You are on page 1of 4

Mọi thứ đều có thể thay đổi

Làm thế nào để thay đổi hành vi không chuẩn mực?

Cuốn sách “Mọi thứ đều có thể thay đổi” vén tấm màn đằng sau những
hành vi “không đúng mực”.

Mọi thứ đều có thể thay đổi - cuốn sách của tiến sĩ J.Stuart Eblon cung cấp một
góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về bản chất của những khúc mắc, xung đột trong các
mối quan hệ của con người. Từ việc phân tích tâm lý đến đề xuất phương pháp
tư duy, sách mang đến thông điệp tích cực: Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có
tiềm năng thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn.

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều đi qua thời thơ ấu và bước vào tuổi
trưởng thành với những hy vọng riêng về bản thân và thế giới xung quanh. Ta
mong đợi một tương lai tốt đẹp, nơi các mối quan hệ diễn ra trong hòa bình và
sự thấu hiểu. Ta ao ước những nấc thang trong đời sẽ thật suôn sẻ, những cơ hội
và trải nghiệm tốt đẹp sẽ đến, và thời gian sẽ trôi qua đầy ý nghĩa. 
Tuy vậy, trên thực tế, cuộc sống hàng ngày của chúng ta thường không phải lúc
nào cũng diễn biến theo kịch bản mong muốn. Một giáo viên gặp phải những
học sinh bất hợp tác trong lớp học. Nhân viên công sở xích mích với một đồng
nghiệp có vấn đề về cách xử lý công việc. Những cặp vợ chồng mâu thuẫn với
nhau, những cặp bạn thân cãi vã, bố mẹ bực bội vì con cái liên tục chống đối.

Thường xuyên, ai trong chúng ta cũng có lúc phải đối mặt với các hành vi, sự
việc thách thức những giới hạn và sức chịu đựng của mình. Và ngay cả bản thân
mỗi người chúng ta cũng có thể từng gây ra những hiểu lầm, xung đột do cách
hành xử chưa phù hợp. Có nguyên nhân rõ ràng cho sự bất ổn này? Liệu có cách
nào để thay đổi người khác và cả chính mình hay không?      

Với tiến sĩ J.Stuart Eblon, tác giả của cuốn sách Changeable – Mọi thứ đều có
thể thay đổi, câu trả lời là “Có”. Với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tâm
lý học chuyên sâu về đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành
gặp vấn đề với hành vi, tiến sĩ Eblon đã đưa ra những phân tích sâu sắc về cốt
lõi của những trục trặc trong cách ứng xử xã hội và khẳng định rằng sự thay đổi
là hoàn toàn khả thi.

Thông qua cuốn sách, ông đã giới thiệu một phương pháp trợ giúp đắc lực cho
hành trình thay đổi này, có tên gọi là Collaborative  Problem Solving (CPS) –
Phương pháp giải quyết vấn đề thông qua hợp tác.

CPS là phương pháp thay thế cho các biện pháp thưởng phạt, đồng thời cũng là
một quy trình có tổ chức để tương tác trong các tình huống thực tế, giúp chúng
ta có thêm một công cụ tư duy để đối mặt với những hành vi mang tính thách
thức hoặc khó xử lý. Thông thường, với những hành vi không đúng đắn, như
học sinh gây rối, phá phách, nhân viên hung hăng, không hợp tác, con cái bất
cần, cách thức xử lý quen thuộc với chúng ta chính là kỷ luật thật nghiêm.

Nhà trường cho học sinh nghỉ học hoặc ra hình phạt, công sở xử lý nhân viên,
các tội phạm bị bỏ tù. Nhưng liệu thưởng – phạt và các biện pháp kỉ luật cứng
rắn có giải quyết được gốc rễ vấn đề, thay đổi hành vi con người và biến xã hội
thành một nơi ít xung đột và giàu lòng trắc ẩn hơn? Nếu vậy, tại sao trường học
vẫn tiềm ẩn nguy cơ bạo lực và thiếu an toàn, môi trường công sở không kiểm
soát được hành vi lạm dụng, và vẫn có tù nhân lặp lại sai lầm cũ sau khi được trả
tự do?

Bởi vậy, cuốn sách “Mọi thứ đều có thể thay đổi” chỉ ra cụ thể sự thiếu sót
những kỹ năng nào đã tạo nên những cách hành xử không phù hợp, ví dụ như
một người có kỹ năng kiểm soát cơn bùng nổ cảm xúc kém sẽ dễ giận dữ, bị
kích động và đi gây rối. Những người thiếu hụt các kỹ năng quan trọng này
thường gặp rắc rối với các mối quan hệ cá nhân và xã hội, và khi bị trừng phạt
bởi cách thức truyền thống, họ dễ dàng lặp lại sai lầm do các kĩ năng vẫn chưa
được cải thiện.
Bên cạnh việc phân tích chi tiết trọng tâm của phương pháp CPS, tác giả cuốn
sách cũng đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về cách áp dụng CPS lên để giải quyết
mâu thuẫn trong gia đình, công sở và cuộc sống cá nhân. Đây cũng là ba lĩnh
vực mà phương pháp CPS có thể dễ dàng được áp dụng, do tính chất bình đẳng
giữa các cá nhân trong những mối quan hệ.

“Để có cuộc sống bình yên hơn, chúng ta phải xây thêm những chiếc cầu nối,
không phải chỉ với những người chúng ta thích mà với cả những người có vẻ
muốn gây hại cho ta.” Với tinh thần chủ đạo “kỹ năng chứ không phải ý chí
quyết định hành vi”, cuốn sách ''Mọi thứ đều có thể thay đổi'' giúp ích chúng ta
trong việc xây những cây cầu nối giữa người với người, bằng sự thấu hiểu,
thông cảm và bao dung, cùng lòng tin vào sự hướng thiện và khả năng
chuyển biến.

You might also like