You are on page 1of 2

Tình yêu quê hương đất nước là một trong những đề tài gần gũi và là nguồn cảm

hứng bất tận của thi ca. “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là bài thơ ca ngợi vẻ
đẹp quê hương và bộc lộ niềm tự hào về người lao động trên chính quê hương
mình.

Huy Cận là một trong những tác giả tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Các tác
phẩm của ông trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thường mang âm hưởng sầu
não, buồn chán trước thực tại. “Đoàn thuyền đánh cá” được Huy Cận sáng tác vào
năm 1958, khi ông có một chuyến đi thực tế dài ngày ở Hòn Gai, Quảng Ninh. Hai
khổ thơ đầu bài thơ, tác giả đã đưa người đọc đến với vùng thiên nhiên mang hơi
thở cuộc sống: khủng cảnh ra khơi của người lao động trên biển
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa.”

“Mặt trời xuống biển” được ví như “hòn lửa”, là một hình ảnh thật độc đáo.
Dường như, ta đang thấy được mặt trời đang lặn dần vào lòng biển, giữa một
khung cảnh rộng lớn, trên nền trời là sắc đỏ rực rỡ tựa hòn lửa đang bùng cháy.
Những con sóng cũng bắt đầu “cài then”, đóng cánh cửa khổng lồ của biển cả.
Thiên nhiên chìm vào giấc ngủ, một ngày dài đã khép lại, tất cả đang bước vào
trạng thái nghỉ ngơi, nhường chỗ cho những hoạt động của con người:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,


Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Khi mặt trời đi ngủ, sóng cài then, đêm mở cửa cũng là lúc người dân chài bước
vào hành trình lao động của mình. Nó trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên
của người lao động. Đoàn thuyền ra khơi trong niềm háo hức, mong đợi.

Câu hát cất lên gửi gắm niềm tin, hy vọng vào một chuyến đi bội thu trở về. Tiếng
hát khỏe khoắn ấy làm căng buồm, đưa con thuyền đi phăng phăng, vượt sóng,
vượt gió của biển cả để rẽ sóng, dò bụng biển. “Cánh buồm no gió” còn là hình ảnh
tượng trưng cho tinh thần vui vẻ, nhiệt huyết của người lao động khi bắt đầu cuộc
hành trình. Có thể thấy, sự kết hợp các hình ảnh “đoàn thuyền”, “câu hát”, “buồm”,
“gió” cùng với nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp trong khổ thơ đầu đã tạo nên một
cảnh tượng ra khơi đầy hào hùng, vừa đẹp, vừa tráng lệ biết bao!

Hành trình đánh bắt được bắt đầu bằng những bài ca gọi cá. Tiếng hát hòa cùng với
công việc của người dân chài miền biển :

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,


Cá thu biển Đông như đoàn thoi.”
Câu hát không chỉ gửi gắm niềm mong mỏi vào một chuyến đi đầy tôm cá mà còn
ngợi ca sự giàu có, phong phú của mẹ thiên nhiên. Cá bạc báo biển lặng, cá thu
từng đoàn rẽ sóng “như đoàn thoi”. Vẻ đẹp lung linh của những loài cá trong làn
nước biển mênh mông cùng ánh vành, ánh bạc hiện lên thật đẹp, ngỡ là chốn diệu
kì của cuộc sống. Bút pháp lãng mạn kết hợp với phép liệt kê, so sánh tạo nên một
cảnh biển đêm vừa thực, vừa mộng.
“Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!”
Cảnh đánh cá trong đêm giữa biển khơi quá cái nhìn đầy tinh tế của tác giả thật độc
đáo. Cách liên tưởng thú vị từ khung cửi dệt vải đến việc mời gọi đàn cá dệt biển,
dệt lưới làm cho câu thơ thêm phần mới lạ, cảnh vật trở nên gần gũi với con người
hơn bao giờ hết.
“Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”
Lời mời gọi tha thiết với thán từ gọi đáp “ơi” bộc lộ tình cảm chân thành của người
lao động. Một tiếng gọi ân tình để thu cá vào lưới, đáp đền những lao động hăng
say mệt nhọc. Nghề chài lưới vất vả, nhọc nhằn là vậy, mà trong âm điệu, lời thơ,
ta không thấy mảy may một chút mệt mỏi hay lời than vãn của người dân chài mà
trái lại là niềm vui, sự hăng say trong công việc của họ.

Lời thơ kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự cùng việc sử dụng có ý đồ các
biện pháp nghệ thuật nhân hoá, so sánh, liệt kê đã tạo nên một khúc nhạc lao động
vừa gần gũi vừa dạt dào sức sống. Hai khổ thơ mở ra trước ta hình ảnh của một
miền biển tươi đẹp, bình yên, giàu có và những con người lạc quan, hết mình với
công việc. Đoạn thơ nói riêng và tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá nói chung đã góp
phần vào tổ điểm hương sắc cho vườn thơ ca ngợi quê hương, Tổ Quốc Việt.

You might also like