You are on page 1of 196

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Dương Liễu

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH


VIÊN CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC Ở MỘT SỐ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÍ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Dương Liễu

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH


VIÊN CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC Ở MỘT SỐ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chuyên ngành: TÂM LÍ HỌC

Mã số: 60 31 04 01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÍ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

TS. TRẦN THỊ QUỐC MINH

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


LỜI CAM ĐOAN

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lí học với đề tài “Định hướng nghề
nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học ở một số trường Đại học tại thành
phố Hồ Chí Minh” được tác giả nghiên cứu lần đầu tiên. Tôi xin cam đoan đây là
công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả, số liệu nghiên cứu được trích dẫn và giới
thiệu trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa từng công bố trong bất kỳ một
công trình khoa học nào.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2014

Tác giả

Trần Thị Dương Liễu


LỜI CẢM ƠN

Để có được kết quả như hôm nay, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn đến:

Quý Thầy Cô trong Ban giám hiệu, Phòng Sau đại học, Khoa Tâm lý – Giáo
dục Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tạo môi trường học tập và trực tiếp giảng
dạy cho tôi những kiến thức vô cùng hữu ích trong suốt khóa học.
Tiến sĩ Trần Thị Quốc Minh, người đã tận tình hướng dẫn, góp ý và động viên
tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài này.
Ban điều hành, các giảng viên, sinh viên Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường
ĐHSP TPHCM và Khoa Tâm lý Trường Đại học KHXHNV TPHCM đã tạo điều kiện
thuận lợi, nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình khảo sát, thu thập số liệu.
Quý Thầy Cô trong Hội đồng khoa học bảo vệ đề cương, Hội đồng khoa học
bảo vệ luận văn đã góp ý, hướng dẫn và chỉ ra những thiếu sót giúp tôi thực hiện tốt
luận văn tốt nghiệp của mình.
Gia đình, bạn bè thân hữu đã động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
Luận văn được hoàn thành với sự nỗ lực, cố gắng hết mình nhưng không tránh
khỏi những hạn chế, thiếu sót. Tôi xin chân thành cảm ơn và ghi nhận những ý kiến
đóng góp của quý Thầy Cô giáo và bạn bè!

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2014

Tác giả

Trần Thị Dương Liễu


MỤC LỤC

Trang phụ bìa


Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các bảng
MỞ ĐẦU .........................................................................................................................1
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP .......................7
1.1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp .......................................7
1.1.1. Những nghiên cứu ở nước ngoài ....................................................................7
1.1.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam .....................................................................10
1.2. Lý luận về định hướng nghề nghiệp ...................................................................16
1.2.1. Khái niệm định hướng ..................................................................................16
1.2.2. Khái niệm nghề nghiệp .................................................................................17
1.2.3. Khái niệm định hướng nghề nghiệp .............................................................29
1.3. Sinh viên và một số đặc điểm tâm lý của sinh viên ............................................34
1.3.1. Khái niệm sinh viên ......................................................................................34
1.3.2. Một số đặc điểm tâm lý của sinh viên ..........................................................35
1.3.3. Đặc điểm tâm lý của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học ...........................36
1.4. Định hướng nghề nghiệp của sinh viên...............................................................38
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên .................. 39
Tiểu kết chương 1 ........................................................................................................46
Chương 2. THỰC TRẠNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN
CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC Ở MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ...................................................................................47
2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng ...........................................................................47
2.2. Kết quả thực trạng định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tâm lý
học ở một số trường Đại học tại TPHCM ..................................................................56
2.2.1. Lí do sinh viên thi tuyển và chọn học chuyên ngành Tâm lý học ................56
2.2.2. Biểu hiện nhận thức về ĐHNN của SV ........................................................63
2.2.3. Biểu hiện thái độ về ĐHNN của SV chuyên ngành TLH tại TPHCM .........77
2.2.4. Biểu hiện hành vi về ĐHNN của SV ............................................................90
2.2.5. Mối tương quan giữa nhận thức, thái độ và hành vi trong hoạt động ĐHNN
của SV chuyên ngành TLH .....................................................................................95
2.3. Nguyên nhân thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH .............................96
2.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV ...................................................96
2.3.2. Các nguyên nhân của thực trạng ĐHNN của SV .......................................101
Tiểu kết chương 2 ......................................................................................................104
Chương 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐỊNH HƯỚNG
NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC Ở MỘT
SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .............................105
3.1. Cơ sở đề xuất biện pháp ....................................................................................105
3.2. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp cho sinh
viên chuyên ngành Tâm lý học tại Thành phố Hồ Chí Minh ...................................108
3.2.1. Các biện pháp thuộc về nhà trường ............................................................108
3.2.2. Các biện pháp thuộc về giảng viên .............................................................112
3.2.3. Các biện pháp thuộc về nhà tuyển dụng .....................................................115
3.2.4. Các biện pháp thuộc về sinh viên ...............................................................116
3.3. Tổ chức nghiên cứu khảo nghiệm .....................................................................120
3.4. Kết quả khảo nghiệm tính cần thiết và khả thi của các biện pháp ....................121
3.4.1. Khảo nghiệm tính cần thiết của các biện pháp ...........................................121
3.3.2. Khảo nghiệm tính khả thi của các biện pháp ..............................................124
Tiểu kết chương 3 ......................................................................................................127
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ...................................................................................128
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Thứ tự Chữ viết tắt Nghĩa đầy đủ


1 CĐ Cao Đẳng
2 CNH - HĐH Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa
3 ĐH Đại học
4 ĐHNN Định hướng nghề nghiệp
5 ĐLC Độ lệch chuẩn
6 ĐTB Điểm trung bình
7 GDNN Giáo dục nghề nghiệp
8 GV Giảng viên
9 HS Học sinh
10 KHXHNV Khoa học xã hội nhân văn
11 N Tần số
12 NN Nghề nghiệp
13 Nxb Nhà xuất bản
14 PGS. TS Phó Giáo sư, Tiến Sĩ
15 Sig. Mức ý nghĩa
16 SP Sư Phạm
17 SV Sinh viên
18 TT Thứ tự
19 THPT Trung học phổ thông
20 TLH Tâm lý học
21 TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh
22 XB Xếp bậc
DANH MỤC CÁC BẢNG

Tên bảng Trang


Bảng 1.1. Phân loại nhóm nghề theo E.A.Klimov ........................................................21
Bảng 2.1. Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học trường ĐHSP TP.HCM .............48
Bảng 2.2. Sinh viên chuyên ngành TLH toàn Khoa (cập nhật tháng 04/2014).............49
Bảng 2.3. Chương trình đào tạo cử nhân TLH Trường KHXHNV TPHCM ................50
Bảng 2.4. Sinh viên toàn Khoa Tâm lý (thống kê cập nhật tháng 4/2014) ...................51
Bảng 2.6. Cơ cấu khách thể nghiên cứu ........................................................................54
Bảng 2.7. Bảng tổng hợp hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha ............................................55
Bảng 2.8. Kết quả khảo sát lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH ...............57
Bảng 2.13. Nhận thức của SV về cơ hội phát triển nghề nghiệp...................................64
Bảng 2.14. Nhận thức của SV về đặc điểm ngành và nghề TLH ..................................64
Bảng 2.15. Khó khăn khi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH......................................68
Bảng 2.16. Kết quả so sánh các vấn đề khó khăn khi ĐHNN của SV ..........................69
Bảng 2.17. Nhận thức của SV về vai trò và ý nghĩa của hoạt động ĐHNN .................70
Bảng 2.18. Nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất của người công tác trong
ngành TLH .....................................................................................................................72
Bảng 2.19. Nhận thức của SV về những yêu cầu năng lực của người công tác trong
ngành TLH .....................................................................................................................74
Bảng 2.22. Hứng thú của SV đối với ngành TLH .........................................................77
Bảng 2.23. So sánh hứng thú của SV đối với ngành TLH ............................................78
Bảng 2.24. Biểu hiện thái độ của SV đối với các hoạt động ĐHNN ............................79
Bảng 2.25. Mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên ngành TLH .....................82
Bảng 2.26. Kết quả khảo sát ĐHNN qua mức độ yêu thích nghề nghiệp cụ thể ..........82
Bảng 2.28. Kết quả chung biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH .......90
Bảng 2.30. Sự kiên định của SV đối với ngành TLH ....................................................93
Bảng 2.31. Mối tương quan giữa ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi .......................95
Bảng 2.32. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của SV ......................97
Bảng 2.34. Nguyên nhân của thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH ............102
Bảng 3.1. Mức độ cần thiết các biện pháp nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV ...........121
Bảng 3.2. Mức độ khả thi của các biện pháp nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV .......124
1

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm gần đây, công tác định hướng nghề nghiệp (ĐHNN) cho bộ
phận học sinh THPT ngày càng trở nên quan trọng và được các lực lượng xã hội, các
cơ quan ban ngành quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, công tác ĐHNN cho sinh viên (SV)
chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị bỏ quên. Chúng ta vẫn nghĩ rằng ĐHNN
chỉ là lựa chọn một ngành nghề yêu thích, chọn một trường đại học (ĐH) hoặc cao
đẳng (CĐ) là xong, ngành học tại trường sẽ quyết định nghề nghiệp (NN) sau này.
Chúng ta quên rằng lựa chọn NN mới chỉ là giai đoạn đầu trong tiến trình hướng
nghiệp của mỗi người và ĐHNN là một quá trình diễn ra liên tục, kéo dài từ năm nhất
đến năm cuối cùng của bậc học. Bên cạnh đó, do yêu cầu xã hội ngày càng phức tạp
dẫn đến hệ thống NN gắn với ngành đào tạo cũng ngày càng phong phú hơn. Trong
thực tế, nhiều SV chỉ chú ý đến những nét hấp dẫn bên ngoài của NN, không (hoặc
không biết cách) phân tích những đặc điểm bản thân, yêu cầu của NN, lựa chọn NN
không phù hợp dẫn đến chán nản, học tập không tiến bộ, bỏ học giữa chừng hoặc làm
trái nghề, đổi nghề sau khi tốt nghiệp. Điều này gây lãng phí của cải, thời gian, công
sức của người học. Đồng thời, gây bất ổn cho phân công lao động và lãng phí rất lớn
nguồn nhân lực xã hội.
Theo số liệu điều tra của sở Lao động – Thương binh – Xã hội thành phố Hồ
Chí Minh (TPHCM) cho biết: chỉ khoảng 30% HS, SV tốt nghiệp có ý định làm việc
lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng,
nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu NN. Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao
động trẻ chọn sai ngành học, chọn học nghề không phù hợp với bản thân. Từ số liệu
trên cho ta thấy được một phần những hạn chế trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của
các trường hiện nay, đặc biệt là giáo dục NN [59, tr.8].
Theo báo cáo mới nhất được công bố tại hội thảo khoa học "Giải pháp gắn kết
giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam" do Trường ĐH KHXHNV -
ĐHQGHN tổ chức. Hội thảo nằm trong dự án Nghiên cứu chính sách hợp tác với Quỹ
Rosa - Luxemburg của CHLB Đức công bố: trong số gần 3.000 SV đã tốt nghiệp được
hỏi, có 70% SV trả lời "đã nghĩ tới công việc nhưng chưa chắc chắn và không có
2

nhiều thông tin về hệ thống nghề nghiệp". Hội thảo còn cho thấy SV thất nghiệp là do
thiếu ĐHNN, do chưa có ý định tự trau dồi NN và không hình dung đúng đắn về NN
trong tương lai. Điều này cho thấy, công tác ĐHNN cho SV đang bị bỏ quên. Nếu thực
hiện công tác giáo dục NN và ĐHNN hiệu quả thì đó chính là điều kiện giúp cho mỗi
cá nhân SV phát huy được tối đa phẩm chất, năng lực của bản thân trong học tập cũng
như trong quá trình lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,
đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội trong sự nghiệp CNH – HĐH và thời kỳ hội nhập của
đất nước [61].
Tâm lý học (TLH) là ngành có tính tương tác cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Những
năm gần đây, ngành TLH rất phát triển và cần phải có nguồn nhân lực chất lượng với
số lượng lớn. Nghề nghiệp TLH theo bảng danh mục NN của Tổng cục thống kê
(Ban hành theo Quyết định số 1019/QĐ-TCTK ngày 12 tháng 11 năm 2008) thuộc
nhóm nghề Khoa học xã hội có mã số 2445, thể hiện chủ yếu cho hai mã NN: nghiên
cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực tiễn của xã hội và định hướng vị trí
việc làm của SV tốt nghiệp, thì TLH là ngành có đầu ra rất rộng. Những người được
đào tạo cơ bản về TLH có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực: giảng dạy TLH tại các
trường CĐ, ĐH; nghiên cứu TLH tại các viện, trung tâm nghiên cứu TLH, các tổ chức
phi chính phủ; làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu ở các bệnh viện, trung tâm tư vấn tâm
lý,... Mặc khác, ngành TLH có nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực đều đòi hỏi người làm
việc phải có những kỹ năng riêng biệt, chuyên sâu về nó. Do đó, ngoài những yêu cầu
đặc thù thì với yêu cầu đa dạng và không ngừng biến đổi của xã hội, SV chuyên ngành
TLH phải hình thành định hướng mới để đáp ứng mọi yêu cầu NN tương lai. Như vậy,
xác định hệ thống NN và ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH là việc làm có ý nghĩa
quan trọng hàng đầu [11].
Bên cạnh đó, người nghiên cứu nhận thấy chưa có đề tài nào nghiên cứu cụ thể
về hướng nghiệp và ĐHNN ở SV chuyên ngành TLH các trường ĐH tại TPHCM. Vì
lẽ đó, tìm hiểu cụ thể hệ thống NN và ĐHNN của SV chuyên ngành TLH ở các trường
ĐH tại TPHCM là rất cần thiết.
Từ những cơ sở trên, đề tài “Định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên
ngành Tâm lý học ở một số trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.” được xác
lập.
3

2. Mục đích nghiên cứu


Tìm hiểu thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH ở một số trường Đại học
tại TPHCM, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác
ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Hệ thống hóa các vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài: định hướng, nghề
nghiệp, định hướng nghề nghiệp, sinh viên, ngành Tâm lý học…
3.2. Khảo sát thực trạng ĐHNN, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của
SV chuyên ngành TLH ở một số trường Đại học tại TPHCM.
3.3. Khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi của một số biện pháp tác động
nhằm nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH.
4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học.
4.2. Khách thể nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu chính là SV chính quy năm thứ nhất (khóa 2013 - 2017)
và năm thứ ba (khóa 2011 - 2015) chuyên ngành TLH ở một số trường ĐH tại
TPHCM.
- Khách thể nghiên cứu bổ trợ là lực lượng giáo dục chuyên ngành TLH, các
thầy cô giáo đang giảng dạy các bộ môn TLH, các chuyên viên hướng nghiệp.
5. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
5.1. Nội dung
- Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu ĐHNN của sinh viên chuyên ngành TLH.
5.2. Khách thể
- Đề tài chỉ nghiên cứu 229 SV năm thứ nhất và năm thứ ba chuyên ngành TLH ở
2 trường ĐH tại TPHCM, gồm: ĐHSP TPHCM, ĐH KHXHNV TPHCM.
- 22 chuyên gia đang công tác trong ngành TLH, bao gồm: lực lượng giáo dục
chuyên ngành, các giảng viên đang giảng dạy các bộ môn TLH ở 2 trường trên,
chuyên viên hướng nghiệp.
4

6. Giả thuyết nghiên cứu


- ĐHNN của SV chuyên ngành TLH còn chủ quan, cảm tính (vì sở thích muốn
khám phá tâm lý của bản thân và mọi người, vì thần tượng người trong ngành, vì ảo
tưởng ngành nghề,…), mà chưa dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học sự phù hợp
về tính cách, năng lực nghề nghiệp của bản thân với ngành đang theo học.
- Có sự khác biệt ý nghĩa về nhận thức, thái độ, hành vi giữa SV năm thứ nhất và
SV năm thứ ba, giữa SV nam và SV nữ về ĐHNN ở hai trường ĐH tại TPHCM.
- ĐHNN của SV chuyên ngành TLH chịu sự tác động của các yếu tố chủ quan,
thuộc về bản thân SV như sở thích, hứng thú,… nhiều hơn các yếu tố khách quan.
7. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp luận
7.1.1. Quan điểm hệ thống - cấu trúc
ĐHNN của SV chuyên ngành TLH được nghiên cứu trên nhiều mặt: nhận thức,
thái độ và hành vi. Các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN được nghiên cứu
trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, chúng nằm trong một chỉnh
thể thống nhất, chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong cùng một hệ thống.
7.1.2. Quan điểm thực tiễn
Nghiên cứu ĐHNN của SV chuyên ngành TLH xuất phát từ thực tiễn: SV
chuyên ngành TLH lựa chọn hệ thống các NN và ĐHNN như thế nào cho phù hợp với
xu thế phát triển của thời đại và phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân SV. Đó
là vấn đề hết sức quan trọng, cần phải được quan tâm nghiên cứu nhằm hạn chế vấn đề
lãng phí của cải, thời gian, công sức của người học và của cả xã hội. Đồng thời đáp
ứng nhu cầu cấp thiết về số lượng nguồn nhân lực chuyên ngành TLH có chất lượng,
tránh đào tạo nguồn nhân lực yếu kém cho xã hội.
7.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể
7.2.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
7.2.1.1. Mục đích
- Hệ thống hóa những tài liệu, những cơ sở cần thiết nhằm xây dựng khung lý
thuyết, công cụ và nội dung nghiên cứu cho đề tài.
7.2.1.2. Cách thức
5

- Phân tích, tổng hợp các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, sách báo,
tạp chí chuyên ngành, các thông tin có liên quan đến đề tài.
7.2.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
7.2.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
a. Mục đích
- Đây là phương pháp nghiên cứu chính của đề tài, nhằm tìm hiểu thực trạng
ĐHNN và một số yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV chuyên ngành TLH.
b. Cách thức
- Xây dựng phiếu trưng cầu ý kiến gồm 10 câu hỏi mở, khảo sát ngẫu nhiên trên
94 SV để tìm hiểu sơ bộ biểu hiện về ĐHNN của SV chuyên ngành TLH.
- Tổng hợp kết quả từ bảng hỏi mở, xin ý kiến của các giáo viên, nhà chuyên
môn, tiến hành xây dựng phiếu khảo sát chính thức sử dụng trong đề tài và bảng khảo
nghiệm tính khả thi và tính cần thiết của các biện pháp.
- Sử dụng bảng hỏi chính thức và bảng khảo nghiệm biện pháp tiến hành khảo
sát trên mẫu nghiên cứu đã chọn để thu thập dữ liệu cho đề tài.
7.2.2.2. Phương pháp phỏng vấn
a. Mục đích
Thu thập những ý kiến cụ thể của một số nhà quản lý giáo dục, giảng viên, sinh
viên. Những ý kiến này sẽ là những dữ liệu quan trọng nhằm làm rõ hơn và mô tả cụ
thể hơn các kết quả thu được từ bảng hỏi.
b. Cách thức
- Người nghiên cứu chuẩn bị trước một số nội dung và tiến hành phỏng vấn 6
Thầy Cô giáo và 20 bạn SV chuyên ngành TLH ở 2 trường ĐH tại TPHCM.
- Ghi chép trung thực nội dung trả lời từ phía SV và các nhà chuyên môn để làm
tư liệu.
7.2.2.3. Phương pháp quan sát
a. Mục đích
Nhằm phát hiện, thu thập thêm những biểu hiện cụ thể về ĐHNN của SV.
b. Cách thức
6

Người nghiên cứu tham dự một số giờ học tập, thực hành, làm việc nhóm của
SV trên lớp và ngoại khóa. Trong quá trình quan sát, chúng tôi đảm bảo sự tự nhiên,
khách quan, trung thực những biểu hiện của SV. Quan sát được ghi nhận bằng biên
bản quan sát, có chụp hình làm tư liệu.
7.2.2.4. Phương pháp khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi
a. Mục đích
Nhằm tìm hiểu tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp ĐHNN cho SV
chuyên ngành TLH.
b. Cách thức
Sau khi tìm hiểu về thực trạng ĐHN của SV và thăm dò được các biện pháp nâng
cao hiệu quả ĐHNN cho SV, người nghiên cứu lựa chọn các biện pháp tiêu biểu, tổ
chức khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi đối với lực lượng giáo dục, các giảng
viên và SV 2 trường: ĐHSP TPHCM và Đại học KHXHNV TPHCM.
7.2.3. Phương pháp thống kê toán học
7.2.3.1. Mục đích
Nhằm xử lý, phân tích, đánh giá các thông tin thu được.
7.2.3.2. Cách thức
Người nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 16.0 để xử lý thống kê
như: tính tần số, tỷ lệ phần trăm, trị số trung bình, kiểm nghiệm T (so sánh trung bình
2 mẫu),… các số liệu thu được từ phương pháp điều tra bằng bảng hỏi.
8. Đóng góp của đề tài
8.1. Về mặt lý luận
- Hệ thống hóa được cơ sở lý luận về định hướng, nghề nghiệp và ĐHNN.
- Hệ thống hóa các nghề nghiệp và đặc điểm, yêu cầu của các nghề nghiệp
thuộc chuyên ngành TLH.
8.2. Về mặt thực tiễn
Đề tài làm rõ được thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH; đề xuất và khảo nghiệm một số biện pháp nâng cao hiệu quả công
tác ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH ở các trường ĐH tại TPHCM.
7

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

1.1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp


Vấn đề ĐHNN là một trong những vấn đề được nhiều nhà khoa học trong và
ngoài nước quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới đây là một số
công trình nghiên cứu:
1.1.1. Những nghiên cứu ở nước ngoài
1.1.1.1. Những nghiên cứu ở Phương Tây
Tư tưởng ĐHNN cho thế hệ trẻ đã có từ thời cổ đại dưới dạng rất sơ khai và
biểu hiện thông qua việc phân chia lao động theo địa vị và xuất thân của mỗi người
trong xã hội. Đến thế kỷ XIX khi nền sản xuất phát triển cùng với những tư tưởng tích
cực về giải phóng con người diễn ra trên khắp thế giới thì khoa học hướng nghiệp
ha y ĐHNN mới thực sự trở thành một khoa học độc lập.
Năm 1908, Giáo sư đại học Pensylvania, Frank Parson là người đặt nền móng
các khái niệm cơ bản cho hoạt động tư vấn hướng nghiệp (career counseling) hay tư
vấn nghề (vocational guidance) ngày nay. Đồng thời năm 1908, ông cũng đã thành lập
hội đồng hướng nghiệp ở Boston (Mỹ) với nhiệm vụ nghiên cứu các yêu cầu của nghề
đối với con người, tìm hiểu chi tiết về năng lực của người học để giúp họ có được sự
ĐHNN phù hợp với năng lực và hứng thú cá nhân [41, tr.5].
Một năm sau, cũng chính Frank Parsons là người đầu tiên, trình bày khái niệm
hướng nghiệp trong cuốn sách “Lựa chọn một nghề nghiệp” (Choosing a Vocation,
1909). Những khái niệm này đã trở thành lý luận cơ sở cho những lý thuyết có liên
quan đến đặc điểm tính cách con người (trait) và yếu tố nghề (factor) - (Trait and
factor theory: lý thuyết đặc điểm người/nghề). Nhìn chung, cuốn sách là công trình
nền tảng trình bày cơ sở TLH của hướng nghiệp và chọn nghề, cũng như các tiêu chí
về sự phù hợp nghề của mỗi cá nhân để từ đó lựa chọn nghề cho phù hợp [10].
Vào những năm 1940, nhà TLH người Mỹ J.L Holland (1919 – 2008) đã nghiên
cứu và thừa nhận sự tồn tại của các loại nhân cách và sở thích nghề nghiệp. Tác giả đã
chỉ ra tương ứng với mỗi kiểu nhân cách là một số những nghề nghiệp tương xứng có
thể chọn để đạt được kết quả làm việc và thành công nghề nghiệp cao nhất. Lý thuyết
này của J. L Holland đã được sử dụng rộng rãi nhất trong thực tiễn hướng nghiệp trên
thế giới [90].
8

Đến năm 1948, cuốn sách “Hướng dẫn chọn nghề” xuất bản ở Pháp được xem là
cuốn sách đầu tiên nói về ĐHNN. Nội dung của cuốn sách đề cập đến sự phát triển đa
dạng của các ngành nghề trong xã hội do sự phát triển của công nghiệp. Từ đó rút ra
những kết luận coi giáo dục hướng nghiệp là một vấn đề quan trọng không thể thiếu
khi xã hội loài người càng ngày có những bước tiến vượt bậc [9].
Tiếp tục phát triển đến năm 1970, 1980 ở Mỹ đã kết hợp chặt chẽ việc tư vấn
nghề với chương trình công nghệ và dạy nghề. Những nhà nghiên cứu ở đây cũng đã
đưa môn “Hướng dẫn chọn nghề - Career Guidance” vào giảng dạy ở trường Trung
học. Sau đó là từ bậc Trung học đến ĐH đều có các cố vấn học tập hay cố vấn tâm lý
làm việc. Đây cũng là những cơ sở ban đầu rất quan trọng của việc tham vấn hướng
nghiệp như: tìm hiểu bản thân, xác định khả năng, tìm hiểu về nghề để tìm ra những
định hướng chọn nghề trong tương lai sao cho thật phù hợp [84].
Năm 1974, cuốn sách “Nghiên cứu định hướng” của nhà TLH người Mỹ John L.
Holland lại tiếp tục bàn về ĐHNN với dụng cụ tư vấn, những đặc điểm môi trường và
con người dẫn đến việc chọn nghề, học nghề, gắn bó và thành công với nghề nghiệp
của con người được xuất bản lần đầu tiên, đến nay nó đã được sửa đổi nhiều lần và
trong mỗi lần xuất bản mới, đều được Holland sửa đổi theo quan điểm mới của ông và
theo đề xuất của khách hàng hay của các nhà phê bình [10, tr.11].
Tiếp theo đó, hàng loạt các bài phê bình về công trình nghiên cứu ĐHNN của
John Holland như: các bài phê bình của Bodden (1987), Daniels (1989, 1994) và của
Manuelle – Adkins (1989) nhận xét và cho rằng J. Holland đã đạt được mục đích
nghiên cứu về ĐHNN với: Dụng cụ tư vấn được nhiều người lớn và thanh niên sử
dụng để tư vấn và ĐHNN; Cơ cấu tổ chức thông tin nghề nghiệp và con người nhằm
hỗ trợ quyết định nghề nghiệp; Dụng cụ đo nghiệm tinh thần hoàn chỉnh cho người
nghiên cứu trong điều tra tính cơ sở và tính hợp lý của lý thuyết 6 tính cách, thường
gọi tắt là RIASEC [9].
Năm 1995, Meir, Melamed & Dinur nghiên cứu sự phù hợp giữa nghề nghiệp và
những kỹ năng có tương quan tích cực dự báo thành công trong công việc và nghề
nghiệp. Cho đến khi cuốn “Áp dụng lý thuyết phát triển nghề nghiệp trong tư vấn”
(Applying Career Development Theory to Counseling) của Richard S. Sharf ra đời, đã
mở rộng phạm vi tư vấn tâm lý sang lĩnh vực mới – tư vấn ĐHNN cho các đối tượng
có nhu cầu trong xã hội [10].
9

Ngoài những nghiên cứu ở các nước Mỹ, Pháp, Đức, các nhà nghiên cứu ở các
nước Phương Tây khác cũng đặc biệt quan tâm đến ĐHNN cho thế hệ trẻ, cụ thể như:
H. Perho, nhà TLH người Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu “ĐHNN và nghệ thuật sư
phạm trong đào tạo giáo viên phổ thông”. Kết quả cho thấy, trong động cơ học tập của
SV, ước muốn nhận được điểm cao mạnh hơn ước muốn trở thành thầy giáo giỏi. Qua
đó, ông cảnh báo và kêu gọi tổ chức lại hệ thống (quy trình) tuyển sinh ngành Sư
phạm. Một nhà TLH Phần Lan khác, M.V. Volanen cũng nghiên cứu về ĐHNN và
thích ứng việc làm ở thanh niên. Kết quả cho thấy, những đánh giá chủ quan của thời
kỳ học nghề ảnh hưởng mạnh mẽ đến ĐHNN của thanh niên nhiều hơn so với thời kỳ
làm việc đầu tiên và phụ thuộc vào quá trình thích ứng nghề nghiệp của thanh niên.
Cùng lúc đó, Z. Ransenbakh cũng nghiên cứu về ĐHNN gắn với định hướng giá trị và
các kế hoạch cuộc sống của SV. Những công trình đó cho chúng ta góc nhìn cận cảnh
hơn về ĐHNN của thanh niên, SV trong giai đoạn lúc bấy giờ ở Phần Lan [18, tr. 17].
Như vậy, nhìn chung trọng tâm các nghiên cứu ĐHNN ở các nước phương Tây
chủ yếu sử dụng các phương tiện, thiết bị, công cụ chuyên môn nhằm tham vấn
chuyên sâu từng đối tượng với mục đích xác định xu hướng và sự phù hợp nghề
nghiệp của thanh niên đối với nghề này hay nghề khác, giúp đỡ thanh niên lựa chọn
và quyết định nghề nghiệp phù hợp.
1.1.1.2. Những nghiên cứu ở Liên Xô
Ở Liên Xô (cũ) vào những năm 29, 30 của thế kỷ XX, vấn đề hướng nghiệp
cho HS cũng được các nhà khoa học và lãnh đạo chính quyền Xô Viết đặc biệt quan
tâm. Nhà giáo dục học lỗi lạc N. K Crupxkaia đã từng nêu lên luận điểm “Tự do chọn
nghề” cho mỗi thanh thiếu niên. Theo bà, công tác hướng nghiệp giúp cho trẻ phát
triển được hứng thú và năng lực nghề nghiệp, giáo dục cho các em thái độ lao động
đúng đắn, động cơ chọn nghề trong sáng. Từ đó các em có thái độ tự giác trong việc
chọn nghề [10, tr.12].
Dựa trên cơ sở các luận điểm về hướng nghiệp của C. Mác và V.I Lênin các
nhà giáo dục Liên Xô như B.F Kapeep, X.Ia Batưsep, X.A Sapôrinxki, V.A Pôliacôp
trong các tác phẩm và công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra tầm quan trọng của
giáo dục hướng nghiệp và ĐHNN cho thế hệ trẻ sẽ là cơ sở để họ chọn nghề đúng
đắn, phù hợp giữa năng lực, sở thích cá nhân với nhu cầu xã hội [70].
Trong những năm 1970, nhà TLH lao động người Liên Xô E.A.Kalimốp đã
đưa ra trắc nghiệm “Xác định kiểu nghề cần chọn trên cở sở tự đánh giá” với 30 câu
10

hỏi. Cùng thời gian đó, A.E.Côlômtốc cũng đưa ra trắc nghiệm đo hứng thú nghề
nghiệp với 78 câu hỏi. Cùng thời điểm, nhiều nhà khoa học ở Liên Xô cũ xem “Tam
giác hướng nghiệp” của K.K. Platonov là yêu cầu chuẩn xác cho việc chọn ngành
nghề. Tác giả của quan điểm “tam giác hướng nghiệp” vạch ra ba yếu tố cơ bản của
việc chọn nghề là: đặc điểm cá nhân, tính chất nghề nghiệp và nhu cầu xã hội. Thực tế
cho thấy tam giác này khá quan trọng nhưng chưa thực sự là những cơ sở hoàn toàn
phù hợp và thỏa đáng để học sinh chọn nghề vì còn những điều kiện khác như: khả
năng học tập, thời gian học tập... cũng ảnh hưởng nhiều đến việc chọn nghề, học nghề
và làm nghề [10, tr. 14], [77].
Ngoài ra, có thể đề cập thêm một số công trình nghiên cứu về hứng thú và
ĐHNN của các tác giả: V.N. Supkin, V.P. Gribano, X.N. Trixtaiakova, A.A.
Barbinova cũng phản ánh phần nào xu hướng nghề nghiệp của học sinh. HS ở một vài
quốc gia mà nhiều nhất là ở Liên Xô cũ thường có dự định tiếp thu nền học vấn cao
hơn và không muốn đi làm ngay. Những tổng kết cho thấy những năm 1970, HS có
xu hướng với những nghề thuộc lĩnh vực sản xuất. Nhưng đến những năm 1985, HS
lại thích thú với các nghề lĩnh vực xã hội. Đặc biệt, giữa học HS nữ và HS nam có sự
khác biệt khi HS nam quan tâm nhiều đến lĩnh vực kỹ thuật trong khi HS nữ lại quan
tâm hơn với các nghề như: y tế, giáo dục, nghệ thuật [64, tr.3].
Như vậy, các công trình nghiên cứu ĐHNN ở Liên Xô đã vạch ra các yếu tố cơ
bản (đặc điểm cá nhân, tính chất ngành học, nghề nghiệp, nhu cầu xã hội) ảnh hưởng
đến quá trình ĐHNN. Đồng thời đưa ra những cơ sở, những luận cứ khoa học giúp
cho việc ĐHNN của thế hệ trẻ được chuẩn xác hơn. Qua đó, đề cao vai trò quan trọng
của công tác ĐHNN đối với xã hội nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
1.1.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Nghiên cứu hướng nghiệp và ĐHNN ở Việt Nam, theo các chuyên gia đã có
những bước phát triển mạnh mẽ vào những năm 1970, 1980. Tiếp thu những thành
tựu của các nước trên thế giới và thực tiễn nghiên cứu trong nước. Thời gian gần đây
giáo dục hướng nghiệp và ĐHNN ở Việt Nam đã có rất nhiều các công trình nghiên
cứu với các cách tiếp cận khác nhau. Điều đó tạo nên một giai đoạn mới với sự đa
dạng trong nghiên cứu khoa học hướng nghiệp ở Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến những nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực này như
GS. Phạm Tất Dong, GS Phạm Huy Thụ, PGS. Đặng Danh Ánh, GS. Nguyễn Văn
11

Hộ,…và một số các tác giả trẻ khác, với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về
nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau của hướng nghiệp và ĐHNN [2], [3], [42].
Trong số đó, có thể nói GS. Phạm Tất Dong là người có đóng góp rất nhiều cho
giáo dục hướng nghiệp (GDHN) Việt Nam, ông đã dày công nghiên cứu các vấn đề lí
luận và thực tiễn cho GDHN như: xác định mục đích, ý nghĩa, vai trò của hướng
nghiệp; hứng thú, nhu cầu, động cơ nghề nghiệp; hệ thống các quan điểm, nguyên tắc
hướng nghiệp; các nội dung, phương pháp, biện pháp GDHN,…Điều này được thể
hiện ở rất nhiều bài báo cáo, bài báo, sách, giáo trình của ông như: bài “hướng nghiệp
cho thanh niên”, đăng trên tạp chí thanh niên (số 8, 1982); Báo cáo “Một con đường
hình thành lý tưởng nghề nghiệp cho HS lớn”; Các tác phẩm như: “Nghề nghiệp tương
lai – giúp bạn chọn nghề” hay cuốn “Tư vấn hướng nghiệp – sự lựa chọn cho tương
lai” hoặc cuốn “Giúp bạn chọn nghề” (2005) đưa ra những cơ sở khoa học lựa chọn
nghề nghiệp phù hợp. Trong công trình nghiên cứu gần đây ông đã chỉ ra vai trò của
hướng nghiệp góp phần điều chỉnh việc ĐHNN của thanh niên theo hướng chuyển đổi
cơ cấu kinh tế [13], [14], [15], [45, tr.15].
Sau đây, xin đề cập chi tiết thêm một số công trình nghiên cứu cụ thể về vấn đề
ĐHNN và các vấn đề liên quan đến đề tài.
Trước hết, phải kể đến đó là những công trình nghiên cứu khoa học các cấp
(Nhà nước, Bộ, Sở, Quận, Huyện) của nhiều tác giả, như:
Theo kết quả điều tra SV do khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp tiến hành
vào tháng 11 năm 1990 ở 5 trường ĐH tại Hà Nội: ĐH Bách Khoa, ĐH Tổng hợp, ĐH
Sư Phạm I, ĐH kinh tế Quốc dân và ĐH Văn hóa, nghiên cứu 2 vấn đề chính: 1/ Sự
lựa chọn ban đầu, động cơ và mục đích vào trường; 2/ Chuẩn bị ra trường, những suy
nghĩ về phẩm chất nghề nghiệp và chỗ làm việc trong tương lai của SV. Nghiên cứu
phát họa vài nét về sự hình thành và biến đổi những định hướng giá trị xã hội – nghề
nghiệp của SV. Qua đó cho thấy có sự phân hóa rõ rệt các ĐHNN của SV do điều kiện
kinh tế – xã hội gây ra [73, tr.2].
Từ những năm 1994-1995, PGS. TS. Trần Thị Minh Đức với đề tài cấp Bộ về
“ĐHNN của SV và HS ở một số trường THPT và ĐH ở Hà Nội”, mã số: B94-0507 đã
mở ra một xu hướng nghiên cứu ĐHNN cụ thể, thực tế và bám sát những đối tượng mà
xã hội lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm. Cũng trong năm 1994, Viện nghiên cứu phát
triển giáo dục đã tiến hành nghiên cứu “Một số đặc điểm xu hướng nghề nghiệp của
12

SV trong sự chuyển đổi kinh tế xã hội mới” do Trần Ninh Giang làm chủ nhiệm. Kết
quả phản ánh tình hình kinh tế xã hội chi phối mạnh mẽ việc chọn nghề của SV, từ
đó phát triển xu hướng lựa chọn những nghề nghiệp thiên về kinh tế và công nghệ ở
sinh viên [9], [14].
Tiếp theo đó, năm 2003 -2004, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đề xuất và tổ
chức nghiên cứu độc lập đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thị trường lao động và
ĐHNN của thanh niên Việt Nam hiện nay”, do TS. Nguyễn Hữu Dũng làm chủ nhiệm.
Qua đó, cho thấy sự cần thiết và cấp bách là phải tạo điều kiện và thực hiện những
biện pháp tối ưu góp phần giúp đỡ thế hệ trẻ ĐHNN tương lai [18, tr. 24].
Năm 2004, hai tác giả Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Lê nghiên cứu ĐHNN
với công trình “Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh lớp 12 trường THPT
dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường”, kết luận: Đa số học sinh THPT chưa
được ĐHNN phù hợp. Sau khi tốt nghiệp phổ thông một bộ phận lớn HS sẵn sàng
tham gia vào thị trường lao động mà không tiếp tục học lên. ĐHNN của HS THPT phụ
thuộc rất nhiều vào công tác GDHN ở từng trường. Tuy nhiên, các hoạt động GDHN
có vai trò mờ nhạt. Nguyên nhân một phần là do bản thân người làm công tác hướng
nghiệp chưa có sự phát triển phù hợp cả về thái độ lẫn năng lực hiểu biết nghề nghiệp
[47, tr.11-18].
Vào năm 2005, tại Sở KHCN TPHCM tác giả Nguyễn Ngọc Tài chủ nhiệm đề tài
“Xu hướng chọn nghề của học sinh TPHCM hiện nay và các giải pháp giáo dục có
định hướng”. Đề tài đã phân tích thực trạng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THCS,
THPT, các yếu tố thúc đẩy việc chọn nghề và khẳng định HS vẫn rất lúng túng khi lựa
chọn nghề vì lượng thông tin ít ỏi, thiếu nội dung chính thống [70].
Ngoài ra còn một số công trình khoa học khác cũng nghiên cứu về vấn đề
ĐHNN: năm 2005-2006, Trần Thị Thu Mai với công trình nghiên cứu khoa học cấp
Bộ “Ứng dụng trắc nghiệm hướng nghiệp của Jim Barrett và Geoff Williams vào
ĐHNN cho học sinh THPT”, mã số: B2005.23.67; hay nghiên cứu của Đào Thị Vân
Anh, Nguyễn Ngọc Tài (2010), “ĐHNN cho học sinh tại các trường dân tộc nội trú
nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triến kinh tế - xã hội tại các tỉnh
Tây Nguyên”, Đề tài cấp Bộ B2007.19.34 [3], [53].
Tiếp nối những công trình khoa học cấp cao là những luận án, luận văn, khóa
luận nghiên cứu về hướng nghiệp và ĐHNN với một số tác giả cụ thể như:
13

Phạm Mạnh Hà với nghiên cứu “Thực trạng chọn nghề của học sinh lớp 12
trường THPT số 1 Bát Xát, Lào Cai” (2003), tiến hành nghiên cứu trên 120 HS. Kết
quả thu được là thực trạng chọn nghề của HS nơi đây còn cảm tính, thiếu cơ sở khoa
học, đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sai lầm trong lựa
chọn nghề của HS [29].
Trần Đình Chiến với Luận án Giáo dục học (2008) “Xu hướng lựa chọn nghề
nghiệp của HS lớp 12 trường THPT dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường” (khảo
sát tại tỉnh Phú Thọ), Thái Nguyên cũng đã phản ánh thực trạng chọn nghề theo cảm
tính của HS, chọn những nghề có địa vị, danh tiếng trong xã hội mà không quan tâm
đến sự phù hợp giữa nghề nghiệp với bản thân người học [10].
Tác giả Phạm Thị Ngọc Hà với Luận văn về “ĐHNN của HS lớp 12 qua khảo
sát tại thành phố Đà nẵng”, cho thấy nữ HS có nguyện vọng học nghề ở bậc ĐH cao
hơn nam HS (67,3% so với 55,7%). Tác giả cũng chỉ ra các yếu tố tác động tới
ĐHNN của HS THPT bao gồm: yếu tố cá nhân, nhà trường, gia đình, bạn bè và
truyền thông đại chúng. Kết quả còn cho thấy, sự tác động từ phía gia đình chỉ mang
tính chất tham khảo khi HS lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Cùng chung kết quả là
nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Diệp về “ĐHNN của học sinh THPT ở Hà Nội”
đã chỉ ra rằng gia đình trong xã hội hiện đại theo xu thế mới ngày càng ít ảnh hưởng
đến ĐHNN của con em mình mà để con em mình tự quyết định, tự chọn nghề nghiệp
cho tương lai [19], [41].
Năm 2010, Trần Thị Dịu với luận văn nghiên cứu “ĐHNN - Ảnh hưởng của gia
đình, bạn bè và nhà trường đến HS khối 12” (Nghiên cứu trường hợp tại TPHCM), đã
làm rõ được tác động từ phía gia đình, bạn bè và nhà trường đến nhận thức về hướng
nghiệp và hành vi chọn nghề của HS, cụ thể như sau: Nhà trường tác động lên nhận
thức về nghề nghiệp nhưng không tác động lên hành vi chọn nghề; Bạn bè tác động lên
hành vi chọn nghề nhưng không tác động đến nhận thức nghề nghiệp; Gia đình tác
động lên hành vi chọn nghề nhưng không tác động lên nhận thức nghề nghiệp; Gia
đình tạo điều kiện tác động tích cực lên nhận thức nghề nghiệp nhưng lại tác động tiêu
cực đến hành vi chọn nghề của HS. Tương tự là Luận văn về “Vai trò của cha mẹ trong
việc định hướng bậc học và nghề nghiệp cho con ở các gia đình đô thị hiện nay” khảo
sát tại phường Tràng Tiền, thành phố Hà Nội cũng đã nêu rõ vai trò quan trọng của cha
mẹ trong việc ĐHNN cho con em. Đa phần cha mẹ theo hướng cho con học ĐH hoặc
14

những ngành nghề có địa vị cao trong xã hội mà không quan tâm đến năng lực, sở
thích của con cái [12], [50].
Năm 2013, Đỗ Thị Ngọc Chi với luận văn “ĐHNN của HS THPT trên địa bàn
TP Hải Phòng”. (Nghiên cứu trường hợp tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP Hải
Phòng) - ĐH Quốc gia Hà Nội – trường Đại học KHXHNV. Kết quả cho thấy những
bất cập trong việc giáo dục và triển khai các biện pháp ĐHNN cho HS tập trung không
chỉ về phía nhà trường mà còn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ gia đình và các phương
tiện truyền thông đại chúng. Sự ảo tưởng ngành nghề và thiếu thông tin chính xác là
những yếu tố chính khiến HS chọn lầm nghề [9].
Bên cạnh đó, một số Khóa luận cũng nghiên cứu về ĐHNN như: Tác giả Lê
Nguyên Long với đề tài “Thái độ của cha mẹ đối với việc học của con và ĐHNN cho
con ở gia đình ngoại thành Hà Nội” (2006) đã chỉ ra trình độ học vấn, nghề nghiệp
của cha mẹ, mức sống của gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lựa chọn nghề nghiệp
của HS một cách nhất định. Trong đó, nghề nghiệp của bố mẹ có sự tương quan
nhiều với hiểu biết nghề nghiệp của con nhưng lại không có sự khác biệt nhiều với
thái độ nghề nghiệp của HS; hay tác giả Nguyễn Văn Thành với đề tài “ĐHNN cho
con cái của các gia đình nông thôn ở đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ đổi mới” cũng
đã cho thấy trọng tâm ĐHNN cho con cái của các gia đình ở nông thôn là những nghề
có thu nhập cao hoặc có vị trí cao trong xã hội [50], [72].
Như vậy, các tác giả nêu trên đã có những nghiên cứu thực tiễn về thực trạng, xu
hướng, động cơ lựa chọn nghề và chỉ ra những nguyên nhân, đặc biệt là vai trò của
yếu tố gia đình ảnh hưởng đến lựa chọn nghề của lớp thanh thiếu niên hiện nay. Đồng
thời chỉ ra mối quan hệ giữa GDHN và phát triển nguồn nhân lực đất nước trong thời
kì hội nhập.
Tiếp đến là một số sách nghiên cứu và một số bài viết về đề tài ĐHNN đăng tải
trên các Tạp chí khoa học như:
Tác phẩm “Một số vấn đề TLH sư phạm và lứa tuổi HS Việt Nam” (1975) của
tập thể tác giả thuộc Viện Khoa học Giáo dục nghiên cứu về xu hướng chọn nghề, dự
định nghề nghiệp của học sinh THPT cho thấy: đa số HS có xu hướng đạt trình độ ĐH
trước khi đi vào lao động phục vụ (78,64% ở nữ, 63,38% ở nam). Hứng thú nghề
nghiệp của nam biểu hiện tập trung vào những nghề công nghiệp và của nữ là những
15

nghề thuộc lĩnh vực y tế. Từ đó, các tác giả đi đến tìm hiểu những yếu tố tác động đến
sự hình thành xu hướng nghề nghiệp của học sinh cấp ba [55], [61].
Năm 1991, “Một số đặc điểm hứng thú và ĐHNN của HS phổ thông cơ sở” của
Triệu Thị Phương, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 5. Cùng năm 1991, trên
tạp chí Xã hội học (số 3), tác giả Nguyễn Phương Thảo cũng có bài viết về “Những
định hướng giá trị xã hội – nghề nghiệp của SV trong giai đoạn hiện nay” cho thấy sự
lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ bị chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố chủ quan. Họ ảo
tưởng, kỳ vọng quá mức vào nghề nghiệp và thiếu cơ sở khoa học về sự phù hợp nghề
nghiệp với tính cách, năng lực của bản thân [67].
Năm 2000, Nguyễn Thị Kim Hoa cũng đã viết bài “Người phụ nữ và gia đình
nông thôn với việc giáo dục tri thức và ĐHNN cho con” đăng trên Tạp chí Khoa học
phụ nữ (số 2) đã đề cập đến một số nguyên nhân ảnh hưởng đến giáo dục và ĐHNN
cho con cái của người phụ nữ nông thôn. Một số nguyên nhân được tác giả đề cập đến
trong bài viết là: trình độ học vấn, tôn giáo và điều kiện kinh tế gia đình của phụ nữ có
ảnh hưởng nhất định đến ĐHNN cho con cái [50].
Năm 2002, Trần Quốc Thành có bài “Định hướng giá trị nghề nghiệp của HS lớp
12 THPT một số tỉnh miền núi phía Bắc”, Tạp chí TLH (số 8), Hà Nội đã nhắc đến đến
tầm quan trọng của việc ĐHNN, nhận thức về nghề nghiệp, xu hướng chọn nghề và
những nhân tố ảnh hưởng đến sự định hướng giá trị nghề nghiệp của HS. Trong đó,
vai trò của gia đình, bạn bè và các giá trị vật chất về nghề nghiệp có xu hướng được
đề cao trong quá trình ĐHNN của thế hệ trẻ. Cùng năm 2002, Phạm Thị Đức với bài
“Những nguyên nhân ảnh hưởng tới sự định hướng trong việc học tập, chọn nghề ở
học sinh THPT” đăng trên Tạp chí giáo dục [50].
Đến năm 2004, Nguyễn Văn Lê, Hà Thế Truyền có bài viết “Để nâng cao chất
lượng giáo dục hướng nghiệp trong tình hình mới” đăng trên Tạp chí giáo dục. Tiếp
sau đó, năm 2008, Nguyễn Thị Lan với bài viết “Về dự định nghề nghiệp cho con của
các bậc cha mẹ trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta” đăng trên Tạp chí
TLH cho thấy các bậc cha mẹ sẵn sàng cho con mình tham gia vào những công việc
thuộc lĩnh vực kinh tế và mong muốn con mình trở thành một nhà kinh doanh tư nhân
trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai [42].
Gần đây, năm 2012, các tác giả Vũ Cao Đàm, Nguyễn Văn Kim, Đào Thanh
Trường nghiên cứu về “Định hướng việc làm của SV khối KHXHNV trước khi tốt
nghiệp ra trường” được Nhà xuất bản thế giới in trong “Lựa chọn giải pháp nhằm thu
16

hẹp khoảng cách giữa đào tạo ĐH trong lĩnh vực KHXHNV với nhu cầu của thị
trường lao động”, đã nêu rõ vấn đề ĐHNN của SV ngành KHXHNV rất đặc thù và
chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yêu cầu cấp thiết của xã hội và thị
trường lao động lúc bấy giờ. Cùng vấn đề trên, ĐHNN với thực trạng, giải pháp,
phương hướng cũng được đề cập trong tác phẩm “Các sản phẩm dự án hợp tác giữa
trường ĐH KHXHNV Hà Nội và Viện Rosa Luxemburg, CHLB Đức triển khai trong
10 năm”, (2012) được viết bởi nhiều tác giả và được xuất bản bởi Trung tâm nghiên
cứu và phát triển chính sách [22].
Như vậy, trong các công trình nghiên cứu hiện có, ĐHNN được tiếp cận theo các
hướng chủ yếu sau: Một là, ĐHNN được xem xét như một khía cạnh của hứng thú
nghề, động cơ nghề và xu hướng chọn nghề tập trung vào đối tượng HS THPT; Hai là,
ĐHNN được xem xét ở khía cạnh chọn nghề dựa theo hệ thống các giá trị của nghề
nghiệp (giá trị xã hội nhân văn, giá trị cá nhân, giá trị tri thức nghề nghiệp,…), Ba là,
ĐHNN được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở một số địa phương cụ
thể nhưng chưa có sự gắn kết với những biến động không ngừng của xã hội và của thế
giới nghề nghiệp; Bốn là, ĐHNN được phân tích và nghiên cứu theo hướng xây dựng,
cải biên và ứng dụng các trắc nghiệm để giúp các đối tượng ĐHNN một cách phù hợp
hơn, khoa học hơn.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã cho chúng ta thấy được một bức
tranh thực trạng nghề nghiệp lúc bấy giờ và ít nhiều nêu bật lên tính cấp thiết về vấn
đề ĐHNN cho giới trẻ trong xã hội; những khó khăn, thuận lợi khi ĐHNN; cũng như
những yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN cho HS, SV. Tuy nhiên, phần lớn các công trình
nghiên cứu chỉ tập trung vào ĐHNN cho đối tượng HS THPT mà bỏ quên đối tượng
cực kỳ quan trọng là thanh niên, SV ở các trường THCN, CĐ, ĐH. Những nghiên cứu
về ĐHNN ở đối tượng là SV chuyên ngành TLH vẫn chưa có đề tài nào đề cập đến.
Đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần làm sáng tỏ ĐHNN của SV chuyên ngành TLH ở
một số trường ĐH tại TPHCM.
1.2. Lý luận về định hướng nghề nghiệp
1.2.1. Khái niệm định hướng
Định hướng (theo cách hiểu thông thường) nghĩa là sự lựa chọn, là xác định cho
mình một lối đi, một cách làm hay rộng hơn là hành động, lối cư xử sao cho phù hợp
với bản thân và với tồn tại xung quanh.
17

Theo từ điển TLH của Vũ Dũng (Viện khoa học xã hội Việt Nam 2008), định
hướng là khuynh hướng của một hoạt động cụ thể, nó thể hiện sự am hiểu, thông thạo
vấn đề và gắn liền với những kỹ năng nắm bắt, làm chủ trong một hoàn cảnh hay bối
cảnh nào đó [17, tr. 161].
Tóm lại, định hướng trong đề tài này được hiểu là hành động để xác định, đưa ra
một hướng đi cụ thể cho hoạt động nào đó trên cơ sở cân nhắc kỹ đặc điểm của từng
đối tượng. Mục đích cuối cùng của định hướng là có được một hướng đi phù hợp với
mọi điều kiện, hoàn cảnh khách quan và chủ quan của chủ thể [9, tr. 10].
1.2.2. Khái niệm nghề nghiệp
1.2.2.1. Định nghĩa nghề nghiệp
Thuật ngữ “Nghề nghiệp” được sử dụng phổ biến và định nghĩa dưới nhiều góc
độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực khoa học: xã hội học, tâm lý học, giáo dục học,
kinh tế học,... Nhìn chung, có những quan niệm cơ bản sau về nghề nghiệp:
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, “nghề nghiệp” là một hiện tượng xã hội có
tính lịch sử. Nghề nghiệp có quá trình ra đời, phát triển và suy vong theo tiến trình lịch
sử. Điểm xuất phát và cơ sở để xuất hiện nghề nghiệp là lao động. Lao động là loại
hoạt động sáng tạo ra con người và là cơ sở cho sự phát triển xã hội loài người. Lao
động chính là tiền đề cơ bản làm xuất hiện nghề nghiệp.
Theo quan điểm của kinh tế học, “nghề nghiệp” là tri thức và kỹ năng lao động
mà người lao động có được trong quá trình huấn luyện chuyên môn hoặc qua thực tiễn,
cho phép người đó có thể thực hiện được một loại hoạt động nhất định trong hệ thống
phân công lao động xã hội.
Theo quan điểm Giáo dục học, “nghề nghiệp” là công việc chuyên môn được
định hình một cách hệ thống, là dạng đòi hỏi một trình độ học vấn nào đó để thực hiện
hoạt động cơ bản, giúp con người tồn tại và phát triển. Từ điển Larousse của Pháp định
nghĩa: “Nghề là hoạt động thường ngày được thực hiện bởi con người nhằm tự tạo
nguồn thu nhập cần thiết để tồn tại” [13].
Theo quan điểm ngôn ngữ học, có rất nhiều tác giả đã đề cập đến quan điểm
“nghề nghiệp” như: Tác giả Nguyễn Tiến Đạt quan niệm, từ “nghề” ghép với từ
“nghiệp” thành từ “nghề nghiệp”. “Nghề nghiệp” nên hiểu là “các nghề phức tạp thiên
về trí tuệ, có trình độ cao hơn, bao giờ cũng đòi hỏi phải được đào tạo, nhiều khi lâu
dài, luôn gắn với các cơ hội thăng tiến trong nghề của con người, vì trong thành phần
18

từ ghép này có chữ “nghiệp”, hiểu theo nghĩa sự nghiệp, kế nghiệp”. Hay theo đại từ
điển Tiếng Việt thông dụng (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb ĐH Quốc gia TPHCM,
2010), định nghĩa : “Nghề là công việc chuyên môn theo sở trường hoặc theo sự phân
công của xã hội” còn “Nghề nghiệp là nghề nói chung để sinh sống và phục vụ xã hội”
[23, tr.16-18], [35], [81].
Theo quan điểm xã hội học, trong cuốn “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của
chủ nghĩa Tư bản” (1920), nhà xã hội học Đức Max Weber đào sâu ý nghĩa của hoạt
động nghề nghiệp. Ông xem xét “nghề nghiệp” không chỉ có nghĩa là nghề nghiệp
(profession hay job, xét như là một hoạt động mưu sinh), mà còn mang ý nghĩa thiên
chức (xét như là bổn phận) của con người. Vì thế khái niệm nghề nghiệp luôn đi đôi
với khái niệm thiên chức, bổn phận của mỗi người trong cuộc sống [80].
Theo quan điểm TLH, “nghề nghiệp” được nhìn nhận theo nhiều quan điểm của
rất nhiều nhà TLH. Trong đó, quan niệm được đồng tình nhiều nhất là định nghĩa của
tác giả E.A.Klimov: “Nghề là một lĩnh vực sử dụng sức lao động vật chất và tinh thần
của con người một cách có giới hạn, cần thiết cho xã hội (do sự phân công lao động
mà có), nó tạo khả năng cho con người sử dụng lao động của mình để thu lấy những
phương tiện cần thiết cho việc tồn tại và phát triển” [26].
Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, dường như không có sự phân biệt rạch ròi giữa
khái niệm “nghề” và “nghề nghiệp”. Vì vậy chúng tôi cho rằng, khái niệm “nghề” và
“nghề nghiệp” tuy có những khía cạnh khác nhau, song cũng không nên tách bạch nội
hàm hai khái niệm đó, bởi trong chúng có sự “chứa đựng” lẫn nhau, trong “nghề” có
ẩn chứa “nghiệp”, và đã có “nghiệp” nhất định phải có “nghề”, cho nên người ta
thường dùng thuật ngữ “nghề nghiệp”, bởi sự song hành giữa chúng. Ngoài những
quan điểm trên, còn có quan niệm đồng hoá giữa “nghề” và “chuyên môn” theo các tác
giả Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm thì “Nghề là công việc một người thường xuyên
làm để sinh nhai”. Theo đó, chuyên môn có nghĩa là “Một lĩnh vực lao động sản xuất
hẹp, trong đó con người bằng sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần của mình làm
ra những giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần như là phương tiện cần cho sự tồn tại
và phát triển của xã hội”. Hay theo nhận định của Viện sĩ X.G.Xtrumilin, “chuyên
môn là nghề hẹp, nhưng nó hoàn toàn qui định hình thức của một dạng hoạt động lao
động và mang tên gọi đặc trưng cho nghề đó” [42, tr. 36], [57], [91].
19

Tác giả Phạm Tất Dong cũng đưa ra định nghĩa: “Nghề là nhóm những chuyên
môn gần nhau. Một nghề bao gồm nhiều chuyên môn”. Tác giả cũng cho rằng những
dấu hiệu quan trọng nhất khi đề cập đến nghề là sự gắn bó lâu dài với công việc
chuyên môn, là trình độ, kỹ năng, kỹ xảo đối với việc làm nhờ quá trình đào tạo dài
hạn hoặc ngắn hạn [13].
Với những quan niệm trên, có thể hiểu mối tương quan giữa “chuyên môn” và
“nghề” như sau: “Chuyên môn” là khái niệm hẹp hơn so với khái niệm “nghề”, nó có
đủ các qui định về mặt hình thức của một dạng hoạt động lao động, nó phân biệt sự
khác nhau về từng chuyên môn trong nghề. Nghề là sự tổ hợp những chuyên môn có
quan hệ cùng loại. Nói cách khác, một nghề bao gồm nhiều chuyên môn.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nghề nghiệp trong giai đoạn phát triển của lịch
sử nhân loại là sự phát triển việc làm cho con người. Xã hội càng phát triển, đặc biệt
kinh tế càng phát triển thì việc làm càng nhiều và cơ hội tìm việc làm cũng tăng lên. Ở
đây, ta cần phân biệt “Nghề nghiệp” với “Việc làm”.
Theo điều 13, Luật lao Động quy định: “Việc làm là mọi hoạt động lao động tạo
ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm”. Có thể coi “nghề nghiệp” là “việc làm”
nhưng không phải việc làm nào cũng là nghề nghiệp. Những việc làm nhất thời, không
ổn định do con người bỏ sức lao động và được trả công thì chưa phải là nghề nghiệp.
Nghề nghiệp và việc làm có điểm chung: Con người phải bỏ sức lao động để tạo ra sản
phẩm, để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, chúng khác nhau ở chỗ: “nghề nghiệp” là sự
gắn bó lâu dài với công việc chuyên môn, có trình độ, kỹ năng và kỹ xảo nhờ vào quá
trình đào tạo. Còn “việc làm” chỉ gắn một phần, một số kỹ năng lao động nào đó thuộc
một hay vài nghề miễn là qua hoạt động cụ thể, người lao động có thể hoàn thành
nhiệm vụ và kiếm được tiền sinh sống. Khái niệm “nghề” khác với khái niệm “việc
làm” và nó chỉ rõ sự chuyên nghiệp dù chỉ là tương đối đòi hỏi con người phải đầu tư,
gắn bó và rèn luyện [18, tr. 35].
Từ những lý luận trên ta nhận thấy có 3 vấn đề “Nghề nghiệp”, “Chuyên môn”
và “Việc làm” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Nghề nghiệp” quy định “chuyên
môn”, thường thì có chuyên môn tốt sẽ có nghề tốt, có nghề tốt thường sẽ có “việc
làm” tốt. Trái lại, chuyên môn kém sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy
muốn có việc làm tốt, ổn định thì phải có chuyên môn tốt hay nghề nghiệp tốt.
Nhìn chung, nghề nghiệp có một số nội dung cơ bản sau:
20

Một là, nói tới nghề nghiệp trước hết phải hiểu đó là một nghề trong xã hội, là
công việc chuyên môn trong một lĩnh vực hoạt động nhất định, nó đòi hỏi người làm
việc (làm nghề) phải có kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo để lao động có hiệu quả.
Hai là, hoạt động nghề nghiệp có mục đích rõ ràng, nó không những mang lại lợi
ích cho xã hội mà còn giúp con người thỏa mãn những nhu cầu cần thiết cho việc tồn
tại và phát triển của bản thân. Đó cũng chính là cái “nghiệp” mà mỗi người sẽ luôn gắn
bó trong cả cuộc đời họ. Đây cũng là điều chứng tỏ tầm quan trọng lớn lao của “Nghề
nghiệp” đối với con người và cộng đồng xã hội trong mọi thời đại.
Ba là, nghề nghiệp là một phạm trù lịch sử, nó ra đời và phát triển gắn liền với sự
phát triển của xã hội về mọi mặt. “Nghề nghiệp” trong xã hội không phải là một cái gì
ổn định, cứng nhắc. Các nghề trong xã hội luôn ở trạng thái biến động do sự phát triển
của khoa học và công nghệ. Xã hội càng phát triển thì sự phân hoá ngành nghề càng
diễn ra mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp.
Tóm lại, có thể hiểu: “Nghề nghiệp” là một dạng hoạt động lao động đòi hỏi ở
con người một quá trình đào tạo chuyên biệt, có những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo
chuyên môn nhất định, có phẩm chất, đạo đức phù hợp với yêu cầu của dạng lao động
tương ứng. Nhờ quá trình hoạt động nghề nghiệp, con người có thể tạo ra các loại sản
phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và bản thân.
1.2.2.2. Phân loại nghề
Thế giới nghề nghiệp rất phong phú và đa dạng. Hiện có tới 70.000 nghề và hàng
chục nghìn chuyên môn. Theo thống kê gần đây, trên thế giới mỗi năm có tới 500 nghề
bị đào thải, khoảng 600 nghề mới xuất hiện. Ở nước ta, mỗi năm ở cả 3 hệ trường (dạy
nghề THCN, CĐ và ĐH) đào tạo trên dưới 300 nghề, bao gồm hàng nghìn chuyên môn
khác nhau. Do đó, có nhiều cách phân loại để tạo thành những nghề và nhóm nghề
nhất định. Có thể kể đến một số cách phân loại tiêu biểu như:
Theo tác giả Đặng Danh Ánh, tại Việt Nam danh mục nghề đào tạo công nhân
do Viện Khoa học Dạy nghề xây dựng có khoảng 400 nghề, còn nghề xã hội có hàng
chục nghìn nghề khác nhau. Căn cứ vào mức độ phức tạp kỹ thuật về trình độ chuyên
môn, các nghề được chia thành 3 nhóm: 1/ Các nghề không chuyên môn: lao động đơn
giản, không cần qua đào tạo nghề; 2/ Các nghề nửa chuyên môn hóa: chỉ cần đào tạo
các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đủ để thực hiện các thao tác đơn giản hay những thao tác
chuyên môn hóa trong dây chuyền sản xuất; 3/ Các nghề chuyên môn hóa: đòi hỏi đào
tạo chính quy, chuyên sâu [3].
21

Các nhà khoa học như Phạm Tất Dong, Nguyễn Thế Trường… đưa ra cách phân
loại nghề theo yêu cầu của nghề đối với người lao động, có 8 nhóm nghề sau: 1/
Những nghề thuộc lĩnh vực hành chính; 2/ Những nghề thuộc lĩnh vực tiếp xúc với con
người; 3/ Những nghề thợ thủ công; 4/ Những nghề trong lĩnh vực kỹ thuật; 5/ Những
nghề trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; 6/ Những nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu
khoa học; 7/ Những nghề tiếp xúc với thiên nhiên; 8/ Những nghề có điều kiện lao
động đặc biệt [15].
Theo John Holland và các nhà TLH nghề nghiệp hiện đại, nghề được chia thành
6 kiểu tương ứng với 6 kiểu người: 1/ Kiểu thực tế cụ thể - thao tác kỹ thuật (thợ, kỹ
thuật viên…); 2/ Kiểu thận trọng nề nếp - nghiệp vụ quy củ (nhân viên văn phòng, tài
vụ, bưu điện, tiếp tân…); 3/ Kiểu kiên trì khoa học - điều tra nghiên cứu (viện sĩ,
chuyên viên nghiên cứu…); 4/ Kiểu linh hoạt quảng giao - phục vụ xã hội (cán sự xã
hội, giáo viên, bác sĩ, luật sư…); 5/ Kiểu chủ động uy quyền - dựng nghiệp quản lý
(giám đốc, đội trưởng, người đi lập nghiệp…); 6/ Kiểu người sáng tạo tự do - văn học
nghệ thuật (nhà văn, biên kịch, nghệ sĩ…) [44].
Theo A.E.Glomstok, căn cứ vào các lĩnh vực tri thức và hoạt động khác nhau,
nghề được phân thành 13 nhóm: 1/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực toán - lý; 2/ Nghề
hoạt động trong lĩnh vực hoá học; 3/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử;
4/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật; 5/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực địa lý -
địa chất; 6/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp; 7/ Nghề hoạt
động trong lĩnh vực ngôn ngữ và báo chí; 8/ Nghề hoạt động trong lĩnh vực sử học và
hoạt động xã hội; 9/ Nghề sư phạm; 10/ Nghề y; 11/ Nghề nội trợ; 12/ Nghề hoạt động
trong lĩnh vực nghệ thuật; 13/ Nghề binh nghiệp.
Theo E.A.Klimov, nếu lấy đối tượng lao động làm dấu hiệu để phân loại thì nghề
được chia thành 5 nhóm chính:
Bảng 1.1. Phân loại nhóm nghề theo E.A.Klimov

Nhóm nghề Đối tượng lao động Nghề nghiệp, chuyên môn
Các tổ chức hữu cơ, các quá Trồng lúa, chăn nuôi, bác sĩ
Người - Thiên nhiên
trình sinh vật và vi sinh vật thú y, lâm nghiệp…
Hệ thống các thiết bị kỹ thuật, Thợ máy, thợ rèn, thợ
Người - Kỹ thuật
đối tượng vật chất… nguội, thợ xây, lái xe…
22

Bác sĩ, y tá, giáo viên, bán


Người - Người Con người, nhóm tập thể…
hàng…
Người - Hệ thống Những dấu hiệu, con số, mã Nhân viên kế toán, thủ quỹ,
kí hiệu số, công thức, ngôn ngữ… đánh máy, thợ xếp chữ in…
Các hình ảnh nghệ thuật, các Sơn mài, điêu khắc, hoạ sĩ,
Người - Nghệ thuật
bộ phận và thuộc tính của nó. nhạc sĩ, thi sĩ…

Gần đây nhất, nghề nghiệp được phân loại theo Danh mục Nghề nghiệp Việt Nam
ban hành theo Quyết định 1019/QĐ – TCTK ngày 12 tháng 11 năm 2008. Danh mục
Nghề nghiệp này được soạn thảo dựa theo bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề
nghiệp 2008 (ISCO 88) kế thừa bảng Danh mục Nghề nghiệp ban hành theo Quyết
định số 114/1998/QĐ – TCTK ngày 29 tháng 3 năm 1999 của Tổng cục Thống kê về
hệ thống chức danh hiện hành của Việt Nam. Có 10 nhóm nghề cấp 1 (các số phía
trước là mã nhóm nghề cấp 1) như : 0. Lực lượng quân đội; 1. Nhà lãnh đạo trong các
ngành, các cấp và các đơn vị; 2. Nhà chuyên môn bậc cao; 3. Nhà chuyên môn bậc
trung; 4. Nhân viên trợ lý văn phòng; 5. Nhân viên dịch vụ và bán hàng; 6. Lao động
có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 7. Lao động thủ công và các
nghề nghiệp khác có liên quan; 8. Thợ vận hành và lắp ráp máy móc thiết bị; 9. Lao
động giản đơn [11].
Nhìn chung, còn rất nhiều cách phân loại khác về nghề như: phân loại nghề theo
kiểu nhóm rộng và theo đặc điểm của hoạt động nghề; theo dấu hiệu mức độ phức tạp
về kỹ thuật; theo diện chuyên môn nghề và hoạt động của nghề,... Mỗi cách phân loại
đều dựa vào dấu hiệu nào đó về nghề. Vì vậy, khó có thể đưa ra kết luận cách phân
loại nào là đúng đắn, phù hợp nhất. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà chúng ta sử
dụng cách phân loại cho phù hợp. Ở đề tài này chúng tôi quan tâm đến nghề nghiệp và
những chuyên môn thuộc chuyên ngành Tâm lý học.
1.2.2.3. Một số lĩnh vực nghề nghiệp chính trong Tâm lý học
Nghề Tâm lý là một trong những nghề rất phổ biến trên thế giới hiện nay, được
ghi trong danh sách nghề của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO). Rất nhiều nhà nghiên
cứu cho rằng Tâm lý là nghề của thế kỷ XXI khi mà sự phát triển của xã hội loài người
đã đạt tới trình độ cao - kinh tế tri thức. Ở các nước phát triển, nghề Tâm lý rất phổ
biến, có uy tín trong xã hội. Ở Việt Nam, do khoa học Tâm lý chỉ mới được hình thành
23

vào những năm giữa thế kỷ XX, số lượng đội ngũ cán bộ chưa nhiều, uy tín của nghề
chưa cao vì thế chưa được phổ biến trong xã hội. Nghề Tâm lý là tổng hòa của các tri
thức, kỹ năng hoạt động chuyên ngành mà người học tiếp thu được trong quá trình đào
tạo theo các chuyên ngành TLH (cả về lý luận và thực hành) cho phép họ có thể tiến
hành hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho cá nhân và các
nhóm xã hội, được pháp luật thừa nhận [17, tr. 503].
a. Trên thế giới:
Các lĩnh vực nghề nghiệp trong TLH trên thế giới rất phong phú và đa dạng.
Những lĩnh vực được đề cập sau đây là những lĩnh vực chính đã tồn tại và đang tiếp
tục phát triển ở các nước trên thế giới. (Nghiên cứu và lược dịch từ tài liệu của APA-
Career in Psychology - 2011) [87].
1/ Lĩnh vực Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology)
Các nhà TLH lâm sàng làm công việc khám và điều trị các rối loạn cảm xúc và
rối loạn tâm thần, một số người cũng làm công tác nghiên cứu. Họ có thể làm việc ở
các học viện, bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng hoặc hành
nghề tư và thường hành nghề chuyên sâu vào một rối loạn hay bệnh nào đó. Cử nhân
và thạc sĩ TLH không được phép hành nghề độc lập nhưng họ có thể làm việc dưới sự
hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia có học vị Tiến sĩ.
2/ Lĩnh vực Tâm lý học cộng đồng (Community Psychology)
Các nhà TLH cộng đồng quan tâm đến những hành vi trong đời sống hàng ngày
trong môi trường gia đình, khu dân cư, công sở. Công việc chính họ là tìm hiểu những
nhân tố tạo ra những hành vi bình thường và bất bình thường trong những môi trường
ấy. Họ còn chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân trong cộng đồng và ngăn chặn
những rối loạn.
3/ Lĩnh vực Tâm lý học tham vấn (Counseling Psychology)
Các nhà tham vấn tâm lý giúp đỡ thân chủ tháo gỡ, ra quyết định, ứng phó với
những áp lực trong cuộc sống. Họ thường làm việc với những thân chủ kém thích nghi
với cá nhân hay nhóm, tham vấn các vấn đề thực thể có căn nguyên tâm lý, đào tạo
những người tốt nghiệp hành nghề và rèn luyện các kỹ năng tham vấn tâm lý, giúp
HS/SV giảm lo lắng thái quá trước kỳ thi. Họ thường làm việc ở các học viện. Ngày
nay các nhà tham vấn tâm lý có xu hướng làm việc trong các trung tâm chăm sóc sức
khỏe tâm thần, bệnh viện, bệnh viện quân y và các phòng khám tư nhân.
24

4/ Lĩnh vực Tâm lý học phát triển (Developmental Psychology)


Các nhà TLH phát triển nghiên cứu sự phát triển về mặt tâm lý của con người từ
lúc sơ sinh cho đến tuổi già. Họ mô tả, đo lường, giải thích những thay đổi về hành vi
liên quan đến độ tuổi, sự phát triển cảm xúc, những đặc trưng tâm lý của từng lứa tuổi
và sự phát triển tâm lý bất bình thường. Nhiều người có học vị Tiến sĩ làm trong các
học viện, nghiên cứu các đề tài khoa học, làm cố vấn chương trình cho các trung tâm
chăm sóc sức khỏe, trường học, bệnh viện, các phòng khám nhi. Ngoài ra, họ còn quan
tâm đến vấn đề lão hóa và làm việc với đối tượng người già.
5/ Lĩnh vực Tâm lý học giáo dục (Educational Psychology)
Các nhà TLH giáo dục nghiên cứu vấn đề học tập của con người, thiết kế các tài
liệu, phương pháp hỗ trợ cho người học ở mọi lứa tuổi. Nhiều người làm việc trong
môi trường ĐH, một số khác nghiên cứu cơ bản về những đề tài liên quan đến vấn đề
học tập như: đọc, viết, toán học, khoa học. Ngoài ra, họ còn làm việc cho các cơ quan
trong chính phủ hay trong lĩnh vực kinh doanh, thiết kế và thực thi các chương trình
huấn luyện. Ngày nay, họ cũng làm việc trong môi trường quân đội và doanh nghiệp
để thiết kế, đánh giá hệ thống, giảng dạy những kỹ năng phức tạp, đánh giá chính sách
và các vấn đề xã hội. Tất cả họ phải có học vị Tiến sĩ.
6/ Lĩnh vực Tâm lý học thực nghiệm (Experimental Psychology)
Nhà TLH thực nghiệm là một nhóm các nhà TLH nghiên cứu và giảng dạy về
những tiến trình hành vi cơ bản. Những tiến trình này bao gồm: học tập, nhận thức,
năng lực con người, động cơ, trí nhớ, ngôn ngữ, tư duy, giao tiếp và các quá trình sinh
lý cơ bản của hành vi như: ăn uống, đọc hiểu và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, họ cũng
nghiên cứu trên động vật để hiểu hơn về hành vi của con người. Hầu hết họ làm việc
tại các học viện, giảng dạy, hướng dẫn và giám sát SV nghiên cứu đề tài. Họ cũng làm
việc tại các viện nghiên cứu ngành kinh tế, công nghiệp và làm việc cho chính phủ.
Đây là lĩnh vực đòi hỏi nhà TLH thực nghiệm phải có học vị Tiến sĩ.
7/ Lĩnh vực Tâm lý học tổ chức/công nghiệp (Industrial-Organizational
Psychology)
Các nhà TLH tổ chức/công nghiệp nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và
công việc, cụ thể là cấu trúc và sự thay đổi của tổ chức, năng suất lao động của công
nhân, sự hài lòng về công việc, tuyển chọn, luân chuyển, huấn luyện và phát triển
nguồn nhân lực, mối quan hệ giữa con người và máy móc. Trong môi trường kinh
25

doanh, công nghiệp hay chính phủ, họ thiết kế công việc theo dây chuyền, đề xuất
những thay đổi để giảm tính đơn điệu trong công việc và tăng cường trách nhiệm cho
công nhân, đưa ra những khuyến cáo với các phương pháp quản trị, thiết kế chương
trình phúc lợi cho người lao động,… Họ phải có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ.
8/ Lĩnh vực Tâm lý học thần kinh (Neuro-Psychology)
Các nhà TLH thần kinh nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ chế sinh học cụ thể
trong não bộ và hành vi, mối quan hệ giữa cấu trúc não bộ với chức năng và những
thay đổi về vật lý, hóa học khi chúng ta trải qua những cảm xúc khác nhau. Họ làm
việc ở các khoa thần kinh học, khoa giải phẫu thần kinh, khoa tâm thần và nhi khoa
trong bệnh viện hay phòng khám. Ngoài ra, họ cũng làm việc trong các học viện để
nghiên cứu và huấn luyện những nhà thần kinh học và các bác sĩ. Để hành nghề đòi
hỏi phải có học vị Tiến sĩ, nhiều vị trí bắt buộc phải có trình độ sau Tiến sĩ.
9/ Lĩnh vực Tâm lý học định hướng và đo lường (Psychometries and
Quantitative Psychology)
Các nhà TLH định hướng và đo lường nghiên cứu những phương pháp lĩnh hội
và ứng dụng TLH, chuẩn hóa các trắc nghiệm hay xây dựng những bộ trắc nghiệm
mới sử dụng trong môi trường học đường, tham vấn, trong công nghiệp và kinh doanh.
Họ được đào tạo bài bản về toán học, lập trình máy tính, thống kê và công nghệ nên có
thể hỗ trợ người nghiên cứu TLH và các lĩnh vực khác thiết kế và đọc kết quả. Người
có học vị Tiến sĩ làm việc tại các trường ĐH, các cơ quan của chính phủ, Thạc sĩ làm
việc cho các công ty trắc nghiệm và nghiên cứu tư nhân.
10/ Lĩnh vực Tâm lý học đường (School Psychology)
Các nhà TLH đường giúp đỡ các nhà giáo dục đẩy mạnh sự phát triển tri thức, xã
hội và cảm xúc của HS, xây dựng những môi trường thuận lợi cho việc học và sức
khỏe tâm thần. Họ có thể đánh giá và thiết kế chương trình cho những HS cá biệt hay
giải quyết những vấn đề nảy sinh trong lớp học. Đôi khi, các nhà TLH đường cũng
tham vấn cho giáo viên để ngăn chặn những vấn đề rắc rối, tham khảo ý kiến của các
bậc phụ huynh và giáo viên để giúp các em HS, tham vấn với ban giám hiệu về những
vấn đề giáo dục và tâm lý.
11/ Lĩnh vực Tâm lý học xã hội (Social Psychology)
Các nhà TLH xã hội nghiên cứu cách thức tương tác của con người với nhau và
tìm hiểu sự ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với cá nhân. Họ nghiên cứu cả cá
26

nhân và nhóm, những hành vi có thể quan sát hay những suy nghĩ thầm kín. Họ
thường nghiên cứu: các lý thuyết về nhân cách, sự hình thành và thay đổi thái độ, sự
tương tác giữa người với người như tình yêu, tình bạn, định kiến, bạo lực, động cơ
nhóm và xung đột, điều tra những quy luật ngầm của hành vi phát triển trong nhóm.
Họ làm việc trong môi trường học viện và đang mở rộng sang những lĩnh vực khác.
12/ Lĩnh vực Tâm lý học gia đình (Family Psychology)
Các nhà TLH gia đình nghiên cứu, giáo dục, ngăn chặn những xung đột trong gia
đình, điều chỉnh những vấn đề trong hôn nhân và giúp gia đình phát triển bình thường.
Với tư cách nhà cung cấp dịch vụ, họ thiết kế những chương trình hỗ trợ hôn nhân,
chuẩn bị tiền hôn nhân, cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp đỡ cha mẹ
có con cái đặc biệt. Với tư cách nhà nghiên cứu, họ tìm kiếm, xác định những yếu tố
cá nhân và môi trường để cải thiện chức năng gia đình, nghiên cứu những mô hình
giao tiếp gia đình với tình trạng tăng động của trẻ, nghiên cứu về sự lạm dụng trẻ, tác
động của vấn đề ly hôn và tái hôn lên các thành viên trong gia đình. Hầu hết họ được
đào tạo về tham vấn và lâm sàng. Họ làm trong các trường y khoa, bệnh viện, hành
nghề tư nhân, học viện và các tổ chức cộng đồng.
13/ Lĩnh vực Tâm lý học sức khỏe (Health Psychology)
Các nhà TLH sức khỏe quan tâm nghiên cứu những ảnh hưởng của tâm lý đối
với sức khỏe của con người và điều trị bệnh tật. Với tư cách là nhà TLH ứng dụng
hoặc lâm sàng, họ thiết kế và thực hiện những chương trình giúp bệnh nhân bỏ thuốc
lá, giảm cân, giảm áp lực và bảo vệ cơ thể. Với tư cách là nhà nghiên cứu họ tìm hiểu
những điều kiện và thực tiễn gắn liền với bệnh tật và sức khỏe. Họ nghiên cứu nhằm
cải thiện những chính sách của chính phủ về hệ thống chăm sóc sức khỏe. Hầu hết họ
lấy văn bằng từ các lĩnh vực khác của TLH như lâm sàng hoặc tham vấn nhưng họ
quan tâm nghiên cứu chính và thực hành trong lĩnh vực TLH về sức khỏe.
14/ Lĩnh vực Tâm lý học lão hóa (Geropsychology)
Các nhà TLH lão hóa quan tâm đến những vấn đề xã hội học, sinh lý học, nghiên
cứu sự phát triển của người cao tuổi và sự lão hóa. Họ giải quyết những vấn đề an sinh
xã hội trong tâm lý người già. Nhiều người tốt nghiệp TLH lâm sàng, TLH phát triển,
TLH xã hội. Họ làm việc tại các học viện, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức chăm sóc
sức khỏe, phòng khám tâm thần hoặc những cơ quan dịch vụ dành cho người già. Một
số ít hành nghề tư như một nhà TLH lâm sàng, nhà tham vấn tâm lý hoặc tham gia cố
vấn cho việc thiết kế và đánh giá các chương trình.
27

15/ Lĩnh vực Tâm lý học pháp lý (Forensic Psychology)


Các nhà TLH pháp lý quan tâm đến những vấn đề pháp lý dưới góc nhìn của
TLH và những câu hỏi về TLH trong những bối cảnh pháp lý. Họ giúp đỡ các thẩm
phán quyết định cha hay mẹ có quyền chăm sóc con cái, đánh giá nạn nhân của các vụ
tai nạn để xem xét người đó có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc tâm lý hay không.
Họ đánh giá khả năng tâm thần của bị cáo, tham vấn cho tù nhân, nạn nhân của tội ác,
giúp đỡ họ đương đầu với những khủng hoảng và trở lại cuộc sống bình thường. Một
số nhà TLH pháp lý có cả học vị Tiến sĩ về TLH và pháp luật. Người có học vị Tiến sĩ
có thể làm việc tại các khoa TLH, các trường luật, những tổ chức nghiên cứu, cơ quan
chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, cơ quan luật, tòa án.
16/ Lĩnh vực TLH phụ nữ và nam giới (Psychology of Women and Men)
Các nhà TLH phụ nữ và nam giới nghiên cứu những nhân tố xã hội và tâm lý ảnh
hưởng đến sự phát triển giới tính và hành vi, mối quan hệ giữa hóc môn giới tính và
hành vi, sự phát triển và vai trò của giới tính, tình dục và sự lạm dụng, những phản
ứng khi bị hãm hiếp, những nguyên nhân hạn chế phụ nữ có tài,.. Họ thường làm việc
ở những viện điều dưỡng, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các trường ĐH,
các khoa tâm thần cũng như các trung tâm công tác xã hội.
17/ Lĩnh vực Tâm lý học thể thao (Sport Psychology)
TLH thể thao là lĩnh vực TLH ứng dụng các nguyên tắc tâm lý nhằm cải thiện
quá trình thi đấu thể thao và tạo sự thích thú cho người tham gia thể thao. TLH thể
thao là một lĩnh vực mới nhưng nhanh chóng được tiếp nhận. Tại Olympics năm 1996,
hơn 20 nhà TLH thể thao làm việc với các vận động viên và huấn luyện viên của Mỹ.
Có thể nói, đây là mảnh đất giàu tiềm năng, các nhà TLH cần khai phá. Trong những
năm gần đây, ở nước ta cũng bắt đầu quan tâm đến TLH thể thao.
18/ Lĩnh vực tâm lý học xuyên văn hóa (Cultural Cross Psychology)
TLH xuyên văn hoá tìm hiểu vai trò của yếu tố văn hoá trong việc hiểu hành vi,
suy nghĩ và cảm xúc. Các nhà TLH xuyên văn hoá so sánh bản chất của các quá trình
tâm lý ở nền văn hoá khác nhau, đặc biệt quan tâm đến những hiện tượng tâm lý mang
tính phổ biến toàn cầu hay mang đặc trưng của từng nền văn hoá.
19/ Lĩnh vực tâm lý học phục hồi chức năng (Rehabilitation Psychology)
Các nhà TLH phục hồi chức năng làm việc với các nạn nhân của các vụ tai nạn
và đột quỵ, những người có các khuyết tật về phát triển gây ra bởi chứng bại não, động
kinh và tự kỷ. Họ giúp thân chủ thích ứng với những tình huống và phát triển cuộc
28

sống; giải quyết vấn đề liên quan đến sự thích ứng của cá nhân, quản lý các mối quan
hệ liên nhân cách. Họ làm việc với các chuyên gia sức khỏe nhằm ngăn ngừa tình
trạng khuyết tật, gồm cả vấn đề được tạo ra bởi bạo lực và lạm dụng chất. Họ cũng làm
việc trong tòa án như những chuyên gia làm chứng về những ảnh hưởng của khuyết tật
và những nhu cầu phục hồi chức năng của con người.
20/ Lĩnh vực Tâm lý học tiến hóa (Evolutionary Psychology)
Các nhà TLH tiến hóa thường hứng thú với những nghịch lý và những vấn đề về
tiến hóa. Chẳng hạn, một số hành vi thích ứng cao trong sự tiến hóa của con người
trong quá khứ không còn thích hợp với thế giới hiện đại. Họ nghiên cứu cách thức tác
động của các nguyên lý tiến hóa như sự biến đổi, thích ứng và sự chọn lọc ảnh hưởng
đến tư duy, cảm xúc và hành vi của con người. Ngoài ra, họ còn tập trung nghiên cứu
mẫu hành vi có tính di truyền tác động đến những cơ hội sống sót, nghiên cứu về sự
giao cấu, hành vi gây hấn, giúp đỡ và giao tiếp [87].
Như vậy, TLH có nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, trong mỗi một lĩnh vực
các nhà TLH được xác nhận theo những danh xưng khác nhau. Họ có thể làm việc như
một nhà nghiên cứu, một nhà thực hành hoặc làm cả hai. Ngoài ra, các nhà TLH cũng
giảng dạy các học phần TLH trong các tổ chức có tính học thuật từ trường trung học
cho đến các chương trình sau ĐH ở các trường.
b/ Ở Việt Nam
Nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH ở Việt Nam là nghề có tính đặc thù cao.
Theo Danh mục nghề Tổng cục Thống kê đã ban hành, nghề TLH ở Việt Nam là nhóm
nghề có mã số 2 (nghề chuyên môn bậc cao) thuộc nhóm nghề KHXH, mã số 2445,
thể hiện chủ yếu cho hai mã nghề nghiệp: nghiên cứu và giảng dạy [11].
Trước đây ở Việt Nam những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành TLH đa phần làm
những công việc như: giảng dạy các học phần TLH tại các trường ĐH, CĐ, THCN,
nghiên cứu ở các viện, cơ quan TLH, tham vấn, trị liệu ở các bệnh viện, làm công tác
quản trị nhân sự ở các công ty,… Tuy nhiên, những năm gần đây do chuyển biến của
nền kinh tế theo cơ chế thị trường và yêu cầu cấp thiết của xã hội đã hình thành nên
những nghề nghiệp mới mà những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành TLH có thể đảm
nhận và thực thi rất tốt như: Dạy kỹ năng mềm (Training soft skills); tổ chức sự kiện
(event); làm cố vấn hay tư vấn viên; nhân viên marketing;… Đây là những nghề đòi
hỏi cao khả năng nắm bắt tâm lý người khác và khả năng giao tiếp tốt. Những kỹ năng
29

này SV Tâm lý được đào tạo và có thế mạnh nhiều. Điều này đã giúp mở rộng phạm vi
hệ thống nghề nghiệp của ngành TLH và tạo thêm điều kiện việc làm phong phú cho
SV chuyên ngành TLH.
Hiện nay, ngành TLH ở các trường ĐH tại Việt Nam chủ yếu đào tạo các chuyên
ngành Tổ chức – Nhân sự, Tham vấn – trị liệu Tâm lý, TLH đường, TLH xã hội, TLH
lâm sàng, TLH cơ bản. Các yêu cầu, đặc điểm, triển vọng nghề nghiệp TLH được mô
tả rất chi tiết trong Bảng họa đồ nghề nghiệp TLH (Phụ lục 3).
1.2.3. Khái niệm định hướng nghề nghiệp
1.2.3.1. Định nghĩa định hướng nghề nghiệp
ĐHNN là một khái niệm rộng được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau.
a. Từ góc độ cá nhân
ĐHNN là sự thiên về một nghề nào đó, sự hướng tới việc lựa chọn chủ quan của
cá nhân đối với các nghề nghiệp trong xã hội, là hệ thống các giá trị, sở thích, hứng thú
của cá nhân về nghề nào đó, là quá trình cá nhân ra quyết định dựa trên sự hiểu biết về
nghề nghiệp, dựa trên nhu cầu của hệ thống phân công lao động xã hội hiện hành và
dựa trên tính cách, năng lực, nguyện vọng của mỗi cá nhân.
ĐHNN bao gồm toàn bộ những động cơ bền vững, có tác dụng định hướng hoạt
động cho cá nhân, quy định tính tích cực và sự lựa chọn thái độ của cá nhân đối với
nghề nghiệp tương lai. Đối với SV, ĐHNN có tác dụng đáng kể trong việc điều chỉnh,
thúc đẩy các mặt hoạt động của các SV nhằm hướng đến việc duy trì, phát triển nghề
nghiệp tương lai.
b. Từ góc độ xã hội
ĐHNN là hệ thống những biện pháp Tâm lý – Giáo dục và y học được tổ chức
đặc biệt, có hệ thống, có mục đích nhằm hình thành ở mỗi cá nhân một xu hướng nghề
nghiệp cụ thể có tính đến những nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và toàn xã hội. Trên
cơ sở đó, mỗi cá nhân tự xác định nghề nghiệp của mình sao cho phù hợp với nguyện
vọng, niềm say mê, năng lực, khả năng rèn luyện của mỗi cá nhân.
ĐHNN là một bộ phận của định hướng nhân cách, biểu hiện của định hướng là
hoạt động nhằm vào một lĩnh vực nhất định. Việc tìm hiểu ĐHNN của SV là nhiệm vụ
rất quan trọng ở các trường ĐH, CĐ, THCN. Nó cho biết hướng phát triển nghề
nghiệp của SV, từ đó giúp SV có những kế hoạch đúng đắn và tích cực hoạt động để
đạt được mục tiêu, lý tưởng nghề nghiệp của mình trong tương lai.
30

c. Từ góc độ Tâm lý học


Trong TLH tồn tại ba quan điểm lý luận bàn về ĐHNN:
- Quan điểm thứ nhất, xuất phát từ tư tưởng về tính ổn định và sự không thay đổi
các phẩm chất cá nhân mà năng lực và thành tích hoạt động của con người phụ thuộc
vào nó. Theo quan điểm này một mặt phải tuyển chọn những người thích hợp nhất với
một loại hoạt động nào đó, mặt khác là chọn loại công việc phù hợp nhất với các phẩm
chất cá nhân của người nào đó.
- Quan điểm thứ hai, dựa trên tư tưởng hình thành có phương hướng các năng
lực, vì cho rằng ở mỗi một người có thể rèn luyện được những phẩm chất cần thiết nào
đó về nghề nghiệp.
- Quan điểm thứ ba, là sự định hướng vào việc hình thành phong cách cá nhân
của hoạt động. Quan niệm này thừa nhận nguyên tắc thống nhất giữa ý thức và hoạt
động và được xây dựng bởi nhà TLH Xô viết E.A. Klimov như sau: 1/Thừa nhận có
những phẩm chất tâm lí cá nhân không được giáo dục vẫn giúp cho thực hiện kết quả
hoạt động nào đó; 2/ Có những phương án theo cách thức khác nhau nhưng ngang
bằng hiệu quả (sản phẩm lao động) phù hợp với những điều kiện hoạt động nghề
nghiệp; 3/ Có những khả năng rộng lớn để khắc phục những biểu hiện yếu của từng
năng lực riêng khi chú ý luyện tập chúng hoặc bù trừ bằng phương tiện của các năng
lực khác hay các cách thức làm việc (Ví dụ: tốc độ phản ứng bị giảm xuống có thể bù
lại bằng việc nâng cao chú ý đối với các biện pháp chuẩn bị hoạt động...); 4/ Sự hình
thành những năng lực cần thiết có tính đến những đặc trưng riêng của nhân cách nghĩa
là tính đến những điều kiện bên trong của sự phát triển cũng như những điều kiện bên
ngoài [71].
Ba quan điểm trên có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau.
Ngoài những mặt tích cực thì ở chúng vẫn còn những mặt hạn chế khi bàn về ĐHNN,
cụ thể như: lý luận về ĐHNN theo quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai ta nhận
thấy ở đây có những mặt hạn chế chung là xem cá nhân và hoạt động lao động như các
mặt tách rời và mâu thuẫn với nhau, cái này buộc phải phụ thuộc vào cái kia. Quan
điểm thứ ba thì sâu sắc, bao quát hơn, khắc phục được hạn chế có tính chất phương
pháp luận giữa cá nhân và hoạt động nghề nghiệp.
Như vậy, từ nhiều quan điểm khác nhau về ĐHNN, ở đề tài này ĐHNN được
nghiên cứu theo hướng cho rằng: ĐHNN vừa là sự lựa chọn chủ quan của cá nhân đối
31

với các nghề nghiệp trong xã hội dựa trên hệ thống các giá trị, tính cách, năng lực,
nguyện vọng, sở thích, hứng thú của cá nhân về nghề nghiệp nào đó, vừa là quá trình
cá nhân ra quyết định dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu nghề nghiệp, về hệ thống phân
công lao động trong xã hội hiện hành dưới sự tác động của hệ thống các biện pháp
Tâm lý – Giáo dục phù hợp.
1.2.3.2. Đặc điểm định hướng nghề nghiệp
Giáo dục ĐHNN một cách hệ thống là một phần không thể thiếu được trong công
tác giáo dục ở các trường học. ĐHNN đòi hỏi phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông
tin sau cho SV các trường: Tri thức về hệ thống các nghề thuộc chuyên ngành mà SV
đã chọn học, yêu cầu, đặc điểm cụ thể của từng nghề; Tri thức về nhu cầu lao động của
xã hội đối với hệ thống các nghề thuộc chuyên ngành; Những hiểu biết về nhân cách,
đặc biệt là năng lực của bản thân SV.
Để thực hiện 3 nội dung trên, công tác ĐHNN có các hình thức sau: Giáo dục
nghề nghiệp và tuyên truyền nghề nghiệp.
* Nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp:
+ Giúp SV làm quen với một số nghề cơ bản, phổ biến của ngành học trong
xã hội, đồng thời tìm hiểu xu thế phát triển các nghề nghiệp cùng với những yêu
cầu tâm sinh lý do nghề nghiệp đó đặt ra cho người lao động.
+ Tạo điều kiện ban đầu để SV phát triển năng lực tương ứng với hứng thú nghề
nghiệp đã hình thành.
+ Giáo dục SV thái độ lao động đúng đắn, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc
trong dự định nghề của SV.
* Nhiệm vụ của tuyên truyền nghề nghiệp:
+ Làm cho SV chú ý đến những nghề nghiệp đang phát triển thuộc ngành học
và có nhu cầu cấp thiết về nhân lực trong xã hội.
+ Giới thiệu các gương lao động sáng tạo, thành công trong nghề nghiệp và
đời sống xã hội, qua đó điều chỉnh hứng thú, động cơ chọn nghề của SV.
Thông thường, SV thi đậu vào một trường ĐH bất kỳ thường trải qua 4 giai đoạn
có mối quan hệ tương hỗ sau:
+ Giai đoạn một trước khi vào các trường CĐ, ĐH: đây là giai đoạn hình thành
ĐHNN trong quá trình học tập ở các trường phổ thông, làm quen với thế giới nghề
32

nghiệp, xác định lĩnh vực nghề nghiệp tương lai, xuất hiện động cơ, xu hướng, phẩm
chất nhân cách, những tiền đề đối với nghề nghiệp đã lựa chọn.
+ Giai đoạn hai, những học kỳ đầu của khóa học tại trường CĐ, ĐH: đây là giai
đoạn đào tạo nghề, hình thành và điều chỉnh ĐHNN, phát triển kỹ năng, kỹ xảo nghề,
những phẩm chất nhân cách cần thiết đối với nghề, hình thành và phát triển tự ý thức
nghề nghiệp nhằm củng cố hoặc điều chỉnh ĐHNN.
+ Giai đoạn ba, học kỳ cuối của khóa học tại trường CĐ, ĐH: đây là giai đoạn
SV tham gia thực tập nghề nghiệp, “thâm nhập” nhân cách vào lao động nhằm hình
thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với nghề được đào tạo.
+ Giai đoạn bốn, sau khi tốt nghiệp khóa học tại trường CĐ, ĐH: đây là giai
đoạn SV tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động nghề nghiệp, học hỏi và lĩnh hội
những kỹ năng, phẩm chất nhân cách cần có của nghề nhằm đạt được sự cân bằng và
tự nguyện gắn bó lâu dài với lĩnh vực nghề nghiệp mà mình tham gia.
Như vậy, theo chúng tôi quá trình ĐHNN của cá nhân tập trung chủ yếu vào giai
đoạn hai và giai đoạn ba: tìm hiểu về nghề và các yêu cầu của nghề, hình thành những
năng lực và phẩm chất nhân cách cần thiết đối với nghề, "thâm nhập" nhân cách vào
hoạt động lao động nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với
nghề đã chọn sau khi trải qua quá trình đào tạo.Với nhà trường ĐH, CĐ, THCN, việc
hướng dẫn SV xây dựng cho mình một ĐHNN tương lai là nhiệm vụ quan trọng.
Chính định hướng này sẽ trở thành động cơ thúc đẩy từng SV tích cực học tập các môn
liên quan với nghề nghiệp đã chọn. Do đó, việc động viên SV nói lên dự định nghề
nghiệp tương lai của mình là rất cần thiết.
1.2.3.3. Sự phù hợp nghề dưới góc độ Tâm lý học
Đề cập tới việc chọn được nghề phù hợp, trước hết ta phải làm rõ được khái niệm
“phù hợp nghề”. Sự phù hợp nghề được xem là sự hoà hợp, sự ăn khớp, sự tương xứng
trong cặp "Con người - Nghề nghiệp", cụ thể hơn, là sự tương ứng giữa những phẩm
chất, đặc điểm tâm sinh lý của con người với những yêu cầu cụ thể của công việc
trong nghề đối với người lao động. Nói như vậy ta sẽ thấy ngay rằng, sự phù hợp nghề
có nhiều mức độ. Thông thường người ta chia thành 4 mức độ sau:
1/ Không phù hợp: Sự không phù hợp có nhiều nguyên nhân như trạng thái sức
khoẻ, thiếu năng lực chuyên môn hoặc bị dị tật.
33

2/ Phù hợp một phần: nhiều phẩm chất, nhiều đặc điểm tâm sinh lý của người lao
động không đáp ứng được hết những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Nếu chỉ phù hợp
một phần thì con người rất khó trở thành một chuyên gia giỏi trong nghề.
3/ Phù hợp phần lớn: Trong trường hợp này, những phẩm chất cá nhân đáp ứng
được hầu hết các yêu cầu cơ bản của nghề hoặc nhóm nghề. Mức độ phù hợp phần lớn
thường thể hiện rất rõ ở hứng thú đối với công việc của nghề, ham thích và có năng lực
giải quyết nhiều hoạt động kỹ thuật trong nghề. Có được sự phù hợp phần lớn này, con
người sẽ thuận lợi trong phấn đấu trở thành người lao động có tay nghề cao hoặc dễ có
được những thăng tiến nghề nghiệp so với những người ít phù hợp.
4/ Phù hợp hoàn toàn: Đạt tới mức độ này, ta thấy con người đáp ứng được tất cả
những yêu cầu cơ bản do nghề đặt ra. Trong hoạt động nghề nghiệp, người lao động có
năng suất cao, thể hiện rõ xu hướng hoạt động và lý tưởng nghề nghiệp.
Để có thể lựa chọn được nghề nghiệp với các mức độ "phù hợp phần lớn" và
"phù hợp hoàn toàn" là một công việc rất khó khăn. Sự lựa chọn này phụ thuộc vào
nhiều yếu tố như: Sự nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp; sự
hiểu biết về "thế giới nghề nghiệp" trong xã hội hiện nay.
Sự phù hợp nghề sẽ là chỉ báo để cho biết cá nhân ấy có phù hợp với nghề hay
không. Một người được xem là phù hợp với nghề nào đó, nếu họ có những phẩm chất,
đặc điểm về tính cách hay khả năng đáp ứng cao những yêu cầu nghề nghiệp. Một
trong những cách thức để có thể đánh giá con người có phù hợp với nghề nghiệp hay
không bằng cách đối chiếu đặc điểm cá nhân với hệ thống yêu cầu nghề nghiệp cụ thể.
Sự phù hợp nghề hay không thường thể hiện ở những dấu hiệu cơ bản sau: Bảo đảm
tốc độ làm việc; Bảo đảm sự chính xác của công việc và Không bị công việc hay nghề
nghiệp làm tổn hại bản thân quá mức [13].
Bên cạnh đó, để có thể chọn nghề phù hợp cần quan tâm đến khái niệm “miền
chọn nghề tối ưu”. Chính miền chọn nghề tối ưu sẽ là một trong những lý luận rất cơ
bản để việc ĐHNN được quan tâm và đạt đến kết quả tối ưu như một yêu cầu cơ bản.
Trong đó, miền chọn nghề tối ưu cần thỏa mãn ba điều kiện là: Phù hợp với hứng thú
của cá nhân; Phù hợp với năng lực của bản thân và Phù hợp với yêu cầu phát triển sản
xuất của xã hội.
34

Sơ đồ 1.1. Sơ đồ mô tả miền chọn nghề tối ưu

Có thể nói sự phù hợp nghề là một vấn đề hết sức quan trọng và cơ bản trong lý
luận về nghề. Nó cũng là cơ sở rất quan trọng để xem xét, đánh giá hiệu quả của công
tác ĐHNN hay giáo dục hướng nghiệp.
1.3. Sinh viên và một số đặc điểm tâm lý của sinh viên
1.3.1. Khái niệm sinh viên
Thuật ngữ “Sinh viên” có nguồn gốc La Tinh là “studens” có nghĩa là người làm
việc nhiệt tình hăng say, người tìm kiếm, khai thác kho tàng tri thức của nhân loại.
Khái niệm này được dùng tương đương với “student” trong tiếng Anh, “etudiant”
trong tiếng Pháp để chỉ những người theo học ở bậc ĐH, CĐ được phân biệt với HS
đang theo học phổ thông. Theo TLH phương tây, lứa tuổi này là trung gian giữa trẻ vị
thành niên (adolessence) và người trưởng thành (adulthood), cho nên gọi giai đoạn này
là giai đoạn đầu của người trưởng thành trẻ tuổi [71].
Ở Việt Nam, thuật ngữ "thanh niên sinh viên" được sử dụng với cách hiểu là
thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường ĐH, CĐ, dạy nghề các và tác giả thống nhất
lứa tuổi của thanh niên sinh viên kéo dài từ 19 đến 25 tuổi [62, tr.137].
Nhìn chung, mỗi tác giả đều có quan điểm khác nhau khi nhìn nhận về thanh niên
SV. Ở đây, chúng tôi sử dụng khái niệm SV của X. L. Rubinstein. Ông quan niệm:
“SV là đại biểu của một nhóm xã hội đặc biệt được đào tạo trong các trường ĐH, CĐ
để chuẩn bị cho hoạt động lao động và sản xuất vật chất hay tinh thần cho xã hội.
Nhóm SV này rất cơ động, được tổ chức theo một mục đích xã hội nhất định, nhằm
chuẩn bị thực hiện vai trò xã hội với trình độ nghề nghiệp cao trong các lĩnh vực xã
35

hội. SV là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ trí thức được đào tạo trở thành những người
lao động có tay nghề cao, tham gia hoạt động xã hội tích cực” [71, tr.90].
Có thể nhận thấy SV trước hết vẫn là thanh niên với tính độc lập, tự chủ, sáng tạo,
nhạy bén trước mọi vấn đề, thích khẳng định cái "tôi", thích khám phá và có chút bồng
bột, sốc nổi. Mặt khác, họ là những công dân thực thụ với đầy đủ quyền hạn và nghĩa
vụ trước pháp luật, một số gần như độc lập với gia đình về kinh tế, khả năng tự ý thức
cao, thể hiện sự mẫu mực của người trưởng thành trẻ tuổi. Do đó, lứa tuổi thanh niên
SV có những đặc trưng riêng với các hoạt động cơ bản của họ.
1.3.2. Một số đặc điểm tâm lý của sinh viên
Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất ở lứa tuổi thanh niên SV là sự
phát triển tự ý thức. Nhờ có tự ý thức phát triển, SV có những hiểu biết, thái độ, có khả
năng đánh giá bản thân để chủ động điều chỉnh sự phát triển bản thân theo hướng phù
hợp với xu thế xã hội. Chẳng hạn SV đang học ở các trường CĐ, ĐH họ nhận thức rõ
ràng về những năng lực, phẩm chất của mình, mức độ phù hợp của những đặc điểm đó
với yêu cầu của nghề nghiệp. Qua đó họ sẽ xác định rõ ràng mục tiêu học tập, rèn
luyện và thể hiện bằng hành động học tập hàng ngày trong giờ lên lớp, thực tập nghề
hay nghiên cứu khoa học. Nhờ khả năng tự đánh giá phát triển mà SV có thể nhìn
nhận, xem xét năng lực học tập của mình, kết quả cao hay thấp phụ thuộc vào ý thức,
thái độ, vào phương pháp học tập của họ [71].
Ở SV đã bước đầu hình thành thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá vấn đề cuộc
sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày. SV là những trí thức tương lai, ở các em sớm nảy
sinh nhu cầu, khát vọng thành đạt. Học tập ở ĐH là cơ hội tốt để SV được trải nghiệm
bản thân, vì thế SV rất thích khám phá, tìm tòi cái mới. Đồng thời, họ thích bộc lộ
những thế mạnh của bản thân, thích học hỏi, trau dồi, trang bị vốn sống, hiểu biết cho
mình, dám đối mặt với thử thách để khẳng định mình.
Một đặc điểm tâm lý nổi bật nữa ở lứa tuổi này là tình cảm ổn định của SV, trong
đó phải đề cập đến tình cảm nghề nghiệp - một động lực giúp SV học tập một cách
chăm chỉ, sáng tạo, khi họ thực sự yêu thích và đam mê với nghề lựa chọn. SV là lứa
tuổi đạt đến độ phát triển sung mãn của đời người. Họ là lớp người giàu nghị lực, giàu
ước mơ và hoài bão. Tuy nhiên, do quy luật phát triển không đồng đều về mặt tâm lý,
do những điều kiện, hoàn cảnh sống và cách thức giáo dục khác nhau, không phải bất
cứ SV nào cũng được phát triển tối ưu, độ chín muồi trong suy nghĩ và hành động còn
36

hạn chế. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực hoạt động của bản thân mỗi
SV. Bên cạnh đó, sự quan tâm đúng mực của gia đình, phương pháp giáo dục phù hợp
từ nhà trường sẽ góp phần phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế về mặt tâm
lý của SV [62].
Bên cạnh những mặt tích cực trên, và dù là những người có trình độ nhất định,
SV không tránh khỏi những hạn chế chung của lứa tuổi thanh niên. Đó là sự thiếu chín
chắn trong suy nghĩ, hành động, đặc biệt trong việc tiếp thu, học hỏi những cái mới.
Ngày nay, trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, trong điều kiện phát triển công nghệ
thông tin, nền văn hoá của chúng ta có nhiều điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nền
văn hoá trên thế giới, kể cả văn hoá phương Đông và phương Tây. Việc học tập, tiếp
thu những tinh hoa, văn hoá của các nền văn hoá khác là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc
điểm nhạy cảm, ham thích những điều mới lạ kết hợp với sự bồng bột, thiếu kinh
nghiệm. SV dễ dàng tiếp nhận cả những nét văn hoá không phù hợp với chuẩn mực xã
hội, với truyền thống của dân tộc và không có lợi cho bản thân họ.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy thái độ cơ bản của HS các lớp cuối THPT
và giai đoạn đầu của SV mới bước chân vào ngưỡng cửa ĐH về thế giới nghề nghiệp
phụ thuộc vào những kinh nghiệm vay mượn từ các nguồn khác nhau: cha mẹ, người
quen, bạn bè, sách báo, phương tiện truyền thông. Kinh nghiệm này rất trừu tượng,
chưa thể nghiệm, chưa trải qua những dằn vặt, đau khổ để có được nó.
Như vậy, lứa tuổi SV có những nét tâm lý điển hình, thế mạnh của họ so với các
lứa tuổi khác là: tự ý thức cao, có tình cảm nghề nghiệp, có năng lực và tình cảm trí
tuệ phát triển (khao khát đi tìm cái mới, thích tìm tòi, khám phá), có nhu cầu, khát
vọng thành đạt, nhiều mơ ước và thích trải nghiệm, dám đối mặt với thử thách. Song,
do hạn chế của kinh nghiệm sống, SV cũng có hạn chế trong việc chọn lọc, tiếp thu cái
mới. Những yếu tố tâm lý này có tác động chi phối hoạt động học tập, rèn luyện và
phấn đấu của SV. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến mọi mặt của SV, đặc biệt là hoạt
động ĐHNN, bởi họ là những người có hoạt động chủ đạo là học tập để tiếp thu kiến
thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ở các trường CĐ, ĐH.
1.3.3. Đặc điểm tâm lý của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học
SV chuyên ngành TLH cũng thuộc một bộ phận của SV trong các trường CĐ,
ĐH trên cả nước. Họ cũng mang những đặc điểm tâm lý giống như lứa tuổi SV nói
chung. Tuy nhiên ở họ cũng có một số nét đặc trưng riêng như:
37

Về năng lực, đầu vào của SV chuyên ngành TLH cũng như những ngành khác,
trên mức điểm sàn của Bộ và tùy từng trường quy định. Khoảng 4-5 năm trước, điểm
chuẩn của ngành TLH ở các trường ĐH dừng lại ở mức 15-16 điểm. Nhưng vài năm
gần đây điểm chuẩn của khối ngành này tăng mạnh. So với những ngành thuộc lĩnh
vực khoa học xã hội khác: ngành triết học, địa lý, lịch sử,.. ngành này có điểm đầu vào
khá cao thậm chí có năm lên đến 20-21 điểm. Thực tế, điểm chuẩn khối ngành TLH ở
Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TPHCM) mỗi năm tăng khoảng 1 đến 2 điểm. Cụ thể,
điểm chuẩn nguyện vọng 1 năm 2011 là 18,5 điểm; năm 2012 là 19 điểm; năm 2013 là
21 điểm. Tương tự, ngành này ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2011 chỉ có 15
điểm; năm 2012 là 15,5 điểm, nhưng đến năm 2013 lên tới 17,5 điểm. Chính đầu vào
được sàng lọc kỹ càng mà SV chuyên ngành TLH hoàn toàn có thể yên tâm học tập và
nghiên cứu khoa học.
Về nhận thức, SV chuyên ngành TLH là những người nhận thức về bản thân và
người khác rõ ràng nhất. Họ luôn cố gắng phấn đấu để trở thành người biết mình, biết
người trong mọi hoàn cảnh. Có như thế họ mới có thể theo đuổi, làm việc và phát triển
nghề nghiệp thành công được trong ngành học đặc thù này.
Về tình cảm, họ là những SV học chuyên ngành xã hội. Công việc sau khi ra
trường chủ yếu tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, nhiều địa
vị, tầng lớp khác nhau. SV chuyên ngành TLH thường có đời sống tình cảm phong
phú, đời sống nội tâm phức tạp và khá nhạy cảm với cuộc sống.
Về thái độ, họ có ý thức học tập, tham gia nghiên cứu khoa học tích cực, có thái
độ nghiêm túc khi tham gia những kỳ thực tế, thực tập. Họ chủ động tìm hiểu, học hỏi
và rèn luyện những phẩm chất nghề nghiệp cần có trong quá trình đào tạo.
Về hoạt động, SV chuyên ngành TLH đặc biệt quan tâm đến những sự kiện trong
xã hội một cách nghiêm túc. Không những quan tâm mà họ còn thể hiện quan điểm cá
nhân với những cái nhìn sắc nét bằng những bài bình luận, bài nhận định trên các mặt
báo và các diễn đàn.
Như vậy, SV chuyên ngành TLH là một nhóm xã hội đặc biệt, là những người
đang theo học bậc ĐH để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất tinh thần của xã hội. Nhóm
xã hội đặc biệt này là nguồn bổ sung cho đội ngũ tri thức, được đào tạo lao động trí óc
với nghiệp vụ cao để tham gia vào hoạt động đa dạng có ích cho xã hội.
38

1.4. Định hướng nghề nghiệp của sinh viên


ĐHNN của sinh viên được biểu hiện ở nhiều mặt: nhận thức, thái độ, hành vi của
cá nhân đối với dự định ban đầu về nghề nghiệp, cũng như định hướng về việc duy trì,
phát triển nghề nghiệp tương lai thuộc chuyên ngành TLH. Có thể trình bày một cách
khái quát như sau:
* Mặt nhận thức:
Nhận thức là một trong ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý con người: nhận thức
– tình cảm – ý chí. Nhận thức đúng về nghề nghiệp làm cơ sở cho tình cảm, ý chí,
quan điểm, lập trường tư tưởng và hành động đúng của cá nhân trong quá trình
ĐHNN. Nghề nghiệp là một lĩnh vực tồn tại khách quan, muốn chiếm lĩnh nghề
nghiệp và phát triển nghề nghiệp thì trước hết mỗi người phải tự nhận thức được
những đặc điểm, yêu cầu cơ bản về nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Trong nghiên cứu
này, chúng tôi quan niệm: Nhận thức về nghề nghiệp là quá trình cá nhân tìm tòi, phát
hiện và phản ánh những đặc trưng cơ bản của nghề, những yêu cầu của xã hội đối với
nghề nghiệp, những đòi hỏi về mặt tâm sinh lý đối với người làm nghề. Hoạt động
ĐHNN là hoạt động phức tạp, đa dạng với nhiều giai đoạn. Vì vậy, để SV ĐHNN tốt,
trước hết SV phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về thuận lợi, khó khăn, tầm quan
trọng, ý nghĩa, nội dung, tính chất của nghề nghiệp. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu và
động cơ nghề nghiệp của sinh viên.
* Mặt thái độ:
Thái độ là một bộ phận cấu thành, một thuộc tính toàn vẹn của ý thức tạo ra trạng
thái tâm lý sẵn sàng phản ứng lại các tác động khách quan, sẵn sàng hành động với đối
tượng theo một hướng nhất định, được biểu hiện ra ở quá trình nhận thức, tình cảm và
hành vi của chủ thể trong những tình huống, hoàn cảnh nhất định. Theo đó, “Thái độ
nghề nghiệp” là thuộc tính phức hợp của nhân cách, được biểu hiện ở ý thức, tính
cách, động cơ, tình cảm, ý chí của chủ thể đối với hoạt động nghề nghiệp thông qua
các đánh giá chủ quan về mặt nhận thức, tình cảm và hành động với đối tượng có liên
quan đến việc thỏa mãn nhu cầu nghề của chủ thể. Chỉ khi nào con người có được
những nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nghề nghiệp thì mới hình thành nên những tình
cảm sâu sắc, gắn bó với nghề. Tạo nên những động lực hoạt động nghề nghiệp mạnh
39

mẽ, bền vững. Có như thế người ta mới khắc phục được những khó khăn trở ngại trong
quá trình hoạt động nghề nghiệp, có khả năng lao động sáng tạo, tích lũy được nhiều
kinh nghiệm quý báu để hoàn thành nhiệm vụ của mình và không ngừng nâng cao chất
lượng nghề nghiệp. Mặt khác, chính tình cảm nghề nghiệp và quá trình hoạt động nghề
nghiệp lại củng cố nhận thức của con người ngày càng đầy đủ, sâu sắc và có thêm
những hiểu biết mới về nghề nghiệp.
* Mặt hành vi:
Đây là mặt thể hiện rõ nhất khả năng huy động chức năng tâm lý của bản thân
SV một cách tự giác, tích cực để vượt qua những khó khăn nhất định nhằm thực hiện
nhiệm vụ ĐHNN. Trên cơ sở sự hiểu biết đã được hình thành, SV có được những thái
độ tích cực đối với hoạt động ĐHNN để sẵn sàng tham gia hoạt động nghề nghiệp sau
khi ra trường một cách nghiêm túc. SV cũng phải thể hiện tính tích cực, tự giác vượt
qua những khó khăn nhất định trong quá trình hình thành thái độ cần thiết với hoạt
động ĐHNN. Như vậy, khi SV ý thức được đầy đủ khó khăn, tầm quan trọng, ý nghĩa
của hoạt động ĐHNN, từ đó có thái độ đúng đắn, tự giác tham gia hoạt động đồng thời
thực hiện các hành vi tương ứng trong quá trình ĐHNN.
Trong nghiên cứu này về ĐHNN của SV, tất cả các mặt ĐHNN của SV có mối
quan hệ biện chứng với nhau. Bởi vậy, khi nghiên cứu, chúng tôi tiến hành nghiên cứu
ở tất cả các mặt trên. Đây cũng là cơ sở lý luận để người nghiên cứu xây dựng hệ
thống công cụ sử dụng cho đề tài.
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên
Trước ngưỡng cửa vào đời, mỗi SV đều có những ĐHNN cho riêng mình. Kèm
theo đó là những ước mơ về sự thành đạt nghề nghiệp trong tương lai. Sự hình thành
ĐHNN bao giờ cũng gắn liền với việc xem xét, cân nhắc các yếu tố như sở thích, hứng
thú, năng lực, tính cách bản thân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thị trường
lao động, cùng với những thuận lợi và những khó khăn trong nghề nghiệp. Những yếu
tố đó được xem xét dưới các góc nhìn sau đây:
1.5.1. Yếu tố chủ quan
Yếu tố chủ quan thuộc về cá nhân SV, gồm những yếu tố thuộc về tâm lý và thể
chất của họ. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ĐHNN của mỗi SV, như:
40

• Sở thích
Sở thích hay còn gọi là thú vui, thú tiêu khiển, là những hoạt động thường xuyên
hoặc theo thói quen để đem lại cho con người niềm vui, sự phấn khởi trong
khoảng thời gian nào đó. Sở thích cũng chỉ về sự hứng thú, thái độ ham thích đối với
một đối tượng nhất định.
Mỗi người đều có niềm đam mê, sở thích nào đó. Ở đây ta nói về sở thích liên
quan đến nghề nghiệp hay còn gọi là “sở thích nghề nghiệp”. Có người biết rõ sở thích
của mình nhưng cũng có người không biết. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu người
nào được làm công việc phù hợp với “sở thích nghề nghiệp” của mình sẽ luôn có động
lực làm việc, yêu thích công việc và luôn có cảm giác thoải mái, hạnh phúc trong công
việc. Có thể nói lòng say mê, yêu thích đối với nghề sẽ là động lực rất quan trọng để
mỗi người có sức rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng và vượt qua mọi khó khăn để vươn
tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Vì vậy khi ĐHNN, yếu tố đầu tiên phải tính đến đó là
bản thân có yêu thích nghề đó hay không.
• Hứng thú
Hứng thú là thái độ đặc biệt của con người đối với sự vật hiện tượng nào đó, vừa
có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, vừa đem lại cho họ những khoái cảm trong quá
trình hoạt động. E.M.Chevlov cho rằng: “Hứng thú là động lực quan trọng nhất trong
việc nắm vững tri thức, mở rộng học vấn, làm giàu nội dung đời sống tâm lý con
người. Thiếu hứng thú hoặc hứng thú mờ nhạt, cuộc sống con người sẽ trở nên ảm
đạm và nghèo nàn. Đối với con người thể hiện đặc trưng nhất ở họ là sự buồn chán”.
Hứng thú khiến con người làm việc chăm chỉ, quên mệt mỏi, là nhân tố kích thích hoạt
động, kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo ở con người.
Theo tiến sĩ N.G.Marôzôva, có ít nhất ba yếu tố đặc trưng cho hứng thú: Có xúc
cảm đúng đắn đối với hoạt động; Có khía cạnh nhận thức của xúc cảm (niềm vui tìm
hiểu và nhận thức); Có động cơ trực tiếp xuất phát từ bản thân hoạt động, tức là hoạt
động tự nó lôi cuốn và kích thích, không phụ thuộc các động cơ khác. Trên cơ sở đó,
hứng thú nghề nghiệp thể hiện thái độ của con người đối với một hoặc một số nghề
xác định, biểu hiện thái độ của con người muốn làm quen tìm hiểu những nghề đó, là
động lực thúc đẩy lựa chọn nghề và là nguồn gốc cơ bản của lòng yêu nghề, niềm vui
41

nghề nghiệp, thể hiện sự say mê trong quá trình học tập và lao động nhằm hoàn thiện,
nâng cao học vấn chung và tay nghề [64].
Như vậy, ĐHNN là một quyết định quan trọng không chỉ với bản thân SV, mà
với cả gia đình và xã hội. Do đó, việc xây dựng một kế hoạch về tương lai được phát
triển trên cơ sở hứng thú sẽ có tác dụng tích cực trong quá trình học nghề và hành
nghề. Điều này được thực thi khi cá nhân chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để hứng thú
nghề nghiệp xuất hiện và biến hứng thú đó trở nên mạnh mẽ để thôi thúc cá nhân tích
cực học nghề, hành nghề, duy trì và phát triển nghề.
• Năng lực
Năng lực là tổ hợp các thuộc tính tâm lý độc đáo của cá nhân phù hợp với những
yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động nhanh chóng đạt kết quả.
Năng lực không mang tính chung chung, khi nói đến năng lực, bao giờ người ta cũng
nói đến năng lực thuộc về một hoạt động cụ thể nào đó, như năng lực toán học của
hoạt động học tập hay nghiên cứu toán học, năng lực giảng dạy của hoạt động giảng
dạy,... Như vậy có thể định “nghĩa năng lực nghề nghiệp” như sau: “Năng lực nghề
nghiệp là sự tương ứng giữa những thuộc tính tâm sinh lý của con người với những
yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Nếu không có sự tương ứng này thì con người không
thể theo đuổi nghề nghiệp được” [6], [28].
Ở mỗi một nghề nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau, nhưng
tựu trung lại theo tác giả Mạc Văn Trang thì năng lực nghề nghiệp được cấu thành bởi
3 thành tố sau: Tri thức chuyên môn; Kỹ năng hành nghề và Thái độ đối với nghề.
Năng lực nói chung và năng lực nghề nghiệp nói riêng không có sẵn trong con người,
không phải là những phẩm chất bẩm sinh như một số nhà TLH quan niệm. Nó được
hình thành và phát triển qua hoạt động học tập, lao động và trong hoạt động nghề
nghiệp. Chúng ta có thể khẳng định rằng học hỏi và lao động không mệt mỏi là con
đường phát triển năng lực nghề nghiệp của mỗi cá nhân [34].
Như vậy, vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ,
nơi đào tạo ra các chuyên gia trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ thì việc tổ
chức chương trình đào tạo cần căn cứ vào hệ thống năng lực nghề nghiệp mà nghề đòi
hỏi, có như vậy người SV sau khi ra trường mới có năng lực phù hợp đáp ứng được
đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Mặt khác nó giúp cho ngành giáo dục
42

đào tạo nói riêng và toàn xã hội nói chung giảm thiểu lãng phí chất xám không cần
thiết như thực tế đang diễn ra hiện nay.
• Tính cách
Tính cách là một khái niệm phức tạp trong khoa học tâm lý, việc đưa ra một
định nghĩa chính thống, đảm bảo tính khoa học và được đa số mọi người thừa nhận là
việc không hề đơn giản. Trên cơ sở khảo cứu và xem xét các định nghĩa khác nhau về
tính cách thì cách hiểu như sau về tính cách được chúng tôi sử dụng trong công trình
nghiên cứu này: “Tính cách là hệ thống thái độ của con người đối với thế giới xung
quanh và bản thân, được thể hiện trong hành vi của họ” được hình thành dưới sự ảnh
hưởng chủ yếu của cuộc sống và giáo dục.
Tính cách phân biệt cá thể này với cá thể khác và có ảnh hưởng lớn đến hành vi
và suy nghĩ của con người, từ đó tác động đến công việc và các mối quan hệ xã hội.
Mối quan hệ giữa tính cách và nghề nghiệp được hiểu là hệ thống thái độ, hành vi của
cá nhân đối với loại hình nghề nghiệp nào đó, được hình thành và phát triển dưới ảnh
hưởng của cuộc sống và giáo dục. Nhà Tâm lý học C. Jung và những người theo học
thuyết của ông tin rằng, mỗi người sinh ra đều có một cá tính riêng biệt, nó làm nên
“cái” rất riêng biệt của mỗi người. Có người luôn ôn hòa, nhã nhặn, bình tĩnh, nhưng
cũng có người luôn dễ nổi nóng, thiếu bình tĩnh; có người có tính cách “hướng nội”,
có người có tính cách “hướng ngoại”… Để học nghề và hành nghề, không nên coi nhẹ
mặt tính cách. Nhiều trường hợp năng lực giỏi nhưng tính cách không phù hợp với yêu
cầu và chức năng của nghề, vẫn thất bại giữa chừng.
Như vậy, hiểu rõ tính cách của bản thân sẽ giúp chọn nghề nghiệp và môi trường
làm việc phù hợp hơn. Đó là yếu tố quan trọng giúp đạt được sự thành công và thỏa
mãn trong công việc.
• Nhu cầu, mục đích nghề nghiệp
Nhu cầu là yếu tố quan trọng thúc đẩy SV tích cực hoạt động nhằm hoàn thành
các kế hoạch ĐHNN đã đặt ra. Khi con người có nhu cầu bắt gặp đối tượng thì nảy
sinh động cơ. Hoạt động của con người luôn là những hoạt động có mục đích và
hướng vào những đối tượng nhất định. Hoạt động ĐHNN của SV cũng có mục đích,
có lý do nhất định. Mục đích có vai trò quan trọng trong việc điều khiển hành vi của
mỗi cá nhân và dựa trên các nhu cầu cơ bản của cá nhân đó. Mỗi cá nhân SV có một
43

vốn tri thức, một năng lực tư duy riêng, cho nên chỉ có bản thân họ mới biết rõ mình
còn thiếu gì, cần gì và làm gì để đạt được điều mình muốn. Nếu SV xác định mục đích
nghề nghiệp rõ ràng thì họ sẽ không ngừng cố gắng và dễ có cơ hội để đạt được hiệu
quả cao trong nghề nghiệp của bản thân hơn.
• Tình trạng sức khỏe
Các yếu tố về sức khỏe như đặc điểm về thể lực và hệ thần kinh có ảnh hưởng
rất lớn đến ĐHNN của SV. ĐHNN là hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng đòi hỏi SV
phải có sức khỏe mới có thể tiến hành các hành động định hướng một cách nhanh
chóng, hiệu quả, duy trì sự dẻo dai, niềm say mê, hứng thú nghề nghiệp. Đặc điểm hệ
thần kinh, các quy luật vận động của hệ thần kinh với các chức năng của nó cũng ảnh
hưởng đến hoạt động ĐHNN của SV. Vì thế, người SV bên cạnh rèn luyện trí tuệ cũng
cần phải quan tâm rèn luyện thân thể để có sức khỏe tốt nhất.
Như vậy, mỗi một SV khi trải qua quá trình ĐHNN luôn phải chịu tác động của
nhiều yếu tố chủ quan cùng một lúc. Mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố tùy thuộc vào
đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân SV.
1.5.2. Yếu tố khách quan
Yếu tố khách quan là những yếu tố bên ngoài tác động đến ĐHNN của SV.
• Gia đình
Đề cập đến yếu tố gia đình, điều đầu tiên ảnh hưởng đến ĐHNN của không ít SV
đó là điều kiện kinh tế gia đình. Đây là vấn đề làm cho SV phân vân nhất khi chọn
nghề, nhất là các SV ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn. Các em chọn nghề luôn phải cân nhắc
mối tương quan giữa nghề nghiệp và các khoản chi phí trong quá trình học. Nhiều SV
phải thay đổi ngành học không đúng với mong muốn ban đầu cũng chỉ vì điều kiện
kinh tế gia đình. Mặc khác, truyền thống gia đình luôn quan trọng với người Việt Nam
nói riêng và người phương Đông nói chung. Chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi gia đình
khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào. Nhiều bạn SV chọn học nghề nào đó vì truyền
thống nghề nghiệp của gia đình, vì ba mẹ ép học hoặc vì tiếp nối theo đuổi ước mơ của
ba mẹ thời trẻ. Nếu gia đình có truyền thống tự do, bình đẳng, đầm ấm, hạnh phúc, có
sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất thì sẽ giúp SV dễ dàng hơn
rất nhiều trong quá trình ĐHNN.
44

• Nhà trường
Nhà trường với các yếu tố cụ thể như : vị trí, uy tín của trường, giảng viên, cố
vấn học tập, môi trường giảng dạy, chương trình học, điều kiện cơ sở vật chất,…
Thông qua các tiết học trên lớp hay các hình thức khác, nhà trường sẽ định hướng SV
suy nghĩ và chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với bản thân trong hệ thống các nghề
nghiệp thuộc chuyên ngành. Môi trường học tập lành mạnh; điều kiện cơ sở vật chất
thuận lợi; phong cách giảng dạy tích cực; tấm gương sáng say mê nghiên cứu, giảng
dạy không ngừng của giảng viên;…Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, thái độ,
tính tích cực học tập và ĐHNN của SV. Trong trường hợp này, nhà trường không chỉ
đóng vai trò cung cấp thông tin, định hướng, dẫn dắt mà là quyết định hoàn toàn việc
chọn nghề của SV tùy theo hướng phát triển của ngành đào tạo.
• Bạn bè
Lứa tuổi thanh niên SV là lứa tuổi năng động, thích chứng tỏ, khẳng định mình
với mọi người xung quanh. Bạn bè là đối tượng thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện,
cung cấp thông tin cho mỗi cá nhân SV. Họ góp phần không nhỏ trong việc ĐHNN
của mỗi SV. Đôi khi vì mong muốn giúp đỡ bạn bè, vì phong trào hay chỉ vì lời khiêu
khích của bạn bè mà SV đưa ra những quyết định trọng đại liên quan đến tương lai, sự
nghiệp của bản thân họ. Có thể nói bạn bè là một trong những đối tượng ảnh hưởng rất
nhiều đến cuộc sống của SV, đặc biệt là ĐHNN.
• Yếu tố hấp dẫn của nghề nghiệp
Có nhiều yếu tố khiến cho một nghề nghiệp trở nên hấp dẫn với những người
xung quanh. Đó có thể là vị thế, lợi ích, nguồn thu nhập mà nghề nghiệp mang lại cho
mỗi cá nhân. Đó cũng có thể là danh tiếng, sự ngưỡng mộ của những người xung
quanh dành cho những người hành nghề. Hoặc thậm chí là hấp dẫn bởi uy tín, đỉnh cao
của những tấm gương thành công trong ngành. Những người này có tầm ảnh hưởng to
lớn đến những quyết định liên quan đến cả cuộc đời người SV.
• Nhu cầu xã hội
Tuy cùng chuyên ngành nhưng cần cân nhắc nhu cầu của xã hội về một số nghề
cụ thể thuộc ngành học và xu hướng của bản thân. Có thể phải chọn nghề xã hội đang
cần hoặc nghề có thể giải quyết vấn đề kinh tế cho cuộc sống, trước khi theo đuổi nghề
45

mà mình thích, như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là xác định được
bản thân có khả năng nổi bật về lĩnh vực nào đó hay không để quyết định chọn nghề
cho phù hợp.
• Phương tiện truyền thông
Thế hệ SV ngày nay được sống trong một thế giới “mở”, các em có nhiều điều
kiện tiếp cận với thông tin và hệ thống nghề nghiệp thế giới thông qua nhiều kênh
truyền thông khác nhau (internet, truyền hình, đài phát thanh, sách báo,…). Đồng thời,
khi khoa học, công nghệ phát triển với tốc độ vũ bão thì phương tiện truyền thông,
internet là nguồn tư liệu phong phú và hết sức có giá trị giúp cho SV có thêm dữ liệu
để tham khảo và so sánh trước khi chính thức chọn nghề. Bên cạnh những mặt tích cực
thì sự tuyên truyền đa dạng và hỗn loạn thông tin theo nhiều mục đích và chiều hướng
khác nhau trên các phương tiện truyền thông cũng chi phối mạnh mẽ đến quá trình
ĐHNN của mỗi SV.
• Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ở các trung tâm tư vấn, trung tâm
kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp
Hiện nay, do sự phát triển không ngừng của xã hội và sự quan tâm của các ban
ngành đến vấn đề hướng nghiệp cho đối tượng thanh niên, SV nên nhiều tổ chức,
nhiều trung tâm hướng nghiệp ra đời, hoạt động và phát triển mạnh mẽ. SV, thanh niên
là đối tượng năng động, ham thích học hỏi, tìm kiếm và khám phá, họ dễ dàng tiếp cận
và tìm đến tư vấn ở các trung tâm với số lượng ngày càng nhiều. Thông qua các hình
thức tư vấn, chỉ dẫn và trợ giúp cụ thể kết hợp với các trắc nghiệm sở thích, năng lực,
tính cách nghề nghiệp, các chuyên gia tâm lý hướng nghiệp cũng ảnh hưởng và góp
phần không nhỏ vào quá trình ĐHNN của giới thanh niên, SV.
Nhìn chung, các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến ĐHNN của SV chuyên
ngành TLH ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sự thay đổi mức độ cao thấp của các
yếu tố ảnh hưởng cũng còn tùy thuộc nhiều vào đặc điểm của bản thân từng SV.
46

Tiểu kết chương 1


ĐHNN là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng quyết định sự
thành bại trong sự nghiệp và cuộc đời mỗi SV. Vấn đề ĐHNN đã được nhiều nhà khoa
học, ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, những
công trình được tìm thấy mới chỉ nghiên cứu ĐHNN ở đối tượng HS THPT mà chưa
tập trung vào đối tượng SV các trường ĐH với chuyên ngành cụ thể. Trong đề tài này,
SV chuyên ngành TLH ngoài những đặc điểm cơ bản giống với SV các ngành khác họ
vẫn mang những nét đặc trưng riêng biệt do tính chất của ngành học.
Định hướng là hành động xác định một hướng đi cụ thể cho hoạt động nào đó
trên cơ sở cân nhắc kỹ khả năng, tài chính của đối tượng. Mục đích cuối cùng của định
hướng là có được một hướng đi phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh khách quan và
chủ quan của chủ thể.
Nghề nghiệp là một dạng hoạt động lao động đòi hỏi ở con người một quá trình
đào tạo chuyên biệt, có những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nhất định, có
phẩm chất, đạo đức phù hợp với yêu cầu của dạng lao động tương ứng.
Như vậy, ĐHNN được hiểu là sự lựa chọn chủ quan của cá nhân đối với các nghề
nghiệp trong xã hội dựa trên hệ thống các giá trị, tính cách, năng lực, nguyện vọng, sở
thích, hứng thú của cá nhân về nghề nghiệp nào đó, vừa là quá trình cá nhân ra quyết
định dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu nghề nghiệp, về hệ thống phân công lao động
trong xã hội hiện hành dưới sự tác động của hệ thống các biện pháp Tâm lý – Giáo dục
phù hợp.
Thế giới nghề nghiệp nói chung và thế giới nghề nghiệp thuộc chuyên ngành
TLH nói riêng rất phong phú và đa dạng. Chúng không ngừng vận động, phát triển,
thay đổi theo thời đại và theo nhu cầu của xã hội. Điều này tạo điều kiện cho SV
ngành TLH có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nhưng mặc khác cũng khiến họ gặp
phải nhiều trở ngại hơn, phải năng động, tích cực, tỉnh táo hơn khi đối mặt với những
vấn đề thời đại của nghề Tâm lý trong quá trình ĐHNN cho bản thân.
Bên cạnh đó, ĐHNN của SV chuyên ngành TLH chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu
tố chủ quan lẫn khách quan. Mỗi yếu tố có vị trí, vai trò khác nhau, song chúng quan
hệ chặt chẽ, bổ sung, tác động qua lại và quy định lẫn nhau.
Đây cũng là những cơ sở để người nghiên cứu xây dựng công cụ khảo sát trên
toàn thể mẫu đã chọn và có được số liệu phân tích ở phần chương tiếp theo.
47

Chương 2. THỰC TRẠNG ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA


SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC Ở MỘT SỐ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng


2.1.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành Tâm lý học tại một số trường
Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.
2.1.2. Địa bàn khảo sát
2.1.2.1. Trường Đại Học Sư Phạm TPHCM
a. Vài nét về Tổ Bộ môn Tâm lý học của Trường ĐHSP TPHCM
Trường ĐHSP TPHCM thành lập ngày 27/10/1976 theo Quyết định số 426/TTg
của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân của Trường là ĐHSP Quốc gia Sài Gòn được
thành lập năm 1957. Năm 1995, Trường là thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM.
Năm 1999, Chính phủ quyết định tách Trường khỏi Đại học Quốc gia TPHCM để xây
dựng thành Trường ĐHSP trọng điểm phía Nam. Hiện nay, Trường ĐHSP TPHCM là
một trong 14 trường ĐH trọng điểm Quốc gia và là 1 trong 2 trường ĐHSP lớn của cả
nước, đóng vai trò nòng cốt, đầu đàn đối với hệ thống các trường sư phạm và phổ
thông ở phía Nam.
Tiền thân của Khoa Tâm lý – Giáo dục là Tổ Tâm lý – Giáo dục ra đời cùng với
Trường ĐHSP TPHCM vào năm 1976. Năm 2011, đáp ứng nhu cầu của xã hội, Khoa
Tâm lý – Giáo dục tiến hành tách chuyên ngành TLH ra khỏi chuyên ngành kép Tâm
lý – Giáo dục. Chuyên ngành TLH là hệ cử nhân ngoài sư phạm, thuộc Tổ Bộ môn
TLH, đã tổ chức tuyển sinh các khối C, D1 và đào tạo khóa đầu tiên từ năm 2011.
Hiện tại, Bộ môn đã có đội ngũ cán bộ giảng viên vững mạnh cùng với nhiều thành
tích trong đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học, từng bước khẳng định vị thế và
uy tín của mình ở khu vực miền Nam và trên cả nước.
48

b. Chương trình đào tạo cử nhân TLH hệ chính quy Trường ĐHSP TPHCM
Đối tượng tuyển sinh: Tất cả công dân Việt Nam và nước ngoài đủ các điều kiện:
- Tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Có nguyện vọng theo học ngành Tâm lý học
- Qua quá trình tuyển sinh vào ngành Tâm lý học khối C, D1.
Thời gian đào tạo:
- Bình thường: 8 học kỳ chính (4 năm)
- Tối thiểu: 7 học kì chính (tương đương 3,5 năm)
- Tối đa: 12 học kì chính (tương đương 6 năm)
Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học:
Bảng 2.1. Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học trường ĐHSP TP.HCM
STT Nội dung đào tạo Tín chỉ
1 Kiến thức giáo dục đại cương 45
2 Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chuyên ngành Tâm lý học 85
2.1 - Kiến thức cơ sở ngành 10
2.2 - Kiến thức chuyên ngành 61
2.3 - Thực tập, rèn luyện nghiệp vụ 8
2.4 - Khóa luận tốt nghiệp/ học phần tốt nghiệp 6
Tổng cộng tín chỉ 130

Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp:


Chương trình khung gồm 130 tín chỉ, bao gồm hai khối kiến thức: khối kiến thức
giáo dục đại cương 45 tín chỉ và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 85 tín chỉ. Khối các
học phần tự chọn bắt buộc được thiết kế theo hướng chuyên ngành gồm hai chuyên
ngành TLH xã hội và TLH tham vấn. Mỗi SV sẽ được rèn luyện nghiệp vụ tại các cơ
sở tư vấn tâm lý với hai học phần: Rèn luyện nghiệp vụ tư vấn (2 tín chỉ) và Thực tập
tư vấn (6 tín chỉ). Sau khi tích lũy được tối thiểu 100 tín chỉ, các SV đạt loại khá, giỏi
sẽ được đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp (6 tín chỉ) nếu thỏa một số điều kiện mà Hội
đồng khoa học của khoa Tâm lý – Giáo dục đề ra trong từng năm học. Các SV không
được giao làm khóa luận tốt nghiệp sẽ lựa chọn học 2 trong 4 học phần tốt nghiệp (6
tín chỉ).
49

Những năm tiếp theo, Bộ môn TLH trực thuộc khoa Tâm Lý – Giáo dục sẽ mở
rộng mục tiêu đào tạo cử nhân các chuyên ngành TLH xã hội, TLH tham vấn, tổ chức
nhân sự. Tính đến đầu năm 2014, ngành đã tuyển sinh được 3 khóa chính quy với gần
300 sinh viên và vẫn đang trong quá trình đào tạo.
Bảng 2.2. Sinh viên chuyên ngành TLH toàn Khoa (cập nhật tháng 04/2014)

Sinh viên khóa Hệ chính quy Hệ VHVL Hệ văn bằng 2


K01 hay K37 (2011 - 2015) 93
K02 hay K38 (2012 - 2016) 103
K03 hay K39 (2013 - 2017) 91
Tổng SV toàn Bộ Môn TLH 287

2.1.2.2 Trường Đại học KHXHNV (ĐH Quốc gia) TPHCM


a. Vài nét về Khoa Tâm lý của trường Đại học KHXHNV TPHCM
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM tiền thân là
trường Đại học Văn khoa, thuộc Viện Đại học Sài Gòn, được thành lập năm 1957. Vào
tháng 10 năm 1975, ĐH Văn khoa có nhiều thay đổi về mục tiêu, chương trình và nội
dung đào tạo. Tháng 4 năm 1977 ĐH Văn khoa hợp nhất với ĐH Khoa học thành ĐH
Tổng hợp TPHCM, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản lớn nhất ở các
tỉnh phía Nam Việt Nam. Ngày 30 tháng 3 năm 1996, ĐH KHXHNV - ĐHQG
TPHCM được thành lập trên cơ sở tách ra từ ĐH Tổng hợp TPHCM, và là một trong
những trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có vai trò quan trọng trong
công cuộc đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu
khoa học, phục vụ cộng đồng.
Ngày 18/4/2007, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, Hiệu trưởng trường ĐH
KHXH&NV TPHCM ký quyết định số 70/QĐ – TCHC thành lập Bộ môn TLH, tách
ra từ Khoa Giáo dục trực thuộc Trường và tiến hành tổ chức đào tạo cử nhân chuyên
ngành TLH khóa đầu tiên năm 2008. Ngày 27/3/2014, Giám đốc ĐHQG đã ký quyết
định số 248/QĐ-ĐHQG-TCCB quyết định thành lập Khoa TLH thuộc Trường ĐH
KHXH&NV ĐHQG-HCM. Đến ngày 11/4/2014, Trường ĐH KHXH&NV chính thức
tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Khoa TLH sau 6 năm được hình thành và phát
50

triển từ Bộ môn Tâm lý học, tiếp tục nhiệm vụ nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ
cán bộ giảng viên, phát huy thế mạnh, vị thế của ngành TLH, xây dựng Khoa Tâm lý
học trở thành một đơn vị vững mạnh.
Trong thời gian tới, Khoa TLH tiếp tục tuyển sinh các khối B, C và D1 và sẽ ưu
tiên đào tạo trình độ ĐH theo định hướng lý thuyết cơ bản và ứng dụng TLH với 4
chuyên ngành, trong đó có 3 chuyên ngành TLH ứng dụng Tham vấn- Trị liệu tâm lý,
Tâm lý Tổ chức – Nhân sự, Tâm lý học đường và 1 chuyên ngành TLH cơ bản.
b. Chương trình đào tạo cử nhân TLH trường ĐH KHXHNV TPHCM
Đối tượng tuyển sinh: Tất cả công dân Việt Nam và nước ngoài đủ các điều kiện:
- Tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Có nguyện vọng theo học ngành Tâm lý học
- Qua quá trình tuyển sinh vào ngành Tâm lý học khối B, C, D1
Thời gian đào tạo:
- Bình thường: 8 học kỳ chính (4 năm)
- Tối thiểu: 7 học kì chính (tương đương 3,5 năm)
- Tối đa: 12 học kì chính (tương đương 6 năm)
Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học
Bảng 2.3. Chương trình đào tạo cử nhân TLH Trường KHXHNV TPHCM
STT Nội dung đào tạo Tín chỉ
1 Kiến thức giáo dục đại cương 45
2 Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chuyên ngành Tâm lý học 95
2.1 - Kiến thức cơ sở ngành 25
2.2 - Kiến thức chuyên ngành 33
2.3 - Kiến thức tự chọn (kiến thức định hướng chuyên ngành) 25
2.4 - Thực tập, thực tế nghề nghiệp 12
Tổng cộng tín chỉ 140

Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp:


Chương trình khung đào tạo chuyên ngành TLH trường ĐH KHXHNV TP HCM
gồm 140 tín chỉ, bao gồm 2 khối kiến thức: Khối kiến thức giáo dục đại cương được tổ
51

chức đào tạo trong 3 học kỳ chính (45 tín chỉ); Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
được tổ chức đào tạo trong 5 học kỳ chính (95 tín chỉ).
Khối các học phần tự chọn bắt buộc được thiết kế theo hướng chuyên ngành:
Tham vấn trị liệu và chuyên ngành Tâm lý Tổ chức – Nhân sự. Mỗi SV sẽ được rèn
luyện nghiệp vụ tại các cơ sở tư vấn tâm lý, các bệnh viện, cơ quan ban ngành với hai
học phần: thực tập nghề nghiệp (2 tín chỉ) và Thực tập tốt nghiệp (10 tín chỉ). Trong
toàn khóa học, SV phải tích lũy tối thiểu 140 tín chỉ và phải có các chứng chỉ ngoại
ngữ (trình độ B), Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng, Tin học (Các chứng chỉ
này do SV tự tích lũy) để được xét công nhận tốt nghiệp. Cuối mỗi khóa học, những
SV có đủ điều kiện sau đây sẽ được xét và công nhận tốt nghiệp:
- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ
học tập trở lên (tính đến thời điểm xét tốt nghiệp)
- Tích lũy đủ số học phần theo quy định (140 tín chỉ)
- Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học phải đạt từ 5,0 trở lên
- Có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.
Tính đến đầu năm 2014, Khoa đã đào tạo được 2 khóa chính quy, 1 khóa vừa học
vừa làm (VHVL) sắp tốt nghiệp và đang đào tạo 3 khóa chính quy, 3 khóa hệ VHVL,
2 khóa văn bằng 2 với số lượng trên 991 SV.

Bảng 2.4. Sinh viên toàn Khoa Tâm lý (thống kê cập nhật tháng 4/2014)
Sinh viên Khóa Hệ chính quy Hệ VLVH Hệ văn bằng 2
K01 (2008 - 2012) 46 80 102
K02 (2009 - 2013) 64 100 110
K03 (2010 - 2014) 80 117
K04 (2011 - 2015) 60 92
K05 (2012 - 2016) 70
K06 (2013 - 2017) 70
Tổng từng hệ 390 389 112
Tổng toàn Khoa 991

Nhìn chung ngành TLH được đào tạo từ 2 trường trên đều quan tâm nghiên cứu
mọi hiện tượng xã hội liên quan đến đời sống tinh thần của con người ở mọi lứa tuổi,
mọi thành phần đối tượng; đều hướng đến đào tạo cử nhân TLH có trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ và phẩm chất nghề nghiệp để nghiên cứu TLH và làm việc tại các
52

trung tâm, các cơ quan, đoàn thể xã hội, viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông, doanh
nghiệp, bệnh viện,… Ngoài ra, SV sau khi tốt nghiệp có thể học tiếp ở các bậc học cao
hơn trong cùng lĩnh vực khoa học.
2.1.3. Mô tả cách thức nghiên cứu
2.1.3.1. Công cụ nghiên cứu
Công cụ nghiên cứu là bảng hỏi được thiết kế dành cho các nhóm khách thể là
SV chuyên ngành TLH, giảng viên, các nhà giáo dục đang công tác trong lĩnh vực
ngành TLH. Các mẫu bảng hỏi được thực hiện qua các giai đoạn sau:
a. Giai đoạn một
Để có cơ sở tiếp cận đối tượng nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ điều tra,
người nghiên cứu dựa trên những cơ sở lý luận của đề tài, tiến hành soạn thảo bảng hỏi
gồm 10 câu hỏi mở để tìm hiểu sơ bộ về những vấn đề có liên quan đến ĐHNN của
SV chuyên ngành TLH làm định hướng cho việc xây dựng bảng hỏi chính thức. (Phụ
lục 1, mẫu 1). Sau đó, phát cho 100 SV chuyên ngành TLH, trong đó 50 SV đang theo
học tại trường ĐHSP TPHCM và 50 SV trường ĐH KHXHNV TPHCM. Kết quả thu
lại được 94 phiếu, thất lạc 6 phiếu.
b. Giai đoạn hai
Sau khi thu bảng hỏi mở, người nghiên cứu đọc, phân loại các câu trả lời trong
từng vấn đề theo phương pháp phân tích nội dung. Từ kết quả cụ thể đó, kết hợp với
xin ý kiến từ các giáo viên, các nhà giáo dục đang công tác trong ngành TLH, tiến
hành xây dựng bảng hỏi chính thức cho SV, có hướng dẫn cách trả lời rõ ràng, chi tiết
cho từng câu hỏi. (Phụ lục 1, mẫu 2)
Phiếu thăm dò ý kiến chính thức cho SV được xây dựng gồm 20 câu hỏi theo
nguyên tắc khuyết danh để đảm bảo tính khách quan, trung thực, gồm hai phần cơ bản:
Phần thông tin của khách thể và phần nội dung. Phần thông tin của khách thể bao gồm:
tên trường, tên chuyên ngành đang học, năm thứ, giới tính, hộ khẩu thường trú nhằm
so sánh sự khác biệt. Phần nội dung của phiếu thăm dò có tổng cộng 20 câu hỏi chính,
gồm các loại câu hỏi:
+ Câu hỏi đóng: đưa ra các phương án trả lời sẵn để người được hỏi lựa chọn.
+ Câu hỏi kết hợp: bao gồm các phương án trả lời có sẵn và phần cho người hỏi
đưa ra ý kiến của mình nhằm thu thập thêm thông tin.
53

Bảng hỏi 20 câu dùng để đánh giá biểu hiện ĐHNN của SV chủ yếu theo 3 mặt
nhận thức, thái độ, hành vi, được cấu trúc như sau:
+ Nhóm câu hỏi khảo sát ĐHNN của SV thể hiện ở nhận thức đối với ngành học
và hệ thống các nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH: Câu 3, 4, 5, 7, 9, 10, 11.
+ Nhóm câu hỏi khảo sát ĐHNN của SV thể hiện ở thái độ đối với ngành học và
hệ thống các nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH: Câu 8, 12, 13, 15.
+ Nhóm câu hỏi khảo sát ĐHNN của SV thể hiện ở hành vi thực hiện các công
việc ĐHNN thông qua hoạt động học tập, giao lưu, thực hành, thực tập của SV để theo
đuổi, chiếm lĩnh, duy trì và gắn bó với nghề nghiệp đã chọn: Câu 6, 14, 16.
+ Nhóm câu hỏi khảo sát ĐHNN của sinh viên thể hiện ở việc tìm hiểu những
yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân tác động đến sự ĐHNN của SV: Câu 17, 18, 19.
+ Câu hỏi khảo sát lí do thi tuyển: Câu 2
+ Câu hỏi khảo sát sự kiên định với ngành học: Câu 20
+ Câu hỏi khảo sát nguyện vọng theo học: Câu 1
c. Giai đoạn ba
Tiến hành phát phiếu điều tra chính thức.
Tổng số sinh viên chuyên ngành TLH năm thứ nhất (khóa 2013 - 2017) và năm
thứ ba (khóa 2011 - 2015) hệ chính quy hiện đang theo học tại trường ĐHSP TPHCM
và trường ĐH KHXHNV TPHCM (tính đến thời điểm tháng 4/2014) là 314 sinh
viên. Tuy nhiên do tác động của một số yếu tố khách quan không mong muốn nên
không thu phiếu được toàn bộ dân số. Số phiếu phát ra là 300, số phiếu thu về là 253.
Sau khi kiểm tra, có 24 phiếu không hoàn chỉnh nên bị loại, kết quả cuối cùng được
229 phiếu hợp lệ.
Trong nghiên cứu này sử dụng công thức của Slovin (1960) để kiểm tra lại việc
chọn mẫu tối ưu. Công thức chọn mẫu như sau: n = N/ (1+N x e2)
Trong đó: + n: Quy mô mẫu lựa chọn
+ N: Tổng thể dân số
+ e: Mức sai lệch mong muốn (với mức ý nghĩa 95%; e = 0,05)
Theo công thức của Slovin ta tính được quy mô mẫu cần chọn là 176 SV. Như
vậy, 229 phiếu thu được từ cuộc khảo sát đạt trên mức quy mô mẫu tối ưu, có thể
dùng làm đại diện nghiên cứu. Do đó, kích thước mẫu cuối cùng để xử lý là 229.
Trong đó cơ cấu khách thể nghiên cứu được thể hiện ở bảng 2.6. như sau:
54

Bảng 2.6. Cơ cấu khách thể nghiên cứu


ĐHSP TP.HCM KHXHNV TP.HCM Tổng
N Tỷ lệ % N Tỷ lệ % N Tỉ lệ %
Năm Năm 1 75 56,0 56 58,9 131 57,2
thứ Năm 3 59 44,0 39 41,1 98 42,8
Giới Nam 24 17,9 25 26,3 49 21,4
tính Nữ 110 82,1 70 73,7 180 78,6
Hộ Tỉnh 108 80,6 64 67,4 172 75,1
khẩu TPHCM 26 19,4 31 32,6 57 24,9
Tổng 134 100,0 95 100,0 229 100,0

Mẫu nghiên cứu gồm có 229 SV chuyên ngành TLH, bao gồm 134 SV trường
ĐHSP TPHCM và 95 SV trường ĐH KHXHNV TPHCM. Trong 229 phiếu, xét theo
giới tính gồm có 49 SV nam, 180 SV nữ; xét theo năm thứ gồm có 131 SV năm thứ
nhất, 98 SV năm thứ ba; xét theo hộ khẩu gồm có 57 SV cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí
Minh và 172 SV đến từ các tỉnh thành khác trên cả nước.
d. Giai đoạn bốn
Sau khi thu phiếu điều tra chính thức, tiến hành xử lý sơ bộ số liệu, xây dựng
bảng hỏi khảo nghiệm tính khả thi và tính cần thiết của các biện pháp ĐHNN cho sinh
viên (Phụ lục 1, mẫu 3) và bảng hỏi cho giới chuyên môn – những thầy cô đang công
tác, giảng dạy trong lĩnh vực ngành, nghề TLH, những chuyên viên hướng nghiệp,…
(Phụ lục 1, mẫu 4).
2.1.3.2. Xử lý số liệu
Tất cả số liệu được xử lý thống kê theo chương trình SPSS For Windown 16.0.
Để tính toán độ tin cậy của các câu hỏi trong phiếu điều tra chính thức, người
nghiên cứu tiến hành tính toán độ tin cậy Alpha của Cronbach. Độ tin cậy có thể dao
động từ 0 đến 1.
+ Nếu hệ số Alpha nhỏ hơn 0,6: độ tin cậy không đảm bảo, cần xem lại các câu
hỏi trong bảng hỏi, đặc biệt là những câu có độ tin cậy nhỏ hơn 0,2.
+ Từ 0,6 đến thấp hơn 0,8: độ tin cậy đảm bảo
+ Từ 0,8 đến thấp hơn 0,95: độ tin cậy tốt
55

Kết quả tính toán hệ số tin cậy Alpha của Cronbach các nhóm câu hỏi được
thể hiện ở bảng 2.7.
Bảng 2.7. Bảng tổng hợp hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Câu Nội dung Nhóm câu Hệ số
Mặt nhận thức
Câu 5 Đặc điểm ngành nghề 5.1 đến 5.25 0,795
Câu 9 Khó khăn khi ĐHNN 9.1 đến 9.8 0,833
Phẩm chất cần thiết 11a1 đến 11a18
Câu 11 Năng lực/ kỹ năng cần thiết 11b1 đến 11b18 0,933
Câu 17 Đối tượng ĐHNN 17.1 đến 17.8 0,753
Mặt thái độ
Câu 8 Thái độ đối với các nhóm nghề TLH 8.1 đến 8.27 0,833
Câu 13 Thái độ với hoạt động ĐHNN 13.1 đến 13.14 0,883
Mặt hành vi
Câu 16 Biểu hiện hành vi ĐHNN 16.1 đến 16. 21 0,917
Yếu tố ảnh hưởng
Câu 18 Yếu tố chủ quan 18a1 đến 18a11
Yếu tố khách quan 18b1 đến 18b17 0,872
Câu 19 Nguyên nhân chủ quan 19a1 đến 19a9
Nguyên nhân khách quan 19b1 đến 19b9 0, 920

Kết quả ở bảng 2.7 cho thấy các nhóm câu hỏi đều có hệ số tin cậy ở mức cao.
Trong đó, có hai nhóm câu hỏi có hệ số tin cậy nằm ở mức đảm bảo là câu 5 (hệ số
0,795) và câu 17 (0,753). Các nhóm còn lại đều có hệ số tin cậy tốt.
- Với câu hỏi có 3 lựa chọn được sắp xếp theo mức độ từ 1 đến 3. SV chọn câu
trả lời phù hợp với mình nhất theo 3 mức độ đó. Kết quả thống kê được quy ra điểm
trung bình để đánh giá kết quả. (Câu 4; câu 6; câu 17 và câu 20 – Phụ lục 1, mẫu 2).
Gía trị khoảng cách = (Maximum - Minimum)/n = (3 - 1)/3 = 0,67
Giá trị trung bình Ý nghĩa mức độ
1,00 – 1,67 Thấp
1,68 – 2,34 Trung bình
2,35 – 3,00 Cao

- Với câu hỏi có 4 lựa chọn được sắp xếp theo các mức độ từ 1 đến 4. SV chọn
câu trả lời phù hợp với mình nhất theo 4 mức độ đó. Kết quả thống kê được quy ra
điểm trung bình để đánh giá kết quả. (Câu 1; 3 – Phụ lục 1, mẫu 2)
56

Gía trị khoảng cách = (Maximum - Minimum)/n = (4 - 1)/4 = 0,75


Giá trị trung bình Mức độ
1,00 – 1,75 Rất thấp
1,76 – 2,51 Thấp
2,52 – 3,36 Trung bình
3,37 – 4,00 Cao

- Tương tự với câu hỏi có 5 lựa chọn được sắp xếp theo các mức độ từ 1 đến 5.
SV chọn câu trả lời phù hợp với mình nhất theo 5 mức độ đó. Kết quả thống kê được
quy ra điểm trung bình để đánh giá kết quả. (Câu 7; câu 8; câu 9; câu 10; câu 11; câu
12; 13; 15; 16; 18 và câu 19 – Phụ lục 1, mẫu 2).
Giá trị khoảng cách = (Maximum – Minimum) / n = (5-1)/5 = 0,8
Giá trị trung bình Mức độ
1,00 – 1,80 Rất thấp
1,81 – 2,60 Thấp
2,61 – 3,40 Trung bình
3,41 – 4,20 Cao
4,21 – 5,00 Rất cao

- Tất cả các số liệu thu được, người nghiên cứu tính tần số, tính trung bình, độ
lệch tiêu chuẩn, tính hệ số tương quan, so sánh sự khác biệt về trung bình bằng lệnh
Independent-Samples T-Test, xếp thứ hạng, …
- Chọn mức ý nghĩa là 0,05 nếu P (sig.) lớn hơn hoặc bằng 0,05 ta kết luận
không có sự khác biệt ý nghĩa về mặt thống kê, nếu P (sig.) nhỏ hơn 0,05 ta kết luận
có sự khác biệt ý nghĩa về mặt thống kê.
2.2. Kết quả thực trạng định hướng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tâm
lý học ở một số trường Đại học tại TPHCM
2.2.1. Lí do sinh viên thi tuyển và chọn học chuyên ngành Tâm lý học
2.2.1.1. Kết quả chung về lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH
của sinh viên
Để tìm hiểu lý do SV lựa chọn chuyên ngành TLH, chúng tôi khái quát thành 16
lý do cơ bản. (Câu 2, phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả thể hiện ở bảng 2.8 như sau:
57

Bảng 2.8. Kết quả khảo sát lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH

LÍ DO THI TUYỂN VÀ CHỌN HỌC CHUYÊN NGÀNH TLH N % XB


Yêu thích, đam mê ngành học 107 46,7 1
Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác 89 38,9 2
Phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu của bản thân 85 37,1 3
Muốn giúp người thân và bạn bè giải quyết khó khăn tâm lý 75 32,8 4
Ngành hay, có tiềm năng 62 27,1 5
Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã hội ưa chuộng 54 23,6 6
Thần tượng người thành công trong ngành 52 22,7 7
Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu 46 20,1 8
Tò mò vì ngành lạ 32 14,0 9
Ngẫu nhiên theo cảm tính 26 11,4 10
Gia đình, thầy cô, bạn bè định hướng, khuyến khích 19 8,3 11
Muốn có bằng đại học 12 5,2 12
Không còn lựa chọn nào khác 11 4,8 13
Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, sự tuyên truyền của ngành 11 4,8 13
Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý 5 2,2 15
Truyền thống gia đình 1 0,4 16

Kết quả bảng 2.8. cho thấy lí do SV năm nhất và năm thứ ba đến với chuyên
ngành TLH ở TPHCM được xếp theo thứ bậc như sau: lí do “Yêu thích, đam mê
ngành học” chiếm vị trí cao nhất (xếp bậc 1/16), bao gồm 107 lần lựa chọn, (chiếm
46,7%) trên tổng số lựa chọn. Kế đó là lí do “Muốn khám phá, thay đổi bản thân và
người khác” xếp vị trí thứ 2, (chiếm 38,9%). Và xếp vị trí thứ 3, (chiếm 37,1%) là lí do
“Phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu của bản thân”. Qua đó cho thấy SV bước
đầu đã có mục tiêu cụ thể và rất coi trọng ngành học. Cụ thể như SV T.M.C (lớp TLH
K39, Trường ĐHSP TPHCM) chia sẻ: “Em thường nghe radio chương trình trò
chuyện, tư vấn đêm khuya từ khi còn học cấp 3, được nghe các chuyên gia tư vấn, trò
chuyện, giải đáp các vấn đề tâm lý cho mọi người, em rất thích. Lúc ở nhà hay học
trên lớp em cũng hay nghe mấy đứa em và các bạn chung lớp chia sẻ chuyện buồn vui
này nọ. Em thấy mình thích hợp và có khả năng tư vấn và muốn mình thật giỏi, hiểu
được thật nhiều vấn đề tâm lý để tư vấn cho mọi người nên chọn học ngành Tâm lý”.
Hay cũng xuất phát từ sở thích tư vấn, giúp đỡ và nhu cầu chia sẻ với bạn bè
nhưng có phần thiên về khẳng định năng lực bản thân, bạn P.T.X (sinh viên lớp TLH
58

K04 Trường KHXHNV TPHCM) chia sẻ: “Em có một đứa bạn rất thân, chơi và học
chung với nhau từ tiểu học đến khi học cấp 3. Ngày nó bị bạn trai bỏ, thất tình nên nó
khóc, bỏ học, chán chường mọi thứ, thậm chí còn có ý định tự tử. Em nói em hiểu
những gì mà nó đang chịu đựng và khuyên nó rất nhiều nhưng nó không nghe. Nó còn
nói em không phải nhà Tâm lý, không hiểu được những gì đang xảy ra với nó. Bình
thường em cũng được bạn bè tin tưởng chia sẻ và xin lời khuyên nên nghe nó nói vậy
em tự ái và muốn cho nó thấy lời khuyên của em là đúng. Em chọn thi vào ngành Tâm
lý học để sau này trở thành nhà Tâm lý nói ai cũng tin”.
Như vậy, những lí do ở trên tuy đơn giản nhưng nói lên những suy nghĩ tích cực,
nghiêm túc của sinh viên về ngành học và nghề nghiệp của bản thân. Họ nhìn nhận vấn
đề ở cả hiện tại và tương lai, dựa trên những nhu cầu thực tại của chính bản thân họ và
yêu cầu của xã hội.
Bên cạnh ba lí do cao nhất thúc đẩy SV đến với chuyên ngành TLH thì lí do
“Muốn giúp người thân và bạn bè giải quyết khó khăn tâm lý” cũng được đông đảo SV
lựa chọn, xếp vị trí thứ 4 (chiếm 32,8%). Khi đề cập đến lí do này, các SV thể hiện cả
những hoàn cảnh, tâm tư của bản thân họ. Trong quá trình nghiên cứu xuất hiện một số
trường hợp sau:
- “Gia đình em ba mẹ em thường xuyên cãi vả, đập phá đồ đạc trong nhà. Em
luôn sống trong tình trạng lo sợ và căng thẳng. Em chọn học ngành Tâm lý vì cho
rằng nó sẽ giúp em có cách giúp ba mẹ sống vui hơn và em cũng muốn thoát khỏi tình
trạng ngột ngạt, chán chường trong chính gia đình mình! (T.T.A.Đ, sinh viên lớp TLH
K06 Trường ĐH KHXHNV TPHCM).
- Hay chia sẻ: “Em sinh ra không được may mắn lành lặn như những bạn khác,
em thường tủi thân và sống khép kín với mọi người. Sau đó, em vào học ở trường Phổ
thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, em cảm nhận được nỗi khổ, buồn tủi của rất nhiều
bạn chung hoàn cảnh tật nguyền như em. Nhiều lần nghe các chuyên gia tư vấn trên
đài radio nhắc đến ngành Tâm lý học, em suy nghĩ và quyết định chọn học vì hi vọng
mình sẽ học được cách chữa lành vết thương tâm hồn cho những người cùng cảnh
ngộ, và em nghĩ đó cũng là cách tự chữa lành nỗi đau cho chính mình” (H.D.K, sinh
viên lớp TLH K37 Trường ĐHSP TPHCM). Em H.D.K là sinh viên bị khiếm thị nên lí
do khi đến với ngành Tâm lý học cũng bao hàm cả những ước muốn, hoàn cảnh và tâm
sự của bản thân em.
59

Có thể nói học tập hay làm bất cứ việc gì thì cũng cần phải xác định được mục
đích, từ đó mới có niềm vui, hứng thú để duy trì và phát triển nghề. Kết quả ở bảng
2.8. cũng cho thấy ba lí do được SV lựa chọn ở mức thấp nhất là: “Không còn lựa
chọn nào khác”, “Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, sự tuyên truyền của ngành” (4,8%),
“Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý” (2,2%) và “Truyền thống gia đình” (0,4%).
Tuy tỷ lệ này không cao nhưng cũng là vấn đề đáng phải lưu ý vì nó cho thấy vẫn có
SV học tập chuyên ngành TLH mà không có mục đích cụ thể.
Nguyên nhân một phần là do, hiện nay ở TPHCM ngoài một số trường có thâm
niên lâu năm được đánh giá chất lượng cao trong đào tạo chuyên ngành TLH như:
ĐHSP, KHXHNV, ĐH dân lập Văn Hiến, đã xuất hiện thêm một số trường chính thức
tuyển sinh đào tạo cử nhân TLH như: Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) sẽ
bắt đầu đào tạo ngành TLH từ năm 2014, tuyển sinh các khối A, B, C, D1. Điều này
góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh ngành TLH đến với nhiều người hơn, đặc biệt
làm phong phú thêm môi trường học tập ngành TLH để SV có thêm cơ hội lựa chọn
học tập và phát triển. Tuy nhiên, việc quảng cáo rầm rộ, đôi khi thổi phồng quá mức
về cơ hội ngành học và nghề nghiệp TLH trên các diễn đàn tư vấn nghề nghiệp và trên
các trang web hướng nghiệp của các cơ quan, đơn vị ngoài ngành, dễ gây nên sự hiểu
nhầm, ảo tưởng về ngành và nghề cho các SV.
Tóm lại, lí do để SV đăng ký thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH ở
TPHCM là rất nhiều. Trong đó phần lớn là vì SV yêu thích, đam mê ngành, nghề TLH
nên đến với ngành để khám phá, phát triển các mặt tâm lý của bản thân và để giúp đỡ
những người xung quanh. Ngoài ra cũng có 1 số SV học tập chuyên ngành TLH mà
không có mục đích cụ thể. Với những lí do trên, thiết nghĩ nhà trường cần phải có biện
pháp sàng lọc lại đối tượng và đẩy mạnh công tác GDNN nhằm kích thích động cơ,
hứng thú học tập để SV có cơ hội nhìn nhận lại lựa chọn của mình và sớm hình thành
mục đích đúng đắn, tích cực hơn trong quá trình học tập, tìm hiểu, duy trì, phát triển
ngành và nghề TLH.
2.2.1.2. So sánh lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH của SV
theo các tham số nghiên cứu
a. So sánh lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH giữa SV Trường
ĐHSP TPHCM và SV Trường ĐH KHXHNV TPHCM
60

Kết quả thống kê ở bảng 2.9. (Phụ lục 4) cho thấy lí do đến với chuyên ngành
TLH của SV Trường ĐHSP TPHCM và SV trường ĐH KHXHNV TPHCM không
khác biệt nhiều về thứ bậc. Lí do được lựa chọn cao nhất ở cả hai trường vẫn là “Yêu
thích, đam mê ngành học” (xếp bậc 1/16). Và lí do xếp bậc thấp nhất của hai trường
vẫn là “Truyền thống gia đình”. Đó là một trong những điều đáng mừng vì số đông SV
đến với ngành TLH với suy nghĩ tích cực, chủ động, nghiêm túc về ngành học và nghề
nghiệp tương lai của bản thân họ.
Bên cạnh đó, giữa hai trường vẫn có sự khác biệt về thứ bậc với lí do “Phù hợp
với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã hội ưa chuộng” được SV Trường ĐHSP chọn
và xếp hạng ở vị trí thứ 8, (chiếm 17,2%) trên tổng số 134 SV tham gia trả lời. Trong
khi đó SV Trường ĐH KHXHNV lại lựa chọn và xếp bậc ở vị trí thứ 4 (chiếm 32,6%)
trên tổng số 95 SV tham gia trả lời. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì đặc trưng của
trường ĐHSP có chế độ hỗ trợ, thậm chí miễn giảm hoàn toàn học phí cho những SV
vào học. Điều này phù hợp với tâm lý của các SV muốn được học nghề mình yêu thích
với mức học phí vừa phải hoặc được miễn giảm học phí theo chính sách của trường.
Mặc khác theo suy nghĩ thông thường khi chọn học bất kỳ ngành nào trong Trường
ĐHSP các SV đều có tâm lý muốn được an toàn, không muốn cạnh tranh, va chạm với
những bon chen của xã hội. Do đó, lí do đến với ngành TLH vì “Phù hợp với nhu cầu
thực tế, ngành đang được xã hội ưa chuộng” ít được SV SP quan tâm nên xếp bậc thấp
hơn so với các SV trường ĐH KHXHNV.
Bên cạnh đó, lí do “Không còn lựa chọn nào khác” cũng có sự khác biệt giữa SV
của hai trường. SV Trường ĐHSP lựa chọn lí do này ở vị trí xếp bậc thứ 11, (chiếm
6,7%), trong khi đó SV Trường ĐH KHXHNV lựa chọn lí do này ở vị trí xếp bậc thứ
15 (vị trí gần cuối cùng của bảng xếp hạng 15/16), (chiếm 2,1%). Lý giải cho điều này
ta sẽ thấy rõ hơn khi xét đến tình hình điểm số đầu vào của ngành TLH cả hai trường
trong những năm qua. Theo số liệu thống kê của hai trường, điểm chuẩn đầu vào
ngành TLH của Trường ĐH KHXHNV luôn tăng theo hằng năm và luôn cao hơn điểm
đầu vào của trường ĐHSP TPHCM từ 3-3,5 điểm, thậm chí có năm cao hơn 4 – 5 điểm
(năm 2011 điểm chuẩn ngành TLH trường ĐHSP TPHCM là 13 đối với khối D1 và 14
đối với khối C. Cùng năm đó, điểm chuẩn của trường KHXHNV đối với ngành TLH là
61

18,5 đối với khối B, D1 và 18 điểm đối với khối C). Với điểm xét tuyển đầu vào ngành
TLH của trường luôn ở mức tăng cao như vậy, việc SV trường KHXHNV xếp lí do
“Không còn lựa chọn nào khác” ở mức thấp gần cuối bảng xếp hạng là điều rất sát với
thực tế.
b. So sánh lí do thi tuyển, chọn học chuyên ngành TLH giữa SV nam và SV nữ
Kết quả thống kê ở bảng 2.10. (Phụ lục 4), cho thấy lí do chọn học chuyên ngành
TLH giữa SV nam và SV nữ không có sự khác biệt nhiều về thứ bậc. Lí do được lựa
chọn xếp bậc cao nhất của cả hai giới vẫn là “Yêu thích, đam mê ngành học”, “Muốn
khám phá thay đổi bản thân và người khác”, và lí do “Phù hợp với sở thích, năng lực
và nhu cầu của bản thân”. Tuy nhiên, lí do “Muốn có bằng đại học” cho thấy sự khác
biệt giữa SV nam và SV nữ. Tỉ lệ SV nam lựa chọn lí do “Muốn có bằng đại học” cao
hơn tỉ lệ SV nữ. Các SV nữ lựa chọn và xếp bậc lí do này ở vị trí thứ 14, trong khi SV
nam lựa chọn và xếp bậc ở vị trí thứ 10. Kết quả này cho thấy SV nam coi trọng bằng
cấp hơn SV nữ và họ chịu áp lực nhiều về bằng cấp, cũng như quan niệm phải đậu ĐH
nhiều hơn so với SV nữ.
Điều này cũng được đề cập qua chia sẻ của bạn N.H.X.H (SV lớp TLH K39,
Trường ĐHSP TPHCM): “Em thích học kinh tế nhưng trường lấy điểm cao quá, em sợ
thi rớt thì ba mẹ buồn. Em suy nghĩ nhiều lắm, rồi em nghe nói những người làm kinh
doanh phải học giỏi tâm lý mới thành công được. Em bắt đầu tìm hiểu và được biết
ngành TLH của trường ĐHSP lấy điểm không cao lắm, chất lượng bằng cấp có giá trị
hơn những trường khác nên em đăng ký thi. Trước là đậu ĐH cho ba mẹ vui, sau lấy
bằng tâm lý rồi học tiếp mấy khóa học về kinh doanh để làm điều em thích”.
c. So sánh lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH giữa SV năm nhất
và SV năm ba
Kết quả thống kê ở bảng 2.11. (Phụ lục 4), cho thấy: phần lớn sự lựa chọn và xếp
bậc các lí do chọn học ngành TLH của SV năm thứ nhất và SV năm thứ ba không có
sự khác biệt nhiều về thứ bậc. Chỉ có lí do khác biệt nhiều nhất đó là: lí do “Thần
tượng người thành công trong ngành” được SV năm nhất lựa chọn và xếp bậc cao hơn
so với SV năm ba. Cụ thể, SV năm thứ nhất xếp bậc lí do “Thần tượng người thành
công trong ngành” ở vị trí thứ 5 (chiếm 30,5%) tổng lựa chọn, trong khi đó SV năm
thứ ba lựa chọn và xếp ở vị trí thứ 8 (chiếm 12,2%) tổng số lựa chọn. Điều này cho
62

thấy những năm gần đây sự mở rộng, phát triển rầm rộ của ngành TLH về nhiều mảng,
đặc biệt là mảng TLH truyền thông, TLH ứng dụng đã đạt được thành công rực rỡ,
chiếm vị trí quan trọng trong xã hội và ảnh hưởng rất nhiều đến các SV năm nhất hơn
so với các SV năm ba cách đây 3 năm về trước.
Theo kết quả phỏng vấn sâu một số trường hợp SV, người nghiên cứu cũng nhận
được những chia sẻ tương ứng như: “Em hay nghe các chuyên gia TLH trò chuyện
trên đài radio, em hâm mộ và thần tượng các chuyên gia đó rất nhiều. Em thích mình
hiểu biết nhiều về tâm lý giống như thần tượng nên em đăng ký thi và chọn học ngành
TLH” (H.D.K, sinh viên lớp TLH K37 Trường ĐHSP TPHCM).
Cùng quan điểm yêu thích và thần tượng người thành công trong ngành, bạn
C.T.T.T (SV lớp TLH K39, Trường ĐHSP TPHCM) cũng chia sẻ “Em có điều kiện
tiếp xúc và gặp gỡ nhiều chuyên gia tâm lý khi còn học cấp 3. Các chuyên gia đến
trường em tư vấn, diễn thuyết và tổ chức nhiều chương trình, nhiều trò chơi rất hay.
Em thấy các chuyên gia đó rất giỏi, các bạn em hỏi cái gì cũng biết và giải đáp cho tụi
em rất nhiệt tình. Em ước sau này mình cũng sẽ trở thành một nhà tâm lý giỏi, một
diễn giả được nhiều người hâm mộ giống như những chuyên gia Tâm lý.”
Hay cũng thần tượng người trong ngành nhưng trong một hoàn cảnh khác, bạn
T.M.L (SV lớp TLH K04, Trường ĐH KHXHNV TPHCM) chia sẻ “Lúc em học cấp
3, nhà em có một người bị bệnh phải vào Bệnh Viện Tâm thần Trung Ương 2 ở Biên
Hòa – Đồng nai khám và trị bệnh. Em có đi theo phụ chăm sóc, được gặp gỡ các cô
chú làm trị liệu tâm lý tại bệnh viện. Tự nhiên em thấy rất thích các cô chú cũng như
thích công việc mà các cô chú đang làm. Từ đó, em ấp ủ và muốn sau này mình sẽ
được làm công việc giống như các cô chú đó”.
d. So sánh lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH giữa SV ở TPHCM
và SV các tỉnh khác
Bảng kết quả 2.12. (Phụ lục 4) cho thấy việc lựa chọn và xếp bậc các lí do thi
tuyển và chọn học chuyên ngành TLH giữa SV ở tỉnh và TPHCM là không khác biệt
nhiều về thứ bậc. Đa số ý kiến đều giống nhau, chỉ có lí do “Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng
tăm, sự tuyên truyền của ngành” là có sự khác biệt tương đối lớn giữa SV ở tỉnh lên trọ
học và SV ở TPHCM. Các SV ở TPHCM lựa chọn và xếp bậc lí do này ở vị trí thứ 10,
cao hơn các SV ở tỉnh với vị trí thứ 14. Điều này cho thấy do SV ở TPHCM có đầy đủ
63

về các trang thiết bị, phương tiện hiện đại, cuộc sống ổn định, có điều kiện hơn, nên họ
có cơ hội tìm hiểu về ngành và nghề TLH thông qua sách, báo, các trang web hướng
nghiệp, các buổi tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp ngay tại TPHCM thuận lợi hơn so với
các SV đến từ các vùng quê xa xôi hay các tỉnh thành khác trên cả nước. Mặt khác
những năm gần đây ở TPHCM, ngành TLH phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực
TLH truyền thông với sự xuất hiện thường xuyên của các nhà TLH có chuyên môn
trên các mặt báo, trang web, đài phát thanh, đài truyền hình, góp phần quảng bá rộng
rãi hình ảnh về ngành và nghề TLH đã tác động mạnh mẽ đến các SV ở TPHCM.
Tóm lại, lí do SV thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH ở một số trường ĐH
tại TPHCM trước hết tập trung chủ yếu vào sở thích, đam mê ngành học. Các SV học
và theo đuổi nghề nghiệp theo sở thích và nhu cầu của bản thân, từ đó có thêm cơ hội
khám phá và hiểu thêm về những vấn đề tâm lý của bản thân và của người khác. Mục
đích của quá trình học tập, theo đuổi chuyên ngành TLH là để thay đổi, điều chỉnh bản
thân, để lí giải và giải quyết những vấn đề tâm lý của chính bản thân người học, của
những người thân và bạn bè.
Qua khảo sát cũng thấy được giữa các nhóm khách thể không có sự khác biệt lớn
về lí do thi tuyển và chọn học chuyên ngành TLH. Sự khác biệt giữa SV Trường ĐHSP
TPHCM và SV Trường ĐH KHXHNV TPHCM chỉ khác nhau ở điểm SV Trường
ĐHSP lựa chọn thi tuyển vào Trường với lí do không còn lựa chọn nào khác cao hơn
so với SV Trường KHXHNV. Còn SV Trường KHXHNV lại lựa chọn thi tuyển vào
trường với lí do TLH là ngành phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã hội
ưa chuộng ở mức cao hơn so với SV Trường ĐHSP. Giữa SV nam và SV nữ cũng chỉ
có sự khác biệt ở việc SV nam lựa chọn lí do muốn có bằng ĐH cao hơn so với SV nữ.
Họ bị áp lực đậu ĐH và có bằng cấp để đáp ứng với mong muốn của gia đình. Bảng
thống kê cũng cho thấy giữa SV năm nhất và SV năm ba có sự khác biệt ở việc SV
năm ba chọn lí do TLH là ngành phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã hội
ưa chuộng cao hơn so với SV năm nhất. Mặc khác, SV năm nhất lại lựa chọn học
ngành TLH với lí do thần tượng người thành công trong ngành cao hơn SV năm ba.
Đặc biệt, SV ở TPHCM lựa chọn và xếp bậc lí do hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, sự
tuyên truyền của ngành cao hơn so với các SV ở tỉnh.

2.2.2. Biểu hiện nhận thức về ĐHNN của SV


64

2.2.2.1. Nhận thức của SV về cơ hội phát triển nghề nghiệp ngành TLH
Bảng 2.13. Nhận thức của SV về cơ hội phát triển nghề nghiệp
Ý kiến Tần số Tỷ lệ % ĐTB ĐLC
Không có tiềm năng 0 0,0
Tiềm năng ít 43 18,8 2,81 0,391
Rất có tiềm năng 186 81,2
Tổng 229 100,0

Để tìm hiểu nhận định của SV về cơ hội nghề nghiệp và cơ hội phát triển ngành
TLH trong tương lai, người nghiên cứu sử dụng thang đo 3 mức độ từ không có tiềm
năng, tiềm năng ít đến rất có tiềm năng để khảo sát trên toàn mẫu. Kết quả thu được
thể hiện ở bảng 2.13. cho thấy, ý kiến cho rằng TLH là ngành “Rất có tiềm năng” để
phát triển nghề nghiệp trong tương lai được SV lựa chọn với tỉ lệ cao nhất (chiếm 81,2
%), số còn lại được lựa chọn với tỉ lệ cao thứ hai là ý kiến cho rằng TLH là ngành có
“Tiềm năng ít” (chiếm 18,8%). Điều đặc biệt là kết quả thống kê cho thấy không có ý
kiến nào cho rằng TLH là ngành “Không có tiềm năng”. Điều này chứng tỏ SV đánh
giá rất cao ngành và nghề nghiệp mình chọn học. Ở họ có sự kỳ vọng, tin tưởng rất lớn
vào tương lai của mình với nghề TLH. Sự kỳ vọng và tin tưởng này là do tác động bởi
sự phát triển và truyền bá rộng rãi nghề TLH qua các phương tiện thông tin đại chúng
trong thời gian qua.
2.2.2.2. Nhận thức của SV về đặc điểm của ngành và nghề TLH
Để tìm hiểu nhận thức của SV về đặc điểm ngành và nghề TLH, người nghiên
cứu khái quát thành 25 đặc điểm cơ bản (Câu 5, phụ lục 1, mẫu 2), kết quả như sau:
Bảng 2.14. Nhận thức của SV về đặc điểm ngành và nghề TLH

Tâm lý học là ngành, nghề: ĐTB ĐLC XB


Thực tế, giúp ích cho nhiều người và xã hội 4,22 0,736 1
Mới lạ, thú vị, hấp dẫn 4,15 0,665 2
Đang phát triển, có nhiều tiềm năng 4,12 0,760 3
Yêu cầu cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng 4,10 0,799 4
Giúp hoàn thiện nhân cách 4,00 0,722 5
65

Chăm sóc tinh thần, giải quyết mọi vấn đề khó khăn cho con người 3,99 0,816 6
Có điều kiện phát triển năng lực bản thân 3,96 0,690 7
Nghiên cứu, giải thích mọi vấn đề về tâm lý con người 3,93 0,858 8
Đa năng, giúp làm được nhiều việc trong nhiều lĩnh vực 3,92 0,887 9
Giúp tăng cường khả năng sáng tạo 3,77 0,750 10
Mang tính sáng tạo đặc thù 3,75 0,746 11
Giúp hiểu rõ và nhìn thấu tâm lý con người 3,65 1,009 12
Giúp giao tiếp giỏi, thông minh, khéo léo, siêu phàm trong ứng xử 3,60 0,984 13
Khó hành nghề, nhiều thách thức 3,35 1,047 14
Được đánh giá cao, được trọng vọng, thán phục, tin tưởng 3,33 1,005 15
Thu nhập cao 3,19 0,769 16
Đảm bảo sự thành đạt, tương lai ổn định 3,17 0,859 17
Có nhiều cơ hội, dễ xin việc làm 3,12 0,941 18
Có địa vị cao trong xã hội 3,00 0,973 19
Khó học, nhiều lý thuyết, 2,83 1,073 20
Dễ thăng tiến trong xã hội 2,80 0,980 21
Giúp nổi tiếng, thu hút được sự chú ý của mọi người 2,76 1,116 22
Dễ chuyển đổi 2,64 1,061 23
Nhàn hạ, ít vất vả 2,21 1,031 24
Ít được đề cao 2,15 1,055 25

Bảng 2.14. cho thấy những đặc điểm của ngành và nghề TLH được SV đánh giá
ở các mức điểm TB khá cao, chủ yếu tập trung ở mức đồng ý. Tuy nhiên, cũng có số ít
ý kiến ở mức không đồng ý (ĐTB từ 1,81 – 2,60), phân vân (ĐTB từ 2,61 – 3,40) và
hoàn toàn đồng ý (ĐTB từ 3,41 – 5,00). Trong đó, không có ý kiến nào ở mức hoàn
toàn không đồng ý, cụ thể như sau:
- Ở mức hoàn toàn đồng ý (TB từ 4,21 – 5,00), cho thấy SV hoàn toàn toàn đồng
ý và xếp bậc cao nhất với duy nhất một nhận định TLH là ngành “Thực tế, giúp ích
cho nhiều người và xã hội” với ĐTB cao nhất là 4,22 (xếp bậc 1/25).
- Ở mức đồng ý, (TB từ 3,41 – 4,20) SV nhận định và xếp bậc khá cao một số đặc
điểm của ngành và nghề TLH như: Mới lạ, thú vị, hấp dẫn (bậc 2/25); Đang phát triển,
có nhiều tiềm năng (bậc 3/25); Yêu cầu cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng (bậc 4/25); Giúp
hoàn thiện nhân cách (bậc 5/25); Chăm sóc tinh thần, giải quyết mọi vấn đề khó khăn
66

cho con người (bậc 6/25); Có điều kiện phát triển năng lực bản thân (bậc 7/25);
Nghiên cứu, giải thích mọi vấn đề về tâm lý con người (bậc 8/25); Đa năng, giúp làm
được nhiều việc trong nhiều lĩnh vực (bậc 9/25); Giúp tăng cường khả năng sáng tạo
(10/25); Mang tính sáng tạo đặc thù (bậc 11/25); Giúp hiểu rõ và nhìn thấu tâm lý con
người (bậc 12/25); Giúp giao tiếp giỏi, thông minh, khéo léo, siêu phàm trong ứng xử
(bậc 13/25).
- Ở mức Phân vân (TB từ 2,61 – 3,40), SV chưa xác định rõ ràng nên xếp bậc
một số đặc điểm ngành nghề TLH ở mức thấp hơn, cụ thể SV nhận định đặc điểm
TLH là ngành “Khó hành nghề, nhiều thách thức” (bậc 14/25); đặc điểm TLH là ngành
“Được đánh giá cao, được trọng vọng, thán phục, tin tưởng” (xếp bậc 15/25); “Thu
nhập cao” (bậc 16/25); “Đảm bảo sự thành đạt, tương lai ổn định” (bậc 17/25); “Có
nhiều cơ hội, dễ xin việc làm” (bậc 18/25); “Có địa vị cao trong xã hội” (bậc 19/25);
“Khó học, nhiều lý thuyết” (bậc 20/25); “Dễ thăng tiến trong xã hội” (bậc 21/25);
“Giúp nổi tiếng, thu hút được sự chú ý của mọi người” (bậc 22/25); và đặc điểm “Dễ
chuyển đổi” (bậc 23/25).
- Và với điểm TB thấp hơn 2,60 ý kiến xem ngành TLH là ngành “Nhàn hạ, ít vất
vả” và “Ít được đề cao” được SV lựa chọn ở mức không đồng ý.
Như vậy, với kết quả thu ở bảng 2.14. về mức độ đánh giá các đặc điểm ngành và
nghề TLH của SV, ta nhận thấy ở SV có cách nhìn nhận, đánh giá cao (ở mức đồng ý
và hoàn toàn đồng ý) những đặc điểm mang tính chất hữu ích mà nghề TLH mang lại
cho bản thân họ và những người xung quanh. Điều này phù hợp với những lý do ban
đầu thúc đẩy SV đăng ký thi tuyển và học tập chuyên ngành TLH.
Mặt khác, những đặc điểm được xếp bậc thấp hơn ở mức Phân vân cũng cho
chúng ta thấy được đặc trưng riêng biệt, cũng như những thành tựu và hạn chế mà
ngành và nghề TLH mang lại trong thời gian qua. Chúng ta phải công nhận một điều là
ngành TLH đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, góp mặt nhiều hơn với những
ứng dụng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, giải trí, truyền thông và các lĩnh vực
khác trong xã hội. Nó đóng vai trò là phương tiện, là công cụ rất quan trọng hỗ trợ, cải
thiện các mặt tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là về mặt điều chỉnh nhận thức, hành vi
của con người theo hướng tích cực hơn.
67

Bên cạnh đó, với mỗi cá nhân có đặc điểm, điều kiện, nhu cầu khác nhau, sẽ có
cách thức tiếp cận khác nhau với nghề TLH. Do đó, nghề TLH không chắc chắn mang
đến thành công cho tất cả những ai đã, đang và sẽ tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng nó.
Điều này cũng giải thích cho việc SV lựa chọn một số đặc điểm ngành và nghề TLH ở
mức Phân vân là vì không chắc chắn biết trước được điều gì.
Với nhận định xem TLH là ngành “Nhàn hạ, ít vất vả” và “Ít được đề cao” được
SV lựa chọn ở mức không đồng ý. Điều này cho thấy nhận thức của SV rất sâu sắc.
Bởi lẽ, đặc trưng của ngành TLH khi làm việc sẽ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng
xuất thân từ nhiều thành phần, có cả những thành phần phức tạp nhất của xã hội. Công
việc này hết sức khó khăn, yêu cầu rất cao đối với người hành nghề. Các nhà tâm lý có
chuyên môn sẽ giúp ích rất nhiều cho những người họ tiếp xúc và làm việc chung. Do
đó, TLH là ngành rất được đề cao trong xã hội và cũng là một trong những ngành với
nghề nghiệp chịu áp lực cao nhất, chứ không nhàn hạ như cách suy diễn của một số
thành phần trong xã hội. SV nhận thức được điều này sẽ giúp họ tích cực hơn trong
học tập, phấn đấu cho bản thân và nghề nghiệp. Từ đó, hạn chế sự kỳ vọng, ảo tưởng
quá mức vào ngành học và nghề nghiệp mà SV đã chọn.
Những kết quả đã cho thấy SV nhận thức khá tích cực và có cách nhìn nhận sâu
sắc, sát với thực tế ngành học và nghề nghiệp TLH. Đây cũng là một trong những mặt
khả quan, đáng mừng cho chất lượng đào tạo của ngành TLH hiện nay.
2.2.2.3. Nhận thức của SV về các loại khó khăn trong quá trình ĐHNN
Để tìm hiểu những vấn đề khó khăn của SV trong quá trình ĐHNN, người nghiên
cứu khái quát thành 8 vấn đề cơ bản. (Câu 9, phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả thể hiện ở
bảng 2.15 và 2.16 như sau:
a. Kết quả chung về những vấn đề khó khăn trong quá trình ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH
68

Bảng 2.15. Khó khăn khi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH

STT Vấn đề khó khăn ĐTB ĐLC XB


Thích nhiều nghề trong ngành, không biết chọn nghề 3,54 1,057 1
1
nào cho phù hợp
Không biết thông tin đầy đủ về các nghề thuộc chuyên 3,44 0,937 2
2
ngành
Không xác định được năng lực, hứng thú, tính cách phù 3,17 1,184 3
3
hợp với nghề nào
4 Không được tư vấn cụ thể, rõ ràng về ngành và nghề 3,15 1,074 4
5 Chọn được nghề nhưng năng lực hạn chế, không phù hợp 3,03 1,021 5
6 Không biết ý nghĩa xã hội của nghề 2,70 0,950 6
7 Chọn được nghề nhưng gia đình không ủng hộ 2,70 1,206 6
8 Không có khó khăn gì 1,62 0,848 8

Kết quả ở bảng 2.16. cho thấy trong quá trình ĐHNN, SV gặp phải rất nhiều vấn
đề khó khăn. Do đó, ý kiến “Không có khó khăn gì” được SV chọn ở mức thấp nhất
(xếp bậc 8/8, ĐTB = 1,62). Bên cạnh đó, vấn đề gây nhiều khó khăn cho SV nhất là
vấn đề “Thích nhiều nghề trong ngành, không biết chọn nghề nào cho phù hợp” (bậc
1/8; ĐTB = 3,54), xếp vị trí thứ 2 là vấn đề “Không biết thông tin đầy đủ về các nghề
thuộc chuyên ngành” (ĐTB = 3,44) và vị trí thứ 3 là khó khăn “Không xác định được
năng lực, hứng thú, tính cách phù hợp với nghề nào”.
Điều này cũng được các bạn SV chia sẻ nhiều trong quá trình phỏng vấn sâu, bạn
T.T.H. (SV lớp TLH K37, Trường ĐHSP TPHCM) chia sẻ: “Lúc đầu em đăng ký học
TLH ở trường mình vì muốn đi dạy. Học xong 2 năm, em thấy nhiều Thầy cô, anh chị
trong ngành mình làm được ở rất nhiều lĩnh vực hay và mới lạ như: làm chuyên viên
báo cáo các chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống ở các trường; tham gia viết báo, viết
kịch bản chương trình cho đài truyền hình, đôi khi trực tiếp tham gia các chương trình
truyền hình thực tế. Em thích lắm, em rất muốn được làm những công việc đó…”
69

Như vậy, vấn đề khó khăn khi ĐHNN chủ yếu xuất phát từ phía bản thân SV và
họ chịu ảnh hưởng nhiều từ các tác nhân bên ngoài: Nội dung chương trình học, môi
trường, hình mẫu người trong ngành...
b. Kết quả so sánh những vấn đề khó khăn trong quá trình ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH theo các tham số nghiên cứu
Bảng 2.16. Kết quả so sánh các vấn đề khó khăn khi ĐHNN của SV
Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
Vấn đề ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh
khó khăn TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 1,69 8 1,53 8 1,63 8 1,60 8 1,59 8 1,63 8 1,72 8 1,59 8
2 3,13 4 3,18 3 3,33 3 2,91 5 3,27 3 3,12 4 3,07 3 3,17 4
3 3,40 2 3,48 1 3,46 1 3,41 1 3,51 2 3,42 2 3,42 2 3,44 2
4 2,73 6 2,66 7 2,81 6 2,56 7 2,71 6 2,70 7 2,61 7 2,73 6
5 3,72 1 3,29 2 3,64 2 3,41 1 3,39 1 3,58 1 3,54 1 3,54 1
6 2,70 7 2,71 6 2,79 7 2,59 6 2,65 7 2,72 6 2,68 6 2,71 7
7 3,05 5 3,01 4 3,11 5 2,94 4 3,18 4 2,99 5 2,93 4 3,07 5
8 3,32 3 2,95 5 3,24 4 3,07 3 2,82 5 3,26 3 2,89 5 3,26 3
So sánh F = 0,237 F = 0,113 F = 0,490 F = 0,164
tương quan Sig. = 0,098>0,05 Sig. = 0,007<0,05 Sig. = 0,644>0,05 Sig. = 0,322>0,05

Ghi chú: Những vấn đề khó khăn của sinh viên khi ĐHNN
1. Không có khó khăn gì
2. Không được tư vấn cụ thể, rõ ràng về ngành học và nghề nghiệp cụ thể
3. Không biết thông tin đầy đủ về các nghề thuộc chuyên ngành
4. Không biết ý nghĩa xã hội của nghề
5. Thích nhiều nghề trong ngành, không biết chọn nghề nào cho phù hợp
6. Chọn được nghề nhưng gia đình không ủng hộ
7. Chọn được nghề nhưng năng lực hạn chế, không phù hợp
8. Không xác định được năng lực, hứng thú, tính cách phù hợp với nghề nào
So sánh sự khác biệt về trung bình theo các tham số nghiên cứu, ta được kết quả
ở bảng 2.17. với tham số Trường học (F = 0,237 và Sig. = 0,098), tham số giới tính (F
= 0,490 và Sig. = 0,644) và tham số hộ khẩu (F = 0,164 và Sig. = 0,322), đều có Sig.>
0,05 chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV Trường ĐHSP với SV trường
70

KHXHNV, giữa SV nam với SV nữ, giữa SV ở TPHCM với SV ở tỉnh về những khó
khăn trong quá trình ĐHNN của SV.
Chỉ có phần so sánh tương quan theo tham số năm thứ giữa SV năm nhất và SV
năm ba ở bảng 2.17. với kết quả F = 0,113 và Sig. = 0,007<0,05 là có sự khác biệt ý
nghĩa về những vấn đề khó khăn khi ĐHNN. Sự khác biệt này thể hiện rõ ở việc SV
năm nhất xếp bậc vấn đề “Không được tư vấn cụ thể, rõ ràng về ngành học và nghề
nghiệp cụ thể” là vấn đề gây ra khó khăn nhiều nhất đối với họ và xếp bậc cao hơn
(bậc 3/8) so với SV năm ba (xếp bậc 5/8). Kết quả cho thấy SV năm nhất chưa trải qua
quá trình đào tạo chuyên sâu về ngành TLH nên khi ĐHNN, bản thân SV gặp phải
nhiều vấn đề khó khăn và bâng khuâng nhiều hơn so với SV năm ba.
Như vậy, cần phải tăng cường các hình thức GDNN để cung cấp thêm thông tin
chính xác, kịp thời ngay từ năm đầu đào tạo để SV có nhận thức đúng đắn hơn về các
mặt của ngành học và nghề TLH. Từ đó, thúc đẩy SV tích cực, chủ động tìm hiểu, học
tập chuyên ngành và ĐHNN cho phù hợp với bản thân.
2.2.2.4. Nhận thức của SV về vai trò và ý nghĩa của hoạt động ĐHNN
Bảng 2.17. Nhận thức của SV về vai trò và ý nghĩa của hoạt động ĐHNN
Nhận định Tần số Tỷ lệ % ĐTB ĐLC
Không quan trọng 4 1,7
Ít quan trọng 6 2,6
Phân vân 26 11,4 4,12 0,839
Quan trọng 115 50,2
Rất quan trọng 78 34,1
Tổng 229 100,0

Sử dụng thang 5 mức độ từ Không quan trọng, Ít quan trọng, Phân vân, quan
trọng đến rất quan trọng khảo sát trên toàn mẫu, kết quả nhận thức về vai trò, ý nghĩa
của hoạt động ĐHNN thể hiện ở bảng 2.17. Với điểm TB chung là 4,12 cho thấy SV
đánh giá vai trò, ý nghĩa của hoạt động ĐHNN ở mức quan trọng (chiếm 50,2%) tổng
số lựa chọn. Ở mức rất quan trọng cũng được SV lựa chọn với tỉ lệ cao (chiếm
34,1%). Như vậy, kết quả chung cho thấy một điều rất đáng trân trọng, đó là SV đã
bước đầu nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa của hoạt động ĐHNN. Đó sẽ là một
71

trong những động lực thúc đẩy SV ngày càng chủ động hơn, tích cực hơn trong quá
trình học tập, rèn luyện, phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Qua khảo sát và phỏng vấn sâu một số đối tượng về câu hỏi trên, người nghiên
cứu nhận được những chia sẻ với đầy tâm trạng bâng khuâng, thậm chí bi quan của các
bạn SV. Trong đó, bạn L.V.Q (SV lớp TLH K37, Trường ĐHSP TPHCM) chia sẻ:
“Em định học xong sẽ theo hướng trở thành một chuyên gia tư vấn Tâm lý. Em thích
được làm việc tư vấn qua các kênh truyền thông: tư vấn qua tổng đài radio hay các
kênh trên đài truyền hình. Tuy nhiên, định hướng là một chuyện còn việc học xong ra
trường có được làm công việc mình muốn hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu
tố khác. Nghề nào muốn có chỗ làm cũng phải có mối quan hệ rộng, quen biết này nọ
rất nhiều. Em là dân tỉnh, không có điều kiện, cũng không quen biết ai có quyền có
thế. Thôi thì định hướng cũng hên xui mà không định hướng cũng vậy. Cứ để tự nhiên,
trời kêu ai nấy dạ, chứ nói trước bước không khỏi.”
Hay chia sẻ của bạn N.H.X.H (SV lớp TLH K39, Trường ĐHSP TPHCM): “Em
không biết gì về ngành TLH, em thấy cái tên ngành hay hay thì chọn đại để thi nên
cũng chưa định hướng mình sẽ làm gì sau khi học xong. Nhưng em nghĩ học ngành
TLH ở trường Sư Phạm thì sau này ra làm nhà giáo, đi dạy thì cũng ổn.”
Qua chia sẻ của bạn L.V.Q, bạn N.H.X.H và một số SV có ý kiến tương tự,
chúng ta nhận thấy được sự hời hợt, bi quan của một số bạn SV trong quá trình ĐHNN
cho bản thân. SV chịu sự tác động từ những hệ lụy tiêu cực của xã hội: quá xem trọng
bằng cấp, các mối quan hệ và tiền tài nên nhận thức cũng có phần lệch lạc và phát triển
theo xu hướng tiêu cực. Dù chỉ có một số ít SV đánh giá vai trò và ý nghĩa của hoạt
động ĐHNN ở mức không quan trọng (chiếm 1,7%), và ít quan trọng (chiếm 2,6%)
nhưng đó là một trong những vấn đề đáng quan tâm mà nhà trường và các cơ quan ban
ngành liên quan cần phải có biện pháp tích cực hơn trong công tác giáo dục để điều
chỉnh nhận thức của SV cho phù hợp.
2.2.2.5. Nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất, năng lực của
người công tác trong ngành TLH
a. Kết quả nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất, năng lực của
người công tác trong ngành TLH
72

Để tìm hiểu sâu hơn về nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất, năng lực
của người công tác trong ngành TLH, người nghiên cứu tiến hành khảo sát 18 phẩm
chất và 18 năng lực trên toàn mẫu sinh viên. (Câu 11, Phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả thể
hiện ở bảng 2.18 và bảng 2.19.
Bảng 2.18. Nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất của người công tác
trong ngành TLH

Stt Yêu cầu Phẩm chất TB ĐLC XB


1 Đam mê, hứng thú với nghề nghiệp 4,40 0,611 3
2 Niềm tin nghề nghiệp 4,28 0,609 10
3 Niềm tin vào bản thân 4,44 0,629 2
4 Tinh thần kỷ luật cao 4,14 0,734 14
5 Tính thận trọng cao 4,14 0,790 14
6 Lòng nhân đạo, yêu thương con người 4,04 0,847 17
7 Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi 4,30 0,726 9
8 Năng động, mềm dẻo, linh hoạt 4,37 0,680 6
9 Kiên trì, chịu khó 4,32 0,772 8
10 Có uy tín với mọi người 4,40 0,722 3
11 Kín đáo, bảo mật 4,56 0,663 1
12 Trung thực 4,33 0,768 7
13 Có tình cảm yêu nghề, trân trọng, gìn giữ và phát huy các
4,28 0,762 10
giá trị nghề nghiệp
14 Tận tâm phục vụ cộng đồng; 4,05 0,852 16
15 Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp (trong tư vấn,
4,39 0,762 5
trị liệu và tổ chức nhân sự)
16 Có tinh thần trách nhiệm cao đối với nghề nghiệp. 4,28 0,634 10
17 Có thái độ chủ động, tích cực trong việc rèn luyện nhân cách. 4,25 0,652 13
18 Những phẩm chất liên quan đến giá trị sống (yêu hòa bình,
3,93 0,853 18
dũng cảm, hy sinh,..).
73

Sử dụng thang đo 5 mức độ từ Không cần thiết, Ít cần thiết, Phân vân, Cần thiết
đến Rất cần thiết khảo sát trên toàn mẫu, được kết quả ở bảng 2.18. với điểm TB cao
nhất là 4,56 và thấp nhất là 3,93. Trong số 18 phẩm chất được chọn, không có phẩm
chất nào xếp bậc ở mức trung bình (từ 2,61 – 3,40), càng không có phẩm chất nào
được xếp ở mức ít cần thiết (TB từ 1,81 – 2,60) và mức không cần thiết (TB từ 1,00 –
1,80). Điều này cho thấy SV nhận thức rất cao và đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất
cần có của người công tác trong lĩnh vực ngành TLH. Cụ thể:
Ở mức rất cần thiết (với TB từ 4,21 – 5,00), SV đánh giá rất cao những phẩm
chất: Kín đáo, bảo mật (bậc 1/18); Niềm tin vào bản thân (2/18); Có uy tín với mọi
người (3/18); Đam mê, hứng thú với nghề nghiệp (bậc 4/18); Tuân thủ các nguyên tắc
đạo đức nghề nghiệp (trong tư vấn, trị liệu và tổ chức nhân sự) (bậc 5/18); Năng động,
mềm dẻo, linh hoạt (bậc 6/18); Trung thực (bậc 7/18); Kiên trì, chịu khó (bậc 8/18); có
Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi (bậc 9/18); Có tình cảm yêu nghề, trân trọng, gìn giữ
và phát huy các giá trị nghề nghiệp (bậc 10/18); Có tinh thần trách nhiệm cao đối với
nghề nghiệp (bậc 10/18); Niềm tin nghề nghiệp (10/18); và Có thái độ chủ động, tích
cực trong việc rèn luyện nhân cách (bậc 13/18).
Ở mức cần thiết (TB từ 3,41 – 4,20), các phẩm chất được SV lựa chọn ở mức
này là: Tính thận trọng cao (14/18); có Tinh thần kỷ luật cao (14/18); Tận tâm phục vụ
cộng đồng (16/18); Lòng nhân đạo, yêu thương con người (17/18) và xếp bậc cuối
cùng (18/18) là Những phẩm chất liên quan đến giá trị sống (yêu hòa bình, dũng cảm,
hy sinh,..).
Với kết quả chung ở trên và việc SV lựa chọn và xếp bậc cao nhất (1/18) phẩm
chất “Kín đáo, bảo mật” cũng là một trong những nguyên tắc đạo đức hàng đầu mà
những người công tác và hành nghề trong lĩnh vực TLH, đặc biệt là chuyên ngành
TLH tham vấn, trị liệu cần phải có. Điều này cho thấy SV đã ý thức rất rõ đặc trưng
của nghề TLH là phải có “Niềm tin vào bản thân”, “Niềm tin vào nghề nghiệp”, phải
“Đam mê, hứng thú với nghề nghiệp”. Đặc biệt phải “Có uy tín với mọi người”, phải
kiên trì, năng động, mềm dẻo, linh hoạt trong mọi tình huống để ứng phó kịp thời với
nhiều đối tượng, nhiều thành phần đa dạng, phức tạp trong quá trình làm việc. Sự ý
74

thức rõ ràng này sẽ góp phần giúp ích rất nhiều cho SV trong quá trình tìm hiểu,
ĐHNN và phát triển bản thân theo chiều hướng phù hợp nhất.

Bảng 2.19. Nhận thức của SV về những yêu cầu năng lực của người công tác
trong ngành TLH

Stt Năng lực / Kỹ năng ĐTB ĐLC XB


1 Có trình độ chuyên môn tốt 4,61 0,572 1
2 Tự kiểm tra, đánh giá công việc 4,30 0,628 5
3 Nghiên cứu khoa học 3,89 0,869 16
4 Tổ chức, lập kế hoạch cho các hoạt động 3,90 0,815 15
5 Giảng dạy, truyền đạt 3,69 0,911 17
6 Tư vấn/ tham vấn, trị liệu 4,03 0,865 13
7 Xây dựng test và sử dụng test 3,62 1,004 18
8 Nhạy bén, linh hoạt 3,99 0,922 14
9 Tư duy độc lập, sáng tạo 4,10 0,771 11
10 Thực hành chuyên môn, nghiệp vụ 4,21 0,724 7
11 Sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ 4,08 0,823 12
12 Chịu được áp lực công việc 4,35 0,702 3
13 Quan sát, tìm kiếm và sử dụng thông tin 4,19 0,742 9
14 Quản lý thời gian 4,14 0,867 10
15 Quản lý cảm xúc 4,35 0,859 3
16 Giao tiếp, ứng xử trong công việc 4,45 0,671 2
17 Đoàn kết, hợp tác nhóm 4,20 0,761 8
18 Ứng dụng thành tựu tâm lý vào các lĩnh vực có liên quan: 4,28 0,676 6
nghiên cứu, trắc đạt xã hội, truyền thông, sản xuất, kinh
doanh, giáo dục..

Cũng với thang đo 5 mức độ từ không cần thiết đến rất cần thiết bảng 2.19. cho
thấy kết quả nhận thức về các yêu cầu năng lực của SV có điểm TB ở mức rất cao, dao
động và nằm trong mức cần thiết và rất cần thiết. Không có năng lực nào ở mức trung
75

bình, mức ít cần thiết và không cần thiết. SV lựa chọn xếp bậc cao nhất là năng lực
“Có trình độ chuyên môn tốt” (với TB = 4,61), thấp nhất là năng lực biết “Xây dựng
test và sử dụng test” (với TB = 3,62).
Trong số 18 năng lực có 7 năng lực được SV lựa chọn nằm ở mức rất cần thiết
(với TB từ 4,21 – 5,00): Có trình độ chuyên môn tốt (bậc 1/18); Giao tiếp, ứng xử
trong công việc (bậc 2/18); Quản lý cảm xúc (bậc 3/18); Chịu được áp lực công việc
(bậc 4/18); Tự kiểm tra, đánh giá công việc (bậc 5/18); Ứng dụng thành tựu tâm lý vào
các lĩnh vực có liên quan: nghiên cứu, trắc đạt xã hội, truyền thông, sản xuất, kinh
doanh, giáo dục...(bậc 6/18); Thực hành chuyên môn, nghiệp vụ (bậc 7/18).
Còn lại 11 năng lực (có TB từ 3,41 – 4,20) được xếp bậc thấp hơn, nằm ở mức
cần thiết: Đoàn kết, hợp tác nhóm (bậc 8/18); Quan sát, tìm kiếm và sử dụng thông tin
(bạc 9/18); Quản lý thời gian (bậc 10/18); Tư duy độc lập, sáng tạo (bậc 11/18); Sử
dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ (bậc 12/18); Tư vấn/ tham vấn, trị liệu (bậc
13/18); Nhạy bén, linh hoạt (bậc 14/18); Tổ chức, lập kế hoạch cho các hoạt động (bậc
15/18); Nghiên cứu khoa học (bậc 16/18); Giảng dạy, truyền đạt (bậc 17/18); Xây
dựng test và sử dụng test (bậc 18/18).
Với kết quả ở bảng 2.19. ta nhận thấy những năng lực được SV đánh giá ở thứ
bậc cao là những năng lực quan trọng, đóng vai trò là cơ sở nền tảng cho việc học tập
và phát triển nghề nghiệp cho bản thân mỗi SV. Những năng lực nền tảng, cơ bản này
sẽ luôn cần thiết và theo suốt tiến trình học tập và công tác sau này của những người
làm việc trong lĩnh vực TLH. Đối với những SV có năng lực phù hợp thì không ngừng
học tập, rèn luyện và phát triển bản thân, đối với những SV không có năng lực phù
hợp với yêu cầu của nghề thì có thể định hướng lại, thay đổi quyết định để không phải
hối tiếc và mất nhiều thời gian, công sức không cần thiết.
Bên cạnh đó, những năng lực được đánh giá ở cuối bảng: Nghiên cứu khoa học
(bậc 16/18); Giảng dạy, truyền đạt (bậc 17/18); Xây dựng test và sử dụng test (bậc
18/18). Qua khảo sát và phỏng vấn sâu một số trường hợp, ta thấy những SV yêu
thích, lựa chọn nhóm nghề tham vấn trị liệu đánh giá cao năng lực “Xây dựng và sử
dụng các bài test”, ưu tiên ở bậc cao nhất để phục vụ cho công việc của mình sau này.
Nhóm các SV lựa chọn nhóm nghề giảng dạy thì ưu tiên các năng lực thiên về “Giảng
dạy, truyền đạt”. Điều này thể hiện qua chia sẻ của một số bạn SV:
76

Theo bạn T.H.Y (SV lớp TLH K04, Trường ĐH KHXHNV TPHCM) chia sẻ:
“Em chọn chuyên ngành TLH tham vấn trị liệu nên em rất quan tâm đến những môn
học liên quan đến thực hành tham vấn, trị liệu, những buổi đi tham quan, thực tế ở các
bệnh viện, em không bao giờ bỏ. Đặc biệt những hội thảo, những buổi học hay báo
cáo liên quan đến việc sử dụng các bộ công cụ, các test để trị liệu luôn cuốn hút và
gây cho em nhiều thích thú. Những môn học khác về tổ chức hoạt động, quản lý này
kia thì em không thích lắm”.
Còn bạn N.T.U.T (SV lớp TLH K37, Trường ĐHSP) thì chia sẻ “Em thích sau
này trở thành giảng viên dạy các học phần TLH ở các trường ĐH, CĐ nên những học
phần về TLH lứa tuổi, TLH Sư Phạm, các môn liên quan đến phương pháp giảng dạy
và truyền đạt, em luôn cố gắng học tập thật tốt....”.
Như vậy, kết quả cho thấy có sự phân biệt năng lực rất lớn theo sự phân hóa các
nhóm nghề mà SV đã định hướng trước đó. Việc nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm
quan trọng của những năng lực cần thiết sẽ góp phần thúc đẩy, định hướng tương lai
cho mỗi SV được rõ ràng, vững chắc hơn.
b. Kết quả so sánh nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất, năng lực
của người công tác trong ngành TLH theo các tham số nghiên cứu
* Kết quả so sánh nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất
Kết quả so sánh trung bình (với mức ý nghĩa α = 0,05) theo các tham số nghiên
cứu ở bảng 2.20. (Phụ lục 4) cho thấy với tham số: Trường (F = 2,927 và Sig. =
0,385); giới tính (F = 0,425 và Sig. = 0,254) và tham số hộ khấu (F = 0,819 và Sig. =
0,672) đều có sig.>0,05 chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV Trường
ĐHSP với SV KHXHNV, giữa SV nam với SV nữ, giữa SV ở TPHCM với SV ở tỉnh
về những yêu cầu phẩm chất của người công tác trong ngành TLH.
Trong số 4 nhóm tham số chỉ có phần so sánh tương quan theo tham số năm thứ
giữa SV năm nhất và SV năm ba là có sự khác biệt ý nghĩa (với F = 2,701 và Sig. =
0,042 < 0,05) về nhận thức các phẩm chất của người công tác trong ngành TLH. Sự
khác biệt nhất thể hiện qua việc SV năm nhất đánh giá phẩm chất “Tuân thủ các
nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp” (bậc 3/18) cao hơn SV năm ba (bậc 6/18). Tuy nhiên
SV năm nhất lại đánh giá và xếp bậc các phẩm chất “Có uy tín với mọi người” và
phẩm chất “Có tình cảm yêu nghề, trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị nghề
77

nghiệp” ở mức thấp hơn (bậc 5, bậc 13) so với đánh giá của SV năm ba (bậc 2, bậc 9).
Điều này cho thấy trải qua quá trình 3 năm học tập và được đào tạo, được tiếp cận với
môi trường nghề nghiệp thực tế, ở SV năm ba đã có nhận thức cao hơn về những yêu
cầu năng lực thật sự cần thiết, làm cơ sở nền tảng để duy trì và phát triển nghề nghiệp.

* Kết quả so sánh nhận thức của SV về những yêu cầu năng lực
Kết quả so sánh trung bình các tham số nghiên cứu (với mức ý nghĩa α = 0,05)
ở bảng 2.21. (Phụ lục 4) cho thấy với tham số: Trường (F = 0,001 và Sig. = 0,602);
năm thứ (F = 1,791 và Sig. = 0,159); giới tính (F = 0,952 và Sig. = 0,246) và tham số
hộ khấu (F = 0,700 và Sig. = 0,744) đều có Sig.>0,05 chứng tỏ không có sự khác biệt ý
nghĩa giữa SV Trường ĐHSP với SV trường KHXHNV, giữa SV năm nhất với SV
năm ba, giữa SV nam với SV nữ, giữa SV ở TPHCM với SV ở tỉnh về nhận thức các
năng lực của người công tác trong ngành TLH.
Như vậy, ngành nào cũng đòi hỏi người hành nghề phải có những phẩm chất và
năng lực đặc trưng với ngành đó. Các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực TLH là những loại
nghề nghiệp đặc biệt trong xã hội, đối tượng rất phong phú và đa dạng. Những người
được đào tạo chuyên ngành này có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế
- xã hội. Chính vì vậy, SV tốt nghiệp phải có những phẩm chất và năng lực nghề
nghiệp phù hợp (chuẩn đầu ra). Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ những yêu cầu, đòi
hỏi về phẩm chất, năng lực của ngành cũng là cơ sở vững chắc để SV nỗ lực rèn luyện
nhằm hoàn thiện kỹ năng, nhân cách của người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp
mà mình đã chọn.
2.2.3. Biểu hiện thái độ về ĐHNN của SV chuyên ngành TLH tại TPHCM
2.2.3.1. Mức độ hứng thú của SV đối với ngành TLH
a. Kết quả chung về hứng thú của SV đối với ngành TLH
Bảng 2.22. Hứng thú của SV đối với ngành TLH
Nhận định N % XB ĐTB ĐLC
Hoàn toàn không hứng thú 0 0,0 5
Không hứng thú 4 1,7 4
Phân vân (lúc thích, lúc không, đôi khi chán học) 51 22,3 2 3,96 0,712
Hứng thú 125 54,6 1
78

Rất hứng thú 49 21,4 3

Để tìm hiểu hứng thú của SV đối với ngành TLH, người nghiên cứu sử dụng
thang đo 5 mức độ khảo sát trên toàn mẫu (Câu 12 – Phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả thể
hiện ở bảng 2.22. với điểm TB chung = 3,96 cho thấy thái độ đối với ngành TLH được
SV đánh giá ở mức hứng thú (điểm TB từ 3,41 – 4,20) chiếm tỉ lệ cao nhất (54,6%) và
xếp bậc cao thứ hai với thái độ Phân vân (lúc thích, lúc không, đôi khi chán học)
chiếm tỉ lệ 22,3%, xếp bậc cao thứ ba là thái độ rất hứng thú chiếm tỉ lệ 21,3%. Bên
cạnh đó, SV cũng lựa chọn và và có thái độ không hứng thú xếp vị trí thứ 4 (với 4 lựa
chọn, chiếm 1,7%). Tuy số lượng SV lựa chọn thái độ Phân vân (lúc thích, lúc không,
đôi khi chán học) và thái độ không hứng thú chiếm tỉ lệ thấp nhưng cũng cho thấy, vẫn
có một số lượng SV không thực sự muốn học và theo đuổi nghề TLH lâu dài. Do đó,
cần phải có biện pháp phù hợp giúp đỡ SV tích cực hơn trong học tập cũng như trong
quá trình ĐHNN.
b. Kết quả so sánh về hứng thú của SV đối với ngành TLH theo các tham số
nghiên cứu
Bảng 2.23. So sánh hứng thú của SV đối với ngành TLH
Hứng Tổng hợp Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
thú với chung SP NV Năm 1 Năm 3 Nam Nữ TP Tỉnh
ngành TB ĐLC TB TB TB TB TB TB TB TB
TLH 3,96 0,712 3,99 3,92 3,98 3,92 4,08 3,92 3,98 3,95
Kết quả so sánh F= 1,694 F= 2,509 F= 0,730 F= 2,509
Sig.=0,469>0,05 Sig.= 0,750>0,05 Sig.= 0,165>0,05 Sig.= 2,750>0,05

Kết quả so sánh trung bình cho thấy ở cả 4 nhóm tham số nghiên cứu đều có
Sig.> 0,05, chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV Trường ĐHSP với SV
trường KHXHNV, giữa SV năm nhất với SV năm ba, giữa SV nam với SV nữ, giữa
SV ở TPHCM với SV ở tỉnh về mức độ hứng thú đối với ngành TLH.
2.2.3.2. Biểu hiện thái độ của SV đối với các hoạt động ĐHNN
79

Đối với hoạt động ĐHNN, thái độ có vai trò rất quan trọng. Nếu SV có thái độ
tích cực thì sẽ say mê, hứng thú với nghề nghiệp thuộc ngành học, sẽ nỗ lực vượt qua
mọi khó khăn để theo đuổi, duy trì và phát triển nghề nghiệp. Để tìm hiểu nội dung
này, người nghiên cứu dùng thang đo 5 mức độ từ Không cần thiết đến rất cần thiết để
khảo sát. (Câu 13, phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả thể hiện ở bảng 2.24. như sau:

Bảng 2.24. Biểu hiện thái độ của SV đối với các hoạt động ĐHNN
Thái độ Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
ĐHNN ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh
Stt TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 3,56 5 3,67 4 3,40 7 3,77 4 3,28 12 3,65 5 3,53 5 3,58 6 3,55 5
2 3,68 2 3,75 2 3,59 3 3,83 2 3,48 5 3,71 4 3,67 2 3,77 2 3,65 2
3 3,47 8 3,52 8 3,39 8 3,61 6 3,28 12 3,51 8 3,46 7 3,60 5 3,42 8
4 3,67 3 3,73 3 3,58 5 3,85 1 3,42 8 3,82 1 3,63 3 3,75 3 3,64 3
5 3,51 6 3,54 7 3,46 6 3,50 8 3,52 3 3,59 7 3,49 6 3,49 7 3,52 6
6 3,63 4 3,59 5 3,68 2 3,64 5 3,61 2 3,78 2 3,59 4 3,75 3 3,59 4
7 3,33 10 3,15 12 3,59 3 3,24 10 3,45 6 3,47 9 3,29 11 3,40 11 3,31 9
8 3,21 13 3,10 13 3,36 9 3,00 13 3,49 4 3,22 12 3,21 13 3,25 13 3,20 13
9 3,27 12 3,31 10 3,20 14 3,21 12 3,35 10 3,29 11 3,26 12 3,37 12 3,23 12
10 3,35 9 3,37 9 3,34 12 3,37 9 3,33 11 3,35 10 3,36 9 3,47 8 3,31 9
11 3,48 7 3,56 6 3,36 9 3,56 7 3,37 9 3,61 6 3,44 8 3,47 8 3,48 7
12 2,50 14 2,63 14 2,33 13 2,44 14 2,59 14 2,45 14 2,52 14 2,37 14 2,55 14
13 3,31 11 3,28 11 3,36 9 3,23 11 3,43 7 3,20 13 3,34 10 3,44 10 3,27 11
14 3,78 1 3,81 1 3,75 1 3,79 3 3,77 1 3,76 3 3,79 1 3,89 1 3,74 1
So sánh F = 1,269 F = 1,221 F = 2,378 F = 0,223
tương quan Sig.= 0,537>0,05 Sig.= 0,491>0,05 Sig.= 0,500>0,05 Sig.= 0,328 >0,05

Ghi chú: Những biểu hiện về thái độ ĐHNN của SV


1. Hài lòng và thỏa mãn với ngành và nghề đang học
2. Thích thú với việc tiếp nhận những kiến thức về ngành và nghề đã chọn
3. Thích thú với việc tiếp nhận những kiến thức về ngành và nghề đã chọn
4. Hài lòng khi hoàn thành những nhiệm vụ học tập và thực hành được giao
80

5. Tích cực, tự giác hơn trong quá trình học tập


6. Coi trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị nghề nghiệp
7. Chủ động cập nhật các thông tin khoa học chuyên ngành
8. Chủ động quan sát và tìm kiếm những địa điểm thực tập/ hành nghề liên quan đến
nghề nghiệp đã chọn
9. Chủ động rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ
10. Chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
11. Chủ động, tích cực rèn luyện các phẩm chất của nhà Tâm lý
12. Tích cực trau dồi thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng
trong nghề nghiệp
13. Độc lập trong tư duy khi nhìn nhận và đánh giá vấn đề khoa học chuyên ngành
14. Tuân thủ những yêu cầu nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong thực hành
nghề.
a. Kết quả chung về biểu hiện thái độ của SV đối với các hoạt động ĐHNN
Xét kết quả ở bảng 2.24. những biểu hiện thái độ được SV lựa chọn như sau:
Mức độ thường xuyên (điểm TB từ 3,41 – 4,20) là các biểu hiện: Tuân thủ những
yêu cầu về nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong thực hành nghề (bậc 1/14);
Thích thú với việc tiếp nhận những kiến thức về ngành và nghề đã chọn (bậc 2/14),
Hài lòng khi hoàn thành những nhiệm vụ học tập và thực hành được giao (bậc 3/14);
Coi trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị nghề nghiệp (bậc 4/14); Hài lòng và thỏa
mãn với ngành và nghề đang học (bậc 5/14); Tích cực, tự giác hơn trong quá trình học
tập (bậc 6/14); Chủ động, tích cực rèn luyện các phẩm chất của nhà Tâm lý (bậc 7/14);
Thích thú với việc tiếp nhận những kiến thức về ngành và nghề đã chọn (bậc 8/14).
Mức độ thỉnh thoảng (điểm TB từ 2,61 – 3,40) là các biểu hiện: Chủ động bồi
dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn (bậc 9/14); Chủ động cập nhật các thông tin
khoa học chuyên ngành (bậc 10/14); Độc lập trong tư duy khi nhìn nhận và đánh giá
các vấn đề khoa học chuyên ngành (bậc 11/14); Chủ động rèn luyện chuyên môn
nghiệp vụ (bậc 12/14); Chủ động quan sát và tìm kiếm những địa điểm thực tập/ hành
nghề liên quan đến nghề nghiệp đã chọn (bậc 14/14).
81

Xếp bậc thấp nhất (14/14) với điểm TB = 2,50 nằm ở mức hiếm khi là biểu hiện
“Tích cực trau dồi thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng
trong nghề nghiệp”. Không có biểu hiện nào được SV lựa chọn ở mức độ cao nhất (rất
thường xuyên) và mức độ thấp nhất (chưa bao giờ).
Với kết quả xếp bậc và phân loại mức độ như trên ta thấy ở SV có sự ưu tiên lựa
chọn xếp bậc cao đối với các biểu hiện thái độ cụ thể trong quá trình học tập, thực tập,
rèn luyện khi ĐHNN cho bản thân. Điều đáng mừng ở đây là các biểu hiện thái độ này
được đánh giá ở mức độ thường xuyên, chứng tỏ SV rất nghiêm túc, tích cực trong học
tập và luôn cố gắng, phấn đấu vì nghề nghiệp trong tương lai của mình.
Tuy nhiên, việc xếp bậc thấp cuối bảng đối với biểu hiện “Tích cực trau dồi thế
giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng trong nghề nghiệp” với
điểm TB = 2,50 nằm ở mức hiếm khi, cho thấy ở SV chưa có sự tích cực và biểu hiện
cao đối với các hoạt động liên quan đến những kiến thức bổ trợ trong quá trình học
tập, thực tập, rèn luyện, ĐHNN. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan từ
phía nhận thức của SV và khách quan từ phía nội dung, cách thức truyền đạt những bộ
môn này. Thực tế, những kiến thức về thế giới quan, về tư tưởng tổng quát của các
trường phái khác nhau sẽ định hình nhân cách, tư duy của con người trong mọi hoạt
động. Do đó, có thái độ đúng đắn và hiểu biết chuyên sâu về vấn đề thế giới quan, về
các trường phái tư tưởng đa dạng sẽ giúp ích rất nhiều cho SV trong quá trình ĐHNN
và công tác chuyên môn sau này.
b. Kết quả so sánh về biểu hiện thái độ của SV đối với các hoạt động ĐHNN
Kết quả so sánh trung bình ở bảng 2.24. cho thấy ở cả 4 nhóm tham số nghiên
cứu: Trường (F=1,269; Sig.= 0,537); năm thứ (F= 1,221; Sig.= 0,491); giới tính (F=
2,378; Sig.= 0,500) và tham số hộ khấu (F= 0,223; Sig.= 0,328) đều có Sig.>0,05,
chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV Trường ĐHSP với SV trường
KHXHNV, giữa SV năm nhất với SV năm ba, giữa SV nam với SV nữ, giữa SV ở
TPHCM với SV ở tỉnh về biểu hiện thái độ đối với các hoạt động ĐHNN.
2.2.3.3. Mức độ yêu thích và ĐHNN cụ thể của SV chuyên ngành TLH
a. Kết quả chung về mức độ yêu thích và ĐHNN của SV chuyên ngành TLH
82

Nghề nghiệp thuộc chuyên ngành Tâm lý học ở Việt Nam là nghề có tính đặc
thù cao. Trong thế giới nghề nghiệp chuyên ngành TLH vô cùng phong phú, mỗi SV
định hướng cho mình một nghề nghiệp tương lai phù hợp với sở thích, năng lực và nhu
cầu của bản thân. Với mong muốn tìm hiểu những nghề nghiệp thuộc chuyên ngành
TLH được SV định hướng và yêu thích ở mức độ nào, người nghiên cứu tổng hợp 27
nghề nghiệp khái quát thành 5 nhóm nghề, mỗi nhóm gồm các nghề nghiệp cụ thể, với
5 mức độ lựa chọn khác nhau. [Câu 8, phụ lục 1, mẫu 1]. Kết quả được khái quát ở
bảng 2.25. và 2.26. như sau:
Bảng 2.25. Mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên ngành TLH
Nhóm nghề nghiệp TB ĐLC XB
Giảng dạy (giảng viên, giáo viên) 3,05 0,548 4
Nghiên cứu khoa học 3,06 0,487 3
Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ giúp) tâm lý 3,61 0,362 1
Quản lý, tổ chức, nhân sự 2,78 0,544 5
Các công việc khác 3,41 0,458 2

Theo kết quả bảng 2.25. cho thấy 5 nhóm nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH
đều có điểm TB tổng nằm ở mức khá yêu thích (điểm TB từ 2,78 đến 3,61> 2,61).
Trong số đó, nhóm nghề được SV lựa chọn nhiều nhất nằm ở mức khá yêu thích và
xếp bậc 1/5 (với tổng điểm TB = 3,61) là nhóm nghề “Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ
giúp) tâm lý”; Nhóm được yêu thích (xếp bậc 2/5) là nhóm nghề “Các công việc khác”
(với tổng điểm TB = 3,41); Tiếp đến, nhóm nghề được yêu thích (xếp bậc 3/5) là nhóm
nghề “Nghiên cứu khoa học” (với tổng điểm TB = 3,06); Còn lại là nhóm nghề “Giảng
dạy” với tổng điểm TB = 3,05 xếp bậc 4/5; Và nhóm nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự”
xếp bậc 5/5) với tổng điểm TB = 2,78.
Kết hợp kết quả tổng quan ở bảng 2.25. với kết quả cụ thể trong bảng 2.26. ta sẽ
hiểu rõ hơn về mức độ yêu thích các nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH của SV,
chi tiết bảng 2.26. như sau:
Bảng 2.26. Kết quả khảo sát ĐHNN qua mức độ yêu thích nghề nghiệp cụ thể

Stt Nhóm nghề nghiệp TB ĐLC XB


83

Giảng dạy (giảng viên, giáo viên)


1 Giảng dạy các học phần TLH trong các trường ĐH, CĐ, THCN 3,51 1,118 8
2 Giảng dạy môn Giáo dục công dân trường THCS, THPT 2,03 1,047 25
3 Giảng dạy kỹ năng sống 3,48 1,172 9
4 Giảng dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ, khuyết tật 3,17 1,180 19
Nghiên cứu khoa học
5 Cán bộ nghiên cứu khoa học 2,99 1,104 22
6 Cán bộ dự án phát triển cộng đồng 3,12 1,117 20
Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ giúp) tâm lý
Chuyên viên tham vấn học đường
3,69 1,006 5
7 (tại trường học: Tiểu học, THCS, THPT)
8 Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
3,63 0,958 6
(trường học, các trung tâm, tổ chức xã hội)
9 Cố vấn học tập (tại các trường ĐH, CĐ, THCN,...) 3,06 1,020 21
Cố vấn viên
10 (tham vấn/tư vấn cho các công ty, chương trình truyền hình,...) 3,29 1,016 15
Chuyên viên tư vấn tâm lý (tình yêu – hôn nhân – gia đình) qua
11
các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh,.. 3,91 1,081 4
Chuyên viên chẩn đoán Tâm lý
12
(tại bệnh viện, trung tâm, công ty chăm sóc sức khỏe tinh thần) 4,04 0,926 2
Chuyên viên tham vấn Tâm lý
13
(tại bệnh viện, công ty, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần) 4,11 0,856 1
Chuyên viên trị liệu Tâm lý
14
(tại bệnh viện, công ty, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần) 3,99 0,966 3
15 Nhân viên công tác xã hội 2,76 1,132 23
Quản lý, tổ chức, nhân sự
16 Cán bộ quản sinh 2,01 0,848 26
17 Cán bộ Đoàn, Đảng 2,06 0,958 24
18 Cán bộ tuyên giáo 2,00 0,920 27
19 Nhân viên quản trị nhân sự 3,38 1,210 13
20 Nhân viên marketting 3,29 1,212 15
21 Nhân viên thiết kế quảng cáo, ý tưởng 3,46 1,183 10
22 Nhân viên nghiên cứu thị trường (NC tâm lý khách hàng) 3,29 1,206 15
Các công việc khác
23 Diễn giả 3,43 1,285 11
24 MC, hoạt náo viên 3,26 1,324 18
25 Tổ chức các chương trình, sự kiện 3,59 1,262 7
26 Phóng viên báo đài 3,38 1,243 13
84

27 Viết kịch bản chương trình (cho đài truyền hình, gameshow,...) 3,40 1,248 12

Kết quả bảng 2.26. cho thấy những nghề nghiệp cụ thể thuộc ngành TLH được
SV lựa chọn tập trung ở mức khá yêu thích (TB từ 3,41 – 4,20), và mức yêu thích (TB
từ 2,61 – 3,40), cùng một số nghề nghiệp được SV chọn ở mức ít yêu thích. Hầu như
không có lựa chọn ở mức Rất yêu thích và không yêu thích. Cụ thể :
- Mức Khá yêu thích bao gồm những nghề được xếp lần lượt theo thứ bậc từ cao
xuống thấp là: bậc 1/27 - Chuyên viên tham vấn Tâm lý (tại bệnh viện, công ty, trung
tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần); bậc 2/27 - Chuyên viên chẩn đoán Tâm lý (tại bệnh
viện, trung tâm, công ty chăm sóc sức khỏe tinh thần); bậc 3/27 Chuyên viên trị liệu
tâm lý (tại bệnh viện, công ty, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần); bậc 4/27 -
Chuyên viên tư vấn tâm lý (tình yêu – hôn nhân – gia đình) qua các phương tiện thông
tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, các website); bậc 5/27 - Chuyên viên tham
vấn học đường (tại trường học: Tiểu học, THCS, THPT); bậc 6/27 - Chuyên viên tư
vấn hướng nghiệp (trường học, các trung tâm, tổ chức xã hội); bậc 7/27 - Tổ chức các
chương trình, sự kiện; bậc 8/27 - Giảng dạy kỹ năng sống; bậc 9/ 27 - Giảng dạy các
học phần TLH trong các trường ĐH, CĐ, THCN; bậc 10/27 - Nhân viên thiết kế quảng
cáo, ý tưởng và bậc 11/27 là nghề Diễn giả.
- Tiếp đó là những nghề được chọn ở mức Yêu thích: bậc 12/27 - Viết kịch bản
chương trình (cho đài truyền hình,...); bậc 13/27 - Phóng viên báo đài; bậc 14/27 -
Nhân viên quản trị nhân sự; bậc 15/27 - Nhân viên nghiên cứu thị trường; bậc 16/27 -
Nhân viên marketting; bậc 17/27 - Cố vấn viên (tham vấn/tư vấn cho các công ty,
chương trình truyền hình, gameshow thực tế,...); bậc 18/27 - Giảng dạy và chăm sóc
trẻ tự kỷ, khuyết tật; bậc 19/20 - MC, hoạt náo viên; bậc 20/27 - Cán bộ dự án phát
triển cộng đồng; bậc 21/27 - Cố vấn học tập (trường ĐH, CĐ, THCN,...); bậc 22/27 -
Cán bộ nghiên cứu khoa học và bậc 23/27 - Nhân viên công tác xã hội.
- Những nghề được SV lựa chọn ở mức Ít yêu thích như: bậc 24/27 - Cán bộ
Đoàn, Đảng; bậc 25/27 - Giảng dạy môn Giáo dục công dân trường THCS, THPT; bậc
26/27 - Cán bộ quản sinh; bậc 27/27 - Cán bộ tuyên giáo.
85

Như vậy, với kết quả khảo sát trên cho ta thấy việc ĐHNN của SV với các nhóm
nghề TLH luôn ở mức khá yêu thích. Nhóm nghề được yêu thích nhất là tư vấn, tham
vấn và trị liệu. Sự lựa chọn này của SV thể hiện nhu cầu rất thực tế trong xã hội hiện
nay. Xã hội càng phát triển con người càng đối diện với những vấn đề tâm lý phát
sinh. Nguồn lực chuyên viên tham vấn, trị liệu đang rất thiếu hụt ở các trung tâm, cơ
sở, bệnh viện. Bên cạnh đó, tuy cũng ở mức yêu thích nhưng việc chọn và xếp nhóm
nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự” ở cuổi bảng xếp hạng trong số 5 nhóm nghề cũng cho
chúng ta một góc nhìn khác của lớp trẻ về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH.
Theo bạn N.P.S. (SV lớp TLH K04, Trường ĐH KHXHNV) chia sẻ: “Tuy các nghề
thuộc mảng quản lý và tổ chức nhân sự nghe có vẻ hấp dẫn và thú vị hơn các nhóm
nghề khác nhưng các nghề thuộc nhóm này rất kén người làm, thị trường lao động lại
khắt khe khi tuyển dụng nên cơ hội việc làm thấp hơn so với việc xin vào làm tham
vấn, trị liệu ở những cơ quan, ban ngành khác.”.
Mặc khác cũng nằm trong nhóm nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự” nhưng lại nhận
được rất ít sự yêu thích và xếp bậc ở mức thấp, gần cuối bảng xếp hạng, đó là nghề
“Cán bộ quản sinh”, “Cán bộ Đoàn, Đảng” và “Cán bộ tuyên giáo ”. Nhận xét về điều
này, Cô L.T.H (Giảng viên Khoa TLH, Trường KHXHNV TPHCM) chia sẻ “Hiện
nay, một số SV tốt nghiệp chuyên ngành TLH chưa tìm được việc làm đều hướng đến
các trường cấp 2, cấp 3 làm công việc quản lý học sinh, kiêm luôn cán bộ phụ trách
các hoạt động Đoàn, Đảng cho trường; hoặc làm việc tại các trung tâm cai nghiện,
trung tâm giáo dục thường xuyên. Những công việc này đang rất cần nguồn nhân lực
có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về TLH. Tính chất của các công việc này phải
kiêm luôn nhiều việc nên khá vất vả. Thường thì các SV nhận làm tạm thời, đợi khi có
cơ hội thì đổi việc”. Qua đó các SV chuyên ngành TLH thể hiện được sự tích cực, chủ
động của mình với những vấn đề thuộc nghề nghiệp tương lai của bản thân. Đó là một
dấu hiệu rất đáng mừng.
b. Kết quả so sánh ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên
ngành TLH của SV theo các tham số nghiên cứu
Kết quả so sánh theo các tham số nghiên cứu thể hiện ở bảng 2.27. (Phụ lục 4)
86

+ So sánh sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên
ngành TLH giữa SV Trường ĐHSP và Trường ĐH KHXHNV
Kết quả bảng 2.27. (phụ lục 4) cho thấy giữa SV Trường ĐHSP TPHCM và SV
KHXHNV có sự tương đồng ở việc lựa chọn các nghề nghiệp thuộc nhóm nghề “Tư
vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý” ở mức yêu thích nhất, xếp bậc cao nhất.
Bên cạnh đó, thực hiện so sánh trung bình theo các tham số được kết quả ở
bảng 2.27. (phụ lục 4) với phần so sánh tương quan giữa SV Trường ĐHSP và SV
Trường KHXHNV như sau: F = 1,409 và Sig.= 0,000 <0,05 chứng tỏ có sự khác biệt
ý nghĩa về ĐHNN và mức độ yêu thích các nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH
giữa SV Trường ĐHSP TPHCM và SV Trường KHXHNV. Sự khác biệt thể hiện khái
quát ở mức độ yêu thích và việc ưu tiên xếp bậc các nhóm nghề. Tương ứng với vị trí
xếp bậc từ cao xuống thấp các nhóm nghề còn lại của hai trường là:
- Trường KHXHNV: + Xếp bậc 2/5 là nhóm nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự”
+ Xếp bậc 3/5 là nhóm nghề “Nghiên cứu khoa học”
+ Xếp bậc 4/5 là nhóm “Giảng dạy (giảng viên, giáo viên)”
+ Xếp cuối cùng ở mức 5/5 là nhóm “Các công việc khác”
- Trường ĐHSP : + Xếp bậc 2/5 là nhóm nghề “Các công việc khác”.
+ Xếp bậc 3/5 là nhóm “Giảng dạy (giảng viên, giáo viên)”
+ Xếp bậc 4/5 là nhóm nghề “Nghiên cứu khoa học”
+ Xếp bậc cuối cùng 5/5 là nhóm “Quản lý, tổ chức nhân sự”
Sự khác biệt thể hiện rõ nhất là ở hai nhóm nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự” và
nhóm “Các công việc khác”.
- Ở nhóm nghề “Quản lý, tổ chức nhân sự”, các nghề nghiệp thuộc nhóm này
được các SV trường KHXHNV yêu thích hơn và xếp bậc cao hơn so với SV trường
ĐHSP TPHCM. Sự khác biệt về bậc xếp hạng của các nghề nghiệp thuộc nhóm này cụ
thể như sau: nghề “Nhân viên quản trị nhân sự”, “Nhân viên thiết kế, quảng cáo ý
tưởng”, “Nhân viên nghiên cứu thị trường – nghiên cứu tâm lý khách hàng” và “Nhân
viên marketing” lần lượt được SV KHXHNV xếp bậc cao ở mức khá yêu thích (bậc 7;
bậc 8; bậc 9 và bậc 11). Trong khi đó, cũng với các nghề trên được SV ĐHSP TPHCM
xếp bậc ở mức thấp hơn rất nhiều (bậc 15; bậc 14; bậc 18 và 17).
87

Theo chuyên ngành đào tạo chính của trường ĐH KHXHNV là đào tạo chuyên
ngành TLH tham vấn trị liệu và TLH quản lý, tổ chức nhân sự, còn trường ĐHSP
TPHCM thì đào tạo chuyên về TLH xã hội và TLH tham vấn. Kết quả này cho thấy
suy nghĩ bước đầu trong ĐHNN của SV có phần tương ứng với mục đích đào tạo và
chuẩn đầu ra đặc trưng của trường mình chọn học. Đây cũng được xem là thành công
khởi đầu trong ĐHNN cho SV của các trường trong quá trình đào tạo. Điều này cũng
tương đồng với ý kiến chia sẻ của Thầy N.X.Đ. (Trưởng Khoa TLH của Trường ĐH
KHXHNV TPHCM): “Hiện tại chưa thống kê đầy đủ và chính xác con số cụ thể,
nhưng theo điều tra sơ bộ, hầu hết SV ra trường đều có việc làm đúng với ngành nghề.
Đa phần SV chuyên ngành TLH của trường làm công việc tham vấn, trị liệu tại các
trung tâm bảo trợ xã hội, các bệnh viện và các tổ chức phi chính phủ. Một số em khác
học thêm những chứng chỉ kinh tế và làm ở phòng nhân sự trong một số công ty”.
Cũng tương ứng với đặc trưng đào tạo của từng trường, ở nhóm nghề “Các công
việc khác” lại được SV Trường ĐHSP TPHCM yêu thích hơn và xếp bậc cao hơn rất
nhiều so với SV Trường KHXHNV. Cụ thể: nghề “Tổ chức các chương trình, sự
kiện”, nghề “Diễn giả”, nghề “Viết kịch bản chương trình (cho truyền hình, gameshow
thực tế”, “Phóng viên báo đài” và “MC, hoạt náo viên” lần lượt được SV ĐHSP
TPHCM xếp bậc khá cao (bậc 4, bậc 8, bậc 10, bậc 12, và bậc 13). Trong khi đó, SV
KHXHNV xếp lần lượt các nghề trên ở bậc thấp hơn rất nhiều (bậc 15; bậc 20; bậc 21;
bậc 19 và 23). Kết quả này cho thấy ĐHNN của SV chuyên ngành TLH trường ĐHSP
TPHCM thiên về hướng các nhóm nghề TLH mới, mang tính chất ứng dụng, tự do hơn
so với các công việc chuyên ngành chính.
Sự ĐHNN này một mặt thể hiện nội dung đào tạo đặc trưng của Trường ĐHSP.
Mặc khác kết quả cũng nói lên sức ảnh hưởng rất lớn về mặt ĐHNN đối với các SV
chuyên ngành TLH của trường là dựa theo các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp chuyên
môn đặc trưng và dựa theo mức độ thành công trong ngành của các Thầy Cô giảng dạy
TLH ở Khoa Tâm lý – Giáo dục và các anh chị tốt nghiệp các khóa trước của trường
ĐHSP TPHCM. Điều này cũng tương ứng đúng với lí do ban đầu khi chọn học chuyên
ngành TLH. Thêm vào đó, ở bảng 2.9. phần so sánh lí do thi tuyển và chọn học giữa
SV trường ĐHSP và SV KHXHNV, lí do “Thần tượng người thành công trong ngành”
được SV ĐHSP lựa chọn cao hơn (chiếm 26,1%), nhiều hơn so với sự lựa chọn của SV
KHXHNV (chỉ chiếm 17,9%). Với số liệu này một lần nữa nhấn mạnh ĐHNN của SV
88

luôn chịu ảnh hưởng bởi nội dung chương trình đào tạo và tên tuổi, tiếng tăm hình mẫu
của những thành phần quan trọng đứng đầu ngành TLH đại diện cho mỗi trường.
+ So sánh sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc
chuyên ngành TLH giữa SV năm thứ nhất và SV năm thứ ba
So sánh trung bình sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề
thuộc ngành TLH giữa SV năm nhất và SV năm ba thể hiện ở bảng 2.27. phần so sánh
tương quan theo tham số năm thứ cho thấy: F = 0,692 và Sig.=0,719 >0,05, chứng tỏ
không có sự khác biệt. Như vậy, có sự tương đồng về ĐHNN và mức độ yêu thích, xếp
bậc các nhóm nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH giữa SV năm nhất và SV năm ba.
+ So sánh sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc
chuyên ngành TLH giữa SV nam và SV nữ
So sánh trung bình sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề
thuộc chuyên ngành TLH giữa SV nam và SV nữ. Kết quả kiểm định thể hiện ở bảng
2.27. với F = 0,315 và Sig. = 0,029 <0,05 chứng tỏ có sự khác biệt giữa SV nam và
SV nữ về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên ngành TLH. Sự
khác nhau này thể hiện rõ nét qua thứ tự xếp bậc các nghề nghiệp cụ thể trong 5 nhóm
nghề của hai giới, như sau:
- Nhóm “Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ giúp tâm lý)” có sự khác biệt lớn giữa các
nghề cụ thể như “Chuyên viên tham vấn học đường”, “Chuyên viên tư vấn hướng
nghiệp”, “Cố vấn học tập ở các cấp trường”, “Cố vấn viên cho các công ty, chương
trình truyền hình,…”. Những nghề nghiệp này được các SV nam yêu thích và xếp bậc
cao hơn (lần lượt ở các bậc 2; 5; 10; 11 và bậc 6). Trong khi đó các SV nữ lại ít yêu
thích và xếp bậc thấp hơn (lần lượt là bậc 6; 7; 17 và bậc 22).
- Tiếp theo, đến với nhóm nghề được yêu thích nhiều nhưng cũng có sự khác
biệt lớn là nhóm “Các công việc khác” với các nghề cụ thể như: “Tổ chức các chương
trình, sự kiện”; “Viết kịch bản chương trình cho đài truyền hình, gameshow thực tế” và
“Phóng viên báo đài” được các SV nữ yêu thích và xếp bậc cao hơn (bậc 5; 10 và bậc
12) so với các SV nam (bậc 12, 19 và 20). Đây là nhóm nghề đòi hỏi khả năng vận
dụng kiến thức TLH cao vào phân tích, lí giải các tình huống cụ thể trong cuộc sống.
Các nghề nghiệp này cũng thiên về hướng ứng dụng của chuyên ngành TLH, giúp các
89

SV phát huy được thế mạnh văn chương và khả năng viết, vốn là nền tảng ngay từ
khâu thi tuyển đầu vào (thi tuyển đầu vào khối C, D1).
Trong quá trình phỏng vấn, người nghiên cứu cũng đã nhận được chia sẻ của
nhiều bạn SV nữ (chủ yếu là SV chuyên ngành TLH trường ĐHSP TPHCM), đại diện
là bạn V.T.T.T (SV lớp TLH K39, Trường ĐHSP TPHCM) với nội dung chủ yếu cho
biết: “Thầy cô và các anh chị trong khoa thường gợi ý và khuyến khích tụi em đọc
nhiều, viết nhiều, nên ngoài giờ học trên lớp, em thường lân la trên các trang báo
mạng tìm hiểu và cộng tác viết bài cho những trang báo đó để rèn khả năng cảm nhận,
phân tích tâm lý và rèn thêm kỹ năng viết của mình.”. Vốn dĩ các bạn nữ thường nhạy
cảm, tinh tế và sâu sắc hơn, đặc biệt là trong những vấn đề về tâm lý nên có xu hướng
làm những công việc liên quan đến khả năng viết nhiều hơn SV nam. Có thể nói đây là
điều hiển nhiên thể hiện thế mạnh của các SV nữ.
+ So sánh sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc
chuyên ngành TLH giữa SV ở TPHCM và SV ở tỉnh
So sánh trung bình sự khác biệt về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề
thuộc chuyên ngành TLH giữa SV ở TPHCM và SV ở tỉnh thể hiện kết quả ở bảng
2.27. (phụ lục 4) phần so sánh tham số hộ khẩu, được F = 0,174 và Sig. = 0,031
<0,05. Số liệu chứng tỏ có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV ở TPHCM và SV ở tỉnh về
ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên ngành TLH. Sự khác biệt
này thể hiện ở sự chênh lệch thứ bậc các nghề nghiệp cụ thể.
- Ở nhóm nghề được yêu thích nhất “Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ giúp) tâm
lý” có sự chênh lệch thứ bậc khá cao giữa nghề “Cố vấn viên cho các công ty, chương
trình truyền hình,…” và nghề “Cố vấn học tập tại các cấp trường (ĐH, CĐ, THCN)”.
Hai lĩnh vực nghề này được SV ở thành phố yêu thích, xếp bậc (7 và 18), cao hơn so
với sự xếp bậc của SV ở tỉnh (bậc 18 và 22). Do thiếu thốn về các phương tiện học tập
và các điều kiện khác nên hai lĩnh vực nghề nghiệp này còn khá mới mẻ và lạ lẫm với
các bạn SV ở tỉnh. Chính vì vậy mà các SV ở tỉnh lựa chọn mức xếp hạng các nghề
này thấp hơn so với các SV ở TPHCM.
- Nhóm nghề được yêu thích và có sự khác biệt tiếp theo là “Quản lý, tổ chức
nhân sự”. Trong đó, sự khác biệt thể hiện rõ nét ở nghề “Nhân viên quản trị nhân sự”
90

và nghề “Nhân viên marketing” được SV ở tỉnh yêu thích và xếp bậc cao hơn (bậc 9
và bậc 14) so với sự lựa chọn, xếp bậc rất thấp (bậc 21 và bậc 22) của SV ở TPHCM.
Nguyên do là vì các SV ở TPHCM có điều kiện tham dự các hội thảo, các buổi tọa
đàm về nghề nghiệp thường xuyên, nên cập nhật được xu hướng nghề nghiệp và nắm
được tình hình thuận lợi, khó khăn của các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể hơn. Họ lựa
chọn và xếp bậc nghề “Nhân viên quản trị nhân sự” và nghề “Nhân viên marketing”
thấp là vì đây là nhóm nghề rất kén người làm, đòi hỏi cao và thị trường tuyển dụng
lao động này cũng hết sức khó khăn. Trong khi đó các SV ở tỉnh lẻ thì vẫn chịu ảnh
hưởng, thậm chí ảo tưởng bởi quan niệm hễ học và làm những nghề gì liên quan đến
kinh tế, quản lý là sẽ dễ kiếm được thu nhập cao.
Như vậy, kết quả so sánh tương quan về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm
nghề thuộc chuyên ngành TLH của SV theo các tham số nghiên cứu ở bảng 2.27. với
mức xác xuất ý nghĩa α = 0,05 cho thấy có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV trường ĐHSP
và SV trường KHXHNV, giữa SV nam và SV nữ, cũng như giữa SV ở TPHCM và SV
ở các tỉnh thành khác; chỉ duy nhất không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV năm thứ
nhất và SV năm thứ ba về ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề thuộc chuyên
ngành TLH.
2.2.4. Biểu hiện hành vi về ĐHNN của SV
2.2.4.1. Biểu hiện hành vi ĐHNN của SV
Để tìm hiểu mức độ biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH, người
nghiên cứu đã khái quát thành 21 biểu hiện, khảo sát trên toàn mẫu với thang đo 5 mức
độ từ chưa bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng đến thường xuyên và rất thường xuyên
(Câu 16, phụ lục 1, mẫu 2). Kết quả cụ thể như sau:
a. Kết quả chung biểu hiện hành vi ĐHNN của SV
Bảng 2.28. Kết quả chung biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH
Stt Hành vi ĐTB ĐLC XB
1 Đi học đầy đủ, đúng giờ 3,87 0,815 1
2 Tập trung nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ 3,80 0,778 2
3 Tích cực phát biểu, xây dựng bài 3,21 0,863 11
4 Tham gia tích cực các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ của lớp, 3,53 0,846 5
91

của khoa và trường tổ chức


5 Tham gia hiệu quả các giờ học thực hành ở lớp và các hoạt 3,59 0,804 4
động ngoại khóa liên quan
6 Lập kế hoạch học tập rõ ràng, thực hiện kế hoạch nghiêm túc 3,24 0,909 10
7 Tìm đọc thêm sách, báo, tài liệu có liên quan đến chuyên ngành 3,28 0,873 7
8 Tích cực trao đổi, tranh luận với bạn bè, thầy cô về những vấn 3,26 0,893 9
đề chưa hiểu rõ
9 Hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện 3,67 0,807 3
10 Tìm hiểu trước nội dung môn học mới qua tài liệu, thầy cô 2,94 0,930 17
11 Thu thập những thông tin liên quan đến ngành và nghề 3,28 0,942 7
12 Tìm hiểu, phân tích kỹ nội dung, đặc điểm, yêu cầu và cơ hội 3,15 0,758 12
của ngành và nghề
13 Áp dụng kiến thức học được vào việc lý giải những vấn đề có 3,48 0,747 6
liên quan đến ngành và nghề
14 Tham gia thành lập các nhóm học tập và thực hành nghề 3,08 1,006 13
nghiệp chuyên môn
15 Tham gia các buổi hội họp, gặp mặt truyền thống với cựu sinh 3,03 0,964 14
viên các khóa học trước
16 Đăng ký tham gia các khóa học chuyên sâu về ngành và nghề 2,55 1,023 21
17 Tiếp cận, giao lưu và thiết lập mối quan hệ với Thầy Cô và 2,73 0,957 19
những gương thành công trong ngành
18 Nhờ Thầy cô, gương thành công trong ngành tư vấn, định 2,75 1,074 18
hướng nghề
19 Làm các trắc nghiệm (sở thích/ năng lực/ tính cách) để định 3,03 1,177 14
hướng nghề
20 Tham dự các buổi tọa đàm, các cuộc hội thảo về ngành 2,95 1,065 16
21 Tiếp cận, tham quan những cơ sở, đơn vị hành nghề thực tế 2,57 1,088 20

Kết quả ở bảng 2.28. cho thấy biểu hiện hành vi ĐHNN của SV không có biểu
hiện nào nằm ở mức thấp nhất - chưa bao giờ (TB từ 1,00 – 1,80) và mức cao nhất –
rất thường xuyên (TB từ 4,21 – 5,00) chủ yếu tập trung ở 3 mức còn lại, cụ thể:
- Mức độ thường xuyên (TB từ 3,41 – 4,20) tập trung các biểu hiện xếp ở bậc
cao: bậc 1/21 - Đi học đầy đủ, đúng giờ; bậc 2/21 - Tập trung nghe giảng và ghi chép
bài đầy đủ; bậc 3/21 - Hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện; bậc 4/21 -
Tham gia hiệu quả các giờ học thực hành ở lớp và các hoạt động ngoại khóa liên quan;
bậc 5/21 - Tham gia tích cực các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ của lớp, của khoa và
92

trường tổ chức; bậc 6/21 - Áp dụng kiến thức học được vào việc lý giải những vấn đề
có liên quan đến nghề nghiệp thuộc chuyên ngành.
- Mức độ thỉnh thoảng (TB từ 2,61 – 3,40) gồm các biểu hiện: bậc 7/21 - Tìm
đọc thêm sách, báo, tài liệu có liên quan đến chuyên ngành; đồng hạng 7/21 - Thu thập
những thông tin liên quan đến ngành nghề; bậc 9/21 - Tích cực trao đổi, tranh luận với
bạn bè, thầy cô về những vấn đề chưa hiểu rõ; bậc 10/21 - Lập kế hoạch học tập rõ
ràng, thực hiện kế hoạch nghiêm túc; bậc 11/21 - Tích cực phát biểu, xây dựng bài;
bậc 12/21 - Tìm hiểu, phân tích kỹ nội dung, đặc điểm, yêu cầu và cơ hội của ngành –
nghề; bậc 13/21 - Tham gia thành lập các nhóm học tập và thực hành nghề nghiệp
chuyên môn; bậc 14/21 - Tham gia các buổi hội họp, gặp mặt truyền thống với cựu
sinh viên các khóa học trước; cùng bậc 14/21 - Làm các trắc nghiệm (sở thích/ năng
lực/ tính cách) để định hướng nghề; bậc 16/21 - Tham dự các buổi tọa đàm, các cuộc
hội thảo về ngành - nghề; bậc 17/21 - Tìm hiểu trước nội dung môn học mới qua tài
liệu, thầy cô; bậc 18/21 - Nhờ Thầy cô, gương thành công trong ngành tư vấn, định
hướng nghề; bậc 19/21 - Tiếp cận, giao lưu và thiết lập mối quan hệ với Thầy Cô và
những gương thành công trong ngành học.
- Mức độ hiếm khi (TB từ 1,81 – 2,60): bậc 20/21 - Tiếp cận, tham quan những
cơ sở, đơn vị hành nghề thực tế; bậc 21/21 - Đăng ký tham gia các khóa học chuyên
sâu về ngành học.
Với kết quả thể hiện ở bảng 2.28. cho thấy SV thực hiện thường xuyên với các
các hoạt động học tập và rèn luyện ở lớp và các hoạt động đội nhóm. Còn các biểu
hiện hành vi ĐHNN cần có sự hỗ trợ từ đối tượng bên ngoài thì chỉ ở mức thỉnh
thoảng, chiếm hơn 50% các biểu hiện (trong số 21 biểu biện có 13 biểu hiện nằm ở
mức này). Đặc biệt, ở mức độ hiếm khi có 2 biểu hiện “Tiếp cận, tham quan những cơ
sở, đơn vị hành nghề thực tế” (TB=2,57, bậc 20/21) và biểu hiện hành vi “Đăng ký
tham gia các khóa học chuyên sâu về nghề nghiệp” (điểm TB=2,55, bậc cuối bảng
21/21). Hai hành vi này được xếp bậc thấp bởi nhiều lí do, trong đó có những lí do liên
quan đến khả năng tài chính, các mối quan hệ và sự hỗ trợ từ nhà trường và các cơ
quan ban ngành liên quan. Có thể hiểu thêm về điều này qua các chia sẻ:
- Bạn P.M.A (SV lớp TLH K04, trường ĐH KHXHNV) chia sẻ:“Lúc chọn
chuyên ngành, em chọn chuyên ngành TLH tham vấn, trị liệu. Ở trường em đã được
học những môn chuyên sâu về chuyên ngành này. Nhưng em được biết ở bên ngoài có
93

rất nhiều lớp học, hội thảo, chuyên đề rất hay và hữu ích về ngành của mình, được các
thầy cô có chuyên môn, tiếng tăm ngành TLH trong và ngoài nước tổ chức. Thật sự
em bị cuốn hút và muốn đi đến những nơi đó để tham dự và học hỏi thêm. Nhưng chi
phí đắt quá, dù có miễn giảm đi nữa, SV như em cũng không đủ khả năng tài chính
tham dự”. Ý kiến này cũng là ý kiến chung của nhiều bạn SV khác. Họ đam mê, hứng
thú với nghề nhưng gặp nhiều khó khăn, rào cản về vật chất trong quá trình theo đuổi,
định hướng nghề. Thiết nghĩ nhà trường và các cơ quan ban ngành nên có sự phối hợp,
trợ giúp kịp thời, tạo thêm điều kiện để SV được tiếp cận với thực tế nghề, trau dồi
thêm kiến thức chuyên môn, từ đó ĐHNN tốt hơn.
a. So sánh biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH theo các tham
số nghiên cứu
Kết quả so sánh tương quan về các biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên
ngành TLH theo các tham số nghiên cứu ở bảng 2.29. (Phụ lục 4), với mức xác xuất ý
nghĩa α = 0,05 giữa SV trường ĐHSP và SV trường KHXHNV (F=0,641; Sig.=
0,653), giữa SV năm nhất và SV năm ba (F = 0,349; Sig.= 0,172), giữa SV nam và SV
nữ (F=0,000; Sig.=0,604), cũng như giữa SV ở TPHCM và SV ở các tỉnh khác
(F=0,067; Sig.= 0,511) cho thấy Sig.> 0,05 chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa.
2.2.4.2. Sự kiên định của sinh viên đối với ngành TLH
a. Kết quả chung về sự kiên định của sinh viên đối với ngành TLH
Bảng 2.30. Sự kiên định của SV đối với ngành TLH
Sự kiên định đối với ngành và nghề TLH
Tổng hợp Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
chung SP NV Năm 1 Năm 3 Nam Nữ TP Tỉnh

Ý kiến % % % % % % % % %
Chọn lại 6,1 7,5 4,2 7,6 4,1 14,3 3,9 10,5 4,7
Phân vân 24,5 21,6 28,4 28,3 19,4 18,4 26,1 22,8 25,0
Không chọn lại 69,4 70,9 67,4 64,1 76,5 67,3 70,0 66,7 70,3

Kết quả so sánh F= 0,283 F= 10,976 F= 10,656 F= 4,776


tương quan Sig.=0,973>0,05 Sig.=0,040<0,05 Sig.=0,254>0,05 Sig.=0,342>0,05
94

Kết quả ở bảng 2.30. cho thấy có 69,4% SV vẫn kiên định với ngành mình đã
chọn, tuy nhiên có 24,5% SV phân vân với ngành. Đặc biệt tỉ lệ 6,1% SV cho thấy vẫn
có SV quyết định chọn lại ngành khác nếu có điều kiện và cơ hội. Tuy là con số nhỏ
nhưng rất đáng lưu ý vì nếu không có ý định duy trì theo đuổi ngành mà vẫn tiếp tục
học tập thì sẽ rất lãng phí công sức, tiền bạc và thời gian của SV và của nhà đào tạo.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra của ngành.
Hệ lụy kéo theo đó là sẽ ảnh hưởng nhiều đến xã hội nói chung và cá nhân những đối
tượng sử dụng những dịch vụ tâm lý nói riêng. Dó đó, cần có biện pháp sàng lọc lại số
lượng và chất lượng SV để đáp ứng đặc trưng của ngành TLH.
b. Kết quả so sánh sự kiên định của SV đối với ngành TLH
So sánh trung bình với mức xác xuất ý nghĩa α = 0,05 ở bảng 2.30. kết quả so
sánh tương quan về sự kiên định của SV đối với ngành nghề TLH theo các tham số
nghiên cứu cho thấy có 3 nhóm tham số đều có Sig.>0,05: tham số Trường (F= 0,283;
Sig.= 0,973); tham số giới tính (F= 10,656; Sig. = 0,254); tham số hộ khẩu (F= 4,776;
Sig. = 0,342) chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV trường ĐHSP và SV
trường KHXHNV, giữa SV nam và SV nữ, cũng như giữa SV ở TPHCM và SV ở các
tỉnh thành khác.
Duy chỉ có phần so sánh tương quan theo tham số năm thứ (với kết quả F=
10,656 và Sig.=0,040< 0,05) là có sự khác biệt ý nghĩa về sự kiên định của SV năm
nhất và SV năm ba đối với ngành TLH. Sự khác biệt thể hiện cụ thể ở ý kiến chọn lại
ngành khác được SV năm nhất lựa chọn với tỉ lệ cao hơn (7,6%) so với SV năm ba
(4,1%) và ý kiến phân vân (lưỡng lự giữa việc theo đuổi, duy trì ngành học với việc
đổi ngành) cũng được SV năm nhất lựa chọn với tỉ lệ cao hơn (28,3%) so với SV năm
ba (19,4%). Sở dĩ có kết quả này là do các bạn SV năm nhất mới vào học những môn
đại cương và những môn cơ sở ngành ở các học kì đầu, chưa được học kiến thức
chuyên ngành TLH nên cảm thấy chán.
Mặt khác, một số bạn ngay từ đầu chọn học cũng không thật sự yêu thích, say mê
nghề. Qua phỏng vấn cũng nhận được chia sẻ từ một số SV có ý kiến tương tự, bạn
B.T.H (SV lớp TLH K06, trường ĐH KHXHNV) chia sẻ: “học được nửa năm, em
95

thấy mình không hợp với ngành, em dự định sắp tới sẽ vừa học, vừa tự ôn tập để thi
vào ngành khác. Nếu đậu thì học ngành mới, rớt thì học tiếp ngành hiện tại”.
2.2.5. Mối tương quan giữa nhận thức, thái độ và hành vi trong hoạt động ĐHNN
của SV chuyên ngành TLH
Để xác định mối tương quan giữa ba mặt nhận thức, thái, độ và hành vi trong quá
trình ĐHNN, người nghiên cứu đã tổng hợp kết quả cho từng mặt. Cụ thể, điểm xác
định mức độ nhận thức là tổng điểm TB xác định nhận thức của SV về những đặc
điểm của ngành và nghề TLH (tổng điểm TB = 3,43). Điểm xác định thái độ là tổng
điểm xác định các biểu hiện thái độ đối với các hoạt động trong quá trình ĐHNN (tổng
điểm TB = 3,41). Tương tự, điểm xác định hành vi ĐHNN là tổng điểm SV thực hiện
các hoạt động cụ thể để ĐHNN cho bản thân (tổng điểm TB= 3,06). Kết quả thể hiện ở
bảng 2.31. như sau:
Bảng 2.31. Mối tương quan giữa ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi
Nhận thức Thái độ Hành vi
Các yếu tố Giá trị tương Sig. Giá trị tương Sig. Giá trị tương Sig.
quan r quan r quan r
Nhận thức 1
Thái độ 0,217** 0,001 1
Hành vi 0,196** 0,003 0,732** 0,000 1
Ghi chú: Kết quả (**) là sự khác biệt có ý nghĩa với α=0,01 qua kiểm nghiệm Pearson.

Kết quả tương quan thể hiện ở bảng 3.31. cho thấy:
Kết quả tương quan giữa nhận thức và thái độ, với r = 0,217 và sig.= 0,001<0,01
thể hiện mối tương quan thuận nhưng không chặt. Có nghĩa là nhận thức của SV về
đặc điểm ngành và nghề TLH và biểu hiện thái độ của SV trong quá trình ĐHNN
không có sự khác biệt. Điều này chứng tỏ khi tác động vào nhận thức của SV để SV
nhận thức càng đúng đắn thì biểu hiện thái độ ĐHNN của SV càng trở nên tích cực.
Thực trạng khảo sát cũng cho thấy có sự thống nhất về nhận thức ngành và nghề TLH
với biểu hiện thái độ ĐHNN, ở chỗ: SV nhận thức TLH là ngành thực tế, giúp ích
được nhiều cho xã hội, yêu cầu cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng nên các SV có thái độ rất
96

tích cực, chủ động trong quá trình ĐHNN. Họ nghiêm túc tuân thủ những yêu cầu về
nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong thực hành nghề. Bên cạnh đó, SV còn tỏ thái
độ thích thú với việc tiếp nhận các kiến thức mới của ngành và cảm thấy hài lòng khi
nỗ lực, cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ học tập, thực hành nghề nghiệp được giao.
Kết quả tương quan giữa nhận thức và hành vi với r = 0,196 và sig.= 0,003 <
0,01 thể hiện mối tương quan thuận nhưng không chặt. Điều này cũng có nghĩa là khi
tác động đến nhận thức của SV để nâng cao nhận thức đúng đắn hơn thì biểu hiện hành
vi ĐHNN của SV cũng trở nên tích cực hơn. Kết quả khảo sát thực trạng cũng đã thể
hiện rất rõ ràng điều này.
Các biểu hiện về thái độ ĐHNN có mối tương quan chặt chẽ với các biểu hiện về
hành vi ĐHNN của SV, với kết quả r = 0,732 và sig. = 0,000. Đây cũng là giá trị cao
nhất trong hệ thống quan hệ tương quan giữa ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi
ĐHNN của SV chuyên ngành TLH. Hành vi luôn là yếu tố khó ghi nhận nhất trong
nghiên cứu tâm lý nói chung và nghiên cứu ĐHNN nói riêng. Kết quả này chứng tỏ
những SV có thái độ tích cực, chủ động trong quá trình ĐHNN thì hành vi thực hiện
các hoạt động ĐHNN cụ thể như học tập, thực tập, rèn luyện,... cũng được thực hiện
tích cực, thường xuyên hơn. Điều này cũng chỉ ra thái độ ĐHNN tích cực sẽ tạo động
lực thúc đẩy các hoạt động ĐHNN tích cực hơn.
Tóm lại, kết quả đã chỉ ra: nhận thức, thái độ, hành vi trong quá trình ĐHNN của
SV có mối liên hệ với nhau. Từ đó cho thấy, muốn nâng cao khả năng ĐHNN của SV
thì phải tác động đồng thời trên cả ba mặt: nhận thức, thái độ, hành vi. Khi SV nhận
thức được một cách đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động nghề nghiệp và có thái độ
tích cực đối với nó thì mới có thể chủ động trong học tập, rèn luyện và trog các hoạt
động, thực hành, thực tập để phát triển bản thân, ĐHNN và duy trì, phát triển nghề
nghiệp trong tương lai.
2.3. Nguyên nhân thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH
2.3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV
2.3.1.1. Kết quả chung về các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của sinh viên
Kết quả chung về các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV chuyên ngành TLH
được thể hiện ở bảng 2.32. như sau:
97

Bảng 2.32. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của SV

Nội dung các yếu tố chủ quan TB ĐLC XB TỔNG


ĐTB
Sở thích, hứng thú của bản thân 4,28 0,748 1
Tính cách của bản thân 4,17 0,718 2
Muốn hoàn thiện nhân cách của bản thân (giúp bản thân 4,08 0,841 3
giải quyết khó khăn tâm lý)
Niềm tin vào ngành 4,06 0,823 4
Năng lực của bản thân với ngành 4,03 0,808 5
Muốn khám phá và hiểu thêm về bản thân (Bản thân có 3,96 0,855 6
vấn đề tâm lý) 3,83
Muốn thử thách bản thân 3,69 0,934 7
Nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ mọi người (trước hết là người 3,65 0,965 8
thân, bạn bè)
Ý thức được giá trị của ngành 3,60 0,829 9
Ý thức được nhu cầu của xã hội 3,43 0,864 11
Muốn được thành công, được nổi tiếng và được mọi 3,17 1,296 17
người ngưỡng mộ
Nội dung các yếu tố khách quan
Nhu cầu xã hội (ngành đang phát triển, có nhiều tiềm 3,46 1,082 10
năng)
Đỉnh cao thành công của ngành 3,25 1,160 12
Cơ hội việc làm sau khi ra trường 3,24 1,060 13
Khả năng thăng tiến trong ngành 3,22 1,146 14
Vị trí, uy tín của trường, của ngành 3,22 1,098 14
Những khó khăn, thử thách của ngành 3,18 1,081 16
Vị thế xã hội của ngành 3,15 1,126 18
Điều kiện kinh tế (địa điểm và học phí của trường hợp lý) 3,14 1,141 19 2,71
Thông tin về ngành trên các phương tiện truyền thông 3,14 1,319 19
Đặc điểm, yêu cầu của ngành 3,13 1,083 21
Thu nhập (lợi nhuận) của ngành 3,07 1,147 22
Tấm gương của những người thành đạt trong ngành 3,01 1,349 23
Điểm chuẩn vừa sức 2,73 1,327 24
Định hướng của gia đình, thầy cô, bạn bè 2,35 1,364 25
Lời khuyên của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp 2,24 1,281 26
98

Định hướng của các trắc nghiệm tâm lý (sở thích/ năng 2,24 1,161 27
lực/ tính cách)
Truyền thống gia đình 1,56 0,937 28

Sử dụng thang đo 5 mức độ từ không ảnh hưởng đến ảnh hưởng rất nhiều (Câu
18, Phụ lục 1, mẫu 2) khảo sát trên toàn mẫu. Kết quả ở bảng 2.32. cho thấy trong số
các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV, các yếu tố chủ quan có tổng điểm TB = 3,83
(nằm trong mức ảnh hưởng nhiều) cao hơn so với các yếu tố chủ quan, TB = 2,71
(nằm trong mức ảnh hưởng trung bình). Như vậy, các yếu tố chủ quan được SV đánh
giá có ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình ĐHNN của SV.
a. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của SV
Kết quả ở bảng 2.32. cho thấy các yếu tố chủ quan xếp bậc cao nhất và ảnh
hưởng nhiều đến ĐHNN của SV chuyên ngành TLH. Trong đó:
Mức ảnh rất hưởng nhiều (TB từ 4,21 – 5,00) là yếu tố chủ quan “Sở thích, hứng
thú của bản thân” (TB = 4,28, xếp bậc 1) là yếu tố duy nhất ở mức này.
Ở mức ảnh hưởng nhiều (TB từ 3,41 – 4,20) gồm có các yếu tố chủ quan như:
bậc 2/11 – tính cách bản thân (với TB = 4,17); bậc 3 - Muốn hoàn thiện nhân cách của
bản thân (giúp bản thân giải quyết khó khăn tâm lý); bậc 4 - Niềm tin vào ngành; bậc 5
- Năng lực của bản thân với ngành; bậc 6 - Muốn khám phá và hiểu thêm về bản thân
(Bản thân có vấn đề tâm lý); bậc 7- Muốn thử thách bản thân; bậc 8 - Nhu cầu chia sẻ,
giúp đỡ mọi người (trước hết là người thân, bạn bè); bậc 9 - Ý thức được giá trị của
ngành; bậc 11 - Ý thức được nhu cầu của xã hội.
Ở mức ảnh hưởng trung bình (TB từ 2,61 – 3,40) chỉ có duy nhất 1 yếu tố chủ
quan được SV lựa chọn ở mức này, đó là yếu tố “Muốn được thành công, được nổi
tiếng và được mọi người ngưỡng mộ”(với điểm TB thấp = 3,17)
Kết quả này một lần nữa chứng tỏ SV đến với ngành TLH trên tinh thần tự
nguyện, tự bản thân SV quyết định và lựa chọn theo sở thích, hứng thú và tính cách
của mình (xếp bậc 1, 2, 3) với điểm TB khá cao, nằm ở mức ảnh hưởng nhiều. Sự chi
phối từ các yếu tố bên ngoài chỉ mang tính chất thứ yếu. Cùng với mong muốn giải
quyết những vấn đề tâm lý cho bản thân và những người xung quanh, SV chuyên
99

ngành TLH ý thức được giá trị của ngành, ý thức thức được nhu cầu của xã hội, từ đó
tin tưởng vào nghề, tin tưởng vào khả năng của bản thân và không ngừng cố gắng
phấn đấu trong học tập, cũng như trong hoạt động ĐHNN.
Bên cạnh đó, yếu tố khao khát thành công, muốn được nổi tiếng được SV xếp
bậc thấp, cuối bảng các yếu tố chủ quan (điểm TB =3,17; bậc 17), chứng tỏ SV đã
nhận thức được những đặc điểm và yêu cầu thực tế của nghề, ý thức được giá trị của
ngành, không ảo tưởng quá mức vào những thành tựu đặc biệt của hình mẫu những
người thành công trong ngành.
Như vậy, việc học tập, ĐHNN là do chính SV thực hiện một cách có ý thức, chủ
động, là con đường duy nhất để SV tự khám phá và hoàn thiện nhân cách của chính
mình. Nếu SV không ý thức được vai trò, ý nghĩa của hoạt động ĐHNN, không ý thức
được những đặc trưng riêng về nhu cầu, sở thích, tính cách, năng lực của bản thân,
không chủ động trong mọi quyết định thì cũng không ai có thể giúp SV có hướng đi
phù hợp, đúng đắn được. Bởi lẽ ĐHNN là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai
đoạn và chỉ đạt được mục đích khi bản thân SV tích cực trong nhận thức, trong thái độ
và hành vi.
b. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến định hướng ngành học của SV
Kết quả ở bảng 2.32. cho thấy, các yếu tố khách quan chủ yếu được SV lựa chọn
xếp bậc thấp hơn, chỉ ở mức ảnh hưởng nhiều, ảnh hưởng trung bình và có cả mức
không ảnh hưởng. Trong số các yếu tố khách quan đó, không có yếu tố nào được SV
lựa chọn xếp bậc ở mức rất ảnh hưởng.
Ở mức ảnh hưởng nhiều chỉ có duy nhất 1 yếu tố khách quan có điểm TB = 3,46,
đó là “Nhu cầu xã hội (ngành đang phát triển, có nhiều tiềm năng)”, xếp bậc 10. Kết
quả cho thấy SV đánh giá khá cao tiềm năng phát triển và nhu cầu của ngành TLH
trong giai đoạn hiện nay và luôn bị cuốn hút, hấp dẫn bởi đỉnh cao thành công của
những người trong ngành, cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến, phát triển nghề
nghiệp sau này. Những yếu tố khách quan này cũng là động lực thúc đẩy SV tích cực
trong mọi hoạt động học tập, nghề nghiệp của bản thân.
Bên cạnh đó, yếu tố khách quan được SV lựa chọn xếp bậc thấp nhất (bậc 28),
với điểm TB = 1,56 nằm ở mức không ảnh hưởng gì đến ĐHNN của SV, là yếu tố
100

“Truyền thống gia đình”. Điều này cũng đúng với những lí do mà SV lựa chọn khi thi
tuyển đầu vào với tỉ lệ và mức độ như đã xét ở bảng 2.8. SV tự quyết định với việc học
tập và ĐHNN tương lai cho mình.
Các yếu tố bên ngoài như những trắc nghiệm tâm lý (sở thích, tính cách, năng
lực), (điểm TB = 2,24; bậc 26/28) ít được SV sử dụng để quyết định nghề nghiệp và xu
hướng hoạt động cho bản thân. Đồng hạng (bậc 26/28) là các lời khuyên của chuyên
gia cũng được SV đánh giá ít ảnh hưởng đến ĐHNN của mình. Chia sẻ về vấn đề này,
người nghiên cứu nhận được rất nhiều ý kiến. Ý kiến chia sẻ của chuyên gia tư vấn
hướng nghiệp, thầy N.N.T (Trung Tâm nghiên cứu giáo dục TPHCM): “Những trắc
nghiệm tâm lý xác định sở thích, năng lực, tính cách giúp ĐHNN cho học sinh, SV đã
được cải biên, chỉnh hóa và đưa vào sử dụng, tư vấn hướng nghiệp những năm gần
đây. Nhưng cũng có nhiều hạn chế vì không phải đối tượng nào cũng có điều kiện tiếp
cận với dịch vụ này, và không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền đưa con đến
trung tâm để làm các trắc nghiệm và nhận sự tư vấn từ các chuyên viên”.
Thêm vào đó, ý kiến của các SV về vấn đề này như sau: “Ở quê em không có
những dịch vụ tư vấn hướng nghiệp hay trắc nghiệm này kia nọ, đa phần là em tự tìm
hiểu qua các trang báo mạng và các website giáo dục, thấy hay hay thì làm thử chứ
cũng chưa biết mức độ chính xác và tin tưởng các trắc nghiệm này là bao nhiêu. Chỉ
đến khi vào học chính thức, được học tập và nghe Thầy Cô giảng giải về những trắc
nghiệm này thì mới biết rõ.” (chia sẻ của bạn N.T.N, SV lớp TLH K37, Trường ĐHSP
TPHCM). Như vậy, những yếu tố khách quan chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho SV tham
khảo để đưa ra những quyết định quan trọng đối với bản thân họ.
2.3.1.2. Kết quả so sánh các yếu tố ảnh hưởng định hưởng ngành học của SV
Kết quả so sánh trung bình ở bảng 2.33. (phụ lục 4) cho thấy ở cả 4 nhóm tham
số nghiên cứu: Trường (F = 2,420 và sig. = 0,934 > 0,05); năm thứ (F = 0,149 và
Sig.=0,989); giới tính (F = 3,922 và sig.= 0,664) và tham số hộ khấu (F = 0,644 và
sig.= 0,931) đều có Sig.>0,05, chứng tỏ không có sự khác biệt ý nghĩa giữa SV Trường
ĐHSP với SV trường KHXHNV, giữa SV năm nhất với SV năm ba, giữa SV nam với
SV nữ, giữa SV ở TPHCM với SV ở tỉnh về về những yếu tố ảnh hưởng đến định
hướng ngành học của SV chuyên ngành TLH.
101

Tóm lại, qua nghiên cứu khảo sát thực trạng cho thấy không có sự khác biệt ý
nghĩa về mặt thống kê ở mức xác suất α = 0,05 giữa các nhóm tham số nghiên cứu về
những yếu tố ảnh hưởng đến định hướng ngành học của SV chuyên ngành TLH.
2.3.2. Các nguyên nhân của thực trạng ĐHNN của SV
Kết quả khảo sát các nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH (Câu 19, phụ lục 1, mẫu 2) thể hiện ở bảng 2.34. cũng cho thấy:
102

Bảng 2.34. Nguyên nhân của thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH
Nội dung các nguyên nhân chủ quan ĐTB ĐLC XB TỔNG
ĐTB
Không có kế hoạch và biện pháp cụ thể để hình thành và 3,80 0,996 6
rèn luyện năng lực/ kỹ năng nghề
Ảo tưởng, kỳ vọng quá lớn vào nghề nghiệp 3,80 1,032 6
Không có kế hoạch và biện pháp cụ thể để rèn luyện năng 3,59 0,949 12
lực và kỹ năng nghề
Chưa trang bị những hiểu biết về giá trị, đặc điểm, yêu cầu 3,56 0,914 13
của nghề nghiệp một cách đúng đắn 3,51
Không nỗ lực, cố gắng 3,52 0,994 14
Không tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động ĐHNN 3,41 0,967 15
Không hứng thú với nghề nghiệp đã chọn 3,38 1,030 16
Thiếu hụt các phẩm chất tâm lý cần thiết cho sự định 3,26 1,001 17
hướng nghề (niềm tin, tính cách,...)
Không nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của ĐHNN 3,26 1,030 17
Nội dung các nguyên nhân khách quan
Hình thức tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp thuộc 3,94 0,776 1
chuyên ngành còn đơn điệu, chưa thường xuyên
Môi trường xã hội phức tạp và phương tiện truyền thông 3,86 0,845 2
nhìn nhận, tuyên truyền ngành học và nghề nghiệp thuộc
chuyên ngành với nhiều góc độ khác nhau
Chưa có mối liên hệ và sự đầu tư thích đáng của các tổ 3,83 0,876 3
chức, cơ quan, đơn vị tuyển dụng với nơi đào tạo
Các tổ chức chưa có sự tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp 3,83 0,851 3
cụ thể thuộc chuyên ngành trước khi SV vào học 3,79
Thiếu thốn về cơ sở vật chất và phương tiện thực hành, rèn 3,81 0,897 5
luyện nghề nghiệp
Nhà trường chưa tổ chức cho SV tham quan, tiếp cận thực 3,78 0,989 8
tế với ngành học và nghề nghiệp cụ thể
Nhà trường chưa có biện pháp định hướng và giáo dục việc 3,71 1,037 9
định hướng nghề nghiệp cho SV một cách cụ thể
Khó khăn, phức tạp trong việc chuyển đổi chuyên ngành 3,68 0,927 10
Chưa có sự định hướng, hỗ trợ kịp thời của người thân, thầy 3,66 0,977 11
cô, chuyên viên cố vấn học tập, bạn bè
103

Kết quả ở bảng 2.34. cho thấy nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình
ĐHNN của SV là các nguyên nhân khách quan. Những nguyên nhân này có điểm TB
khá cao (TB chung = 3,79). Trong đó, các nguyên nhân khách quan được SV xếp bậc
ảnh hưởng cao nhất là những nguyên nhân:
- “Hình thức tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp thuộc chuyên ngành còn
đơn điệu, chưa thường xuyên” (TB = 3,94; bậc 1/18);
- “Môi trường xã hội phức tạp và phương tiện truyền thông nhìn nhận, tuyên
truyền ngành học và nghề nghiệp thuộc chuyên ngành với nhiều góc độ khác nhau”
(TB = 3,86; bậc 2/18);
- “Chưa có mối liên hệ và sự đầu tư thích đáng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị
tuyển dụng với nơi đào tạo” (TB = 3,83; bậc 3/18);
- Và cùng đồng hạng (bậc 3/18) là nguyên nhân “Các tổ chức chưa có sự tư vấn
chuyên sâu về nghề nghiệp cụ thể thuộc chuyên ngành trước khi SV vào học”.
Các nguyên nhân còn lại đều có ảnh hưởng đến ĐHNN của SV, trong đó các
nguyên nhân chủ quan được xếp ở những bậc cuối cùng. Nguyên nhân chủ quan được
chọn và xếp ở bậc cuối bảng là “Thiếu hụt các phẩm chất tâm lý cần thiết cho sự định
hướng nghề (niềm tin, tính cách,...)” và nguyên nhân “Không nhận thức được tầm
quan trọng, ý nghĩa của ĐHNN” có cùng điểm TB = 3,26
Như vậy, cả nguyên nhân chủ quan từ phía bản thân SV và khách quan từ phía xã
hội, nhà trường, cơ quan đơn vị tuyển dụng,.. đều tác động đến ĐHNN của SV với
những mức độ khác nhau. Nhưng sâu xa bên trong vẫn là xuất phát từ phía SV, bởi
cho dù các nguyên nhân khách quan như nhau nhưng SV nào tích cực hoạt động hơn
thì sẽ ĐHNN tốt hơn so với những SV không năng động.
104

Tiểu kết chương 2


Qua nghiên cứu thực trạng ĐHNN của 229 SV chuyên ngành TLH ở trường
ĐHSP và ĐH KHXHNV tại TPHCM cho thấy:
Lí do SV đến với ngành TLH chủ yếu vì đam mê, yêu thích ngành học (chiếm
46,7%), với mong muốn khám phá tâm lý, thay đổi bản thân và người khác (chiếm
38,9%). Tuy nhiên, lí do của SV còn cảm tính, chưa dựa trên những cơ sở khoa học.
Nhận thức về ngành và nghề TLH, SV nhận định TLH là nghề mới lạ, hấp dẫn,
thực tế và giúp ích cho nhiều người trong xã hội. Bên cạnh đó, SV cũng nhận thức
được ý nghĩa quan trọng của hoạt động ĐHNN. Họ đánh giá rất cao tiềm năng và cơ
hội phát triển của ngành (chiếm 81,2%). Trong quá trình ĐHNN, SV nhận thức mình
gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, vấn đề thích nhiều nghề trong ngành, không
biết chọn nghề nào cho phù hợp là vấn đề gây khó khăn cho SV nhất.
Thái độ của SV đối với ngành và nghề TLH chủ yếu tập trung ở mức tích cực,
thường xuyên thích thú, hài lòng với những kiến thức và nhiệm vụ thực tập, thực hành
nghề. Tuy nhiên cũng có số ít SV không hứng thú (1,7%) và phân vân, lúc thích, lúc
chán (22,3%). Trong 5 nhóm nghề TLH, SV yêu thích những nghề nghiệp thuộc nhóm
nghề Tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý nhất.
Hành vi của SV trong quá trình ĐHNN thể hiện ở mức trung bình, thỉnh thoảng
trong các hoạt động học tập, thực hành, ĐHNN cụ thể. Mặt khác, vẫn có một số SV
chuyên ngành không kiên định, phân vân với ngành, nghề (24,5%) và có ý định chọn
lại ngành, nghề khác (6,1%). Tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng cũng rất đáng để quan tâm, và
cần phải có biện pháp giáo dục, điều chỉnh kịp thời.
Kết quả còn cho thấy giữa ba mặt nhận thức, thái độ, hành vi ĐHNN của SV có
mối tương quan thuận với nhau. Do đó, để nâng cao khả năng ĐHNN của SV thì phải
tác động đồng thời lên cả ba mặt.
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng phản ánh có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến
ĐHNN của SV, trong đó nhóm yếu tố chủ quan (TB = 3,83) ảnh hưởng nhiều hơn
nhóm yếu tố khách quan (TB = 2,71). Đặc biệt các nguyên nhân khách quan ảnh
hưởng rất nhiều đến thực trạng ĐHNN của SV.
105

Như vậy, kết quả đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về thực trạng ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH. Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành đề xuất
và khảo nghiệm các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV.
Chương 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐỊNH
HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH
TÂM LÝ HỌC Ở MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1. Cơ sở đề xuất biện pháp
Từ những cơ sở lý luận về nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp đã được trình
bày ở chương 1 và những kết quả khảo sát thực trạng của công tác ĐHNN ở SV đã
trình bày ở chương 2, người nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến những cơ sở quy định trực
tiếp đến việc đề xuất các biện pháp cụ thể như sau:
3.1.1. Dựa vào cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu
ĐHNN là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến
chất lượng học tập, thực tập, rèn luyện chuyên môn và hoàn thiện nhân cách của mỗi
SV. Nó quyết định sự thành bại trong sự nghiệp và cuộc đời của mỗi SV sau này. Vì
vậy, cần phải có những biện pháp tác động, thúc đẩy, hỗ trợ quá trình ĐHNN của SV
kịp thời, đúng đắn.
Trong TLH, ĐHNN được hiểu là sự lựa chọn chủ quan của cá nhân đối với các
nghề nghiệp trong xã hội dựa trên hệ thống các giá trị, tính cách, năng lực, nguyện
vọng, sở thích, hứng thú của cá nhân về nghề nghiệp nào đó, vừa là quá trình cá nhân
ra quyết định dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu nghề, về hệ thống phân công lao động
xã hội hiện hành dưới sự tác động của hệ thống các biện pháp Tâm lý – Giáo dục phù
hợp. Vì vậy, quá trình ĐHNN của SV rất cần được tổ chức, hỗ trợ và định hướng từ
nhà trường, thầy cô và các cơ quan ban ngành liên quan.
Cùng với đặc trưng phong phú, đa dạng của hệ thống nghề nghiệp chuyên ngành
TLH hiện nay đã khiến cho quá trình ĐHNN của SV gặp thêm nhiều khó khăn. Mặt
khác công tác ĐHNN ngày càng trở thành hoạt động hết sức quan trọng trong quá
106

trình đào tạo và giáo dục SV chuyên ngành TLH. Do đó, các biện pháp tác động giúp
hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.
Bên cạnh đó, ĐHNN của cá nhân SV bao giờ cũng bị chi phối, bị điều khiển bởi
nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Mỗi yếu tố có vị trí, vai trò khác nhau, song
chúng quan hệ chặt chẽ, bổ sung, tác động qua lại và quy định lẫn nhau. Vì thế để thúc
đẩy và nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV cần phải tác động đồng bộ lên cả hai nhóm
yếu tố mới đem lại kết quả khả quan.
3.1.2. Dựa vào kết quả khảo sát thực trạng
SV đến với ngành TLH chủ yếu vì đam mê, yêu thích ngành học (chiếm 46,7%)
và với mong muốn khám phá tâm lý, thay đổi bản thân và những người khác (chiếm
38,9%). Tuy nhiên, lí do của SV còn cảm tính, chưa dựa trên những cơ sở khoa học sự
phù hợp về tính cách, năng lực của bản thân với ngành mà SV đã chọn học. Do đó, cần
phải có biện pháp tác động để giúp SV xác định lại sự phù hợp giữa bản thân với
ngành học và nghề nghiệp mà SV đã định hướng.
Về mặt thái độ có 1,7% SV không hứng thú và 22,3% SV phân vân, lúc thích, lúc
chán ngành học và nghề nghiệp đã chọn.
Về mặt hành vi, SV chỉ thể hiện các hoạt động ĐHNN ở mức trung bình (với TB
= 3,06) qua các hoạt động cụ thể: học tập, thực tập, thực hành nghề nghiệp, rèn luyện
chuyên môn.
Bên cạnh đó, có 24,5% SV phân vân với quyết định tiếp tục duy trì theo đuổi hay
chọn lại ngành và nghề khác, bên cạnh đó còn có 6,1% SV quyết định từ bỏ ngành
TLH để chọn lại ngành và nghề khác.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng phản ánh có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá
trình ĐHNN của SV, trong đó nhóm yếu tố chủ quan thuộc về bản thân SV như sở
thích, hứng thú, tính cách,.. (với TB = 3,83) ảnh hưởng nhiều hơn nhóm yếu tố khách
quan như nhu cầu xã hội, đỉnh cao thành công của ngành và nghề, cơ hội việc làm (với
TB = 2,71). Từ kết quả đó, thiết nghĩ cũng cần phải có những biện pháp tác động đến
bản thân SV để thúc đẩy, điều chỉnh, điều khiển, cũng như hỗ trợ kịp thời để quá trình
ĐHNN của SV chuyên ngành TLH đạt kết quả tốt nhất.
107

Mặt khác, kết quả khảo sát các nguyên nhân của thực trạng ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH cũng cho thấy nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình
ĐHNN của SV là các nguyên nhân khách quan, có điểm TB khá cao (TB chung =
3,79). Trong đó, các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng nhiều nhất là: “Hình thức tổ
chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp thuộc chuyên ngành còn đơn điệu, chưa thường
xuyên”;“Môi trường xã hội phức tạp và phương tiện truyền thông nhìn nhận, tuyên
truyền ngành và nghề với nhiều góc độ khác nhau”; “Chưa có mối liên hệ và sự đầu tư
thích đáng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị tuyển dụng với nơi đào tạo”; và nguyên
nhân “Các tổ chức chưa có sự tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp cụ thể thuộc chuyên
ngành trước khi SV vào học”.
Như vậy, những kết quả về thực trạng công tác ĐHNN và kết quả về các nguyên
nhân tác động đến quá trình ĐHNN của SV như đã nêu trên cũng cho thấy được sự cần
thiết, là phải có các biện pháp tác động để nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV
chuyên ngành TLH.
3.1.3. Dựa vào kết quả thăm dò ý kiến về các biện pháp
Sau khi thu thập và xử lý phiếu thăm dò ý kiến (phụ lục 1, mẫu 1). Với kết quả thu
được ở câu số 10, người nghiên cứu tiến hành đề xuất 26 biện pháp nhằm nâng cao
hiệu quả ĐHNN của SV chuyên ngành TLH. Sau đó tiến hành thăm dò ý kiến SV và
xin ý kiến của các giảng viên, chuyên viên hướng nghiệp để chọn ra 10 biện pháp tối
ưu nhất khảo nghiệm mức độ cần thiết, mức độ khả thi. Kết quả cụ thể là:
1. Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho sinh viên
có tên trong danh sách trúng tuyển trong ngày khai giảng;
2. Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế
cho sinh viên các khóa với sinh viên năm nhất;
3. Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại trường: Tư vấn / tham vấn; Giảng dạy;
nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý nhân sự; ....;
4. Quan tâm và giúp đỡ sinh viên hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố
và xác định nhu cầu, sở thích khi định hướng nghề nghiệp;
5. Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự
tìm hiểu thông tin, yêu cầu về ngành học và nghề nghiệp cụ thể cho sinh viên;
108

6. Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những sinh viên tài năng,
có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các
buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp,... ;
7. Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp;
8. Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với ngành học và nghề
nghiệp;
9. Tích cực tham gia học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo bên
ngoài phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân;
10. Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và
nghiêm túc thực hiện.
Trong 10 biện pháp nêu trên, gồm có: 3 biện pháp thuộc về nhà trường, 2 biện
pháp thuộc về giảng viên, 1 biện pháp thuộc về các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển
dụng và 4 biện pháp thuộc về bản thân SV.
3.2. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp cho
sinh viên chuyên ngành Tâm lý học tại Thành phố Hồ Chí Minh
3.2.1. Các biện pháp thuộc về nhà trường
Biện pháp 1. Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành
cho SV trúng tuyển trong ngày khai giảng.
Công tác tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp cho SV chuyên ngành TLH được
thực hiện ở giai đoạn đầu tiên của bậc đào tạo, nhằm bổ sung thêm kiến thức cơ bản về
ngành nghề cho SV, giúp SV nhận thức rõ hơn về đặc điểm, yêu cầu và mục tiêu đào
tạo của ngành. Từ đó, hình thành những suy nghĩ, thái độ đúng đắn hơn về nghề
nghiệp chuyên ngành TLH cho SV. Đây là việc làm hết sức cần thiết, giúp SV tự so
sánh, đối chiếu mục tiêu, nguyện vọng, khả năng của bản thân với những đặc trưng,
yêu cầu của ngành học. Qua đó, SV có thể xác định lại sự phù hợp của bản thân với
ngành học và nghề nghiệp mình đã định hướng và có kế hoạch duy trì, phát triển hoặc
điều chỉnh lại cho phù hợp. Mặt khác, công tác tư vấn chuyên sâu còn có ý nghĩa lớn
trong việc giúp SV tìm được mục đích học tập, duy trì hứng thú, sở thích ngành học và
nghề nghiệp. Từ đó SV nỗ lực, phấn đấu hết mình để đạt được kết quả cao nhất trong
quá trình học tập nhằm chiếm lĩnh, phát triển nghề nghiệp.
109

Trong thực tế, công tác tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp cho SV ở giai
đoạn đầu tiên của bậc học chưa được Trường đào tạo quan tâm và thực hiện. Điều này
khiến cho các SV khi trải qua gần hết một năm đào tạo cũng chưa thật sự hiểu rõ về
ngành và nghề mình đang học, dẫn đến chán nản, bỏ cuộc giữa chừng để chọn lại
ngành học và nghề nghiệp khác. Số còn lại không lập được kế hoạch học tập, cũng như
không có được định hướng nghề nghiệp cụ thể để phấn đấu cho bản thân. Do đó, để
hạn chế tính trạng này, thiết nghĩ trường đào tạo, cụ thể là Khoa Tâm lý nên soạn thảo
một cuốn sách riêng về “Chương trình cử nhân Tâm lý học” để phát cho các SV trúng
tuyển trong ngày khai giảng.
Trong cuốn sách nên giới thiệu đầy đủ về nhân sự, chức vụ, thành tích của các
Thầy cô có chuyên môn công tác trong Khoa; giới thiệu về chương trình học, mục tiêu,
yêu cầu của ngành học nói chung và đặc điểm, yêu cầu của các nghề nghiệp cụ thể
thuộc chuyên ngành TLH nói riêng, cũng như chi tiết từng môn học có trong chương
trình đào tạo ngành học. Ngoài ra, cuốn sách cũng nên đề cập đến những số liệu về
nhu cầu nguồn nhân lực ngành TLH trong vòng 5 hoặc 10 năm tới; những địa chỉ của
những cơ quan, đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục tuyển dụng nhân sự chuyên ngành TLH;
một số chân dung, hình ảnh của những nhà Tâm lý, những người có chuyên môn TLH
với công việc cụ thể đã được Trường đào tạo thành công, có thành tích cao trong xã
hội nói chung hoặc có thành tích cao trong ngành TLH nói riêng.
Bên cạnh đó, trong ngày khai giảng Trưởng Khoa Tâm lý nên đại diện nhà
Trường, đích thân lên giới thiệu về đặc trưng đào tạo ngành TLH trước các SV trúng
tuyển. Sau đó, ban điều hành Khoa và những thành viên công tác trong lĩnh vực
chuyên ngành tiến hành giải đáp thắc mắc tại chỗ những câu hỏi của SV về ngành
TLH và nghề nghiệp cụ thể.
Khoa nên soạn thảo và lựa chọn một bộ công cụ phù hợp để khảo sát, cũng như
kiểm tra sở thích, tính cách, năng lực của SV trúng tuyển, tiến hành sàng lọc lại đối
tượng nào phù hợp hoặc không phù hợp với ngành học. Từ đó có những ý kiến tư vấn,
phản hồi và giúp đỡ cho những đối tượng không thật sự phù hợp với ngành TLH để
tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức đào tạo, học tập của cả SV và nơi đào
110

tạo. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn đầu ra cho những SV
tốt nghiệp chuyên ngành TLH của Trường.

Biện pháp 2. Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề
nghiệp thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất.
Ngay từ năm đầu tiên của bậc đào tạo, nhà trường nên tiến hành việc sàng lọc sơ
bộ những đối tượng SV chọn học chuyên ngành TLH. Tiếp theo đó, Trường cũng nên
thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề
thực tế cho SV các khóa (SV đang học và các khóa SV đã ra trường đi làm) với SV
năm nhất. Nhà trường có thể tiến hành thường xuyên với các hình thức như:
- Tổ chức các buổi giao lưu giữa SV còn học chương trình đại cương với SV đã
vào chuyên ngành để SV có thêm thông tin về ngành học, về môi trường học tập, có
thêm động lực và củng cố niềm tin, sự yêu thích và quyết tâm rèn luyện chuyên môn
nghề nghiệp. Đây cũng là hình thức học tập tích cực giúp SV năm nhất thay đổi nhận
thức và hạn chế trường hợp chán học, bỏ ngành giữa chừng vì học quá nhiều các kiến
thức đại cương ở giai đoạn đầu. Sở dĩ như vậy vì các SV cho rằng những kiến thức đại
cương không liên quan, cũng không giống với hình dung về ngành TLH mà mình đã
chọn.
- Tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ chuyên ngành giữa Ban điều hành khoa
với SV trong Khoa hoặc mời các cựu SV tốt nghiệp, đã đi làm và đạt được những
thành tựu trong ngành hoặc những người công tác trong lĩnh vực chuyên môn của
ngành TLH trở về Khoa giao lưu, chia sẻ thực tế nghề nghiệp với các bạn SV đang
học. Hình thức này có thể lồng ghép trong chương trình dạy học và thực tập khi kết
thúc một môn học cụ thể.
- Kết hợp giao lưu, chia sẻ nghề nghiệp với SV trong những ngày lễ, kỷ niệm
hoặc họp mặt của Khoa, tăng thêm tình cảm, sự gắn bó giữa các thành viên trong Khoa
với nhau, giữa SV các khóa với nhau, giữa GV với SV…
- Sau mỗi học kỳ/năm học nên thực hiện khảo sát mức độ yêu thích ngành học và
nghề nghiệp TLH, cũng như khảo sát về mức độ tri thức, kỹ năng và phẩm chất nghề
111

nghiệp của SV. Từ đó, theo dõi sự thay đổi của SV qua các thời kỳ để có cách tác động
phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng “càng học càng chán” hay học xong rồi không thấy
nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
- Ngoài ra, nhà trường cũng nên tạo lập, xây dựng mối quan hệ bền vững, gắn bó
với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng SV chuyên ngành TLH. Từ đó,
thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị đó tổ chức những buổi giao lưu ngành
nghề có lồng ghép các cuộc thi về chuyên môn nghề TLH, giúp SV có thêm môi
trường giao lưu, học tập và rèn luyện, cũng như phát triển năng lực chuyên môn của
bản thân mỗi SV.
Biện pháp 3. Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại trường: Tư vấn/tham
vấn; Giảng dạy; Nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý nhân sự.
Trải qua quá trình đào tạo những kiến thức đại cương, chương trình đào tạo bắt
đầu đi sâu hơn vào những kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp. Ở SV đã sớm có
được định hướng ban đầu về nghề nghiệp cụ thể mà mình yêu thích. Với mong muốn
đó, SV ra sức phấn đấu học tập, để chiếm lĩnh kiến thức chuyên môn nhằm đạt được
kết quả cao nhất với nghề nghiệp đã chọn.
Nắm bắt xu hướng phát triển của SV chuyên ngành TLH trong giai đoạn quan
trọng này, đại diện cho Trường là Khoa Tâm lý nên tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp
chuyên ngành TLH tại trường như: Câu lạc bộ Tư vấn/ tham vấn/ Trị liệu (bao gồm
tham vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp,…); Câu lạc bộ Giảng dạy các bộ môn Tâm
lý học; Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học; Câu lạc bộ quản lý nhân sự;…Đây sẽ là
những Câu lạc bộ được tổ chức nhằm tạo điều kiện và môi trường học tập, giao lưu
lành mạnh để SV trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các kỹ năng sống, kỹ
năng nghề nghiệp,…Đồng thời, biện pháp này cũng góp phần hình thành, giáo dục và
phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực nghề nghiệp cho SV. Giúp SV không ngừng
học tập, rèn luyện làm giàu thêm kiến thức, vốn sống và chuẩn bị tốt tâm thế cho nghề
nghiệp tương lai.
Đặc biệt cần xây dựng phòng tham vấn, tư vấn nghề nghiệp để SV một mặt chia
sẻ những khúc mắc của bản thân về ngành học và nghề nghiệp, một mặt có nơi thực
tập và hiểu thêm về nghề nghiệp chuyên ngành
112

Qua khảo sát thực trạng cũng cho thấy biểu hiện ĐHNN của SV trên ba mặt nhận
thức, thái độ, hành vi thì mặt nhận thức và thái độ của SV đều ở mức tích cực, mức
khá, riêng mặt hành vi chỉ ở mức trung bình. Điều này phần nào phản ánh những tác
động của nhà trường chưa đủ mạnh để biến nhận thức, thái độ ở SV trở thành hành
động tương xứng. Do đó, cần phải tổ chức thường xuyên và nâng cao hơn nữa những
hoạt động ở các Câu lạc bộ nghề nghiệp như:
- Tổ chức các buổi thảo luận về các đề tài TLH hoặc phân tích diễn biến Tâm lý
qua những bộ phim thực tế; xemina;
- Tổ chức học nhóm, đi thực tế ở những cơ quan, đơn vị ngành có liên quan đến
chuyên ngành tâm lý khi có điều kiện;
- Tham dự các buổi hội thảo, tọa đàm về ngành học và nghề nghiệp TLH cụ thể;
- Giao lưu, thi đua giữa Câu lạc bộ nghề nghiệp của trường với Câu lạc bộ nghề
nghiệp các Trường cùng đào tạo chuyên ngành TLH.
Khi tham gia vào những động này, SV sẽ vận dụng tri thức đã học để giải quyết
những vấn đề gặp phải, từ đó khiến SV yêu thích, hứng thú với những tri thức đã học.
Ý nghĩa của những tri thức này được áp dụng giải đáp các vấn đề của cuộc sống, nó
trở thành động lực thúc đẩy, điều chỉnh, điều khiển mọi hành vi, cử chỉ bên ngoài của
SV. Như vậy, biểu hiện hành vi của SV trong quá trình ĐHNN sẽ được nâng cao hơn.
3.2.2. Các biện pháp thuộc về giảng viên
Biện pháp 4. Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động cơ, thái độ đúng đắn,
củng cố và xác định nhu cầu, sở thích của SV khi ĐHNN.
Vấn đề quan tâm, giúp đỡ SV hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, đồng thời
củng cố và xác định nhu cầu, sở thích của SV trong quá trình ĐHNN có vai trò quan
trọng trong việc nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV chuyên ngành TLH.
Mục đích học tập, rèn luyện và chọn lựa nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc
giúp SV có công việc tốt, kiếm được thu nhập cao hay giúp nổi tiếng, tài giỏi, được
mọi người tin tưởng, trọng vọng mà còn phải giúp SV biết cách vận dụng những tri
thức, kỹ năng, kỹ xảo của nghề nghiệp giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, giúp
giải tỏa tâm lý cho bản thân và những người xung quanh,..
113

Nhận thức rõ ràng về ý nghĩa của việc học tập, và mục đích, nhu cầu khi lựa chọn
nghề sẽ thúc đẩy SV tích cực hơn trong việc phấn đấu, duy trì, phát triển nghề nghiệp
tương lai.
Ở đây, GV có thể thực hiện một số công việc cụ thể như:
- Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức hướng dẫn, trợ giúp định hướng
nghề nghiệp cho sinh viên.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị hành nghề để cập nhật yêu
cầu và đổi mới kịp thời các nội dung thông tin về ngành học và nghề nghiệp cụ thể và
truyền đạt lại kịp thời cho SV.
- Động viên SV vận dụng kiến thức học được vào cuộc sống; khuyến khích SV
tích cực giao lưu, tham quan, tìm hiểu những nơi làm việc của nghề nghiệp đã định
hướng. Thông qua thực tiễn SV sẽ nhận thức được vai trò, ý nghĩa của nghề nghiệp,
hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, từ đó củng cố nhu cầu, sở thích với ngành học
và nghề nghiệp đã chọn.
- Khuyến khích SV tham gia viết bài nghiên cứu để đăng trên tạp chí, nội san,
nguyệt san, báo đài,...hoặc làm cộng tác viên viết bài cho các website.
- Tăng cường thực hành, luyện tập trong các giờ học ở lớp, hoặc các buổi toạ
đàm ngắn, các buổi chia sẻ, giải quyết tình huống của cá nhân SV, giúp SV nói ra
mong đợi, kỳ vọng của bản thân,...
- Đề ra yêu cầu cao, sáng tạo các cách kiểm tra, đánh giá khi kết thúc môn học
dưới dạng những hình thức thực tế với từng trường hợp cụ thể ở những mái ấm, nhà
mở, cơ sở giáo dục hoặc bệnh viện chuyên khoa.
Qua những hình thức đó có thể biết được sở thích, nguyện vọng, ước mơ, hoài
bão trong hiện tại cũng như tương lai của mỗi SV để từ đó tạo điều kiện đáp ứng và
phát triển các nhu cầu, động cơ, thái độ lành mạnh, cũng như kịp thời điều chỉnh
những nhu cầu, động cơ và thái độ không phù hợp của SV.
Biện pháp 5. Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác học tập, tự nghiên cứu, tự rèn
luyện và tự tìm hiểu thông tin, yêu cầu về ngành học và nghề nghiệp cụ thể cho SV.
Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác học tập, tự nghiên cứu, rèn luyện, tự tìm hiểu
thông tin, yêu cầu về ngành học và nghề nghiệp cụ thể cho SV không có nghĩa là chỉ
114

dành thời gian cho việc ép buộc SV gò bó trong một không gian hẹp để học tập, đọc
sách, tài liệu,…Với điều kiện phát triển phong phú, đa dạng của công nghệ thông tin
hiện nay, SV dễ dàng tự tìm kiếm và phát hiện ra những tri thức, kinh nghiệm quý báu
trong qua trình giao tiếp, ứng xử, tiếp xúc với thế giới.
Trong quá trình học tập, rèn luyện và ĐHNN, những hoạt động này đòi hỏi SV
phải chủ động tự mình thực hiện để chiếm lĩnh tri thức, thực hiện ước muốn, lựa chọn
nghề nghiệp theo sở thích sao cho phù hợp nhất. Điều này không ai có thể làm giùm,
hay thay thế cho SV được. Do đó, cần phải giáo dục ý thức, tinh thần tự giác học tập,
tự nghiên cứu, tự rèn luyện, tự tìm hiểu thông tin, yêu cầu về ngành học và nghề
nghiệp cụ thể cho mỗi SV. Để đạt được điều đó, có thể tiến hành một số cách thức sau:
- Động viên, khuyến khích SV tham gia vào các hoạt động học tập, thực tập theo
cấp độ từ thấp đến cao, từ những hoạt động đơn giản đến những hoạt động phức tạp để
SV có cơ hội trải nghiệm và chứng tỏ khả năng của mình.
- Trong quá trình thực hiện các hoạt động học tập, thực hành nghề nghiệp,
khuyến khích SV tự kiểm tra, đánh giá các hoạt động của mình. Điều này tạo điều kiện
cho SV thường xuyên phân tích, so sánh, đối chiếu kết quả hoạt động của bản thân với
yêu cầu của công việc, hoặc so sánh kết quả hoạt động của bản thân với kết quả của
các SV khác. Từ đó nảy sinh nhu cầu hoàn thiện bản thân. Những hành động đó có tác
dụng củng cố, thúc đẩy tinh thần tự giác học tập, tự nghiên cứu, rèn luyện, tự tìm hiểu
thông tin và yêu cầu của nghề nghiệp tốt nhất.
- Mặt khác, thông qua kết quả đạt được khi tham gia vào các hoạt động học tập,
thực tập và rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp, các GV nên có những hình thức khen
thưởng và trách phạt hợp lý, kịp thời và đúng lúc, đúng chỗ sẽ có tác dụng lớn trong
việc động viên, khuyến khích SV tự giác, tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, tìm
hiểu thêm về ngành học và nghề nghiệp cụ thể thuộc chuyên ngành.
- Tổ chức các hoạt động xã hội gắn với nghề nghiệp TLH mang tính chất nhân
đạo, từ thiện tạo điều kiện cho SV chuyên ngành TLH bộc lộ, thể hiện khả năng
chuyên môn của mình qua những tình huống thực tế trong cuộc sống. Các hoạt động
thăm hỏi, tư vấn chia sẻ ở những mái ấm, nhà mở, trung tâm nhân đạo,… Những hoạt
động này không chỉ có tác dụng tích cực đến nhận thức của SV mà còn tác động mạnh
115

mẽ đến tình cảm và rèn luyện hành vi, tác phong nghề nghiệp cho SV chuyên ngành
TLH.
- Quan tâm, giúp đỡ sinh viên hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố nhu
cầu, sở thích cho SV khi tiến hành định hướng nghề nghiệp.
Như vậy, trong quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập và thực tập, cần phát huy tối
đa những thuận lợi bên ngoài và bên trong để SV đạt được hiệu quả tốt nhất khi
ĐHNN.
3.2.3. Các biện pháp thuộc về nhà tuyển dụng
Biện pháp 6. Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài
năng, có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp TLH cụ thể
thông qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp.
Những tổ chức, cơ quan, đơn vị tuyển dụng hiện nay chỉ hướng đến đào tạo lại và
sử dụng nguồn lực SV chuyên ngành vừa tốt nghiệp hoặc những SV đã tốt nghiệp đi
làm có kinh nghiệm chuyên môn. Điều này cho thấy các cơ quan này chưa có sự chủ
động trong việc chuẩn bị nguồn lực chất lượng cho sự phát triển của tổ chức. Mặt khác
cho thấy sự bị động, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đào tạo SV hiện nay. Điều này
gây tốn kém thêm thời gian, chi phí đào tạo lại những SV mới tốt nghiệp đối với
những tổ chức cần nguồn nhân lực trẻ; hoặc cũng hao tốn chi phí, thậm chí gặp nhiều
khó khăn, không tuyển dụng được nhân sự có chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc,
gây trì hoãn công việc,... Trước tình trạng này, thiết nghĩ những cơ quan, đơn vị tuyển
dụng nên chủ động hơn trong việc chuẩn bị, đầu tư nguồn nhân sự có chất lượng với
những cách thức như:
- Phối hợp với các Thầy cô thuộc Khoa Tâm lý của các Trường đào tạo để sản
xuất bộ sách “Hướng nghiệp nghề Tâm lý”, trong đó đề cập đến bản họa đồ chi tiết của
từng nghề nghiệp cụ thể với những yêu cầu, đặc điểm, xu hướng phát triển, nhu cầu
nguồn nhân lực, cách thức học tập, phát triển nghề nghiệp cụ thể. Bên cạnh đó cũng
nên đề cập đến cây gia phả về những người thành công trong từng nghề nghiệp chuyên
ngành TLH và những chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề, về những khó khăn, thuận lợi
và đỉnh cao thành công của nghề nghiệp,…
116

- Phối hợp với Đoàn Trường hoặc Khoa Tâm lý tổ chức các buổi giao lưu, tọa
đàm chia sẻ đặc điểm nghề nghiệp cũng như xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của
ngành cho toàn thể SV trong Khoa Tâm lý học.
- Nắm bắt những ngày lễ trọng đại của Khoa tâm lý như ngày kỷ niệm thành lập
Khoa, họp mặt truyền thống Khoa để tổ chức giới thiệu ngành học và thực tế công việc
dưới dạng những lễ hội “SV Tâm lý với ngày hội nghề nghiệp”; “Tìm kiếm tài năng
nhà Tâm lý trẻ”,…để SV hiểu rõ hơn về nghề nghiệp và có hướng phấn đấu, phát triển
phù hợp.
- Kết hợp buổi lễ hội với việc tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học, viết bài
tham luận, viết và trình bày những ý tưởng, những hướng đi mới trong việc phát triển
chuyên ngành, có giải thưởng tôn vinh và tìm ra những gương mặt SV sáng giá của
ngành.
- Trao học bổng hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc bằng các khóa học chuyên sâu cho
những SV tích cực và đạt thành tích cao trong học tập, cũng như trong các cuộc thi.
Một mặt quảng bá về hình ảnh cơ quan, đơn vị tuyển dụng, một mặt góp phần đào tạo
nguồn lực tương lai cho cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức.
- Tạo điều kiện giúp đỡ SV thích ứng với công việc trong quá trình thực tập tại
cơ quan, đồng thời phân công các nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn, hỗ trợ SV tìm hiểu và
hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Mục đích chính của các cuộc thi, các trò chơi trong những buổi giao lưu, tọa
đàm, cũng như những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực tập, là tạo ra một sân chơi
trí tuệ, khai thác khả năng đặc trưng, năng lực chuyên môn TLH của các SV, tạo dựng
nền tảng cho nguồn nhân lực thật sự chất lượng, đáp ứng đủ các yêu cầu và hội tụ đủ
các tố chất của một nhà TLH trong thực tế nghề nghiệp.
3.2.4. Các biện pháp thuộc về sinh viên
Biện pháp 7. Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề
nghiệp.
Bất kỳ hoạt động nào muốn duy trì và phát triển bền lâu cũng cần phải có tình
cảm, niềm tin, hứng thú vào hoạt động đó. Hoạt động ĐHNN cũng vậy, do đó mỗi SV
117

cần chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng và hứng thú về nghề nghiệp đã
chọn, bằng cách:
- Mỗi SV tự xây dựng cho mình niềm tin vào sự thành công trong nghề nghiệp
thông qua việc làm những bài trắc nghiệm về tính cách, năng lực, sở thích thông qua
một số trắc nghiệm như: trắc nghiệm Holland, trắc nghiệm tính cách MBTI,..để xác
định được những điểm mạnh, điểm hạn chế của bản thân làm cơ sở và động lực phấn
đấu cho việc theo đuổi và duy trì nghề nghiệp đã chọn.
- Mỗi SV tự đặt ra những động cơ đúng đắn, lấy đó làm mục tiêu học tập, thực
tập, rèn luyện chuyên môn cho những dự định tương lai của mình.
- Trong quá trình học tập, rèn luyện chuyên môn phải tìm cách tiếp cận nghề
nghiệp, cọ xát thực tế; đi nhiều nơi, gặp nhiều người; thâm nhập vào cuộc sống,…
- Tìm hiểu về những đặc trưng, yêu cầu, xu hướng phát triển của những cơ quan,
đơn vị tuyển dụng nhân sự chuyên ngành TLH thông qua các trang thông tin chuyên
ngành; Thầy Cô, bạn bè, người thân,…
- Tích cực đi thực tế hoặc tham quan nơi làm việc, cơ sở giáo dục, các tổ chức,
cơ quan, đơn vị hành nghề khi có điều kiện như: tham gia các khóa học chuyên sâu,
các buổi hội thảo, các chuyên đề, hoặc xin giấy giới thiệu, nhờ sự trợ giúp của những
Thầy cô, anh chị các khóa trên để tiếp cận tìm hiểu thêm về thực tế nghề nghiệp ở
những nơi này.
Qua những hoạt động đó sẽ giúp SV hình thành, củng cố, thúc đẩy nhu cầu, niềm
tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp, cũng như vượt qua những khó khăn thử thách để
hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, thực tập, để duy trì, phát triển nghề nghiệp trong
tương lai.
Biện pháp 8. Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với
ngành học và nghề nghiệp thuộc chuyên ngành.
Để việc ĐHNN được chính xác, việc đầu tiên là phải hình thành nhận thức, thái
độ, hành vi đúng đắn đối với ngành học, các SV chuyên ngành TLH có thể thực hiện
thông qua các hoạt động cụ thể như:
- Thu thập những thông tin về các nghề nghiệp khác nhau thuộc chuyên ngành
TLH trong xã hội, cũng như các yêu cầu đặt ra cho nghề nghiệp đó. Các SV có thể tìm
118

những thông tin về các ngành nghề bằng cách vào các diễn đàn, các trang web thuộc
chuyên ngành; hoặc các trang web về tuyển dụng như kiemviec.com,
timviecnhanh.com, vietnamwork.com, …
- Tham gia các chương trình tư vấn ĐHNN, ngày hội việc làm, các cuộc thi
chuyên môn về ngành TLH do nhà trường hoặc các cơ quan, đơn vị tuyển dụng tổ
chức,… Đây cũng là những điều kiện thuận lợi, những cơ hội để SV thể hiện mình với
các nhà tuyển dụng nhằm tạo cho các nhà tuyển dụng một ấn tượng tốt để có thể có
được công việc phù hợp ở tương lai.
- Liệt kê nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH mà bản thân mong muốn
- Tìm hiểu nhu cầu, vị thế, đỉnh cao phát triển của ngành và nghề nghiệp cụ thể
mà bản thân đã định hướng.
- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức từ thiện hoặc các tổ chức,
các câu lạc bộ sinh hoạt chuyên môn nghề nghiệp theo định kỳ.
- Tham gia các buổi họp mặt, lễ hội hoặc những ngày lễ kỷ niệm của Khoa, tiếp
cận, xây dựng các mối quan hệ với những anh chị, Thầy cô trong ngành để chia sẻ,
nhờ tư vấn ĐHNN. Từ đó, SV có thêm thông tin về ngành học và hiểu rõ hơn những
cái được, cái mất, những mặt mạnh, mặt hạn chế của nghề nghiệp đã chọn.
Những hoạt động trên chính là cơ hội để SV nhìn lại các điều kiện của bản thân
có tương thích với ngành học và nghề nghiệp đã lựa chọn hay không.
Biện pháp 9. Tích cực học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo
thêm phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân.
Ở trường ĐH, học tập và ĐHNN của SV là một quá trình nhận thức đặc biệt,
trong đó SV đóng vai trò chủ thể của các họat động này. SV chỉ có thể hiểu sâu sắc
những tài liệu chuyên môn về ngành học và biến nó thành giá trị riêng, nếu kiên trì và
nỗ lực trong các hoạt động cụ thể như:
- Tích cực học tập, thực hành chuyên môn nghề nghiệp trên lớp, lắng nghe bài
giảng của GV và ý kiến của bạn học trong lớp, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, ghi
chép cẩn thận những vấn đề cốt lõi.
- Sau khi có được những kiến thức cần thiết, việc trau dồi kiến thức chuyên môn
bằng cách tham gia những khóa học ngắn hạn chuyên sâu về nghề nghiệp, những câu
119

lạc bộ nghề nghiệp ngoài trường học cũng như bổ sung các kỹ năng mềm như giao
tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo,…là rất cần thiết. Những hoạt động này sẽ giúp
các SV năng động hơn, nhạy bén hơn để khi ra trường hòa mình vào công việc tốt hơn.
- Đặc biệt với hướng mở của thị trường cung ứng lao động sẽ giúp SV có thêm
nhiều cơ hội tiếp cận với nghề nghiệp mình đang hướng đến. Những website về tuyển
dụng, hay các Trung tâm như: Trung tâm hỗ trợ cho sinh viên ở số 33 Nguyễn Thị
Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM; Nhà Văn Hóa Thanh Niên ở số 4
Phạm Ngọc Thạch, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM; Trung tâm hỗ trợ Sinh Viên
ở số 643, Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3, TPHCM,… là những địa chỉ tin cậy để
SV có thể tham khảo và tìm kiếm cơ hội việc làm, cũng như là nơi bổ sung thêm vốn
kiến thức trong công việc mà SV đã định hướng.
- Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá để biết mình có tiến bộ hay không. Dù có
tiến bộ hay không thì đó cũng là động lực thúc đẩy SV tiếp tục phấn đấu.
Những cách thức trên sẽ giúp cho quá trình nhận thức của SV luôn đạt kết quả
cao, giúp SV chiếm lĩnh những kiến thức chuyên môn và nhạy bén, linh hoạt hơn trong
công tác thực tập, thực hành nghề nghiệp chuyên ngành.
Biện pháp 10. Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề
nghiệp và nghiêm túc thực hiện.
Học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp một cách nghiêm túc xuất phát từ
nhu cầu của mỗi SV nhằm đạt được kết quả cao nhất trong nghề. Để đạt được điều
này, mỗi SV phải nỗ lực, tích cực trong mọi hoạt động với các cách thức như:
- Mỗi SV tự lên kế hoạch học tập và chủ động thực hiện mục tiêu, dự định của kế
hoạch đó, có thể viết ra những mục tiêu và kế hoạch dưới dạng bản “Hoạch định nghề
nghiệp” cho bản thân với 5 bước cơ bản. (Phụ lục 5)
- Có kế hoạch rồi phải rèn luyện cho bản thân tinh thần quyết tâm cao độ, nghiêm
khắc với chính mình, sẵn sàng giải quyết, đương đầu với khó khăn để có kết quả hoạt
động học tập, thực tập nghề nghiệp tốt nhất.
- Trang bị cho mình những kỹ năng về tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt cần rèn
luyện các kỹ năng: xem, nhìn, nghe, đọc; sau đó là nghiên cứu, trao đổi, tranh luận với
người khác nhằm mục đích thấu rõ hơn vấn đề.
120

- Phát triển hứng thú nghề nghiệp bền vững, xây dựng động cơ nghề nghiệp lành
mạnh, lựa chọn các cách thức phát triển nghề nghiệp phù hợp với bản thân nhằm tạo ra
hiệu quả tốt nhất cho công tác đào tạo và ĐHNN.
- Việc xây dựng cho bản thân những mối quan hệ trong thời gian đi học cũng là
một điều quan trọng. Mối quan hệ với bạn bè, với thầy cô giáo, hay những anh chị lớp
trên là những cơ hội tuyệt vời để có thể mang lại cho SV những cơ hội nghề nghiệp
thích hợp. Vì đó chính là những người hiểu rõ khả năng của SV nhất.
Dù là cách thức nào thì quan trọng nhất vẫn là mỗi SV phải chủ động lập kế
hoạch học tập, rèn luyện và phải thật nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Vì
vậy, việc nâng cao hiệu quả ĐHNN nhằm giúp SV tích cực học tập chuyên môn, rèn
luyện bản thân và chủ động với những quyết định quan trọng về nghề nghiệp tương lai
là việc làm hết sức quan trọng. Việc làm này không thể thiếu sự tác động của các biện
pháp phù hợp, kịp thời trong quá trình đào tạo, giáo dục ở nhà trường, ở nơi thực tập,
cũng như quá trình tự học, tự giáo dục ở mỗi bản thân SV.
Như vậy, trên đây là mười biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV
chuyên ngành TLH tại TPHCM, với mức độ cần thiết và khả thi nhất khi áp dụng vào
thực tế trường ĐHSP và KHXHNV TPHCM đã được khảo nghiệm trên GV và SV.
Các biện pháp này nếu được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả ĐHNN
và tác động tích cực đến thành quả học tập, rèn luyện, thực tập nghề nghiệp của SV
cũng như chất lượng đào tạo ngành TLH của nhà trường.
3.3. Tổ chức nghiên cứu khảo nghiệm
3.3.1. Mục đích nghiên cứu khảo nghiệm
Tìm ra một số biện pháp tác động nhằm nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV
chuyên ngành TLH ở một số trường Đại học tại TPHCM.
3.3.2. Khách thể nghiên cứu khảo nghiệm
- 229 SV chuyên ngành TLH ở 2 trường: Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học
xã hội và Nhân văn tại TPHCM.
- 22 chuyên gia công tác trong lĩnh vực ngành TLH, trong đó gồm: 11 giảng viên
đang công tác ở Khoa Tâm lý – Giáo dục trường ĐHSP TPHCM; 9 giảng viên đang
121

công tác ở Khoa Tâm lý học trường ĐH KHXHNV TPHCM và 2 chuyên viên hướng
nghiệp ở trung tâm nghiên cứu giáo dục TPHCM.
3.3.3. Nội dung nghiên cứu khảo nghiệm
Các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH ở
một số trường ĐH tại TPHCM.

3.4. Kết quả khảo nghiệm tính cần thiết và khả thi của các biện pháp
3.4.1. Khảo nghiệm tính cần thiết của các biện pháp
Kết quả khảo nghiệm ý kiến của GV và ý kiến của SV về tính cần thiết của các
biện pháp nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV được thể hiện ở bảng 3.1.
Bảng 3.1. Mức độ cần thiết các biện pháp nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV

Mức độ cần thiết


Các nhóm biện pháp Sinh Viên Chuyên gia
TB XB TB XB
Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp
1 thuộc chuyên ngành cho SV trúng tuyển 4,10 9 3,95 10
trong ngày khai giảng.
Nhà Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và
2 kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế cho SV 3,93 10 4,14 9
trường các khóa với SV năm nhất
Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại
trường: Tư vấn/tham vấn; Giảng dạy;
3 4,17 7 4,23 6
Nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý
nhân sự.
Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động
4 cơ, thái độ đúng đắn, củng cố và xác định 4,30 2 4,45 1
Giảng nhu cầu, sở thích khi ĐHNN.
viên Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự học,
tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tìm hiểu
5 4,17 7 4,32 3
thông tin, yêu cầu về ngành học và nghề
nghiệp cụ thể cho SV.
Cơ Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và
quan bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng thú,
6 tính cách phù hợp với ngành học và nghề 4,24 6 4,18 7
tuyển nghiệp cụ thể thông qua các buổi tọa đàm,
dụng kiến tập, thực tập nghề nghiệp.
Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý
7 tưởng, hứng thú nghề nghiệp. 4,25 5 4,18 7
122

Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi


8 đúng đắn đối với ngành học và nghề nghiệp 4,35 1 4,36 2
Sinh cụ thể.
Viên Tích cực học tập nội dung chính thức ở
9 trường, các khóa đào tạo thêm phù hợp với 4,30 2 4,32 3
nhu cầu nghề nghiệp của bản thân.
Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện
10 chuyên môn nghề nghiệp và nghiêm túc 4,29 4 4,27 5
thực hiện.
Ở phần tổng hợp chung các ý kiến của SV, các biện pháp được SV đánh giá ở
mức từ cần thiết đến rất cần thiết. Các biện pháp được đánh giá ở mức rất cần thiết
(với điểm TB = 4,21 – 5,00) gồm:
- “Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với ngành học và nghề
nghiệp cụ thể.” (TB = 4,35; bậc 1/2);
- “Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố và xác
định nhu cầu, sở thích khi ĐHNN.” (TB= 4,30; bậc 2/10);
- Cùng xếp bậc 2/10 là biện pháp “Tích cực học tập nội dung chính thức ở
trường, các khóa đào tạo thêm phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân.”;
- “Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và nghiêm
túc thực hiện.” (TB = 4,29; bậc 4/10);
- “Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp” (TB
= 4,25; bậc 5/10);
- “Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có
hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các buổi
tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp.” (TB = 4,24; bậc 6/10).
Đây là 6 biện pháp có điểm số TB ở mức rất cần thiết, được SV đánh giá cao và
xếp bậc từ 1 đến 6. Các biện pháp còn lại đều được SV đánh giá ở mức cần thiết (với
điểm TB từ 3,41 – 4,20). Như vậy, các biện pháp này đều có tác động tích cực đến
ĐHNN của SV.
Vấn đề này khi được khảo sát trên GV (bảng 3.1.) phần ý kiến GV cho thấy có 4
biện pháp có điểm TB dưới 4,20 thể hiện mức độ cần thiết để nâng cao hoạt động
ĐHNN của SV. Đó là: “Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV
tài năng, có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông
123

qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp.” (TB = 4,18; bậc 7/10); “Chủ
động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp” (TB = 4,18; bậc
7/10); “Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học, nghề nghiệp và kinh nghiệm nghề
nghiệp thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất” (TB = 4,14; bậc 9/10); “Tổ chức tư
vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho SV trúng tuyển trong ngày
khai giảng.” (TB = 3,95; bậc 10/10). Các biện pháp còn lại đều được GV đánh giá ở
mức độ rất cần thiết.
Qua khảo nghiệm các biện pháp ở GV và SV cho thấy, giữa GV và SV có sự
khác biệt lớn về ý kiến đánh giá và xếp bậc biện pháp “Giáo dục ý thức, tinh thần tự
giác, tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự tìm hiểu thông tin, yêu cầu về ngành học
và nghề nghiệp cho SV”. Đánh giá của GV (TB = 4,32, bậc 3/10) cao hơn nhiều so với
đánh giá của SV (TB = 4,17, bậc 7/10). Các biện pháp còn lại thứ bậc nhìn chung đều
có sự tương đồng. Trong đó, có 8 biện pháp có sự thống nhất tương đối cao về thứ bậc
theo đánh giá lần lượt của các GV và SV, đó là:
- “Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với ngành học và nghề
nghiệp cụ thế” (bậc 2 theo GV, bậc 1 theo SV);
- “Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố và xác
định nhu cầu, sở thích khi ĐHNN” (bậc 1 theo GV; bậc 2 theo SV);
- “Tích cực học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo thêm phù hợp
với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân” (bậc 3 theo GV; bậc 2 theo SV);
- “Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và nghiêm
túc thực hiện” (bậc 5 theo GV và bậc 4 theo SV);
- “Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại trường: Tư vấn/tham vấn, Giảng dạy,
Nghiên cứu khoa học, Trị liệu, quản lý nhân sự” (bậc 6 theo GV và bậc 7 theo SV);
- “Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có
hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các buổi
tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp” (bậc 7 theo GV và bậc 6 theo SV);
- “Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế
cho SV các khóa với SV năm nhất” (bậc 9 theo GV và bậc 10 theo SV);
124

- “Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho SV trúng
tuyển trong ngày khai giảng” (bậc 10 theo GV và bậc 9 theo SV).
Như vậy, đây là những biện pháp cần phải thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt
động ĐHNN của SV.

3.3.2. Khảo nghiệm tính khả thi của các biện pháp
Kết quả khảo nghiệm tính khả thi của các biện pháp áp dụng nhằm nâng cao hiệu
quả công tác ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH thể hiện ở bảng 3.2. như sau:
Bảng 3.2. Mức độ khả thi của các biện pháp nâng cao hiệu quả ĐHNN của SV

Mức độ khả thi


Các nhóm biện pháp Sinh Viên Chuyên gia
TB XB TB XB
Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp
1 thuộc chuyên ngành cho SV trúng tuyển 3,42 9 3,77 8
trong ngày khai giảng.
Nhà Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và
2 kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế cho SV 4,17 1 4,36 1
trường các khóa với SV năm nhất
Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại
trường: Tư vấn/tham vấn; Giảng dạy;
3 3,84 6 3,82 5
Nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý
nhân sự.
Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động
4 cơ, thái độ đúng đắn, củng cố và xác định 3,92 4 3,86 3
Giảng nhu cầu, sở thích khi ĐHNN.
viên Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự học,
5 tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự tìm hiểu 3,86 5 3,82 5
thông tin, yêu cầu về nghề nghiệp cho SV.
Cơ Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và
quan bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng
tuyển 6 thú, tính cách phù hợp với ngành học và 3,38 10 3,77 8
dụng nghề nghiệp cụ thể thông qua các buổi tọa
đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp.
Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý
7 4,05 2 3,82 5
tưởng, hứng thú nghề nghiệp.
Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi
8 4,03 3 3,86 3
đúng đắn đối với nghề nghiệp.
125

Sinh Tích cực học tập nội dung chính thức ở


9 trường, các khóa đào tạo thêm phù hợp 3,67 8 3,77 8
Viên với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân.
Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện
10 chuyên môn nghề nghiệp và nghiêm túc 3,78 7 3,95 2
thực hiện.

Kết quả khảo nghiệm mức độ khả thi của các biện pháp thể hiện ở bảng 3.3. phần
SV cho thấy tất cả các biện pháp đều nằm ở mức khả thi, với điểm số TB (3,41< TB <
4,20). Ngoài ra, không có biện pháp nào ở mức rất khả thi hay mức trung bình. Trong
đó, biện pháp được SV lựa chọn xếp bậc cao nhất là “Tổ chức giao lưu, chia sẻ về
ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất”
(TB = 4,17, bậc 1/10). Biện pháp được xếp bậc khả thi thấp nhất là “Chủ động, tích
cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng thú, tính cách phù
hợp với ngành học và nghề nghiệp thông qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề
nghiệp.” (TB = 3,38; bậc 10/10).
Về phía GV có duy nhất 1 biện pháp được đánh giá ở mức rất khả thi (với TB từ
4,21 – 5,00), đó là biện pháp “Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm
nghề nghiệp thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất” (TB = 4,36; bậc 1/10). Những
biện pháp còn lại đều ở mức khả thi (TB > 3,41). Trong đó, có 3 biện pháp cùng đồng
điểm TB = 3,77 được GV đánh giá và xếp bậc khả thi thấp nhất là: “Tổ chức tư vấn
chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho SV trúng tuyển trong ngày khai
giảng.”; “Tích cực học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo thêm phù
hợp với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân.”; “Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và
bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề
nghiệp thông qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp”.
Nhìn chung, kết quả khảo nghiệm mức độ khả thi của các biện pháp cho thấy
giữa GV và SV có sự tương đồng về ý kiến đánh giá và xếp bậc các biện pháp. Cả GV
và SV đều lựa chọn và xếp bậc biện pháp khả thi cao nhất (bậc 1/10) đối với biện pháp
“Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế cho SV
các khóa với SV năm nhất”. Bên cạnh đó, cả GV và SV đều xếp bậc khả thi ở mức
thấp nhất đối với 3 biện pháp:
126

- “Tích cực học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo thêm phù hợp
với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân” (bậc 8 theo GV và bậc 8 theo SV);
- “Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho SV trúng
tuyển trong ngày khai giảng” (bậc 8 theo GV và bậc 9 theo SV);
- “Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có
hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các buổi
tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp” (bậc 8 theo GV và bậc 10 theo SV).
Trong 3 biện pháp được GV và SV cho ý kiến xếp bậc thấp, biện pháp xếp bậc
thấp nhất (bậc 10/10) là biện pháp thuộc về các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển
dụng. Điều này cho thấy các cơ quan, đơn vị tuyển dụng trong thực tế chưa thật sự
quan tâm, đầu tư thích đáng từ ngọn nguồn đối với nguồn nhân lực chuyên môn. Tuy
nhiên, kết quả khảo sát giữa GV và SV còn có sự khác biệt và chênh lệch thứ bậc rất
lớn khi lựa chọn và đánh giá mức độ khả thi đối với biện pháp “Chủ động lập kế hoạch
học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và nghiêm túc thực hiện”. Ở biện pháp
này, GV lựa chọn và đánh giá mức khả thi cao hơn (TB = 3,95; xếp bậc 2/10) so với
sự đánh giá và xếp bậc của SV (TB = 3,78; xếp bậc 7/10 ). Điều này cho thấy, các GV
luôn đánh giá cao những nỗ lực, những cố gắng phấn đấu của chính bản thân mỗi SV
trong bất kỳ hoạt động nào. Bản thân các GV luôn tìm mọi cách để tạo điều kiện cho
SV chủ động, tích cực phát huy nội lực, phát huy những thế mạnh của bản thân mỗi
SV trong quá trình học tập, thực tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và hoàn thiện
nhân cách.
Như vậy, xét về mức độ khả thi cả GV và SV đều cho rằng 10 biện pháp trên đều
có tính khả thi và đều có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả công tác ĐHNN cho SV
chuyên ngành TLH. Trong đó, biện pháp “Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và
kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất” là biện pháp
được cả GV và SV đánh giá khả thi nhất.
Tóm lại, với kết quả khảo nghiệm thu được ở bảng 3.1. và bảng 3.2. có thể kết
luận 10 biện pháp mà người nghiên cứu nêu ra là cần thiết và có tính khả thi. Vì thế để
nâng cao hiệu quả hoạt động ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH ở các Trường ĐH tại
TPHCM cần tiến hành một cách đồng bộ tất cả các biện pháp nêu trên.
127

Tiểu kết chương 3


Kết quả khảo nghiệm cho thấy cần phải tiến hành một số biện pháp nâng cao khả
năng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH, ở một số trường ĐH tại TPHCM, nhằm giúp
cho SV chủ động, tích cực trong các hoạt động học tập, rèn luyện và ĐHNN cho bản
thân đúng đắn, phù hợp với đặc điểm về sở thích, nhu cầu, tính cách và năng lực của
SV.
Một số biện pháp thể hiện sự thống nhất giữa GV và SV ở mức độ cần thiết và
mức độ khả thi nhất có thể áp dụng vào thực tiễn đó là:
1. Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho sinh viên
có tên trong danh sách trúng tuyển trong ngày khai giảng;
2. Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế
cho sinh viên các khóa với sinh viên năm nhất;
3. Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại trường: Tư vấn / tham vấn; Giảng dạy;
nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý nhân sự; ....;
4. Quan tâm và giúp đỡ sinh viên hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố
và xác định nhu cầu, sở thích khi định hướng nghề nghiệp;
5. Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự
tìm hiểu thông tin, yêu cầu về nghề nghiệp cụ thể cho sinh viên;
6. Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những sinh viên tài năng,
có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các
buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp,... ;
7. Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp;
8. Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với ngành học và nghề
nghiệp cụ thể thuộc chuyên ngành;
9. Tích cực tham gia học tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo bên
ngoài phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của bản thân;
128

10. Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp và
nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, các biện pháp đề ra nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần hiệu quả trong
công tác đào tạo, giáo dục và ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Dựa trên những cở sở lý luận và kết quả nghiên cứu về thực trạng, cũng như kết
quả khảo nghiệm các biện pháp của đề tài, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1.1. Về mặt lý luận
Hướng nghiệp và ĐHNN cho SV các ngành khác nói chung và SV chuyên ngành
TLH nói riêng vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng.
ĐHNN là sự lựa chọn chủ quan của cá nhân đối với các nghề nghiệp trong xã
hội dựa trên hệ thống các giá trị, tính cách, năng lực, nguyện vọng, sở thích, hứng thú
của cá nhân về nghề nghiệp nào đó, vừa là quá trình cá nhân ra quyết định dựa trên sự
hiểu biết về nhu cầu nghề, về hệ thống phân công lao động trong xã hội, dưới sự tác
động của hệ thống các biện pháp Tâm lý – Giáo dục phù hợp.
ĐHNN bao hàm ba mặt, đó là sự nhận thức, thái độ đánh giá của bản thân SV về
đặc điểm, giá trị, yêu cầu của ngành học và nghề TLH, được biểu hiện ra bên ngoài
bằng những hành vi cụ thể trong quá trình hoạt động của cá nhân SV.
Bên cạnh đó, ĐHNN của cá nhân SV bị chi phối, bị điều khiển bởi các yếu tố chủ
quan như: sở thích, hứng thú, tích cách,… và các yếu tố khách quan như: nhu cầu xã
hội, cơ hội việc làm,... Mỗi yếu tố có vị trí, vai trò khác nhau, song chúng quan hệ chặt
chẽ, bổ sung, tác động qua lại và quy định lẫn nhau.
1.2. Về mặt thực tiễn
Đề tài khảo sát thực trạng ĐHNN của SV chuyên ngành TLH với các tham số
nghiên cứu: SV Trường ĐHSP TPHCM và SV Trường ĐH KHXHNV TPHCM, SV
năm thứ nhất và SV năm ba, SV nam và SV nữ, SV ở TPHCM và SV ở tỉnh.
Lí do SV đến với ngành TLH chủ yếu vì đam mê, yêu thích ngành học và mong
muốn khám phá tâm lý, thay đổi bản thân và người khác. Như vậy, định hướng ngành
học và nghề nghiệp của SV còn chủ quan, cảm tính, chưa dựa trên cơ sở khoa học sự
phù hợp về tính cách, năng lực của bản thân với ngành, nghề theo học.
Giữa ba mặt nhận thức, thái độ, hành vi ĐHNN của SV có mối tương quan thuận
với nhau. So sánh tương quan, các biểu hiện về thái độ, hành vi ĐHNN của SV chuyên
129

ngành TLH theo các tham số nghiên cứu đều có Sig.> 0,05 chứng tỏ không có sự khác
biệt về thái độ, hành vi ĐHNN giữa SV năm nhất và SV năm ba, giữa SV nam và SV
nữ, giữa SV ở TPHCM và SV ở tỉnh, giữa SV ở hai trường ĐH tại TPHCM. Duy chỉ
có mặt nhận thức những đặc điểm về ngành học và nghề nghiệp TLH là có sự khác
biệt giữa SV năm nhất và SV năm ba.
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng phản ánh có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá
trình ĐHNN của SV, trong đó nhóm yếu tố chủ quan thuộc về bản thân SV như sở
thích, hứng thú, tính cách (TB = 3,83) ảnh hưởng nhiều hơn nhóm yếu tố khách quan
như đỉnh cao thành công của ngành học và nghề nghiệp, cơ hội việc làm,.. (TB = 2,71)
1.3. Về mặt biện pháp
Qua kết quả khảo nghiệm các biện pháp, người nghiên cứu đưa ra mười biện
pháp có mức độ cần thiết và khả thi có thể áp dụng vào thực tế để nâng cao hiệu quả
ĐHNN của SV chuyên ngành TLH. Mười biện pháp đó là: Tổ chức tư vấn chuyên sâu
về nghề nghiệp thuộc chuyên ngành cho SV có tên trong danh sách trúng tuyển trong
ngày khai giảng; Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành học và kinh nghiệm nghề nghiệp
thực tế cho SV các khóa với SV năm nhất; Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại
trường: Tư vấn / tham vấn; Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Trị liệu, quản lý nhân sự;
Quan tâm và giúp đỡ SV hình thành động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố và xác định
nhu cầu, sở thích khi ĐHNN; Giáo dục ý thức, tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn
luyện và tự tìm hiểu thông tin, yêu cầu về nghề nghiệp; Chủ động, tích cực tiếp cận,
tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng, có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành
học và nghề nghiệp cụ thể thông qua các buổi tọa đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp;
Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp; Hình thành
nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn đối với ngành và nghề; Tích cực tham gia học
tập nội dung chính thức ở trường, các khóa đào tạo bên ngoài phù hợp với nhu cầu
nghề nghiệp của bản thân; Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện chuyên môn nghề
nghiệp và nghiêm túc thực hiện.
2. Kiến nghị
2.1. Đối với các Trường đào tạo cử nhân ngành Tâm lý học tại TPHCM
- Một là, quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai công tác ĐHNN cho SV xuyên
suốt các giai đoạn ngay từ khi SV học năm nhất cho đến năm cuối của bậc học.
- Hai là, thiết lập và phát triển bền vững mối liên hệ giữa nhà trường với các cơ
quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nghề TLH, để tổ chức thường xuyên, hấp dẫn
130

những hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ học tập, sinh hoạt chuyên đề tập thể, giao lưu
giữa SV các Trường đào tạo ngành TLH với nhau.
- Ba là, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động
giảng dạy, học tập và thực hành nghề nghiệp nhằm nâng cao ĐHNN cho SV.
2.2. Đối với GV giảng dạy chuyên ngành TLH tại các Trường đào tạo
- Một là, sáng tạo đa dạng hình thức và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động tư
vấn, dạy học và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho SV.
- Hai là, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện hơn để có sự chia sẻ, thông hiểu SV,
kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh những nhận thức sai lệch về ngành và nghề cho SV.
- Ba là, các GV phải thực sự là một hình mẫu và tấm gương không ngừng học
tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và mẫu mực trong các mối quan hệ để
SV noi theo.
2.3. Đối với SV chuyên ngành TLH ở các trường đào tạo tại TPHCM
- Một là, cần nhận thức rõ vai trò của hoạt động ĐHNN, quan tâm sớm đến việc
ĐHNN ngay từ khi mới bắt đầu tìm hiểu và chọn lựa ngành học để thi tuyển.
- Hai là, đề ra các kế hoạch, mục tiêu cụ thể, tích cực và sáng tạo trong quá trình
ĐHNN, chủ động tìm kiếm và tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, tư vấn nghề nghiệp
chuyên ngành TLH. Đăng ký tham gia các khóa học chuyên sâu về nghề nghiệp để rèn
luyện chuyên môn nghiệp vụ và thực tập nghề.
- Ba là, tích cực hơn nữa trong công tác ĐHNN cho bản thân, đặc biệt là cần đầu
tư thêm thời gian và nguồn lực để thể hiện nhiều hơn nữa tính chủ thể của mình trong
việc ĐHNN chuyên ngành TLH.
2.4. Đối với các cơ quan, đơn vị tuyển dụng nhân lực chuyên ngành TLH
- Một là, cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình hỗ trợ đào tạo, đầu
tư rèn luyện chuyên môn và ĐHNN cụ thể cho SV là chiến lược lâu dài, quyết định
chất lượng nhân sự cho sự phát triển nghề nghiệp TLH ở tương lai.
- Hai là, tích cực xây dựng, triển khai và quảng bá thông tin chính xác về ngành
và nghề TLH thông qua các nghiên cứu hay hội thảo, tọa đàm về giáo dục hướng
nghiệp để SV chuyên ngành TLH tham gia học tập và thể hiện bản thân.
- Ba là, chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và bồi dưỡng những SV tài năng,
có hứng thú, tính cách phù hợp với ngành và nghề Tâm lý học.
2.5. Đối với hướng nghiên cứu tiếp theo
131

Cuối cùng chúng tôi mong muốn có những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề
ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH, để xác định được hệ thống các giá trị và hệ thống
các yêu cầu về phẩm chất, năng lực chuyên biệt cho từng nghề nghiệp TLH cụ thể, tiến
hành thực nghiệm các biện pháp nhằm góp phần giáo dục giá trị nghề nghiệp và nâng
cao hơn nữa hiệu quả công tác ĐHNN cho SV chuyên ngành TLH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:

1. Đào Thị Vân Anh, Nguyễn Ngọc Tài (2010), Định hướng nghề nghiệp cho học
sinh tại các trường dân tộc nội trú nhằm tạo điều kiện nguồn nhân lực đáp ứng
nhu cầu phát triến kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên, Đề tài cấp Bộ,
B2007.19.34

2. Đặng Danh Ánh (2010), Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam, Nxb Văn hóa
Thông tin, Hà Nội.

3. Đặng Danh Ánh, Phạm Đức Quang (Chủ biên), (1986), Tuổi trẻ và nghề nghiệp -
Tập 1, Tổng cục dạy nghề, Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, Nxb Công
nhân kỹ thuật, Hà Nội.

4. Báo cáo đề tài của Viện Nghiên cứu Giáo dục tại Hội thảo Khoa học "Nhận thức và
thái độ của HSSV về định hướng tương lai" được tổ chức tại Hà Nội, 9-10-2009.

5. Bộ kế hoạch và đầu tư (2009), Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam, Nxb
Tổng cục thống kê.

6. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận, Nxb
Giáo dục.

7. Lomov.B.Ph. (2000), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận Tâm lý học,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

8. Carl Rogers, (1992), Tiến trình thành nhân, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.

9. Đỗ Thị Ngọc Chi (2013), Định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT trên địa bàn
thành phố Hải Phòng (Nghiên cứu trường hợp tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi,
thành phố Hải Phòng), Luận văn Xã hội học, ĐH Quốc gia Hà Nội – trường Đại
học Khoa học xã hội và nhân văn.

10. Trần Đình Chiến (2008), Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của HS lớp 12 trường
THPT dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường (khảo sát tại tỉnh Phú Thọ),
luận án Giáo dục học, Thái Nguyên.

11. Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (2008), Tổng Cục Thống Kê.
12. Trần Thị Dịu (2010) Định hướng nghề nghiệp - Ảnh hưởng của gia đình, bạn bè
và nhà trường đến học sinh khối 12 (Nghiên cứu trường hợp tại thành phố Hồ
Chí Minh), luận văn đo lường đánh giá.

13. Phạm Tất Dong (1989), Giúp bạn chọn nghề, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

14. Phạm Tất Dong (Chủ biên) (2000), Sự lựa chọn tương lai - Tư vấn hướng
nghiệp, Nxb Thanh Niên.

15. Phạm Tất Dong, Đặng Danh Ánh, Nguyễn Thế Trường, Trần Minh Thu, Nguyễn
Dục Quang (2004), Hoạt động giáo dục hướng nghiệp lớp 12, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.

16. Nguyễn Hữu Dũng (2005), Thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp cho
thanh niên, Nxb Lao động Xã hội.

17. Vũ Dũng (2000), Từ điển Tâm lý học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

18. Vũ Dũng (2012), Việc làm, thu nhập của thanh niên hiện nay nhìn từ góc độ
Tâm lý học, Nxb Từ điển Bách Khoa, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện
Tâm lý học.

19. Quang Dương (2003), Tư vấn hướng nghiệp, Nxb Trẻ.

20. Quang Dương (2010), Tư vấn hướng nghiệp - Tập 1: Học tập tích cực, chọn
nghề phù hợp, Nxb Trẻ.

21. Quang Dương (2010), Tư vấn hướng nghiệp - Tập 2: Tự hướng nghiệp và rèn
luyện kỹ năng vào đời, Nxb Trẻ.

22. Vũ Cao Đàm, Nguyễn Văn Kim, Đào Thanh Trường, (2012), Lựa chọn giải pháp
nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo đại học trong lĩnh vực Khoa học Xã
hội và Nhân văn với nhu cầu của thị trường lao động, Nxb Thế giới.

23. Nguyễn Tiến Đạt (2004), “Các thuật ngữ "nghề", "nghề nghiệp", "chuyên
nghiệp" và "nghề đào tạo" trong giáo dục”, Tạp chí Phát triển giáo dục, số 4
(64), tr.16-18.

24. Nguyễn Văn Đồng (2007), Tâm lý học phát triển giai đoạn thanh niên đến tuổi
già, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội.
25. Klimov.E.A. (1969), Hướng nghiệp như là tổ hợp khoa học, Lêningrat.

26. Klimov.E.A. (1971), Nay đi học mai làm gì?, Nxb Đại học Sư Phạm Hà Nội.

27. Roberts Feldman, Minh Đức, Hồ Kim Chung biên dịch (2004), Tâm lý học căn
bản, Nxb Văn hóa – Thông tin.

28. Phạm Mạnh Hà (2002), “Khái niệm năng lực nghề nghiệp”, Tâm lý học (6).

29. Phạm Mạnh Hà (2003), Thực trạng chọn nghề của học sinh lớp 12 trường
THPT số 1 Bát Xát, Lào Cai.

30. Lê Thị Minh Hà (2007), Tài liệu bài giảng Tâm lý học phát triển, Đại học Sư
Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh.

31. Phạm Văn Hải (2009), Chọn nghề - chọn tương lai, Nxb Trẻ.

32. Mai Văn Hải (2011), “Xu hướng chọn nghề của sinh viên ngành Tâm lý học”,
Tâm lý học (12).

33. Lê Văn Hảo (2013), “Đào tạo những kỹ năng mang tính chuyển dịch cho sinh
viên ngành Tâm lý học”, Tâm lý học (10).

34. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Nguyễn Hồng Phan (2012), Phân tích những giá trị
nghề nghiệp Tâm lý học nhằm góp phần định hướng cho công việc Tâm lý học
đường ở Việt Nam trong tương lai, Hội thảo khoa học Quốc tế Tâm lý học đường
lần thứ 3, phát triển mô hình và kỹ năng hoạt động Tâm lý học đường, Nxb
ĐHSP TPHCM.

35. Nguyễn Văn Hộ (2000), Thích ứng Sư Phạm, Nxb Giáo dục, Hà Nội

36. Nguyễn Ánh Hồng (2005), Sự đáp ứng của sinh viên ngành Khoa Học Xã Hội
& Nhân Văn đối với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, Đề tài nghiên cứu
cấp Bộ.

37. Lê Văn Hồng (chủ biên), Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (1998), Tâm lý học
lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

38. Malcolm Hornby – Tuấn Hưng (biên dịch), (2001), 35 bước chọn nghề như ý,
Nxb Trẻ.
39. Phạm Mạnh Hùng (2006), Giáo trình chuyên đề Tâm lý học nghề nghiệp, Nxb Hà
Nội.

40. Lê Hương (2000), “Một số nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên”, Tâm lý
học (2).

41. Đỗ Thị Hường, Bước đầu tìm hiểu thực trạng vấn đề hướng nghiệp cho con cái
của các bậc cha mẹ huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên, Báo cáo thực tập Tâm lý
học tại chức.

42. Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Lê (2004), “Giáo dục hướng nghiệp cho HS
THPT với việc phát triển nguồn nhân lực”, Tạp chí Phát triển giáo dục.

43. Côn.I.X., Phạm Minh Hạc, Ngô Hào Hiệp dịch (1987), Tâm lý học thanh niên,
Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.

44. Holland J.L (1985), Lựa chọn nghề nghiệp: Lý thuyết về tính cách nghề nghiệp
và môi trường lao động, Nxb Hà Nội.

45. Nguyễn Thị Lan (2008) “Về dự định nghề nghiệp cho con của các bậc cha mẹ
trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta”, Tạp chí Tâm lý học.

46. Từ Lê (2001), Làm gì để có được việc làm và giữ được việc làm, Nxb Lao
động – xã hội.

47. Nguyễn Văn Lê - Nguyễn Công Khanh (2004), Định hướng nghề nghiệp ở lứa tuổi
học sinh trung học phổ thông, Tạp chí Tâm lý học (8), tr.11-18.

48. Trần Thế Linh (1994), “Mức độ hiểu nghề trong việc chọn nghề của học sinh
trong những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục (11).

49. Nguyễn Hồi Loan (2010), “Giáo dục hướng nghiệp cho sinh viên đại học quốc
gia Hà Nội”, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

50. Lê Nguyên Long (2006), Thái độ của cha mẹ đối với việc học của con và định
hướng nghề nghiệp cho con ở gia đình ngoại thành Hà Nội, khóa luận, Hà
Nội.

51. Quý Long (2009), Chọn nghề trắc nghiệm Tâm lý, Nxb Đồng Nai.
52. Trần Thị Thu Mai (2010), “Hoạt động của phòng tư vấn tâm lý - giáo dục -
hướng nghiệp ở trường phổ thông “, Tạp chí khoa học (1), Trường Đại học Sư
phạm TPHCM.

53. Trần Thị Thu Mai (2007), Ứng dụng trắc nghiệm hướng nghiệp của JIM
BARRETT và GEOFF WILLIAMS vào định hướng nghề nghiệp cho học sinh
trung học phổ thông, Đề tài cấp Bộ B2005.23.67

54. Trần Thị Thu Mai (2010), “Cải biên và xây dựng trắc nghiệm tự xác định nghề
nghiệp theo John L. Holland cho học sinh trung học phổ thông”, Tạp chí Tâm
Lý Học (9), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.

55. Đức Minh (chủ biên), (1975), Một số vấn đề Tâm lý học sư phạm và lứa tuổi học
sinh Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

56. Phan Hoàng Nam, Nguyễn Xuân Hòa, Huỳnh Khương An, Lê Văn Khôi
(1998), Nghề gì, làm gì?, Nxb Thống kê.

57. Đỗ Hạnh Nga (2009), Tư vấn hướng nghiệp và đặc điểm tư vấn nghề nghiệp cho
sinh viên cao đẳng, đại học, Hội thảo khoa học Định hướng nghề nghiệp, việc
làm cho sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM.

58. Phạm Thành Nghị (2010), “Tự ý thức nghề nghiệp của sinh viên”, Tâm lý học (2).

59. Quang Ngọc (2008), Bí quyết chọn nghề hợp năng lực, Nxb Thanh niên, Dự án
Giáo dục Đại học (2), Bộ GD&ĐT, Nhà tài trợ World Bank.

60. Nhiều tác giả (2009), Bạn sẽ chọn nghề như thế nào?, Nxb Trẻ.

61. Nhiều tác giả (2012), Các sản phẩm dự án hợp tác giữa trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Viện Rosa Luxemburg, CHLB Đức triển khai
trong 10 năm, Nxb Trung tâm nghiên cứu và phát triển chính sách.
62. Vũ Thị Nho (2008), Tâm lý học phát triển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

63. Đào Thị Oanh (2008), Tâm lý học lao động, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

64. Phan Thị Tố Oanh (1996), Nghiên cứu nhận thức nghề và dự định chọn nghề của
học sinh THPT, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Sư phạm Tâm lý.
65. Sevir P.A. (1981), Tâm lý học tự xác định nghề nghiệp ở tuổi thanh niên,
Matxcơva.

66. Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách Khoa.

67. Triệu Thị Phương (1991), “Một số đặc điểm hứng thú và định hướng nghề
nghiệp của học sinh phổ thông cơ sở”, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục (số 5).

68. Ngô Hoài Sơn (2009), Định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ, Nxb Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh

69. Huỳnh Văn Sơn (chủ biên), Trần Thị Thu Mai, Nguyễn Thị Tứ (2012), Giáo
trình Tâm lý học Sư phạm đại học, Nxb Đại học Sư phạm TP. HCM.

70. Nguyễn Ngọc Tài (2005), Xu hướng chọn nghề của học sinh Thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay và các giải pháp giáo dục hướng nghiệp, Đề tài cấp Sở Khoa
học và Công nghệ TP HCM.

71. Nguyễn Thạc (chủ biên), Phạm Thành Nghị (2009), Tâm lí học Sư Phạm Đại
học, Nxb Đại học Sư phạm.

72. Trần Quốc Thành, (2002), “Định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh lớp
12 THPT một số tỉnh miền núi phía Bắc”, Tạp chí Tâm lý học (8).

73. Nguyễn Phương Thảo (1991), “Những định hướng giá trị xã hội – nghề nghiệp
của sinh viên trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Xã hội học (3).

74. Đinh Thị Kim Thoa (2005), Vấn đề hướng nghiệp trong các trường Sư phạm,
“Đối thoại Pháp – Á về các vấn đề và hướng đi cho Giáo dục hướng nghiệp
tại Việt Nam”, tháng 1/2005.
75. Tổng cục Dạy nghề (2004), Định hướng nghề nghiệp và việc làm, Nxb Lao
động Xã hội, Hà Nội.
76. Dương Thiệu Tống (2005), Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý,
Nxb Khoa học xã hội.85. 77. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005),
Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nxb Thống kê.

77. Nguyễn Quang Uẩn (2010), Tuyển tập nghiên cứu về Tâm lý – Giáo dục, Nxb Đại
học Sư phạm, Hà Nội.

78. Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), (2001), Từ điển Tâm lý, Nxb Văn hóa.
79. Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
(2008), “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh/ sinh viên về định hướng
tương lai”.

80. Max Weber, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang
biên dịch (2008), Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, Nxb Tri
thức.

81. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (2010), Đại từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Đại học
Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiếng Anh:

82. Super D. E., & Knasel E. G. (1981), "Career development in adulthood: Some
theoretical problems and a possible solution", British Journal of Guidance &
counselling, (9), pp.194-201.
83. Janice M.Gueriero (1998), Robert Glenn, Key questions in Career Counseling,
Lawrence Eribaum Association, Inc.
84. David G. Myers (2006), Psychology, Worth Publishers.

85. Slavin Robert E. (1991), Educational Psychology, Prentice Hall, lnc. p.2.

86. Stewart. R., Hill, K., Stewart, J., Bimler, D., & Kirkland, J. (2005), Why I am a
psychology major: An empirical analysis of student motivations, Quality &
Quantity, 39, 687-709.

Các trang website:


87. http://www.apa.org
88. http://www.careerplanning.about.com
89. http://www.careerbuilder.vn
90. http://www.tamlyhoc.net
91. http://www.vienngonnguhoc.gov.vn
PHỤ LỤC 1
MẪU 1

PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN


Các bạn sinh viên thân mến!

Nhằm thu thập thông tin bước đầu cho đề tài khoa học: “Định hướng nghề
nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tâm lý học ở một số trường Đại học tại
Thành phố Hồ Chí Minh”, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của các
bạn sinh viên chuyên ngành về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho tương lai
của các bạn. Chúng tôi xin cam đoan phiếu trưng cầu ý kiến này chỉ dùng cho
mục đích học thuật và được bảo mật hoàn toàn.

Các bạn vui lòng cho biết một vài thông tin về bản thân:

Bạn là sinh viên trường: ………………………………………………………

Khoa:............................................. Ngành học:….......................................

Giới tính: Nam Nữ Năm thứ : 1  2 3 4 

Nội dung ý kiến:


1. Lí do bạn đăng ký thi tuyển và chọn học ngành Tâm lý học?

. ....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

2. Khi đăng ký thi tuyển vào ngành Tâm lý học, bạn hình dung như thế nào về ngành -
nghề Tâm lý học?

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

3. Dự định nghề nghiệp của bạn khi đăng ký thi tuyển và chọn học ngành Tâm lý học?

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................
4. Trước khi đăng ký thi tuyển, bạn có tìm hiểu về trường và ngành đang học hay
không? Nếu có thì cách tìm hiểu của bạn là gì?

.....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

5. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc chọn trường và ngành học hiện tại của bạn?

* Yếu tố chủ quan – thuộc bản thân các bạn: ............................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

* Yếu tố khách quan quan – từ bên ngoài tác động: ..................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

6. Trước khi đăng ký thi tuyển vào ngành Tâm lý học, bạn có được tham gia buổi sinh
hoạt hướng nghiệp nào không? Nếu có thì ở đâu? Nội dung và hình thức như thế nào?

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

7. Khi học trung học phổ thông, bạn có tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp của bản thân
không? Nếu có thì ở đâu?

.....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

..................................................................................................................................... .

8. Bạn đánh giá mình là người có tính cách như thế nào? Với tính cách như thế bạn
thấy mình phù hợp với công việc gì?

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................

9. Nếu bây giờ có cơ hội chọn lại ngành nghề, bạn sẽ quyết định như thế nào?

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

10. Để sinh viên có định hướng nghề nghiệp chính xác và phù hợp hơn, bản thân sinh
viên và các cơ quan ban ngành có liên quan (nhà trường, trung tâm tư vấn, công ty/cơ
quan tuyển dụng,…) nên có những biện pháp gì?

* Biện pháp từ phía sinh viên: ....................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

* Biện pháp từ phía các cơ quan ban ngành có liên quan (nhà trường, trung tâm tư vấn,
công ty/cơ quan tuyển dụng,…)..........................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã chia sẻ thông tin!


MẪU 2

PHIẾU THĂM DÒ Ý KIẾN

Các bạn sinh viên thân mến!

Định hướng nghề nghiệp là một trong những vấn đề rất phức tạp và hết sức
quan trọng trong cuộc đời mỗi người và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhằm tìm hiểu
thực trạng định hướng nghề nghiệp của các bạn để từ đó có những kiến nghị và biện
pháp thích đáng giúp các bạn có sự định hướng nghề nghiệp chính xác và phù hợp
hơn, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Định hướng nghề nghiệp của sinh viên
chuyên ngành Tâm lý học ở một số trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh”,
rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của các bạn sinh viên chuyên ngành. Chúng tôi xin
cam đoan phiếu thăm dò ý kiến này chỉ dùng cho mục đích học thuật và được bảo mật
hoàn toàn.

A. THÔNG TIN CÁ NHÂN

Bạn là sinh viên trường: ..............................................................................................


Khoa:............................................Chuyên ngành :…...................................................
Là sinh viên năm thứ : Năm 1  Năm 2 Năm 3
  Năm 4 
Giới tính: Nam  Nữ 
Hộ khẩu thường trú : Tại Thành phố HCM  Tỉnh khác 
B. NỘI DUNG
CÂU 1. Bạn thi đậu vào trường và ngành đang học theo nguyện vọng nào?

(Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)

 1. Nguyện vọng 1
 2. Nguyện vọng 2
 3. Nguyện vọng 3
 4. Tuyển thẳng
CÂU 2. Lý do bạn chọn và theo học chuyên ngành Tâm lý học tại TPHCM ? (bạn
đánh dấu “X” vào 3 ý phù hợp với bạn nhất)

 1. Ngẫu nhiên theo cảm tính

 2. Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu


 3. Tò mò vì ngành lạ

 4. Yêu thích, đam mê ngành học

 5. Truyền thống gia đình

 6. Muốn có bằng Đại học

 7. Không còn lựa chọn nào khác

 8. Thần tượng người thành công trong ngành

 9. Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác

 10. Muốn giúp người thân và bạn bè giải quyết vấn đề khó khăn về tâm lý

 11. Gia đ ầy cô,thbạn bè định hướng, khuyến khích


ình,

 12. Ngành hay, có tiềm năng

 13. Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, sự tuyên truyền của ngành

 14. Phù hợp với sở thích, năng lực, sở trường và nhu cầu của bản thân

 15. Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý

 16. Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã hội ưa chuộng

 17. Lý do khác (Xin ghi cụ thể):

.......................................................................................................................................

CÂU 3. Khi chọn học chuyên ngành Tâm lý học, bạn hiểu biết về ngành – nghề đã
chọn ở mức nào? (Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)

 1. Hoàn toàn không biết gì

 2. Hiểu biết ít

ối hiểu biết
 3. Tương đ

 4. Hiểu rất rõ về ngành – nghề đã chọn

CÂU 4. Bạn đánh giá như thế nào về cơ hội nghề nghiệp cũng như cơ hội phát triển
của ngành Tâm lý học trong tương lai? (Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn
nhất)

 1. Không có tiềm năng

 2. Tiềm năng ít

 3. Rất có tiềm năng


CÂU 5. Khi đăng ký thi/xét tuyển và chọn học ngành Tâm lý học, bạn hình dung như
thế nào về ngành – nghề Tâm lý học? (Đánh dấu “X” vào cột cùng hàng phù hợp với
bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Tâm lý học là ngành - nghề: Hoàn Không Phân Đồng Hoàn
Stt toàn đồng ý vân ý toàn
không đồng
đồng ý ý
1 Ít được đề cao
2 Khó học, nhiều lý thuyết,
3 Khó hành nghề, nhiều thách thức
4 Yêu cầu cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng
5 Thu nhập cao
6 Mới lạ, thú vị, hấp dẫn
7 Đang phát triển, có nhiều tiềm năng
8 Có nhiều cơ hội, dễ xin việc làm
9 Có địa vị cao trong xã hội
10 Nhàn hạ, ít vất vả
11 Dễ chuyển đổi
12 Dễ thăng tiến trong xã hội
13 Có điều kiện phát triển năng lực bản
thân
14 Mang tính sáng tạo đặc thù
15 Đảm bảo sự thành đạt, tương lai ổn định
16 Thực tế, giúp ích cho nhiều người và xã
hội
Đa năng, giúp làm được nhiều việc
17 trong nhiều lĩnh vực
Giúp nổi tiếng, thu hút được sự chú ý
18 của mọi người
19 Giúp hiểu rõ và nhìn thấu tâm lý con
người
Giúp giao tiếp giỏi, thông minh, khéo
20 léo, siêu phàm trong ứng xử
21 Giúp hoàn thiện nhân cách
22 Giúp tăng cường khả năng sáng tạo
Nghiên cứu, giải thích mọi vấn đề về
23 tâm lý con người
Được mọi người đánh giá cao, được
24 trọng vọng, thán phục và tin tưởng
Chăm sóc tinh thần, giải quyết mọi vấn
25 đề khó khăn cho con người
26 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có):
...........................................................
CÂU 6. Khi đăng ký thi / xét tuyển và chọn học ngành Tâm lý học bạn định hướng
nghề nghiệp của mình như thế nào? (Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)

ịnh hướng gì cả
 1. Không đ
ịnh hướng nhưng còn mơ hồ, chưa hình dung rõ ràng)
 2. Phân vân (có đ
 3. Đ ịnh
ã đhướng rõ ràng
CÂU 7. Hoạt động định hướng nghề nghiệp có vai trò như thế nào đối với bạn?
(Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)
 1. Không quan trọng
 2. Ít quan trọng
 3. Phân vân
 4. Quan trọng
 5. Rất quan trọng
CÂU 8. Dự định nghề nghiệp của bạn khi đăng ký thi / xét tuyển và chọn học ngành
Tâm lý học?

(Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng mà bạn cho là phù hợp với bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Nhóm nghề nghiệp Hoàn Không Phân Khá Rất
toàn yêu vân yêu yêu
không thích thích thích
thích
Giảng dạy các học phần Tâm lý học
1 trong các trường Đại học, Cao
Giảng dạy Đẳng, THCN
(giảng 2 Giảng dạy môn Giáo dục công dân
viên, ở trường THCS, THPT
giáo viên) 3 Giảng dạy kỹ năng sống
4 Giảng dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ,
khuyết tật

Nghiên cứu 5 Cán bộ nghiên cứu khoa học


khoa học 6 Cán bộ dự án phát triển cộng đồng

Chuyên viên tham vấn học đường


7 (tại trường học: Tiểu học, THCS,
THPT)
Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
8 (trường học, các trung tâm, tổ chức
xã hội)
Cố vấn học tập
Tư vấn, 9 (tại các trường ĐH, CĐ, THCN,..)
tham vấn, Cố vấn viên
trị liệu (trợ 10 (tham vấn/tư vấn cho các công ty,
giúp) tâm chương trình truyền hình, gameshow
lý thực tế,...)
Chuyên viên tư vấn tâm lý
(tình yêu – hôn nhân – gia đình)
11 trực tiếp qua các phương tiện thông
tin đại chúng (truyền hình, truyền
thanh, trang web)
Chuyên viên chẩn đoán Tâm lý
12 (tại bệnh viện, trung tâm, công ty
chăm sóc sức khỏe tinh thần)
Chuyên viên tham vấn Tâm lý
13 (tại bệnh viện, công ty, trung tâm
chăm sóc sức khỏe tinh thần)
Chuyên viên trị liệu Tâm lý
14 (tại bệnh viện, công ty, trung tâm
chăm sóc sức khỏe tinh thần)
15 Nhân viên công tác xã hội

16 Cán bộ quản sinh


17 Cán bộ Đoàn, Đảng
Quản lý, 18 Cán bộ tuyên giáo
tổ chức, 19 Nhân viên quản trị nhân sự
nhân sự 20 Nhân viên marketting
21 Nhân viên thiết kế quảng cáo, ý
tưởng
Nhân viên nghiên cứu thị trường
22 (nghiên cứu tâm lý khách hàng)

23 Diễn giả
24 MC, hoạt náo viên
25 Tổ chức các chương trình, sự kiện
Các công
26 Phóng viên báo đài
việc khác
Viết kịch bản chương trình (cho đài
27 truyền hình, gameshow thực tế...)

CÂU 9. Bạn gặp phải những vấn đề khó khăn gì khi định hướng nghề nghiệp thuộc
chuyên ngành Tâm lý học? (Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng mà bạn cho là phù
hợp với bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Hoàn Không Phân Đồng Hoàn
Stt Vấn đề khó khăn toàn đồng ý vân ý toàn
không đồng
đồng ý ý
1 Không có khó khăn gì
2 Không được tư vấn cụ thể, rõ ràng
về ngành – nghề
3 Không biết thông tin đầy đủ về
các nghề thuộc chuyên ngành
4 Không biết ý nghĩa xã hội của
nghề
5 Thích nhiều nghề trong ngành,
không biết chọn nghề nào cho phù
hợp
6 Chọn được nghề nhưng gia đình
không ủng hộ
7 Chọn được nghề nhưng năng lực
hạn chế, không phù hợp
8 Không xác định được năng lực,
hứng thú, tính cách phù hợp với
nghề nào
9 Khó khăn khác (xin ghi rõ nếu có):
.....................................................

CÂU 10. Theo bạn việc tìm hiểu và chuẩn bị cho bản thân những phẩm chất và năng
lực / kỹ năng nghề nghiệp có vai trò như thế nào? (Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp
với bạn nhất)

 1. Không quan trọng


 2. Ít quan trọng
 3. Phân vân
 4. Quan trọng
 5. Rất quan trọng
CÂU 11. Bạn hiểu những yêu cầu về phẩm chất và năng lực/ kỹ năng của người làm
việc trong lĩnh vực thuộc ngành - nghề Tâm lý học như thế nào? (Đánh dấu “X” vào cột
cùng hàng phù hợp nhất)

Mức độ cần thiết


St 1. 2. 3. 4. 5.
t Yêu cầu Không Ít Phân Cần Rất
cần thiết cần vân thiết cần
thiết thiết
Phẩm chất
1 Đam mê, hứng thú với nghề nghiệp
2 Niềm tin nghề nghiệp
3 Niềm tin vào bản thân
4 Tinh thần kỷ luật cao
5 Tính thận trọng cao
6 Lòng nhân đạo, yêu thương con người
7 Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi
8 Năng động, mềm dẻo, linh hoạt
9 Kiên trì, chịu khó
10 Có uy tín với mọi người
11 Kín đáo, bảo mật
12 Trung thực
13 Có tình cảm yêu nghề, trân trọng, gìn giữ
và phát huy các giá trị nghề nghiệp
14 Tận tâm phục vụ cộng đồng;
Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề
15 nghiệp (trong tư vấn, trị liệu và tổ chức
nhân sự)
16 Có tinh thần trách nhiệm cao đối với nghề
nghiệp.
17 Có thái độ chủ động, tích cực trong việc
rèn luyện nhân cách.
18 Những phẩm chất liên quan đến giá trị
sống (yêu hòa bình, dũng cảm, hy sinh,.).
Năng lực/ kỹ năng
1 Có trình độ chuyên môn tốt
2 Tự kiểm tra, đánh giá công việc
3 Nghiên cứu khoa học
4 Tổ chức, lập kế hoạch cho các hoạt động
5 Giảng dạy, truyền đạt
6 Tư vấn/ tham vấn, trị liệu
7 Xây dựng test và sử dụng test
8 Nhạy bén, linh hoạt
9 Tư duy độc lập, sáng tạo
10 Thực hành chuyên môn, nghiệp vụ
11 Sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ
12 Chịu được áp lực công việc
13 Quan sát, tìm kiếm và sử dụng thông tin
14 Quản lý thời gian
15 Quản lý cảm xúc
16 Giao tiếp, ứng xử trong công việc
17 Đoàn kết, hợp tác nhóm
Ứng dụng thành tựu tâm lý vào các lĩnh
18 vực có liên quan: nghiên cứu, trắc đạt xã
hội, truyền thông, sản xuất, kinh doanh,
giáo dục..
Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
19 ..................................................................
CÂU 12. Mức độ hứng thú của bạn đối với ngành, nghề mà bạn đang theo học?

(Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)
 1. Hoàn toàn không hứng thú (Rất chán học)
 2. Không hứng thú
 3. Phân vân (lúc có, lúc không, đôi khi chán học)
 4. Hứng thú
 5. Rất hứng thú
CÂU 13. Thái độ của bạn đối với việc định hướng nghề nghiệp được thể hiện như thế
nào? (Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng phù hợp với bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Thái độ Chưa Hiếm Thỉnh Thường Rất
Stt bao khi thoảng xuyên thường
giờ xuyên
1 Hài lòng, thỏa mãn với ngành, nghề đang học
2 Thích thú với việc tiếp nhận những kiến thức
về ngành - nghề đã chọn
3 Say mê trọn vẹn với việc tìm hiểu và khám
phá những kiến thức mới lạ về ngành - nghề
4 Hài lòng khi hoàn thành những nhiệm vụ học
tập và thực hành được giao
5 Tích cực, tự giác hơn trong quá trình học tập
Coi trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị
6 nghề nghiệp
Chủ động cập nhật các thông tin khoa học
7 chuyên ngành
Chủ động quan sát và tìm kiếm những địa
8 điểm thực tập/ hành nghề liên quan đến nghề
nghiệp đã chọn
9 Chủ động rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ
10 Chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn
11 Chủ động, tích cực rèn luyện các phẩm chất
của nhà Tâm lý
12 Tích cực trau dồi thế giới quan Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng trong
nghề nghiệp
13 Độc lập trong tư duy khi nhìn nhận và đánh
giá các vấn đề khoa học chuyên ngành
14 Tuân thủ những yêu cầu về nghề nghiệp và
đạo đức nghề nghiệp trong thực hành nghề
15 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
....................................................................
CÂU 14. Trong thời gian qua, bạn tham gia những hoạt động tư vấn định hướng
nghề nghiệp thuộc chuyên ngành Tâm lý học như thế nào? (Có thể chọn nhiều ý kiến)

iều kiện tiếp cận các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp
 1. Không có đ
 2. Không tham gia hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp nào
 3. Có tham gia hoạt động tư vấn của khoa, trường tổ chức
 4. Có tham gia hoạt động tư vấn của các tổ chức đoàn thể
 5. Có tham gia hoạt động tư vấn của các phương tiện truyền thông
 6. Có tham gia các buổi tọa đàm với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có nhu cầu
tuyển dụng
CÂU 15. Thái độ của bạn đối với các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp thuộc
chuyên ngành Tâm lý học trong thời gian qua như thế nào? (Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô
phù hợp với bạn nhất)

 1. Không hài lòng


 2. Ít hài lòng
 3. Không có ý kiến
 4. Hài lòng
 5. Rất hài lòng
CÂU 16. Hành vi định hướng nghề nghiệp của bạn được thể hiện như thế nào?

(Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng mà bạn cho là phù hợp với bạn nhất)

Mức độ thực hiện


1. 2. 3. 4. 5.
Hành vi Chưa Hiếm Thỉnh Thường Rất
Stt bao khi thoảng xuyên thường
giờ xuyên
1 Đi học đầy đủ, đúng giờ
2 Tập trung nghe giảng và chép bài đầy đủ
3 Tích cực phát biểu, xây dựng bài
Tham gia tích cực các buổi sinh hoạt
4 nhóm, câu lạc bộ của lớp, của khoa, và
trường tổ chức
Tham gia hiệu quả các giờ học thực hành
5 ở lớp,các hoạt động ngoại khóa liên quan
Lập kế hoạch học tập rõ ràng, thực hiện kế
6 hoạch nghiêm túc
Tìm đọc thêm sách, báo, tài liệu có liên
7 quan đến chuyên ngành
Tích cực trao đổi, tranh luận với bạn bè,
8 thầy cô về những vấn đề chưa hiểu rõ
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và
9 rèn luyện
Tìm hiểu trước nội dung môn học mới qua
10 tài liệu, thầy cô
Thu thập những thông tin liên quan đến
11 ngành – nghề
Tìm hiểu, phân tích kỹ nội dung, đặc điểm,
12 yêu cầu và cơ hội của ngành, nghề
Áp dụng kiến thức học được vào việc lý giải
13 những vấn đề có liên quan đến ngành, nghề
Tham gia thành lập các nhóm học tập và
14 thực hành nghề nghiệp chuyên môn
Tham gia các buổi hội họp, gặp mặt truyền
15 thống với cựu sinh viên các khóa học trước
Đăng ký tham gia các khóa học chuyên
16 sâu về ngành – nghề
Tiếp cận, giao lưu và thiết lập mối quan hệ
17 với Thầy Cô và những gương thành công
trong ngành – nghề
Nhờ Thầy cô, gương thành công trong
18 ngành tư vấn, định hướng nghề
Làm các trắc nghiệm (sở thích/ năng lực/
19 tính cách) để định hướng nghề
Tham dự các buổi tọa đàm, các cuộc hội
20 thảo về ngành - nghề
Tiếp cận, tham quan những cơ sở, đơn vị
21 hành nghề thực tế
Hành vi khác (xin ghi rõ nếu có):
22 ................................................................

CÂU 17. Các đối tượng sau ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngành – nghề của bạn như
thế nào? (Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng phù hợp với bạn nhất)

Mức độ
Stt Đối tượng ảnh hưởng 1. 2. 3.
Không Ảnh Ảnh
ảnh hưởng hưởng
hưởng ít nhiều
1 Gia đình (ba mẹ, anh chị em, họ hàng)
2 Thầy cô ở trường THPT
3 Bạn bè
Các chuyên gia, tư vấn viên ở các trung tâm
4 hướng nghiệp, tổ chức xã hội
5 Các sinh viên đang học chuyên ngành Tâm lý học
6 Những gương sáng thành công trong ngành
Các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo,
7 internet, các kênh truyền hình, truyền thanh, radio)
8 Bản thân
Đối tượng khác (xin ghi rõ nếu có):
9 ......................................................................

CÂU 18. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc định hướng ngành – nghề Tâm lý học
của bạn? (Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng mà bạn cho là phù hợp với bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Yếu tố Không Ảnh Phân Ảnh Ảnh
Stt ảnh hưởng vân hưởng hưởng
hưởng ít nhiều rất nhiều
Chủ quan
1 Sở thích, hứng thú của bản thân
2 Năng lực của bản thân với ngành, nghề
3 Tính cách của bản thân
4 Niềm tin vào ngành – nghề
Nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ mọi người
5 (trước hết là người thân, bạn bè)
6 Ý thức được nhu cầu của xã hội
7 Ý thức được giá trị của ngành – nghề
8 Muốn thử thách bản thân
9 Muốn khám phá và hiểu thêm về bản
thân (Bản thân có vấn đề tâm lý)
10 Muốn hoàn thiện nhân cách của bản
thân (giúp giải quyết khó khăn tâm lý)
11 Muốn được thành công, được nổi tiếng
và được mọi người ngưỡng mộ
12 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
...........................................................
Khách quan
13 Điểm chuẩn vừa sức
14 Truyền thống gia đình
15 Định hướng của gia đình, thầy cô, bạn bè
16 Định hướng của các trắc nghiệm tâm lý
(sở thích/ năng lực/ tính cách)
17 Tấm gương của những người thành đạt
trong ngành – nghề
18 Lời khuyên của các chuyên gia tư vấn
hướng nghiệp
19 Thông tin về ngành nghề trên các
phương tiện truyền thông đại chúng
20 Đặc điểm, yêu cầu của ngành – nghề
21 Vị trí, uy tín của trường, của ngành
22 Cơ hội việc làm sau khi ra trường
23 Thu nhập (lợi nhuận) của ngành, nghề
24 Vị thế xã hội của ngành – nghề
25 Khả năng thăng tiến trong nghề
26 Đỉnh cao thành công của nghề
27 Những khó khăn, thử thách của nghề
28 Điều kiện kinh tế (địa điểm và học phí
của trường hợp lý)
29 Nhu cầu xã hội (ngành đang phát triển,
có nhiều tiềm năng)
Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
30 ...........................................................

CÂU 19. Theo bạn, những nguyên nhân nào dưới đây tác động đến sự định hướng
nghề nghiệp của bạn? (Bạn đánh dấu “X” vào cột cùng hàng mà bạn cho là phù hợp với
bạn nhất)

Mức độ
1. 2. 3. 4. 5.
Hoàn Không Phân Đồng Hoàn
Stt Nguyên nhân toàn đồng ý vân ý toàn
Không đồng ý
đồng ý
Chủ quan
Không nhận thức được tầm quan trọng, ý
1 nghĩa của việc định hướng nghề
Chưa trang bị những hiểu biết về giá trị,
2 đặc điểm, yêu cầu của ngành - nghề một
cách đúng đắn
3 Không hứng thú với ngành – nghề đã chọn
Thiếu hụt các phẩm chất tâm lý cần
4 thiết cho sự định hướng nghề (niềm tin,
tính cách,...)
Không có đủ năng lực, kỹ năng định
5 hướng nghề
6 Không nỗ lực, cố gắng
Không tích cực, sáng tạo, linh hoạt
7 trong hoạt động định hướng nghề nghiệp
8 Ảo tưởng, kỳ vọng quá lớn vào ngành, nghề
Không có kế hoạch và biện pháp cụ thể
9 để hình thành và rèn luyện năng lực/ kỹ
năng nghề
10 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
...............................................................
Khách quan
Các tổ chức chưa có sự tư vấn
11 chuyên sâu về nghề nghiệp cụ thể
thuộc chuyên ngành trước khi sinh
viên vào học
Nhà trường chưa tổ chức cho sinh
12 viên tham quan, tiếp cận thực tế với
ngành học và nghề nghiệp cụ thể
thuộc chuyên ngành
13 Môi trường xã hội phức tạp và
phương tiện truyền thông nhìn nhận,
tuyên truyền ngành – nghề với nhiều
góc độ khác nhau
Hình thức tổ chức tư vấn, định hướng
14 nghề nghiệp thuộc chuyên ngành còn
đơn điệu, chưa thường xuyên
15 Thiếu thốn về cơ sở vật chất và
phương tiện thực hành, rèn luyện nghề
nghiệp
Chưa có mối liên hệ và sự đầu tư
16 thích đáng của các tổ chức, cơ quan,
đơn vị tuyển dụng với nơi đào tạo
ngành – nghề
Chưa có sự định hướng, hỗ trợ kịp
17 thời của người thân, thầy cô, chuyên
viên cố vấn học tập, bạn bè
Nhà trường chưa có biện pháp định
18 hướng và giáo dục việc định hướng nghề
nghiệp cho sinh viên một cách cụ thể
19 Khó khăn, phức tạp trong việc
chuyển đổi chuyên ngành
20 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
...........................................................

CÂU 20. Nếu có điều kiện chọn lại ngành nghề khác, bạn sẽ quyết định như thế nào?
(Bạn đánh dấu “X” vào 1 ô phù hợp với bạn nhất)

 1. Chọn lại ngành nghề khác


 2. Phân vân
 3. Không chọn lại

Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các bạn!


MẪU 3

PHIẾU THĂM DÒ Ý KIẾN

Các bạn sinh viên thân mến!

Để ứng dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp
và giáo dục việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Tâm lý học ở
một số trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, các bạn vui lòng cho biết các biện
pháp nêu ra dưới đây có tính cần thiết và tính khả thi như thế nào đối với việc nâng
cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp của bạn.

(Hướng dẫn trả lời: Các bạn vui lòng đánh dấu “X” vào các cột và dòng tương ứng)

Mức độ cần thiết Mức độ khả thi


5 = Rất cần thiết 5 = Rất khả thi
4 = Cần thiết 4 = Khả thi
3 = Bình thường 3 = Bình thường
2 = Ít cần thiết 2 = Ít khả thi
1 = Không cần thiết 1 = Không khả thi
Biện pháp Mức độ cần thiết Mức độ khả thi
Stt 1 2 3 4 5 1 2 3 4 5
Nhà trường
Phối hợp với các cơ quan chức năng
1 cung cấp thông tin: dự báo nhu cầu
nguồn nhân lực, điều kiện thi tuyển, đặc
điểm, yêu cầu của ngành – nghề gửi về
các trường THPT
Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề
2 nghiệp thuộc chuyên ngành cho sinh
viên có tên trong danh sách trúng tuyển
trước ngày khai giảng
Cho sinh viên thực hiện các trắc
3 nghiệm Tâm lý (sở thích, năng lực, tính
cách) để xác định lại sự phù hợp với
ngành – nghề
Tổ chức cho sinh viên trúng tuyển tham
4 gia học thử và đi tham quan thực tế tại
các tổ chức, cơ quan và đơn vị đang
hành nghề
5 Tổ chức hội chợ, triển lãm ngành, nghề
Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành –
6 nghề và kinh nghiệm nghề nghiệp thực
tế cho sinh viên các khóa với sinh viên
năm nhất
Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại
7 trường: Tư vấn / tham vấn; Giảng dạy;
nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý
nhân sự; ....
Mở rộng và phong phú hóa các hình
thức tổ chức các hội thi giao lưu, học
8 hỏi, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ
cho sinh viên thi đua và trải nghiệm
thực tế với các trường có ngành đào tạo
Tâm lý học: Đại học Sư Phạm, ĐH Văn
Hiến, ĐH Khoa học xã hội & Nhân Văn
Xây dựng mô hình tư vấn nghề cho
9 sinh viên với sự góp sức của các cố vấn
học tập tại trường
10 Phối hợp với các tổ chức, các cơ quan,
đơn vị (nơi kiến tập, thực tập, đơn vị
tuyển dụng,...) tổ chức các buổi tọa
đàm, cập nhật thông tin về cơ hội và
kinh nghiệm nghề nghiệp
Giảng viên, cố vấn học tập, Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
11 Cần quan tâm và giúp đỡ sinh viên hình
thành, động cơ, thái độ đúng đắn, củng
cố và xác định nhu cầu, sở thích khi
định hướng nghề nghiệp
12 Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ
chức hướng dẫn, trợ giúp định hướng
nghề nghiệp cho sinh viên
13 Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ
quan, đơn vị hành nghề để cập nhật yêu
cầu và đổi mới kịp thời các nội dung
thông tin ngành – nghề
14 Giáo dục, khơi dậy lý tưởng, niềm
tin,lòng yêu nghề và tâm huyết nghề
nghiệp cho sinh viên
15 Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự
học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự
tìm hiểu thông tin, yêu cầu về ngành –
nghề cho sinh viên
16 Tạo dựng kênh thông tin về ngành –
nghề dành riêng cho sinh viên (báo
giấy, báo mạng, website,...)
Các tổ chức, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng
17 Đầu tư, đóng góp, tạo điều kiện cho đơn
vị đào tạo thực hiện tốt nội dung giảng
dạy, giáo dục, đảm bảo sinh viên đáp ứng
được yêu cầu thực tế của ngành, nghề
18 Quan tâm, giúp đỡ, tạo cơ hội cho sinh
viên trao đổi, học hỏi chuyên môn
nghiệp vụ trong quá trình học tập, tham
quan và thực tập
19 Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm
và bồi dưỡng những sinh viên tài năng,
có hứng thú, tính cách phù hợp với
ngành – nghề thông qua các buổi tọa
đàm, kiến tập, thực tập nghề nghiệp,...
Sinh viên
20 Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin,
lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp
21 Hình thành nhận thức, thái độ và hành
vi đúng đắn đối với ngành – nghề
22 Chủ động tạo dựng các mối quan hệ tốt
đẹp với Thầy cô và người đang công tác
trong ngành
23 Tích cực tìm kiếm các thông tin đáng
tin cậy về đặc điểm, yêu cầu , cơ hội
của ngành – nghề
24 Tích cực tham gia học tập nội dung
chính thức ở trường, các khóa đào tạo
bên ngoài phù hợp với nhu cầu nghề
nghiệp của bản thân
25 Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn
luyện chuyên môn ngành – nghề và
nghiêm túc thực hiện
26 Chủ động tìm kiếm cơ hội, tiếp cận các
tổ chức, cơ quan và đơn vị có nhu cầu
tuyển dụng
27 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
..............................................................

Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các bạn!


MẪU 4
PHIẾU THĂM DÒ Ý KIẾN

Quý Thầy Cô kính mến!

Để ứng dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp
và giáo dục việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Tâm lý học ở
một số trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, quý Thầy Cô vui lòng cho biết các
biện pháp nêu ra dưới đây có tính cần thiết và tính khả thi như thế nào đối với việc
nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
(Quý Thầy Cô vui lòng đánh dấu “X” vào các cột và dòng tương ứng)

Mức độ cần thiết Mức độ khả thi


5 = Rất cần thiết 5 = Rất khả thi
4 = Cần thiết 4 = Khả thi
3 = Bình thường 3 = Bình thường
2 = Ít cần thiết 2 = Ít khả thi
1 = Không cần thiết 1 = Không khả thi

Biện pháp Mức độ cần thiết Mức độ khả thi


Stt 1 2 3 4 5 1 2 3 4 5
Nhà trường
Phối hợp với các cơ quan chức năng
1 cung cấp thông tin: dự báo nhu cầu
nguồn nhân lực, điều kiện thi tuyển, đặc
điểm, yêu cầu của ngành – nghề gửi về
các trường THPT
Tổ chức tư vấn chuyên sâu về nghề
2 nghiệp thuộc chuyên ngành cho sinh viên
có tên trong danh sách trúng tuyển trước
ngày khai giảng
Cho sinh viên thực hiện các trắc nghiệm
3 Tâm lý (sở thích, năng lực, tính cách) để
xác định lại sự phù hợp với ngành – nghề
Tổ chức cho sinh viên trúng tuyển tham
4 gia học thử và đi tham quan thực tế tại
các tổ chức, cơ quan và đơn vị hành nghề
5 Tổ chức hội chợ, triển lãm ngành –nghề
Tổ chức giao lưu, chia sẻ về ngành –
6 nghề và kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế
cho sinh viên các khóa với sinh viên
năm nhất
Tổ chức các câu lạc bộ nghề nghiệp tại
7 trường: Tư vấn / tham vấn; Giảng dạy;
nghiên cứu khoa học; Trị liệu; quản lý
nhân sự; ....
Mở rộng và phong phú hóa các hình thức
tổ chức các hội thi giao lưu, học hỏi, rèn
8 luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho sinh
viên thi đua và trải nghiệm thực tế với
các trường có ngành đào tạo Tâm lý học:
Đại học Sư Phạm, ĐH Văn Hiến, ĐH
Khoa học xã hội & Nhân Văn,....
Xây dựng mô hình tư vấn nghề cho sinh
9 viên với sự góp sức của các cố vấn học
tập tại trường
10 Phối hợp với các tổ chức, các cơ quan,
đơn vị (nơi kiến tập, thực tập, đơn vị
tuyển dụng,...) tổ chức các buổi tọa đàm,
cập nhật thông tin về cơ hội và kinh
nghiệm nghề nghiệp
Giảng viên, cố vấn học tập, Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
11 Cần quan tâm và giúp đỡ sinh viên hình
thành, động cơ, thái độ đúng đắn, củng cố
và xác định nhu cầu, sở thích khi định
hướng nghề nghiệp
12 Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ
chức hướng dẫn, trợ giúp định hướng
nghề nghiệp cho sinh viên
13 Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ
quan, đơn vị hành nghề để cập nhật yêu
cầu và đổi mới kịp thời các nội dung
thông tin ngành – nghề
14 Giáo dục, khơi dậy lý tưởng, niềm
tin,lòng yêu nghề và tâm huyết nghề
nghiệp cho sinh viên
15 Giáo dục ý thức, tinh thần tự giác, tự học,
tự nghiên cứu, tự rèn luyện và tự tìm hiểu
thông tin, yêu cầu về ngành – nghề cho
sinh viên
16 Tạo dựng kênh thông tin về ngành – nghề
dành riêng cho sinh viên (báo giấy, báo
mạng, website,...)
Các tổ chức, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng
17 Đầu tư, đóng góp, tạo điều kiện cho đơn
vị đào tạo thực hiện tốt nội dung giảng
dạy, giáo dục, đảm bảo sinh viên đáp ứng
được yêu cầu thực tế của ngành - nghề
18 Quan tâm, giúp đỡ, tạo cơ hội cho sinh
viên trao đổi, học hỏi chuyên môn nghiệp
vụ trong quá trình học tập, tham quan và
thực tập
19 Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm kiếm và
bồi dưỡng những sinh viên tài năng, có
hứng thú, tính cách phù hợp với ngành –
nghề thông qua các buổi tọa đàm, kiến
tập, thực tập nghề nghiệp,...
Sinh viên
20 Chủ động hình thành nhu cầu, niềm tin,
lý tưởng, hứng thú nghề nghiệp
21 Hình thành nhận thức, thái độ và hành vi
đúng đắn đối với ngành – nghề
22 Chủ động tạo dựng các mối quan hệ tốt
đẹp với Thầy cô và người đang công tác
trong ngành
23 Tích cực tìm kiếm các thông tin đáng tin
cậy về đặc điểm, yêu cầu , cơ hội của
ngành – nghề
24 Tích cực tham gia học tập nội dung chính
thức ở trường, các khóa đào tạo bên
ngoài phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp
của bản thân
25 Chủ động lập kế hoạch học tập, rèn luyện
chuyên môn ngành – nghề và nghiêm túc
thực hiện
26 Chủ động tìm kiếm cơ hội, tiếp cận các tổ
chức, cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển
dụng
27 Ý kiến khác (xin ghi rõ nếu có)
...................................................................

Xin Quý Thầy (Cô) cho biết một vài thông tin về bản thân:
Giới tính: Nam  Nữ 
Họ và tên: ……………………………………………………………………
Vị trí công tác (chức vụ):………………………………………………………

Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của quý Thầy Cô!


Kính chúc Quý Thầy Cô thật nhiều sức khỏe và thành công!
PHỤ LỤC 2
MẪU BIÊN BẢN PHỎNG VẤN SÂU DÀNH CHO SINH VIÊN
Người phỏng vấn: ......................................................................................................
Họ và tên sinh viên được phỏng vấn: ........................................................................
Sinh viên Trường: ................................................... Sinh viên năm: .........................
Thời gian và địa điểm phỏng vấn: ............................................................................
Nội dung phỏng vấn: Nhận thức, thái độ và hành vi định hướng nghề nghiệp của sinh
viên chuyên ngành Tâm lý học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 1. Lý do quan trọng nhất thúc đẩy bạn học tập chuyên ngành hiện tại là gì?
Vì sao?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 2. Bạn đã hoặc sẽ định hướng cho bản thân nghề nghiệp thuộc chuyên ngành. Bạn
chọn nghề nghiệp gì? Vì sao?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 3. Bạn dựa vào những tiêu chí nào nào để định hướng nghề nghiệp cho mình?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 4. Theo bạn, cần trang bị cho bản thân những gì để có được một nghề nghiệp như
mong đợi trong tương lại?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 5. Bạn nghĩ gì về Phong cách giảng dạy của giảng viên, môi trường học tập (bao
gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập), chương trình học tập và tài liệu học tập
chuyên ngành của trường bạn?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 6. Theo bạn, hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp thuộc chuyên ngành Tâm
lý học trong thời gian qua như thế nào?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 7. Bạn có chủ động tìm hiểu, tiếp cận, liên lạc với những người, những cơ quan,
đơn vị đang công tác trong những lĩnh vực nghề nghiệp thuộc chuyên ngành bạn đang
học không? Nếu có thì bạn thực hiện như thế nào?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 8. Bạn có làm trắc nghiệm hướng nghiệp hay bất kỳ một trắc nghiệm nào trước
khi định hướng nghề nghiệp không? Nếu có thì bạn làm trắc nghiệm gì? Làm ở đâu?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 9. Bạn có thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa và các khóa học
chuyên sâu về nghề nghiệp ngoài trường học hay không? Nếu có thì ở đâu?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Câu 10. Theo bạn để giáo dục định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành
Tâm lý học đạt hiệu quả cần có những điều kiện gì?
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................

Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của bạn!


PHỤ LỤC 3
PHÁC HỌA “HỌA ĐỒ NGHỀ TÂM LÝ”
1. Tên nghề và những chuyên ngành cụ thể:
Nghề Tâm lý với những chuyên ngành cụ thể như: Tổ chức – Nhân sự, Tham vấn –
trị liệu Tâm lý, Tâm lý học đường, Tâm lý học xã hội, tâm lý học cơ bản.
2. Đặc điểm lao động và yêu cầu của nghề
 Đối tượng lao động: đối tượng lao động chính là con người.
 Công cụ, phương tiện lao động: kiến thức TLH cơ bản, kiến thức chuyên sâu về
các chuyên môn TLH, các bộ Test, trắc nghiệm chuyên ngành….
 Những yêu cầu của nghề đối với người lao động
1. Về kiến thức
1.1. Kiến thức về Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
• Hiểu biết cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin.
• Hiểu biết cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh.
• Vận dụng các quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
vào nghiên cứu tâm lí con người.
1.2. Kiến thức chung về khoa học xã hội và nhân văn
• Hiểu được kiến thức chung về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, lịch sử, nhà nước và
pháp luật…
• Vận dụng các kiến thức chung về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để
phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí con người.
1.3. Kiến thức về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học
• Hiểu được các tri thức về phương pháp luận nghiên cứu khoa học.
• Hiểu được các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung.
• Vận dụng các phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học để giải
thích, nghiên cứu các hiện tượng tâm lí người.
1.4. Kiến thức về cơ sở sinh học của tâm lí người
• Hiểu được những kiến thức về giải phẫu sinh lí hệ thần kinh.
• Hiểu được kiến thức về sinh lí hoạt động thần kinh cấp cao.
• Vận dụng các kiến thức nêu trên để lí giải cơ sở sinh lí thần kinh của các hiện
tượng tâm lí.
1.5. Kiến thức về cơ sở xã hội của tâm lí người
• Hiểu bản chất xã hội của tâm lí con người và vai trò của hoạt động, giao tiếp, nền
văn hóa xã hội đối với sự hình thành, phát triển tâm lí người.
• Vận dụng sự hiểu biết về cơ sở xã hội của tâm lí người để lí giải nguồn gốc xã hội
của các hiện tượng tâm lí.
1.6. Kiến thức về bản chất và quy luật của các hiện tượng tâm lí cá nhân và xã hội
• Hiểu bản chất của các hiện tượng tâm lí cá nhân, xã hội.
• Hiểu quy luật của các hiện tượng tâm lí cá nhân, xã hội.
• Vận dụng các kiến thức nêu trên để giải thích các hiện tượng tâm lí cá nhân, xã
hội.
1.7. Kiến thức về phương pháp nghiên cứu và đánh giá tâm lí
• Hiểu các phương pháp nghiên cứu tâm lí học.
• Hiểu các kĩ thuật đánh giá tâm lí.
• Vận dụng được các phương pháp nghiên cứu cơ bản khi triển khai một nghiên cứu
tâm lí học.
• Vận dụng được các kĩ thuật đánh giá cơ bản để đánh giá các hiện tượng tâm lí.
1.8. Kiến thức về sự phát triển tâm lí, nhân cách con người
• Hiểu được các lí thuyết về sự hình thành, phát triển tâm lí, nhân cách con người
với tư cách là thành viên của xã hội.
• Hiểu được các quy luật, con đường hình thành và phát triển nhân cách.
• Vận dụng kiến thức nêu trên để giải thích quá trình hình thành và phát triển nhân
cách nói chung, rèn luyện nhân cách bản thân nói riêng.
1.9. Kiến thức về lĩnh vực Tâm lí học xã hội (đối với SV lựa chọn hướng chuyên
ngành Tâm lí học xã hội)
• Hiểu các các vấn đề trong tâm lí học xã hội như liên hệ xã hội; tri giác xã hội; giao
tiếp xã hội; ảnh hưởng xã hội; định kiến xã hội và các nhóm xã hội.
• Hiểu các hiện tượng tâm lí xã hội thuộc các lĩnh vực văn hóa, giới và gia đình.
• Hiểu các hiện tượng tâm lí xã hội thuộc lĩnh vực pháp lí, dân tộc và tôn giáo.
• Vận dụng các kiến thức về các quy luật của tâm lí học xã hội ở các lĩnh vực để giải
thích (lí giải) các hiện tượng tâm lí xã hội nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.
1.10. Kiến thức về lĩnh vực Tâm lí học quản lí- kinh doanh (đối với sinh viên lựa
chọn hướng chuyên ngành Tâm lí học quản lí- kinh doanh)
• Phát hiện và giải thích được các hiện tượng tâm lí trong lĩnh vực quản trị- kinh
doanh, du lịch và quảng cáo.
• Nắm được các hiện tượng tâm lí trong lĩnh vực tổ chức và quản lí nhân sự.
• Nắm được và giải thích được các hiện tượng tâm lí trong lĩnh vực lao động, hướng
nghiệp.
1.11. Kiến thức về lĩnh vực Tâm lí học lâm sàng (đối với sinh viên lựa chọn hướng
chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng)
• Hiểu kiến thức về lịch sử ra đời và phát triển của Tâm lí học lâm sàng; các lĩnh vực
ứng dụng của Tâm lí học lâm sàng; những đặc thù của mối quan hệ nhà tâm lí lâm
sàng và thân chủ.
• Phân tích được tiến trình phát triển tâm lí của trẻ.
• Giải thích được bản chất các triệu chứng, nguyên nhân và tiên lượng rối nhiễu tâm
lí ở các lĩnh vực gia đình, học đường, thuộc các giai đoạn tuổi khác nhau.
• Hiểu được một số phương pháp chẩn đoán, đánh giá rối nhiễu tâm lí.
• Hiểu được một số liệu pháp điều trị rối nhiễu tâm lí.
• Nắm được những kĩ năng về chẩn đoán, đánh giá và trị liệu rối nhiễu tâm lí.
• Nắm được các phẩm chất đạo đức: tôn trọng và yêu thương con người, tuân thủ các
nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong khi làm việc với thân chủ.
• Vận dụng được kiến thức nêu trên để lí giải, chẩn đoán, đánh giá và lên phác đồ
điều trị cho các rối nhiễu tâm lí.
1.12. Kiến thức về lĩnh vực Tâm lí học tham vấn (đối với sinh viên lựa chọn hướng
chuyên ngành Tâm lí học tham vấn)
• Nắm được bản chất của quá trình tham vấn; các nguyên tắc đạo đức cụ thể của
nghề tham vấn; xác định được vấn đề của thân chủ; mối quan hệ giữa nhà tham vấn
và thân chủ.
• Nắm được kiến thức cơ bản về tham vấn cá nhân, tham vấn gia đình, tham vấn
nhóm và tham vấn học đường.
• Nắm được kiến thức về tham vấn qua điện thoại và trực tuyến qua internet (tham
vấn qua thư và chat).

2. Về kĩ năng
2.1. Kĩ năng cứng
2.1.1. Kĩ năng thiết kế nghiên cứu tâm lí
• Kĩ năng thiết kế đề cương nghiên cứu tâm lí học.
• Kĩ năng xây dựng bộ công cụ nghiên cứu.
• Kĩ năng sử dụng các phương pháp thu thập thông tin.
2.1.2. Kĩ năng triển khai nghiên cứu tâm lí
• Kĩ năng lập kế hoạch thực hiện.
• Kĩ năng đặt vấn đề, xây dựng giả thuyết.
• Kĩ năng thu thập số liệu, xử lí thông tin.
• Kĩ năng viết báo cáo kết quả nghiên cứu.
2.1.3. Kĩ năng giao tiếp
• Sử dụng thành thạo các kĩ năng giao tiếp cơ bản như nói, viết, nghe, đàm phán,
thuyết trình.
• Kĩ năng điều khiển quá trình giao tiếp, kĩ năng giao tiếp với cá nhân, với nhóm.
• Kĩ năng giao tiếp qua phương tiện truyền thông, ngoại giao, giao tiếp với công
chúng.
• Kĩ năng phân tích, đánh giá tình huống, sử dụng các phương tiện giao tiếp.
2.1.4. Kĩ năng làm việc nhóm
• Kĩ năng vận hành nhóm làm việc.
• Kĩ năng thiết lập quan hệ với các thành viên trong nhóm.
• Kĩ năng làm việc trong nhóm nhỏ và nhóm lớn.
2.1.5. Kĩ năng chẩn đoán, đánh giá tâm lí người
• Kĩ năng chuẩn đoán, đánh giá về trí tuệ, nhân cách, giáo dục.
• Kĩ năng xây dựng, đo đạc và phân tích kết quả trong chẩn đoán tâm lí.
• Kĩ năng sử dụng trắc nghiệm và phân tích kết quả chẩn đoán tâm lí.
2.1.6. Kĩ năng nhận dạng các vấn đề tâm lí
• Kĩ năng nhận dạng các vấn đề tâm lí trong lĩnh vực tâm lí học xã hội.
• Kĩ năng nhận dạng các vấn đề tâm lí trong lĩnh vực tâm lí học quản lí- kinh doanh.
• Kĩ năng nhận dạng các vấn đề tâm lí trong lĩnh vực tâm lí học lâm sàng.
• Kĩ năng nhận dạng các vấn đề tâm lí trong lĩnh vực tâm lí học tham vấn.
2.1.7. Kĩ năng tư vấn tuyển dụng nhân sự (đối với SV lựa chọn hướng chuyên ngành Tâm
lí học quản lí – kinh doanh)
• Kĩ năng sử dụng các trắc nghiệm, kĩ thuật tuyển dụng nhân sự.
• Kĩ năng phân tích và đánh giá các kết quả đánh giá tuyển dụng nhân sự.
2.1.8. Kĩ năng tổ chức lao động và quản lí nhân sự (đối với SV lựa chọn hướng chuyên
ngành Tâm lí học quản lí – kinh doanh)
• Kĩ năng tâm lí trong tổ chức lao động.
• Kĩ năng tâm lí trong quản lí nhân sự.
• Kĩ năng xây dựng thương hiệu và văn hóa tổ chức dưới góc độ của Tâm lí học.
2.1.9. Kĩ năng tham vấn tâm lí cho cá nhân (đối với SV lựa chọn hướng chuyên ngành
Tâm lí học tham vấn)
• Sử dụng các kĩ năng tham vấn cơ bản như: phản hồi, đặt câu hỏi, thấu cảm.
• Kĩ năng đánh giá những tình huống đạo đức, pháp lí trong tham vấn.
• Kĩ năng đánh giá hiệu quả tham vấn tâm lí cho cá nhân.
2.1.10. Kĩ năng tham vấn tâm lí cho nhóm (đối với SV lựa chọn hướng chuyên ngành Tâm
lí học tham vấn)
• Kĩ năng thiết lập mối quan hệ tham vấn giữa nhà tham vấn và nhóm.
• Kĩ năng nhận diện và phân tích những rối nhiễu tâm lí của các thành viên trong
nhóm.
• Kĩ năng xác định mục tiêu và kế hoạch can thiệp.
• Kĩ năng điều hành nhóm tham vấn như: kĩ năng quan sát; kĩ năng đặt câu hỏi xoay
vòng; kĩ năng chia sẻ kết nối; ngăn cản hành vi sai lệch; xử lí tình huống im lặng; xử
lí bất đồng ý kiến; tóm lược và tổng hợp.
• Kĩ năng lập hồ sơ tham vấn nhóm.
• Kĩ năng tham vấn học đường: kĩ năng đánh giá, can thiệp cho học sinh có khó khăn
học đường.
2.1.11. Kĩ năng tham vấn trực tuyến (đối với SV lựa chọn hướng chuyên ngành Tâm lí học
tham vấn)
• Kĩ năng tham vấn qua điện thoại (phản hồi, đặt câu hỏi, chất vấn…).
• Kĩ năng tham vấn qua internet (phản hồi, đặt câu hỏi, chất vấn…).
• Kĩ năng xử lí một số vấn đề phát sinh trong tham vấn trực tuyến.
2.2. Kĩ năng mềm
2.2.1. Kĩ năng sử dụng ngoại ngữ
• Kĩ năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường.
• Kĩ năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
2.2.2. Kĩ năng sử dụng tin học
• Kĩ năng sử dụng tin học thông dụng trong công việc.
• Kĩ năng sử dụng các phần mềm tin học để xử lí định lượng trong nghiên cứu tâm lí
học.
• Kĩ năng sử dụng các phần mềm tin học để xử lí định tính trong nghiên cứu tâm lí
học.
2.2.3. Các kĩ năng mềm khác
• Kĩ năng học và tự học.
• Kĩ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
• Kĩ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc.
• Kĩ năng giao tiếp-trình bày và ứng xử.
• Kĩ năng quản lí thời gian.

3. Về phẩm chất đạo đức


3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
• Tôn trọng và yêu thương con người.
• Tinh thần tự học, làm chủ bản thân.
3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, xã hội
• Có tinh thần vì cộng đồng, thân thiện với môi trường.
• Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề tâm lí (giữ bí mật, vì lợi ích của khách
hàng, trung thực, tôn trọng khách hàng).
Ngoài những yêu cầu chung này, mỗi chuyên ngành cụ thể lại có những yêu cầu
riêng phù hợp với hoạt động đặc thù của chuyên ngành đó.
 Điều kiện lao động và những chống chỉ định y học
- Thể lực thần kinh ổn định
- Chống chỉ định: mắc bệnh thần kinh,
- Không có khả năng giao tiếp,
- Không có khả năng làm việc nhóm;
- Nói ngọng, nói nhịu, nói lắp,…
3. Vấn đề tuyển sinh của nghề
 Những nơi đào tạo nghề
Tâm lý học là một ngành học khó, đòi hỏi người muốn hành nghề phải được đào
tạo chính quy từ trường lớp. Sau đây là một số trường hiện đang đào tạo ngành Tâm lý
học:
 Hà Nội:
+ Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (tuyển sinh khối A, B, D1-3);
+ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội, tuyển sinh
Khối A, B, C, D).
 Thành phố Hồ Chí Minh:
+ ĐH Sư phạm TPHCM (tuyển sinh khối C và D1);
+ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM (tuyển sinh các khối B,
C, D1);
+ ĐH Dân lập Văn Hiến TPHCM (tuyển sinh khối A, A1, B, C, D1-6);
+ ĐH Công nghệ Kỹ thuật TPHCM (HUTECH, tuyển sinh khối A, B, C, D1)
 Đà Nẵng: ĐH Sư phạm Đà Nẵng (tuyển sinh khối B, C)
 Huế: ĐH Sư phạm Huế (tuyển sinh khối C, D1)
 Bình Định: Trường ĐH Sư Phạm Quy Nhơn.
Điều kiện tuyển sinh: Tất cả công dân Việt Nam và nước ngoài đủ các điều kiện:
- Tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Có nguyện vọng theo học ngành Tâm lý học
- Qua quá trình tuyển sinh vào ngành Tâm lý học khối A, A1, B, C, D1-6 (tùy theo
yêu cầu của từng trường theo từng khu vực).
4. Những nơi có thể làm việc sau khi học nghề
Nhà tâm lý có thể hành nghề ở những môi trường khác nhau: hành nghề tự do hoặc
làm nhân viên trong cơ quan nhà nước... Có những hoạt động khác nhau mà nhà tâm lý
cần tự xác định và giúp người khác xác định rõ ràng khi hành nghề như tham vấn, trị liệu,
giám sát, đào tạo, nghiên cứu... Các hoạt động này có thể được thực hiện trong những lĩnh
vực nghề nghiệp đa dạng.

Nơi công tác Stt Nhóm nghề nghiệp


Giảng dạy các học phần Tâm lý học
1 trong các trường Đại học, Cao Đẳng,
Trong các cơ sở đào tạo, trường học THCN
các cấp: Đại học, Cao Đẳng, THCN, 2 Cố vấn học tập
THPT, THCS, Tiểu học, Mẫu giáo (tại các trường ĐH, CĐ, THCN,...)
3 Giảng dạy môn Giáo dục công dân ở
trường THCS, THPT
4 Giảng dạy kỹ năng sống
5 Tham vấn học đường
6 Cán bộ quản sinh
Trong các cơ sở nghiên cứu khoa học
Tâm lý: Viện Tâm lý học; các trung tâm 7 Cán bộ nghiên cứu khoa học
nghiên cứu, ứng dụng Tâm lý học; các tổ
chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước; 8 Cán bộ dự án phát triển cộng đồng
...
9 Nhân viên phòng nhân sự
10 Nhân viên phòng marketting
Trong các doanh nghiệp sản xuất, 11 Nhân viên thiết kế quảng cáo, ý tưởng
kinh doanh 12 Nhân viên nghiên cứu thị trường (nghiên
cứu tâm lý khách hàng)
Trong bệnh viện: bệnh viện tâm thần; 13 Chuyên viên chẩn đoán Tâm lý
bệnh viện nhi đồng;
Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần; 14 Chuyên viên tham vấn Tâm lý
trung tâm dưỡng lão; trung tâm điều trị
bệnh nhân nhiễm HIV; trung tâm cai 15 Chuyên viên trị liệu Tâm lý
nghiện; trung tâm nuôi dưỡng giáo dục
trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (nhà mở, mái 16 Chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật
ấm tình thương); các trường Giáo dưỡng
của Bộ Công An 17 Cán bộ tuyên giáo

Trong các tổ chức đoàn thể, chính 18 Cán bộ Đoàn, Đảng


quyền: hội Phụ nữ; Ủy ban bảo vệ và
chăm sóc trẻ em; .... 19 Nhân viên công tác xã hội
20 Diễn giả
21 MC, hoạt náo viên
22 Tổ chức các chương trình, sự kiện
Trong các công ty, trung tâm dịch vụ 23 Phóng viên báo đài
chăm sóc sức khỏe tinh thần, các cơ 24 Viết kịch bản chương trình (cho đài
quan truyền thông: đài phát thanh; truyền hình, gameshow thực tế,...)
truyền hình; tổng đài;... 25 Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
Chuyên viên tư vấn trực tiếp qua tổng
26 đài ( truyền hình, truyền thanh)
27 Cố vấn viên (tham vấn / tư vấn cho các
chương trình truyền hình, các công ty..)

5. Những điều kiện đảm bảo cho người lao động làm việc trong nghề
- Làm được việc trong nhiều lĩnh vực, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều thành
phần trong xã hội.
- Có mức lương tương đối ổn định, được trân trọng, được thể hiện bản thân ở nhiều
khía cạnh.
- Môi trường làm việc phong phú, đa dạng, nhiều thú vị, hấp dẫn. (đặc biệt trong
lĩnh lực TLH ứng dụng).
- Được học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, được học tập ở
nhiều bậc học từ hệ vừa học vừa làm, Đại học, Cao học và nghiên cứu sinh.
 Triển vọng của nghề:
Theo dự báo nhu cầu nhân lực của trung tâm hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân
lực tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2015 đến 2020 nhân lực
chuyên ngành tâm lý học rất cần thiết cho các nhu cầu của các cơ quan giáo dục - xã hội,
y tế, cơ quan nghiên cứu xã hội, các trường học, các tổ chức doanh nghiệp, hoạt động tư
vấn nghề nghiệp - xã hội. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh
nghiệp… ở ngành Tâm lý hơn 1.000 người.
PHỤ LỤC 4
MỘT SỐ BẢNG KẾT QUẢ THỐNG KÊ
Bảng 2.5. Đặc điểm đào tạo cử nhân chuyên ngành Tâm lý học hệ chính quy
Địa điểm ĐH SP TP. HCM ĐH KHXHNV TP. HCM
Năm tuyển sinh đầu tiên 2011 2008
Khối ngành tuyển sinh C, D1 B, C và D1
Tăng dần theo từng năm Tăng dần theo từng năm
2008: + B: 21 điểm
+ C, D1: 18,0 điểm
2009: + B, D1: 16,5 điểm
Điểm xét tuyển nguyện +C: 16,0 điểm
vọng 1 qua các năm 2010: + B, D1: 17,5 điểm
+ C: 19 điểm
2011: + C: 14,0 điểm 2011: + C: 18,0 điểm
+ D1: 13,0 điểm + B, D1: 18,5 điểm
2012: + C, D1: 15,5 điểm 2012: + B, C, D1: 19 điểm
2013: + C, D1: 18,5 điểm 2013: + C, D1: 21,0 điểm;
+ B: 21,5 điểm
2014: + C, D1: 17,0 điểm 2014: + B, C, D1: 20,0 điểm
Chuyên ngành đào tạo - Tâm lý học tham vấn - Tham vấn- Trị liệu tâm lý
- Tâm lý học xã hội - Tâm lý Tổ chức – Nhân sự
Số tín chỉ đào tạo Gồm 130 tín chỉ (chưa kể Tổng tín chỉ toàn khóa học
phần nội dung giáo dục thể là 140 (Đã bao gồm tin học
chất 5 tín chỉ, giáo dục quốc đại cương và ngoại ngữ
phòng 165 tiết): không chuyên):
- Tổng tín chỉ giáo dục đại - Tổng tín chỉ giáo dục đại
cương: 45 cương: 45
- Tổng tín chỉ giáo dục - Tổng tín chỉ giáo dục
chuyên ngành bắt buộc: 65 chuyên ngành bắt buộc: 70
- Tổng tín chỉ chuyên ngành - Tổng tín chỉ chuyên ngành
tự chọn: 20 tự chọn: 25
Hình thức tốt nghiệp Làm Khóa luận/ học các học Xét tốt nghiệp
phần tốt nghiệp
Bảng 2.9. Kết quả so sánh giữa SV Trường ĐHSP TPHCM và SV Trường
KHXHNV TPHCM về lí do thi tuyển, chọn học

LÍ DO THI TUYỂN VÀ CHỌN HỌC SP NV Xếp bậc


CHUYÊN NGÀNH TLH N % N % SP NV
Ngẫu nhiên theo cảm tính 17 12,7 9 9,5 9 11
Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu 34 25,4 12 12,6 7 9
Tò mò vì ngành lạ 16 11,9 16 16,8 10 8
Yêu thích, đam mê ngành học 57 42,5 50 52,6 1 1
Truyền thống gia đình 1 0,7 0 0,0 15 16
Muốn có bằng đại học 6 4,5 6 6,3 13 13
Không còn lựa chọn nào khác 9 6,7 2 2,1 11 15
Thần tượng người thành công trong ngành 35 26,1 17 17,9 6 7
Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác 55 41,0 34 35,8 2 3
Muốn giúp mọi người giải quyết khó khăn tâm lý 46 34,3 29 30,5 4 5
Gia đình, thầy cô, bạn bè định hướng, khuyến khích 9 6,7 10 10,5 11 10
Ngành hay, có tiềm năng 41 30,6 21 22,1 5 6
Hấp dẫn bởi uy tín và sự tuyên truyền của ngành 3 2,2 8 8,4 14 12
Phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu bản thân 49 36,6 36 37,9 3 2
Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý 1 0,7 4 4,2 15 14
Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã 23 17,2 31 32,6 8 4
hội ưa chuộng

Bảng 2.10. Kết quả so sánh giữa SV nam và SV nữ về lí do thi tuyển, chọn học

LÍ DO THI TUYỂN VÀ CHỌN HỌC CHUYÊN Nam Nữ Xếp bậc


NGÀNH TLH N % N % Nam Nữ
Ngẫu nhiên theo cảm tính 8 5,4 18 3,3 8 10
Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu 7 4,8 39 7,2 9 8
Tò mò vì ngành lạ 4 2,7 28 5,2 11 9
Yêu thích, đam mê ngành học 21 14,3 86 15,9 2 1
Truyền thống gia đình 0 0,0 1 0,2 16 16
Muốn có bằng đại học 5 3,4 7 1,3 10 14
Không còn lựa chọn nào khác 2 1,4 9 1,7 13 12
Thần tượng người thành công trong ngành 11 7,5 41 7,6 7 6
Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác 24 16,3 65 12,0 1 3
Muốn giúp mọi người giải quyết khó khăn tâm lý 14 9,5 61 11,3 4 4
Gia đình, thầy cô, bạn bè định hướng, khuyến khích 3 2,0 16 3,0 12 11
Ngành hay, có tiềm năng 13 8,8 49 9,1 5 5
Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, tuyên truyền của ngành 2 1,4 9 1,7 13 12
Phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu bản thân 19 12,9 66 12,2 3 2
Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý 1 0,7 4 0,7 15 15
Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã 13 8,8 41 7,6 5 6
hội ưa chuộng
Bảng 2.11. Kết quả so sánh lí do thi tuyển giữa SV năm nhất và SV năm ba
LÍ DO THI TUYỂN VÀ CHỌN HỌC Năm nhất Năm ba Xếp bậc
CHUYÊN NGÀNH TLH N % N % Năm nhất Năm ba
Ngẫu nhiên theo cảm tính 15 11,5 11 11,2 10 9
Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu 30 22,9 16 16,3 7 7
Tò mò vì ngành lạ 21 16,0 11 11,2 9 9
Yêu thích, đam mê ngành học 58 44,3 49 50,0 1 1
Truyền thống gia đình 0 0,0 1 1,0 16 14
Muốn có bằng đại học 8 6,1 4 4,1 13 13
Không còn lựa chọn nào khác 6 4,6 5 5,1 14 12
Thần tượng người thành công trong ngành 40 30,5 12 12,2 5 8
Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác 52 39,7 37 37,8 2 3
Muốn giúp người thân và bạn bè giải quyết 42 32,1 33 33,7 4 4
khó khăn tâm lý
Gia đình, thầy cô, bạn bè định hướng, khuyến khích 9 6,9 10 10,2 12 11
Ngành hay, có tiềm năng 31 23,7 31 31,6 6 6
Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, tuyên truyền 10 7,6 1 1,0 11 14
của ngành
Phù hợp sở thích, năng lực, nhu cầu bản thân 45 34,4 40 40,8 3 2
Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý 4 3,1 1 1,0 15 14
Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang 22 16,8 32 32,7 8 5
được xã hội ưa chuộng

Bảng 2.12. Kết quả so sánh giữa SV tỉnh và SV TPHCM về lí do thi tuyển, chọn học

LÍ DO THI TUYỂN VÀ CHỌN HỌC TPHCM Tỉnh Xếp bậc


CHUYÊN NGÀNH TLH N % N % TPHCM Tỉnh
Ngẫu nhiên theo cảm tính 5 2,9 21 4,1 10 10
Điểm chuẩn vừa sức, dễ đậu 13 7,6 33 6,4 6 8
Tò mò vì ngành lạ 7 4,1 25 4,8 9 9
Yêu thích, đam mê ngành học 31 18,1 76 14,7 1 1
Truyền thống gia đình 0 0,0 1 0,2 16 16
Muốn có bằng đại học 3 1,8 9 1,7 14 12
Không còn lựa chọn nào khác 4 2,3 7 1,4 12 13
Thần tượng người thành công trong ngành 11 6,4 41 7,9 8 7
Muốn khám phá, thay đổi bản thân và người khác 20 11,7 69 13,4 2 2
Muốn giúp người thân và bạn bè giải quyết khó 20 11,7 55 10,7 2 4
khăn tâm lý
Gia đình, thầy cô, bạn bè định hướng, khuyến khích 4 2,3 15 2,9 12 11
Ngành hay, có tiềm năng 16 9,4 46 8,9 5 5
Hấp dẫn bởi uy tín, tiếng tăm, tuyên truyền của ngành 5 2,9 6 1,2 10 14
Phù hợp với sở thích, năng lực, nhu cầu bản thân 19 11,1 66 12,8 4 3
Phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý 1 0,6 4 0,8 15 15
Phù hợp với nhu cầu thực tế, ngành đang được xã 12 7,0 42 8,1 7 6
hội ưa chuộng
Bảng 2.20. Kết quả so sánh nhận thức của SV về những yêu cầu phẩm chất của
người công tác trong ngành nghề TLH theo các tham số nghiên cứu
Các Tổng hợp Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
phẩm chung ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh
chất TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 4,40 3 4,42 4 4,38 4 4,44 4 4,35 4 4,45 3 4,39 3 4,37 8 4,41 3
2 4,28 10 4,31 7 4,25 10 4,34 11 4,20 10 4,43 6 4,24 12 4,25 13 4,30 9
3 4,44 2 4,43 3 4,44 3 4,49 2 4,37 2 4,43 6 4,44 2 4,39 6 4,45 2
4 4,14 14 4,12 14 4,16 15 4,15 16 4,12 14 4,22 14 4,11 14 4,09 16 4,15 14
5 4,14 14 4,11 15 4,19 13 4,16 15 4,12 14 4,31 13 4,10 15 4,18 14 4,13 15
6 4,04 17 4,10 16 3,97 17 4,05 17 4,04 16 4,00 17 4,06 16 4,11 15 4,02 17
7 4,30 9 4,28 12 4,33 6 4,37 8 4,20 10 4,37 11 4,28 9 4,35 9 4,28 10
8 4,37 6 4,42 4 4,31 9 4,40 6 4,33 5 4,45 3 4,35 6 4,46 2 4,34 6
9 4,32 8 4,31 7 4,34 5 4,37 8 4,24 7 4,43 6 4,29 8 4,33 10 4,31 8
10 4,40 3 4,45 2 4,33 6 4,42 5 4,37 2 4,45 3 4,38 4 4,40 5 4,40 4
11 4,56 1 4,61 1 4,49 2 4,57 1 4,55 1 4,67 1 4,53 1 4,51 1 4,58 1
12 4,33 7 4,40 6 4,22 12 4,39 7 4,24 7 4,37 11 4,32 7 4,28 12 4,34 6
13 4,28 10 4,25 13 4,33 6 4,32 13 4,23 9 4,41 10 4,25 11 4,33 10 4,27 11
14 4,05 16 4,10 16 3,99 16 4,17 14 3,90 17 4,12 16 4,03 17 3,98 18 4,08 16
15 4,39 5 4,29 11 4,53 1 4,47 3 4,29 6 4,47 2 4,37 5 4,44 3 4,37 5
16 4,28 10 4,30 10 4,24 11 4,36 10 4,16 12 4,43 6 4,23 13 4,44 3 4,22 12
17 4,25 13 4,31 7 4,17 14 4,34 11 4,13 13 4,18 15 4,27 10 4,39 6 4,20 13
18 3,93 18 4,09 18 3,69 18 4,04 18 3,78 18 3,90 18 3,93 18 4,02 17 3,90 18
Kết quả so sánh F = 2,927 F = 2,701 F = 0,425 F = 0,819
tương quan Sig. = 0,385>0,05 Sig. = 0,042<0,05 Sig. = 0,254>0,05 Sig. = 0,672>0,05
Bảng 2.21. Kết quả so sánh nhận thức của SV về những yêu cầu năng lực của
người công tác trong ngành nghề TLH theo các tham số nghiên cứu
Các Tổng hợp Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
năng chung ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh
lực TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 4,61 1 4,62 1 4,59 1 4,68 1 4,51 1 4,57 1 4,62 1 4,56 1 4,62 1
2 4,30 5 4,34 4 4,23 5 4,34 4 4,24 5 4,27 6 4,31 5 4,19 6 4,33 5
3 3,89 16 3,81 17 4,01 14 3,76 18 4,07 13 3,80 18 3,92 14 3,72 18 3,95 14
4 3,90 15 3,89 15 3,91 16 3,95 15 3,83 15 3,96 15 3,88 16 3,81 16 3,92 16
5 3,69 17 3,87 16 3,43 18 3,80 17 3,53 17 3,88 17 3,63 17 3,77 17 3,66 17
6 4,03 13 3,94 14 4,16 8 4,04 13 4,02 14 4,22 10 3,98 13 4,09 11 4,01 13
7 3,62 18 3,64 18 3,60 17 3,83 16 3,35 18 3,96 15 3,53 18 3,88 15 3,54 18
8 3,99 14 3,96 13 4,03 13 4,15 11 3,78 16 4,27 6 3,92 14 4,12 10 3,95 14
9 4,10 11 4,07 12 4,16 8 4,12 12 4,08 12 4,33 4 4,04 12 4,19 6 4,08 12
10 4,21 7 4,25 8 4,15 11 4,24 7 4,16 10 4,22 10 4,20 8 4,18 8 4,22 8
11 4,08 12 4,16 10 3,97 15 4,01 14 4,17 9 4,18 13 4,05 11 3,98 14 4,11 11
12 4,35 3 4,40 3 4,29 4 4,34 4 4,37 2 4,24 9 4,38 3 4,21 5 4,40 3
13 4,19 9 4,28 7 4,06 12 4,16 10 4,23 6 4,08 14 4,22 7 4,05 13 4,24 7
14 4,14 10 4,13 11 4,16 8 4,17 9 4,10 11 4,22 10 4,12 10 4,09 11 4,16 10
15 4,35 3 4,31 6 4,41 3 4,44 3 4,22 7 4,35 3 4,35 4 4,35 3 4,35 4
16 4,45 2 4,44 2 4,47 2 4,53 2 4,36 3 4,43 2 4,46 2 4,46 2 4,45 2
17 4,20 8 4,19 9 4,20 7 4,20 8 4,19 8 4,27 6 4,18 9 4,18 8 4,20 9
18 4,28 6 4,33 5 4,21 6 4,28 6 4,28 4 4,33 4 4,27 6 4,25 4 4,29 6
Kết quả so sánh F = 0,001 F = 1,791 F = 0,952 F = 0,700
tương quan Sig. = 0,602>0,05 Sig. = 0,159>0,05 Sig. = 0,246>0,05 Sig. = 0,744>0,05
Bảng 2.27. Kết quả so sánh ĐHNN và mức độ yêu thích các nhóm nghề theo các
tham số nghiên cứu
Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
Nhóm ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh
nghề TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 3,74 11 3,19 14 3,54 10 3,47 10 3,53 8 3,51 9 3,23 14 3,60 8
2 2,27 24 1,71 27 2,08 24 1,98 27 1,98 27 2,05 24 1,82 27 2,10 21
A 3 3,78 8 3,06 17 3,58 9 3,35 14 3,55 7 3,46 10 3,53 8 3,47 12
4 3,23 19 3,07 16 3,41 13 2,84 23 3,22 18 3,15 19 3,05 17 3,20 19
5 2,79 22 3,27 12 2,82 22 3,22 18 3,04 22 2,98 21 3,00 19 2,99 23
B 6 2,93 21 3,40 6 2,97 21 3,33 16 3,27 13 3,08 20 2,98 20 3,17 20
7 3,87 6 3,45 5 3,71 5 3,67 5 3,94 2 3,63 6 3,60 5 3,73 5
8 3,84 7 3,35 10 3,64 7 3,62 6 3,84 5 3,58 7 3,56 6 3,66 6
9 3,07 20 3,05 18 3,09 20 3,02 21 3,41 11 2,97 22 3,04 18 3,07 22
C 10 3,32 16 3,25 13 3,30 16 3,29 17 3,43 10 3,26 17 3,54 7 3,21 18
11 4,19 1 3,52 4 4,05 3 3,73 4 3,88 3 3,92 4 3,82 4 3,94 4
12 4,01 3 4,09 2 4,15 1 3,90 3 3,80 6 4,11 2 3,93 3 4,08 2
13 4,10 2 4,14 1 4,13 2 4,09 1 4,06 1 4,13 1 4,05 1 4,13 1
14 3,91 5 4,09 2 3,98 4 4,00 2 3,88 3 4,02 3 3,98 2 3,99 3
15 2,69 23 2,84 22 2,61 23 2,95 22 2,76 23 2,76 23 2,56 23 2,82 24
16 2,07 27 1,92 24 2,01 26 2,01 26 2,06 26 1,99 26 1,86 25 2,06 26
17 2,19 25 1,88 26 2,05 25 2,08 25 2,18 24 2,03 25 1,91 24 2,11 25
18 2,08 26 1,89 25 1,92 27 2,11 24 2,10 25 1,98 27 1,86 25 2,05 27
19 3,37 15 3,39 7 3,23 17 3,58 7 3,27 13 3,41 14 2,93 21 3,53 9
D 20 3,28 17 3,31 11 3,20 19 3,41 11 3,06 21 3,35 15 2,88 22 3,42 14
21 3,54 14 3,36 8 3,43 11 3,51 8 3,27 13 3,52 8 3,28 12 3,52 10
22 3,25 18 3,35 9 3,23 17 3,38 13 3,27 13 3,30 16 3,11 15 3,35 16
23 3,78 8 2,94 20 3,63 8 3,17 19 3,49 9 3,42 13 3,44 9 3,43 13
24 3,60 13 2,78 23 3,40 15 3,07 20 3,27 13 3,26 17 3,25 13 3,26 17
E 25 3,93 4 3,13 15 3,66 6 3,50 9 3,39 12 3,65 5 3,44 9 3,65 7
26 3,64 12 3,02 19 3,42 12 3,34 15 3,14 20 3,45 12 3,11 15 3,48 11
27 3,77 10 2,88 21 3,41 13 3,39 12 3,20 19 3,46 10 3,42 11 3,40 15
So F = 1,409 F = 0,692 F= 0,315 F = 0,174
sánh Sig. = 0,000<0,05 Sig. = 0,719>0,05 Sig. = 0,029<0,05 Sig. = 0,031<0,05
Ghi chú: 5 nhóm nghề nghiệp thuộc chuyên ngành TLH
- Nhóm A: Giảng dạy (giảng viên, giáo viên), gồm các nghề cụ thể:
1. Giảng dạy các học phần Tâm lý học trong các trường Đại học, Cao Đẳng, THCN
2. Giảng dạy môn Giáo dục công dân trường THCS, THPT
3. Giảng dạy kỹ năng sống
4. Giảng dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ, khuyết tật
- Nhóm B: Nghiên cứu khoa học, gồm các nghề:
5. Cán bộ nghiên cứu khoa học
6. Cán bộ dự án phát triển cộng đồng
- Nhóm C: Tư vấn, tham vấn, trị liệu (trợ giúp) tâm lý, gồm các nghề:
7. Chuyên viên tham vấn học đường (tại trường học: Tiểu học, THCS, THPT)
8. Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp (trường học, các trung tâm, tổ chức xã hội)
9. Cố vấn học tập (tại các trường ĐH, CĐ, THCN,...)
10. Cố vấn viên (tham vấn/tư vấn cho các công ty, chương trình truyền hình,
gameshow thực tế, ..)
11. Chuyên viên tư vấn tâm lý (tình yêu – hôn nhân – gia đình) trực tiếp qua các
phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, các website)
12. Chuyên viên chẩn đoán Tâm lý (tại bệnh viện, trung tâm, công ty chăm sóc sức
khỏe tinh thần)
13. Chuyên viên tham vấn Tâm lý (tại bệnh viện, công ty, trung tâm chăm sóc sức
khỏe tinh thần)
14. Chuyên viên trị liệu Tâm lý (tại bệnh viện, công ty, trung tâm chăm sóc sức khỏe
tinh thần.
15. Nhân viên công tác xã hội.
- Nhóm D: Quản lý, tổ chức nhân sự, gồm các nghề,
16. Cán bộ quản sinh
17. Cán bộ Đoàn, Đảng
18. Cán bộ tuyên giáo
19. Nhân viên quản trị nhân sự
20. Nhân viên marketting
21. Nhân viên thiết kế quảng cáo, ý tưởng
22. Nhân viên nghiên cứu thị trường (NC tâm lý khách hàng)
- Nhóm E: Các công việc khác, bao gồm,
23. Diễn giả
24. MC, hoạt náo viên
25. Tổ chức các chương trình, sự kiện
26. Phóng viên báo đài
27. Viết kịch bản chương trình (cho đài truyền hình, gameshow thực tế,..)
Bảng 2.29. So sánh biểu hiện hành vi ĐHNN của SV chuyên ngành TLH theo các
tham số nghiên cứu
Hành vi Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu
ĐHNN ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh

Stt TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB
1 3,87 1 3,98 1 3,73 2 3,97 1 3,74 1 3,69 1 3,92 1 3,86 1 3,88 2
2 3,80 2 3,84 2 3,75 1 3,89 2 3,68 3 3,63 3 3,85 2 3,72 2 3,83 3
3 3,21 11 3,31 7 3,07 13 3,15 11 3,29 1 3,16 11 3,22 11 3,25 11 3,20 13
4 3,53 5 3,45 6 3,65 4 3,56 5 3,49 5 3,49 5 3,54 5 3,40 9 3,58 8
5 3,59 4 3,54 4 3,66 3 3,57 4 3,61 4 3,69 1 3,56 4 3,46 5 3,63 7
6 3,24 10 3,25 8 3,23 10 3,27 7 3,20 13 3,31 9 3,23 9 3,32 10 3,22 11
7 3,28 7 3,14 10 3,46 7 3,17 9 3,42 8 3,27 10 3,28 7 3,42 7 3,23 10
8 3,26 9 3,16 9 3,40 9 3,18 8 3,36 9 3,33 8 3,24 8 3,42 7 3,20 13
9 3,67 3 3,71 3 3,62 5 3,64 3 3,71 2 3,59 4 3,69 3 3,60 3 3,70 6
10 2,94 17 2,99 16 2,87 17 2,83 16 3,08 15 3,04 16 2,91 15 3,00 16 2,92 19
11 3,28 7 3,13 12 3,48 6 3,17 9 3,43 7 3,45 7 3,23 9 3,46 5 3,22 11
12 3,15 12 3,14 10 3,16 11 3,13 12 3,17 14 3,16 11 3,14 12 3,16 12 3,15 15
13 3,48 6 3,53 5 3,42 8 3,48 6 3,49 5 3,49 5 3,48 6 3,54 4 3,47 9
14 3,08 13 3,02 15 3,16 11 2,94 15 3,27 12 3,04 16 3,09 13 3,00 16 3,10 16
15 3,03 14 3,11 13 2,91 16 2,83 16 3,29 10 3,10 13 3,01 15 3,05 15 3,02 17
16 2,55 21 2,57 20 2,53 21 2,38 21 2,78 20 2,61 21 2,53 20 2,67 21 2,51 20
17 2,73 19 2,69 19 2,80 19 2,63 19 2,87 18 2,82 19 2,71 18 2,81 18 2,71 5
18 2,75 18 2,77 18 2,73 20 2,71 18 2,81 19 2,98 18 2,69 19 2,81 18 2,73 4
19 3,03 14 3,09 14 2,96 15 3,05 13 3,01 16 3,06 15 3,03 14 3,09 14 3,02 17
20 2,95 16 2,91 17 3,01 14 2,99 14 2,90 17 3,10 13 2,91 17 3,12 13 3,90 1
21 2,57 20 2,39 21 2,83 18 2,50 20 2,66 21 2,78 20 2,52 21 2,77 20 2,51 20
So sánh F = 0,641 F = 0,349 F = 0,000 F = 0,067
tương quan Sig. = 0,653>0,05 Sig. = 0,172>0,05 Sig. = 0,604>0,05 Sig. = 0,511>0,05
Ghi chú: Những biểu hiện hành vi ĐHNN của SV
1. Đi học đầy đủ, đúng giờ
2. Tập trung nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ
3. Tích cực phát biểu, xây dựng bài
4. Tham gia tích cực các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ của lớp, của khoa, và trường
tổ chức
5. Tham gia hiệu quả các giờ học thực hành ở lớp, các hoạt động ngoại khóa liên quan
6. Lập kế hoạch học tập rõ ràng, thực hiện kế hoạch nghiêm túc
7. Tìm đọc thêm sách, báo, tài liệu có liên quan đến chuyên ngành
8. Tích cực trao đổi, tranh luận với bạn bè, thầy cô về những vấn đề chưa hiểu rõ
9. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện
10. Tìm hiểu trước nội dung môn học mới qua tài liệu, thầy cô
11. Thu thập những thông tin liên quan đến ngành – nghề
12. Tìm hiểu, phân tích kỹ nội dung, đặc điểm, yêu cầu và cơ hội của ngành – nghề
13. Áp dụng kiến thức học được vào việc lý giải những vấn đề có liên quan đến ngành
– nghề
14. Tham gia thành lập các nhóm học tập và thực hành nghề nghiệp chuyên môn
15. Tham gia các buổi hội họp, gặp mặt truyền thống với cựu sinh viên các khóa học
trước
16. Đăng ký tham gia các khóa học chuyên sâu về ngành – nghề
17. Tiếp cận, giao lưu và thiết lập mối quan hệ với Thầy Cô và những gương thành
công trong ngành – nghề
18. Nhờ Thầy cô, gương thành công trong ngành tư vấn, định hướng nghề
19. Làm các trắc nghiệm (sở thích/ năng lực/ tính cách) để định hướng nghề
20. Tham dự các buổi tọa đàm, các cuộc hội thảo về ngành - nghề
21. Tiếp cận, tham quan những cơ sở, đơn vị hành nghề thực tế.
Bảng 2.33. Kết quả so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của SV theo các
tham số nghiên cứu

Các Trường Năm thứ Giới tính Hộ khẩu


yếu tố
ĐHSP KHXHNV Năm nhất Năm ba Nam Nữ TPHCM Tỉnh

TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB TB XB

1 4,24 1 4,33 1 4,24 1 4,32 1 4,16 2 4,31 1 4,18 1 4,31 1

2 4,01 5 4,06 5 3,92 6 4,18 3 3,90 6 4,07 3 4,05 4 4,02 5

3 4,13 2 4,21 2 4,09 3 4,27 2 4,02 5 4,21 2 4,11 2 4,19 2

4 4,04 4 4,08 4 4,02 5 4,10 4 4,16 2 4,03 5 4,09 3 4,05 4

Yếu 5 3,66 8 3,63 9 3,72 7 3,55 9 3,53 10 3,68 7 3,53 9 3,69 8


tố
chủ 6 3,39 10 3,49 11 3,46 10 3,40 11 3,53 10 3,41 10 3,37 11 3,45 10
quan
7 3,62 9 3,58 10 3,62 9 3,58 8 3,65 9 3,59 9 3,65 8 3,59 9

8 3,70 7 3,67 7 3,66 8 3,72 7 3,71 8 3,68 7 3,67 7 3,70 7

9 3,93 6 4,01 6 4,03 4 3,87 6 4,08 4 3,93 6 3,86 6 3,99 6

10 4,07 3 4,11 3 4,15 2 4,00 5 4,18 1 4,06 4 3,96 5 4,12 3

11 3,28 12 3,03 21 3,15 18 3,20 16 3,22 17 3,16 17 3,21 15 3,16 18

12 2,75 24 2,71 24 2,82 24 2,61 24 2,71 24 2,73 24 2,89 24 2,67 24

13 1,55 28 1,58 28 1,50 28 1,64 28 1,63 28 1,54 28 1,70 28 1,52 28

14 2,36 26 2,34 25 2,19 27 2,56 25 2,22 27 2,38 25 2,44 25 2,32 25

15 2,30 27 2,15 26 2,25 26 2,21 26 2,27 26 2,23 26 2,39 26 2,19 27

Yếu 16 3,22 16 2,72 23 3,24 14 2,71 23 3,00 21 3,02 23 3,00 22 3,02 23


tố
khách 17 2,41 25 2,01 27 2,27 25 2,21 26 2,47 25 2,18 27 2,18 27 2,27 26
quan
18 3,23 15 3,00 22 3,26 13 2,97 22 3,00 21 3,17 16 3,12 19 3,14 19
19 3,06 20 3,22 17 3,15 18 3,10 20 3,10 20 3,13 19 3,11 20 3,13 20

20 3,12 19 3,36 14 3,20 15 3,24 15 3,31 14 3,19 15 3,18 17 3,23 12

21 3,13 18 3,41 12 3,15 20 3,37 12 3,27 16 3,24 12 3,30 14 3,23 12

22 3,06 20 3,09 19 3,08 22 3,06 21 3,00 21 3,09 21 2,98 23 3,10 22

23 3,22 16 3,05 20 3,12 21 3,18 17 3,16 19 3,14 18 3,09 21 3,17 16

24 3,26 13 3,17 18 3,18 17 3,29 13 3,22 17 3,22 14 3,37 11 3,17 16

25 3,26 13 3,23 16 3,31 12 3,17 18 3,31 14 3,23 13 3,33 13 3,22 14

26 3,04 23 3,39 13 3,19 16 3,17 18 3,37 12 3,13 19 3,18 17 3,19 15

27 3,06 20 3,24 15 3,05 23 3,26 14 3,37 12 3,07 22 3,19 16 3,12 21

28 3,31 11 3,67 7 3,46 10 3,47 10 3,78 7 3,38 11 3,49 10 3,45 10

F = 2,420 F = 0,149 F = 3,922 F = 0,644

Sig. = 0,934>0,05 Sig. = 0,989>0,05 Sig. = 0,664>0,05 Sig. = 0,931>0,05

PHỤ LỤC 5
BẢN HOẠCH ĐỊNH NGHỀ NGHIỆP CÁ NHÂN
Bước 1: Tự đánh giá bản thân
- Làm những bài trắc nghiệm về tính cách, năng lực, sở trường: trắc nghiệm Holland,
trắc nghiệm tính cách MBTI...
- Kết quả đạt được qua các trắc nghiệm đã làm:
+ Điểm mạnh của bản thân;
+ Điểm hạn chế của bản thân:
Bước 2: Định hướng nghề nghiệp
- Liệt kê Nghề nghiệp mong muốn
- Tìm hiểu yêu cầu, đặc điểm của nghề nghiệp đã chọn
- Tìm hiểu nhu cầu, vị thế, đỉnh cao phát triển của ngành nghề
Bước 3: Sưu tầm những cơ quan, đơn vị tuyển dụng vị trí nghề đã định hướng
- Tìm hiểu về những cơ quan, đơn vị đang hành nghề
- Sưu tầm những thông tin tuyển dụng về ngành học, chi tiết nghề nghiệp
- Tìm cách tiếp cận, làm quen với môi trường nghề nghiệp thực tế.
Bước 4: Đánh giá lại bản thân
- Đã đạt được gì? - Năng lực?
- Chưa đạt được gì? - Sức khỏe bản thân?
- Tính cách? - Niềm tin nghề nghiệp?
Bước 5: Kế hoạch đào tạo cá nhân
Thứ tự Thời điểm Nội dung Ghi chú
Năm thứ nhất
1
Hè năm nhất
Năm thứ hai
2
Hè năm hai
Năm thứ ba
3
Hè năm ba
Năm thứ tư
4
Hè năm tư

PHỤ LỤC 6
BẢNG BÁO CÁO QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC VỚI SINH VIÊN
CHUYÊN NGÀNH TÂM LÝ HỌC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ
PHẠM TPHCM VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH NV TPHCM
(từ tháng 3/2014 – tháng 5/2014)
Ngày, Môn Thời gian, địa điểm Đối tượng Nội dung công việc Kết quả đạt được
Trường Đại Học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh
11h – 12h Sinh viên - Biết được thời khóa
Kí túc xá Đại học Sư năm thứ I biểu học tập và lịch
12/03/2014 phạm TpHCM, số chuyên ngành - Tiếp xúc, trò làm việc của sinh viên
351B Lạc Long Tâm lý học, chuyện lớp A năm I.
Quân, Phường 5, khóa 39 - Quan sát - Biết được một số
Quận 11, TpHCM trường ĐHSP vấn đề cơ bản về đặc
TP. HCM trưng và tình hình học
(Lớp A) tập của sinh viên
trong lớp.
11h – 12h Sinh viên - Biết được thời khóa
Kí túc xá Đại học Sư năm thứ I - Tiếp xúc, trò biểu học tập và lịch
14/03/2014 phạm TpHCM, số chuyên ngành chuyện làm việc của sinh viên
351B Lạc Long Tâm lý học, - Quan sát lớp B năm I.
Quân, Phường 5, khóa 39 - Biết được một số
Quận 11, TpHCM trường ĐHSP vấn đề cơ bản về đặc
TP. HCM trưng và tình hình học
(Lớp B) tập của SV trong lớp.
11h-12h Sinh viên - Biết được thời khóa
Cơ sở 1 - Đại học Sư năm III - Tiếp xúc, trò biểu học tập và lịch
28/03/2014 phạm TpHCM, số chuyên ngành chuyện làm việc của sinh viên
280 An Dương TLH, khóa - Quan sát năm III.
Vương, phường 4, 37, trường
Quận 5, TpHCM, ĐHSP TP.
HCM
Sinh viên - Biết được một số
năm III vấn đề cơ bản về đặc
31/03/2014 17h30-18h30 chuyên ngành - Tiếp xúc, trò trưng và tình hình học
Quán trà sữa TLH, khóa chuyện tập của sinh viên
37, trường - Quan sát trong lớp.
ĐHSP TP.
HCM
9h05 – 11h30 Sinh viên - Tham dự giờ học: - Sinh viên đến lớp
1/04/2014 Kí túc xá Đại học Sư năm thứ I Quan sát thái độ, tương đối đầy đủ và
phạm TpHCM, số chuyên ngành hành vi của sinh đúng giờ (số sinh viên
Phương 351B Lạc Long Tâm lý học, viên trong quá có mặt 40/45).
pháp công Quân, Phường 5, khóa 39 trình học tập, làm - Sinh viên quan tâm
tác xã hội Quận 11, TpHCM, trường ĐHSP việc nhóm ở lớp, ở đến môn học, trật tự
phòng D305. TP. HCM trường. nghe giảng và chép
- Phát phiếu trưng bài đầy đủ.
cầu ý kiến (phiếu - Các thành viên trong
mở) lớp thân thiện, gần
gũi với nhau.
12h30 – 15h Sinh viên - Tham dự giờ học: - Sinh viên đi học trễ
03/04/2014 Cơ sở 1 - Đại học Sư năm III Quan sát thái độ, khá nhiều.
phạm TpHCM, số chuyên ngành hành vi của sinh - Số sinh viên có mặt
Tâm lý 280 An Dương TLH, khóa viên trong quá không đầy đủ (48/75)
học Vương, phường 4, 37, trường trình học tập, làm - Ham thích môn học
Quản lý Quận 5, TpHCM, ĐHSP TP. việc nhóm ở lớp, ở - Đa phần SV tích cực
phòng I.104. HCM trường. lắng nghe, ghi chép và
- Phát phiếu trưng tham gia các hoạt
cầu ý kiến (phiếu động GV giao.
mở) - Một số Sinh viên có ý
thức học tập cao.
10/04/2014 16h – 17h Sinh viên - Thu được ý kiến của
Cơ sở 1 - Đại học Sư năm III SV về ngành đang
Sau khi kết phạm TpHCM, số chuyên ngành - Quan sát học ở nhiều khía
thúc giờ 280 An Dương TLH, khóa - Phỏng vấn sinh cạnh: lí do học, việc
học Tâm lý Vương, phường 4, 37, trường viên làm yêu thích, nguyên
học Quản Quận 5, TpHCM ĐHSP TP. nhân chọn ngành học,
lý HCM chọn nghề…
12h – 1h Sinh viên - Nhận biết được một
16/04/2014 Kí túc xá Đại học Sư năm I chuyên số biểu hiện tâm lý
phạm TpHCM, số ngành Tâm lý - Quan sát của SV sau thời gian
Sau khi kết 351B Lạc Long học, khóa 39 - Phỏng vấn sinh học tập ngành – nghề:
thúc giờ học Quân, Phường 5, trường ĐHSP viên cảm nhận về ngành
Logic học Quận 11, TpHCM TP. HCM học, môn học, tác
đại cương phong của GV đứng
lớp,..
12h30 – 15h Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV đi học trễ nhiều.
Cơ sở 1 - Đại học Sư năm III hành vi của sinh - Thích thú tham gia
12/05/2014 phạm TpHCM, số chuyên ngành viên trong quá các hoạt động trong
280 An Dương TLH, khóa trình học tập, làm giờ học.
TLH nghệ Vương, phường 4, 37, trường việc nhóm ở lớp, ở - Chăm chú lắng
thuật Quận 5, TpHCM, ĐHSP TP. trường. nghe, phản hồi với
phòng I.104. HCM - Phát phiếu thăm GV những vấn đề cụ
dò ý kiến (phiếu thể về môn học trong
chính thức) thực tế.
- Phỏng vấn sinh - SV tham gia buổi
viên học tích cực, sôi nổi
7h – 9h05 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV tham gia giờ học
13/05/2014 Cơ sở 1 - Đại học Sư năm I chuyên hành vi của sinh đầy đủ, đúng giờ.
phạm TpHCM, số ngành TLH, viên trong quá - Hăng say nghe
Tâm lý học 280 An Dương khóa 39, trình học tập, làm giảng, ghi chép bài
đại cương Vương, phường 4, trường ĐHSP việc nhóm ở lớp, ở học đầy đủ.
Quận 5, TpHCM, TP. HCM trường. - Tích cực phát biểu
phòng I.104. (Lớp A) - Phát phiếu thăm trong giờ học.
dò ý kiến (phiếu - Trình bày bài tập
chính thức) nhóm (thuyết trình
- Phỏng vấn sinh theo đề tài) tự tn, chủ
viên động.
9h15- 11h30 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV đi học đúng giờ
13/05/2014 Cơ sở 1 - Đại học Sư năm I chuyên hành vi của sinh và đầy đủ.
phạm TpHCM, số ngành TLH, viên trong quá - Thích thú với những
Tâm lý học 280 An Dương khóa 39, trình học tập, làm vấn đề được đề cập
đại cương Vương, phường 4, trường ĐHSP việc nhóm ở lớp, ở trong môn học.
Quận 5, TpHCM, TP. HCM trường. - Ghi chép bài đầy đủ
phòng I.104. (Lớp B) - Phát phiếu thăm - Tiếp cận và hỏi thêm
dò ý kiến (phiếu về bài học với GV
chính thức) trong giờ ra chơi.
- Phỏng vấn sinh - Chia sẻ với GV khúc
viên mắc của bản thân SV
12h30 – 15h Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV đi học trễ nhiều
14/05/2014 Kí túc xá Đại học năm III hành vi của sinh - Ít ghi chép trong quá
Sư phạm TpHCM, chuyên ngành viên trong quá trình học tập;
TLH pháp số 351B Lạc Long TLH, khóa trình học tập, làm - SV xin về sớm vì có
lý Quân, Phường 5, 37, trường việc nhóm ở lớp, ở việc tương đối nhiều.
Quận 11, TpHCM, ĐHSP TP. trường. - Tham gia thuyết trình,
phòng D.201. HCM - Phát phiếu thăm báo cáo đề tài nhóm sôi
dò biện pháp. nổi, có trách nhiệm từ
- Phỏng vấn sinh khâu chuẩn bị.
viên - SV làm việc riêng
trong thời gian nhóm
khác báo cáo.
10h – 12h Sinh viên - Nhận biết được sở
14/05/2014 Kí túc xá Đại học Sư năm III - Phỏng vấn sinh thích, định hướng
phạm TpHCM, số chuyên ngành viên công việc của SV,
Trước giờ 351B Lạc Long TLH, khóa những kế hoạch, dự
học TLH Quân, Phường 5, 37, trường định, công việc hiện
pháp lý Quận 11, TpHCM, ĐHSP TP. tại ít liên quan đến
HCM ngành nghề vì nhiều
lý do (khách quan và
chủ quan)
9h15- 11h30 Sinh viên - SV tham gia giờ học
20/05/2014 Cơ sở 1 - Đại học Sư năm I chuyên - Phát phiếu thăm đầy đủ, đúng giờ.
phạm TpHCM, số ngành TLH, dò biện pháp. - Hăng say nghe
Tâm lý học 280 An Dương khóa 39, - Phỏng vấn sinh giảng, ghi chép bài
đại cương Vương, phường 4, trường ĐHSP viên học đầy đủ.
Quận 5, TpHCM, TP. HCM - Tích cực phát biểu
phòng I.104 trong giờ học.
Tiếp cận và hỏi thêm
về bài học với GV
trong giờ ra chơi.
Sinh viên - Nhận biết được
18h – 20h năm I chuyên - Phỏng vấn sinh nguyên nhân chọn
Quán trà sữa ngành TLH, viên ngành nghề, định
24/05/2014 khóa 39, hướng việc làm yêu
trường ĐHSP thích, tình hình học
TP. HCM tập, việc làm của SV,.
- Sư chán chường của
một số SV với những
môn học đầu tiên của
ngành.

Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP. HCM
12h – 13h Sinh viên - Nắm được thời khóa
Căn tin Khu phố 6, năm I chuyên - Trò chuyện, làm biểu học tập và lịch
11/03/2014 Phường Linh Trung, ngành TLH, quen làm việc của sinh viên
Quận Thủ Đức, Tp. khóa 06, lớp A năm I.
Hồ Chí Minh. trường ĐH - Nắm được một số
KHXH&NV vấn đề cơ bản về đặc
trưng và tình hình học
tập của sinh viên
trong lớp.
12h – 13h Sinh viên - Nắm được thời khóa
Căn tin Khu phố 6, năm III biểu học tập và lịch
25/03/2014 Phường Linh Trung, chuyên ngành - Trò chuyện, làm làm việc của sinh viên
Quận Thủ Đức, Tp. TLH, khóa quen lớp A năm I.
Hồ Chí Minh. 04, trường - Nắm được một số
ĐH vấn đề cơ bản về đặc
KHXH&NV trưng và tình hình học
tập của sinh viên
trong lớp.
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV tham gia giờ học
Khu phố 6, Phường năm I chuyên hành vi của sinh đầy đủ, đúng giờ.
12/04/2014 Linh Trung, Quận ngành TLH, viên trong quá - Hăng say nghe
Thủ Đức, Tp. Hồ khóa 06, trình học tập, làm giảng, ghi chép bài
Tâm lý học Chí Minh. trường ĐH việc nhóm ở lớp, ở học đầy đủ.
thần kinh Phòng A.114 KHXH&NV trường. - Tích cực phát biểu
- Phỏng vấn sinh trong giờ học.
viên - Trò chuyện với GV
sau giờ học.
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV đi học trễ nhiều.
22/04/2014 Khu phố 6, Phường năm III hành vi của sinh - Thích thú tham gia
Linh Trung, Quận chuyên ngành viên trong quá các hoạt động trong
Các học Thủ Đức, Tp. Hồ TLH, khóa trình học tập, làm giờ học.
thuyết và kỹ Chí Minh. 04, trường việc nhóm ở lớp, ở - Chăm chú lắng
thuật tham Phòng A.27 ĐH trường. nghe, phản hồi với
vấn KHXH&NV - Phỏng vấn sinh GV những vấn đề cụ
viên thể về môn học trong
thực tế.
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV chuẩn bị bài tập
Khu phố 6, Phường năm I chuyên hành vi của sinh nhóm và cá nhân chu
13/05/2014 Linh Trung, Quận ngành TLH, viên trong quá đáo, kỹ càng.
Thủ Đức, Tp. Hồ khóa 06, trình học tập, làm - Lắng nghe, chép bài
Chí Minh. trường ĐH việc nhóm ở lớp, ở kỹ càng, nghiêm túc
TLH đại Phòng C. 114 KHXH&NV trường. - Một số SV làm việc
cương - Phát phiếu thăm riêng trong giờ học:
dò ý kiến (phiếu nghe nhạc, lướt face,..
chính thức) - Các thành viên gần
- Phỏng vấn sinh gũi, thân thiện với
viên nhau
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - Chăm chú lắng
Khu phố 6, Phường năm III hành vi của sinh nghe, phản hồi với
16/05/2014 Linh Trung, Quận chuyên ngành viên trong quá GV những vấn đề cụ
Thủ Đức, Tp. Hồ TLH, khóa trình học tập, làm thể về môn học trong
Tâm bệnh Chí Minh. 04, trường việc nhóm ở lớp, ở thực tế.
học phát Phòng A.114 ĐH trường. - Cẩn thận ghi chép
triển KHXH&NV - Phát phiếu thăm bài giảng của GV.
dò ý kiến (phiếu - Một số ít SV thờ ơ
chính thức) với môn học
-Phỏng vấn sinh viên - Đi học trễ nhiều
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV tham gia giờ học
Khu phố 6, Phường năm I chuyên hành vi của sinh đầy đủ, đúng giờ.
17/05/2014 Linh Trung, Quận ngành TLH, viên trong quá - Hăng say nghe
Thủ Đức, Tp. Hồ khóa 06, trình học tập, làm giảng, ghi chép bài
TLH thần Chí Minh. trường ĐH việc nhóm ở lớp, ở học đầy đủ.
kinh Phòng A.114 KHXH&NV trường. - Tích cực phát biểu
- Phát phiếu thăm trong giờ học.
dò biện pháp. Tiếp cận và hỏi thêm
- Phỏng vấn sinh về bài học với GV
viên trong giờ ra chơi.
7h-11h10 Sinh viên - Quan sát thái độ, - SV vắng học và đi
Khu phố 6, Phường năm III hành vi của sinh trễ khá nhiều
20/05/2014 Linh Trung, Quận chuyên ngành viên trong quá - Làm việc riêng
Thủ Đức, Tp. Hồ TLH, khóa trình học tập, làm trong giờ học
Tổ chức Chí Minh. 04, trường việc nhóm ở lớp, ở - Ít SV ghi chép bài
hoạt động Phòng A.112 ĐH trường. - Không tích cực phát
đào tạo KHXH&NV - Phát phiếu thăm biểu ý kiến, xây dựng
dò biện pháp. bài học
- Phỏng vấn sinh - Có trách nhiệm khi
viên làm việc nhóm.
13h – 14h Sinh viên - Nhận biết được sở
10-12 Đinh Tiên năm III - Phỏng vấn sinh thích, định hướng
Hoàng, Bến Nghé, chuyên ngành viên công việc của SV,
Quận 1, Hồ Chí TLH, khóa những kế hoạch, dự
24/05/2014 Minh 04, trường định, công việc hiện
ĐH tại liên quan nhiều
KHXH&NV đến ngành nghề.
- Sự thích thú, say mê
được tham gia các
hoạt động liên quan
đến ngành – nghề.
13h – 14h Sinh viên - Nhận biết được
Căn tin Khu phố 6, năm I chuyên - Phỏng vấn sinh thêm những nguyên
Phường Linh Trung, ngành TLH, viên nhân sâu xa về việc
31/05/2014 Quận Thủ Đức, Tp. khóa 06, chọn ngành nghề,
Hồ Chí Minh. trường ĐH định hướng việc làm
KHXH&NV yêu thích, tình hình
học tập, việc làm của
SV,..
- Một số sinh viên lo
lắng về việc làm
tương lai,..

Tp. Hồ Chí Minh, năm 2014

Người thực hiện

Trần Thị Dương Liễu

PHỤ LỤC 7
MỘT SỐ HÌNH ẢNH NGHIÊN CỨU
SV TLK39- ĐHSP TPHCM trong giờ học SV TLK06- ĐHKHXHNV TPHCM trong giờ học

SV TLHK37- ĐHSP TPHCM SV TLHK04-ĐHKHXHNV TPHCM (Thủ Đức)


SV TLH - ĐHSP TPHCM SV TLH - ĐHKHXHNV TPHCM

You might also like