You are on page 1of 3

Tham Luận Về Thực Trạng Tự Học Và Phương Pháp

Để Phát Triển Khả Năng Tự Học Của Học Sinh

Con người muốn thành tài thì phải học. Học ở mọi lúc mọi nơi, học ở những người tài giỏi hơn mình.
Nhưng điều quan trọng nhất giúp con người giỏi giang hơn chính là ở tinh thần tự học. 

Tự học là quá trình mỗi người tự giác tìm tòi, học hỏi, tiếp thu, tích lũy những kiến thức bổ ích, có lợi
cho cuộc sống cũng như công việc dựa vào chính khả năng của mình mà không nhờ vả hay trông chờ vào
bất cứ ai. Việc tự học sẽ giúp con người hiểu vấn đề một cách sâu sắc, giải quyết vấn đề nhanh chóng
chính xác và được coi là chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công
trong học tập. Bên cạnh đó, việc tự học còn giúp con người có khả năng ghi nhớ tốt hơn, áp dụng kiến
thức vào thực tiễn tốt hơn và những thành quả của việc tự học mang lại cho chúng ta sẽ ngọt ngào, rực
rỡ hơn, bản thân ta sẽ tiến bộ vượt bậc hơn. Hiểu được tầm quan trọng của việc tự học, mỗi người cần
có cho mình một phương pháp học tập hợp lí, tích cực tìm tòi những kiến thức hay ho ở xung quanh
mình và tổng hợp chúng thành bài học cho riêng mình. 

Tuy nhiên, cũng như một số trường khác, vấn đề tự học của học sinh còn nhiều điều đáng bàn. Thiết
nghĩ, cần thiết nêu lên thực trạng, chỉ ra nguyên và tìm ra những giải pháp cụ thể mang tính chất khả thi
mới có thể giúp học sinh giải quyết vấn đề tự học.

Nhiều học sinh cảm thấy thời gian học tập sao quá nhàn hạ để họ có thể cho phép mình được vui
chơi thoải mái. Thật vậy, biết làm gi đây bởi vì thời gian lên lớp mỗi ngày chỉ có mấy tiết. Còn tự học ư ?
Biết học cái gi khi kiến thức của nhân loại là vô tận và con đường tiếp cận nó là vô cùng đa dạng, nhiều
nẻo, nhiều đường ! Hơn nữa, một số học sinh còn xem thường việc học. Nhiều bạn học sinh chỉ mải chơi
không tập trung vào việc học, trên lớp thì nói chuyện riêng không nghe giảng, về nhà lại đi chơi bỏ mặc
bài tập cũng như việc học của mình. Hằng ngày ra lớp với tình trạng bài tập chưa làm, bài cũ không hiểu,
bài mới chưa chuẩn bị.

Bên cạnh đó tình trạng học “đối phó” diễn ra phổ biến trong học sinh. Hầu hết học sinh chưa chủ
động được thời gian, chưa biết sắp xếp hợp lí thời gian cho toàn bộ chương trình cũng như kế hoạch học
tập hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày của mình.

Đa số học sinh chưa biết và cũng chưa có ý thức chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Giáo viên dạy tới
đâu, học sinh học đến đó, giáo viên dặn điều gì thì học sinh học và làm điều ấy. Một số học sinh học theo
lối thực dụng: những phần nào giáo viên cho cho thi, liên quan đến điểm số thì mới đầu tư học tập.

Khả năng ứng dụng và tiêu hoá kiến thức của nhiều học sinh chưa sâu. Đối với học sinh, kiến thức ở
giảng đường dường như tách rời thực tế. Học sinh chưa thấy được kiến thức sách vở là bắt nguồn từ
cuộc sống và mục đích cuối cùng của chúng là sẽ trở lại phục vụ cuộc sống. Đối với học sinh nhiều vấn đề
khoa học trở nên trừu tượng, mơ hồ, chúng tồn tại chơi vơi, dường như không có đất sống. Muốn tìm
được mảnh đất sống thực sự cho chúng không gì hơn là phải đầu tư tự nghiên cứu, tự học.
Học sinh cũng chưa thấy được mối quan hệ giữa các các học phần, các đơn vị kiến thức. Kiến thức
mình đang học có liên quan gì với kiến thức trước và sau nó. Do vậy, học sinh cũng chưa biết vận dụng
cái đã biết để giải quyết những vần đề chưa biết và cần biết.

Từ những đặc điểm nêu trên dẫn đến một hậu quả khá nghiêm trọng là khả năng nghiên cứu của đa
số học sinh còn yếu kém. Điều này, đồng thời, dẫn đến một hệ lụy sau là sau khi học cao hơn và khi ra
trường, khả năng phát hiện vấn đề, xử lí tình huống, giải quyết công việc của hầu hết học sinh là không
cao.

Cũng như tình hình phức tạp của thực trạng, nguyên nhân cũng xuất phát từ nhiều phía.

Các em đang trong độ tuổi hiếu kì, ham chơi, thích khám phá mọi thứ xung quanh nên dẫn đến việc
bỏ bê học tập, chạy theo những thú vui của bản thân mình. Gia đình chưa quan tâm thực sự đối với con
em mình, chưa đốc thúc con em học hành đến nơi đến chốn. Nhà trường chưa có biện pháp triệt để
cũng như thú vị để kích thích tinh thần học tập của các em. Hòa nhịp với sự phát triển của xã hôi tiếp thu
nền văn hóa không tốt của thế hệ học sinh, mê thế giới ảo,….

Thực tế cho thấy, hầu hết học sinh chưa biết khái niệm “tự học”. Cụ thể, học sinh chưa biết tự học cái
gì, làm gì trong thời gian tự học, cũng như chưa biết lợi ích của việc tự học là gì. Học sinh chưa nhận
thức được rằng kiến thức của môn học là vô hạn, mà thời gian trên lớp là hữu hạn. Dù có bao nhiêu thời
gian trên lớp cũng không đủ để giáo viên có thể khai thác hết kiến thức của môn học; do vậy tự học là
một phương pháp tối ưu để có thể đi tới chân trời khoa học.

Tự học là một phương pháp học tập còn khá mới đối với học sinh. Quen với cách học truyền thống –
giáo viên cung câp kiến thức, học sinh tiếp nhận thụ động, một chiều – học sinh chưa biết mình phải học
gì, làm gì để đạt được kiến thức, kĩ năng cần thiết.

Nhiều học sinh chưa tìm được niềm đam mê, sự thích thú trong học tập, nghiên cứu. Học tập là một
nhiệm vụ, tuy nhiên nếu có cả niềm đam mê và sự hứng thú nữa thì hiệu quả mới cao và học mới có thể
mong đạt đến kết quả tốt. Niềm đam mê và sự thích thú sẽ là động lực giúp học sinh vượt qua mọi trở
ngại và quyết tâm đi đến điểm cuối cùng.

Từ những thực trạng ấy cần tìm ra những giải pháp cụ thể mang tính chất khả thi mới có thể giúp học
sinh giải quyết vấn đề tự học.

Để định hướng cho học sinh trong việc chủ động học tập, phụ huynh có thể cùng học sinh xây dựng
kế hoạch học tập phù hợp với bản thân học sinh. Trong đó, học sinh được quyền lựa chọn các mục tiêu
mà phụ huynh gợi ý. Điều này sẽ giúp học sinh cảm thấy không bị quá sức và sẽ cảm thấy được ba mẹ tin
tưởng nên từ đó sẽ không ngừng cố gắng và phấn đấu, nỗ lực trong học tập nhằm đạt được cam kết như
ban đầu.

Phụ huynh chỉ nên đóng vai trò là người hỗ trợ học sinh xây dựng kế hoạch học tập khoa học, vì việc
thường xuyên bị áp đặt sẽ khiến học sinh cảm thấy chán nản, thiếu tự tin vào bản thân, lâu dần sẽ gây
ảnh hưởng đến việc học của chính các học sinh. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên để học sinh tự chọn lựa cách
thức học tập phù hợp với bản thân vì khả năng tiếp thu của mỗi học sinh là rất khác nhau, chính vì thế
để học sinh chủ động tiếp thu kiến thức là phương pháp học tập hiệu quả nhất.

Trong học tập nên tập cho học sinh phát biểu ý kiến cũng như lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học
sinh để hình thành tư duy phản biện tốt hơn. Trong quá trình học tập, khi các học sinh tự do tiếp thu
kiến thức theo cách của riêng mình thì vốn kiến thức sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn, từ đó học
sinh rất muốn được phát biểu và phản biện khi thấy ý kiến khác chưa phù hợp.

Tư duy phản biện sẽ giúp một vấn đề được nhìn nhận từ các góc nhìn khác nhau, thế giới quan của
học sinh cũng từ đó mà phát triển đa chiều hơn. Do đó, nên kiên nhẫn rèn luyện cho học sinh khả năng
này, đặc biệt là đối với những học sinh thụ động.

Sau đưa danh sách câu hỏi và tài liệu tham khảo, giáo viên có thể dùng thời gian trên lớp để hỏi một
số câu hỏi, cho học sinh xung phong trả lời miệng - trả lời ngắn gọn - và cộng điểm cho học sinh. Để
khuyến khích, động viên học sinh, chúng ta nên đánh giá kết quả tự học của các học sinh. Đánh giá mức
độ hoàn thành của các nhóm bằng cách cho điểm cả nhóm. Để đảm bảo cũng như kiểm tra chắc chắn
rằng các học sinh trong nhóm cùng hoàn thành sản phẩm, chúng ta có thể gọi bất kỳ một học sinh của
nhóm trình bày ngắn gọn vấn đề hay hỏi một phần nhỏ của vấn đề trước khi cho điểm cả nhóm.

Điều này thúc đẩy quá trình tự học của học sinh. Tuy nhiên, chúng ta nên cho đề theo dạng “đề mở”
– được tham khảo tài liệu; đặc biệt, nên cho theo dạng nhiều câu hỏi nhỏ, yêu cầu trả lời ngắn gọn để
kiểm tra quá trình tự tham khảo tài liệu của học sinh.

Cái cốt lõi chính là học sinh hãy tự giác học tập ngay từ hôm nay để trở thành người có ích cho xã hội,
góp phần làm phát triển xã hội lên tầm cao mới.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, rất mong nhận được sự đóng góp của quý Thầy Cô, các bạn để
hoàn thiện bài tham luận; cũng như để chúng ta chia sẻ, đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong quá
trình giảng dạy nhằm nâng cao khả năng “tự học” của học sinh; với mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu
quả đào tạo - tức đào tạo ra những học sinh tích cực, năng động, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của xã hội hiện đại ngày nay.

You might also like