You are on page 1of 113

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

ĐINH THỊ NGỌC MAI

DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN


(NGỮ VĂN 12, TẬP 2) THEO HƯỚNG
TIẾP CẬN THI PHÁP HỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ SƯ PHẠM NGỮ VĂN

HÀ NỘI – 2016
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

ĐINH THỊ NGỌC MAI

DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN


(NGỮ VĂN 12, TẬP 2) THEO HƯỚNG
TIẾP CẬN THI PHÁP HỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ SƯ PHẠM NGỮ VĂN


CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
(BỘ MÔN NGỮ VĂN)
Mã số: 60 14 01 11

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS ĐOÀN ĐỨC PHƯƠNG

HÀ NỘI – 2016
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn, người viết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp
đỡ. Nhân dịp này, người viết xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới quý thầy, cô
giáo của trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội – những người đã nhiệt
tình giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho người viết trong thời gian học tập.
Người viết xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS. Đoàn Đức Phương –
người thầy đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người viết suốt quá trình thực hiện cho
tới khi hoàn thành luận văn này.
Người viết cũng xin gửi lời cảm ơn tới các bạn đồng nghiệp, các học viên lớp
cao học Lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn khóa 10, Đại học Giáo dục cùng
toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Vũ Duy Thanh, trường
THPT Tô Hiến Thành đã nhiệt tình hỗ trợ và đóng góp ý kiến để luận văn được
hoàn thành đúng tiến độ.
Cuối cùng, do điều kiện về thời gian và khả năng của bạn thân có hạn nên
luận văn có thể không tránh khỏi những thiếu sót. Do đó, người viết rất mong nhận
được những ý kiến đóng góp quý báu của quý thầy cô, quý độc giả để luận văn
được hoàn thiện hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, tháng 10, năm 2016


Tác giả

ĐINH THỊ NGỌC MAI

i
DANH MỤC VIẾT TẮT

ĐHSP Đại học sư phạm


PGS Phó giáo sư
TS Tiến sĩ
GV Giáo viên
HS Học sinh
NXB Nhà xuất bản
SKG Sách giáo khoa
THPT Trung học phổ thông
THCS Trung học cơ sở
GD&ĐT Giáo dục và đào tạo
PPDH Phương pháp dạy học
BĐTD Bản đồ tư duy

ii
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài .....................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề .........................................................................................................4
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ..........................................................................6
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ..............................................................................7
5. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................7
6. Đóng góp của luận văn ............................................................................................7
7. Cấu trúc luận văn ....................................................................................................7
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI .......................9
1.1. Cơ sở lý luận .......................................................................................................9
1.1.1. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hiện hành ............................9
1.1.2. Khái lược về thi pháp học ...............................................................................11
1.2. Cơ sở thực tiễn ..................................................................................................22
1.2.1. Tình hình vận dụng thi pháp trong dạy học tác phẩm văn học trong nhà
trường phổ thông .......................................................................................................22
1.2.2. Thực trạng dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của tác giả Kim Lân trong chương
trình Ngữ văn 12 .......................................................................................................23
Tiểu kết chương 1......................................................................................................29
CHƯƠNG 2. TÍCH CỰC HÓA PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN
VỢ NHẶT CỦA TÁC GIẢ KIM LÂN THEO HƯỚNG TIẾP CẬN THI PHÁP
HỌC ..........................................................................................................................30
2.1. Một số vấn đề thi pháp trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân ......................30
2.1.1. Cách thức sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu .......................................................30
2.1.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống .....................................................................37
2.1.3. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện .........................................................................38
2.1.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ........................................................................40
2.1.5. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật .................................................49
2.1.6. Điểm nhìn trần thuật .......................................................................................55
2.2. Kết hợp các phương pháp dạy học tích cực theo hướng tiếp cận thi pháp
học đối với tác phẩm Vợ nhặt .................................................................................60
2.2.1. Phương pháp diễn giảng .................................................................................60

iii
2.2.2. Phương pháp dạy học nêu vấn đề ...................................................................62
2.2.3. Phương pháp đàm thoại ..................................................................................65
2.2.4. Phương pháp trực quan ..................................................................................69
Tiểu kết chương 2......................................................................................................77
CHƯƠNG 3. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM VỚI TÁC PHẨM VỢ NHẶT
CỦA TÁC GIẢ KIM LÂN ...................................................................................78
3.1. Giáo án thực nghiệm ........................................................................................78
3.2. Thực nghiệm cụ thể bài học ............................................................................87
3.2.1. Mục đích thực nghiệm .....................................................................................87
3.2.2. Đối tượng, địa bàn, thời gian thực nghiệm .....................................................87
3.2.3. Nội dung thực nghiệm .....................................................................................88
3.2.4. Phương pháp tiến hành thực nghiệm ..............................................................88
3.2.5. Kết quả thực nghiệm .......................................................................................88
3.2.6. Đánh giá kết quả thực nghiệm ........................................................................91
Tiểu kết chương 3......................................................................................................93
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ .........................................................................94
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................96
PHỤ LỤC ...............................................................................................................100

iv
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Văn chương là một bộ môn nghệ thuật có đặc thù riêng không giống với các
ngành khoa học khác. Văn chương có khả năng bồi dưỡng cho học sinh những năng
lực và năng khiếu thẩm mỹ, nhận thức thẩm mỹ góp phần xây dựng nhân cách con
người, bồi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm cho học sinh.
Việc tiếp nhận tác phẩm văn học trong thời đại ngày một phát triển như hiện
nay đang ngày càng trở nên quan trọng khi các em học sinh đã không còn nhiều
hứng thú với văn học như trước. Đây chính một thách thức không nhỏ đối với
những người “chèo lái con thuyền giáo dục”.
Là một cá nhân quan tâm đến vấn đề dạy học, khi chọn lựa đề tài Dạy học
truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12, tập 2) theo hướng tiếp cận thi pháp
học, người viết dựa vào các lý do dưới đây:
- Do yêu cầu của xã hội đối với dạy học môn Ngữ văn hiện nay
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ban hành kèm theo quyết
định số 16/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT)
đã xác định môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông là môn học về khoa học xã hội và
nhân văn, môn học công cụ và cũng là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục thẩm mĩ. Ngữ
văn là một môn học quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và các năng lực
của người học. Việc dạy và học môn Ngữ văn đã và đang gặt hái nhiều thành công,
mang lại cho người học những rung cảm thẩm mĩ cùng với tầm nhìn rộng lớn hơn về
cuộc sống,…
Bên cạnh những thành công đáng kể, việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường
phổ thông ở Việt Nam cũng còn bộc lộ không ít những hạn chế về nhiều mặt. Chính
điều này đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với yêu cầu đổi mới chương
trình; sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy học môn Ngữ văn.
- Do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học nói chung và dạy học văn trong
chương trình giáo dục phổ thông nói riêng
Đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam, tài liệu chiến lược phát triển giáo
dục 2001-2010 (2002, tr.14) đã khẳng định: “Chương trình, giáo trình, phương pháp
giáo dục chậm đổi mới. Chương trình giáo dục còn nặng tính hàn lâm, kinh viện,

1
nặng về thi cử. Thực trạng giáo dục này đã diễn ra một thời gian dài và chưa đáp
ứng đầy đủ mục tiêu đặt ra là “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ,
thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng
động và sáng tạo…” (Luật giáo dục, điều 27).
Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn trên đây, việc cải cách toàn diện giáo
dục THPT và đổi mới PPDH là một yêu cầu cấp thiết nhằm đạt mục tiêu giáo dục
phổ thông hiện nay.
Trong đó, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn trong nhà trường
phổ thông là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của Bộ Giáo dục và
Đào tạo. Dạy học văn từ hướng tiếp cận thi pháp đang được đặc biệt chú ý và bước
đầu đạt được những kết quả đáng mong đợi.
- Tiếp cận thi pháp học – một hướng đi mới đầy tiềm năng trong dạy học tác
phẩm văn học
Giáo sư Trần Đình Sử đã từng nhận định: Thi pháp học đem lại những phạm
trù mới, những đề tài mới cho nghiên cứu văn học như con người, không gian, thời
gian, trần thuật, điểm nhìn, đối thoại,… mở rộng các cánh cửa tiếp cận văn bản. Do
đó, việc vận dụng thi pháp học vào nghiên cứu, đổi mới dạy học tác phẩm văn
chương trong nhà trường đối với ngành Giáo dục Việt Nam là rất cần thiết. Nó sẽ
thổi một làn gió mới cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, giúp học sinh biết
cách tìm hiểu một tác phẩm văn học theo thể loại và khiến các em yêu thích môn
Văn hơn bởi mục đích của dạy học tác phẩm văn chương trong giai đoạn hiện nay
nói theo Nguyễn Thị Khánh Dư là “xem tác phẩm như một sáng tạo nghệ thuật chứ
không phải là một phép phản ánh đơn giản. Nhằm khám phá vẻ đẹp của văn
chương nghệ thuật bằng những nét đặc sắc và phong cách nghệ thuật của tác phẩm
đem đến cho người đọc những giá trị đích thực”.
Tuy nhiên, việc vận dụng thi pháp cũng như việc tìm ra phương pháp thích
hợp để tổ chức quá trình tiếp nhận cho học sinh theo hướng này còn diễn ra chậm
chạp và khá lúng túng.
- Kim Lân – một cây bút truyện ngắn danh tiếng của văn học Việt Nam hiện
đại.
Vùng đất Kinh Bắc nho nhã đã sản sinh ra một cây bút truyện ngắn xuất sắc
của nền văn học Việt Nam hiện đại: Kim Lân. Ông chính là nhà văn nổi tiếng với

2
một số truyện ngắn được xếp vào hàng “kinh điển” trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ
XX.
Nhà văn Nguyễn Khải đã từng coi Kim Lân là một trong số ít nhà văn có tài
năng thiên phú, dường như “không phải người viết mà là thần viết, thần mượn tay
người để viết nên những trang sách bất hủ” [26; tr.628].
Cái tên Kim Lân đã được công chúng biết và nhớ đến từ rất sớm, khi ông cho
đăng Đứa con người vợ lẽ trên báo Trung Bắc chủ nhật năm 1942. Hơn tám mươi
năm cuộc đời và gần sáu mươi năm đau đáu với nghiệp văn chương nhưng gia tài
ông để lại chỉ khoảng ngoài ba mươi tác phẩm, mà chủ yếu là truyện ngắn. Mặc dù
chỉ vỏn vẹn chừng ấy “những đứa con tinh thần” nhưng “đứa” nào cũng có một chỗ
đứng vững chắc, thậm chí là trang trọng trong lòng độc giả nước nhà.
Truyện ngắn Kim Lân không chỉ tạo nên một bản sắc rất riêng cho người
sáng tạo ra nó mà còn đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện và hiện đại hóa một
thể loại văn học vẫn còn mới mẻ của văn đàn dân tộc từ những buổi đầu của thế kỉ
XX.
Kim Lân cũng là một trong số không nhiều nhà văn luôn có tác phẩm được
lựa chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông và chọn làm đề thi văn của nhiều
trường Đại học trong cả nước. Từ năm 1995, ông có hai tác phẩm được đưa vào
chương trình dạy học là Làng (lớp 9, Phổ thông Cơ sở) và Vợ nhặt (Lớp 12, Phổ
thông Trung học). Sau năm 1995, trong chương trình chỉnh lý sách giáo khoa, hai
tác phẩm kể trên vẫn tiếp tục giữ nguyên vị trí tại chương trình giảng dạy Ngữ văn
phổ thông.
- Vợ nhặt – tác phẩm ưu tú của nhà văn Kim Lân và cùng là một trong
những thành tựu xuất sắc của nền văn học cách mạng.
Vợ nhặt có tiền thân là truyện Xóm ngụ cư, ra đời năm 1948, là một trong
những tác phẩm nổi bật trong giai đoạn sáng tác sau Cách mạng tháng Tám 1945
của Kim Lân. Tác phẩm thực sự mở ra cho rất nhiều thế hệ bạn đọc một cái nhìn
khác về hình ảnh người nông dân trong cuộc sống.
Truyện ngắn viết về một giai đoạn đau thương trong lịch sử dân tộc: Nạn đói
năm 1945 - Từ Quảng Trị đến Bắc Bộ. Tác phẩm mang giá trị nhân văn cao cả:
niềm tin không bao giờ tắt hướng về con người.

3
Trước thời kì thống nhất sách giáo khoa, Vợ nhặt là tác phẩm đã có mặt
trong cả ba bộ sách: Văn học 12 chưa phân ban; Ngữ văn 12 thí điểm ban Khoa học
Xã hội và Nhân văn; Ngữ văn 12 thí điểm ban Khoa học Tự nhiên. Ở thời điểm hiện
nay, tác phẩm này vẫn có mặt trong hai bộ sách thuộc Chương trình chuẩn và
Chương trình nâng cao.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Tình hình dạy học theo hướng thi pháp học
Từ giữa thế kỉ XX, công việc nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học theo
tinh thần thi pháp học là xu hướng chung trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, từ
sau Đổi mới 1986 cho đến nay, việc nghiên cứu thi pháp học cũng rất được quan
tâm, đã và đang diễn ra với đội ngũ các nhà nghiên cứu đông đảo. Ngay từ những
năm 1980, các nhà nghiên cứu văn học như Phạm Vĩnh Cư, Duy Lập, Vương Trí
Nhàn, Lại Nguyên Ân,… đã giới thiệu thi pháp học Liên Xô vào Việt Nam, dịch
một số công trình của Bakhtin, Khrapchenco,… Đồng thời, chuyên đề thi pháp học
của Trần Đình Sử mở tại Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như một số cuộc hội thảo
chuyên đề về thi pháp học cũng được tổ chức tại Hà Nội đã tạo nên một bầu không
khí sôi động trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học. Bên cạnh đó, việc giới
thiệu các lí thuyết, trường phái nghiên cứu của phương Tây cũng được thực hiện từ
khi có sự “cởi trói” và “mở cửa” từ năm 1986. Đến cuối năm 1990, thi pháp học đã
được Trần Đình Sử viết thành giáo trình đầu tiên ở Việt Nam dành cho bậc đại học
và cao đẳng. Như vậy, việc phổ biến tri thức thi pháp học trong nhà trường đã có bề
dày gần 30 năm.
Trong những năm gần đây, chương trình Ngữ văn phổ thông cũng đã bắt đầu
quan tâm nhiều hơn đến thi pháp học. Nội dung chương trình dạy học đã chú ý
nhiều hơn đến vấn đề này. Nhiều nhà nghiên cứu và phương pháp đã và đang có
những công trình hướng vào việc tiếp cận tác phẩm văn chương trong nhà trường
theo hướng tiếp cận thi pháp học như: luận văn Thạc sĩ sư phạm Ngữ văn, Đại học
Giáo dục Dạy học bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong chương trình Ngũ
văn 10 theo hướng tiếp cận thi pháp học của Nguyễn Thị Bích Ngọc năm 2014;
luận văn Thạc sĩ, Đại học Giáo dục Dạy học Hạnh phúc một tang gia (Trích Số đỏ
- Ngữ văn 11 – Ban cơ bản) từ thi pháp tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng
của Nguyễn Văn Tuấn bảo vệ năm 2010; luận văn Thạc sĩ, Đại học Giáo dục của

4
Nguyễn Thị Doanh năm 2010 Từ hướng tiếp cận thi pháp, vận dụng vào việc giảng
dạy tác phẩm Nguyễn Minh Châu trong chương trình trung học phổ thông; luận văn
Thạc sĩ, Đại học Giáo dục Dạy học bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh
Quan theo hướng khai thác thi pháp tác giả và thi pháp tác phẩm của Nguyễn Thị
Thanh Thảo năm 2015;…
2.2. Về tác giả Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt
Đối với tác giả Kim Lân, người viết tìm thấy không ít công trình nghiên cứu
như: Văn xuôi Kim Lân in trong Tạp chí Văn học (số 6) năm 1986 của Lại Nguyên
Ân; Ngòi bút Kim Lân và sự cày xới trên cánh đồng quê của Kim Hoa (1994) in
trong Báo Nhân dân chủ nhật; Nhà văn trong nhà trường – Kim Lân của Hoài Việt
(1999) in bởi NXB Giáo dục, Hà Nội; luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội &
Nhân văn Văn hóa làng trong truyện ngắn Kim Lân của Vũ Thị Đỗ Quyên năm
2006; Kim Lân – nhà văn của những phận người bé mọn của Phong Lê in trong Tạp
chí Sông Hương, số 223, năm 2007; luận văn Thạc sĩ, Đại học sư phạm Hà Nội 2
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Kim Lân của Nguyễn Thị Ngọc Quyên năm
2010; luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên của Khổng Thị Minh Hạnh
năm 2012 là Cái nhìn thời gian, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Kim
Lân,…
Khi sưu tầm những chuyên luận, nghiên cứu về truyện ngắn Vợ nhặt người
viết tìm thấy một số công trình nghiên cứu sau: Xây dựng tình huống có vấn đề để
phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học tác phẩm Vợ
nhặt của Kim Lân, ĐHSP Hà Nội – 2006 của Trần Thị Quỳnh Hoa; Dạy học truyện
ngắn Vợ nhặt của Kim Lân cho học sinh trung học phổ thông từ cái nhìn văn hoá
của Nguyễn Thị Thu Thảo, ĐHSP Hà Nội, năm 2006; luận văn Thạc sĩ Giáo dục
học Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học truyện ngắn Vợ nhặt ở trường Trung
học Phổ thông của Lê Ngọc Hiền năm 2010; Luận văn thạc sĩ, Đại học Giáo dục
Dạy học tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân ở trường Trung học Phổ thông theo đặc
trưng thể loại của Kiều Thị Hà năm 2014; bài viết Tìm hiểu chân dung nhân vật
trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân qua hệ thống từ láy của Thạc sĩ Trần Thu
Hà viết tại Quảng Ngãi tháng 12 năm 2014 đăng trên website
http://truongthptchuyenlekhiet.edu.vn/ vào ngày 12 tháng 1 năm 2015;…

5
Bên cạnh những công trình nghiên cứu còn phải kể đến những bài phân tích,
bình giảng về truyện ngắn Vợ nhặt như:
- Bài phân tích tác phẩm Vợ nhặt trong sách tham khảo Để học tốt Ngữ văn
12.
- Bài viết Sự sống đối mặt với cái chết của Nguyễn Thị Thanh Cảnh trong
Tiếng nói tri âm, tập 1.
- Bài Tác giả Kim Lân và hình tượng người đàn bà không tên trong Vợ nhặt
của Trương Vũ Thiên An trên báo Giáo dục và thời đại, năm 1998.
Đây là những công trình khoa học nghiên cứu một cách công phu và hệ
thống nêu bật được những giá trị tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của truyện
ngắn Kim Lân nói chung, tác phẩm Vợ nhặt nói riêng. Đồng thời cũng có một số
bài đã đưa ra hướng dạy học tác phẩm này.
Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào nghiên cứu việc
dạy học tác phẩm này theo hướng tiếp cận thi pháp học một cách tổng thể. Vì vậy,
người viết đã đi đến quyết định lựa chọn đề tài này làm luận văn thạc sĩ của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài mong muốn đóng góp chút sức lực trong việc đổi mới, hiện đại
hóa phương pháp dạy học môn Ngữ văn nói chung, bài Vợ nhặt nói riêng nhằm
nâng cao hiệu quả giảng dạy và tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp học sinh
biết cách tìm hiểu một truyện ngắn trong giai đoạn văn học Cách mạng Việt Nam.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Dựa vào mục đích nghiên cứu trên, đề tài luận văn tập trung vào 3 nhiệm vụ
nghiên cứu chính như sau:
- Thứ nhất: Cơ sở lý luận về thi pháp học, thi pháp truyện ngắn trong phong
cách sáng tác của tác giả Kim Lân.
- Thứ hai: Đánh giá thực trạng dạy học tác phẩm văn học nói chung và
truyện ngắn Vợ nhặt nói riêng trong nhà trường trung học phổ thông. Định hướng
đổi mới phương pháp dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân theo hướng tiếp
cận thi pháp học.

6
- Thứ ba: Thiết kế giáo án thử nghiệm và tiến hành thực nghiệm sư phạm đối
với truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân để tiến hành đánh giá kết quả của đề tài luận
văn.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận văn này là cách thức dạy học hiệu quả
tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân theo hướng tiếp cận những đặc trưng của
thi pháp học.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu lý luận về dạy học truyện ngắn Kim Lân trong chương trình
trung học phổ thông theo hướng tiếp cận thi pháp học.
- Vận dụng lý thuyết thi pháp học vào dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim
Lân trong chương trình Ngữ văn 12, tập 2, ban cơ bản.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài luận văn này, người viết sử dụng những phương pháp
chính sau đây:
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học
- Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp khảo sát
Ngoài những phương pháp trên, người viết cũng vận dụng một số phương
pháp khác như phương pháp so sánh, đối chiếu; phương pháp phân tích, phương
pháp nghiên cứu tổng hợp,…
6. Đóng góp của luận văn
- Khẳng định ưu thế của việc dạy học một tác phẩm văn chương theo hướng
tiếp cận thi pháp học trong vấn đề bồi dưỡng năng lực tiếp nhận và hứng thú đối với
văn học của học sinh.
- Đề xuất những biện pháp dạy học cụ thể đối với việc dạy học một tác phẩm
văn chương theo hướng tiếp cận thi pháp học.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, bố cục của luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn đề tài.

7
- Chương 2: Đề xuất phương pháp dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của tác giả
Kim Lân theo hướng tiếp cận thi pháp học.
- Chương 3: Thực nghiệm sư phạm với tác phẩm Vợ nhặt của tác giả Kim
Lân.
Cuối cùng là phần Tài liệu tham khảo và Phụ lục.

8
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hiện hành
Thực tiễn đổi mới giáo dục ở nhiều quốc gia trong vài thập niên gần đây
đã khẳng định cách xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng phát triển
năng lực là xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo con người
trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ chưa từng có và nền
kinh tế tri thức đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mọi quốc gia.
Thế nhưng hiện nay, nhiều môn học ở trường phổ thông tại Việt Nam, trong
đó có môn Ngữ văn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho xã hội. Thực tế
này đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, đòi hỏi các nhà giáo dục cần quan tâm thực
hiện thay đổi nội dung, đặc biệt là phương pháp dạy học Ngữ văn trong nhà trường
hướng tới phát triển các năng lực cần thiết trong cuộc sống cũng như tạo điều kiện
thích nghi với môi trường làm việc trong tương lai cho các em học sinh.
Về phương pháp giáo dục phổ thông, điều 28 luật giáo dục quy định:
“Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động,
sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng
phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng
kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập
cho học sinh” (Luật giáo dục 2005).
Trong khi đó, thực trạng dạy học Ngữ văn tại Việt Nam trong thời gian gần
đây cho thấy cách dạy học Ngữ văn theo lối bình giảng và cung cấp cho học sinh
các kiến thức lí thuyết một cách tách biệt không đáp ứng được nhu cầu học tập của
giới trẻ ngày nay và không còn phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại.
Kinh nghiệm đổi mới chương trình theo hướng tích hợp và đa dạng hóa các
thể loại văn bản được đưa vào nhà trường trong chương trình giáo dục hiện hành
cũng đặt cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng đó trong bối cảnh
xây dựng chương trình phát triển năng lực nói chung. Nhiều điểm tích cực, tiến bộ
của chương trình hiện hành sẽ phải được kế thừa và phát huy hơn nữa.
Để phát huy năng lực của học sinh, người viết cho rằng môn Ngữ văn cần
đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng như sau:

9
- Một là: Đổi mới từ cách dạy truyền thống thiên về đọc chép sang cách dạy
đọc-hiểu
Trước đây, chúng ta thường coi phân tích hay giảng văn, bình luận là một
phương pháp đặc thù của dạy học văn, theo hướng áp đặt, một chiều.
Cách dạy đọc-hiểu giúp học sinh biết cách đọc, cách tiếp cận, khám phá nội
dung và nghệ thuật của văn bản theo các mức độ khác nhau từ đọc đúng, đọc thông
đến đọc hiểu, từ đọc tái hiện sang đọc sáng tạo, khơi dậy ở học sinh khả năng liên
tưởng, tưởng tượng, giúp học sinh thực sự được đắm mình trong thế giới văn
chương. Từ đó, khơi dậy ở các em tình cảm mang tính thẩm mỹ, biết hướng tới giá
trị chân-thiện-mĩ.
Học sinh có thể được phát huy năng lực đọc-hiểu các văn bản theo đặc
trưng thể loại, các loại văn bản chứa phương tiện biểu đạt như sơ đồ, bảng biểu…
Việc dạy đọc hiểu không chỉ rèn luyện cho học sinh năng lực đọc-hiểu mà
còn rèn luyện năng lực tạo lập văn bản, đặc biệt là năng lực viết sáng tạo. Tức là
học sinh có khả năng trình bày, thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của bản thân trước
đối tượng, vấn đề đặt ra. Điều này sẽ hạn chế được hiện tượng học sinh học hết
chương trình lớp 12 vẫn chưa có khả năng tự tạo lập được văn bản theo yêu cầu
như văn bản hành chính (đơn xin nghỉ học, đơn xin kết nạp Đoàn…).
- Hai là: Dạy học tích hợp là tổ chức nội dung dạy học của giáo viên sao cho
học sinh có thể huy động nội dung, kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác
nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành kiến thức, kĩ
năng, từ đó phát triển được các năng lực cần thiết.
Dạy học tích hợp diễn ra ở ba phân môn Làm văn, Tiếng Việt, Văn học. Có
thể tích hợp ba phân môn hoặc tích hợp môn Ngữ văn với các môn học khác như
Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ngoài giờ lên lớp, tích hợp giữa kiến thức trong
sách vở với kiến thức thực tiễn cuộc sống.
Nếu chương trình ngữ văn THCS lấy trục tích hợp là các kiểu văn bản như
miêu tả, tự sự, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng để học sinh hiểu đặc trưng văn bản
theo kiểu loại, từ đó có khả năng tạo lập văn bản thì chương trình ngữ văn THPT
lấy trục tích hợp là nội dung đọc-hiểu văn bản và tạo lập văn bản, giúp học sinh
phát triển, nâng cao năng lực thưởng thức văn học và năng lực sử dụng tiếng Việt
trong các tình huống giao tiếp.

10
Để phát huy tối đa hiệu quả giờ học, ta có thể sử dụng những phương pháp
tích cực như:
- Đóng vai: có thể cho học sinh đóng vai các nhân vật trong tác phẩm tự sự,
kịch hoặc xử lý một tình huống giao tiếp giả định…
- Dạy học theo dự án: tạo điều kiện cho học sinh thực hiện nhiệm vụ phức
hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Theo đó, học sinh phải tự lực cao trong quá trình
học tập từ việc xác định mục tiêu, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, kiểm tra
kết quả…
- Trải nghiệm thực tế, sáng tạo: Học sinh được trải nghiệm thực tế những địa
điểm, đối tượng (đang tồn tại trong thực tế) liên quan đến bài học, theo đó sẽ tự rút
ra kiến thức cho bản thân…
Như vậy, để có thể dạy học môn Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, đòi
hỏi giáo viên phải có năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội,
năng lực cá thể. Giáo viên không chỉ là người nắm chắc văn bản, kiến thức cần
truyền thụ mà cần có khả năng định hướng, dẫn dắt học sinh giải quyết các vấn đề
trong thực tiễn; đặc biệt trong xây dựng câu hỏi định hướng cho học sinh chuẩn bị
bài, tránh phụ thuộc quá nhiều vào câu hỏi trong sách giáo khoa.
1.1.2. Khái lược về thi pháp học
1.1.2.1. Khái niệm về thi pháp và thi pháp học
Thi pháp của Aristote ra đời cách đây hơn 2,000 năm. Trong suốt mấy chục
thế kỉ nay, biết bao sách báo về thi pháp đã tiếp tục công trình của ông.
Thi pháp cổ điển quy định các chuẩn mực sáng tác anh hùng ca, kịch,
thơ,…Thi pháp hiện đại không dạy sáng tác thể loại này hay thể loại khác như thế
nào mà nó miêu tả các sáng tác, tức là các phương thức nghệ thuật mà các nhà thơ,
nhà văn sáng tạo trong tác phẩm của mình.
Theo cách hiểu thông thường hiện nay, “thi pháp là phương pháp tiếp cận,
tức là nghiên cứu, phê bình tác phẩm văn học từ các hình thức biểu hiện bằng ngôn
từ nghệ thuật, để tìm hiểu các ý nghĩa hiển hiện hoặc chìm ẩn của các tác phẩm: ý
nghĩa mỹ học, triết học, đạo đức học, lịch sử, xã hội học,…” [11; tr9]
Như vậy, thi pháp là hệ thống nguyên tắc nghệ thuật chi phối sự tạo thành của
hệ thống nghệ thuật với các đặc sắc của nó. Thi pháp biểu hiện trên các cấp độ: tác
phẩm, thể loại, ngôn ngữ, tác giả và bao trùm là cả nền văn học.

11
Nói cách khác, thi pháp là ý thức của nhà văn khi sáng tạo ra hình thức nghệ
thuật. Hình thức nghệ thuật có hai mặt:
- Mặt cụ thể, cảm tính (chất liệu tác phẩm, không gian, thời gian, chi tiết,
tình tiết, nhân vật, sự kiện, mâu thuẫn, xung đột…)
- Mặt quan niệm (lí lẽ, nhận thức, triết lí, tư tưởng, tình cảm,…)
Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi pháp. Cấp độ nghiên cứu thi pháp
học các hình thức nghệ thuật (kết cấu, âm điệu, nhịp câu, đối thoại, thời gian, không
gian, cú pháp,…) yêu cầu đọc tác phẩm như một chỉnh thể. Ở đó, các yếu tố ngôn từ
liên kết chặt chẽ với nhau, hợp thành một hệ thống để biểu đạt tư tưởng, tình cảm,
tư duy, nhân sinh quan,… tức là cái đẹp của thế giới, con người.
Nếu mỹ học là lý luận các nghệ thuật thì thi pháp học chính là mỹ học của
văn học. Thi pháp trước hết nghiên cứu các phương thức nghệ thuật, miêu tả các
đặc trưng thể loại văn học, từ đó mới tìm tòi các tầng lớp ý nghĩa ẩn giấu của tác
phẩm.
Tác phẩm văn học còn được một số nhà lý luận khác gọi là hệ thống cấu trúc.
Thi pháp học nghiên cứu các cấu trúc ấy. Ký hiệu và cấu trúc là sự vật chất hóa
bằng ngôn từ những ý tưởng của các tác giả. Phê bình ký hiệu nhấn mạnh ý nghĩa
của các ký hiệu, của từ ngữ, phê bình cấu trúc nhấn mạnh các mối liên hệ bên trong
văn bản.
Thi pháp học còn bao gồm “phương pháp chủ đề” dựa trên triết học Freud,
nó nghiên cứu những “ám ảnh”, những trùng điệp của ám ảnh trở đi trở lại nhiều
lần trong tác phẩm của một nhà văn.
Vậy với thi pháp hiện nay, tác phẩm văn học chỉ tồn tại trong ngôn từ, trong
văn bản. Người đọc, người phê bình cần tìm kiếm ý nghĩa tác phẩm trên văn bản ấy.
1.1.2.2. Các bình diện thi pháp cơ bản trong sáng tạo văn học
1.1.2.2.1. Các bình diện thi pháp chung
1.1.2.2.1.1. Thi pháp tác giả
Tiếp xúc với văn bản nghệ thuật ngoài việc cảm nhận nội dung khách quan,
chúng ta còn giao tiếp với tác giả, đồng cảm với tác giả. Hình tượng tác giả đã đứng
ra nói chuyện và giao tiếp với độc giả, vậy chúng ta không nên đồng nhất giữa hai
tác giả: tác giả tiểu sử và tác giả nghệ thuật.
Hình tượng tác giả có chân dung hành động, ngôn ngữ chứa đựng trong tác
phẩm. Đặc biệt có khi tác giả tự miêu tả mình.

12
Nhìn chung, hình tượng tác giả thể hiện trên ba mặt: Cái nhìn; giọng điệu;
lập trường (lựa chọn, phân tích, đánh giá). Hình tượng tác giả có vẻ tồn tại như vô
hình. Tuy vậy, khi đọc văn, người đọc vẫn có xu hướng đọc theo chỉ dẫn của tác
giả, đọc thầm hay đọc thành tiếng theo giọng điệu của tác giả.
Cái nhìn và giọng điệu của tác giả vô hình nhưng có thực, luôn luôn tồn tại
và ổn định suốt theo tác phẩm. Đó là yếu tố thi pháp quan trọng có thể xác định
được dù nó vô hình dạng.
Chính vì vậy, thi pháp tác giả là một trong những vấn đề không nên bỏ lỡ khi
nghiên cứu một tác phẩm văn học theo hướng thi pháp học.
1.1.2.2.1.2. Thi pháp tác phẩm
Thi pháp học hiện đại nghiên cứu tác phẩm như một sản phẩm sáng tạo in
đậm dấu ấn của chủ thể nghệ thuật. Nó tiếp cận tác phẩm từ quan niệm mới về
chỉnh thể nghệ thuật, tìm mọi cách khắc phục phép nhị nguyên, chia tách giả tạo nội
dung và hình thức.
Đặc điểm nói trên thể hiện ở thao tác bóc tách các cấp độ của tác phẩm văn
học, ở hệ thống phạm trù và nội hàm được trao cho chúng để mô tả các cấp độ ấy.
GS. Trần Đình Sử - một trong những người đi đầu trong xu hướng nghiên
cứu thi pháp tác phẩm ở Việt Nam thường bóc tách tác phẩm văn học theo ba cấp
độ: chỉnh thể - văn bản hình tượng - văn bản ngôn từ. Trong đó, ở cấp độ chỉnh thể,
tác phẩm được tiếp cận từ ba phạm trù “cái”: hình thức quan niệm, quan niệm nghệ
thuật về con người và thế giới nghệ thuật. Hình thức trong nghệ thuật là hình thức
của khách thể thẩm mĩ được tạo ra trong tác phẩm. Hình thức cảm tính là hình thức
bề ngoài, mang tính ngẫu nhiên của sự vật, và vì thế, nó không thể trở thành đối
tượng của khoa học. “Hình thức quan niệm” là hình thức bên trong, loại hình thức
thể hiện “logic của hình thức” và tạo ra hình thức. Nó vừa là hình thức của khách
thể thẩm mĩ được tạo ra trong tác phẩm, vừa là hình thức của chủ thể, được chủ thể
sử dụng để sáng tạo và cảm nhận thế giới. Là sản phẩm sáng tạo của chủ thể để thể
hiện quan niệm của chủ thể, hình thức quan niệm vừa in đậm dấu ấn của cá tính
sáng tạo, vừa là khuôn mẫu cấu trúc mang tính loại hình. Cho nên, theo Trần Đình
Sử, phải lấy “hình thức quan niệm” làm đối tượng chiếm lĩnh, thi pháp học mới có
thể “nghiên cứu hình thức nghệ thuật như những hiện tượng có quy luật”.

13
Nếu khái niệm “hình thức quan niệm” chủ yếu xác định bình diện “hình
thức”, thì phạm trù quan niệm nghệ thuật về con người chủ yếu xác định bình diện
“nội dung” như là đối tượng nghiên cứu của thi pháp học.
Ở cấp độ văn bản hình tượng, Trần Đình Sử tiếp cận sáng tác văn học từ hai
bình diện: tổ chức chủ quan và tổ chức khách quan. Ông thường sử dụng khái niệm
“hình tượng tác giả”, “kiểu tác giả”, “kiểu nhà thơ” để mô tả bình diện cấu trúc chủ
quan. Bình diện tổ chức khách quan của sáng tác văn học được ông mô tả chủ yếu
bằng hai phạm trù “không gian và thời gian nghệ thuật”. Ứng với hai bình diện chủ
quan và khách quan của kết cấu văn bản hình tượng, văn bản ngôn từ được tiếp cận
theo hai trục: hệ hình và ngữ đoạn. Trong đó, trục hệ hình được mô tả bằng hai
phạm trù “điểm nhìn”, “cái nhìn” và “giọng điệu”.
1.1.2.2.1.3. Thi pháp thể loại
Loại thể văn học là: “Phạm trù phân loại các tác phẩm văn học, vốn đa dạng
đồng thời có sự giống nhau, từng nhóm một, về một số dấu hiệu nhất định. Các
nhóm lớn nhất là những “loại”; mỗi loại gồm những nhóm nhỏ hơn là những thể
(hoặc “thể loại”, “thể tài”) [2, tr.190].
Dạy học bám sát đặc trưng thi pháp loại thể là việc dẫn dắt học sinh khám
phá, phát hiện, phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật
để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó. Đây là một trong những phương pháp dạy học bổ
sung hữu ích cho cách dạy học truyền thống là chú trọng tới các yếu tố bên ngoài
tác phẩm nhiều hơn như: tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên mẫu nhân vật,
giá trị hiện thực, tác dụng xã hội. Dạy học bám sát đặc trưng thi pháp loại thể cũng
là yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Trong cuốn Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12, Phan Trọng
Luận đã nhận định: “Một trong những con đường đi vào tác phẩm văn chương là
nhận diện được loại thể. Đến với thơ không giống với tự sự hay kịch. Đến với văn
học dân gian không hoàn toàn giống như đến với văn học viết. Văn học trung đại và
hiện đại có những đặc trưng thủ pháp nghiên cứu riêng. Với văn học dịch cũng cần
có cách tiếp cận riêng.” [30].
Truyện có những đặc trưng cơ bản: “tính khách quan trong sự phản ánh; cốt
truyện được tổ chức một cách nghệ thuật; nhân vật được miêu tả chi tiết, sống động
gắn với hoàn cảnh; phạm vi miêu tả không bị hạn chế về không gian và thời gian;
ngôn ngữ linh hoạt, gần với ngôn ngữ đời sống” [29. tr.152].

14
Như vậy khi giảng dạy các tác phẩm truyện, chúng ta sẽ phải bám sát vào
những đặc trưng này để giúp học sinh khám phá, tìm hiểu văn bản trong chương
trình đồng thời cũng yêu cầu học sinh vận dụng để tìm hiểu một số văn bản không
nằm trong chương trình.
1.1.2.2.1.4. Thi pháp nhân vật
Nhân vật là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Thi pháp học xem xét nhân
vật ở ba khía cạnh chính: tính cách nhân vật, nghệ thuật miêu tả nhân vật, quan
niệm nghệ thuật về con người.
- Nhân vật và sự miêu tả nhân vật: Con người vốn là đối tượng miêu tả chủ
yếu của văn học trong các phương thức trữ tình, tự sự và kịch dù trực tiếp hay gián
tiếp. Nhân vật được sáng tạo, hư cấu để khái quát, biểu hiện tư tưởng, thái độ đối
với cuộc sống. Ca ngợi nhân vật là ca ngợi cuộc đời, phê phán nhân vật là phê phán
cuộc đời, xót xa cho nhân vật là xót xa cho cuộc đời, và tìm hiểu nhân vật cũng
chính là tìm hiểu về cuộc đời, về con người, tìm hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả
đối với con người.
Trong thơ trữ tình có nhân vật trữ tình. Con người bộc lộ nỗi niềm trước
cuộc sống. Trong kịch, con người tự bộc lộ qua hành động ngôn ngữ của mình.
Trong tác phẩm tự sự (truyện, kí) nhân vật hiện lên thông qua lời văn kể, tả của tác
giả.
Nói chung, nhân vật được miêu tả bằng các phương tiện văn học thông qua
ngôn ngữ văn học. Miêu tả bao gồm tả cảnh ngụ tình, diễn tả cảm xúc, tường thuật,
kể sự việc,… gọi chung là hình thức của văn học. Ở trong văn học, miêu tả thường
nhằm hai mục đích: gợi ra hiện tượng cuộc sống và gợi ra sự cảm thụ, bộc lộ cái
nhìn của tác giả. Từ đó, nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người.
- Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm nhận thẩm mỹ khi xây
dựng nhân vật. Quan niệm đó chi phối nhà văn khi miêu tả nhân vật và các bộ phận
khác của tác phẩm. Đây là kiểu thi pháp cơ bản nhất của văn học nghệ thuật. Thực tế
có hai quan niệm nghệ thuật về con người: một là con người như một phạm trù tư
tưởng, chính trị, đạo đức xã hội; hai là con người như một phạm trù thẩm mĩ. Quan
niệm thứ hai là quan niệm chủ yếu của nhà văn.
Nghiên cứu thi pháp nhân vật khác với công việc phân tích nhân vật. Phân
tích nhân vật là chỉ ra các nội dung được thể hiện trong nhân vật như tính cách,
ngoại hình, phẩm chất, niềm vui, nỗi buồn,… Trong khi nghiên cứu thi pháp nhân

15
vật phải là sự khám phá cách cảm nhận con người qua việc miêu tả nhân vật trong
tác phẩm văn học.
1.1.2.2.2. Các bình diện thi pháp truyện ngắn
Mỗi loại hình văn học đều có một phương thức biểu hiện riêng. Thơ được
nói bằng thứ ngôn ngữ biểu cảm và trùng điệp, còn trong văn xuôi nói chung và
truyện ngắn nói riêng là sự lựa chọn ngôi trần thuật, cách tổ chức điểm nhìn, kết
cấu, ngôn ngữ, giọng điệu của mỗi nhà văn sao cho hiệu quả… để tạo nên cảm
nhận riêng, cách nhìn, cách đánh giá độc đáo về hiện thực thế giới bên ngoài và bao
nỗi khắc khoải trong nội tâm con người trong tác phẩm.
1.1.2.2.2.1. Xác định đề tài, chủ đề
 Vấn đề đề tài
Đề tài là thuật ngữ chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống
của tác phẩm. Bất kì tác phẩm văn học nào cũng có một đề tài nhất định. Phạm vi
cuộc sống trong tác phẩm vô cùng phong phú vì thế đề tài cũng hết sức phong phú,
đa dạng.
Là một phương tiện khách quan trong nội dung tác phẩm, nó là sự nhận thức,
cảm nhận của nhà văn về phạm vi hiện thực cụ thể mà nhà văn lựa chọn và phản
ánh trong tác phẩm.
Giới hạn phạm vi đề tài có thể được xác định rộng hẹp khác nhau là cơ sở để
nhà văn khái quát chủ đề, xây dựng hình tượng nghệ thuật.
Mỗi nhà văn thường có “vùng đất” quen thuộc phù hợp với kinh nghiệm, vốn
sống, hứng thú, cá tính của bản thân. Việc xác định đề tài cho phép liên hệ nội dung
tác phẩm với một “mảnh đất” nhất định của hiện thực.
Trong tác phẩm văn học thường có một hệ thống các đề tài chứ không phải là
một đề tài duy nhất.
Ví dụ: Nhà văn Kim Lân chuyên viết về đề tài nông thôn Việt Nam trong
chiến tranh.
- Vấn đề chủ đề
Chủ đề là vấn đề chủ yếu, trung tâm, là phương diện chính yếu của đề tài.
Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu
lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất. Nó thể hiện chiều sâu tư
tưởng, khả năng nắm bắt nhạy bén của nhà văn đối với những vấn đề của cuộc sống.

16
Chủ đề thường được bộc lộ qua nhan đề của tác phẩm. Ngoài ra, chủ đề cũng
có thể bộc lộ trực tiếp trong lời phát biểu của tác giả, được đặt ra qua việc miêu tả
các biến cố, các cảnh ngộ dữ dội, khác thường.
Cùng một đề tài nhưng mỗi nhà văn lại có thể nêu ra chủ đề, tư tưởng khác
nhau, thậm chí đối lập. Chủ đề thường được biểu hiện qua hệ thống hình tượng, hệ
thống nhân vật, nhất là qua hình tượng của nhân vật chính.
Chủ đề tác phẩm Vợ nhặt là sự lạc quan của người nông dân lao động Việt
Nam trong hoàn cảnh đói khổ tưởng chừng như không lối thoát.
1.1.2.2.2.2. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện
Từ lâu, cốt truyện đã được công nhận là một trong những yếu tố quan trọng
cấu thành nên tác phẩm tự sự, cốt truyện có thể sắp ngang bằng với bất cứ chất liệu
xây dựng nào trong nghệ thuật.
Thuộc phạm trù cách kể, vấn đề tổ chức cốt truyện, vẫn đang được giới
nghiên cứu phê bình và lý luận văn học quan tâm đặc biệt.
Giáo trình Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, tái bản lần thứ 7 năm
2001 viết: “… cốt truyện là hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của
cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách
hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng
tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [7; tr.137].
Cùng bàn về khái niệm cốt truyện, cuốn Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá
Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi biên soạn đưa ra nhận định cốt truyện là “hệ
thống các sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất
định, tạo thành một bộ phận cơ bản quan trọng nhất trong hình thức vận động của
tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch (…). Có thể tìm thấy qua cốt truyện
hai phương diện hữu cơ: Một mặt cốt truyện là một phương diện cơ bản bộc lộ tính
cách, nhờ cốt truyện mà tác giả thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách. Mặt
khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội.” [9;
tr.99-100].
Như vậy, “cốt truyện” trong loại tự sự nói chung và truyện ngắn nói riêng
thường được hình dung là “cốt” của câu chuyện. Nghiên cứu nó, người ta thường
nói đến nhân vật, lời kể, sự kiện, hoặc biến cố trong thế tách rời và như thế cốt
truyện dường như được xem là một hiện tượng tĩnh.

17
Việc tổ chức, sắp xếp cốt truyện như thế nào để mang lại hiệu quả nghệ thuật
cao nhất là cả một câu chuyện lớn của sáng tạo nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật tổ
chức cốt truyện là nói đến sự dẫn dắt, sự tổ chức, phương thức thể hiện như thế nào
và bằng những thủ pháp nghệ thuật gì. Khái niệm nghệ thuật tổ chức cốt truyện vì
vậy ra đời có tính thao tác.
Cốt truyện cần được xem xét và nghiên cứu như một hiện tượng sống động,
một chỉnh thể nghệ thuật có tính hệ thống và luôn có sự vận động nội tại giữa các
thành tố làm nên hệ thống đó.
1.1.2.2.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Thế giới nhân vật bao giờ cũng là sự thể hiện tập trung và trực tiếp cảm quan
nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật bao giờ cũng theo cách hình
dung và cảm nhận của riêng mình. Bởi vì, sự sáng tạo nghệ thuật là một sự thống
nhất biện chứng giữa khách thể và chủ thể, hướng nội và hướng ngoại. B.Brếch đã
từng nhận xét rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là
những bản dập của những con người sống, mà là những hình tượng được khắc họa
phù hợp với ý đồ, tư tưởng của tác giả” [41; tr.210]. Đó là phương tiện tất yếu quan
trọng nhất để thể hiện tư tưởng trong các tác phẩm tự sự nói chung và truyện ngắn
nói riêng. Nó là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của các tác phẩm ấy,
quyết định phần lớn: vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, vừa phương tiện ngôn
ngữ và thậm chí là cả kết cấu.
“Nhà nghệ sĩ giỏi là nhà nghệ sĩ tạo ra những nhân vật thật và hoạt động
ngoài những tính cách và đặc điểm của các địa vị xã hội, tìm đến cái bí mật không
tả được ở trong mỗi con người” [5; tr.288].
1.1.2.2.2.4. Nghệ thuật trần thuật
Các tác giả trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã thống nhất quan niệm:
“Trần thuật là phương diện cấu trúc của tác phẩm tự sự, thể hiện mối quan hệ chủ
thể - khách thể trong loại hình nghệ thuật này. Nó đánh dấu sự đổi thay điểm chú ý
của ý thức văn học từ hệ thống sự kiện thắt nút, mở nút sang chủ thể thẩm mỹ của
tác phẩm tự sự” [9; tr.248].
Cùng với quan niệm đó, các tác giả trong cuốn Lý luận văn học xác định cụ
thể: “Trần thuật là sự trình bày liên tục bằng lời văn các chi tiết, sự kiện tình tiết,
quan hệ, biến đổi về xung đột và nhân vật một cách cụ thể, hấp dẫn, theo một cách
nhìn, cách cảm nhất định. Trần thuật là sự thể hiện của của hình tượng văn học,

18
truyền đạt nó tới người thưởng thức. Bố cục của trần thuật là sắp xếp, tổ chức sự
tương ứng giữa các phương diện khác nhau của hình tượng với các thành phần khác
nhau của văn bản [32; tr.307].
Từ quan niệm đó, ta có thể hiểu: Trần thuật là giới thiệu, khái quát, thuyết
minh, miêu tả nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự việc theo cái nhìn nhất định. Nghệ
thuật trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, nó có tác dụng soi
sáng nội dung tư tưởng của tác phẩm và thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nhà văn.
Nghệ thuật trần thuật giúp cho người nghiên cứu đi sâu khám phá những đặc sắc
trong nghệ thuật kể chuyện của mỗi nhà văn, trên cơ sở đó, người đọc tiếp nhận và
giải mã cấu trúc bên trong tác phẩm, đồng thời có thể đánh giá những sáng tạo,
những đóng góp của nhà văn đối với sự phát triển truyện ngắn nói riêng và quá
trình hiện đại hoá văn xuôi Việt Nam nói chung.
1.1.2.2.2.5. Thời gian và không gian nghệ thuật
- Thời gian nghệ thuật
Trong triết học, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất. Trong tác phẩm nghệ
thuật, thời gian chính là phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật.
Theo Từ điển thuật ngữ Văn học, thời gian chính là “hình thức nội tại của
hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ
thuật, sự miêu tả, trần thuật, trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một
điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra
trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật”.
Như vậy, thời gian nghệ thuật chính là thời gian ta có thể chiêm nghiệm
được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp điệu
nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai.
Thời gian nghệ thuật không mang tính khách quan, mà gắn với cảm nhận chủ
quan của con người. Thời gian nghệ thuật còn gắn với việc tác giả tổ chức chất liệu.
Chất liệu văn học sẽ ghi khắc, in dấu cố định diễn trình thời gian.
Ngoài ra, thời gian nghệ thuật còn là biểu tượng nên nó mang tính quan
niệm, tư tưởng của nhà văn về cuộc sống. Thời gian nghệ thuật là thời gian được tổ
chức lại từ thời gian thực tại khách quan tự nhiên, do vậy, tác giả văn học có thể tua
nhanh, làm chậm, đan xen, xếp chồng, nhảy cóc… tùy theo ý đồ sáng tác. Chúng ta
có thể xem xét về biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong tác phẩm thông qua các

19
từ ngữ chỉ thời gian theo: năm tháng, tuổi tác, các mùa, các chiều thời gian như hiện
tại, quá khứ, tương lai,…
- Không gian nghệ thuật
Cùng với thời gian, không gian cũng là một phạm trù triết học, là hình thức
tồn tại của thế giới hiện thực. Nhưng không gian trong nghệ thuật lại khác với
không gian thực tế. Không gian nghệ thuật gắn với sự cảm thụ về không gian, có
giá trị về tình cảm nên nó mang tính chủ quan của người sáng tác.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì không gian nghệ thuật là “hình thức bên
trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật
trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn
nhất định qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quán tính của
nó: cái này bên cạnh cái kia, cách quãng, tiếp nối, cao thấp, xa, gần, rộng, dài… tạo
nên viễn cảnh nghệ thuật”.
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm có tác dụng mô hình hóa các mối liên
hệ của bức tranh thế giới như thời gian xã hội, đạo đức, tôn ti, trật tự,…
Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới dùng để
mô hình hóa các phạm trù thời gian như: bước đường đời, con đường cách
mạng,…
Không gian nghệ thuật cũng có thể mang tính cản trở để mô hình hóa các
kiểu tính cách con người, hoặc không mang tính cản trở để hiện thực hóa các ước
mơ của con người như trong truyện cổ tích.
Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật rất đa dạng, phong phú. Các cặp phạm
trù cao – thấp; xa – gần;… đều được dùng để biểu hiện phạm vi giá trị phẩm chất
của đời sống xã hội.
Không gian nghệ thuật chẳng những cho ta thấy cấu trúc nội tại của tác
phẩm, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy các quan niệm về thời gian, chiều
sâu cảm thụ thời gian hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách
quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng
nghệ thuật.
1.1.2.2.2.6. Ngôn ngữ, giọng điệu
- Ngôn ngữ trần thuật
Theo M. Gorki: ngôn ngữ là “yếu tố thứ nhất của văn học (…) là “một trong những
yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [9; tr.215].

20
Văn học là nghệ thuật của ngôn từ và nhà văn là người sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ.
Hơn bất cứ thứ chất liệu và phương tiện nghệ thuật nào, ngôn ngữ vừa là chất liệu vừa là
phương tiện tối ưu của nhà văn trong sáng tác.
Theo cuốn Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên, ngôn ngữ nghệ thuật là
“một hệ thống các phương thức, quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mỹ của một
ngành, một sáng tác nghệ thuật. Người ta có thể nói “ngôn ngữ ba lê”, “ngôn ngữ
chèo”, “ngôn ngữ điện ảnh”. Cũng có thể nói đến ngôn ngữ nghệ thuật của sáng tác văn
học trên cấp độ đó” [33; tr.185-186].
Ngôn ngữ nghệ thuật cho phép nhà văn sử dụng nó để thể hiện vẻ đẹp sống
động của thế giới tự nhiên, của đời sống xã hội và cả nội tâm đa dạng của con người.
Ngôn ngữ còn có ưu thế về tính khái quát, tính trừu tượng và tính đa nghĩa,
là nhân tố hỗ trợ giúp cho nhà văn nhân lên rất nhiều lần hiệu lực của sản phẩm mà
họ sáng tạo. Khi xem xét ngôn ngữ nghệ thuật, Khrapchenko đã nêu ý nghĩa của nó
“không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn như là
một hiện tượng của phong cách văn học và với tư cách là một hiện tượng của phong
cách” [21; tr.109].
Ngôn ngữ của thể loại tự sự là ngôn ngữ mang tính khách quan: “lời tự sự là
lời miêu tả, trần thuật theo lối kể lể, phân tích, chỉ ra các thuộc tính một cách khách
quan” [33; tr.365].
Đối với trần thuật, ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then
chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn,
truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả.
- Giọng điệu trần thuật
Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ, gắn với
phong cách nhà văn, là một phương diện cơ bản tạo nên hình thức nghệ thuật của
tác phẩm.
Trong Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn
Khắc Phi, giọng điệu được hiểu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức
của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách
xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, xơ, thành
kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [9; tr.91].
Giọng điệu trong tác phẩm văn học là giọng điệu nghệ thuật, nó là một phạm
trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. “Giọng điệu trong tác phẩm gắn với giọng điệu

21
“trời phú” của tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối
tượng thể hiện” [9; tr.91].
Đối với tác phẩm văn học, giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng
đầu trong phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm
mà còn là yếu tố đóng vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm
vào một chỉnh thể. Hơn nữa, giọng điệu ở đây không chỉ là một tín hiệu âm thanh
có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói mà còn là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ”
phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác
giả và của thời đại. Khi trần thuật, tác giả tạo ra những sắc thái giọng điệu khác
nhau, cái mà M.Bakhtin gọi là “tính đa thanh trong giọng điệu”.
Như vậy, giọng điệu là biểu hiện của thái độ cảm xúc chủ thể đối với đời
sống, giọng điệu mang nội dung tình cảm thái độ ứng xử của nhà văn đối với hiện
thực được phản ánh, giọng điệu thể hiện ở điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ của chủ
thể đối với cái được miêu tả. Trong truyện, giọng điệu thường phức tạp hơn thơ, chủ
yếu gồm hai giọng điệu cơ bản: giọng điệu nhân vật đối với thế giới và giọng của
người kể chuyện đối với nhân vật. Tùy theo đặc điểm tính cách, số phận nhân vật,
người kể và các mối quan hệ đa dạng của chúng mà ta có giọng điệu đa dạng.
Do giọng điệu gắn với việc dùng hình tượng để miêu tả đối tượng sáng tác
nên nó thể hiện cách nhìn nhận riêng của cá nhân đối với đời sống. Nói cách khác,
giọng điệu của nhân vật chủ yếu dựa vào cảm hứng chủ đạo của nhà văn.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Tình hình vận dụng thi pháp trong dạy học tác phẩm văn học trong
nhà trường phổ thông
Dạy học Ngữ văn theo hướng thi pháp học nghĩa là nghiêng về phân tích
hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Hiện nay, trong nhà trường phổ thông, thi pháp
học là cách thức phân tích tác phẩm bám vào văn bản là chính, không chú trọng đến
những vấn đề nằm ngoài văn bản như: tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên
mẫu nhân vật, giá trị hiện thực, tác dụng xã hội,… Khi dạy học môn Ngữ văn theo
hướng tiếp cận thi pháp học, giáo viên thường quan tâm đến những yếu tố hình thức
của tác phẩm như: hình tượng nhân vật, không gian, thời gian, kết cấu, cốt truyện,
điểm nhìn, ngôn ngữ, thể loại,… Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh khi tiếp cận
tác phẩm văn học với “Phương pháp hình thức” này là từ việc phân tích các khía

22
cạnh hình thức của tác phẩm văn học, người học phải hiểu được ý nghĩa thẩm mỹ
của từng khía cạnh đó đối với chỉnh thể nội dung tác phẩm.
Ở Việt Nam hiện nay, việc vận dụng thi pháp vào dạy học tác phẩm văn học
trong nhà trường phổ thông đang có điều kiện tốt. Việc phổ biến quan điểm thi pháp
học trong nhà trường đã có bề dày khoảng 20 năm. Sách giáo khoa Ngữ văn hiện
hành chứa đựng rất nhiều tri thức về thi pháp học; các đề thi và đáp án môn Ngữ
văn gần đây đã yêu cầu học sinh chú trọng phân tích hình thức nghệ thuật. Nhưng
thi pháp học có biến thành thực tiễn sinh động hay không còn phụ thuộc rất nhiều
vào sự vận dụng tích cực của giáo viên và học sinh trong việc dạy-học văn.
Thông qua việc dự giảng giờ Ngữ văn tại một số lớp học thuộc cấp trung học
phổ thông, người viết nhận thấy một bộ phận giáo viên mặc dù đã định hướng được
việc áp dụng thi pháp học khi dạy học một tác phẩm văn học nhưng lại thiếu đi sự
sáng tạo trong phương pháp dạy học gây nên sự nhàm chán, khó hiểu đối với học
sinh. Bên cạnh đó, giáo viên thiếu đi sự tương tác với người học, chưa giúp người
học tìm hiểu sâu về các hình thức nghệ thuật trong văn bản mà chủ yếu chỉ dừng ở
mức gọi tên hoặc khái quát hời hợt.
1.2.2. Thực trạng dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của tác giả Kim Lân trong
chương trình Ngữ văn 12
1.2.2.1. Khảo sát thực tế
Qua thực tế khảo nghiệm về tình hình dạy học truyện ngắn Vợ nhặt ở nhà
trường hiện nay, người viết nhận thấy giáo viên chưa thực sự chú ý đến hướng tiếp
cận thi pháp học đối với truyện ngắn Kim Lân. Hầu như giáo viên chỉ tập trung vào
giảng dạy tình huống truyện và diễn biến tâm lý các nhân vật mà không chú ý tới
các đặc trưng thi pháp khác của tác phẩm khiến cho hiệu quả bài học chưa cao, chưa
khơi gợi được hứng thú ở người học.
Để tìm hiểu thực trạng dạy và học truyện ngắn Vợ nhặt của tác giả Kim Lân
trong chương trình THPT lớp 12, người viết đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế việc
dạy và học truyện ngắn này tại 2 trường THPT.
- Thời gian khảo sát: Học kì II năm học 2015 – 2016
- Đối tượng khảo sát: Người viết tiến hành khảo sát đối với các đối tượng cơ
bản tham gia trực tiếp vào quá trình dạy và học trong nhà trường với mặt bằng trình
độ, học lực tương đương nhau gồm có:

23
+ Giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Vũ Duy Thanh, Yên Khánh,
Ninh Bình và trường THPT Tô Hiến Thành, Đống Đa, Hà Nội
+ Học sinh: Học sinh khối lớp 12 của trường THPT Vũ Duy Thanh, Yên
Khánh, Ninh Bình và trường THPT Tô Hiến Thành, Đống Đa, Hà Nội
Phương pháp khảo sát:
+ Phát phiếu điều tra khảo sát
+ Tổng hợp, phân tích số liệu
+ Nghiên cứu các bài kiểm tra viết của học sinh về truyện ngắn Vợ nhặt
trong quá trình học trước đó
+ Nghiên cứu giáo án và trao đổi với giáo viên
+ Nghiên cứu SGK và tài liệu tham khảo
1.2.2.1.1. Khảo sát đối tượng giáo viên
Đổi mới phương pháp dạy học văn trong nhà trường đã được đề cập từ khá
lâu nhưng việc áp dụng vào dạy học như thế nào, giảng dạy trên lớp ra sao vẫn còn
nhiều điểm cần xem xét. Thái độ của học sinh với việc tiếp cận tác phẩm và tình
trạng học sinh tiếp thu bài học như thế nào có một phần ảnh hưởng không nhỏ từ
phía người dạy. Do đó, việc hiểu thế nào cho hợp lý các giá trị của tác phẩm, tiếp
cận tác phẩm từ góc độ nào, phương cách giảng dạy ra sao cho vừa đủ lượng tri
thức, vừa có tính gợi mở để kích thích tư duy của người học luôn là vấn đề cần
được bàn bạc, nâng cấp.
Để có được kết quả tương đối xác thực về phương pháp dạy học tác phẩm Vợ
nhặt của Kim Lân theo hướng tiếp cận thi pháp học, người viết đã tiến hành điều tra
khảo sát GV bằng phiếu ghi sẵn câu hỏi với số lượng người tham gia khảo sát cụ thể
là:
- Trường THPT Vũ Duy Thanh: 6 giáo viên
- Trường THPT Tô Hiến Thành: 4 giáo viên
Kết quả phiếu khảo sát GV như sau:
Kết quả
Số phiếu (%)
STT Câu hỏi Phân loại THPT Vũ THPT Tô
Duy Hiến
Thanh Thành
1. Tôi thường cảm thấy thích Rất thích 2 (33%) 0 (0%)

24
khi dạy truyện ngắn? Bình thường 3 (50%) 1 (25%)
Không thích 1 (17%) 3 (75%)

Tần suất GV dạy học Thường xuyên 0 (0%) 1 (25%)


truyện ngắn Vợ nhặt của
2.
Kim Lân theo hướng tiếp Thỉnh thoảng 4 (67%) 0 (0%)
cận thi pháp học?
Chưa bao giờ 2 (33%) 3 (75%)

Hiệu quả 5 (83%) 2 (50%)


Nhận xét của GV khi sử
3. Bình thường 1 (17%) 2 (50%)
dụng phương pháp này?

Không hiệu quả 0 (0%) 0 (0%)

Thường xuyên 0 (0%) 0 (0%)


GV có thường kết hợp các
phương pháp dạy học gợi
4. Thỉnh thoảng 2 (33%) 1 (25%)
mở, nêu vấn đề để phát
huy vai trò bạn đọc HS?
Chưa bao giờ 4 (67%) 3 (75%)

GV có thích dạy học theo Thích dạy 3 (50%) 1 (25%)


5. hướng tiếp cận thi pháp Bình thường 3 (50%) 2 (50%)
học không?
Không thích 0 (0%) 1 (25%)
Nhận xét: Thông qua phiếu khảo sát và ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo
đang trực tiếp giảng dạy, người viết nhận thấy một số thực trạng tồn tại như sau:
- GV chỉ chú trọng khai thác nội dung mà không chú trọng đến các phương
diện đặc trưng thi pháp tác phẩm, không hỗ trợ được người học tiếp thu tác phẩm
một cách có chiều sâu.
- GV cũng chưa có thói quen tìm kiếm và cho học sinh sưu tầm các tác phẩm
cùng thể loại để mở rộng sự hiểu biết, liên tưởng, so sánh đối với HS.
- Nhiều GV còn áp đặt cảm nhận của HS về tác phẩm theo những tiền đề nội
dung có sẵn làm kìm hãm sự sáng tạo trong tư duy của người học.
1.2.2.1.2. Khảo sát đối tượng học sinh
Tiếp nhận tác phẩm văn chương ở bạn đọc nói chung, ở học sinh nói riêng là
một quá trình phức tạp, gồm nhiều khâu, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố.

25
Thông qua hoạt động đọc và học tác phẩm trên lớp, bước đầu các em HS
hiểu được nội dung tác phẩm và nhận biết được những đặc sắc nghệ thuật của tác
phẩm.
Để hiểu rõ hơn thực trạng tiếp thu các vấn đề xung quanh tác phẩm Vợ nhặt
theo hướng tiếp cận thi pháp học, người viết tiến hành khảo sát đối tượng học sinh
dựa trên phiếu khảo sát có mẫu dưới đây với số lượng HS tham gia như sau:
- THPT Vũ Duy Thanh: 40 học sinh
- THPT Tô Hiến Thành: 30 học sinh
Kết quả khảo sát thu được cụ thể như sau:
Kết quả phiếu khảo sát HS:
Kết quả
Số phiếu (%)
STT Câu hỏi Phân loại THPT Vũ THPT Tô
Duy Hiến
Thanh Thành

Em đã được học tác phẩm Đã được học 40 (100%) 30 (100%)


1.
truyện ngắn nào chưa?
Chưa từng học 0 (0%) 0 (0%)

Yêu thích 9 (22,5%) 10 (33%)


Thái độ của em khi được học
63%
2. truyện ngắn Vợ nhặt của nhà Bình thường 62,5% 25
19
văn Kim Lân?
Không thích 6 (15%) 1 (3%)

Rất hiểu 0 (0%) 0 (0%)


Em có hiểu biết về các vấn đề 35
3. nghệ thuật trong truyện ngắn Hiểu mơ hồ 28 (93%)
(87,5%)
không?
Không hiểu 5 (12,5%) 2 (7%)

Khi dạy học truyện ngắn Vợ Hứng khởi 0 (0%) 0 (0%)


4. nhặt của Kim Lân, GV có áp
30 (75%)
dụng các phương pháp dạy Bình thường 19 (63%)

26
học gây sự hứng khởi cho HS
Nhàm chán 10 (25%) 11 (37%)
không?
Em đã từng được học truyện 25
Đã từng 20 (67%)
ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (62,5%)
5. với hướng tiếp cận các giá trị
15
nghệ thuật của tác phẩm Chưa từng 10 (33%)
(37,5%)
chưa?

Nhận xét: Cùng với việc khảo sát, người nghiên cứu đã tiến hành dự giảng
một số tiết dạy truyện ngắn Vợ nhặt cũng như những truyện ngắn khác trong
chương trình Ngữ văn 12 trên địa bàn khảo sát và rút ra những nhận xét dưới đây:
- HS đã nhận thức được nội dung chính của tác phẩm cũng như khám phá
thành công một vài yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn.
- Ngoài những yếu tố như nhân vật, cốt truyện, tình huống truyện, HS còn
mơ hồ về những yếu tố thi pháp như không gian, thời gian, điểm nhìn nghệ thuật,
ngôn ngữ, giọng điệu, kết cấu truyện.
- Qúa trình tiếp thu bài học trên lớp của HS còn khá thụ động, chủ yếu thông
qua việc giảng bài của GV.
1.2.2.2. Thuận lợi và khó khăn trong việc dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của
tác giả Kim Lân trong chương trình Ngữ văn 12
1.2.2.2.1. Thuận lợi
Là cây bút truyện ngắn xuất sắc, nhà văn Kim Lân đã tạo dựng được một vị
trí khá vững chắc trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Một số tác phẩm của Kim
Lân như Làng và Vợ nhặt được đánh giá cao và xếp vào loại gần như “thần bút”.
Ngay từ bậc THCS, các em học sinh đã được tiếp cận với phong cách Kim Lân
thông qua truyện ngắn Làng và có phản hồi rất tích cực. Do đó, khi truyện ngắn Vợ
nhặt được đưa vào giảng dạy trong chương trình THPT lớp 12, khoảng cách giữa
nhà văn, tác phẩm và người đọc về mặt ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật không còn là
quá lớn.
Bên cạnh đó, khoảng cách không gian, thời gian và môi trường sống và hình
tượng nhân vật được tái hiện trong tác phẩm thật sự gần gũi với đời sống sinh hoạt
của người Việt Nam. Do đó, khi tìm hiểu truyện ngắn Vợ nhặt thì rào cản thời đại,
văn hóa hầu như là không gây ảnh hưởng, áp lực lên việc dạy và học.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, môn Ngữ Văn
đã được trang bị thêm những phương tiện dạy học mới mẻ, sinh động với âm thanh,

27
hình ảnh, các bộ phim góp phần nâng cao hiệu quả và mang một luồng sáng mới
hấp dẫn học sinh.
Bên cạnh đó, các phương pháp dạy học mới cũng hứa hẹn sẽ tạo ra những kích
thích mạnh mẽ, làm tăng hứng thú dạy học, tiếp nhận của GV và HS.
1.2.2.2.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn khi bắt tay vào dạy
học truyện ngắn Vợ nhặt. Thứ nhất, đây là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách
nghệ thuật của Kim Lân, đã có lối mòn trong giảng dạy bằng phương pháp cũ và
chưa có sự chú trọng về những kiến thức thi pháp trong tác phẩm.
Thứ hai, các tác phẩm truyện ngắn được đưa vào giảng dạy ở phổ thông
chiếm 3/4 số lượng các tác phẩm trong chương trình. Điều này phản ánh đúng
tương quan của thành tựu truyện ngắn so với những thể loại văn xuôi khác trong đời
sống văn học của chúng ta. Mặc dù vậy, việc phân tích giảng dạy truyện ngắn còn
chưa chú ý đúng mức và chưa làm nổi bật đặc trưng thể loại.
Thứ ba, toàn bộ tác phẩm có dung lượng dài, nên bên cạnh việc nắm bắt các
vấn đề cốt lõi, GV khai thác không sâu rộng thì sẽ dễ phá vỡ tính chỉnh thể của tác
phẩm và trượt khỏi ý đồ của tác giả.
Thứ tư, khoảng cách lịch sử, hoàn cảnh lịch sử mặc dù chỉ trải qua mấy chục
năm nhưng ít nhiều đã có sự thay đổi. Cùng với điều đó là các rào cản về tâm sinh
lý lứa tuổi, nhu cầu thẩm mỹ, thời đại,… cũng khiến cho việc tiếp cận tác phẩm còn
nhiều hạn chế.

28
Tiểu kết chương 1
Thi pháp học là một lĩnh vực nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu
văn học thế kỷ XX, XXI, tuy có cội nguồn xa xưa nhưng đã được cải tạo triệt để,
mang nội dung mới, rất đa dạng về quan niệm, phương pháp, đồng thời tự nó cũng
biến đổi nhanh chóng trong lịch sử.
Thi pháp học rất cần thiết trong việc nghiên cứu và giảng dạy văn học trong
nhà trường phổ thông. Nó giúp chúng ta khám phá một cách chính xác cấu trúc hình
thức mang tính nội dung của tác phẩm văn học, phục vụ cho việc tìm hiểu nội dung
tác phẩm một cách đích thực, hoàn toàn không có sự gán ghép hoặc cảm nhận thiếu
cơ sở. Bên cạnh đó, thi pháp học còn giúp bạn đọc hiểu đủ, hiểu đúng các tác phẩm
văn chương trong quá trình phát triển tư duy nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn
chương, nhưng không sa vào hình thức chủ nghĩa.
Việc áp dụng lý thuyết của thi pháp học vào dạy một tác phẩm văn học cụ
thể đang là yêu cầu cấp thiết khi nhìn vào thực trạng thiếu khả quan của dạy học
văn học trong môn Ngữ văn nói chung và dạy học truyện ngắn nói riêng trong thời
gian vừa qua. Đó cũng là cách thay đổi tư duy dạy văn truyền thống khi môn Ngữ
văn đã và đang dần mất đi vị trí và vai trò của mình trong hệ thống giáo dục quốc
dân.

29
CHƯƠNG 2
TÍCH CỰC HÓA CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VỢ
NHẶT CỦA TÁC GIẢ KIM LÂN THEO HƯỚNG TIẾP CẬN THI PHÁP
HỌC

2.1. Một số vấn đề thi pháp trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
2.1.1. Cách thức sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu
2.1.1.1. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Vợ nhặt
Khrapchenkô cho rằng: “Ngôn ngữ nghệ thuật… không phải chỉ như là cơ sở
đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn là những hiện tượng của phong cách văn
học” [20; tr.190-191]. Trong thể loại truyện ngắn, việc tổ chức ngôn ngữ có yêu cầu
rất cao và là một vấn đề quan trọng. Mỗi truyện ngắn là một công trình sáng tạo của
nhà văn mà ngôn ngữ, giọng điệu là một trong các nhân tố đặc trưng tạo thành tác
phẩm. Sự tổ chức truyện ngắn nhất định phụ thuộc vào nghệ thuật sử dụng ngôn từ
của tác giả.
Vốn là nhà văn “của những người nông dân”, Kim Lân luôn khai thác một
cách có dụng ý hệ thống từ ngữ địa phương, thuẩn Việt. Bên cạnh đó, Kim Lân
không quên thổi hồn vào nhân vật của mình một “hơi thở cuộc sống” thông qua
ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện làm sống động hình ảnh những
con người lao động chân chất, đời thường. Đánh giá cao nghệ thuật sử dụng ngôn
ngữ đặc sắc của truyện ngắn của Kim Lân, tác giả Nguyên Bảo đã cho rằng: “Kim
Lân lựa chọn những từ ngữ mang hơi thở của cuộc sống hàng ngày để diễn đạt với
chúng cuộc sống miền quê với những con người giản dị mà mến yêu” [55; tr.84].
Khi viết về truyện ngắn Vợ nhặt, nhà giáo Đỗ Kim Hồi đã chú ý đến tài
dùng chữ, lối viết của Kim Lân và khẳng định “Như về cái vốn liếng ngôn ngữ giàu
có đặc sắc của Kim Lân, cái lối viết văn tưởng như dễ dàng mà không dễ phỏng
theo, giản dị vô cùng mà sao cứ thấy ánh lên chất hào hoa Kinh Bắc” [16].
Kim Lân đã rất giỏi trong việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt các lớp từ hội
thoại, từ đệm, từ địa phương, thành ngữ,… để tái tạo cuộc sống hiện thực như nó
vốn có, rõ nét, sinh động. Ông lựa chọn những từ ngữ mang hơi thở cuộc sống
thường ngày để diễn tả chính xác, sống động cuộc sống làng quê, cuộc sống của
những người lao động nghèo trong Vợ nhặt:

30
Ví dụ cách dùng từ đệm:
- Kể có ra, làm được dăm ba mâm thì phải đấy.
Ví dụ cách dùng từ biến âm:
- Chúng mày đợi u nhá
Ví dụ cách dùng từ luyến láy:
- Thì u cứ hẵng vào ngồi lên giường lên diếc chĩnh chệm cái đã nào
Ví dụ cách dùng từ địa phương:
- Kìa nhà nó chào u
- Điêu! Người thế mà điêu
- Chè khoán đây, ngon đáo để cơ
Ví dụ cách dùng thành ngữ:
- Ai giàu ba họ khó ba đời
- Ngoảnh đi ngoảnh lại
Kim Lân cũng đã đưa khẩu ngữ vào văn xuôi, nâng khẩu ngữ lên thành một
trình độ nghệ thuật cao, giản dị mà tinh tế, nôm na mà hàm xúc:
- Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố
- Chỉ được cái thế là nhanh… Dơ
Như vậy, người đọc có thể nhận thấy rõ nét rằng, các từ ngữ sinh hoạt bình
dị này có mặt trong cả ngôn ngữ tác giả lẫn ngôn ngữ nhân vật của Vợ nhặt, góp
phần quan trọng vào cá tính hóa từng nhân vật bình dân trong truyện ngắn này.
Trong Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân cũng đặc biệt chú trọng đến ngôn ngữ đối
thoại của nhân vật. Với mỗi nhân vật, nhà văn đều có sự lựa chọn ngôn ngữ riêng
biệt phù hợp nhằm bộc lộ bản chất, tính cách, tình cảm,… của nhân vật.
Khảo sát lời thoại của các nhân vật, người viết có thống kê như sau:
Thứ tự Tình huống giao tiếp Nhân vật giao tiếp Tổng lượt lời
Anh Tràng đưa người "vợ Người dân xóm ngụ cư
1 7
nhặt" về qua xóm ngụ cư - Anh Tràng
2 Tràng gặp thị lần đầu Anh Tràng - thị 3
3 Tràng gặp thị lần thứ hai Anh Tràng - thị 11
Trên đường Tràng đưa thị
4 Anh Tràng - thị 26
về nhà ra mắt
5 Thị xuất hiện trong nhà Anh Tràng - thị - bà cụ 19

31
Tràng với tư cách là nàng Tứ
dâu mới
Bữa cơm sáng sau đêm Anh Tràng - thị - bà cụ
6 12
đầu tiên thị làm vợ Tràng Tứ

Ở phần đầu truyện ngắn, Kim Lân chỉ xây dựng hai cuộc thoại giữa Tràng và
người dân xóm ngụ cư. Những đứa trẻ cũng sớm hiểu ra mối quan hệ giữa Tràng và
thị nên đã chọc "chông vợ hài", Tràng đáp lại trong sự sung sướng "Bố ranh!". Có
một cái "đầu trọc thò ra gọi giật giọng" và mời anh Tràng vào chơi, cũng chỉ để dò
hỏi xem người đàn bà đi bên cạnh là ai thôi. Từ đó thể hiện thái độ của người dân
xóm ngụ cư trước việc anh Tràng có vợ. Họ vừa tò mò, vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng
cho Tràng "giời đất này còn rước cái của nợ đời về”.
Kim Lân đã dành cho anh Tràng và thị hơn nửa số lượt lời đối thoại trong tác
phẩm (40/78 lượt lời đối thoại) chỉ để hai nhân vật "phải duyên với nhau", tìm hiểu
nhau và quyết định đến với nhau. Lần thứ nhất, anh Tràng hò vu vơ mấy câu "Muốn
ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh!", thị đã "lon ton" chạy ra đẩy
xe cho anh Tràng. Lần thứ hai, Tràng gặp lại thị, thị đã thay đổi nhiều quá, thị gầy
sọp hẳn đi nhưng vẫn với cái vẻ cong cớn đó. Trong lần gặp lại lần thứ hai, thị là
người cố tình tìm hiểu, khai thác thông tin - những thông tin vô cùng quan trọng và
cần thiết để thị có quyết định về làm vợ anh Tràng hay không. Có thể nói rằng trong
đoạn đối thoại này, thị là người chủ động khai thác thông tin để đưa ra quyết định đi
theo anh Tràng một cách chủ động; anh Tràng thì đùa cho vui, hoàn toàn không
nghĩ đến những toan tính trong suy nghĩ của thị nên khi thị "đi về" thật, Tràng lo sợ
"thóc gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo
bòng", nhưng rồi anh cũng "chậc, kệ!".
Trước mỗi cặp thoại ở buổi gặp gỡ giữa Tràng và thị là những lời dẫn thoại
của tác giả miêu tả thái độ của thị: lúc cong cớn, xỉa xói, khi đon đả, ngọt ngào. Lời
thoại là những phát ngôn có nội dung thông báo trọn vẹn, đầy rẫy tính từ "nói thật
hay nói khoác", "người thế mà điêu", "leo lẻo cái mồm", cách xưng hô đưa đẩy thân
mật "nhà tôi", "đằng ấy", "tớ". Hình thức lời thoại đa dạng: khi là câu hỏi, khi mặc
cả, lúc là lời mắng, lúc lại là lời cảm thán.
Những lời đối thoại trong buổi rước dâu lại cụt lủn, buồn tẻ, thiếu vắng từ
xưng hô. Hình thức lời thoại cũng đơn điệu: một câu hỏi và một câu trả lời. Người

32
đọc cũng không còn bắt gặp lời dẫn thoại miêu tả thái độ cong cớn, xỉa xói, đon đả
của nhân vật như ở buổi đầu gặp gỡ nữa. Những lời đối thoại cụt lủn, tẻ nhạt này
chính là tâm trạng ngượng ngùng, e thẹn, âu lo của cả hai nhân vật. Khi đùa vui thì
mạnh bạo gọi "nhà tôi ơi", "đằng ấy", nay theo nhau về thì vấn đề trở nên quan
trọng, biết xưng hô với nhau ra sao? "Kim Lân rất tài khi viết những lời đối thoại
giữa hai vợ chồng Tràng. Nó thật lửng lơ với toàn là câu nói trống không, nó nhấm
nhẳng, dấm dẳn đến hay. Đó là cái lửng lơ, nhấm nhẳng của hai kẻ "chân đất" cùng
khốn, bất ngờ trở thành vợ chồng nhanh quá, nên tới tận lúc đi bên nhau vẫn còn
chưa hết lạ, chưa hết ngượng với nhau. Nhưng đó cũng là cái dấm dẳng của hai
người biết rằng họ đã có nhau" [15].
Nhà nghiên cứu Đỗ Kim Hồi cho rằng "Kim Lân rất giỏi khi tả người vợ của
anh Tràng có cong cớn, rất cong cớn nữa nhưng không nanh nọc, có trơ trẽn, rất
trơ trẽn nhưng không đĩ thõa. Và cái cong cớn, sưng sỉa, đanh đá, trơ trẽn kia, nó
có thể sinh ra từ dốt nát, đói nghèo, tăm tối chứ tuyệt không sinh ra từ cái ác, cái
xấu xa". Kim Lân đã trả lại cho thị cái bản tính của người phụ nữ Việt Nam. Thế
mới thấy tấm lòng nhân đạo của Kim Lân sâu sắc đến nhường nào.
Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện trong phần cuối của câu chuyện. Kim Lân cho
bà xuất hiện trong 13 lượt lời đối thoại với con trai và con dâu, trung bình 23,5
chữ/lượt lời. Người mẹ già, mặt bủng beo, gần đất xa trời, nhưng khi hiểu ra cơ sự,
bà lại là người nói nhiều nhất trong truyện. Đoạn con dâu ra mắt, bà khuyên nàng
dâu "vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông trời cho
khá…", rồi bà dặn con trai "Hôm nào nghỉ ở nhà kiếm lấy ít nứa về đan cái phên mà
ngăn ra mày ạ" để Tràng và thị có không gian riêng. Trong bữa ăn sáng, bà toàn nói
chuyện vui, chuyện tương lai. Bà bảo vợ chồng Tràng nuôi lấy đôi gà, "chả mấy mà
có ngay đàn gà", lại còn khoe món chè khoán "ngon đáo để", "xóm ta khối nhà còn
chả có cám mà ăn". Những lời của bà cụ Tứ là lời của một người từng trải, nhìn
thấy và hiểu tất cả những cơ sự. Bà cần phải là người bình tĩnh, xua tan những lo
lắng, ngượng ngùng của đôi vợ chồng trẻ, lại là người cần lạc quan hơn ai hết để
động viên vợ chồng Tràng.
Nhà văn Kim Lân vô cùng tinh tế khi đưa ngôn ngữ sinh hoạt đời thường vào
tác phẩm của mình một cách xuất sắc. Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong
Vợ nhặt đã trở thành những tín hiệu thẩm mĩ quan trọng, thông qua đó, người đọc

33
khám phá được chiều sâu tâm lí của con người, tình người trong nạn đói khủng
khiếp năm 1945.
Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại như một phương thức quan trọng
thể hiện chân dung nhân vật, nhà văn Kim Lân cũng chú ý tới ngôn ngữ độc thoại
nội tâm nhân vật.
Nhờ có ngôn ngữ độc thoại, Kim Lân đã ghi lại dấu ấn trên những nhân vật
bất hủ của mình như nhân vật Tràng, nhân vật bà cụ Tứ.
- Mới đầu anh chàng cũng chợt nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng
chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc
lưỡi một cái: - Chậc, kệ!
- Hắn nghĩ bụng: "Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?... ồ sao nó lại buồn thế
nhỉ?...". Hắn nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình.
Kim Lân đã chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ:
"Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay
đầu giường con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái
Đục mà. Ai thế nhỉ?". Đến khi nghe Tràng phân trần cắt nghĩa, bà cụ mới hiểu.
Lòng bà ngổn ngang những lo âu, tủi cực, xót thương lẫn vui mừng. "Bà lão cúi đầu
nín lặng". Trong lòng bà đầy những ám ảnh của một dĩ vãng nặng trĩu những đắng
cay. Bà nghĩ đến ông lão, đến đứa con Út, đến cuộc đời cơ cực dài dằng dặc của
mình mà thương, mà tủi cực xót xa: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là
lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình
thì… "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt. Nạn đói đang đe
dọa, con có vợ bà lo lắng thực sự; "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống được
qua cơn đói khát này không". Từ xót xa, mặc cảm, lo lắng bà nghĩ tới cái may của
gia đình. Bà xót thương người đàn bà lạ. Lòng người mẹ nghèo nhân hậu thấu hiểu
cảnh ngộ người con gái xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình. "Người ta có gặp
bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có
vợ được...". Nghĩ thế bà vui trong lòng, cử chỉ của bà dịu dàng, âu yếm. Nét đẹp và
sự nhân hậu vốn có trong bà được tác giả Kim Lân diễn tả tinh tế qua cách sử dụng
ngôn ngữ chọn lọc trong diễn tả tâm lý nhân vật, góp phầm khắc họa vẻ đẹp tâm
hồn của người mẹ nghèo Việt Nam.
Những suy nghĩ thầm kín, những dòng tâm trạng phức tạp không dễ gì được
độc giả biết đến nếu thiếu đi những dòng độc thoại nội tâm nổi bật dụng ý nghệ
thuật trong Vợ nhặt.

34
Như vậy, thành công nổi bật cũng là nét đặc sắc cơ bản trong ngôn ngữ của
nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt chính là nghệ thuật vận dụng sáng tạo hệ
thống từ ngữ, cú pháp thuần Nôm giản dị mà tinh tế, hàm súc. Điều này đem đến
cho lời văn nghệ thuật trong tác phẩm vẻ đẹp chân chất, bình dị mà không kém phần
trau chuốt, có giá trị thẩm mỹ cao.
2.1.1.2. Giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn Vợ nhặt
2.1.1.2.1. Giọng điệu thương cảm, xót xa
Kim Lân luôn nhìn nhân vật của mình với “ánh nhìn ấm áp”, chính vì vậy
giọng điệu chủ đạo trong truyện ngắn Kim Lân chính là giọng điệu chất chứa sự
cảm thương, xót xa: “Trong bóng chiều nhá nhem, Tràng đi từng bước mệt mỏi,
chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước.
Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như
lưng gấu của hắn”.
Với giọng kể trầm buồn, sâu lắng, Kim Lân cũng dẫn dắt người đọc bước
vào không gian tăm tối của xóm ngụ cư đói nghèo, thê thảm đến thê lương: “Cái đói
đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái
Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và
nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người
trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên
đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.
Giọng kể đầy chua xót thể hiện phần nào thái độ nghẹn ngào, thương cảm, đau đớn
của tác giả trước thảm cảnh nạn đói diễn ra ở xóm ngụ cư ấy.
Giọng điệu cảm thương ấy thể hiện rõ nhất trong đoạn “Bà lão cúi đầu nín
lặng. Bà lão hiểu rồi, lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa
ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả
chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt
sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước
mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này
không?”. Trong đoạn này, dường như có sự hòa nhập, song trùng giữa giọng điệu
nhân vật và giọng điệu người kể chuyện. Tâm trạng vừa ai oán vừa xót thương của
bà cụ Tứ bộc lộ qua hình thức câu cảm thán, câu hỏi tu từ.

35
Rồi cảnh bà lão lễ mễ bưng nồi chè cám trong niềm vui của người mẹ nghèo
cho thấy một cảnh tượng hiếm hoi chưa từng thấy trong lịch sử.
Kim Lân đã ghi lại tất cả nỗi chua xót, tủi hờn ấy để đem đến cho người đọc
sự cảm thông, đồng cảm và thương cảm cho những số phận con người nghèo khổ
trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc sống giữa đói nghèo và hiểm nguy của chiến
tranh.
Giọng văn này đã góp phần vào “bản giao hưởng” lúc trẩm lúc bổng Vợ nhặt
những nốt sâu lắng, da diết có chút gợi buồn man mác nhưng không đẩy người ta
vào chỗ tuyệt vọng, bế tắc.
2.1.1.2.2. Giọng điệu hóm hỉnh, dí dỏm
Kim Lân đã từng nói rằng “Hóm hỉnh là cái chất của tôi” và cái chất ấy cũng
không bị tác giả lãng quên trong truyện ngắn Vợ nhặt.
Trong tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra giọng điệu có chút pha trò vui
vẻ ngay cả trong cái phông nền tăm tối của không gian truyện ngắn với cái đói lan
tràn, người sống phải đấu tranh sinh tồn từng chút, người chết nằm la liệt ngoài
đường, mùi “đống rấm” bốc lên khét lẹt.
Bằng giọng điệu khôi hài, tác giả Kim Lân đã tạo nên tình huống nhặt vợ của
anh cu Tràng dở khóc dở cười khiến độc giả có lúc phải bật cười: “Có ăn cơm trắng
với giò! Lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Người đàn ông tưởng chừng như thô kệch
ấy, lại có lúc cũng tán tỉnh có vần vè. Và cũng chính từ câu bông đùa ấy, đôi trai gái
đã nên duyên vợ chồng.
Trong lúc cái đói nghèo, cái chết cận kề, các nhân vật trong Vợ nhặt của
Kim Lân vẫn không thiếu đi những khoảnh khắc vui vẻ, “chậc kệ” quên đi cái sự
đời để dành cho nhau những lời lẽ tình tứ, ngọt ngào:
“Hắn chặc lưỡi:
- Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ chưa tối đã
rúc vào ngay, hì hì...
- Khỉ gió.
Thị phát đánh đét vào lưng hắn, khoặm mặt lại.
Hắn thích chí ngửa cổ cười khanh khách”
Trong cái giây phút hiếm hoi giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống này, nhân
vật của Kim Lân dường như được quên đi cái đói khổ và thân phận bé nhỏ, nghèo

36
hèn của mình. Họ nói năng tình tứ, đối đáp góc cạnh, đưa người đọc tạm thoát khỏi
phông nền đen tối bao trùm toàn tác phẩm.
“Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm
rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon
lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn
chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp
kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay
đàn gà cho mà xem...
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này
mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.”
Chính niềm lạc quan hiếm có trong hoàn cảnh ấy đã giúp họ vượt qua khó
khăn, thoát khỏi cảnh đói nghèo, tìm đến cách mạng như một sự tất yếu mà tác giả
muốn thể hiện trong tư tưởng chủ đề của truyện ngắn.
Đọc Vợ nhặt, ta có thể thấy bóng tối đã hiện dần lên ánh sáng của ngày mai,
của tương lai, của hi vọng và niềm lạc quan, tin tưởng. Đó là thứ ánh sáng được tạo
ra từ những nụ cười, giọng cười đan xen sự ý nhị, tinh tế đúng lúc, đúng chỗ.
Những chi tiết hóm hỉnh, đáng yêu pha chút khôi hài đã góp phần rất lớn trong việc
tạo ra sức hấp dẫn khó cưỡng cho tác phẩm.
2.1.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống
Đặc trưng của truyện ngắn là cốt truyện và thông thường cốt truyện bắt đầu
từ những sự kiện có vấn đề đó là tình huống. Chính ở đó, nhà văn bộc lộ tài năng
của mình. Nói cách khác, tình huống chính là một lát cắt của cuộc sống, là vực xoáy
trên dòng sông, tình huống gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng tác phẩm. Để
khám phá những giá trị nội dung, nghệ thuật hấp dẫn của truyện ngắn, độc giả cần
bắt đầu từ việc khai thác tình huống truyện.
Mặc dù chỉ là viết về câu chuyện đời thường nhưng Kim Lân lại có khả năng
tạo ra những tình huống truyện rất độc đáo. Nhân vật của ông khi đặt trong những
tình huống đó đã tự bộc lộ con người, tính cách của mình.
Truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm rất độc đáo về tình
huống. Dựa vào tình huống nhặt vợ độc đáo, chủ đề tác phẩm, tâm trạng và tính

37
cách nhân vật trong tác phẩm này dần hé lộ và có sự biến chuyển cực kì lôi cuốn đối
với độc giả.
Vợ nhặt – là điều không bình thường trong cuộc sống nhưng lại trở nên rất
đỗi bình thường khi được đặt vào hoàn cảnh của tác phẩm. Tràng – một anh nông
dân ngụ cư, nghèo xơ xác, xấu xí, thô kệch, ngờ nghệch lại bỗng nhiên “nhặt” được
vợ. Không chỉ có thế, hạnh phúc của họ còn được tác giả đặt trên bối cảnh thê lương
ảm đạm của nạn đói năm 1945 hết sức éo le và trớ trêu. Nó đặt nhân vật trước một
cuộc thách đố vô cùng mạo hiểm với đời: sống chỉ để tồn tại hay sống là phải có
hạnh phúc.
Qủa thực là một tình huống bất ngờ, làm cho cả người trong cuộc (Tràng, bà
cụ Tứ), lẫn ngoài cuộc (người dân xóm ngụ cư) đều hoang mang, ngờ vực.
Nhà văn Kim Lân đã rất khéo léo, tinh tế khi sáng tạo ra cái tình huống
tưởng chừng vu vơ mà lại giàu ý nghĩa này: “Nơi ngưỡng của khốn khổ đó, họ sẽ
chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm
tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh” [51].
Tình huống này sẽ chi phối tới sự phát triển của truyện và cách thức xây
dựng các nhân vật. Như vậy bắt đầu từ việc khai thác tình huống khi tiếp cận tác
phẩm mà giáo viên có thể dẫn dắt học sinh phân tích nhân vật Tràng, người vợ nhặt,
bà cụ Tứ. Các lớp nghĩa của truyện sẽ được sáng tỏ cùng các giá trị hiện thực và
nhân đạo.
2.1.3. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện
Anton Chekhov từng nói rằng: Khi viết, bạn cần phải tìm cách vượt qua đoạn
mở đầu và kết thúc, vì đó là những nơi “nhà văn mất nhiều thời gian chần chừ
nhất”. Nhìn suốt các truyện ngắn của Kim Lân, người đọc có thể nhận thấy cách
thức ông tổ chức phần trình bày của cốt truyện khá đơn giản, phù hợp với những
câu chuyện rất đỗi bình dị mang phong cách Kim Lân. Đối với truyện ngắn Vợ
nhặt, phần trình bày của câu chuyện được tạo dựng bởi hai sự kiện đối lập, xoay
quanh bối cảnh đặc biệt: cái đói đã tràn đến khắp mọi nẻo.
Truyện ngắn Vợ nhặt có kết cấu bốn phần:
Phần 1: Tràng đi làm về, xuất hiện trong bóng tối của xóm nhỏ ngụ cư khi
cái đói chưa tràn về.
Lần thứ hai Tràng xuất hiện ở xóm ngụ cư cũng trong một buổi chiều tà

38
cùng một người đàn bà lạ. Họ khiến cả xóm nghèo xôn xao
Phần 2: Tràng nhớ về hai lần gặp gỡ, vài câu bông đùa, bốn bát bánh đúc mà
mình có vợ.
Phần 3: Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện. Tâm trạng và tình thương của bà dành
cho đôi vợ chồng trẻ.
Phần 4: Cảnh sáng hôm sau đêm “tân hôn” của hai vợ chồng Tràng. Vợ
Tràng nói về những người đi cướp kho thóc của Nhật và Tràng nghĩ về điều đó.
Diễn trình vận động của cốt truyện trong Vợ nhặt là kiểu cốt truyện tâm lý,
chuỗi sự kiện của tác phẩm được tổ chức theo diễn trình tâm trạng của nhân vật
Tràng. Mở đầu là tâm trạng của một con người vô tư lự, không lo nghĩ đến thời
cuộc, đến cả bản thân. Chàng trai ấy đã có sự chuyển biến tâm lý tích cực sau sự
kiện “nhặt được vợ”. Tràng vui một niềm vui mơn man khó tả bởi chưa bao giờ anh
ta dám mơ tưởng tới điều này trong hoàn cảnh mà con người mưu cầu nhiều hơn
đến sự tồn tại. Kéo theo sự kiện này là một chuỗi các sự kiện, các chi tiết rất khác
thường của nhân vật nhưng lại rất hợp với quy luật phát triển tâm lí. Tràng đưa thị
về nhà với “một vẻ gì phởn phơ khác thường”, “tủm tỉm cười nụ một mình và hai
mắt thì sáng lên lấp lánh”, sự kiện nàng dâu mới ra mắt trong không khí hồi hộp,
căng thẳng của cả đôi bên. Đặc biệt là sự kiện buổi sáng đầu tiên trong gia đình có
thành viên mới.
Có thể nói rằng ở Vợ nhặt, Kim Lân không đi sâu vào việc tạo dựng những
xung đột giàu kịch tính. Cái đói và tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, nâng niu
con người có đôi lúc đặt mỗi nhân vật trước những thử thách nhưng chưa đến độ
gay gắt. Tuy nhiên, không vì thế mà diễn trình vận động cốt truyện của tác phẩm lại
kém đi trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Cái hiện thực đen tối, bi thương
của nạn đói năm 1945 đã được tái hiện sinh động. Cũng từ đó mà cái vẻ đẹp cao
quý trong tâm hồn con người Việt Nam cũng được khám phá và ngợi ca. Trong
hoàn cảnh bi thương nhất, mỗi con người của dân tộc Việt Nam vẫn luôn có một
niềm lạc quan, vươn tới ánh sáng của cuộc sống. Nói như chính tác giả thì “Khi đói,
con người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù
là trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết nhưng họ vẫn khát khao
hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai”
[22]. Đây cũng chính là chủ đề - tư tưởng của cả tác phẩm mà bạn đọc có thể cảm
nhận trong quá trình tiếp cận cốt truyện trên.

39
Vợ nhặt có kết cấu chặt chẽ, mở đầu với cảnh nạn đói, kết thúc với cảnh đoàn
người đi cướp kho thóc, mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân.
Kết thúc truyện có hướng rộng mở khác hẳn với các tác phẩm được Kim Lân
viết trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Nó giúp nhà văn diễn tả số phận
con người trong thời cuộc mới tươi sáng hơn. Rõ nét nhất là cái kết rất đẹp cho đôi
vợ chồng nhiều thua thiệt nhưng cũng đầy nghị lực trong cuộc sống: Tràng và người
vợ nhặt.
Có thể nói rằng, cốt truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân có một diện mạo khá
đặc biệt, đó chính là sự đơn giản, bình dị, không cầu kì, phức tạp mà vẫn vô cùng
hấp dẫn với kết thúc bất ngờ đầy gợi mở.
2.1.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Truyện ngắn sống bằng nhân vật. Nếu như đi khai thác một bài thơ chúng ta
chú ý tới hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu… thì khai thác một tác phẩm tự sự phải chú ý
tới nhân vật ở các góc cạnh từ đó mà phát hiện ra chân giá trị cuộc sống, cùng thông
điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc.
Với Kim Lân con người là mối quan tâm hàng đầu, trong một bài viết nói về
truyện ngắn Vợ nhặt trên báo Văn Nghệ, ông đã từng nêu rõ quan điểm rằng:
“Truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng nhất là nhân vật”, “nhân vật
phải có tính cách và hành động theo tính cách một cách tự nhiên, không giả tạo sáo
rỗng”.
Nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân chính là Kim Lân là sự kết tinh của
quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Bởi sự lặp đi lặp lại có tính quy
luật của một phương thức nghệ thuật nào cũng là sản phẩm của một quan niệm nằm
sâu bên trong ý thức của nhà văn.
2.1.4.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua tình huống
Trong các sáng tác của Kim Lân, đặc biệt là truyện ngắn, tình huống đời
thường đã trở thành dạng chủ yếu, nó giúp nhà văn phản ánh được một hiện thực
ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống, cũng phác họa thành công chân dung của nhiều
kiểu người trong xã hội.
Với truyện ngắn Vợ nhặt, tình huống nhặt vợ éo le của nhân vật Tràng đã
được tác giả Kim Lân xây dựng lên với chủ đề sâu sắc, nhân bản: trong hoàn cảnh đói
nghèo, thậm chí đứng bên bờ vực có thể dẫn đến cái chết, những con người lao động

40
lương thiện vẫn hướng về sự sống, vẫn bao dung, vị tha, khát khao hạnh phúc và hướng
về tương lai. Từ hình huống và ý nghĩa mà truyện ngắn hướng tới, nhà văn đã tạo dựng
nên hệ thống nhân vật những con người thô ráp về vẻ ngoài, nhưng vô cùng mềm
mại, nhạy cảm trong tâm hồn.
Khi đối chiếu giữa tình huống và nhân vật, người đọc có thể nhận thấy sự sắp
xếp có chủ đích của tác giả đối với từng nhân vật.
Tràng chỉ là một anh thanh niên bình thường, thậm chí dưới mức bình
thường. Tràng không có ngoại hình dễ nhìn, Tràng không thông minh sắc bén,
Tràng không có gia cảnh giàu sang, khá giả. Nói tóm lại, nhân vật này không có
điểm gì nổi bật cho đến khi tình huống truyện xảy ra: Giữa lúc nạn đói khủng khiếp
1945, người đàn ông nghèo (bản thân còn không biết có lo nổi cho mình hay không
và đồng thời đang phải nuôi mẹ già) lại đi đến một quyết định vô cùng táo bạo là
lấy vợ. Và điều khiến cho tình huống truyện trở nên đặc biệt thu hút đó là người vợ
này anh “nhặt” được chỉ sau hai lần gặp gỡ vu vơ, sau một bữa ăn và qua vài câu tán
tỉnh bông đùa.
Đây thật sự là một tình huống oái oăm mà dường như ai cũng nhận thấy.
Người dân xóm ngụ cư đã phải xôn xao khi Tràng dẫn thị về “Ôi chao! Giời đất này
còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không”
và thậm chí đến bản thân anh chàng này cũng nhận thấy rõ ràng rằng “Thóc gạo này
đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không lại còn đèo bồng”. Ấy thế
nhưng chỉ một cái “chậc, kệ” mà đôi trai gái ấy đã đi đến quyết định gắn bó với
nhau cả đời.
Nhân vật Tràng đặc biệt, khác biệt là ở chỗ đó. Không phải anh ta không
hiểu tình thế, hoàn cảnh của mình lúc này. Có thể người đời sẽ cho rằng anh ta ngốc
nghếch, dại dột nhưng với chàng thanh niên này, niềm hạnh phúc có vợ đang “mơn
man khắp da thịt”, sự ấm áp của lòng người đủ to lớn để làm nỗi lo của Tràng tạm
lắng xuống. Từ đó, người đọc có thể tìm thấy sự khác biệt trong nhân vật Tràng của
Kim Lân.
Đối với nhân vật người vợ nhặt - một cô gái bị nạn đói cướp đi gần hết:
không còn tên tuổi, không còn bố mẹ, anh chị em, không gia đình quê hương, trước
mắt thị là vực thẳm là chết đói nên thị phải đi đến quyết định lấy Tràng – một người
đàn ông mới chỉ gặp gỡ đôi ba lần. Hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống đã đẩy thị

41
vào tình huống éo le này. Thị cần tìm một chỗ nương tựa cho bản thân trong lúc cơ
cực này. Người đọc ban đầu có thể đánh giá thị là kẻ cơ hội, là người phụ nữ không có
sĩ diện. Nhưng khi đi sâu vào tình huống truyện, giải mã những uẩn khúc, những suy tư
và theo dõi những hành động, cư xử của thị trong suốt tác phẩm, người đọc mới thấm
thía, mới hiểu rõ bản chất lương thiện của thị. Thị có thể đến với Tràng trong sự tính
toán ban đầu nhưng sau đó, thị đã thể hiện mình là người biết điều, có lễ nghĩa và là
một phụ nữ biết lo toan, vun vén cho gia đình, là một người xứng đáng được trân trọng.
Bà cụ Tứ là nhân vật bị đặt vào thế bị động trong tình huống nhặt vợ của
nhân vật Tràng. Thay vì là người sắp đặt hôn nhân cho con cái theo kiểu “cha mẹ
đặt đâu con ngồi đấy” thì bà cụ Tứ lại là người được đặt trong sự đã rồi. Bỗng
nhiên trong một buổi tối u ám, người mẹ nghèo nhận được tin báo từ con trai
rằng nó đã chính thức có một người vợ - một người phụ nữ mà bà chưa hề gặp và
cũng chưa từng nghe bất cứ thông tin gì về gia cảnh, về con người cô ta. Phản
ứng của bà lão trước tin tức bất ngờ này là sự âu lo nhưng vẫn chất chứa niềm
vui. Bà trở nên “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám
của bà rạng rõ hẳn lên”. Bà níu cái lo của mình xuống, tự nhủ “không ai khó ba
đời” và tỏ ra hết sức chu đáo đối với các con. Từ tình huống này, tấm lòng người
mẹ cũng đã được bộc lộ một cách rõ nét và sinh động.
Dựng nên tình huống truyện độc đáo này, nhà văn vừa có điều kiện khắc họa
tâm lý nhân vật, vừa làm nổi bật nhiều ý nghĩa hiện thực hết sức xót xa. Từ đó, tác
giả cũng đưa người đọc đến với phát hiện mang ý nghĩa nhân sinh đẹp đẽ: Dù cuộc
sống có bi thảm đến đâu thì vẻ đẹp của tình người, sự lạc quan, niềm khao khát
hạnh phúc cũng sẽ giúp con người vượt qua tất cả.
2.1.4.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lý
Xuất phát từ cái nhìn con người ở chiều sâu tâm lý, Kim Lân đã khám phá
thế giới nội tâm phong phú, đa dạng và miêu tả được những diễn biến tâm trạng
nhân vật một cách tự nhiên, hợp lý, sâu sắc.
Thông qua tình huống nhặt vợ, các nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt đã
bộc lộ đời sống tâm lý bản thân một cách rõ nét.
Nhân vật thị - người vợ nhặt của Tràng chính là ví dụ minh họa điển hình
cho sự chuyển biến tâm lý rõ ràng nhất trong tác phẩm. Lần đầu thị xuất hiện là
hình ảnh: ngồi lẫn trong đám con gái chờ nhặt hạt rơi hạt vãi trước cổng chợ tỉnh.

42
Vì đói mà thị trở nên: “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong
cớn”, “sưng sỉa” khi giao tiếp, nói chuyện với Tràng. Cái đói khiến thị quên cả việc
phải giữ ý tứ, lòng tự trọng của người con gái. Thị cứ thế mà đòi ăn. Được cho ăn,
thị sẵn sàng: “sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện
trò gì”. Khi anh cu Tràng hay đùa, lại đùa: “có muốn theo tớ về nhà thì ra khuân đồ
lên xe rồi ta cùng về”, thì người đàn bà kia lại im lặng (mà thường tâm lý im lặng là
đồng ý). Thị đồng ý, đồng ý mà không hề do dự, phân vân. Hành động của thị xuất
phát từ nhu cầu bám lấy sự sống, bất chấp tất cả để được ăn, ăn để được tồn tại. Ấy
vậy mà, trên đường về nhà chồng tâm trạng của thị có sự thay đổi rõ nét. Trước cái
nhìn “săm soi”, trước những lời bông đùa, chòng ghẹo của người dân ngụ cư, thị
ngượng nghịu, thiếu tự tin: “chân nọ bước díu cả vào chân kia… cái nón rách tàng
che nửa khuôn mặt”. Về đến nhà Tràng, “thị lẳng lặng theo hắn vào nhà”, “thị đảo
mắt nhìn xung quanh” và dù Tràng tỏ ra rất vui thì thị chỉ “nhếch mép cười nhạt
nhẽo”. Hai từ láy “lẳng lặng” và “nhạt nhẽo” gợi lên nỗi thất vọng sâu xa của người
vợ nhặt, thị thất vọng cho cái hoàn cảnh thảm hại của mình lúc này. Nhưng thị
không nói gì, thị vẫn tỏ ra “ngượng nghịu” nhưng “hai tay ôm khư khư cái thúng,
mặt bần thần”. Hành động và trạng thái tâm lí của người đàn bà lộ rõ những lo lắng
trong lòng thị về cái hạnh phúc vật vờ mà thị có được “nhờ” cái đói, qua những từ
láy “khư khư”, “bần thần”. Trong tiếng thở dài đó vừa có sự lo lắng cho tương lai
ngày mai, vừa có cả những lo toan và trách nhiệm của thị về gia cảnh nhà chồng.
Sau khi được mẹ Tràng chấp nhận làm dâu, “người đàn bà khẽ nhúc nhích,
thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Từ “nhúc nhích” cho thấy thị đang dần thoát
khỏi cái tâm lí nặng trĩu từ lúc bước chân vào ngôi nhà “rúm ró” của Tràng. Còn
trước mặt mẹ chồng, Kim Lân khéo tìm một từ thích hợp: “khép nép” để thị trở về
đúng với hình ảnh của cô dâu ngày cưới.
Sau đêm tân hôn, người phụ nữ ấy có sự thay đổi hoàn toàn về tâm trạng
và tính cách. Thị dậy rất sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, thu vén nhà cửa: “Tràng
nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không
còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.
Trong mắt Tràng, sau đêm tân hôn, người vợ nhặt “rõ ràng là nguời đàn bà
hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở
ngoài tỉnh”. “Hiền hậu” mới đúng là hình ảnh mà Kim Lân muốn đem đến cho

43
người đọc về người đàn bà đặc biệt này. Không phải miếng ăn mà chính mái ấm gia
đình và tình yêu thương của mẹ con Tràng đã đưa thị trở về với đúng bản chất của
mình. Đây cũng là lúc thị đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc cùng
chồng chung tay gây dựng gia đình trong tương lai của mình.
Nhà văn cũng đã thể hiện một cách sống động nội tâm của nhân vật Tràng
khi bỗng nhiên lấy được cô vợ “Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề,
tăm tối hằng ngày, quên cả những ngày tháng trước mặt”. Và bên cạnh người vợ
mới, Tràng cảm thấy “một cái gì đó lạ lắm, nó mơn man khắp da thịt, tựa hồ như có
bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tác giả đã để cho độc giả cảm nhận được sự thay đổi
trong suy nghĩ, tình cảm, tâm lý người đàn ông từng thô kệch, khô cằn kia sau khi
đón nhận tình cảm yêu đương, gần gũi: “Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó
với cái nhà của hắn lạ lung. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái
tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong
lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn phải có bổn phận lo lắng
cho vợ con sau này”. Lúc này, cảm xúc của nhân vật Tràng đã dần nâng lên từ tình
cảm đến với lý trí, từ yêu thương đến với trách nhiệm.
Với nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân còn chuyển hóa điêu luyện giữa
ngôn ngữ nhân vật với ngôn ngữ người kể chuyện làm cho đoạn miêu tả tâm lý
nhân vật trở nên chân thực hơn đối với người đọc: “Bà lão khẽ thở dài, ngẩng lên
đăm đăm nhìn người đàn bà. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: người ta có gặp bước khó
khăn, đói khổ này, người ta mới lấy con mình, mà con mình mới có được vợ… thôi
thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…”. Tâm lý người mẹ già
nông thôn hiền lành, phúc hậu với tình yêu thương con được thể hiện khá sâu sắc và
cảm động đối với nhân vật bà cụ Tứ. Đó là niềm vui của người mẹ khi con mình sắp
yên bề gia thất, đó là tâm lý mang phong tục, lề thói làng quê (kể ra, làm được dăm
ba mâm thì phải đấy), cũng vừa thể hiện tâm lý xót xa cho gia cảnh nghèo hèn của
mình,…
Tác phẩm cũng được đánh giá thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật
qua những biểu hiện bề ngoài như cử chỉ, lời nói, hành động của các nhân vật. Nhân
vật thị lúc theo không về nhà Tràng, nhìn gia cảnh người chồng sẽ gắn bó trong
tương lai của mình: “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn
những búi cỏ dại”, thị đã “đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô hẳn lên,

44
nén một tiếng thở dài”. Đây không phải là một hành động đơn thuần của nhân vật.
Tiếng thở dài của thị không hẳn chỉ là sự thất vọng trước gia cảnh nhà chồng bởi thị
có thể thừa hiểu gia cảnh của những người kéo xe bò thuê như Tràng trong thời
cuộc ấy. Có lẽ, thị theo Tràng về nhưng trong lòng chưa dứt khoát lắm, đó hẳn là
một sự liều mình. Nhưng khi đặt chân vào ngõ, khi không thể thêm lần thay đổi
được tình cảnh, phải thực sự chấp nhận cuộc sống mới dù cuộc sống đó có thế nào
đi nữa, thì một tiếng thở dài là không tránh khỏi. Tâm trạng nhân vật được nhà văn
xây dựng từ những biểu hiện nhỏ mà đắt giá như thế.
Đọc Vợ nhặt, độc giả sẽ luôn thấy thú vị với những phát hiện tâm lý vừa
chân thực vừa bất ngờ của các nhân vật. Dấu mốc nạn đói năm 1945 đã được thể
hiện xuất sắc thông qua biểu hiện tâm lý nhân vật, tạo nên sự ám ảnh đối với người
đọc. Chẳng thế mà nhà văn Trần Ninh Hồ đã từng viết: “Nếu cho rằng văn chương
là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý
nghĩa ấy” [6].
2.1.4.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả chân dung nhân vật
Nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân khá ấn tượng với bạn đọc một
phần cũng bởi nghệ thuật tạo dựng chân dung nhân vật của tác giả. Nhà văn đã từng quan
niệm rằng: “chân dung nhân vật phải nổi bật tính cách nhân vật”.
2.1.4.3.1. Cách đặt tên nhân vật
Đặt tên nhân vật là điều rất được nhà văn Kim Lân lưu ý. Với ông, tên gọi
nhân vật như gói ghém cả hồn quê đất Việt, như thể hiện cả sự am hiểu sâu sắc của
nhà văn về phong tục, tập quán, đặt tên của người dân quê.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, độc giả không thể nào tìm kiếm được một cái
tên văn hoa, mỹ miều bởi với người “nhà quê”, việc đặt tên cho các con thường rất
đại khái, sơ sài theo quan niệm: tên xấu dễ nuôi. Chính vì thế, chúng ta chỉ có thể
bắt gặp những cái tên quê mùa, dân dã trong tác phẩm này như việc tác giả đã mượn
tên các dụng cụ sản xuất nông nghiệp để đặt cho nhân vật của mình (Tràng, Đục)
hay đơn giản dựa vào ngôi thứ trong gia đình như: bà cụ Tứ.
Đặc biệt, có thể nói rằng Kim Lân đã làm giàu cho kho từ vựng của dân tộc
với tên gọi mới lạ: vợ nhặt. Tên gọi ấy vừa gợi lên sự nghèo khó, thê thảm, vừa như
tước mất vị thế của một con người. Gắn với câu chuyện thì cái tên đó lại lấp lánh
bao cảm xúc, chất chứa bao trăn trở của nhà văn về kiếp người trong xã hội cũ. Thị

45
- người đàn bà được Tràng nhặt về làm vợ là một nhân vật không được Kim Lân đặt
tên nhưng lại là nhân vật làm nên câu chuyện kì diệu về sự thay đổi số phận của một
con người có cảnh ngộ như Tràng trong tác phẩm. Người đàn bà không tên này là
cũng chính là hiện thân rõ rệt nhất của cái đói mà Kim Lân phản ánh trong Vợ nhặt.
Không phải là nhà văn nghèo ngôn ngữ đến độ không thể đặt cho thị một cái tên mà
bởi vì thị là cánh bèo nổi trôi trong nạn đói, là cành củi khô trôi dạt vào cuộc đời
Tràng, là người đàn bà vô danh. Từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật này chỉ được
gọi là “cô ả”, “thị”, “người đàn bà”, “nàng dâu mới”, “nhà tôi”.
Chúng ta có thể nhận thấy tên nhân vật trong Vợ nhặt thường là những từ
ngữ trúc trắc, khó đọc. Nhà văn Kim Lân không đặt tên cho nhân vật của mình một
cách vu vơ, ngẫu hứng. Những tên gọi ấy khơi gợi sự phỏng đoán, liên tưởng của
người đọc, tạo ấn tượng ban đầu về hệ thống tên nhân vật rất quê mùa dân dã nhưng
cũng tiềm tang những uẩn khúc, những éo le của một cuộc đời, một số phận không
thuận buồm xuôi gió.
2.1.4.3.2. Miêu tả ngoại hình nhân vật
Nếu nhân vật của tiểu thuyết là một “thế giới” thì nhân vật của truyện ngắn
chỉ là một “khoảnh khắc”. Vì thế, việc miêu tả ngoại hình nhân vật của truyện ngắn
thường chỉ khắc sâu vào chi tiết đắt giá để làm nổi rõ điều này. Nhà văn Kim Lân
cũng đã xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt của mình theo cách đó.
- Nhân vật Tràng
Tràng – nhân vật trung tâm của Vợ nhặt không phải là một kì công của tạo
hóa, Kim Lân đẽo gọt chân dung nhân vật khá sơ sài. Đó là một người đàn ông lao
động xấu xí, thô kệch và ngờ nghệch: “Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt
nhỏ tý, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho
cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lý thú,
vừa dữ tợn”. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã từng nhận xét sở trường của nhà
văn Kim Lân trong tạo dựng nhân vật rằng: “Kim Lân là nhà văn của lớp người đầu
thừa đuôi thẹo”.
Kim Lân cho người đọc tiếp cận với chân dung Tràng ngay ở những trang
đầu của phần trích giảng với gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười
“tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện trên nền cảnh “tối
sầm lại vì đói khát” của xóm ngụ cư. Khi xây dựng ngoại hình của Tràng, nhà văn

46
Kim Lân đã cố tình tạo nên những chi tiết gợi nên sự tò mò cho người đọc về bản
chất tâm hồn bên trong cái vỏ bọc hình thức, về những diến biến thay đổi kì diệu
trong con người nhân vật này.
- Nhân vật người vợ nhặt
Khi miêu tả nhân vật thị - người vợ nhặt, tác giả đã dành cho thị những hình
ảnh tả tơi kém hấp dẫn nhất. Thị là người phụ nữ gầy vêu vao: “áo quần tả tơi như
tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”. Có thể
nói, cái đói đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp lại càng nhếch nhác, tội nghiệp
hơn nữa. Có lẽ, tác giả đã chủ tâm “dìm” ngoại hình thị như vậy để đánh lạc hướng
độc giả của mình và tạo ra một tình huống nhặt vợ “độc nhất vô nhị”. Đây cũng là
cách tác giả đưa người đọc tới với những bất ngờ phía sau của câu chuyện, tới với
vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn đang tạm bị che giấu sau hình hài, dáng vẻ nhếch nhác, dơ
dáy ấy.
Lần đầu, Tràng gặp thị ở kho thóc và thị chính là người “ton ton chạy lại đẩy
xe cho Tràng”. Chỉ với từ láy “ton ton” Kim Lân đã cho tấy đó là một người đàn bà
hoạt bát và vào thời điểm đó, cái đói vẫn chưa lấy đi hết sinh khí của thị. Thị vẫn
còn “cười tít” rất “tình tứ” với Tràng.
Lần thứ hai, gặp lại Tràng, thị thay đổi hẳn khiến Tràng không thể nhân ra
ngay: “Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở
đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa”. Hai từ láy “sầm sập’,
“sưng sỉa” miêu tả thật ấn tượng hành động và thái độ của người đàn bà để vẽ
nên một chân dung khác của thị. Chân dung của người đàn bà đã bị cái đói lấy đi
hoàn toàn vẻ nữ tính vốn có. Tiếp đó, Kim Lân dùng hai từ “tả tơi” và “xám xịt”
để tô đậm cái dáng vẻ tiều tụy, xơ xác vì thiếu ăn của thị nhưng ông vẫn ý thức
giữ lại cái vẻ “cong cớn” rất đanh đá khi nghĩ rằng Tràng quên lời hứa cho “ăn
cơm trắng mấy giò” để trả công đẩy xe cho Tràng lần gặp trước.
Khi diễn tả ngoại hình của người đàn bà này lần đầu trở thành cô dâu, Kim
Lân đã lại chọn những từ láy rất thích hợp: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi
xuống, cái nón rách cà tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón
rén, e thẹn”. Rõ là những biểu hiện rất ngượng ngùng, e lệ và có vẻ sợ sệt của nàng
dâu mới về nhà chồng.
Độc giả có thể nhận thấy rõ nét điểm đặc biệt trong nghệ thuật miêu tả chân
dung nhân vật truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân là ông khá chú tâm vào miêu tả

47
khuôn mặt nhân vật. Thông qua đó, tác giả chủ đích để người đọc suy đoán những
phần tính cách, tâm trạng nhân vật thông qua những nét biểu lộ ấy.
- Nhân vật bà cụ Tứ
Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở giữa phần trích, sau sự kiện Tràng đưa người
vợ nhặt về nhà. Bà cụ xuất hiện trong sự mong mỏi và nôn nóng của Tràng: “Ngoài
ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào.
Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Những từ láy “húng hắng”,
“lọng khọng”, “lẩm bẩm” đã làm toát lên hình ảnh một bà mẹ nghèo tội nghiệp
trong ngày đói. Nó gợi ra cái vẻ tiều tụy, gầy guộc và luôn trong trạng thái lo lắng
với những toan tính tủn mủn của bà lão giữa cái đời sống khốn khổ mà hai mẹ con
bà đang phải gồng mình lên để chèo chống qua ngày.
Trước thái độ xởi lởi, nôn nóng bất thường kèm theo lời trách móc của con
trai, bà lão chỉ “nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi: – Có việc gì thế
vậy?”. Hai từ “nhấp nháy”, “chậm chạp” đã đủ gợi lên hình ảnh một bà lão thôn quê
lọm khọm và già yếu. Khi Tràng bảo: “Thì u cứ hẵng vào trong nhà đã nào” thì “bà
lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”. Từ “phấp phỏng” diễn tả những
bước đi không vững chãi. Tiếp đó, khi thấy có người đàn bà lạ đứng ở đầu giường
thằng con trai mình, bà lão “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn” để nhìn kĩ người đàn
bà lạ đó thì dấu hiệu tuổi tác lại càng hiện rõ nét hơn. Buổi sáng sau hôm Tràng có
vợ thật đặc biệt đối với ngôi nhà và tất cả các thành viên trong gia đình Tràng. Hình
ảnh mới của bà cụ Tứ được Kim Lân diễn tả ngắn gọn trong bốn từ láy “nhẹ nhõm”,
“tươi tỉnh”, “rạng rỡ”, “xăm xắn”: “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác
ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Từ “bủng beo’ được
đặt trong sự đối sánh với bốn từ trên là cách để Kim Lân vẽ lên chân dung của một
người mẹ hạnh phúc.
Kim Lân đã thực sự thành công khi làm hiện lên chân dung bà cụ Tứ với tất
cả những biểu hiện rất chân thực về một người mẹ nghèo khổ, tội nghiệp trước niềm
hạnh phúc lớn lao mà bà bất ngờ được đón nhận. Người đọc khó mà quên được
dáng đi “lọng khọng”, tiếng ho “húng hắng”, đôi mắt “hấp háy”, cái nhìn “đăm
đăm”, khuôn mặt “nhẹ nhõm tươi tỉnh”… khi nhắc đến nhân vật này của Kim Lân.
Có thể khẳng định, với truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã tạo dựng cho mình
một chỗ đứng bền lâu trong lòng người đọc bởi truyện đặt ra một vấn đề mang tính

48
nhân văn sâu sắc và chuyển tải vấn đề ấy bằng một giọng văn hóm hỉnh, nhẹ nhàng;
bởi cách thể hiện chân dung các nhân vật. Kim Lân đã xây dựng được trong Vợ
nhặt một thế giới nhân vật có tính cách, số phận riêng khá độc đáo. Những nhân vật
trong truyện ngắn Kim Lân luôn mang đến cho người đọc những day dứt, ám ảnh
sau khi đọc xong tác phẩm. Mặc dù Tràng, Thị và bà cụ Tứ hay những người dân
trong xóm ngụ cư đều là những nhân vật bình thường, không có gì xuất chúng hay
siêu phàm nhưng họ đều không hề tầm thường, họ luôn ẩn chứa bên ngoài cái vỏ
héo hon, ngây ngô, già nua của mình một tâm hồn cao thượng, đức hi sinh, bao
dung và nhân hậu.
Xây dựng nhân vật là một quá trình tìm tòi và sáng tạo. Mỗi nhà văn đều có
những thủ pháp xây dựng riêng biệt mang đậm cá tính sáng tạo của mình. Để xây
dựng nên một thế giới nhân vật sống động trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim
Lân đã phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, không chấp nhận những
lối mòn trong sáng tác. Nhà văn tài hoa này luôn dấn thân để thử sức sáng tạo, tìm
ra cho mình sự mới mẻ độc đáo.
2.1.5. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật
2.1.5.1. Không gian nghệ thuật
Truyện ngắn Vợ nhặt được xây dựng trên không gian bối cảnh của một xã
hội đói nghèo, loạn lạc ở Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Trên cái nền không gian ấy, không khí của cái đói, cái chết bao trùm khiến người ta
phải hãi hùng và số phận con người cũng thật bi thảm. Đó là hình ảnh của những
gia đình “lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm
ngổn ngang khắp lều chợ”, của xóm chợ về chiều “xơ xác, heo hút”, của các dãy
phố “úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa”. Đó là âm thanh “thê thiết” của
đàn quạ trên cây gạo ngoài bãi chợ, là tiếng bàn tán thì thầm của người dân xóm
ngụ cư. Đó là “mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, là vị “đắng
chát” của bát cháo cám… Không gian ấy có thể cảm nhận từ nhiều giác quan với
những hình ảnh đầy ám ảnh, những âm thanh thê thiết, mùi ẩm mốc, hôi thối,…
Từ cái bối cảnh xã hội ấy, Kim Lân cũng khéo léo lồng ghép một không gian
bối cảnh thiên nhiên ảm đạm: “Trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt
người thì Tràng đi làm về”. Trong không gian của bóng chiều nhá nhem tối sầm ấy,
một xóm ngụ cư tồi tàn được nhà văn tập trung khắc họa: ngã tư xóm chợ về chiều

49
xác xơ, heo hút, gió từ đồng thổi vào ngăn ngắt. Không gian buổi chiều vốn đã đủ
gợi nên một nỗi buồn man mác nhưng không gian chiều muộn trong Vợ nhặt thì
thật sự tối tăm, nặng nề, thê lương và buồn thảm khủng khiếp.
Bên cạnh không gian xóm ngụ cư tồi tàn là không gian phố huyện nơi Tràng
và thị gặp nhau: “Hai bên dãy phố úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa”.
Đây là nơi hàng ngày Tràng đẩy xe thóc lên phố huyện còn thị cùng bao người khác
ngồi chờ đợi, hi vọng ai đó thuê làm việc kiếm tiền sinh nhai. Ở không gian phố
huyện này, còn có một không gian nhỏ hơn đó là không gian quán bánh đúc –
nơi gợi lên cái ngặt nghèo của nạn đói năm ấy với hình ảnh thị quên cả sĩ diện
mà sẵn sàng vào quán cùng Tràng rồi ăn “một chặp” 4 bát bánh đúc. Đây cũng
chính là không gian cuộc giao kèo giữa Tràng và thị trở nên có hiệu lực: thị
chính thức ngầm đồng ý theo không về làm vợ Tràng.
Những gam màu mà tác giả sử dụng tạo nên không gian bối cảnh tác phẩm là
những gam màu lạnh với những ngôi nhà “tối om”, với những mặt người “xanh
xám”. Nó góp phần tô đậm thêm sự thảm hại của năm đói ấy.
Tác giả Kim Lân đã thật khéo léo khi dồn nén không gian ấy vào trong hành
trình đi tìm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo.
Bên cạnh không khí u ám ấy, là không khí gia đình yêu thương, bao dung và
đùm bọc lẫn nhau tại ngôi nhà lúp xúp của Tràng. Ấy là dòng nước mắt lo âu, là
những lời từ tốn, thân mật của bà cụ Tứ, là cái tương lai vui vẻ, sung sướng bà hé
gợi ra với một đàn gà con trong nay mai, “cái mặt bủng beo” của bà trở nên rạng rỡ
hẳn lên… Ấy là niềm “vui sướng”, phấn chấn ngập tràn trong lòng Tràng và ý thức
về bổn phận và trách nhiệm của mình. Ấy là sự “hiền hậu, đúng mực” khác hẳn với
vẻ chao chát, chỏng lỏn ban đầu của nàng dâu mới. Những con người ấy dù đang
phải sống trong cảnh tối tăm, u ám nhưng họ vẫn luôn hướng về ánh sáng, về tương
lai tươi đẹp. Họ tự tạo ra nguồn sáng, nguồn hạnh phúc cho chính mình để tiếp tục
tồn tại và vươn lên trong bóng tối. Bắt đầu từ những suy nghĩ ấy, họ thay đổi hoàn
cảnh của chính mình, tô thêm một gam màu tươi sáng vào bầu không khí âm u, ảm
đạm đang bao quanh. “Ánh sáng buổi sáng mùa hè sáng lóa”, “Nhà cửa, sân vườn
hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách
như tổ đỉa… đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới
gốc cây ổi đã kín nước đầy ăm ắp…”. “Người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ

50
nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”.
Không gian không còn ngập tràn bóng ma như trước mà trở nên rạng rỡ hơn hẳn.
Chính điều đó đã tạo nên một nét mới cho không khí của truyện. Nỗi ám ảnh về cái
đói, cái chết dường như đã tạm lắng lại để nhường chỗ cho hi vọng cuộc sống, cho
một gia đình an ổn và yên bình.
Không gian nghệ thuật chính là điểm nhấn đặc sắc trong truyện ngắn Vợ
nhặt của Kim Lân. Qua ngòi bút kể tả sinh động của nhà văn, người đọc có thể hình
dung được cái thê thảm của làng quê Việt Nam những năm chiến tranh đói nghèo
cũng như hình dung về những con người Việt Nam năm ấy đầy ắp tình yêu thương,
mạnh mẽ vươn đến sự sống và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Đó chính là hiện
thực mà cũng là tư tưởng Kim Lân muốn chia sẻ với bạn đọc.
2.1.5.2. Thời gian nghệ thuật
Trong các sáng tác truyện ngắn của Kim Lân, yếu tố thời gian được sử dụng
như một phương tiện nghệ thuật độc đáo nhằm chuyển tải tư tưởng nội dung của tác
phẩm và ý đồ nghệ thuật của nhà văn góp phần làm nên phong cách nghệ thuật của
Kim Lân.
Thời gian trong tác phẩm Vợ nhặt là thời gian của quá khứ - hiện tại tương
lai theo trình tự tuyến tính:
- Quá khứ: đẩy xe gạo lên tỉnh, mỗi lần qua nhà kho lại thấy mấy chị con gái
ngồi vêu ra ở đấy, hắn thường hò một câu cho đỡ nhọc, cũng chẳng chủ tâm chòng
ghẹo cô nào, hắn quen Thị. Đến lần thứ hai, hắn đãi thị ăn bốn bát bánh đúc, lại tình
cờ “nhặt” được thị về.
- Hiện tại: đưa nhau về nhà giữa cái cảnh cái đói tràn vào khắp nơi giống như
bóng tối cuối ngày chuẩn bị che lấp khắp bầu trời, chẳng biết có thấy ánh sáng của
ngày mai.
- Tương lai: đói khổ, khó khăn và hình ảnh lá cờ khởi nghĩa mang hi vọng
cho người nông dân nghèo. “Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người
nghèo kéo nhau ầm ầm đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”, “nghe láng
máng người ta nói họ là Việt Minh đấy”. Ánh sáng của cách mạng mặc dù chưa rõ
ràng nhưng đã bắt đầu xuất hiện, đem đến viễn cảnh mới cho những con người may
mắn còn sống sót qua cơn đói và đang đối mặt với cái chết từng ngày.

51
Thông qua khảo sát yếu tố thời gian trong truyện ngắn Vợ nhặt, người viết
nhận thấy thời gian nghệ thuật của tác phẩm này được thể hiện chủ yếu trên ba bình
diện: Thời gian sự kiện, thời gian sinh hoạt và thời gian tâm lý.
2.1.5.2.1. Thời gian sự kiện trong truyện ngắn Vợ nhặt Kim Lân
Thời gian sự kiện là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ trước sau, nhân
quả. Thời gian sự kiện có thể được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Trong
thời gian sự kiện, người ta có thể chia ra làm hai lớp: Thời gian tiền sử và thời gian
truyện.
Thời gian câu chuyện diễn ra trong truyện ngắn Vợ nhặt đưa người đọc quay
lại với quá khứ đau thương của nạn đói năm 1945 thật thảm khốc, bi thương và u
ám.
Trong Vợ nhặt, thời gian của truyện mở ra trong một buổi chiều chạng vạng
mặt người và khép lại trong một buổi sáng bình minh. Trong khoảng thời gian nghệ
thuật khá ngắn ngủi ấy đã có biết bao câu chuyện xảy ra, bao số phận được phơi
bày. Cụ thể, thời gian câu chuyện trong tác phẩm đi từ thời gian của một buổi chiều
muộn không xác định ngày tháng khi nhân vật Tràng dẫn Thị về trên con đường vào
xóm ngụ cư trong sự tò mò của người dân.
- Buổi tối trong căn nhà tồi tàn của Tràng. Người thanh niên ấy đã quên hết
tất cả sự đời để tận hưởng niềm hạnh phúc ấm áp bé nhỏ từ người vợ mới của mình.
- Thời gian buổi sáng sau đêm “tân hôn” của Tràng và thị, mọi thứ dường
như đều rất mới mẻ. Tràng vui vẻ, phấn khởi hơn ngày thường, thị thì dường như
thay đổi thành một con người khác còn bà cụ Tứ thì đón tiếp nàng dâu nồng hậu với
nồi chè khoán mặn chát, nghẹn ứ và hi vọng cho một tương lai đỡ vất vả hơn. Cũng
trong buổi sáng hôm ấy, trong tiếng trống thúc thuế, Tràng đã mơ tưởng đến một
đám người đói, kho thóc của Nhật và những lá cờ đỏ sao vàng.
Nhà văn dẫn dắt người đọc đi từ cái tăm tối đến cái le lói hi vọng và kết thúc
câu chuyện tại thời điểm đó. Điều đó giúp người đọc phần nào hiểu được những dụ
ý nghệ thuật sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và số phận của các nhân vật cũng như
những giá trị nhân văn cao đẹp luôn hướng đến tương lai tươi sáng của tác giả. Thời
gian nghệ thuật như nhân chứng cho những số phận của các nhân vật, qua đó nhà
văn Kim Lân gửi gắm những tình cảm yêu thương và trân trọng của mình trước
những cảnh đời nhỏ bé và lầm than.
2.1.5.2.2. Thời gian tâm lý trong Vợ nhặt

52
Thời gian tâm lý là hành động của dòng hồi ức, hay dòng ý thức cùng những
biến động tâm lý của nhân vật. Nó dẫn tới hai kết quả, hoặc là cảnh vật thay đổi
nhuốm màu sắc tâm lý nhân vật hoặc là dòng hồi ức đưa chúng ta về quá khứ của
nhân vật với một khoảng thời gian nhất định nào đó.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, thời gian tâm lý thể hiện rất rõ qua diễn biến
tâm lý của các nhân vật Tràng, Thị và bà cụ Tứ.
Đối với nhân vật Tràng, từ tình huống Tràng nhặt được vợ trong cảnh nạn
đói năm 1945, người đọc có thể thấy rõ diễn biến tâm lý nhân vật này thay đổi theo
chiều hướng tích cực trong thời gian của truyện. Từ tâm lý lo lắng trên đường Tràng
dẫn Thị về trong buổi chiều xẩm tối với miên man những suy nghĩ “thóc gạo này
đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”, Tràng đã tặc
lưỡi “Chậc, kệ!” để đến với một quyết định liều lĩnh nhưng ấm áp tình người. Trong
khoảng thời gian ấy, bên cạnh cái lo đói nghèo, Tràng còn cảm thấy mới mẻ và
hạnh phúc. Và người đàn ông ấy muốn được tận hưởng cảm xúc ngọt ngào ấy,
buông bỏ mọi sự tính toán, lo toan ngày thường. Đó có thể gọi là khoảnh khắc thời
gian tuyệt vời nhất trong đời Tràng – khoảnh khắc yêu thương và muốn được yêu
thương mà Tràng chưa từng được tận hưởng.
Sự thay đổi tâm lý theo diễn tiến của thời gian cũng thể hiện rõ ở nhân vật
người vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ. Thời gian khi mới gặp Tràng, thị còn là một
người phụ nữ cong cớn, một người không biết ngại ngùng thì khoảng thời gian cùng
Tràng đi về nhà trên con đường xẩm tối vào xóm ngụ cư đã khiến cho thị dần thay
đổi. Thị bẽn lẽn, thị xấu hổ cúi đầu khép nép bước phía sau Tràng. Khi mới ban đầu
bước vào căn nhà rúm ró, rách nát của Tràng, thị không giấu nổi tiếng thở dài cố
nén từ “cái ngực gầy lép nhô hẳn lên”. Tiếng thở dài ấy có thể là do thị ngại ngùng,
thị chưa thích nghi với hoàn cảnh mới này hoặc giả cũng có thể là nỗi lo lắng cho
tương lai. Tuy nhiên, những nét tâm lý ấy dường như đã hoàn toàn biến đổi mà
ngay đến Tràng cũng phải ngạc nhiên vào buổi sáng hôm sau: “Tràng nom cô ta
hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì
chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.
Như vậy, nếu như câu chuyện trong truyện ngắn Vợ nhặt mở ra với thời gian
u ám đi cùng hình ảnh chàng trai nghèo khổ, thô kệch bước thấp bước cao trên con
đường khẳng khiu dưới ánh chiều tàn của một cuộc sống tăm tối dường như tẻ nhạt,

53
bế tắc tới mức không có lối thoát thì kết thúc của truyện ngắn lại diễn ra trong thời
gian buổi sáng với ánh nắng chói lòa khi chàng trai ấy đã có một gia đình đầm ấm,
một tia hi vọng nhen nhóm cho tương lai với hình ảnh “phá kho thóc Nhật”, “lá cờ
đỏ sao vàng bay phấp phới”. Ngay lúc này, trong tâm lý nhân vật đã có sự thay đổi
nhận thức thôi thúc họ từ bỏ sự cam chịu, đi đến đấu tranh để giành lấy cho mình
một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
2.1.5.2.3. Thời gian sinh hoạt trong truyện ngắn Vợ nhặt
Thời gian sinh hoạt là thời gian con người thực hiện các hoạt động sống
như: thời gian đi ngủ, thời gian ăn uống, thời gian làm việc hoặc đi chơi,… Đi
sâu vào thời gian này, người ta sẽ hiểu được trạng thái sống và tồn tại của con
người.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã miêu tả những khoảnh
khắc sinh hoạt đời thường của các nhân vật một cách sinh động. Cụ thể là thời gian
sinh hoạt buổi tối trong căn nhà của Tràng trong đêm thị về ở, thời gian bữa ăn diễn
ra vào buổi sáng đầu tiên khi thị trở thành vợ Tràng. Mọi chi tiết sinh hoạt đều được
nhà văn Kim Lân khá tỉ mỉ, chi tiết và chân thực trong khoảng thời gian diễn ra
những hoạt động thường nhật. Từ đó làm nổi bật lên sự thay đổi trong diễn biến tâm
lý nhân vật, trong hoàn cảnh sống của nhân vật. Cũng là một buổi tối ảm đạm nhưng
có thị, Tràng cảm thấy phấn khởi hơn, thích thú hơn. Anh chàng còn “đầu tư” của
một ít dầu thắp để căn nhà trở nên sáng sủa hơn. Khi thấy con trai đánh diêm đốt đèn,
bà cụ Tứ vội vàng lau nước mắt, ngửng lên nói như reo: "Có đèn đây à? ừ thắp lên
một tí cho sáng sủa...”. Chắc hẳn đã lâu lắm rồi căn nhà lụp xụp rách rưới của hai mẹ
con bà Tứ không có ánh đèn, hai mẹ con sống lủi thủi, âm thầm, hết kiếm ăn ban
ngày ở đầu đường góc chợ, đêm về nhà vật mình xuống vì mệt nhọc, chẳng cần đèn
đóm, chuyện trò. Nay nhà có người mới, con trai có vợ mới, mẹ già có nàng dâu mới,
mọi thứ sinh hoạt buổi tối ấy dường như sẽ có sự thay đổi.
Bên cạnh thời gian buổi tối ấy, bữa ăn sáng cũng vẫn diễn ra như mọi ngày,
nhưng hôm nay có thị, mọi thứ có vẻ trở nên tươm tất hơn: Nhà cửa, sân vườn được
quét tước thu dọn sạch sẽ gọn gàng; mấy chiếc quần áo rách như tổ đìa được đem ra
hong nắng; hai cái ang nước vẫn để khô cong, nước đầy ăm ắp; đống rác ngay lối đi
đã được hót sạch... Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham
nhở. Vợ Tràng đang quét sân, tiếng chổi kêu sàn sạt trên mặt đất... Tất cả như đang

54
đổi thay, mới mẻ. Một nguồn sống mới, vui sướng, ngọt ngào của hạnh phúc gia
đình trỗi dậy. Vì thế bữa cơm thảm hại của ngày đói - có độc một lùm rau chuối thái
rối và một đĩa muối ăn với cháo loãng vẫn diễn ra vui vẻ, ngon lành. Bà cụ Tứ còn
chiêu đãi hai con nồi chè khoán “ngon đáo để”.
Từ những khoảnh khắc thời gian sinh hoạt thường nhật ấy, nhà văn đã
giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống của những con người nông dân
nghèo khổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ - nơi mảnh đất còn đầy gian khổ trong nỗi
lo toan cơm áo gạo tiền nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn cao đẹp.
2.1.6. Điểm nhìn trần thuật
Điểm nhìn trần thuật là vị trí, khoảng cách, góc độ mà chủ thể trần thuật
dùng để quan sát đối tượng trần thuật. Trong quan hệ giữa chủ thể trần thuật với
người đọc thì chủ thể trần thuật được coi là người đưa đường và dẫn dắt người đọc
thâm nhập vào tác phẩm thông qua các diễn biến, xung đột, thắt nút, mở nút của các
sự kiện đời sống.
Phản ánh hiện thực từ ống kính khách quan, nhà văn Kim Lân đã thực sự
“cắt lấy một đoạn” từ bức tranh đời sống rộng lớn mà đưa lên trang giấy để người
đọc cùng nhận thức và suy nghĩ. Kim Lân dùng điểm nhìn khách quan để mô tả cái
đói khiến người ta phải rùng mình khiếp sợ mỗi khi liên tưởng đến: “Cái đói đã
tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình,
đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm
ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người
trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên
đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.
- Điểm nhìn của người kể chuyện: cái nhìn khách quan, toàn tri
Viết Vợ nhặt, Kim Lân đã lựa chọn hình thức kể chuyện truyền thống –kể
theo ngôi thứ ba. Đây là hình thức người kể chuyện giấu mặt, coi như đứng ở một vị
trí nào đó trong không gian và thời gian, bao quát hết mọi diễn biến của câu chuyện
đã xảy ra trọn vẹn và thuật lại với người đọc. Với điểm nhìn zero ở ngôi kể này,
người kể chuyện là người thâu tóm toàn bộ câu chuyện, là người khách quan kể lại
câu chuyện nhưng vẫn dẫn dắt người đọc, chỉ dẫn cho người đọc thấy sự biển
chuyển trong diễn biến tâm lý của cả ba nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ

55
thông qua việc kể, tả ngoại hình, cách nói chuyện, hành động và thậm chí là cả suy
nghĩ riêng tư diễn ra trong đầu nhân vật với các đoạn độc thoại nội tâm.
Sự độc đáo trong điểm nhìn trần thuật của Vợ nhặt trước hết tạo nên bởi
điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện. Điểm nhìn bên ngoài đã tạo ra tính
khách quan tối đa cho trần thuật. Các sự kiện diễn ra tự nhiên như cuộc đời vốn thế,
nó giúp nhà văn bao quát nhiều phương diện và góc độ của hiện thực cuộc sống.
Người kể chuyện ẩn mình để câu chuyện được kể đạt mức độ khách quan cao nhất:
cho phép người kể chuyện đứng từ bên ngoài quan sát truyện thuật lại sự việc bằng
một cái nhìn khách quan, thâu tóm các sự kiện tình tiết, thúc đẩy diễn biến các tình
tiết của truyện phát triển. Điểm trung tâm trong sơ đồ cốt truyện là sự kiện anh
Tràng nhặt được vợ giữa bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang ở giai đoạn
kinh hoàng nhất. Từ sự kiện quan trọng này, các nhân vật khác lần lượt bước vào
tác phẩm để tạo thành một bức tranh đời sống trước mặt người đọc.
Mở đầu truyện, nhà văn Kim Lân miêu tả ngay vào cái không khí ảm đạm
với màu sắc xanh xám của xác chết, bóng ma. Cái đói đã tràn về khắp các ngõ
ngách. Không khí vẩn lên mùi xác chết. Trong hoàn cảnh ấy lại hiện lên một sự bất
thường, đó là việc anh cu Tràng dẫn theo một người đàn bà lạ mặt về với nụ cười
trên môi. Tràng được miêu tả với những đường nét thô kệch, với một sự đẽo gọt sơ
sài của tạo hóa: hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm
bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính
những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Đã thế Tràng lại là
một dân ngụ cư trôi dạt từ nơi đói khát, khổ sở nào đó để về cái vẻo đất dưới bến
này tìm kế mưu sinh nuôi mẹ già đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Trong quan niệm,
trước đây ngụ cư là một lí lịch không được chấp nhận để người có mặt trong sinh
hoạt nơi cộng đồng làng xã. Vậy mà Tràng lấy được vợ mà thậm chí là cho không
chỉ sau hai lần gặp và bốn bát bánh đúc, một câu hò nữa đùa nữa thật “muốn ăn cơm
trắng với giò này, thì đẩy xe bò với anh, nì”.
Chữ “nhặt” trong “Vợ nhặt” không phải là “nhặt” như chúng ta đã nhầm
tưởng. Nếu chỉ đọc nhan đề mà chưa tiếp cận với nội dung tác phẩm. Đây là một kết
hợp từ rất đặc biệt. Nói như Kim Lân “nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ”. Như vậy
‘nhặt” trong “Vợ nhặt” là một vật vì cái đói nó đã đẩy con người đến những tình
huống bi hài kịch: mạng người trở nên rẻ rúng, có thể nhặt được như người ta nhặt

56
bất cứ thứ gì. Phải đặt vào quan niệm truyền thống nhân vật “coi người ta là hoa
đất”, coi việc dựng vợ gả chồng là đại sự, người đọc mới thấy được “vợ nhặt” theo
kiểu bi đát như thế nào? Song người ta dắt nhau về không phải chỉ vì đói khổ, cần
có một chốn nương thân, thẳm sâu trong câu chuyện là khao khát về một mái ấm gia
đình, tình yêu thương đùm bọc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người
dân lao động. Cái đói là ghê gớm nhưng đằng sau cái đói Kim Lân muốn gửi gắm
tới người đọc một thông điệp: “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà
chỉ nghĩ đến con đường sống”. Dù ở tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết
vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, hi vọng ở
tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người. Đó chính là chiều sâu nhân bản của
con người.
Nhìn từ bên ngoài, người kể chuyện lặng lẽ đứng vào một góc để quan sát và
kể lại chuyện với sự kiện và con người như vốn có. Nhưng đằng sau những câu văn
khách quan ấy lại ẩn chứa nỗi lòng đau đáu của Kim Lân như muốn chia sẻ với
nhân vật của mình, thương cảm cho những số phận và đặc biệt càng thêm trân trọng
những con người đó.
- Điểm nhìn nhân vật
Một điểm thú vị trong Vợ nhặt là sự di chuyển điểm nhìn trong tác phẩm: Từ
người kể chuyện vào nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong.
Điểm nhìn người kể chuyện đã hòa trộn vào điểm nhìn nhân vật, dịch chuyển từ bên
ngoài vào bên trong để dễ dàng phát hiện ra những tâm tư ẩn kín trong tâm hồn
nhân vật.
Thứ nhất, điểm nhìn bà cụ Tứ: Đọc tác phẩm Vợ nhặt người đọc nhận ra
được tình mẹ lớn lao qua cái nhìn của tác giả. Lần đầu tiên Kim Lân để người đọc
tiếp xúc với bà cụ Tứ qua dáng vẻ “lọng khọng đi vào ngõ. Bà lão vừa đi vừa lẩm
bẩm tính toán gì trong miệng”. Bà cụ trở về nhà, đến giữa sân thấy một người phụ
nữ đang ngồi ở đầu giường con mình, bà ngạc nhiên đến sững sờ, bao nhiêu câu hỏi
dồn về đầy băn khoăn “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người
đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình
bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ
nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn
bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào”. Làm sao bà có thể ngờ được giữa cái

57
cảnh đói quay, đói quắt nhà đã nghèo con mình lại còn xấu trai, ế vợ, tự dưng dẫn
một người đàn bà xa lạ về làm vợ? “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng
người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương
cho số kiếp đứa con mình”. Mừng là từ nay con bà đã có vợ, nhưng đằng sau sự vui
mừng ấy là một nỗi buồn tủi. Đó là nỗi buồn của một người mẹ đã không tự lo liệu
được chuyện lấy vợ cho con. Đó còn là cái tủi của một người mẹ đã để cho con
mình lấy vợ theo cách: không cưới xin, không dạm hỏi. Đó là cái tủi của một người
mẹ nghèo.
Càng xót xa tủi phận bà cụ Tứ càng thương con trai: “Chao ôi, người ta dựng
vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái
mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng
nước mắt...”. Dường như đây là những giọt nước mắt từ trái tim người mẹ đang run
lên những nỗi đau đớn, xót xa, ai oán, tủi cực, thương cảm. Việc trọng đại nhất của
đời con lẽ ra phải “làm được dăm ba mâm cơm thì phải đấy, nhưng nhà mình
nghèo” nên điều đó cũng chỉ nằm trong mo ước của cụ mà thôi. Từ chỗ tủi phận
mình, thương con trai, bà cụ lại càng thương con dâu. Bà lão nhìn người đàn bà
lòng đầy thương xót, bà nhẹ nhàng nói với nàng dâu mới: “Ừ, thôi thì các con đã
phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Hai chữ “mừng lòng” chứ không
phải là “vui lòng”, “bằng lòng”, thể hiện sự đón nhận người con dâu mới với tất cả
sự chủ động, tự nguyện trong bối cảnh nhà sắp chết đói. Nó ẩn chứa biết bao sự
thân thương, trìu mến, vị tha và nhân ái. Chỉ một câu nói ấy thôi đã trút đi gánh
nặng thấp thỏm, lo âu của con trai bà. Câu nói ấy đã làm cho cuộc hôn nhân giữa
Tràng và vợ nhặt không còn là chuyện nhặt nhau giữa đường, giữa chợ. Nó cũng
bình đẳng đẹp đẽ như tất cả các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy xưa nay. Cách nói
giản dị chan chứa tình người của bà cụ quê mùa ấy đã làm ấm lòng những số phận
tội nghiệp.
Bà cụ Tứ khi biết con mình đã có vợ bà từ ngạc nhiên đến sững sờ, lo lắng
cho tương lai hạnh phúc của các con song bà vẫn gieo vò các con lòng hi vọng, tin
tưởng vào tương lai tươi sáng. Sự biến đổi tâm trạng bà cụ Tứ thật phức tạp nhưng
hợp với quy luật cuộc sống. Kim Lân đã nhập vào nội tâm nhân vật, sống với những
vui buồn, thương cảm, lo âu của nhân vật bằng một trái tim nhân ái. Chính sự yêu
thương, sự hiểu biêt sâu sắc, sự trân trọng phẩm chất người nông dân lao động

58
không nghệ thuật “biện chứng” với tâm hồn của một nhà văn “một lòng đi về với
đất, với người, với cuộc sống thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” đã
giúp Kim Lân xây dựng được một cuộc sống chân thật, cảm động về người mẹ nông
dân Việt Nam nghèo khổ, cân cù, chịu thương, chịu khó, hi sinh tất cả vì con và lúc
nào cũng hướng tới cái thiện, hướng tới tương lai.
Thứ hai, điểm nhìn của Tràng: Tràng chỉ tình cờ nói đùa thành thật và bỗng
nhiên hắn có vợ. Lúc đầu Tràng thấy sợ vì thóc cao, gạo kém đến thế này, đến cái
thân mình chưa chắc nuôi nổi không lại còn đèo bồng, sau hắn lại tặc lưỡi kệ. Có lẽ
thẳm sâu trong tâm hồn nhân vật chính là niềm khao khát hạnh phúc về một mái ấm
gia đình vị vậy mà Tràng đã dũng cảm vượt lên cái đói, cái chết mà “đèo bồng”.
Hắn cười nụ, cười tủm tỉm một mình, ánh mắt long lanh khác thường. Gần hai mươi
lần trong tác phẩm nhà văn đã miêu tả gương mặt Tràng vui vẻ khi có vợ “Tràng
như quên hết những cảnh sống ê chề, tối tăm hàng ngày, quên cả cái đói khát đe
dọa chỉ còn tình người giữa hắn và người đàn bà đi bên cạnh”. Lần đầu tiên có vợ,
Kim Lân đã để cho nhân vật mình tự bộc lộ ra trạng thái của kẻ mới có vợ “hắn
chợt thấy sờ sợ” “chính hắn cũng không hiểu vì sao hắn sợ”, hắn đi ra đi vào ngóng
mẹ về, rồi hắn lại lén nhìn thị “Quái, sao nó buồn thế nhỉ?”. Sáng hôm sau Tràng
thấy mình như bước ra từ một giấc mơ, trong người “êm ái lửng lờ”. Tràng thấy:
“Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã
có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che
mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây
giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con
sau này.” Niềm vui ấy như tia nắng, như ánh bình minh đem sinh khi đến cho cuộc
sống vốn đang ngập tràn sự chết chóc của cái đói.
Thứ ba, sự gia tăng điểm nhìn với điểm nhìn từ lũ trẻ và dân xóm ngụ cư
trước sự kiện nhặt được vợ của Tràng trước hoàn cảnh cái đói hoành hành, cái chết
ập đến bất cứ lúc nào cũng có những suy nghĩ khác nhau. Lũ trẻ vốn vì cái đói mà
bấy lâu nay cũng chẳng buồn cười đùa, nay cũng xớn xác trêu đùa Tràng “Chông vợ
hài”. Còn những người khác “cũng có cái gì đó lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc
sống đói khát, tăm tối của họ”, họ bàn tán về cô dâu mới, rồi họ lại lo lắng “biết có
nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không” rồi họ nín thinh. Tình huống truyện được
soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau.

59
Với sự dịch chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong, từ nhân vật này sang nhân
vật khác, người trần thuật một mặt cố gắng tách mình ra khỏi diễn biến câu chuyện,
mặt khác khi cần thiết thì lại hòa mình vào những nhân vật để khai thác triệt để, phô
bày toàn bộ thế giới nội tâm con người. Việc thay đổi điểm nhìn tự sự như vậy sẽ
tạo cho câu chuyện có tính khách quan hơn, mạch truyện theo đó mà biến hoá hơn,
mở rộng khả năng bao quát, đánh giá của trần thuật, dễ dàng cuốn hút người đọc
vào câu chuyện... Bên cạnh đó, ở Vợ nhặt người đọc có thể nhận thấy giọng kể
chuyện đan xen vào giọng nhân vật, khi thì toàn quyền kể, tả, khi lại mờ đi như
nhường lời cho nhân vật:
“Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa
dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những
nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà
lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đưa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài
dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố
mẹ trước kia không?...”
Sự dịch chuyển điểm nhìn như vậy giúp cho câu chuyện bớt đi phần phiến
diện và có được cả chiều sâu tâm lý lẫn sự thông báo diễn biến bên ngoài cốt truyện.
Vợ nhặt đánh dấu sự trưởng thành của nhà văn trong việc phân tích diễn biến tâm
lý, nội tâm nhân vật ở góc độ điểm nhìn. Điều đó cũng góp phần làm cho tư tưởng,
chủ đề tác phẩm sinh động, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc.
Việc tìm hiểu điểm nhìn của người kể chuyện trong Vợ nhặt góp phần không
nhỏ vào việc khẳng định sự độc đáo, hấp dẫn trong nghệ thuật tự sự của tác phẩm:
Khi thì là điểm nhìn bên ngoài, lúc lại là điểm nhìn bên trong có khi lại là phối hợp,
di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong. Với cách tổ chức điểm nhìn của
người trần thuật như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ được tài năng của mình trong việc
kể chuyện, dẫn chuyện, và đặc biệt là khả năng thâm nhập sâu vào đời sống nội tâm
của nhân vật để phản ánh được cả những góc khuất của nó.
2.2. Tích cực hóa các phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận thi pháp
học đối với tác phẩm Vợ nhặt
2.2.1. Phương pháp diễn giảng
Dạy học tác phẩm Vợ nhặt theo hướng tiếp cận thi pháp học là một hướng đi
mới chứa đựng những khái niệm cần giải thích, những định nghĩa cần minh họa và

60
những mối quan hệ logic cần phân tích,… Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp diễn
giảng là phù hợp đối với hướng tiếp cận dạy học này.
Ngoài ra, diễn giải còn là phương pháp tiết kiệm được thời gian, có khả năng
trình bày tri thức một cách có hệ thống, kết hợp được tính logic và tính truyền cảm.
2.2.1.1. Bản chất của phương pháp diễn giảng
Diễn giảng (thuyết trình) là phương pháp được sử dụng phổ biến trong dạy
học sinh học ở phổ thông trung học. Đây là một phương pháp có tầm quan trọng và
được sử dụng phổ biến trong hình thức dạy học truyền thống cũng như hiện đại.
Đúng như lời nói của N.K.Krupxcaia: “Trong nhà trường tối tân nhất cũng không
được vất bỏ nó...”
Theo Phan Trọng Ngọ, diễn giảng là phương pháp giáo viên dùng lời và các
phương tiện phi ngôn ngữ khác để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó; tạo ra sự liên kết
giữa vấn đề đó với kinh nghiệm hiện có của người học, qua đó giúp người học lĩnh
hội được nó.
Thông qua diễn giảng, giáo viên trình bày những vấn đề có tính chất thời sự
phức tạp và mới mẻ trong thời gian ngắn, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm
của học sinh.
Tuy nhiên trong quá trình diễn giảng, học sinh dễ thụ động, thần kinh mệt mỏi,
càng về sau càng giảm sự chú ý của học sinh; khó cá biệt hóa việc dạy học và có thể xa
rời thực tế nếu không biết kết hợp với các phương pháp khác.
Như vậy, diễn giảng có vai trò chủ đạo trong một chừng mực nên đối với
việc dạy học, giáo viên cần biết kết hợp diễn giảng với những hình thức tổ chức dạy
học khác.
2.2.1.2. Áp dụng phương pháp diễn giảng trong dạy học tác phẩm Vợ nhặt
theo hướng thi pháp học
Để việc áp dụng phương pháp diễn giảng thành công trong dạy học tác phẩm
Vợ nhặt theo hướng thi pháp học, giáo viên cần thực hiện bài giảng theo quy trình
các bước một cách khoa học nhằm gợi mở và phát triển cho học sinh hiểu rõ các
khái niệm, các nội dung cần truyền đạt.
- Bước 1: Ðặt vấn đề để vào bài Vợ nhặt (SGK Ngữ văn 12, tập 2) của Kim
Lân ở dạng khái quát chung nhằm tạo sự chú ý đối với học sinh. Giáo viên có thể
đưa ra các liên hệ liên quan tới tác phẩm này như lịch sử nạn đói 1945 hay các vấn

61
đề đang diễn ra trong đời sống thực tế ở thời đại của học sinh có liên quan đến nội
dung truyện ngắn như vấn đề hôn nhân, vấn đề kinh tế, chính trị…
- Bước 2: Phát biểu vấn đề bằng những câu hỏi cụ thể vạch ra trọng tâm của
giảng Vợ nhặt nhằm tạo nhu cầu muốn hiểu biết của học sinh như:
+ Nhan đề truyện ngắn Vợ nhặt có gì đặc biệt? hoặc Nhan đề truyện ngắn
Vợ nhặt có ý nghĩa như thế nào?
+ Tình huống truyện Vợ nhặt độc đáo ở những điểm nào?
+ Kim Lân đã thành công như thế nào trong việc xây dựng các nhân vật
trong truyện ngắn Vợ nhặt?
+ Ngôn ngữ, giọng điệu của người kể chuyện và các nhân vật trong truyện
ngắn Vợ nhặt như thế nào?
+ Không gian, thời gian và điểm nhìn trong truyện ngắn Vợ nhặt có hiệu
quả như thế nào trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?
- Bước 3: Giải quyết các vấn đề đã đặt ra ở bước 2 bằng con đường qui nạp,
diễn dịch (trình bày, giải thích, làm rõ vấn đề đặt ra).
Ví dụ: Để làm rõ vấn đề không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện
ngắn Vợ nhặt, giáo viên cần đưa ra các phân tích về cách thức nhà văn xây không
gian, thời gian trong tác phẩm (không gian truyện ngắn được miêu tả qua những chi
tiết nào?, thời gian truyện ngắn được chọn lọc ra sao,…). Sau đó, giáo viên hướng
dẫn học sinh kết nối giữa không gian, thời gian của truyện với dụng ý tư tưởng của
tác giả (việc tác giả lựa chọn những khoảng không gian và thời gian này có ý nghĩa
như thế nào trong việc tạo nên thành công của truyện?). Cuối cùng, giáo viên khái
quát khái niệm về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của truyện ngắn.
- Bước 4: Kết luận là sự kết tinh của bài giảng, sự khái quát nhất bản chất
vấn đề nghiên cứu bằng những câu trả lời sắc bén.
Kết luận về những nét nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Vợ nhặt – gợi
mở phong cách sáng tác của nhà văn Kim Lân.
2.2.2. Phương pháp dạy học nêu vấn đề
2.2.2.1. Bản chất của phương pháp dạy học nêu vấn đề
Dựa vào đặc trưng hoạt động nhận thức của học sinh (cách tổ chức hoạt động
nhận thức), các nhà LLDH đã tìm ra kiểu dạy học nêu vấn đề. Phương pháp dạy học
này đã chứng minh được lợi ích của nó trong dạy học hiện nay.

62
Dạy học nêu vấn đề là quá trình xây dựng và giải quyết một cách khéo léo hệ
thống tình huống có vấn đề. Trong quá trình đó, học sinh dưới sự giúp đỡ và lãnh
đạo của giáo viên, nắm được nội dung bộ môn, phương thức học tập và phát triển ở
mình những phẩm chất cần thiết cho một thái độ sáng tạo đối với khoa học và đời
sống. Dạy học nêu vấn đề với những câu hỏi phải mang tính hệ thống liên tục, dẫn
dắt học sinh từng bước khám phá ra quan điểm tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác
giả. Cho nên quá trình phân tích là quá trình giải quyết từng bước những vấn đề đặt
ra trước học sinh. Mỗi câu hỏi là một cái mốc trong quá trình khám phá đó. Câu sau
bổ sung cho câu trước, câu trước chuẩn bị cho câu sau, làm thành một chuỗi những
liên hệ nối tiếp nhau trong một hệ thống vấn đề, phản ánh được bản chất nội dung
và nghệ thuật của tác phẩm.
- Vấn đề: có thể là những mâu thuẫn mà thiên nhiên hay xã hội đặt ra cho
con người giải quyết
- Tình huống có vấn đề: trạng thái tâm lý trong đó học sinh nhận thức vấn đề,
mong muốn giải quyết vấn đề và có khả năng giải quyết vấn đề với sự nỗ lực nhất
định.
- Ưu điểm của phương pháp dạy học nêu vấn đề:
+ Học sinh nắm tri thức vững chắc, sáng tạo, linh hoạt, nắm phương pháp tự
học
+ Học sinh phát triển được tư duy
+ Học sinh xây dựng được niềm tin
- Khuyết điểm:
+ Giáo viên cần có nhiều thời gian trong giảng dạy, cần nhiều điều kiện hỗ
trợ.
+ Phương pháp này không phải lúc nào cũng áp dụng được.
Phương pháp dạy học nêu vấn đề khiến học sinh làm việc nhiều hơn, tích
cực chủ động tìm ra kiến thức dưới sự chỉ đạo của giáo viên hơn là chỉ thu nhận
thông tin từ giáo viên.
Thực tế, việc vận dụng phương pháp giảng dạy nêu vấn đề trong tác phẩm
văn học luôn là những câu hỏi khó vì nó chứa đựng những nội dung quan trọng của
tác phẩm. Để trả lời được câu hỏi, học sinh phải tổng hợp được nhiều nguồn kiến
thức. Vì vậy, trước khi triển khai ở trên lớp cần có hệ thống câu hỏi phụ để học sinh
chuẩn bị bài ở nhà bên cạnh hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo

63
khoa. Từ những câu hỏi cụ thể đó, học sinh có thể tìm hiểu những kiến thức có liên
quan đến câu hỏi nêu vấn đề, tránh việc học sinh bị động lúng túng.
2.2.2.2. Áp dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề trong dạy học tác phẩm
Vợ nhặt theo hướng thi pháp học
Tình huống và tính cách nhân vật được nhà văn Kim Lân xây dựng trong
truyện ngắn Vợ nhặt đã tạo điều kiện cho việc xây dựng tính nêu vấn đề của các câu
hỏi trong quá trình tìm hiểu tác phẩm.
Tình huống độc đáo của truyện ngắn Vợ nhặt được gửi gắm ngay từ cách đặt
tên truyện. Một chuyện vốn rất nghiêm túc, vốn được xem là một trong những công
việc trọng đại nhất của đời một con người mà lại diễn ra như một trò đùa. Một
người đàn ông nghèo túng, lại xấu xí, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa từng
được một người con gái nào thèm để ý đến thế mà bỗng dưng được một người phụ
nữ theo về nhà làm vợ hẳn hoi. Càng lạ hơn nữa là Tràng nhặt vợ về giữa những
ngày đói kém, giữa khi cái chết vì đói đang rập rình đe dọa. Kim Lân đã đem đến
cho người đọc một câu chuyện nên vợ nên chồng quả là xưa nay chưa từng có. Qua
tình huống ấy, nhân vật sẽ được thử thách, từ đó nhân vật bộc lộ lên những tính
cách của mình. Nếu như hỏi học sinh tình huống Tràng nhặt được vợ có tác động gì
đến tâm trạng bà cụ Tứ thì không thiếu học sinh sẽ lúng lúng trong việc trả lời. Vì
vậy khi giảng dạy tác phẩm, giáo viên cần chú ý vận dụng câu hỏi nêu vấn đề trong
giờ giảng văn, để học sinh có thể tiếp nhận tốt hơn với tác phẩm. Tình huống của
tác phẩm trở thành vấn đề tiếp nhận của học sinh.
Đặt ra câu hỏi nêu vấn đề là một biện pháp để dẫn dắt học sinh suy ngẫm, từ
đó học sinh sẽ phát hiện được vấn đề sâu xa của tác phẩm. Tình huống hàm chứa
được ý đồ nghệ thuật của các nhà văn và từ đó nó trở thành vấn đề tiếp nhận của
học sinh. Bởi vậy khi gặp phải những tình huống lạ như trong tác phẩm Vợ nhặt,
phần lớn học sinh chưa phát hiện được ý đồ nghệ thuật của tình huống truyện. Học
sinh thường trình bày lan man vì chưa thực sự nhận thức được. Từ thực tế đó, để
giúp học sinh tìm tòi và khám phá về tác phẩm, giáo viên có thể sử dụng những câu
hỏi nêu vấn đề trong giờ đọc hiểu văn bản là việc làm cần thiết.
Khi đặt câu hỏi nêu ra tình huống trong truyện ngắn Vợ nhặt, học sinh sẽ
thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của nhân vật Tràng, từ đó cũng thấy được
phẩm chất nhân hậu, niềm tin ý thức hướng tới tương lai của bà cụ Tứ. Học sinh sẽ

64
thấy tác dụng và vai trò của tình huống truyện. Từ đó giáo viên có thể triển khai câu
hỏi nêu vấn đề:
+ Việc Kim Lân tạo dựng một tình huống như vậy có những ý nghĩa gì?
+ Tại sao giữa nạn đói năm 1945, ranh giới mong manh giữa cái chết và sự
sống, Tràng lại dám “nhặt” vợ?
+ Việc Tràng nhặt vợ như thế có ý nghĩa như thế nào?
+ Qua tình huống đó, nhà văn gửi gắm ý nghĩa gì?
Từ cách nêu vấn đề như trên, giáo viên dẫn dắt học sinh tìm hiểu ý nghĩa của
tình huống truyện. Bên cạnh đó, câu hỏi còn kích thích tâm lí học sinh, gợi ra cho
các em những thắc mắc và học sinh vận dụng sự hiểu biết của mình để giải quyết
một vấn đề mới.
2.2.3. Phương pháp đàm thoại
2.2.3.1. Những vấn đề chung về phương pháp đàm thoại
Đàm thoại là một trong những phương pháp dạy học sáng tạo và tích cực đã
được đưa vào vận dụng trong giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay. Có thể
nói, dạy học bằng phương pháp đàm thoại là con đường nâng cao chất lượng dạy và
học, giúp GV hình thành kiến thức cho HS trên cơ sở những câu hỏi gợi mở, quá
trình đàm thoại giữa GV và tập thể HS và giữa HS với nhau.
Tác giả Bùi Thị Mùi, trong quyển “Giáo trình lí luận dạy học” đã đưa ra định
nghĩa về phương pháp đàm thoại như sau: “Phương pháp hỏi đáp (vấn đáp, đàm
thoại) là phương pháp giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời nhằm giúp học sinh
tiếp thu tri thức mới; củng cố, ôn tập để mở rộng, đào sâu tri thức đã học; vận dụng
tri thức hình thành kĩ năng, kĩ xảo và kiểm tra mức độ nắm tri thức, kĩ năng, kĩ xảo
của học sinh”.
Bên cạnh đó, trong quyển “Phương pháp dạy học”, tác giả Phan Trọng Luận
cũng đã có đưa ra định nghĩa về phương pháp đàm thoại như sau: “Phương pháp
vấn đáp là quá trình tương tác giữa người dạy với người học, được thực hiện qua
hệ thống câu hỏi và câu trả lời tương ứng về một chủ đề nhất định được người dạy
và người học đặt ra. Kết quả là dưới sự dẫn dắt của người dạy, người học thể hiện
sự suy nghĩ, ý tưởng của mình; khám phá và lĩnh hội được đối tượng học tập”.
Như vậy, các định nghĩa trên tuy được diễn đạt khác nhau, nhưng đều có
chung một quan niệm thống nhất khi cho rằng dạy học đàm thoại là phương pháp

65
rèn luyện tư duy sáng tạo cho HS, thể hiện mối quan hệ tương tác qua lại giữa
người dạy với người học và giữa người học với nhau. Trong giờ dạy học theo
phương pháp đàm thoại, HS không chỉ tái hiện lại được kiến thức mà còn rèn luyện
được khả năng vận dụng kiến thức vào trong những tình huống mới.
- Ưu điểm của phương pháp đàm thoại:
+ Đó là một cách có hiệu quả để điều khiển hoạt động tư duy của học sinh,
kích thích tính tích cực hoạt động nhận thức.
+ Bồi dưỡng cho học sinh năng lực diễn đạt bằng lời những vấn đề khoa học
một cách chính xác đầy đủ gọn gàng.
+ Giúp giáo viên thu hút được tín hiệu ngược lại từ học sinh một cách nhanh
chóng để kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình. Thông qua đó giáo viên vừa có
khả năng chỉ đạo nhận thức toàn lớp vừa chỉ dạo nhận thức của từng học sinh.
- Nhược điểm của phương pháp đàm thoại:
+ Dễ làm mất thời gian, ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch bài học.
+ Có thể biến đàm thoại thành cuộc tranh luận giữa GV và học sinh, giữa các
thành viên của lớp với nhau.
Trong phương pháp đàm thoại phát hiện có yếu tố tìm tòi, nghiên cứu của
học sinh. Giáo viên giống như người tổ chức, học sinh đóng vai trò phát hiện. Khi
kết thúc đàm thoại, học sinh có vẻ như người tự lực tìm ra chân lý.
Thông qua phương pháp này học sinh không những lĩnh hội được nội dung
trí dục mà còn học được cả phương pháp nhận thức và cách diễn đạt tư tưởng bằng
lời nói.
Đàm thoại có thể dùng để giảng tri thức mới hoặc củng cố tri thức cũ, kiểm
tra kết quả giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Tùy theo nội dung bài học,
giáo viên lựa chọn các hình thức đàm thoại phù hợp. Sau khi lựa chọn hình thức
đàm thoại phù hợp, giáo viên phải lựa chọn những hình thức đặt câu hỏi phù hợp
với nó để xác định loại câu hỏi cần nêu ra như đúng hay sai?, tại sao?, như thế nào?,
cảm nhận ra sao?.... Khi đặt câu hỏi, cần có những thay đổi nhất định để tránh sự ức
chế, tăng yếu tố kích thích hưng phấn tư duy của học sinh.
2.2.3.2. Áp dụng phương pháp đàm thoại trong dạy học tác phẩm Vợ nhặt
theo hướng thi pháp học

66
Như đã trình bày ở trên, cốt lõi của phương pháp đàm thoại là hình thức thảo
luận thông qua hệ thống câu hỏi gợi tìm. Nếu giáo viên không chuẩn bị tốt hệ thống
câu hỏi, quá trình đàm thoại sẽ trở nên nhạt nhẽo. Hệ thống câu hỏi bao gồm nhiều
câu hỏi, mỗi câu là một cái mốc trong quá trình khám phá tác phẩm, câu hỏi sau bổ
sung cho câu hỏi trước, câu hỏi trước chuẩn bị cho câu hỏi sau làm thành một chuỗi
những liên hệ nối tiếp trong một hế thống vấn đề. Đối với việc dạy học tác phẩm Vợ
nhặt, người viết xin giới thiệu một số loại câu hỏi sau:
- Câu hỏi phát hiện
Là loại câu hỏi yêu cầu học sinh nhận diện được các chi tiết, hình ảnh, từ
ngữ, biện pháp tu từ,… hoặc xác định được các phương thức biểu đạt trong tác
phẩm.
Cách cấu tạo của câu hỏi này có hai dạng:
+ Hãy tìm trong văn bản Vợ nhặt những chi tiết, hình ảnh miêu tả ngoại
hình nhân vật Tràng.
+ Hãy phát hiện những tín hiệu nghệ thuật trong đoạn văn bản Tràng và thị
đi về qua xóm ngụ cư.
- Câu hỏi cảm xúc
Là hình thức câu hỏi phản ánh trực giác của người đọc. Học sinh bị tác động
bởi nội dung và hình thức của tác phẩm ở mức độ ấn tượng ban đầu. Loại câu hỏi
này gồm có hai dạng:
+ Câu hỏi cảm xúc vật chất: là câu hỏi luôn hướng về những rung động vật
chất (trạng thái tâm lý của người đọc). Ví dụ: Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim
Lân, nhân vật nào đã để lại cho anh/chị nhiều ấn tượng nhất?
+ Câu hỏi cảm xúc nghệ thuật: là những câu hỏi hướng về những rung động ban
đầu tác động bởi hình thức nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm. Ví dụ: Hình ảnh nạn đói
năm 1945 được tái hiện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã để lại cho anh/chị
những cảm xúc gì? Đoạn văn nào, chi tiết nào của tác phẩm gây xúc động và để lại ấn
tượng sâu sắc nhất cho anh/chị? Tại sao?
- Hệ thống câu hỏi hình dung, tưởng tượng
Những câu hỏi hình dung, tưởng tượng giúp học sinh xác nhận sự hình dung
của mình dưới sự tác động của hình tượng văn học. Nó giúp học sinh vận dụng trí
nhớ, huy động kinh nghiệm cá nhân, hướng HS và hiện thực tâm lý của tác phẩm

67
bằng những yêu cầu trả lời kiến thức, xác lập mối quan hệ giữa tác phẩm với nội
dung bài học. Ví dụ: Anh/chị hãy tái hiện lại bối cảnh không gian và thời gian ở
xóm ngụ cư khi Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà.
- Hệ thống câu hỏi hiểu biết nội dung và hình thức tác phẩm
- Hệ thống câu hỏi hiểu biết nội dung truyện ngắn Vợ nhặt ứng với ba mức
độ từ thấp đến cao để thâm nhập tác phẩm. Từ khả năng kể lại cốt truyện đến việc
phân tích lý giải các sự kiện, biến cố đối với nhân vật và đối chiếu so sánh để có
những suy diễn đối lập. Ví dụ: Tại sao nhà văn Kim Lân lại lấy tên nhan đề là “Vợ
nhặt” cho truyện ngắn này của mình? Hoặc Vì sao người vợ nhặt lại mất đi vẻ chao
chát, chỏng lỏn từ khi quyết định làm vợ Tràng?
- Hệ thống câu hỏi hiểu biết hình thức tác phẩm
Câu hỏi về hình thức của tác phẩm gợi ý cho HS đi sâu vào khám phá các chi
tiết nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Loại câu hỏi này gồm có:
+ Câu hỏi về chi tiết hình thức nghệ thuật tác phẩm
+ Câu hỏi về cấu trúc hình thức tác phẩm
Ví dụ: Anh/chị hãy nhận xét nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của nhà văn
Kim Lân thông qua việc phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Tràng trong truyện
ngắn Vợ nhặt.
Hoặc: Tác giả Kim Lân đã xây dựng tình huống độc đáo trong Vợ nhặt bằng
cách nào? Tình huống truyện này có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội
dung tác phẩm?
- Câu hỏi ngoài văn bản và vai trò của người tiếp nhận
Câu hỏi ngoài văn bản là hệ thống những câu hỏi nằm ngoài văn bản hoặc cho
thấy những hiểu biết của người học về các vấn đề liên quan đến văn bản.
Anh/chị hãy nêu khái niệm điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn là gì?
Hoặc: Trình bày những hiểu biết khái quát của anh/chị về phong cách nghệ thuật
Kim Lân.
- Câu hỏi so sánh, khái quát
Hướng triển khai chung của các câu hỏi so sánh, khái quát là tìm những điểm
tương đồng, sự khác biệt của các đối tượng để khái quát nên những vấn đề chính
của tác phẩm. Ví dụ:
Nhân xét của anh/chị về nghệ thuật miêu tả nhân vật và xây dựng tình huống
truyện của nhà văn Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt.

68
Hoặc: Phân tích sự giống và khác nhau trong tâm trạng các nhân vật Tràng,
bà cụ Tứ và người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt.
Như vậy, bằng con đường đàm thoại, gợi mở GV sẽ tạo cho lớp học một
không khí tự do tư tưởng, tự do bộc lộ những nhận thức trực tiếp của mình: mạch
kín của giờ dạy được bộc lộ rõ ràng. Những tín hiệu phản hồi được báo lại cho GV
kịp thời trong khi lên lớp. Giờ dạy văn, học văn có được không khí tâm tình, trao
đổi thân mật về những vấn đề cuộc sống do nhà văn nêu lên. Mối liên hệ giữa nhà
văn, GV, HS được hình thành ngay trong lớp học, điều mà các giờ dạy theo phương
pháp diễn giảng khó có được. Thế giới HS ít xa lạ với giáo viên. Và cũng chính qua
đàm thoại, GV hiểu con người HS cụ thể hơn. Tính cách, phẩm chất trí tuệ, tâm
hồn, tình cảm, phong cách người HS được bộc lộ rõ rệt qua đàm thoại. Năng lực
độc lập làm việc, óc tìm tòi suy nghĩ, thói quen giao tiếp xã hội của HS được phát
huy một cách tích cực. Không khí thụ động của giờ học được giảm bớt rõ rệt.
2.2.4. Phương pháp trực quan
2.2.4.1. Một vài vấn đề chung về phương pháp trực quan
Phương pháp trực quan là phương pháp dạy học sử dụng các vật thể kỹ thuật,
các quá trình công nghệ, các phương tiện gián tiếp và các thao tác kĩ thuật công
nghệ nhằm giúp học sinh trực tiếp cảm giác, tri giác tài liệu mới trên cơ sở đó tạo ra
các biểu tượng cụ thể trong học sinh, rèn luyện kĩ năng, kỹ xảo.
* Ưu điểm và hạn chế của nhóm phương pháp dạy học trực quan:
Các phương pháp dạy học trực quan nếu được sử dụng khéo léo sẽ làm cho
các phương tiện trực quan, phương tiện kỹ thuật dạy học tạo nên nguồn tri thức.
Chức năng đó của chúng chủ yếu gắn liền với sự khái quát những hiện tượng, sự
kiện với phương pháp nhận thức quy nạp. Chúng cũng là phương tiện minh hoạ để
khẳng định những kết luận có tính suy diễn và còn là phương tiện tạo nên những
tình huống vấn đề và giải quyết vấn đề. Vì vậy phuơng pháp dạy học trực quan góp
phần phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.
Với phương pháp dạy học trực quan sẽ giúp học sinh huy động sự tham gia
của nhiều giác quan kết hợp với lời nói sẽ tạo điều kiện dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu,
làm phát triển năng lực chú ý, năng lực quan sát, óc tò mò khoa học của họ.
Tuy vậy, nếu không ý thức rõ phương tiện trực quan chỉ là một phương tiện
nhận thức mà lạm dụng chúng thì dễ làm cho học sinh phân tán chú ý, thiếu tập

69
trung vào những dấu hiệu bản chất, thậm chí còn làm hạn chế sự phát triển năng lực
tư duy trừu tượng của trẻ.
Vấn đề đặt ra là mỗi GV Ngữ văn phải sáng suốt trong việc áp dụng nhằm phát
huy tính tích cực của phương tiện này trong những trường hợp cần thiết sao cho quá
trình giảng dạy của mình đạt kết quả mong muốn với mục tiêu là HS không chỉ nắm
kiến thức mà còn được bồi dưỡng năng lực cảm thụ, năng lực thẩm mĩ và biết hướng
đến những giá trị chân, thiện, mĩ sau mỗi tiết học.
2.2.4.2. Áp dụng phương pháp trực quan trong dạy học tác phẩm Vợ nhặt
theo hướng thi pháp học
- Sử dụng sơ đồ
Sơ đồ là cách giúp học sinh hiểu bài sâu hơn, nhận ra mối quan hệ giữa các
kiến thức, củng cố lại kiến thức nhằm để cho các em nhớ lâu hơn. Từ đó rèn luyện
cho các em năng lực khái quát, phân tích, so sánh, phân loại vấn đề.
GV có thể sử dụng rất nhiều loại sơ đồ trong bài dạy học tác phẩm Vợ nhặt
theo hướng tiếp cận thi pháp học như: sơ đồ khái quát tính cách nhân vật, sơ đồ chi
tiết về nhân vật, sơ đồ về mối quan hệ giữa các nhân vật, các sự kiện, sơ đồ các yếu
tố trong tác phẩm, sơ đồ cấu trúc văn bản… Ví dụ như:
Sơ đồ chi tiết nhân vật Tràng:

Ngôn ngữ
…………….. Ngoại hình
……………..

Nhân vật
Tràng

Hành động Nội tâm


…………….. …………….

Sơ đồ diễn biến tâm trạng nhân vật người vợ nhặt:

70
Giai đoạn khi chưa nhận lời làm vợ Tràng
…………………………………………………
….

Giai đoạn nhận lời làm vợ và theo Tràng về nhà


…………………………………………………….

Giai đoạn buổi sáng sau đêm tân hôn


…………………………………………………….

Khi sử dụng sơ đồ cần tránh dài dòng, sơ đồ cần có tính khái quát cao, trình
bày đẹp, khoa học, rõ ràng, hợp lý và cần kết hợp nhiều cách để đạt được kết quả tốt
nhất.
 Sử dụng biểu bảng
Bên cạnh sơ đồ, GV cũng có thể ứng dụng linh hoạt các dạng biểu bảng vào
hoạt động giảng dạy tác phẩm Vợ nhặt. Cũng như sơ đồ, biểu bảng tồn tại dưới
nhiều dạng khác nhau. Ví dụ:
Phương diện nghệ Định nghĩa Chi tiết biểu hiện
STT thuật trong tác phẩm
…. …………………… ………………………. ………………….

Việc thực hiện tốt thì sẽ giúp HS hiểu bài sâu hơn; củng cố, nhớ lâu kiến
thức, rèn luyện năng lực khái quát, tổng hợp vấn đề. Ngoài ra, sơ đồ, biểu bảng còn
rèn luyện cho HS khả năng tự lập trong cách diễn đạt. Từ đó, phát huy được năng
lực tiếp thu văn bản một cách chủ động, sáng tạo, khách quan,…; khắc phục được
hiện tượng thụ động trong tiếp nhận với những biểu hiện như đọc chép, chiếu chép
hay HS tự chép từ những tài liệu có sẵn một cách máy móc.
- Sử dụng phiếu học tập
Bên cạnh các phương tiện, công cụ dạy học khác, phiếu học tập cũng đóng
vai trò khá quan trọng trong việc giúp HS tiếp nhận kiến thức và giúp GV đa dạng
hóa hoạt động dạy học của mình. Mỗi dạng phiếu học tập đại diện cho một vấn đề

71
kiến thức của bài học. Tùy theo mục đích sử dụng, dung lượng kiến thức, thời điểm
sử dụng… mà chúng ta có thể chọn một trong các dạng phiếu học tập sau đây:
- Dạng 1: Tìm hiểu chung về của tác phẩm
PHIẾU HỌC TẬP
Tên bài học:………………… …………………………………………
Học tên HS:……………………………………Lớp:.........……………
Hình thức thực hiện: GV phát trước tiết học cho HS chuẩn bị ở nhà.
Yêu cầu: Em hãy đọc tác phẩm Vợ nhặt và hoàn thành Sơ đồ tóm tắt tác
phẩm theo nhân vật chính:
+ Nhân vật chính của tác phẩm là ai?
+ Câu chuyện xảy ra ở đâu?
+ Nhân vật gặp phải chuyện gì?
+ Nhân vật gặp phải chuyện gì?
+ Mở đầu tác phẩm, chuyện gì xảy ra trước nhất?
+ Các nhân vật phản ứng ra sao?
+ Các nhân vật giải quyết vấn đề đó như thế nào?
+ Diễn biến tiếp theo của tác phẩm?
Vấn đề được giải quyết theo hướng nào?
- Dạng 2: Tìm hiểu chi tiết một vấn đề của tác phẩm
PHIẾU HỌC TẬP
Tên bài học:………………… …………………………………………
Học tên HS:……… ………………………Lớp:.........…………………
Hình thức thực hiện: GV phát trước trong tiết học.
Yêu cầu: Em hãy đọc tác phẩm và hoàn thành Sơ đồ tóm tắt diễn biến tâm
trạng nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.
Diễn biến tâm trạng: ……………………………………………………
Chi tiết minh họa: ………………………………………………………
Nhận xét: ………………………………………………………………
Nhìn chung, phiếu học tập là một công cụ bổ trợ cần thiết cho quá trình
giảng dạy Ngữ văn nói chung và văn xuôi Việt Nam hiện đại nói riêng. Qua các
phiếu học tập, GV hướng dẫn và tổ chức cho HS học bằng cách làm việc, từ những

72
công việc cụ thể, vừa sức đến khám phá, phân tích… hiệu quả giờ dạy – học sẽ nhẹ
nhàng và hiệu quả hơn.
- Sử dụng tranh ảnh, thiết bị ghi hình
Văn chương là môn nghệ thuật ngôn từ toàn bộ thế giới nghệ thuật hiện lên
gián tiếp qua ngôn từ. Vì vậy, để hiểu được tác phẩm, người đọc phải có khả năng
liên tưởng, tưởng tượng. Tranh ảnh, thiết bị ghi hình chỉ là những đối tượng có tác
dụng hỗ trợ cho các hoạt động tư duy vừa nêu, giúp cho quá trình tiếp nhận văn học
của HS được thuận lợi hơn.
Khi tìm kiếm và sử dụng tranh ảnh, thiết bị ghi hình người dạy cần chú ý một
số yêu cầu sau:
- Thứ nhất, tranh ảnh, thiết bị ghi hình phải có mối liên hệ và phù hợp với
kiến thức cần truyền đạt, ít nhiều có tác dụng dẫn dắt HS đến việc hiểu nội dung bài
học.
- Thứ hai, tranh ảnh, thiết bị ghi hình đưa vào sử dụng phải được khai thác
để phục vụ cho hoạt động dạy và học, hạn chế tối đa hiện tượng chỉ dùng với mục
đích “minh họa” đơn thuần.
- Thứ ba, GV cần chủ động, khéo léo trong việc trưng ra và cất vào
Tranh ảnh, thiết bị ghi hình nên áp dụng đối với tác phẩm Vợ nhặt là: chân
dung của nhà văn Kim Lân, những bức ảnh chụp về thiên nhiên, con người nông
thôn...

73
Nhà văn Kim Lân lúc sinh thời và bức chân dung do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
thể hiện
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân lấy cảm hứng từ nạn đói năm Ất Dậu
1945; GV nên cho các em xem những hình ảnh lịch sử có thật được ghi lại trong nạn
đói khủng khiếp năm ấy. Từ đó, người học sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh lịch sử những
năm ấy. Đồng thời, các em cũng sẽ nảy sinh thái độ đồng cảm, xót thương với những
kiếp người như: Người vợ nhặt, Tràng và bà cụ Tứ.

Hình ảnh nạn đói năm Ất Dậu, 1945


Nguồn tư liệu này GV tự sưu tầm hoặc cho các em sưu tầm từ trên, báo,
lịch... Đặc biệt, trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, việc tìm kiếm các
trực quan kể trên là rất dễ dàng.
Nếu GV sử dụng hợp lí và có cân nhắc trong khi giảng dạy thì tiết dạy sẽ trở
nên sinh động và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu chúng ta quá lạm dụng thì sẽ triệt
tiêu khả năng tư duy của người học.
- Sử dụng bản đồ tư duy
Vận dụng bản đồ tư duy trong tiếp cận truyện ngắn Vợ nhặt nghĩa là chúng
ta phải chuyển hóa những thông tin liên quan trong bài học lên thành các mô hình,
các hình ảnh, các nhánh của sơ đồ và ngược lại.
Ví dụ:

74
Bài học sử dụng BĐTD với mục đích:
- Một công cụ gợi mở, kích thích quá trình tìm kiếm kiến thức của học sinh:
Với những ưu điểm của mình, BĐTD trở thành một công cụ gợi mở, kích thích quá
trình tìm tòi kiến thức của học sinh. Bước quan trọng nhất là GV giúp HS phát hiện,
tìm kiếm được trung tâm sơ đồ - trọng tâm bài học. Sau đó, theo nguyên lí BĐTD là ý
nọ gợi ý kia dần dần giúp HS khám phá kiến thức bài học. Bằng trí tưởng tượng cùng
sự tập hợp kiến thức từ các nguồn, học sinh phải biết cách phân tích tìm ra những từ
khóa, hình ảnh chính xác nhất. Khi các nhánh lớn được xây dựng GV cũng nên
hướng dẫn HS sắp xếp theo thứ tự quan trọng bằng cách đánh số ở đầu mỗi nhánh.
Điều đó giúp học sinh dễ dàng ôn tập sau này. Cứ làm việc theo cách đó học sinh sẽ
biết cách tự mình vận động, tìm tòi khám phá, lĩnh hội tri thức một cách có hiệu quả.
- Một công cụ để củng cố, khái quát bài học của học sinh: Sau mỗi tiết học
bao giờ cũng có phần củng cố, nhắc lại kiến thức trọng tâm. Với cách học truyền

75
thống, học sinh ghi chép kiến thức theo trật tự tuyến tính nên khả năng nhớ kiến
thức thường ít hơn dung lượng bài. Sử dụng BĐTD giúp các em khắc phục được
hạn chế đó. Sau mỗi giờ học, khi cần củng cố kiến thức học sinh chỉ cần nhìn vào
BĐTD có thể tái hiện được cơ bản toàn bộ kiến thức bài học. Đến khi ôn thi học
sinh không phải mất một lượng lớn thời gian để đọc lại kiến thức như cách học
truyền thống mà chỉ cần quan sát lại sơ đồ tổng thể vẫn có thể tái hiện nội dung bài
học một cách cụ thể, chi tiết. Như thế, học sinh vừa nâng cao được kết quả học tập
vừa tiết kiệm được thời gian.
- Một công cụ để giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức tổng hợp về bài học: Từ
hai mục đích trên, như một hệ quả tất yếu BĐTD sẽ giúp học sinh chiếm lĩnh được
kiến thức tổng hợp về bài học. Phương pháp này không những giúp học sinh biết
cách học, biết cách ghi kiến thức vào bộ não; biết nhận thức, nắm bắt vấn đề rành
mạch, sâu sắc, lôgic từ luận đề đến luận điểm, đến luận cứ mà còn rèn luyện kĩ năng
tư duy tổng hợp, khái quát vấn đề cho học sinh. Thể hiện bài học dưới dạng BĐTD
sẽ phát huy tối đa khả năng vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học và khả
năng sáng tạo của mỗi người.
Để vận dụng BĐTD vào bài học, giáo viên phải nghiên cứu kĩ bài học,
chuyển hoá được các ý chính mang tính trọng tâm lên một bản đồ sao cho logic
khoa học. Nếu giáo viên không sử dụng máy chiếu phục vụ cho tiết dạy thì sử dụng
bảng phụ và vẽ các BĐTD lên bảng phụ đó. Nếu giáo viên sử dụng máy chiếu phục
vụ cho tiết dạy thì bài học sẽ tiến hành thuận tiện và đơn giản hơn rất nhiều. Trên
BĐTD được trình chiếu, những thông tin chính không thể hiện đầy đủ mà để trống,
hoặc phát bảng phụ cho học sinh và yêu cầu học sinh tự hình dung rồi liên kết các
tri thức để vẽ bản đồ.
Học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, soạn kĩ các câu hỏi hướng dẫn học bài
vào vở bài tập. Suy nghĩ, thảo luận nhóm và trả lời câu hỏi của giáo viên.

76
Tiểu kết chương 2
Lý luận dạy học hiện đại nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của HS trong quá
trình hình thành kiến thức. Vai trò trung tâm của HS sẽ được phát huy nếu giáo viên
tạo điều kiện cho HS tự khám phá tác phẩm và phát triển năng lực cảm thụ tác phẩm
cũng như khuyến khích sự hưởng ứng tích cực trong giờ học. Ðiều này dẫn đến việc
hình thành ý kiến cá nhân của chính HS, phát triển khả năng đọc và phân tích tác
phẩm. Ðể đạt được mục đích trên, các hình thức dạy và học cần phải được đa dạng
hóa, làm cho HS cảm thấy hứng thú trong suốt giờ học. Với đề tài: Dạy học truyện
ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ Văn 12, tập 2) theo hướng tiếp cận thi pháp học,
người viết muốn đưa ra các phương pháp cụ thể, thiết thực trên đây trong việc dạy
học nhằm vào mục đích đó. Việc sử dụng các phương pháp như thế nào, ở mức độ
nào phụ thuộc vào dụng ý dạy học bài học, năng lực HS, điều kiện học tập. Ðiều
này không có nghĩa là với điều kiện hiện nay ở các trường phổ thông: lớp đông HS
với phương tiện duy nhất là bảng đen, phấn trắng các phương pháp trên không thực
hiện được. Vấn đề quan trọng nhất là sự nhiệt tình, sáng tạo của giáo viên, quan
niệm của GV về việc dạy và học. Các phương pháp trên đây cần được sử dụng phối
hợp trong quá trình dạy và học văn mới có thể tạo ra hiệu qủa cao.

77
CHƯƠNG 3
THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM VỚI TÁC PHẨM VỢ NHẶT CỦA TÁC GIẢ
KIM LÂN

3.1. Giáo án thực nghiệm


Từ thực trạng dạy học truyện ngắn Vợ nhặt ở chương trình Ngữ văn lớp 12
thuộc bậc Trung học phổ thông, cùng nhiều vấn đề lý luận đã trình bày ở chương I
và chương II, người viết tiến hành thiết kế giáo án dạy học truyện ngắn Vợ nhặt
theo hướng thi pháp học nhằm phát huy tính sáng tạo cũng như vai trò chủ động
tiếp nhận tác phẩm văn học của HS. Giáo án được thiết kế bám sát hướng tiếp cận
thi pháp học.
Dưới đây là giáo án thực nghiệm dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn
Kim Lân:
VỢ NHẶT
Kim Lân
A. MỤC TIÊU BÀI HỌC
1. Kiến thức
- Giá trị nghệ thuật của tác phẩm: HS phân tích được sáng tạo nghệ thuật
xuất sắc và độc đáo của tác giả ở truyện ngắn Vợ nhặt, đặc biệt là trong nghệ thuật
trần thuật, việc tổ chức tình huống, diễn tả tâm lí nhân vật, tạo không khí và dựng
đối thoại, điểm nhìn trần thuật.
- Giá trị nội dung của tác phẩm: HS hình dung cụ thể sự khủng khiếp của nạn
đói ở nước ta năm 1945 và tội ác diệt chủng của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật.
Cảm nhận được niềm khao khát hạnh phúc gia đình và niềm tin vào cuộc sống của
người dân lao động.
2. Kỹ năng
- Biết cách đọc hiểu một tác phẩm, phân tích các giá trị nghệ thuật của tác
phẩm truyện ngắn.
- Làm quen với hướng tiếp cận truyện ngắn hiện đại từ góc độ thi pháp học.
3. Thái độ
- Kính trọng tài năng của nhà văn Kim Lân

78
- Đồng cảm với con người trong hoàn cảnh éo le, trân trọng khát vọng hạnh
phúc của con người…
B. CHUẨN BỊ BÀI HỌC
1. Giáo viên
- Dự kiến biện pháp tổ chức cho học sinh phân tích truyện ngắn Vợ nhặt.
- Chuẩn bị các tư liệu, tài liệu có liên quan đến bài học.
- Chuẩn bị các phương tiện dạy học.
2. Học sinh
Chủ động soạn bài trước khi lên lớp, thực hiện các yêu cầu của giáo viên,
sưu tầm tư liệu, tranh ảnh, bảng phụ theo nhóm được phân chia từ trước dưới sự
hướng dẫn của giáo viên.
C. PHƯƠNG PHÁP
Đọc hiểu văn bản kết hợp các phương pháp theo hướng tiếp cận thi pháp học:
+ Phương pháp diễn giảng
+ Phương pháp nêu vấn đề
+ Phương pháp đàm thoại
+ Phương pháp trực quan
D. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC
1. Ổn định lớp học (1 phút)
2. Kiểm tra bài cũ (5 phút)
3. Dạy học bài mới
* Giới thiệu bài mới
* Nội dung bài mới
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của Mục tiêu cần đạt
học sinh
I. Hoạt động 1: HƯỚNG HS đọc SGK và I. TIỂU DẪN
DẪN HỌC SINH TÌM trình bày các ý 1. Tác giả:
HIỂU TIỂU DẪN (9 phút) chính về tác giả Kim Lân (1920 - 2007): thành
- Yêu cầu học sinh đọc phần và sự nghiệp công về đề tài nông thôn và
tiểu dẫn và rút ra ý chính về sáng tác của người nông dân; có một số tác
tiểu sử và sự nghiệp sáng tác nhà văn Kim phẩm có giá trị về đề tài này.

79
của nhà văn Kim Lân. Lân. 2. Tác phẩm:
- Thuyết giảng thêm: Vợ nhặt (in trong tập Con chó
+ KL được tặng giải thưởng xấu xí, 1962) được viết dựa trên
Nhà nước về văn học nghệ một phần cốt truyện cũ của tiểu
thuật năm 2001. thuyết Xóm ngụ cư.
+ Là cây bút chuyên viết
truyện ngắn. Thế giới nghệ
thuật của ông chủ yếu tập
trung ở khung cảnh nông thôn
và hình tượng người nông dân
nghèo rất gần gũi với sinh
hoạt của ông - những con
người gắn bó tha thiết với quê
hương Cách mạng.
+ KL được coi là nhà văn của
người nông dân Bắc bộ với
những phong tục, văn hoá cổ
truyền, đời sống làng quê.
* GV sưu tầm thêm một số tư
liệu, tranh ảnh để giới thiệu
cho HS hiểu thêm về bối cảnh
xã hội Việt Nam năm 1945.
II. Hoạt động 2: II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
HƯỚNG DẪN HỌC SINH
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN (60
phút)

Thao tác 1: GV hướng dẫn HS đọc văn bản * Đọc văn bản
HS đọc văn bản truyện Vợ
nhặt trong SGK
(5 phút)

80
Thao tác 2: GV hướng dẫn - Học sinh - Cốt truyện
HS tìm hiểu cốt truyện và thảo luận theo Câu chuyện kể về cuộc sống của
kết cấu tác phẩm (10 phút) nhóm đã được những người dân nghèo xóm ngụ
GV đưa ra câu hỏi: phân chia từ cư giữa năm đói 1945. Trong đó,
- Theo em, cốt truyện của tác trước. nhân vật Tràng (nhân vật chính)
phẩm kể lại điều gì? Nhân vật - Học sinh “nhặt” được một người phụ nữ
chính trong tác phẩm là những trả lời câu hỏi về làm vợ. Từ đó, gia đình Tràng
ai? Họ có số phận như thế của GV đưa ra yêu thương, đùm bọc nhau giữa
nào? bằng hình thức những ngày đói và cùng hướng
- Kết cấu của truyện được xây phát biểu về một tương lai tốt đẹp hơn.
dựng như thế nào? - Kết cấu
+ Không theo trình tự thời gian.
Hiện tại và quá khứ đan xen với
nhau.
+ Kiểu kết thúc mở
Thao tác 3: GV hướng dẫn HS suy nghĩ và Ví dụ về phần tóm tắt:
HS tóm tắt tác phẩm (10 thực hiện phần Tràng là một anh thanh niên ở
phút) trình bày tóm xóm ngụ cư nghèo, vừa xấu xí
- GV đưa ra yêu cầu HS tóm tắt tác phẩm vừa ngờ nghệch. Trong hoàn
tắt tác phẩm ngắn gọn nhất của mình vào tờ cảnh nạn đói đang diễn ra, người
trong khoảng từ 3 đến 5 câu. giấy được phát chết như ngả rạ, Tràng vô tình
- GV phát cho mỗi HS một tờ theo yêu cầu gặp được thị và thị nhận lời làm
giấy để HS ghi tên và phần của GV. vợ Tràng chỉ nhờ bốn bát bánh
trình bày tóm tắt đúc. Thị theo Tràng về nhà ra
mắt người mẹ già. Sau đêm tân
hôn, dường như một cuộc sống
mới ám áp tình yêu thương và
tràn đầy hi vọng đã đến với họ.
Thao tác 4: GV hướng dẫn HS thảo luận và Ý nghĩa nhan đề “Vợ nhặt”:
học sinh tìm hiểu nhan đề trả lời bằng - Nhan đề đã thâu tóm giá trị nội
truyện ngắn Vợ nhặt (10 hình thức phát dung, tư tưởng tác phẩm

81
phút) biểu theo nhóm - Tràng có vợ một cách ngẫu
GV gợi dẫn: và cá nhân nhiên. Người ta cưới hỏi đàng
Đọc Vợ nhặt, một tác giả đã hoàng còn Tràng lại “nhặt” được
viết “Bốn bát bánh đúc thành vợ.
lễ cưới thật rồi / Xin từ điển => Thân phận con người bị rẻ
hãy thêm từ “vợ nhặt” / Ngòi rúng có thể “nhặt” về như một
bút Kim Lân tưởng đùa như món đồ bỏ đi. Đó thực chất là
khóc / Đói quắt quay nhưng cảnh khốn cùng của hoàn cảnh.
tha thiết con người” - Gia đình Tràng từ khi có người
Nếu được viết thêm vào cuốn “vợ nhặt”, mọi người trở nên gắn
từ ấy, anh/chị sẽ ghi như thế bó, chăm lo, thu vén cho tổ ấm
nào trong mục từ “vợ nhặt”? của mình hơn.
Anh/chị có cảm nhận gì từ => Nhan đề vừa thể hiện thảm
nhan đề của truyện ngắn này? cảnh của người dân nghèo trong
nạn đói năm 1945 ở nước ta, vừa
bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc,
bao dung và niềm tin, khát vọng
sống hướng tới tương lai tốt đẹp
hơn.
Thao tác 5: GV hướng dẫn - HS suy nghĩ Tình huống truyện:
HS tìm hiểu tình huống và trả lời theo - Tràng là một chàng trai sống ở
truyện Vợ nhặt (10 phút) câu hỏi yêu cầu xóm ngụ cư nghèo mà lại xấu xí,
GV gợi dẫn và đưa ra yêu cầu của GV. thô kệch >< lấy được vợ >< giữa
cho HS: - HS quan sát nạn đói khủng khiếp nhất lịch
Điểm trung tâm trong sơ đồ hình ảnh GV sử.
cốt truyện là sự kiện nhân vật cung cấp về nạn - Tình huống Tràng nhặt được
Tràng nhặt được vợ giữa bối đói 1945 và vợ đã làm cho mọi người vô
cảnh nạn đói năm 1945. Từ sự chia sẻ những cùng ngạc nhiên:
kiện này, các nhân vật khác hình ảnh cùng + Trẻ con xóm ngụ cư ngạc
lần lượt xuất hiện trong tác nội dung hoặc nhiên
phẩm tạo thành bức tranh đời liên quan đến + Người lớn cũng ngạc nhiên

82
thực sống động trong tâm trí tác phẩm bản + Mẹ của Tràng cũng ngạc nhiên
người đọc. thân sưu tầm + Bản thân Tràng cũng không
 Nhà văn đã xây dựng được trước đó. ngờ được, cứ ngỡ ngàng như
tình huống truyện như thế không phải. Một tình huống éo
nào? Anh/chị hãy chỉ ra nét le, giàu kịch tính, rất độc đáo.
độc đáo ở tình huống truyện => Tình huống truyện được xây
này. dựng bất ngờ mà hợp lý. Qua đó,
phản ánh:
- Giáo viên cho HS quan sát + Giá trị hiện thực: tố cáo tội ác
hình ảnh sưu tầm về cảnh nạn của thực dân Pháp, phát xít qua
đói năm 1945. bức tranh xám xịt về thảm cảnh
chết đói.
+ Giá trị nhân đạo: Tình nhân ái
cưu mang đùm bọc lẫn nhau,
khát vọng hướng tới cuộc sống
và hạnh phúc. Điều mà Kim Lân
muốn nói là trong bối cảnh bi
thảm, giá trị nhân bản không mất
đi, con người vẫn muốn cứ được
là con người.
Thao tác 6: GV hướng dẫn - HS tìm kiếm - Bảng thống kê lai lịch, ngoại
HS tìm hiểu nghệ thuật xây thông tin trong hình, tính cách nhân vật Tràng,
dựng nhân vật của nhà văn SGK người vợ nhặt, bà cụ Tứ.
Kim Lân trong truyện ngắn - Rút ra kết - Phân tích diễn biến tâm trạng
Vợ nhặt luận và điền nhân vật:
(15 phút) vào bảng biểu a. Tràng và người vợ nhặt
GV hướng dẫn HS tìm hiểu GV cung cấp. * Bị cái đói dồn vào thảm cảnh:
nhân vật Tràng và người vợ - HS thảo luận - Tràng
nhặt và bà cụ Tứ thông qua nhóm + Đi từng bước mệt mỏi, cái đầu
các đặc điểm ngoại hình, tâm - HS trả lời và trọc chúi về đằng trước...
trạng, tính cách. giải quyết vấn + Không có tiền cưới vợ. Ngày

83
- Anh/chị hãy tìm kiếm các giáo viên đưa vui vợ chồng phải ăn cám.
chi tiết nói lên lai lịch, ngoại ra. - Người vợ nhặt:
hình, tính cách nhân vật + Rách rưới, tả tơi gầy sọp, trên
Tràng, người vợ nhặt và bà cụ khuôn mặt lưỡi cày chỉ còn thấy
Tứ (trình bày thông tin về lai hai con mắt.
lịch, ngoại hình, tính cách + Không có nổi cái tên, không
nhân vật dưới dạng bảng biểu duy trì nổi lòng tự trọng để phải
cho sẵn). theo không Tràng chỉ sau bốn
- Anh/chị hãy trình bày sự bát bánh đúc.
thay đổi trong tâm lý của 3 *Có khát khao nương tựa, gắn
nhân vật trên trong diễn biến bó để được tồn tại, để sống, để
cốt truyện. cho cuộc đời mỗi người trở nên
- Em có cảm nhận gì về cảm có ý nghĩa hơn.
tình mà 3 nhân vật này dành - Tràng:
cho nhau tại thời điểm buổi + Lúc đầu: Chỉ đùa và trên
sang sau đêm thị về làm dâu? đường đưa người vợ nhặt về tâm
- GV nhận xét và chốt lại hồn tràn đầy tình nghĩa, quên
nhũng ý cơ bản về nghệ thuật luôn cả mùa đói.
xây dựng tâm lý nhân vật + Sáng hôm sau: Cảm nhận rõ
trong truyện ngắn của nhà văn hạnh phúc "Thấm thía cảm
Kim Lân. động" của mái ấm gia đình.
- Người vợ nhặt:
+ Lúc đầu: Chỉ định gắn với
Tràng để tồn tại qua mùa đói.
+ Sáng hôm sau: Cuộc sống gia
đình thay đổi thị, biến thành
"người đàn bà hiền hậu, đúng
mực, không có vẻ gì chao chát
chỏng lỏng".
* Tràng và người vợ nhặt có sự
hi vọng, tin tưởng vào tương lai:

84
-Tràng nghĩ đến chuyện tu sửa
nhà cửa, sinh con, đẻ cái, lo lắng
cho vợ con sau này, đám người
phá kho thóc Nhật và hình ảnh lá
cờ đỏ tượng trưng cho Việt
Minh.
- Người vợ nhặt cùng mẹ chồng
quét tước, thu dọn nhà cửa, sân
vườn mong mang lại một sinh
khí mới. Nói đến chuyện các
vùng khác không còn đóng thuế,
phá kho thóc Nhật, chuyện Việt
Minh.
b. Diễn biến tâm trạng bà cụ
Tứ:
* Ngạc nhiên:
-Đứng sững lại hấp háy cặp mắt
cho đỡ nhoèn, quay nhìn Tràng
không hiểu (thấy người đàn bà
bên Tràng).
-Băn khoăn ngồi xuống giường
khi nghe người đàn bà chào.
* Lo âu, thương cảm, tủi thân:
- Cúi đầu, kẽ mắt rĩ xuống hai
dòng nước mắt (buồn vì không
lo nổi đám cưới cho con, sợ con
và dâu "có nuôi nổi nhau sống
qua được cơn đói khát này
không").
- Nghẹn lời, nước mắt "cứ chảy
xuống ròng ròng".

85
* Hi vọng tin tưởng ở tương lai:
-Nói đến chuyện nuôi gà, chuyện
sẽ có một đàn gà nay mai. Nói
đến triết lí "ai giàu
ba họ ai khó ba đời" để động
viên con và dâu về một viễn
cảnh thoát đói nghèo.
-Thu dọn, quét tước nhà cửa, sân
vườn mong mang lại một sinh
khí mới.
Hoạt động 3: Tổng kết văn III. Tổng kết
bản (10 phút)
Thao tác 1: GV hướng dẫn HS suy nghĩ và 1. Nội dung:
HS nhận xét về nội dung (5 trả lời - Giá trị nhân đạo: Truyện thể
phút) hiện được thảm cảnh của nhân
GV đưa ra câu hỏi: dân ta trong nạn đói năm 1945.
- Ấn tượng của anh/chị về nội - Giá trị nhân đạo: Đặc biệt thể
dung tác phẩm như thế nào? hiện được tấm lòng nhân ái, sức
sống kì diệu của con người ngay
bên bờ vực thẳm của cái chết
vẫn hướng về sự sống và khát
khao tổ ấm gia đình.
Thao tác 2: GV hướng dẫn HS suy nghĩ và 2. Nghệ thuật:
HS nhận xét về nghệ thuật (5 trả lời - Xây dựng tình huống truyện
phút) độc đáo.
GV đưa ra câu hỏi: - Cách kể chuyện tự nhiên, lôi
- Em hãy nhận xét về nghệ cuốn, hấp dẫn:
thuật viết truyện của Kim Lân: + Cách dẫn dắt câu chuyện tự
Cách kể chuyện, cách dựng nhiên, giản dị, chặt chẽ
cảnh, đối thoại, nghệ thuật + Khéo léo làm nổi bật sự đối
miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn lập giữa hoàn cảnh và tính cách
ngữ... nhân vật.

86
- Dựng cảnh chân thật, sinh
động, đặc sắc: cảnh chết đói,
cảnh bữa cơm ngày đói,…
- Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế
nhưng bộc lộ tự nhiên, chân thật.
- Ngôn ngữ nông thôn mộc mạc,
giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng
được chọn lọc kĩ, tạo nên sức
gợi.
Hoạt động 4: Củng cố và luyện tập (5 phút)
- GV và HS chốt lại ý chính của bài học về nội dung và nghệ thuật
+ GV tổ chức cho HS đọc diễn cảm 1 đoạn: “ít lâu nay… cùng đẩy xe bò về”
+GV hướng dẫn HS về nhà: Viết một đoạn văn (khoảng 20 – 30 dòng)
phân tích một chi tiết hoặc một hình ảnh mà em thích khi đọc truyện ngắn Vợ
nhặt.
3.2. Thực nghiệm cụ thể bài học
3.2.1. Mục đích thực nghiệm
Mục đích thực nghiệm tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân theo hướng tiếp cận
thi pháp học nhằm những mục đích sau:
- Kiểm nghiệm tính khả thi của bài học này thiết kế theo phương hướng dạy
học mới đưa ra.
- Kiểm chứng, xác nhận tính đúng đắn của giả thuyết khoa học: Nếu từ
hướng tiếp cận thi pháp học áp dụng vào việc dạy truyện ngắn Vợ nhặt của Kim
Lân trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông sẽ góp phần nâng cao hiệu
quả của người học.
- Tiếp thu ý kiến phản hồi từ giáo viên và học sinh trong quá trình thực
nghiệm và điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện những đề xuất đổi mới về cách
khai thác tác phẩm, cách tổ chức dạy học cho HS.
- Đi đến những kết luận có căn cứ và kết quả nghiên cứu, là gợi ý để người
nghiên cứu có thể tiếp tục suy nghĩ về phương pháp dạy học các tác phẩm khác theo
hướng tiếp cận thi pháp học.
3.2.2. Đối tượng, địa bàn, thời gian thực nghiệm

87
Người viết lựa chọn thực nghiệm tại lớp 12N trường THPT Vũ Duy Thanh,
Yên Khánh, Ninh Bình và lớp 12A1 trường THPT Tô Hiến Thành, Đống Đa, Hà
Nội. Đây là 2 lớp có mặt bằng chung học sinh tương đương nhau về học lực.
3.2.3. Nội dung thực nghiệm
Thực nghiệm bài học Vợ nhặt của Kim Lân trên lớp theo hướng tiếp cận thi
pháp học với giáo án soạn ở trên.
3.2.4. Phương pháp tiến hành thực nghiệm
Sử dụng phương pháp so sánh và đối chứng để tiến hành thực nghiệm.
Qúa trình triển khai như sau:
- Xác định đối tượng thực nghiệm bao gồm học sinh và giáo viên (thông qua
phiếu điều tra)
- Khảo sát giáo án của GV THPT về bài giảng Vợ nhặt của Kim Lân
- Khảo sát chất lượng HS sau các giờ thực nghiệm và đối chứng
- Thu kết quả khảo sát, tiến hành thống kê, so sánh
- Rút ra đánh giá và kết quả thực nghiệm.
3.2.5. Kết quả thực nghiệm
3.2.5.1. Tiến hành khảo sát và tổng hợp kết quả đối với đối tượng khảo sát là
giáo viên
Sau khi tiến hành thực nghiệm dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân theo
hướng tiếp cận thi pháp học tại hai trường THPT, người viết đã phát phiếu khảo sát với 6
giáo viên dự giờ thực nghiệm tại trường THPT Vũ Duy Thanh và 4 giáo viên dự giờ đối
chứng tại trường THPT Tô Hiến Thành.
Kết quả tổng hợp sau khi tiến hành khảo sát giờ học thực nghiệm thu được như sau:
STT Nội dung điều tra Phân loại Kết quả thực nghiệm
Số phiếu (%)
Lớp đối Lớp thực
chứng nghiệm
THTP Vũ THPT Tô
Duy Thanh Hiến Thành
1 Mức độ nội dung kiến thức Tốt 1 (17%) 2 (50%)
bài dạy Khá 2 (33%) 2 (50%)

88
Trung bình 3 (50%) 0 (0%)
Yếu 0 (0%) 0 (0%)
2 Phương pháp và phương Tốt 0 (0%) 2 (50%)
tiện dạy học Khá 2 (33%) 2 (50%)
Trung Bình 4 (67%) 0 (0%)
Yếu 0 (0%) 0 (0%)
3 Học sinh trả lời câu hỏi Tốt 0 (0%) 0 (0%)
Khá 1 (17%) 1 (25%)
Trung bình 3 (50%) 3 (75%)
Yếu 2 (33%) 0 (0%)
4 Mức độ tích cực học tập của Tốt 0 (0%) 1 (25%)
học sinh Khá 4 (67%) 3 (75%)
Trung Bình 2 (33%) 0 (0%)
Yếu 0 (0%) 0 (0%)
5 Hiệu quả của bài dạy Tốt 1 (17%) 2 (50%)
Khá 2 (33%) 2 (50%)
Trung bình 2 (33%) 0 (0%)
Yếu 1 (17%) 0 (0%)

3.2.5.2. Tiến hành khảo sát và tổng hợp kết quả đối với đối tượng khảo sát là
học sinh
Khi tiến hành đối chứng và thực nghiệm dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim
Lân theo hướng tiếp cận thi pháp học tại 2 trường: THPT Vũ Duy Thanh và THPT Tô
Hiến Thành, người viết nhận thấy có sự giống nhau trong hứng thú tiếp cận tác phẩm Vợ
nhặt nhưng lại không giống nhau về vấn đề chủ động trong quá trình tìm hiểu và chiếm
lĩnh tác tác phẩm.
Kết thúc các giờ đối chứng và thực nghiệm, người viết phát phiếu khảo sát
nhằm đánh giá hiệu quả bài học đối với 40 HS của trường THPT Vũ Duy Thanh (lớp
đối chứng) và 30 HS của trường THPT Tô Hiến Thành (lớp thực nghiệm). Kết quả
sau khi tổng hợp phiếu khảo sát như sau:
STT Nội dung điều tra Phân loại Kết quả trả lời

89
Số phiếu (%)
Lớp thực
Lớp đối
nghiệm
chứng
THPT Tô
THPT Vũ
Hiến
Duy Thanh
Thành
1 Mức độ hứng thú của HS A. Hứng thú 21 (52,5%) 19 (63%)
khi học truyện ngắn Vợ nhặt B. Bình thường 15 (37,5%) 9 (30%)
C. Chán 4 (10%) 2 (7%)

D. Rất chán 0 (0%) 0 (0%)


2 Giáo viên đưa ra loại câu hỏi A. Dễ trả lời 0 (0%) 0 (0%)
nào đối với các em? B. Bình thường 16 (40%) 14 (47%)
C. Khó trả lời 15 (37,5%) 12 (40%)
D. Rất khó 9 (22,5%) 4 (13%)
3 HS có hứng thú tìm hiểu A. Hứng thú 5 (12,5%) 5 (17%)
những tác phẩm văn học có
B. Bình thường 6 (15%) 16 (53%)
định hướng của GV không?
C. Chán 22 (55%) 5 (17%)

D. Rất chán 7 (17,5%) 4 (13%)

4 Cách truyền đạt của GV như A. Dễ hiểu 7 (17,5%) 7 (23%)


thế nào? B. Bình thường 18 (45%) 14 (47%)

C. Khó hiểu 10 (25%) 6 (20%)


D. Rất khó hiểu 5 (12,5%) 3 (10%)
5 Trong giờ học tìm hiểu tác A. Nhiều hơn 3 lần 0 (05%) 2 (7%)
phẩm Vợ nhặt này, em tham
B. 2 hoặc 3 lần 4 (10%) 3 (10%)
gia phát biểu xây dựng bài
như thế nào? C. Chỉ 1 lần 14 (35%) 10 (33%)
D. Không lần nào 22 (55%) 15 (50%)

90
Để đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả mang lại sau giờ học thực nghiệm, người
viết tiến hành thực hiện kiểm tra trên lớp với cùng một bộ câu hỏi sử dụng cho cả
hai lớp đối chứng và thực nghiệm như sau:
* Câu hỏi kiểm tra 15 phút lớp 12:
Anh/chị hãy phân tích thi pháp thời gian, thi pháp không gian trong tác phẩm
Vợ nhặt của Kim Lân?
* Câu hỏi kiểm tra 90 phút lớp 12:
1. Anh/chị hãy phân tích nhan đề truyện ngắn Vợ nhặt và ý nghĩa nhà văn Kim Lân gửi
gắm thông qua nhan đề đó?
2. Anh/chị hãy trình bày sự thay đổi trong diễn biến tâm lý nhân vật “người vợ
nhặt” trước và sau khi theo Tràng về nhà?
3. Anh/chị hãy so sánh cách xây dựng tình huống truyện giữa truyện ngắn Vợ nhặt của
nhà văn Kim Lân và Hai Đứa Trẻ của tác giả Thạch Lam?
 Bảng thống kê kết quả kiểm tra 15 phút
Loại Giỏi Tỉ lệ Khá Tỉ lệ TB Tỉ lệ Yếu Tỉ lệ
Lớp đối chứng 4 10% 8 20% 25 62,5% 3 7,5%
THPT Vũ Duy
Thanh
Lớp thực nghiệm 5 16,7% 15 50% 7 23,3% 3 10%
THPT Tô Hiến
Thành

 Bảng thống kê kết quả kiểm tra 90 phút


Loại Giỏi Tỉ lệ Khá Tỉ lệ TB Tỉ lệ Yếu Tỉ lệ
Lớp đối chứng 3 7,5% 9 22,5% 24 60% 4 10%
THPT Vũ Duy
Thanh
Lớp thực 4 13% 15 50% 8 27% 3 10%
nghiệm
THPT Tô Hiến
Thành

91
3.2.6. Đánh giá kết quả thực nghiệm
Sau khi dạy đối chứng và thực nghiệm, kiểm tra kết quả học tập của học
sinh, thăm dò ý kiến của học sinh và giáo viên dự giờ, người viết sơ bộ có những
đánh giá sau:
- Học sinh thuộc lớp dạy theo giáo án thực nghiệm có biểu hiện chủ động
hơn trong quá trình tiếp cận bài học, có kết quả hiểu bài cao hơn so với lớp đối
chứng.
- Việc vận dụng hướng dạy học theo hướng tiếp cận thi pháp học đã đem lại
những kết quả ban đầu khả quan về một số phương diện sau:
+ Tỷ lệ học sinh nắm vững kiến thức sau giờ học đạt khá
+ Tạo được khí thế học tập sôi nổi
- Kết quả thăm dò học sinh và giáo viên dự giờ thực nghiệm cho thấy những
phản hồi rất tích cực. Đa số đều thấy cách dạy học này mới, khác hẳn với kiểu dạy
tác phẩm văn học theo kiểu khai thác phần nội dung tư tưởng trước sau đó mới đi
vào tìm hiểu một vài nét đặc sắc nghệ thuật. Kiểu dạy học mới này đi từ nghệ thuật
đến nội dung, hơn nữa nghệ thuật lại được xem xét một cách hệ thống, bám sát
những đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả. Dạy học theo cách này, một tác
phẩm văn chương mới thực sự được giải mã một cách khoa học và được đặt đúng vị
trí của một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Hơn nữa sau mỗi giờ học, ngoài việc
nắm vững kiến thức bài học, học sinh còn nắm vững được một số lý thuyết thi pháp
học, từ đó giúp hình thành năng lực cảm thụ văn học cho học sinh.
- Một số ý kiến cho rằng cách dạy học này khó tiếp nhận đối với học sinh có
năng lực yếu kém.
Với hệ thống lý thuyết lý luận và tư duy không đơn giản của thi pháp học,
nhiều học sinh tiếp thu chậm rất khó khăn trong việc theo kịp tiến độ của bài học.
Do đó, các em tỏ ra rất thụ động trong quá trình bài học diễn ra.
Người viết hi vọng với việc phát huy những thế mạnh, khắc phục dần những
nhược điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc từ lần thực nghiệm này, những lần thực
nghiệm sau theo hướng tiếp cận này sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

92
Tiểu kết chương 3
Qua hoạt động thiết kế giáo án thể nghiệm, tiến hành dạy học thực nghiệm
và đánh giá kết quả thực nghiệm, người viết thấy rằng hướng dạy học tác phẩm văn
chương theo hướng tiếp cận thi pháp học hoàn toàn có cơ sở khoa học và cơ sở thực
tiễn. Áp dụng hướng dạy học này trong chương trình dạy học môn Ngữ văn tại bậc
trung học phổ thông sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Ngữ văn, hình
thành ở người học năng lực cảm thụ văn học một cách khoa học và giàu tính nghệ
thuật. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả khả quan ban đầu, hướng dạy học này vẫn
tồn tại một số hạn chế cần phải khắc phục. Người viết hi vọng trong thời gian tới,
với việc điều chỉnh và hoàn thiện đề tài, tính khả quan của luận văn sẽ được nâng
cao hơn nữa.

93
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
1. Kết luận
Vợ nhặt của Kim Lân là một tác phẩm xuất sắc, bình dị mà đi vào lòng
người. Cùng với vẻ đẹp của tư tưởng, tác phẩm còn hấp dẫn bạn đọc bởi nghệ thuật
viết truyện tài hoa của người nghệ sĩ. Với sự kết hợp hài hòa của giá tri tư tưởng và
nghệ thuật, Vợ nhặt xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc của nền văn học hiện đại
Việt Nam. Chính vì thế suốt hơn nửa thế kỉ qua Vợ nhặt không chỉ là đối tượng
nghiên cứu của giới văn học nghệ thuật mà còn là đối tượng để giảng dạy trong nhà
trường THPT. Tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 12, tập 2 với
nhiều bình diện khai thác phong phú và thú vị như: giá trị hiện thực, giá trị nhân
đạo, tình huống truyện độc đáo,… Trong khi đó, trình độ nhận thức của học sinh
còn hạn chế, vốn ngôn ngữ ít ỏi, kiến thức văn hóa xã hội hạn hẹp… khiến cho việc
tiếp thu văn bản còn gặp muôn vàn khó khăn.
Xuất phát từ yêu cầu hiện đại hóa các môn học trong nhà trường phổ thông,
yêu cầu khắc phục thực trạng dạy học kém hiệu quả đối với môn Ngữ văn nói chung
cũng như dạy học truyện ngắn hiện thực 45 – 54 nói riêng, việc đổi mới phương
pháp dạy học là một nhu cầu cấp thiết, mang tính đột phá nhằm đưa môn Ngữ văn
đến đúng với vai trò và vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Dựa trên lý thuyết tiếp cận tác phẩm văn chương của các xu hướng dạy hiệ
đại, với đề tài Dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ Văn 12, tập 2) theo
hướng tiếp cận thi pháp học, luận văn đi sâu vào hướng dạy học tác phẩm văn
chương bám sát theo tiếp cận thi pháp truyện ngắn. Đây là hướng dạy học đi sâu
vào văn bản để tìm những nét đặc sắc nghệ thuật, từ đó suy ra nội dung, tư tưởng
tác phẩm. Cách dạy này góp phần làm thay đổi lối mòn trong cách dạy học văn
truyền thống, hướng tới nâng cao kiến thức lý thuyết nhằm hình thành năng lực cảm
thụ văn chương cho học sinh.
2. Khuyến nghị
2.1. Đối với Sở giáo dục và đào tạo
- Tập huấn cho GV về đổi mới phương pháp dạy học truyện ngắn theo hướng
tiếp cận thi pháp học
- Xây dựng tiêu chí rõ ràng cho một giờ dạy văn bản nghệ thuật hiệu quả.
2.2. Đối với nhà trường

94
- Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên nghiên cứu, áp dụng các phương pháp
mới trong dạy học môn Ngữ văn.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội thảo trao đổi chuyên môn về đổi
mới phương pháp dạy học cho giáo viên.
2.3. Đối với giáo viên
- Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp dạy tác phẩm văn học theo
hướng đổi mới, nâng cao năng lực người học.
- Thường xuyên dự giờ và trao đổi chuyên môn để rút kinh nghiệm bản thân.
- Quan tâm tới mong muốn của người học nhằm đạt hiệu quả cao trong giờ
dạy học.
Để nâng cao chất lượng dạy và học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân cho
học sinh lớp 12 chắc chắn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục và nghiên cứu, song việc
dạy học tác phẩm này theo hướng thi pháp học vẫn là một hướng đi đúng đắn, phù
hợp với xu thế dạy học hiện nay. Tuy vậy, do khả năng còn hạn chế nên những đề
xuất trong luận văn này không tránh khỏi những thiếu sót. Người viết rất mong
nhận được sự quan tâm, trao đổi và đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, các bạn
đồng nghiệp để những vấn đề trong luận văn ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

95
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyên An (2000), Nhà văn của làng quê nước Việt, Tạp chí Nhà văn (số
5).
2. Lại Nguyên Ân (1999); 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà
Nội.
3. Lê Huy Bắc (1998), Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại, Tạp chí
văn học (số 9).
4. Lê Tư Chỉ (1996), Để phân tích một tác phẩm truyện ngắn, Nxb Trẻ, TP.
Hồ Chí Minh.
5. Trần Ngọc Dung (1992), Ba phong cách truyện ngắn trong văn học Việt
Nam thời kỳ đầu những năm 1930 – 1945; Nguyễn Công Hoan, Thạch
Lam, Nam Cao – Luận án phó tiến sĩ, ĐHSPHN.
6. Trần Thị Khánh Dư (1995), Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ thi
pháp, Nxb Giáo dục.
7. Hà Minh Đức (chủ biên) (2001), Lý luận văn học, Nxb Giáo Dục.
8. Hương Giang (1993), Nhà văn Kim Lân nói về chuyện Vợ nhặt”, Báo Văn
Nghệ.
9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb Giáo dục.
10. Phùng Minh Hiến (2002), Tác phẩm văn chương một sinh thể nghệ
thuật, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
11. Đỗ Đức Hiểu (1995), Thi pháp học hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
12. Kim Hoa (1994), Ngòi bút Kim Lân và sự cày xới trên cánh đồng quê,
Báo nhân dân chủ nhật (số 34).
13. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
14. Nguyễn Công Hoan, Nghệ thuật viết truyện ngắn, Báo Văn nghệ (số 23-
24).
15. Đỗ Kim Hồi (2000), Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục.

96
16. Phạm Văn Đồng (1973), Dạy văn là một quá trình toàn diện, Tạp chí
nghiên cứu giáo dục.
17. Nguyễn Thanh Hùng (1996), Văn học tầm nhìn biến đổi, Nxb Văn học.
18. Nguyễn Thanh Hùng (2001), Hiểu văn dạy văn, Nxb Văn học.
19. Nguyễn Như Ý (1997), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb
giáo dục, Hà Nội.
20. Khrapchenkô.M.B (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển
văn học, Lê Sơn dịch, Nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội.
21. Khrapchenkô.M.B (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận
nghiên cứu văn học, (nhiều người dịch, Trần Đình Sử tuyển chọn và giới
thiệu), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
22. Nguyễn Đức Khuông (2008), Đối thoại với các nhà văn có tác phẩm dạy
học trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
23. Đào Khương (1987), Gặp gỡ 27 nhà văn có tác phẩm được chọn giảng
trong nhà trường, Sở giáo dục Hà Sơn Bình.
24. Đặng Thị Huy Lam, Đặc điểm truyện ngắn Kim Lân, Luận văn thạc sĩ,
Đại học sư phạm. TP. Hồ Chí Minh.
25. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học văn bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
26. Kim Lân (2004), Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
27. Kim Lân (2012), Kim Lân tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội.
28. Phan Trọng Luận (2002), Thiết kế bài học tích tác phẩm văn học ở nhà
trường phổ thông tập 1, 2, 3, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
29. Phan Trọng Luận tổng chủ biên (2007), Sách giáo viên Ngữ văn 11, tập
1, Nxb Giáo dục.
30. Phan Trọng Luận (2008), Tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương, trong
cuốn “Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12”, Nxb
Giáo dục.
31. Phương Lựu (Chủ biên) (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
32. Phương Lựu (chủ biên) (2004), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
33. Phương Lựu (chủ biên) (2006), Lý luận văn học; Nxb Giáo dục, Hà Nội.

97
34. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của
nhà văn, Nxb giáo dục, Hà Nội. M
35. Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Từ điển tác gia – tác phẩm văn học Việt
Nam dùng trong nhà trường, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.
36. Bùi Thị Mùi (2010), Giáo trình lí luận dạy học, Trường Đại học Cần
Thơ.
37. Hồ Qúy Nghĩa (2004), Sức sống trong truyện ngắn Vợ nhặt, Báo giáo
dục và thời đại, (số 49). NG
38. Nguyên Ngọc, Đôi nét về tư duy văn học mới đang hình thành, Tạp chí
văn học số 4/1990.
39. Bảo Nguyên (1997), Sử dụng ngôn ngữ - nghệ thuật đặc sắc của truyện
ngắn Kim Lân, TC Ngữ học trẻ, Nxb Hội ngôn ngữ học Việt Nam.
40. Lữ Huy Nguyên (1996), Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học, Hà Nội.
41. G.N.Pôxpêlôp (1988), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb giáo dục, Hà Nội.
42. Nguyễn Ngọc Quyên (2010), Kim Lân – người giữ gìn những giá trị văn
hóa của dân tộc, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam (số 185).
43. Nguyễn Thị Ngọc Quyên (2010), Phong cách nghệ thuật truyện ngắn
Kim Lân, Đại học sư phạm Hà Nội 2.
44. Chu Văn Sơn (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb giáo dục, Hà Nội.
45. Từ Sơn (1990), Đổi mới xã hội, đổi mới văn học, Báo văn nghệ (số 13).
46. Trần Đình Sử (2007), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Trung tâm giáo
dục từ xa, Đại học Huế.
47. Trần Đình Sử (2008), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
48. Nguyễn Quốc Thanh (2006), Cảm hứng chủ đạo và nghệ thuật trần thuật
trong truyện ngắn Kim Lân, Luận văn thạc sĩ. ĐHSP.TP Hồ Chí Minh.
49. Trần Khánh Thành (2010), Tập bài giảng về thi pháp học cho học viên
cao học, Đại học quốc gia Hà Nội.
50. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn
thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

98
51. Nguyễn Quang Thiều, Phỏng vấn Kim Lân về tác phẩm Vợ nhặt,
http://phanthanhvan.vnwebblogs.com, 23.04.
52. Hoàng Trinh (1997), Từ kí hiệu học đến thi pháp học, Nxb Đà Nẵng.
53. Hoài Việt (1999), Nhà văn trong nhà trường Kim Lân, Nbx giáo dục, Hà
Nội.
54.Nhiều tác giả (1998); Giảng văn văn học Việt Nam 1945 – 1975; Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
55. Nhiều tác giả, (2000). Nghệ thuật viết truyện và ký. Nxb Thanh niên.

99
PHỤ LỤC
Bảng thống kê lai lịch, ngoại hình, tính cách nhân vật Tràng, người vợ nhặt,
bà cụ Tứ:
Nhân vật Lai lịch Ngoại hình Tính cách
Tràng Một gã trai nghèo - Xấu xí và thô - Tràng là người vô
khổ, dân cư ngụ, kệch: tư, nông cạn:
làm nghề đẩy xe bò Hắn vừa đi vừa tủm tỉm + Thích chơi với trẻ con
thuê, nuôi mẹ già. cười và chẳng khác chúng là
Hai con mắt nhỏ tí, gà mấy
gà + Ngay cả chuyện quan
Hai bên quai hàm bạnh trong như lấy vợ, Tràng
ra, rung rung làm cho cái cũng chỉ quyết định
bộ mặt thô kệch của hắn trong chốc lát.
lúc nào cũng nhấp nhỉnh - Tràng là người
những ý nghĩ vừa lý thú đàn ông nhân hậu phóng
vừa dữ tợn... Còn đầu khoáng.
của Tràng thì cạo trọc + Thấy người đàn bà
nhẵn, cái lưng to rộng đói, anh cho ăn. Khi
như lưng gấu, ngay cả thấy thị quyết theo mình
cái cuời cũng lạ, cứ phải thì Tràng vui vẻ chấp
ngửa mặt lên cười hềnh nhận.
hệnh. + Tràng sẵn sang đưa
thị vào chợ tỉnh bỏ tiền
ra mua cho thị cái thúng
con đựng vài thứ lặt vặt
và ra hàng cơm đánh
một bữa no nê… Anh
còn mua 2 hào dầu thắp
để vợ mới vợ miếc cũng
phải cho nó sáng sủa
một tí.

100
- Tràng là một
người sống có trách
nhiệm.
+ Tràng dắt thị về ra mắt
mẹ, bảo thị chào mẹ.
+ Từ một anh phu xe cục
mịch, chỉ biết việc trước
mắt, sống vô tư, Tràng
đã là người quan tâm
đến những chuyện ngoài
xã hội và khao khát sự
đổi đời.
Người vợ Chẳng ai biết gốc Áo quần tả tơi như tổ - Khi mới gặp Tràng:
nhặt tích của chị ta ở đỉa… người gầy vêu Thị là người đanh đá, táo
đâu? Cha mẹ là ai? vao, trên cái khuôn mặt bạo tới mức trở nên trơ
Anh em thế nào? lưỡi cày xám xịt chỉ còn trẽn. Thị làm tất cả chỉ
Chẳng ai biết gốc thấy hai con mắt… Thị để được… ăn!
tích của chị ta ở là hiện thân của hàng - Khi đã chấp nhận làm
đâu? Cha mẹ là ai? triệu con người bần vợ Tràng:
Anh em thế nào? cùng, đói rách, tha Trên con đuờng trở về
Thậm chí nhân vật phương cầu thực và rồi nhà của Tràng, thị thay
này không có tên sẽ chết gục nơi đầu đổi hẳn. Thị có vẻ rón
và khi xuất hiện lúc đường xó chợ. rén, e thẹn.
được gọi là thị, là Thị mong sớm đến nhà
cô ả, lúc là người “chồng” để tránh sự dòm
đàn bà. ngó, dị nghị của mọi
người.
Về nhà của Tràng, thị
càng khác hơn. Người
đàn bà ấy có cái tò mò
của nàng dâu mới. Trước

101
mặt người mẹ chồng, thị
càng rụt rè, vẫn đứng
nguyên chỗ cũ, khẽ nhúc
nhích.
- Buổi sang sau
đêm tân hôn:
Thị đã trở thành người
vợ đảm đang. Cùng với
bà cụ Tứ, thị thức dậy
sớm, lo dọn dẹp nhà cửa,
quét tước sân vườn sạch
sẽ. Không những thế, thị
còn tỏ ra là người biết tu
chí làm ăn, biết tính toán
cho tương lai.
Bà cụ Tứ Người mẹ già xuất Bà cụ Tứ là người mẹ - Là một người
thân từ xóm ngụ cư nghèo khổ đã già yếu - phụ nữ bao dung,
nghèo khổ với cái lưng “long nhân hậu.
khòng”, khẽ mắt “lèm Trong hoàn cảnh khốn
nhèm “,”khuôn mặt khó, thấy con trai dắt về
bủng beo, u ám “. một người đàn bà xa lạ
Những hành động cử chỉ nhưng bà không hề phản
của cụ “nhấp nháy hai đối.
con mắt”,”chậm chạp - Là một người mẹ
hỏi”, “lập cập bước đi”, thương con.
“lật đật:, “lễ mễ” cũng - Là một bà lão có
thể hiện cụ là một người tính cách vui vẻ dễ gần
đã già, không còn khỏe và lạc quan.
mạnh.

102
PHIẾU ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT
CỦA KIM LÂN (SGK NGỮ VĂN 12, TẬP 2) THEO HƯỚNG TIẾP CẬN
THI PHÁP HỌC
( ành cho giáo viên môn Ngữ Văn)
Thầy (cô) tên là:……….………………............ Nam: □ Nữ: □
Tuổi nghề:…………… Công tác tại trường:…………………………….
Xin thầy cô cho biết ý kiến của mình về những vấn đề sau:
Câu 1: Thầy cô đã từng dạy tác phẩm Vợ nhặt trong chương trình Ngữ văn 12 tập 2
chưa?
Đã từng □ Chưa từng □
Câu 2: Thầy (cô) có dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân theo hướng tiếp cận
thi pháp học không?
Thường xuyên □ Thỉnh thoảng □ Chưa bao giờ □
Câu 3: Thầy (cô) đã từng biết đến phương pháp này chưa?
Đã từng biết □ Chưa từng biết □
Nếu thầy (cô) biết xin trả lời tiếp:
Câu 4: Nhận xét của thầy (cô) khi sử dụng phương pháp này?
Hiệu quả cao □ Bình thường □ Không hiệu quả □
Câu 5: Thời gian thầy (cô) dạy theo phương pháp này?
Thường xuyên □ Thỉnh thoảng □ Chưa bao giờ □
Câu 6: Thầy (cô) có thích dạy bằng phương pháp trên?
Thích dạy □ Không thích □ Bình thường □
Câu 7: Nếu thầy (cô) chưa biết về phương pháp này, thầy (cô) có nguyện vọng
muốn biết sâu sắc về phương pháp này không?
Muốn biết □ Không muốn biết □
Câu 8: Thầy cô có thường kết hợp các phương pháp dạy học gợi mở, nêu vấn đề để
phát huy vai trò bạn đọc HS?
Thường xuyên □ Thỉnh thoảng □ Chưa bao giờ □
Xin chân thành cảm ơn thầy (cô)!

103
PHIẾU ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT
CỦA KIM LÂN (SGK NGỮ VĂN 12, TẬP 2) THEO HƯỚNG TIẾP CẬN
THI PHÁP HỌC
( ành cho học sinh)
Họ và tên học sinh:……………………………………….. Nam Nữ
Trường:………………………………………………Lớp:…………………
Xin em cho biết ý kiến của mình về các vấn đề sau:
Câu 1: Em đã được học, biết về nhà văn Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt của ông
chưa?
Đã được học Chưa được học □
Câu 2: Cảm nhận của em khi được học truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân như thế
nào?
Thích □ Không thích □ Bình thường □
Câu 3: Trong các nhân vật sau đây, em yêu thích nhân vật nào nhất?
Người vợ nhặt □ Tràng □ Bà cụ Tứ □
Câu 4: Em hiểu thế nào là tình huống truyện? Hãy trình bày ngắn gọn về tình huống
truyện mà em cho là đặc sắc nhất trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân?
………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………
Câu 5: Em hiểu thế nào là nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn? Hãy
phân tích ngắn gọn về nhân vật em yêu thích nhất trong truyện ngắn Vợ nhặt?
…………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………
Xin chân thành cảm ơn em!

104
PHIẾU HỎI Ý KIẾN GIÁO VIÊN SAU GIỜ DẠY THỰC NGHIỆM
TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN THEO HƯỚNG TIẾP CẬN
THI PHÁP HỌC
Họ và tên giáo viên……………………… Môn:……………………….
Trường:…………….…………………………………………………
Lớp dạy thực nghiệm:……………… Bài dạy:…………………………
Họ và tên người dự giờ:………………… Trường:…………….……
Thời gian tiến hành thực nghiệm:………………………………………
Tích X vào các ô tương ứng trong Bảng hỏi dưới đây theo suy nghĩ của thầy
(cô) về từng vấn đề trong quá trình dự giờ thực nghiệm bài Vợ nhặt của Kim
Lân, theo thang đánh giá sau:
1 = Tốt 3 = Trung bình
2 = Khá 4 = Yếu
(Ghi chú: 1 là mức đánh giá cao nhất; 4 là mức đánh giá thấp nhất)
TT Các nội dung cần trả lời Tích X vào ô phù hợp nhất
Nội dung điều tra 1 2 3 4
1 Mức độ nội dung kiến thức bài dạy
2 Phương pháp và phương tiện dạy học
3 Khả năng của học sinh trong trả lời câu hỏi
4 Mức độ tích cực học tập của học sinh
5 Hiệu quả của bài dạy
Thầy (cô) có nhận xét hay kiến nghị gì trong việc dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của
nhà văn Kim Lân sau khi tham dự giờ dạy thực nghiệm trên?
………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
Cảm ơn thầy (cô) đã tham gia trả lời!

105
PHIẾU HỎI Ý KIẾN HỌC SINH SAU GIỜ DẠY THỰC NGHIỆM
TRUYỆN NGẮN VỢ NHẶT CỦA KIM LÂN THEO HƯỚNG TIẾP CẬN
THI PHÁP HỌC
Họ và tên giáo viên……………………… Môn:…………………….
Lớp dạy thực nghiệm:……………… Trường:…………….…………
Bài dạy:………………………… ……………………………………
Họ và tên học sinh:……………………………….……
Thời gian tiến hành thực nghiệm:……………

Hãy khoanh tròn vào các chữ cái đầu ở ô phù hợp nhất trong bảng hỏi dưới
đây theo suy nghĩ của anh/chị về từng vấn đề trong quá trình dự giờ thực
nghiệm bài Vợ nhặt của Kim Lân, theo thang đánh giá sau:

STT Các nội dung cần trả lời Khoanh tròn vào chữ cái đầu ở ô phù
hợp nhất
1 A. Hứng B. Bình C. D.
Anh/chị có hứng thú khi học thú thường Chán Rất chán
truyện ngắn Vợ nhặt không?

2 Giáo viên đưa ra loại câu hỏi nào A. B. C. D. Rất


đối với anh/chị? Khó trả Dễ trả Bình khó
lời lời thường
3 Anh/chị có hứng thú tìm truyện A. Hứng B. Bình C. D. Rất
ngắn Vợ nhặt thông qua sự định thú thường Chán chán
hướng của GV trong giờ thực
nghiệm này không?
4 Cách truyền đạt của giáo viên A. B. Bình C. D.
trong giờ giảng như thế nào? Dễ hiểu thường Khó Rất khó
hiểu hiểu
5 Trong giờ học tìm hiểu tác phẩm A. Nhiều B. C. D.
Vợ nhặt này, anh/chị tham gia hơn 3 2 hoặc 3 Chỉ 1 Không
phát biểu xây dựng bài như thế lần lần lần lần nào

106
nào?

Anh/chị có nhận xét hay kiến nghị gì đối với việc dạy học truyện ngắn Vợ nhặt của
nhà văn Kim Lân sau khi tham dự giờ dạy thực nghiệm trên?
………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………

Cảm ơn anh/chị đã tham gia trả lời!

107

You might also like