You are on page 1of 2

Tại sao không thể học tập theo kiểu đột kích mà phải siêng học?

Mỗi người trong chúng ta đều có những cách học riêng của mình. Có người thì học tập
theo kế hoạch, có người thì học tập theo cảm hứng, có người thì học cả quá trình, cũng có
người thì gần thi mới học. Mỗi cách học thì sẽ dẫn đến những kết quả học tập khác nhau.
Vậy tại sao không thể học tập theo kiểu đột kích mà phải siêng học?
Đầu tiên, ta hiểu đột kích là gì? Đột kích tiến hành một hoạt động nào đó một cách bất
ngờ, không có dự định từ trước (thường là trong thời gian ngắn). Vậy học tập theo kiểu
đột kích là học không có sự chuẩn bị, không có kế học từ ban đầu, thích thì học mà không
thích thì thôi. Học theo hình thức này sẽ có rất nhiều tác hại có thể kể đến: Học tùy hứng,
tùy tiện, dễ mất thời gian, luôn bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường xung quanh, dễ
bị tác động, không có kế hoạch về thời gian dẫn đến không biết làm gì trong thời gian nào
cuối cùng thì cũng chả làm được việc gì.
Học tập theo kiểu đột kích có nhiều tác hại như thế. Vậy, nếu không học tập theo kiểu đột
kích thì ta phải siêng học. Nhưng thế nào là siêng học? Đầu tiên, siêng năng là đức tính
của con người, biểu hiện ở sự cần cù, tự giác, miệt mài làm việc, thường xuyên đầy đặn.
Người có đức tính siêng năng thì không ngại khó khăn, gian khổ, kiên trì đến khi đạt
được thành quả mới dừng lại. Họ luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ được
giao phó cho dù mất nhiều thời gian. Vậy, ta có thể hiểu học tập siêng học là học tập một
cách có kế hoạch cụ thể, miệt mài, chăm chỉ học hành, tích lũy kiến thức theo thời gian.
Tại sao không thể học tập theo kiểu đột kích mà phải siêng học? Đầu tiên, học tập chăm
chỉ giúp ta rèn luyện được ý chí nghị lực. Sức hấp dẫn của sinh mệnh nằm ở việc nó cho
tất cả mọi người cơ hội sáng tạo và phát triển ngày càng ưu tú hơn. Bề dày cuộc sống của
mỗi người cũng sẽ thay đổi tùy theo tính kiên trì và tinh thần đấu tranh bền bỉ của từng
người. Wei Xiang, một cậu bé ở Đinh Tây, Cam Túc, bẩm sinh đã bị liệt từ nhỏ, dù trải
qua ba cuộc phẫu thuật lớn cũng không cải thiện được. Nhưng bất hạnh thay, năm 2005,
cha cậu bé mất sớm vì bệnh, để lại mình cậu và mẹ sống nương tựa vào nhau. Tuy vậy,
những khó khăn trong cuộc sống vẫn không ngăn được ý chí cầu được đi học của Wei
Xiang. Để thực hiện ước mơ của mình, cậu bé đã làm việc chăm chỉ trong suốt 10 năm
liền, chịu những khổ sở mà người bình thường không thể tưởng tượng nổi. Cuối cùng,
cậu bé ấy đã được nhận vào đại học Thanh Hoa năm 2017 với số điểm rất cao – 648
điểm. Cuộc sống, vốn dĩ chính là một trận chiến. Trước những thời khắc khó khăn, chúng
ta thường chọn từ bỏ thay vì làm việc thật chăm chỉ. Nếu lựa chọn cái trước, một việc
cũng không thành, nhưng nếu dám chọn cái sau, nhất định bạn sẽ có ngày được "Niết bàn
tái sinh." Nếm trải sự ngọt ngào khi cố gắng, cùng cái khổ của cuộc sống, bạn sẽ không
còn cảm thấy cuộc sống này quá đáng sợ nữa. Có lẽ đây cũng chính là ý nghĩa lớn nhất
về lý do tại sao mỗi người chúng ta đều cần phải luôn nỗ lực hết mình!
Thứ hai, mỗi người thành công đều phải trải qua giai đoạn học hỏi không ngừng. Nếu bạn
không muốn đi sau người khác, vậy đừng dừng lại bước chân của mình. Trong thời đại
bùng nổ kiến thức và thông tin thế này, nếu một người không chịu học hỏi hoặc từ chối
sự phát triển, họ nhất định phải đối mặt với nguy cơ bị đào thải bất cứ lúc nào. Mà đọc
sách và học tập chính là con đường tắt giúp bạn dễ dàng đi hơn khi muốn trở thành người
chiến thắng cuộc sống. Nhiều người chắc chắn sẽ rất quen thuộc với đoạn văn này: "Khi
15 tuổi, tôi cảm thấy học bơi quá khó nên đã từ bỏ. Khi 18 tuổi, gặp một người bạn muốn
mời tôi đi bơi cùng nhưng tôi chỉ có thể nói bản thân không biết. Năm 18 tuổi, tôi thấy
tiếng Anh khó học nên đã từ bỏ. Để đến 28 tuổi khi sắp chạm đến một công việc tuyệt vời
thì lại chỉ có thể ngại ngùng thu tay về vì không biết tiếng Anh." Những gì bạn học được
bây giờ nhất định sẽ có ích vào một ngày nào đó trong tương lai. Do đó, dù bạn đang ở độ
tuổi nào đi nữa, hãy tiếp tục việc học hỏi của mình. Hãy chỉ nên lựa chọn thoải mái khi
bạn đủ năng lực, đừng vì an nhàn nhất thời mà mất cả tương lai sau này!
Cuối cùng, nỗ lực, chăm chỉ sẽ quyết định thành công. Học tập chăm chỉ là yếu tố quan
trọng hơn tài năng. Người ta thường nói rằng: "Bạn sinh ra trong gia đình nào phụ thuộc
vào may mắn của bạn, bạn có loại hôn nhân nào phụ thuộc vào duyên phận của bạn, chỉ
có việc học tập, là mọi người đều có thể thông qua nỗ lực của mình mà đạt thành". Khi
bạn lần đầu gặp gỡ hoặc nghe về một người thành công, thật dễ dàng để tin rằng họ phải
được sinh ra trong những điều kiện tuyệt vời nhất. Trong thực tế, có rất nhiều ví dụ về
những người thành công đi lên bằng sự chăm chỉ. Để thực hiện được ước mơ được bay
lượn của mình, Lý Na, 26 tuổi, đã phải trải qua hơn 630 lần huấn luyện trong suốt 7 năm
trời. Những giọt mồ hôi của cô ấy cứ rơi từ dưới đất đến trên bầu trời. Cuối cùng, cô ấy
cũng có thể trở thành một phi hành gia đủ tiêu chuẩn. Trương Gia Vũ, 28 tuổi, làm việc
vất vả trong suốt 1875 ngày đêm khi đảm nhận một chức vụ nhân viên công chức rất bình
thường ở trường đại học. Anh ấy từng bị mọi người hoài nghi năng lực nhiều lần, nhưng
anh ấy vẫn lựa chọn tiếp tục kiên trì. Triệu Tinh Tinh, 32 tuổi, người đã từ bỏ công việc
lương cao ở nước ngoài để tập trung vào học ngành dược phẩm. Sau 17 520 giờ thử
nghiệm, cô ấy đã phát triển thành công một loại thuốc mới.... Những ví dụ trên đã minh
chứng rằng, không có những người thành công nào tìm thấy thành công và sự công nhận
ngay lập tức. Đó là thành quả của sự kiên trì học tập và làm việc chăm chỉ.
Chúng ta thường nói: thiên tài chỉ là 1%, còn 99% là mồ hôi và nước mắt. Đúng vậy, để
có được thành công trong bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, trong nghiên cứu khoa
học,... con người cần có sự cố gắng, nỗ lực lao động rất nhiều. Không có sự thành công
nào lại đến với chúng ta một cách dễ dàng. Qua thời gian và những kinh nghiệm trong
cuộc sống, chúng ta thấy rằng cuộc sống không bao giờ dừng lại, cũng như con người
phải không ngừng phấn đấu và siêng năng trở thành một trong những đức tính không thể
thiếu của con người. Siêng năng không có nghĩa là miệt mài học tập, làm việc mà còn có
ý nghĩa vươn lên, cải thiện bản thân, không tự mãn với những gì mà mình đang có.

You might also like