con muốn được người khác
lịch sự với mình thì con phải lịch sự trước đã....”
VI. Cảnh báo
“Coi chừng, con bị bỏng bây giờ”
“Cẩn thận, con bị xe đâm bây giờ”
“Đừng có trèo lên đó. Con muốn ngã à”
“Mặc áo vào không cảm bây giờ”
VII. Dày vò
“Hai đứa ngừng hét ngay. Các con muốn mẹ sao đây... ốm à... đau tim à”
“Đợi đến khi nào con có con đi. Rồi con sẽ hiểu thế nào là bực mình”
“Con có thấy tóc mẹ bạc đi không? Là do con đấy.”
VIII. So sánh
“Sao con không giống anh con nhỉ? Anh luôn làm bài xong trước giờ”
“Lisa xử sự rất ngoan ở bàn. Con có thấy bạn ý ăn bốc bao giờ không”
IX. Mỉa mai
“Con biết là có bài kiểm tra ngày mai mà lại để quên sách ở trường à? Ồ, thông minh quá
nhỉ. Đấy là một việc quá xuất sắc đấy”
X. Tiên đoán
“con nói dối mẹ về sổ liên lạc phải không? Con có biết rồi con sẽ thế nào không? Một
người mà không ai tin được.”
Có cách nào để khuyến khích sự hợp tác của trẻ mà không phải tổn hại đến lòng tự trọng
của trẻ hoặc khiến trẻ cảm thấy tồi tệ? Có cách nào dễ hơn và ít thiệt hơn đối với cha mẹ?
Chúng tôi muốn chia sẻ năm kỹ năng đã giúp ích chúng tôi và các phụ huynh trong các
hội thảo. không phải kỹ năng nào cũng có tác dụng đổi với mọi đứa trẻ. Không phải kỹ
năng nào cũng phù hợp với tích cách của bạn. Và không kỹ năng nào lúc nào cũng có tác
dụng. những gì 5 kỹ năng này tạo ra là bầu không khí tôn trọng ở đó tinh thần hợp tác có
thể phát triển.
1. Miêu tả. Miêu tả những gì bạn thấy và vấn đề
2. Đưa thông tin
3. Nói ngắn gọn trong một từ
4. Nói về cảm xúc của bạn
5. Viết ra

1. Miêu tả
(tranh, mẹ mắng con) Con thật không có trách nhiệm. Con cứ bật vòi nước rôi để đó. Con
có muốn hỏng sàn nhà không.
(Tranh, bố mắng con) Con chưa cho chó ra ngoài cả ngày. Con không xứng đáng nuôi vật
nuôi.
Thật khó làm việc cần làm khi có người cứ bảo bạn có vấn đề
(Tranh, mẹ bào con) Jonny nước trong bồn tắm sắp tràn rồi con
(Tranh, bố bảo con) Bố thấy Rover đang chạy ra chạy vào kìa
Sẽ dễ tập trung vào vấn đề hơn nhiều nếu có người mô tả vấn đề cho bạn
Khi người lớn mô tả vấn đề, nó khiến cho trẻ có cơ hội tự thúc đẩy mình làm việc
2. Đưa thông tin
Thay vì (tranh) “Ai uống hết sữa và để chai ở đây?”. Hãy nói (tranh) “Sữa không để trong
tủ lạnh sẽ hỏng ngày các con”
Thay vì (tranh) “Ghê quá. Con để lõi táo trên giường này. Như cái chuồng lợn ý”. Hãy
nói (tranh) “lõi táo phải bỏ vào trong sọt”
Dễ chấp nhận thông tin hơn lời buộc tội
3. Nói ngắn gọn trong một từ
(Tranh) “Mẹ bảo đi bảo lại các con mặc quần áo ngủ vào mà các con chỉ đùa nghịch. các
con đồng ý là sẽ mặc xong đồ ngủ trước khi xem tivi mà mẹ chưa thấy có dấu hiệu gì là
các con mặc đồ ngủ”
(tranh) “Các con, đồ ngủ”
Trong trường hợp này, ít hơn chính là nhiều hơn
Trẻ không thích nghe những bài giảng, thuyết giáo và giải thích dài dòng. Đối với chúng,
càng ngắn càng dễ nhớ, càng tốt
4. Nói về cảm xúc của bạn
Đừng bình luận về tính cách, cá tính của trẻ
Thay vì (tranh) “Ngừng lại. con đúng là phiền phức” Hãy nói (tranh) “Bố không muốn bị
kéo áo đâu”
Thay vì (tranh) “Con làm sao thế. Lúc nào con cũng để cửa lưới mở” Hãy nói (tranh)
“Mẹ rất bực khi cửa lưới bị mở. Mẹ không muốn có ruồi quanh thức ăn”
Trẻ được phép nghe cảm xúc thật sự của bố mẹ. bằng cách miêu tả chúng ta cảm thấy gì,
chúng ta đang tỏ ra chân thực mà không làm tổn thương trẻ.
Sẽ dễ hợp tác hơn với người nói ra là họ bực bội hay cáu miễn là bạn không bị tấn công
5. Viết ra
Đôi khi những gì chúng ta nói không có hiệu quả bằng chữ viết
Đây là note của một ông bố phán ốm vì phải dọn tóc của con trong bồn rửa
(Tranh, note dán vào gương) làm ơn, tóc trong bồn làm bố mệt quá. Tóc của con đang
làm tắc bồn rửa
Tôi nhớ lại kinh nghiệm của mình khi tôi mới thử nghiệm với những kỹ năng này. Tôi
quá háo hức áp dụng phương pháp mới này ở nhà mình nên khi về nhà và vấp phải ván
trượt của con gái trong sảnh, tôi nhẹ nhàng bảo cháu “Ván trượt phải ở trong tủ”. tôi nghĩ
mình tuyệt lắm rồi. nhưng khi con gái tôi ngẩng lên nhìn như không rồi lại quay lại đọc
sách, tôi nện cho nó một cái.
Tôi học được 2 điều kể từ đó:
1. Phải thật lòng. Tỏ ra kiên nhẫn khi tôi đang thực sự cáu đã phản tác dụng. không chỉ
tôi không nói với cháu một cách chân thật mà vì tôi “quá nhẹ nhàng” nên sau đó tôi lại xả
ra bằng cách đánh cháu. Có lẽ sẽ có tác dụng hơn nếu tôi hét “Ván trượt phải ở trong tủ”,
khi đó con gái tôi có lẽ sẽ động đậy mà đi cất ván trượt.
2. Chỉ vì tôi không thành công lần đầu không có nghĩa là tôi nên quay trở lại cách cũ. Tôi
có nhiều kỹ năng. Tôi có thể kết hợp chúng và nếu cần, có thể tăng mức độ. Ví dụ, trường
hợp khăn ướt, tôi có thể bắt đầu bằng cách bình tĩnh chỉ ra cho con gái “Cái khăn để đó
đang làm chăn của mẹ ướt”. Tôi có thể kết hợp thêm “Khăn ướt phải để trong nhà tắm”.
nếu con gái đang mơ màng chưa nghe rõ, tôi sẽ phải tăng âm lượng “Jill, khăn tắm”. giả
sử con gái vẫn không động đậy và cơn điên bắt đầu xuất hiện, tôi có thể nói to hơn nữa
“Jill, mẹ không muốn ngủ trên giường vừa ướt, vừa lạnh”. Tôi có thể muốn giữ giọng và
để lại một tờ giấy trên cuốn sách cháu đang đọc “khăn ướt trên giường khiến mẹ cáu”.
Tôi thậm chí có thể cáu đến mức bảo cháu “mẹ không thích bị lờ đi. Mẹ phải cất khăn ướt
và giờ con có một bà mẹ cáu kình”
Một số bạn có thể nghĩ “nếu con tôi vẫn không phản ứng thì sao?” trong chương tới,
chúng ta sẽ bàn về một số kỹ năng khó hơn để khuyến khích trẻ hợp tác. Chúng ta sẽ nói
về các giải pháp thay thế cho trừng phạt.
PHẦN II. BÌNH LUẬN, CÂU HỎI VÀ CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
CÂU HỎI

1. Chẳng phải là cách bạn nói với trẻ cũng quan trọng như bạn nói gì sao?
Chắc chắn rồi. thái độ bạn khi nói cũng quan trọng như nội dung bạn nói. Thái độ của
bạn sẽ khuyến khích trẻ khi nó toát lên ý bạn rằng “Con là một người đáng yêu, có khả
năng. Bây giờ có một vấn đề cần chú ý. Khi con nhận ra vấn đề, con sẽ phản ứng một
cách có trách nhiệm”. Thái độ kìm hãm trẻ khi nó toát lên rằng “Con rất đáng ghét và
kém cỏi. con luôn làm sai và đây là bằng chứng mới nhất về sự sai trái của con”
2. Nếu thái độ quan trọng đến thế, sao còn cần đến lời nói?
Một cái nhìn phê phán hay một giọng nói khiển trách có thể làm tổn thương trẻ. Nếu trẻ
còn nghe thêm những từ như “ngu ngốc,,,bất cẩn,,,vô trách nhiệm”, trẻ sẽ còn bị tổn
thương gấp đôi. Từ ngữ luôn có tác dụng kéo dài và đầu độc. điều tệ nhất là trẻ có thể sử
dụng lại những từ ngữ này và sử dụng chúng như vũ khi chống lại chính mình.
3. Có gì sai nếu nói “làm ơn” với trẻ nếu bạn muốn trẻ làm gì đó?
Chúng ta nói từ “làm ơn” với trẻ để làm mẫu cho trẻ về cách đưa ra những yêu cầu nhỏ.
Nhưng nó chỉ có tác dụng trong những bối cảnh nhẹ nhàng. Khi chúng ta thực sự thất
vọng, từ “làm ơn” chỉ càng gây thêm rắc rối.
Mẹ (cố gắng tỏ ra nhẹ nhàng): Làm ơn đừng nhảy trên ghế sofa
Trẻ (tiếp tục nhảy)
Mẹ (to hơn): Làm ơn đừng làm nữa
Trẻ (lại nhảy)
Mẹ (bỗng tát trẻ một cái): Mẹ nói làm ơn rồi cơ mà
Chuyện gì vậy? tại sao một người mẹ từ chỗ nhẹ nhàng sang bạo lực chỉ trong có vài
giây? Sự thật là khi bạn cố kìm chế nhưng bị lờ đi, bạn sẽ rất dễ nổi đóa. Khi bạn muốn
việc gì đó được làm ngay, sẽ tốt hơn nếu nhấn mạnh thay vì van vỉ. Bạn nói to, dõng dạc
“sofa không phải để nhảy” có lũ đã dừng việc này sớm hơn nhiều.
4. Giải thích thế nào về việc trẻ con nhà tôi đôi khi thì nói được đôi khi thì chịu?
Có lần chúng tôi đã hỏi một nhóm học sinh tại sao chúng không nghe lời bố mẹ. và đây là
những gì chúng nói:
“Khi cháu về nhà, cháu mệt và nếu mẹ bảo cháu làm gì đó, cháu sẽ lờ đi như không
nghe”
“Khi cháu đang bận chơi hoặc xem tivi, cháu thật sự không nghe thấy mẹ cháu nói gì”
“khi cháu thực sự cáu điều gì đó ở trường, cháu sẽ không thích làm theo lời mẹ cháu”
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự hỏi có phải vì những điều này mà mình không thể khiến trẻ
nghe lời:
“Yêu cầu của tôi có phù hợp với tuổi và khả năng của trẻ không? (yêu cầu một đứa trẻ 8
tuổi không nghịch ngợm ở bàn ăn)
“trẻ có cảm thấy yêu cầu của tôi không hợp lý?” (Sao mẹ lại bắt mình rửa ở sau tai? Có ai
nhìn ở đấy đâu)
“Tôi có thể cho trẻ lựa chọn khi nào thì làm thay vì bắt buộc phải làm ngay không?”
“ Tôi có thể cho trẻ lựa chọn cách thức làm việc không?” (Con thích tắm với búp bê hay
thuyền)
“Liệu có thể thay đổi các thứ trong nhà để khiến trẻ hợp tác hơn không?” (có thể hạ thấp
các móc trong tủ để trẻ dễ treo mắc? nhiều ngăn quá khiến trẻ khó dọn hơn không?)
“Liệu có phải phần lớn thời gian của tôi với trẻ toàn dành để yêu cầu trẻ làm cái này cái
kia thay vì chỉ ở bên nhau?”
5. Tôi thú nhận rằng trước đây tôi nói rất nhiều thứ không nên nói với con gái. Giờ tôi cố
gắng thay đổi nhưng con tôi không chấp nhận và gây khó cho tôi. Tôi phải làm gì?
Đứa trẻ bị quá nhiều chỉ trích có thể rất nhạy cảm. có khi chỉ một lời nhắc nhẹ nhàng
“bữa trưa” cũng có thể khiến trẻ nghĩ thành lời buộc tội “con hay quên quá”. Đứa trẻ như
vậy cần được bỏ qua rất nhiều và nhiều sự ủng hộ để có thể ngừng việc tự suy bất cứ thứ
gì thành sự phê phán. Trong phần sau, bạn sẽ thấy một số cách để giúp trẻ nhìn nhận bản
thân tích cực hơn. Tuy nhiên, ngay bây giờ, trẻ đang có thể trong giai đoạn chuyển đổi,
nghi ngờ và thậm chí thù nghịch với phương pháp mới của bố mẹ. nhưng đừng để điều đó
làm nản lòng bạn. tất cả các kỹ năng bạn học được là để tỏ ra tôn trọng người khác. Phần
lớn mọi người rồi sẽ đáp ứng lại việc đó.
6. Hài hước rất có tác dụng với con trai tôi. Cháu thích khi tôi bảo cháu làm theo cách
buồn cười. điều đó có đúng không?
Nếu bạn có thể khiến trẻ nghe lời bằng tác động đến sự hài hước của trẻ, bạn quá giỏi.
vấn đề với nhiều cha mẹ là sự hài hước của họ đã bị chột đi vì những bực bội trong cuộc
sống hàng ngày với trẻ. Một người bố nói rằng cách cực nhanh để trẻ làm là sử dụng
giọng khác đi. Trẻ thích nhất là giọng robot của ông.
7. Đôi khi tôi thấy mình lặp đi lặp lại một việc. dù tôi sử dụng các kỹ năng nhưng nghe
vẫn có vẻ rầy la. Có cách nào để tránh không?
Thường thì điều khiến chúng ta phải lặp lại là vì trẻ có vẻ không nghe. Khi bạn định nhắc
lại trẻ lần thứ hai, thứ ba, hãy dừng lại. thay vào đó, hãy xem bạn có được lắng nghe
không
VD. Mẹ: Billy, năm phút nữa chúng ta phải đi rồi
Billy (không trả lời và tiếp tục đọc chuyện tranh)
Mẹ: Con nói xem mẹ vừa nói gì nào?
Billy: Mẹ nói là 5 phút nữa phải đi
Mẹ: OK, giờ thì mẹ biết là con đã nghe rồi, mẹ sẽ không lặp lại nữa 

1.Vấn đề của tôi là khi tôi đề nghị con giúp, cháu luôn nói “Vâng, bố, tý nữa nhé” rồi sau
đó cháu sẽ mặc kệ. Tôi phải làm gì?
Đây là ví dụ một vị cha mẹ đã giải quyết vấn đề này:
Bố: Steven, cỏ 2 tuần rồi chưa cắt. bố muốn con làm hôm nay
Con: Vâng, bố, để tý nữa
Bố: Bố muốn biết khi nào con sẽ làm
Con: ngay khi chương trình này kết thúc
Bố: khi nào vậy
Con: Khoảng một tiếng nữa ạ
Bố: Tốt, giờ bố có thể trông đợi là cỏ sẽ được cắt trong một tiếng nữa. cám ơn Steve

BÌNH LUẬN, LƯU Ý VÀ CHÚ THÍCH VỀ MỖI KỸ NĂNG

1. Miêu tả
Điều hay nhất của ngôn ngữ mô tả là ngăn việc chỉ tay và buộc tội, giúp mọi người tập
trung vào việc gì cần được thực hiện
“Sữa tràn rồi. chúng ta cần khăn lau”
Bạn thử thêm vào câu trên từ “con” “con làm đổ sữa...” bạn sẽ thấy sự khác biệt vì nó
khiến người nghe cảm thấy bị buộc tội và sẽ có khuynh hướng phòng vệ. Khi miêu tả sự
việc, thay vì bắt đầu bằng “con đã làm”, hãy tập trung mô tả vấn đề và cách giải quyết.
Tôi đã nổi đóa khi thấy hai đứa con trai của mình ngồi vào bàn ăn với sơn xanh đầy
người, nhưng tôi không muốn mất bình tĩnh và hét với chúng, vì thế tôi sử dụng kỹ năng
mô tả.
Tôi: Mẹ thấy 2 cạu bé với sơn xanh đầy mặt và tay
Chúng nhìn nhau và chạy vào nhà tắm để rửa. mấy phút sau, tôi bước vào nhà tắm và chỉ
muốn hét lên. Tường nhà tắm đầy sơn. Tôi lại sử dụng kỹ năng.
Tôi: mẹ thấy sơn xanh trên tường
Đứa lớn hơn chạy đến lấy giẻ và nói “Cái này sẽ xử lý được”. năm phút sau, cháu gọi tôi
và xem lại
Tôi (vẫn kiên trì với kỹ năng miêu tả): mẹ thấy là ai đó đã giúp lau hết sơn xanh khỏi
tường. Đứa lớn rất phấn khởi. Đứa bé cũng theo lao “Giờ con sẽ lau bồn rửa”.
Nếu tôi không tận mắt nhìn, chắc tôi không thể tin được.
Lưu ý. Kỹ năng này đôi khi có thể gây bực mình. Một người bố kể lại: ông đang đứng
cạnh cửa vào một ngày trời lanh và nói với cậu con, người vừa đi vào “Cửa đang mở
kìa”, cậu con đáp trả “Thế sao bố không đóng lại”. Nhóm cha mẹ thấy rằng, đứa trẻ đã
hiểu lời của bố thành “Bố đang giúp con làm một việc đúng...”. nhóm cũng thấy rằng kỹ
năng miêu tả có tác dụng nhất khi trẻ thấy sự giúp đỡ của nó thật sự cần thiết.
2. Cung cấp thông tin
Điều mà chúng tôi thích ở kỹ năng này là, theo một cách nào đó, khi bạn cung cấp thông
tin bạn đã cho trẻ một món quà có ích mãi mãi. Trẻ sẽ nhớ mãi rằng “sữa sẽ bị hỏng khi
không được giữ lạnh”, “vết thương hở cần phải được giữ sạch”...Phụ huynh nói với
chúng tôi rằng kỹ năng này không khó. Cái khó là biết cắt bỏ phần trách mắng ở cuối câu
“Quần áo bẩn phải ở trong sọt quần áo. Mãi mà con không học được điều đấy à?”
Lưu ý. Tránh đưa những thông tin trẻ đã biết, trẻ có thể nghĩ bạn nghĩ rằng trẻ ngu ngốc
hoặc bạn đang mỉa mai.
3. Nói ngắn gọn trong một từ
Nhiều cha mẹ rất thích kỹ năng này. Họ cho rằng nó tiết kiệm thời gian, công sức và cả
những lời giải thích buồn tẻ. Dưới góc nhìn của chúng tôi, câu ngắn gọn có giá trị ở chỗ
tránh được những câu mệnh lệnh áp đặt, trẻ có cơ hội sáng tạo và sử dụng trí tuệ của
mình. Khi trẻ nghe bạn nói “Chó”, trẻ sẽ nghĩ “Chó thì sao.. À, ừ, mình chưa cho nó ra
ngoài chiều này... có lẽ mình nên cho nó ra ngoài”.
Lưu ý. Đừng sử dụng tên trẻ như câu một từ, trẻ sẽ gắn tên mình với sự phản đối.
4. Miêu tả cảm xúc của bạn
Phần lớn cha mẹ cảm thấy nhẹ người khi được chia sẻ cảm xúc thật sự của họ với con cái
và rằng không phải l úc nào cũng cần kiên nhẫn. Trẻ em không quá mong manh. Chúng
hoàn toàn có khả năng thích ứng với những câu như “Giờ không phải là lúc mẹ xem bài
luận của con. Mẹ đang căng thẳng và mất tập trung. Sau bữa tối mẹ sẽ làm việc đó”.
Một người mẹ đơn thân nuôi hai đứa con nói rằng bà từng cảm thấy thất vọng vì không
kiên nhẫn với con. Cuối cùng, bà quyết định chấp nhận cảm xúc của mình và nói cho con
biết. Bà bắt đầu nói những câu như “Sự kiên nhẫn của mẹ bây giờ bằng quả dưa hấu”. rồi
một lúc sau “Sự kiên nhẫn của mẹ giờ chỉ bằng quả nho” và sau đó “Sự kiên nhẫn của mẹ
giờ chỉ bằng hạt đậu. mẹ nghĩ chúng ta nên dừng trước khi nó biến mất”. Bà biết rằng lũ
trẻ lắng nghe bà vì một hôm cậu con trai nói “Mẹ, sự kiên nhẫn của mẹ bây giờ bằng từng
nào? Mẹ có thể đọc truyện cho chúng con tối nay không?”
Một số người lo ngại rằng, khi bày tỏ cảm xúc thật sự của mình, họ sẽ trở nên có điểm
yếu. Nếu họ bảo trẻ “Điều đó làm mẹ buồn” và đứa trẻ nói “Thế thì làm sao, ai quan
tâm?”
Bằng kinh nghiệm chúng tôi thấy rằng, một đứa trẻ được tôn trọng sẽ biết tôn trọng cảm
xúc của người khác. Trường hợp bạn gặp cách phản ứng như trên, bạn có thể để trẻ biết
“Mẹ quan tâm đến mẹ cảm thấy thế nào. Mẹ quan tâm con cảm thấy thế nào. Mẹ muốn
rằng gia đình mình mọi người quan tâm đến cảm xúc của nhau”
Lưu ý. Một số đứa trẻ rất nhạy cảm với sự phản đối của bố mẹ. đối với chúng, những câu
mạnh như “Mẹ đang cáu”, “Điều đấy là bố nổi đóa” có thể quá mức chịu đựng của chúng.
Để trả đũa, chúng sẽ trở nên hiếu chiến “Thế thì con cũng cáu với mẹ đấy”. Đối với
những đứa trẻ như vậy, nên diễn tả kỳ vọng của mình. Thay vì nói “mẹ bực vì con kéo
đuôi mèo” có thể nói “mẹ mong là con sẽ tử tế với các con vật”
5. Viết ra
Phần lớn trẻ thích nhận note kể cả những đứa chưa biết đọc. trẻ nhỏ thường phấn khích
khi nhận được tin nhắn của bố mẹ. Trẻ lớn hơn vẫn thích nhận note. Một nhóm trẻ vị
thành niên bảo chúng tôi rằng, điều đó khiến chúng cảm thấy như nhận được thư từ một
người bạn và cảm động vì bố mẹ đã dành thời gian, công sức để viết cho chúng. Một câu
bé bảo rằng cậu thích nhất là nếu viết note, bố mẹ không thể hét lên được.
Chúng tôi chưa bao giờ hết ngac nhiên về việc những đứa trẻ chưa biết đọc cố gắng đọc
ghi chú của bố mẹ như thế nào.
Vd: thời gian tồi tệ nhất trong ngày của tôi là 20 phút chuẩn bị bữa tối trong khi bọn trẻ
chạy đi chạy lại giữa tủ lạnh và hộp bánh mỳ. đến lúc bữa tối được dọn lên bàn, chúng đã
no phè cả bụng. thứ Hai tuần trước, tôi dán một tờ ghi chú lên cửa “Bếp đóng cửa đến giờ
ăn tối”. Cậu con trai của tôi ngay lập tức muốn biết note viết gì. Khi tôi đọc từng từ, cháu
rất tôn trọng và cả buổi không đặt chân vào bếp. cháu chỉ chơi bên ngoài với em cho đến
khi tôi hạ note xuống và gọi chúng vào. Tối hôm sau, tôi lại dán note lên. Trong khi tôi
đang làm hamburger, tôi nghe thấy con trai giải thích cho đứa em gái hai tuổi từng từ và
con bé vừa chỉ vừa nhắc lại từng từ “Bếp ... đóng... cửa... đến... giờ... ăn.. tối”
Câu chuyện kỳ lạ nhất là của một người mẹ là sinh viên bán thời gian: vào một lúc yếu
lòng, tôi đồng ý tổ chức buổi gặp cho 20 người ở nhà mình. Tôi rất căng thẳng về việc
chuẩn bị mọi việc đúng giờ nên về nhà sớm. Khi về nhà, tôi nhìn quanh một vòng và thấy
phát sốt. Đúng là một mớ hỗn độn... mà tôi chỉ có 2 tiếng. tôi bắt đầu cảm thấy kích động.
bọn trẻ có thể về bất cứ lúc nào và tôi biết là mình không đủ sức đương đầu với bất cứ
yêu cầu hay vụ đánh nhau nào. Nhưng tôi không muốn nói hay giải thích, mà quyết định
viết ra, nhưng không có một chỗ nào trong nhà để đặt note. Vì thế tôi kiếm một mảnh bìa,
đục 2 lỗ, luồn sợi dây vào và treo quanh cổ mình:

BOM NGƯỜI HẸN GIỜ


NẾU BỊ LÀM PHIỀN HAY BỰC MÌNH SẼ NỔ TUNG
ĐỒNG NGHIỆP ĐANG ĐẾN
CẦN GIÚP ĐỠ GẤP

Rồi tôi bắt đầu lao vào dọn dẹp. khi bọn trẻ về nhà, đọc thông báo của tôi và tự nguyện
dọn dẹp đồ chơi, sách vở. rồi, không cần tôi nói một lời nào, chúng dọn giường của
chúng và của tôi. Thật không tin nổi. Tôi chuẩn bị dọn nhà tắm thì nghe thấy chuông cửa.
Tôi hoảng quá nhưng hóa ra chỉ là người giao thêm ghế. Tôi ra hiệu cho anh ta vào và
ngạc nhiên thấy anh ta đứng im. Anh ta nhìn chằm chằm vào ngực tôi. Tôi nhìn xuống và
thấy tấm biển vẫn ở đó. Tôi định giải thích nhưng anh ta nói” Đừng lo, thưa cô. Cứ bình
tĩnh. Hãy chỉ cho tôi chỗ để ghế tôi sẽ dựng lên cho cô”.
Có người hỏi chúng tôi “Nếu tôi sử dụng những kỹ năng này đúng, liệu con tôi luôn luôn
đáp ứng không?” câu trả lời của chúng tôi là: chúng tôi hy vọng không. Trẻ em không
phải là robot. Ngoài ra, mục đích của chúng tôi không phải là đưa ra những kỹ thuật để
điểu khiển hành vi khiến trẻ luôn đáp ứng. Mục đích của chúng tôi là hướng đến điều tốt
nhất trong trẻ- sự thông mình, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, sự hài hước và sự nhạy cảm
của chúng với nhu cầu của những người khác.
Chúng tôi muốn chấm dứt cách nói chuyện làm tổn thương tinh thần và tìm ra ngôn ngữ
nuôi dưỡng lòng tự trọng.
Chúng tôi muốn tạo ra bầu không khí có cảm xúc để trẻ hợp tác vì chúng quan tâm đến
bản thân chúng và chúng ta.
Chúng tôi muốn trình bày cách thức trao đổi tôn trong nhau với hy vọng trẻ sẽ sử dụng
chúng với chúng ta, bây giờ, trong những năm trưởng thành và cuối cung khi chúng là
những người bạn trưởng thành của chúng ta.

2.1. GIẢI PHÁP THAY THẾ CHO TRỪNG PHẠT


PHẦN I.
Khi bạn bắt đầu sử dụng những kỹ năng khuyến khích sự hợp tác, bạn có thấy phải mất
công sức và trí óc để kiềm chế nói những điều bạn thường hay nói? Đối với nhiều người
chúng ta mỉa mai, thuyết giảng, cảnh báo, gọi tên và đe dọa đã quện vào ngôn ngữ chúng
ta vẫn nghe khi lớn lên. Không dễ từ bỏ một thứ đã quá quen thuộc như thế.
Phụ huynh thường kể với chúng tôi họ thất vọng như thế nào vì, sau khi tham dự một
buổi gặp, họ vẫn nói điều mà họ muốn tránh. Điều khác biệt duy nhất là giờ họ nhận ra
điều đó. Thực ra thì nhận ra đã là một sự tiến bộ. đó là bước đầu tiên tiến đến sự thay đổi.
Tôi biết từ bản thân mình rằng sự thay đổi không đến dễ dàng. Tôi vẫn thấy mình dùng
những cách cũ như “Con làm sao thế? Con không bao giờ nhớ tắt đèn trong nhà tắm” rồi
tôi bực với chính mình. Tôi quyết tậm không nói lại như thế. Rồi tôi lại nói. Ghét bản
thân. Mình đãng lẽ phải nói... có lẽ tôi không bao giờ học được cách nói đúng mất. nhưng
tôi không phải lo. Bọn trẻ vẫn để đèn trong nhà tắm. Nhưng lần tới tôi đã “thuộc bài” hơn
“con, đèn nhà tắm” Ai đó chạy vào và tắt đèn. Thành công!
Có những lúc tôi nói toàn những điều đúng nhưng chả có tác dụng gì. Lũ trẻ hoặc lờ tôi
đi hoặc tệ hơn – thách thức tôi. Khi điều này xảy ra, tôi chỉ muốn làm một việc – phạt
chúng.
Trừng phạt hay không trừng phạt?
Khi câu hỏi này được đưa ra, tôi thường hỏi “tại sao? Tại sao chúng ta lại trừng phạt?”
đây là một số câu trả lời:
“Nếu bạn không phạt trẻ, chúng sẽ tiến tới giết người”
“Đôi khi tôi bực mình quá, tôi không biết phải làm gì khác”
“Làm sao để trẻ học được rằng việc trẻ làm là sai và không được lặp lại nữa nếu tôi
không trừng phạt nó”
“tôi phải phạt vì đấy là cách duy nhất con tôi nghe lời”
Khi tôi hỏi các bậc cha mẹ nhớ lại cảm xúc của họ khi bị trừng phạt, tôi nhận được những
phản hồi sau:
“Tôi thường ghét mẹ tôi. Tôi nhĩ “Mẹ thật là ghê gớm” rồi lại thấy cảm thấy có lỗi”
“Tôi thường nghĩ “Bố đúng, mình tệ. Mình đáng phải bị trừng phạt”
“Tôi thường tưởng tượng ra tôi sẽ ốm thật nặng và bố mẹ tôi sẽ phải hối tiếc vì đã phạt
tôi”
“Tôi nhớ mình vẫn nghĩ “Họ thật ích kỷ. mình sẽ sửa họ. mình sẽ làm lại nhưng lần tới
mình sẽ không để bị bắt”
Càng trao đổi, các phụ huynh càng nhận thấy trừng phạt có thể dẫn đến cảm giác thù
ghét, trả đũa, bướng bỉnh, tội lỗi, mặc cảm và không xứng đáng. Nhưng họ vẫn lo lắng:
“Nếu tôi bỏ qua việc trừng phạt, tôi sẽ để con tôi trèo lên đầu”
“tôi sợ rằng mình sẽ mất biện pháp kiểm soát cuối cùng và mình trở nên bất lực”
Tôi hiểu những quan ngại của họ. Tôi nhớ có lần hỏi Dr. Ginott “khi nào thì phù hợp để
trừng phạt một đứa trẻ phớt lờ đi hoặc thách thức lại bạn? liệu có nên có hậu quả cho
những cư xử sai lệch của trẻ?”
Ông đã trả lời rằng một đứa trẻ nên biết đến hậu quả của việc làm sai trái của mình nhưng
không phải trừng phạt. ông cho rằng trong một mối quan hệ quan tâm lẫn nhau không nên
có sự trừng phạt.
Tôi hỏi thêm “Nhưng nếu một đứa trẻ tiếp tục không vâng lời, liệu có nên trừng phạt
trẻ?”
Dr. Ginott cho rằng vấn đề với trừng phạt là ở chỗ nó không có tác dụng, nó chỉ là sự né
tránh, đứa trẻ thay vì cảm thấy hối hận vì việc đã làm và nghĩ về việc sẽ sửa chữa thế nào,
nó sẽ bận tâm tưởng tượng ra những cách trả đũa. Nói cách khác, khi trừng phạt, chúng ta
đã khiến trẻ không còn tự minhf đối mặt với những sai trái của mình.
Cách suy nghĩ này – trừng phạt không có tác dụng vì nó là sự né tránh- rất rất mới đối với
tôi. Nó dẫn đến một câu hỏi khác: thế tôi phải làm gì khác?
Những giải pháp thay thế cho trừng phạt

1. Chỉ ra một cách để tỏ ra có ích


2. Biểu lộ sự phản đối mạnh mẽ (không tấn công tính cách của trẻ)
3. Diễn đạt kỳ vọng của bạn
4. Chỉ cho trẻ cách sửa chữa
5. Đưa ra một lựa chọn
6. Hành động
7. Cho trẻ tự chịu hậu quá của hành vi sai trái của mình

Thay vì “Rồi, khi nào bố về rồi con sẽ bị xử lý” Hãy nói (chỉ ra một cách để trẻ có ích)
“Con có thể giúp mẹ lựa ra ba quả chanh to đi”
Thay vì “Con hư quá. Con không được xem tivi tối nay” hãy nói (thể hiện sự phản đối)
“Mẹ không thích việc này. Những người đi siêu thị khác sẽ thấy rất phiền nếu trẻ con cứ
chạy lung tung”
Thay vì “Nếu mẹ thấy con chạy nhảy lần nữa. Mẹ sẽ đánh đấy” hãy nói (cho trẻ sự lựa
chọn) “Billy, không chạy nữa. Con có 2 lựa chọn: con có thể đi hoặc ngồi vào xe đẩy.
con chọn đi”
Thay vì “Mẹ phải đánh con, mẹ bảo con rồi mà không nghe” hãy nói (hành động: bế trẻ
vào xe đẩy) “mẹ thấy là con quyết định ngồi vào xe đẩy”.
Nhưng giả sử cậu bé hành xử tệ đến mức người mẹ buộc phải dời cửa hàng. Làm sao
đây? Ngày tiếp theo, không cần giảng giải hay thuyết giáo, bà để cho trẻ phải trải qua hậu
quả của việc làm của mình.
(Tranh) Trẻ: mẹ đi đâu đấy
Mẹ: mẹ đi siêu thị
Trẻ: con đi với
Mẹ: hôm nay thì không được
Trẻ: tại sao không?
Mẹ: con tự trả lời đi
Trẻ: vì hôm qua con chạy trong cửa hàng
Mẹ: con đoán đúng đấy
Trẻ: con xin lỗi, mẹ cho con một cơ hội đi
Mẹ: còn nhiều cơ hội khác cho con nhưng hôm nay mẹ sẽ đi một mình 
(Tranh, diễn đạt cảm xúc của bạn) “Bố rất bực vì cái cưa mới của mình lại bị để ngoài
trời cho rỉ”
(Tranh, diễn đạt kỳ vọng của bạn) “Bố mong rằng đồ của bố nếu con mượn sẽ được trả
lại ngay và còn tốt”
(Tranh, chỉ cho trẻ cách sửa) “Cái cưa này cần một ít bùi nhùi thép, rất nhiều mỡ và một
lớp dầu mỏng khi kết thúc để bảo vệ nó sau này”
Trẻ: vâng, để con làm
Đối với phần lớn trẻ, những cách trên là đủ để khuyến khích chúng hành động có trách
nhiệm hơn.
Nhưng giả sử đứa trẻ tiếp tục mượn và quên
(Tranh, cho trẻ một lựa chọn) “Con có thể mượn đồ của bố và trả. Hoặc con mất quyền sử
dụng chúng. Con chọn”
Nếu trẻ vẫn tiếp tục
(Tranh, hành động) Trẻ: Bố, hộp đồ của bố bị khóa
Bố: đúng, bố cần biết đồ của bố ở đúng chỗ bố để.
Giờ hãy xem xét một cách khác để xử lý một vấn đề kỷ luật dai dẳng. Cuối một buổi hội
thảo, một bà mẹ kể lại chuyện bà gặp khó khăn như thế nào khi buộc cậu con trai, Bobby,
về nhà đúng giờ. Bà kể về muôn vàn lý do của cậu bé, những lần thất hứa, và những đồng
hồ bị vỡ. Từ những tiếng than thở khắp phòng, có thể thấy câu chuyện này không hiếm.
tôi biến tình huống ban đầu thành câu chuyện dưới góc độ của Bobby. Rồi tôi viết 3 cách
khác nhau mà cha mẹ có thể xử lý tình trạng muộn thường xuyên của Bobby.
Câu chuyện của Bobby: mình thích ở lại trường chơi sau giờ học. mình biết mình phải về
nhà lúc 5h45 nhưng đôi khi mình quên mất. hôm qua và hôm trước, mình về nhà muộn.
Mẹ rất cáu nên hôm nay mình đinh ninh sẽ hỏi giờ cậu bạn. mình không muốn mẹ lại
quát mình nữa. Bạn bảo rằng đã 6h15 và thế là mình chạy về nhà. Mình giải thích rằng
mình đã nhớ hỏi giờ nhưng đã quá muộn và mình đã chạy về nhà nhanh nhất có thể.
Phản ứng đầu tiên của cha mẹ: mẹ có quá đủ lý do của con rồi. mẹ thấy là con không thể
tin được. Lần này, con sẽ bị phạt. tuần sau, ngày nào con cũng phải về nhà ngay và ở nhà.
Đừng nghĩ rằng con sẽ ngồ xem tivi vì dù mẹ không ở nhà mẹ cũng sẽ bảo người trông
trẻ không cho con xem tivi. Giờ con đi về phòng, bữa tối của con qua rồi.
Phản ứng thứ hai: Ôi, con toát hết mồ hôi rồi kìa. Để mẹ lấy khăn lau. Hứa với mẹ là con
đừng muộn nữa nhé. Con làm mẹ lo đấy. giờ đi rửa tay và nhanh lên vì bữa tối đang
nguội rồi. để mẹ hâm nóng lên.
Phản ứng thứ ba: con nói là con đã cố gắng và mẹ rất mừng vì điều đó. Nhưng mẹ vẫn
thất vọng. mẹ không muốn phải trải qua cảm giác lo lắng khi con về muộn nữa. mẹ mong
rằng khi con nói con có mặt ở nhà lúc 5h45, mẹ có thể trông cậy vào điều đó. Cả nhà đã
ăn rồi, không còn thịt gà cho con nữa nhưng nếu thích con có thể tự làm sandwich lấy.
Sau khi thảo luận, các phụ huynh cho rằng phản ứng thứ nhất hơn ác (đứa trẻ sẽ nghĩ “Mẹ
thật ác. Mình sẽ trả đũa”. Phản ứng thứ hai quá nhún nhường (đứa trẻ sẽ nghĩ “Mình sẽ
thoát dù có làm gì”). Phản ứng thứ ba được cho là vừa phải, bà mẹ quyết đoán nhưng
không quá nghiêm khắc (đứa trẻ sẽ nghĩ “Mẹ thật sự cáu, từ giờ mình nên về nhà đúng
giờ. mẹ tin tưởng vào mình thì mình không nên để mẹ thất vọng. và mình cũng không
thích phải tự làm sandwich”)
Sau khi tập luyện, người mẹ về nhà và thử cách cuối cùng. Nó có tác dụng được ba tuần.
rồi Bobby lại trở lại thói quen cũ. Người mẹ thực sự hết kiên nhẫn....
Đây là cách giải quyết tôi đưa ra cho nhóm
Để giải quyết vấn đề:

1.Nói với trẻ về cảm xúc và nhu cầu của trẻ


2.Nói về cảm xúc và nhu cầu của bạn
3.Thảo luận tìm ra một giải pháp phù hợp
4.Viết ra các ý tưởng mà không cần đánh giá
5.Quyết định chọn một giải pháp và đưa ra kế hoạch thực hiện

Tôi và mẹ bé đã thử luyện tập các phương án... và ở buổi gặp sau bà mẹ sung sướng kể
rằng bà đã thử và Bobby thích ý tưởng đó. Cuối cùng, hóa ra Bobby ghét đeo đồng hồ và
rằng nếu cả nhà có thể ăn muộn hơn 15 phút, cậu sẽ có thể nghe thấy tiếng còi 6h từ trạm
cứu hỏa và đó là tín hiệu cậu phải về nhà. “cho đến giờ, bà mẹ nói, cháu vẫn giữ lời”.
Điều cốt yếu của phương pháp này là “khi có xung đột giữa bố mẹ và con cái, chúng ta
đừng đối kháng nhau và lo rằng người này sẽ thắng, người kia sẽ thua. Thay vì đó hãy
dùng sức để tìm ra giải pháp tôn trọng nhu cầu của cả hai bên”. Chúng ta đang dạy trẻ
rằng chúng không phải là kẻ thù hay nạn nhân của chúng ta. Chúng ta cho chúng công cụ
để khiến chúng tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề chúng gặp phải – bây giờ,
khi chúng đang ở với chúng ta, và sau này, trong thời giới khó khăn, phức tạp đang chờ
đợi chúng.

PHẦN II. BÌNH LUẬN, CÂU HỎI VÀ CÂU CHUYỆN CỦA CÁC PHỤ HUYNH

CÂU HỎI
1.Nếu một đứa trẻ chưa biết nói sờ vào một thứ không nên sờ, có nên đánh vào tay trẻ
không?
Chỉ vì trẻ chưa nói không có nghĩa là chúng không lắng nghe và hiểu. trẻ nhỏ học hàng
ngày. Câu hỏi là chúng học được gì? Phụ huynh có hai sự lựa chọn: cô có thể đánh vào
tay trẻ nhiều lần, từ đó dạy trẻ rằng cách duy nhất để trẻ học không làm một điều gì là bị
đánh vào tay. Hoặc cô có thể đối xử với trẻ như một con người nhỏ bé nhưng có nhân
phẩm bằng cách cung cấp cho trẻ thông tin mà trẻ có thể sử dụng bây giờ và mãi mãi. Khi
cô đưa trẻ ra chỗ khác, cô có thể nói rõ ràng với trẻ rằng “dao không phải để liếm, con có
thể liếm cái thìa này”. Cô có thể phải lặp lại nhiều lần nhưng thông tin lặp lại nhiều lần
truyền tải một thông điệp khác hẳn với việc bị đánh nhiều lần.
2.Có sự khác nhau như thế nào giữa trừng phạt và hậu quả tự nhiên. Hay đấy là hai từ
khác nhau cho cùng một thứ?
Chúng tôi xem việc trừng phạt là việc cha mẹ cố ý tước khỏi trẻ một khoảng thời gian
hoặc gây ra nỗi đau để dạy cho trẻ một bài học. Hậu quả là kết quả tự nhiện của hành
động của trẻ. Câu chuyện của một người bố sau đây cho thấy sự khác nhau giữa trừng
phạt và hậu quả:
Cậu con trai của tôi muốn mượn chiếc áo mầu xanh của tôi vì như lời cháu, chiếc áo hợp
với chiếc quần bò mới của cháu. Tôi nói rằng “được nhưng phải cẩn thận đấy” rồi quên
đi. Một tuần sau, tôi muốn mắc áo và tìm thấy nó dưới một đống đồ bẩn trên sản phòng
của cháu. Phía sau lưng đầy phấn, và phía trước có những vết như sốt mỳ Ý. Tôi rấ cáu vì
đây không phải là lần đầu, rằng nếu cháu xuất hiện lúc đấy, tôi sẽ bảo cháu quên việc đi
xem trận bóng với tôi vào chủ nhật. tôi sẽ đưa vé của cháu cho người khác.
Nhưng sau đấy khi tôi nhìn thấy cháu, tôi đã bình tĩnh hơn nhưng vẫn tuôn ra một tràng.
Cháu nói rằng cháu rất tiếc này nọ. thế mà một tuần sau, cháu lại hỏi mượn. lần này tôi
nói “không được”. không giảng giải, không diễn thuyết. và cháu hiểu tại sao.
Một tháng sau, cháu lại hỏi mượn tôi một cái áo sơ mi để đi chơi với lớp. tôi bảo “Này,
trước khi bố cho mượn thứ gì, bố cần sự bảo đảm bằng giấy rằng cái áo này sẽ được trả
về nguyên trạng”. tối đó, tôi phát hiện một tờ giấy trên chồng thư của tôi, viết rằng “ thưa
bố, nếu bố cho con mượn áo, con sẽ bằng mọi cách giữ nó sạch sẽ....” tôi rất ấn tượng với
bức thư của cháu và thấy rằng nếu cháu đã mất công để viết ra, chắc cháu sẽ giữ lời. và
cuối cùng, cái áo đã được trả về tối hôm sau, treo ngay ngắn trên mắc, sạch sẽ.
3. Tuần trước, tôi phát hiện một đống vỏ cam và hạt trên ghế sofa. Khi tôi hỏi bọn trẻ “Ai
làm?”, chúng chỉ lẫn nhau. Nếu không nên tìm ra ai là thủ phạm để trừng phạt thì tôi
phải làm gì?
Câu hỏi “Ai làm?” thường dẫn đến câu trả lời tự động “không phải con”, rồi dẫn đến “thế
thì một trong hai đứa nói dối” chúng ta càng cố gắng moi sự thật, bọn trẻ càng to tiếng
bảo vệ sự vô tội của chúng. Khi chúng ta thấy điều gì đó làm ta bực mình, tốt hơn hết là
nên biểu thị sự tức giận hơn là cố tìm ra thủ phạm và trừng phạt.
“Mẹ rất bực mình khi thấy thức ăn vứt trên ghế. Vỏ cam sẽ làm ố sofa vĩnh viễn”
Lúc này, bạn có thể nghe thấy đồng thanh “Nhưng con không làm”... “Anh ý bắt con
làm”... “COn chó làm”...”Đấy là em bé làm”
Đây là cơ hội để bạn cho bọn trẻ biết
“Mẹ không quan tâm ai làm. Mẹ không cố trách mắng ai vì việc đã xảy ra. Mẹ muốn thấy
sự tiến bộ hơn sau này”
Nếu không trách mắng hay trừng phạt, chúng ta đã giải thoát trẻ để tập trung vào lãnh
trách nhiệm thay vì lo trả đũa.
“Mẹ muốn cả hai đứa dọn sạch vỏ và bã cam đi”
4. Cô nói rằng một cách thay cho trừng phạt là biểu thị sự phản đối của bạn. khi tôi làm
vậy, đứa trẻ trông rất tội lỗi và khổ sở suốt cả ngày khiến tôi cũng bực lây. Có phải là tôi
đã làm quá không?
Chúng tôi có thể hiểu nỗi lo của bạn. Dr. Selma Fraiberg trong cuốn “Magic Years” đã
viết “Đứa trẻ đôi khi cần thấy sự phản đối của chúng ta nhưng nếu chúng ta phản ứng
mạnh đến nỗi trẻ cảm thấy vô dụng và bị coi khinh, chúng ta đã lạm dụng sức mạnh làm
cha mẹ và có nguy cơ làm cho cảm giác tội lỗi và tự căm ghét bản thân nặng nề sẽ để lại
dấu ấn trong sự phát triển tính cách của trẻ”
Vì thế chúng tôi thấy, bất cứ khi nào có thể, bên cạnh sự phản đối của chúng ta, chúng ta
nên cố gắng giúp trẻ sửa chữa. Sau cảm giác tội lỗi ban đầu, trẻ cần có cơ hồi phục hồi
cảm giác tốt đẹp vào bản thân và tự nhìn nhận mình như một người được tôn trọng, có
trách nhiệm trong gia đình. Là cha mẹ, chúng ta có thể cho trẻ cơ hội đó.
“Mẹ rất bực. Em đang chơi vui cho đến khi con lấy đồ của em. Mẹ mong con tìm ra cách
nào đó làm cho em nín khóc đi”.
Những câu nói như vậy truyền cho trẻ thông điệp rằng “mẹ không thích việc con làm và
mẹ mong con sẽ giải quyết hậu quả”. Chúng ta hy vọng ra, sau này, khi là người lớn, khi
trẻ làm gì đó mà nó hối tiếc, nó sẽ tự nghĩ được rằng “mình phải làm gì để sửa đây, để
làm cho việc đúng trở lại” thay vì “những gì mình làm chứng tỏ mình là kẻ vô dụng đáng
bị trừng phạt”
5. Tôi không trừng phạt con nữa, nhưng giờ khi tôi mắng nó vì làm gì sai, nó nói “con
xin lỗi”. rồi ngày hôm sau, nó lại lặp lại. tôi phải làm gì?
Một số trẻ dùng câu xin lỗi để xoa dịu cha mẹ đang nổi giận. chúng xin lỗi rất nhanh và
cũng rất nhanh chóng lặp lại hành vi sai trái. Với những đứa trẻ như vậy, phải làm cho
chúng nhận ra rằng nếu chúng thực sự hối tiếc, cảm giác đó phải được chuyển thành hành
động. “Kẻ tái phạm” có thể được dạy rằng:
“Xin lỗi nghĩa là phải hành động khác đi”
“xin lỗi nghĩa là phải thay đổi”
“Mẹ mừng là con đã biết xin lỗi. đấy là bước đầu. tiếp theo mẹ mong con tự hỏi con sẽ
làm gì về chuyện đó”

KINH NGHIỆM CỦA CÁC BẬC CHA MẸ

Con gái 4 tuổi của tôi, Marnie, luôn là một đứa trẻ khó nuôi. Nó khiến tôi phát điên đến
mức tôi không tự kiểm soát được. Tuần trước, tôi về nhà và thấy cháu đang tô mà lên
tường phòng cháu. Tôi rất cáu và nện cho cháu một trận nên thân. Rồi tôi bảo cháu tôi sẽ
tịch thu bút chì màu của cháu và làm thật. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy và nghĩ mình chết
mất. cháu lấy son của tôi và bôi khắp phòng tắm. tôi muốn treo cổ nó len nhưng kìm lại
được. Cố bình tĩnh, tôi hỏi cháu “Marnie, có phải con làm thế này vì con giận mẹ đã lấy
bút chì của con không?” Cháu gật đầu. Tôi nói “Mẹ rất, rất thất vọng khi tường bị vẽ bẩn.
Mẹ sẽ rất mất công lau tường sạch”
Các bạn biết cháu làm gì không? Cháu lấy giẻ và bắt đầu lau sạch vết son. Tôi chỉ cháu
cách dùng xà phòng và nước và cháu lau suốt 10 phút. Khi cháu gọi tôi vào để chỉ cháu
đã lau sạch gần hết các vết son. Tôi cảm ơn cháu và trả lại cháu bút chì màu, thêm một ít
tờ giấy để cháu vẽ. Đã một tháng trôi qua và cháu chưa vẽ lại trên tường.
Tuần trước tôi nhận được một cú điện thoại từ giáo viên toán của Donny. Cô có vẻ đang
rất cáu. Cô kể rằng con trai tôi không làm kịp bài tập, cháu thường gây rắc rối trong lớp,
cháu vẫn chưa thuộc bảng cửu chương và có lẻ phải áp dụng kỷ luật hơn với cháu ở nhà.
Tôi cảm ơn cô nhưng trong lòng rất bối rối. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là “nó phải bị phạt.
nó sẽ không được xem tivi ở nhà cho đến khi nó thuộc bảng cửu chương và bắt đầu
ngoan ngoãn ở lớp”. may thay, tôi có một tiếng để dịu đi trước khi cháu về nhà. Khi
Donny về nhà, chúng tôi đã nói chuyện với nhau:
Tôi: cô K. gọi điện hôm nay và có vẻ rất thất vọng
Donny: vầng, cô ấy lúc nào cũng thất vọng vị chuyện gì đó
Tôi: mẹ thấy đây là chuyện nghiệm trọng khi mẹ phải nhận điện thoại từ trường. cô nói
rằng con hay phá quấy trong lớp và con chưa nhớ bảng cửu chương.
Donny: Mitchell cứ lấy sách đánh vào đầu con nên con cũng đánh trả lại
Tôi: con nghĩ là con phải trả đũa à?
Donny: trả đũa là gì ạ?
Tôi: là đáp trả lại 
Donny: vâng, thỉnh thoảng bạn lại viết cho con một tờ giấy và làm con cáu lên. Rồi bạn
đá vào ghế con đến khi con trả lời.
Tôi: chẳng trách con không làm xong bài
Donny: con chỉ nhớ bảng cửu chương đến 6, con chưa thuộc 7 và 8
Tôi: Donny, con có nghĩ con sẽ dễ tập trung hơn nếu con và Mitchell không ngồi gần
nhau trong lớp không?
Donny: con không biết... có thể... con sẽ học bảng cửu chương đến 7 và 8
Tôi: mẹ nghĩ cần cho cô K biết. chúng ta sẽ viết cho cô một lá thư. Con thấy thế nào.
Donny gật đầu và tôi lấy bút giấy để viết cùng với Donny....
Chúng tôi cùng ký và hôm sau cháu mang đến trường. Tôi biết đã có sự thay đổi vì khi
cháu về nhà, điều đầu tiên cháu nói với tôi là cô K. đã đổi chỗ cho cháu và “quan tâm đến
cháu”.
Đây là câu chuyện từ một người mẹ ngồi im, chỉ lắc đầu trong mấy buổi gặp đầu tiên ở
cuộc hội thảo của chúng tôi. Ở buổi gặp thứ 4, bà kể câu chuyện sau: tôi không tin có thứ
gì còn có tác dụng với con trai tôi. Van là một đứa cực bướng, rất khó trị. Điều duy nhất
cháu chịu là khi bị phạt. Tuần trước, tôi suýt ngất khi hàng xóm bảo rằng thấy con tôi tự
băng qua đường ở một ngã tư đông đúc mà trước đó cháu đã bị cấm tuyệt đối. Tôi không
biết phải làm gì. Tôi đã tịch thu xe đạp, tivi và cả tiền tiêu vặt... giờ chẳng còn gì. Tuyệt
vọng, tôi quyết định áp dụng một số điều mà mọi người trao đổi ở đây. Khi về nhà, tôi
bảo cháu “Van, chúng ta có chuyện này. Đây là điều mẹ nghĩ con cảm thấy. con muốn
sang đường khi con cần mà không phải nhờ ai đi cùng. Có đúng không?” Cháu gật đầu.
“Đây là suy nghĩ của mẹ. mẹ rất lo khi một đứa trẻ 6 tuổi băng qua một ngã tư nguy hiểm
nơi đã có rất nhiều tai nạn. Khi có vấn đề chúng ta cần một giải pháp. Con hãy suy nghĩ
về việc đó và kể cho mẹ sau khi ăn tối nhé”. Van mở miệng định nói nhưng tôi bảo
“Không phải bây giờ. đây là một việc quan trong, cả hai chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo.
Chúng ta sẽ nói chuyện khi bố về nhà”. Tối hôm đó, tôi kể cho chồng và bào anh chuẩn
bị chỉ lắng nghe. Van rửa tay và nhanh chóng ngồi vào ghế. Khi bố vừa vào phòng, cháu
nói rất phấn khích “Con đã có cách. Mỗi tối, khi bố đi làm về. bố và con sẽ ra ngã tư và
bố sẽ chỉ cho con cách xem đèn giao thông và khi nào thì đi được” Cháu ngừng một chút
và nói tiếp “Và vào sinh nhật thứ 7, con sẽ tự sang đường một mình”. Chồng tôi xém ngã
khỏi ghế. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đã đánh giá thấp con mình. 

LƯU Ý TRONG TỪNG BƯỚC KHI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ


CÂU HỎI VỀ PHẦN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Nếu kế hoạch bạn và con bạn nhất trí với nhau có tác dụng được một thời gian rồi thôi
thì làm sao?
Đấy chính là lúc sự quyết tâm của chúng ta được thử thách. Chúng ta có thể quay lại
thuyết giảng và trừng phạt hay quay lại bàn bạc. “mẹ buồn rằng cách của chúng ta không
có tác dụng nữa. Mẹ thấy mẹ lại phải làm việc của con và mẹ không thể chấp nhận được
việc đó. Liệu chúng ta nên thử lại cách cũ? Hay chúng ta thử xem điều gì làm nó hỏng?
hay chúng ta tìm ra cách khác?”
Là người lớn, chúng ta nhận ra rằng không có giải pháp nào là mãi mãi. Cách hợp với
đứa trẻ 4 tuổi chưa chắc đã hợp với đứa 5 tuổi. Cách có tác dụng vào mùa đông chưa
chắc đã vào mùa xuân. Cuộc sống là một quá trình liên tục điều chỉnh và tái điều chỉnh.
Điều quan trọng với trẻ là chúng thấy mình là một phần của giải pháp thay vì là một phần
của vấn đề.
2. Có phải lúc nào bạn cũng phải làm tất cả các bước để giải quyết vấn đề?
Không, vấn đề có thể được giải quyết ở bất kỳ bước nào. Đôi khi chỉ đơn giản là miêu tả
các nhu cầu trái ngược nhau đã có thể dẫn đến một giải pháp nhanh chóng.
Mẹ: chúng ta có vấn đề này. Con muốn mẹ đưa con đi trượt ván. Mẹ thì muốn xếp quần
áo và chuẩn bị bữa tối.
Trẻ: thế con có thể giúp mẹ gấp quần áo và khi về con sẽ giúp mẹ làm bữa tối.
Mẹ: mẹ nghĩ điều đấy được đó
3. Nếu chúng tôi làm tất cả các bước nhưng vẫn không nhất trí được một giải pháp nào.
Chúng tôi phải làm gì?
Điều đó có thể xảy ra. Nhưng cũng chắc mất gì. Khi thảo luận vấn đề, mỗi người đã hiểu
hơn về nhu cầu của người kia. Trong những tình huống khó, chỉ thế cũng đã là rất tốt.
4. Nếu trẻ không chịu ngồi xuống và giải quyết vấn đề. Chúng tôi phải làm sao?
Có nhiều trẻ không thích phương pháp này. Đối với những trẻ như vậy, note có thể có tác
dụng.
5. Có phải phương pháp này chỉ có tác dụng với trẻ lớn tuổi?
Cha mẹ của trẻ nhỏ đã kể lại họ cũng gặp thành công với phương pháp này
1.KHUYẾN KHÍCH SỰ ĐỘC LẬP
Phần lớn sách nuôi dạy trẻ bảo chúng tôi rằng mục tiêu quan trọng nhất của bố mẹ là giúp
con cái tách khỏi chúng ta, giúp chúng trở thành những cá thể độc lập một ngày nào đó có
thể tự sống không cần chúng ta. Chúng ta được khuyến khích đừng nghĩ đến con cái như
bản sao nhỏ của chúng ta hay là bản cải biên của chúng ta mà như một người độc lập với
tính khí, thẩm mỹ, cảm xúc, mong muốn và mơ ước khác chúng ta.
Nhưng làm sao để giúp? Bằng cách cho phép chúng tự làm việc, tự vật lộn với vấn đề của
chúng và tự học từ sai lầm của chính mình.
Nói thì dễ hơn làm. Tôi vẫn nhớ cảnh đứa lớn nhà tôi vật lộn tự thắt giày mà tôi kiên
nhẫn nhìn được 10 giây rồi cúi xuống làm cho cháu. Và các con gái tôi chỉ cần kể rằng
cháu đang cãi nhau với bạn là tôi nhảy vào khuyên nhủ ngay.
Làm sao tôi có thể để chúng học từ lỗi lầm của mình nếu tất cả những gì chúng cần là
nghe lời tôi?
Bạn có thể nghĩ “Có gì tệ nếu giúp trẻ buộc dây giầy, giải quyết xung đột với bạn và
trông chừng để chúng không mắc sai lầm? chẳng phải, rốt cuộc, trẻ con nhỏ tuổi và ít
kinh nghiệm hơn. Chúng thực sự phải phụ thuộc vào người lớn”
....
Có cách nào để giảm thiểu sự phụ thuộc của trẻ? Có cách nào để trẻ trở thành người có
trách nhiệm có thể sống tự lập. Đây là một số kỹ năng có thể giúp trẻ dựa vào mình hơn
là chúng ta.
1. Cho phép trẻ đưa ra sự lựa chọn
2. Thể hiện sự tôn trọng với nỗ lực của trẻ
3. Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi
4. Đừng vội trả lời câu hỏi
5. Khuyến khích trẻ tìm những cách từ bên ngoài
6. Đừng làm trẻ mất hy vọng
CHO TRẺ ĐƯỢC LỰA CHỌN
(tranh) “Con thích mặc quần xám hay quần đỏ?”
“Con thích uống nửa hay cả cốc nước quả”
“Năm phút nữa chúng ta sẽ về. Con thích đi cầu trượt một lần nữa hay đi chơi xích đu?”
“Con thích thế nào? Tập đàn bây trước hay sau bữa tối”
Đây là những lựa chọn giúp cho trẻ có cơ hội tuyệt vời để tập ra quyết định. Rất khó để
làm người lớn buộc phải ra quyết định về sự nghiệp, cuộc sống, bạn bè mà không có
nhiều kinh nghiệm tự đánh giá”
THỂ HIỆN SỰ TÔN TRỌNG NỖ LỰC CỦA TRẺ
(tranh)
Thay vì “Nào, đưa lọ đây mẹ mở cho” hãy nói “cái lọ này rất khó mở. con hãy thử dùng
thìa gõ vào nắp xem”
Thay vì “sao con đi giầy lâu thế” hãy nói “Thắt dây giầy đòi hỏi ngón tay phải rất khéo”
Thay vì “cộng phân số dễ ợt. để bố làm cho” hãy nói “cộng phân số có thể khó. Không dễ
tìm ra mẫu số chúng đâu”
Khi nỗ lực của trẻ được tôn trọng, chúng sẽ đủ can đảm để cố gắng hoàn tất công việc
ĐỪNG HỎI QUÁ NHIỀU CÂU HỎI
Thay vì “Cô nhận xét bài luận của con thế nào? Con có qua được bài kiểm tra toán
không? Có ai về nhà chơi với con không? Không à? Sao thế?” hãy nói “chào con, con về
rồi đấy à?”
Quá nhiều câu hỏi có thể bị coi là xâm phạm sự riêng tư của mỗi người. Trẻ sẽ nói về
việc chúng muốn nói khi chúng muốn nói.
ĐỪNG VỘI TRẢ LỜI
Thay vì “Bố, mưa từ đâu tới?/ Mưa được gây ra bởi sự bốc hơi và tích tụ độ ẩm. quá trình
này diễn ra như sau...” hãy nói “Bố, mưa từ đâu tới?/ Đây là câu hỏi hay đấy. con nghĩ
thế nào?”
Thay vì “Sao tuần nào bà cũng đến?/ Vì bà yêu chúng ta, bà lại sống ở gần đây,...” hãy
nói “Sao tuần nào bà cũng đến?/ con nghĩ sao. Sao tuần nào bà cũng thực sự đến thăm
chúng ta?”
Khi trẻ hỏi. chúng có quyền được tự tìm câu trả lời trước đã
KHUYẾN KHÍCH TRẺ TÌM SỰ GIÚP ĐỠ TỪ BÊN NGOÀI
“bố, mấy con cá thiên thần của con có vẻ ốm? Con có thể làm gì?/ Bố nghĩ, người bán thú
nuôi có khi biết đấy”
“tất cả các bạn con đều được ăn kẹo cao su. Mẹ mua cho con một ít/ Để mẹ hỏi nha sỹ
xem ông ý nghĩ thế nào về việc nhai kẹo cao su nhé”
...
Chúng ta muốn trẻ biết rằng chúng không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ra. Thế giới
ngoài kia- cửa hàng thú nuôi, nha sỹ,...- tất cả đều có thể nhờ giúp để giải quyết vấn đề
của chúng
ĐỪNG LÀM MẤT HY VỌNG
(tranh)
Trẻ: mẹ. con đang muốn thử vai chính của vở kịch ở trường. mẹ có nghĩ là con sẽ được
nhận không?
Mẹ: thay vì “mẹ không muốn làm có thất vọng nhưng con chưa có kinh nghiệm diễn xuất
gì sao con lại xin vai chính? Sao con không xin một vai nhỏ hơn?” hãy nói “con sẽ thử à?
Đấy sẽ là một kinh nghiệm cho con đấy”
...
Khi chúng ta cố gắng bảo vệ trẻ khỏi sự thất vọng, chúng ta đang bảo vệ chúng khỏi hy
vọng, cố gắng, mơ ước và đôi khi khỏi những thành công mà chúng có thể đạt được.
Mặc dù rất nhiều những kỹ năng trên nhìn ban đầu có vẻ thông dụng nhưng chúng không
hề đơn giản. phải quyết tâm và luyện tập để nói với trẻ theo cách sẽ nuôi dưỡng sự độc
lập của trẻ.
Tôi biết rằng ý tưởng khuyến khích trẻ tự làm chủ những chi tiết trong cuộc sống của
chúng có tính cách mạng đối với chính tôi. Tôi vẫn còn nghe thấy bà mình khen ngợi
người hàng xóm “thật là một người mẹ tuyệt vời. có gì mà bà ý không làm cho con”. Tôi
lớn lên với niềm tin rằng người mẹ tốt phải làm các việc cho con. Chỉ có điều tôi còn đẩy
thêm một bước nữa, tôi nghĩ cho chúng. Kết quả? Mỗi ngày, mỗi vấn đề nhỏ, luôn là một
cuộc chiến ý chí, kết thúc bằng cảm giác tồi tệ với tất cả mọi người.
Khi cuối cùng tôi học được cách chuyển giao cho trẻ trách nhiệm vốn thuộc về trẻ, tâm
trạng của mọi người đều được cải thiện. đây là cái đã giúp tôi: khi nào tôi cảm thấy mình
bắt đầu bực bội hoặc tham gia, tôi tự hỏi “mình có lựa chọn nào không? Tôi có quá lạm
quyền không? Tôi có thể để trẻ nắm quyền được không?”
Các bài tập để đánh giá tình hình...
Sự thật là công cuộc khuyến khích sự độc lập của trẻ không dễ dàng. Dù chúng ta hiểu
tầm quan trọng của việc trẻ được độc lập, luôn có những tác nhân khiến chúng ta làm
ngược lại. đầu tiên, là sự thuận tiện. Phần lớn chúng ta ngày nay đều bận rộn, vội vã.
Chúng ta đánh thức trẻ dậy, cài cúc áo, bảo chúng ăn cái này, mặc cái kia vì điều đó
nhanh hơn và dễ hơn.
Tiếp theo chúng ta lại phải đương đầu với sự gần gũi giữa chúng ta với con cái. Chúng ta
phải chống lại việc nhìn nhận thất bại của chúng như là của chúng ta. Thật khó khi để
những người gần gũi và thân yêu của chúng ta phải vật lộn và mắc sai lầm khi chúng ta
chắc rằng một vài lời thông thái có thể bảo vệ chúng khỏi nỗi đau và sự thất vọng.
Chúng ta cũng phải tự kiềm chế và thiết quân luật đối với bản thân rất nhiều để không sa
vào việc khuyên bảo, đặc biệt khi chúng ta chắc chắn về câu trả lời. tôi biết rằng đến hôm
nay, khi nào con tôi hỏi “Mẹ, mẹ nghĩ con nên làm thế nào?” tôi vẫn phải tự trấn áp mình
để không buột mồm ra những lời khuyên.
Nhưng còn có những điều lớn hơn ảnh hưởng đến mong ước đúng đắn của chúng ta về
việc cách ly con cái. Tôi vẫn nhớ cảm giác hài lòng sâu xa từ việc mình cần thiết như thế
nào đối với ba con người nhỏ bé. Vì thế, tôi vừa buồn vừa vui khi phát hiện ra rằng đồng
hồ cơ học đánh thức bọn trẻ tốt hơn tôi, khi tôi từ bỏ việc đọc sách trước giờ ngủ lúc trẻ
bắt đầu tự đọc được.
Chính là cảm xúc trái ngược về sự độc lập ngày càng lớn của trẻ làm tôi hiểu được câu
chuyện của một cô giáo mầm mon. Cô kể rằng cô phải cố thuyết phục một người mẹ trẻ
rằng con trai cô sẽ không sao dù mẹ không ngồi trong phòng học nữa. Năm phút sau khi
người mẹ về, Jonathan muốn đi vệ sinh. Khi cô giáo dục, cậu lầm bầm buồn bã “Con
không thể” Cô hỏi “Tại sao không?” “Vì mẹ không ở đây” Jonathan giải thích “Mẹ luôn
vỗ tay khi con xong”. Cô giáo nghĩ một lúc rồi nói “Jonathan, con có thể đi vệ sinh và tự
vỗ tay khi con xong”. Jonathan mở to mắt ngạc nhiên. Cô giáo dẫn cậu đến nhà vệ sinh
và chờ. Sau một vài phút, từ sau cánh cửa khép kín, cô nghe thấy tiếng vỗ tay. Cuối ngày,
người mẹ gọi cho cô giáo kể rằng lời đầu tiên Jonathan nói khi về nhà là “mẹ, con có thể
tự vỗ tay, con không cần mẹ nữa”. “Cô có tin không”, cô giáo bảo, “người mẹ nói rằng bà
thực sự buồn vì điều đó”.
Tôi có thể tin điều đó. Tôi có thể tin rằng bên cạnh sự tự hào về sự tiến bộ của con cái và
niềm vui từ sự trưởng thành của chúng, vẫn có nỗi đau và sự trống trải khi không còn
được cần đến nữa.
Đó là con đường vừa ngọt ngào vừa cay đắng mà cha mẹ chúng ta phải đi qua. Chúng ta
bắt đầu với sự tận tâm hoàn toàn với một đứa trẻ nhỏ bé, không tự lực. Qua năm tháng,
chúng ta lo lắng, lên kế hoạch, an ủi và cố gắng thấu hiểu. chúng ta bỏ ra tình yêu, công
sức, kiến thức và cả kinh nghiệm để rồi một ngày con cái sẽ có sức mạnh và sự tự tin để
rời bỏ chúng ta.
PHẦN I. BÌNH LUẬN, CÂU HỎI VÀ CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
BÌNH LUẬN
1. Hãy để trẻ được lựa chọn
Nó có vẻ vụn vặt khi hỏi một đứa trẻ muốn uống một cốc sữa đầy hay vơi; ăn bánh mỳ
nướng kỹ hay xém; nhưng với đứa trẻ, mỗi lựa chọn nhỏ là một cơ hội để thực hành việc
kiểm soát cuộc sống của chính trẻ. Một đứa trẻ phải làm quá nhiều thứ vì thế không khó
hiểu tại sao trẻ hay cáu kỉnh và dở chứng.
“con phải uống thuốc này”
“Đừng có gõ lên bàn nữa”
“Đi ngủ đi”
Nếu chúng ta cho trẻ lựa chọn cách làm một việc, thường thì sẽ đủ để trẻ đỡ chống đối.
“mẹ hiểu là con ghét uống thuốc này. Thế có dễ hơn nếu chọn uống với nước táo hay bia
gừng?”
“Tiếng gõ làm mẹ khó chịu. Con có thể dừng gõ và ở lại đây hoặc con có thể về phòng
mà gõ. Con chọn đi”
“Bây giờ bố mẹ phải nói chuyện và đến giờ con đi ngủ rồi. con muốn đi ngủ ngay hay
con muốn nằm chơi trên giường một lát và gọi bố mẹ khi muốn bố mẹ đắp chăn cho”
Một số phụ huynh thấy không thoải mãi với kỹ năng này. Họ cho rằng những lựa chọn bị
bố mẹ đưa ra không hẳn là lựa chọn và cũng chỉ là một cách để khuôn phép trẻ. Một sự
phản đối dễ hiểu. Một giải pháp khác là cho trẻ tự nghĩ ra các lựa chọn có thể chấp nhận
được với tất cả mọi người. 
Đây là câu chuyện của một ông bố: tôi và vợ đang sang đường cùng với Tony – 3 tuổi- và
đứa em. Tony không thích chúng tôi nắm tay nên cố gắng giằng tay ra ngay giữa đường.
Trước khi sang đường, tôi bảo “Tony, bố thấy con có hai lựa chọn. Con có thể nắm tay
mẹ hoặc tay bố. Hay con có ý tưởng nào khác không”. Tony nghĩ một lúc rồi bảo “Con sẽ
nắm xe đẩy”. Chúng tôi thấy sự lựa chọn của cháu hoàn toàn ổn.
2. Thể hiện sự kính trọng đối với nỗ lực của trẻ
Chúng ta thường nghĩ rằng khi chúng ta bảo trẻ một thứ gì đó là dễ, chúng ta đang
khuyến khích trẻ. Nhưng giờ chúng ta nhận thấy rằng khi nói “Thử đi, dễ mà” chúng ta
không hề tạo thuận lời hơn cho cháu. Nếu trẻ thành công khi làm gì “dễ”, trẻ sẽ cảm thấy
thành công không có gì đáng kể. Nếu trẻ thất bại, trẻ sẽ không làm những việc gì mà sau
này chúng ta bảo “dễ”.
Mặt khác, nếu chúng ta bảo “không dễ đâu”, “có thể khó đấy”, trẻ sẽ suy ra những điều
ngược lại. Nếu trẻ làm được, trẻ sẽ có cảm giác tự hào vì làm một điều gì đó khó. Nếu trẻ
thất bại, ít nhất trẻ cũng có được cảm giác an ủi rằng nhiệm vụ của mình quả khó khăn.
Một số cha mẹ cảm thấy giả tạo khi nói “có thể khó đấy”. Nhưng nếu họ nhìn từ góc độ
của một đứa trẻ non nớt, họ sẽ nhận ra rằng những lần đầu tiên làm một việc gì đó đều
khó (tránh nói “việc này có thể khó với con đấy”, trẻ có thể nghĩ là “sao chỉ với mình?
Không với người khác?”.
Một số phụ huynh khác phàn nàn rằng họ không thể chịu được việc đứng đó và nhìn trẻ
vật lộn mà không giúp gì ngoài việc tỏ ra thông cảm. nhưng thay vì tiếp nhận cộng việc
và làm thay trẻ, bạn có thể đưa ra một số lời khuyên”
“đôi khi có ích nếu con kéo khóa xuống tận cùng trước khi kéo lên đấy”
Chúng tôi thích cụm từ “đôi khi có ích” vì nếu nó không đúng thì trẻ sẽ không cảm thấy
kém cỏi.
Liệu điều đó có nghĩa là chúng ta không bao giờ làm cho trẻ những việc trẻ có thể tự
làm? Chúng tôi tin rằng cha mẹ sẽ tự nhận biết được khi nào thì trẻ mệt mỏi, muốn được
chú ý hơn và thậm chí là cưng nựng hơn một chút. Đôi khi, trẻ sẽ được an ủi rất nhiều
nếu được chải tóc, đi tất dù bạn có thể hoàn toàn tự làm. Chừng nào mà chúng ta, như là
những người làm cha mẹ, nhận thức được rằng mục tiêu chính của chúng ta là giúp trẻ tự
lập, chúng ta có thể an tâm thỉnh thoảng chiều chuộng trẻ một chút.
3. Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi
Một người mẹ nói rằng bà cảm thấy mình không phải là bà mẹ tốt khi không hỏi con các
câu hỏi. Nhưng bà rất ngạc nhiên khi thấy một khi bà dừng việc dội các câu hỏi lên con
và lắng nghe với sự quan tâm khi trẻ nói, con bà thực sự cởi mở hơn.
Như thế có phải là bạn không bao giờ nên hỏi câu hỏi? Không hề. điều quan trọng là phải
biết được ảnh hưởng của những câu hỏi của bạn.
LƯU Ý. Một câu hỏi phổ biến thường khiến trẻ thấy áp lực là “Hôm nay con có vui
không?” quả là một gánh nặng đối với trẻ. Không những trẻ phải đi đến nơi đó (có thể là
trường, trại,...) mà còn phải tự cảm thấy phải thích nơi đó. Nếu trẻ không thích, trẻ vừa
phải đối mặt với dự thất vọng của chính mình giờ lại thêm cả của cha mẹ. Trẻ cảm thấy
đã làm cha mẹ thất vọng vì không thích nơi đó.
1. Đừng vội trả lời câu hỏi
Trong quá trình lớn lên, trẻ hỏi vô vàn những câu hỏi
...
Cha mẹ thường cảm thấy áp lực với những câu hỏi này và cố gắng suy nghĩ câu trả lời
tức thì, phù hợp. Áp lực mà họ tự gánh lấy là không cần thiết. Thường khi trẻ hỏi một câu
gì đó, nó đã suy nghĩ đôi chút về câu trả lời. Điều trẻ cần là một người lớn lắng nghe để
giúp trẻ khám phá tiếp những suy nghĩ của mình. Luôn có thời gian cho người lớn để đưa
ra câu trả lời “đúng” khi nó vẫn còn cần thiết.
Khi trả lời trẻ ngay, chúng ta không giúp gì chúng. Nó giống như chúng ta làm hộ chúng
bài tập trí óc. Sẽ có ích hơn nhiều nếu xoay câu hỏi để trẻ tự khảm phá tiếp
“con nghĩ đi”
“con nghĩ thế nào?”
Chúng ta có thể khen ngợi người hỏi
“con đang hỏi một câu quan trọng đấy – câu này các nhà triết học đã hỏi câu này hàng thế
kỷ rồi”
Không cần phải vội vã. Việc tìm ra câu trả lời cũng có giá trị như chính câu trả lời.
2. Khuyến khích trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài
Một cách để làm trẻ đỡ phụ thuộc vào gia đình mình là chỉ ra rằng một cộng đồng lớn
hơn ngoài gia đình mình có những nguồn giúp đỡ rất quý giá có thể sử dụng. Thế giới
không phải là một nơi xa lạ.
Ngoài những ích lợi rõ ràng cho trẻ, cha mẹ cũng sẽ đỡ gánh nặng. Bác sỹ ở trường có
thể nói với trẻ quá cân về thói quen ăn uống hợp lý, nha sỹ có thể giải thích hậu quả đối
với răng nếu không đánh răng. Đôi khi những nguồn bên ngoài này lại có trọng lượng
hơn bố mẹ.
3. Đừng làm mất hy vọng
Rất nhiều niềm vui trong đời nằm ở việc mơ mộng, tưởng tượng, kỳ vọng, lên kế hoạch.
Nếu chúng ta phòng ngừa cho trẻ khỏi khả năng thất vọng, chúng ta cũng tước khỏi
chúng những trái nghiệm quan trọng trên.
Một người bố kể với chúng tôi rằng cô con gái 9 tuổi của ông rất say sưa với ngựa. Một
hôm, cháu hỏi bố mua cho cháu một con ngựa. Ông nói rằng ông phải cố kiềm chế không
nói với con rằng chuyện đó là không thể vì lý do tiền bạc, không gian và quy định của thị
trấn. thay vào đó, ông nói “Vậy con ước có một con ngựa à. Kể cho bố đi nào”. Rồi ông
lắng nghe cô bé kể lể chi tiết cháu sẽ cho ngựa ăn như thế nào, dạy ngựa thế nào và cho
ngựa đi dạo hàng ngày thế nào. Chỉ nói về giấc mơ cũng đủ. Cô bé chưa bao giờ thực sự
thúc giục bố mua ngựa. Nhưng sau cuộc nói chuyện, cháu bắt đầu mượn sách từ thư viện,
vẽ các bức tranh ngựa, và bắt đầu tiết kiệm tiền để mua đất cho ngựa. Một vài năm sau,
cháu xin làm việc ở trại ngựa để xin thỉnh thoảng được cưỡi ngựa. Khi 14 tuổi, sự say mệ
với ngựa bắt đầu giảm dần. Một hôm, cháu tuyên bố cháu sẽ mua một chiếc xe đạp 10 tốc
độ bằng “tiền ngựa”.
MỘT SỐ CÁCH KHÁC ĐỂ KHUYẾN KHÍCH SỰ ĐỘC LẬP
1. Để trẻ sở hữu cơ thể mình
Tránh những việc vuốt tóc khỏi mắt trẻ, sửa vai thẳng, phủi bụi ở quần áo, dắt áo vào
quần, sửa cổ áo. Trẻ coi những việc này là xâm phạm sự riêng tư của trẻ.
2. Đứng ngoài những tiểu tiết trong cuộc sống của trẻ
Rất ít trẻ thích nghe những câu như “sao con cứ dí mũi vào giấy thế”, “ngồi thẳng lưng
dậy”, “gạt tóc ra khỏi mắt”, “con dùng tiền tiêu vặt vào cái đó à? Mẹ thấy lãng phí quá”.
Nhiều trẻ phản ứng với sự cáu kỉnh “Mẹ...” “Booooo ố”. Dịch ra là “ đừng có phiền con
nữa. để con yên. Đấy là việc của con”
3. Đừng nói về trẻ khác trước mặt cháu – dù trẻ nhỏ thế nào
Hãy hình dung bạn đứng cạnh mẹ mình khi bà nói chuyện với hàng xóm
“hồi lớp một, cháu rất sợ phải đọc nhưng bây giờ cháu đã làm tốt hơn rồi”
“đừng để ý đến cháu. Cháu hơi nhát”
Khi trẻ nghe thấy người lớn nói về mình, chúng cảm thấy mình như là đồ vật – thuộc sở
hữu của bố mẹ
4. Để trẻ tự trả lời cho mình
Rất nhiều lần, cha mẹ khi có mặt trẻ được hỏi những câu như:
“Johnny có thích đi học không?”
“Nó có thích em bé không?”
...
Nếu thực sự tôn trọng trẻ, bạn nên để trẻ tự trả lời những câu này.
5. Thể hiện sự tôn trọng với sự sẵn sàng muộn màng của trẻ
Đôi khi, một đứa trẻ muốn một thứ gì đó rất nhiều nhưng chưa sẵn sàng vì lý do thể chất
hoặc tinh thần. VD: trẻ muốn dùng nhà vệ sinh như người lớn nhưn chưa thể. Trẻ muốn
đi bơi như những đứa trẻ khác nhưng lại sợ nước. Trẻ muốn ngừng mút ngón tay nhưng
lại cần làm thế khi mệt.
Thay vì bắt buộc, thúc giục và thậm chí làm trẻ ngượng, chúng ta nên thể hiện sự tin
tưởng rằng trẻ rồi sẽ sẵn sàng
“mẹ không lo. Khi nào con sẵn sàng, con sẽ xuống nước”
“rồi sẽ đến lúc con dùng bồn cầu như bố mẹ”
6. Trông chừng việc có quá nhiều “Không”
Làm cha mẹ, rất nhiều lần chúng ta phải ngăn các mơ ước của con cái. Một số đứa trẻ coi
những lời nói “không” quá thẳng thừng là những lời tuyên chiến, một sự tấn công trực
tiếp vào sự tự chủ của chúng. Chúng sử dụng tất cả sức lực để chống đối. chúng la hét,
cáu kỉnh, nói tục, sưng mặt, xả vào cha mẹ những câu như “sao lại không? Bố thật ích
kỷ... con ghét bố”.
Điều đó thật mệt mỏi ngay cả với những phụ huynh kiên nhẫn nhất. chúng ta có thể làm
gì? Nhượng bộ? nói “có” với mọi thứ? Rõ ràng là không. Chúng ta có một số cách khác
để cha mẹ có thể vẫn giữ quan điểm mà không gây ra xung đột.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THAY THẾ CHO “KHÔNG”
A. Đưa thông tin (loại từ “không”)
Trẻ: con có thể đến nhà Suzie chơi không
Thay vì nói “Không, con không thể” hãy đưa ra một thực tế “năm phút nữa chúng ta ăn
rồi”
B. Chấp nhận cảm xúc
Trẻ (ở sở thú): con chưa muốn về. chúng ta không ở lại được sao?
Thay vì nói “Không, chúng ta phải về ngay” hãy chấp nhận cảm xúc của trẻ “Mẹ có thể
thấy là nếu chỉ phụ thuộc vào con, con sẽ ở lại lâu lâu nữa. thật khó để bỏ đi khi con đang
thích”
C. Miêu tả vấn đề
Trẻ: mẹ có thể đưa con đến thư viện được không
Thay vì nói “Không, con phải đợi đấy” hãy mô tả vấn đề “mẹ muốn giúp con. Vấn đề là
thợ điện sẽ đến đây trong vòng nửa tiếng”
D. Khi có thể hãy thay “Không” bằng “Có”
Trẻ: chúng ta có thể đi ra sân chơi không?
Thay vì nói “Không, con chưa ăn trưa mà” hãy nói “Đồng ý. Ngay sau khi ăn trưa xong
nhé”.
E. Hãy giành thời gian suy nghĩ
Trẻ: con có thể ngủ lại ở nhà Gary không?
Thay vì nói “Không, con đã ở đó tuần trước rồi” hãy suy nghĩ “Để mẹ nghĩ đã”. Một câu
nói nhỏ có thể đạt được 2 mục đích: khiến trẻ bớt căng thẳng (ít nhất trẻ biết yêu cầu của
mình đang được xem xét tử tế) và cho cha mẹ kịp nghĩ về cảm nhận của mình

Khi chúng tôi nhắc đến việc đưa ra lời khuyên có thể can thiệp vào sự tự chủ của trẻ, rất
nhiều cha mẹ liền có ý kiến. Họ cảm thấy như vậy là đi quá xa, sao họ lại không có quyền
chia sẻ kiến thức của người làm cha mẹ. Một bà mẹ đã hỏi như sau:
“Con gái tôi, Julie, không biết có nên dự sinh nhật của bạn cháu không vì cháu không
thích một số cô gái ở đó hay thì thầm và gán cho người khác các biệt danh. Có gì sai nếu
tôi khuyên cháu cứ nên đi vì nếu không, cháu sẽ làm thất vọng bạn mình?”
Khi bạn ngay lập tức khuyên trẻ, bạn khiến trẻ cảm thấy ngu ngốc, thù nghịch hoặc bực
mình. Khi một đứa trẻ tự hình dung ra nó muốn gì, nó sẽ càng tự tin và sẵn lòng gánh lấy
trách nhiệm về quyết định của mình.
“Có phải bà nói rằng tôi không nên làm gì khi con tôi gặp vấn đề? Một đôi lần tôi bảo
Julie “Đấy là vấn đề của con, con tự giải quyết lấy đi” cháu rất thất vọng”
Trẻ cảm thấy bị tổn thương và bỏ rơi khi cha mẹ lờ đi vấn đề của chúng. Nhưng giữa một
thái cực là lờ đi hoàn toàn và thái cực lập tức khuyên nhủ, có rất nhiều thứ cha mẹ có thể
làm:
a) Giúp con tháo gỡ các vướng mắc trong suy nghĩ và cảm xúc....
b) Đặt lại vấn đề theo cách khác...
c) Chỉ ra những nguồn giúp đỡ bên ngoài...
Khi cha mẹ khuyến khích sự độc lập
Tuần tiếp theo của cuộc hội thảo, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện từ các phụ
huynh
...
Tôi luôn cắt thức ăn cho Rachel vì tôi chưa dám cho cháu dùng dao. Nhưng cuối cùng tôi
mua một con dao nhựa và giờ cháu cảm thấy rất người lớn khi cháu tự cắt thức ăn của
mình
... 
Tôi bảo con trái “Con có 20 phút nữa là đến giờ đi ngủ. Con có thể tiếp tục tô màu và đi
ngủ ngay hoặc con có thể thay đồ bây giờ và có thời gian chơi đèn ngủ trên giường. ngay
lập tức cháu đi thay đồ, đánh răng,...
Tôi thường gặp rắc rối với việc mặc quần áo cho đứa con 4 tuổi của tôi. Giờ tôi để cháu
chọn muốn mặc gì thì mặc khi ở nhà. Vào ngày đến trường, tôi chọn ra 2 bộ trên giường
và cho cháu chọn.
...
Jody hỏi tôi “tại sao chúng ta không đi nghỉ ở những nơi như Bermuda hay Florida”. Tôi
gần như chuẩn bị trả lời cháu nhưng nhớ ra là không nên. Tôi hỏi “Tại sao chúng ta lại
không”. Cháu bắt đầu nhảy quanh bếp và nói “Con biết, vì nó quá đắt. chúng ta có thể đi
đến sở thú”
...
Tôi ngày càng thuần thục việc đứng ngoài những cuộc cãi nhau của trẻ con. Tôi bảo
chúng là tôi tin chúng có thể tự dàn xếp và phần lớn thời gian, chúng tự làm được.
...
Robby luôn ăn quá nhiều bánh quy. Vì thế tôi thường giấu đi và chỉ đưa từng cái một. sau
buổi gặp lần trước, tôi mang về nhà một gói bánh và đặt trên bàn. Tôi bảo cháu “Robby,
bố sẽ không là cảnh sát bánh quy nữa. đây là hộp duy nhất cho cả tuần này. Con có thể
quyết định ăn lúc nào, ăn bao nhiêu” và chỉ có thế. Tôi không phải nói thêm một lời nào.
Cháu chỉ lấy 2 cái mỗi ngày và 3 cái vào cuối tuần. Tôi cũng thường ngồi kèm cháu học
bài vào buổi tối và chúng tôi thường hét lên với nhau. Một tối, tôi đi ra phòng khách và
đọc báo. Robby bào “ Bố, khi nào thì bố giúp con làm bài?” tôi trả lời “bố tin là con sẽ tự
làm được”. Khi tôi cho cháu đi ngủ, cháu bảo “con đã làm hết bài tập. con yêu bố”. Tối
hôm sau, cháu bảo muốn nói một chuyện với tôi. Tôi hỏi “chuyện gì thế?” “từ giờ, con
muốn là chính mình. Được không ạ?” “Được thôi”. Một lúc sau tôi bảo cháu “đến giờ đi
ngủ rồi, Robby. Thay quần áo và nhớ đánh răng nhé”. “con biết rồi bố. bố nhớ là con là
chính mình rồi đấy” 
1. KHEN NGỢI
PHẦN I.
Ngày xửa, ngày xưa, có hai cậu bé 7 tuổi tên là Bruce và David. Cả hai đều có hai bà mẹ
yêu họ rất mực.
Mỗi ngày của mỗi cậu bé bắt đầu khác nhau. Điều đầu tiên Bruce nghe thấy khi thức giấc
là “Dậy thôi, Bruce. Con sẽ lại đi học muộn đấy. Bruce dậy khỏi giường, tự mặc quần áo,
trừ đi giầy- và xuống ăn sáng. Bà mẹ nói “giầy con đâu, con định đi đến trường chân
không à? Nhìn con mặc gì thế. Cái áo len màu xanh trả ăn nhập gì với áo sơ mi màu xanh
lá cây cả.....”
David sống bên kia đường. điều đầu tiên cậu nghe thấy mỗi sáng là “Bảy giờ rồi, David.
Con muốn dậy ngay hay thêm 5 phút nữa?” David trở người và ngáp “5 phút nữa ạ”. Một
lát sau, cậu xuống ăn sáng, quần áo chỉnh tề, trừ giầy. mẹ cậu nói “A, con đã mặc đồ rồi
à. Con chỉ còn phải đi giầy nữa thôi....”
Bruce và David cùng học chung một lớp. trong giờ học, cô giáo nói “các em, tuần sau
chúng ta sẽ diễn vở kịch nhân dịp ngày Columbus Day. Chúng ta cần một người tình
nguyện sơn một tấm biển chào mừng thật sặc sỡ. chúng ta cũng cần một người tình
nguyện rót và phục vụ nước chanh cho khách sau buổi diễn. Và cuối cùng, chúng ta cần
một số người tình nguyện đi đến các lớp 3 khác để mời mọi người đến dự buổi diễn của
chúng ta”. Một số trẻ giơ tay ngay lập tức, một số trẻ giơ một cách rụt rè, một số thì
không giơ tay.
Câu chuyện của chúng ta dừng ở đây. Đó là tất cả những gì chúng ta biết. những gì xảy ra
sau đấy, chúng ta chỉ có thể đoán. Nhưng chắc chắn nó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hãy
dành thời gian suy nghĩ 3 câu hỏi sau và tự trả lời:
Liệu David có xung phong tự nguyện không?
Bruce thì sao?
Đâu là mối quan hệ giữa việc trẻ nghĩ về mình và sự sẵn sàng chấp nhận thách thức hay
nguy cơ thất bại?
Đâu là mối liên hệ giữa việc trẻ nghĩ về mình và mục tiêu chúng sẽ tự đặt ra cho mình?
Trong khi bạn nghĩ, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của tôi. Dĩ nhiên, vẫn có những trẻ có khả
năng vượt qua việc chúng bị coi thường ở nhà để vươn lên vượt qua những thách thức ở
thế giới bên ngoài. Và dĩ nhiên, có những trẻ được đối xử trân trọng ở nhà vẫn hoài nghi
khả năng của mình và thu mình lại trước thách thức. Tuy nhiên, thông thường, trẻ lớn lên
trong gia đình nơi tôn trọng những điều tốt đẹp nhất của chúng sẽ có nhiều khả năng tự
đánh giá tốt về mình và dễ đương đầu với thử thách trong cuộc sống, dễ đặt ra những
mục tiêu cao hơn so với những trẻ không có may mắn trên.
...
Nếu lòng tự tôn của một đứa trẻ là quan trọng, cha mẹ chúng ta có thể làm gì để khuyến
khích nó? Tất nhiên, tất cả các nguyên tắc và kỹ năng mà chúng ta đã bàn đến đều để
giúp trẻ nhìn nhận mình như một người có giá trị. Mỗi lần chúng ta thể hiện sự tôn trọng
với cảm xúc của chúng, mỗi lần chúng ta cho trẻ một cơ hội lựa chọn, một cơ hội giải
quyết vấn đề, trẻ sẽ càng tự tin và tự tôn.
Chúng ta còn có thể làm gì hơn không?
Chắc chắn KHEN NGỢI là một cách trả lời. Nhưng khen ngợi đôi khi cũng có thể lả một
việc phức tạp. đôi khi lời khen ngợi với ý tốt có thể gây ra những phản ứng không ngờ.
.....
Khen ngợi có thể khiến bạn nghi ngờ người khen ngợi
Khen ngợi có thể dẫn đến việc phủ nhận ngay lúc đấy
Khen ngợi có thể trở thành đe dọa 
Khen ngợi có thể khiến bạn tập trung vào điểm yếu của mình
Khen ngợi có thể gây ra lo lắng à ảnh hưởng đến việc đang làm
Khen ngợi có thể bị hiểu là điều khiển
Tôi nhớ sự bực mình của tôi khi cố gắng khen ngời bọn trẻ. Chúng đem khoe tôi một bức
tranh và hỏi “Có đẹp không?”. Tôi sẽ nói “Đẹp quá”. Chúng hỏi “Nhưng có tốt không?”
tôi nói “Tốt? mẹ vừa bảo con là đẹp... là tuyệt vời”. chúng sẽ nói “Mẹ không thích nó”.
Tôi càng tâng bốc, tôi càng khó thoát. Tôi chưa bảo giờ hiểu được phản ứng của chúng.
Sau buổi họp đầu tiên với Dr. Ginott, tôi bắt đầu nhận ra tại sao con tôi lại phản đổi lời
khen của tôi ngay khi tôi vừa đưa ra. Ông bác sỹ chỉ cho tôi rằng những lời của tôi như
tốt, tuyệt vời, đẹp... khiến trẻ không thoải mái vì những vấn đề với khen ngợi mà chúng ta
vừa đề cập ở trên. Quan trọng hơn, tôi học được từ ông rằng một lời khen ngợi có ích
phải có 2 phần:
1. Người lớn mô tả với sự khen ngợi những gì mà họ nhìn hoặc cảm thấy
2. Trẻ, sau khi nghe sự mô tả, có thẻ tự khen ngợi bản thân mình.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi thử áp dụng lý thuyết này vào thực tế. con trai bốn tuổi của
tôi đi nhà trẻ về, đưa cho tôi một tờ giấy ngoằn nghoèo bút vhif và hỏi “có giỏi không?”.
Tôi nói “Ồ, mẹ thấy con vẽ những vòng tròn, vòng tròn,...đường ngoằn nghoèo,...chấm,
chấm, ... sổ sổ...” “vâng” cháu phấn khởi gật đầu. tôi hỏi “sao con có thể nghĩ ra cách vẽ
thế nhỉ?” cháu nghĩ một lúc rồi trả lời “vì con là nghệ sỹ”. tôi nghĩ “thật là hay. Người
lớn mô tả và trẻ thực sự ca ngợi mình”
(Tranh)...
Tôi phải thú nhận rằng lúc đầu tôi rất nghi ngờ phương pháp mới này. Mặc dù nó có tác
dụng một lần nhưng suy nghĩ rằng phải thay đổi cáh khen ngợi khiến tôi thấy bối rối. Sao
tôi phải từ bỏ những từ “Tuyệt... tuyệt vời...” đến rất tự nhiên với tôi và tìm ra cách khác
để diễn đạt sự hào hứng thực sự của tôi? Nhưng tôi vẫn thử, lúc đầu là nghĩa vụ nhưng về
sau tôi nhận ra rằng con tôi bắt đầu thực sự khen ngợi chúng.
....
Trẻ thực sự nhân thức được và đánh giá bản thân cao hơn. Chỉ điều đó cũng đáng để tôi
tiếp tục nỗ lực.
Luyện tập cách khen ngợi....
PHẦN II. BÌNH LUẬN, CÂU HỎI VÀ CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
Chúng tôi nhận thấy rằng cha mẹ tỏng nhóm rất hào hứng kể cho nhau nghe những sự
tiến bộ của con cái.
“Danny đã tự đặt đồng hồ được 3 ngày và tự dậy buổi sáng. Tôi quá mừng”
Nhưng khi chúng tôi hỏi trẻ đã nhận thức được sự hoan nghênh của cha mẹ với chúng
chưa, họ thường bối rối. dường như hoan nghênh một hành vi tốt không đến dễ dàng.
Chúng ta thường quen với việc chỉ trích thì nhanh nhưng lại rất chậm khen ngợi.
....
LƯU Ý.
1. Phải chắc rằng lời khen ngợi của bạn phù hợp với lưa tuổi của con cái
Khi một em bé được khen “mẹ thấy con ngày nào cũng đánh răng”, trẻ sẽ rất tự hào
nhưng nếu nói điều đó với một trẻ vị thành niên, chúng sẽ cảm thấy bị sỉ nhục
2. Tránh những kiểu khen ngợi nhắc đến điểm yếu hoặc thất bại trước đây
“Ồ, cuối cùng con đã chơi được đoạn nhạc theo đúng cách nó nên được chơi rồi đấy”
...
3. Chú ý rằng sự hào hứng quá mức sẽ ảnh hưởng đến mong muốn tự cố gắng của trẻ.
Đôi khi sự phấn khích liên tục hay hài lòng thái quá của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy
áp lực
...
4. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng hành động mà bạn khen ngợi trẻ có thể sẽ được lặp lại rất
nhiều lần.
.....

6. GIẢI PHÓNG TRẺ KHỎI VAI DIỄN


PHẦN I
Tôi vẫn còn nhớ giây phúc khi con trai tôi, David, vừa chào đời. Năm giây trôi qua và
cháu vẫn chưa thở. Tôi sợ phát khiếp. Y tá vỗ vào lưng cháu. Vẫn không phản ứng. Sự
căng thẳng thật khủng khiếp. cô ý tá nói “anh chàng này bướng ghê”. Vẫn không phản
ứng. một lúc sau, cuối cùng cháu cũng khóc – tiếng hét chói tai của một trẻ sơ sinh. Sự
khuây khỏa của tôi thật không tả nổi. nhưng rồi sau đó tôi tự nhủ “nó có thật sự bướng
không nhỉ?”. Khi tôi đưa cháu về nhà, tôi đã nhét lời nhận xét của y tá vào chỗ của nó –
lời nói ngốc nghếch của một người ngốc nghếch. sao lại có thể đặt điều cho một đứa trẻ
có nửa phút tuổi.
Nhưng rồi những năm sau đó, cứ mỗi lần cháu khóc không dừng dù tôi có vỗ, ru thế nào
hay khi cháu không chịu ăn một loại thức ăn mới, khi cháu không chịu ngủ, khi cháu
không chịu lên xe buýt đến nhà trẻ, khi cháu không chịu mặc áo len vào một ngày lạnh,
suy nghĩ đó lại lướt qua đầu tôi “Bà y tá cũng đúng đấy. nó đúng là bướng”.
Tôi đáng nhẽ phải hiểu biết hơn. Sau bao nhiêu khóa học tâm lý tôi đã học đã cảnh bảo về
nguy hiểm của những tiên đoán tự nhận. Nếu bạn gắn cho một đứa trẻ mác chậm hiểu, trẻ
sẽ tự coi mình là chậm hiểu. Nếu bạn coi một đứa trẻ là hư, trẻ cũng sẽ cho bạn thấy nó
có thể hư như thế nào. Gắn mác cho trẻ là một việc phải tuyệt đối tránh. Điều an ủi duy
nhất là tôi biết tôi không phải là người duy nhất. 
Tôi vẫn thường băn khoăn việc trẻ bị gắn biệt hiệu thường bắt đầu như thế nào. Sau nhiều
năm lắng nghe những gì diễn ra trong các gia đình, tôi nhận thấy rằng việc gắn trẻ vào
một tính cách nào đó thường bắt đầu rất vô thức. ví dụ, một sáng, Mary bảo với anh “lấy
cho em kính”. Đứa anh bảo “đi mà lấy đi, đừng có ra lệnh”. Một lúc sau, bé nói với mẹ
“chải tóc hộ con và nhớ gỡ hết các chỗ rối nhé”. Bà mẹ nói “Mary, con lại ra lệnh rồi”.
một lúc sau, bé nói với bố “ Đừng nói nữa. con đang xem ti vi” Bố đáp “Rõ, xin nghe bà
chủ lớn”.
Cứ thế, dần dần, đứa trẻ được gắn mác bắt đầu diễn vai diễn của mình. Cuối cùng, mọi
người đều gọi Mary là thích ra lệnh, ai cũng nghĩ bé là như thế.
Bạn có thể tự hỏi “ liệu có thể nghĩ về con bạn như thích ra lệnh miễn là đừng gọi tên đó
ra được không”. Đây là một câu hỏi quan trọng. Liệu việc cha mẹ nghĩ về trẻ như thế nào
có ảnh hưởng đến cách trẻ nghĩ về mình không?
...
Đôi khi chỉ mất vài từ, một cái nhìn, một cách nói để bạn thấy rằng bạn đang bị coi là
“chậm hiểu, ngu nhốc”...Những gì cha mẹ nghĩ về bạn có thể thấy ngay trong một vài
giây. Nhân một vài giây mỗi giờ với số giờ cha mẹ con cái thường tiếp xúc với nhau, bạn
sẽ nhận thấy tầm ảnh hưởng của việc cha mẹ đánh giá con cái đối với trẻ, không chỉ ở
cảm xúc của chúng mà cà hành vi.
Khi một đứa trẻ bị gắn mác, điều gì có thể xảy ra? Liệu trẻ có phải đóng vai này suốt đời?
Liệu trẻ có mắc kẹt với nó hay có thể được giải thoát để trở thành một người khác mà trẻ
có khả năng tiến tới?
Sau đây là sáu kỹ năng giúp bạn giải phóng trẻ khỏi những vai tính cách
1.hãy tìm kiếm cơ hội để chỉ cho trẻ thấy một khía cạnh khác của mình
2.đặt trẻ vào những tình huống giúp chúng có thể nhìn nhận mình khác đi
3.để trẻ nghe lỏm được những điều tích cực bạn nói về trẻ
4.làm mẫu những hành vi mà bạn muốn trẻ học theo
5.hãy lưu giữ/ ghi nhớ những khoảng khắc đặc biệt của con bạn
6.khi trẻ hành động theo mác cũ, hãy nói cảm xúc và/ hoặc mong đợi của bạn
1.TÌM CƠ HỘI ĐỂ CHỈ CHO TRẺ THẤY MỘT KHÍA CẠNH KHÁC CỦA MÌNH
(Tranh, trẻ bị coi là phá đồ chơi) “Con có đồ chơi đấy từ năm 3 tuổi mà con vẫn giữ được
như mới đấy”
(tranh, trẻ hay phàn nàn) “Com muốn ăn bánh sandwich kẹp bơ lạc”. “Mẹ thích việc con
nói rõ quan điểm của con nhưng không trách lỗi ai”
(tranh, chậm hiểu) “mẹ suýt gọi thợ điện đến nơi. May mà con nghĩ ra là phích cắm có
thể bị lỏng. sao con nghĩ ra được điều đó nhỉ”
1.ĐẶT TRẺ VÀO TÌNH HUỐNG KHIẾN CHÚNG CÓ THẺ NHÌN NHẬN MÌNH
KHÁC ĐI
(tranh, trẻ bị coi là hư) “Jonny, chiều nay mẹ không ở nhà. Mẹ giao cho con quyền cho
chó ăn và dắt chó đi dạo”
(tranh, trẻ lãnh đãng) “Chúng ta cần hai bình sữa. Con nghĩ là nên cho tiền vào ví hay túi
của con?”
(tranh, vụng về) “Sara, con có thể dùng cái tuốc vít này và vặn các con ốc ở ngăn kéo
được không”
(tranh, tham lam) “Tommy, hãy chia số kẹo này sao cho bạn nào cũng nhận được số kẹo
bằng nhau”
1.HÃY ĐỂ TRẺ NGHE LỎM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU TÍCH CỰC BẠN NÓI VỀ TRẺ
...
1.LÀM MẪU NHỮNG HÀNH VI BẠN MUỐN TRẺ HỌC THEO
(tranh, trẻ bị coi là kém đương đầu với thất bại) “Mẹ nghĩ là con đánh bại mẹ rồi đấy. Mẹ
thích thắng hơn nhưng mẹ có tinh thần thượng võ nên mẹ sẽ chúc mừng con”
...
1.HÃY LƯU GIỮ NHỮNG KHOẢNG KHẮC ĐẶC BIỆT CỦA TRẺ
(tranh, trẻ vụng về) “Hôm nay con không nhảy qua dây được trong giờ tập thể dục, cô
giáo bảo con vụng về” “Mẹ đoán là cô không biết con rõ như mẹ thôi. Mẹ nhớ lúc con ba
tuổi, mẹ bị nhốt bên ngoài, con đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ, chạy ra mở cửa từ bên
trong cho mẹ vào....”
1.KHI TRẺ HÀNH ĐỘNG THEO MÁC CŨ, HÃY NÓI RÕ CẢM XÚC VÀ KỲ VỌNG
CỦA BẠN
(tranh, trẻ tham lam) “Bánh này phải được chia cho cả nhà. Bố mong con có thể tự nói
không với bản thân mình”
...
Những kỹ năng giúp trẻ nhìn nhận mình khác đi không chỉ giới hạn ở những kỹ năng
trong chương này. Tất cả những kỹ năng bạn đã thực hành trong sách này đều giúp mở
cánh cửa cho sự thay đổi. ví dụ, một người mẹ thường gọi con trai là “đãng trí” đã viết
giấy cám ơn con vì đã tự thấy mình là một người có thể nhớ khi muốn
“George thân yêu,
Thầy giáo âm nhạc của con gọi cho mẹ hôm nay nói rằng con không mang kèn của con đi
hai buổi tập với dàn nhạc vừa rồi. mẹ tin rằng con sẽ tìm ra cách để tự nhắc mình nhớ từ
nay trở đi”.
Một người bố quyết định dùng kỹ năng giải quyết vấn đề thay vì gọi con là côn đồ.
“Jason, bố biết là con cáu khi đang cố tập trung vào bài tập nhưng anh con cứ huýt sáo.
Nhưng đánh nhau là không được. con có thể nghĩ ra cách nào khác để có được sự im lặng
con đang cần không?”
Liệu bạn có thấy khó không – ý tưởng phải giúp trẻ nhìn nhận mình khác đi? Tôi không
biết còn yêu cầu nào khó hơn với cha mẹ không. Khi một đứa trẻ hành động lặp đi lặp lại
trong một thời gian, chúng ta phải cực kỳ kiềm chế mới không hét lên và lại thúc đẩy
những hành vi xấu “con lại thế rồi”. nó đòi hỏi ý chí rất lớn để dành ra thời gian suy tính
một kế hoạch cẩn thận để giải phóng trẻ khỏi vai mà trẻ vẫn phải diễn.
...
Nếu bạn có thời gian hãy đặt và trả lời những câu hỏi sau:
1. liệu con tôi có bị gắn mác nào khác ở nhà, trường, bởi bạn bè hay họ hàng? Tính cách
bị gắn là gì
2. những tính cách đấy có gì tích cực
3. bạn muốn con bạn nghĩ về mình như thế nào
Sau đó hãy dùng những kỹ năng trên để khắc phục
Bài tập bạn vừa hoàn thành là điều tôi đã tự thực hiện nhiều năm trước đây. Điều gì đã
khiến tôi? Một tối, tôi đón David từ lớp học hướng đạo sinh, thầy hướng dẫn ra hiệu cho
tôi vào phòng kế bên. Thái độ của thầy có vẻ cáu kỉnh. “tôi muốn nói chuyện với chị về
David. Chúng tôi có một vài vấn đè với cháu. David không chịu tuân theo chỉ dẫn. khi
cháu có y tưởng gì đó là không ai có thể lay chuyển cháu. Cháu cứ làm theo cách của
mình và không lắng nghe ai cả. nói thật là, các bạn khác bắt đầu chán cháu. Cháu làm mất
rất nhiều thời gian của nhóm. ở nhà cháu có bướng như thế không?”
Tôi không nhớ tôi đã trả lời thế nào. Tôi nhớ đã lắp bắp gì đó, đẩy David vào xe và nhanh
chóng rời đi. David im lặng trên đường về nhà, tôi thì vặn to radio - mừng thầm vì không
phải nói chuyện. Nhưng dạ dầy tôi đang cuộn thắt. tôi cảm thấy David cuối cùng đã bị
“phát hiện”. suốt bao nhiêu năm, tôi đã giả vờ rằng cháu chỉ hơi bướng bỉnh ở nhà – với
tôi, bố cháu, hai em. Nhưng giờ không thể lảng tranh sự thật. thế giới bên ngoài đã khẳng
định điều mà tôi không muốn đối mặt. David dúng là cứng nhắc, bướng bỉnh, không lay
chuyển.
Tôi thức chong chong hàng giờ đêm đó, trách David đã không giống những đứa trẻ khác
và trách tôi đã bao nhiêu lần gọi cháu là “đồ con la” hay “Con bò bướng bỉnh”. Và tôi bắt
đầu nghĩ cách để giúp David. Có một điều mà tôi chắc chắn. quan trọng là tôi không hùa
theo mọi người và đẩy David lún sâu hơn vào vai của cháu. Vai trò của tôi là tìm và
khẳng định những gì tốt nhất của cháu. Cháu “mạnh mẽ” và “quyết tâm” nhưng cháu
cũng có đầu óc cởi mở và linh hoạt. Đây chính là phần cần phải củng cố.
Tôi lập một danh sách các kỹ năng để giúp trẻ nhìn nhận mình khác đi.... đây là những gì
tôi nghĩ được:
1.hãy tìm kiếm cơ hội để chỉ cho trẻ thấy một khía cạnh khác của mình “David, con đồng
ý đi thăm bà với cả nhà mặc dù con rất muốn ở nhà chơi với bạn. điều đó chứng tỏ con
rất biết nhường mọi người”
2.đặt trẻ vào những tình huống giúp chúng có thể nhìn nhận mình khác đi “Mỗi người
nhà mình lại muốn đi đến một nhà hàng khác nhau. David có khi con có thể nghĩ ra một
cách gì đó để chấm dứt thế bế tắc này đi”
3.để trẻ nghe lỏm được những điều tích cực bạn nói về trẻ “Bố, David và mẹ đã nghĩ ra
một thỏa thuận sáng nay. Con không muốn đi ủng. em thì không muốn con bị ướt chân.
Cuối cùng con đã nghĩ ra cách là đi đôi giày cũ và mang theo một đôi tất khô và một đôi
giày tốt để thay”
4.làm mẫu những hành vi mà bạn muốn trẻ học theo “Mẹ rất thất vọng. mẹ đã rất mong
được xem phim tối nay và bố lại nhắc mẹ rằng mẹ đã đồng ý đi xem bóng rổ. Ừm, nhưng
mẹ nghĩ mẹ có thể hoãn bộ phim lại vào tuần tới cũng được”
5.hãy lưu giữ/ ghi nhớ những khoảng khắc đặc biệt của con bạn “mẹ nhớ là lúc đầu con
rất ghét đi đến trường thiếu sinh quân, nhưng rồi con bắt đầu nghĩ về nó, đọc về nó, nói
chuyện với một vài bạn khác đã đến đó. Và cuối cùng con đã tự quyết định sẽ đi”
6.khi trẻ hành động theo mác cũ, hãy nói cảm xúc và/ hoặc mong đợi của bạn “David, đối
với mọi người ở đám cưới, mặc quần bò là một dấu hiệu bất kính, như thể con nói “đám
cưới này chẳng quan trọng”. vì thế dù con ghét phải mặc comple và đeo cà vạt, mẹ mong
con sẽ mặc một cách phù hợp”
bài tập này đã thay đổi cách tôi đối xử với David. Nó giúp tôi nhìn cháu dưới một góc độ
khác và đối xử khác. Không có kết quả nào đáng kể ngay tắp lự. có những ngày mọi
chuyện tốt đẹp. dường như tôi càng trân trọng khả năng ứng xử linh hoạt của David, cháu
càng có thể hành động như vậy. nhưng cũng vẫn có những ngày tồi tệ. cơn giận dữ và
bực bội lái tôi trở lại vạch xuất phát và tôi thấy mình lại đang la hét với cháu.
Cậu bé ngày nào giờ đã lớn. Chỉ mới gần đây, khi cháu không lắng nghe theo lý lẽ (tức là
quan điểm của tôi), tôi quá thất vọng đến nỗi tôi quên mất bản thân và buộc tội cháu là
“đầu bò”
Cháu có vẻ giật mình và im lặng trong một lúc “Mẹ thấy con thế à?’ cháu hỏi
Tôi ừm ừ đầy ngượng ngùng
“cám ơn mẹ”, cháu nói nhẹ nhàng “nhờ có mẹ, con có quan điểm khác về mình”
PHẦN II. CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
Trong buổi họp về áp đặt trẻ một tính cách, tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi nghĩ đến đoạn tôi
đã khó khăn với GREG như thế nào và đã nói những điều rất tồi tệ “mẹ ước con có thể
nhìn thấy bản thân mình. Con hành động như một thằng khùng” “tại sao con cứ làm mọi
người bị chậm lại vậy” “mẹ nghĩ là mẹ không thể hy vọng hơn ở con. Đáng nhẽ mẹ phải
biết con hư như thế nào” “rồi con sẽ không có bạn” “con cư xử cho đúng đi. Con cứ như
thằng 2 tuổi vậy” “con ăn uống bẩn thỉu quá. Con không bao giờ học được cách ăn cho tử
tế”. tôi nghĩ về cháu như kẻ thù và không bao giờ tha cho cháu. Thêm vào đó, tuần này
tôi lại phải gặp cô giáo của cháu và cô phàn nàn về việc cháu kém chín chắn như thế nào.
Trước đấy, có lẽ tôi cũng đồng ý với cô nhưng hôm đấy tôi thấy như có cả tấn gạch đè
lên mình. Tôi hình dung ra tình trạng này không thể tồi hơn nữa vì vậy tôi quyết định thử
một số thứ từ buổi gặp của chúng ta. Lúc đầu tôi thấy mình quá tức giận để có thể tỏ ra
nhẹ nhàng. Tôi biết Greg cần có những phản hồi tích cực nhưng tôi hầu như không thể
nói chuyện với cháu. Vì vậy, tôi viết cho cháu lần đầu tiên cháu làm được một việc đúng:
Greg thân yêu,
Hôm nay mẹ có một ngày dễ chịu. con đã giúp mẹ ra xe đúng giờ. con đã tự dậy, mặc
quần áo và đợi mẹ.
Cám ơn con.
Mẹ
Một vài ngày sau tôi phải đưa cháu đến nha sỹ. Như thường lệ, cháu bắt đầu chạy khắp
nơi. Tôi tháo đồng hồ ra, đưa cho cháu và nói “mẹ biết con có thể ngồi im 5 phút”. Cháu
có vẻ ngạc nhiên nhưng cũng ngồi xuống và im lặng cho đến khi nha sỹ gọi cháu vào.
Sau khi đến nha sỹ, tôi đã làm một việc tôi chưa từng bao giờ làm. Tôi đưa cháu đi uống
sô cô la nóng. Chúng tôi thực sự nói chuyện với nhau. Tối đó, khi tôi cho cháu đi ngủ, tôi
nói với cháu rằng mình rất thích thời gian hai mẹ con bên nhau.
Tôi thấy thật khó tin rằng những điều nhỏ nhặt như thế có thể thay đổi Greg nhưng thực
tế, cháu có vẻ muốn làm tôi hài lòng hơn, điều đó thật khích lệ tôi. Ví dụ, cháu để sách và
áo khoác trên sàn nhà bếp. thường thì thế là đủ để tôi hét lên với cháu. Nhưng thay vì thế,
tôi nói với cháu rằng tôi phát cáu vì phải nhặt các đồ cháu vứt lung tung nhưng tôi tin
rằng từ giờ cháu sẽ nhớ đặt các thứ đúng chỗ.
Lúc ăn tôi, tôi cố không chỉ trích cách ăn của cháu. Tôi chỉ nói khi cháu làm gì đó quá tệ
và khi đó tôi chỉ nói một lần.
Tôi cũng cố gắng trao cho cháu nhiều trách nhiệm hơn với hy vọng cháu sẽ cư xử trưởng
thành hơn. Tôi bảo cháu lấy quần áo khỏi máy sấy, dỡ đồ từ túi đi chợ và cất đúng chỗ và
những thứ tương tự. tôi còn để cháu tự đảo trứng của mình trong bữa sáng (và tôi phải nín
chặt mồm khi vài mảnh trứng rơi ra sàn)
Tôi đã sợ phải nói ra vì sợ xui nhưng quá thật, cháu xử sự tốt lên rất nhiều. có thể vì tôi
cũng tốt hơn với cháu.
***
Heather là con nuôi. Từ ngày đầu tiên cháu về với chúng tôi, cháu đã là một niềm vui. Và
cháu tiếp tục là một đứa trẻ dễ thương, đáng yêu. Tôi không chỉ nghĩ về cháu như niềm tự
hào và niềm vui của mình mà còn nói với cháu nhiều lần trong ngày rằng cháu đã đem lại
hạnh phúc cho tôi. Phải cho đến khi tôi đọc chương về vai diễn của trẻ tôi mới tự hỏi phải
chăng tôi đã áp đặt một gánh nặng quá lớn lên cháu khi phải “ngoan” và là “niềm hạnh
phúc” của tôi. Tôi cũng tự hỏi liệu có những cảm xúc khác bên trong cháu mà cháu e ngại
không dám bày tỏ.
Sự lo lắng đã thúc đẩy tôi thử một vài điều mới. Điều quan trọng nhất là tôi để cho
Heather biết rằng tất cả các cảm xúc của cháu đều ok, rằng nó là bình thường nếu cháu
thấy giận, cáu, buồn hay bực mình. Có hôm, tôi đến đón cháu muộn mất nửa giờ, tôi nói
“hẳn là con rất bực mình vì phải đợi mẹ lâu thế” (bình thường tôi sẽ nói “cám ơn con vì
đã rất kiên nhẫn”). tôi cũng cố gắng làm mẫu những gì tôi muốn cho cháu. Tôi bắt đầu
cho phép mình nói về những cảm xúc tiêu cực của mình. Hôm nọ, tôi bảo cháu “mẹ cảm
thấy rất tệ, mẹ cần có một chút thời gian riêng”. Khi cháu bảo muốn mượn chiếc khăn
mới của tôi, tôi bảo cháu tôi chưa muốn chia sẻ vội.
Tôi cố gắng khen ngợi cháu một cách khác đi. Thay vì tiếp tục nói về việc học của cháu
đã làm tôi hạnh phúc như thế nào, tôi mô tả những gì cháu đã đạt được và dừng ở đó.
Buổi sáng hôm nó đã xảy ra một chuyện rất mới. Heather đang tắm và tôi đang rửa bát.
Cháu gõ vào tường và tôi giảm bớt vòi nước nóng. Một lúc sau, cháu lao vào bếp và hét
hết cỡ “con đã bảo mẹ đừng có vặn vòi nước nóng. Con chết cóng khi tắm đây này”
Nếu cháu nói điều đó một tháng trước đây, tôi hẳn đã rất choáng. Tôi hẳn đã nói
“Heather, hành xử như vậy không giống con chút nào” nhưng lần này tôi nói “mẹ có thể
thấy con rất giận dữ. mẹ sẽ nhớ trong đầu lần sau không dùng nước nóng khi con đang
tắm nữa”
Tôi có cảm giác Heather sẽ còn bộc lộ nhiều nữa và tôi chắc tôi sẽ không thích tất cả mọi
thứ nhưng về lâu dài, tôi vẫn nghĩ là cháu cần được là chính cháu hơn là “niềm vui của
mẹ”.
...
Neil gặp may rằng tôi đã đi dự buổi gặp của nhóm tuần trước. khi tôi về nhà sáng hôm đó
tôi nhận được một cú điện thoại từ hàng xóm. Giọng bà đang giận điên lên. Bà nhìn thấy
Neil đang hái 3 bông tulip được giải của bà trên đường đến trường.
Tôi tức điên lên. Tôi nghĩ “lại thế nữa rồi”. rồi cháu sẽ chối là không làm, giống như khi
cháu tháo tanh bành cái đồng hồ. giống như khi cháu nói là cháu sẽ nhảy lớp (khi tôi gọi
cho cô giáo, cô nói bây giờ không ai còn nhảy lớp nữa). gần đây cháu nói dối quá nhiều,
thậm chí anh cháu bắt đầu nói “mẹ, Neil lại nói dối nữa kìa”
Tôi biết tôi đã xử lý mọi chuyện chưa tốt. tôi luôn yêu cầu cháu nói thật và khi cháu
không, tôi thường gọi cháu là đồ nói dối và phạt cháu. Tôi nghĩ rằng mình đã làm mọi
việc tệ hơn, nhưng sự thành thực là rất quan trọng đối với hai vợ chồng tôi. Tôi không
hiểu tại sao Neil lại ra nông nỗi này.
Dù sao, như tôi đã nói, may là tôi đã tham dự phần học về vai diễn vì dù rất thất vọng, tôi
biết tôi không muốn đặt Neil vào vai nói dối nữa
Khi cháu về nhà ăn trưa, tôi không lòng vòng “có phải con làm không? Con chắc là con
không chứ? đừng nói dối mẹ lần này”. Tôi đi ngay vào vấn đề “Bà Osgood nói với mẹ là
con hái hoa tulip của bà” “Không, con không. Không phải là con” “Neil, bà ý nhìn thấy
con. Bà đứng ngay ở cửa sổ”. “mẹ nghĩ con là kẻ nói dối phải không. Bà ý mới là kẻ nói
dối” “Neil, mẹ không muốn nói với con về việc ai nói dối, ai không. Việc đã làm. Vì lý
do nào đó, con đã hái ba bông tulip của bà ý. Giờ chúng ta phải nghĩ ra cách để khắc phục
hậu quả”. 
Neil bắt đầu khóc “con muốn mấy bông hoa cho cô giáo”
Tôi nói “ồ, ra đó là lý do. Cảm ơn con đã nói cho mẹ biết. đôi khi thật khó nói ra sự thật,
nhất là khi con nghĩ mình có thể gặp rắc rối”
Cháu bắt đầu nức nở. tôi bế cháu vào lòng và nói “Neil, mẹ có thể thấy con hối lỗi như
thế nào. Bà Osgood rất buồn. chúng ta có thể làm gì?”
Neil tiếp tục khóc “con sợ phải xin lỗi bà ý”
“con có thể viết ra không?”
“con không biết... mẹ giúp con nhé”
Chúng tôi nghĩ ra một bức thư xin lỗi và cháu in ra (cháu mới học lớp 1)
Tôi hỏi “con nghĩ đã đủ chưa”
Cháu có vẻ bối rối
“con nghĩ thế nào về việc mua cho bà một chậu tulip để đặt vào chỗ trống”
Neil nở nụ cười rõ to “chúng ta có thể làm thế không ạ?”
Sau giờ học chúng tôi đi đến hàng hoa. Neil chọn một chậu bốn bông hoa và đưa chậu
hoa cùng thư đến cửa nhà bà Osgood. Cháu bấm chuông cửa rồi bỏ chạy về nhà.
Tôi không nghĩ cháu sẽ hái hoa của bà ta nữa và cháu sẽ không nói dối nhiều như trước.
tôi cũng biết cháu sẽ cởi mở hơn với tôi. Và khi cháu không (cũng phải thực tế chút) tôi
sẽ không đặt cháu vào vai nói dối. tôi sẽ tìm ra một cách để cháu có thể nói sự thật với
tôi.
Một hôm, cuối buổi gặp về vai diễn, một người cha đã khiến chúng tôi cùng hồi tưởng.
ông nói “tôi nhớ, khi tôi còn bé tôi thường kể với cha mình đủ các kế hoạch điên rồ. Ông
luôn lắng nghe tôi rất chăm chú và nói “con trai, con có thể đang để đầu óc trên chín tầng
mây nhưng để chân chắc trên mặt đất”. giờ, bức tranh mà ông vẽ về tôi – như một người
mơ mộng nhưng cũng biết đương đầu với thực tế - đã giúp tôi rất nhiều qua những giai
đoạn khó khăn”. 
Mỗi người chúng tôi cũng bắt đầu nhớ lại nhiều câu chuyện quá khứ....Khi buổi gặp kết
thúc, người cha nói “đừng bao giờ đánh giá thấp ảnh hưởng của lời nói của bạn đối với
cuộc sống của trẻ”. 
7. TỔNG HỢP
Phụ huynh đã chỉ ra rằng việc giải thoát trẻ khỏi vai diễn là một kỹ năng phức tạp. Nó đòi
hỏi không chỉ sự thay đổi thái độ đổi với trẻ mà cả kiến thức về rất nhiều kỹ năng. Một
người bố nói rằng “để thay đổi vai, bạn phải thật sự sử dựng tất cả các kỹ năng – cảm
xúc, sự độc lập, khen ngợi, thay thế cho trừng phạt”
Để minh họa cho sự tương phản giữa một phụ huynh có ý định tốt và một người gắn tình
yêu với kỹ năng, chúng tôi đã viết 2 hoạt cảnh. Trong mỗi hoạt cảnh, Susie 7 tuổi đang
đóng vai “công chúa”. Khi bạn quan sát người mẹ ứng xử với con gái trong hoạt cảnh
đầu, bạn có thể tự hỏi “bà ấy còn có thể làm gì khác đi không?”
1. mẹ: Mẹ về rồi. chào Susie. Con không chào mẹ à? (Susie ngước lên cau có và tiếp tục
tô màu, lờ mẹ đi)
Mẹ: mẹ hầu như đã sẵn sàng đón khách tối nay. Mẹ đã có nem cuốn, hoa quả và (lắc một
túi giấy trước con gái, cố gắng dụ con cười) một sự ngạc nhiên cho Susie.
Susie: (giằng lấy túi) mẹ mua gì cho con? (lôi các thứ ra) bút chì màu à? Hay đấy. hộp
bút chì à (cáu) và một quyển vở xanh. Mẹ biết con ghét màu xanh mà. Sao mẹ không mua
cho con màu đỏ.
Mẹ: (tự bảo vệ) vì thực tế là, thưa quí cô, mẹ đã phải đi vào 2 cửa hàng và đều không có
vở đỏ. Siêu thị hết sạch và cửa hàng văn phòng phẩm cũng không có.
Susie: sao mẹ không đến cửa hàng gần ngân hàng?
Mẹ: mẹ không có thời gian.
Susie: mẹ quay lại đi. Con không thích màu xanh
Mẹ: Susie. Mẹ không quay lại cả quãng đường chỉ vì một quyển vở nhỏ. Mẹ còn rất
nhiều việc phải làm.
Susie: con không dùng vở xanh. Mẹ phí tiền rồi
Mẹ: (thở dài) trời, con đúng là quá được nuông chiều. lúc nào cũng phải có mọi thứ theo
ý con đúng không?
Susie: (bắt đầu tỏ ra dễ thương) không, nhưng màu đỏ là màu ưa thích nhất của con. Màu
xanh xấu kinh. Đi mà mẹ.
Mẹ: có thể mẹ sẽ quay lại sau
Susie: yeaaah (quay lại tô màu) mẹ?
Mẹ: vâng?
Susie: con muốn Betsy ngủ lại tối nay
Mẹ: điều đấy là không thể được. con biết bố mẹ có khách tối nay mà.
Susie: nhưng bạn ý phải ngủ lại. con đã nói là bạn ý có thể.
Mẹ: vậy con gọi lại cho bạn nói rằng bạn không thể.
Susie: mẹ thật ích kỷ
Mẹ: mẹ không ích kỷ. mẹ chỉ không muốn có trẻ con vướng chân khi phải tiếp khách.
Con nhớ lần trước hai đứa bọn con nghịch như thế nào không?
Susie: bọn con sẽ không làm phiền bố mẹ
Mẹ (nói to) câu trả lời là không
Susie: mẹ không yêu con (bắt đầu khóc)
Mẹ (căng thẳng) thôi nào, Susie, con biết rõ là mẹ yêu con thế nào (nhẹ nâng cằm bé). Ai
là công chúa bẻ nhỏ của mẹ nào?
Susie: mẹ, làm ơn, con năn nỉ mà. Bọn con sẽ ngoan mà
Mẹ: (yếu đuối trong một lúc) à.. (lắc đầu) Susie, mẹ biết sẽ không như thế. Sao con luôn
làm mọi chuyện khó khăn cho mẹ? khi mẹ nói không là không.
Susie: (ném sách xuống sàn) con ghét mẹ
Mẹ: (cáu) từ khi nào chúng ta bắt đầu ném sách thế. Con nhặt lên đi.
Susie: con không
Mẹ: nhặt ngay lên
Susie: (gào khóc và ném bút chì màu mới mua xuống sàn) không, không,
Mẹ: con dám ném bút chì xuống sàn à
Susie: (ném tiếp) con sẽ nếu con muốn
Mẹ: (đánh vào tay Susie) mẹ nói ngừng ngay, đồ hư đốn.
Susie: (run rẩy) mẹ đánh con, mẹ đánh con
Mẹ: con làm vỡ bút chì màu mẹ mới mua
Susie; (khóc thảm thiết) nhìn xem, mẹ đánh con còn vết tay đây này
Mẹ: (rất thất vọng, đang xoa tay Susie) mẹ xin lỗi, con yêu. Chỉ là vết xước nhỏ thôi.
Chắc là móng tay của mẹ. nó sẽ khỏi ngay thôi mà.
Susie: mẹ làm thương con
Mẹ: con biết là mẹ không cố ý mà. Mẹ không bao giờ làm thương con vì bất cứ thứ gì
trên trái đất. con biết không. Hãy gọi điện cho Betsy và bảo bạn ý có thể ngủ lại tối nay.
Con thấy đỡ hơn không?
Susie: (vẫn nước mắt lưng tròng): vâng
Như bạn thấy, có những khi tình yêu, sự tự phát và dụng ý tốt chưa đủ. Khi cha mẹ đang
ngồi trên lửa, họ cần có kỹ năng.
2. mẹ: Mẹ về rồi. chào Susie. Mẹ thấy con đang bận rộn tô màu à
Susie: (không ngẩng lên) vâng
Mẹ: mẹ đã sẵn sàng đón khách tối nay. Và này, mẹ mua một ít đồ học tập cho con đấy.
Susie: (giằng lấy túi) mẹ mua gì cho con? (lôi các thứ ra) bút chì màu à? Hay đấy. hộp
bút chì à (cáu) và một quyển vở xanh. Mẹ biết con ghét màu xanh mà. Sao mẹ không mua
cho con màu đỏ.
Mẹ: đoán xem sao mẹ không mua nào?
Susie: (lưỡng lự) vì cửa hàng không có màu đỏ
Mẹ: (ghi nhận Susie) con đoán đúng đấy.
Susie: thế thì mẹ phải đi cửa hàng khác chứ
Mẹ: Susie, khi mẹ đã mất công mua gì đó cho con gái của mẹ, điều mẹ muốn nghe là
“Cám ơn mẹ. cám ơn vì bút chì màu... vì hộp bút chì... vì cuốn vở - dù đó không phải là
màu con thích”
Susie: (cằn nhằn) cảm ơn mẹ nhưng con vẫn nghĩ màu xanh xấu kinh
Mẹ: mẹ không nghi ngờ gì, khi dính đến màu sắc, con đúng là có thẩm mỹ của con
Susie: vâng.. con đang vẽ tất cả các hoa màu đỏ... Mẹ, liệu Betsy có thể ngủ lại tối nay
không ạ?
Mẹ: (cân nhắc) bố mẹ phải tiếp khách tối nay. Nhưng chắc chắn bạn ý có thể ngủ lại hôm
khác. Mai nhé? Hay thứ Bảy tới?
Susie: nhưng bạn ý phải ngủ lại tối nay. Con đã bảo là bạn ý có thể
Mẹ: (kiên quyết) theo mẹ thấy, Susie, con có 2 lựa chọn tối mai hoặc tối thứ Bảy tới. con
chọn đi.
Susie: (môi bắt đầu run run) mẹ không yêu con
Mẹ: (kéo ghế ngồi lại gần bé) Susie, giờ không phải là lúc nói chuyện yêu hay không yêu.
Giờ chúng ta phải quyết định đêm nào tốt nhất cho bạn con đến chơi.
Susie: (bắt đầu rơi nước mắt) tốt nhất là tối nay
Mẹ: (kiên trì) chúng ta cần tìm ra một thời gian thích hợp cho cả mẹ và con
Susie: con không quan tâm mẹ cần gì. Mẹ ích kỷ (bắt đầu ném sách tô màu và khóc lóc)
Mẹ: này. Mẹ không thích thế. Sách không phải để ném (nhặt sách lên và phủi bụi). susie,
khi con cảm thấy gì bức xúc, nói ra với mẹ. nói với mẹ là con “giận dữ... chán ... con
mong có Betsy đến ngủ tối nay”
Susie: (buộc tội) bọn con sẽ làm bánh quy que socola và xem tivi
Mẹ: mẹ hiểu
Susie: và Betsy sẽ đem theo túi ngủ con con sẽ trải thảm trên sàn cạnh bạn ý
Mẹ: các con đã lên kế hoạch hết rồi phải không
Susie: vâng, bọn con đã mất cả ngày hôm nay để bàn về chuyện đó
Mẹ: khi mong đợi việc gì rồi phải thay đổi kế hoạch, con hẳn phải thấy rất bực bội
Susie: vâng, thế bạn ý có thể đến tối nay không mẹ, làm ơn đi, con năn nỉ mà...
Mẹ: mẹ ước là tối nay có thể được với mẹ vì con đã muốn đến thế. Nhưng không được
(đứng dậy). susie, mẹ phải vào bếp đây
Susie: nhưng, mẹ,...
Mẹ: (dời đi) và khi mẹ chuẩn bị bữa tối mẹ biết rằng con rất thất vọng
Susie: nhưng, mẹ,...
Mẹ: (gọi với ra từ bếp) ngay khi con quyết định hôm nào con muốn mời Betsy đến, cho
mẹ biết nhé
Susie: (nhấc điện thoại gọi cho bạn) Alo, Betsy à. Bạn không thể đến tối nay được. Bố
mẹ tớ có mấy vị khách khùng đến. cậu có thể đến tối mai hoặc thứ Bảy tới.
...
Những kịch tính hằng ngày mà trẻ gây ra cho chúng ta không cho chúng ta thời gian để
suy nghĩ hay luyện tập. Tuy nhiên, với những chỉ dẫn đã được trao, chúng ta dù có thể
vẫn làm những việc, nói những chuyện mà chúng ta có thể hối tiếc, chúng ta có một
hướng đi rất rõ ràng để tiếp bước. Có những nguyên tắc cơ bản mà chúng ta có thể dựa
vào. Chúng ta biết rằng chúng ta không chệch đi quá xa nếu dành thời gian lắng nghe
cảm xúc của trẻ hay nói về cảm xúc của chúng ta hay hướng tới tìm giải pháp trong tương
lai thay vì đổ lỗi những việc trong quá khứ. Chúng ta có thể chệnh hướng tạm thời nhưng
nhiều khả năng chúng ta không bao giờ lạc lối hoàn toàn.
Ngoài ra, cũng đừng đẩy chúng ta vào các vai diễn: cha mẹ tốt, xấu, dễ dãi, uy quyền. hãy
bắt đầu nghĩ về chúng ta như những con người với khả năng để trưởng thành và thay đổi.
Quá trình làm việc và sống với trẻ rất mệt mỏi và tốn công sức. Sẽ cần có trái tim, sự
thông minh và sức chịu đựng. Khi chúng ta không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta –
và chúng ta chắc chắn sẽ không phải lúc nào cũng làm được – hãy kiên nhẫn với chúng ta
như với trẻ. Nếu con cái xứng đáng một ngàn cơ hội, cũng hãy cho chúng ta một ngàn cơ
hội.

You might also like