You are on page 1of 11

Vai trò của Trợ tá trong Lớp học Montessori

Sandra Girlato
Tại sao tôi lại chọn nói về vai trò của trợ tá trong lớp học Montessori? Kinh
nghiệm của tôi đã cung cấp cho tôi một góc nhìn hợp lý để bàn luận về vấn đề này;
trong suốt quãng đời làm việc của mình, đã có thời điểm tôi trở thành trợ tá cho
những giáo viên khác. Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy quãng thời gian trở thành trợ
tá chính là đặc quyền cung cấp cho mình biết bao kinh nghiệm, và vào mùa hè tôi
tham gia giảng dạy khóa Trợ tá của Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI Assistants
course) cho Tổ chức Giáo dục Montessori (Foundation for Montessori Education)
tại Toronto. Hơn thế nữa, trong môi trường làm việc tập thể, cho dù học vị của chúng
ta có là gì đi chăng nữa thì chúng ta đều là những người trợ tá hỗ trợ cho khả năng
sáng tạo của trẻ.
Như các bạn đã biết, hội nghị lần này dành riêng cho ông Mario Montessori và
có tên là Lịch thiệp và Lễ độ – Trách nhiệm của con người. Tôi cũng hi vọng bài
phát biểu của mình sẽ dựa trên quan điểm này. Để bắt đầu cho hội nghị hôm nay, tôi
xin được trích dẫn Di chúc và Di ngôn của bà Maria Montessori mà chúng ta có thể
dễ dàng tìm thấy trong tuần san Communications 1998/1: “Liên quan đến tài sản của
mình, tôi tuyên bố rằng tất cả tài sản của tôi, về cả vật chất lẫn tinh thần, sẽ thuộc về
con trai tôi: theo luật pháp, không chỉ những vật chất mà tôi có thể đạt được trong
lúc mình còn sống, mà còn là những vật chất đạt được từ các công việc xã hội và trí
tuệ của tôi, cho dù đó là những công việc lấy cảm hứng từ con tôi hoặc bởi vì, trong
thời gian con tôi còn sống đã trực tiếp tham gia cộng tác làm việc; vì con tôi đã cống
hiến cuộc đời của mình để hỗ trợ tôi và công việc của tôi.”
Tôi đọc cho bạn nghe những dòng này để chúng ta thấu hiểu được quan điểm
của một người trợ tá. Bác sĩ Maria Montessori khi nói về sự cộng tác, bà đã nói về
sự hỗ trợ to lớn mà con trai bà Mario đã trao cho bà, không chỉ trong cuộc sống mà
còn là trong công việc của bà. Bà cũng đã công nhận rằng ông có công đóng góp xúc
tiến các tư tưởng và nguyên tắc của bà trong một vài cuốn sách nhất định. Trong
cuốn sách Khám phá Trẻ thơ (The Discovery of the Child), bác sĩ Montessori viết
rằng “Ngài Mario M.Montessori đã hỗ trợ phát triển (liên quan đến các giáo cụ toán
học), diễn giải và hiện thực hóa các phép tính cho đến phép khai căn các số có hai,
ba và bốn chữ số; cũng như cách kết hợp các gậy đếm số để giới thiệu các phép tính
cơ bản của Đại số…” Trong sách Những điều bạn cần biết về trẻ thơ (What You
Should Know About Your Child), khi nói đến giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ bà đã
viết về ông Mario như sau, “chính Mario Montessori là người chịu trách nhiệm gợi

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


ý rằng ở giai đoạn nhạy cảm này, khi trẻ thèm khát được biết thêm từ ngữ một
cách mãnh liệt, các từ vựng liên quan đến thế giới thực sẽ có ích hơn các từ vựng
nói về thế giới ảo. Do đó ta phải cung cấp phương tiện để trẻ có thể trực tiếp tiếp
thu các thuật ngữ khoa học thông qua các vật thể biểu thị các thuật ngữ đó.”
Mặc dù bản thân Mario đã là một nhà giáo dục học vĩ đại, ông vẫn là người
hướng dẫn, tri kỷ, giáo viên và cũng là học sinh của bà Montessori. Công việc
của bà trở nên có ý nghĩa vì ông đã hỗ trợ bà, bởi vì ông đã bảo vệ thời gian và
công sức của bà, và cũng vì cả hai người đều chia sẻ một tầm nhìn chung. Lấy
ví dụ từ chính cuộc đời và công việc của ông, chúng ta có được hình mẫu của
một người trợ tá là gì và nên làm việc như thế nào.
Một người trợ tá trong lớp học Montessori là người giúp đỡ cho những người
hướng dẫn, giáo viên ở trong lớp; là người hỗ trợ các hoạt động hướng dẫn sư
phạm trong môi trường được chuẩn bị sẵn. Vai trò của người trợ tá còn thể hiện
qua khả năng giữ cân bằng cho lớp học. Mối liên kết giữa trợ tá và người hướng
dẫn có vai trò tối quan trọng cho sự thành công của lớp học, cũng như cho sự
phát triển toàn diện và tích cực ở trẻ.
Chúng ta hãy dành ra ít phút để nhớ về công đóng góp của ông Mario cho bà
Montessori; thật ra có quá nhiều điều để nói, nên tôi chỉ điểm qua những tính
chất làm nổi bật lên vai trò của ông là người trợ tá và là cộng tác viên với mẹ của
mình. Bác sĩ Montessori thường nhắc đến phẩm chất của ông bằng các cụm từ
như “vĩ đại và cao cả”. Mario Montessori sở hữu những phẩm chất sau:
• Tình yêu cuộc sống – có niềm đam mê sống.
• Tôn trọng và có tình yêu mãnh liệt cho thế giới tự nhiên, thế giới loài
người.
• Lòng yêu thương trẻ em, không chỉ yêu trẻ một cách ngây ngô mà là sự
tôn trọng gần như tuyệt đối cho tiềm năng của từng trẻ. Ông thường hay
gọi trẻ em là những người tạo nên điều kỳ diệu.
• Có trực giác nhạy bén và một tâm hồn cởi mở.
• Có kiến thức sâu rộng và sự hăng hái cũng như lòng tin tưởng vào công
việc của bác sĩ Montessori.
• Nhìn xa trông rộng
• Ông là người chiến đấu vì trẻ em, là đồng minh của trẻ em, và là người
bảo vệ cho quyền lợi của trẻ em.

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


Có phải người trợ tá nào cũng nên có những phẩm chất này không? Thật ra là
có.
Người ta thường hiểu sai vai trò của người trợ tá. Đôi khi trợ tá được xem như
là một người phụ thuộc, chỉ đứng sau giáo viên hay người hướng dẫn. Nhận thức sai
lầm này có khả năng phá hoại không chỉ mối quan hệ giữa hai người lớn trong lớp
mà còn ảnh hưởng đến cả lớp học và những trẻ có mặt trong lớp học đó. Đồng thời
điều này không những tạo nên sự lệch lạc trong tính cách của trẻ ở thời điểm hiện
tại, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến những trải nghiệm sau này của trẻ trong cuộc
sống. Thực sự mọi chuyện lại nghiêm trọng đến như vậy sao? Không cần phải hỏi.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào nguyên nhân nhé.
Một lớp học bao gồm các mối quan hệ giữa môi trường hữu hình và môi trường
vô hình. Vậy môi trường hữu hình là gì? Đó là một phần trong môi trường mà ta có
thể chạm vào, có sự hiện hữu của vật chất. Đó là những thành phần thực tế trong môi
trường. Như vậy ta có thể hiểu rằng môi trường hữu hình chính là phòng học, là bàn
ghế, các kệ giáo cụ và, dĩ nhiên là các giáo cụ Montessori: nói chung là những vật ta
có thể thấy và chạm được. Người hướng dẫn cùng với người trợ tá, cần phải chuẩn
bị và duy trì môi trường hữu hình này. Chúng ta sẽ cùng nhau bàn luận về trách
nhiệm của người trợ tá trong môi trường hữu hình sau đây.
Môi trường vô hình là gì? Môi trường vô hình là môi trường có thể chúng ta
không thấy được và chắc chắn rằng chúng ta không thể chạm vào được. Những thành
phần “mơ hồ” này ở trong lớp học dường như lại có tác động mạnh mẽ nhất lên trải
nghiệm tổng quan của cả trẻ em và người lớn.
Để tôi đưa ra thêm định nghĩa về môi trường vô hình. Đây chính là tính chất tinh
thần của lớp học, là vùng ảnh hưởng hay vùng cảm xúc ở trong không gian. Những
tính chất của môi trường này được thể hiện qua sự hòa hợp và sự bất hòa từ ngày
này qua ngày khác; qua sự gắn kết hay sự chia rẽ trong cộng đồng, hay qua sự hiện
diện của tính lịch thiệp và lễ độ. Có vẻ như chúng ta đã trở lại nơi bắt đầu – sự lịch
thiệp và lễ độ. Chúng ta – những nhà giáo dục phương pháp Montessori, phải luôn
nhớ một tiền đề, trẻ em luôn có một trạng thái lịch thiệp nhất định.
Nhiệm vụ của cả người hướng dẫn và người trợ tá là tạo nên một môi trường vô
hình thống nhất, nhằm hỗ trợ cho sự gắn kết của cộng đồng, khiến trẻ cảm thấy an
toàn về mặt cảm xúc, cân bằng giữa nhu cầu cá nhân và nhu cầu của cộng đồng,
khuyến khích sự phát triển về cảm giác, tinh thần và trí tuệ của từng trẻ, cũng như tô
điểm cho trẻ thêm yêu cuộc sống này và ngày càng yêu thích tìm tòi học hỏi. Người
hướng dẫn và trợ tá bắt buộc phải thấu hiểu thật tường tận tiềm năng của môi trường

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


được chuẩn bị. Không chỉ có vậy, cả hai còn phải chấp nhận và sẵn sàng thực
hiện nhiệm vụ của mình trong lớp.
Điều này có khả thi không? Dĩ nhiên rồi, và mọi thứ đều bắt đầu giữa mối
quan hệ của người hướng dẫn và trợ tá. Hai cá nhân này phải luôn nỗ lực xây
dựng một mối quan hệ thật tốt đẹp, trở thành những người bạn cùng nhau đồng
hành trên hành trình này. Một hành trình đặc quyền được làm việc với những
người thủ lĩnh, những công dân tương lai của thế giới – trẻ em. Mối quan hệ này
cực kì quan trọng vì nó thể hiện sắc thái của lớp học. Cách người lớn xử sự trong
lớp sẽ trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo. Ta phải xem xét rằng ngoài những
người chăm sóc cơ bản cho trẻ, là ba mẹ hay những mối quan hệ khác, thì người
lớn trong lớp học là những người dành thời gian bên trẻ nhiều nhất. Trẻ sẽ hấp
thiu các hành vi từ những mối quan hệ xung quanh trẻ nhưng nhiều nhất là từ
những người luôn bên cạnh trẻ trong môi trường. Trẻ từ 0 đến 6 tuổi như là
những miếng “thịt ướp” và sẽ thẩm thấu mọi thứ xung quanh trẻ.
Tuần san Hiệp hội Giáo viên Montessori Bắc Mỹ (NAMTA), Tập số 23, Cuốn
số 2, mùa xuân năm 1998, trang 84, trích dẫn lời của Mario Montessori như sau:
“Từ 0 đến 6 tuổi, trẻ sẽ thể hiện sự gắn kết đặc biệt với cha mẹ hoặc bất kì các
nhân nào chăm sóc trẻ, và sẽ cảm thấy những cá nhân này quan trọng, xinh đẹp
và dũng mãnh hơn bất kì người nào khác.”
Nên chính bản thân chúng ta phải tự đặt ra các câu hỏi về mối quan hệ giữa
người hướng dẫn và người trợ tá:
• Họ có là hình mẫu tốt cho các mối quan hệ của trẻ em trong môi trường làm
việc không?
• Họ có hòa hợp với nhau không?
• Họ có thích nhau không (bạn nên nhớ rằng trẻ sẽ luôn nhận ra cảm xúc thật
của bạn)?
• Họ có tôn trọng nhau hay không?
• Họ có trân trọng công việc của nhau không?
• Họ có tôn trọng đóng góp cá nhân của nhau vào trong môi trường không?
• Họ có giao tiếp với nhau không?

Làm thế nào để họ tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp?
• Người hướng dẫn sư phạm có thể tham gia phỏng vấn và thuê trợ tá. Lúc này,
người hướng dẫn sẽ có cơ hội làm việc chung với người khác, và cùng người này
chia sẻ những kinh nghiệm ở trên lớp học.

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


• Người hướng dẫn xem trợ tá của mình là một người quen, là một đồng nghiệp, là
một cộng tác viên cùng nhau làm việc vì sự thành công của tập thể.
• Họ có thể dành thời gian cho nhau. Thông thường thời điểm thích hợp là trước
khi bắt đầu lớp học vì họ cần phải cùng nhau chuẩn bị môi trường.
• Người hướng dẫn và trợ tá cùng nhau xây dựng một “ngôi nhà” chung cho cả hai.
Cùng nhau chuẩn bị môi trường sẽ khiến cả hai có hứng thú hơn với lớp học của
mình.
• Họ có thể cùng nhau làm giáo cụ, sửa chữa cũng như mua sắm giáo cụ. Người
hướng dẫn có thể giúp trợ tá hiểu được “cái bình hoàn hảo” hay “miếng bọt biển
đúng màu” là như thế nào. Bạn có nhớ mình mất bao lâu mới đạt được đôi mắt
Montessori không? Bạn đừng cho rằng bỗng dưng thì người khác cũng được như
bạn.
• Người hướng dẫn phải bàn luận cùng với trợ tá về các vấn đề như môi trường,
giáo cụ, sự tự do và kỉ luật. Sẽ tốt hơn nếu người trợ tá đã học qua khóa trợ tá của
AMI để cả hai có thể hiểu được “ngôn ngữ” của nhau, nhưng nếu không thể,
người hướng dẫn bắt buộc phải giải thích cho trợ tá “hiểu” về lớp học của mình.
Môi trường Montessori rất xa lạ đối với những người chưa từng được tiếp xúc
qua.
• Người hướng dẫn phải nhận biết được tài năng của trợ tá vì có những lĩnh vực
chúng ta làm rất tốt còn một số lĩnh vực thì không. Họ phải cùng nhau xem xét
các đặc điểm trên có thể vận dụng như thế nào trong lớp học. Người trợ tá có thể
có những tài năng, khả năng hoặc kỹ năng làm giàu cho đời sống hằng ngày của
trẻ: người này đọc truyện có hay không, có giọng đọc có chứa đựng cảm xúc và
“chất giọng” của nhân vật không; giọng hát của người này có hay không hoặc có
nhiều tiết mục biểu diễn không; người này kể chuyện có hay không, có nhiều câu
chuyện ảo và thực tế không; người này có khả năng sắp xếp và tổ chức các trò
chơi ngoài trời như nhảy lò cò, mèo và chuột, bóng đá v.v…; người này có đôi
mắt thẩm mỹ về một loại hình nghệ thuật nhất định về từng thời kỳ nghệ thuật và
các nghệ sỹ không; người này có giỏi thủ công không – có khả năng sử dụng
nhuần nhuyễn keo và giấy, các chuỗi giây,v.v…; người này có phải là “tay chăm
vườn” chính hiệu không – chăm sóc khu vườn bên ngoài hay trang trí các cửa sổ
- danh sách các hoạt động này là vô tận. Nhiệm vụ của người hướng dẫn là tìm
ra tài năng của trợ tá và cách vận dụng tài năng đó vào trong môi trường
Montessori. Hay cách họ có thể áp dụng các tài năng tuyệt vời đó vào trong môi
trường được chuẩn bị của Montessori như thế nào?

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


• Người hướng dẫn phải nói chuyện với trợ tá, về lớp học, ngày làm việc đầu tiên,
giây phút đầu tiên trẻ đến lớp, kế hoạch cho tuần, tháng, cho ngày lễ như Giáng
sinh, cho cả năm. Cả hai cần phải nói chuyện với nhau trước khi sự kiện diễn ra;
cũng như dự kiến và thảo luận càng nhiều càng tốt trước khi trẻ đến.

Chúng ta đều hiểu rằng giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong sự thành công
của các mối quan hệ, và mỗi quan hệ này cũng tương tự như vậy. Hoạt động giao
tiếp nên được lên lịch sẵn: có thể là cuối mỗi buổi học, hoặc là cuối một buổi cụ
thể nào đó trong tuần hoặc là lúc trẻ ăn trưa, nhưng cả hai cần nói chuyện ít nhất
1 lần/ tuần. Khi thảo luận với nhau thì cả hai cần phải đảm bảo trả lời mọi câu
hỏi cũng như đề cập đến mọi khúc mắc. Không nên giấu diếm bất kì vấn đề gì.
Đồng thời, cả hai cần phải tuân thủ theo kế hoạch thảo luận đã được đề ra.
Nếu quay trở lại với ví dụ đầu tiên về người trợ tá của ta, Mario Montessori,
chúng ta có thể thấy bác sĩ Maria Montessori luôn giao tiếp với cộng sự của
mình. Trong tất cả các bài viết của Mario, cho dù đó có là bản sao từ các bài
giảng hay từ các lá thư của ông, ông đều ghi rõ “đã nói chuyện với Bác sĩ
Montessori” hoặc “đã thảo luận với Bác sĩ Montessori.” Giữa họ dường như luôn
có một sự “giao tiếp bất tận,” và những thảo luận của họ đều nằm trên một mục
tiêu chung, một tầm nhìn chung. Mario luôn cống hiến hết mình cho Bác sĩ Maria
và công việc của bà. Trong tuần san Communications 1998/1, Marilena Henny
Montessori đã mô tả ba của cô như sau “…một người đàn ông không hề có bất
kì nền tảng đào tạo hay giáo dục thực thụ nào nhưng lại thấu hiểu rất tường tận
tư tưởng của bà (Bác sĩ Montessori).” Chính trực giác nhạy bén và tâm hồn cởi
mở đã giúp ông trở thành một cộng sự tuyệt vời – là người có công cho toàn bộ
thành công của bà cũng như phương pháp Montessori. Chúng ta cần noi theo
mỗi quan hệ này: hai người cùng nhau làm việc, là đồng minh của nhau, cung
cấp cho nhau sức mạnh, tôn trọng tài năng và khả năng của nhau, một người hỗ
trợ người còn lại hiện thực hóa công việc của mình.
Hai cá nhân có thể làm việc thân mật đến như vậy không? Có, điều này
không chỉ khả thi mà còn rất cần thiết khi chúng ta cần có một mối quan hệ có
tầm ảnh hưởng sâu đậm và dài lâu cũng như chất lượng đối với sự phát triển và
đời sống của trẻ. Mối quan hệ này còn là sự khai sáng – vì ta thấu hiểu được rằng
trẻ chính là người sáng tạo và là người hỗ trợ cho nhân loại khi trở thành hy vọng
cho tương lai của loài người.

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


Nhiệm vụ của trợ tá đối với môi trường hữu hình là gì? Sau đây là một vài ví dụ.
Đây không phải là danh sách hoàn chỉnh, cố định hay được áp dụng toàn thế giới mà
chỉ đơn thuần là một bảng hướng dẫn. Trách nhiệm và công việc của trợ tá nên nhận
được sự đồng ý cả nhóm – ban quản lý, người hướng dẫn và trợ tá. Sau đây là danh
sách các trách nhiệm và công việc mà một người trợ tá nên thực hiện:

• Hỗ trợ người hướng dẫn chuẩn bị và duy trì môi trường được chuẩn bị Montessori
như đã được chỉ định. Bao gồm việc quét dọn môi trường, làm ẩm bọt biển trước
khi lớp bắt đầu, rót nước vào bình trong các hoạt động rót nước, làm sạch các
bình chứa sau mỗi buổi học, kiểm tra xem các giáo cụ còn đầy đủ và nguyên vẹn
không, kiểm tra xem các giáo cụ có được sắp xếp theo thứ tự trên kệ không, đảm
bảo rằng lượng chất lỏng trong mỗi lọ chai đều đúng theo quy định (ví dụ, phải
rót đầy các lọ chứa dung dịch đánh bóng) và thực hiện tất cả các nhiệm vụ duy
trì môi trường khác.
• Lưu giữ nguồn cung cấp giáo cụ cho môi trường và duy trì một nơi cất giữ nguồn
cung trên.
• Chuẩn bị cũng như sửa chữa các giáo cụ và dụng cụ theo hướng dẫn của giáo
viên.
• Quan sát trẻ ra vào lớp học cũng như phòng chứa đồ.
• Chuẩn bị một khu chăm sóc cho những trẻ cần được hỗ trợ khi có tai nạn xảy ra.
Xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh cơ bản.
• Hỗ trợ giám sát trẻ trong khu vui chơi ngoài trời.
• Chuẩn bị các món ăn nhẹ trong ngày và giám sát trẻ trong thời điểm ăn trưa.
• Có kiến thức sơ cứu cơ bản. Thấu hiểu định nghĩa xâm hại trẻ em và nhận biết
được các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại. Hiểu rõ các trách nhiệm pháp lý liên quan
đến tình trạng xâm hại trẻ em.
• Giám sát lớp học theo chỉ định của người hướng dẫn. Có khả năng làm việc cá
nhân và làm việc nhóm với trẻ em theo chỉ định của người hướng dẫn. Nên nhớ
rằng, người trợ tá không có nhiệm vụ trình bày bất cứ bài trình bày mẫu nào với
giáo cụ.
• Tham gia vào các cuộc họp nhân viên khi được yêu cầu. Hỗ trợ các chương trình,
dự án, các chuyến tham quan hoặc các kế hoạch đã được ban quản lý trường sắp
xếp.
• Hỗ trợ ghi chép chính xác và liên tục về lớp học và về trẻ.
• Có kiến thức về các bước sơ tán khi có hỏa hoạn cũng như vị trí các lối thoát
hiểm.

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


• Đặc biệt quan trọng – trở thành hình mẫu cư xử thật đứng đắn.
• Hỗ trợ người hướng dẫn duy trì sự hòa hợp trong môi trường vô hình qua các
công việc như bảo về quyền tự do lựa chọn của trẻ, không để trẻ bị làm phiền và
không để trẻ bị tấn công về mặt thể chất cũng như tâm lý. Giúp người hướng dẫn
bảo vệ quyền riêng tư của từng trẻ và không bàn luận về bất kỳ trẻ nào với bất kỳ
cá nhân nào (cho dù đó là ba mẹ) ngoại trừ người hướng dẫn.
• Tất cả các trách nhiệm nên có mục đích để các cá nhân có thể thấy được ý nghĩa
trong việc làm của mình. Nên nhớ rằng, những công việc có mục đích giúp tất cả
chúng ta trở nên bình thường hóa.

Người trợ tá là một phần không thể thiếu trong môi trường được chuẩn bị và
là người đóng góp vào sự phát triển toàn diện của trẻ. Người trợ tá cần phải biết
rõ và thấu hiểu trách nhiệm công việc mà mình đã được giao. Cởi mở trong giao
tiếp cũng giúp cho sự thành công của một mối quan hệ. Mối quan hệ giữa người
hướng dẫn và người trợ tá sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc trẻ. Trong khi
thế giới là một nơi đầy hỗn loạn, người hướng dẫn và trợ tá cần phải thống nhất
cùng nhau nỗ lực cung cấp một môi trường tôn trọng từng thành phần của nó,
bao gồm cả những mối giao tiếp cá nhân.
Vai trò của một người trợ tá còn được thể hiện qua những công việc mà họ
không làm. Người trợ tá không nên trình bày bất kì hoạt động nào với các giáo
cụ Montessori. Trách nhiệm đó là trách nhiệm riêng của người hướng dẫn, vì họ
đã được huấn luyện để thực hiện các công việc này. Người trợ tá không nên bàn
luận về quá trình phát triển của trẻ với phụ huynh vì “quá trình phát triển của
trẻ” bao gồm cả phát triển về thể chất và tinh thần cũng như trí tuệ. Quá trình
phát triển của trẻ dựa trên một quy trình tổng thể, và chỉ có người hướng dẫn
mới có thể báo cáo lại quá trình này với phụ huynh. Người trợ tá cũng không
được “kỷ luật” trẻ, vì tự do và kỷ luật là những tính chất nội tại của triết lý giáo
dục Montessori. Chúng ta phải hiểu rằng tự do và kỷ luật không phải là công cụ
để khuyến khích trẻ làm điều tốt và ngăn ngừa trẻ làm điều xấu, mà tự do và kỷ
luật là một phần giúp hoàn thiện quá trình phát triển của trẻ. Trách nhiệm của
người hướng dẫn là thấu hiểu tự do và kỷ luật cũng như mối quan hệ tinh tế giữa
chúng. Nhưng điều này không có nghĩa là trợ tá lại để mặc cho trẻ làm hại một
trẻ khác, vì đây là một vấn đề hệ trọng và cần được mọi người quan tâm. Ngưới
hướng dẫn phải hướng dẫn cho trợ tá biết thời điểm cần phải can thiệp và phương
pháp giải quyết hợp lý để trẻ không bị “lệ thuộc vào người lớn.” Và lời khuyên
hữu ích nhất dành cho các trợ tá là “Khi nghi ngờ, đừng hành động.”

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


Người trợ tá giúp hiện thực hóa công việc của người hướng dẫn. Trợ tá phải bảo
vệ “bài trình bày” của người hướng dẫn. Trợ tá là người giúp cho công việc quản lý
lớp học trở nên dễ dàng hơn thông qua các hành vi cư xử đứng đắn, hành động thật
duyên dáng và lịch thiệp, thể hiện sự tôn trọng mỗi khi gọi một trẻ nào đó, trình bày
các động tác thật đẹp và sử dụng các ngôn ngữ được chọn lọc sao cho thật tinh tế và
lịch sự ở mọi thời điểm. Người hướng dẫn có trách nhiệm chỉ dẫn cho trợ tá biết lớp
học cần gì. Người hướng dẫn phải trình bày các bài tập cơ bản về ngôn ngữ và vận
động với trợ tá, không phải để trợ tá trình bày với trẻ, mà để họ có thể hiểu được môi
trường cần được chuẩn bị những gì. Những hoạt động đơn giản như cách đi lại trong
lớp, cách mang một cái ghế, cái bàn, tấm thảm, cách chào hỏi trẻ, cách tiếp cận với
trẻ trong giờ học, v.v… Trở thành một hình mẫu sử dụng các ngôn ngữ tuyệt đẹp và
các động tác thật chuẩn xác thực sự rất quan trọng đối với vai trò của trợ tá, đó là lý
do tại sao người hướng dẫn nên cố gắng hướng dẫn trợ tá thực hiện các hoạt động
thật đúng đắn trong môi trường. Đương nhiên người hướng dẫn không thể cô đọng
tất cả các kiến thức của mình trong một bài giảng, nhưng trò chuyện với trợ tá trước
khi trẻ đến lớp sẽ giúp lớp học hoạt động thành công hơn. Đừng để trợ tá phải tự
chỉnh sửa quá nhiều, có nghĩa là đừng chờ đợi cho trợ tá phạm sai lầm rồi mong rằng
họ sẽ tự rút ra kinh nghiệm. Người hướng dẫn nên can thiệp khi cần thiết và hướng
dẫn trợ tá trở thành một hình mẫu thích hợp trong lớp. Bạn nên nhớ, nghệ thuật ngoại
giao rất quan trọng.
Những người trợ tá cũng đang trong quá trình phát triển bản thân, nên bạn phải
luôn ghi nhớ đặt ra tiêu chuẩn hợp lý cho từng hoạt động của họ. Làm việc với trẻ
nhỏ không có nghĩa là chúng ta không còn học hỏi. Trợ tá nên tìm mọi cơ hội để trau
dồi kiến thức của mình. Dĩ nhiên là có nhiều kiến thức về Montessori hơn thì sẽ giúp
cho trợ tá thấu hiểu công việc và môi trường của mình hơn. Đọc thêm sách của bà
Montessori và tham dự các lớp học hay hội thảo để phát triển kỹ năng nghề nghiệp
sẽ giúp bạn được trải nghiệm trọn vẹn hơn khi được ở bên trẻ. Người hướng dẫn có
thể hỗ trợ cho trợ tá của mình bằng cách đưa ra các danh sách tài liệu cần đọc và sẽ
tốt hơn nữa nếu như bạn chỉ ra các chương cụ thể cần đọc có liên quan đến tình hình
hiện tại của lớp học. Hai tài liệu quan trọng: Chương nói về “những người lớn bạo
tàn” trong sách Bí ẩn tuổi thơ (The Secret of Childhood), và chương nói về các giáo
viên trẻ trong sách Trí tuệ thẩm thấu (The Asorbent Mind).
Người trợ tá sẽ phải luôn phấn đấu để phát triển năng lực quan sát khoa học của
mình. Kỹ năng này sẽ giúp trợ tá bắt đầu “hiểu” trẻ và giũ bỏ mọi thành kiến và hiểu
lầm thông thường. Tất cả chúng ta ai cũng cần phải làm vậy. Vì khả năng quan sát
khoa học là mấu chốt dẫn đến sự thành công của một lớp học, nhưng lại rất khó để

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


đạt được, nên người hướng dẫn nên hỗ trợ cho trợ tá của mình phát triển kỹ năng
quan trọng này. Người hướng dẫn như chúng ta có thể làm mẫu quá trình quan sát
khoa học không? – để quan sát nhưng lại không để cho người khác biết rằng
chúng ta đang nhìn vào trẻ hay một tình huống cố định, sử dụng ngôn ngữ khách
quan để ghi chép lại tất cả những chi tiết mà ta quan sát được, tránh đưa ra kết
luận, thận trọng bảo vệ cho sự riêng tư của từng trẻ, và chúng ta không được
thảo luận về những chi tiết mà mình quan sát được với những người không có
bổn phận liên quan đến trẻ. Người hướng dẫn phải giúp trợ tá của mình loại bỏ
hết tất cả định kiến về trẻ và giữ cho tâm trí “thanh tịnh” khi quan sát trẻ. Đôi
khi trẻ chính là ví dụ của một người quan sát thật yên lặng, chăm chú và hoàn
toàn tập trung. Trong thời gian thảo luận thì trợ tá có thể đóng góp ý kiến với
người hướng dẫn qua những gì mình đã quan được về cá nhân từng trẻ và lớp
học.
Người trợ tá cần phải liên tục giúp đỡ trẻ trở nên độc lập, tránh đưa ra những
giúp đỡ không cần thiết và dĩ nhiên là không trở thành những trở ngại cho sự
phát triển của trẻ. Mario, cùng với Bác sĩ Montessori, đã nhận ra rằng sự hỗ trợ
và độc lập là những thành phần tạo lập nên sự bình đẳng gắn kết xã hội. Lớp học
Montessori là một thế giới thu nhỏ, là nơi mà trẻ sẽ luôn cố gắng phát triển bản
thân trong khi phải hợp tác làm việc với người khác. Và vai trò của người hướng
dẫn cũng như trợ tá trong lớp, là tạo thành mối quan hệ hình mẫu dựa trên lòng
tin, sự thấu hiểu, tính thật thà, sự tôn trọng, tính tương trợ, niềm vui và sự duyên
dáng và lịch thiệp. Nếu như chúng ta không thể làm việc thật hòa hợp và thống
nhất với nhau trong môi trường được chuẩn bị, thì làm sao có thể hi vọng đạt
được những mục tiêu khác đã được đề ra. Do đó chúng ta cần phải cung cấp cho
trẻ một môi trường thật hữu ích, không chỉ tôn trọng môi trường hữu hình, mà
còn tôn trọng môi trường vô hình. Chúng ta cần phải nâng cao tiềm năng của
bản thân. Mục đích sống trên đời của ta còn cao cả hơn những gì mà ta hằng
tưởng tượng.
Mario đã để lại một di sản rất đáng quý. Ông không chỉ dạy chúng ta thông
qua ngôn từ và chữ viết, mà quan trọng nhất là thông qua hành động, nhằm thể
hiện ý nghĩa thực sự của triết lý “giáo dục hỗ trợ cuộc sống.” Đó là theo sát trẻ.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng: Montessori không phải là phương pháp giảng dạy,
mà đó là phương pháp giúp mở ra những tiềm năng trong cuộc sống, hỗ trợ cho
quá trình phát triển của trẻ. Mario đã thể hiện khả năng phục vụ nhân loại của
mình thông qua quá trình làm việc gần gũi bên cạnh bác sĩ Montessori và dần
dần tiếp quản sự nghiệp của bà sau khi bà ra đi. Để tôi trích dẫn lời của Mario

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020


trong tuần san NAMTA, tập thứ 23, cuốn số 2, mùa xuân năm 1998, trang số 78:
“Thế giới này, đang tiến hóa rất nhanh, vượt xa những người lớn, những người
không thể bắt kịp với nó, những người chỉ mãi sống trong quá khứ. Nhưng trẻ em
thì lại làm chuyện này rất dễ dàng, vì đây chính là nhiệm vụ trong cuộc đời của trẻ,
là mục đích trẻ được sinh ra và là những gì mà tuổi thơ trẻ hướng tới. Sau đó khi
người lớn quan sát trẻ, nhìn thấy trẻ được đổi mới, sẽ đem lại hi vọng, sự can đảm,
nguồn cảm hứng, và niềm tin nơi họ. Không còn sự ra lệnh tàn nhẫn, trẻ không còn
phải tuân lệnh (theo những gì ta thường nói) vì “thương là cho roi cho vọt,” trẻ sẽ
không còn là những nô bộc, mà là những người làm chủ khả năng xây dựng vật chất
cần thiết cho trí sáng tạo của mình trong công việc – trong trường hợp này, là xây
dựng chính bản thân của trẻ. Trẻ chính là những mầm non của tương lai. Chúng ta
chỉ là những người hỗ trợ trẻ mà thôi.”
Sandra Girlato là Cử nhân Tâm lý học, Anh ngữ và Lịch sử nghệ thuật từ trường Đại
học Toronto, Canada. Cô là Giám đốc đào tạo của Hiệp hội Giáo dục Montessori ở
Toronto, Ontario, Canada.

Translated by CIE-USSH 2019 – 2020

You might also like