You are on page 1of 4

Chúng ta vẫn thường bông đùa với nhau rằng: Mỗi ngày đi học sẽ thật tuyệt vời

biết bao nếu như không có kiểm tra và không có điểm số. Đúng vậy, áp lực học
tập chính là rào cản vô hình khiến các học sinh sợ hãi và chán ghét việc đi học. Và
hôm nay nhóm chúng em sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn rộng hơn, sâu
sắc hơn và khách quan hơn về vấn đề này.
Mục đích ban đầu của việc học đó chính là trau dồi tri thức, phát triển trí tuệ và
để tạo một nền tảng kiến thức giúp các các học sinh bước vào đời một cách vững
chãi. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, việc học tập lại trở thành một cuộc chạy
đua về điểm số không hồi kết. Các bạn học sinh ngày nay phải học rất nhiều, học
từ sáng sớm đến tối muộn, học trên trường, học thêm, tận dụng mọi thời gian để
học và gần như không có một quãng thời gian nghỉ ngơi tương xứng. Cũng như là
không có thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí hay dành cho niềm
đam mê của riêng mình. Các bạn luôn trong tình trạng mệt mỏi, lờ đờ uể oải vì
thiếu ngủ sau những đêm thức muộn để học bài, soạn bài. Nếu như điều đó có
thể đem đến cho chúng ta một kết quả tốt thì có lẽ chúng ta cũng sẵn sàng đánh
đổi, tuy nhiên có lẽ mọi việc không dễ dàng như thế, các bạn thậm chí còn mất ăn
mất ngủ vì điểm số, chỉ cần một điểm 7 hay một điểm 8 là đủ để các bạn ấy lo
lắng và chịu sự trách mắng của ba mẹ. Thế nhưng, có lẽ ba mẹ không biết được
rằng con của họ đã cố gắng như thế nào và chúng cần một sự an ủi, một lời động
viên. Và có lẽ chỉ cần có thế thì quãng đời đi học của con trẻ có thể trở nên dễ
dàng hơn một chút. Đối với một số bạn, điểm số là tất cả, là điều quan trọng nhất
mà các bạn ấy theo đuổi. Có những ngày, áp lực học tập đè nén nặng nề đến mức
tưởng chừng như không thể thở nổi, có những ngày tôi và bạn đều muốn bỏ
cuộc, đều muốn vứt hết tất cả để nằm xuống và chỉ để cơ thể không làm bất kì
điều gì. Thế nhưng chúng ta lại không làm được, chúng ta vẫn cứ tiếp tục ở đó, cố
gắng và đôi khi chúng ta bật khóc. Thế đấy, áp lực học tập, cụm từ mà ba mẹ nào
cũng biết nhưng có mấy ai trong số họ để tâm và chú ý đến những gì con trẻ phải
chịu đựng. Họ luôn phớt lờ và luôn cho rằng nghĩa vụ học tập là bắt buộc và thứ
áp lực ấy là bình thường. Những đứa trẻ mang trong mình không chỉ là ước mơ
của chúng mà còn là ước mơ của ba mẹ vẫn luôn chịu đựng thứ áp lực khó diễn tả
ấy mà không có ngôn từ nào để mọi người có thể cảm thông và từ từ biến chúng
thành những cảm xúc bị dồn nén gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đây không chỉ là vấn đề nhỏ, mà gần như là một tình trạng mà bất kì học sinh nào
cũng đã và đang gặp phải. Điểm số đã từng là động lực để con trẻ cố gắng, nhưng
rồi nó dần dần trở thành áp lực, một gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ. Chúng ta đang
mất dần niềm vui khi đạt điểm cao và thay vào đó là áp lực phải duy trì thành tích,
phải gồng mình để khiến cho ba mẹ vui lòng. Từ đây mà giá trị của việc học đã
biến chất, nó không còn thuần túy là quá trình trau dồi tri thức mà nó giờ đây chỉ
là cuộc đua về điểm. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Đó chính là
kì vọng của ba mẹ đặt vào con cái. Họ luôn hi vọng con mình sẽ học thật tốt, là
người giỏi nhất đã vô tình đẩy con trẻ vào guồng quay học tập không lối thoát.
Cha mẹ vẫn luôn so sánh con mình với con nhà người ta rằng tại sao con không
giỏi bằng bạn A, bạn B. Điều này không chỉ gây nên tổn thương trong lòng đứa trẻ
mà nó còn tạo nên càng nhiều áp lực cho đứa trẻ ấy. Hay đó cũng là do từ chính
chúng ta mà ra, mỗi chúng ta đều có cái tôi quá lớn, sự ganh đua giữa bạn bè
đồng trang lứa là tốt thế nhưng quá ganh đua sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực
và một trong số đó chính là áp lực học tập ngày một lớn hơn, khiến cho mỗi ngày
đến lớp, đứa trẻ đã mất đi niềm vui vốn có của nó. Chúng ta cũng không quên
nhắc đến những định kiến từ xã hội, chẳng biết từ bao giờ mà điểm số được lấy ra
làm thước đo để đánh giá nhân phẩm, tính cách, năng lực, tương lai của một đứa
trẻ. Họ cho rằng đối với một đứa trẻ thì điểm phải cao, thành tích phải ưu tú thì
sau này mới có thể có được một tương lai tốt được. Nhưng mà có lẽ họ đã sai
thật rồi, thành công hay thất bại là nằm hoàn toàn ở nỗ lực của một người, còn
điểm số thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong quãng đời đi học và nó không nói lên
điều gì cả. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh thành tích, một căn bệnh
đã ăn sâu vào máu, từ giáo viên, phụ huynh cho đến học sinh. Và cuối cùng thì
học sinh vẫn là người chịu thiệt nhất khi phải gánh chịu rất nhiều áp lực từ việc
học tập.
Đã nói đến áp lực thì không có bất kì con người nào là không có cả và nhiều hơn
cả là người lớn, thế nhưng, những học sinh còn ở một độ tuổi rất nhỏ và đôi khi là
các em không biết làm cách nào để vượt qua và chính điều này đã để lại những
hậu quả vô cùng nặng nề to lớn mà chúng ta không thể lường trước được. Mỗi
ngày phải thức đến tối muộn để học bài và thức dậy thật sớm để đến trường.
Chúng ta luôn sống trong tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi, lờ đờ uể oải. Guồng quay
ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày mà không có điểm dừng, kể cả những ngày chủ nhật.
Điều này ảnh hưởng một cách tiêu cực đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh
thần của học sinh. Ngủ không đủ giấc và ngủ muộn dễ dẫn đến các bệnh về tim
mạch, đột quỵ, gây ra tình trạng căng thẳng, stress, làm suy giảm trí nhớ, tăng
nguy cơ mắc bệnh ung thư và làm giảm tuổi thọ. Rõ ràng học sinh đang đánh
cược quá nhiều thứ chỉ vì điểm số, và một điều tối quan trọng đó chính là sức
khỏe cũng không ngoại lệ. Áp lực học tập còn dẫn đến các tình trạng đáng buồn
trong giới học sinh như là gian lận trong thi cử và tiêu cực trong học tập. Ngoài ra,
việc mỗi ngày chỉ cắm đầu vào việc học sẽ khiến các em mất đi cơ hội được làm
điều mình thích, theo đuổi đam mê riêng của mình hay tham gia các hoạt động
thể dục, thể thao, vui chơi giải trí. Điều này dẫn đến một thực tế đáng buồn là trẻ
em Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng các kĩ năng xã hội và kĩ năng sống cần
thiết cho các em trong tương lai sau này, và đây là những thứ ít khi được dạy
trong nhà trường. Áp lực quá lớn cũng khiến học sinh mất đi hứng thú dành cho
việc học, mỗi bài kiểm tra, mỗi lần thi cử đều trở thành ác mộng và là nỗi sợ của
toàn thể học sinh. Và có một thực tế đáng buồn là đã và đang có rất nhiều trường
hợp trẻ em bị trầm cảm do áp lực tâm lí quá lớn. Có một số bạn thì may mắn
được phát hiện và được chữa trị, thế nhưng cũng có không ít sự việc đau lòng xảy
ra, đem đến sự mất mát vô cùng to lớn cho người ở lại. Đó là nam sinh cấp 3 ở Hà
Nội đã để lại thư tuyệt mệnh và tự tử từ tầng 28 của một tòa chung cư. Trong thư
tuyệt mệnh anh đã viết: “Thực sự thì cuộc sống cũng đã quá mệt mỏi rồi…” Câu
nói ấy là đủ để chúng ta cảm nhận được những áp lực to lớn anh đã phải gánh
chịu mà không có sự san sẻ của bất kì ai. “Chuyện này có lẽ chả phải lỗi của ai
ngoài con cả…” Không đâu, đó là lỗi của cả một hệ thống, một nền giáo dục trọng
điểm số, trọng thành tích, một gia đình vô tâm không quan tâm đến cảm xúc và ý
kiến của con trẻ. Cuối cùng sự việc xảy ra như một giọt nước tràn li và là lời cảnh
tỉnh cho các bậc làm cha làm mẹ và cho cả chính chúng ta. Chúng ta không nên và
không bao giờ được đánh đổi mạng sống quý báu của mình một cách như vậy.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc tất cả những hậu quả mà áp lực học tập mang lại.
Chúng ta cần phải cùng nhau tìm ra giải pháp giải quyết cũng như hạn chế vấn đề
này. Điều đầu tiên đó chính là phải thay đổi nhận thức của chính mình, của gia
đình và của cả cộng đồng. Đôi khi điểm số không phải là điều quan trọng nhất mà
ta có, vẫn còn nhiều điều quan trọng hơn. Đó là cách chúng ta sống, là nhân cách,
là thái độ, là cách hành xử. Và quan trọng hơn hết, trên con đường học vấn, điểm
số không phải là đích đến mà chúng ta nhắm tới mà đây là con đường chinh phục
tri thức. Vì thế hãy tận hưởng niềm vui của việc học thay vì lo lắng về điểm số và
cũng đừng bao giờ vì điểm số mà đánh mất hay đánh đổi những điều tốt đẹp mà
bản thân đang có. Và bạn ơi, nếu hôm nay bạn có mệt mỏi quá, bạn có đang chịu
áp lực đến nghẹt thở thì hãy dừng lại một chút, dành tặng bản thân một khoảng
nghỉ mà chúng ta xứng đáng có được, nhìn lại những điều tốt đẹp mà bản thân đã
đạt được, lắng nghe bản nhạc mà chúng ta yêu thích, đọc quyển sách truyền cảm
hứng cho ta và ngủ một giấc thật sâu, thật ngon để sau khi thức dậy, đó sẽ là một
ngày mới tràn đầy hi vọng và sức sống. Chúng ta cũng cần sắp xếp thời gian hợp lí
để cân bằng giữa việc học và các hoạt động khác, theo đuổi một sở thích hay một
đam mê của riêng bản thân mình, khi đó bạn sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn, ý
nghĩa và bạn sẽ tận hưởng được niềm vui của việc học. Và bạn ơi hãy yêu thương
và chăm sóc bản thân nhiều hơn, chỉ khi đó thì việc học của chúng ta mới hiệu
quả được, bởi lẽ “Một trí tuệ minh mẫn bắt đầu từ một cơ thể khỏe mạnh”. Và
chúng ta cũng đừng ngần ngại mà nói lên những áp lực, những cảm xúc và ý nghĩ
của bản thân với ba mẹ, thầy cô giáo để cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề và để
nhận được sự động viên, những lời khuyên hữu ích từ người lớn. Tuy nhiên kiểm
tra hay thi cử vẫn là một cách ổn điểm đánh giá năng lực của học sinh. Và những
áp lực trong học tập cũng không phải là hoàn toàn xấu. Bởi lẽ nó sẽ thúc đẩy học
sinh phát triển, chỉ cần chúng ta biết đối phối với chúng, tìm ra giải pháp tốt nhất,
thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được thành công mà chúng ta mong muốn. Và
thông điệp ở đây là: “Hãy để áp lực tạo nên kim cương chứ đừng làm vụn vỡ một
tâm hồn.” Lời cuối, nguyện cho tất cả chúng ta mỗi ngày đến trường đều tràn
ngập niềm vui và tiếng cười. Hãy yêu thương bản thân một chút, vì suy cho cùng,
chúng ta đến với thế giới này là để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống.

You might also like