You are on page 1of 9

NGỮ LIỆU TRONG CHƯƠNG TRÌNH SGK THCS

1/ Lớp 9:
- Câu chuyện về vị danh tướng (tập I, trang 40) – đã thi vào lớp 10 năm 2020
- Người ăn xin (Sgk, tập I, trang 22)
- Lỗi lầm và sự biết ơn (Sgk, tập I, trang 160)
- Trang phục (tập 2, trang 9)
- Bệnh lề mề (Sgk, tập II, trang 20)
- Thời gian là vàng (Sgk, tập II, trang 36)
- Tri thức là sức mạnh (Sgk, tập II, trang 34)
- Tự học và tinh thần tự học sgk tập II, trang 55)
2/ Lớp 8:
- Học vẹt, học tủ (Tập 2, trang 98)
3/ Lớp 7:
- Hai biển hồ (tập 2, trang 10) – VĐNL: sự sẻ chia trong cuộc sống hoặc thói ích kỉ của con
người.
- Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội (tập 2, trang 9)
- Ích lợi của việc đọc sách (tập 2, trang 23)
- Học cơ bản mới có thể trở thành tài lớn (tập 2, trang 31)
- Đừng sợ vấp ngã (tập 2, trang 41)
- Không sợ sai lầm (tập 2, trang 43)
- Lòng khiêm tốn (tập 2, trang 70)
- Lòng nhân đạo (tập 2, trang 72)

ĐỀ 1: Đề kiểm tra cuối HKI chung toàn huyện (Phòng GD ra)


- VĐNL: Lòng yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống qua câu chuyện “Người ăn xin” (Ngữ
văn 9, tập II, trang 22).
ĐỀ 2: - VĐNL: Lòng khoan dung trong cuộc sống qua câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn”
(Ngữ văn 9, tập I, trang 160)
1/ Nêu vấn đề (1-2 câu): dẫn dắt từ VB hoặc từ đề bài
VD: Từ văn bản…, chúng ta thấy (vấn đề nghị luận)…. có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Hoặc: Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy (vấn đề nghị luận)…. có ý nghĩa vô cùng sâu
sắc.
2/ Giải thích vấn đề (tư tưởng đạo lí) hoặc giải nghĩa những từ ngữ, khái niệm có trong vấn
đề (NL sự việc, hiện tượng)
VD: Thế nào là khoan dung? Biểu hiện của người có lòng khoan dung?
Sự hy sinh thầm lặng nghĩa là gì?
Đoạn văn giải thích: Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là lòng khoan dung? Khoan dung
là một đức tính tốt của con người. Nghĩa là lòng rộng lượng, bao dung, thương yêu con người,
sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt, hoặc sẵn sàng xoá bỏ những lỗi lầm mà
người khác đã phạm phải. Người có lòng khoan dung luôn biết yêu thương, đồng cảm, thấu
hiểu với những người xung quanh.
3/ Ý nghĩa của vấn đề: (Vì sao có vấn đề đó? Mang lại lợi ích gì cho xã hội, cộng đồng, cá
nhân mỗi người)

VD1: Sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đem lại những giá trị nào cho cộng đồng, xã hội,
cho mỗi người?

VD2: Đoạn văn phân tích ý nghĩa của lòng khoan dung

Lòng khoan dung giúp cho mọi người xích lại gần nhau, gắn bó, mối quan hệ giữa người với
người trở nên tốt đẹp. Tha thứ lỗi lầm cho người khác góp phần xóa bỏ hận thù, có thể cảm
hoá được họ. Khi nhận lòng khoan dung, bản thân người đó sẽ ăn năn hối lỗi, sửa chữa lỗi lầm.
Lòng khoan dung làm cho tâm hồn ta trở nên thánh thiện, cao thượng và giàu có về đời sống
thần.

4/ Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Trái với vấn đề đang nghị luận là vấn đề gì? Có cần thiết lên án, phê phán không?
- Vấn đề trái ngược đó gây ra hậu quả gì cho cá nhân, cộng đồng và xã hội?

VD1: Bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ: người trốn cách ly, không khai
báo y tế, không thực hiện các quy định phòng chống dịch: tụ tập đông người, những kẻ
trục lợi bất chính từ dịch bệnh: tăng giá khẩu trang, các mặt hàng thiết yếu…

VD2: Trái với khoan dung là sự cố chấp, ích kỉ, thù dai. Cần phê phán thái độ đó. Nếu
không có lòng khoan dung, cuộc sống của con người sẽ trở nên tẻ nhạt, bản thân mỗi
con người sẽ thành kẻ ích kỉ. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những người xấu muốn
hãm hại người khác, những tên tội phạm thì phải chịu sự trừng phạt theo quy định của
pháp luật mà không thể chỉ là khoan dung, tha thứ.

5/ Bài học nhận thức và phương hướng hành động:


- Nhận thức được điều gì từ vấn đề nghị luận?
- Mọi người làm thế nào để thực hiện tốt vấn đề đó?
- Bản thân em là học sinh cần làm gì?
*Chú ý: Kết thúc vấn đề nghị luận bằng câu châm ngôn, danh ngôn phù hợp với vấn đề
sẽ tăng sức thuyết phục đối với người chấm, người đọc.

ĐỀ 3:
- VĐNL: Sức mạnh của tri thức qua văn bản “Tri thức là sức mạnh” (Ngữ văn 9, tập II, trang
34)
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH
Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI – XVII) đã nói một câu nổi tiếng:
“Tri thức là sức mạnh… Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu
mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần
phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!”… (Ngữ văn 9, tập II, trang 34)
1. Văn bản trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
2. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh
chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” nói lên điều gì?
3. Từ nội dung đoạn trích trên cùng với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng
2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ về sức mạnh của tri thức trong cuộc sống hiện nay.

ĐÁP ÁN
1. Văn bản trên sử dụng những phương thức biểu đạt: nghị luận, tự sự
2. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh
chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” đã khẳng định: sức mạnh của tri thức. Nó chứng minh
cho chân lí: người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không
làm nổi.
3. Viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ về sức mạnh của tri thức trong
cuộc sống hiện nay.
a. Luận điểm 1: Giải thích
- Tri thức: là hệ thống bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kỹ năng, kinh nghiệm
có được nhờ trải nghiệm thực tiễn hay thông qua giáo dục, học tập.
- Người có tri thức là người đã tích lũy được lượng kiến thức, trang bị những kĩ năng một
cách thành thạo để làm việc và sáng tạo.
b. Luận điểm 2: Khẳng định vấn đề: Trong cuộc sống hiện nay, tri thức đúng là sức mạnh.
Người có tri thức là người chiến thắng, đạt tới những thành công.
*Đối với cá nhân: Người có tri thức làm được những việc mà nhiều người không làm được.
Tri thức góp phần khẳng định vị thế xã hội của bản thân đồng thời góp phần nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của mỗi người. Dẫn chứng: việc làm của chuyên gia Xten –mét -xơ
*Đối với cộng đồng, xã hội: Tri thức có ý nghĩa quyết định sự phát triển của xã hội. Tri thức
giúp con người tạo ra được những thành tựu trong đời sống, lao động, trong cách mạng, trong
công cuộc chinh phục thiên nhiên, vũ trụ… Dẫn chứng: công nghệ 4.0, đưa vào quản lí bằng
số hóa, chính phủ điện tử…
c. Bàn luận, mở rộng:
- Tri thức có giá trị vô cùng to lớn, nhưng không phải ai cũng nhận ra, có người coi nhẹ tri
thức, chỉ chú trọng, đề cao những giá trị vật chất.
- Hoặc có người học tập không phải để tích lũy tri thức mà là chạy theo bằng cấp, lối học hư
danh… cần phải phê phán.
d. Học tập, rèn luyện để tích lũy tri thức như thế nào?
- Phải biết tự giác học tập, học ở trường lớp, học trong thực tế đời sống…
- Biết sàng lọc tri thức, lựa chọn cái phù hợp với bản thân mình, phục vụ cho tương lai.
- Học đi đôi với hành, vận dụng tri thức được học vào những việc hữu ích, tạo ra lợi ích cho
cá nhân, cộng đồng và xã hội.

ĐỀ 4:
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua
được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời
chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ,
đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực,
bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho
xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên - Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục)

1. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào?


2. Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ có trong văn bản trên?
3. Qua câu chuyện trên kết hợp những hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang
giấy thi trình bày suy nghĩ về ý kiến “Thời gian là vàng”.

ĐÁP ÁN
1. Theo tác giả, thời gian có những giá trị:
- Thời gian là sự sống
- Thời gian là thắng lợi
- Thời gian là tiền
- Thời gian là tri thức
2. Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc ngữ pháp: câu “Thời gian là…”
- Tác dụng: nhấn mạnh và làm nổi bật giá trị của thời gian đối với con người và cuộc sống.
3. Đoạn văn nghị luận về vấn đề “Thời gian là vàng”

*Nêu vấn đề: Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy thời gian là vô cùng quý giá đối với đời sống,
con người.
* LĐ giải thích:
- Thời gian là vàng: Sự quý giá của thời gian sánh ngang với vật phẩm giá trị cao là vàng.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian, giá trị của thời gian là không có gì sánh bằng.
- Thời gian được tính bằng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm… Nó luôn chảy trôi theo dòng
tuần hoàn của cuộc sống.
*LĐ đánh giá: Khẳng định vấn đề đúng
- Thời gian là vô giá bởi nó có tính chất một đi không trở lại, như mũi tên đã bắn đi không lấy
lại được.
- Thời gian giúp con người khôn lớn, trưởng thành, lao động, làm mọi thứ cần thiết trong cuộc
sống. Nó tạo ra giá trị tiền bạc dưới bàn tay lao động của con người.
- Thời gian là vô giá bởi nó sẽ đem lại cho người biết trân trọng nó, sử dụng nó hợp lí vinh
quang, niềm vui và hạnh phúc. Thời gian là báu vật của cuộc sống.
*LĐ bàn luận, mở rộng:
- Lãng phí thời gian, sử dụng thời gian vào những việc vô bổ, không biết trân trọng nó khiến
con người sẽ có cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng về những giá trị đã qua.
- Có người sợ thời gian trôi quá nhanh, mình không còn cơ hội, phải chạy đua với thời gian
mà sống gấp, sống vội.
* LĐ bài học nhận thức và phương hướng hành động:
- Quý trọng thời gian là quý trọng giá trị cuộc sống. Mỗi con người phải ý thức được giá trị
của thời gian, sống đẹp trong từng ngày của hiện tại, trân trọng từng phút giây.
- Quý trọng thời gian, ta không chỉ biết tận hưởng mà cần sống, học tập, lao động và cống hiến
cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Là học sinh, chúng ta cần tận dụng thời gian quý giá để học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân
mình, kết hợp với nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí một cách lành mạnh. Sử dụng thời gian hợp lí,
làm việc có kế hoạch.

ĐỀ 5:
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
BỆNH LỀ MỀ
Trong đời sống hiện nay có một hiện tượng khá phổ biến, mọi người đều thấy, nhưng thường
bỏ qua. Đó là bệnh lề mề mà coi thường giờ giấc là một biểu hiện. Cuộc họp ấn định vào lúc
8 giờ sáng mà 9 giờ mới có người đến. Giấy mời hội thảo ghi 14 giờ mà mãi đến 15 giờ mọi
người mới có mặt. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều cơ quan, đoàn thể, trở thành một
bệnh khó chữa. […]
Cuộc sống văn minh hiện đại đòi hỏi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau và hợp tác với nhau.
Những cuộc họp không thật cần thiết thì không nên tổ chức. Nhưng những cuộc hội họp cần
thiết thì mọi người cần tự giác tham dự đúng giờ. Làm việc đúng giờ là tác phong của người
có văn hóa.
(Phương Thảo)
1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
2. Cách gọi “bệnh lề mề” là sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu ngắn gọn tác dụng của biện
pháp nghệ thuật đó.
3. Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Làm việc đúng giờ là tác phong của người có văn hóa”?
4. Bằng hiểu biết xã hội và dựa vào đoạn trích trên, viết đoạn văn khoảng 2/3 trang nêu suy
nghĩ của em về thái độ tôn trọng và hợp tác lẫn nhau của con người trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên: nghị luận
2. Cách gọi “bệnh lề mề” là sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ
- Tác dụng: tác giả ngầm ví sự chậm chạp, không khẩn trương, gây mất thời gian giống như
một căn bệnh mà nhiều người mắc phải, khó sửa chữa.
Từ đó để cảnh tỉnh và nhắc nhở mọi người phải có ý thức, thói quen tốt trong cuộc sống hàng
ngày.
3. Theo em, tác giả cho rằng: “Làm việc đúng giờ là tác phong của người có văn hóa” vì:
- Việc tuân thủ giờ giấc, làm việc đúng giờ thể hiện thái độ tôn trọng đối với những người xung
quanh, còn là ý thức coi trọng thời gian, công việc, tôn trọng chính bản thân mình.
4. Đoạn văn khoảng 2/3 trang nêu suy nghĩ về thái độ tôn trọng và hợp tác lẫn nhau của con
người trong cuộc sống
* Nêu vấn đề: dẫn dắt từ văn bản
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, thái độ tôn trọng và hợp tác lẫn nhau giữa mọi người là rất
cần thiết.
* LĐ giải thích:
- Tôn trọng người khác là hành xử đúng mực, coi trọng danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của
mỗi người, không phân biệt địa vị giàu sang hay màu da, dân tộc.
- Sự hợp tác lẫn nhau: cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc, hay lĩnh
vực nào đó vì lợi ích chung.
Điều đó thể hiện một lối sống văn minh của con người hiện đại.
*LĐ đánh giá:
- Đầu tiên, biết tôn trọng người khác thì bản thân cũng nhận lại được sự tôn trọng của họ.
- Tôn trọng người khác thể hiện chúng ta là người có văn hóa, có lòng tự trọng.
- Sống trong một tập thể, nếu biết tôn trọng những người xung quanh sẽ làm cho mối quan hệ
giữa mọi người trở nên tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cuộc sống.
- Sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau sẽ phát huy được sức mạnh của nhiều người, dễ dàng đạt tới
thành công.
*LĐ bàn luận, mở rộng
- Trái ngược với vấn đề trên là sự coi thường người khác, chê bai, dè bỉu, đặt điều, nói xấu
những người xung quanh.
- Thái độ sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, tách mình ra khỏi tập thể.
- Ngoài ra còn là sự đố kị, ganh ghét đối với người khác, nhất là người giỏi hơn mình. Cần phê
phán và lên án thái độ đó.
*LĐ bài học nhận thức và phương hướng hành động:
- Học cách cư xử đúng mực, hòa nhã, nhã nhặn trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Không phân biệt đối xử, nhận rõ vị trí của cá nhân trong mối quan hệ với tập thể: “Mình vì
mọi người, mọi người vì mình”.
- Là học sinh Thủ đô văn minh thanh lịch, chúng ta cố gắng học tập, rèn luyện thường xuyên
về ý thức đạo đức, kĩ năng sống, hòa nhập với các bạn trong trường, lớp bằng tinh thần đoàn
kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
ĐỀ 6:
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
“…Người xưa đã dạy: “Y phục xứng kì đức”. Ăn mặc ra sao cũng phải phù hợp với hoàn cảnh
riêng của mình và hoàn cảnh chung nơi công cộng hay toàn xã hội. Dù mặc đẹp đến đâu, sang
đến đâu mà không phù hợp thì cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ, làm mình tự xấu đi mà thôi.
Xưa nay, cái đẹp bao giờ cũng đi với cái giản dị, nhất là phù hợp với môi trường. Người có
văn hóa, biết ứng xử chính là người biết tự hòa mình vào cộng đồng như thế, không kể hình
thức còn phải đi đôi với nội dung, tức là con người còn phải có trình độ, có hiểu biết…” (Ngữ
văn 9, tập II, NXBGD)
1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?
2. Theo quan niệm của tác giả, người có văn hóa là người như thế nào?
3. Từ nội dung đoạn trích trên cùng với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng
2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ về văn hóa trong trang phục hiện nay.

ĐÁP ÁN
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận
2. Theo quan niệm của tác giả, người có văn hóa là:
- Biết cách ăn mặc giản dị, phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình, hoàn cảnh chung nơi
công cộng, toàn xã hội.
- Phải có trình độ, có hiểu biết.
3. Viết một đoạn văn nêu suy nghĩ về văn hóa trong trang phục hiện nay.
* Nêu vấn đề: Trong một xã hội phát triển, khi mà nhu cầu của con người ngày càng cao,
văn hóa trong trang phục là vấn đề được nhiều người quan tâm.
*LĐ 1 giải thích: Thế nào là văn hóa trong trang phục?
- Trang phục: cách ăn mặc của mỗi người, là vẻ bên ngoài thể hiện qua áo quần, giày dép
đảm bảo sức khỏe, thẩm mĩ trong cuộc sống hàng ngày.
- Văn hóa trang phục: cách ăn mặc phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc, phù hợp
với lứa tuổi, tính cách… của mỗi người. Qua bộ trang phục có thể nhận biết được nghề nghiệp,
óc thẩm mĩ, góp phần thể hiện nhân cách con người.
*LĐ 2: Đánh giá vấn đề Khẳng định văn hóa trong trang phục là cần thiết, hoàn toàn đúng
đắn
- Cách ăn mặc của con người là rất quan trọng, bởi ngoài khiếu thẩm mỹ thì bộ trang phục
cũng ngầm nói lên rằng chủ nhân có lịch sự, có văn hoá hay không. Do đó việc lựa chọn trang
phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh, công việc, thời tiết là quan trọng
- Trang phục góp phần thể hiện nhân cách con người. Người có một bộ trang phục đơn giản là
người giản dị, không cầu kì. Người có một bộ trang phục hợp thời trang, có sự chăm chút là
người thích làm đẹp, quan tâm đến hình thức bên ngoài.
- Trang phục văn hóa khiến mình được mọi người xung quanh tôn trọng, hỗ trợ cho bản thân
trong công việc hàng ngày.
*LĐ 3: Bàn luận, mở rộng
- Hiện tượng ăn mặc lố lăng, đua đòi chạy theo mốt, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn
- Hoặc cũng có người không coi trọng trang phục, ăn mặc xuề xòa, cẩu thả, lôi thôi…
Cần tỏ rõ thái độ phê phán những hiện tượng này.
*LĐ 4: Phương hướng hành động: Cần làm gì để thể hiện lối sống văn hóa trong cách ăn
mặc hàng ngày?
- Nhận thức rõ trang phục là một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của con người
- Không quá chú trọng về hình thức bên ngoài, cần tạo ra sự tương xứng giữa trang phục
với phẩm chất đạo đức của mỗi người, đúng như câu “Y phục xứng kì đức”
- Là học sinh, hàng ngày đến trường, thực hiện đồng phục gọn gàng, đúng quy định, thể hiện
nét đẹp của học sinh Thủ đô văn minh, thanh lịch

ĐỀ 7:
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
“Ngọc không mài không thành đồ vật; người không học không biết rõ đạo”. Đạo là lẽ đối xử
hàng ngày giữa mọi người. Kẻ đi học là học điều ấy…Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo
điều học mà làm…”
(Ngữ văn 8, tập II, trang 77)
1. Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên
2. Hãy nêu rõ mục đích học và phương pháp học đúng đắn mà tác giả nêu ra trong đoạn văn
trên?
3. Bằng hiểu biết xã hội và dựa vào đoạn trích trên, viết đoạn văn khoảng 2/3 trang nêu suy
nghĩ của em về tinh thần tự học của con người trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN
1. Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên: nghị luận
2. Mục đích học và phương pháp học đúng đắn mà tác giả nêu ra trong đoạn văn:
- Mục đích học: học lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người, học đạo làm người
- Phương pháp học: học rộng, tóm lược cho gọn cho dễ nhớ, học đi đôi với hành.
3. Viết đoạn văn về tinh thần tự học của con người trong cuộc sống.
*Nêu vấn đề: Xã hội đang hướng đến nền kinh tế tri thức. Mà để có được kiến thức vững chắc,
thì tinh thần tự học lại là yếu tố quyết định.
* LĐ giải thích:
- Học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức cho
mình.
- Tự học là tự nỗ lực, khám phá và tìm kiếm các kiến thức một cách chủ động, tự lập, tích cực.
- Tinh thần tự học là thái độ nghiêm túc, chăm chỉ cần mẫn, rèn luyện bền bỉ, không ngại khó
khăn, vất vả chủ động tiếp thu và lĩnh hội tri thức.
- Người có tinh thần tự học luôn chủ động sắp xếp thời gian học tập một cách hợp lí, khắc phục
mọi khó khăn, trở ngại để học tập.
* LĐ đánh giá: Khẳng định tinh thần tự học là đúng đắn, cần thiết với mọi người.
- Tự học giúp chúng ta chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và
có thể tự rút ra được những bài học cho riêng mình mà không bị phụ thuộc vào bất cứ ai. Từ
đó, trở nên năng động hơn trong cuộc sống.
- Tự học giúp ta ghi nhớ kiến thức lâu hơn, mỗi người sẽ có cách tổng hợp, chọn lọc kiến thức
khác nhau, biến kiến thức chung thành bài học riêng cho mỗi người.
- Tự học còn giúp chúng ta rèn luyện tính kiên trì vì đó là một quá trình lâu dài đòi hỏi con
người phải thật cố gắng thì mới cho kết quả tốt như mong muốn.
- Dẫn chứng: Mạc Đĩnh Chi vốn là đứa trẻ nhà nghèo nhưng nhờ ham học và khả năng tự học
nên mặc dù phải bắt đom đóm làm đèn nhưng cuối cùng ông đã thi đỗ Trạng nguyên và làm
quan dưới thời nhà Trần.
- Tấm gương tự học là Bác Hồ, với tinh thần ham học hỏi, Bác không chỉ thông thạo nhiều thứ
tiếng mà còn tìm ra con đường cách mạng giúp nước nhà giành được độc lập.
*LĐ bàn luận, mở rộng
Bên cạnh những con người có tinh thần tự học vẫn còn những người lười biếng, không chịu
tìm tòi, học hỏi, ỉ lại, học đối phó. Chúng ta cần phê phán.
* LĐ phương hướng hành động: Làm thế nào để tự học có hiệu quả
- Cần tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập nhằm rút
ra những kiến thức cần thiết, hữu ích cho bản thân.
- Chủ động tìm tòi, học hỏi dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn của giáo viên.
- Với những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu, cần phải trình bày ý kiến của mình với người dạy để
hiểu và nắm chắc kiến thức.
- Tự học ở trường, tự học ở nhà, tự học ngoài xã hội....Biết vận dụng kiến thức đã học vào thực
tế đời sống
- Học cách tư duy và chủ động tiếp cận nguồn tri thức...

ĐỀ 8:
Đọc kĩ phần trích sau và trả lời câu hỏi:
Hai biển hồ
Người ta bảo ở bên Pa-le- xtin có hai biển hồ… Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng
như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong
hồ không có một loài cá nào có thể sống nổi. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển
hồ thứ hai là Ga-li-lê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào
cũng trong xanh mát rượi, người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây
cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này.
Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng. Nước
sông Gioóc- đăng chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không
chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Ga-li-lê cũng đón nhận nguồn
nước từ sông Gioóc -đăng rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ
này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người...
(Ngữ văn 7, tập II, trang 11, NXBGD)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
2. Theo tác giả, vì sao biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết?
3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: “Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng
cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát.”
4. Dựa vào văn bản trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, viết một đoạn văn khoảng 2/3
trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về sự sẻ chia của con người trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN
1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
2. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết vì: vị trí hồ không thuận lợi, xung quanh không có kênh
rạch, lối thoát, nước mặn chát, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ
này.
3. Biện pháp tu từ có trong câu văn: nhân hóa
- Biển Chết giống như con người, chỉ biết bản thân mình, mà không có sự sẻ chia. Qua đó, ta
thấy những kẻ sống ích kỉ, chỉ nhận lại mà không biết cho đi.
4. Viết đoạn văn
a. Luận điểm 1: Giải thích
- Sẻ chia là cùng người khác san sẻ vui buồn, những trạng thái tình cảm, tâm hồn với nhau;
giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau những khó khăn về vật chất trong khó khăn, hoạn nạn.
- Người biết sẻ chia là luôn luôn quan tâm đến người khác, thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn của
người khác, sẵn sàng giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn.
- Biểu hiện: sẻ chia về vật chất, tinh thần: lời thăm hỏi, an ủi, động viên
b. Ý nghĩa của sự sẻ chia (vì sao cần phải có sự sẻ chia trong cuộc sống?)
- Đối với người được nhận: cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm, đồng cảm
- Đối với người cho: vui vì làm được việc tốt, có ích, giúp đỡ người xung quanh
- Đồng cảm, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch
cảnh của cuộc đời.
- Sẻ chia cũng là một trong những phẩm chất “người”, kết tinh giá trị nhân văn cao quý.
- Người biết sống sẻ chia sẽ luôn được mọi người xung quanh yêu quý, tin tưởng, lan tỏa được
những điều tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Tấm gương đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống: Bác Hồ tự nguyện nhịn một bữa ăn vào cuối
tuần để dành gạo cứu đói nhân dân trong những ngày đầu cách mạng Tháng Tám (1945), dấy
lên phong trào hũ gạo cứu đói trong mọi gia đình người Việt Nam lúc bấy giờ.
c. Luận điểm bàn luận, mở rộng:
- Lên án, phê phán căn bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ, sống thiếu trách nhiệm với người khác,
với cộng đồng ở một số người.
- Giúp đỡ người khác với thái độ ban ơn, bố thí, thương hại, không xuất phát từ tình cảm chân
thành
d. Luận điểm phương hướng, hành động
- Phải học cách đồng cảm, sẻ chia, lắng nghe và cảm thông với người khác
- Quan tâm tới người thân trong gia đình và mọi người xung quanh.
- Đồng cảm, sẻ chia phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân.
- Là học sinh, yêu thương, đoàn kết với bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong
trường, lớp…

You might also like