You are on page 1of 92

**TỔNG HỢP BÀI VIẾT CÔ MINH LÝ **

Cô Minh Lý với những bài chia sẻ rất thật, rất chân thành từ chính trong quá trình làm mẹ và đồng hành cùng
con có lẽ không còn xa lạ với các bạn trong group. Thủy tin rằng đọc bài của cô, các bạn sẽ thấy những câu
chuyện rất thực, rất đời nhưng lại là quá trình rèn luyện cả về tư duy và cảm xúc.
Hành trình đồng hành cùng con là hành trình dài các bạn ạ, 5 năm, 10 năm, 18 thậm chí 20 năm. Chỉ cần cha
mẹ có sự phát triển về tư duy và bình tĩnh trong cảm xúc, bạn chắc chắn nuôi dạy con thành công như cô
Minh Lý.
Thủy gửi đến bạn danh sách các bài viết của cô Minh Lý để bạn có cái nhìn tổng quan về cách dạy con của cô,
Thủy tin sẽ có nhiều bài học hữu ích dành cho bạn.
Xin cảm ơn cô Minh Lý đã chia sẻ những tâm huyết của mình trong quá trình đồng hành cùng con đến các bậc
cha mẹ trong group. Chúc cô thật nhiều sức khỏe, sức viết và sức lan tỏa để nhiều hơn nữa các cha mẹ Việt
Nam được học tập và cùng phát triển vì tương lai các con.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con


Chào các bạn.
Mình tham gia nhóm đã hơn một năm, học hỏi được nhiều mà chưa có đóng góp gì. Nay mình xin chia sẻ
kinh nghiệm dạy con của mình, hy vọng được các bạn ủng hộ.
Mình có hai con trai. Con lớn 25 tuổi, tốt nghiệp Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia - CH Pháp, hiện đang
làm việc ở Paris.
Con thứ hai 15 tuổi vừa thi đỗ chuyên Đức, ĐHQG HN và THPT Kim Liên.
Những kinh nghiệm của mình không có gì đặc biệt nhưng là kn thực tế, đã được kiểm chứng qua thời gian,
qua chính các con của mình.
Kết quả đạt được không có gì to tát nhưng điều mà mình tâm đắc là:
Điểm xuất phát của vợ chồng mình, của con mình là rất bình thường: hai vc là gv bình thường, không thừa
hưởng tiền bạc, nhà cửa, địa vị từ hai bên gia đình.
Các con cũng bình thường không có năng khiếu đặc biệt, cũng sinh ra trong nghèo khó, bố mẹ chật vật mưu
sinh.
Mình không quá vất vả khi dạy con. Mình KHÔNG đánh, mắng các con nhưng các con khá ngoan, có cá
tính, tự lập và sống vui vẻ, hạnh phúc trong ngôi nhà của mình.
Các con không có áp lực trong học tập, bố mẹ không phải đầu tắt mặt tối đưa đón con đi học thêm học nếm.
Vậy mình đã làm gì?
Mình xác định việc nuôi dạy con cái là việc rất rất quan trọng, được ưu tiên hàng đầu.
Việc dạy con phải từ tốn, nhẹ nhàng, kiên trì không vội vã, không một đập ăn ngay.
Bố mẹ phải gương mẫu, phải sống nghiêm ngắn, tử tế.
Bố mẹ phải thống nhất quan điểm khi dạy con. Nếu có mâu thuẫn, phải bàn bạc riêng với nhau, không thể
hiện mâu thuẫn trước mặt con.
Bố mẹ luôn và thực sự tôn trọng con, giao tiếp với con như hai người bạn, gần gũi hòa đồng nhưng vẫn chú
ý giữ tôn ti trật tự.
Luôn đặt mình vào vị trí của con, để hiểu con và để đáp ứng những điều con cần.
Hết sức tôn trọng thầy cô của con, cố gắng tạo dựng các mối quan hệ tốt với thầy cô nhưng tuyệt đối không
lợi dụng các mối quan hệ đó.
Không tuyệt đối hóa một phương pháp nào. Mình đã tham khảo pp dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Do
Thái... nhưng không theo pp nào, mình chỉ lựa chọn phần nào phù hợp nhất.
Không cầu toàn. Mọi việc làm đều có thể có sai lầm và theo như Bill Clinton đã nói: trong lịch sử, nước
Mỹ đã từng có không ít sai lầm nhưng không có sai lầm nào mà không được khắc phục bằng một chính sách
tốt hơn. Mình thích tư tưởng này.
Bố mẹ có thể mắc sai lầm nhưng luôn có thiện chí sửa chữa. Con cái có thể mắc sai lầm nhưng đó là sự trải
nghiệm cần thiết và quan trọng là phải cố gắng vươn lên.
Cuối cùng: dạy con là việc khó, cực kì khó nên phải học, phải luôn khiêm tốn học hỏi. Không nhất thiết
phải theo trường theo lớp, miễn là mình có ý thức và quyết tâm.
Chúc các bạn thành công.

ĐỂ VIỆC HỌC KHÔNG TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG


(Stt này mình viết mấy năm trước trên fb cá nhân. Trước nay mình vẫn luôn duy trì cách dạy con như này.
Nay Tôm vừa vào lớp 10 chuyên ngữ ĐHQG.
20 năm trước mình cũng dạy con trai lớn như vậy. Nay con cũng đã trưởng thành. Xin chia sẻ cùng các bạn.
Hy vọng nó có ích )
-----
Kết quả học tập của Tôm hùm. Thứ hạng và điểm số chỉ là tương đối, không có ý nghĩa nhiều với mẹ. Lớp
này sang lớp kia đã khác, sang trường kia lại càng khác hơn.
Điều đáng kể nhất đối với mẹ là niềm vui của Tôm, là hạnh phúc của con trong sự học.
Mỗi ngày Tôm đều cười tươi chào mẹ khi đi học và cuối ngày cũng cười rất tươi khi trở về nhà.
Với mẹ, thế là đủ.
Việc học đối với Tôm bình thường, nhẹ nhàng như nó vốn thế, không ép buộc, không la mắng, không áp lực.
Mẹ cho rằng: con có ít nhất 18-20 năm đầu đời giành cho sự học. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời
người.
Nếu trong hơn 20 năm ấy, việc học như một gánh nặng, như một nỗi ám ảnh thì thật lãng phí tuổi trẻ và niềm
vui của con, là đáng tiếc vô cùng.
Nếu trong 20 năm ấy, con có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong sự học thì đó là món quà vô giá không thể
mua được bằng tiền nhưng ba mẹ lại hoàn toàn có thể trao tặng cho con.
Vậy là mẹ lặng lẽ chuẩn bị “nguyên liệu” để làm “món quà” đó.
Nguyên tắc đầu tiên của mẹ: Phải làm cho con không sợ việc học. Điều này đã được Tôm và anh Gấu xác
nhận: “Mẹ là người làm cho chúng con không sợ học.” Vậy làm thế nào để con không sợ học?:
1. Cần xác định rõ với con: con không phải là số 1.
Trong gia đình, ngoài ba mẹ và con, còn có anh Gấu, ông bà ngoại, các cô chú, các dì các cậu …. Cho nên, dù
yêu con rất nhiều, chiều con rất nhiều nhưng con cần phải biết: con bình thường như bao người khác, con
không có đặc quyền đặc lợi gì khác, con có bổn phận và trách nhiệm như tất cả mọi người. Tất nhiên là con có
nghĩa vụ học tập như bất cứ người nào.
2. Con bình thường như những người khác, nghĩa là con được giáo dục như những đứa trẻ bình thường.
Con không phải siêu nhân nên con phải chăm học và mẹ phải dạy con cẩn thận, từng ly từng tí, phải đặt mình
vào lứa tuổi của con để mà hiểu con. Với trẻ con, có những điều tưởng như đơn giản, đương nhiên phải hiểu
thì chúng lại vô cùng bỡ ngỡ. Đúng thôi, bố mẹ có tới mấy chục năm sống trên đời, trong não đầy kiến thức
và kinh nghiệm, còn não trẻ mới có vài năm học hỏi, làm sao biết nhiều được.
Vậy là mẹ phải kiên trì, tuyệt đối không mắng mỏ, không chì chiết. Giảng mãi mà con vẫn không hiểu thì phải
xem cách dạy của mẹ chứ tuyệt nhiên không phải lỗi của con.
3. Không phó mặc việc dạy con cho nhà trường. Nhà trường chỉ dạy con một phần kiến thức. Phần còn lại
phải do gia đình bổ sung.
Con là sản phẩm của bố mẹ, của gia đình, phần lớn thời gian con ở cùng gia đình, hà cớ gì lại cho rằng con
học kém, con hư là tại nhà trường? Có một điều đáng buồn trong nhiều năm dạy học, mình nhận thấy: trẻ con
không được học cách suy nghĩ, cách tư duy, chúng rất thụ động.
Một trong những nguyên nhân là do áp lực từ bố mẹ. Bố mẹ bảo học thì học, bảo chơi thì chơi, bảo gì làm
nấy. Lâu dần mọi việc toàn làm theo ý bố mẹ.
Hãy hình dung: trước khi đi làm, mẹ giao cho con khoảng 15-20 bài tập với lời giao hẹn: Con phải làm xong
mới được chơi, (mới được đi ngủ). Mình hình dung kiểu này giống như việc đem con đến một bể bơi, bảo
con, hãy bơi đi, chiều mẹ về con phải sang được đến bờ bên kia nhé. (con sang bờ bên kia bằng cách nào, chỉ
có con mới biết.) Vậy là mẹ yên tâm ra đi, chắc mẩm con còn phải vật lộn với cả đống bài tập, còn thời gian
đâu mà chơi, mà nghịch dại nữa. Mình không thích giao bài cho con kiểu này vì mình thấy lợi ít, hại nhiều.
Khi gặp vấn đề, không có ai giúp đỡ, trẻ trở nên sợ hãi, ghét bỏ thậm chí đối phó để cho xong. Bố mẹ phải
GIÚP con học tập. Phải kịp thời ở bên con, là chỗ trợ giúp tin cậy khi con gặp khó khăn chứ không phải để
trách cứ “tại sao con lại thế này, tại sao con lại thế kia?” (Nếu biết thì con đã chẳng làm thế). Chính mẹ mới là
người phải tự tìm hiểu tại sao con lại làm như thế để mà giúp con không mắc sai lầm nữa.
Cũng chính việc học cùng con là cơ hội tuyệt vời để mẹ dạy con phương pháp học, cách tư duy. Với mẹ,
phương pháp học là cực kỳ quan trọng, nó giúp con rất nhiều trong việc "học khôn ngoan mà không gian
nan". Nhà trường không thể dạy mọi thứ, chỉ có bố mẹ mới làm được. (Nếu bố mẹ không làm được thì nhờ
chuyên gia và chắc chắn nó có lợi rất nhiều so với việc học không có phương pháp). Khi có được phương
pháp học và kiến thức cơ bản thì con có thể tự bước đi mà mẹ không cần trợ giúp nhiều nữa.
4.Dạy con về tính nghiêm túc và lòng tự trọng. Cả Tôm và Gấu, chưa bao giờ đi học muộn vì con hiểu đi
muộn làm ảnh hưởng đến cả lớp, là rất đáng xấu hổ. Chỉ đơn giản là chuyện đi học đúng giờ nhưng nó phản
ánh quan niệm của con với việc đi học có nghiêm túc hay không.
Thái độ của bố mẹ đối với thầy cô giáo có ảnh hưởng quyết định đến việc con vâng lời thầy cô như thế nào.
Mẹ Tôm lúc nào cũng kính trọng thầy cô của con, thưa gửi đàng hoàng, không bao giờ xưng hô bằng vai phải
lứa, dù thầy cô ít tuổi hơn mình và luôn giữ một khoảng cách cần thiết.
5. Dạy con có niềm vui lành mạnh, nhận biết đúng giá trị của mình. Không khen con tùy tiện nhưng luôn
chú ý và khuyến khích mỗi cố gắng dù nhỏ nhất của con. Tôm đi học về, mẹ thường không hỏi: “hôm nay con
được mấy điểm?”, mà thường hỏi hôm nay ở trường có chuyện gì hay? Nếu hôm ấy, Tôm bị điểm chưa tốt thì
cũng bình thường “hôm sau bù con nhé.” Hôm nào Tôm đạt điểm cao hay giải được bài toán khó, con vui vì
chiến thắng bài toán, vì kiến thức được nâng cao chứ không vì hoàn thành chỉ tiêu của mẹ.
Mẹ chẳng có chỉ tiêu nào cả, nhưng mẹ luôn có cái để tự Tôm lựa chọn.
Tôn trọng những sở thích của con. Ngoài việc học ở trường, Tôm thoải mái xem tivi, chơi máy tính, vẽ ô tô
và tự học lập trình đồ họa. Nhiều hôm đi làm về nghe tiếng gầm rú trên tivi muốn điên cả đầu. Nhưng mà
Tôm đang tập nghe tiếng Anh, với lại Tôm bảo, mỗi loại xe có tiếng kêu riêng, nghe tiếng động cơ, có thể biết
được rất nhiều thông số kỹ thuật của nó. Người ta phải nghiên cứu rất nhiều về những tiếng máy xe chứ không
phải tự nhiên như thế. Chu choa... .... Mẹ đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy thôi.
Túm lại, bố mẹ phải là người cùng con, giúp con nhiều hơn là khoán chỉ tiêu và yêu cầu con này nọ.
Cứ như vậy, từng ngày từng ngày mẹ đồng hành cùng con. Và nụ cười của con là niềm vui vô giá của mẹ.
TRƯỜNG CHUYÊN (P1)
Viết cho những người mình yêu
Trong stt này mình xin chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc giúp con trai (và cả bố nó) chỉ trong vòng 2
tháng, từ chỗ nói KHÔNG với trường chuyên đã trải qua các cung bậc:
Thi thử để biết.
Thi đỗ cũng không học
Hào hứng, phấn khởi tự giác lên kế hoạch chuẩn bị cho năm đầu tiên ở trường chuyên.
Cũng nói ngay rằng con mình không phải thần đồng, việc thi đỗ không phải là phép lạ mà là một quá trình, có
cả chiến lược, chiến thuật nhưng hoàn toàn không áp lực, không chạy đua vũ trang căng thẳng.
Gia đình mình vốn có truyền thống nói Không với trường chuyên.
Gấu bố và Gấu anh không học chuyên. Gấu mẹ có thi chắc cũng trượt.
Trong con mắt nhà Gấu, trường chuyên là dành cho những ai thực sự có năng khiếu, có đam mê mà nhiều khi
vì đam mê người ta sẵn sàng dấn thân, dám hi sinh cả hạnh phúc cá nhân để thỏa mãn niềm đam mê ấy. Gia
đình Gấu tự thấy mình rất bình thường nên việc cố sống cố chết để thi vào trường chuyên lớp chọn là không
cần thiết.
Có nhiều con đường dẫn tới thành Rôm cơ mà.
Vài lần thầy cô có hỏi gia đình có định đầu tư cho con thi vào trường chuyên không. Nghĩ tới cảnh suốt ngày
chạy đua chở con đi học thêm, Gấu mẹ rét quá, trả lời NO không do dự.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu một ngày Gấu anh không bảo: theo con ba mẹ nên cho em Tôm học
trường chuyên!
- ???
- Vì ...
Gấu mẹ bắt đầu tìm hiểu về trường chuyên.
(Gấu mẹ đã bắt đầu đổi mới tư duy đấy.)
Thực ra, đích đến ban đầu của gia đình Gấu chỉ là THPT Việt Đức lớp tiếng Đức.
Vì nhiều lý do, trong đó lý do của Gấu em đưa ra là quan trọng nhất: ông thầy dạy tiếng Đức mà con yêu thích
sẽ không dạy ở VĐ nữa, điều này đồng nghĩa với việc thu nhỏ quy mô dự án tiếng Đức ở VĐ, có nghĩa liên
quan đến chất lượng đào tạo.
Thế là cả nhà quyết định: Tôm thi vào cấp 3 Kim Liên.
Và để an toàn, không bỏ hết trứng vào một giỏ cần phải có thêm một phương án dự phòng. Phương án đó là
dự thi Chuyên Ngữ.
Quyết định được đưa ra trước khi thi gần 2 tháng, nghĩa là hai mẹ con chỉ có không đầy một tháng rưỡi để
chuẩn bị.
Con sẽ dự thi vào c3 Kim Liên bằng tiếng Anh và dự thi vào chuyên ngữ bằng tiếng Đức.
Đề thi vào trường chuyên có cấu trúc và dạng bài rất khác, khác hoàn toàn toàn với thi THPT. Bạn bè Tôm đi
luyện thi CN đều khẳng định: không đi học thêm ở CN thì không thể thi đỗ vì không biết họ thi kiểu gì, làm
sao mà ôn được. CN không bao giờ công khai đề nên chỉ đi học ở đó, học thầy cô ở đó thì mới có cơ hội.
Nghe xong Gấu mẹ toát mồ hôi hột.
Nhưng mà Gấu mẹ không nản, cũng không liều lĩnh. Gấu mẹ cẩn thận phân tích tình hình, đánh giá thuận lợi,
khó khăn, động viên con dự thi. Cân nhắc kỹ càng, Gấu mẹ khẳng định: con quyết tâm, con sẽ đỗ!
Ông con đồng ý thi nhưng giao hẹn: con sẽ quyết tâm thi nhưng như nhà mình đã thống nhất con chỉ thi cho
biết, nếu đỗ con cũng không học chuyên ( ).
Đã thế lại còn thêm điều kiện: mẹ lùi lại 2 tuần để con thi xong DSD tiếng Đức rồi mới ôn thi chuyên.
Vậy là chính thức mẹ chỉ còn 1 tháng 12 ngày để cùng con.
Bây giờ phải làm sao?
Bài hơi dài, mình xin chia làm hai phần.
(P2) Đánh giá cụ thể và thực hiện

TRƯỜNG CHUYÊN (P2)


Trong stt này mình không bàn luận về vụ trường chuyên tốt hay không tốt. Tốt xấu tùy người. Để tránh viết
dài và tránh những tranh luận không cần thiết, mình sẽ không nói tại sao gia đình mình nói không với trường
chuyên (từ thời ông nội của các con).
Mình cũng sẽ không nói tại sao mình lại thay đổi, động viên con đi thi và thuyết phục con học chuyên ngữ.
Mình chỉ chia sẻ cách mình đã đồng hành cùng con, giúp con thi đỗ dù không đi luyện thi một ngày nào.
Tiếp p1: Đánh giá cụ thể và giải pháp
Khi quyết định cho con thi Chuyên Ngữ, mình cẩn thận đánh giá tình hình chung và cụ thể từng môn:
Môn ngoại ngữ: Mục tiêu của gia đình là cho con đi du học bậc ĐH nên con được học tiếng Anh từ lớp 2 ở
một trung tâm Anh ngữ. Việc này không chỉ trang bị kiến thức cơ bản mà con còn được tiếp thu phong cách,
văn hóa, tư duy của người nước ngoài. Nó góp phần hình thành phong cách tự tin, nghiêm túc trong con.
Lên lớp 6 mình cho con học lớp song ngữ Anh - Đức ở trường THCS Đống Đa, trường công gần nhà, đúng
tuyến.
Động cơ ban đầu là cho con học thêm một ngoại ngữ cũng tốt. Tiếng Anh con học khá tốt, giờ chuyển sang
tiếng Đức cũng đỡ, nhẹ nhàng, không nhiều áp lực.
Bọn mình dạy con dù học trường nào cũng cần học tốt hai thứ tiếng, không coi nhẹ tiếng nào.
Cũng là tình cờ con đam mê xe đua, xe F1 mà Đức lại là nơi có hãng xe BMW, có người con hâm mộ nên con
thích tìm tòi, đọc, nghe, khám phá bằng tiếng Đức. Vì vậy con có động cơ để học học tiếng Đức và học cũng
khá.
Việc mình quyết định cho con thi vào Kim Liên bằng tiếng Anh và thi CN bằng tiếng Đức là để con duy trì sự
cân bằng giữa hai thứ tiếng, không bị ngắt quãng, không quá chú tâm vào thứ tiếng nào.
Việc con học tốt ngoại ngữ là một lợi thế vì thi chuyên ngữ, ngoại ngữ tính hệ số 2.
Con cũng vừa trải qua kỳ thi DSD ở trường, đã được học với các thầy cô có uy tín của chương trình liên kết
Việt Đức. Đây cũng là một lợi thế.
Môn Văn + tổ hợp KH xã hội.
Ngay khi còn nhỏ, mình đã dạy con phải học nghiêm túc tất cả các môn, không coi nhẹ môn nào. Mình không
muốn trong nhà có một siêu nhân đầu to mắt cận, chỉ số IQ thì cao vút mà EQ thì thấp còi.
Con học nghiêm túc các môn nên khi có quyết định thi môn Sử, cũng không thấy sốc.
Ngay từ hè năm lớp 8, cô giáo dạy Văn ở trường của con đã yêu cầu các con phải đọc và soạn trước các bài
văn trong chương trình lớp 9.
Ok, chấp hành thôi.
Mình nhắc con đọc và soạn bài đầy đủ theo yêu cầu của cô.
Mình còn yêu cầu con học thuộc lòng các bài thơ trong chương trình Ngữ Văn lớp 9.
Con cũng đã được mẹ dạy cách học thuộc lòng từ hồi tiểu học nên việc này cũng ok.
Việc chuẩn bị này cực kỳ có lợi, nó giúp con vào năm học mới tiết kiệm được thời gian và sức khỏe để tập
trung vào việc chính.
Phần tiếng Việt trong Ngữ Văn con cũng không gặp khó khăn gì lắm. Con chú ý nghe cô giảng bài, nắm vững
các khái niệm cơ bản là ok.
Riêng phần nghị luận (NLVH và NLXH), nếu không được chuẩn bị tốt thì rất mệt. Các con phải viết một đoạn
văn nghị luận về một vấn đề nào đó. Phần này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và sự hiểu biết của con.
May mắn là trong gia đình, bọn mình hay trò chuyện với các con về các vấn đề xung quanh. Mỗi một vấn đề
đưa ra được bình luận, đánh giá nhiều chiều nhằm dạy cho con có suy luận logic và tư duy phản biện ... Cách
trò chuyện mang tính định hướng này không chỉ tốt trong học văn mà còn rất tốt trong cách ứng xử gia đình,
xã hội. Khi gặp các vấn đề về nghị luận, con đã có sẵn cách tư duy, cách nhìn nhận vấn đề nên về cơ bản khi
gặp một đề nghị luận mới, dù chưa được học, chưa được ôn, con cũng có thể "từ từ đánh chén".
Khách quan mà nói, con có cách suy nghĩ tích cực, rành mạch, có tư duy phản biện và hiểu biết khá rộng. Đó
cũng là một lợi thế.
Môn Toán + tổ hợp KHTN.
Đây là môn xương nhất. Đề thi chuyên ngữ 100% trắc nghiệm, con chưa hề được làm quen.
Mình đánh giá: con có kiến thức nền tảng tốt, kỹ năng tốt, cố gắng sẽ ổn.
Từ trong hè, mình mua quyển Toán cơ bản và nâng cao của tg Vũ Hữu Bình cho con tự học. Mỗi ngày 4-5
bài, xong hè xong chương trình lớp 9.
Vào năm học, cô giáo sẽ dạy kỹ hơn, nhưng do von đã học sơ qua, đã vỡ vạc nên dễ tiếp thu. Trong năm học
sẽ vừa học vừa làm thêm các đề nâng cao. Mình đánh giá quyển này vừa sức, có phần lý thuyết ngắn gọn, cô
đọng. Con học lý thuyết và làm bài tập. Làm hết phần cơ bản thì đến phần nâng cao. Làm xong đối chiếu đáp
án xem sai đúng ở đâu, thừa thiếu chỗ nào. Gặp bài khó nghĩ mãi chưa ra thì được phép xem đáp án. Xem đáp
án thì phải hiểu, phải đánh dấu lại để lần sau còn kiểm tra lại.
Mình không sợ con không chịu làm bài chỉ chép đáp án vì mình luôn kiểm tra. Với lại, từ hồi nhỏ mình dạy
cho con biết vui khi giải xong một bài toán khó, biết vui khi tự mình chiến thắng bản thân, nên con khá tự
giác.
Con cũng có nhiều kỹ năng tốt do được luyện từ bé : con viết chữ rõ ràng, sạch đẹp, trình bày khoa học, cẩn
thận. Con vẽ hình rất đẹp, nhanh và rõ. Con viết nháp cũng ngay ngắn, không xoay ngang xoay dọc, tính toán
cẩn thận, ít khi nhầm lẫn, sai vặt. Con rất biết nghe lời thầy cô, chú ý cả những chi tiết nhỏ nên ít khi bị trừ
điểm lặt vặt. (Do cũng đã từng bị trả giá đau nên biết rút kinh nghiệm )
Vậy là chỉ còn tập trung vào kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.
Thời gian này mình lùng sục tìm các bài viết về cách làm bài trắc nghiệm mình làm trước, đúc rút kinh
nghiệm rồi dạy lại cho con.
Mình mua một khóa học online luyện đề cho khối không chuyên. Mình chọn khối này vì nó phù hợp trình độ.
Mình giải, nghe giảng trước, lọc ra những phần nào cần bổ túc, cần lưu ý để nhắc con.
Con cũng nghiêm túc làm bài theo hướng dẫn của mẹ. Được cái con rất tin tưởng ở mẹ nên hợp tác tốt.
Việc con tin tưởng và biết nghe lời là một điều rất rất quan trọng. BIẾT nghe lời khác với nghe lời răm rắp
không điều kiện. Có dịp mình sẽ nói riêng về vấn đề này sau.
Vậy thôi, tất cả chỉ có vậy nhưng mình vẫn hy vọng nó có ích.
Chúc các bạn thành công.
À, nói thêm: vì mê xem đua xe công thức 1 nên con trai học và rèn luyện được tính tập trung cao độ. Hắn đem
áp dụng ngay vào bài thi: tập trung cao độ, cố gắng trong từng phút giây ...
Và kết quả được đáp đền

TRƯỜNG CHUYÊN P3
ĐAM MÊ DẪN BƯỚC
Trong phần I, II TRƯỜNG CHUYÊN, mình đã chia sẻ: vì nhiều lý do, gia đình mình không mặn mà với
trường chuyên. Trong gia đình hầu như không có ai học chuyên.
Một ngày, anh Gấu khuyên ba mẹ nên cho em Tôm học trường chuyên. Theo anh Gấu, các trường chuyên rất
được các trường ĐH ở nước ngoài ưu ái. Nhiều trường về tận các trường chuyên để tuyển sinh nên việc làm
hồ sơ đi du học được hỗ trợ rất nhiều.
Hồi trước, anh Gấu học ở trường thường nên việc làm hồ sơ đi du học cực kỳ vất vả. Hồ sơ làm xong cả
tháng, sắp đến ngày nhập trường INSA mà Sứ quán không chịu cấp visa.
Chỉ đến khi đem cái giấy báo trúng tuyển ĐHBK HN hệ chính quy trình lên thì họ mới chịu chìa cái visa ra.
Năm ấy anh Gấu suýt bị muộn, phải hoãn vé máy bay 2 ngày.
Nghe anh Gấu nói vậy, mẹ Lý cũng bỏ công tìm hiểu, đọc các bài viết về trường chuyên. Ờ cũng phải
thường xuyên update để thay đổi tư duy chứ.
Cuối năm lớp 9, Gấu mẹ đi họp phụ huynh cho Tôm. Cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn, tư vấn về các trường
cấp 3. Cô nói năm học tới, thầy Thomats Dippe không dạy ở VĐ nữa, thầy chỉ dạy ở Chuyên Ngoại ngữ
(CNN) thôi.
Đối với Tôm, đây là một tin không vui. Con ngưỡng mộ thầy Dippe và có ý định thi vào VĐ. Nay thầy không
dạy ở VĐ nữa, con thấy hụt hẫng.
Thấy Tôm trăn trở, mẹ buột miệng: Con muốn học thầy Dippe thì chỉ có cách thi vào Chuyên ngữ. Hay là
con thi Chuyên ngữ?
Nói xong mẹ cũng giật mình vì điều đó gần như không tưởng. Tôm chưa bao giờ có ý định thi Chuyên ngữ,
chưa một ngày ôn thi khối chuyên, cũng chẳng có mấy hiểu biết gì về trường chuyên.
Nhưng khát vọng chính đáng của Tôm cần được động viên và nâng đỡ. Để đạt được điều mình mong muốn,
đôi khi cần mạo hiểm, đôi khi cần thử thách.
Tôm lưỡng lự còn mẹ thì suy tính. Mẹ tìm hiểu, mẹ cân đo đong đếm.
Mẹ bàn với cả nhà: Tôm sẽ không thi vào VĐ nữa. Con sẽ thi vào cấp 3 Kim Liên bằng tiếng Anh và thi
Chuyên ngữ tiếng Đức.
Tôm đồng ý thi CNN nhưng chỉ là để thi cho biết.
Quá trình đồng hành cùng con thi CNN mình đã kể ở P1, P2.
Mẹ dự đoán chính xác. Tôm thi đỗ Chuyên ngữ tiếng Đức hệ chính quy và thi đỗ cấp 3 Kim Liên.
Lúc này trong gia đình nhà Gấu lại xảy ra chuyện cân nhắc đắn đo ghê gớm. Vấn đề ở chỗ nên chọn Chuyên
Ngoại Ngữ ĐHQG hay cấp 3 Kim Liên? Thi đỗ Chuyên ngữ hệ chính quy thì rõ là một thành tích không tồi,
nhưng học Chuyên ngữ lại là chuyện khác. Từ nhà đến trường CNN khá xa. Tôm phải đi xe buýt. Chỉ riêng
chuyện đi lại cũng mất nhiều thời gian và công sức. Mô hình anh Gấu học cấp 3 gần nhà, hàng ngày đạp xe
đi học, trưa về ăn cơm, lên lớp 10 mới học tiếng Pháp vẫn đủ sức đi du học Pháp ngon lành đó thôi.
Mẹ hỏi han bạn bè chung quanh, hỏi những người có con đã và đang học CNN. Mọi người đều ủng hộ con
vào CNN. “Vào CNN, chị không phải lo gì cả. Các thầy cô cực kỳ nhiệt tình”, “Riêng CNN không chỉ chuyên
ngoại ngữ mà là chuyên tất cả các môn”, “hầu hết học sinh vào CNN là để đi du học nên nhà trường rất chú
trọng để các con có hồ sơ đẹp’’… Nói chung CNN là rất tốt, là tuyệt vời. Chỉ có một cô bạn cảnh báo nhẹ: Ở
CNN, nhà trường và các thầy cô rất biết cách thu tiền …
Mẹ dẫn Tôm đi thăm trường CNN, thăm c3 Kim Liên và để Tôm quyết định.
Tôm chọn CNN.
(còn nữa)

TRƯỜNG CHUYÊN P4
ĐAM MÊ DẪN BƯỚC
Năm đầu tiên học CNN, Tôm vui lắm. Ngày nào cũng vui như Tết, mặt hớn hở, háo hức khoe hôm nay chúng
con làm cái này hôm nay chúng con làm cái kia. Tôm tham gia các OGL, các câu lạc bộ, có gần chục cái áo
đồng phục khác nhau. Mẹ nhăn mặt vì thỉnh thoảng lại thấy Tôm mang về một cái áo mới. Tôm giãy nảy khi
mẹ có ý kiến về các group, các OGL … mà con tham gia.
Ba mẹ bắt đầu lo lắng vì Tôm suốt ngày tham gia các clb nọ kia.
Ngay từ đầu thì bọn mình luôn xác định với con: Mục tiêu của con là du học Đức, ngành kỹ thuật ô tô. Vì vậy,
con cần phải học tốt các môn khoa học tự nhiên. Ngoại ngữ là phương tiện, không phải mục tiêu. Dĩ nhiên rồi,
con phải học tốt ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Đức.
Từ đam mê ban đầu là chiếc ô tô Hummer, thích vẽ ô tô rồi đến ô tô đua, rồi đến kỹ thuật ô tô … đam mê của
Tôm là một hành trình tìm hiểu và phát triển không ngừng. Đến cuối cấp 2 thì mục tiêu của Tôm hầu như đã
rất rõ ràng. Con muốn học ngành kỹ thuật ô tô. Con muốn du học Đức vì nơi ấy có hãng xe nổi tiếng, là nơi
sản xuất những chiếc ô tô lừng danh.
Học các ngành kỹ thuật tương đối vất vả, đòi hỏi con phải cố gắng nhiều. Không có nhiều CNNer theo học
các ngành kỹ thuật. Phần đông các bạn chọn khối Kinh tế hoặc Văn hóa. Vì vậy sự ưu tiên cũng khác.
Tôm vào CNN, khó khăn đầu tiên mẹ cảm thấy là lơ mơ về lịch học của con. Thời khóa biểu như một ma trận.
Trường gửi cho phụ huynh một cái TKB của cả khối, cột dọc cột ngang như mạng nhện. Gấu mẹ chịu chết
không đọc nổi. Bắt thằng con chép riêng ra cho mẹ thì vài hôm lại thay cái khác.
Chương trình học cũng khác. Đầu năm đi nhập học, mua bộ SGK hết mấy trăm nghìn nhưng không bao giờ
dùng đến. Các thầy cô soạn ra chương trình, hệ thống bài tập theo chủ đề của từng môn. Mẹ Tôm là dân khối
A chính hiệu nhưng nhìn vào hệ thống các môn TLH của con thì như nhìn vào mớ bòng bong. Nó theo chủ đề,
nó không giống ai, nó không có hệ quy chiếu … Nó theo mạch kiến thức của thầy… Muốn giúp con cũng
chịu, muốn thăm hỏi xem con học hành đến đâu cũng khó.
Gấu mẹ hoang mang, tâm sự với Gấu bố. Tưởng được cảm thông, chẳng ngờ Gấu bố nhảy dựng lên như phải
bỏng: Chuyển ra trường thường học ngay. Ba thấy thế không ổn. Ba sẽ chuyển con ra trường thường …
Gấu bố cứ khăng khăng cái điệp khúc chuyển trường làm Gấu mẹ phát ngán. Gấu bố đâu biết chuyện chuyển
trường có phải cứ nói là làm được. Lâu nay Gấu Bố có biết gì đến chuyện trường lớp đâu.
Đã thế, thỉnh thoảng Gấu bố còn đá xoáy: Mẹ bây giờ mất kiểm soát với việc học của Tôm rồi nhỉ? Mẹ bây
giờ không học cùng con được rồi nhỉ? Mẹ giờ không nắm được chuyện thằng con của mẹ học hành như thế
nào rồi nhỉ?
Hu hu … Chưa đến nỗi thế, nhưng Gấu mẹ cũng bắt đầu hoang mang.
Tôm đến trường suốt ngày, tối về cũng chăm chỉ học bài. Tôm vẫn kể cho mẹ nghe chuyện trường chuyện
lớp. Hôm nay chúng con làm cái này cái kia vui lắm, hôm nay chúng con gặp anh X, chị Y, hôm nay anh chị
khối trên bảo: Vào CNN các em có thể kém nhưng không thể lười … Ý Tôm là phải chăm học và con vẫn
chăm học.
Tôm nói thế thì mẹ biết thế.
Nhưng mẹ vẫn canh cánh lo về cái sự học.
Có quá nhiều hoạt động hào nhoáng, như một lớp bọt óng ánh bảy sắc cầu vồng trên cốc bia, che phủ lên cái
lượng có thực bên dưới.
(Còn nữa)

ĐAM MÊ DẪN BƯỚC (P5)


TRƯỜNG CHUYÊN P5
Như đã nói, Tôm có đam mê xe cộ nên từ hồi cấp 2, con đã định hình mục tiêu là học về kỹ thuật ô tô.
Rồi cũng nhờ đam mê ô tô nên con có động lực để quyết tâm du học Đức.
Ngay từ hồi đầu cấp 2 thì bọn mình đã chỉ cho con thấy: muốn học ngành KT ô tô thì con phải học tốt các
môn Khoa học tự nhiên. Có lẽ vì KHTN khó hơn nên cần chú ý nhiều hơn chứ thực tế bọn mình vẫn yêu
cầu con phải duy trì sự cân bằng giữa KHTN và KHXH, không xem nhẹ bên nào. Theo bọn mình, KHXH
giúp cho việc nhận thức thế giới và nhân sinh. Còn KHTN giúp cho khả năng tư duy, tư duy logic, tư duy
phản biện, tư duy sáng tạo …
Lên cấp 3, vào CNN con không gặp khó khăn gì lắm với các môn KHXH. Đầu năm, con khoe rằng cô
dạy Văn và cô dạy GDCD dạy rất hay, các cô rất tâm lý, hiểu học sinh, tôn trọng học sinh và rất thoáng

Các cô dạy tiếng Đức thì khỏi nói. Các cô dạy giỏi, nhiệt tình và luôn tôn trọng học sinh. Con đặc biệt ca
ngợi cô Tú. Cô là người luôn truyền năng lượng tích cực tới các học trò.
Nhưng với các môn KHTN thì khác. Các thầy soạn ra một “hệ thống bài tập tự luận và trắc nghiệm khách
quan” cho học sinh, theo từng chương, mỗi chương một quyển. Mỗi quyển có khoảng 3-4 trang ghi kiến
thức trọng tâm theo kiểu liệt kê công thức. Không có hướng dẫn giải, không có đáp án.
Tất nhiên, phần lý thuyết, phần hướng dẫn được hiểu là thày dạy trên lớp. Nhưng với một khối lượng
kiến thức như vậy, chỉ trông vào các buổi dạy trên lớp thì thật khó. Với mấy quyển hệ thống bài tập đó,
học sinh thời 4.0 dễ dàng tìm ra đáp số bằng Gg, bằng máy tính tay … Nhưng học kiểu đó chẳng khác
nào trâu bò cày ruộng. Không học thêm thầy thì đố mày hiểu được …
Thỉnh thoảng Tôm khoe: Thày của con hôm nay dạy hay lắm mẹ ạ. Thày chỉ dạy trong 15 phút đầu thôi,
còn sau đó thày nói về Đầu tư tài chính, về Bitcoi, về chứng khoán… Thày dùng các thuật toán trong toán
học để tính toán sác xuất, áp dụng trong trong đầu tư và chơi chứng khoán đấy mẹ ạ…
Mẹ Tôm thấy có gì đó không ổn. Gì thì gì, cứ học theo kiểu ăn chắc mặc bền là hơn.
Mẹ hỏi con có muốn đi học thêm các thầy không? Thầy nào cũng dạy thêm, đăng quảng cáo, BPH gửi
công khai cho nhau trong nhóm.
Tôm muốn tự học ở nhà.
Vậy là tiếp tục duy trì nề nếp học online từ hồi cuối cấp 1. Mẹ mua cho Tôm bộ bài giảng online. Mẹ cho
con học thử, chọn thầy, chọn những môn mà con cần. Rồi động viên con: Thôi, con cứ học theo bộ này
để mẹ còn biết mà theo dõi tiến độ và kiểm tra kiến thức. Chấp nhận thời gian đầu, kiến thức có thể chưa
kịp cập nhật. Ở trường thày dạy theo chiều dọc, con cày theo chiều ngang. Nhưng mẹ tin nếu học thực,
làm thực thì sẽ OK. Kiến thức C3 như một thửa ruộng, cày dọc hay ngang cuối cùng cũng sẽ hoàn thành,
sẽ về đích.
Vậy là ngoài thời gian học chính khóa ở trường, Tôm ở nhà tự học online.
Cuối năm. Cả lớp toàn học sinh giỏi với xuất sắc.
Ai cũng vui mừng hỉ hả.
Họp phụ huynh. Bác đại diện Hội CMHS phát biểu: Quan điểm của tôi là: Các con học vừa vừa thôi. Các
con học nhiều quá, vất vả quá. Học nhiều để làm gì? Ba năm cấp 3 trôi đi nhanh lắm. Các con cứ bình
tĩnh mà học. Học nhưng đừng quên chơi. Chơi cho thoải mái. Chơi thật nhiều vào cho bác. Chơi thật vui,
thật giỏi. Những việc khác cứ để bố mẹ lo!
Phụ huynh gật gù tán thưởng.
Gấu mẹ bối rối!
Quay sang nói chuyện với phụ huynh bên cạnh. Con gái chị có điểm cao gần nhất lớp. Hàng ngày hai mẹ
con dậy từ từ 4h30 sáng, chuẩn bị bữa sáng để 5 giờ con ra bắt xe buýt, đi 3 tuyến buýt đến trường. Con
mang cơm đi để ăn buổi trưa đỡ tốn thời gian ra ngoài ăn quán. Ăn xong, con nghỉ ngơi chừng 30 phút rồi
đi học thêm. Hôm nào không học thêm thì ở lại trường tự học, đến 7h bắt xe buýt về nhà. Hàng ngày con
thức đến 11h đêm để học. Tính ra con chỉ ngủ 5-6 tiếng/ngày.
Lại thấy một chị cực kỳ sắc sảo, đang nói vanh vách về kế hoạch học tập của con. Lúc nào thì thi ai eo,
thi sớm quá thì hết giá trị, thi muộn quá, lỡ điểm thấp thì trở tay không kịp. Nào là chị đầu tư cho con rất
sớm; mời thầy của CNN về dạy cho con suốt 4 năm từ lớp 6 tới giờ. Hồi học cấp 2, con chị giành giải
Olympic Toán thành phố.
Thật đáng ngưỡng mộ.
Phải công nhận, phụ huynh CNN nhiều bác trình độ cao, mức sống cao và rất thông thái. Độ nhiệt tình và
quán xuyến thì tuyệt vời. Mọi công việc cứ gọn hơ. Gấu mẹ không tham gia BPH nhưng yên tâm lắm. Có
bác trưởng ban là một VIP, vừa có tâm, có tầm, có tiền và có quyền. Mọi việc của lớp vận hành rất ngon
lành.
Nhưng cái sự học thì không giống nhau. Tùy vào mục đích.
(Còn nữa)
Chuẩn bị cho con vào lớp 1
Mình không phải gv lớp 1 nhưng yêu trẻ và có nhiều cơ hội ở gần các bé. Thấy các mẹ sôi nổi chuẩn bị cho
con vào lớp 1, mình xin đóng góp vài kinh nghiệm thực tế:
Việc có nên cho con học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 hay không, đã có nhiều người viết rồi, tùy hoàn
cảnh và quan điểm của từng người mình không nói nữa. Mình chỉ chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân mình đã
chuẩn bị những gì khi con vào lớp 1.
. Chuẩn bị TÂM THẾ cho con: Lớp 1 là bước phát triển cao hơn so với mẫu giáo. Không còn vừa chơi vừa
học nữa mà là học ra học, chơi ra chơi.
Con phải biết tôn trọng kỉ luật, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ở nhà, con là Vip, là cục cưng của
ông bà, cha mẹ, được quan tâm, được chăm sóc cưng chiều. Đến trường con sẽ không được quan tâm chú ý
nhiều như trước, con bình đẳng như tất cả các bạn trong lớp, cô không thể quan tâm duy nhất đến một mình
con . Cần chuẩn bị để bé đừng hụt hẫng, hoang mang.
Đi học là một việc bình thường, trường học không phải là nơi chỉ để vui chơi, cũng không phải là nơi để trừng
phạt. Trường học là nơi để học, học những cái hay, cái tốt.
Trường học không phải lúc nào cũng vui như Tết, nhiều khi ta phải làm những việc không thích nhưng đó là
việc cần phải làm.
Vì thế, sau mỗi buổi học, hãy đón bé bình thường, bằng tình yêu thương chứ đừng chầm bập, xót xa, đừng
đón bé như một anh hùng từ chiến trận trở về. Bé sẽ thấy mình cần được ghi công đấy.
Mình đã chứng kiến, có cô bé cậu bé, ngay từ ngày đầu tiên đến lớp, đã chủ động lên thẳng bàn gv, thưa với
cô: con là con ông X, bà Y, là quan chức này, lãnh đạo kia... Bất luận là gì thì điều này cũng nên tránh.
Ngược lại cũng có bé lại quá nhút nhát, co mình lại, ít giao tiếp. Bố mẹ cần chuẩn bị tốt tâm lý cho bé.
Dạy con biết cư xử đúng đắn với bạn bè và biết chịu trách nhiệm. Bạn chỉ vô tình chạm nhẹ vào người, bé
cũng khóc, cũng bắt đền. Hơi tí là lên mách cô, nhiều bạn làm vậy, cô chẳng còn mấy thời gian mà dạy nữa.
Dạy con BIẾT lắng nghe. Theo mình điều này vô cùng quan trọng. Quan trọng đến nỗi mình nghĩ rằng có
thể phải viết riêng một stt về việc dạy con biết lắng nghe.
Dạy con một số kỹ năng cơ bản:
- Dậy sớm, đi học đúng giờ. Nhiều bé dậy muộn. Ngồi trên xe đi học còn ngái ngủ, vừa đi vừa ăn sáng... như
thế không tốt. Cố gắng đi học đúng giờ ngay từ đầu để hình thành thói quen tốt.
- Dạy cho con cách chuẩn bị sách vở, đồ dùng cá nhân, cách sắp xếp, giữ gìn và tôn trọng chúng. Nhiều bé có
rất vô tâm với đồ dùng của mình: cặp sách thì quăng quật không thương tiếc, sách vở rách nát, đồ dùng là một
mớ bèo nhèo, lộn xộn. Đáng tiếc, số này không hề ít. Trong lớp học, không hiếm gặp những cặp sách, áo đồng
phục, khăn, mũ ... vứt lung tung, nhàu nát, bẩn thỉu giữa lối đi, ngay bên cạnh mà các bé vẫn không hề bận
tâm.
- Dạy con cách gọt bút chì, cách bơm mực, chuẩn bị bút, đồ dùng dự trữ. Nhiều bạn đến lớp mà quên mang
bút, quên đồ dùng. Con không biết tự giải quyết nên chỉ biết thưa cô. Một việc nhỏ thế thôi nhưng cô sẽ mất
vài phút để giải quyết, vài bạn như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian và cảm hứng dạy.
- Dạy con cách ngồi: ngồi ngay ngắn, lưng thẳng cổ thẳng. Không gác chân lung tung, không co chân lên
ghế... Việc tuy nhỏ nhưng lại tốn công và đáng buồn là có rất nhiều bạn ngồi sai tư thế. Nếu bố mẹ không rèn
ở nhà, đến lớp thành quen rất khó sửa. Ở lớp, cô giáo cũng không có nhiều thời gian để sửa đi sửa lại cho từng
bạn nên bố mẹ phải rèn con là chính.
Dạy con cách cầm bút: Việc này cũng rất quan trọng nhưng không khó, không đòi hỏi phải có kiến thức cao
siêu, bố mẹ nào cũng làm được. Cầm bút đúng sẽ dễ viết, viết đẹp, viết nhanh. Vấn đề này cần được quan tâm
đúng mức. Nhiều bé học giỏi nhưng tay cầm bút rất xấu. Lên lớp lớn bố mẹ mới nhận ra thì đã thành quen
không kịp sửa nữa. Cầm bút bằng ba ngón tay, tay úp, có điểm tì, cổ tay thẳng, lực ấn vừa phải, không nặng,
không nhẹ... Chỉ thế thôi nhưng lợi hại lắm. Hồi còn nhỏ, bọn mình thường luyện tay bằng cách đặt một tờ
giấy nilon trong suốt lên chữ cần tô rồi đồ lại. Thế mà luyện tay rất tốt, lứa bọn mình ai viết chữ cũng đẹp.
Con lớn của mình hồi mẫu giáo quen tay cầm bút vẽ và tô màu, khi cầm bút viết cũng theo kiểu như vậy nên
cổ tay bị gập phải sửa mãi. Tư thế cầm bút tô màu khác với cầm bút viết.
Cách đặt vở viết ra sao cho dễ viết, lại không bị quăn mép cũng cần phải dạy.
Dạy con tự vệ sinh cá nhân. Đây là góp ý của một cô giáo: "Còn một kĩ năng nữa cực kì quan trọng mà bố
mẹ phải dạy con trước khi vào lớp một đó là tự thực hiện vệ sinh cá nhân. Mấy năm em dạy lớp một thực sự
rất ngao ngán vụ này. Bạn thì đi bậy trong quần. Bạn thì vào nhà vệ sinh mãi ko chịu ra vì ko có ai lau giúp.
Nói chung là đủ kiểu khó đỡ. Hic"...
Những việc nhỏ nhỏ thế thôi nhưng nếu làm tốt sẽ giúp con tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức lắm.
Làm tốt được những việc này, con sẽ vững vàng và dù ở môi trường nào, trường công hay trường tư việc học
sẽ nhẹ bớt rất nhiều. Và thầy cô cũng đỡ vất vả rất nhiều.
Chúc các bạn thành công.

CON CÁI CHÚNG TA GIỎI THẬT.


Học kỳ I lớp 9.
Kết quả thi học kỳ môn Văn làm không ít các phụ huynh lăn đùng ngã ngửa. Đủ các cung bậc cảm xúc:
… Tôi đã cho con đi học thêm rất nhiều: học trung tâm, học gia sư, học các giáo viên nổi tiếng … Thế mà
kết quả vẫn chẳng đâu vào đâu. Chẳng hiểu con học kiểu gì, giáo viên dạy kiểu gì…
Vài PH rút điện thoại, gọi tới vài trung tâm. Ngay và luôn đặt thêm lịch học!
Vài phụ huynh băn khoăn: Kiểu này nhà trường cố tình ra đề khó để học sinh không làm được bài, để hô
hào học thêm đây mà …
Đồng ý: Lớp 9 là lớp cuối cấp, học sinh phải thi chuyển cấp. Học sinh HN thi vào 10 căng thẳng hơn thi ĐH
nhiều. Phụ huynh lo lắng cũng là chuyện thường tình.
Đồng ý: môn Văn lớp 9 là một môn khó nhằn: Thời lượng cả năm 175 tiết cho 3 phân môn: Văn học, tiếng
Việt, Tập làm văn.
Chỉ riêng phân môn Văn học, học sinh được học từ Văn học Trung đại đến Hiện đại, từ Trong nước tới
Nước ngoài, từ Thơ tới Văn xuôi, từ Kịch tới Nghị luận, Văn bản Nhật dụng tới Tùy bút, vân vân và mây
mây … Tóm lại tất tần tật trong 81 tiết, nhảy như châu chấu từ Truyền kì mạn lục, Vũ trung tùy bút … đến
Truyện Kiều, Lục Vân Tiên … đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Những ngôi sao xa xôi … rồi …
Sóng…
Chỉ chừng ấy thôi, để dạy đúng, dạy đủ, giáo viên đã bở hơi tai, chưa kể họ phải đương đầu với hàng trăm
thứ bà dằn khác.
Nhiều giáo viên thừa nhận rằng, dù đã rất cố gắng họ cũng không thể truyền tải được hết các nội dung cần
thiết trong giờ học chính khóa. Chỉ học chính khóa thì đa số học sinh không đủ khả năng thi đỗ vào các
trường cấp 3 tử tế.
Vậy thì phải dạy thêm.
Nếu con bạn chưa có kỹ năng tự học thì học thêm là tất yếu. Nhưng học thêm như thế nào lại là chuyện
khác.
Công bằng mà nói: Cũng có vài học sinh không cần học thêm mà vẫn thi đỗ điểm cao. Tuy nhiên số đó ít
lắm và thực sự đó là những em có ý thức, có khả năng tự học, được dạy dỗ, rèn luyện cẩn thận từ khi còn
rất nhỏ, rất lâu, rất công phu ...
Còn lại số đông thì không phải thế.
Nên đừng có dại mà nghe ông B, ông S nào đó nói: học sinh không cần học thêm, chỉ học chính khóa là đủ.
Nói láo đấy.
Nghe là chết đấy.
Không học thêm, thì chết mất ngáp!
CHƯƠNG TRÌNH THÌ ĐÃ VẬY CÒN CON CÁI CHÚNG TA THÌ SAO?
THẬT LÀ BÁ ĐẠO!
Tâm sự của Giáo viên văn:
Để học được môn Văn, các con phải chuẩn bị bài, phải ĐỌC văn bản. Tất nhiên rồi, học một bài văn, nghe
giảng về một văn bản thì phải đọc xem văn bản ấy nó như thế nào, nó viết gì chứ. Nhưng sự thật, ít người
hình dung nổi: đa số học sinh KHÔNG HỀ ĐỌC VĂN BẢN LẦN NÀO!
Không hề đọc văn bản lần nào, vẫn đến lớp nghe giảng, vẫn phân tích tác giả, tác phẩm như thật! Chuyện
như đùa.
Đáng tiếc, đó là sự thật. Số này chiếm khoảng 80%. (80% ???!!! Tôi không nghe nhầm đấy chứ?)
Bạn hãy hình dung: một tuần có 5 tiết văn, học sinh đến lớp phải ngồi im nghe giáo viên giảng giải, phân
tích, bình luận về những văn bản mà chúng chưa hề đọc qua, chưa hề tìm hiểu, nghe như vịt nghe sấm, buồn
ngủ vô cùng. Giáo viên giảng hấp dẫn thì còn đỡ, giáo viên giảng dở thì chán vô cùng. Chán mà vẫn phải
ngồi nghe, buồn ngủ mà vẫn phải ngồi ngay ngắn, phải cố ra vẻ chăm chú … học kiểu ấy, ngang bằng tra
tấn.
Hỏi học sinh: Tại sao các con không chuẩn bị bài khi đến lớp?
- Hic. Lịch học của chúng con kín mít từ sáng đến tối. Sáng học chính khóa, chiểu học thêm, tối học thêm, 9 -
10 giờ đêm mới về đến nhà, ăn tối, tắm rửa xong thì hai mắt đã díp lại, làm gì còn hơi sức đâu mà đọc với
chuẩn bị bài nữa.
Các bố các mẹ hãy đến cổng trường vào lúc tan học cuối giờ chiều. Hãy nhìn, hãy quan sát gương mặt của
các con. Mệt mỏi, thờ ơ, chán chường … là có thật. Muốn rõ ràng hơn, hãy đến lớp vào tiết cuổi, cảnh
tượng còn hơn thế: học trò mệt nhoài, nằm bò trên bàn, mặt đờ đẫn, ngủ gật, ngáp dài... Giáo viên vào lớp,
nhìn học trò, cảm hứng tụt đi một nửa!
Hỏi: Hôm nào lớp cũng có tiết truy bài đầu giờ. Trong tiết truy bài các cán bộ lớp sẽ kiểm tra xem bạn nào
chưa chuẩn bị bài thì ghi vào sổ thi đua. Làm sao các bạn không chuẩn bị bài mà vẫn “qua” được?
- Hôm nào có tiết Văn, các bạn sẽ đến sớm và chép bài của nhau. Lớp sẽ có khoảng 5-7 bạn (một con số rất
khiêm tốn) chuẩn bị bài, các bạn còn lại sẽ chia nhau chép bài của bạn.
- Nhỡ các bạn không cho chép bài thì sao?
- Thì liệu hồn. Trong trường học, nhiều bạn bị tẩy chay, bị vu oan, thậm chí bị đánh … vì tội không cho
người khác chép bài.
- Chép bài lẫn nhau mà cô giáo không phát hiện ra sao?
- Thì cũng phải chép khác đi một chút, phần đầu của bạn này, phần thân của bạn khác, viết khác đi vài từ,
lớp đông cô khó mà phát hiện.
- Thế còn chuyện chép bài trên mạng?
- Đấy là chuyện thường tình.
- Cô giáo có biết không?
- Chắc là cô có biết. Nhưng các bạn cũng khôn lắm. Các bạn không chép ở những trang đầu tìm thấy trên
mạng, mà tìm ở những trang cuối, trang xa xa. Cô có đi tìm bằng chứng cũng khó!
Giáo viên: Bạn đã bao giờ phải đọc hàng chục bài văn có cách viết na ná như nhau, chỉ khác nhau một vài từ
chưa? Bạn cũng đã bao giờ đọc hàng chục bài văn mà bạn biết chắc chắn học trò copy từ trên mạng chưa?
Bạn đã bao giờ đọc những bài văn mà chữ viết cẩu thả như gà bới, căng mắt ra nhìn mà không đọc nổi,
chỉnh sửa ngô nghê đọc mãi chẳng hiểu gì chưa?
Chán vô cùng và ức chế vô cùng.
Hỏi học sinh: Thế tại sao trong lớp có nhiều bạn không nghe giảng, không ghi chép bài? Chú ý nghe giảng
trên lớp, về nhà đỡ phải học nhiều có phải tốt hơn không?
- Vấn đề là trong giờ học môn A, các bạn phải chép bài cho môn B. Oái oăm thay, môn B là môn đi học
thêm. Giáo viên dạy thêm liên hệ tới phụ huynh nhanh hơn, phụ huynh lại quan niệm môn học phải đóng
nhiều tiền thì cũng quan trọng hơn, riết ráo hơn.
Thế nên học sinh sợ thầy ở lớp học thêm hơn là thầy cô ở trường, giờ học ở trường thường được “ưu tiên”
làm bài ở lớp học thêm.
Đến lớp học thêm lại lo tranh thủ chép bài ở trường, cứ như thế xoay vòng, một cái vòng luẩn quẩn.
Vậy là giáo viên ức chế và mệt mỏi.
Học sinh cũng mệt mỏi và ức chế.
Chỉ nghĩ cảnh các con phải căng óc nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đối phó với thầy cô, đủ thấy: CON CÁI
CHÚNG TA GIỎI THẬT.
Chỉ nghĩ cảnh các con phải ngồi im nghe những bài giảng mà mình chẳng có chút ý niệm nào, viết những
điều mà mình không hề hiểu, nói những điều mà mình không nghĩ, làm những điều mà mình không hề thích,
đủ thấy: CON CÁI CHÚNG TA KHỔ THẬT.
P/s: Viết điều này, mình không muốn đưa ra một cái nhìn tiêu cực. Điều mình muốn nói: Những vấn đề giáo
dục ở tầm vĩ mô, chúng ta không thể thay đổi được, ví dụ như chương trình, ví dụ như thi cử… Nhưng để
cho việc học của con cái bớt nặng nề hơn, chúng ta có thể làm được.
Đó là Giáo Dục Trong Gia Đình.
Phải dạy để con cái chúng ta có khả năng tự học, tự đọc, tự viết, tự diễn đạt được ý mình. Điều này không
quá khó, mình nghĩ nếu chúng ta chú ý, chúng ta sẽ làm được.
Cần phải làm sớm, càng sớm càng tốt.
Chúc cả nhà vui vẻ và thành công.

TÔM TẬP THỂ DỤC


Học kỳ I lớp 6.
Tôm và thằng bạn thân phải thi lại môn thể dục. Hai đứa mặt dài như cái bơm, thi nhau rên rỉ: “Đời chúng con
tàn rồi bác ơi”, “Chúng con xuống địa ngục rồi mẹ ơi”…
Mẹ hỏi: Hai đứa thi bài gì mà trượt?
- Thi nhảy dây ạ. Phải nhảy 30 lần không vấp, không đệm ạ.
(Tưởng gì). Mẹ thản nhiên: Cứ tập nhiều là nhảy được thôi mà.
- Chúng con tập nhiều mà vẫn trượt. Kinh khủng lắm ạ.
Chợt nhớ, hôm đầu tuần mẹ hỏi: Sinh nhật con, ba mẹ chưa tặng gì cho con. Nay con thi học kỳ được nhiều
điểm cao, con thích quà gì để ba mẹ tặng?
Tôm rầu rĩ: Con chả cần quà gì đâu mẹ ạ. Chỉ cần qua được môn thể dục là con sung sướng lắm rồi.
Mẹ mừng thầm: Con biết lo lắng cho việc học. Không phân biệt đó là môn gì con đều cố gắng, không thờ ơ,
không trông chờ ỷ lại.
Mẹ thương con nhưng không can thiệp.
Mẹ lẳng lặng đi tìm một sợi dây, đủ mềm , đủ nặng (cái này mẹ có thừa kinh nghiệm).
Mẹ hướng dẫn Tôm cách đo độ dài rồi cùng con lắp hai cái tay cầm. Xong, mẹ vừa nấu ăn vừa làm huấn luyện
viên, Tôm thì tập nhảy dây.
Có nhìn Tôm tập nhảy dây mới thấy: tạo hóa sinh ra không ai hoàn hảo cả. Sự phối hợp giữa chân và tay của
Tôm vụng về kinh khủng. Thôi thì được tay thì hỏng chân, được chân thì hỏng… đầu gối, cứ loạn xạ cả lên.
Tôm vung dây bằng cả cánh tay, tiếp đất bằng cả bàn chân. Dây còn cách mặt đất cả nửa mét, Tôm đã co cẳng
nhảy phắt lên.
Dây vừa chạm đất thì đầu gối đã ngang ngực, lưng cong lại như con tôm và cuối cùng tiếp đất đánh uỵch! Mẹ
phát hoảng: Cứ kiểu này chắc chỉ 10 lần là nền nhà sẽ sụt!
Mẹ hướng dẫn Tôm từng bước. Đầu tiên là cách nhảy bằng mũi chân. Sau đó là cách vung dây, cách cảm
nhận sợi dây… Từng bước, từng bước một.
Mẹ vo gạo rửa rau, Tôm huỳnh huỵch nhảy ở sau lưng. Ba Dương thò cổ xuống hỏi: Này hai mẹ con làm gì
mà huỳnh huỵch thế?
- Tôm tập nhảy dây đấy.
Được cái Tôm chăm chỉ tập. Cứ làm xong bài tập là Tôm lại mang dây ra nhảy. Có hôm huỳnh huỵch cả buổi
tối.
Vài hôm sau, Tôm khoe: Con nhảy được 30 cái không vấp rồi mẹ ạ. Nhưng con lo, lúc kiểm tra con run, con
lại bị vấp.
- Con đừng lo. Con sẽ làm được thôi mà.
Vậy mà hôm trước ngày thi, con vẫn mất ngủ, thậm chí chỉ ăn qua quýt. Thực sự là Tôm ăn không ngon, ngủ
không yên vì món nhảy dây.
Hôm sau đi học về, Tôm hớn hở: con qua rồi, đời con lại tươi rồi mẹ ơi.
- Qua gì cơ?
- Con qua môn thể dục rồi mẹ ạ.
- Con thấy chưa. Không có gì là không thể. Cứ cố gắng nhẫn nại, từng bước, từng bước con sẽ làm được thôi.
----------------------------
Học kỳ 2.
Tôm lại vò đầu bứt tai với môn đá cầu. “Mẹ biết không? Con mà không đạt môn Thể dục là bị hạ một bậc học
lực đấy. Thế là bao nhiêu cố gắng của con sẽ đổ thẳng xuống sông xuống biển.”
- Ờ, đúng rồi. Vậy thì con phải cố lên. Cứ kiên trì luyện tập con sẽ làm được mà.
Mẹ kiếm mấy vòng chun, buộc quả cầu lên chiếc quạt trần, vừa tầm đầu gối để Tôm tập tâng cầu. Chun có độ
đàn hồi, giữ cho quả cầu không bay lung tung để Tôm đỡ phải đi nhặt cầu.
Và lại huỳnh huỵch, huỳnh huỵch hàng đêm…
Cứ như vậy, từng bước, từng bước, kiên trì và nhẫn nại, Tôm qua được môn đá cầu.
Bây giờ môn Thể dục với Tôm không còn là một thử thách kinh khủng nữa.
Học kỳ này, Tôm còn làm cán sự môn Thể dục, được thầy gọi lên làm mẫu cho các bạn.
Cũng có thể, Tôm vẫn sẽ phải thi lại môn Thể dục.
Nhưng dù có phải thi lại thì Tôm đã biết được một điều: KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ. Cứ cố gắng,
nhẫn nại, từng bước, từng bước, rồi sẽ vượt qua.
Mẹ Tôm cũng đã học thêm được một điều: Con người ta không ai hoàn hảo cả. Con có thể giỏi cái này nhưng
lại rất kém ở cái kia. . Đó là chuyện bình thường.
Hiểu và thông cảm với con, kịp thời giúp con vượt qua khó khăn bằng việc làm cụ thể, ấy là việc cần làm.
Tháng 3/2017
TÔM TẬP LÀM VĂN
Hồi Tôm học lớp 5.
Một hôm, mẹ tình cờ nhặt được bài kiểm tra của con: Viết dàn ý cho bài văn tả một người thân của em.
Tôm tả ba Dương. Đọc xong, mẹ ngã bổ chửng! Bài viết theo kiểu văn mẫu, vừa hình thức, vừa vô cảm.
Mẹ thảng thốt: Tôm ơi, con viết về ba Dương đây sao?
Tôm ngượng ngùng : Hôm ấy con chuẩn bị bài chưa kỹ nên viết hơi vội …
- Con chuẩn bị bài chưa kỹ là có lỗi, đã thế còn viết ẩu, viết qua quýt, lỗi càng nặng hơn. Có lỗi thì phải sửa,
hôm nay con phải sửa lại đoạn văn này thôi.
- Nhưng cô đã chấm rồi mẹ ạ.
- Vấn đề không phải là cô chấm hay chưa. Vấn đề là con đã viết như thế nào. Viết về ba Dương mà con nỡ
cẩu thả qua quýt như thế này sao? Con tả ba Dương giống như chú Sơn xe ôm ngoài đầu cầu. Kiểu này, cô
giáo mà gặp chú Sơn, chắc cô sẽ bảo “Đây là bố Tôm, xin chào bố Tôm!”. Nhỉ?
Tôm có vẻ không muốn sửa lại bài văn, cho đó là chuyện đã qua. Mẹ thì tóm được một cơ hội hiếm có nên
còn lâu mới chịu. Mẹ thủng thẳng: Thôi vậy, để mẹ mang lên cho ba Dương xem thằng con yêu quý của ba
viết về ba như thế nào nhé.
Vốn rất yêu ba Dương nên nghe nói thế, Tôm hoảng: Thôi được rồi, con sửa, con sửa!
- Vậy tối nay học bài xong, mẹ sẽ cùng con sửa bài.
……..
Buổi tối, đợi Tôm học xong, kịp chơi Game 10-15 phút, mẹ lôi bài văn ra:
- Bây giờ ta sẽ cùng sửa bài văn nhé:
Phần mở bài tuy có giọng văn mẫu nhưng tạm thời cho qua.
Phần thân bài, con có ba ý chính: tả hình dáng, tả tính cách và công việc của ba. Bố cục như vậy là được. Vì là
dàn ý nên con chỉ cần gạch đầu dòng các ý chính cần viết thôi, không cần viết cụ thể từng câu. (Biết con ngại
viết nên mẹ chủ động giảm nhẹ yêu cầu).
+ Phần tả hình dáng, con viết: Bố em có dáng người…. Há há há ... Bạn nào cũng có câu này. Con có thể thay
bằng câu khác cho đỡ nhàm không?

- Con hãy hình dung ba Dương đang đi ở sân, ba cao hay thấp, béo hay gầy?
- Ba cao và gầy ạ.
- Con có để ý dáng đi của ba không? Ba đi nhanh hay chậm, thong thả tự tin hay nhanh thoăn thoắt ; huỳnh
huỵch, vội vàng hay thư thả, thong dong?
- Ba đi nhanh, tự tin ạ.
- Khi đi ba hay ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng hay cúi đầu mắt nhìn ngược nhìn xuôi?
- Ba ngẩng cao đầu và luôn nhìn thẳng.
- Đấy là một cách đi. Mà con có thấy, ba sải bước chân dài, đi rất nhanh mà vẫn thư thả, ung dung?
- Mẹ ạ, con thấy người nước ngoài cũng đi như vậy. Con thích dáng đi của họ.
- Đúng rồi. Họ còn chú ý đi nhẹ nhàng, nhấc cao gót, không đi theo kiểu lệt bệt, lê dép loẹt quẹt nhìn không
đẹp mà còn gây ồn ào mất trật tự.
- Vậy ta sẽ viết: ....
Rồi, bây giờ đến quần áo trang phục. Con nghĩ sao về cách ăn mặc của ba?
- Ba luôn ăn mặc giản dị, gọn gàng ạ.
- Đúng. Nhưng con có thấy: bao giờ ba cũng chú ý chuyện mặc khi ra khỏi nhà. Không bao giờ ba cởi trần,
mặc quần đùi hay áo may ô đi ra ngoài đường, ngoài ngõ đúng không? Giản dị nhưng không tùy tiện, cẩu thả.
Mẹ thấy con và anh Gấu cũng có tính cách như vậy. Thế là tốt.
………
+ Tả chi tiết về hình dáng: Ta sẽ chọn một chi tiết đặc biệt nhất để tả. Con nghĩ đó là chi tiết nào?
…..
Con hãy nhắm mắt lại và hình dung về khuôn mặt ba. Con thấy gì đầu tiên?
…. Con thấy nụ cười, đúng không? Ba có nụ cười tươi với hàm răng trắng. Nụ cười càng trở nên rất ấn tượng
bởi hàng ria mép nữa. (Con có nhớ ảnh chụp ba hồi còn sinh viên, chưa có ria mép không? Trông ngô ngố và
nhạt nhẽo nhỉ. Hi hi…).
Mẹ còn thấy nụ cười của ba rất cởi mở và thân thiện nữa. (Ngày xưa mẹ cảm tình với ba chính vì nụ cười này
đấy). Ba không bao giờ cười kiểu nhếch mép hay nửa miệng, con có thấy như vậy không?
- Cười nhếch mép với cười nửa miệng là thế nào hở mẹ?
……….
+ Tả tính cách: Con viết: Ba em là giảng viên trường Đại học Kiến trúc. Ba dạy các anh chị sinh viên cách
thiết kế những ngôi nhà. Thế con có biết, trong công việc, ba là người như thế nào?
- Ba giảng bài rất hay và dễ hiểu, các anh chị sinh viên rất thích nghe ba giảng.
- Đúng rồi. Ba hiểu biết rất rộng và sâu sắc. Con biết tại sao không?
- Vì ba chăm đọc sách. Ba đọc rất nhiều sách.
- Chính xác! Còn một nguyên nhân nữa: Ba giỏi ngoại ngữ. Ba thường hay nói: việc thành thạo một ngoại ngữ
đã đưa ta đến một thế giới mới, một tầng văn hóa mới. Ba thường hay nhắc các con điều gì, con nhớ không?
- Ba thường nhắc con phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và phải chăm học ạ. Thanh niên ngày nay không
thể không biết ngoại ngữ.
- Con còn viết: Ba em rất hiền và rất yêu thương gia đình. Cần nói cụ thể ba hiền như thế nào?
- Ba không bao giờ chửi mắng con cái. Lúc nào ba cũng nói chuyện vui và hài hước ạ.
- Đúng rồi, hài hước là “đặc sản” của ba và các con. Thế ba yêu thương gia đình như thế nào?
- Ba đi làm chăm chỉ để lấy tiền nuôi gia đình, nuôi con và anh Gấu ăn học.
- Còn gì nữa không?
….
- Thế ba có rượu chè cờ bạc, vợ nọ con kia để gia đình lục đục, các con phải khổ tâm không?
- Không ạ.
- Ba đi làm, nhiều khi gặp rất nhiều điều bực mình khó chịu, nhưng không bao giờ ba đem những bực tức về
nhà, trút lên đầu mẹ và các con, con có thấy như vậy không?
- Có ạ.
+ Kỉ niệm sâu sắc:
Những lần con ốm, ba đã thức trắng đêm … Hứ, điêu nhá, làm gì có chuyện đó. Ba chưa bao giờ phải thức
trắng đêm vì con ốm cả. Đừng có bịa nhá. Mẹ cam đoan có tới một nửa các bạn trong lớp sẽ viết câu này. Đây
là câu nhưng không có nghĩa ông bố nào cũng như thế. Chả lẽ con không có được một vài kỷ niệm sâu sắc với
ba mà phải đi vay mượn chi tiết trong văn mẫu? Hãy hình dung lúc ba đi vắng, con nhớ điều gì nhất?
- Con nhớ những buổi tối được ngủ với ba, được nghe ba kể chuyện. Ba kể chuyện cực hay, giọng ba cực kỳ
hài hước. Tối nào hai ba con cũng cười rúc rích, cười đến nỗi mẹ phải quát lên.
- Rồi mỗi sáng, trước khi dậy đi học, bao giờ con cũng đòi ba gãi lưng. Con có cảm nhận thấy bàn tay ba trên
lưng mình không?
- Tay ba mềm và ấm, thích cực!
- Con có cảm nhận được hàng ria mép buồn buồn, cưng cứng trên má mình mỗi sáng không?
- Có ạ. Nhưng mẹ ơi, con thấy cứ thế nào ấy. Cứ như là đi khoe ấy.
- Mẹ hỏi con nhé: Những điều ta vừa nói là sự thật hay bịa đặt?
- Sự thật ạ.
- Có thêm bớt, có nói quá điều gì không?
- Không ạ.
- Thế tại sao con lại ngại. Con ngại viết ra sự thật ư?

- Mẹ hiểu rồi. Nãy giờ ta toàn nói về những mặt tốt của ba Dương. Thực tế ba có khuyết điểm không? Có chứ.
Ba cũng có nhiều khiếm khuyết, nhiều thói quen xấu như: thường xuyên quên tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng;
ba sử dụng điện, nước và giấy ăn thì thôi rồi, lãng phí kinh khủng ... Còn nhiều nữa, nhưng con hãy nghĩ xem,
tất cả những điều chưa tốt so với những điều tốt ba đã làm, cái nào đáng quý hơn, cái nào quan trọng hơn?
Khi nhìn một người, ta đừng quá quan tâm tới những khiếm khuyết của họ. Hãy chú ý và trân trọng những
mặt tốt trong mỗi người.
Mỗi con người, sống lương thiện tử tế, chăm chỉ lao động, yêu thương mọi người là những điều quan trọng
nhất. Ngoài những điều đó ra, những sai lầm khác đều có thể thông cảm được.
.....................................
Việc chữa bài, thực tế trở thành cuộc trò chuyện giữa mẹ và con trai về cách nhìn người. Mẹ tin rằng, sau buổi
hôm nay, Tôm sẽ “nhìn” thấy ba Dương của con một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Con sẽ thấy việc ba đi làm
hàng ngày không phải như một lẽ dĩ nhiên mà đó là trách nhiệm, là tình yêu thương. Con sẽ biết ơn ba vì
những gì ba làm cho gia đình, cho con. Con sẽ gắn bó hơn với mỗi nụ cười, ánh mắt, mỗi câu chuyện … của
ba.
Cuối năm học, Tôm lại có bài kiểm tra học kỳ về tả người thân. Tôm không tả ba Dương nữa, Tôm tả anh
Gấu. Bài văn của Tôm được điểm khá cao.
Với mẹ Tôm, học văn chính là học làm người. Học văn tả người, chính là học cách “nhìn” người. Dạy con
viết văn, viết được bao nhiêu chữ không quan trọng bằng việc con nhìn thấy gì sau mỗi con chữ, mỗi trang
viết.

ĐỊNH LUẬT ÔM
Mấy năm trước xem trên tv thấy nói: nhiều trẻ em ở Nhật bị mắc bệnh "đói da". Gấu bố cười hì hì: Xét theo
tiêu chuẩn Nhật thì hai thằng cu nhà mình đang bị thừa da, thậm chí còn bị bội - thực - da!
"Đói da": chỉ tình trạng thiếu đói sự ôm ấp, âu yếm, tiếp xúc trực tiếp da - da giữa bố mẹ và con.
"Đói da" làm gia tăng tỷ lệ vô cảm, trầm cảm, hung hãn ... trong giới trẻ.
Tôm và Gấu không bị "đói da" vì nhà Gấu có "Định Luật Ôm".
Bố mẹ ôm con, vợ chồng ôm nhau, con ôm bố mẹ...
Gấu con rất thích được mẹ ôm và cũng rất thích được ôm mẹ. Chúng không từ một cơ hội nào để nhảy vào ôm
Gấu mẹ.
Gấu bố có lần ghen tỵ: "Không biết mẹ có gì mà cả nhà ai cũng thích ôm?"
- Vì mẹ vừa mềm, vừa ấm, lại vừa thơm ...
- Thế ba thì sao?
Câu trả lời thật thà và búa bổ đến nỗi Gấu bố suýt cắn phải ... răng!
Trong nhà Gấu, "định luật Ôm" có nhiều ý nghĩa.
Ôm là ngôn ngữ tình cảm.
Mỗi ngày, Gấu chồng Gấu vợ ôm nhau. Gấu con lúc ra khỏi nhà, lúc đi học về cũng đều ôm ba mẹ.
Nhìn thấy nhau là ôm.
Ôm nhau để biết: anh, em, mẹ, con...vẫn khỏe, để nói rằng anh yêu em, con yêu mẹ, mẹ yêu con ... rất nhiều.
Hôm nào ôm mẹ, thấy mẹ có vẻ hờ hững (chỉ một chút xíu thôi) là ai đó sẽ tự biết có điều gì không ổn, có
điều gì làm mẹ chưa vui, cần phải xem xét lại.
Chỉ vậy thôi, có khi chả cần nói gì nhiều.
Cái ôm tạo dựng mối quan hệ.
Hồi mới có con, Gấu bố thậm chí còn chưa kịp quen với việc làm bố, chưa quen với việc có một thằng nhóc
rách việc, suốt ngày nghịch ngợm, quấy khóc oe oe trong nhà.
Đang là một lãng tử, tự do trên là trời dưới là ta, giờ bị trói chân trói tay thật là vướng víu.
Bảo trông con thì chỉ vài phút sau hắn đã chúi mũi vào quyển sách, tờ báo, để con chơi một mình. Gấu con
mách mẹ: "Mẹ ơi, ba không chịu chơi với con ".
Gấu mẹ biết rằng Gấu bố rất yêu con nhưng chỉ là hắn chưa quen, chưa gắn bó, chưa biết cách mà thôi.
Gấu mẹ nghĩ rằng cần phải Tạo Dựng mối quan hệ gần gũi cha con. Tiếp xúc nhiều, gần gũi nhiều hơn thì mới
gắn bó.
Gấu mẹ xúi con: con cứ nhảy vào lòng ba, ôm thật chặt, thơm thật mạnh rồi nói con muốn gì, chắc chắn ba sẽ
nghe.
Khẩu quyết "ôm chặt, thơm mạnh " ra đời từ đó.
Mà quả đúng như vậy. Một đứa trẻ sạch sẽ, thơm tho, đẹp như thiên thần nhảy vào lòng, ôm chặt, thơm mạnh
thì đá cũng phải mềm lòng chứ đừng nói trái tim con người.
Tình cha con thắm thiết, thiêng liêng được nâng lên từ những cái ôm ban đầu như thế .
Tôm thích ôm mẹ. Nó "sáng chế" ra nhiều kiểu Ôm: kiểu Gấu trúc, kiểu Koala, kiểu Sư tử... nó xúi các bạn về
thực hành ôm bố mẹ.
Tôm bảo thằng bạn:
- B. biết không, ôm mẹ rất thích. Em cứ về ôm mẹ em mà xem.
Hôm sau, thằng anh hỏi:
- Ê, B. Hôm qua ôm mẹ thế nào?
- Bị mẹ em đẩy ra, kêu: nóng bỏ xừ, lại còn hôi nữa!
Bảo thằng bạn khác (vốn là một siêu nhân):
- Tôi đố ông về ôm mẹ ông như thế này đấy.
Thằng bạn nói luôn: tôi với mẹ tôi có khi cả ngày chả nói với nhau một câu, nói gì đến chuyện ôm.
Hóa ra "định luật Ôm" không phải ở đâu cũng đúng.
Nhưng ở nhà Gấu, "định luật Ôm" lúc nào cũng rất tuyệt!
Ít nhất là không mất tiền đi học THIỀN ÔM.
CON BỊ TRÊU CHỌC Ở TRƯỜNG
Đầu năm học lớp 5, Tôm và các bạn bị một nhóm học sinh cá biệt trong lớp quậy phá, trêu chọc.
Hôm nào đi học về quần áo con cũng dây đầy mực, thậm chí bị vẽ bậy vào lưng; sách vở thì nhàu nát, hộp bút
bị vỡ, bút phải thay liên tục…
Tôm bảo, các con đã nhiều lần thưa cô giáo nhưng vô hiệu.
Về sau có lẽ mệt mỏi quá, cô giáo bảo cả lớp phải tự giải quyết, nếu không cô sẽ trừ điểm thi đua.
Vậy là để khỏi bị trừ điểm thi đua, Tôm và các bạn đành im lặng cho qua chuyện.
Mẹ bảo: Để mẹ đến trường xem sao.
Tôm hoảng: “Không được đâu mẹ ơi, cô không cho vào lớp đâu. Làm thế cô mắng đấy”.
Mẹ giao hẹn: “Thôi được. Các con có 1 tháng để tự giải quyết. Nếu sau một tháng, tình hình không cải thiện,
mẹ sẽ đến trường.”
Nói vậy, nhưng hôm sau mẹ đến trường mà không cho Tôm biết. Mẹ đứng ở góc khuất và bí mật quan sát tình
hình.
Mẹ quan sát 3 hôm liền và thấy sự việc đúng như Tôm mô tả và cầm đầu nhóm quậy phá là L.
Hôm sau nữa, mẹ lại đến và chủ động tiếp cận L. đang chơi ở sân trường.
Mẹ đến gần L. nhẹ nhàng hỏi: Cháu có phải là L. con bố D.?
- Vâng ạ. (Oái, bà này là ai mà biết cả tên bố mình nhỉ?)
- Bác muốn nói chuyện với cháu một chút. Ta ngồi đây nhé? (chỉ chiếc ghế đá bên cạnh, thái độ nhẹ nhàng
nhưng nghiêm túc).
L. ngồi xuống ghế với thái độ dò xét và cảnh giác.
Mẹ Tôm giới thiệu:
- Bác là mẹ bạn NM. Bác có việc muốn nhờ cháu, cháu có thể giúp bác được không? Tất nhiên cháu có quyền
từ chối nếu cháu không muốn.
- Vâng ạ. (Lời đề nghị nhẹ nhàng và nghiêm túc, khó có thể chối từ).
- Bác muốn hỏi cháu: Ở lớp bạn NM có trêu chọc gì cháu không?
- Không ạ.
- Thế bạn ấy có làm điều gì để cháu khó chịu không?
- Không ạ.
- Cháu có ghét bạn ấy không?
- Không ạ.
- Bác hiểu rồi. Cháu và NM không có mâu thuẫn gì, cháu không ghét bạn. Nhưng cháu hay ĐÙA bạn ấy, cháu
ném sách vở và bút của bạn, vẩy mực vào áo bạn. NM không thích điều ấy. Bác nghĩ nếu là cháu, cháu cũng
không thích ai làm như vậy với mình, đúng không? (nhìn thẳng vào mắt cậu bé)
- Vâng ạ.
- Vậy bác đề nghị thế này: Cháu đừng ĐÙA bạn nữa nhé. Bác sẽ rất cám ơn nếu cháu làm như vậy. Cháu có
làm được không? (Tưởng gì chứ chuyện ấy thì dễ ợt, có gì đâu mà không làm được)
- Vâng ạ.
- Vậy ta bắt tay nhé? (đưa tay ra)
Cậu bé rụt rè bắt tay. (Vậy là ta đã giao kèo rồi nhé.)
- Bác còn nhờ cháu việc này nữa: Mỗi tuần bác sẽ đến đây một lần vào chiều thứ sáu. Nếu cháu thấy NM cư
xử chưa tốt với cháu hoặc các bạn trong lớp, cháu cho bác biết nhé, bác sẽ xử lý, ok? (nghĩa là bác không nói
suông đâu. Hàng tuần bác sẽ đến đây để kiểm tra đấy).
- Vâng ạ.
- Hôm nào bác mời cháu đến chơi nhà bác nhé?
- (Ngần ngừ) Thôi ạ.
- Vậy cứ thế nhé (gián tiếp nhắc lại yêu cầu). Thôi, chào cháu.
- Cháu chào bác ạ.
Từ hôm sau, mọi chuyện rắc rối của Tôm chấm dứt.
Một tháng sau, mẹ nhờ Tôm gửi cho L. một gói quà nhỏ kèm theo một mẩu giấy ghi lời cảm ơn L. đã thực
hiện đúng lời hứa.
Từ đó về sau, không nghe Tôm phàn nàn gì về L. nữa, thỉnh thoảng con còn kể bạn ấy bảo vệ con, bạn ấy ủng
hộ con…
Cuối năm học, Tôm bảo: Mẹ, không hiểu sao bạn L. rất sợ mẹ, mẹ ạ.
- Ai bảo con thế?
- Bạn ấy kể với con thế mẹ ạ.
- Mẹ có làm gì bạn ấy đâu?
- Con cũng hỏi, bạn ấy bảo mẹ chỉ nói chuyện thôi, nhưng bạn ấy sợ. (!?)
…. Tôm không biết mẹ đã đến trường, đã nói chuyện với bạn L.
Bây giờ Tôm không cần trợ giúp nữa.
Tôm khoe, anh Gấu đã dạy con cách ứng phó với những sự cố bất ngờ không mong muốn như bị khiêu khích,
bị bắt nạt, bị trêu chọc …
Không hiểu anh em chúng đã dạy nhau từ lúc nào, nhưng thật tuyệt.
(Bài mình viết hồi tháng 3 năm 2017. Nay đăng lại, tặng những người mình yêu mến )

Tôm tập làm Toán


Lớp 3.
- Mẹ ơi, bài này khó quá, mẹ giải giúp con với.
- Ờ, mẹ đang dở tay một chút. Con đọc đầu bài cho mẹ nghe xem?
- ...
- Con đọc to và rõ hơn chút, mẹ nghe chưa rõ nên không hiểu.
......
- Con đọc lại lần nữa xem sao?
- Ơ, con nghĩ ra cách giải rồi mẹ ạ.
-
Lớp 4
- Mẹ ơi mẹ giải giúp con bài này với ạ.
- Ờ, mẹ đang bận chút. Con nhờ ba giúp đi.
Tôm huỳnh huỵch chạy lên cầu thang, lát sau huỳnh huỵch chạy xuống, cười sằng sặc.
- Mẹ ơi con hỏi ba nhưng ba đang buồn ngủ. Ba bảo tại ba ăn nhiều bánh chưng quá nên ba bị ĐẶC NÃO rồi.
Hi hi ...ha ha... Ba bị "đặc não" rồi, buồn cười quá ...
- Con biết đấy, khi mẹ làm toán là phải có giấy bút. Giờ mẹ đang dở tay, lại không có giấy bút nên con tóm tắt
thật gọn cho mẹ nghe.
....
- Ơ, con giải được rồi mẹ ạ.
Lớp 5.
- Mẹ ơi mẹ giúp con giải bài này với. Con đọc kỹ đầu bài lắm rồi mà vẫn chưa nghĩ ra ...
- Con tóm tắt nội dung cho mẹ nghe với.
- ...
- Con còn nhớ bài toán về dãy số có quy luật không?
- ...
- A, con giải được rồi mẹ ơi. Bài này phải dựa vào bài toán trồng cây và tìm số các số của dãy số có quy luật
thì mới giải được ạ.
- Vậy hả con?
........
Lớp 8
Nói với thằng bạn thân: - "Ông" biết không, mẹ "tôi" chưa từng bó tay trước một bài toán cả."
- Kể cả toán học sinh giỏi?
- Ừ, ý tôi là độ "chì" của mẹ.
(Ý Tôm là: nếu gặp một bài toán khó chưa giải được, mẹ sẽ không chịu ngồi yên, sẽ tìm mọi cách đến khi giải
được mới thôi).
Lớp 9
Tôm ơi, con giải được bài này chưa? Mẹ thấy bài này dạng lạ nhưng có vẻ hay.
- Không lạ lắm đâu mẹ ạ. Mẹ dùng định lý XYZ là được ạ.
- Ơ mẹ không nhớ cái định lý ấy nó như thế nào...
- Nó thế này mẹ ạ...
- Con cứ coi như mẹ là người rất chậm hiểu. Con phải trình bày thế nào để mẹ hiểu được cơ.
-
Lớp 10
- Mẹ ơi cứu.. cứu... Bài này con giải mãi chưa ra. Con đã tham khảo cách giải của 2 thằng bạn thân nhưng vẫn
chưa thấy ổn.
...
- Mẹ chưa nghĩ ra cách giải nhưng mẹ nghĩ đầu bài cho a,b,c là 3 cạnh của tam giác nghĩa là cho 3 số lớn hơn
0 và tổng hai cạnh luôn lớn hơn cạnh còn lại. Nếu đặt p là nửa chu vi ...
- Ui... Ui... Sao con có thể bỏ qua điều này nhỉ... (hộc tốc cầm bài tập chạy đi)
Klq CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

GÁNH NẶNG TỪ MÔN TOÁN


Lớp 9.
Thi học kỳ môn Toán.
Phụ huynh lại lăn đùng ngã ngửa. Kết quả không như ý.
Gia đình đã đầu tư rất nhiều, cho con đi học thêm đủ các thể loại … thế mà kết quả vẫn chẳng đâu vào đâu …
Thầy cô giáo vò đầu bứt tai: Chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình, nói khản cả cổ rát cả họng mà học sinh vẫn
không làm được bài, vẫn sai, vẫn điểm kém.
Học trò cũng vò đầu bứt tai: Chúng con học đêm học ngày, vất vả mệt mỏi vô cùng mà bố mẹ và thầy cô vẫn
không vừa lòng …
HỌP PHỤ HUYNH
2/3 học sinh trong lớp vạ vật ngoài hành lang, căng thẳng theo dõi từng cái nhíu mày, nhăn trán của phụ
huynh.
Những nét mặt lo lắng, mệt mỏi, chán nản, bất cần…
- Này các con, bố mẹ sẽ làm gì khi kết quả thi không tốt?
- Bố mẹ sẽ mắng chửi một trận và tặng thêm một đống các buổi học thêm. Bố mẹ chẳng biết làm gì khác
ngoài học thêm!
- Ừ thì … học chưa tốt nên phải học thêm thôi.
- Vấn đề là bố mẹ chẳng tìm hiểu gì cả, cứ thấy điểm kém là học thêm, học thêm!
- Biết làm sao. Bố mẹ đâu phải ai cũng có chuyên môn sư phạm, lại bận rộn cả ngày. Năm cuối cấp rồi, ai
chẳng lo lắng?
- Đành rằng phải học thêm, nhưng sau vài tháng mà kết quả không tiến bộ thì bố mẹ phải dừng lại, tìm hiểu
xem tại sao, phải tìm biện pháp khác … chứ lúc nào cũng học thêm học thêm, kết quả còn tệ hơn mà lại tốn
tiền ...
- À ra vậy. Đấy có phải lý do các bạn thi toàn điểm kém?
- Không phải. Cái chính là các bạn có học lý thuyết đâu mà làm được bài? - Lớp trưởng nãy giờ im lặng, đột
nhiên lên tiếng.
- Ủa, trên lớp thầy cô không dạy lý thuyết sao?
- Thầy cô có dạy chứ ạ. Nhưng có ai học đâu. May ra được mấy bạn ngồi bàn đầu, còn lại chẳng ai nghe vì có
nghe cũng chẳng hiểu gì do mất gốc từ quá lâu rồi. (!!!???)
Hic hic …
- Thế ở nhà các bạn không tự học lý thuyết được sao?
- Chúng con chẳng còn sức đâu mà tự học, tự ôn nữa. Sáng học chính khóa, chiều học thêm, tối học thêm tới
9-10 giờ đêm. Về tới nhà mệt rũ, đầu óc u mê, có muốn học cũng chẳng nổi, chỉ muôn ngủ thôi.
Hu hu…
Ai cũng biết, Toán là môn hệ số 2, là môn khó.
Ai cũng biết, muốn học được Toán, phải hiểu bài, phải học thuộc công thức, nắm vững các định nghĩa, định lý
… rồi mới áp dụng giải bài tập.
Năm được công thức, thuộc định lý … rồi, vẫn cần có thời gian để thẩm thấu, để biến kiến thức trong sách vở
thành kiến thức của mình thì mới vận dụng tốt được.
Nhiều bạn học thuộc làu làu các công thức định nghĩa, định lý nhưng khi bắt tay vào giải toán vẫn rất lúng
túng. Cũng là lẽ thường tình bởi vì việc thực hành có linh hoạt hay không tùy thuộc năng lực từng người, và
rất cần kỹ năng tự rèn luyện.
Nghĩa là ngoài giờ học trên lớp, các bạn rất rất cần thời gian tự học, tự làm bài, tự rút kinh nghiệm, tự bổ sung
kiến thức.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn hiện nay đã bỏ qua giai đoạn tự luyện tập, tự tích lũy bổ sung kiến thức.
Việc bỏ qua giai đoạn, đi tắt đón đầu, không tiết kiệm được thời gian mà làm cho việc học khó khăn mệt mỏi
rất nhiều.
Hãy hình dung:
Sáng, học trên lớp, kiến thức nắm sơ sơ, chưa tới 50%.
Chiều đi học thêm: làm bài tập vận dụng kiến thức học buổi sáng. Kiến thức chưa vững, chưa kịp tiêu hóa nên
giải bài mà đầu óc mông lung, hiểu lơ mơ lắm.
Tối, đi học nâng cao. Đã mệt vì cả ngày đi học, tối lại phải học nâng cao, đầu óc u mơ. Bài chưa kịp hiểu, gặp
bài khó càng chẳng hiểu gì. Hoang mang lắm, chán nản lắm …
- Vậy ở lớp học thêm, các con làm gì?
- Thầy cô ra đầu bài --> thầy cô giải bài --> thầy cô ghi bài giải lên bảng --> Học sinh chép. Chấm hết. Không
cần hiểu, đúng-sai không cần hỏi, không thắc mắc (vì biết gì mà hỏi với thắc mắc).
Quy trình ở lớp học thêm 10 nơi như 9.
- Thế có cần đi học thêm không?
- Có chứ. Ở trường, dù các thầy cô đã rất cố gắng, nhưng vì nhiều lý do, không thể truyền tải hết nội dung bài
học. Vì thế vẫn phải dạy thêm và học thêm. Cái này khỏi bàn vì nó là đặc sản của GDVN.
Tuy thế việc học thêm không thể thay thế việc tự học, tự bổ sung kiến thức.
Học sinh rất cần phải có kỹ năng tự học ở nhà.
Có điều phần lớn kỹ năng này bị chết yểu từ hồi tiểu học.
Con đi học mà không hiểu học để làm gì, học cho ai. Bố mẹ đưa đến lớp nào thì học ở lớp nấy.
Đến trường cô giáo bảo gì thì làm nấy. Trả lời câu hỏi bằng cách bê nguyên quyển sách giáo khoa lên đọc mà
cả thầy cô và bố mẹ không ai phản ứng gì.
Con đi học trong tâm thế học cho bố mẹ, nên học thụ động, học đối phó.
Chương trình thì dài và khó nhưng không một ai dạy các con CÁCH HỌC, không ai dạy, không ai bày cách
để giúp con tiêu hóa cái chương trình ngồn ngộn kia.
Tất cả chỉ hò reo thúc giục cố lên, cố lên …
Còn các con thì cứ tiếp tục mò mẫm, vất vả, mệt mỏi…
Việc học không đem lại niềm vui mà là một sự tra tấn tinh thần.
Haiza…
Không đi học thêm thì áy náy, thì lo lắng.
Đi học thêm thì mệt mỏi, tốn kém, kết quả chẳng bao nhiêu.
Tự học ở nhà thì con hầu như không có khả năng. Sểnh ra là chơi game, là ngủ …
Một vấn đề cực kỳ nan giải.
Thế nên ....

NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ


Nhân đọc bài của Thủy Tulip về nuôi dưỡng năng khiếu cho con, mình xin chia sẻ một bài viết, mình viết
cách đây vài năm.
Nếu hành trình với Gấu là hành trình khai phá thì với Tôm là hành trình nuôi dưỡng và nâng cánh ước mơ.
----
Đam mê là có thật
Hắn mê xe cộ từ hồi còn bé tí. Bắt đầu từ những cái xe đồ chơi, rồi đến xe ngoài đời.
Bắt đầu bằng bút chì bây giờ là máy tính.
Hắn cứ lặng lẽ học, lặng lẽ làm.
Vì đam mê, hắn lên mạng tự học vẽ, tự kiếm bạn bè cùng sở thích.
Niềm đam mê của hắn bền bỉ nhưng cũng lắm lúc cô đơn. Vì hình như không có nhiều người đam mê kiểu
như hắn.
Những lúc không có bạn đồng hành chia sẻ thì mẹ hắn là nạn nhân.
Hắn bắt mẹ ngồi nghe, nhìn, bình luận về những chiếc xe của hắn.
Đang bận mẹ cũng phải ngồi nghe hắn luyên thuyên kể về một loại xe mới.
Hắn liên tục bổ túc kiến thức cho mẹ về xe cộ. Mẹ chậm hiểu, tai nọ xọ tai kia, hắn nghĩ ra cách bày trò chơi
kiểu như Ai là triệu phú. Mẹ ăn gian cứ đoán bừa, thế mà cũng đủ làm vui lòng hắn.
Rồi hắn chuyển sang một kiểu vẽ khác, mẹ hoàn toàn không hiểu. Hắn giải thích mẹ cũng vẫn lơ mơ. Chỉ biết
rằng những sản phẩm do hắn tạo ra được nhiều người thích và tải về.
Có những mẫu có gần hai nghìn lượt tải, có cả những tay đua chuyên nghiệp thích hắn.
Một ngày, hắn bảo mẹ: có người đặt hàng và muốn trả tiền cho hắn.
Giá như hồi trước thì mẹ sẽ bảo: cứ học cho tốt đi đã, kiếm tiền không dễ đâu, đừng tưởng bở.
Giờ mẹ nghĩ khác. Mẹ hỏi: tại sao người ta thích sản phẩm của con?
- Vì abcdxyz ạ …
- Nếu đó là niềm đam mê, con làm vì con thích thì con cứ làm. Nếu khách hàng ủng hộ con chút tiền thì càng
tốt. Nhưng luôn nhớ chất lượng phải đặt lên hàng đầu.
Rồi có người gửi tiền cho hắn. Gửi vào tài khoản của anh Gấu vì hắn chưa đủ tuổi mở tài khoản riêng.
Hắn kể, khách hàng là một đội đua chuyên nghiệp, họ xem sản phẩm và bảo: Ok, tao rất thích.
Mấy phút sau họ chuyển tiền. Rất nhanh chóng và sòng phẳng.
Chỉ là một khoản tiền nhỏ, anh Gấu bảo đơn vị tính là bánh Kê bap.
Chỉ vậy thôi, nhưng hắn vui và mẹ hắn cũng vui. Có công của mẹ chứ bộ. Khối lần, chả có ai để chia sẻ, hắn
lôi mẹ ra mà hỏi: mẹ thấy màu này con dùng được chưa, mẹ thích mẫu nào, mẹ thấy Logo nên để bên trên hay
bên dưới... Mẹ nó cứ phán bừa.

VÀI KINH NGHIỆM DẠY CON HỌC. (1)


Khi Gấu vào lớp 1, con học cùng trường mẹ dạy.
Bài đầu tiên con được 4 điểm vì chưa biết viết.
Lên lớp 2, ngay ngày đầu năm học cô chủ nhiệm đã kêu trời: Hè vừa rồi chị không cho con đi học thêm hả?
Chị phải cho nó đi học thêm chứ...
Cuối kỳ I, cô bảo mẹ: Kỳ này em cho con chị xếp loại học sinh tiên tiến để kỳ sau con cố gắng. Con học cũng
được nhưng so với nhiều bạn trong lớp thì chưa bằng.
Mình gật đầu vui vẻ. Con học sao cô cứ để nguyên vậy.
Lớp 3, con học làng nhàng. Một người bạn bày cho mình mở 1lớp nhỏ mời cô kèm cho con. Kết quả cũng
chẳng đến đâu vì con không thích. Được vài bữa thì lớp tan.
Lớp 4, mình sinh con thứ hai, lại bận làm nhà nên việc học của con giao cho bố.
Lớp 5, mình đi họp phụ huynh, cô chủ nhiệm bảo: Em thấy hình như chị không ép con học? Nó hoàn thành tốt
các bài ở lớp nhưng không chịu làm bài nâng cao...
Mình hồn nhiên: Đúng rồi, chị có ép con học bao giờ đâu...
Hic…
Mẹ là giáo viên trong trường (dù là gv nửa mùa) mà con học làng nhàng như vậy, cũng ngại.
Nhưng mình hiểu con mình.
Lớp 1. Các bạn của con đã đi học thêm trong suốt dịp hè. Từ hè phụ huynh đã chọn sẵn cô giáo cho con, đưa
con đến học trước. Vào năm học, phụ huynh xin cho con vào đúng lớp của cô mà họ đã chọn.
Mình thì không biết chuyện đó nên khi con vào lớp, các bạn đã biết viết chữ cỡ nhỡ rồi. Con bị điểm kém là vì
vậy.
Với mẹ con mình chuyện đó không có gì lớn. Con mình đã được chuẩn bị khá kỹ cho việc đi học. Con biết
nhiệm vụ của mình, biết tự chuẩn bị sách vở, quần áo, biết cách cầm bút, đã được luyện nét cơ bản … nên con
cũng nhanh chóng bắt kịp bạn bè.
Với lại, yêu cầu của lớp 1 là đọc thông viết thạo không quá khó: con nói chuyện nhiều với mẹ nên vốn từ
phong phú, con phát âm tròn vành rõ chữ, việc biết đọc biết viết chỉ là vấn đề của thời gian. Trong năm học,
con đủ sức hoàn thành.
Điều quan trọng nhất mình cố gắng là làm sao việc học của con phải nhẹ nhàng, dễ chịu. Đến trường dù
không phải ngày nào cũng là ngày hạnh phúc nhưng con phải cảm thấy an toàn, tự tin.
Mình tạo cho con ấn tượng việc đi học là quan trọng, là vinh dự, là đáng trân trọng.
Ngày khai trường đối với gia đình mình là một ngày quan trọng. Bố mẹ và con cùng chuẩn bị quần áo, sách
vở... cho ngày đến trường. Mình cố gắng tạo một không khí tưng bừng, vui vẻ cho ngày đầu của mỗi năm học.
Trước đó, mẹ con mình đem sách vở ra bọc, bàn với nhau về việc chọn màu sắc cho quyển vở này, cái nhãn
cho quyển vở kia, sửa lại bút, cặp sách... Tất cả trong tư thế sẵn sàng.
Con mình đến lớp biết nghe lời cô, về nhà biết tự chuẩn bị bài, tự giác làm bài tập.
Hàng ngày mình để chuông đồng hồ báo thức trước giờ tự học 5-10 phút để nhắc nhở con sắp đến giờ học,
cần dừng các hoạt động khác. Mình cho con có đủ thời gian chuẩn bị trước khi ngồi vào bàn học.
Vì nhà mình chật nên phòng bếp cũng là phòng sinh hoạt chung. Con ngồi học, mẹ dọn dẹp, nấu nướng, khi
cần thì hỗ trợ ngay. Thường thì mình học với con trong khoảng 15-20 phút đầu. Sau đó con tự học.
Thỉnh thoảng con mình bị điểm kém thì mình sẽ nói: Ồ, xem nào. Ta sẽ xem xem con sai ở đâu, bị trừ điểm ở
chỗ nào.
Sau này mình có quy định: Bị điểm kém mà nói với mẹ ngay thì không bị phạt. Nếu không nói thì sẽ bị phạt.
Sau này hai anh em con đều nói: Có lẽ hai anh em con là người duy nhất trong lớp bị điểm kém mà không sợ
bố mẹ mắng.
Mình nghĩ thế là đủ.
Lên lớp 2, hầu hết các bạn đều đi học thêm. Nhà trường còn mở các lớp bồi dưỡng nâng cao, mời chuyên gia
về dạy. Con giáo viên thì được ưu tiên nhưng lớp thì đông lắm. Mình ngó vào thấy các bạn làm bài tập kiểu
như làm thế nào để dùng cái cân thăng bằng (cân đĩa) để tìm một vật nhẹ hơn các vật còn lại, hoặc tìm cách
rót được a lít nước từ mấy cái chai b lít… v.v...
Môn tiếng Việt thì đánh vật với đủ loại các từ ngữ oái oăm, lắt léo. Con mình thì chưa biết cái cân đĩa là gì,
chai 1 lít ra sao.
Thôi mình về kiếm cho con cái cân, ngồi cân thoải mái. Hai mẹ con còn tự làm cân, cân chai nước. Thay vì
làm bài tập đổ nước từ can nọ sang chai kia trên giấy thì hai mẹ con vào nhà tắm làm thật. Đại khái thế...
Hè đến mình mua 2 bộ sách lớp 2. Mình thấy nội dung trong sgk rất phong phú. Học hết, nắm vững những
kiến thức trong sgk là đủ cho con mình.
Mình mua thêm quyển “Cha mẹ dạy con học” của NGND Phạm Đình Thực và quyển Hướng dẫn giải bài tập
lớp 2 (văn và toán). Mình học cùng con, mẹ một bộ sách, con một bộ.
Thực sự, quyển sách của NGND Phạm Đình Thực là một quyển sách quí. Nó là kim chỉ nam của mình.
Đọc sách của ông mình mới vỡ lẽ: dạy trẻ con phải cực kỳ tỉ mỉ và cụ thể. Để gây hứng thú cho con thì luôn
yêu cầu cao hơn khả năng của con một tí. Chỉ một tí thôi, khả năng của con 10 thì nâng cao lên 11,12, không
đòi hỏi quá cao, dễ nản.
À, ra thế.
Vấn đề là mình phải đánh giá đúng năng lực của con. Đánh giá đúng mới có cách làm đúng. Điều này đòi hỏi
bố mẹ phải công bằng, khách quan và dám đối diện với thực tế.
Nếu bạn nghĩ con mình là bình thường, không phải siêu nhân thì bạn phải dạy dỗ con mình chu đáo tỉ mỉ hơn.
Biết con mình không giỏi thì phải lấy cần cù bù tài năng, có đường lối và phương pháp học đúng đắn chứ
không phải cứ la lối thúc ép là được.Thực tế ở trường các con cũng rất cố gắng, rất mệt mỏi chứ không hề dễ
dàng. Bố mẹ nên hiểu và khích lệ động viên thì tốt hơn là đòi hỏi, la mắng.
Mình chỉ yêu cầu con học tốt cơ bản. Cùng con học thuộc làu bảng cộng trừ nhân chia, nắm vững các khái
niệm cơ bản trong sgk, làm hết bài trong sách bài tập.
Môn tiếng Việt thì hai mẹ đọc kỹ hướng dẫn học trong sgk rồi làm bài tập. Nhờ học với con nên mình kịp thời
sửa lỗi và giúp con cách làm bài.
Vd: Bài tập yêu cầu đặt câu với từ Con trâu.
Yêu cầu này nằm trong bài học Ai làm gì, làm như thế nào....
Mình hướng dẫn con bám vào nội dung bài học, xoay quanh câu hỏi: Con trâu làm gì; con trâu như thế nào...
(Con trâu kéo cày. Con trâu béo tròn...)
Mình để ý thấy hầu hết các con đặt câu theo lối ngẫu nhiên, nghĩ ra câu nào thì viết câu ấy, không có phân tích
gì cả (nói phân tích cho to tát chứ thực ra là bám vào yêu cầu của bài mà đặt câu.). Phân tích câu hỏi theo
hướng như thế vừa đỡ mệt, vừa có nhiều phương án trả lời, vừa đảm bảo đúng ngữ pháp. Như thế con tập
được cách đặt câu rõ ràng, rành mạch, chủ ngữ vị ngữ đầy đủ.
Vd2. Cho một nhóm từ, hãy chỉ ra danh từ.
Mình cùng con đọc trong bài học, tìm hiểu xem danh từ là gì ; sau đó đem các từ đã cho, đối chiếu với định
nghĩa, tìm ra những từ nào là danh từ: con trâu là người, vật, sự vật hay hiện tượng? Vậy nó có phải là danh từ
không?
Tương tự, "chạy" có phải là vật, sự vật, hiện tượng không...
Bài thì đơn giản nhưng mình vẫn dạy con tỉ mỉ. Mục đích là dạy con cách suy nghĩ, cách tư duy.
Kiến thức thì thày cô dạy trên lớp, còn kỹ năng và cách tư duy, thày cô không đủ thời gian và không gian để
dạy.
P/s: Đây là kinh nghiệm dạy con đầu của mình (cách đây 20 năm) nên cũng không nhớ rõ lắm. Sau này dạy
con thứ hai thì cũng khác.
Lớp 3.
(Còn nữa)

VÀI KINH NGHIỆM DẠY CON HỌC (2)


Lớp 3
Như đã nói, hồi đó sức khỏe Gấu anh không tốt.
Vì thế mình chủ trương cho con học nhẹ nhàng.
Nhẹ nhàng không có nghĩa là bỏ bớt. Con phải học đầy đủ các môn như bình thường.
Chương trình tiểu học trang bị kiến thức nền giúp con phát triển toàn diện nên mình không có ý nghĩ coi
nhẹ môn nào. Mình muốn rèn con nghiêm túc, không được xem mình như là một trường hợp đặc biệt.
Khi anh vượt đèn đỏ, bằng cách nào đó, anh coi mình là trường hợp đặc biệt, khác với những người còn
lại đang đứng chờ sau anh. Trước nguy cơ bị tai nạn, anh vẫn nghĩ mình là trường hợp ngoại lệ, tai nạn
chắc không chạm đến mình.
Càng tự coi mình là ngoại lệ, anh càng có nguy cơ vô kỷ luật, coi thường các quy tắc chung.
Mình không muốn con tự coi mình là một ngoại lệ.
Mình muốn con mình nghiêm túc, tôn trọng các quy tắc chung, các quy tắc cộng đồng.
Ngoài kiến thức chung theo chương trình tiểu học, mình còn cho con học tiếng Anh ở 1 trung tâm ngoại
ngữ, học đàn ghi ta ở Nhạc viện, học bơi.
Không giảm bớt số môn mà còn tăng thêm, thế thì làm thế nào để "nhẹ nhàng mà không gian nan"?
Thì phải học dần, học trước, học trong hè.
Hè đến, mình chỉ cho con nghỉ hoàn toàn trong 2 tuần.
Mình nghĩ thế là đủ.
Sau đó hai mẹ con cùng nhau lên kế hoạch học hè.
Xin nhắc lại: muốn con chăm học, trước hết phải làm cho con không sợ việc học.
Muốn con không sợ học thì phải dạy con cách học. Dạy tỉ mỉ, cụ thể, vui vẻ nhẹ nhàng, không cáu gắt.
Dạy cách học quan trọng hơn dạy cái gì.
Phương châm của mình: dạy từ từ, thật chắc cơ bản, nâng cao từ từ, rất từ từ, vừa sức.
Học - ôn - kiểm tra là ba chân kiềng trong việc nắm vững kiến thức.
Lên kế hoạch
Bước 1: Xác định số bài cần học/ ngày
Đầu tiên, mình lấy 2 quyển sgk lớp 3 ra. Mở phần mục lục đếm xem cả năm có bao nhiêu bài học. Lấy số
bài học chia cho số ngày dự định học trong hè để biết số bài cần học trong mỗi ngày. Vd, cả năm có 300
bài. Số ngày dự định học là 2 tháng rưỡi - số ngày nghỉ chủ nhật = 75-10= 65 ngày học.
300 bài : 65 ngày = 5bài (làm tròn).
Tương tự với môn Văn.
Tính đại khái, mỗi ngày con học 5 bài Toán buổi sáng và 3 tiết Văn buổi chiều.
Đừng lo con số này là nhiều. Mình sẽ giải thích sau.
Bước 2. Phô tô trang mục lục của sách (Hồi xưa mình chép tay) rồi dùng bút kẻ ngang để đánh dấu số bài
cần học cho từng ngày.
Bước 3. Treo tờ mục lục gần bàn học hoặc nơi dễ thấy nhất.
Học như thế nào.
Khi lên kế hoạch, mình bàn với con và cùng làm với con, giải thích cách làm. Con mình từ nhỏ đã ngồi
vào bàn học một cách tự nhiên như ngồi chơi nên không có nặng nề gì lắm.
1-2 tuần đầu mình ngồi với con, hướng dẫn con học.
Môn Toán
- Lấy SGK và giấy bút ra. Ghi tên bài học hôm nay vào vở nháp. Ghi ngay ngắn cẩn thận. Vở nháp cũng
phải giữ sạch sẽ như vở học, không xoay ngang xoay dọc.
Nhân tiện: Ở nhà mình, có 3 thứ không bao giờ thiếu là Giấy, Bút, Sách. Giấy bao gồm giấy viết, vở, giấy
nháp.
Sách bao gồm SGK, Sách truyện.
Việc ghi tên bài vào nháp, giúp con định hình nội dung bài sắp học, mẹ cũng dễ kiểm tra.
- Hai mẹ con cùng đọc bài trong sgk 1 lần.
- Sau đó đọc chậm từng câu. Có thể đọc to hoặc đọc thầm.
- Dùng bút gạch chân những câu hoặc nội dung quan trọng.
Thời gian đầu, con chưa quen với việc này nên rất chậm, rất khó trong việc tìm ý chính nên mẹ phải làm
cùng con.
Mình thường mua 2 bộ sách Toán, Tiếng Việt , con 1 quyển, mẹ 1 quyển không dùng chung.
Như thế dễ dàng lúc theo dõi, giải thích, đối chiếu kết quả.
Trong lúc vừa gạch chân vừa cố gắng hiểu ý của đoạn mình vừa đọc. Chỗ nào khó quá thì đánh dấu lại để
mẹ giúp giải thích.
- Khi sơ bộ hiểu phần lý thuyết thì bắt tay vào làm phần bài tập ví dụ trong sách.
Phần này phải viết vào vở nháp, vừa đọc vừa viết.
Vì viết vào nháp nên không cần cầu kỳ, chỉ viết theo ý hiểu là được.
Cũng vì không cần cầu kỳ, chỉ cần hiểu, lại có sự trợ giúp giảng giải của mẹ nên việc xử lý một bài rất
nhanh. Thời gian gian đầu chỉ 1-2 bài / buổi, sau quen tốc độ tăng rất nhiều.
Quan trọng là cuối buổi mẹ sẽ trầm trồ: ui, hôm nay con học bằng cả một tuần học trên lớp rồi đấy.
Sau đó lấy bút khoanh (đánh dấu) một vòng vào số thứ tự ghi tên bài đã học trong tờ mục lục.
Như thế, mỗi ngày bạn và con đều có thể nhìn thấy thành quả.
Cuối tuần, mẹ sẽ đếm số khoanh tròn (Tôm gọi là trứng) mà khen thưởng. Cứ làm như toàn bộ công sức
là của con đi. Anh chàng chắc chắn sẽ vui sướng vì học thực sự hiểu, học 1 buổi bằng cả tuần, ngày nào
cũng "hạch toán" được công sức của mình. Vui lắm chứ.
Dần dần bạn sẽ tạo được niềm vui tự học cho con bạn. Niềm vui khi tự giải được 1 bài toán nhiều khi lớn
lao lắm, đáng tự hào lắm.
Khi học cùng con, bạn sẽ kịp thời bổ sung được những kỹ năng cần thiết, khắc phục được những lỗi sai.
Ví dụ: Nhiều hs lớp 3 chưa quen với việc dùng thước kẻ. Các con rất khó khăn trong việc kẻ được 1
đường thẳng.
Với người lớn thì bình thường nhưng với trẻ con đó là một việc khó. Nếu không được tập và luyện, đảm
bảo là khi vào lớp con bạn sẽ mất không ít thời gian loay hoay với cái thước kẻ.
Hay như khi học về phân số, nhiều hs phải mất rất nhiều thời gian dùng thước để kẻ dấu gạch ngang.
Chỉ cần chuyện nhỏ như vậy, không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng cả buổi học.
Ôn bài
Bài đã dài, hôm sau mình viết tiếp.
Ps. Để các bạn khỏi thắc mắc: Đây là kinh nghiệm của 20 năm trước. Anh chàng lớp 3 giờ là kỹ sư cao
cấp, là công dân Pháp.
Việc dạy Tôm sau này có khác chút. Mình sẽ cập nhật dần.
Trong ảnh là vở nháp học hè của Tôm, mẹ chấm và sửa lỗi. (hình như hồi học lớp 3).

VÀI KINH NGHIỆM DẠY CON HỌC (tiếp phần 3)


Như ở bài trước mình đã nói, Gấu anh sức khỏe không được tốt nên mình chú ý không ép con học nhiều.
Hồi ấy, ở trường có các lớp học năng khiếu, các lớp đội tuyển mời chuyên gia về dạy. Thường thì con của
giáo viên sẽ được học ké miễn phí. Mình đã không tranh thủ để xin cho con vào các lớp ‘’đội tuyển’’ này vì
mình nghĩ con mình không giỏi, ngồi trong lớp học nâng cao như vịt nghe sấm, khó quá làm con tự ti. Với lại
làm như vậy là lấy đi một cơ hội của một học sinh khác thực sự có năng lực. Mình nghĩ mình đã làm đúng.
Mình đã không tạo áp lực cho con một cách không cần thiết.
Mẹ là giáo viên trong trường mà con không được đi thi HSG, không có giải gì thì cũng khó coi. Nhưng mình
chấp nhận, biết làm sao. Áp lực của mẹ, mẹ gánh chứ không nên chuyển sang vai con.
Thực ra, mình là giáo viên dạy môn Tin học, mình hoàn toàn có thể ‘’nhồi’’ để con có thể đi thi, kiếm được
giải Tin học, ít nhất thì cũng để làm đẹp học bạ. Nhưng mình thấy không cần thiết.
Con sẽ thừa hiểu thành tích đó là khiên cưỡng, là làm màu.
Trở lại việc giúp con học ở bài trước.
Trong giáo dục tiểu học, việc kiểm tra đánh giá là cực kỳ quan trọng, kể cả việc tự học ở nhà.
Như đã nói, mình chia mục lục sách cho số ngày định học = số bài cần học trong ngày. Cuối buổi học, mẹ
hoặc con sẽ đánh dấu, khoanh tròn lên tờ mục lục để theo dõi tiến độ học. Có những ngày đặc biệt, không
học được thì chia ra học bù vào những ngày sau. Bài học có hôm dễ hôm khó, hôm nào khó thì bớt đi, hôm
nào dễ thì dấn lên bù cho hôm khó. Tóm lại là lịch học linh hoạt chứ không cứng nhắc.
Mỗi bài học, mình hướng dẫn con, chỗ nào khó hoặc kiến thức cơ bản thì đánh dấu lại. Phần lý thuyết quan
trọng thì dánh dấu bằng hai vạch dọc ngoài lề, bài tập nào hay thì đánh dấu hình ngôi sao, bài nào khó lần
đầu chưa làm được thì ghi K1, bài nào mới lạ thì đánh dấu hoa thị.
Cuối mỗi chương đều có phần ôn tập chương. Ngoài các bài ôn tập, mẹ và con xem lướt lại toàn bộ chương.
Đặc biệt quan tâm đến những bài có dấu sao, dấu hoa thị hoặc bài K1. Làm lại bài K1 nếu thấy vẫn khó thì
lại đánh dấu K2 vào bên cạnh để lưu ý tiếp.
Mình cho con sử dụng sách bài tập đồng bộ với sách giáo khoa. Các sách này thường có đáp án đi kèm.
Đừng sợ con mở đáp án ra xem. Với yêu cầu làm bài tập (như đã nói ở bài trước), thời gian mở đáp án ra
xem thậm chí còn lâu hơn thời gian tự làm bài. Bài nào khó quá thì bỏ qua lần 1, ghi K1 chờ lần 2 quay lại
xử lý tiếp hoặc có thể mở đáp án ra xem. Nếu mở đáp án xem thì phải cố hiểu. Những trường hợp này mình
thường kiểm tra xem con có hiểu không bằng cách nhờ con giảng lại bài cho mẹ. Mình bảo con cứ coi như
mẹ là học sinh, mẹ chưa biết gì, con cần giảng cho mẹ hiểu. Mà đã làm học sinh nghe giảng thì phải chăm
chú, phải tôn trọng người giảng, không được phán xét, không được nôn nóng chen ngang, chỉ được phép nói
khi nghe giảng xong.
Bằng cách này mình bắt đầu từ từ dạy cho con kỹ năng thuyết trình và nói trước đám đông. Ngày đầu ‘’nghe
giảng’’ cũng sốt ruột lắm, ức chế lắm, nhưng từ từ rồi ‘’khoai sẽ nhừ’’.
Như vậy, sau hè, mẹ con mình đã học qua được một lượt trong sách giáo khoa. Khi vào năm học mới, con sẽ
đỡ bỡ ngỡ hơn. Đừng lo con học rồi mà sinh chủ quan. Còn lâu con mới đạt đến trình độ ấy. Việc học hè chỉ
là để dạy cho con có kỹ năng tự học, các kiến thức mới ở dạng vỡ vạc ra thôi. Đấy là mình nói đối với học
sinh trung bình như con mình. Các bạn giỏi bẩm sinh thì lại khác. Nhưng cái việc tự học trong hè giúp con tự
tin lắm, một cách vô thức con nhìn được tổng thể kiến thức cả năm học và vì thế mà không ngại, không sợ
nữa.
Nhân tiện mình cũng làm cho con hiểu, việc học hè và tự học nói chung là hoạt động bình thường. Công
nhân viên chức chỉ có 12 ngày phép, không có nghỉ hè. Nghỉ hè là để các thầy cô đi tập huấn, chuẩn bị kiến
thức cho năm học mới. Còn học sinh cũng phải học tập, chuẩn bị cho năm học mới chứ không có chuyện
thoát ly sách vở hoàn toàn. Mình không muốn con có quan niệm học cả năm vất vả, hè phải nghỉ xả hơi.
Thực tế ngành nghề nào cũng vất vả, cũng nhiều áp lực, không có gì dễ dàng cả.
Khi vào học chính thức, các bài giảng của thầy cô sẽ “luộc” lại kiến thức giúp con hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
Vì đã học sơ qua, con sẽ nắm được bài nhanh hơn, làm bài tập nhanh hơn. Lúc này có thể tranh thủ cho con
làm thêm bài tập nâng cao.
Lên lịch học
Ngay sau ngày khai trường, việc đầu tiên là lên lịch học. Mình luôn nắm được Thời khóa biểu của con, căn
cứ vào đó mà lên lịch học.
Ở nhà mình, TKB được dán ở chỗ dễ nhìn thấy nhất. Mình luôn luôn biết giờ này con học môn gì, với ai.
Ngay ngày đầu tiên, mình cùng con bàn bạc lên lịch học. Hai mẹ con bàn bạc nghiêm túc, sẽ ưu tiên học môn
gì và học như thế nào và ghi vào thời khóa biểu.
Mình chia thời khoá biểu mỗi ngày có 3 buổi. Học ở trường 2 buổi, ở nhà 1 buổi (tối). Căn cứ vào lịch học
ban ngày môn gì để bố trí lịch học buổi tối cho phù hợp. Lịch này đặc biệt có ích khi con lên lớp trên.
Ví dụ theo thời khóa biểu, ngày mai có các môn Toán, tiếng Việt, Sử, GDCD, Mỹ thuật chẳng hạn thì lịch
học cho tối hôm nay sẽ là các môn của ngày mai. Mình sẽ ưu tiên chuẩn bị bài Toán, tiếng Việt trước, đồng
thời xem các môn Sử, GDCD, MT có phải chuẩn bị gì không. Nếu ngày hôm nay con học Toán, LTVC, Địa,
Sinh thì ngay từ tối hôm nay, con sẽ phải mở vở ghi bài ra, đọc lại một lượt, nếu có bài tập hay yêu cầu gì thì
thực hiện luôn. Nếu không làm ngay sẽ bị quên hoặc có sự cố bất thường sẽ trở tay không kịp.
Tôm rất thích việc lên lịch học cùng với mẹ. Như vậy trước mỗi buổi tự học, con không cần phải suy nghĩ
xem hôm nay học gì trước học gì sau, cũng không bị động kiểu nước đến chân mới nhảy.
Mình cho rằng việc lên lịch học cho mỗi ngày là đặc biệt quan trọng. Nó không cứng nhắc theo kiểu từ mấy
giờ đến mấy giờ thì học môn này, mấy giờ thì học môn kia… mà tùy cơ ứng biến cho phù hợp. Nhưng ngồi
vào bàn mà biết sẵn hôm nay ta sẽ học môn này môn kia, không phải nghĩ ngợi gì nhiều cũng đỡ lắm.
Khởi động trước mỗi buổi học.
Việc tưởng nhỏ nhưng cũng rất quan trọng. Khi bắt đầu buổi học, mình thường cho con làm những bài tập
dễ trước. Khi giải được một bài toán dù dễ, con sẽ vui; hooc môn vui vẻ sẽ tiết ra, sẽ duy trì trạng thái vui vẻ
trong suốt giờ học. Nếu ngay khi ngồi vào bàn học đã phải giải một bài toán khó hay làm bài tập một môn
con ghét thì trạng thái khó chịu sẽ theo con cả buổi.
Thế nên mình lưu ý, nhất là khi dạy bài nâng cao cho con, mình thường bắt đầu từ những bài đơn giản mà
thú vị trước. Cốt để con giải được, con hân hoan rồi mới từ từ đi tiếp.
Thông thường mỗi tháng một lần, mẹ con mình sẽ cùng nhau rà lại những bài đánh dấu sao, bài K1, K2. Khi
gặp lại những bài K (khó), nhưng sau một thời gian, con giải ngon lành, cả mẹ và con đều vui, đều tự ghi
nhận sự tiến bộ của con. Đó là cách mình tạo niềm vui cho con trong học tập.
Có nên học cùng con không?
Bạn của mình thì nói: Không nên học cùng con. Nếu học cùng, con bạn sẽ ỷ lại.
Mình thì không nghĩ vậy. Cha chồng của mình là một thầy giáo dạy Văn. Ông dặn các con: “Bố mẹ phải vừa
là thầy vừa là bạn của con. Con học lớp nào thì bố mẹ học lớp nấy, con lên lớp nào thì bố mẹ cũng học lên
lớp nấy”. Ông mất trước khi vợ chồng mình quen biết nhau nhưng mình học theo lời dặn của ông từ chị
chồng và em chồng. Và mình thấy đúng. Giáo dục trường công ở Việt Nam khác với các nơi khác. Lớp học
quá đông, các giáo viên không thể quán xuyến hết đến các học trò. Họ không đủ thời gian để luyện cho con
bạn cách cầm cái thước kẻ để kẻ một đường thẳng hay sửa từng câu văn cho con bạn được. Nên bạn phải
chú ý khắc phục điều đó. Bạn hãy quan sát con bạn cách vẽ một cái hình bằng thước kẻ có thuần thục không,
cách kẻ dấu gạch ngang của phân số có cần dùng thước kẻ không … Nếu con bạn vẫn lóng ngóng thì bạn
cần xem lại, cần khắc phục.
Rồi có một hôm nào đó bạn phát hiện ra tuần này con học hành sa sút. Bạn đã tìm hiểu chưa? Có khi chỉ vì
một lý do lãng nhách: tuần này cô giáo đổi chỗ ngồi, con ngồi cạnh một bạn tự kỷ. Đứa bạn cứ liên tục gây
sự, phá quấy, cô giáo cũng chẳng biết làm sao, đành phân công mỗi bạn phải ngồi cạnh bạn ấy một tuần. Kết
quả là tuần ấy con bạn hầu như chẳng học được gì, mà hậu quả của nó có khi còn kéo dài đến tuần sau, tuần
sau nữa khi mà bài kiểm tra lại rơi đúng vào kiến thức tuần này.
Những chuyện như vậy ở trường nhiều lắm.
Nếu không sâu sát cùng con, bạn sẽ để sự việc đi quá xa mà không sửa kịp.
Vậy nên với mình, việc học cùng con là ưu tiên hàng đầu. Mình không học hộ con, không can thiệp vào việc
dạy của thầy cô mà mình chỉ giúp con khi cần thiết, bằng những kinh nghiệm của người đi trước.
Và theo mình, khi con mình chưa nắm vững được các kiến thức, các khái niệm cơ bản trong chương trình thì
việc học thêm là không hiệu quả. Bạn hãy nhìn mục lục sách giáo khoa mà xem, để nắm vững được chừng
ấy kiến thức, con bạn cần bao nhiêu thời gian?
(Bài sau mình sẽ viết về môn Văn)
P/s: các bạn muốn đọc đầy đủ phần 1,2 thì search tên mình trong nhóm là ra.

VÀI KINH NGHIỆM DẠY CON HỌC (*)


HỌC THỰC
Thực ra đây không phải là một bài mình định viết, nhưng chợt nhớ ra thì viết luôn để nhắc các bạn đang đồng
hành cùng con kẻo lỡ.
Tôm thi đỗ vào trường dự bị ĐH Khoa học Ứng dụng Darmstadt và trường Main (Đức), đạt 94% trong kỳ thi
TestAs.
Để được học ĐH tại Đức, trước hết con phải đạt được ba yêu cầu:
- Thi đỗ vào Dự bị ĐH
- Đạt trên 50% trong kỳ thi TesAs
- Thi đỗ vào 1 trường ĐH ở VN được phía Đức công nhận
Ở Đức hệ phổ thông kéo dài 13 năm nên các con hs VN bắt buộc phải học dự bị 1 năm trước khi vào ĐH.
Du học trường công ở một số nước châu Âu nói chung không phải đóng học phí. Vì vậy đối với các sinh viên
nước ngoài, các nước Đức, Pháp, Phần Lan … đều tuyển chọn sinh viên rất kỹ, đáng với đồng tiền bát gạo.
Không như du học ở một số nơi khác theo kiểu tiền nào của nấy.
Để sàng lọc sinh viên, họ yêu cầu tối thiểu 3 điều kiện trên. Mình sẽ nói một chút về yêu cầu 1 và 2.
Cả 2 đều yêu cầu làm bài thi bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh, có thể tổ chức tại Đức hoặc VN nhưng qui mô
toàn cầu, trông thi và chấm thi tại Đức.
Vấn đề ở chỗ họ đòi hỏi học thực, kiến thức thực. Nếu bố mẹ nào muốn cho con đi du học chất lượng cao mà
tốn ít tiền thì chú ý điều này. (tiết kiệm được vài tỉ so với du học Anh, Mỹ…)
Sở dĩ mình nói điều này và ở đây là vì:
Cả Tôm và Gấu sau khi đi thi về đều nói: Trong bài thi họ không cho dùng máy tính, bắt buộc phải tính bằng
tay rất nhiều. Bạn nào quen dựa vào máy tính cầm tay thì rất khổ. May mà mẹ dạy chúng con rất kỹ từ hồi lớp
3.
Từ lớp 3 mình dạy con rất kỹ về các phép tính cộng trừ nhân chia, tính nhẩm. Lúc đó mình không biết rằng
đến tận 15 năm sau, nó vẫn phát huy tác dụng. Mình chỉ biết dạy thật kỹ những gì sgk yêu cầu. Sách giáo
khoa là chuẩn mực. Muốn dạy gì thì dạy, muốn nâng cao gì thì nâng cao nhưng kiến thức cơ bản phải vững,
phải nắm chắc kiến thức trong sgk.
Cứ học hết trong sách giáo khoa là đã khá ổn.
Ngày Gấu đi thi DAF về cũng kể: hôm nay họ bắt tính bằng tay nhiều quá, không cho dùng máy tính. Ai
không quen thì “tạch”.
Lúc đó mình cũng không để ý mấy. Giờ đến lượt Tôm đi thi về nói lại y chang mình mới nhớ, nên nói luôn
với các mẹ kẻo quên.
Nhân tiện cũng nói thêm. Giáo dục Đức, Pháp đề cao tính nghiêm túc, trung thực.
Tôm kể: Hôm thi người ta phát cho tờ đề thi có 2 mặt. Trước khi phát đề, các thầy cô đã dặn: Làm đến phút
thứ 100, tất cả phải dừng bút, không ai được lật mặt sau của tờ đề thi trước khi có hiệu lệnh cho phép. Họ
muốn công bằng, để tất cả các thí sinh đều có thời gian làm bài như nhau.
Vậy mà có mấy bạn, cố viết thêm 1 chữ, hoặc lật trước mặt thứ hai, tranh thủ vài phút, lập tức bị xử lý, hủy
ngay bài thi không nhân nhượng.
Đấy là bài học cho sự nghiêm túc, tính công bằng.
Thiết nghĩ nó có ích.
Chúc các bố mẹ nhẹ nhàng và thành công trong việc nuôi dạy con.
Bài về dạy con học lớp 3 còn 3-4 phần nữa, nhưng tuần này mình bận quá, chạy deadline bở hơi tai nên chưa
viết kịp hic…

Chia sẻ tiếp việc DẠY CON NGOAN KHÔNG GIAN NAN


Chào các bạn.
Đúng ngày này của 10 năm trước, con trai lớn của mình được nhận vào học tại Viện Khoa học Ứng dụng
Quốc gia Pháp (Institut National des Siences Appliquées France). Con là học sinh phổ thông duy nhất trúng
tuyển mà không phải là dân trường chuyên.
Không ít bạn bè đồng nghiệp của mình là cô giáo cũ của con ngạc nhiên pha chút hoài nghi. Trong con mắt
các bạn, con mình rất bình thường, không giỏi.
Thì đúng là con mình không giỏi, con bình thường mà.
May mắn ở chỗ mình biết con mình bình thường nên đã quyết định dạy con theo cách dành cho người bình
thường, không áp dụng những biện pháp dành cho siêu nhân.
Biết con mình không giỏi nên mình dạy con cẩn thận, tỉ mỉ, không yêu cầu cao, không gây áp lực.
Biết con không giỏi thì phải chăm chỉ cần cù, biết tự học, không trông chờ vào các lớp học thêm.
Biết con mình không ngoan hiền như con người ta thì phải ôn tồn nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, không hổ
báo cáo chồn.
Biết mình hay nóng tính nên không xem mình là bố người ta, muốn gì được nấy, muốn đập ai thì đập. Luôn
nhớ mình ngày xưa cũng chẳng hơn gì, cũng khờ khạo ngu ngơ chẳng kém.
Đại khái thế.
Gần 30 năm qua, mình kiên trì với tư duy ấy, và mình đã thành công trong việc nuôi dạy hai con trai của mình
- Gấu và Tôm.
Mình nói THÀNH CÔNG cũng với nghĩa tư duy của người bình thường: sống trong gia đình - con hạnh phúc,
học ở trường- con vui vẻ. Con được học ĐH ở một môi trường giáo dục đỉnh cao, ra trường có việc làm tốt và
đích đến cuối cùng là con biết tạo dựng cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình.
Vậy thôi.
Mình chia sẻ những điều này là từ kinh nghiệm có thực, đã được kiểm chứng.
Mình biết có nhiều bố mẹ giống mình và không giống mình. Giống mình ở chỗ cũng khao khát muốn con giỏi
giang thành đạt nhưng chưa tìm thấy đường đi.
Nhiều bố mẹ thì khao khát mãnh liệt đến nỗi cực đoan, vô tình gây áp lực làm khổ con và khổ cả mình.
Và mình hy vọng những chia sẻ của mình góp phần tạo thêm động lực, thêm chút niềm vui, bớt đi vài giọt
nước mắt trên những gương mặt trẻ thơ.
Mong là vậy …
———-
Mình vốn không chọn nghề giáo. Mình không được đào tạo để làm giáo viên.
Sau khi sinh con đầu lòng do không có người trông con, do kinh tế khó khăn, mình đi dạy hợp đồng ở một
trường tiểu học. Mình dạy môn Tin học do có biết một chút về Tin học văn phòng.
Trường mình dạy là một trường công có tiếng của HN. Ở đây mình gặp vài cô giáo, vài người bạn rất giỏi, rất
yêu nghề, mình rất ngưỡng mộ.
Cũng ở đây mình nhận ra rằng giáo dục tiểu học là cực kỳ quan trọng.
Mình nhận ra những bất cập của nghành giáo dục…
Mình kinh hãi những cuộc “chạy đua vũ trang” của các ông bố bà mẹ…

Mình quyết định đi học ĐHSP văn bằng 2 để nâng cấp bản thân và để phục vụ cho công việc.
Mình quyết định mình phải tự dạy con mình sao cho việc học của con không phụ thuộc vào thầy cô, trường
lớp.
Những bất cập của ngành giáo dục là vấn đề vĩ mô, không nằm trong tầm tay mình, không một sớm một chiều
thay đổi được. Muốn thay đổi tương lai của con mình thì chỉ có cách tự mình làm thôi.
Mình cũng nhận thức được rằng mọi việc bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức tốt thì hành động tốt. Hành động
tốt mọi việc sẽ tốt.
Bạn có nghĩ như vậy không?
(Còn nữa)
P/s Gần đây mìình nhận thấy khi mình đăng bài trên nhóm thì có một số bạn vào fb cá nhân của mình, nhắn
tin mời tham gia các khoá học. Có vẻ đây là các tin nhắn tự động nhằm vào các bố mẹ trong nhóm. Mong các
bạn lưu ý: MÌNH KHÔNG QUẢNG CÁO MỜI GỌI CHO BẤT CỨ SẢN PHẨM NÀO. Những gì mình viết
chỉ nhằm mục đích chia sẻ cá nhân, trao tặng giá trị, không có mục đích quảng cáo.

NÓI VỚI CON


Chào các mẹ.
Điều mình tâm đắc nhất, cho rằng quan trọng nhất trong dạy con là việc NÓI VỚI CON.
Nói với con điều gì, nói như thế nào để con nghe lời, để dạy con hiệu quả?
Vì phần lớn việc giao tiếp với con là thông qua lời nói.
Nên mình tin rằng nếu làm tốt việc NÓI VỚI CON thì bố mẹ sẽ chẳng cần phải dùng tới đòn roi, không cần
áp lực mà con vẫn nên người, vẫn hạnh phúc và thành công.
Tùy từng giai đoạn, từng lứa tuổi mà chúng ta có "chiến lược", "chiến thuật" NÓI VỚI CON cho phù hợp.
Mình tạm chia thành ba giai đoạn chính:
Giai đoạn tiền tiểu học.
Giai đoạn này con còn nhỏ, là giai đoạn "thấm hút" tri thức và kinh nghiệm sống.
Mình hình dung lúc này tâm hồn con giống như một khu vườn đất trống, sạch, tinh khôi. Bố mẹ là người đầu
tiên gieo hạt trồng cây.
Mỗi lời bạn nói với con là một hạt mầm bạn gieo vào trong đất. Bạn nói lời yêu thương ngọt ngào, bạn sẽ gieo
mầm tình cảm. Nói điều hay lẽ phải, bạn gieo mầm thông thái. Nói lời khuyến khích, động viên bạn gieo mầm
tự giác hứng khởi. Nói lời độc ác chua cay, bạn gieo mầm tiêu cực ...
Gieo hạt nào sẽ gặt quả đó, luật nhân quả mà. Nếu bạn không gieo hạt, bạn để vườn hoang thì may nhờ rủi
chịu, 5 ăn 5 thua.
Bạn gieo càng nhiều hạt giống tốt, thì không gian dành cho cỏ dại càng bị thu hẹp. Bạn sẽ đỡ mất công làm cỏ
mà có năng suất cao.
Thế nên mình chủ trương nói với con càng nhiều càng tốt.
Mình giành nhiều thời gian cho con, chơi với con và nói với con. Nói mọi chuyện. Nói mọi lúc mọi nơi. Gặp
gì nói nấy, thủ thỉ tâm tình như hai người bạn.
Vì con còn nhỏ, đang tập nói nên mọi chuyện cũng dễ. Mẹ nói trước, con nói sau, con nói sai, mẹ sửa lại.
Con đi học, được học hát, được học thơ, được nghe kể chuyện. Đấy là đề tài tuyệt vời để mẹ có cơ hội cứ lần
theo chủ đề ấy mà nói chuyện với con.
Mình nhận thấy không phải lúc nào con cũng hiểu được ý nghĩa của các bài hát, các câu thơ v.v... nên mình
luôn giải thích kỹ càng cho con hiểu. Mình căn cứ vào nội dung câu chuyện hay câu hát mà mở rộng chủ đề,
dạy con đúng -sai, phải - trái, hay- dở, tốt -xấu v.v... Mình chủ động dạy con nhận biết, phòng hơn tránh;
nghĩa là dạy cho con hiểu chuyện trước khi chuyện xảy ra chứ không để chuyện xảy ra rồi mới dạy cái này
đúng, cái kia sai, cái này hay cái kia dở...
Đôi khi mình bối rối với một rừng kiến thức. Mình không biết bắt đầu từ đâu, thì mình dựa vào bí quyết: bắt
đầu từ những gì gần gũi nhất, đơn giản nhất. Ví dụ từ bài hát đầu tiên con đi học: Cháu lên ba cháu đi mẫu
giáo. Mình cứ lần theo từng câu từng chữ mà tỉ tê trò chuyện với con. Mình hỏi con: con mấy tuổi nhỉ? Chị
Bíp mấy tuổi, chị học lớp mấy? Rồi anh Bi anh Cún... Rồi mình nói với con: Anh chị lớn tuổi hơn thì đi học
lớp lớn, con bé hơn thì đi học mầm non. Ba mẹ là người lớn thì đi làm. Ai cũng có công việc của mình, tùy
theo sức khỏe và tuổi tác, sau này con lớn con cũng sẽ đi làm con sẽ thế này thế kia...
Rồi mình hỏi con về các bạn trong lớp. Mình nói con ngoan con không khóc nhè thì cô vui, cô yêu con.
Con nói bạn An khóc nhè là hư là xấu. Mình bảo bạn khóc nhè có thể do bạn buồn, bạn nhớ mẹ. Con rủ bạn
chơi cùng, nhường đồ chơi cho bạn để bạn vui... Bạn khóc nhè không xấu nhưng nước mắt tùm lum thì nhìn
không xinh.... Đại khái thế.
Rồi có khi mình còn giải thích: "trồng cây trái" là gì, "ông bà vui cấy cày" ra sao...
Tóm lại là có rất nhiều điều để nói, để giải thích với con. Vừa giải thích vừa có thể đưa vào rất nhiều kiến
thức. Nếu con chưa lĩnh hội được cũng chả sao. Nay chưa hiểu thì ngày mai, ngày kia, tháng sau, năm sau con
sẽ hiểu. Đừng nóng vội, đừng cho rằng cái gì con cũng phải biết. Có rất rất nhiều điều mẹ tưởng là đơn giản,
là đương nhiên con phải biết nhưng với con lại là điều mới mẻ, khó hiểu. Thế nên cứ từ từ mà nói chuyện, từ
từ mà giải thích, đừng cáu, đừng cao giọng. (Ngày xưa bằng tuổi con, mình còn ngu ngơ hơn nhiều.) Nên giải
thích càng nhiều thì con càng hiểu chuyện, càng mau trưởng thành. Cứ nhẹ nhàng từ tốn, mưa dầm thấm lâu,
vào đầu ghê lắm.
Cáu kỉnh quát nạt, chỉ trích, chê bai chỉ làm cho con co người lại, nói gì cũng bỏ ngoài tai.
Giai đoạn tiểu học và THCS (còn tiếp)

Viết tiếp bài NÓI VỚI CON


Nói như thế nào.
Giai đoạn tiểu và THCS
Khi con vào Tiểu học, việc nói với con trở nên khó khăn hơn. Con ở tuổi mầm non, mẹ nói gì cũng được.
Lớn lên chút, con vào lớp một, môi trường mới với thông tin đa dạng nhiều chiều, con bắt đầu có ý thức tiếp
thu chủ động, không phải bố mẹ nói gì con cũng “thấm hút” như trước nữa. Thế nên ở giai đoạn mầm non, bố
mẹ “tranh thủ” “cài cắm” được càng nhiều càng tốt. Vì nó đơn giản, nó dễ dàng. Dạy con từ thuở còn thơ là
vậy. Con càng lớn việc dạy bảo càng khó hơn.
Kinh nghiệm đầu tiên: CẨN TRỌNG VỚI LỜI NÓI CỦA MÌNH.
Một câu nói vô tình có thể đóng đinh một định kiến sai lầm vào đầu óc trẻ.
Một lời đay nghiến, xúc phạm đủ sức gây một vết thương tâm hồn.
Một lời động viên khích lệ có thể thay đổi một con người.
Ví dụ từ chính mình:
Vd1. Hồi mình còn nhỏ. Một bữa đi chơi về, thấy mẹ đang trò chuyện với các cô hàng xóm bạn của mẹ. Có lẽ
mẹ đang vui vẻ, mẹ bảo: con Lý giống hệt tính bố nó: cần thì rất cần; một khi đã không cần thì rất không cần.
Nhất thì bét!
Có lẽ nét mặt của mẹ làm mình tưởng rằng đó là một lời khen, mình tưởng thế là hay. Từ đó mình tích cực
phát huy.
Sau này mình vỡ lẽ: cái thái độ “nhất thì bét “ một khi đã không cần, đã tự ái, đã chạm nọc là sẵn sàng tung hê
tất cả không cần suy nghĩ trước sau, không cần nghĩ đến thiệt hại - là một thái độ dở hơi, lãng nhách.
Một câu nói vô tình của mẹ, mình chưa đủ từng trải để hiểu, cũng chẳng có ai giải thích, nó trở thành một định
kiến sai lầm.
Vd2. Một lần mình vào lớp, thấy cô giáo chủ nhiệm lớp đang đứng trước 5 em học sinh. Mặc cho cô gọi, hỏi,
la lối, cả 5 đứa vẫn trơ trơ. Khuôn mặt chúng trơ lì, mắt nhìn cô không chớp nhưng không hề sợ sệt, không hối
hận. Chúng hoàn toàn vô cảm. Mình sợ hãi và quyết định tìm hiểu về 5 em này trong suốt năm học. Kết quả
không ngoài dự đoán: cả 5 đứa trẻ đều là những đứa thường xuyên bị bố mẹ chửi mắng bạo hành. Tất cả
chúng co người lại theo một cơ chế tự vệ tự nhiên, chúng đóng lỗ tai lại, chúng nghe mà không thấy gì, mọi
lời nói đều trượt ra ngoài.
Mình không biết tương lai của chúng ra sao nhưng hiện tại chúng không hề vui vẻ.
Vd3. Tôm kể: học lớp 3, con không hề hứng thú với môn tiếng Anh. Con thụ động, ngồi yên một chỗ. Rồi một
hôm, con giơ tay, được cô gọi phát biểu. Con làm đúng, được cô khen. Sau hôm ấy, giờ tiếng Anh trở nên hấp
dẫn, con luôn cố gắng để làm bài thật tốt, con tích cực giơ tay...
Có lẽ vì thế mà cổ nhân đã dạy : “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “Lời nói đọi máu”.
Phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói. Đừng để lời nói gây hiểu lầm, gây tổn thương người khác, nhất là khi
người đó là con mình. Lời nói nói nhiều khi có sức mạnh thật khủng khiếp.
Mình đã từng đọc ở đâu đó: không có gì hủy hoại tâm hồn một đứa trẻ hiệu quả bằng chửi mắng. Mình thấy
đúng.
Xin đừng để lời nói làm tổn thương con.
Chửi mắng, xúc phạm có khi gây đau đớn nhiều hơn cả đòn roi vì những vết thương do nó gây nên ẩn sâu
trong tâm hồn, rất khó chữa lành.
Vẫn biết rằng “thuốc đắng dã tật”. Mà thuốc quá đắng, nuốt không nổi thì phải làm sao? Nhà sản xuất phải
bọc đường ra ngoài viên thuốc, người ta phải thêm đường để thuốc dễ uống hơn. Có như vậy bệnh nhân mới
chịu uống thuốc, nhà sx mới bán được hàng.
Bố mẹ muốn con dễ tiếp thu, nên thêm đường vào lời nói. Có phải lúc nào “những nơi cay đắng” cũng “là nơi
thật thà” đâu. Nơi thật thà cũng ngọt ngào tthì càng quý chứ sao . “Nói ngọt, lọt tận xương” mà!
Nói với con bằng lời ngọt ngào, hay cay đắng là tùy bạn chọn. Nhưng kết quả khác nhau nhiều lắm đấy.
Để lời nói thêm hấp dẫn, bạn có thể thêm dấm thêm ớt. Hài hước, dí dỏm là dấm, là ớt cho những câu chuyện
với con. Hài hước dễ đi vào lòng người, món ăn thêm chút dấm ớt thường hấp dẫn hơn.
Càng lớn lên, con càng khó tiếp nhận những lời dạy dỗ của người lớn. Đặc biệt là thời điểm khủng hoảng tuổi
dậy thì (THCS), con trở nên ương bướng khó bảo.
Cha mẹ cần hiểu biết để cảm thông.
Dạy dỗ lúc này không nên nói dài dòng. Nói ít thôi và Đừng ra lệnh.
Cần nói đúng và nói trúng. Nói đúng bản chất sự việc, đừng thêm đừng bớt, đừng quan trọng hóa vấn đề. Nói
trúng trọng tâm mới khiến con tâm phục khẩu phục. Nói nhiều, nói vu vơ, càm ràm chỉ tạo điều kiện cho con
cãi lại.
Thêm nữa
Muốn con nghe lời, bố mẹ phải có uy tín nhất định. Bố mẹ đoàn kết, thống nhất thì làm tăng uy tín của nhau.
Bố mẹ mâu thuẫn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược chỉ làm giảm uy tín. Nóng giận thì làm mất uy tín.
Dù có công bằng dân chủ, dù làm bạn cùng con, bố mẹ cũng luôn phải giữ gìn vị trí, uy tín của mình, không
bè xòe cá mè một lứa.
Nhiều khi bố mẹ đã rất cố gắng, con vẫn không nghe lời. Có những lúc Bụt chùa nhà không thiêng, bạn phải
nhờ đến Bụt chùa người.
Hãy tìm đến người có kiến thức, có uy tín hơn. Mình chọn sách. Sách là người thầy, người bạn tuyệt vời.
Nếu con bạn biết đọc sách từ nhỏ, bạn đỡ được 1/3 công dạy dỗ.
NÓI VỚI CON NHỮNG GÌ, DẠY CON HỌC THẾ NÀO ?
(Bài tiếp)

BIẾT LẮNG NGHE


Sáng nay, một cô bạn gọi điện cho mẹ Tôm. Sau màn thăm hỏi hàn huyên, cô bảo: Em phải công nhận cháu
Tôm nhà chị nó người lớn thật í.
- Thì cháu 18 tuổi rồi, cô.
- Không phải, ý em nói là Tôm trưởng thành, chín chắn hơn hẳn so với tuổi của cháu.
Mẹ Tôm lập tức dỏng tai lên: Chuyện gì vậy cô?
Chả là hôm qua nhà cô tổ chức sinh nhật, Tôm được mời đến cùng 1 anh, 1 chị là sinh viên ĐH và 1 em gái
đang học lớp 11. Nhóm các con chơi với nhau từ nhỏ. Gần đây phần vì dịch COVID, phần vì Tôm học năm
cuối cấp nên chúng ít gặp nhau. Nay gặp lại đứa nào cũng rất vui.
Nhưng chúng rất nhanh chóng nhận ra cô em út lớp 11 có gì đó rất khác. Rồi chúng phát hiện ra cô bé có vấn
đề.
Chúng rủ nhau vào bếp để hỏi han, tâm sự.
Em (người đang nói chuyện với mẹ Tôm) cũng được tham gia câu chuyện của bọn trẻ.
Câu chuyện của cô bé khá nghiêm trọng nên mọi người có vẻ rối lên. Tất cả đều ra sức góp ý, khuyên bảo, an
ủi...
Riêng Tôm chỉ yên lặng lắng nghe mà không nói gì.
Lúc sau chính Tôm lại đứng ra can mọi người dừng lại để cho cô bé nói.
Tôm bảo lúc này cô bé mới chính là người cần được nói.
Em giật mình vì Tôm nói quá đúng chị ạ.
Cô bé mới chính là người cần được nói, cần được lắng nghe, cần giải tỏa.
Đúng là mọi người quá nhiệt tình, tranh nhau nói, nói hết cả phần của cô bé...
Đến lượt mẹ Tôm cũng ngơ ngơ...
Thảo nào, tối qua con bảo: tối mai con muốn nói chuyện với mẹ, muốn mẹ giúp. Không phải chuyện của con
mà là chuyện của em E.
Chợt nhớ, mấy năm trước cậu của Tôm từ NT ghé qua chơi. Đúng lúc mẹ vắng nhà, Tôm ở nhà tiếp cậu.
Hôm sau cậu gọi điện khen nức nở, nào là thằng cháu chu đáo, thằng cháu lễ phép bla bla... Cậu khoái thằng
cháu lắm. Mẹ Tôm cũng khoái. Mẹ cũng ngạc nhiên vì không rằng biết lúc vắng mẹ, Tôm cũng người lớn ra
phết.
Cô hàng xóm hỏi: chị dạy con thế nào mà cháu chín chắn thế?
Mẹ Tôm không biết.
Thực sự mẹ Tôm không biết.
Mẹ Tôm chẳng biết đã dạy gì cho con, càng không nhớ rằng đã dạy con trong từng trường hợp cụ thể: khách
đến nhà thì phải làm gì, phải quan tâm đến mọi người ra sao...
Tôm học ở đâu, lúc nào, mẹ cũng chả nhớ...
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.

Chào cả nhà.
Ngày nào cũng có những vụ học sinh tự tử, đánh nhau, giết người…
Cứ mỗi lần như vậy, không gian mạng lại dậy sóng, tràn ngập các bài viết, các tranh luận.
Mình đọc thấy ở đó có quá nhiều bức xúc, quá nhiều tham vọng, quá nhiều áp lực.
Mình tự hỏi: Ừ thì việc dạy con là việc khó, cực kỳ khó. Nhưng có khó đến mức như vậy không, có nhất
thiết phải nhiều áp lực, nhiều đau đớn như vậy không? Có cách nào khác không?
Câu trả lời là Có.
Ví dụ cụ thể là trường hợp nhà mình.
Mình sẽ chia sẻ cách mình nuôi dạy hai con trai của mình trưởng thành mà không la mắng, không đòn
roi, không học thêm nhiều, không áp lực bài vở. Mình sẽ chia sẻ cách mình cho con đi du học, tiếp thu
một nền giáo dục tiên tiến mà không phải thật xuất sắc, không tốn nhiều tiền, không chạy vạy xin xỏ,
không gian lận…
Hồi trước mình cũng đã viết bài chia sẻ trong nhóm về cách dạy con nhẹ nhàng mà không gian nan, được
nhiều bạn quan tâm. Lúc đó mình ngại viết dài nên chỉ viết chung chung. Nay mình sẽ viết dài hơn, cụ
thể hơn. Hy vọng những chia sẻ của mình là có ích.
Vì mình có hai con trai, mỗi đứa một cá tính, một giai đoạn nên mình sẽ viết lần lượt về từng đứa, theo
dòng thời gian.
——-
Con trai lớn của mình tuổi Giáp Tuất, ở nhà thường gọi là Gấu.
Con học phổ thông ở VN, học ĐH ở Pháp. Hiện con đang sống ở Paris, làm việc cho một tập đoàn đa
quốc gia của Anh ở vị trí kỹ sư cao cấp. Con được cấp quốc tịch Pháp, sau bốn năm đi làm lương tăng
gấp đôi so với lúc mới ra trường. Và con vừa… cưới vợ.
Điều đáng kể là con không phải học sinh xuất sắc, không học trường chuyên, chỉ là học sinh ở một trường
hạng hai bình thường ở HN. Hồi học tiểu học, các cô giáo của con đánh giá con “rất bình thường”. Mình
cũng nghĩ vậy và những gì con đạt được thật ra cũng là bình thường.
Tóm lại câu chuyện của mình xoay quanh hai chữ “bình thường”.
Hồi còn nhỏ, sức khỏe của Gấu không tốt. Con gầy yếu loeo ngoeo, suốt ngày đi bệnh viện. Vì vậy chúng
mình rất chiều con và chỉ lo sao cho con khỏe.
Bọn mình thuộc tip bố mẹ cực kỳ chiều con. Tuy chiều con nhưng chúng mình không tùy tiện. Tôn trọng
chứ không tôn sùng con. Kể cả khi còn nhỏ thì mình vẫn cố gắng để con hiểu: con không phải là mặt trời,
không phải là cái rốn của vũ trụ. Con bình thường và bình đẳng trong gia đình. Vì vậy nghĩa vụ và bổn
phận của con cũng giống như mọi người, không có ưu tiên đặc biệt, không có ngoại lệ.
Nói thì to tát nhưng chung quy lại chỉ là không nịnh nọt, không xun xoe, khen đúng và chê đúng.
Hồi nhỏ Gấu có tật khóc dai và hay vòng vo. Con muốn gì cũng không nói thẳng mà hỏi vòng vèo rất lâu,
rất sốt ruột; mục đích là để người lớn tự đoán hiểu con muốn gì. Những lúc như vậy, mình phải rất kiên
nhẫn trả lời các câu hỏi của con, vừa trả lời vừa giải thích vừa phớt lờ không chịu hiểu những điều con
không chịu nói. Kiên nhẫn đến khi con chịu nói ra điều con muốn. Chuyện có vẻ vụn vặt nhưng với mình
là quan trọng. Khi con biết thể hiện mong muốn của mình là con biết cách chủ động, biết được cách nói
để hiểu nhau tránh được những hiểu lầm trong cuộc sống.
Còn khi con khóc lóc mè nheo hàng giờ, mình không cuống quýt xoá xuýt, mình cũng không “mặc kệ“
con. Mình hỏi thăm con bình thường, hỏi lý do con khóc, giải thích hoặc an ủi con.
Nếu con vẫn cứ khóc, mình sẽ rất bình thản, coi như không có chuyện gì. Mình sẽ lấy vẻ mặt tự nhiên
nhất mà nói với Gấu bố: Gấu con đang còn khóc nốt chỗ dở, chúng mình cứ ăn cơm (ăn bánh, đi chơi…)
đi, lúc nào con khóc xong thì nó sẽ ăn (đi chơi…). Mình tỏ ra thản nhiên để thể hiện rằng mình vẫn quan
tâm đến con, không “bỏ rơi“, không “mặc kệ“ con, nhưng việc con khóc lóc làm mình làm mẩy thì không
ăn thua với ba mẹ.
Nhiều lần như thế, con tự hạ vũ khí.
Mình tuyệt đối không la mắng con. Điều mình làm mỗi khi con mắc lỗi là bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc
của bản thân, kiên nhẫn nói chuyện với con.
Nhưng làm thế nào để bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc bản thân?
Cái này phải tập. Bạn có mong muốn, bạn có ý thức luyện tập, bạn sẽ làm được. Bí quyết của mình là nhớ
lại hồi còn mình nhỏ. Lúc nhỏ mình cũng ương bướng, cũng dại khờ, dốt nát, kém cỏi như con vậy. Mình
cũng không thích bị la mắng đánh đập. Vậy thì đừng nổi nóng, đừng la mắng con. Cái gì mình không
muốn thì đừng làm với người khác.
Biết tự kiềm chế là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Nó có lợi cho bạn trong bất cứ tình huống nào.
Khi xác định con mình là bình thường, không giỏi giang khôn ngoan (như con nhà người ta) thì bạn phải
dạy con cẩn thận hơn, tỉ mì hơn và bớt yêu cầu con phải đạt được này nọ. Không đặt quá nhiều mong
muốn vào con, mình sẽ bớt thất vọng. Như thế, sẽ bớt cáu kỉnh, tức giận, stress.
Học cách nói chuyện với con.
Mình học cách nói chuyện với con từ mẹ của một người bạn. Hồi nhỏ mình đến nhà bạn chơi và rất thích
mẹ của bạn. Bác nói chuyện nhỏ nhẹ và luôn chăm chú lắng nghe con. Thường thì bác chỉ gật gù “thế
hử”, “thế hử” và đôi mắt luôn ánh lên sự âu yếm, khích lệ. Chúng mình rất thích nói chuyện với bác và
sẵn sàng kể với bác mọi chuyện. Hồi đó mình cứ ao ước: giá mà mẹ mình cũng thường nói chuyện với
mình như thế này nhỉ.
Vì ấn tượng nên mình ghi nhớ mãi đến giờ và mình đã áp dụng với con.
Mình đã “cúi xuống”, đặt mình vào vị trí của còn, vào tầm suy nghĩ của con để hiểu con nghĩ gì muốn gì.
Mình cũng học cách nói theo ngôn ngữ tuổi thơ của con để dễ dàng kết nối. Mình không đứng trên cái
bục cao dành cho cha mẹ mà ngồi xuống bên con, trò chuyện với con bằng ngôn ngữ của con, chân tình
và luôn khích lệ.
(còn nữa)

Tất cả cảm xúc:


860Phương Diệp, Thái Thị Thùy Duong và 858 người khác

Đánh con.
Hồi nhỏ, mình là đứa con gái ương bướng, bất trị. Mình cứng đầu rắn mặt đến nỗi có biệt danh Đá Mài. Có
lần bà nội đi tìm đá mài dao, bà hỏi: có ai thấy hòn đá mài dao đâu không, mình lồm cồm chui từ gầm giường
ra: Cháu đây bà ạ.
Mình với bà chị nuôi (hơn mình 4-5 tuổi) và mấy đứa em suốt ngày chí chóe, cãi nhau, oánh nhau, vô số tội.
Mẹ dạy không nổi, chán chả thèm nói, cứ gom tội lại, cuối tuần bố về đem ra xét xử. Hàng xóm gọi là "xử
phiên tòa".
Tuần nào nhà mình cũng có phiên tòa. Bọn mình bị bắt nằm sấp, nghe kể tội và bị đánh roi.
Có rất nhiều phiên tòa diễn ra, rất nhiều lần mình bị ăn roi nhưng đòn roi đối với mình không tác dụng.
Mình chẳng bao giờ nhớ được mình mắc tội gì vì mình đâu có quan tâm đến nó. Toàn bộ sự quan tâm của
mình chỉ dành vào việc nguyền rủa cái roi, oán trách người lớn “độc ác”, bố mẹ đánh mình thì được mà tại sao
lại không cho mình đánh nhau… (đại khái thế).
Đọng lại sau cùng là cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng với hàng xóm.
Sau này lớn lên, mình hiểu: đòn roi chưa hẳn đã là một giải pháp tốt. Đòn roi không giúp mình hiểu được hay-
dở, tốt -xấu, phải-trái, đúng-sai.
Cái mình cần là sự giải thích cặn kẽ vì trí óc non nớt của mình hồi đó chưa kịp hiểu.
Không ít lần mình khóc lóc van xin: con chừa rồi, lần sau con không thế nữa... Nhưng mình thậm chí còn
chẳng hiểu thế nào là "chừa" và hôm nay "chừa" ngày mai lại cứ thế. Vì mình có hiểu gì đâu. Kể cả có hiểu
thì lúc đi chơi, mải chơi lại quên hết.
Bọn mình cần sự trông nom, giám sát, nhắc nhở hơn là đòn roi trách phạt.
Vì bọn mình là những đứa trẻ non nớt chậm hiểu và ham chơi.
Và mình đồ rằng nhiều đứa trẻ con cũng giống như mình.
Càng lớn, mình càng khó chấp nhận việc đánh con. Có vẻ như người lớn đã tự đặt ra các quy tắc và áp đặt nó.
Trẻ con không nghe theo thì đánh, mắng.
Người lớn đã tự cho mình cái quyền làm cha làm mẹ thì được đánh chửi con. Bố mẹ đã ỷ vào sức mạnh của
kẻ to xác hơn, nhiều tuổi hơn để “bắt nạt” con.
Có bố mẹ nào hình dung ra cảnh chính mình bị người khác to khỏe hơn đánh đập, ức hiếp để thấu hiểu cảm
xúc của con chưa?
Mình không phủ nhận việc đôi khi phải đánh vài roi cảnh cáo.
Nhưng cảnh cáo khác với đánh cho hả giận. Nếu bố mẹ đánh con cho hả giận và mất kiểm soát. Hậu quả khó
lường.
Khi mình có con, mình nhìn nhận việc đánh con như là một sự phản bội về tinh thần. Vừa mới yêu con đấy,
rất yêu đấy, nhưng chỉ thoáng sau đã nổi cơn thịnh nộ, thay đổi thái độ nhanh như chớp, “trở mặt như bàn tay”
sắn sàng la hét đánh mắng con ngay.
Đánh chửi con cho hả giận, chỉ để giải tỏa cảm xúc của cá nhân mình chứ không phải vì sự tiến bộ của con.
Làm như thế là chỉ vì mình, là ích kỷ, nhưng lại tự khoác cho mình cái áo mĩ miều “là để dạy con”.
Nhận thức như vậy nên mình không đánh con. Đi dạy ở trường mình cũng không đánh học trò. Không phải vì
quy định của ngành giáo dục- lúc đó chưa có quy định này- mà chỉ vì mình thực sự tôn trọng học sinh, mình
không nỡ xúc phạm các con. Nhưng mình phải thừa nhận việc này là cực kỳ khó.
Nhiều học sinh quen với việc bị bạo hành đến nỗi trơ lì “thân lừa ưa nặng “
Nhiều lúc tự hỏi: thời điểm hiện tại không biết mình có làm được như vậy nữa không.
Dù không đánh mắng con, không tức giận la hét, nhưng nhiều khi mình cũng “đâu cái điền” lắm. Lúc ấy ngoài
chuyện cố gắng hiểu con, nhớ rằng mình cũng từng ương bướng, ngu ngốc, dại khờ, láo toét như nó… mình
còn sử dụng một vài bảo bối khác:
1. Gặp ca khó đỡ hoặc quá giận mình thường hoặc là lặng lẽ rút lui coi như chưa biết, chưa nghe, chưa nhìn
thấy gì, mình đi ra ngoài để tìm cách hạ hỏa. Hoặc là đứng trước mặt con, môi mím lại, tay vuốt ngực, thể
hiện thông điệp: mẹ đang rất giận, mẹ đang cố gắng hết sức để kiềm chế cơn nóng giận. Sau đó mình bỏ ra
ngoài để bình tĩnh lại.
Mình tránh xử lý các tình huống trong lúc nóng giận. Và mình cũng thể hiện cho con thấy sự cố gắng của
mình.
2. Giải pháp “Ông Kẹ”
Ông Kẹ là một giải pháp do mình đặt tên cho vui. Ông Kẹ được chọn phải là người được con nể trọng và tốt
nhất là người không đánh con. Ông Kẹ có thể là ông, bà, nội, ngọai, bố, mẹ, anh, chị, thầy cô giáo... miễn là
người có uy tín đối với con và không nhất thiết phải ở gần.
Có hai loại ông Kẹ: 1 dùng để yêu và 1dùng để trấn áp.
Trường hợp nhà mình ông Kẹ là ông xã. Ông xã vừa làm ông Kẹ yêu vừa làm ông Kẹ trấn áp.
Khi dùng ông Kẹ để yêu thì mình sẽ thủ thỉ: con làm thế này là ba vui lắm đấy... hoặc con mà làm thế chắc ba
sẽ buồn...
Đôi khi Ông Kẹ được dùng để mua quà động viên khi con có thành tích.
Trường hợp tệ hơn, thì ông Kẹ trấn áp sẽ ra tay.
Đó là khi con cãi mẹ, con ương bướng không nghe lời...
Ông Kẹ sẽ nổi giận đùng đùng, gọi con tới tận nơi, đứng đối diện, giọng cực kỳ nghiêm khắc: Ba vừa nghe
thấy con cãi mẹ (con không nghe lời mẹ, con làm mẹ buồn…). Con phải sửa chữa ngay!
Nghiêm trọng hơn thì anh bố sẽ dằn giọng, mắt xếch ngược trông cực kỳ đáng sợ: Tôi mà còn nghe thấy anh
cãi mẹ (anh làm mẹ buồn…) tôi sẽ đánh roi vào đít anh. Anh nghe rõ chưa!
Buồn cười. Ông Kẹ chỉ được cái to mồm chứ thực tế không dám đánh con.
Chính xác thì ông xã chỉ duy nhất đánh con mỗi đứa một lần rồi sau đó sợ chết khiếp có cho kẹo cũng không
bao giờ dám đánh con lần 2.
Số là một lần Tôm hư, bị bố đánh. Con vốn được bố mẹ rất chiều, chưa bao giờ bị đánh. Lần ấy bị bố đánh,
Tôm sững sờ, ngạc nhiên, uất ức đến nỗi khóc nghẹn, nấc liên hồi, không thở được, mặt tím tái, suýt phải đưa
đi viện. Anh bố bị một phen sợ xanh mắt, không bao giờ lặp lại lần 2.
Còn Gấu cũng bị bố đánh 1 lần hồi học lớp 6. Mình đi họp phụ huynh về vô tâm kể cho chồng nghe chuyện
con không được hsg chỉ được hstt, bị ghi sổ đầu bài, bị viết bản kiểm điểm v.v…
Anh bố nổi giận lôi đình, đem con ra đánh. Mình ân hận và thương con vô cùng. Mình để bố đánh con vài cái
rồi đứng ra chặn lại, không cho đánh con nữa. Và từ đấy về sau mình nhận trách nhiệm nuôi dạy hai con,
không để chồng tham gia vào nữa. Anh bố bị truất quyền.
Tuy không đánh con nhưng ông xã rất có uy với con nên mình dùng ông xã làm Ông Kẹ. Phải có người rắn kẻ
mềm, cân bằng âm dương mới hiệu quả.
Trường hợp Ông Kẹ chưa có đủ uy tín thì phải tạo ra thôi.
Roi chưa đánh mới là roi đáng sợ. Đánh rồi, biết rồi thì không sợ nữa, mình nghĩ thế.
Các bửu bối của mình có may mắn là ít phải dùng thường xuyên.
Và nó là một sự phối hợp hiệu quả.

GẤU MẸ VÀ BỨC THƯ CỦA ÔNG THỦ TƯỚNG


Mấy năm trước, trên fb mọi người chuyền tay nhau bức thư nổi tiếng của Thủ tướng Đài Loan viết cho con
trai. Gấu bố cũng đem về khoe với Gấu mẹ. Gấu mẹ gật gù: ờ hay thì thật là hay…
Chuyện sẽ không có gì để nói nếu một hôm, Gấu mẹ đang trò chuyện với con về tình cảm gia đình, về trách
nhiệm và bổn phận thì Gấu bố hồn nhiên chen vào: Ba thích cách nghĩ của TT Đài Loan, ba sẽ không đòi hỏi
các con phải phụng dưỡng ba mẹ khi về già…
Gấu mẹ lừ mắt: Thế lúc ba mẹ già cả ốm đau phải nằm một chỗ thì có cần con cái không?
Gấu bố vẫn hăng hái: Lúc đó ba sẽ vào nhà dưỡng lão, sẽ vân vân và mây mây…
Gấu bố nhiệt thành và hăng hái bảo vệ quan điểm đến nỗi Gấu mẹ xù lông, nghiêm giọng: Này anh, chuyện
đó ta sẽ nói sau. Còn trong chuyện này anh phải để yên cho em dạy con!
Này con!
Mẹ chưa bao giờ nghĩ rằng sinh con ra là để con phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Nhưng mẹ phải nói để con
biết rằng con sinh ra hoàn toàn không giống cái cây sinh từ hạt mầm mà con chim ị xuống.
Con sinh ra từ tình yêu thương của ba mẹ. Con sinh ra trong sự đón đợi, mong chờ.
Con được sống trong yêu thương, đó là điều đặc biệt. Dĩ nhiên, cha mẹ nào mà chẳng yêu con. Yêu thương
con cái là bản năng của các ông bố bà mẹ. Nhưng con cần phải thấy rằng ba mẹ đã cố gắng rất nhiều để yêu
thương con theo cách mà ba mẹ cho là tốt nhất: yêu thương theo cách để con hạnh phúc chứ không phải cách
mà ba mẹ THÍCH.
Ba mẹ biết rằng mình không hoàn hảo nên đã luôn phải HỌC để làm những ông bố bà mẹ tốt. Ba mẹ đã bao
lần nén cái tôi của mình xuống, học cách chung sống với nhau để sao cho các con được sống trong mái nhà
yên bình, hạnh phúc nhất.
Tuổi thơ của các con được tắm mình trong yêu thương lành mạnh được cưng chiều nhưng tuyệt nhiên không
tùy tiện.
Ba mẹ dạy con biết yêu thương, biết sống tử tế, quý trọng sự học hành.
Mẹ phải nói để các con biết rằng, ba mẹ đã cố gắng, làm việc chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm, đôi khi phải hy sinh
một số thú vui để các con có cuộc sống vật chất đàng hoàng, không phong lưu nhưng vừa đủ và được học
hành ở một môi trường tốt nhất có thể. Ba mẹ không cố gắng cho các con nhà cao cửa rộng, công việc nhàn
hạ, bổng lộc nhiều mà cố ¬¬gắng cho các con được học, được tiếp cận một nền văn hóa, tri thức đỉnh cao.
Mẹ nói những điều này tuyệt đối không phải để kể công với các con, mà để các con hiểu: không có ai tự nhiên
mà trưởng thành. Cái cây kia được mọc lên là nhờ có đất, có nước, có ánh nắng mặt trời. Nếu cái cây biết suy
nghĩ, nó sẽ biết ơn trời, đất và cả con chim vô tình kia nữa, vì nếu như hạt mầm rơi xuống đá, nó không bao
giờ trở thành cái cây.
Con người cũng vậy: “Em sinh ra đã là người, nhưng để trở thành một con người chân chính, em phải có ý
thức về bổn phận và trách nhiệm của mình.” (V.Xukhômlinxki).
Sống tử tế, biết ơn, biết rõ bổn phận và trách nhiệm là thước đo nhân cách của con người.
Còn điều này nữa, mẹ cần các con quan tâm và thấu cảm: Ba mẹ rồi sẽ già. Thế giới của những người già
buồn tẻ vô cùng. Những người già mong manh, yếu ớt, bất lực và cô đơn vô cùng. Các con cần phải quan tâm
đến họ. Quan tâm, thấu cảm thực sự chứ không phải ngọt ngào nơi chót lưỡi đầu môi.
Những người già không cần nhiều vật chất, nhưng cần nhiều sự quan tâm của người thân, của con cái. Nhiều
khi chỉ để an ủi một điều rằng: à, con cái mình đã không bỏ rơi mình, rằng mình đã không sinh ra những đứa
con vô tình vô nghĩa …
Quan tâm, yêu thương bao nhiêu cũng đừng cho là đủ. Mỗi sự quan tâm của con cái đem lại niềm vui vô cùng
ý nghĩa với người già.
Hãy sống tử tế và đừng làm người vô tâm, vô tình con nhé.
Mùa Vu lan 2017

NHỚ CON
Mai là ngày khai trường, đây đó phố xá tràn ngập cờ và hoa. Những ngày này 15-20 năm về trước, nhà Gấu
cũng tưng bừng lắm. Mẹ đem là lại áo dài cho mẹ và quần áo cho ba. Quần áo đồng phục của con cũng đem
giặt lại, phơi khô chuẩn bị sẵn sàng. Mấy mẹ con kiểm tra lại ba lô, sách vở, giấy bút, giày dép, áo mưa …
Sách giáo khoa mua từ cuối năm học trước đã được bọc bìa dán nhãn. Vở cũng đầy đủ sẵn sàng.
Đặc biệt là vở nháp. Vở nháp đối với anh em Gấu là cực kỳ quan trọng. Gì thì gì, vở nháp thì không thể thiếu.
Luôn có ít nhất một quyển vở nháp to và dày, vở nháp mỏng thì không kể. Năm nào Gấu mẹ và các con cũng
đem những quyển vở cũ của năm trước, giữ lại vài quyển làm kỷ niệm, còn lại đem rọc lấy những tờ giấy
trắng đóng thành tập làm vở nháp. Nhà chẳng thiếu gì giấy nháp nhưng Gấu mẹ thích bày vẽ để tạo công ăn
việc làm, giúp con biết cách đóng vở và tiết kiệm.
Gấu mẹ cực kỳ bất bình với cái phong trào gì đấy mà ngày cuối cùng của năm học là nhà trường yêu cầu học
sinh nộp giấy vụn Kế hoạch nhỏ. Bao nhiêu sách vở giấy tờ của cả năm học bỗng nhiên biến thành giấy vụn.
Một cái gì rất chi bạc bẽo. Giống như qua sông đốt thuyền vậy.
Nhà Gấu luôn giữ gìn sách vở của các con cẩn thận ít nhất trong 3 năm. Nhiều lúc cần phải mở sách lớp dưới
ra xem lại chứ có phải học xong là xong đâu.
Cuối ngày, xong việc thì cả nhà thường đi hiệu sách. Phần thì nhân tiện đi chơi, mua thêm vài thứ, vài quyển
sách, quyển truyện coi như món quà đầu năm cho các con.
Nói chung, bố mẹ Gấu luôn có ý thức chuẩn bị để ngày khai giảng năm học mới như một nghi thức quan
trọng, một ngày đáng ghi nhớ. Những việc nho nhỏ như thế để gieo vào đầu các con ý nghĩa: Việc học là quan
trọng, việc đi học là bổn phận quan trọng của các con.
Khi Gấu anh vào lớp 1, mình xin cho con được vào học ở trường mẹ đang dạy. Lúc đó con rất gầy yếu và ăn
kém. Chỉ dám xin vào lớp cô giáo bạn của mẹ để cô quan tâm chăm sóc chuyện ăn ngủ của con một chút là
mừng rồi.
Hồi đó kinh tế khó khăn, hai mẹ con chở nhau đi trường bằng xe đạp. Nhiều hôm tắc đường ở nút chai Chùa
Bộc không về được nhà, bị đẩy sang đường Trường Chinh. Tắc ở cây xăng đường Trường Chinh gần 2 tiếng.
Kinh hồn.
Rồi mẹ nhận thêm việc thu tiền bán trú để thêm thu nhập. Hai mẹ con thường ở lại trường đến hơn 7 giờ tối
mới về nhà. Lo chuyện cơm nước tắm giặt nói chung đến khoảng 11 h đêm mới xong. Giờ nghĩ lại, không
hiểu sao mình vượt qua được.
Rút kinh nghiệm, khi Tôm vào lớp 1, mình cho con học ở trường KL gần nhà. Đỡ hơn nhiều.
Ở đây Tôm có vài kỷ niệm vui vui.
Một bữa tan trường, ba Dương đến đón. Hai cha con dắt tay nhau đi dạo một vòng. Hai cậu bạn thân của Tôm
nhìn thấy, tưởng Tôm bị bắt cóc liền nhanh chóng phác ra một kế hoạch hành động rất chi là hình sự. Một bạn
đi báo với bác bảo vệ, một bạn bám sau, theo dõi, nếu cần thì cản đường, tri hô…
Hóa ra, các bạn chưa nhìn thấy bố Tôm bao giờ (mọi ngày chỉ có mẹ đón Tôm), thêm nữa bố Tôm lại để ria
mép nên các bạn tưởng Tôm đi với quân Taliban!
Thấm thoắt đã 15-20 năm trôi qua. Hai anh em Tôm giờ đã lớn. Mỗi sự kiện đều nhắc mẹ nhớ hai con.
Này là hiệu sách cả nhà mình hay ghé. Này là hiệu bánh ngọt mẹ hay mua để thưởng cho Tôm …
Biết là thế giới phẳng, nhấc máy điện thoại là có thể nhìn thấy con bất cứ lúc nào.
Nhưng nhớ lắm, những ngày các con còn bé tí. Những ngày ấy thật nhiều khó khăn, thật vất vả. Nhưng thật
đáng nhớ.
Mà sao nhớ thế…
4/9/2022

DẠY CON KIẾN THỨC KINH DOANH


Nghỉ hè, Tôm sang Paris chơi với vợ chồng anh Gấu. Mẹ Lý gọi điện sang, thấy anh em đang ngồi trên ô tô.
- Các con đi đâu vậy?
- Dạ, con đến tiệm làm nail của anh chị, làm một số việc.
Vợ chồng anh Gấu cùng với một người bạn đầu tư một quán nail. Lương anh Gấu thuộc hàng thu nhập cao
nhưng bọn chúng không bỏ hết trứng vào một giỏ.
Chúng có những dự tính cho tương lai nên thấy có cơ hội là nhào zô.
Những ngày đầu mới mở, quán còn ít khách, chúng tự in tờ rơi rồi đi phát, mời người đến trải nghiệm.
Gấu hài hước kể: Người ta thấy ông Chủ tịch HĐQT và ông giám đốc bước ra từ ô tô Tesla, tay cầm một nắm
tờ rơi, đi tới các siêu thị, các TT thương mại để quảng cáo. Bọn con đi cả ngày, mỏi cả chân, khản cả cổ, mệt
đứ đừ. Sau nghĩ ra cách đứng đợi ở cửa Trung taam thương mại (gần nơi mở quán), thấy ai về thì đi theo, đến
nhà họ thì giới thiệu và nhét tờ rơi vào hộp thư của các nhà chung quanh … (ờ, dân IT nên cũng có sáng kiến)
- Sao lại có chủ tịch với giám đốc ở đây? Mẹ hỏi.
- Dạ, ở Pháp nếu làm thêm một công việc thứ hai thì phải có công ty. Nên bọn con thành lập công ty, bạn con
làm chủ tịch, con làm giám đốc.
Bạn con là một cặp vợ chồng người Việt sang học Tiến sĩ ở P nên sống cũng vất vả. Gọi là công ty nhưng chỉ
có 2 thành viên nên chia ra, một đứa làm chủ tịt, một đứa làm giám đốc.
Ra là dzậy.
Gấu là dân IT nhưng hồi mới ra trường hắn học thêm về tài chính nên chuyện tiền nong hắn cũng thạo lắm.
Chả bù cho ông bô bà bô của hắn.
Anh Gấu bố là Kiến trúc sư, giảng viên trường Kiến trúc. Dân kiến trúc vốn có tí máu nghệ sĩ nên làm ăn a ma
tơ lắm. Chăm chỉ, vất vả nhưng hiệu suất không cao. Mỗi lần “ky cóp cho cọp nó xơi“, Gấu bố lại tặc lưỡi: thì
nhà giáo đi làm tay ngang nó thế.
Gấu con nhận xét : Ba đúng chất Ông Đồ Nghệ.
Còn mẹ hắn, vốn là một cô giáo hiền lành quê lúa.
Ngày Tôm chuẩn bị sang Đức, hắn lo cho mẹ ở nhà thì buồn. Mẹ hắn cũng lo, lương hưu thì thấp, con đi học
thì chi phí tăng.
Gấu mẹ bàn với con trai: có một cô tên là ThủyTulip, cô ấy như thế như thế, mẹ định học một khóa học của cô
ấy, mẹ định như thế như thế…
Tôm ủng hộ nhiệt tình.
Mẹ Lý học khoá Tư duy đột phá, thỉnh thoảng có ý tưởng, lại đem ra bàn luận với Tôm.
Rồi mẹ quyết định mở lớp dạy lập trình online, Tôm nhiệt liệt ủng hộ. Con chuẩn bị máy móc, setup hệ thống
cho mẹ. Hắn truyền thụ kiến thức cho mẹ từ kinh nghiệm mấy năm học online của hắn.
Ngày mẹ dạy buổi đầu tiên, hắn nằm bên cạnh, nghe mẹ dạy và đề phòng sự cố. Hắn góp ý cho mẹ chỗ này
chỗ kia cứ như người dự giờ thực sự. Không thể không nói, thời gian đầu cái máy tính bảng hắn tặng cho mẹ
thực sự hữu ích. Máy tính bảng là phần thưởng khi hắn được giải nhì cuộc thi làm phim quốc tế.
Hôm đầu tiên nghe bài giảng của cô Thủy, Gấu mẹ bất giác mỉm cười.
Không biết mẹ học để dạy cho con kiến thức kinh doanh hay là con dạy mẹ đây.
Cuối cùng thì, ai dạy ai không quan trọng.
CỨ DẠY CON CHO TỐT, RỒI CÓ LÚC CON DẠY LẠI MÌNH.

THỦ KHOA VẪN TRƯỢT


Mấy nay báo chí đưa tin hà rầm chuyện hai cháu đỗ thủ khoa mà trượt BKHN.
Rồi lại thấy hàng loạt các bài báo lớn nhỏ thi nhau giật tít:
"Cậu bạn học giỏi nhất lớp làm giao hàng hay bi kịch của học sinh giỏi?" (VN Express)
"Một nữ sinh đang học ngành ngôn ngữ tại một trường có tiếng khác ở TPHCM cũng rơi vào khủng hoảng,
bế tắc. Ở phổ thông chưa năm nào em trượt học sinh giỏi nhưng giờ càng học càng không vào, em nợ rất
nhiều môn và thấy rõ bản thân không còn khả năng để theo học tiếp... " (Báo dân trí)
“11 000 thí sinh xét tuyển IELTS vào KTQD… (VnExpress)
Thấy xót xa ...
Tội nghiệp hai cháu nổi tiếng bất đắc dĩ. Mà chắc gì đã trượt. Có thể các cháu đã đỗ bằng điểm thi đánh giá
năng lực tư duy, còn điểm thi TNPT chỉ là theo cách suy đoán của ai đó.
Nhưng hậu quả là các phụ huynh nháo nhào: Trời ơi, 29,35 mà vẫn không đỗ BK thì con mình học kiểu gì?
Rồi là phải cố gắng, cố gắng, cố gắng…
Ai đó hỉ hả: đấy, giá mà có ai eo mấy chấm thì có phải đã đỗ rồi không?
Ai đó gật gù: Phải học Toán. Toán phải 10 mới đỗ.
Không sai. Nhưng mà cứ sao sao ấy.
Mấy ai được toán 10 nếu thi thật sự.
Nếu cứ 10 điểm mới đỗ thì chao ôi, nền giáo dục hoàn hảo tới mức con người không được phép sai. Phải 10
điểm, 10 điểm, 10 điểm. Chao ôi!
Thực ra, quy chế tuyển sinh của ĐH BK rất rõ ràng. Chỉ có bao nhiêu chỉ tiêu tuyển thẳng, bao nhiêu chỉ tiêu
lấy điểm thi TNPT, bao nhiêu chỉ tiêu lấy điểm Đánh giá năng lực tư duy …
Bạn nào có ý định thi vào BK đều phải nắm được điều này.
Nếu xét tuyển theo điểm thi TNPTTH thì không riêng gì ĐHBK, có năm phải hơn 30 điểm mới đỗ vào trường
CA đó thôi. Nếu cứ lấy điểm 10 Toán thi TNPT thì Hà Giang, Sơn La … như mấy năm trước có mà đầy rẫy.
Nên ĐHBK phải tự tổ chức kỳ thi đánh giá NLTD.
Phần xét tuyển theo điểm thi PTTH vẫn có nhưng rất ít. Vì thế điểm chuẩn đội lên cao chót vót.
Mà các bạn ấy điểm cao, chẳng đỗ trường nọ thì đỗ trường kia. Nhưng những con số dưới đây mới là điều
đáng nghĩ.
11 000 thí sinh xét tuyển IELTS vào KTQD. Sẽ thấy sức mạnh của ai eo. Nó mang đến sự bão hòa, bội
thực và lãng phí khi người ta thích thực dụng mà không thực chất. Điểm ai eo sẽ bao nhiêu thì vừa?
Dự là sắp tới, có khi điểm ai eo sẽ lên 10 chấm. Nước mình toàn siêu nhân, cái gì mà chẳng có.
Rồi bao nhiêu sinh viên ra trường không kiếm được việc làm phải gia nhập đội quân xe ôm? Bao nhiêu cử
nhân đang lấy nghề shiper làm nghề kiếm sống?
Lối tư duy thực dụng, khôn lỏi còn mang đến nhiều hệ lụy khó lường.
Bữa nọ mẹ Tôm đi họp PH, thấy một chị vanh vách về IELTS. Kế hoạch ra sao, thi lúc nào, chiến lược chiến
thuật làm sao … mục đích chỉ để đỡ phải học và để được tuyển thẳng.
Mình phục chị năng động và thực dụng.
Nhưng chính con chị, người đã từng đạt giải thành phố Olympic Toán lại trượt kỳ thi đánh giá năng lực tương
đương khi đăng ký du học Đức.
Các du sinh châu Âu không ít lần khẳng định: Khi sang châu Âu mọi danh hiệu Giỏi ở VN đều phải định
nghĩa lại.
Gần đây nhất, Tôm nói: Học ở Đức, nội dung chương trình, bài giảng rất thực tế và yêu cầu phải hiểu vấn đề.
Chỉ là hệ phương trình thôi, nhưng phải giải thích tại sao nó thế này mà không phải thế kia, bản chất của nó là
gì …
Ai quen với kiểu học thuộc, lắp công thức vô cảm như ở nhà thì rất mệt…
Học thật còn chả ăn ai, học theo điểm số vứt ngoài bờ tre.

AI-EO.
(Bài viết năm 2022)
Năm Tôm học cấp 2, hắn nghỉ học ở Trung tâm tiếng Anh, chuyển sang tự học ở nhà. Một bữa hắn bảo: có
một bạn nhờ hắn giúp để luyện thi Ai-eo gì đó. Mẹ hắn nhất trí..
Ít lâu sau hắn khoe bạn thi aieo được 8 chấm.
Mẹ bảo hắn sao con không thi? Hắn bảo aieo chỉ có giá trị trong thời gian giới hạn, hiện tại hắn chưa cần.
Ít lâu sau trung tâm mời hắn tới dự thi kiểm tra đánh giá. Hắn tăng mấy bậc, mặc dù nghỉ học gần cả năm. Các
thầy cô rất ngạc nhiên.
Hóa ra tự luyện cùng với một người bạn thì tốt hơn nhiều so với học thụ động.
Cuối cấp, nhà trường cử hắn đi thi hsg tiếng Anh. Hắn trượt thẳng cẳng.
Hắn không buồn. Vì hắn bận thi tiếng Đức, hắn không giành thời gian luyện thi hsg tiếng Anh. Với lại thứ
tiếng Anh hắn cần không phải là tiếng Anh để thi hsg.
Mẹ nhắc nhở, hắn bảo ngày nào hắn cũng luyện tiếng Anh bằng cách xem các cuộc thi đua xe công thức I trên
Youtube, nghe bình luận, học cách người ta nói trong thực tế.
Lớp 12, thấy các phụ huynh trong lớp, rồi bạn bè, rồi người quen xung quanh đổ xô đi luyện, đi thi aieo, mẹ
hắn sốt ruột lại giục hắn đi thi. Hắn bảo: mẹ không thấy là con đang sử dụng rất tốt tiếng Anh đây sao. Con
đang cần tập trung cho những cuộc thi khác quan trọng hơn.
Công nhận, hắn sử dụng rất tốt tiếng Anh trong thực tế và thứ ngoại ngữ hắn đang cần tập trung phải là tiếng
Đức.
Hắn nói có lý nên mẹ hắn chẳng thể nói gì hơn.
Rồi mẹ hắn đi họp phụ huynh, lại thấy các bố mẹ ráo riết tìm chỗ luyện thi, đăng ký thi ae. Mẹ hắn lại sốt ruột
giục con.
Hắn hờ hững: Chỉ là một cái chứng chỉ thôi mà mẹ. Mẹ muốn con học tiếng Anh để sử dụng trong cuộc sống
hay để đi thi?
- Nhưng lần này có chứng chỉ Aieo là được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, được xét tuyển thẳng vào một
số trường ĐH. Nếu được miễn thi tiếng Anh, con có thời gian để tập trung cho các môn khác.
Mẹ hắn nói vậy thôi, chứ trong lòng cũng thấy có gì đó không ổn. Được miễn thi, được tuyển thẳng thì đỡ tốn
công sức. Nhưng tranh thủ điều đó để bỏ qua các môn khoa học cơ bản thì rất không nên.
Tranh thủ, thực dụng, thực ra là tham bát bỏ mâm.
Tôm bảo: Mục tiêu của con là đi du học Đức. Phía Đức chỉ công nhận ĐIỂM thi Tốt nghiệp TNPTTH QG mà
không quan tâm tới điểm quy đổi hay chứng chỉ này nọ. Họ chỉ công nhận điểm thi quốc gia thôi.
Mẹ hắn á khẩu.
Công nhận, người Đức thực tế. Họ chỉ công nhận điểm thi quốc gia. Họ cũng không cần mấy cái chứng chỉ
hay chứng nhận hoạt động xã hội này nọ. Thành ra ngoài chuyện học tập rèn luyện, tham gia dự thi món con
thích, Tôm không phải bận tâm mấy hoạt động hình thức để lấy thành tích.
Hắn và các bạn tham gia một cuộc thi làm phim quốc tế do PASCH và ZfA tổ chức. Cả nhóm được giải nhì.
Phần thưởng cho mỗi đứa là một máy tính bảng và nhiều thứ linh tinh khác. Máy tính bảng thì hắn cho mẹ để
học ngoại ngữ với chơi game, những thứ khác thì làm kỷ niệm.
Vấn đề là cuộc thi công khai, minh bạch, bọn chúng thích thì làm và chỉ tập trung làm trong một tuần, làm
thực chứ không diễn, không luyện thi này nọ.
Trở lại chuyện Aieo.
Mấy hôm nay dân tình náo loạn về chuyện dừng thi Aieo.
Trước đó cả năm, thiên hạ cũng đã nháo nhào học và thi aieo. Nhà nhà học tiếng Anh, người người luyện aieo,
chỗ nào cũng thấy Inh-lic với ai-eo, mình đã nghĩ có gì đó không ổn.
Mình ủng hộ việc học tiếng Anh. Bản thân mình cũng đang học tiếng Anh. Nhưng chỉ nên xem tiếng Anh như
một phương tiện.
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ như hiện nay thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, các phần mềm
dịch thuật thông minh sẽ rút ngắn rất nhiều khoảng trống về ngôn ngữ.
Điều đó không có nghĩa là không cần học tiếng Anh. Nhưng những người sử dụng tiếng Anh cần vươn lên
mức độ cao hơn nhiều: tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn sâu, tiếng Anh cảm thụ, tiếng Anh trong lĩnh
vực văn hóa, văn học nghệ thuật … Khi người người biết nói tiếng Anh, nhà nhà nói tiếng Anh, tiếng Anh
không còn là ngoại ngữ nữa thì người ta sẽ nói nhiều đến trí tuệ.
Thực ra lúc nào cũng cần trí tuệ. Nhưng trí tuệ không sinh ra đã có, không một sớm một chiều đạt được. Trí
tuệ cũng cần học và rèn luyện tích cực, liên tục, lâu dài.
Và như trong hiện tại khi cơn sốt học tiếng Anh đang bừng bừng thì mọi người nên tỉnh táo.
Đừng vì mục tiêu trước mắt mà quên mất các giá trị nền tảng.
Học cách tư duy, học cách mở mang trí tuệ mới là nền tảng cốt lõi. Và tất nhiên, học tiếng Anh cũng là một
cách để mở mang trí tuệ, nhưng chỉ là một trong nhiều cách mà thôi.
Và sử dụng tiếng Anh như thế nào để phát triển trí tuệ cũng cần phải có tư duy đúng.
Chúc tuần mới vui vẻ, everyone!
P/s: Tôm hiện đang ở Đức và hắn rất thoải mái, không gặp khó khăn gì với tiếng Anh , tiếng Đức của mình.

DẮT ỐC SÊN ĐI DẠO (P1)


Ngày Gấu được nhận vào INSA (Viện Khoa học Công Nghệ Ứng dụng Quốc gia Pháp) không ít bạn bè đồng
nghiệp, đặc biệt là các cô giáo của con đều ngạc nhiên pha chút hoài nghi. Cô dạy tiếng Anh bảo: Hồi học tiểu
học em thấy Gấu rất bình thường, không hiểu sao lên cấp 2 cấp 3 con lại được như vậy.
Rồi cô tự giải thích: Nhiều đứa con trai hồi tiểu học rất bình thường nhưng lên cấp 2 cấp 3 nó tự nhiên giỏi
lên. Có lẽ do nó trưởng thành chậm, hồi bé mải chơi, lớn lên biết nghĩ nên biết tập trung, chăm học…
Sự thật không hẳn là như vậy.
Đúng là hồi học tiểu học Gấu rất bình thường. Con không có tên trong bất cứ đội tuyển nào, không theo lớp
luyện thi học sinh giỏi, không có giải nào đáng kể để mẹ tự hào ngoài vài giải thưởng do thành tích … lắp
Lego.
Gấu học trường mẹ dạy.
Con mắc lao sơ nhiễm nên sức khỏe yếu, người gầy nhẳng, xanh xao. Gấu mẹ thương con, gửi con cho bạn
đồng nghiệp, chỉ mong muốn con được chăm sóc ăn ngủ tốt, không bắt học hành gì nhiều.
Lớp 1. Bài đầu tiên hắn được 4 điểm vì chưa biết viết.
Lên lớp 2, cô chủ nhiệm bảo: Sao hè chị không cho con đi học thêm? Phải cho nó đi học thêm chứ?
Cuối kỳ I, cô bảo “kỳ này em để con chị đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, để sang kỳ II con cố gắng hơn. Ở lớp
mình con chỉ đạt học sinh tiên tiến, nhưng ở lớp khác con có thể đạt học sinh giỏi đấy.”...
Gấu mẹ OK, không ý kiến gì.
Lớp 3, Gấu học làng nhàng. Gấu mẹ cũng nghe bạn bè, mở một lớp học thêm nho nhỏ, mời cô giáo dạy. Dạy
được vài tháng thì nghỉ vì cô không ham mà trò cũng chẳng thích. Thế nên sau đó, mẹ lại chở con đến nhà cô
để học thêm.
Lớp 4. Gấu mẹ sinh em Tôm nên chuyện học hành để Gấu bố lo. Hôm qua đọc lại sổ liên lạc của con thấy cô
giáo ghi: ... ẩu... chậm chạp... cần ý thức hơn ...
Lớp 5. Cô chủ nhiệm bảo “Em thấy chị hình như không ép con học. Không ép nó học nâng cao?” …
Gấu mẹ hồn nhiên: Ừ, chị có ép nó học bao giờ đâu. (Hồi đó Gấu mẹ ngô nghê lắm).
Nói vậy, nhưng cuối lớp 5 Gấu mẹ về đè cổ thằng con ra bắt giải một bài toán nâng cao. Trời ạ, nó giương
mắt nhìn như thể từ trên trời rơi xuống. Nó ngồi ì ra, thái độ dửng dưng. Mẹ hằm hè bắt nó làm thì nó tỏ thái
độ bất hợp tác thấy rõ.
Gấu mẹ giật mình và tỉnh ngộ.
Thôi rồi, mình đã sai rồi. Mình đâu có dạy nó học toán nâng cao, sao mình đòi nó phải làm được. Cái gì cũng
phải học chứ. Mình đã mặc nhiên áp đặt con mình, cho rằng nó phải “tự nhiên” giỏi mà không cần dạy, không
cần nỗ lực.
Vậy là cuối năm đó, Gấu mẹ xin nghỉ không lương 1 tháng, ở nhà kèm con học, để thi vào lớp 6. (Gấu mẹ dạy
hợp đồng nên nghỉ không lương cũng dễ).
Gấu vào lớp 6, mẹ vừa bận nuôi em Tôm mới 2 tuổi, vừa đi làm vừa học thêm văn bằng 2 nên việc học hành
của con vẫn phó mặc cho Gấu bố.
Gấu bố bận tối ngày, nhiều hôm quên cả đón con nên quyết định thuê gia sư.
Gia sư đầu tiên của Gấu là một chị sinh viên KTQD. Chị làm rất tốt, nhưng khổ cái chị hơi bị xinh. Sau một
thời gian ngắn, anh hàng xóm thì được vợ còn Gấu thì mất chị gia sư.
Tìm được gia sư thứ hai, là một sinh viên trường Ngoại thương. Sau 1 tuần, thuốc được Gấu mẹ mua lại bộ
sách cũ của anh thì anh chuồn lẹ. Gấu mẹ từ đấy rất ngại sinh viên NT.
Gia sư thứ ba là một sinh viên BKHN. Cháu rất giỏi, ngoan và nhiệt tình. Khốn nỗi, cháu chỉ giỏi mỗi môn Lý
vì cháu là học sinh chuyên Lý. Và cũng chẳng bao lâu, hết năm nhất, cháu bắt đầu có người yêu, bắt đầu hẹn
hò. Cuối cùng vào năm 2 cháu xin được học bổng đi du học. Gấu lại mất gia sư.
Lại nói. Trước đó, trong quan niệm của mẹ Gấu, trong nhà, ai có “trình” cao hơn, học giỏi hơn sẽ là người
kèm con học. Gấu bố giỏi hơn, trình cao hơn nên mặc định sẽ là người dạy con học.
Vậy nên về cơ bản, đến năm học lớp 6, Gấu mẹ vẫn ỷ lại, vẫn giao phó việc dạy con cho Gấu bố.
Mà hồi đó thì Gấu bố vẫn rất vô tư.
Đỉnh điểm là học kỳ I năm lớp 6.
Gấu xếp loại học sinh tiên tiến vì thiếu điểm. Con trốn học đi chơi điện tử, bật lại thầy cô, bị ghi sổ đầu bài, bị
làm bản kiểm điểm … Nói chung là cũng vô số tội.
Gấu mẹ đi họp phụ huynh về, kể cho Gấu bố nghe, ngầm ý trách: Anh dạy con học thế nào mà để con như
vậy…
Chẳng ngờ Gấu bố nổi giận lôi đình, đem con ra oánh, vừa oánh vừa gầm gừ: Nhà này không có thằng học dốt
… Học dốt thì biến khỏi nhà này. Nghe chưa!
Quái lạ. Nhà này không có thằng học dốt thì nhà nào có thằng học dốt?
Tội nghiệp thằng con đang ngồi chơi Lego thì bị ông bô xách cổ ra oánh. Hắn gầy như que củi, bị ba đánh rất
đau nhưng tuyệt nhiên không khóc. Nước mắt vòng quanh, hắn chỉ giương mắt nhìn.
Ánh mắt ấm ức, như thất vọng, như bất phục …
Gấu mẹ bị ám ảnh bởi ánh mắt của con, nhiều năm sau vẫn không quên được.
Thương con, không chịu nổi, Gấu mẹ nhảy ra chặn lại, quyết liệt không cho Gấu bố đánh con nữa.
Đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất Gấu bố đánh con.
Và ngay lập tức, Gấu mẹ quyết định: Con mình đẻ ra, mình phải dạy, mình phải chịu trách nhiệm, không được
trông chờ vào ai, kể cả đó là ông bô của nó.
Mình sẽ là người dạy con, không để Gấu bố nhúng tay vào việc học của con nữa.
Hôm sau, Gấu mẹ nói với con trai: Từ nay mẹ sẽ đồng hành cùng con. Mẹ sẽ giúp con học.
Ba rất yêu thương con nhưng ba chưa được chuẩn bị cho những tình huống như thế này. Ba chưa được chuẩn
bị để nghe rằng con học kém, con mải chơi … Từ nay, ba sẽ không được nghe những lời phàn nàn rằng con
học chưa tốt. Chúng mình sẽ cố gắng để ba không phải nghe điều đó.
Chúng mình sẽ cố gắng để có thể nói với ba những điều tốt đẹp về con.
...
Chúc cả nhà ngày cuối tuần vui vẻ nhiều năng lượng.

DẮT ỐC SÊN ĐI DẠO (P2)


Việc đầu tiên khi nhận lãnh trách nhiệm quan trọng là phải “xốc lại” tinh thần cho con trai.
Gấu mẹ đăng ký cho con tham gia một khóa học của diễn giả TĐK. Hồi đó TĐK mới đưa TGM về VN, học
phí khét lẹt. (Mình không quảng cáo cho TĐK nhé. Bây giờ bạn ấy cũng không mở các lớp KNS như thế nữa,
bạn ấy chuyển sang đào tạo người lớn rồi).
Mình đọc sách của Adam Khoo, dự hội thảo nghe TĐK diễn thuyết, tìm hiểu rất kỹ rồi quyết định nghiến
răng.
Thời điểm này, có nhiều bạn của Gấu mẹ là đồng nghiệp cũng từng cho con đi học và họ nói rằng học không
hiệu quả.
Không sai! Hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn là ai, con bạn là ai, bạn và con bạn quan
niệm như thế nào về việc đó.
Mình đã nghiên cứu kỹ. Mình hiểu mình và hiểu con mình nên vẫn quyết định xuống tay.
Mình không kỳ vọng một sự thay đổi thần kỳ. Mình xác định, lớp học chỉ phác ra những đường nét đầu tiên.
Việc thực hành rèn luyện hàng ngày bền bỉ của cả hai mẹ con mới là điều quyết định để tạo ra bức tranh cho
tương lai.
Mình không nói với con rằng con cần đi học kỹ năng sống. Mình tránh, không để con nghĩ rằng vì con thiếu
KNS nên mới phải đi học.
Mình nói: Mẹ thấy con đã cố gắng nhưng kết quả học tập chưa cao. Có một nơi người ta dạy cách học. Con
thử tới đó xem sao nhé.
Gấu con đồng ý.
Hôm kết thúc lớp học, Gấu mẹ cũng đến dự.
Không khí trong hội trường được thiết kế để đẩy cao cảm xúc. Phần lớn các phụ huynh và các con ôm nhau
khóc và bật lên những lời có cánh. … Gấu con không khóc, không phát biểu những lời có cánh nhưng con đến
bên mẹ, cầm tay mẹ.
Gấu mẹ hiểu con.
Những ngày sau, Gấu mẹ tuyệt đối tránh, không hỏi: Con thấy lớp học có hay không, con thấy có tốt không,
con học được gì…
Gấu mẹ tự quan sát. Gấu mẹ tự biết.
Gấu mẹ thấy con bắt đầu thay đổi. Tự tin hơn, có ý thức, có kế hoạch hơn.
Tuy nhiên, chỉnh bản thân Gấu mẹ, vẫn chưa thoát khỏi ý thức trông đợi vào thầy cô, trường lớp. Trong cơn
nỗ lực cải thiện chuyện học của con, Gấu mẹ ra sức tìm thầy cô dạy giỏi. Gấu mẹ đi hỏi nhiều người, tìm tới
các trung tâm, đăng ký lớp học thêm.
Gấu mẹ gửi con cho một cô giáo dạy Văn nổi tiếng trong quận. Cô thường được các trường mời về dạy. Cô
cũng dạy các đội tuyển ở trường mình. Cô là người quen.
Rồi theo chỉ dẫn của người anh họ có cô con gái học rất giỏi vừa thi đỗ vào lớp CLC của ĐHBK, Gấu mẹ đến
xin cho con học cô T. Cô là một giáo viên rất nổi tiếng. Muốn học, phải cho con học thử, nếu đạt cô mới nhận.
Ròng rã một tháng, Gấu mẹ chở con đến lớp học của cô và cuối cùng bị cô từ chối vì không đạt!
Một tối đi đón con ở lớp học Văn. Hỏi thăm cô dạy Văn xem tình hình thằng con ra sao. Cô vui vẻ bảo: Con
nhà mày nếu thi (lên lớp 10) thì được khoảng 5.5 đến 6.5 điểm. Cố gắng thì lên được 7 điểm!
Gấu mẹ choáng!
Gấu mẹ bực mình! Giọt nước tràn ly.
Không cho con học thêm thì bảo không học thêm. Đi học thêm rồi cũng không khá lên được bao nhiêu.
Thôi.
Cô không dạy con mình thì mình dạy con mình vậy!
Từ hôm đó Gấu mẹ mới chính thức bước vào hành trình đồng hành cùng con trai trong sự học.
Chúc ngày mới tốt lành, everyone.

DU HỌC VÀ KINH PHÍ DU HỌC


Nhân đọc bài báo của nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu (NTBH), mình rất ấn tượng về con số mà PH phải chi ra
mỗi năm để cho con du học Mỹ và một vài nước khác.
PHVN quả thật là rất giàu và rất chịu chơi.
Mình vốn không quan tâm du học Mỹ vì mình biết nó đắt đỏ. Giáo dục Mỹ tiền nào của nấy. Có những trường
cực kỳ đỉnh cao nhưng cũng có những trường cực kỳ bèo bọt.
Phụ huynh thiếu thông tin thì lãnh đủ.
Chỉ xin chia sẻ một góc nhìn cá nhân từ thực tế gia đình mình.
Hình chụp bên dưới là thông báo nhập học Dự bị ĐH của Tôm. Học phí cho một học kỳ là 274 ơ. Tài khoản
phong tỏa 11 000 ơ/năm, mỗi tháng con chỉ được phép rút ra 950 ơ để chi tiêu (đã bao gồm các khoản bảo
hiểm, sinh hoạt phí, internet, nhà ở ...). Nghĩa là tổng chi phí khoảng 12k ơ, thấp hơn rất nhiều con số 60-80k
ơ của học sinh du học có học bổng ở Mỹ. (Xin lỗi mình phải dùng ký hiệu Tây bồi vì có một số trình kiểm
duyệt nó nhạy với cái chữ và số này lắm. Có lần mình viết nhiều con số là nó không cho đăng)
“Ngay cả khi có giải thưởng thì cũng không phải là tuyệt hảo. Dù có huy chương vàng đi chăng nữa mà các
cháu là du sinh nhận học bổng 20 ngàn usd này, thì theo tiền bạc cần nộp để tham dự học nổi tại Viện CN
Rochester cũng cần bèo bèo thêm khoảng 60 ngàn usd năm nữa. Là vì chi phí học hành ăn ở đi lại bảo hiểm
chi tiêu ở trường này rất cao”. (Trích bài viết của nhà báo NTBH)
Nói như ông thông gia nhà mình: “Các con đi du học (Pháp, Đức…), dù là tự túc và không có học bổng nhưng
việc học xong và ra trường có việc làm ngay đã tiết kiệm cho bố mẹ nhiều tỉ đồng” là có thực.
Mình còn thấy vấn đề ở chỗ: Du học Mỹ và một vài nước khác rất chuộng các chứng chỉ, thành tích và hoạt
động xã hội. Mặt tốt là nó kích thích các con tích cực phát triển bản thân nhưng mặt trái của nó là tạo điều
kiện cho những suy tính gian manh giả dối, ảo tưởng và ngộ nhận.
Trong một bài viết của Thầy giáo, Luật sư Giang Nguyễn có nói đại ý: học sinh sau khi thi đỗ các trường
chuyên khi vào học thì tập trung chủ yếu cho các hoạt động xã hội, phong trào v.v… để kiếm suất học bổng
du học. Điểm học tập thì không cần lo vì nó sẽ tự auto đẹp.
Học ở đâu thì cũng là học.
Không có chuyện học ít chơi nhiều mà vẫn thành công.
Châu Âu khác. Người Đức không quan tâm tới các chứng chỉ, thành tích phong trào nọ kia. Họ chỉ quan tâm
tới điểm số. Điểm số là duy nhất. Mà chỉ là điểm thi PTTH quốc gia và các kết quả do chính tay họ tổ chức,
kiểm tra.
Các chứng chỉ, chứng nhận, giải thưởng làm đẹp hồ sơ khác, kkhông có giá trị.
Chính vì thế nên kiểm tra Test As và khóa học Dự bị ĐH … là bắt buộc với tất cả du sinh.
Lại nói về Test As, đã có lần mình nhắc đến nó nhưng chưa nói hết. Nó kiểm tra và đánh giá xem học sinh có
đủ khả năng nhận thức và tư duy để du học không. Vì dụ khi thi Test As, họ không cho dùng máy tính là để
đánh giá kỹ năng tính toán và tư duy. Bạn nào quen lệ thuộc vào máy móc, ít trau dồi năng lực tự thân là gặp
khó.
Đó là lý do bạn cùng lớp CNN của Tôm, người đã từng đạt giải Violympic Toán quốc gia đã trượt trong kỳ thi
Test As do phía Đức tổ chức. Con bị chậm lại, 6 tháng sau mới lại có thể apply hồ sơ du học Đức.
Vậy thì tại sao có nhiều người hăng hái lao vào du học Mỹ như thế. Tại sao số công ty tư vấn du học Mỹ
nhiều như thế?
Các trường công ở Châu Âu không có nhiều học bổng cho hệ Đại học. Nhưng sinh viên được rất nhiều ưu đãi
và học phí thì rất ít. Bù lại họ yêu cầu khắt khe về học lực, yêu cầu học thật và giỏi thật.
Các trường ĐH ở châu Âu đều có chuẩn chất lượng, nghĩa là chất lượng đào tạo gần như tương đương nhau.
Rõ ràng, minh bạch.
Rõ ràng, minh bạch thì không có nhiều chỗ cho các tvv. Chất lượng chuẩn nên không có chuyện tiền nào cũng
được, cứ có tiền là du học.

ĐỂ CON TỰ LẬP
Vừa đọc startus của bác Hoa Bếu mình chợt nhớ và xin chia sẻ vài chuyện có thật.
Chuyện 1. Một bữa, mình vừa liu diu ngủ thì thấy lao xao ngoài sân. Quái lạ, khu này vốn yên tĩnh vào buổi
trưa, giờ sao ồn ào vậy? Mở cửa thò đầu ra thì thấy mấy phụ nữ trung niên đang xúm quanh một cậu trai to
lớn. Hóa ra chị mẹ cùng với người nhà, cô dì chú bác đang tập cho cháu … dắt xe máy. Cậu vừa du học ở Mỹ
về. Vốn là cựu sinh viên trường Ams, đã từng có giải quốc gia và du học ngành CNTT ở Mỹ. Cháu tốt nghiệp
đúng vào thời điểm Covid, không xin được việc làm nên cháu về nước. Suốt những năm học ở Ams rồi sang
Mỹ, cháu không biết đi xe đạp, không biết đi xe máy, không biết nấu cơm, giặt quần áo, không biết làm nhiều
thứ …
Bố mẹ cháu làm Ngân hàng, cũng khá giả nhưng không phải đại gia gì.
Về VN, cháu cũng xin vào làm được ở Ngân hàng, lương khá, nhưng hàng ngày mẹ phải chở ra bến xe bus
hoặc taxi. Một thời gian, cháu bỏ việc ngân hàng, tìm được việc làm online tại nhà thu nhập cũng khá nhưng
cả tháng không ra khỏi nhà, không có nhu cầu giao thiệp với ai. Mẹ cháu là người duy nhất cháu tiếp xúc, làm
mọi việc nấu cơm, giặt quần áo … (Bố cháu đã mất vài năm trước)
Giáo sư Lê Hải Châu, người dẫn đoàn học sinh VN đi thi Quốc tế. Ông kể, rất nhiều lần ông được các mẹ nhờ
chăm sóc con, nhờ làm hộ những việc rất buồn cười. Có lần một bà mẹ khẩn khoản nhờ ông giúp con rửa mặt
hàng ngày. Cháu không biết tự rửa mặt, rửa chân vì việc này là của mẹ cháu.
Chuyện thứ 2. Có lần mình đã kể, chuyện một bạn của Tôm. Hồi cấp 2 con từng đạt giải Thành phố
Violympic Toán. Lên lớp 10, tự dưng con bỏ bê chuyện học hành, chúi mũi vào chơi Game. Bạn bè tìm hiểu
thì thấy nói cháu bất mãn vì bố mẹ kiểm soát chặt chẽ quá, áp đặt quá. Cái gì bố mẹ cũng tự quyết định thay
con.
Tôm nói rằng các con được giao làm bài tập nhóm với bạn thì rất khổ. Vì cả nhóm phải hẹn giờ, đúng giờ đó
bạn phải đi ra quán net để nộp bài. Bạn không được dùng điện thoại thông minh hay internet. Bạn chỉ có một
chiếc điện thoại cục gạch, chỉ có chức năng nghe và gọi.
Và bố mẹ cháu gần như không thể kết nối với con. Cháu làm ngược lại tất cả những yêu cầu của bố mẹ.
Lớp 11 cháu càng bê trễ. Mặc dù mẹ cháu thuê thầy đến tận nhà để dạy. Lớp 12 tình hình có khá hơn vì cuối
11, đầu 12 đa phần các con học online nên gia đình buộc phải lắp mạng.
Kết quả, cuối năm lớp 12 cháu vẫn không định hình được mình muốn gì và thi vào trường nào, học ở đâu.
Cháu thi trượt dự bị ĐH đợt 1, vì chính môn Toán và tổ hợp KHTN.
Nghe đâu, sau rất nhiều nỗ lực từ phía gia đình, cháu vừa được cấp visa đi du học Đức, chậm lại 1 năm so với
các bạn.
Chuyện thứ 3: Học kỳ quân sự.
Trường CNN cũng như các trường khác, thường có “Tuần quân sự”. Nhà trường có khu GD Quốc phòng ở
Hòa Lạc, gọi là Hola. Hàng năm các con tập trung về Hola 1 tuần để trải nghiệm cuộc sống trong quân ngũ.
Ngày Tôm “nhập ngũ”, con tự sắp xếp tư trang, chuẩn bị lên đường. Mẹ Lý chỉ nhắc con kiểm tra danh sách
các đồ dùng mang đi, cái gì cần, cái gì không. Theo kế hoạch, các con sẽ đi 1 tuần, thực ra chỉ đi 6 ngày, một
ngày dành cho đi và về, liên hoan văn nghệ …
Nghe các phụ huynh lên kế hoạch, mẹ Lý hỏi Tôm: Mẹ thấy các bố mẹ chuẩn bị lên thăm, tiếp tế đồ ăn Con
có muốn giữa tuần mẹ lên thăm không?
Tôm cười khùng khục: Bọn con đi có 1 tuần, mà là để tập làm quen với cuộc sống xa gia đình, xa bố mẹ. Ba
mẹ lên thì còn nói gì nữa. Giả sử có đói khát, thiếu thốn một tuần cũng là để thử thách rèn luyện, có chết được
đâu mà mẹ lo …
- Bố mẹ các bạn lên thăm mà mẹ không lên con có buồn không?
- Thực ra các bạn cũng không muốn bố mẹ lên đâu ạ. Chúng con muốn có một tuần thoát ly gia đình trọn vẹn.
Mẹ Lý hiểu con. Một tuần xa gia đình, sống giữa bạn bè, chưa đủ để con nhớ nhà. Thậm chí con còn thích thú
tận hưởng quãng thời gian được tự do cùng bạn bè. Thế nên mẹ Lý không đi thăm con, không tham gia Gala
Hola.
Trước khi kết thúc tuần quân sự, chiều thứ Sáu, nhà trường tổ chức Gala vào buổi tối. Nghe Tôm kể, các bố
mẹ lên từ chiều, mang rất nhiều đồ ăn thức uống. Cứ như là các con sắp chết đói đến nơi.
Khi các “chiến sỹ” đang xếp hàng, đội ngũ chỉnh tề thì các mẹ tràn vào. Thôi thì bất kể nghiêm nghỉ, các mẹ
xông vào, ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, có mẹ khóc hu hu … làm hàng ngũ của các “chiến sĩ” tự nhiên rối
loạn. Các “sĩ quan” cũng như “binh nhất” nháo nhào.
Tôm cười khúc khích: Ôi mẹ ơi, mẹ không thể tưởng tượng nó rối loạn đến mức thế nào đâu. Có mẹ không
biết bằng cách nào đã lên từ buổi trưa, lẻn vào phòng để “tranh thủ” ngủ với con, tâm sự cho đỡ nhớ. Sự vụ
chỉ được phát giác, khi mà mẹ lấy nhầm va li của bạn khác mang về nhà, làm cả khối náo loạn cả lên!
Rồi mới lên được 3 ngày, các bố mẹ đã lên thăm. Không biết bằng cách nào, các bố mẹ đã tuồn vào “doanh
trại” nào là nồi lẩu, mì gói, nồi cơm điện, thậm chí cả một cái tủ lạnh mini! Chuyện này là do chính cô chủ
nhiệm kể trong buổi họp phụ huynh. Còn nhiều chuyện khôi hài nữa. Cười đau cả bụng.
Bố mẹ Gấu thì luôn nghĩ rằng: Quan tâm không nhất thiết phải chằm bặp. Cần phải cho con một khoảng trời
riêng tư nhất định. Với vợ/ chồng cũng vậy. Nên có những khoảng riêng tư và cần tôn trọng khoảng riêng tư
của nhau.
Thế mới bền lâu.

HỌC HÀNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC


Ba Gấu thường kể rằng hồi ông nội Gấu còn sống, Ông hay nói với các con: Thực ra các con chỉ học tốt chứ
không giỏi. Các con may mắn sinh ra trong một gia đình nhà giáo nên được định hướng tốt.
Trong đời đi dạy học, ba gặp nhiều học sinh rất giỏi nhưng do không được định hướng giáo dục tốt nên bị thui
chột đi. Giống như những hạt giống tốt nhưng gieo trên đá, không được tưới nước, nó trở nên cằn cỗi.
50 năm sau, bố mẹ Gấu cũng nói với các con như thế.
Nó chứng tỏ một điều: Định hướng cho các con là một điều cực kỳ quan trọng.
Xin chia sẻ một chuyện không phải của gia đình nhà Gấu.
Bạn thân của Gấu trong những năm học cấp 3 là một học sinh giỏi. Cháu là lớp trưởng của lớp bên cạnh, học
trò của thầy giáo nổi tiếng mà Gấu anh rất ngưỡng mộ (mình đã từng viết trong bài Có những người thầy như
thế).
Cháu rất tốt bụng, nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình … nói chung có rất nhiều đức tính tốt.
Hai đứa chơi thân với nhau trong một nhóm 6 đứa từ hồi học cấp 2. Lên cấp 3 mỗi đứa một trường, Gấu và T
học cùng trường và rất thân nhau.
Hai vợ chồng mình rất quý T, dự đoán với tính cách tốt đẹp đó cháu rất dễ thể thành công.
Nhưng lên cấp 3 và sau đó, hai vợ chồng mình cùng có nhận xét: T cứ “sao sao ấy”.
Lớp 10 con có ý định thi khối B (các môn Toán, Hóa, Sinh) vào trường Y.
Lớp 11, lớp con có ông thầy dạy Vật lý (như đã nói) nên con chuyển hướng sang khối A (Toán, Lý, Hóa).
Lớp 12, dưới sức ép của gia đình, con lại chuyển sang thi khối B và đỗ vào trường ĐH Y HN.
Vì trường Y gần nhà mình và con rất thích cách sống của gia đình mình (theo như con nói) nên khi Gấu đi du
học, con thường hay qua lại nhà mình.
Học ĐH Y con cũng là lớp trưởng, làm trưởng một nhóm nghiên cứu. Những năm học ĐH và năm đầu sau khi
ra trường, trừ lúc bị người yêu đá thì con luôn vui vẻ, hồ hởi, nhiệt huyết, đầy năng lượng.
Rồi con nhận được học bổng toàn phần du học Nhật bản, trong một chương trình nghiên cứu Y học.
Ba tháng vội vã học tiếng Nhật rồi lên đường. Cháu sang Nhật được thời gian ngắn thì xảy ra đại dịch Covid.
Mình quý cháu và hay lo cho cháu nên thường hỏi thăm. Lúc thì trực tiếp, lúc thì qua Gấu.
Mình nói chuyện với cháu và rất thương cháu.
Cháu nói rằng chính mô hình nhà mình làm cháu khát khao đi du học. Bố mẹ cháu chuẩn bị sẵn cho 2 anh em
2 ngôi nhà nhưng lại không chịu bán bớt đi để đầu tư cho con du học. Bố mẹ ép con học trường Y gần nhà …
Khi cháu tốt nghiệp ĐH, không bị chi phối bởi gia đình nữa, với khát khao du học, cháu dễ dàng bập vào một
suất học bổng du học một đề tài nghiên cứu vô thưởng vô phạt, miễn là có giáo sư nhận hướng dẫn và để được
giải ngân. (Đề tài học bổng sau ĐH cũng nhiều vấn đề lắm.)
Nhận được học bổng du học Nhật Bản là may mắn lắm rồi, sung sướng lắm rồi nên vội vàng chấp nhận.
Sự vội vàng thiếu suy tính kỹ đã phải trả giá.
Những ngày đầu sang Nhật là một thử thách khủng khiếp. Ba tháng học tiếng Nhật chỉ đủ xóa mù. Cháu hoàn
toàn chưa được chuẩn bị tinh thần đi du học Nhật Bản. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và quá bất ngờ. … Khó
khăn chất chồng.
Nhưng đáng ngại nhất là dự án nghiên cứu của cháu đang không có lối ra. Các sinh viên theo con đường
nghiên cứu thường phải chấp nhận rất khó xin việc, tiền không nhiều, lương không cao. Nếu dự án đi vào ngõ
cụt thì càng nản, dự án bánh vẽ lại càng khốn khổ hơn …
Hiện cháu đang mắc kẹt ở Nhật.
Cháu đã tính tới con đường về VN làm môi giới BĐS, học lại nghề lập trình, xin một công việc trái nghề ở
đâu đó… (Ngành cháu học ở trường Y cũng rất khó xin việc ở VN) …
Mình thường động viên cháu, Gấu cũng rủ bạn sang Pháp nhưng khổ nỗi cháu không biết tiếng Pháp, tiếng
Anh cũng không giỏi … Cháu không học được cách quyết liệt, tìm ra, ưu tiên và tập trung cao độ cho một
mục tiêu nào đó.
Vậy là cháu cứ loay hoay đi cũng dở, ở không xong. Mà thời gian thì cứ dần trôi, khó khăn tăng dần, cơ hội
giảm dần.
Hai vợ chồng mình thỉnh thoảng nói chuyện với nhau, tiếc cho cháu.
Bọn mình giải mã cái “sao sao ấy” chính là sự thiếu văn hóa nền tảng, thiếu tư duy và thiếu định hướng đúng.
Bọn mình vẫn luôn tin rằng con người cháu và năng lực của cháu, chắc chắn cháu sẽ được đền bù, sẽ có cuộc
sống tốt đẹp.
Có điều mọi thứ phải trả khá đắt.
Cháu đã lãng phí nhiều năm tuổi trẻ và nhiệt huyết.
Cầu chúc cho cháu thành công.

HỌC HÀNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIÁO DỤC


Ba Gấu thường kể rằng hồi ông nội Gấu còn sống, Ông hay nói với các con: Thực ra các con chỉ học tốt chứ
không giỏi. Các con may mắn sinh ra trong một gia đình nhà giáo nên được định hướng tốt.
Trong đời đi dạy học, ba gặp nhiều học sinh rất giỏi nhưng do không được định hướng giáo dục tốt nên bị thui
chột đi. Giống như những hạt giống tốt nhưng gieo trên đá, không được tưới nước, nó trở nên cằn cỗi.
50 năm sau, bố mẹ Gấu cũng nói với các con như thế.
Nó chứng tỏ một điều: Định hướng cho các con là một điều cực kỳ quan trọng.
Xin chia sẻ một chuyện không phải của gia đình nhà Gấu.
Bạn thân của Gấu trong những năm học cấp 3 là một học sinh giỏi. Cháu là lớp trưởng của lớp bên cạnh, học
trò của thầy giáo nổi tiếng mà Gấu anh rất ngưỡng mộ (mình đã từng viết trong bài Có những người thầy như
thế).
Cháu rất tốt bụng, nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình … nói chung có rất nhiều đức tính tốt.
Hai đứa chơi thân với nhau trong một nhóm 6 đứa từ hồi học cấp 2. Lên cấp 3 mỗi đứa một trường, Gấu và T
học cùng trường và rất thân nhau.
Hai vợ chồng mình rất quý T, dự đoán với tính cách tốt đẹp đó cháu rất dễ thể thành công.
Nhưng lên cấp 3 và sau đó, hai vợ chồng mình cùng có nhận xét: T cứ “sao sao ấy”.
Lớp 10 con có ý định thi khối B (các môn Toán, Hóa, Sinh) vào trường Y.
Lớp 11, lớp con có ông thầy dạy Vật lý (như đã nói) nên con chuyển hướng sang khối A (Toán, Lý, Hóa).
Lớp 12, dưới sức ép của gia đình, con lại chuyển sang thi khối B và đỗ vào trường ĐH Y HN.
Vì trường Y gần nhà mình và con rất thích cách sống của gia đình mình (theo như con nói) nên khi Gấu đi du
học, con thường hay qua lại nhà mình.
Học ĐH Y con cũng là lớp trưởng, làm trưởng một nhóm nghiên cứu. Những năm học ĐH và năm đầu sau khi
ra trường, trừ lúc bị người yêu đá thì con luôn vui vẻ, hồ hởi, nhiệt huyết, đầy năng lượng.
Rồi con nhận được học bổng toàn phần du học Nhật bản, trong một chương trình nghiên cứu Y học.
Ba tháng vội vã học tiếng Nhật rồi lên đường. Cháu sang Nhật được thời gian ngắn thì xảy ra đại dịch Covid.
Mình quý cháu và hay lo cho cháu nên thường hỏi thăm. Lúc thì trực tiếp, lúc thì qua Gấu.
Mình nói chuyện với cháu và rất thương cháu.
Cháu nói rằng chính mô hình nhà mình làm cháu khát khao đi du học. Bố mẹ cháu chuẩn bị sẵn cho 2 anh em
2 ngôi nhà nhưng lại không chịu bán bớt đi để đầu tư cho con du học. Bố mẹ ép con học trường Y gần nhà …
Khi cháu tốt nghiệp ĐH, không bị chi phối bởi gia đình nữa, với khát khao du học, cháu dễ dàng bập vào một
suất học bổng du học một đề tài nghiên cứu vô thưởng vô phạt, miễn là có giáo sư nhận hướng dẫn và để được
giải ngân. (Đề tài học bổng sau ĐH cũng nhiều vấn đề lắm.)
Nhận được học bổng du học Nhật Bản là may mắn lắm rồi, sung sướng lắm rồi nên vội vàng chấp nhận.
Sự vội vàng thiếu suy tính kỹ đã phải trả giá.
Những ngày đầu sang Nhật là một thử thách khủng khiếp. Ba tháng học tiếng Nhật chỉ đủ xóa mù. Cháu hoàn
toàn chưa được chuẩn bị tinh thần đi du học Nhật Bản. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và quá bất ngờ. … Khó
khăn chất chồng.
Nhưng đáng ngại nhất là dự án nghiên cứu của cháu đang không có lối ra. Các sinh viên theo con đường
nghiên cứu thường phải chấp nhận rất khó xin việc, tiền không nhiều, lương không cao. Nếu dự án đi vào ngõ
cụt thì càng nản, dự án bánh vẽ lại càng khốn khổ hơn …
Hiện cháu đang mắc kẹt ở Nhật.
Cháu đã tính tới con đường về VN làm môi giới BĐS, học lại nghề lập trình, xin một công việc trái nghề ở
đâu đó… (Ngành cháu học ở trường Y cũng rất khó xin việc ở VN) …
Mình thường động viên cháu, Gấu cũng rủ bạn sang Pháp nhưng khổ nỗi cháu không biết tiếng Pháp, tiếng
Anh cũng không giỏi … Cháu không học được cách quyết liệt, tìm ra, ưu tiên và tập trung cao độ cho một
mục tiêu nào đó.
Vậy là cháu cứ loay hoay đi cũng dở, ở không xong. Mà thời gian thì cứ dần trôi, khó khăn tăng dần, cơ hội
giảm dần.
Hai vợ chồng mình thỉnh thoảng nói chuyện với nhau, tiếc cho cháu.
Bọn mình giải mã cái “sao sao ấy” chính là sự thiếu văn hóa nền tảng, thiếu tư duy và thiếu định hướng đúng.
Bọn mình vẫn luôn tin rằng con người cháu và năng lực của cháu, chắc chắn cháu sẽ được đền bù, sẽ có cuộc
sống tốt đẹp.
Có điều mọi thứ phải trả khá đắt.
Cháu đã lãng phí nhiều năm tuổi trẻ và nhiệt huyết.
Cầu chúc cho cháu thành công.

CÔ GIÁO CẮT TÓC HỌC SINH VÀ DÂN CHỦ TRONG TRƯỜNG HỌC
Mình cứ ám ảnh mãi chuyện cô giáo cắt tóc học sinh.
Nói ngay và luôn rằng mình không đánh, không mắng chửi học trò.
Mình không đồng tình với hành động của cô giáo.
Nhưng trong tuần qua, có quá nhiều lời lên án, mạt sát, miệt thị dành cho cô giáo nọ. Mình thấy xót xa quá.
Xin chia sẻ một góc nhìn của cá nhân, đã từng là phụ huynh học sinh trong hơn 20 năm, cũng từng là giáo
viên hơn 20 năm. Mong có một cái nhìn khách quan và công bằng.
Hồi Gấu học cấp 3, năm lớp 10 hoặc 11 gì đó, mình đi họp phụ huynh. Cô giáo chủ nhiệm của con đọc tên
những bạn để tóc dài và tuyên bố với các phụ huynh: Tôi nói với các con rằng đến thứ Hai tới, nếu bạn nam
nào còn để tóc dài, cô sẽ mang kéo đi và cắt tóc cho bạn ấy. Chính tay cô sẽ cắt tóc chứ không cần nhờ ai cả.
Hồi đó nhà trường quy định học sinh nam phải cắt tóc 3 phân, không được để tóc dài.
Con trai mình cũng nằm trong số bị cô giáo nêu tên. Trong tấm hình chụp cuối năm học cũng thấy Gấu để tóc
khá dài. Còn hiện tại thì khỏi nói. Con để tóc dài như con gái!
Điều đáng nói là, sau buổi đó, con cắt tóc nghiêm chỉnh và không có chuyện gì xảy ra với con cũng như với cả
lớp.
Tình cờ, năm Tôm học cấp 2, mẹ đi họp phụ huynh cũng thấy cô giáo chủ nhiệm nhắc phụ huynh chú ý không
để con gái nhuộm tóc, không thoa son khi đến lớp, con trai không để tóc dài. Cô cũng nói với phụ huynh, nếu
con trai để tóc quá dài thì đội cờ đỏ sẽ cắt. Nếu con gái nhuộm tóc hoặc tô son thì phải ở nhà vì sẽ làm ảnh
hưởng đến điểm thi đua của lớp.
Phụ huynh cũng không ai phản đối gì và mọi chuyện cũng qua đi bình thường.
Năm nào đi họp phụ huynh cho Tôm mình cũng nghe cô giáo nhắc phụ huynh như vậy.
Đây là quy định của nhà trường. Mà đã là quy định, đã có cam kết thì phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Trở lại chuyện của cô giáo cắt tóc học sinh. Rõ là cô giáo đã sai khi cầm kéo cắt tóc học sinh.
Nhưng hãy nghe cô nói: Cô “đã nhắc nhiều lần rồi”, nghĩa là học sinh đã được nhắc nhở, đã được cảnh báo.
Nhưng học sinh đã coi thường sự nhắc nhở của cô.
Và theo như mình hiểu, tự cô không đưa ra quy định học sinh không được nhuộm tóc, mà phải là quy định của
nhà trường và đã được thông báo nhắc nhở từ trước.
Hãy đặt mình vào vị trí của cô. Nếu trong lớp có học sinh để tóc nhuộm thì trách nhiệm thuộc về cô, cô bị phê
bình và lớp bị trừ điểm thi đua. Nghĩa là không chỉ mình cô bị ảnh hưởng mà cả tập thể lớp cũng bị vạ lây. Rõ
ràng hành động của cô là sai, nhưng hãy nghĩ mà xem: nhắc nhở mãi mà học sinh không nghe, không được
trách phạt học sinh … thì cô giáo biết làm gì?
Tất nhiên, cô có thể giao việc này cho đội tự quản hoặc báo cáo giám hiệu … tóm lại là đẩy bóng sang chân
người khác để mình yên thân.
Mình biết hiện nay nhiều giáo viên bất lực vì học sinh quá thiếu ý thức, phụ huynh quá quyền lực. Nên giáo
viên tìm cách thỏa hiệp hoặc đẩy bóng sang chân người khác.
Cách đơn giản nhất là để học trò tự quản – một cách để “học trò trị học trò”. Chuyện gì xảy ra là do học sinh
với học sinh, giáo viên vô can.
Thế nên, đã có rất nhiều chuyện bạo lực học đường, giữa học sinh với học sinh để giải quyết mâu thuẫn cá
nhân. It ai ngờ rằng, những mâu thuẫn cá nhân đó thường xảy ra giữa một bên là cán bộ lớp “tay sai của thầy
cô” với một bên là các bạn vi phạm. Thầy cô thì yên thân nhưng có những học trò bị ăn đòn.
Điều này rất hay xảy ra với học sinh cấp THCS. Nhà mình ở gần trường, trên đường các con đi học thêm về,
chỉ cần nghe các con đi đường bàn tán với nhau, đủ hiểu.
Hiện nay, nhiều thầy cô dùng ban cán sự, ban tự quản … để duy trì kỷ luật. Đội ngũ này vô tình trở thành đối
tượng thù ghét của nhóm học sinh vô kỷ luật. Nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra.
Tất nhiên giáo viên chẳng ai muốn nhưng biết làm sao. Không lẽ chấp nhận học sinh phớt lờ kỷ luật, phớt lờ
yêu cầu của giáo viên?
Không lẽ bị trừ thi đua chỉ vì một học sinh không nghe lời, cứ để tóc nhuộm? Không lẽ sự việc cỏn con này
cũng phải báo lên giám hiệu. Mà tự mình giải quyết thì không biết phải làm sao?
Các con mình đều học ở trường công lập. Đầu năm học nào nhà trường cũng đề nghị phụ huynh và học sinh
ký một bản cam kết về nề nếp kỷ luật trong nhà trường, trong đó có quy định không nhuộm tóc, không thoa
son đối với nữ sinh.
Nói gì thì nói môi trường nào cũng cần có những quy định nhất định về kỷ luật. Kỷ luật tạo nên sức mạnh.
Gia đình cần có gia quy.
Nhà trường cũng phải có kỷ cương thì mới duy trì được nề nếp, mới đảm bảo hiệu quả giáo dục.
Nếu để các con tự do ăn mặc, trang điểm theo sở thích khi mà các con chưa có đủ kiến thức về thời trang và
thẩm mỹ, nó sẽ phát triển theo hướng hay ít, dở nhiều.
Ai cũng biết, lứa tuổi học trò đang là trẻ vị thành niên. Các con chưa đủ tuổi tự chịu trách nhiệm về hành vi
của mình. Vì thế các con vẫn cần sự giám hộ của người lớn. Không thể vin vào quyền của trẻ em mà quên
rằng các con đang vi phạm kỷ luật. Đang còn ngồi trên ghế nhà trường, con phải có bổn phận chấp hành
nghiêm chỉnh quy định của nhà trường. Chấp hành nghiêm chỉnh, sống có kỷ luật, tôn trọng các nội quy nơi
mình sống, không làm mình hèn đi, mà ngược lại, nó cho mình tự do, cho mình sức mạnh.
Có nhiều người hoặc là cái tôi quá lớn, hoặc là thiếu hiểu biết mà không tôn trọng các quy định chung, một
mình một lối. Hậu quả khá rõ.
Mình không bênh gì cô giáo kia.
Trong gia đình mình, quan hệ bố mẹ và các con rất dân chủ, các con mình rất được tôn trọng. Chính các con
mình xác nhận điều đó. Nhưng không có nghĩa vì dân chủ, vì quyền trẻ em mà các con muốn làm gì thì làm.
Một khi các con vẫn còn ăn cơm ba mẹ nấu, các con chưa tự trang trải được chi tiêu của cá nhân mình thì các
con vẫn phải tuân theo những quy định của ba mẹ.
Chúng mình luôn xác định rõ ràng với các con như vậy.
Mình không bênh gì cô giáo kia.
Nghe nói cô và học trò đã ôm nhau xin lỗi. Dư luận đã hạ nhiệt.
Nhưng mình cứ tự hỏi: Không biết sau sự việc này, nhà trường có cấm hs nhuộm tóc nữa không? Nếu học
sinh cứ phớt lờ quy định thì sẽ phải xử lý ra sao?…
Chúc cuối tuần vui vẻ.

HỌC THÊM – KHÔNG HỌC THÊM?


Sáng nay mình vừa đọc được bài viết của một nhà báo nổi tiếng về việc chị kiên quyết không cho con đi học
thêm.
Mình cũng đọc nhiều comment của các bà mẹ. Phần lớn đều ủng hộ việc không cho con đi học thêm. Có
người muốn nhưng chưa dám…
Mình đã từng là một phụ huynh, mình cũng ủng hộ quan điểm dạy con tự học, tránh lạm dụng việc học thêm
dạy thêm.
Mình cũng từng là một cô giáo, đã và đang dạy thêm.
Mình xin chia sẻ quan điểm cá nhân về việc dạy thêm học thêm một cách khách quan, nhìn từ hai phía.
1. Tại sao phải đi học thêm?
Cần phải nói ngay và luôn rằng học là nhu cầu chính đáng và con người ta phải học suốt đời. Học ở trường
không đủ thì phải học thêm. Con người ta học chẳng bao giờ đủ nên luôn cần phải học thêm.
Và khi có nhu cầu học thêm thì luôn có người dạy thêm.
Nên nói chung chung: cấm dạy thêm học thêm là vô lý, là phi giáo dục.
Tuy nhiên, tùy theo mục đích và nhu cầu học thêm.
Nước mình đất chật người đông. Ở các đô thị mới, các chung cư mới mọc lên như nấm. Mỗi chung cư có sức
chứa tương đương với một làng, một xã. Chung cư mới xây lên thì nhiều, nhưng trường học xây thêm thì ít.
Các trường tư thục, trường quốc tế thì nhiều nhưng mấy ai đủ tiền cho con theo học những nơi như thế.
Sức ép dồn lên các trường công lập.
Số trường công lập không tăng lên nhưng số học sinh thì tăng từng ngày. Dĩ nhiên, phải có sự chọn lọc. Các
trường có chất lượng tốt thì buộc phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn để loại bớt. Mà phụ huynh thì luôn luôn
muốn con mình phải được học ở một ngôi trường tốt, môi trường giáo dục lành mạnh. Một nhu cầu hoàn toàn
chính đáng.
Mình hỏi một phụ huynh: Sao em phải tốn nhiều công sức để cố xin cho con vào học ở trường A với nhiều bất
lợi: đi học đường xa, ít có điều kiện chăm sóc và quản lý con hơn …
Bạn trả lời: đấy chị xem, xung quanh đây có trường nào ra hồn đâu? Học sinh toàn đánh nhau, nghiện ngâp,
chơi bời …
Bạn kể cho mình vài câu chuyện có thật về trường học gần gần nhà bạn.
Bạn không có nhiều lựa chọn.
Cách đây gần chục năm, bạn mình chuyển về dạy ở một ngôi trường THCS hạng 2 trong quận. Bạn kể: Chán
vô cùng. Bố mẹ đem con tới trường, phó mặc cho thầy cô. Bố mẹ vừa quay xe, con trèo rào lách cổng ra chơi
điện tử … Trong lớp, học trò ngang ngược như ngoài chợ, nhìn thầy cô bằng con mắt nháo nhâng …
Thế nên, phụ huynh luôn muốn con mình phải đạt được những tiêu chí nhất định để có thể được vào học ở
một ngôi trường tốt. Và số ngôi trường tốt thì không nhiều nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Về phía giáo viên.
Do nhu cầu xã hội, do đủ thứ; sĩ số ở một lớp học trung bình hiện nay là 55-60 học sinh. Giáo viên càng dạy
tốt, sĩ số càng cao. Mình đã từng đi dạy và mình biết. Dạy ở lớp có sĩ số 55 đỡ hơn nhiều so với lớp 60.
Mình không biết ở các nước tiên tiến, 1 giáo viên có thể dạy bao nhiêu học sinh nhưng theo mình 55-60 hs/lớp
là quá tải.
Và nói gì thì nói, dù cố sức đến mấy, học sinh không thể nắm hết được bài ngay tại lớp. Học sinh phải học
bài, làm bài tập, ôn bài ở nhà thì mới đạt hiệu quả.
Nhưng thật không may. Thói quen tự học bài, ôn bài của học sinh hiện nay rất kém. Phần vì các con thụ động,
thầy cô bảo học thì học, bảo thi thì thi, không ai dạy các con về bí mật của Não bộ, làm thế nào để học bài
nhanh thuộc, để nhớ lâu …
Phần vì các con không có thời gian để tự học. Bố mẹ quá lo lắng sốt ruột nên tìm các kiểu lớp học thêm cho
con. Con như diễn viên chạy show hết lớp học thêm này đến lớp khác, không kịp nghỉ ngơi, không kịp tiêu
hóa.
Và ở lớp học thêm, thầy cô thì nghiêm khắc hơn, sát sao hơn nên dần dần, học thêm quan trọng hơn học
chính. Học sinh đến trường thì mệt mỏi, chán nản. Thầy cô đến trường, thấy học sinh thờ ơ, mệt mỏi thì cũng
mất hứng, chán theo. Đặc biệt là các môn “phụ”. Phụ huynh và học sinh rất thực dụng. Họ phân biệt rất rõ
môn chính và môn phụ. Giáo viên môn phụ nhiều lúc rất tủi thân. Cùng là giáo viên mà nhất bên trọng, nhất
bên khinh, dù họ là ai và có cố gắng đến mấy.
Có lần mình vào dạy ở một lớp 4. Lớp của một giáo viên dạy giỏi có tiếng. Trong lớp có khoảng 6-7 học sinh
đang đứng ngồi các kiểu trên bục giảng. Có em bò lổm ngổm dưới sàn. Mình tỏ ý ngạc nhiên, cô giáo bảo: chị
xem, từ sáng đến giờ chưa viết xong 1 cái đầu bài. Sáng giờ cô đi họp, lớp tự quản. Trước khi đi cô đã giao
bài.
Giờ là đầu giờ chiều, có nhiều em chưa viết nổi chữ nào vào vở.
Cô chỉ vào các em đang đứng ngồi lổm nhổm: học sinh tự kỷ, tăng động.
Một lớp mà có đến 6 học sinh tự kỷ, tăng động?
Cô giáo chua chát: Vì quan điểm hòa nhập đó chị. Mỗi ngày em phải đổi chỗ cho các bạn này 1 lần. Không ai
được yên thân khi ngồi cạnh bạn tăng động. Thôi thì giật sách, cấu xé, đổ sữa lên người bạn … Phụ huynh kêu
ca, cô giáo lãnh đủ.
- Thế bố mẹ có biết các con mình bị tăng động, bị tự kỷ không?
- Biết nhưng không thừa nhận. Họ không muốn con mình bị nhìn nhận khác biệt. Hầu hết họ chuyển trường
cho con mình ở xa nơi cư trú. Mà đã mất tiền xin trái tuyến thì cứ xin vào trường xịn. Vào trường xịn rồi, chả
tội gì xin vào lớp thường. Xin hẳn vào lớp chọn, lớp có giáo viên giỏi cho bõ công.
Quan điểm giáo dục hòa nhập là một quan điểm nhân văn.
Nhưng thực tế, mỗi ngày sẽ có ít nhất 12 đứa trẻ xung quanh bị ảnh hưởng bởi 6 bạn tăng động. Lớp trưởng
tâm sự: hôm nào bị phân công ngồi cạnh bạn tăng động là hầu như con không học được gì.
Không biết cô giáo lấy gì để bù vào chỗ đó.
Mình hỏi một giáo viên là người quen: Em không thiếu tiền, sao vẫn phải dạy thêm dù việc dạy thêm là nguy
hiểm? (Lúc đó giáo viên bị cấm dạy thêm, cơ quan chức năng thành lập hẳn một đội thanh tra đi bắt người dạy
thêm như bắt người buôn lậu. Chẳng may bị bắt thì thân bại danh liệt chứ chả chơi).
Em nói: Không dạy không được chị ơi. Chương trình học 10, trình độ học sinh 4-6, đề ra 12-13. Ấy là chưa kể
các cuộc thi quan trọng như thi TNPT (mấy năm trước) đề ra như ở trên trời. Dạy thật, học thật được 5-6 đã là
cố lắm rồi vì lớp thì đông, giáo viên nào có được chuyên tâm vào dạy. Họ phải làm đủ thứ trên đời, làm những
việc không đúng chuyên môn, làm những việc biết là thừa, chỉ để phục vụ cái tôi ngu dốt của ai đó, nhưng vẫn
phải làm.
Nhìn vào kết quả tuyển sinh của mấy năm trước, số thủ khoa 29-30 điểm/3 môn nhiều như nấm, ai dám chắc
con mình không học thêm, không không gian lận, không mánh nọ mẹo kia mà có thể địch nổi?
Thế nên, nếu cứ khăng khăng không cho con học thêm, cứ khăng khăng chống lại việc dạy thêm, chưa chắc
đã là khôn ngoan.
(Còn nữa)

HỌC THÊM – KHÔNG HỌC THÊM (P2)


Mình hoàn toàn không có ý định khuyên ai đó học thêm hay không học thêm. Mình không có quyền và
không có năng lực đó.
Nếu bạn chơi với mình đủ lâu, đọc vài bài mình viết thì sẽ thấy quan điểm của mình.
Mình đơn giản chỉ cung cấp thông tin để bạn có cái nhìn đa chiều, để việc quyết định cho con mình học
thêm hay không học thêm có thêm cơ sở.
Mình không cổ vũ cho việc học thêm vô tội vạ. Mình ủng hộ quan điểm con tự học.
Nhưng tại sao mình viết bài này?
Vì mình đã từng hòa giải một vụ bé gái bỏ học 2 tuần, không học bài, không ghi chép vì mẹ kiên quyết
không cho đi học thêm. Con chưa đủ khả năng để tự học ở nhà, các bạn trong lớp thì đi học thêm cả. Con
hoang mang không hoàn thành được bài vở, không đạt được chỉ tiêu như mẹ mong muốn. Hai mẹ con
không tìm được tiếng nói chung. Nên con chán nản, con bỏ học.
Mọi việc trở nên ổn thỏa khi mình thuyết phục người mẹ đồng ý cho con đi học thêm môn học mà con
mong muốn.
Mình cũng kể huyên thuyên những chuyện có thật mà mình chứng kiến. Để làm gì ư? Để có một cái nhìn
khách quan, đa chiều. Thế thôi.
Bữa mình đi mua thịt bò. Trước mình có một cô ăn mặc đẹp, vừa mua xong và rời đi. Chị bán thịt và một
bà khách hàng nhìn theo cô đó, lắc đầu. Bà khách hàng nói: Cô này thuê lớp để dạy thêm ở gần nhà tôi.
Tôi lạ gì nó. Suốt ngày sang uống cà phê bên quán nhà tôi. Nó có dạy dỗ gì đâu. Toàn thuê người dạy
thôi. Có hôm nó cho người giúp việc trông lớp. mà người giúp việc thì có biết gì đâu …
Bà kể tiếp: Hàng ngày, “nó” đi từ tầng 1 lên tầng 4 giao bài. Mỗi tầng 1 lớp, nhà có 4 tầng = 4 lớp, mỗi
lớp 30 học sinh. Đi từ dưới lên trên giao bài, xong đi từ trên xuống dưới nhắc nhở, giải đáp. Xong rồi
xách xe đi chợ, mua đồ về giao cho người giúp việc. Xong xuôi cô đi uống cà phê. Gần trưa, về thu bài

… Mình biết cô giáo này. Giờ cô đã yên vị, làm lãnh đạo trên Bộ GD sau một vụ kiện tụng bất phân
thắng bại …
---
Chục năm trước, mình định đi dạy ở một trường tiểu học lớn. Trước khi quyết định, mình được cho phép
đi tham quan làm quen trường lớp.
Mình vào lớp của một cô giáo khá nổi tiếng. Trước đó, mình search tên trường trên GG và thấy tên cô
giáo được rất nhiều phụ huynh khen ngợi. Cô dạy lớp 1.
Lúc mình vào lớp, cô không có ở trường. Lớp đang giờ tiếng Anh. Lớp ồn ào như một cái chợ vỡ. Học
sinh đi lại tùy tiện như chốn không người. Đứa đứng, đứa ngồi, đứa đi uống nước, đứa chui xuống gầm
bàn … Cô giáo trẻ dường như bất lực. Thỉnh thoảng cô lại quát lên: Này em kia … Này các con ở bàn 2,
mất trật tự quá … Cô gõ cái thước cành cạch lên bảng. Chẳng ai thèm nghe.
Đột nhiên, một cô giáo ở phòng bên cạnh chạy sang. Cô gõ cái thước đánh rầm xuống mặt bàn rồi quát
lớn: Cái lớp này vô kỷ luật nhỉ. Lớp trưởng đâu, ghi tên những ai ra khỏi chỗ lại. Để tôi báo cáo lên BGH,
trừ thi đua của lớp này …
Cả lớp trật tự hơn một chút.
Rồi một chị tay cầm giẻ lau chạy vào lớp. Nghe mình tự giới thiệu, chị cũng giới thiệu chị là phụ huynh
tình nguyện đến giúp cô chủ nhiệm trông nom lớp.
Chị nói: Cái lớp này nó hư lắm cô ạ. “Thân lừa ưa nặng”, toàn đầu gấu ấy, không nhẹ nhàng với nó được
đâu.
“Thân lừa ưa nặng”… Mình đã nghe cái từ này nhiều lần ở nhiều chỗ khác, lớp khác. Lúc nãy mình cũng
nghe cô bé lớp trưởng nói mấy từ này.
Mình chợt nhớ một lần vào lớp nào đó, đang giờ ngủ trưa, thấy cô bé lớp trưởng đi đi lại lại, tay cầm một
cái thước, miệng lẩm bẩm: Thân lừa ưa nặng, nói mãi không nghe. Thấy ai động đậy, cô bé vút cho một
cái vào lòng bàn chân. Đau nhưng không để lại dấu vết.
Thấy vài giáo viên dạy môn phụ truyền nhau kinh nghiệm: Học sinh nhiều khi sợ lớp trưởng hơn sợ giáo
viên, vì lớp trưởng nhiệt tình và không nhân nhượng. Nên việc giữ trật tự cứ nhờ lớp trưởng. Có gv sẵn
sàng miễn kiểm tra, miễn thi cho lớp trưởng chỉ để trong giờ học “con đi kiểm tra, nhắc nhở các bạn, giữ
trật tự lớp” cho cô.
Quyền lực của các “quan nhí” là có thật.
Lại có bữa, thấy bạn mình kiểm tra bài, bắt con học thuộc chính xác từng từ, từng chữ. Mình ngạc nhiên
hỏi: Con học lớp 6 rồi, con chỉ cần hiểu bài thuộc ý là được. Sao bắt con thuộc từng chữ từng từ cứng
nhắc vậy?
Bạn bảo: Không được đâu chị ơi. Cô giao cho lớp trưởng với lớp phó kiểm tra bài các bạn. Các con làm
răm rắp theo chỉ đạo của thầy cô. Bạn nào đọc sai chỉ 1 từ (dù đúng nghĩa) các bạn vẫn đánh dấu là chưa
thuộc bài. Ghê lắm.
Quyền lực của các “quan nhí” là có thật. Bó tay.
Trở lại với lớp 1 nọ.
Một lúc sau thì cô giáo đến. Cô tiến thẳng vào bàn giáo viên, ngồi xuống, nhìn vào góc bảng nơi lớp
trưởng đã ghi chi chít những cái tên … Cô hét lên như sấm: Anh A, Anh B, chị C … đem vở lên đây!
Khoảng chục học sinh len lét mang vở đi về phía bục giảng.
Phút sau, cô lại hét lên, dữ dội hơn: Mang cho tôi con dao vào đây. Chặt cái tay nó đi cho tôi. Có tay mà
không chịu viết bài thì chặt nó đi thôi, để làm gì … Anh C Đưa cái tay đây cho tôi …
Bốp bốp … Cái thước vụt vào tay cậu học sinh đang run rẩy chìa ra. Đứa nào cũng run rẩy, nước mắt
lưng tròng, có đứa khóc thét lên, xin rối rít. Nhưng mặt đứa nào cũng trơ lỳ. Hình như chúng đã quá quen,
sợ hãi chỉ là cảm xúc nhất thời.
Mình thề là mình thật sự choáng váng, mình sợ hãi.
Mình cứ tự hỏi, liệu có phải ngày nào cũng thế. Bọn trẻ kia có bị chấn động tâm thần không?
Mình ra khỏi lớp và một đi không trở lại. Không dám ngoảnh mặt nhìn.
----
Mấy nay mình thấy cộng đồng mạng đang dậy sóng, xôn xao với vụ cô giáo đi dạy thêm kiếm hơn trăm
triệu/tháng.
Xin thưa, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Các giáo viên dạy kỹ năng sống, dạy phát triển bản thân …
kiếm vài trăm chẹo một tháng là bình thường.
Nhưng số đó không nhiều. Số nhiều hơn, nhiều vô kể là các giáo viên dạy các môn phụ như Tin học, sử,
địa, công nghệ … Họ đang sống cầm hơi.
Đau đớn hơn là những lời bình luận của thiên hạ: Đã biết lương ít thì đâm đầu vào nghề giáo làm gì? …
Đã làm nghề giáo thì đừng có kêu ca lương thấp lương cao …
Ơ, thế làm nghề giáo, không trông vào lương thì cạp đất mà ăn à?
Có ai vào ngành sư phạm mà xác định chọn nghề này vì lương thấp?
Hu hu …
Giáo viên dạy môn phụ phải làm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập. Lao động là vinh quang, làm gì cũng
được, miễn là lương thiện. Nhưng một giáo viên dạy môn phụ, kiêm thêm nghề xe ôm, chở chính học
sinh của mình, liệu có nên thơ? Tiết dạy của thày cô liệu có thăng hoa khi hàng ngày phải vật lộn với
miếng cơm manh áo?
---
Mấy năm trước, trong một cuộc họp Hội đồng Giáo dục, Hiệu trưởng quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp
trên: Nghiêm cấm giáo viên không được đánh học sinh, không được dùng lời lẽ làm tổn thương học sinh

Mình nghe thấy nhiều tiếng thở dài.
Bạn mình, một giáo viên trăn trở: Không được đánh, không được mắng … không biết phải làm thế nào để
dạy được đây.
Mình hiểu nỗi trăn trở đó. Bạn mình và các đồng nghiệp của mình không ai muốn đánh muốn mắng chửi,
xúc phạm học sinh. Họ đồng tình với quan điểm của cấp trên. Chỉ đạo của cấp trên là đúng, là hoàn toàn
đúng.
Nhưng sự trăn trở của bạn mình không đề cập đến sự chỉ đạo cụ thể là cấm đánh, cấm xúc phạm học sinh.
Mà là một thực tế đáng ngại hơn: Giáo viên đang bị mất đi vị thế đáng ra phải có.
Dân chủ học đường, xã hội hóa … khiến cho quyền lực của phụ huynh ngày càng tăng lên vô kể. Giáo
viê lơ tơ mơ là bị ăn đòn.
Cuộc sống vốn khó khăn.
Mình hay ví giáo viên như cái bậc thềm của một tòa lâu đài. Cái bậc thềm là nơi tiếp xúc đầu tiên và trực
tiếp giữa phụ huynh với tòa lâu đài kia.
Cái bậc thềm cũng là nơi chịu sức nặng trực tiếp từ cái thượng tầng nguy nga tráng lệ phía trên. Cái bậc
thềm cũng là nơi nhận rác rưởi từ trên cao ném xuống. Rác rưởi trên mặt đất, rác rưởi từ trên cao, cái bậc
thềm lãnh đủ.
Nên muốn yên lành, nhiều giáo viên đành chấp nhận để tồn tại.
Phụ huynh muốn con đạt điểm cao? Chấp nhận nâng điểm: Cho kiểm tra bù để cải thiện, cho chấm vở,
chấm bài về nhà … thôi thì học sinh lười học cũng được, học kém cũng được, chép bài của bạn cũng
được, chỉ xin con viết cho thầy cô cái tiêu đề bài hoặc vài bài gọi có để thầy cô kiểm tra, có cớ mà cho
điểm …
Thầy cô được yên mà phụ huynh thì hài lòng. Còn chất lượng như thế nào thì chỉ thầy biết, trò biết, phụ
huynh không cần biết …
---
À, lại nói đến chuyện đi học thêm.
Bữa vào buổi tổng kết cuối năm, học sinh chuẩn bị nghỉ hè. Mình chứng kiến phụ huynh nói chuyện rất
vui vẻ với phụ huynh:
- Ôi, cứ nghĩ đến nghỉ là mình chết khiếp. “Nó” ở nhà 1 ngày là mình khổ một ngày.
“Nó” là thằng con trai học lớp 5 của chị.
Chị kể: Chị rất khổ sở với thằng con trai nghịch như quỷ sứ. Nó tăng động, nó leo trèo nghịch ngợm. Chị
chỉ sợ nó ngã, sợ nó tai nạn … Nên chị tìm mọi cách để tống nó ra khỏi nhà. Chị đăng ký các kiểu lớp
học, sao cho 2 ngày nghỉ cuối tuần kín lịch. Bỏ tiền thuê người khác trông nom dạy dỗ con mình, còn yên
tâm hơn để nó ở nhà.
Chuyện có thật 100%.
Lại có những đứa, bố mẹ bắt đi học thêm thì đi. Kiến thức bị nhồi thụ động, chưa kịp chọn lọc, chưa kịp
ngấm, lại nhồi tiếp. Nên nó vào tai này và ra tai kia … Mà bố mẹ thì rất hay lo lắng và sốt ruột. Muốn con
học cái này rồi lại cái kia.
Hồi Gấu học lớp 2, có phong trào học bàn tính số, tính nhẩm nhanh hay gì gì đó … Các bạn trong lớp đi
học rất đông. Mình hỏi cô giáo của con: Các bạn đi học về, có học tốt hơn không.
Cô giáo bất bình: Có đứa đi học về còn ngu thêm thì có…
Ngoài kiến thức học trên lớp, đi học thêm mấy cái kỹ năng gì đó, khi gặp vấn đề về tính toán, đứa trẻ phải
mất thời gian để cân nhắc, nhớ lại xem phải sử dụng phương pháp nào. Thực ra, mấy phương pháp đó, để
phục vụ đi thi thố là chính, để trở thành siêu nhân.
Học trò bình thường, chỉ cần học tính toán bình thường theo các thầy cô dạy ở trường là đủ.
Mình thực sự muốn nhấn mạnh rằng: Chỉ cần các con biết chú ý nghe giảng, tiếp thu được những điều
thầy cô giảng dạy ở trường là đã có nhiều kiến thức rồi. Tiếc rằng số học sinh biết tận dụng và lĩnh hội
được những kiến thức được học ở nhà trường là một con số khiêm tốn, rất khiêm tốn …
Vậy nên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Học thêm hay không là tùy ở mỗi người.
Nhưng khi có thông tin đa chiều, sự lựa chọn sẽ sáng suốt hơn, bớt cực đoan hơn.
Good Luck!

CÓ NHỮNG NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ!


Bài này mình viết năm 2015. Lúc đó Gấu đã đi du học đươc 3 năm. Thời điểm viết bài, mình cũng chưa kết
bạn với Phạm Thầy Đồ. Chỉ là khi có quá nhiều tin không hay của ngành giáo dục trong những ngày đầu năm,
mình bức xúc muốn kêu lên: Ồ, đây đó vẫn có nhiều thầy cô rất tâm huyết với ngành giáo dục. Họ vẫn đang
âm thầm cống hiến, miệt mài vì thế hệ trẻ cơ mà.
Mình viết về người thầy dạy Vật lý lớp PTTH. Thầy không chủ nhiệm lớp của Gấu, chỉ dạy con một thời gian
ngắn ngủi.
Mình viết và chia sẻ trên trang cá nhân mà không tag tên thầy vì chưa kết bạn.
Thực ra, mình định viết về thầy từ lâu. Từ ngày đầu tiên con đi học về, kể về "ông thầy" chủ nhiệm mới của
thằng bạn thân. Mình rất ấn tượng, mình chăm chú lắng nghe, mình lặng lẽ tìm hiểu và kiểm chứng thông tin.
Mình ghi chép lại và định bụng có ngày nào đó sẽ viết về người thầy đặc biệt này.
Năm 2017, mình lang thang trên mạng, gặp fb của Phạm Thầy Đồ, lúc đó đang tưng bừng học trò chúc mừng
sinh nhật.
Mình gửi tin nhắn là bài viết, như là một lời chúc tới người thầy đáng kính của con.
Hôm nay fb nhắc lại kỷ niệm, cũng đang có chút "tâm trạng" về giáo dục nên mình chia sẻ lại.
Mình vẫn còn khá nhiều điều thú vị về ông thầy này mà mình chưa kịp viết. Hẹn dịp khác.

Đầu năm nghe hàng đống những tin không hay về giáo dục. Nào là cô giáo đánh bầm mắt học trò, nào là cô
giáo cho cả lớp tát vào mặt một học sinh, nào là xe chở cô hiệu trưởng làm gãy đùi học sinh mà cô không hề
biết. Mới đây nhất là vụ cô giáo Sen Vàng dùng dép đánh vào đầu Mầm Non...
Chao ôi! Nghe mà buồn quá! Buồn nẫu cả ruột! Bức tranh giáo dục ảm đạm vậy sao? Nhưng ở đâu đó ...
CÓ NHỮNG NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ!
Năm học lớp 12.
Một hôm đi học về, Gấu kể: Lớp thằng Trần (bạn thân của con) vừa có thầy dạy Vật lý mới. Không hiểu “ông
ấy” dạy kiểu gì mà thằng Trần giờ chuyển hẳn sang thi khối A mẹ ạ!
- Ờ, xưa nay Trần vốn ghét môn Vật lý mà!
- Vâng! Thế mới là vấn đề mẹ ạ!
---------------------
Hai tuần sau:
- Công nhận là "ông thầy" thằng Trần dạy hay mẹ ạ!
- Sao con biết?
- Hôm nào con cũng đợi thằng Trần về cùng. Những hôm lớp nó có tiết Vật lý cuối giờ, đói meo cả bụng, các
lớp khác về hết rồi mà cả lớp nó vẫn nhao nhao giơ tay: “Xin thầy thêm 15' nữa ạ!”.
- Xưa nay chỉ có học trò xin thầy về sớm 5’ chứ làm gì có chuyện học trò xin thầy dạy thêm 15' nữa! Kể cũng
lạ nhỉ?
- Thế mới lạ chứ mẹ!
-------------------------
Vài hôm sau:
- Mẹ ạ! Con quyết tâm vào đội tuyển Lý.
- Ủa, thầy cô bảo con vào từ hồi lớp 11 thì không vào. Nay người ta học gần xong, 2 tuần nữa là thi chọn đội
tuyển chính thức rồi mới quyết tâm là sao?
- Vào đội tuyển thì được học thầy ấy miễn phí mẹ ạ!
- Không miễn phí thì nộp tiền đi học cũng được chứ sao? Nếu con muốn học thầy đến như vậy thì đến xin vào
lớp học thêm của thầy chứ cần gì phải vào đội tuyển? Thi học sinh giỏi khác với thi đại học, con biết rồi mà!
Đừng quên mục tiêu của con là thi đỗ đại học đấy!
- Con xin rồi mà thầy không nhận.
- Con cố lần nữa xem. Nếu không được thì để mẹ đến xin thầy cho! Không có “ông thầy” nào nỡ từ chối một
học sinh hiếu học đâu con!
- Thầy chỉ nhận dạy thêm học sinh lớp thầy dạy chính hoặc học sinh trường khác thôi! Không phải lớp dạy
chính của thầy thì thầy nhất quyết không nhận mẹ ạ!
- ...???
- Thôi, mẹ cứ để kệ con!
------------------------
Gấu quyết tâm và Gấu cũng thành công. Chẳng biết bằng cách nào, con vào được đội tuyển chỉ trong khoảng
thời gian ngắn ngủi. Tất cả chỉ vì Gấu muốn được học “ông thầy” mà con thích. Tất nhiên, con học khá tốt
môn Vật lý, chỉ là con không có ý định vào đội tuyển đi thi HSG mà thôi.
Mẹ thì ngạc nhiên và tò mò: Chả hiểu cái “ông thầy” này là ai mà chỉ trong một tháng đã làm thay đổi hai
quyết định quan trọng của hai thằng thanh niên mới lớn, đang tuổi dở ông dở thằng, chỉ thích thể hiện mình
chứ chẳng thích nghe ai.
------------------------
Cũng chẳng phải đợi lâu, vì nhà Gấu là tụ điểm của đám bạn Gấu. Chúng tụ tập và bàn tán đủ thứ chuyện.
Trong mấy tuần nay, câu chuyện về "ông thầy" ấy trở nên đặc biệt rôm rả. Thôi thì thầy đi như thế nào, nói
như thế nào được đưa ra super soi cho bằng sạch! “Hiểu hay không hiểu?"; “Hiểu hay không hiểu thì cũng
phải nói để thầy biết chứ?"; "Im lặng đến mức nghe tiếng con ruồi đực vỗ cánh trong phòng thế này thầy cũng
không thích đâu!”; "Không hiểu một cái là phải mở mồm ra ngay! Nhá?"... vv và vv.
Chúng thích thú bắt chước những động tác của thầy và thi nhau bình loạn về những điều mà chúng thấy.
Chúng khoe nhau những bức ảnh chúng chụp vội được “ông thầy” đang thăng hoa lúc giảng bài.
Chúng mò mẫm tìm ra những thông tin về đời tư của thầy:
- Này! Vợ thầy làm ngân hàng đấy!
- Ờ! Vợ phải làm ngân hàng thì thầy mới đi dạy “kiểu này” được! (Chả hiểu dạy kiểu này là kiểu gì?). Rồi:
- Nhà thầy ở tận bên kia sông Hồng. Phải đi qua cầu đấy! Có hôm gió to, bay cả mũ. Thầy đi con 67 cà tàng,
thế mà vẫn đến rất đúng giờ nhé, tóc tai thì bù xù tung tóe mà giảng bài vẫn hăng say như thường, chả có chút
gì là biểu hiện của sự mệt mỏi cả!
- Ơ! Mà thầy đang làm kính thiên văn đấy! Nguyên vật liệu thầy tự chế là chính đấy! Thầy làm cùng với thầy
hiệu phó trường mình!
- Mà này! Thầy rất kính trọng thầy hiệu phó nhé! Toàn gọi thầy, xưng con thôi!
- Nghe thầy kể, thầy hiệu phó trường mình giỏi lắm đấy...
------------------------
Cuối cùng ngày thi học sinh giỏi thành phố cũng đến.
Mẹ đèo Gấu đến trường thi, nhìn thấy các bạn đi thi mà lòng mẹ thương con quá! Các bạn trường Ams đi
thành nhóm đông, đồng phục áo mũ chỉnh tề, trông bạn nào cũng hùng dũng tự tin. Con mình thì loeo ngoeo,
rặt có hai mống. Đoán được tâm trạng của mẹ, Gấu an ủi: "Mẹ yên tâm đi! Thầy nói rồi: Được giải thì thầy
mời cà phê, không được giải thầy cũng mời cà phê và nói chuyện một buổi!". (Ơ! Được đi uống cà phê với
thầy quan trọng với con thế sao?).
---------------------
Thi xong Gấu có vẻ tự tin.
Vài hôm sau thầy nhắn: “Em được giải Nhì! Sướng nhá!”.
Gấu vui lắm! Vốn là người cẩn trọng, lại có nhiều kinh nghiệm nên ba mẹ Gấu liền trấn an con: “Đây chỉ là
tin không chính thức. Đêm 30 chưa phải là Tết, nên con chỉ coi đây là một thông tin tham khảo, không vội
chia sẻ với ai!”.
Quả nhiên, hôm sau thầy nhắn lại: “Sorry trò! Bạn thầy nhìn nhầm, em được giải Ba thôi!”.
Giải Ba HSG cấp thành phố với một tay amater cũng vui rồi, nhưng đang tưởng là giải Nhì giờ xuống giải Ba
thì lại là một là thử thách. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của Gấu. Gấu có vẻ ưu tư còn ba mẹ thì thực
sự lo lắng. Đáng lẽ chuyện vui lại hóa thành chuyện buồn, chuyện lo…
May sao chiều hôm sau, thầy rủ cả bọn đi uống cà phê và tâm sự thế nào ấy! Rồi tối hôm sau nữa bọn chúng
lại bị cuốn vào việc đi ngắm trăng cùng sự kiện nguyệt thực toàn phần bằng kính thiên văn tự chế của thầy.
Ơn trời! Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai đi...
-------------------------
Vài tuần sau, thầy được giải Xuất sắc cấp Thành phố trong cuộc thi thiết kế đồ dùng dạy học tự làm. Cả bọn
vui như chính mình được giải vậy. Chúng lại tụ tập với nhau, lại bàn tán về ông thầy của chúng. Lần này cả
bọn tư lự:
- Bọn khóa sau may mắn hơn bọn mình. Bọn mình được học thầy có một năm, bọn chúng được học những ba
năm!
- Nhưng mà biết đâu, lúc đấy thầy sẽ không như bây giờ nữa?
- Ờ nhỉ? Vài năm nữa thầy có còn như bây giờ không?
--------------------------------------
Có lần mẹ hỏi Gấu:
- Thầy của con giỏi như vậy sao mẹ không thấy nổi tiếng trong nhóm các thầy luyện thi đại học?
Gấu lắc đầu:
- Thầy không giỏi luyện thi đại học mẹ ạ! Thầy dạy theo kiểu đam mê, sáng tạo, truyền cảm hứng chứ luyện
thi đại học không dạy như vậy được. Còn phải có mẹo nọ mẹo kia nữa cơ!
- Ôi, con tôi! …
--------------------------------------
Vài năm sau mẹ hỏi Gấu và các bạn về thầy, chúng bảo: "Không hiểu vì sao thầy đóng facebook nên chúng
con không liên lạc được với thầy nữa mẹ ạ!".
--------------------------------------
Bây giờ thì Gấu đã học xong năm cuối Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia (INSA Toulouse - CH Pháp).
Thầy thì chắc vẫn miệt mài chăn Voi ở Bản Đôn.
Mọi thứ có thể đã đổi thay nhiều, nhưng câu nói của các bạn làm mẹ Gấu cứ trăn trở mãi: "Liệu sau này thầy
có còn như bây giờ không nhỉ?"
Ý bọn chúng là liệu thầy có còn nhiệt huyết, say mê với nghề, với học trò như thủa ấy không? Thời gian và
những biến cố cuộc đời có làm cho trái tim người thầy trở nên chai sạn và vô cảm không?
Mình không đi tìm câu trả lời, nhưng nỗi trăn trở thì vẫn còn mãi…
--------------------------------------
Sinh nhật thầy, kính chúc thầy thêm tuổi mới, thêm sức khỏe, thêm yêu đời, thêm yêu nghề, bình an và hạnh
phúc!
--------------------------------------
(Hà Nội 27/02/2017!)"

Chat GPT
Tuần trước, thiên hạ rần rần về Chat GPT, Gấu mẹ đăng đàn hỏi hai thằng con trai.
Anh cả bảo: Nó ghê thật đấy mẹ ạ. Con bảo nó viết một bài luận bằng tiếng Anh, nó viết rất hay; xuất sắc
luôn. Nó giải một bài toán khó, chỉ trong vài giây …
Gấu mẹ băn khoăn: Thế thì học sinh cần gì phải học nữa, muốn giải toán - có GPT, muốn viết văn - có GPT,
muốn gì có nấy. Học sinh đến trường không cần nghe giảng, không cần học bài… Thầy cô rồi sẽ ra sao? …
Tôm cười khùng khục. “Mẹ yên tâm đi. Chưa có Chat GPT thì chuyện đó (copy/paste) đã xảy ra từ lâu rồi”.

Hồi Tôm đang còn ở nhà. Một bữa hắn sầm sập chạy xuống, cười sằng sặc, đưa cho mẹ xem một đoạn chat.
Mẹ xem và chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích: Đây là đoạn chat của các thầy cô giáo, chia sẻ với nhau về cách
đánh mã đề kiểm tra. Mẹ xem này: 123/ một 2 ba/ 1 hai ba … Cứ thế này, học sinh chỉ có mà khóc thét.
Mẹ vẫn chưa chịu hiểu, hắn phải giải thích thêm: Khi kiểm tra, các bạn hay hỏi nhau mã đề. Nếu mã đề giống
nhau thì làm chung hoặc đơn giản là chỉ cần 1 bạn làm, các bạn kía chép lại. Các thầy đánh số kiểu này, đọc
thì nghe giống nhau, nhưng không thể phân biệt được số và chữ. Có thầy cô còn đánh mã đề bằng chữ Lào,
chữ Thái Lan, chữ Ả rập nữa cơ…
- ???
- Mẹ không biết chứ, khi thầy cô giao bài (kiểm tra, thi, bài tập về nhà…) nhiều khi thầy cô chưa phát xong đề
thì học sinh đã có đáp án. Các bạn nhanh lắm.
- ???
- Thì tra Google, cái gì mà chả có.
- Nhưng phải có đề và đáp án trên Google thì học trò mới tìm được chứ. Nếu thầy cô tự làm đề thì học trò lấy
đâu ra đáp án mà gian lận?
- Thì vấn đề là như vậy. Nhiều thầy cô ngại ra đề, cứ lên mạng tìm lấy một cái rồi copy/paste nguyên xi về
cho học sinh làm. Thậm chí đề sai cũng không biết.
- Ừ, thầy cô nào thì học trò nấy.
- Nhưng nhiều thầy cô cũng rất siêu: Thầy cô cũng lấy đề trên mạng, nhưng sửa đi một tí, có hôm cô của con
bỏ đi một đoạn trong đề bài rồi mới giao cho học sinh làm. Nhiều bạn không để ý, vẫn làm phần bỏ đi. Kết
quả là ⅔ lớp bị điểm kém.
- Ờ, vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn, chứ học trò làm sao qua mắt được thầy cô.
- Thầy cô bây giờ cũng bá đạo lắm. Có hẳn một group các thầy cô chia sẻ với nhau kinh nghiệm ứng xử với
những mánh khóe, gian lận của học trò. Nhưng đấy là những thầy cô vững và giỏi về công nghệ. Còn nhiều
thầy cô, đặc biệt là các cô dạy môn xã hội, bài dài nên cứ sao chép nguyên văn từ Google vào.
- !!!
- Thế nên mới có chuyện hầu như cả lớp được điểm 9, 10 các môn Văn, Sử, Địa …
- À, mẹ hiểu rồi.
Chợt nhớ đoạn tâm sự của một cô giáo: Nhiều khi biết mười mươi học trò chép bài trên mạng mà phải nhắm
mắt cho qua, nhắm mắt cho điểm cao vì bài làm đúng yêu cầu. Chỉ có lương tâm là day dứt.
Biết là học trò gian lận nhưng để chứng minh thì mất nhiều công sức. Lơ tơ mơ là bị phụ huynh cho ăn củ đậu
hoặc kêu là thầy cô trù dập.
Lương của thầy cô không đủ để đi đào bới xới lộn trên cõi mạng, để chứng minh trò gian lận.
Khi ⅔ lớp bị điểm kém vì bị thầy cô bóc phốt vì gian lận, học trò không sao nhưng thầy cô có khi bị kiểm
điểm, bị giải trình lên xuống. Mệt mỏi lắm.
Nên đành nhắm mắt khi hạ bút ghi điểm 9, điểm 10.
- Thế phụ huynh có biết điều đó không?
- Có và không. Phụ huynh thấy con được điểm cao là vui rồi.
Lại chợt nhớ: Cuối năm cấp 3, đi họp phụ huynh cho con. Điểm trung bình các môn của cả lớp là 9,4. Bác
trưởng ban có vẻ tiếc nuối: Điểm của các con lớp mình như thế là hơi thấp, các con hơi thiệt thòi. Điểm các
lớp khác cao hơn.
Gấu mẹ thất kinh: Ối cha mẹ ơi, điểm trung bình cả năm 9,4 mà còn kêu là thấp, mà còn thiệt thòi? Hóa ra cả
trường toàn siêu nhân!
Con mình được 9.4 mẹ đã mừng húm.
Rồi có GPT, con mình chả cần học, chả suy nghĩ gì nữa. Cái gì khó, có GG, có GPT…
Cái Não không cần dùng nữa thì nó sẽ tự động teo đi.
Cứ lan man nghĩ hoài… Ta sẽ đi về đâu, GPT, Chat bot ….?

Đọc sách CHA MẸ DẠY CON HỌC TOÁN của Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Thực
Trong một bài viết về dạy con học, mình có nhắc đến một quyển sách như là người thầy đầu tiên, là kim
chỉ nam của mình trong hành trình dạy con học. Đó là cuốn “Cha mẹ dạy con học Toán” của Nhà giáo
Ưu tú Phạm Đình Thực. Cuốn sách có nhiều tập dành cho các cha mẹ có con học lớp 1, 2, 3, 4, 5.
Đây là cuốn sách dành cho cha mẹ học sinh dạy con ở nhà, có các bài tương ứng với các phần của sách
giáo khoa Toán. Tuy nhiên điều mình tâm đắc nhất là phần 1.
PHẦN 1: “NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI DẠY CON EM HỌC TOÁN”.
Mình xin tóm tắt sơ lược:

1. Phải kết hợp tốt giữa ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Không thể phó mặc
hết thảy việc giáo dục con em chúng ta cho nhà trường.
2. Khi dạy trẻ phải đảm bảo không khí học tập nhẹ nhàng, thoải mái vui tươi. Không được làm cho
trẻ sợ.
3. Cần dành thời gian và khuyến khích trẻ suy nghĩ tự làm bài hoặc tự trả lời. Chỉ được giúp đỡ khi
trẻ thực sự gặp khó khăn.
4. Các bài tập cần vừa sức.
5. Cần nắm vững nội dung dạy
6. Có kỹ năng nói và giải thích
7. Việc dạy phải thường xuyên liên tục và lâu dài

9.Cần tập một số thói quen tốt cho trẻ

1. Dạy luôn đi kèm với kiểm tra đánh giá.


2. Hiểu đúng về việc dạy con ở nhà.

Cá nhân mình thấy, nếu làm tốt 10 nguyên tắc trên đây thì việc dạy con ở nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng, bớt
căng thẳng, bớt áp lực.
PHẦN 2: CÁCH GIÚP TRẺ HỌC TỪNG CHƯƠNG
Cuốn sách viết theo chương trình sách giáo khoa cũ. Nội dung cụ thể không phù hợp trong giai đoạn hiện
nay nữa nhưng mình nghĩ, những nguyên tắc chung, những chuẩn kiến thức và kỹ năng thì vẫn còn giá
trị. Trong mỗi bài tương ứng với các phần trong SGK đều có 3 phần:
A. Các vấn đề chung
B. Cách dạy trẻ học
C. Giúp trẻ giải một số loại bài tập
Mỗi phần “Các vấn đề chung” đều có 3 mục:

1. Giới thiệu nội dung của chương


2. Giới thiệu yêu cầu mà trẻ phải đạt được sau mỗi chương
3. Giới thiệu cách kiểm tra để biết trẻ đã thật sự đạt được các yêu cầu đó chưa.

Dù là viết theo nội dung sách cũ, nhưng mình nghĩ: chuẩn kiến thức kỹ năng cho học sinh từng khối lớp
phần lớn vẫn không thay đổi, có chăng chỉ xê dịch chút ít. Về cơ bản, lớp 1 vẫn học cộng trừ nhân chia …
lớp 5 vẫn học số thập phân, phân số…
Trong hoàn cảnh hiện nay, sách giáo khoa nhiều bộ, cải tiến cải lùi nọ kia… càng hoang mang thì càng
cần tìm bến đậu. Chốn neo đậu vững bền nhất là các giá trị cốt lõi. Trong hoang mang hãy bám vào chắc
vào các giá trị cốt lõi. Kiến thức cốt lõi của nhân loại ngàn đời nay vẫn trường tồn, có chăng chỉ là cách
truyền đạt khác đi mà thôi.
Không chỉ riêng môn Toán. Những nguyên tắc trong cuốn sách này luôn có thể áp dụng với các môn
khác.
Năm mới, nói về quyển sách cũ. Hy vọng nó có ích.
Chúc các bạn hạnh phúc và thành công.
DẠY MÀ NHƯ KHÔNG DẠY
Hồi trước, mình có dùng cụm từ “dạy mà như không dạy” trong một bài viết, có bạn hỏi “làm thế nào để dạy
mà như không dạy”? Nay mình xin chia sẻ một trong vài “mánh”.
Bạn đã xem bộ phim này chưa? Nếu chưa, hãy nhấn vào đường link bên dưới. Bộ phim chỉ dài 8 phút thôi.
Bạn đã xem rồi chứ? Bạn thấy khóe mắt mình cay cay?
Xin chúc mừng.
Bạn không hiểu gì cả?
Không sao. Bạn có thể xem lại lần nữa được không?
Bạn có cảm thấy xúc động chút nào không? Chỉ một chút xíu thôi?
Không sao cả.
Rồi, giờ bạn hãy mở Google, bạn tìm kiếm với từ khóa Father and daughter.
Bạn hãy đọc nhanh khoảng 3 bài viết về bộ phim này.
Rồi, giờ bạn hãy tìm cách để “dụ” bạn đời của bạn cùng xem phim. Bạn có thể giả ngơ, làm như không biết:
“anh ơi (em ơi), sao cái bộ phim này mà cũng được giải Oscar, và được tới hơn 40 giải thưởng danh giá khác
nhỉ. Xem mà chả hiểu gì cả nhỉ…
Kệ, cứ thế đi…
Rồi, bạn hãy tìm cách tự nhiên nhất để “dụ” cho cục cưng của mình xem phim.
Đừng nói với con rằng: Bộ phim này hay lắm, xem tốt lắm, con phải xem đi…
Bạn hãy tìm lý do tự nhiên nhất, thoải mái nhất. Bạn nhờ con giải thích dùm một đoạn nào đó hoặc đơn giản
là để con bị lôi cuốn bởi tiếng nhạc trong phim. Tóm lại là để con xem một cách tự nhiên, không gượng ép.
Bạn nhớ kinh nghiệm về cái ly rỗng chứ?
Trẻ con khi xem phim này có thể sẽ không hiểu nhiều.
Không sao.
Bạn hãy chỉ cho con, hãy giải thích cho con: Đây là bố và con gái… Bố lên thuyền và chèo đi, con gái đợi bố
về … thời gian trôi đi, con gái vẫn ra bến sông đợi bố …giờ cô gái đã thành một bà già, cô vẫn ra bến sông
chờ bố…
Nếu bạn không có nhiều ý tưởng để kể thì những bài đọc lúc trước sẽ giúp bạn. Bạn cứ thoải mái ngụp lặn
trong cảm xúc và tưởng tượng của mình. Bạn có thể nói về tình yêu thương, về bánh xe thờ gian, về hoạt hình,
về màu sắc, về âm nhạc…
Con bạn bật khóc? Không sao cả. Nó là cần thiết mà.
Gần 20 năm trước, bọn mình cho Gấu anh xem bộ phim này. Mình không rủ con xem. Chỉ có hai vợ chồng
mình xem, Gấu anh ngồi chơi bên cạnh. Một lát, thấy ba mẹ bàn tán, Gấu chen vào nằm giữa và cùng xem.
Lần đầu không hiểu, ba mẹ giải thích. Lần sau xem lại, mắt con đỏ hoe rồi gục đầu vào vai ba và nói “Thương
bố”...
Gần 10 năm sau, Gấu bố lại cùng Tôm xem phim. Lần đầu, Tôm gật gù: “Được bố yêu”.. Vài lần sau, Tôm
bảo: Thôi ba tắt đi, đừng xem phim này nữa, buồn lắm, con không chịu được…
Bạn có thể kể với con rất nhiều điều: về tình gia đình, tình cha con thắm thiết, về niềm tin mãnh liệt nơi cô
gái, về những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ thời thơ ấu, về chuyển động của thời gian, về những quy luật của đời
người, về những khao khát cháy bỏng trong tâm hồn, khao khát được yêu thương …
Bạn có thể chẳng cần nói gì. Nghệ thuật đỉnh cao sẽ tự lên tiếng.
Có thể con bạn chẳng thấy gì, chẳng nói gì. Cũng chẳng sao. Đến một lúc nào đó, đủ nắng đủ gió, cây sẽ lớn,
trái sẽ chín.
Dạy con đôi khi không cần nhiều lời.
Nhìn cây sửa đất
Năm 2018 bọn mình sang thăm con trai. Gấu thuê cho ba mẹ một căn hộ gần nơi ở của con.
Lúc dẫn ba mẹ vào nhận phòng, Gấu cẩn thận mở điện thoại check từng thứ một, hướng dẫn ba mẹ cách sử
dụng rất tỉ mỉ.
Ngày trả phòng, mặc dù ba mẹ đã dọn dẹp rất kỹ theo hướng dẫn của con. Vậy mà trước khi rời đi, hắn còn
mở điện thoại kiểm tra một loạt các đề mục, đi từng ngóc ngách săm soi. Rồi hắn kiểm tra thùng rác. Ba mẹ
đã được dặn là buộc túi rác lại trước khi rời đi. Hắn mở ra, buộc lại cẩn thận rồi đem bỏ vào thùng rác theo
quy định.
Không phải hắn là người quá kỹ tính mà hắn là người biết tôn trọng các quy tắc cộng đồng.
Đi ra phố, hắn luôn dòm theo mẹ. Bữa đến ngã tư ngã năm gì đó, thấy ô tô dừng lại hết lượt, thấy một người
đàn ông da màu bước ngang qua đường, Gấu mẹ cũng dợm chân bước theo. Liền bị hắn kéo lại. Gấu mẹ
phân bua: Thì mẹ thấy ô tô dừng lại hết rồi, lại thấy ông kia cũng bước xuống nên mẹ định bước theo.
Gấu anh nghiêm khắc: Chưa có đèn xanh là mình chưa được bước xuống. Ai bước xuống là việc của người
ta, mình không được làm theo người ta.
Chẳng biết vô tình hay cố ý, hắn chỉ vào một bà mẹ đứng ngay bên cạnh đang cúi xuống nói gì đó với đứa
con nhỏ: Bà mẹ này đang dạy con: Không phải thấy ai làm gì mình cũng làm theo, không phải thấy người
đàn ông kia sang đường mà mình cũng bước xuống. Phải chờ đèn xanh cho người đi bộ bật lên mới được
sang đường.
Giọng hắn rất nhẹ nhàng mà nghiêm khắc. Ghê thiệc chứ không đùa. Gấu mẹ cũng hơi tự ái. Nhưng phải
công nhận hắn có lý.
Hôm đi tàu siêu tốc xuống Toulouse, lúc đi qua đoạn đường hầm, Gấu mẹ bị ù tai. Lúc ra khỏi đường hầm,
Gấu mẹ nói gì đó liền bị Gấu anh ra hiệu ngăn lại. Gấu mẹ nhìn quanh và rất ngạc nhiên thấy người xung
quanh đang nhìn mình. Thì ra vì bị ù tai nên Gấu mẹ đã nói rất to. Gấu anh giảng giải: ở những nơi đông
người, không nên nói quá to, chỉ nên nói khi cần thiết và nói vừa đủ nghe. Hic, bình thường gấu mẹ cũng
nhỏ nhẹ chứ đâu có ăn to nói lớn.
Hắn còn bồi thêm: nhìn vào cái bàn trước mắt là người ta biết ngay mình là dân châu Á, mới đến. Gấu mẹ
chưa hiểu, hắn giải thích: Người châu Âu đi tàu thường là đọc sách hoặc yên lặng. Người châu Á mình
thường mang theo đồ ăn vặt, bày đầy lên bàn và nói cười rất thoải mái..
Ừ, đúng thật.
Một bữa vào nhà hàng. Khách rất đông và phải đợi rất lâu. Gấu mẹ rất sốt ruột, mà thấy con vẫn kiên nhẫn
ngồi đợi, không chút gì tỏ ra khó chịu. Gấu con giải thích: Ở đây nó vậy. Tiền công ở Pháp rất cao. Muốn
nhanh thì phải thuê thêm người. Mà thêm người là thêm chi phí, sẽ tính vào giá thành. Nhà hàng không muốn
tăng giá nên khách đành phải đợi.
Vào thăm các Bảo tàng cũng vậy, khách nhiều khi phải xếp hàng rất lâu nhưng không thấy ai kêu ca phàn
nàn gì. Xếp hàng kiên nhẫn và lịch sự.
Hắn là dân lập trình nhưng hồi mới đi làm cho một ngân hàng, hắn đi học thêm về tài chính nên hắn hiểu
biết về tài chính cũng nhiều, ghê lắm.
Thế nên khi Tôm sang Đức, giao em cho hắn là Gấu mẹ yên tâm đắp chăn ngủ kỹ.
Bữa đi du lịch, có cả bạn gái (sau này là vợ Gấu) đi cùng. Gấu mẹ chụp ảnh lia lịa, con bảo nhỏ: Mẹ muốn
đăng ảnh ai lên fb, phải được sự đồng ý của người đó, nhất là trẻ em.
Nhớ hồi mẹ mới tập tọe chơi fb, hắn “dạy” mẹ: Mẹ đọc nhưng đừng tin tất cả. Thấy bài viết hay thì nên
like, thả tim để động viên người viết, đừng đọc rồi lẳng lặng bỏ đi.
Mấy tuần đi thăm con, Gấu mẹ học được vô số điều có ích. Từ những cái rất nhỏ nhưng đều không thể bỏ
qua.
Hai mươi mấy năm mình dạy con, rồi đến lúc nó lại dạy lại mình. Đôi khi cũng ấm ức nhưng không thể
không công nhận: Bọn trẻ nhiều khi nói đúng, nó khôn hơn mình.
Tết Dương lịch, Gấu bố nhớ con, thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những câu hắn nói. Nhớ giọng hắn cao vóng, líu
lo như con gái: Lấy cái tớc nờ vít … cái áo ba nỗ …
Vậy mà giờ hắn đã trưởng thành, là công dân Pháp, có vợ và sắp về thăm hai bác Gấu già.

CHUYỆN VỀ NHỮNG CUỘC THI


Nhân đọc bài “Hủy hơn 11.500 bài thi chung kết Trạng Nguyên Toàn tài ”, mình xin chia sẻ chuyện có
thật về một cuộc thi.
Khoảng chục năm trước, mình được phân công hỗ trợ thi Violympic Toán, sau đó là Violympic Toán
tiếng Anh và một vài cuộc thi khác.
Phải nói các cuộc thi với mục đích ban đầu được thiết kế rất nhân văn, công bằng và hữu ích. Nó được hỗ
trợ và phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả trên khắp cả nước. Nhiều chính sách hỗ trợ cho nó giống như
nước đẩy thuyền lên vậy…
Khỏi nói, các phụ huynh đã nhiệt thành hưởng ứng như thế nào.
Rồi một năm, mình phát hiện ra một lỗ hổng chết người trong việc tổ chức thi.
Ai đã từng luyện thi và tổ chức thi Violympic Toán thì đều biết: Học sinh thi xong vòng 9 thì được tham
gia thi vòng cấp trường (vòng 10), sau đó thi tiếp đến vòng 14 thì được thi vòng 15 cấp Quận…
Các vòng cấp trường và cấp Quận thường được mở trong 3 ngày. Các địa phương chọn 1 trong 3 ngày,
hoặc có thể tổ chức thi trong cả 3 ngày.
Trước đó, giáo viên phụ trách thi phải đăng nhập với tư cách giáo viên để lấy mã đề.
Năm nào mình cũng được phân công lấy mã đề thi cấp trường.
Mình phát hiện ra: Ai cũng có thể khai báo là giáo viên và đều có thể lấy mã đề vì lúc đó chưa có hệ
thống xác thực giáo viên. Phụ huynh cũng có thể làm thế.
Và như vậy, mình hoàn toàn có thể lấy mã đề, lấy đề cho học sinh thi thử. Tất nhiên mình sẽ dùng nick
giả, khai báo là gv ở đơn vị khác. Học sinh của mình cũng vậy, tên khác, trường khác, quận khác là OK.
Học sinh của mình sẽ tha hồ luyện tập chán chê bằng nick ảo trong ngày thi thứ nhất. Sang ngày thi thứ
hai, thậm chí ngày thứ ba mình mới tổ chức thi thật. Lúc đó học trò của mình đã học thuộc đề thi, luyện
nhuyễn như cháo chảy, điểm tuyệt đối nằm trong tầm tay.
Mình biết có trường đã làm như vậy, đồng nghiệp của mình cũng có người làm như vậy.
Mình thì sợ. Mình báo cáo với sếp. Mình chỉ rõ cho sếp biết nếu làm như thế như thế thì … như thế…
Mình cũng có thông báo với ban tổ chức.
Thực ra việc lấy mã đề thi cho học sinh luyện trước không phạm luật, không nằm trong những việc bị
cấm. Nhưng làm như vậy là không công bằng cho tất cả các thí sinh.
Mình không dám.
Sau đó mình tự rút.
Mình không biết sau này, khi giáo viên có mã định danh, người ta có còn làm thế nữa không. Nhưng lúc
đó nhìn vào kết quả điểm thi của học sinh một số trường, thấy nghẹn đắng.
(Còn nữa)
CHUYỆN MÙA THI
Dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường … qua các trang hội nhóm dành cho cha mẹ học sinh. Thấy đồng
loạt, đầy ăm ắp các chia sẻ Đề cương, Đề thi, Công thức …
Đủ các bí kíp, có cả bảng tổng kết, sơ đồ tư duy, cho tất cả các môn, cho tất cả các cấp.
Hay wá, tuyệt vời wá, cho em Share nhé.
Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn…
Download Download Download Download …
Tuyệt vời ông mặt trời.
Chỉ trong chốc lát, bố mẹ có ngay một tập dày nặng đủ các thể loại đề cương, đề thi, công thức, đáp án, trắc
nghiệm, tự luận, vân vân, … đủ cả.
Về nhà, đặt tập tài liệu xuống bàn: Này, có tập tài liệu này hay lắm, con ráng làm đi nhá
Đứa con mặt nhăn như bị: Con đang bận mà mẹ…
Bận gì mà bận. Suốt ngày chỉ ăn với học, chả phải động tay động chân làm việc gì mà lúc nào cũng kêu bận.
Bận chơi game thì có. Thôi, cố mà học đi. Học thì ấm vào thân vào xác ấy chứ học cho ai? Học đi, đừng có
lười, bố mẹ đi làm đây.
Vậy là bố mẹ yên tâm ra khỏi nhà, hài lòng là đã tích cực quan tâm trợ giúp con mình.
Tối về, thấy tập tài liệu vẫn y nguyên, thằng con không hề động đến. Quái, mình mất bao nhiêu công sức sưu
tầm giúp nó, nó không thèm động đến là sao?... Con với cái, bố mẹ nói chẳng chịu nghe lời … Bực mình quá
đi!
À há…
Bố mẹ có biết: Thầy cô của con không thiếu những đề thi, đề cương, đáp án. Đầy rẫy trên mạng. Thầy cô còn
có những nơi để chia sẻ xịn mịn, tin cậy hơn cơ.
Con cũng đang ngập đầu với với vô số những đề thi mà thầy cô giao. Con đâu có thiếu?
Bố mẹ không biết, hay có biết đã vô tình chất thêm gánh nặng lên đầu các con. Miệng thì kêu chương trình
nặng, kêu bài vở nhiều. Vậy mà vẫn ngang nhiên ấn thêm cho con vài tập đề kiểm tra với đề luyện thi tự sưu
tầm và truyền tay nhau.
Đề thi mỗi nơi một kiểu. Thầy cô nhìn phát biết ngay đề nào trên mạng, văn nào văn mẫu, lấy ở đâu, ở trang
nào… thầy cô tiếp xúc hàng ngày, làm gì chả biết. Cần bao nhiêu chả có, bố mẹ cần gì phải sưu tầm thêm?
Chuyện về đề cương.
Cuối mỗi kỳ, mỗi môn, thầy cô thường giao các câu hỏi ôn tập, yêu cầu học sinh ôn tập, trả lời, gọi là đề
cương.
Thị trường tràn ngập. Ra hàng phô tô, loại gì cũng có. Bỏ ra dăm chục ngàn cho một quyển đề cương, vài
trăm ngàn cho tất cả các môn. Vừa rẻ, vừa đẹp, vừa tiện.
À há…
Đề cương là để các con tự ôn tập, tự tổng kết để tự trau dồi, luyện tập, khắc sâu kiến thức của mình.
Bố mẹ mua hộ, làm hộ rồi, thì con HỌC gì đây?
Các công thức, bảng tổng kết, kể cả sơ đồ tư duy là các sản phẩm mà người học tạo ra trong quá trình học
nhằm giúp mình khắc sâu kiến thức. Vấn đề là tự người học phải tạo ra thì mới có tác dụng. Thiên hạ làm hộ
hết rồi thì còn học với hành gì nữa?
Thử kiểm tra xem bao nhiêu công thức với bảng tổng kết với sơ đồ tư duy này nọ mà không tự mình làm ra,
nhìn vào có thấm? Thấm được bao nhiêu? Bao nhiêu đứa con đã sử dụng những thứ mà bố mẹ đưa về? Học
được những gì từ những thứ người khác làm sẵn, không phải tự mình tổng hợp, đúc rút ra?...
Việc dùng các đề cương có sẵn, tưởng là để giúp con tiết kiệm thời gian, thực chất là đã dạy cho con cách ăn
sẵn, cách học hời hợt, thụ động, lười biếng.
Nên chăng cha mẹ cứ để việc học cho con. Đừng làm hộ con nữa. Đừng học hộ con nữa.
Việc dạy, việc ra đề, việc kiểm tra, là của thầy cô, cứ để con làm theo hướng dẫn của thầy cô.
Đừng có làm thay việc của thầy cô nữa.

VIỆC HỌC THÊM CÓ THẬT SỰ QUAN TRỌNG KHÔNG


HAY LÀ CÓ NÊN CHO CON ĐI HỌC THÊM KHÔNG?
Nhân việc bạn Nhung Hong Nguyen vừa tạo cuộc thăm dò: “Việc học thêm là (có) quan trọng thật sự cho con
mình không?”.
Câu trả lời của mình là CÓ.
Xin chia sẻ góc nhìn của cá nhân mình với tư cách vừa là nhà giáo, vừa là phụ huynh.
Mình là phụ huynh có 2 con trai đã trưởng thành.
Mình cũng là cô giáo. Mình dạy thêm và con mình cũng đi học thêm.
Mình cũng là người tích cực khuyến khích con mình tự học.
Việc học của hai con mình thực sự nhẹ nhàng, không áp lực.
Mình cũng không vất vả chạy đua vũ trang trong việc đưa con đi học thêm.
Có gì mâu thuẫn không?
KHÔNG
Thực tế
Mình đã cho con đi học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, học đàn ghi ta, học bơi, học bóng rổ, học phần cứng máy
tính, học kỹ năng sống …
Đó là những khóa học mình cho là rất cần thiết mà nhà trường không thể dạy cho các con.
Không thể học tốt tiếng Anh trong những lớp học đông tới 50-60 học sinh, với thầy cô được tăng cường từ
môn tiếng Nga sang dạy tiếng Anh … Không thể học tốt với những thày cô mỗi ngày đứng lớp nói ra rả 6-8
tiết, cuối buổi mặt mũi phờ phạc thở không ra hơi ở các trường công.
Con mình phải đến lớp học thêm đàn ghi ta vì ở trong trường không có. Mình quan niệm: con phải học để biết
chơi một nhạc cụ để nó là bạn của con trong những lúc cô đơn, trống vắng.
Âm nhạc giúp phát triển IQ và EQ.
Học bơi là học kỹ năng sinh tồn. Hàng năm cứ vào dịp hè hoặc kết thúc năm học, cứ nghe tin bọn trẻ con chết
vì đuối nước, tim mình như nghẹt lại. Hai vợ chồng nhất trí cho con đi học bơi …
Học bóng rổ để rèn luyện sức khỏe, để tăng khả năng giao tiếp, hòa nhập.
Học kỹ năng sống, tất nhiên rồi để có kỹ năng sống tốt hơn.
Hai con mình lớn lên ở thành phố, mặc dù bố mẹ đã cố gắng dạy dỗ, các con ngoan nhưng chắc chắn không
thể toàn diện.
Học thêm một khóa kỹ năng sống để khắc phục bớt những chỗ còn thiếu hụt.
Riêng về kỹ năng sống: Mình thấy mình không thể ngồi cả ngày cả buổi để dạy cho con về đạo đức, về lòng
biết ơn, về nhiều thứ … Rõ ràng là không thể.
Nhưng có một nơi họ tạo ra môi trường và không khí để làm việc đó. Họ có những thầy cô được đào tạo để
chuyên làm việc đó, để dành cả ngày để huấn luyện con mình suy nghĩ về mục tiêu cuộc đời, về lòng biết ơn,
về tư duy đúng. Nên mình gửi con đến học.
Tất nhiên mình đã tìm hiểu rất kỹ trước khi gửi con đến đó.
Gấu được học thêm về phần cứng máy tính, con trở nên tự tin hơn rất nhiều khi tự tay lắp ráp được chiếc máy
tính đầu tiên của mình.
Tôm tự học lập trình đồ họa, học vẽ ô tô trên Youtube …
Bản thân mình cũng đến các lớp học thêm về gõ 10 ngón, về Yoga, thiền …
Rõ ràng, muốn phát triển toàn diện thì học ở trường là không đủ, phải học thêm là chắc chắn.
Nhưng mình không cho con mình học thêm các lớp đội tuyển ở trường. Mặc dù mình là giáo viên, con có thể
được học miễn phí.
Đơn giản vì con không thích, mình cũng thấy không phù hợp. Thế thôi.
Mình không ép con thi học sinh giỏi hay các cuộc thi này nọ … mình giành thời gian cho con tự làm giàu tri
thức của mình.
CÒN VIỆC HỌC TĂNG CƯỜNG Ở TRƯỜNG THÌ SAO?
Ở Tiểu học, con mình không đi học thêm nhưng tự học thêm ở nhà với sự trợ giúp của mẹ.
Cấp 2: Việc học tăng cường là không tránh khỏi. (Cứ xác định là không tránh khỏi đi)
Chỉ học chính khóa ở trường là không đủ.
Cả hai con mình học ở trường công. Mình xác định: các tiết học chính khóa ở trường, với lượng học sinh đông
45-55 hs/lớp, và với rất nhiều lý do khác, các thầy cô không thể truyền đạt hết nội dung kiến thức cần thiết
trong mỗi buổi học.
Nên các buổi học thêm là cần thiết.
Tùy theo mỗi trường gọi là tiết tăng cường hay phụ đạo, học ở trung tâm liên kết hay thuê phòng học nhưng
vẫn là thầy cô đang dạy con trên lớp.
Không phải thầy cô nào cũng nhăm nhăm dạy để kiếm tiền. Họ cũng rất lo cho chất lượng, cho thành tích
chung của lớp, của trường.
Thầy cô là người nắm rõ sức học của con, phần nào đã dạy, phần nào chưa, phần nào cần củng cố. Các thầy cô
cũng thường xuyên được tập huấn chuyên môn, được cập nhật tình hình dạy học, thi cử…
Nên mình cho con học phụ đạo do thầy cô đang dạy ở trường dạy.
Tuy nhiên, các con chỉ chọn một số môn.
Gấu thì học Toán, Văn, Lý, Hóa.
Tôm thì học Toán, Văn, Lý, tiếng Đức. (mỗi tuần 2-4 tiết/môn)
Ở lớp học thêm, thầy cô giáo chia lớp thành 2 nửa, tùy theo trình độ. Các bạn học tốt thì nâng cao thêm, các
bạn trung bình thì học thêm cơ bản. Mình thấy lớp học này cũng ổn.
Ngoài ra các con không học thêm ở chỗ khác.
Lên cấp 3, cả Tôm và Gấu hầu như không học thêm các thầy cô của mình. Các con đã lớn và tự quyết định.
Lúc này các con đã có khả năng tự kiểm soát, tự học, nên mình mua các khóa bài giảng online cho các con.
Học online có ưu điểm: Các con được chọn thầy cô mà mình thích, được nghe đi nghe lại những chỗ mình
chưa hiểu.
Mình cho các con lựa chọn: Hoặc là tự học ở nhà thì phải tự giác. Hoặc là đi học ở các Trung tâm như các
bạn.
Các con chọn tự học ở nhà.
Trong thời gian đại dịch Covid, Tôm học ở nhà rất ổn vì con đã có thói quen tự học online.
Với cá nhân mình, dù học ở đâu, ý thức tự giác của con là quan trọng.
Với phụ huynh, biết chọn gì, bỏ qua cái gì, giúp con như thế nào là quan trọng.
Cách học phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực của con có tác dụng tốt. Các con mình không phải là học
sinh xuất sắc, không có thành tích nổi bật nhưng cho đến giờ, các con bắt nhịp khá tốt với giáo dục Châu Âu.
Gấu học Đại học ở Pháp, đã tốt nghiệp và có công ăn việc làm tốt ở Pháp.
Tôm hiện là du học sinh ở Đức. Con hài lòng với cuộc sống hiện tại.

ĐỪNG ĐỤNG VÀO CÂY MÙA LÁ RỤNG


(Chuyện không định kể)
Ở một khía cạnh nào đó, mình là người nhát.
Mình hay lo sợ.
Hồi còn đi học, mình chứng kiến nỗi đau vô cùng tận, sự tan nát của một gia đình có con trai nghiện ma túy.
Mình sợ nỗi đau khổ ấy.
Sau này khi làm cha làm mẹ, mình hiểu hơn nỗi vất vả của bố mẹ. Mình sợ. Mình tự nhắc mình học cách nuôi
dạy con, cố gắng tránh xa những thói hư tật xấu.
Mình sợ những nỗi đau đến nỗi mình lo lắng dạy con từ khi còn nhỏ xíu, dạy để tránh những sai lầm chứ
không đợi khi gặp sai mới sửa.
Khi lập gia đình, chuyển về nơi ở mới, mình chứng kiến cảnh một gia đình anh em huynh đệ tương tàn, bố mẹ
sống cũng như không chỉ vì tài sản đất đai. Mình sợ. Mình tự nhủ: Tài sản đất đai nhiều không hẳn đã mang
lại hạnh phúc. Có trí tuệ, có hiểu biết, có nhân cách tốt mới thực sự là gốc rễ vững bền của hạnh phúc. Nên
mình chú ý rèn con nhân cách.
Một lần bọn mình đưa Gấu anh đi chơi Bờ Hồ (nhân dịp lễ gì đó). Bọn mình bị cuốn vào một đám đông. Trời
ơi, mình chỉ nhớ lúc đó chung quanh người đông nghịt. Dòng người đông như nêm cối nhích từng bước, từng
bước. Trời mùa đông mà nghẹt thở, vã mồ hôi. Gấu bố phải công kênh Gấu anh lên cổ, hai vợ chồng chẳng
còn tâm trí nào để vui chơi ngắm cảnh, vội vã tìm mọi cách thoát khỏi đám đông.
Từ đó bảo nhau tránh xa, không dám đưa con vào những chỗ quá đông người.
Năm 2004, hai mẹ con từ trường về và bị tắc ở đường Trường Chinh. Điều kinh khủng là lại tắc đúng chỗ cây
xăng.Tắc cứng. Nhìn sang bốn phía, chỗ nào cũng đặc kín người. Những nhà dân hai bên đường vẫn để
nguyên những bếp than tổ ong đang cháy trên vỉa hè.
Mình sợ.
Mình kinh hoàng nghĩ: Nói dại, nếu chẳng may, có một ông đàn ông nào vô ý châm một điếu thuốc, vứt một
mẩu tàn ở giữa biển người sặc sụa mùi xăng này thì chẳng biết sự thể sẽ ra sao. Hay chỉ một chiếc xe máy
chẳng may bị đổ đúng vào bếp than kia thì thiệt hại cũng không hề nhỏ… Mình sợ. Từ đó, mình tránh giờ tan
tầm, muộn lại một chút, đường có thể vẫn còn tắc nhưng không đến nỗi tắc cứng. Hôm ở đường Trường
Chinh thật sự là một trải nghiệm đáng sợ.
Mình dạy con: Tránh xa chốn đông người, nhất là những đám đông đang cuồng loạn. Thôi thì: …
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn người đến chốn lao xao…
Chẳng phải cứ tìm đến chốn đông người mới tìm được nguồn vui.
Nói chung mình sợ nhiều thứ.
Mình sợ va chạm nên lấy câu: “Một điều nhịn chín điều lành” để nhắc mình. Tránh những tranh cãi thắng thua
lấy được, dồn đối phương đến bước đường cùng.
Ra đường mình đi từ tốn, nhường đường là chính, không dám đi ẩu, không dám tranh thủ vượt.
Hồi mình đã có gia đình nhưng còn trẻ, cũng có vài người thích, rủ rê. Mình không dám, cũng vì mình sợ.
Mình sợ cảnh giấu diếm, nói dối. Sợ phải đánh đổi một gia đình tuy không hoàn hảo nhưng yên ấm lấy vài giờ
sung sướng nhất thời.
Rồi hình như tính cả sợ của mình lây sang cả chồng con.
Gấu Bố cũng thường tâm sự: Hồi đi dạy học, có không ít cám dỗ đến từ sinh viên, từ đối tác, từ đồng nghiệp
… Nhưng Gấu bố không dám cũng vì sợ.
Gấu bố sợ làm làm ảnh hường đến hai từ “Thầy giáo”. Gấu bố sợ làm Gấu mẹ và các con buồn; Sợ bị hai
thằng con tẩy chay, coi thường…
Chung quy lại là vì sợ.
Gấu Anh thì kể: Hồi học Đại học, sở dĩ con “qua” được là vì con sợ. Con sợ trượt nên con cố gắng học.
Cùng lớp con có nhiều anh rất giỏi (vốn học ở các trường chuyên) vẫn bị trượt. Trong số 5 người VN học
INSA cùng khóa, chỉ có Gấu anh và một bạn nữa ra trường đúng hẹn, còn lại hoặc bị buộc chuyển trường,
hoặc tốt nghiệp muộn do nợ môn.
Tóm lại, ở một góc độ nào đó, biết sợ cũng đem lại nhiều điều có lợi.
Ý mình nói là BIẾT sợ. Sợ ai, sợ cái gì chứ không phải thấy cái gì cũng sợ.
Và cũng vì biết sợ nên bọn mình thường dạy các con: luôn sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để
không bị động.
Luôn biết đánh giá đúng bản chất vấn đề để không thất vọng. Vì kì vọng không đúng mức đôi khi làm ta thất
vọng.
Biết sợ, nhiều khi là cần thiết.

ANH EM GẤU
Fb nhắc kỷ niệm 5 năm về trước, ngày Gấu anh tốt nghiệp INSA (Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp).
Nay hắn là công dân Pháp, làm việc cho một công ty của Anh ở vị trí kỹ sư cao cấp. Hắn nói, ở công ty mới
mọi người đều rất giỏi, đặc biệt là các kỹ sư người Đông Âu. Họ là nguồn nhân lực giá rẻ, có tính cạnh tranh
cao. Việc công ty chấp nhận tuyển Gấu anh với mức lương tăng hơn 20% so với công ty cũ của Pháp là vì họ
cần một người được đào tạo bài bản, làm việc nghiêm túc để xốc lại tình hình. Các kỹ sư được đào tạo ở Đông
Âu mặc dù rất thông minh, không phải trả lương cao nhưng lại "rất lôm côm".
Xem ra ở đâu cũng cần những người làm việc nghiêm túc, được đào tạo bài bản. Bằng cấp không phải lúc nào
cũng là những yếu tố quyết định.
Lại nói chuyện thu nhập và thuế.
Hồi Tôm chuẩn bị du học, anh Gấu bảo: Ba mẹ để con lo kinh phí cho em Tôm.
Ba mẹ Gấu thì không muốn thằng em phải nhận tiền từ thằng anh. Anh em kiến giả nhất phận. Giờ anh đã lập
gia đình, mọi chuyện đã khác, ngoài anh còn có chị dâu, có gia đình của anh nữa. Nghĩ vậy nên bố mẹ Gấu từ
chối dứt khoát: Ba mẹ muốn thằng em yên lòng nhận tiền trợ cấp từ ba mẹ khi ba mẹ còn có thể. Tiêu tiền của
bố mẹ khác với tiêu tiền của anh trai.
Gấu anh giải thích: Nếu con nhận nuôi em Tôm ăn học thì con được giảm trừ thuế.
Gấu mẹ chẳng hiểu gì về thuế, nghe vậy cũng ậm ừ biết vậy, trong thâm tâm vẫn nhất quyết: Ba mẹ còn lo
được, cứ để ba mẹ lo cho em, các con cứ sống tốt là ba mẹ vui rồi.
Khi thằng em sang Đức, chưa kích hoạt được tài khoản riêng nên anh Gấu làm cho thằng em một tài khoản
phụ để tiêu.
Thằng anh giải thích với thằng em: Ở Pháp người ta đánh thuế thu nhập rất cao, bù lại là các dịch vụ công rất
tốt. Người có thu nhập càng cao thì phải nộp thuế càng nhiều. Thu nhập của anh Gấu hiện nay đã ngấp nghé
giới hạn phải đánh thuế cao, nếu nhận chu cấp cho em Tôm ăn học thì anh được nhận mức thuế thấp hơn.
Chênh lệch giữa hai mức thuế đủ cho Tôm ăn học. Thay vì nộp thuế thì chuyển tiền ấy sang nuôi em Tôm.
Lợi cả đôi đường.
Gấu mẹ nghe thấy có vẻ hợp lý, cũng xuôi xuôi nhưng vẫn giao hẹn rõ ràng: Thay vì việc phải đóng thuế cho
nhà nước thì anh dùng tiền ấy trợ giúp em ăn học. Mọi chuyện phải rõ ràng (để ba mẹ cũng yên tâm mà Tôm
cũng đỡ áp lực).
Vậy mà hôm qua, thằng anh tuyên bố xanh rờn: Anh chỉ cho Tôm VAY tiền, khi nào học xong đi làm thì phải
trả nợ anh. Như thế mới có động lực mà phấn đấu!
Ôi cha mẹ ơi, Gấu mẹ suýt bổ chừng vì tuyên bố của thằng Gấu anh. Gấu bố thì cười ha ha khoái trá: Anh
Gấu nói quá đúng. Rõ ràng, sòng phẳng vẫn là tốt hơn. Thế mới có động lực phấn đấu chứ. Đàn ông là phải tự
lập, không cần dựa dẫm.
Chạ hiểu cái nước Pháp thực dân nó nuôi dạy kiểu gì.
Nhưng mà cũng may, cái thời buổi thóc cao gạo kém này, có anh Gấu đỡ đần cho cũng đỡ.
Chứ cứ mãi như ở VN, gấu bố mẹ xem ra cũng đuối.
P/s: Lớp học thử lập trình Scratch khai giảng 6h30 tối mai (thứ tư 19/10) các bạn nhé.

BẠN CỦA CON


Tôm học lớp 9.
Buổi trưa Tôm về nhà ăn cơm, con dặn mẹ: Mẹ, hôm nay không ai vào nhà mình mẹ nhé. Con muốn nghỉ tí,
chiều nay con có giờ học tiếng Đức.
Mẹ gật đầu. Ok!
Vậy mà ăn cơm xong, hắn bắc ghế ngồi gần cửa. Vài phút sau, thấy có vài bạn cùng lớp thập thò ngoài ngõ;
Tôm giơ tay ra hiệu từ chối.
Ba mẹ nhìn thấy, liền phê bình Tôm: con không muốn các bạn vào nhà thì con phải dặn trước chứ sao để các
bạn đến rồi con lại từ chối?
- Con nói rồi mà các bạn không nghe ạ.
- Con đã dặn mẹ là được rồi, sao con phải mang ghế ra cửa ngồi canh?
Tôm cười: Các bạn khôn lắm, các bạn đã phát hiện ra một điểm yếu chết người của mẹ Lý...
-
- Các bạn chỉ cần mang theo một quyển vở và bảo: cháu vào hỏi bài hay học nhóm với bạn NM là qua mặt mẹ
Lý ngay. Lúc đó dù con có dặn kiểu gì thì mẹ cũng quên luôn!
Hụ hụ... Công nhận. Riêng khoản này thì mẹ Lý cực kỳ nhẹ dạ.
Khổ nỗi, với những lý do "chính đáng" như thế, thì Gấu mẹ làm sao nỡ từ chối nổi?
Có điều nhà Tôm gần trường hôm nào có học phụ đạo là buổi trưa các bạn kéo vào rất đông. Có bạn rất có ý
thức, nhưng cũng có bạn quá hiếu động gây ồn ào ảnh hưởng giờ nghỉ trưa của mọi người. Tôm đành phải hạn
chế số bạn nên mới sinh chuyện các bạn "vượt rào".
Công bằng mà nói các bạn rất thích vào nhà Tôm. Phòng của Tôm có rất nhiều thứ để chơi. Và quan trọng là
các bạn luôn được ba mẹ Tôm tôn trọng và chào đón vui vẻ. Các bạn luôn ngạc nhiên với cách ba mẹ Tôm nói
chuyện với con và đối xử với các bạn của con.
Thực sự thì ba mẹ của Tôm thật sự quý và tôn trọng các bạn của con. Bạn của anh Gấu cũng vậy.
Hồi trước, anh Gấu có nhóm bạn chơi thân với nhau từ hồi cấp 2. Lên cấp 3 mỗi đứa một nơi nhưng vẫn thân
nhau. Cả nhóm 6 người, trừ một cô bạn gái, còn lại thì hầu như ngày nào cũng tập trung ở nhà Gấu. Chúng
gặp nhau để học bài hoặc đơn giản là để nói linh tinh đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Gặp bữa thì chúng ở
lại ăn cơm. Ba mẹ Gấu luôn mời chân tình, còn bọn chúng thì luôn nhiệt tình hưởng ứng.
Chúng rất thích nghe ba Gấu nói chuyện, chúng thích không khí vui vẻ ở nhà Gấu. Chúng chỉ về nhà khi
không thể ở thêm được nữa.
Ngày anh Gấu đi du học, trời mưa to gió lớn, các bạn vẫn tụ tập đông đủ để tiễn anh Gấu đi. Lần nào Gấu về
các bạn cũng đi đón. Anh Gấu xa nhà thì những bạn ở gần nhận trách nhiệm thường xuyên qua lại thăm hỏi ba
mẹ, nhắc nhở em Tôm. Có anh bạn thân học trường Y, thích về nhà Gấu hơn là nhà mình, giận nhau với bạn
gái thì qua nhà bạn Gấu để xả xì chét.
Không biết từ lúc nào, các con coi nhà Gấu như nhà mình, chuyện trò tâm sự cởi mở với ba mẹ Gấu.
Cũng vì thế mà Gấu mẹ có cơ hội để hiểu các con hơn, thấy được nhiều điều không phải ai cũng thấy. Chỉ cần
lắng nghe bọn chúng nói chuyện sẽ thấy rất nhiều điều thú vị, bố mẹ có nằm mơ chưa chắc đã gặp.
Hồi lớp 7, có lần bọn Gấu anh trốn học đi chơi điện tử. Cả bọn bàn nhau giấu biệt. Nhưng một người thì kín,
chín người thì hở. Qua vài câu chuyện hớ hênh lỡ mồm lỡ miệng, Gấu mẹ tóm được ngay. Giải quyết chóng
vánh mau lẹ. Tội nghiệp mấy anh chàng gần 10 năm sau vẫn khoái trá tưởng rằng đã qua mặt được bác Lý.
Hồi nhỏ Tôm có cậu bạn thân là con của một sếp lớn. Bạn rất hay sang chơi với Tôm.
Lên tiểu học bạn học ở trường quốc tế, Tôm học trường công lập, hai đứa ít gặp nhau. Dịp nào được nghỉ bạn
cũng đòi bố mẹ đưa sang nhà Tôm chơi.
Một bữa mẹ Lý đi làm về thấy Tôm đang hướng dẫn thằng bạn thân vo gạo, nấu cơm. Tôm lặp lại y chang
những lời lẽ và động tác mẹ đã hướng dẫn, cẩn thận và tỉ mỉ như một hướng dẫn viên lành nghề. Thằng bạn
thì cực kỳ hứng thú (con nhà sếp bự, có bao giờ được tự nấu cơm đâu).
Gấu mẹ rút ra bài học: những gì mẹ dạy, nếu đã vào đầu con thì nó chắc chắn, nó in sâu như đinh đóng cột
vậy.
Việc dạy con từ thuở còn thơ giống như mẹ viết lên giấy trắng. Viết rõ ràng cẩn thận, tác phẩm của mẹ sẽ đẹp
đẽ. Mẹ viết ẩu làm ẩu, kết quả sẽ chẳng ra gì.
Trở lại việc bạn bè của con.
Việc làm bạn với con và với các bạn của con có rất nhiều ích lợi.
Quan sát bạn của con, xem cách con cư xử với bạn, mình đánh giá được con mình là người như thế nào.
Có những việc nếu nói thẳng với con chưa chắc đã hiệu quả bằng việc đi đường vòng, thông qua các bạn của
con thì hiệu quả hơn nhiều.
Với nhà mình, việc tiếp xúc với các bạn của con đem lại một lợi ích rất lớn.
Vì nói chuyện với bạn của con, mình hiểu nhiều hơn về thế giới nội tâm của tuổi học trò, một thế giới mà
người lớn không dễ gì thâm nhập được.
Ở chiều ngược lại do nói chuyện với các bạn, tiếp xúc với bố mẹ của bạn, Gấu và Tôm hiểu được nhiều hơn
giá trị của gia đình, hiểu những giá trị yêu thương mà ba mẹ giành cho các con.
Các con nói rằng ba mẹ rất công bằng, dân chủ và tôn trọng các con.
Rằng các con thích được đổi xử như ở nhà mình hơn.
Đôi khi các con cũng biết so sánh và tự rút ra nhận xét.
Có lẽ vì thế mà Gấu và Tôm đều khá ngoan và dễ chịu.
Sự thật, các con mình cũng có đầy đủ những "tội lỗi" của bọn học trò như mải chơi, trốn học, bật lại thầy cô,
nói dối... Đủ cả. Nhưng chúng nhanh chóng nhận ra và sửa chữa kịp thời chứ không để đến nỗi tăng nặng, khó
bảo.
Có lẽ đó là phần thưởng ngọt ngào giành cho ba mẹ Gấu.

DU HỌC (P1)
#duhoc
Trong gia đình nhà Gấu, du học là mục tiêu quan trọng và là ưu tiên hàng đầu.
Từ những năm 70 ông nội đã bảo ba Gấu : “Con phải đi du học!”.(Lúc đó ba Gấu đang học cấp 3). Đến lượt
mình, ba Gấu cũng bảo với Gấu mẹ và Gấu con: “Con phải đi du học!”.
Gấu mẹ nhiệt liệt hưởng ứng. Gấu con cũng vui vẻ tán thành.
Vậy là chủ trương du học nhanh chóng được thông qua, mọi người triển khai thực hiện theo cách như Gấu bố
thường nói: “tập trung như tia lade vào mục tiêu”.
CHUẨN BỊ
1. Thời điểm du học: Du học ở bậc học phổ thông theo quan điểm của bố mẹ Gấu là hơi sớm, con chưa đủ
trưởng thành để sống xa nhà.
Học sau ĐH thì hơi muộn.
Bậc học ĐH là thích hợp nhất. Ở tuổi đó con vừa đủ trưởng thành, nhận thức và trí tuệ đang ở thời kỳ tốt nhất
và đẹp nhất.
2. Chọn nơi du học: Với các gia đình có điều kiện thì việc du học ở đâu là một quyết định đơn giản. Gia đình
Gấu chọn nước Pháp vì lẽ:
- Pháp có nền giáo dục chất lượng cao.
- Bằng cấp của Pháp được công nhận trên toàn châu Âu.
- Chính phủ Pháp hỗ trợ 90% học phí và nhà ở cho sinh viên các trường công. Vì vậy du học trường công ở
Pháp không tốn nhiều tiền, điều kiện sinh hoạt rất tốt. Kể cả không có học bổng thì du học trường công ở một
số nước như Pháp, Đức, Phần Lan tốn ít tiền hơn nhiều so với du học có học bổng (không toàn phần) ở Mỹ,
Anh...
3. Ngoại ngữ:
Mặc dù ở Pháp cũng có những trường đào tạo bằng tiếng Anh nhưng Gấu quyết định chọn trường nói tiếng
Pháp. Lên lớp 10 con mới học tiếng Pháp (học sớm hơn, Le'space cũng không dạy).
Trong những năm phổ thông Gấu học khá tốt tiếng Anh nên khi học thêm tiếng Pháp cũng đỡ khó khăn.
Ba mẹ Gấu luôn động viên con: dù gì thì con vẫn phải học tốt tiếng Anh, sau có học thêm tiếng Pháp cũng
thuận lợi hơn; Vả lại thanh niên ngày nay sử dụng tốt hai ba ngoại ngữ là chuyện bình thường.
Gấu anh rất chăm chỉ học tiếng Pháp. Tuần ba buổi tối học tiếng Pháp ở Le’space Gấu anh không nghỉ buổi
nào. Trong suốt mấy năm phổ thông con vừa học tiếng Anh, vừa học để thi Đại học, vừa học tiếng Pháp.
Thực tế sau này cho thấy, khi đi phỏng vấn xin việc hay khi đi làm, khả năng sử dụng tốt cả tiếng Anh và
tiếng Pháp là rất có lợi.
Hồi học phổ thông, Gấu anh được học tiếng Anh ở Apollo vài năm. Với vài người, Apollo học ít chơi nhiều.
Với mẹ Gấu, học học tiếng Anh với người bản ngữ ở những trung tâm có uy tín, con không chỉ học ngôn ngữ
mà còn học cách tư duy, phong cách của người nước ngoài.
Điều đó giúp con tiếp cận văn hóa, trưởng thành về nhận thức, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…
4. Tâm lý
Ngay từ khi còn nhỏ, Gấu bố Gấu mẹ đã “cài cắm” cho con tư tưởng du học. Không phải vì sính ngoại hay
khoe mẽ mà vì ba, mẹ Gấu quá hiểu giáo dục Đại học ở VN.
Ba Gấu thường hay khuyên các con: đi học ở nước ngoài là cơ hội để mở mang tầm mắt. Du học không chỉ
học để lấy bằng cấp mà còn là cơ hội để tiếp cận tri thức, văn hóa đỉnh cao.
Hàng ngày, Gấu con chứng kiến vô số những điều hay ho của ba mà con hiểu rõ là do ba được đào tạo bài bản
ở nước ngoài. Vì vậy nói chung phản ứng của Gấu con với việc đi du học là tích cực.(Ba Gấu học Kiến trúc ở
Cu Ba).
Tuy vậy, ba mẹ Gấu cũng thường bảo con: Đi ra nước ngoài là để học tập và rèn luyện. Đó là hành trình gian
khổ và không dễ dàng. Với ba mẹ Gấu, không có gì dễ dàng cả. Chỉ có chăm chỉ nỗ lực mới có thể thành
công. Việc cho con du học là tạo cho con một khởi đầu tốt. Phần còn lại phụ thuộc vào con.
Cũng vì quan niệm ra nước ngoài để học tập nên ba mẹ Gấu hoàn toàn không khuyến khích con phải đi làm
thêm để kiếm tiền. Thời gian rảnh rỗi con có thể đi du lịch, khám phá những điều mới mẻ hoặc học thêm một
khóa học vì càng về sau những cơ hội đó sẽ không có nhiều.
Nói đến du học thường hay nói đến hiện tượng sốc văn hóa.
Theo Gấu mẹ, vấn đề cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Đứa trẻ được yêu thương, được nuôi dạy bình thường
trong một gia đình bình thường, được dạy dỗ về lòng tự trọng, trung thực, cần cù và trách nhiệm là đủ khả
năng chống chọi với sự khác biệt văn hóa ở môi trường quốc tế.
Hồi học tiểu học, các cô giáo tiểu học đều nói rằng Gấu anh rất bình thường. Thì đúng thế. Cho nên Gấu mẹ
cũng dạy con theo cách của người bình thường.
Bố mẹ Gấu thường nói với các con: ba mẹ là những người bình thường, không thông minh gì, cũng không có
tài năng gì đặc biệt. Vì thế nên ba mẹ phải rất nỗ lực, rất chăm chỉ. Các con cũng vậy. Giá trị của các con là ở
chỗ các con làm việc chăm chỉ, nỗ lực. Nếu thông minh hay có tài năng đặc biệt, đó là may mắn trời cho chứ
không phải do các con tạo ra.
Vì vậy các con luôn phải khiêm tốn học hỏi, phải luôn luôn cố gắng. Đó mới là giá trị đích thực của các con.
Ba mẹ Gấu cũng luôn dạy các con phải tôn trọng các quy tắc sống trong cộng đồng.
Luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu và cảm thông với những điều họ làm.
Gấu con được thừa hưởng gen hòa đồng vui vẻ và hài hước của Gấu bố nên quan hệ bạn bè của con rất ổn.
Hàng ngày Gấu bố, Gấu mẹ thường xuyên trò chuyện với con và trò chuyện một cách rất bình đẳng. Ba mẹ
Gấu luôn tôn trọng ý kiến và quan điểm của con. Đứng trước một vấn đề nào đó, ba mẹ Gấu thường bày tỏ
quan điểm của mình một cách khách quan và giải thích kỹ càng với con. Điều này góp phần định hướng sự
hiểu biết và nhân cách của con.
Gấu bố kể: Có lần ra nước ngoài có vài sinh viên than phiền về việc người châu Á bị coi thường ở châu Âu.
Gấu bố trả lời: Ở phạm vi rộng thì khó nhưng ở phạm vi hẹp, các em hoàn toàn có thể cải thiện được thái độ
của người xung quanh đối với mình.
Bằng cách làm thật tốt công việc của mình, nghiêm túc, tôn trọng các nguyên tắc sống trong cộng đồng, làm
người có ích, đem lại các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, em sẽ được tôn trọng.
Ba mẹ Gấu cũng dạy con theo tinh thần đó.
5. Hồ sơ
Giữa năm lớp 11 đã phải gửi hồ sơ sang Pháp. Mỗi học sinh được đăng ký 3 trường. Mọi việc được thực hiện
online nên hoàn toàn minh bạch. Campus France là văn phòng chính thống hỗ trợ du học Pháp (ở 24 Tràng
tiền) hoàn toàn miễn phí. Ở đó người ta khá dị ứng với các trường hợp đi theo con đường của các công ty tư
vấn du học tư nhân nên tốt nhất là tự làm lấy.
Học ở Pháp sinh viên được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính phủ nên người Pháp cũng yêu cầu chất lượng đầu
vào khắt khe hơn. Phỏng vấn trực tiếp, yêu cầu phải đỗ vào ĐH mới được chấp nhận… vv… Tất nhiên phải
có học lực tốt và một số yêu cầu cụ thể khác nữa nhưng theo mẹ Gấu một thanh niên bình thường được nuôi
dạy một cách bình thường theo đúng nghĩa, học thực theo đúng nghĩa là hoàn toàn có thể vượt qua.
Thấm thoắt đã gần 10 năm. Năm 2017, Gấu anh là 2/5 sinh viên VN tốt nghiệp INSA đúng hẹn. Con nói, sở
dĩ con vượt qua được là do con biết sợ. Con sợ trượt nên con cố gắng.
Các bạn sang cùng đợt với con, học giỏi hơn con nhiều nhưng có đến 2 người bị buộc chuyển trường, 1 người
còn nợ môn chưa được tốt nghiệp.
OK. Biết sợ mà cố gắng là tốt rồi.
Bây giờ con đã là công dân Pháp và vừa ... lấy được vợ.
Mọi cố gắng của con đã được đền đáp xứng đáng.
P/s: Đây là chuyện của 20 năm trước, là hành trình khai phá. 10 năm sau, đồng hành cùng Tôm du học Đức
thì cũng khác.
Mình sẽ chia sẻ trong bài sau nhé.

DU HỌC (P2)
Mấy hôm trước mình cùng con trai tìm hiểu để đăng ký vào các trường Đại học ở Việt Nam. Thật là một mê
hồn trận. Đủ các loại trường, tên kêu choang choang, na ná như nhau và ít nhiều liên quan vài trường ĐH có
tiếng. Kiểu mập mờ đánh lận con đen, ai hiểu thế nào thì hiểu.
Tôm mới đăng ký dự thi Kiểm tra đánh giá năng lực tư duy ở ĐHBKHN, chưa thi, chưa có điểm mà đã có
giấy báo trúng tuyển, thư mời nhập học của vài trường X, Y, Z.
Giữa Thủ đô thanh thiên bạch nhật đầy đủ thông tin mà còn hoa mắt chóng mặt, thử hỏi phụ huynh ở các nơi
khác thì không biết ra sao.
Thế mới hiểu nỗi khổ của các bậc làm cha làm mẹ, còng lưng nuôi con ăn học. Hiểu tại sao hàng năm có hàng
trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không xin được việc làm. Mới thấy sự lãng phí vô cùng tuổi
trẻ, sức lực và tiền bạc.
Tiện thể dạo qua thị trường Du học.
Lại hoa mắt chóng mặt.
Thôi thì, xin chia sẻ vài kinh nghiệm có thật về chuyện cho con du học của nhà mình.
ĐÔI ĐIỀU VỀ DU HỌC ĐỨC, PHÁP
1. Tại sao lại là Đức, Pháp?
Thì vì mình có hai con du học tại Pháp và Đức.
Nói một cách nghiêm túc, thì tùy theo mục đích của từng người. Du học để kiếm thật nhiều tiền, để có một cái
bằng danh giá, để về nước được thăng quan tiến chức, để kiếm chồng (vợ) hay là để tiếp thu một nền giáo dục
đỉnh cao, một nền văn hóa có bề dày lịch sử, để vươn ra thế giới … vân vân và vân vân … Tùy theo mục đích
mà lựa chọn cho phù hợp.
Gia đình mình, vốn coi trọng sự học nên chọn việc cho con đi du học là để tiếp thu những tinh hoa của thế
giới, học hỏi những điều tốt đẹp của nhân loại, để thực hiện ước mơ vươn ra thế giới, và mục đích cuối cùng,
mục đích cao nhất là để các con có được cuộc sống tự do và hạnh phúc thực sự.
Và tất nhiên phải tùy vào điều kiện và hoàn cảnh. Có những gia đình, chẳng cần cho con đi du học, chẳng cần
học hành vất vả, con cái đã được thừa hưởng những điều kiện tốt đẹp thì không cần nói.
Trong hiểu biết thiển cận của mình, du học Anh, Mỹ thì rất tốn kém, du học Úc, Singapo, Nhật, Hàn… đều rất
tốt, tuy nhiên người TQ và châu Á quá nhiều, Singapo thì chật chội …
Vậy nên mình chọn Pháp, Đức và vài nước châu Âu.
Giáo dục Pháp, Đức xưa nay là nền giáo dục xuất sắc. Bằng cấp của Pháp và Đức được công nhận trên toàn
thế giới.
Pháp, Đức là cái nôi văn hóa, KHKT của châu Âu. Điều đó khỏi bàn.
Một phần không kém quan trọng: Chi phí cho con du học ở những nước này ít hơn rất nhiều so với du học các
nước Anh, Mỹ… Sinh viên học trường công ở Đức, Pháp được nhà nước hỗ trợ phần lớn (hơn 90%) học phí
và rất nhiều ưu đãi khác. Chi phí cho du học sinh tại Đức được các trường ĐH công bố công khai từ 10 000
đến 11 000 euro/năm (240-264 triệu) ít hơn nhiều so với 20-25 000 USD (472 - 590 triệu, chưa kể học phí) du
học ở các nước khác.
Vấn đề học bổng
Nhà mình xác định: con mình không giỏi nên hoàn toàn không kỳ vọng vào học bổng. Mà nói thật, kể cả
không có học bổng thì du học ở Đ, P vẫn đỡ hơn rất nhiều so với có học bổng ở nơi khác. Học bổng bậc Đại
học ở các trường công của Đ, P có nhưng rất ít. Học bổng sau ĐH thì nhiều hơn.
Cũng nói thêm rằng, không có nhiều nhà hảo tâm cho con mình học bổng vô điều kiện. Không có gì từ trên
trời rơi xuống cả.
2. Vấn đề ngôn ngữ
Tiếng Anh là bắt buộc + tiếng Đức tối thiểu là bằng B1 (nếu học ở Đức). Một số trường yêu cầu bằng tiếng
Đức B2 hoặc cao hơn.
Rõ ràng vấn đề ngoại ngữ là quan trọng.
Hồi trước, gấu Anh học tiếng Pháp ở Le’space (24 Tràng Tiền)
Bạn có thể học tiếng Đức ở ZfA, Viện Goethe, ở DAAD …
Trường hợp của Tôm thì khác chút. Từ năm lớp 6, con học lớp tiếng Đức ở PTCS Đống Đa. Sau đó con học ở
trường PTTH chuyên Ngoại ngữ ĐH QG. (bạn có thể đọc bài Trường chuyên P1, P2 mình đã viết). Vì vậy,
con nằm trong hệ thống DSD được văn phòng Trung ương về trường học ở nước ngoài ZFA hỗ trợ. Điều này
rất có lợi cho các con về mặt hồ sơ thủ tục khi đi du học. Và tất nhiên, đó là các cơ quan truyền bá văn hóa và
ngôn ngữ Pháp (Đức) nên học ở đó, các con được học cả về văn hóa của các nước đó.
3. Học ngành gì ở Đức và ở Pháp
Đây là điều cực kỳ quan trọng. Chính vì nó mình mới viết bài này.
Dạo qua các trang thông tin trên mạng, mình thấy người ta đặc biệt quảng cáo, trao học bổng cho các khóa
học Kinh tế, QTKD, …
Nghĩ sâu một chút, không ai trao học bổng, mời gọi cho những ngành nghề hot cả. Không ai tự dưng cho
không ai cái gì.
Chị gái của chồng mình, có con trai là tiến sĩ, giáo sư, giảng viên của một trường ĐH ở Úc nhắn nhủ: Hãy cho
con học những ngành kỹ thuật cao.
Con trai chị học ngành Cơ điện tử, sau 15 làm việc cho một công ty của Nhật, được một trường ĐH ở Úc trải
thảm đỏ mời về dạy.
Con trai mình, chỉ 10 ngày sau khi TNĐH đã tìm được việc làm có thu nhập tốt. Vì là nhân công trong ngành
kỹ thuật cao nên con là thành phần được ưu tiên khi xét nhập quốc tịch.
Đấy là một thực tế.
Các khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ và ứng dụng, giáo viên, IT, AI, lập trình đồ họa…
luôn được đánh giá cao ở các nước.
Vì vậy, nếu quan tâm đến vấn đề du học, việc làm, bạn cần đọc nhiều để có thông tin đúng.
Thế giới chẳng có nhiều chỗ để cho bạn quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh…
Châu Âu cần nhiều nhân lực kỹ thuật cao.
Châu Âu là nơi khá ổn định, người ta không có xây dựng nhiều như ở VN nên học ngành XD, Kiến trúc … thì
khó xin việc.
Hay như các ngành Văn hóa xã hội, Nghiên cứu văn học cũng rất khó…
Nếu có, con bạn phải thật xuất sắc.
Vì vậy bạn cần tìm hiểu kỹ. Luôn có một con đường, nhưng không phải lúc nào cũng thênh thang trước mặt.
Có rất nhiều điều để viết, mình sẽ chia sẻ dần.
Các thông tin về du học Đức, Pháp, bạn nên tìm trên các trang của Đại sứ quán Đức, Pháp, Le’space, Campus
France, DAAD, Viện Goethe. Đấy là các thông tin chính thống, công khai và chính xác. Hãy tham dự các hội
thảo do các đơn vị này tổ chức. Chịu khó đọc nghe và tìm hiểu, sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và công sức.
Thân mến.
#duhoc

Ý KIẾN CHUYÊN GIA (P1)


Anh là cây đa cây đề trong nghề lập trình tin học. Mình biết anh từ những năm 1997 khi anh xuống trường
mình hỗ trợ triển khai đưa Tin học vào trường phổ thông.
Mình ngưỡng mộ anh về kiến thức chuyên môn, kính trọng anh về tinh thần làm việc tận tụy, nhiệt tình, tác
phong giản dị, niềm đam mê công việc.
Dõi theo anh nhiều năm, mình thấy ngọn lửa yêu nghề vẫn bền bỉ cháy sáng mãi trong anh.
Anh là cựu du học sinh Lomonosov Moscow State lừng danh, là người sáng lập công ty Tin học Nhà trường,
là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực Tin học, là giám khảo trong nhiều cuộc thi Tin học trẻ…
Anh sản xuất các phần mềm Tin học, dạy lập trình, viết sách dạy lập trình.
Anh dạy Scratch, dạy Python, dạy Pascal, dạy C++, dạy Java…
Nhưng anh dành sự quan tâm đặc biệt và công bằng cho Scratch.
Trong buổi tập huấn Scrtach cho giáo viên tối qua (9/2/2023), mình trích ghi lại sơ lược từ video bài giảng.

Chương trình môn Tin học mới: Từ năm tới, Scratch được đưa vào chương trình phổ thông, từ lớp 4, lớp 5,
lớp 8, lớp 9…
Lớp 4 và lớp 5 học lập trình Scratch. Đồng thời lớp 8, lớp 9 cũng được học Sratch.
Như vậy, từ năm học mới, toàn bộ cấp 1, cấp 2 không học các môn lập trình bậc cao như là Pascal, Python…
nữa mà chỉ học lập trình Scratch thôi…
Lập trình Sc có gì khác so với các môn lập trình từ xưa tới nay?
Lập trình Scratch rất mới, hoàn toàn mới nên có rất rất nhiều giáo viên, nhiều người đang còn rất là bỡ ngỡ,
ngay cả những người lớn, những chuyên gia lập trình cũng còn thấy bỡ ngỡ.
Làm thế nào để dạy cho học sinh, dạy như thế nào đây. Ngay bây giờ, rât nhiều người còn đang tranh cãi và
đang rất lúng túng…
Theo tôi hiểu, có rất nhiều người hiểu lập trình Scratch cũng giống như lập trình bình thường, như Pascal,
như Python … chỉ khác ở chỗ nó là lập trình kéo thả dành cho học sinh tiểu học, còn bản chất nó cũng giống
như các ngôn ngữ lập trình bậc cao khác.
Rất nhiều người có tư duy như thế này. Và vì có tư duy như thế nên rất nhiều người cho rằng học lập trình
Scratch là để giải toán, bằng thuật toán.
Nhiều giáo viên kỳ cựu, các thầy giáo già thậm chí các chuyên gia lớn đều nghĩ rằng học để giải những bài
toán liên quan đến thuật toán và dành cho hs tiểu học.
Theo tôi, nếu chúng ta nghĩ rằng lập trình Scratch chỉ là để giải toán như các ngôn ngữ lập trình bậc cao khác
như là Pascal, như là Python… là sai.
Cái sai thứ hai học lập trình Scratch chỉ dành cho hs tiểu học thôi cũng là sai. Ngay trong chương trình của
Bộ, lập trình Scratch cũng dành cho hs lớp 8, lớp 9.
Có gì đặc biệt ở đây?
Lập trình Scratch rất hay. Tất nhiên nó là môn lập trình có thể giải toán được. Nhưng học lập trình Scratch
chỉ để giải toán thôi là không được. Cái hay của lập trình Scratch không phải ở chỗ giải toán. Nó nằm ở chỗ
khác cơ.
Lập trình Scratch ngoài việc là ngôn ngữ lập trình kéo thả bậc cao, cái hay của nó là ngoài việc dùng để giải
toán được, giải toán rất tốt, nó còn cho phép chúng ta tạo ra các sản phẩm số.
Tức là nó tạo ra các trò chơi, các game mô phỏng, những phần mềm học tập đơn giản. Theo tôi, việc dùng
Scratch để tạo ra các sản phẩm số, các phần mềm mô phỏng, các ứng dụng đơn giản, mới là ý nghĩa chính
của lập trình Scratch.
Ngoài việc tạo ra các sản phẩm số như game, phần mềm học tập … thì Scratch còn có một tính năng rất
mạnh nữa là khả năng tạo ra các mô phỏng, đồ họa.
Các phần mềm Pascal, Python cũng có thể làm được nhưng rất khó và phức tạp.
Scratch hỗ trợ người dùng làm ngay ra những sản phẩm số rất nhanh, rất thuận tiện.
Ngoài ra, Scratch còn có một thứ mà lập trình Pascal, C++, Python … không thể có được là Scratch giúp
chúng ta tạo ra được những sản phẩm có ứng dụng STEM. Nghĩa là tạo ra những phần mềm trò chơi có ý
nghĩa giống như một con rô bốt, có tư duy kiểu rô bốt.
Đây mới là ý nghĩa quan trọng của lập trình Scratch chứ không phải chỉ có là giải toán.(nhắc lại).
Chính vì lập trình Scratch có thể giải toán, có thể làm trò chơi, có thể làm mô phỏng, có thể làm Stem… nên
phần mềm lập trình Scratch dành cho mọi cấp chứ không chỉ riêng cho tiểu học.
Phạm vi người dùng của lập trình Scratch rất lớn. Nó dùng được cho tiểu học, THCS, THPT, người lớn…
Hiện nay rất nhiều người, kể cả các cấp lãnh đạo cấp Sở, cấp Bộ, cấp Trung ương nghĩ rằng: à, Scratch nó
rất đơn giản, nó chỉ dành cho hs tiểu học thôi, lên cấp 2, cấp 3 thì chuyển sang học Python đi. Tư duy đó là
tư duy theo tôi là sai, rất sai…

Ngay từ những năm đầu tiên làm quen với Scratch, mình cũng nghĩ rằng Scratch làm được rất nhiều thứ,
vượt ra ngoài phạm vi suy nghĩ hiện thời. Mình cũng đã từng chia sẻ: mình dạy lập trình Scratch không chỉ là
dạy các câu lệnh mà là nhiều hơn thế.
Mình lang thang trong cõi mạng tìm người cùng ý tưởng. Cơ duyên được gặp cô giáo Bùi Lê Diễm, Giảng
viên khoa Sư Phạm Tin học trường Đại học Cần Thơ.
Em cũng là người nhiệt thành với các giá trị trao đi, với một Scratch nhân văn, hướng tới sự phát triển tư
duy toàn diện.
Xin cảm ơn Thầy giáo Bùi Việt Hà, cô giáo Bùi Lê Diễm, Gấu anh, Gấu em và Gấu bố, các phụ huynh và
các con học sinh lớp CB1, CB2 đã truyền cảm hứng để mình tiếp tục trên hành trình đi gieo hạt này.

VIẾT TIẾP BÀI NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ CON (P2)


Bữa mình viết bài “Nuôi dưỡng ước mơ của con” được nhiều bạn quan tâm và động viên. Nay mình xin chia
sẻ tiếp về hành trình đồng hành cùng con nâng cánh ước mơ.

Tôm mê xe từ hồi còn bé tí.
Học mẫu giáo, nói còn chưa rõ, hắn đòi bế đi xem cái “xe ò e” với “xe có cái vo ve”. Cả nhà không hiểu, hắn
dùng tay minh họa mới vỡ lẽ: xe ò e là xe cứu thương, còn xe có cái vo ve là xe có cần gạt nước.
Hắn không từ một cơ hội nào để sở hữu những chiếc xe. Ban đầu là những chiếc xe đề can, rồi đến xe cắt
dán, rồi đến những chiếc xe ô tô nhựa nho nhỏ. Có dạo thì hắn thích cắt dán những chiếc xe. Tập cắt và dán
nhiều thành quen nên tay hắn cầm kéo cắt rất thành thạo.
Mẹ hắn thấy cho hắn chơi đồ chơi ô tô cũng tốt vì ít nhất luyện được cho hắn tính kiên nhẫn và tay cầm kéo
cắt rất điệu nghệ.
Cuối mỗi tuần thì tất cả các Phiếu bé ngoan đều được quy đổi thành ô tô đồ chơi. Giai đoạn này ô tô nhựa
cũng rẻ, với lại bọn mình rất chiều con nên mọi yêu cầu quy đổi đều được đáp ứng hết. Gấu bố còn có niềm
vui vô bờ bến là rủ con đi mua ô tô, để được nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của thằng con khi có một cái ô tô mới.
Nhưng niềm đam mê của hắn thực sự bắt đầu từ cuối năm lớp 2.
Tôm kể: bữa hắn xem tivi, nhìn thấy chiếc xe Humvee của quân đội Mỹ, đang tập trận. Hắn bị choáng ngợp
bởi vẻ đẹp “nam tính” của chiếc xe. Hắn hỏi anh Gấu, rồi hắn lọ mọ tìm hiểu. Càng tìm hiểu về lịch sử chiếc
xe, hắn càng mê như điếu đổ. Trước đó, hắn cũng như hàng vạn đứa trẻ khác, thích ô tô đồ chơi, nhưng chỉ
vậy thôi.
Hắn xin mẹ đặt mua báo Ô tô. Hắn đọc nhưng không thấy có nhiều bài viết về xe Humvee. Thế là hắn lò mò
tự vẽ. Dịp đó, sách vở của hắn đầy nhóc những hình vẽ ô tô 2D bằng bút chì nguệch ngoạc.
Hắn vẽ nhiều lắm. Khắp nhà, trên tường, trên giá sách, trong vở, giấy nháp, giấy thừa… chỗ nào cũng có
hình vẽ xe ô tô của hắn. Hắn dán lung tung khắp nhà, trên tường, cánh cửa tủ lạnh, trên bàn ghế… chỗ nào
cũng chi chít những xe là xe.
Dĩ nhiên, thời gian hắn giành để xem Youtube và để vẽ xe là nhiều vô kể. Thế là mẹ hắn giao hẹn: Nếu
muốn vẽ xe và xem Youtube thì phải hoàn thành bài tập và phải học tốt.
Một mặt thì nói vậy, một mặt mẹ hắn cũng động viên khuyến khích và ngầm giúp hắn. Mẹ không bắt hắn
theo học thêm các lớp năng khiếu, lớp đội tuyển nọ kia. Mẹ soạn bài để dạy hắn, sao cho hắn học nhanh,
nhớ lâu để còn dành thời gian cho việc vẽ. Hắn thích học với mẹ lắm vì không áp lực mà vẫn chất lượng.
Sau này hắn vẫn thường nhắc điều đó. Ngay cả khi lên cấp 3 hắn vẫn biết ơn mẹ vì “dạng bài này mẹ đã cho
con làm rất kỹ hồi ở tiểu học nên lên lớp trên con không thấy lạ. Con biết ngay bài toán gốc của nó và nó đã
phát triển lên như thế nào …”
Cũng nói thêm là bọn mình rất rất chiều con và quan tâm tới sở thích của con. Từ lớp 3, Tôm chuyển sở
thích sang ô tô sắt, đắt tiền hơn. Con phải tiết kiệm tiền, nhận làm thêm công việc mẹ giao để dành tiền mua
ô tô.
Tôm chơi ô tô cũng gây nhiều phiền toái lắm. Hắn lấy chăn của mẹ phủ lên giường làm giả địa hình đồi núi
rồi nằm rạp xuống để quan sát xe đi lên đi xuống.
Hắn lấy một cái khay thật to, đổ đất đổ nước vào thành bùn nhão rồi nằm bò ra quan sát xe đi trong địa hình
bùn đất. Hắn quan sát tỉ mỉ, và khi vẽ, hắn cũng chú ý đến cả vết bụi đất bắn lên những chiếc xe.
Có những buổi trưa trời nắng chang chang, một mình hắn lạch xạch đạp xe đạp ngoài sân khu tập thể. Hắn
cưỡi cái xe đạp bé tí, cắm một lá cờ ở phía trước. Hắn tưởng tượng mình đang lái chiếc xe Humvee tập trận
cũng lên dốc xuống dốc như trong phim!
Để giành được nhiều thời gian cho việc chơi, xem Youtube và học vẽ, hắn rất có ý thức tranh thủ thời gian
và tập trung làm việc. Hắn thường tận dụng những tiết Hướng dẫn học (cuối buổi ở tiểu học) hoặc lúc chờ
ba mẹ đến đón để làm bài tập về nhà hoặc soạn bài cho ngày hôm sau. Cứ học đến đâu hắn tranh thủ “xào”
ngay đến đó nên khi về nhà hắn rất nhàn. Hắn dành phần lớn thời gian buổi tối và ngày nghỉ để xem tivi và
tập vẽ.
Trong một bài viết, mình có nói: “Ngoài thời gian học ở trường và làm bài tập về nhà, Tôm thoải mái xem
tivi và xem Youtube”.
Đúng là như vậy. Con thực hiện đúng cam kết, hoàn thành tốt bài vở để có nhiều thời gian xem tivi và học
vẽ. Tất nhiên cũng có nhiều lần quá đà và vi phạm cam kết nhưng mẹ hắn cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”.
Những lúc ấy, máy tính sẽ tự nhiên bị hỏng. Mà muốn sửa thì phải đợi mẹ, phải cam kết nọ kia với mẹ. Mẹ
sẽ chiểu theo thái độ thành khẩn và khả năng sửa chữa mà xem xét cho thời gian máy tính hỏng nhiều hay ít.
Thực ra thì mẹ Gấu có quy tắc: quá tam ba bận. Con làm hỏng, làm sai lần 1 thì không trách phạt vì được coi
là chưa biết, chưa hiểu. Lần 2 chỉ bị nhắc nhẹ và cho qua vì mẹ cho rằng có thể con chưa nhớ. Nhưng đến
lần 3 thì không có lý do để bao biện và sẽ bị phạt nặng.
Đó chỉ là cái cớ mà Gấu mẹ đưa ra để đỡ phải trách phạt các con. Trên thực tế thì ít khi các con vi phạm đến
lần 3. Vì các con được dạy về lòng tự trọng. Các con muốn được tôn trọng thì phải tuân thủ các nguyên tắc
chung. Các con muốn được tự do thì phải tôn trọng kỷ luật. Và trước đó, mình cũng dạy cho các con: điều
quý giá nhất của con người là tự do. Tất nhiên con phải hiểu tự do theo đúng nghĩa chứ không phải tự do là
vô kỷ luật là thích gì làm nấy.
Về phần mình, Gấu mẹ cũng hết sức tôn trọng tự do của các con. Nếu con đã hoàn thành nhiệm vụ thì con
được quyền chơi thoải mái, ba mẹ không được can thiệp. Nhiều khi thấy con xem đua xe rầm rĩ, điếc hết cả
tai, Gấu mẹ chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng mà không cấm. Gấu mẹ cùng con xem đua xe. Không xem không được
vì tivi để trong bếp, mẹ vừa làm bếp vừa phải xem cùng con. Nhiều khi hắn ôm ghì đầu mẹ, giữ chặt để mẹ
không ngọ nguậy, để mẹ phải xem cho kỳ được một đoạn video mà hắn tâm đắc.
Có khi hắn bày ra trò chơi Ai là triệu phú, rủ mẹ chơi, để thỏa mãn ý muốn chia sẻ những kiến thức về ô tô
của hắn. Của đáng tội, mẹ hắn chẳng hiểu gì, chẳng thích thú gì nhưng cũng phải ngồi chịu trận vì chẳng có
mấy ai đủ đam mê như hắn để chia sẻ cùng hắn. Mẹ vừa là mẹ, vừa là bạn vừa là nạn nhân của hắn.
Mẹ Gấu thấy đam mê của con là lành mạnh nên cũng tích cực ủng hộ con. Khi thì ra mặt, khi thì ngấm ngầm.
Chỉ riêng việc ngồi yên chăm chú lắng nghe hắn thuyết trình hàng giờ về xe cộ của hắn, đã làm tăng chân
kính của mẹ.
Hắn cũng đủ tinh tế để biết có những cái mẹ chẳng thích thú gì nhưng mẹ vẫn kiên nhẫn lắng nghe và thỉnh
thoảng đóng góp cho hắn những ý kiến có giá trị nên hắn yêu mẹ hơn. Hắn hay kể thêm về những suy nghĩ,
về bạn bè của hắn để mẹ đỡ chán. Đôi khi hắn cao hứng trình bày cho mẹ nghe quan điểm của hắn về một
vấn đề nào đó. Mẹ hắn ngồi lắng nghe, khi thì gật gù tán thưởng, khi thì phản biện ngược xuôi …
Cứ như thế, hai mẹ con chuyện trò đàm đạo, thực sự như hai người bạn. Hắn bổ túc cho mẹ chuyện học trò,
chuyện trường lớp tuổi teen. Mẹ bổ sung truyền lại cho hắn kỹ năng và kinh nghiệm sống từ hơn 40 năm
cuộc đời của mẹ.
Ai đó nói rằng dạy mà như không dạy là vậy.
Mẹ hắn cũng nhận ra rằng không chỉ dạy con, mẹ cũng học được rất nhiều từ con.
(Còn nữa)

Viết tiếp bài NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ CON (P3)


Từ cuối lớp 3, Tôm quan tâm tới việc vẽ các chi tiết của những chiếc xe. Trong con mắt hắn, mỗi loại xe đều
có “khuôn mặt” riêng, tiếng "nói" riêng. Khi hắn thể hiện “khuôn mặt” của những chiếc xe bằng biểu cảm của
chính khuôn mặt hắn một cách ngộ nghĩnh, hài hước và chính xác đến nỗi mẹ hắn phải bật cười. Khi thì hắn
bắt chước tiếng gầm của động cơ. Trong con mắt hắn, tiếng của động cơ có nhiều sắc thái, nhiều cung bậc,
cũng hay như tiếng đàn vậy.
Mẹ cho hắn đi học thêm môn vẽ của một thầy giáo dạy vẽ có tiếng. Hắn học được 1 buổi rồi xin nghỉ vì không
thích. Thầy không dạy hắn vẽ ô tô.
Không có ai dạy nên hắn về nhà hì hục tự vẽ.
Anh Gấu bày cho hắn lên mạng search từ khóa: How to draw a car… Hắn tìm được chân ái của hắn là chú
Eric gì đấy ở tận BraziI, nổi tiếng về kỹ thuật vẽ chì. Hắn xem video của ổng rồi vẽ theo.
Hắn cuỗm luôn cái phây búc mới tinh của mẹ để làm phương tiện kết bạn và trao đổi với Eric.
Hắn còn kết bạn và follow một số bạn bè cùng sở thích. Phần lớn là người nước ngoài. Mà muốn trao đổi
được thì phải thạo tiếng Anh. Thế là mẹ hắn bỏ nhỏ: Con phải học tiếng Anh thật giỏi để nói chuyện được với
Eric và các bạn.
Thế là hắn cắm đầu vào học tiếng Anh.
Chỉ sau một thời gian ngắn, tay vẽ của hắn đã lên nhanh, trình tiếng Anh cũng tăng lên rõ rệt. Và nhiều cái
cũng tăng lên theo.
Quan hệ bạn bè tăng lên: Các bạn thích ô tô Tôm vẽ nên thích chơi với hắn, thích theo hắn về nhà để ngắm
và chơi với bộ sưu tập của hắn. Đến nhà Tôm lúc nào cũng vui, ba mẹ Tôm thân thiện thoải mái, Tôm có rất
nhiều thứ thú vị để chơi như đọc sách, chơi ô tô, xem Tôm vẽ, chơi game trên máy tính … Thỉnh thoảng Tôm
vẽ tặng bạn một vài chiếc theo yêu cầu.
Hắn có thêm những người bạn trên khắp thế giới để chia sẻ niềm đam mê. Đó cũng là nguồn đáng kể để hắn
trau dồi tiếng Anh.
Không sa đà vào những trò giải trí vô bổ. Tôm cần thời gian cho việc học và đam mê của hắn nên hầu như
Tôm không có thời gian để chơi những game mà các bạn hay chơi. Con có thú vui khác. Giờ ra chơi, con cùng
vài bạn trai đi khám phá quanh sân trường, kể cho nhau nghe những câu chuyện có khi là tưởng tượng, có khi
là đọc được ở đâu đó.
Bạn bè của Tôm vì thế thường là lành mạnh.
Trong thời gian này, Tôm vẫn học thêm tiếng Anh 1 buổi/ tuần, học đàn guitar, học bóng rổ. Nhưng thời gian
con dành cho ô tô là nhiều nhất.
Tăng kỹ năng vẽ hình khối trong không gian 3 chiều
Lên đến lớp 5 thì tay vẽ của Tôm đã tăng lên đáng kể. Hắn có nhu cầu vẽ 3D, nhưng không ai dạy cho hắn cả.
May quá, hắn hỏi được ba Dương. Ba hắn dạy cho hắn vài lần. Ba hắn có biệt tài biến những cái phức tạp
thành đơn giản dễ hiểu nên hắn tiếp thu được ngay.
Tăng hiểu biết xã hội, công nghệ và kỹ thuật nhờ đọc sách.
Thời gian này hắn còn đặc biệt quan tâm đến các thông tin về các dòng xe. Vốn tiếng Anh của hắn kha khá
nên hắn đọc được rất nhiều điều về các hãng xe, lịch sử phát triển, các thông số kỹ thuật… Hắn chuyển sang
các xe đua công thức 1 và tất cả những gì liên quan đến xe đua.
Phải nói hắn học được rất nhiều điều hay ho chung quanh niềm đam mê của hắn. Hắn kể cho mẹ nghe về
những tay đua, những đội đua, những công ty, những chiến lược chiến thuật trong đua xe, trong cải tiến kỹ
thuật … À thì ra, khi người ta đam mê, khi người ta yêu thì “yêu cả đường đi lối về” là vậy.
Trên giá sách của Tôm còn sót lại vài quyển: Ô tô có gì hay. (Những quyển sách khác, mẹ Tôm đem tặng cho
các tổ chức từ thiện khi Tôm lên đường đi du học).
Cuốn sách của nhà khoa học Richard Hammond. Đọc mục lục của cuốn sách ta sẽ thấy: Ồ, không chỉ là kỹ
thuật ô tô, mà còn nhiều hơn thế: Sức mạnh, Tốc độ, Làm chủ tay lái và Công nghệ là 4 phần của cuốn sách.
Là một nhà khoa học đồng thời là người dẫn chương trình nổi tiếng ở Anh, Richard Hammond không chỉ viết
về ô tô mà trong đó còn cả kiến thức về lịch sử, Văn hóa, Vật lý, Hóa học, Công nghệ…
Từ đam mê ô tô đồ chơi, đến vẽ xe, xem Youtube đến kết bạn và đọc sách, Tôm đã học được rất nhiều thứ
xung quanh kiến thức về ô tô.
Điều may mắn là Tôm luôn có tâm thế của một chiếc ly rỗng. Hắn tiếp thu một cách cởi mở nhưng có phản
biện về những gì đọc được. Hắn kể cho mẹ nghe, giải thích cho mẹ hiểu. Nhờ thế, mẹ hắn mới biết đến Top
Gear, Jeremy Clarkson, James May và nhiều thứ hay ho khác …
Và cũng nhờ thế, mẹ hắn chỉ việc ngồi nghe và xem. Khi thì cài cắm, khi thì kích lên một tí, khi thì hãm bớt đi
một tí, để “tay đua con” đảm bảo về đích mà không bị lạc đường.
Lên cấp 2, niềm đam mê của hắn lại kéo hắn rẽ sang ngã khác.
(Còn nữa)

NUÔI DƯỠNG VÀ NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ (P4)


Hết tiểu học, gia tài của Tôm đã có khoảng trên 500 chiếc xe tự vẽ. Hắn bảo có lẽ hắn là người giàu nhất
hành tinh vì hắn sở hữu hàng trăm chiếc siêu xe các loại. Dĩ nhiên, để “sản xuất” được nhiều như vậy, hắn
tốn không ít thời gian.
Hắn vẫn lên lớp học tập bình thường. Vẫn học tiếng Anh, vẫn chơi bóng rổ …
Hắn lấy đâu ra nhiều thời gian như thế?
Thực ra, hắn vẽ mỗi ngày. Sau nhiều năm bền bỉ, tích tiểu thành đại, cuối cùng thì hắn có một gia tài đáng
kể. Chẳng có gì lạ.
Tôm vẽ có giỏi không, con có năng khiếu đặc biệt không?
Mẹ Tôm cho rằng con bình thường, không thật xuất sắc. Cái mà con xuất sắc là chăm chỉ vẽ mỗi ngày. Ai đó
đã nói: Thành công do 20% tài năng, 80% còn lại là do chăm chỉ nỗ lực. Tôm nằm trong số 80% ấy. Con có
một chút sở thích ban đầu. Sở thích ấy được chăm bón và nuôi dưỡng thì biến thành niềm đam mê.
Mẹ Tôm đã từng thấy nhiều cháu bé vẽ rất tốt, chẳng kém gì Tôm, đam mê cũng không kém. Nhưng tất cả
chỉ như ngọn lửa rơm, cháy một hồi rồi tắt, không giữ được bền lâu.
Mẹ Tôm cũng từng thấy vài cháu bé bỏ công vẽ đi vẽ lại một mẫu trên Youtube là đã có một sản phẩm
không kém gì Tôm. Cái gì làm nhiều, làm đi làm lại thành quen, thành kỹ năng tốt. Vậy thôi.
Vì thế mẹ Tôm không đánh giá cao năng khiếu của con mà đánh giá cao sự chăm chỉ bền bỉ theo đuổi đam
mê của hắn.
Làm thế nào để con cân bằng giữa việc học, việc chơi và giải trí với việc theo đuổi những đam mê?
Mấu chốt là hắn biết tận dụng thời gian, tranh thủ mọi lúc mọi nơi và tập trung cao độ. Khi bận và làm nhiều
việc người ta có xu hướng làm ẩu, làm quấy quá cho xong. Được cái Tôm không như vậy. Hắn làm việc tập
trung và trách nhiệm. Điều hay ho là chính những kiến thức về ô tô và đua xe đã dạy cho hắn điều ấy.
Vai trò nuôi dưỡng ở đây là gì? Với ba mẹ Tôm, đó là sự trợ giúp về mặt thời gian, vật chất và tinh thần.
Mẹ Tôm không làm giúp tất cả việc nhà để Tôm rảnh tay tập vẽ. Tôm phải làm việc nhà và mọi việc khác
bình thường. Tôm bình đẳng như tất cả mọi người trong gia đình, không có ưu tiên gì đặc biệt.
Nhưng mẹ Tôm giúp con tiết kiệm thời gian bằng cách không bắt con phải tới các lớp học thêm, các lớp
năng khiếu này nọ. Chỉ riêng khoảng thời gian tham gia giao thông đi đến các lớp học thêm đã khá nhiều và
mệt mỏi. Nhà gần trường cũng là một lợi thế. Mẹ Tôm chọn cho con học trường công ở gần nhà. Trường
bình thường, thuộc top hạng 2-3 trong quận nhưng đúng tuyến và đỡ công đưa đón.
Tôm được học ở nhà với mẹ. Tất nhiên đó là một sự lựa chọn và có sự thỏa thuận giữa hai mẹ con: Tôm
muốn không phải đến các lớp học thêm chật chội và nhàm chán thì con phải tự học ở nhà. Mà muốn học ở
nhà thì phải tự giác thực hiện các quy định của mẹ.
Mẹ Tôm mua một vài khóa học online, nghiên cứu trước, lược bớt, sắp xếp từ dễ đến khó để cho Tôm làm.
Cách này rất hiệu quả.
Tạo điều kiện về thời gian cho con còn bao gồm cả việc tạo ra và tôn trọng không gian riêng tư với đam mê
của con. Đó là để con được tự do trong giờ vẽ, xem tivi và máy tính.
Tạo điều kiện về vật chất: Tôm được đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về bút vẽ, giấy vẽ, sách vở …kể cả máy
tính. Nhà không giàu, nhưng ba mẹ Tôm chưa bao giờ từ chối nhu cầu mua sắm giấy bút, sách vở của con.
Về tinh thần: Ba mẹ Tôm luôn tôn trọng sở thích của con và không chạy theo thành tích nên hắn không chịu
áp lực trong học tập.Tôm học không giỏi nhưng có kỹ năng tốt và con nắm vững các kiến thức nền tảng một
cách thực chất.
Ba mẹ Tôm chủ trương tránh cho con những hư danh không cần thiết. Để con có một thế giới riêng yên tĩnh.
Để con tập trung vào việc học và việc vẽ. Và quan trọng hơn cả, là để con hạnh phúc với những đam mê của
mình.
Con có đam mê, có một chút năng khiếu, đó là những hạt giống tốt. Bố mẹ cần chăm sóc vun trồng, tưới
nước bón phân để mầm cây mạnh khỏe.
Đủ nước, đủ nắng gió, cây sẽ tự vươn lên.

Viết tiếp bài NUÔI DƯỠNG VÀ NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ (P5)


Hè năm lớp 5, Tôm muốn mua một chiếc máy tính mới. Hắn không xin tiền mẹ nhưng hắn đề nghị mẹ giao
việc và trả công cho hắn. Trả bằng tiền hay bằng trứng cũng được. Trứng là đơn vị quy ước trong học tập.
Mỗi khi làm xong một bài hoặc học xong một chương thì sẽ lấy bút khoanh tròn lại. Hai mẹ con gọi đó là
trứng và sẽ đếm số trứng để biết tiến độ học tâp của con. (Một vài kinh nghiệm dạy con)
OK, được thôi.
Thế là suốt mùa hè, Tôm chăm chỉ lau nhà, giặt, phơi quần áo, nấu cơm, phụ mẹ làm vườn … để tích trứng.
Mẹ hắn cười thầm, không biết đến bao giờ hắn mới tích đủ số trứng quy ra tiền để mua máy tính đây.
Mẹ hắn còn sốt ruột hơn cả hắn. Mẹ hắn chiều con và luôn có tâm thế muốn trao tặng muốn mang niềm vui
đến cho các con. Thế nên mẹ nghĩ: phải giúp hắn mới được. Mẹ kêu gọi ba Dương và anh Gấu ủng hộ hắn.
Mẹ nghĩ ra cách để giúp hắn tăng tốc độ kiếm tiền.
Mẹ nhờ hắn gõ hộ 1 quyển sách dày 300 trang. Quyển sách nói về đạo đức và phát triển bản thân. Một công
đôi việc. Hắn thì được tiền, còn mẹ thì đỡ mất công dạy dỗ. Hắn đánh máy thì phải đọc. Mà đọc được là học
được. Ờ, dạy mà như không dạy vậy.
Bình thường bảo một đứa trẻ đọc một quyển sách về luân lý là rất khó khăn. Tuổi dở ông dở thằng lại càng
khó hơn. Bố mẹ cũng không thể bỏ ra hàng giờ để dạy cho con về lòng biết ơn, về mục tiêu cuộc sống …
Nhưng gắn nó với một mục đích cụ thể thì dễ hơn nhiều.
Tất nhiên hắn phải có một tâm thế của một cái ly rỗng, sẵn sàng học hỏi. Cái này ba mẹ hắn phải dạy cho hắn
trước. Giáo huấn, giáo điều, áp đặt, trịch thượng… sẽ làm thui chột khả năng tự học hỏi, tự nhận thức của con
trẻ. Bị ép buộc, bị áp đặt, bị đe dọa, sợ hãi trong việc học, đứa trẻ sẽ sinh ra phản xạ tự vệ, chống lại. Não của
chúng sẽ đờ ra, sẽ phớt lờ, tai của chúng sẽ giả điếc. Chúng sẽ lãnh đạm với cái sự học, không có khao khát
ước mơ khám phá, không biết rung động với cái hay, cái mới. Chúng sẽ không tự giác với việc học.
Nhân tiện nói thêm. Mình dạy lập trình Scratch cho trẻ em (lập trình sáng tạo online). Ở lớp Cơ bản 1, mình
không giao bài tập ở nhà vì trong bài dạy mình luôn để lại những chỗ chưa hay, những dở dang chưa hoàn
thiện. Mình khuyến khích các con hoàn thiện tiếp những gì chưa vừa ý, coi như bài tập về nhà. Vậy mà hầu
hết các con không làm tiếp, cô dạy bao nhiêu thì chỉ làm bấy nhiêu. Dở dang, chưa hoàn thiện cũng kệ. Trong
khi đó bố mẹ thì nhắn tin hỏi bài tập về nhà.
Ý mình muốn nói là các con đã quen với việc phải có người giao bài tập, phải kèm sát nên thiếu tính tự giác
và sáng tạo. Trong khi Scratch là môi trường lập trình trực quan và sáng tạo mà còn như vậy. Ở các môn học
khác thì không biết sẽ ra sao…
Quay trở lại việc mua máy tính.
Nhờ trợ giúp của cả nhà và của mẹ (bằng việc thuê làm việc và cả việc mẹ hay “đếm nhầm” số trứng) cuối
cùng Tôm đã đủ tiền mua một chiếc máy tính mới.
Hắn nhờ anh Gấu tư vấn về cấu hình + tham khảo trên mạng và quyết định tự lên cấu hình, tự đặt mua linh
kiện và tự lắp ráp một cái máy tính cho mình.
Máy tính của hắn mạnh về đồ họa mặc dù nhìn bên ngoài thì rất tầm thường. Vì hắn sử dụng lại cái vỏ hộp cũ.
Hắn vui và mẹ hắn cũng vui. Mẹ hắn còn vui hơn vì biết rằng con biết phân biệt rõ ràng hình thức và nội
dung, biết chọn cái gì quan trọng và bỏ qua cái gì không thực sự quan trọng.
Vậy là niềm đam mê của Tôm lại bước sang trang mới. Từ vẽ bằng tay, chuyển sang vẽ bằng phần mềm rồi
đến lập trình đồ họa.
Việc chuyển sang lập trình đồ họa lại đến từ việc … xem phim và chơi Game.
Tôm mê tất cả những gì liên quan đến xe cộ. Hắn mê phim “Vương quốc xe hơi”. Hắn mê game Need for
Speed. Hắn mê cả phim hoạt hình Hai anh Chuối mặc Pijama. Hắn mê đến nỗi ba hắn đùa gọi là phim Hai
thằng Củ Chuối làm hắn tức điên… Hắn mê cả Lucky Luke và nhiều thứ nữa.
Trong lúc chơi, hắn tò mò: Không biết người ta làm thế nào để vẽ được những chiếc xe đẹp như vậy, linh hoạt
như vậy. Hắn quan tâm tỉ mỉ từ vết bụi đến ánh sáng tạo nên những chiếc bóng trên xe …
Việc vẽ bằng phần mềm có sẵn không làm hắn hài lòng, nó không linh động không thể hiện hết ý tưởng cá
nhân của hắn.
Thế là hắn hì hục chuyển sang lập trình đồ họa.
Hắn lò mò tự học trên mạng. Vốn tiếng Anh của hắn rất khá do nghe nhiều xem nhiều trên ti vi nên hắn không
khó khăn gì để tìm được những bài học có ích. Và
Khi người học sẵn sàng thì người thầy xuất hiện.
Hắn đang lò mò tự học thì được bạn của anh Gấu tặng cho tài khoản học vẽ trên mạng. Thế là hắn ung dung
vào học. Lần đầu tiên hắn được học vẽ một cách bài bản bằng lập trình đồ họa.
(Còn nữa)
——-
Nhân ngày 8/3, chúc cả nhà vui vẻ, hạnh phúc, an nhiên nhé.

NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ (P6)


VÀ HÀNH TRÌNH VƯƠN RA THẾ GIỚI
Lớp 6 Tôm học trường THCS Đống Đa. Trường thuộc top trung bình khá trong quận. Mình cũng chả biết
trường xếp hạng mấy nữa, chỉ biết rằng nó ở gần nhà và đúng tuyến. Đầu bảng là THCS Nguyễn Trường
Tộ, THCS Giảng Võ …
Con học trường nào không quan trọng bằng việc phù hợp hoàn cảnh và gần nhà. Mình từ lâu đã tâm niệm
phải dạy con để việc học của con không phụ thuộc vào thầy cô trường lớp.
Nói như vậy không có nghĩa là mình coi nhẹ vai trò của thầy cô, trường lớp, mà ngược lại. Mình đặc biệt
kính trọng các thầy cô của con. Dù là đồng nghiệp hay nhiều tuổi hơn mình cũng không bao giờ lợi dụng
các mối quan hệ để giảm nhẹ việc học cho con hay là xin cho con được ưu đãi nọ kia.
Mình dạy con phải tự học thật tốt, để đến trường, dù thầy cô thế nào, dù chương trình ra sao con vẫn nắm
được bài.
Vì mình biết, môi trường giáo dục công lập nhiều hạn chế, học sinh đông nên các thầy cô rất vất vả.
Dạy con tự học tốt là góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho thầy cô.
Khi tìm hiểu về trường, thấy có các lớp song ngữ Anh - Đức, Anh - Nhật, Anh - Anh … mình quyết định
cho con học song ngữ Anh - Đức. Đầu tiên mình hỏi ý kiến của con, trao đổi với con về trường và lớp.
Tôm chỉ nói: Con thấy học thêm một ngoại ngữ nữa cũng tốt.
Học thêm một ngoại ngữ là câu thường thấy trong gia đình mình. Trong các câu chuyện hàng ngày con
đều thấy sự lợi hại của ngoại ngữ, và cũng được cài cắm: đã biết một ngoại ngữ rồi thì việc học thêm một
ngoại ngữ nữa sẽ dễ dàng hơn nhiều. Rằng biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, vân vân
và vân vân…
Nên Tôm dễ dàng đồng ý. Mà kể cả Tôm chưa thông thì mẹ sẽ thuyết phục. Uy tín của mẹ đủ để Tôm tin
và nghe theo.
Nhưng lúc đó, tâm thế của Tôm cũng chỉ coi tiếng Đức là môn ngoại ngữ học thêm cho vui, chưa có động
lực gì cả. Tấm gương anh Gấu lên lớp 10 mới học tiếng Pháp để đi du học mà vẫn ổn nên cũng chưa có gì
phải xoắn.
Thời gian đầu, con học cầm chừng.
Rồi một ngày, con phát hiện ra Đức là nơi sản xuất xe BMV nổi tiếng, là nơi có nhiều chặng đua công
thức 1 …
Cùng lúc Idol của con xuất hiện.
Đó là thầy dạy tiếng Đức của con - Thầy Thomas Dippe.
Thầy là người Đức, dạy tiếng Đức trong trường của con, là tấm gương về nhân cách, phong cách và kiến
thức. Con chưa đủ trình tiếng Đức để trò chuyện với thầy nhưng con nói thạo tiếng Anh là một lợi thế.
Thầy cũng là người mê đua xe công thức 1.
Và thế là con đã tìm được người dẫn đường.
Con quyết định sẽ du học Đức.
Thỉnh thoảng gặp khó khăn trong việc học tập hay ý tường, con thường hỏi xin ý kiến thầy. Thầy rất bận
và không dạy thêm, nhưng thầy luôn dành thời gian cho con và tận tình chỉ bảo. Đôi khi thầy trò nói
chuyện với nhau về ô tô, về đua xe công thức 1.
Mẹ Tôm rất mừng vì con đã tìm được thần tượng của mình, một thần tượng xứng đáng.
Trong quan điểm tự trọng mà ba mẹ Tôm dạy cho các con, không có nhiều thần tượng. Sự ngưỡng mộ chỉ
dành cho những người lao động chân chính, kiếm tiền bằng bàn tay lao động của mình mà không làm hại
đến người khác. Sự quỳ lạy chiêm bái, thậm chí hôn ghế ngồi của thần tượng là thứ xa lạ trong quan niệm
của gia đình Gấu. Ba mẹ luôn dạy cho con hiểu biết về các giá trị đích thực, phân biệt với các giá trị hào
nhoáng tô vẽ.
Tuổi teen thường có trend thần tượng. Thần tượng của con phản ánh tư tưởng của con. Trong con mắt
một số người, thầy Dippe là người thầy lạnh lùng, nghiêm khắc. Trong con mắt Tôm, thầy là người cực
kỳ hiểu biết, nghiêm túc và trách nhiệm trong công việc. Mẹ Tôm nhắc con: Con quý thầy, không có
nghĩa là thầy quý con. Thầy rất bận nên con chú ý giữ khoảng cách đúng mực, đừng quá làm phiền thầy.
Tuổi teen thường có những diễn biến khó lường. Các con dễ dàng thần tượng một ai đó với các hình ảnh
lung linh đẹp đẽ.
Nhưng thần tượng cũng dễ dàng sụp đổ khi chạm vào thực tế hoặc đơn giản là do những thay đổi thất
thường trong tâm lý tuổi teen. Điều này đặc biệt nguy hiểm. Các con dễ bị chấn thương tâm lý, mất lòng
tin, hoang mang, chán nản.
Một nghiên cứu cho thấy các bé gái khi còn nhỏ rất thần tượng ông bố của mình. Trong mắt con, bố
mạnh mẽ, bố là người hùng. Nhưng đến tuổi dậy thì hoặc một ngày nào đó trái tim con rất nhanh vỡ vụn
khi chứng kiến bố đánh mẹ, hay là bố trở giọng van xin ai đó …
Vậy nên bố mẹ Tôm phải chuẩn bị trước cho con. Thiên hạ không có ai hoàn hảo, chỉ cần nhìn đúng bản
chất con người và sự việc như nó vốn có.
Con thần tượng các nghệ sỹ đẹp lung linh trên sân khấu? Đó là chuyện bình thường. Nhưng bố mẹ sẽ chỉ
cho con thấy nghệ sỹ cũng là người trần mắt thịt như ta, họ cũng đầy khiếm khuyết. Để được nổi tiếng, họ
phải luyện tập rất nhiều, phải hy sinh nhiều thứ. Cái mà ta nhìn thấy hàng ngày trên sân khấu, trên báo
mạng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ta cần hiểu được tảng băng chìm trước khi tôn sùng ai đó.
Ai được sinh ra cũng là người cao quý. Không có lẽ gì lại phải cầu cạnh, hạ mình đến mức khóc lóc, giận
dỗi cha mẹ, bỏ học, bỏ ăn để đi xếp hàng chỉ để nhìn thần tượng, thậm chí để hôn ghế của thần tượng. Đó
là tâm lý tự ti, nhược tiểu, tự hạ thấp mình.
Con hoàn toàn có thể trở nên cao quý nếu con biết cách cố gắng tự học để nâng cao giá trị của bản thân.
Bố mẹ Tôm hay nói chuyện với các con như thế. Không phải để bóc mẽ hay hạ thấp ai - tuyệt đối không-
mà chỉ để con nhìn rõ bản chất của sự việc để mà tự tin, để mà khiêm tốn.
Tôm thật may mắn có được một người thầy mẫu mực, một nhân cách đáng kính. Nhưng để nhìn thấy một
người thầy, một thần tượng đúng nghĩa thì con cần phải học.
Mẹ Tôm đã có một bài viết về thầy của Tôm, mặc dù thầy và mẹ chưa bao giờ gặp nhau.
(Còn nữa)

NÂNG CÁNH ƯỚC MƠ (P7)


HỌC THẦY VÀ HỌC BẠN
Đôi bạn cùng tiến.
Vì có đam mê với xe đua công thức 1 nên Tôm không có thời gian cho những chuyện tầm phào. Con không la
cà ngoài cổng trường, không chơi game ngoài quán net, không yêu đương nọ kia …
Con nhẹ nhàng vượt qua tuổi dậy thì đầy biến động.
Cuối năm lớp 7 hay lớp 8 gì đó, mẹ đi họp phụ huynh cho Tôm. Cô giáo chủ nhiệm khen thưởng Tôm và K. là
đôi bạn cùng tiến. Cô nói cô rất ngạc nhiên không hiểu sao Khánh chỉ có thể ngồi cạnh Tôm và chỉ có Tôm
nói K. mới chịu nghe. K. không thể ngồi cạnh ai và cũng không ai có thể ngồi được cạnh K. Thành ra, tuy mỗi
tháng cả lớp phải đổi chỗ 1 lần nhưng Tôm với K thì luôn phải ngồi cạnh nhau. Nhiều khi đổi K lên bàn 1,
Tôm cũng phải đi theo mặc dù Tôm to lớn như một con gấu còn K bé tẹo teo.
Mẹ cũng tò mò nên về nhà hỏi Tôm. Con xác nhận là đúng.
Mẹ hỏi: Thế sao con chịu được bạn trong khi cả lớp không ai có thể ngồi cạnh bạn K?
Tôm nói: Vì con học được tính tập trung. Khi con tập trung thì bạn K có nói gì làm gì cũng không làm ảnh
hưởng tới con được. Với lại bạn K sợ con giận.
- Con giận thì sao?
- Thì con sẽ lặng im không nói với bạn ấy nữa.
Mẹ tìm hiểu kỹ thì mới biết: K là học sinh đặc biệt. Bố của bạn là chủ một cơ sở sản xuất cơ khí. Bố K rất gia
trưởng và hay bạo hành vợ và các con. K có tính nghĩa hiệp, khảng khái, nhiều khi Khánh đứng ra chịu đòn
thay cho mẹ và các em. Khi K bênh mẹ, phản đối bố thì bị bố đánh, chửi, xúc phạm.
Vài lần K bỏ nhà đi. Con kết giao với vài tay anh chị trong giới giang hồ.
K thích xe Tôm vẽ. Thích nói chuyện và tâm sự với Tôm.
Nên khi Tôm giận không nói năng, không vẽ xe là K sợ.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là K đã nhìn nhận Tôm là một người bạn chân thành.
Tôm đối xử với K thực sự như một người bạn.
Tôm lắng nghe K, kiên nhẫn giảng bài cho bạn, nghiêm khắc nhắc nhở và kiểm tra bài vở của bạn nhưng đồng
thời cũng thực lòng mến mộ bạn.
K là người thẳng thắn, tốt bụng nhưng dễ bị tự ái, dễ nổi nóng, dễ tổn thương. Bạn lăn lộn nơi vỉa hè cuối phố
nhiều nên vốn kiến thức thực tế xã hội và con người rất phong phú. Bạn đam mê nghề cơ khí và có biệt tài săn
lùng những chi tiết cơ khí nơi chợ trời. Những thứ như thế, khó mấy K cũng tìm ra.
Có lần Tôm trăn trở: Con thấy bạn K đã rất cố gắng, gần đây bạn ấy có tiến bộ rất nhiều. Từ một người hổng
kiến thức, vươn lên được 7- 8 điểm thực lực là một sự nỗ lực rất lớn. Nhưng có những môn bạn ấy cần thời
gian để chứng tỏ. Nhưng thầy cô giáo đã không hiểu, không nhìn thấy sự nỗ lực của bạn …
Tôm là người hiểu bạn. Con biết lắng nghe bạn và con thực sự tôn trọng bạn.
Sự thấu hiểu và tôn trọng thực sự đã giúp Tôm có thái độ cư xử hợp lý với bạn và đã chạm đến trái tim chịu
nhiều tổn thương của K.
K quý Tôm vì sự chân thành của Tôm. Người như K không dễ dàng chấp nhận một tình bạn giả tạo hời hợt
theo lối xã giao.
Và mẹ hiểu giá trị của câu Tôm nói: Vì con là bạn của bạn ấy.
Con biết tôn trọng một người bạn, biết thấu hiểu và tìm ra điểm đáng trân trọng của một người bạn.
Con xứng đáng là một người bạn.
Bạn với đối thủ
Cuối lớp 8, Tôm tham gia một cuộc thi tiếng Đức mà phần thưởng là một chuyến đi Đức trong vòng 1 tháng.
Tôm vô cùng hứng khởi. Con ước ao, mong mỏi và quyết tâm để có được chuyến đi như thế. Con lao đầu vào
học.
Nhưng kết quả không như mong muốn. Con thua bạn AV. 1 điểm và xếp thứ 2. AV. giành được chuyến đi
tham quan nước Đức.
Khỏi nói Tôm buồn, tiếc nuối như thế nào.
Mẹ Tôm không an ủi cũng không trách cứ gì Tôm. Mẹ hiểu những gì đang diễn ra trong con. Mẹ chỉ ôm lấy
con, xoa lên đầu con và nói: Thua keo này ta bày keo khác. Con biết vì sao con thua bạn rồi.
Tất nhiên là mẹ Tôm cũng buồn và tiếc cho con.
Nhưng có một niềm an ủi, một món quà mà mãi sau mẹ mới nhận được:
Tình cờ, khi lên cấp 3 Chuyên Ngoại ngữ, Tôm và AV. học cùng lớp và hai đứa chơi với nhau rất thân. AV. là
bạn thân nhất của Tôm ở CNN và ngược lại. Nhiều lần Tôm được bố mẹ AV. mời đến nhà chơi, mời ăn cơm
… Mẹ V. nói với mẹ Tôm rằng thỉnh thoảng nhờ Tôm sang giúp V. học Toán. Tôm học tốt các môn tự nhiên
hơn Vũ.
Mẹ V. còn tặng Tôm cây đàn guitar của cô.
Từ đối thủ trở thành bạn thân, con đã vượt qua được rào cản sĩ diện, biết khiêm tốn học hỏi. Đó là một đức
tính tốt mà mẹ Tôm đánh giá cao.
Giờ Tôm và Vũ đang du học Đức, tuy mỗi đứa ở một bang nhưng các bạn vẫn thân nhau và có nhiều kỉ niệm
đáng nhớ.
Học từ thần tượng.
Từ lớp 6, Tôm là fan hâm mộ của Sebastian Vettel, tay đua Công thức 1 nổi tiếng.
Mẹ hỏi: Tại sao con lại hâm mộ Vettel mặc dù chú ấy không phải là tay đua giỏi nhất, nhiều thành tích nhất.
Vì abcdxyz …
Nghe Tôm kể chuyện về chú Vettel, những đánh giá của con về Vettel, mẹ Tôm mừng vì con đã chọn được
người xứng đáng để hâm mộ.
Có lần Tôm kể: Vettel là một tay đua rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Chú ấy luôn chuẩn bị kỹ càng và tập
trung vào mục tiêu của mình. Điều này đã giúp Vettel giành được nhiều chiến thắng và chức vô địch trong sự
nghiệp của mình.
Mẹ gật gù: ừ, thế thì đáng khâm phục thật.
Mẹ để ý thấy Tôm học tập chú Vettel: con cố gắng chuẩn bị kỹ càng cho các công việc quan trọng và con chia
sẻ với mẹ điều ấy.
Trong gia đình, Gấu bố mẹ cũng dạy các con: Cần xác định rõ mục tiêu chính trong mỗi việc làm của mình.
Khi đã xác định được mục tiêu rồi thì cần tập trung hết sức để thực hiện cho được mục tiêu đó. Tinh thần đó
lại được truyền cảm hứng bằng phong cách của chú Vettel, nên Tôm rất tâm đắc với chiến thuật này.
Con nói rằng con đã áp dụng thành công điều này trong học tập và đặc biệt là trong kỳ thi vào lớp 10 Chuyên
Ngữ.
Con đã tập trung cao độ, cố gắng trong từng phút từng giây, để lập thành tích: Không hề đi luyện thi Chuyên
ngữ ngày nào nhưng vẫn đỗ vào hệ chính quy của CNN.
Rồi một lần ngồi xem đua xe với Tôm, mẹ trầm trồ: Công nhận, mấy chú này (các tay đua) chú nào dáng cũng
chuẩn. Đẹp thế nhỉ.
Lúc ấy Tôm đang 80kg, béo tròn.
Mấy hôm sau Tôm bảo mẹ: Mẹ có biết làm thế nào các chú ấy có dáng đẹp thế không?
Đó là do chế độ ăn uống và luyện tập đấy. Khẩu phần ăn hàng ngày của các chú ấy được tính toán rất khoa
học …
Mẹ để ý thấy dạo này Tôm ăn ít cơm và thịt đi, ăn nhiều rau, uống nhiều nước và tăng cường vận động. Chỉ ít
lâu sau mọi người rất ngạc nhiên vì Tôm hết béo, dáng nhanh gọn thấy rõ.
Rồi một bữa mẹ lại trầm trồ: Sao những chú này mặt ai cũng đẹp thế nhỉ. Chú nào cũng tươi cười hồn nhiên.
Mẹ rất thích nụ cười tươi và hồn nhiên của các chú ấy…
Rồi có lần mẹ nghe Tôm kể: các chú ấy là tay đua xe nhưng đều có trình độ học vấn rất cao mẹ ạ.
Mẹ lại gật gù: Phải thế chứ. Đua xe công thức 1 đỉnh thế cơ mà. Học vấn tầm thường thì làm sao làm chủ
được các kiến thức đỉnh cao chứ.
Rồi là: Mẹ thấy các chú lái xe đua công thức 1 chú nào cũng sống lành mạnh, không có những thị phi kiểu
Scandal như mấy nghệ sĩ ngôi sao nhỉ. Mẹ không thích những người nổi tiếng mà mắc bệnh ngôi sao… Vân
vân và mây mây.
Mẹ phải công nhận: Ngoài kiến thức học được từ gia đình và nhà trường thì Tôm học được rất nhiều kiến thức
hay ho của thế giới văn minh thông qua việc học từ thần tượng, từ đọc sách, xem youtube, từ những đam mê
của con…
Và điều đáng mừng là tâm hồn con luôn rộng mở để đón nhận và làm theo những điều hay điều tốt.
Cứ như vậy. Hai mẹ con cứ rủ rỉ chuyện trò.
Mẹ tha hồ cài cắm lung tung.
Dạy mà như không dạy vậy …

HỌC THÊM – KHÔNG HỌC THÊM (P2)


Mình hoàn toàn không có ý định khuyên ai đó học thêm hay không học thêm. Mình không có quyền và
không có năng lực đó.
Nếu bạn chơi với mình đủ lâu, đọc vài bài mình viết thì sẽ thấy quan điểm của mình.
Mình đơn giản chỉ cung cấp thông tin để bạn có cái nhìn đa chiều, để việc quyết định cho con mình học
thêm hay không học thêm có thêm cơ sở.
Mình không cổ vũ cho việc học thêm vô tội vạ. Mình ủng hộ quan điểm con tự học.
Nhưng tại sao mình viết bài này?
Vì mình đã từng hòa giải một vụ bé gái bỏ học 2 tuần, không học bài, không ghi chép vì mẹ kiên quyết
không cho đi học thêm. Con chưa đủ khả năng để tự học ở nhà, các bạn trong lớp thì đi học thêm cả. Con
hoang mang không hoàn thành được bài vở, không đạt được chỉ tiêu như mẹ mong muốn. Hai mẹ con
không tìm được tiếng nói chung. Nên con chán nản, con bỏ học.
Mọi việc trở nên ổn thỏa khi mình thuyết phục người mẹ đồng ý cho con đi học thêm môn học mà con
mong muốn.
Mình cũng kể huyên thuyên những chuyện có thật mà mình chứng kiến. Để làm gì ư? Để có một cái nhìn
khách quan, đa chiều. Thế thôi.
Bữa mình đi mua thịt bò. Trước mình có một cô ăn mặc đẹp, vừa mua xong và rời đi. Chị bán thịt và một
bà khách hàng nhìn theo cô đó, lắc đầu. Bà khách hàng nói: Cô này thuê lớp để dạy thêm ở gần nhà tôi.
Tôi lạ gì nó. Suốt ngày sang uống cà phê bên quán nhà tôi. Nó có dạy dỗ gì đâu. Toàn thuê người dạy
thôi. Có hôm nó cho người giúp việc trông lớp. mà người giúp việc thì có biết gì đâu …
Bà kể tiếp: Hàng ngày, “nó” đi từ tầng 1 lên tầng 4 giao bài. Mỗi tầng 1 lớp, nhà có 4 tầng = 4 lớp, mỗi
lớp 30 học sinh. Đi từ dưới lên trên giao bài, xong đi từ trên xuống dưới nhắc nhở, giải đáp. Xong rồi
xách xe đi chợ, mua đồ về giao cho người giúp việc. Xong xuôi cô đi uống cà phê. Gần trưa, về thu bài

… Mình biết cô giáo này. Giờ cô đã yên vị, làm lãnh đạo trên Bộ GD sau một vụ kiện tụng bất phân
thắng bại …
---
Chục năm trước, mình định đi dạy ở một trường tiểu học lớn. Trước khi quyết định, mình được cho phép
đi tham quan làm quen trường lớp.
Mình vào lớp của một cô giáo khá nổi tiếng. Trước đó, mình search tên trường trên GG và thấy tên cô
giáo được rất nhiều phụ huynh khen ngợi. Cô dạy lớp 1.
Lúc mình vào lớp, cô không có ở trường. Lớp đang giờ tiếng Anh. Lớp ồn ào như một cái chợ vỡ. Học
sinh đi lại tùy tiện như chốn không người. Đứa đứng, đứa ngồi, đứa đi uống nước, đứa chui xuống gầm
bàn … Cô giáo trẻ dường như bất lực. Thỉnh thoảng cô lại quát lên: Này em kia … Này các con ở bàn 2,
mất trật tự quá … Cô gõ cái thước cành cạch lên bảng. Chẳng ai thèm nghe.
Đột nhiên, một cô giáo ở phòng bên cạnh chạy sang. Cô gõ cái thước đánh rầm xuống mặt bàn rồi quát
lớn: Cái lớp này vô kỷ luật nhỉ. Lớp trưởng đâu, ghi tên những ai ra khỏi chỗ lại. Để tôi báo cáo lên BGH,
trừ thi đua của lớp này …
Cả lớp trật tự hơn một chút.
Rồi một chị tay cầm giẻ lau chạy vào lớp. Nghe mình tự giới thiệu, chị cũng giới thiệu chị là phụ huynh
tình nguyện đến giúp cô chủ nhiệm trông nom lớp.
Chị nói: Cái lớp này nó hư lắm cô ạ. “Thân lừa ưa nặng”, toàn đầu gấu ấy, không nhẹ nhàng với nó được
đâu.
“Thân lừa ưa nặng”… Mình đã nghe cái từ này nhiều lần ở nhiều chỗ khác, lớp khác. Lúc nãy mình cũng
nghe cô bé lớp trưởng nói mấy từ này.
Mình chợt nhớ một lần vào lớp nào đó, đang giờ ngủ trưa, thấy cô bé lớp trưởng đi đi lại lại, tay cầm một
cái thước, miệng lẩm bẩm: Thân lừa ưa nặng, nói mãi không nghe. Thấy ai động đậy, cô bé vút cho một
cái vào lòng bàn chân. Đau nhưng không để lại dấu vết.
Thấy vài giáo viên dạy môn phụ truyền nhau kinh nghiệm: Học sinh nhiều khi sợ lớp trưởng hơn sợ giáo
viên, vì lớp trưởng nhiệt tình và không nhân nhượng. Nên việc giữ trật tự cứ nhờ lớp trưởng. Có gv sẵn
sàng miễn kiểm tra, miễn thi cho lớp trưởng chỉ để trong giờ học “con đi kiểm tra, nhắc nhở các bạn, giữ
trật tự lớp” cho cô.
Quyền lực của các “quan nhí” là có thật.
Lại có bữa, thấy bạn mình kiểm tra bài, bắt con học thuộc chính xác từng từ, từng chữ. Mình ngạc nhiên
hỏi: Con học lớp 6 rồi, con chỉ cần hiểu bài thuộc ý là được. Sao bắt con thuộc từng chữ từng từ cứng
nhắc vậy?
Bạn bảo: Không được đâu chị ơi. Cô giao cho lớp trưởng với lớp phó kiểm tra bài các bạn. Các con làm
răm rắp theo chỉ đạo của thầy cô. Bạn nào đọc sai chỉ 1 từ (dù đúng nghĩa) các bạn vẫn đánh dấu là chưa
thuộc bài. Ghê lắm.
Quyền lực của các “quan nhí” là có thật. Bó tay.
Trở lại với lớp 1 nọ.
Một lúc sau thì cô giáo đến. Cô tiến thẳng vào bàn giáo viên, ngồi xuống, nhìn vào góc bảng nơi lớp
trưởng đã ghi chi chít những cái tên … Cô hét lên như sấm: Anh A, Anh B, chị C … đem vở lên đây!
Khoảng chục học sinh len lét mang vở đi về phía bục giảng.
Phút sau, cô lại hét lên, dữ dội hơn: Mang cho tôi con dao vào đây. Chặt cái tay nó đi cho tôi. Có tay mà
không chịu viết bài thì chặt nó đi thôi, để làm gì … Anh C Đưa cái tay đây cho tôi …
Bốp bốp … Cái thước vụt vào tay cậu học sinh đang run rẩy chìa ra. Đứa nào cũng run rẩy, nước mắt
lưng tròng, có đứa khóc thét lên, xin rối rít. Nhưng mặt đứa nào cũng trơ lỳ. Hình như chúng đã quá quen,
sợ hãi chỉ là cảm xúc nhất thời.
Mình thề là mình thật sự choáng váng, mình sợ hãi.
Mình cứ tự hỏi, liệu có phải ngày nào cũng thế. Bọn trẻ kia có bị chấn động tâm thần không?
Mình ra khỏi lớp và một đi không trở lại. Không dám ngoảnh mặt nhìn.
----
Mấy nay mình thấy cộng đồng mạng đang dậy sóng, xôn xao với vụ cô giáo đi dạy thêm kiếm hơn trăm
triệu/tháng.
Xin thưa, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Các giáo viên dạy kỹ năng sống, dạy phát triển bản thân …
kiếm vài trăm chẹo một tháng là bình thường.
Nhưng số đó không nhiều. Số nhiều hơn, nhiều vô kể là các giáo viên dạy các môn phụ như Tin học, sử,
địa, công nghệ … Họ đang sống cầm hơi.
Đau đớn hơn là những lời bình luận của thiên hạ: Đã biết lương ít thì đâm đầu vào nghề giáo làm gì? …
Đã làm nghề giáo thì đừng có kêu ca lương thấp lương cao …
Ơ, thế làm nghề giáo, không trông vào lương thì cạp đất mà ăn à?
Có ai vào ngành sư phạm mà xác định chọn nghề này vì lương thấp?
Hu hu …
Giáo viên dạy môn phụ phải làm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập. Lao động là vinh quang, làm gì cũng
được, miễn là lương thiện. Nhưng một giáo viên dạy môn phụ, kiêm thêm nghề xe ôm, chở chính học
sinh của mình, liệu có nên thơ? Tiết dạy của thày cô liệu có thăng hoa khi hàng ngày phải vật lộn với
miếng cơm manh áo?
---
Mấy năm trước, trong một cuộc họp Hội đồng Giáo dục, Hiệu trưởng quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp
trên: Nghiêm cấm giáo viên không được đánh học sinh, không được dùng lời lẽ làm tổn thương học sinh

Mình nghe thấy nhiều tiếng thở dài.
Bạn mình, một giáo viên trăn trở: Không được đánh, không được mắng … không biết phải làm thế nào để
dạy được đây.
Mình hiểu nỗi trăn trở đó. Bạn mình và các đồng nghiệp của mình không ai muốn đánh muốn mắng chửi,
xúc phạm học sinh. Họ đồng tình với quan điểm của cấp trên. Chỉ đạo của cấp trên là đúng, là hoàn toàn
đúng.
Nhưng sự trăn trở của bạn mình không đề cập đến sự chỉ đạo cụ thể là cấm đánh, cấm xúc phạm học sinh.
Mà là một thực tế đáng ngại hơn: Giáo viên đang bị mất đi vị thế đáng ra phải có.
Dân chủ học đường, xã hội hóa … khiến cho quyền lực của phụ huynh ngày càng tăng lên vô kể. Giáo
viê lơ tơ mơ là bị ăn đòn.
Cuộc sống vốn khó khăn.
Mình hay ví giáo viên như cái bậc thềm của một tòa lâu đài. Cái bậc thềm là nơi tiếp xúc đầu tiên và trực
tiếp giữa phụ huynh với tòa lâu đài kia.
Cái bậc thềm cũng là nơi chịu sức nặng trực tiếp từ cái thượng tầng nguy nga tráng lệ phía trên. Cái bậc
thềm cũng là nơi nhận rác rưởi từ trên cao ném xuống. Rác rưởi trên mặt đất, rác rưởi từ trên cao, cái bậc
thềm lãnh đủ.
Nên muốn yên lành, nhiều giáo viên đành chấp nhận để tồn tại.
Phụ huynh muốn con đạt điểm cao? Chấp nhận nâng điểm: Cho kiểm tra bù để cải thiện, cho chấm vở,
chấm bài về nhà … thôi thì học sinh lười học cũng được, học kém cũng được, chép bài của bạn cũng
được, chỉ xin con viết cho thầy cô cái tiêu đề bài hoặc vài bài gọi có để thầy cô kiểm tra, có cớ mà cho
điểm …
Thầy cô được yên mà phụ huynh thì hài lòng. Còn chất lượng như thế nào thì chỉ thầy biết, trò biết, phụ
huynh không cần biết …
---
À, lại nói đến chuyện đi học thêm.
Bữa vào buổi tổng kết cuối năm, học sinh chuẩn bị nghỉ hè. Mình chứng kiến phụ huynh nói chuyện rất
vui vẻ với phụ huynh:
- Ôi, cứ nghĩ đến nghỉ là mình chết khiếp. “Nó” ở nhà 1 ngày là mình khổ một ngày.
“Nó” là thằng con trai học lớp 5 của chị.
Chị kể: Chị rất khổ sở với thằng con trai nghịch như quỷ sứ. Nó tăng động, nó leo trèo nghịch ngợm. Chị
chỉ sợ nó ngã, sợ nó tai nạn … Nên chị tìm mọi cách để tống nó ra khỏi nhà. Chị đăng ký các kiểu lớp
học, sao cho 2 ngày nghỉ cuối tuần kín lịch. Bỏ tiền thuê người khác trông nom dạy dỗ con mình, còn yên
tâm hơn để nó ở nhà.
Chuyện có thật 100%.
Lại có những đứa, bố mẹ bắt đi học thêm thì đi. Kiến thức bị nhồi thụ động, chưa kịp chọn lọc, chưa kịp
ngấm, lại nhồi tiếp. Nên nó vào tai này và ra tai kia … Mà bố mẹ thì rất hay lo lắng và sốt ruột. Muốn con
học cái này rồi lại cái kia.
Hồi Gấu học lớp 2, có phong trào học bàn tính số, tính nhẩm nhanh hay gì gì đó … Các bạn trong lớp đi
học rất đông. Mình hỏi cô giáo của con: Các bạn đi học về, có học tốt hơn không.
Cô giáo bất bình: Có đứa đi học về còn ngu thêm thì có…
Ngoài kiến thức học trên lớp, đi học thêm mấy cái kỹ năng gì đó, khi gặp vấn đề về tính toán, đứa trẻ phải
mất thời gian để cân nhắc, nhớ lại xem phải sử dụng phương pháp nào. Thực ra, mấy phương pháp đó, để
phục vụ đi thi thố là chính, để trở thành siêu nhân.
Học trò bình thường, chỉ cần học tính toán bình thường theo các thầy cô dạy ở trường là đủ.
Mình thực sự muốn nhấn mạnh rằng: Chỉ cần các con biết chú ý nghe giảng, tiếp thu được những điều
thầy cô giảng dạy ở trường là đã có nhiều kiến thức rồi. Tiếc rằng số học sinh biết tận dụng và lĩnh hội
được những kiến thức được học ở nhà trường là một con số khiêm tốn, rất khiêm tốn …
Vậy nên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Học thêm hay không là tùy ở mỗi người.
Nhưng khi có thông tin đa chiều, sự lựa chọn sẽ sáng suốt hơn, bớt cực đoan hơn.
Good Luck!

THỰC HÀNH TẠO HỨNG THÚ CHO HỌC SINH (P2)


Ở bài trước, mình quên chưa nói: Học sinh rất lười ghi bài. Một tiết học lý thuyết trên lớp, học sinh không ghi
bài, giáo viên dạy chay thì chất lượng hầu như bằng 0. Ấy là chưa kể học sinh không ghi bài thì ngồi nói
chuyện, trêu chọc nhau, mất trật tự. Mệt vô cùng.
Thế là cực chẳng đã, mình dạy học sinh ghi bài bằng cách vẽ sơ đồ tư duy. Mình nghiên cứu về sơ đồ tư duy,
kỹ thuật ghi nhớ từ lâu, để cho mình và để dạy con.
Mình đem ra dạy học trò. Học sinh tiểu học thì rất thích vẽ và đứa nào cũng có bút màu. Thế là thay vì ghi với
chép thì cả lớp bò ra vẽ. Bởi vì cô Lý bảo ai vẽ đẹp, làm tốt thì cô Lý thưởng. Mà để có sơ đồ tư duy đẹp, có
từ khóa để ghi lên SĐTD thì phải đọc sách, tìm nội dung, tìm từ khóa.
Mình lấy những tờ giấy 1 mặt (phần không dùng đến của tờ giấy kiểm tra) phát cho các con, tha hồ vẽ. Sau
này, mình lấy giấy A4 đã dùng 1 mặt (giấy loại từ văn phòng thiết kế Kiến trúc của chồng mình) nhiều vô kể.
Thế là đưa đến trường, phát cho các con, vừa làm nháp, vừa vẽ.
Cả lớp chúi mũi vào vẽ, thi nhau vẽ đẹp, vẽ to chả còn thời gian đâu mà nói chuyện với làm việc riêng.
Cô giáo chấm bài cũng cực nhàn: Nhìn vào sơ đồ tư duy, 5 nhánh là 5 mục chính, các từ khóa được bôi xanh
bôi đỏ rực rỡ thích mắt, thấy ngay, dễ chấm, chấm nhanh.
Đôi khi gọi học sinh lên trình bày, dạy luôn cả cách thuyết trình. Vui đáo để.
Trò vui mà cô cũng vui.
Tuy nhiên, không thể không kể đến vai trò của Ban Giám hiệu, đặc biệt là Hiệu trưởng trường mình. Cô Lê
Anh là một hiệu trưởng tuyệt vời. Bạn ấy đã rất tin tưởng mình, tạo điều kiện cho mình được dạy theo phong
cách của mình, không áp đặt hay soi mói gì cả.
Ở chiều ngược lại, mình cũng cố gắng để không phụ lòng tin của sếp.
Năm học 2012-2013, mình “bị bắt” thi Giáo viên giỏi.
Lúc đấy môn Tin học hầu như chưa có quy chuẩn cho một tiết học. Thi một đường, thực tế dạy một nẻo.
Chương trình thiết kế dạy lý thuyết trong phòng máy, có máy chiếu, có máy thực hành. Thực tế bọn mình
chẳng bao giờ được dạy lý thuyết trong phòng máy cả. Toàn dạy chay.
Ban đầu mình không thích dự thi. Nhưng sau nghĩ lại, vì danh tiếng của nhà trường, vì màu cờ sắc áo, vì nhiều
lý do nữa, mình đồng ý.
Mình thiết kế bài giảng hoàn toàn theo ý tưởng của riêng mình, tập trung vào trả lời câu hỏi cốt lõi: Mình dạy
cho ai, dạy cho học sinh cái gì, học sinh phải nắm được cái gì, làm được gì, làm như thế nào.
Mình ứng dụng phương pháp tư duy 5W1H, trả lời rõ ràng cho từng mục.
Bài thi của mình chỉ tập trung vào học sinh và giải quyết các vấn đề cốt lõi.
Kết quả: Mình đạt giải nhất, điểm tuyệt đối 20/20.
Sếp pnó nhắn tin: “Chị đạt giải nhất 20/20 điểm. Lịch sử 20 năm thi GVG quận Đống Đa chị là người đầu tiên
đạt điểm tuyệt đối. Tự hào quá cơ.”
Thường thì khi thi GVG, điểm cao nhất chỉ đạt 19,5, mình là trường hợp ngoại lệ.
Thực ra mình chẳng giỏi giang gì, chỉ là mình tập trung tìm ra và giải quyết tốt mục tiêu cốt lõi của bài giảng:
Mình dạy ai, dạy cái gì… Và mình không dạy theo khuôn mẫu.
Năm ấy không thi GVG Tin học cấp cao hơn, hình như đến bây giờ cũng vậy.
Btw: 8h Tối Thứ Bảy 20/5/2023, mình có buổi online tặng cho các bạn CB2, CB3, Combo về Sơ đồ tư duy
ứng dụng trong học tập. Bạn nào biết rồi thì thôi, bạn nào quan tâm thì cô Lý mời tham dự nhé. Link vào lớp
chính là link lớp học của các bạn.
Cô Lý thân mời .

BIẾT LẮNG NGHE


(Chuyện từ năm ngoái 28/5/2022)
Sáng nay, một cô bạn gọi điện cho mẹ Tôm. Sau màn thăm hỏi hàn huyên, cô bảo: Em phải công nhận cháu
Tôm nhà chị nó người lớn thật í.
- Thì cháu 18 tuổi rồi, cô.
- Không phải, ý em nói là Tôm trưởng thành, chín chắn hơn hẳn so với tuổi của cháu.
Mẹ Tôm lập tức dỏng tai lên: Chuyện gì vậy cô?
Chả là hôm qua nhà cô tổ chức sinh nhật, Tôm được mời đến cùng 1 anh, 1 chị là sinh viên ĐH và 1 em gái
đang học lớp 11. Nhóm các con chơi với nhau từ nhỏ. Gần đây phần vì dịch COVID, phần vì Tôm học năm
cuối cấp nên chúng ít gặp nhau. Nay gặp lại đứa nào cũng rất vui.
Nhưng chúng rất nhanh chóng nhận ra cô em út lớp 11 có gì đó rất khác. Rồi chúng phát hiện ra cô bé có vấn
đề.
Chúng rủ nhau vào bếp để hỏi han, tâm sự.
Em (người đang nói chuyện với mẹ Tôm) cũng được tham gia câu chuyện của bọn trẻ.
Câu chuyện của cô bé khá nghiêm trọng nên mọi người có vẻ rối lên. Tất cả đều ra sức góp ý, khuyên bảo, an
ủi...
Riêng Tôm chỉ yên lặng lắng nghe mà không nói gì.
Lúc sau chính Tôm lại đứng ra đề nghị mọi người dừng lại để cho cô bé nói.
Tôm bảo lúc này cô bé mới chính là người cần được nói.
Em giật mình vì Tôm nói quá đúng chị ạ.
Cô bé mới chính là người cần được nói, cần được lắng nghe, cần giải tỏa.
Đúng là mọi người quá nhiệt tình, tranh nhau nói, nói hết cả phần của cô bé...
Đến lượt mẹ Tôm cũng ngơ ngơ...
Thảo nào, tối qua con bảo: tối mai con muốn nói chuyện với mẹ, muốn mẹ giúp. Không phải chuyện của con
mà là chuyện của em E.
Chợt nhớ, mấy năm trước cậu của Tôm từ NT ghé qua chơi. Đúng lúc mẹ vắng nhà, Tôm ở nhà tiếp cậu.
Hôm sau cậu gọi điện khen nức nở, nào là thằng cháu chu đáo, thằng cháu lễ phép bla bla... Cậu khoái thằng
cháu lắm. Mẹ Tôm cũng khoái. Mẹ cũng ngạc nhiên vì không biết rằng lúc vắng mẹ, Tôm cũng người lớn ra
phết.
Cô hàng xóm hỏi: chị dạy con thế nào mà cháu chín chắn thế?
Mẹ Tôm không biết.
Thực sự mẹ Tôm không biết.
Mẹ Tôm chẳng biết đã dạy gì cho con, càng không nhớ rằng đã dạy con trong từng trường hợp cụ thể: khách
đến nhà thì phải làm gì, phải quan tâm đến mọi người ra sao...
Tôm học ở đâu, lúc nào, mẹ cũng chả nhớ...
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.

TÔM HỌC TIẾNG ANH


Tôm và Gấu đều không có gì đặc biệt. Hồi tiểu học cô giáo dạy tiếng Anh nhận xét anh Gấu học rất bình
thường. Cô dạy Toán, tiếng Việt thì bảo: Em thấy chị không ép con học.
Thì đúng rồi. Gấu mẹ chưa bao giờ ép con học cả.
Gấu mẹ muốn con tự giác học. Mà muốn con tự giác thì phải làm cho con không sợ học. Muốn con
không sợ học thì phải tìm cách. Có nhiều cách chứ không có cách nào là duy nhất.
Hồi Gấu anh còn nhỏ. Một lần đi mua sách ở Thái Hà, Gấu mẹ được chứng kiến một giờ dạy của giáo
viên nước ngoài ở một trung tâm tiếng Anh. Gấu mẹ rất thích cách thầy giáo dạy bọn trẻ.
Ở cổng vào, Gấu mẹ thấy một bà mẹ đang bảo con: Nếu con không ngoan thì tuần sau mẹ không cho đi
học ở đây nữa.
Rõ ràng là có những nơi và có những phương pháp dạy làm cho trẻ con thích học.
Gấu mẹ tự nhủ: Mình phải cho con học ở đây. Mình phải dành dụm tiền để cho con đi học tiếng Anh…
Khi dạy các đội tuyển HSG, Gấu mẹ để ý thấy có một số cháu rất mạnh dạn, tự tin, suy nghĩ mạch lạc,
biết trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng, thẳng thắn. Các cháu có trình độ tiếng Anh rất khá. Gấu
mẹ thường hỏi: Con học tiếng Anh ở đâu.
100% có câu trả lời giống nhau: con học tiếng Anh ở X, Y,Z (một vài trung tâm tiếng Anh có tiếng).
Phải đến lớp 4 hoặc lớp 5 thì Gấu mẹ mới thực hiện được mong muốn cho Gấu Anh đi học tiếng Anh ở
trung tâm Anh ngữ do thầy nước ngoài dạy. Tôm thì sớm hơn, khoảng lớp 3.
Cả hai đều thích học ở những nơi này và đều có thành tích đáng kể. Sau một vài học kỳ, Gấu anh có tiến
bộ vượt bậc, được nhảy từ level 4 lên level 6, bỏ qua level 5. Rõ ràng là khi thích học thì con sẽ học tốt.
Nhưng điều đặc biệt quan trọng là con đã học được khá nhiều từ tác phong đến cách tư duy tiến bộ của
người nước ngoài. Đây mới là điều mình thấy được nhất.
Trước đây, cả Tôm và Gấu đều khá nhút nhát và không tự tin với môn tiếng Anh. Chính việc học tiếng
Anh bài bản ở những trung tâm nghiêm túc đã giúp con khắc phục được những đặc điểm này, đồng thời
còn dạy cho con nhiều kỹ năng tốt khác.
Nhiều bạn bè mình thì chê trung tâm A, L… là dạy thì ít mà chơi thì nhiều, cố tình chia nhỏ các khóa học
để thu tiền. Các bạn kể, cô giáo A, thày giáo B dạy cho con họ nhiều lắm, mỗi buổi cả mấy trang giấy lận.
Mình thấy hơi hãi hãi…
Mình thích cách con mình vui vẻ khi đến lớp và mỗi hôm về nhà cũng trong tâm trạng phấn chấn. Con
vừa cười vừa kể cho mẹ nghe hôm nay con gọi thầy là Sâu Trắng, còn thầy gọi con là Cá Sấu Nhỏ…, hay
là cách con trả lời câu hỏi bằng một hình vẽ ngộ nghĩnh trên giấy.
Ở lớp tiếng Anh con được phép trình bày mọi suy nghĩ của mình dù hay hay dở, dù đúng hay sai. Mọi cố
gắng của con dù là nhỏ cũng đều được ghi nhận, tán thưởng. Nhiều bài viết có chủ đề mở, mặc cho con
thỏa sức tưởng tượng, dù là ngốc nghếch hay hoang đường cũng không hề bị thầy cô phê phán hay chê
trách. Những điều ấy giáo dục của ta chưa làm được.
Vì vậy, theo mình: Bước đầu học tiếng Anh cần phải cho con học ở một trung tâm tốt, bài bản. Ở đây con
được học cách phát âm, cách tư duy chuẩn mực ngay từ đầu. Sau một thời gian học chắc các kỹ năng cơ
bản thì con có thể tự học, không phải đến trung tâm nữa.
Thực tế từ Gấu, Tôm và từ nhiều người, khi học đến một trình độ nào đó, người ta hoàn toàn có thể tự
học. Khi nắm vững một ngoại ngữ thì việc học thêm một ngoại ngữ khác cũng bớt khó khăn hơn rất
nhiều.
Có một thực tế là nhiều con cũng đi học ở các trung tâm tốt, có tiếng, nhưng kết quả không như kỳ vọng.
Vấn đề ở chỗ con phải có tâm thế sẵn sàng để mở lòng ra, để tiếp thu cái hay, cái tốt. Độ mở trong suy
nghĩ là cực kỳ quan trọng. Nếu con có cảm tình với môn học, với thầy cô thì việc học và tiếp thu kiến
thức sẽ tự giác, nhẹ nhàng. Nếu đã có ác cảm hoặc định kiến, việc học sẽ thành thảm họa.
Việc này gia đình phải làm. Gấu mẹ luôn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về các thầy cô của con. (Đúng là phải
tạo dựng chứ thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy). Gấu mẹ luôn luôn kính trọng các thầy cô,
tuyệt đối không tận dụng cơ hội để làm thân, để bằng vai phải lứa. Thầy cô của con phải được đặt cao
hơn một bậc. Đôi khi có những “sự cố kỹ thuật” thì phải tìm cách hóa giải ngay.
Có lần, con kể với mẹ rằng cô giáo phát âm không giống thầy ở trung tâm, nghe rất buồn cười. Mẹ giải
thích, cô phát âm có thể do đặc tính vùng miền (như miền Nam với miền Bắc), cũng có thể lúc cô đi học,
thầy của cô đã dạy sai. Có thể cô cũng biết là sai nhưng cái sai đã thành thói quen thì rất khó bỏ. Vì vậy
con phải cố gắng để đừng hình thành một thói quen không tốt. Còn việc đúng sai, tự con biết, không cần
phải tranh cãi ai thắng ai thua cho kỳ được. (tranh thủ dạy thêm một tý về cách ứng xử).
Còn một vấn đề khác.
Không nên thay đổi các lớp học tiếng Anh liên tục. Làm như vậy việc học không liền mạch, đứt quãng,
kiến thức khi thì thiếu hụt, khi thì chồng chéo.
Khi có một vốn liếng cơ bản về tiếng Anh thì con cần tự học thêm, không nhất thiết phải đến trung tâm
nữa.
Việc tự học thường được gắn với một thứ mà con thích.
Tôm đam mê vẽ xe ô tô. Con lên mạng tìm các hướng dẫn vẽ, nhưng chỉ toàn bằng tiếng Anh. Thế là con
phải tự học, tự đọc.
Sau đam mê vẽ xe ô tô là đam mê xem đua xe công thức F1. Nghe nhiều, xem nhiều, cần phải tìm hiểu
nhiều, thế là học được.
Trong quá trình tìm kiếm trên mạng, Tôm còn tìm thấy những trang web hay để học tiếng Anh, hay đơn
giản là để giải trí. Tôm đặc biệt thích xem Top Gear, Engineering Explained, Chain Bear F1 …còn anh
Gấu thì thích Discovery và nhiều trang khác nữa.
Tôm thích thú và nhiều hôm cười sằng sặc khi xem một trang hài hước. Chỉ khổ Gấu mẹ nhiều hôm la oai
oái vì ồn ào quá. Nhưng cũng phải bấm bụng chiều con, vì xét cho cùng tuy khó chịu một chút nhưng thú
vui của Tôm cũng lành mạnh.
Tôm xem nhiều, nghe nhiều trên mạng, tất có nhiều nguy cơ. Vấn đề là phải quản lý được con, tin tưởng
con và … phải chịu chơi!
Nhưng có lẽ, bố mẹ nên yên tâm. Khi trình độ tiếng Anh đạt đến một mức độ nhất định thì sự hiểu biết
cũng như các kỹ năng của con tăng lên rất nhiều. Lúc đó con học được nhiều điều hay ho bổ khuyết cho
những điều gia đình, trường lớp chưa kịp dạy.
Tất nhiên, để con an toàn trên mạng là điều cần phải chú ý. Đó là điều không hề đơn giản.
Làm thế nào quản lý con hiệu quả cũng là một bài toán khó.
P/s. Bài này mình viết vào năm 2016, dựa trên kinh nghiệm và quan điểm cá nhân. Thời điểm mình đang
nói là cách đây hàng chục năm. Lúc đó đội ngũ giáo viên tiếng Anh người Việt vừa thiếu vừa yếu. Sau
này, khi mở cửa, các giáo viên tiếng Anh là người Việt được đào tạo bài bản, thì những lớp học do giáo
viên người Việt dạy rất tốt. Để tránh những tranh luận không cần thiết, bạn chỉ nên tham khảo.
Thân mến.

TÔM HỌC TIẾNG ANH (P2)


Năm ngoái hắn được Language Link tặng danh hiệu The Best Student.
Năm nay thi HSG tiếng Anh cấp quận, hắn trượt thẳng cẳng.
Hắn giải thích XYZ...
Mẹ hắn không trách, cũng không mắng, chỉ nói: HSG tiếng Anh không có nghĩa chỉ nghe, nói, đọc, viết
giỏi mà còn phải am hiểu văn hóa nước Anh nữa. Con biết là con thiếu gì rồi chứ?
Cô giáo chủ nhiệm của hắn an ủi, mẹ hắn bảo: Hắn trượt có khi lại may. Có như thế hắn và mẹ hắn mới
biết sẽ phải làm gì.
Hắn cũng cần phải trải nghiệm cả những thất bại, học cách đứng lên từ nơi mình ngã.
Đầu năm nay, mẹ hắn bảo: Con đã học cơ bản ở Language Link rồi, bây giờ con có thể nghỉ, ở nhà tự
học.
Hắn nhất trí liền. Không phải đi học nữa là hắn hưởng ứng ngay.
Hôm qua, Language Link mời hắn đi kiểm tra đầu vào. Mẹ khuyến khích hắn đi, để xem sau hơn nửa
năm nghỉ học, trình tiếng Anh của hắn tụt hậu đến đâu.
Vài tiếng sau, giáo viên của Language Link gọi cho mẹ. Họ thông báo: hồi nghỉ học ở LL hắn đang ở
mức In1. Nay hắn đang ở mức Ad2.
Mẹ hắn ù ù cạc cạc chẳng biết inter với advan là gì, cô giáo phải giải thích: Trình tiếng Anh của học sinh
THCS chia làm 15 cấp độ. Hiện nay hắn đang ở cấp độ 14/15. Trường hợp của hắn khá đặc biệt. Hắn
nghỉ học khá lâu, trình tiếng Anh không giảm mà lại tăng những 5-6 cấp độ.
Ở lớp tiếng Đức, hắn cũng được thầy chọn đi thi lấy bằng B1 (THSC chỉ thi bằng A2).
Mẹ ghé tai hắn thì thầm: vì thành tích này mẹ sẽ xí xóa cho tội X, tội Y, tội Z... Nhiều tội lắm, mẹ biết cả,
nhưng chưa xử lý đấy thôi.
Nghe xong hắn cười, thở phào nhẹ nhõm.
Với mẹ hắn, chuyện thắng, thua, được, mất là chuyện vô thường.
Học vì sự hiểu biết của mình mới là quan trọng.
Biết người biết mình, thắng không kiêu, bại không nản, ấy là lẽ cần phải học.
3/2017

You might also like