You are on page 1of 2

HỌC QUA LOA, ĐỐI PHÓ

"Sự ngu dốt không đáng xấu hổ bằng việc không chịu học hỏi". Quả thế, học tập
là cả 1 quá trình dài không ngừng tích lũy kiến thức từ sách vở đến hiện thực
cuộc sống. Thế nhưng, đáng buồn là hiện nay còn có nhiều góc khuất, một phần
không nhỏ học sinh chọn cách học qua loa đối phó. Đây hoàn toàn là một cách
học không tốt và dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường.

Vậy, học qua loa đối phó là gì? Học qua loa đối phó là không xem việc học là
mục đích. Những người học qua loa đối phó bao giờ cũng đến lớp nghe giảng
bài trên tinh thần không tự nguyện. Để rồi về nhà cũng chỉ học cho có lệ. Học
đối phó, qua loa là cách học không đi sâu vào thực chất kiến thức của bài học
mà chỉ là học cho có lệ, để qua mắt ba mẹ, thầy cô. Việc học qua loa, đối phó
được thể hiện qua những lần chép bài tập của bạn, quay cóp khi thi cử kiểm tra.
Hoặc ngày mai có kiểm tra, thì tối nay bắt đầu thức đêm, cày kiến thức, để
mong sao ngày mai không bị điểm kém. Khi thi xong thì coi như kiến thức cũng
theo gió trời mà bay. Thái độ và tinh thần học tập kém cũng là biểu hiện của
cách học này. Không chỉ là ở trường, học sinh ở nhà lười nhác, phải đợi người
thân nhắc nhở, kiểm tra mới chịu học.

Mọi thứ đều có nguyên nhân của chính nó và những tiêu cực trên cũng thế.
Nguyên nhân trước hết chính là mỗi bản thân người học sinh đã không tự xác
định được học để làm gì và học như thế nào, từ đó suy nghĩ và hành động của
họ trở nên sai trái là đương nhiên. Các bạn còn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của
việc học đến từ ý thức chủ quan của mình. Đôi khi còn là do học sinh ngại khó,
ngại khổ mà liên tục ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè. Bên cạnh đó, những học sinh
này có lẽ đã thiếu đi cái động cơ, mục đích học tập để phấn đấu, nỗ lực học
hành. Vì không xác định được ước mơ, hoài bão mà đâm ra chán học rồi dẫn
đến học qua loa. Nhưng ta cũng ko thể trách họ hoàn toàn được, làm sao họ có
thể tốt được khi mà những người thầy, người cô còn cứ mãi dạy theo phương
pháp cũ, không đủ thu hút học sinh. Hay khi mà bộ giáo dục vẫn còn đang loay
hoay với việc cải cách sách giáo khoa.

Căn bệnh học đối phó quả thật là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm đối với lứa
tuổi học sinh hiện nay, nó không ngay lập tức gây ra hậu quả nghiêm trọng
nhưng càng để lâu, tình trạng này tiếp diễn liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến các
em. Nhiều học sinh nhận thấy học qua loa đối phó đã đem lại cho họ những con
điểm cao, họ đã qua kì thi một cách dễ dàng, rồi lầm tưởng đó là lợi ích và ngày
càng lún sâu vào cách học đó. Học qua loa, đối phó bào mòn sự tư duy, sáng
tạo, tinh thần nỗ lực vượt khó ở lứa tuổi của các em, gây mất hứng thú, chán
nản trong việc học và dễ dẫn tới những hành vi sai trái khác như học vẹt, học tủ,
gian lận trong kiểm tra thi cử. Học đối phó sẽ khiến các em không có kiến thức
đọng lại trong đầu, khi thi cử hay ra ngoài làm việc, chỉ có những cái đầu rỗng
tuếch và thói vô trách nhiệm. Nguy hại hơn nữa, hiện tượng học đối phó sẽ
khiến cho chất lượng giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự
phát triển chung của xã hội sau này.

Để khắc phục hiện trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác
trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế
tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Học sinh cũng phải cố
gắng hết sức với tất cả nỗ lực của bản thân. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt
em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình.
Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá
nhiều và đổi mới phương pháp học để tạo sự hứng thú hang say khi học tập để
khích lệ tinh thần học sinh. Song, nhà trường phải có những biện pháp nghiêm
khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.

Hiện tượng học đối phó của học sinh hiện nay không còn quá xa lạ trong cuộc
sống. Biết rằng chúng chỉ mang lại những tác hại, nên mỗi chúng ta hãy cùng
chung tay, góp sức để hạn chế việc học đối phó và tìm các phương pháp học
mới, vừa để khiến bản thân mình phát triển hơn, vừa góp sức giúp đất nước và
xã hội phát triển bền vững.

You might also like