You are on page 1of 19

TÂY TIẾN

Mở bài 1:

Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: "Phong cách chính là
người".Qua giọng thơ ta có thể nhận ra người thơ. Chẳng ở đâu tìm được một tiếng
thơ “sắc nhọn như thủy tinh gằn” của Tú Xương, tiếng thơ “thiết tha, rạo rực, băn
khoăn” như Xuân Diệu, một hồn thơ chứa cả một thế giới Kinh Bắc nơi Hoàng
Cầm. Và trong dàn đồng ca của những khúc tráng ca hào hùng thời kháng chiến
chống Pháp, ta vẫn nhận ra một tiếng thơ vừa lãng mạn, phóng khoáng lại rất mực
tài hoa như chính tâm hồn của người cầm bút vậy- Quang Dũng. Có thể nói: “Tây
Tiến” là bài thơ thể hiện một cách đầy đủ nhất những điều ấy.

Mở bài 2:

“Có khoảng không gian nào, đo chiều dài nỗi nhớ


Có khoảng mênh mông nào, sâu thẳm hơn tình thương”
Thơ ca Việt Nam hiện đại có cả một khoảng trời dành cho nỗi nhớ thương. Nếu
như Giang Nam gửi nỗi nhớ về quê hương của mình qua bài thơ cùng tên (Quê
hương), Hoàng Cầm gửi tình yêu vùng đất Kinh Bắc qua bài thơ “ Bên kia sông
Đuống” thì Quang Dũng – nhà thơ đa tài và cũng rất mình đa tình lại lựa chọn và
khai phá một nỗi nhớ thương mới – nỗi nhớ thương về đoàn quân, nhớ thương về
vùng đất, về con người qua một thi phẩm với tựa đề: “Tây Tiến”….

Thân bài:

Quang Dũng, tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện
Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông học đến bậc trung học ở Hà
Nội. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc và
giỏi cả kiếm thuật. Tất cả những tài năng ấy cùng cộng hưởng với nhau tạo nên
chất họa và chất nhạc trong thơ ông. Ông còn là một người chiến sĩ cho nên thơ
ông là hơi thở chân thực nhất phản ánh về cuộc sống của người lính và chiến tranh.
Quang Dũng đặc biệt thành công ở mảng thơ viết về đề tài người lính với một hồn
thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và đặc biệt tài hoa. Bài thơ Tây Tiến được
sáng tác năm 1948, sau khi Quang Dũng đã rời đơn vị làm nhiệm vụ khác. Một
buổi chiều tại ngôi làng Phù Lưu Chanh- một ngôi làng nhỏ ven dòng sông Đáy,
nhớ đơn vị và đồng đội, ông đã sáng tác bài thơ này. Ban đầu, bài thơ có tên là
“Nhớ Tây Tiến”. Sau này, khi in bài thơ trong tập thơ “Mây đầu ô”, nhà thơ đã đổi
tên thành “Tây Tiến”.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã gợi nhớ về nỗi nhớ thiên nhiên Tây Bắc và nỗi
nhớ đồng đội. Khúc tiền tấu của nỗi nhớ được mở ra với hai câu thơ:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Bài thơ được mở ra với sự xuất hiện của hình ảnh “sông Mã”. Có thể nói,
dòng sông là hiện thân của thiên nhiên, của đất trời Tây Bắc. Dòng sông giống như
một người bạn đồng hành suốt mọi nẻo đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến.
Khắp đại ngàn Tây Bắc, đi đến đâu người lính Tây Tiến cũng bắt gặp sông Mã.
Cho nên dòng sông như một người đồng đội của người lính Tây Tiến, là một phần
máu thịt không thể thiếu được của binh đoàn. Hơn nữa, có thể coi sông Mã như
một chứng nhân lịch sử thầm lặng chứng kiến những kỉ niệm vui buồn và cả những
mất mát của đoàn quân. Với Quang Dũng, sông Mã như một dòng sông cảm xúc
chở nặng và đong đầy nỗi nhớ, những tâm tư của nhà thơ khi nhớ về thiên nhiên
Tây Bắc, nhớ về những người đồng đội. Đó là những lý do để khi nhớ về Tây Bắc,
nhớ về binh đoàn là nhà thơ nhớ ngay đến dòng sông Mã.

Hai chữ “xa rồi” được đặt ở giữa dòng thơ như tạo ra một nốt nhấn đặc biệt của
cảm xúc - sự ngậm ngùi, tiếc nuối. Giờ đây mọi thứ đã chìm vào dĩ vãng. “Sông
Mã xa rồi” và đoàn quân Tây Tiến cũng đã lùi xa. Tất cả chỉ còn là quá khứ, là
những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên về một thời đau thương nhưng anh dũng,
gian khổ nhưng vĩ đại. Tất cả cùng cộng hưởng lại dệt thành “bài ca không thể nào
quên” khi nhớ về đồng đội, nhớ về Tây Bắc.

Chữ “ơi” được đặt ở cuối dòng thơ kết hợp với dấu chấm cảm “!” biến lời thơ
thành một tiếng gọi đầy tha thiết, mãnh liệt. Có lẽ, trong cảm nhận của nhà thơ thì
Tây Tiến và những người đồng đội như đang hiện hữu, như đang bên cạnh cho nên
ông mới cất lên tiếng gọi tha thiết như thế. Mặc dù Quang Dũng đã rời xa đơn vị,
đoàn quân Tây Tiến đã trở về Hòa Bình và thành lập trung đoàn 52, nhưng khi
tiếng gọi cất lên chứng tỏ Tây Tiến từ lâu đã trở thành một phần máu thịt trong tâm
hồn và luôn thường trực trong nỗi nhớ của nhà thơ.

Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần để nhấn mạnh, tô đậm và làm cho nỗi nhớ được
khắc sâu hơn. Đối tượng mà nỗi nhớ hướng tới chính là “nhớ về rừng núi”. Núi
rừng là hiện thân của thiên nhiên Tây Bắc, là không gian, địa bàn hoạt động của
lính Tây Tiến. Vậy là, Quang Dũng đâu chỉ nhớ về cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc
mà còn nhớ những đồng đội của mình, những người lính Tây Tiến nữa. Nỗi nhớ
tuy vô hình nhưng là một trạng thái tình cảm quen thuộc trong thơ ca, đặc biệt là
trong ca dao:

“Nhớ ra ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”

Trong ca dao, điệp từ “nhớ” thường gắn với tình yêu đôi lứa. Còn trong thơ của
Quang Dũng, đó là nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc, nhớ về những người đồng đội.

Nhà thơ đã rất khéo léo, sáng tạo khi sử dụng từ láy tượng hình “chơi vơi” để diễn
tả nỗi nhớ. “Chơi vơi” gợi hình dung về một nỗi nhớ khó định hình, định lượng,
càng không thể nắm bắt nhưng nó da diết, mãnh liệt, có chiều sâu và sức lan tỏa.
Nỗi nhớ ấy như thấm vào không gian cảnh vật núi rừng và bám chặt lấy tâm hồn.

Nỗi nhớ về miền đất Tây Bắc được gợi ra qua hai câu tiếp:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Nỗi nhớ đất Tây Bắc được mở ra với sự xuất hiện của hai địa danh “Sài Khao” và
“Mường Lát”. Hai địa danh xuất hiện liên tiếp để lại cho người đọc ấn tượng sâu
đậm. Với độc giả, đây là những địa danh xa lạ, gợi cảm giác về những miền đất
hoang vắng nơi địa đầu tổ quốc. Còn với lính Tây Tiến thì những miền đất này lại
trở nên rất đỗi gần gũi, thân thuộc như một phần máu thịt, một phần kỷ niệm
không thể nào quên. Bởi những địa danh ấy ghi dấu bước chân hành quân của binh
đoàn, là nơi ghi lại những kỷ niệm, cũng là nơi mà những người đồng đội khi đã
ngã xuống vì nền độc lập tự do của nước nhà. Bởi thế, mảnh đất ấy vô cùng thiêng
liêng với những người lính Tây Tiến. Đúng như lời thơ Chế Lan Viên viết về đất
Tây Bắc:

“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

“Tiếng hát con tàu”

Nỗi nhớ Sài Khao gắn liền với hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi”. Đó là nỗi
nhớ về vùng đất nhiều sương mù che phủ. Rừng Sài Khao sương mù dày đặc,
giăng kín lối, gợi cảm giác như bước chân vào cõi hồng hoang. Nhà thơ đã sử dụng
động từ “lấp” để đặc tả về những màn sương mù nơi đây. Sương dày như phủ kín,
vùi lấp cả đoàn quân, như muốn nuốt chửng con người. Đó là những vất vả, gian
khổ mà người lính Tây Tiến phải trải qua trên chặng đường hành quân giữa đèo
mây Tây Bắc. Hơn nữa, hình ảnh thơ gợi dư vị của sự lãng mạn và bay bổng.
“Sương lấp đoàn quân mỏi” gợi liên tưởng về đoàn quân thoát ẩn thoát hiện giữa
màn sương mù che phủ của đất trời Tây Bắc. Hình ảnh thơ còn gợi lên được cốt
cách ngang tàng của người lính Tây Tiến, gợi cả những bước chân hăm hở của các
anh giữa những màn sương mù đang giăng kín lối.

Nỗi nhớ Mường Lát gắn liền với hình ảnh “hoa về trong đêm hơi”. Nếu nỗi nhớ
Sài Khao gian khổ và ám ảnh bao nhiêu thì nỗi nhớ về Mường Lát lại bay bổng và
lãng mạn bấy nhiêu. Hình ảnh thơ gợi ra nhiều cách hiểu. Trước hết có thể hiểu
“hoa” ở đây là hương hoa của núi rừng. Trong cái se lạnh của núi rừng Tây Bắc về
đêm, hương hoa ngào ngạt cứ vương vấn theo từng nhịp bước hành quân của lính
Tây Tiến. Mười Lát là một vùng đất thi vị với hương hoa thơm ngát trong đêm.
Vậy là các anh hành quân trong một không gian ngập tràn hương hoa đầy thơ
mộng, lãng mạn, và huyền ảo với màn sương mù. Nếu hiểu “hoa” là những người
lính Tây Tiến thì các anh là những bông hoa đẹp nhất giữa đại ngàn Tây Bắc trong
những đêm sương mù. Dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh thơ cũng gợi ra dư vị
của sự lãng mạn và thơ mộng. Sự độc đáo và tài hoa của Quang Dũng thể hiện qua
cách ông sử dụng từ ngữ. Nhà thơ không viết là đêm sương mà hạ bút viết “đêm
hơi”. Cách viết ấy gợi sự nhẹ nhàng, bay bổng, gợi vẻ tươi mát và lắng đọng của
núi rừng Tây Bắc trong những đêm sương mù. Nhà thơ đã thổi hồn vào hoa của núi
rừng Tây Bắc hay cũng chính là tâm hồn tài hoa của ông đã viết lên những ngôn từ
tinh tế đến thế. Với cách viết ấy, hiện thực chiến tranh gian khổ, khốc liệt dường
như lắng xuống, chỉ còn lại chất thơ bay bổng nhẹ nhàng.

Bức tranh về vùng đất Tây Bắc không chỉ thơ mộng, lãng mạn mà còn hiện
lên dữ dội, hùng vĩ. Vẻ đẹp ấy được hiện ra qua ba câu thơ đặc tả về những con
dốc miền Tây:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Ba câu thơ trên là một bằng chứng “thi trung hữu họa”. Chỉ bằng ba câu thơ,
Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh hoành tráng diễn tả sự hiểm trở và dữ dội,
hoang vu và heo hút của núi rừng Tây Bắc - địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây
Tiến. Điệp từ “dốc” lặp lại hai lần trong dòng thơ: “Dốc lên... dốc thăm thẳm” để
tô đậm, nhấn mạnh đặc trưng về địa hình nơi đây: địa hình với những con dốc cao
trùng điệp nối tiếp nhau. Các thanh bằng, trắc được đan chéo vào nhau gợi hình
dung sự điệp trùng, hiểm trở của những con dốc. Liền kề với những con dốc cao là
vực sâu hiểm trở, hãi hùng. Nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “Câu thơ đọc lên nghe
nhọc nhằn như tiếng thở nặng nhọc của người lính trên đường hành quân Tây
Tiến.” Vậy là điệp từ “dốc” đã nhấn mạnh được nỗi ám ảnh của lính Tây Tiến với
những con dốc chập chờn của miền Tây.

Nhà thơ sử dụng hệ thống những từ láy để đặt tả về tính chất của những con dốc
miền Tây Bắc: “khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút”. Từ “khúc khuỷu” gợi hình dung
về những con dốc gập ghềnh, không bằng phẳng, những con dốc quanh co, uốn
lượn, đầy rẫy hiểm nguy, những con dốc với vách đá cheo leo, chênh vênh, hiểm
trở. Từ láy “thăm thẳm” gợi độ sâu hun hút khôn cùng. Nếu “khúc khuỷu” là nét vẽ
gợi đường lên của những con dốc, là “nét vẽ non cao” thì từ “thăm thẳm” gợi
đường xuống, là “nét vẽ vực thẳm”. Vậy là liền kề với những con dốc cao là những
vực thẳm sâu đầy hãi hùng. Phải chăng đây là những vất vả mà lính Tây Tiến phải
nỗ lực vượt qua trên chặng đường hành quân. “Heo hút” cũng góp phần đặc tả tính
chất của những con dốc. Nó gợi ra độ vắng vẻ, hoang vắng. Lính Tây Tiến đã
chinh phục được những con dốc cao chọc trời, những miền đất chưa từng có dấu
chân người đặt đến. Như vậy các từ này ấy đã giúp nhà thơ chạm khắc được những
con dốc miền Tây Bắc qua các chiều không gian: chiều cao, chiều sâu và cả độ
hoang vắng.

Hình ảnh “cồn mây” gợi hình dung đầy thi vị về lính Tây Tiến. Khi các anh đã
chinh phục được những con dốc thì cồn mây nằm ngay dưới bước chân của người
lính. Vậy là các anh đã chinh phục được những miền đất nơi chỉ có mây trời, nơi
chưa có dấu chân đi qua. Thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật hùng vĩ nhưng lính
Tây Tiến mới thật là oai hùng bởi họ đã dám đương đầu với địa thế nguy hiểm của
núi rừng miền Tây. Các anh chính là những đối thủ xứng tầm với đại ngàn Tây
Bắc.

Ấn tượng nhất, đẹp nhất trong những dòng thơ miêu tả con dốc chính là hình ảnh
“súng ngửi trời”. Quang Dũng không cần tả độ cao của những con dốc Tây Bắc mà
người đọc vẫn hình dung ra được độ cao chọc trời của những con dốc nơi đây.
Hình ảnh nhân hóa còn hé lộ vẻ đẹp tâm hồn của binh đoàn qua cách nói đầy tinh
nghịch và hóm hỉnh “ngửi trời” - một cách nói tếu táo đậm chất lính Tây Tiến. Và
nét vẽ ấy đã góp phần hoàn chỉnh bức họa về mảnh đất miền Tây, đồng thời thể
hiện phong cách thơ Quang Dũng đầy lãng mạn, trong gian khổ vẫn thấy được vẻ
đẹp phi thường của những chàng trai trí thức Hà Thành trong cuộc kháng chiến
chống Pháp. Đặc sắc còn ở chỗ không cần nói về vị trí đứng của lính Tây Tiến
nhưng hình ảnh nhân hóa vẫn gợi ra được tư thế hiên ngang đầy kiêu hãnh trên
đỉnh của những con dốc cao chọc trời của miền Tây. Đó là vị trí đứng vượt tầm
thiên nhiên. Dáng đứng kiêu hãnh đó đã từng được tạc vào thơ ca kháng chiến
chống Pháp trong thơ của Tố Hữu:

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều


Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo...

(Lên Tây Bắc)


Điệp từ “ngàn thước” lặp lại hai lần kết hợp với động từ chỉ hướng “lên”, “xuống”
làm cho dòng thơ như bị bẻ gãy làm đôi, gấp khúc theo cả hai chiều cao và sâu. Đó
là những nét vẽ gân guốc gợi những con dốc với độ cao ngàn thước chọc trời rồi lại
đột ngột hạ xuống đầy nguy hiểm. Địa thế ấy giống như lời thơ trong “Chinh Phụ
Ngâm” của Đoàn Thị Điểm:

Hình khe, thế núi gần xa


Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao

Quang Dũng đã dựng lên được một bức tranh về núi rừng Tây Bắc đầy dữ dội,
giúp ta có những hiểu biết chân thực về con đường hành quân đầy gian khổ của
lính Tây Tiến.

Nhà thơ đã dựng lên một nét vẽ khác về thiên nhiên vùng Tây Bắc:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Về thanh điệu, câu thơ được viết hoàn toàn bằng thanh Bằng và không hề có một
chút vướng bận dấu của thanh Trắc. Thật là một câu thơ hết sức tài hoa! Nhà thơ
đã gợi mở ra được một không gian trải dài mênh mông rộng lớn: không gian mưa
rừng. Có thể coi đây là một kỉ niệm trên chặng đường hành quân vất vả của lính
Tây Tiến. Các anh phóng tầm mắt ra xa để đón nhận những cơn mưa rừng và cả
nhà ai thấp thoáng trong mưa. Chữ “ai” vốn là một đại từ phiếm chỉ không xác
định. Nhưng đồng thời “ai” cũng là một vấn từ để hỏi. Câu thơ gợi ra một cảm giác
mơ hồ nhưng đồng thời khắc họa được cảm xúc tâm trạng của lính Tây Tiến khi
chứng kiến cảnh cơn mưa rừng. Câu thơ như một giai điệu buông thả và ngập tràn
trong đó những cảm xúc của lính Tây Tiến. Trước hết, lời thơ gợi cảm giác nhẹ
nhõm, sự thanh thản trong tâm hồn và xoa dịu đi những vất vả trên chặng đường
hành quân dài mà các anh vừa trải qua. Câu thơ còn giống như tiếng thở phào nhẹ
nhõm của lính Tây Tiến khi những cơn mưa rừng mát lạnh đã giúp các anh vơi đi
những gian khổ. Cảm xúc còn là nỗi nhớ nhà chơi vơi, da diết được các anh gửi
theo trong ánh nhìn khi bắt gặp “nhà ai” thấp thoáng trong làn mưa. Vậy là, lính
Tây Tiến đã đắm mình trong một không gian hư ảo và chơi vơi nơi núi rừng Tây
Bắc. Hơn thế nữa, câu thơ gợi được một nét vẽ cụ thể về thiên nhiên miền Tây.
Bên cạnh nét vẽ gợi vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, thiên nhiên Tây Bắc còn mang vẻ đẹp
thơ mộng và lãng mạn.
Đến hai câu thơ tiếp, nhà thơ trực tiếp miêu tả nỗi nhớ đồng đội, nỗi nhớ
những người lính Tây Tiến:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”

“Anh bạn” - một cách gọi đồng đội rất thân thương, trìu mến để rồi biết bao kỷ
niệm cứ thế ùa về. Từ láy “dãi dầu” không chỉ ngưng đọng mọi cảm xúc của nhà
thơ khi nhớ về một thời đã qua mà còn tổng hợp hết những đau khổ, nguy hiểm mà
đồng đội đã phải trải qua trên chặng đường hành quân. Các anh đã phải dầm mưa
dãi nắng, hành quân vất vả và rồi nhiều đồng đội đã ngã xuống nơi mảnh đất biên
cương đầy hoang lạnh. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh qua hình
ảnh thơ “không bước nữa, gục lên súng mũ, bỏ quên đời” để gợi trực tiếp sự hi
sinh của lính Tây Tiến. Sự sống vốn là đáng quý, là đẹp nhất nhưng những người
lính Tây Tiến sẵn sàng dâng hiến quãng đời trân quý ấy của mình cho Tổ quốc.
Với các anh, sự hi sinh cũng chỉ nhẹ nhàng như việc bỏ quên một thứ gì đó ở đời.
Hình ảnh thơ “gục lên súng mũ” rất hàm súc, giàu sức biểu cảm và gợi ra nhiều
cách hiểu. Có thể hiểu hình ảnh thơ giống như một nét kí họa về những giấc ngủ
tranh thủ, giấc ngủ vội của đồng đội trên chặng đường hành quân. Các anh đã tranh
thủ ngủ thiếp đi trong giờ phút giải lao để quên đi những gian khổ, mệt mỏi. Cũng
có thể hiểu hình ảnh thơ gợi ra được tư thế hy sinh của lính Tây Tiến. Các anh hy
sinh trong tư thế “gục lên súng mũ”, tức là tư thế hy sinh luôn gắn với nhiệm vụ,
một tư thế đầy hiên ngang, ngạo nghễ, đầy kiêu hãnh. Như vậy, qua hai câu thơ, ta
thấy được niềm xót thương nhưng cao hơn là sự ngưỡng mộ và niềm tự hào của
nhà thơ về đồng đội của mình- những người lính Tây Tiến với tinh thần cao cả, sẵn
sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tinh thần ấy sau này được đổ bóng
xuống những dòng thơ trong bài “Trường ca những người tới biển” của Thanh
Thảo:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình


(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”

Mạch thơ trở lại với bức tranh thiên nhiên miền Tây đầy dữ dội, hùng vĩ:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Hai trạng từ chỉ thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” được đặt ở đầu dòng thơ gợi
sự tuần hoàn, liên tiếp, sự lặp đi lặp lại trong một vòng tròn thời gian. Trong sự
tuần hoàn trôi chảy của thời gian ấy, núi rừng Tây Bắc hiện lên đầy oai linh, hùng
vĩ cùng với những nguy hiểm rình rập, đe dọa tính mạng con người. Hình ảnh “oai
linh thác gầm thét” đặc tả được sự dữ dội của núi rừng miền Tây. Câu thơ được
viết theo lối cấu trúc tân kỳ mới lạ. Nhà thơ không viết thác gầm thét oai linh mà
hạ bút “oai linh thác gầm thét” để nhấn mạnh sự hùng vĩ, dữ dội của đại ngàn Tây
Bắc. Linh hồn của đại ngàn chính là tiếng của những dòng thác ngày đêm gào thét
không ngừng nghỉ. “Cọp trêu người” là cách nói nhân hóa gợi sự bí hiểm của núi
rừng miền Tây mỗi khi màn đêm buông xuống. Nếu ở câu thơ trước, núi rừng Tây
Bắc ở tầng cao là oai linh của những thác nước là đại ngàn gầm thét thì ở tầng dưới
là sự nguy hiểm của những loài thú dữ luôn rình rập đe dọa tính mạng con người.
Nhưng với cách nói đầy tinh nghịch, hóm hỉnh “trêu người”, câu thơ đã cho thấy
được vẻ đẹp tâm hồn của lính Tây Tiến. Các anh đã đứng trên gian khổ, vượt lên
hiểm nguy bằng tinh thần lạc quan. Nhà thơ đã khéo léo đưa địa danh Mường Hịch
vào trong lời thơ. Thanh trắc gợi cảm giác nặng nề như mô phỏng tiếng bước chân
đượm mùi tử khí của cọp dữ. Nó như gõ lên từng đầu dây thần kinh của độc giả,
gợi cảm giác lo sợ, căng thẳng, hồi hộp. Đó là những khó khăn mà người chiến sĩ
Tây Tiến phải vượt qua trên con đường hành quân. Cái trắc trở, gian lao của con
đường Tây Tiến chợt làm chúng ta nhớ đến câu thơ của Lí Bạch:

Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên.


(Đường xứ Thục khó đi, khó hơn lên tận trời xanh).

Đoạn thơ được khép lại bằng kỷ niệm rất đỗi ngọt ngào:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Cụm từ “nhớ ôi” được đặt ở đầu dòng thơ đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc của nhà
thơ - một dòng cảm xúc đang hiện hữu, đang tuôn trào. Nếu ở phần trước của bài
thơ, nhà thơ đang tưởng tượng Tây Tiến và những người đồng đội còn đang ở bên
cạnh nên ông đã cất lên tiếng gọi “Tây Tiến ơi” đầy thân thương thì đến đây, cụm
từ “nhớ ôi” đã đưa Quang Dũng trở về với thực tại. Nhà thơ như sực tỉnh để đối
diện với sự thật rằng Tây Tiến đã lùi xa vào kỷ niệm. Tất cả chỉ còn đọng lại trong
nỗi nhớ da diết. Hồi ức gắn với “cơm lên khói” và “thơm nếp xôi” khiến nỗi nhớ
hiện về đầy đủ cả màu sắc và mùi vị. Trước hết, “cơm lên khói” là thứ rất đỗi bình
dị của cuộc sống, nhưng với chiến sĩ Tây Tiến lại vô cùng thiêng liêng. Với lính
Tây Tiến, những bát cơm còn bốc khói, còn nóng hồi ấy là nghĩa tình quân dân ấm
áp, giúp các anh ấm lòng trên chặng đường hành quân còn dài. “Thơm nếp xôi” gợi
hương thơm của xôi nếp đầu mùa, đồng thời là cái thơm thảo của tình quân dân, tất
cả luôn in sâu trong ký ức của các anh. Giống như sau này trong thơ của Chế Lan
Viên, nỗi nhớ về hương thơm của nếp xôi và mảnh đất Tây Bắc luôn vương vấn:

“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch


Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”

Cuộc sống chiến đấu tuy gian khổ nhưng rất hào hùng, lãng mạn:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”

Cái giỏi của Quang Dũng là mô tả người lính với những nét khắc khổ tiều tụy
nhưng vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Qua việc sử dụng những
thanh trắc như ‘tiến”, “mọc tóc” đã giúp âm hưởng của câu thơ vút lên, đồng thời
thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của nhà thơ về những người đồng đội của mình.
Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. Hai chữ "đoàn binh" âm Hán Việt
đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Và đặc biệt hai chữ "Tây
Tiến" mở đầu câu thơ không chỉ là tên gọi của đoàn binh nữa, nó gợi ra hình ảnh
một đoàn quân dù đầu không mọc tóc nhưng vẫn đang quả cảm tiến bước về phía
Tây. Cảm hứng chân thực của Quang Dũng đã không né tránh việc mô tả cuộc
sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng. Cách nói “không mọc tóc” là hình
ảnh thơ tả thực nhưng đầy oai hùng. Không mọc tóc trước hết là do bệnh sốt rét
rừng hoành hành khiến các anh da xanh, tóc rụng. Hình ảnh thơ là một nét vẽ chân
thực về những gian khổ và bệnh tật mà người lính Tây Tiến phải trải qua. Trần Lê
Văn – bạn thân của nhà thơ Quang Dũng từng chia sẻ: “Hồi ấy ở rừng, sốt rét
hoành hành dữ, đánh trận, tử vong ít, sốt rét, tử vong nhiều.” Những cơn sốt rét
ghê gớm đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người chiến sĩ. Ta cảm động trước hình
ảnh người sĩ Tây Tiến, và gợi nhớ đến hình ảnh người chiến sĩ trong một số bài thơ
đương thời:

“Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật,


Đâu còn tươi nữa những ngày qua.”

Hơn nữa, không mọc tóc còn có thể hiểu là lính Tây Tiến cạo trọc đầu để giảm
những bất tiện trong cuộc sống và chiến đấu. Các anh tự tạo cho mình dáng vẻ dữ
dằn cho những trận chiến giáp lá cà ở vùng biên giới. Cách nói chủ động “không
mọc tóc” khiến cho ta ấn tượng sâu sắc ngoại hình đặc biệt của lính Tây Tiến. Ở
các anh toát lên vẻ ngạo nghễ và ngang tàng.

Bức tranh chân dung của người lính Tây Tiến được khắc họa bằng nét vẽ rất
sinh động:

“Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

“Quân xanh màu lá” đã đặc tả hình ảnh binh đoàn Tây Tiến. Có thể hiểu “xanh
màu lá” là màu xanh của những cành lá ngụy trang mà các anh khoác trên lưng
trên mỗi nẻo đường hành quân. Đó cũng có thể là màu xanh của những bộ quân
phục. Đồng thời, màu xanh còn có thể là màu của làn da xanh xao, ốm yếu, bệnh
tật bởi sự hoành hành dữ dội của bệnh sốt rét rừng. Dù hiểu theo cách nào thì hình
ảnh thơ là nét vẽ chân thực về ngoại hình của lính Tây Tiến. Thơ Quang Dũng luôn
hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn. Mà cảm hứng lãng mạn luôn hướng tới sự phi
thường. Nhà thơ sử dụng thủ pháp đối lập giữa “quân xanh màu lá” với “dữ oai
hùm” đã gợi người đọc hình dung lính Tây Tiến dù ốm yếu, bệnh tật nhưng vẫn
vượt lên trên hiện thực đó để giữ cho mình một phong thái oai phong, hùng dũng
như hùm thiêng chốn núi rừng. Vậy là chiến sĩ Tây Tiến “ốm mà không yếu”. Sức
mạnh tinh thần của các anh luôn luôn bừng bừng áp đảo, đầy khí thế khiến cho kẻ
thù nơi biên cương cũng phải khiếp sợ. Đặc biệt trong câu văn trên, Quang Dũng
đã mượn hình ảnh quen thuộc trong thi ca xưa để nói tới sức mạnh bách chiến bách
thắng. Phạm Ngũ Lão từng ca ngợi người anh hùng vệ quốc trong câu thơ:

“Hoành sóc giang san kháp ki thu


Tam quan kỳ hổ khí thôn ngưu”
(Tỏ lòng)
Và ngay cả Hồ Chí Minh trong "Đăng sơn" cũng viết:

“Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu,


Thệ diệt sài lang xâm lược quân.”

Có thể nói Quang Dũng đã sử dụng một mô típ mang đậm màu sắc phương Đông
để câu thơ mang âm vang của lịch sử, hình tượng người lính cách mạng gắn liền
với sức mạnh truyền thống của dân tộc. Đọc câu thơ: "Quân xanh màu lá dữ oai
hùm" ta như nghe thấy âm hưởng của một hào khí ngút trời Đông A.

Dũng mãnh là thế nhưng những người lính Tây Tiến lại có đời sống nội tâm
hết sức phong phú, lãng mạn:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Mắt trừng là ánh mắt mở to, hướng thẳng về phía trước, ánh mắt ngời lên ý chí
chiến đấu và khát vọng chiến thắng, khát vọng gửi mộng chiến trường cao đẹp của
những chàng trai thời loạn. Đây thực chất là một hình ảnh ước lệ của cảm hứng
lãng mạn nhằm tôn lên sự oai phong lẫm liệt trong dáng vẻ, nét kiêu hùng, ngạo
nghễ của một “đoàn binh không mọc tóc” với những gương mặt “dữ oai hùm”. Câu
thơ đã khắc họa nét đẹp lãng mạn trong tâm hồn những người lính có lí tưởng và
khát vọng lớn lao, ra đi vì nghĩa lớn như những tráng sĩ xưa:

“Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu”

(Chinh phụ ngâm- Đặng Trần Côn)

Những chàng trai Hà Nội ra đi vì sự vẫy gọi mãnh liệt của lí tưởng, song trái tim
họ vẫn luôn dành một góc lưu luyến nhớ nhung về “Hà Nội dáng kiều thơm”. Hà
Nội- một thủ đô hoa lệ, một mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đây là một mảnh hồn
luôn in sâu trong ký ức của người lính khi đi xa. Mơ về Hà Nội chính là nỗi nhớ
quê hương. Chỉ có điều cách viết của Quang Dũng rất tài hoa bởi đã gợi cho người
đọc hình dung trong ký ức của các anh, Hà Nội đẹp như một “dáng kiều”. Nỗi nhớ
Hà Nội cũng là mạch nguồn của cảm hứng trong thi ca, nó đi vào nỗi nhớ của
những người chiến binh, đẹp một cách hào hùng. Trong bài thơ “Ngày về”, Chính
Hữu viết:

“Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa


Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”

Hơn nữa giấc mơ mà những người lính hướng tới còn là “dáng kiều thơm”. Đó là
những bóng dáng yêu kiều, thướt tha của những thiếu nữ đất Hà thành. Trong nỗi
nhớ của lính Tây Tiến thì những người con gái ấy đẹp cả hương cả sắc. Họ như
một một vầng sáng lung linh, là một điểm đến trong giấc mơ của các anh. Cách
dùng từ của Quang Dũng vô cùng tài hoa bởi đây là cách diễn đạt thấm đượm tinh
thần của văn học cổ. Bởi lẽ các anh là những người lính tri thức, các anh đã thấm
đượm văn chương cổ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cho nên Quang Dũng
mới dùng cách nói mỹ lệ hóa “dáng kiều thơm” để chỉ vẻ đẹp cũng những người
thiếu nữ Hà thành. Vũ Quần Phương có nhận xét: “Hai câu thơ như chứa đựng
cả hai thế giới”. Sự tương đồng trong hai nét nghĩa của “mộng” và “mơ”, sự tương
phản của hai thế giới “nghĩa chung” và “tình riêng” đã cùng nhau làm nên vẻ đẹp
toàn vẹn cho tâm hồn người lính. Họ không chỉ có lí tưởng cao cả, ý chí kiên
cường, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn mà còn là những chàng trai lãng mạn, mộng
mơ, có trái tim chan chứa tình yêu thương. Cũng như hình ảnh “Người ra đi đầu
không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” trong một sáng mùa thu trước
cách mạng, hay sau đó là người lính trong “Những đêm dài hành quân nung
nấu/
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” ( Đất nước- Nguyễn Đình Thi ), hình ảnh
những chàng trai Hà Nội trong đoàn quân Tây Tiến cũng thật kiêu hùng, lãng mạn
khi tình yêu thương là động cơ đẹp đẽ để họ ra đi chiến đấu, còn lí tưởng cách
mạng lại khiến tình yêu thương thêm cao cả, lớn lao, đó là những nét khắc họa
chân thực và cảm động về cả một thế hệ người Việt Nam sẵn lòng gạt tình riêng, ra
đi vì nghĩa lớn.

Nếu ở những câu thơ trước có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn
thì ở bốn câu thơ này, nhà thơ sử dụng thành công bút pháp nghệ thuật bi tráng để
tái hiện sự hy sinh của lính Tây Tiến:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”
Nhịp ngắt 4/3 khiến trọng tâm câu thơ rơi vào chữ “mồ”, một âm tiết mang thanh
bằng ở âm vực thấp, một từ gợi sự hiện hữu của cái chết, vì thế câu thơ đem đến
cảm giác trầm buồn và ảm đạm. Không sử dụng từ mộ trang trọng, “mồ” là một
danh từ miêu tả chính xác thực tế chiến trường lúc đó, khi các anh hi sinh trên
đường hành quân, việc chân cất sơ sài, vội vã, đồng đội xót lòng để các anh lại
trong những nấm đất hoang lạnh, hiu hắt, đơn sơ trên đường. Bản thân cái chết đã
gợi lên sự buồn bã, càng lạnh lẽo hơn khi các anh không được nằm bên nhau,
những nấm mồ cứ rải rác trên từng chặng đường hành quân gian khổ, những nấm
mồ thiếu hơi ấm của gia đình, quê hương, đất nước.Tây Tiến là một trong số không
nhiều những tác phẩm văn chương thời kháng chiến chống Pháp trực tiếp miêu tả
sự hy sinh của người lính, thậm chí bằng những câu thơ gợi nỗi bi thương đau xót
nhất. Có thể nhận ra nét nghĩa tương đồng trong cả bốn từ của câu thơ khi tất cả
đều gợi tới sự xa xôi: “rải rác” gợi ra khoảng cách của những nấm mồ nằm xa nhau
trên dọc đường hành quân; “biên cương” là miền đất xa nhất của đất nước, cũng có
thể coi là “viễn xứ”, xứ xa; “mồ” là hình ảnh của cái chết, gợi sự chia lìa xa cách
của tử biệt sinh li, của sự sống và cái chết, của cõi dương và cõi âm. Những nét
nghĩa ấy cùng hướng đến miêu tả một thực tế: rất nhiều cái chết, những nấm mồ
của những người con xa quê nằm lại miền viễn xứ. Phép điệp nghĩa tinh tế đã
mang đến cảm giác ảm đạm, lãnh lẽo cho cả câu thơ. Tuy nhiên, Tây Tiến bi mà
không lụy, ảm đạm mà không yếu mềm, cảm hứng bi tráng đã trở thành âm hưởng
chủ đạo của đoạn thơ, bài thơ, đem đến sự mãnh mẽ hào hùng cho đau thương, mất
mát. Một trong những yếu tố đầu tiên đem đến sắc thái mạnh mẽ, hào hùng cho
đoạn thơ chính là việc Quang Dũng sử dụng hàng loạt các từ Hán Việt “biên
cương, mồ, viễn xứ” khiến sự hi sinh của lính Tây Tiến đặt vào một không khí
thiêng liêng trang trọng, tạo tâm thế ngưỡng mộ đầy tôn kính cho người đọc. Với
cách dùng từ Hán Việt này, Quang Dũng như phủ lên một vầng hào quang để
những nấm mộ chí bất tử, vĩnh hằng.

Cảm giác ảm đạm ngậm ngùi trong câu một đã nhanh chóng được xóa đi bởi
tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ:
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Với cách diễn đạt chủ động trong sắc thái phủ định, câu thơ đã tô đậm lí tưởng cao
cả và khí phách kiên cường của những người chiến sĩ anh hùng “quyết tử cho Tổ
quốc quyết sinh”. Cụm từ “chẳng tiếc” được đặt giữa dòng thơ đã tạo điểm nhấn
đặc biệt. Bởi “chẳng tiếc” đã thể hiện thái độ mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt nhưng
đồng thời là sự nguyện dâng hiến đời mình cho Tổ quốc. Tinh thần ấy thật đẹp và
cao cả biết bao. Vì vậy, cụm từ “chẳng tiếc” đã phảng phất tinh thần của các anh
tráng sĩ xưa“Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, đó là khí phách của những con
người dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng gạt tình riêng, ôm chí lớn “ra đi không
vương thê nhi”. Đồng thời còn nâng tầm lính Tây Tiến mang vẻ đẹp cổ điển. Tinh
thần của những chiến binh Tây Tiến gợi ta nhớ đến sự quyết tâm của Kinh Kha khi
vượt sông Dịch Thủy để diệt Tần Thủy Hoàng:

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn


Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”

(Gió hiu hiu hề, nước sông Dịch lạnh ghê,


Tráng sĩ một đi không trở về.)

“Đời xanh” là một hình ảnh ẩn dụ cho tuổi thanh xuân, thời gian đẹp nhất trong
cuộc đời, quãng thời gian một đi không trở lại. Nhịp đi liền mạch trong câu thơ cho
thấy ý chí quyết tâm cao độ của những người thanh niên ưu tú sẵn sàng dâng hiến
cuộc đời và tuổi thanh xuân, cũng có nghĩa là sẵn sàng hiến dâng phần đời đẹp
nhất cho đất nước. Đó cũng là tâm nguyện, là ý chí cao đẹp của những người thanh
niên Việt Nam thời chống Mĩ đã được Thanh Thảo thể hiện trong những câu thơ
chân thành, thấm thía xúc động:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình


(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”

Như vậy, sau câu thơ đầu nói về cái chết và những nấm mồ, câu thơ tiếp theo lại
khẳng định ý chí , lí tưởng và khí phách của chiến sĩ Tây Tiến. Phải chăng đây
chính là hàm ý sâu xa của nhà thơ: các anh đã nằm lại trong những nấm mồ viễn
xứ nhưng khí phách, tinh thần vẫn sống mãi tuổi 20, và với Tổ quốc, với nhân dân,
các anh là bất tử, vẻ đẹp hào hùng toát ra từ ý chí, tâm nguyện của các anh vẫn có
có sức cổ vũ mãnh liệt tới muôn đời.
Đến hai câu thơ cuối đoạn, nhà thơ đã dựng lên một bức tượng đài bi tráng
về lính Tây Tiến, đồng thời gieo vào trong lòng người đọc ấn tượng đẹp về sự hi
sinh:

“Áo bào thay chiếu anh về đất


Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Bút pháp mĩ lệ hóa của cảm hứng lãng mạn đã biến tấm áo quân phục sờn rách của
người lính thành tấm “áo bào” đẹp đẽ, thiêng liêng. Quang Dũng có kể lại “Ngay
cả khi nằm xuống, nhiều tử sĩ cũng không có đủ manh chiếu liệm. Nói “áo bào
thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách nói ước lệ của thơ trước
đây để an ủi những đồng chí của mình đã ngã xuống giữa đường.” Vượt lên trên
hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh, trong cảm nhận của Quang Dũng, những
đồng đội thân yêu của ông khi ngã xuống vẫn được khâm liệm trong những tấm
“áo bào” trang trọng vốn chỉ dành cho những tráng sĩ anh hùng xả thân vì đất
nước. Hình tượng thơ không chỉ làm dịu vợi nỗi đau trước hiện thực tàn nhẫn của
chiến tranh mà còn hàm chứa niềm biết ơn, cảm phục sâu xa với công lao của
những chiến sĩ anh hùng. Cũng từ câu nói của Quang Dũng, hình ảnh áo bào thay
chiếu còn gợi liên tưởng đến lí tưởng cao quí của một thời coi việc chết ngoài
chiến địa lấy “mã cách khỏa thi” (da ngựa bọc thây)” làm niềm tự hào của đấng
trượng phu, coi “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa” là tâm nguyện thiêng liêng cao
quí của những người trai thời loạn; người lính Tây Tiến hôm nay cũng xem việc hy
sinh nơi chiến trường được khâm liệm bằng tấm áo của chính mình là niềm vinh
quang của những người con “sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sự bi
thảm của cái chết đã được xóa nhòa khổng chỉ vì lí tưởng cao cả và khí phách hào
hùng mà còn bởi cách nói giảm khi coi chết chỉ là “về đất”. Không chỉ làm dịu nhẹ
nỗi đau, hình ảnh “về đất” còn gợi những tầng nghĩa sâu sắc: “đất” là hình ảnh gợi
sự bền vững muôn đời của non sông đất nước, “về” gợi bao ấm áp bình yên từ sự
đón nhận và nâng niu ấp ủ. Các anh đã từ biệt gia đình, quê hương, ra đi về miền
viễn xứ với mộng chiến trường cao đẹp, các anh đã chiến đấu kiên cường, đã hi
sinh anh dũng vì Tổ quốc, nay Tổ quốc trìu mến, yêu thương mở rộng vòng tay đén
nhận những người con thân yêu trở về, thanh thản yên nghỉ trong lòng đất Mẹ, tựa
như người chiến sĩ trong thơ Tố Hữu:
“Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”
Các chiến binh Tây Tiến đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi, họ bất tử, linh hồn
họ đã hòa nhập vào thế giới vĩnh hằng của cha ông, thế giới của những con người
chưa bao giờ khuất, giống với cách nói trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình
Thi:

“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

Âm hưởng bi tráng gợi ra từ hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến đã được Quang
Dũng đẩy lên tới đỉnh điểm trong câu kết đoạn. “Sông Mã” từng xuất hiện trong
tiếng gọi tha thiết ở đầu bài thơ “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!” như một biểu
tượng của miền Tây, của Tây Tiến, của quá khứ. Nay sông Mã trở lại với âm thanh
dữ dội hào hùng trong cảnh tiễn đưa tử sĩ. Từ âm thanh của tiếng sông Mã, nghệ
thuật nhân hóa qua động từ “gầm lên” đã thể hiện trọn vẹn tính chất dữ dội trong
những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc nhất với những bi phẫn, xót đau,
những tiếc thương, cảm phục... “Sông Mã” từng gắn bó với các anh trong suốt
chặng đường hành quân gian khổ qua miền Tây, nay sông Mã lại là chứng nhân
lịch sử thay lời cho cả thiên nhiên, trời đất, núi sông gầm vang “khúc độc hành” bi
tráng đưa tiễn những người con yêu quí trở về yên nghỉ trong lòng đất Mẹ. Cũng
có thể thấy ý nghãi của “khúc độc hành” vừa mạnh mẽ, hào tráng vì là khúc ca
dành cho những chiến sĩ anh hùng, vừa phảng phất âm hưởng cô đơn, ngậm ngùi,
buồn bã bởi đây là cảm giác không tránh khỏi khi đứng trước cái chết, khi phải đưa
tiễn những người thân yêu trong chuyến ra đi cuối cùng luôn luôn là đơn độc. Tây
Tiến là một đi không trở lại nhưng các anh đã khắc cuộc đời mình lên hình sông
thế núi để bức tượng đài của Tổ quốc thêm hùng vĩ, muôn màu, giống những câu
thơ mà Nguyễn Khoa Điềm viết về họ:
“Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...”
(Đất nước)
1. Giá trị nội dung
Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những
chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có
nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng…
Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng,
hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc
=> Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng
trong thơ Quang Dũng

2. Giá trị nghệ thuật


– Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng
– Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu:
+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú
+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách; ( trang trọng, cổ kính; sinh động gợi tả
gợi cảm…), có những kết hợp từ độc đáo ( nhớ chơi vơi , Mai Châu mùa em…),
tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm..
+ Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man
mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…
= Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích về nghệ thuật.

Kết bài 1:
Bài thơ đã thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Quang
Dũng, đó là bút pháp tương phản đầy ấn tượng của cảm hứng lãng mạn, là chất họa
và chất nhạc đậm nét với giá trị biểu cảm mạnh mẽ, là chất bi tráng đưa đến những
xúc động sâu sắc trong lòng người. Qua đó, Quang Dũng đã khắc họa sâu đậm
hình ảnh người chiến binh Tây Tiến trong cả cuộc sống chiến đấu gian khổ và sự
hy sinh anh dũng, làm hiện lên vẻ đẹp toàn vẹn trong tâm hồn các anh, những
người lính kiêu dũng, ngang tàng và lãng mạn, hào hoa. Hình ảnh các anh càng làm
rõ thêm cảm hứng chủ đạo của bài thơ: nỗi nhớ tha thiết của người cựu chiến binh
Tây Tiến hướng về miền Tây, trung đoàn Tây Tiến và những năm tháng oanh liệt,
hào hùng không thể nào quên.
Kết bài 2: Bài thơ là một dòng chảy dài da diết cháy bỏng của Quang Dũng nhớ về
đồng đội thân yêu. Với âm hưởng thơ hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn với
hình ảnh thơ phong phú sinh động, Quang Dũng đã không chỉ vẽ nên một bức
tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hoang sơ, hiểm trở lại vừa thơ mộng trữ tình mà ông
còn chạm khắc vào lịch sử bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến với vẻ
đẹp hào hoa, bi tráng. Chính vì vậy mà bài thơ mãi mãi là một hoài niệm không thể
quên trong lòng người đọc bây giờ và mãi mãi về sau.

You might also like