You are on page 1of 6

BÀI LÀM HOÀN CHỈNH ĐỀ HSG QUỐC GIA NĂM 2019.

Đề: Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là
độc quyền của con người?
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.
------------
Bài làm:
Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết trong lời gửi gắm cùng “thư cho em gái” rằng: “Thơ không
phải chỉ là thơ mà thôi. Thơ còn là “người” nữa. Anh gửi một tâm hồn. Anh gửi em một người. Một
người đã sống. Một người biết sống”. Qua những lời chân phương hết sức dịu dàng ấy, nhà thơ đã đem
trọn vào đó tình yêu, niềm tin vững vàng vào thơ, vào văn chương. Rằng nghệ thuật, thi ca chính mang
trong nó một linh hồn, là món quà căng tràn nhựa sống mà những người nghệ sĩ tài hoa đã tạo ra và hiến
dâng cho đời. Trăm ngàn năm nay đã là như vậy, hạt giống văn chương nảy mầm từ trái tim nồng nàn
máu nóng vì đời của thi nhân. Thế nhưng, mai này đây, khi thời đại biến chuyển, khi quanh ta tràn lan
bao nhiêu là máy móc, thiết bị, khi sự hiện diện của con người dần bị những khối sắt thép kia làm mờ
nhạt, liệu chúng có thay ta, làm luôn phần việc của sáng tác. Liệu rồi đây, khi những cỗ máy kia biết
viết văn, làm thơ, sáng tạo văn chương có còn là độc quyền của con người?
Thế kỉ hai mươi mốt được mệnh danh như thời đại của những chuyển giao. Khi mà mỗi ngày
trôi qua, “đội quân robot” càng thâm nhập vào đời người, mỗi phút mỗi giây con người đều sống cùng
những con chip và máy móc, xã hội bắt đầu xuất hiện hàng loạt những đổi mới. Dễ thấy, rất nhiều ngành
nghề, công việc trong xã hội dần biến mất, thay vào đó, ta nhận ra mọi chuyện càng dễ dàng hơn cả, nhờ
có công nghệ và những thiết bị điện tử tinh vi, hiện đại đã làm hộ phần việc của những vị trí kia. Ngày
nay, khi mà người ta chẳng cần đợi hàng trăm ngày ròng rã để gặp người thân thương ở phương xa trở
về vì có những ứng dụng trực tuyến, khi những bức thư thân mật được chuyển đi thật nhanh chỉ bằng
một cái click chuột, con người và máy móc, công nghệ thân thuộc với nhau như một người bạn, giúp đỡ
nhau, làm việc giúp nhau. Đứng trước hàng loạt những thay đổi đó, nhân loại tự đặt ra cho chính mình
một câu hỏi rằng, năm mười năm nữa, có khi nào mọi thứ đều sẽ thông qua robot, máy móc. Có khi nào
những chiếc ô tô đang chạy ngoài kia rồi đều sẽ chỉ được cầm lái bởi một anh chàng người máy lực
lượng, cứng cáp? Có khi nào cô giáo đứng trên bục giảng kia rồi sẽ được lập trình sẵn để đến lớp đúng
giờ, “trả bài” ro ro cho những đứa học trò ngồi dưới rồi ì ạch lê tấm thân sắt thép nặng nề đi ra? Liệu
rằng những ứng dụng điện tử có hay không sẽ không dừng lại ở việc “gửi thư”, “nhận thư” mà còn luôn
cả “viết thư”? Con người, đứng trên lằn ranh ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, tự hoài nghi, chất vấn,
rồi mai này, những cái quyền độc nhất của riêng họ, phải hay không rồi sẽ phải sẻ chia cùng những bộ
não nhân tạo kia? Đến một ngày kia, liệu rồi sẽ không chỉ có con người biết nói năng, làm việc, biết hân
hoan, sung sướng, biết sống và điều khiển cuộc đời của chính mình? Khi ấy, những trí tuệ nhân tạo sẽ
thực sự thay thế con người chăng, sẽ làm được hết mọi khả năng của con người chăng, bao gồm cả việc
viết văn, làm thơ, sáng tác văn chương và nghệ thuật?
Còn nhớ, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rằng, “Thế giới chẻ làm đôi/Vết nứt xuyên qua trái tim
nhà thơ”. Từ xưa đến nay, sự ra đời và sức lan toả của thi ca vốn luôn gắn liền với sự xuất hiện của một
người nghệ sĩ thầm lặng “gom nhặt những chữ mà đời rơi vãi để góp nên trang”. Ấy thế thì, liệu trăm
nghìn những vật liệu sắt thép thông minh, tiên tiến kia, mai này đây rồi cũng sẽ vậy chăng, sẽ hoà vào
đời để “cảm nhận mọi vẻ đẹp mang mác của vũ trụ” chăng? Hiển nhiên rằng, tất cả chúng ta sẽ chẳng
thể nào phủ nhận vị trí và sự “phi thường” của những cỗ máy tân thời, hiện đại. Chúng ta rất nhiều lúc
phải bó tay chịu thua mà chấp nhận rằng, rất nhiều việc con người bất lực nhưng máy móc lại dễ dàng
hoàn thành. Thế nhưng, văn chương chẳng phải thể. Văn chương thuộc về con người, nó sinh ra từ đời
sống của loài người và tồn tại, thăng hoa cũng vì chính những ai đang sống ngoài kia, những người có
trái tim biết rung cảm, biết khổ đau, biết yêu thương và khát khao đồng điệu. Văn chương vốn dĩ gắn
liền với thời đại, lúc nào cũng phải chạy đua cùng những nhịp đập liên hồn của thời gian, với những
chuyện mới cũ, xưa nay. Tất cả đều được nhà văn khéo léo đưa vào trong tác phẩm như một người nghệ
nhân chăm chỉ, miệt mài rèn giũa những khối than thô sơ thành trăm nghìn viên pha lê lấp lánh giữa ánh
sáng cuộc đời. Văn chương cần có sự mới mẻ, cần gắn liền với hiện thực, khi cuộc đời ở thế kỉ hai mươi
mốt, văn chương không chỉ dừng lại ở đó, mà hơn cả nó phải nói luôn được một tương lai được dự báo
ấp ủ trong đó. Nếu không như vậy, thì bằng cách nào, con người ta có thể thông qua văn chương mà
nhìn ra ngoài thế giới? Trong khi đó, những trí não nhân tạo trong hình hài những chiếc máy khô khan
kia vốn đã được lập trình sẵn, nó dựa trên hiểu biết của con người, dựa trên cái nền tảng mà con người
lĩnh hội được từ thực tại để tạo thành, thì làm sao để nó luôn mới từng ngày, luôn chạy đua kịp cùng
thực tại biến chuyển từng giây? Những chiếc máy tính, ra-đa có thể làm những thuật toán khó nhằn, có
thể tính toán thần tốc, có thể đo toạ độ chính xác trong vài giây, nhưng tất cả đều là dựa vào những gì
con người đã khám phá ra được và lắp vào trong nó. Bản thân công nghệ tinh vi không có cái khả năng
tự tìm tòi, tự trải nghiệm như một con người. Một nhà văn sống trong đời, với đôi mắt luôn tinh tế, dạt
dào đến nhạy bén với từng cơn gió đung đưa thì chắc chắn rằng sẽ nhanh nhạy hơn một chiếc máy ì ạch
chỉ hoạt động khi được ai đó gắn vào với một cái nguồn điện và nhấn nút khởi động mà bản chất của
những thứ đó cũng chỉ là sản phẩm tạo thành bởi con người.
Văn chương, trước nay gắn liền với cuộc đời, mà như nhà thơ Tố Hữu đã nhắc lại nhiều lần
“Cuộc đời là nơi bắt đầu cũng là nơi đi đến của văn học”. Vì cuộc đời mà văn chương tồn tại. Vì những
niềm hạnh phúc, hân hoan của con người, vì những giọt nước mắt của sầu bi và đau khổ mà văn chương
ra đời, như một điểm tựa, như một lời ủi an, như một tình yêu thương vô bờ. Văn chương bắt nguồn từ
những điều bình dị lẫn độc đáo của đời sống, từ mặt đất cỗi cằn của cuộc đời mà văn chương ra hoa, kết
quả. Để rồi sau đấy, văn chương lại tưới mật ngọt cho đời, đem đến những bài học, những kinh nghiệm
sống quý báu, những lời động viên, niềm tin và sự cứu rỗi, thức tỉnh cho thực tại cuộc đời. Đó chính là
bản chất, là sứ mệnh của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Văn chương ở trong đời, quyện vào đời, ở
trong cuộc đời để rồi thấu hiểu đời và gom trọn hết được những gì chân thật nhất, sâu sắc nhất. Thế
nhưng, những cỗ máy kia thì sao? Chúng sống cùng con người, như có phải là con người không? Chúng
có hiểu được bản chất thật sự của đời không khi vốn dĩ chúng là “sinh vật” khác? Nếu không hiểu được
cuộc đời, không nắm bắt được trọn vẹn những gì tinh tuý nhất, sắc sảo nhất thì làm sao máy móc có thể
thay thế nhà văn, thay thế những người nghệ sĩ, tạo ra một “sản phẩm” dành riêng cho đời sống tinh
thần của con người? Khác với những dụng cụ, đồ ăn có thể được tạo thành từ dây truyền sản xuất, văn
chương nghiêng hẳn về đời sống nội tâm, thuộc về tiềm thức, thuộc về bản ngã chân thật nhất của đời
người, những vùng khó ai có thể chạm tới. Và nếu không phải là con người, để tự đồng cảm, tự cảm
nhận bằng những tình cảm chân thành, bằng tình yêu thương nồng nàn, đôn hậu như cách những nhà
thơ, nhà văn vẫn làm từ trước đến nay thì làm sao máy móc có thể tạo ra văn chương, thứ văn chương
dành cho linh hồn, cho trái tim và cho thăm thẳm lòng người?
Nguyễn Đình Thi từng nói “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của
con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống,
ở trong cuộc sống, tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự” như một lời khẳng định, cắt nghĩa
rõ ràng, rành mạch nhất về đặc trưng của thơ, mà rộng hơn cả là văn chương. Văn chương, trước phải có
sự sâu sắc, đó là cái lõi cốt yếu nhất, là những bài học, những ý nghĩa nhân sinh được gửi gắm, đúc kết
từ kinh nghiệm sống của chính nhà thơ và thế hệ đi trước. Tuy vậy, đó sẽ chỉ là những lời sáo mòn, rỗng
tuếch và vô nghĩa nếu như những câu từ kia là lời hô hào, phát động khuôn khổ và cứng nhắc. Sẽ không
ai thèm lắng nghe hay lĩnh hội hay thậm chí là tin vào những lời dạy dỗ, khuyên răn ấy nếu nó thiếu đi
cảm xúc. Cái hay của văn chương, thực tế không nằm trong câu từ mỹ miều, bay bổng cũng không phải
sự cứng nhắc, phép tắc của những bài học và lời dạy dỗ. Cái hay của nó chính nằm trong cái tình ý, cái
hồn chân thật của nhà thơ thả vào trong đấy. Đó là yếu tố quan trọng nhất để văn chương chạm được
vào đời sống nội tâm của con người và chỉ bằng cách đó, văn chương mới có ý nghĩa thực tế, mới có giá
trị vì nó đã thật sự kiến tạo lại hàng trăm nghìn thế giới mới, không chỉ là cuộc đời chung, mà còn là bản
thế, thế giới quan, nhân sinh quan của hàng tỉ người trên thế gian này. Văn chương cần có cảm xúc, có
cái tình, cái thi vị dịu dàng mà chân thật đến cảm động lòng người. Văn chương là tình yêu của người
nghệ sĩ dành cho cuộc đời này, là yếu tố quan trọng nhất mà như Nguyễn Du nói “Chữ tâm kia mới
bằng ba chữ tài”. Thật vậy, chính cái tâm hồn đáng quý kia, cái tấm lòng luôn trăn trở, luôn nôn nao,
luôn rạo rực vì đời của nhà thơ, nhà văn mới khiến cho văn chương tồn tại, thăng hoa và bất diệt. Cái
sức mạnh cứu chuộc thế giới của nghệ thuật và văn chương, không nằm trong những thứ kiểu cách, giáo
điều mà nằm trong trái tim nồng nàn máu nóng mà những tác giả văn học đặt vào trong từng câu chữ,
từng nét mực và trang giấy viết. Trong khi ấy, những cỗ máy, những bộ óc nhân tạo vốn hoạt động bằng
những kĩ thuật, công thức có sẵn kia thì lấy đâu ra thứ tình cảm chân thành, thiết tha ấy, lấy đâu ra sự
đồng cảm, tình yêu thương đến vô bờ kia mà tạo ra thứ văn chương đích thực dành cho đời? Thế chẳng
phải, văn chương mà được tạo ra từ trong những bộ óc và trái tim sắt thép kia sẽ chỉ là những con chữ
thẳng ngay đơ trên trang giấy, những gì ào ào tuôn ra bằng sự vận hành của một cái click chuột để huy
động những gì có sẵn trong bộ nhớ, những điều vốn chẳng thể nào tiến gần được đến lòng người sâu
thẳm?
Và cuối cùng, văn chương vốn dĩ là thành quả của một quá trình lao động sáng tạo miệt mài của
nhà thơ. Đó là viên ngọc sáng ngời được giũa từ cái tài năng thi ca độc đáo của những nhà thi sĩ, những
người đã luôn sống hết mình, yêu thương và đau đớn cùng cuộc đời từng phút từng giây. Họ lúc nào
cũng tìm tòi những cái mới, cũng kiếm tìm những điều độc đáo. Họ cũng khơi dậy trong những điều cũ,
trong những chuyện đã xưa một chút gì đó mới mẻ, đó có thể là hình thức, đó có thể là góc nhìn, thế
nhưng nhất định, văn chương luôn phải mới, luôn phải có sự thay đổi, chuyển mình từ cái gốc rễ ban
đầu. Như nhà văn Nam Cao viết trong “Đời thừa” vậy: “Văn chương không cần những người thợ khéo
tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết
tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái chưa có”. Văn chương muốn hay, muốn đạt
đến hàng kinh điển, nhất định phải độc đáo, mới có nét riêng, không bị hoà tan hay trộn lẫn với hàng
vạn những tác phẩm khác. Văn chương đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự thân sáng tạo, phải miệt mài khám
phá cái để tác phẩm không trùng lặp với những câu chuyện cùng thời hay trước đó. Người nghệ sĩ luôn
phải giao thoa liên tục với đời để kiếm tìm thi liệu mà sáng tác. Ấy thế nhưng, những chiếc máy móc lại
chẳng được vậy. Chúng được tạo ra một lần, trong một thời điểm cụ thể, chúng có thể biết chuyện xưa,
chuyện ngày hôm qua, nhưng ngay ngày hôm nay, và cả ngày mai nữa, chúng nào có biết gì? Sáng tạo
là một qúa trình, đằng đẵng đến vô hạn, mỗi giây lại có một ý tưởng đột phá bộc phát trong suy nghĩ của
nhà thơ trong khi ấy, những chiếc máy móc lại chỉ có thể “sáng tác” dựa vào những thứ có sẵn trong hệ
điều hành của nó, ấy thế thì lấy đâu ra ấn tượng chủ quan, lấy đâu ra những lối đi riêng đầy mới mẻ và
sáng tạo?
Văn chương có những bản chất rất riêng, là sự khác biệt, là một dấu vết, một phát minh của
riêng con người và dành cho riêng con người. Còn máy móc, thiết bị chúng vốn dĩ tiên tiến, “thông
minh” nhưng lại chẳng thể nào có được sự chủ động trong sáng tác mà hơn hết, lại chẳng có được những
tình cảm, ý tứ của con người. Nên dù thế nào đi nữa, cái quyền sáng tạo, tạo ra văn chương vẫn là độc
quyền duy nhất của thế giới của những tâm hồn, của nội tâm, của những băn khoăn trăn trở của riêng
đời người.
Nhà phê bình Đặng Thai Mai đã từng khẳng định “điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của
những nhà văn vĩ đại ấy là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài […] đó chính là cái hơi
thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”. Bất kì một sáng tác văn chương nào, dù đi theo trào lưu
chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hay viết bằng bút pháp hư cấu, siêu thực thì tất cả đều phải bắt nguồn từ
trong thực tế, đều không thể xa lìa cái gốc rễ của thực tại. Từ đó, văn chương mới trở thành những tác
phẩm tuy bay bổng, mượt mà câu từ và những tình tiết, hình ảnh đầy dụng ý vô cùng thu hút, độc đáo
nhưng lại không kém phần thiết thực, ý nghĩa. Văn chương chính vì vậy mới có thể dạy con người
những bài học ở đời, mới có thể được xem như những lời ân cần thủ thỉ để bảo ban mỗi người. Và hơn
cả, văn chương đưa con người phiêu lưu qua những miền đất mới hay thậm chí là đến với tương lai. Ta
sẽ chẳng thể nào quên một Nguyễn Tuân với cái tôi ngông nghênh, cái tài uyên bác đã vẽ nên một bức
tranh tôn vinh nghệ thuật đầy bi tráng trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, một tác phẩm kết hợp hài
hoà giữa chất hiện thực và trữ tình khiến cho lòng người phải rạo rực khôn nguôi vì những câu chữ đẹp
đẽ đến nao lòng cả về hình thức lẫn nội dung. “Chữ người tử tù” được tạo thành từ trong ý niệm “tôn
thờ” cái đẹp tuyệt đối và siêu việt trong quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm với sự xuất
hiện của một bậc anh hùng hào kiệt như Huấn Cao, một tấm lòng trong sạch thuần khiết như một giai
điệu trong vắt, sáng ngời giữa một bản đàn lộn xộn. Và những con chữ, những nhân cách cao cả đã tạo
nên một sự hội ngộ tuyệt vời, sự kết hợp hoàn hảo của những điều tinh tuý và đẹp đẽ nhất. Nguyễn Tuân
mở ra trong mỗi người đọc một khái niệm về hình tượng chuẩn mực của người anh hùng lỡ vận nhưng
can trường, kiên định, đó là người hùm thiêng dù có sa cơ cũng chẳng hèn, là người đối diện với cái chết
thì vẫn khinh bạc đến điều, là người mà cả đời chỉ khom mình trước cái đẹp phi thường, tuyệt đối, người
sống với đời bằng trái tim chân thành, bằng cái tâm tận tuỵ. Không dừng lại ở đó, vẻ đẹp con người
trong sáng tác của Nguyễn Tuân không chỉ có những điều bất phàm mà còn có cả cái đẹp gần gũi, thân
thuộc, bình dị nhưng đáng quý, là một nhân cách “thuần khiết bị đem vào giữa một đống cặn bã”, là một
thiên lương tốt đẹp nhưng phải “ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Nguyễn Tuân đã đi vào trong cái lõi
của cuộc đời, đã tựa trên những góc độ khác nhau để tìm kiếm cái đẹp sáng ngời bị khuất lấp tồn tại
trong đời, nâng niu, quý trọng và ngợi ca nó. Cũng từ đây, nhà văn “định nghĩa” một cách sâu sắc, trọn
vẹn thứ gọi là “cái đẹp” và sự cao quý cho người đọc. Không chỉ mở ra một thế giới mới vận hành bởi
cái đẹp đến siêu việt đập mạnh vào mọi giác quan bên trong nhận thức của bạn đọc, nhà văn còn hướng
con người đến khát vọng về cái đẹp, tiếp thêm niềm tin vào cái đẹp tuyệt đối trong đời thực. Thông qua
cảnh cho chữ ở cuối truyện, khi Huấn Cao thoát ly khỏi cái chết đang chực chờ để trở nên bất tử cùng
tác phẩm cuối cùng của mình, khi ngọn đuốc sang trong tù ngục tối tăm bừng lên vút cao như cách “con
chữ vuông như nói lên hoài bão của đời người” ngời sáng trên trang giấy trắng của sự trong sạch thuần
khiết, khi sức mạnh của cái đẹp chân chính vùng dậy để chiếm lĩnh cả không gian và thời gian trong tác
phẩm để phá vỡ và đảo lộn mọi trật tự thông thường, Nguyễn Tuân khẳng định sức mạnh trường tồn và
sức sống đến dai dẳng, bất diệt của cái đẹp và nghệ thuật. Chính đoạn kết này, cái kết đẹp đến mức hằn
sâu trong ấn tượng của người đọc đã là cách nhà văn muốn con người ta tin vào cái đẹp, tiếp thêm khát
khao, hy vọng để vươn mình lên cao chiếm lĩnh lấy những điều đẹp đẽ trong cuộc đời. Tác phẩm khép
lại cũng đồng thời như một lời dự báo bỏ ngỏ của nhà văn đối với tương lai của nghệ thuật, rằng ngày
mai thế giới có đổi thay, rằng cuộc đời có bao nhiêu nhá nhem, nhơ nhuốc, cái đẹp vẫn ở đó, vẫn vươn
lên, vẫn có sức mạnh thức tỉnh và cứu rỗi mọi linh hồn dù là thanh cao hay tội lỗi như cách mà đến cuối
cùng viên quản ngục đã nói “Xin bái lĩnh” với Huấn Cao để tiếp nhận sứ mệnh duy trì cái đẹp, tiếp nhận
giao ước “thoát khỏi cái chốn khó giữ thiên lương”. Nguyễn Tuân đã sáng tạo những hình tượng nghệ
thuật độc đáo kết hợp nó nhuần nhuyễn cùng hình tượng “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” của Cao Bá
Quát, thông qua đó, không chỉ vạch trần thực tại đen tối mà hơn cả là thoát ra khỏi bóng tối thực tại, tiếp
thêm niềm tin vào sự sống sẽ được tạo ra từ miền đất chết. Những giá trị sâu sắc này có lẽ là điều mà chỉ
riêng Nguyễn Tuân và những nhà văn với cái tâm đầy hệ luỵ với đời cũng như sự uyên bác, tài hoa và
những trải nghiệm tự thân của họ mới có thể truyền tải được đầy đủ đến vậy thông qua tác phẩm. Sẽ
không một trí tuệ nhân tạo với bộ não cứng nhắc và trái tim rỗng tuếch có thể làm được điều ấy, chúng
chỉ có thể viết, sao chép những gì trưng ra trước mắt. Mà thế thì không đủ, không đào sâu, không khai
thác triệt để sức mạnh diệu kì của nghệ thuật mà vốn dĩ mắt thường không nhìn thấy thì làm sao những
sáng tác của người máy có thể chạm đến trái tim người đọc như những nhà văn đã làm, làm sao những
bài học có thể thấm nhuần trong ấn tượng của độc giả như bao đời này văn chương vẫn luôn thực hiện?
Trong quyển tiểu thuyết “Hoàng tử bé”, nhà văn Antoine De Saint- Exupury từng viết “Người ta
chỉ có thể nhìn thấy rõ bằng trái tim, con mắt thường mù loà trước những điều cốt tử”. Dường như, mỗi
chúng ta trong cuộc đời thường mơ màng mà bỏ qua những điều quan trọng. Ta thường vội vã, vô tình
mà đánh rơi mất những ý nghĩa sống tốt đẹp, phủ nhận và phủi bỏ những điều xung quanh. Như cách mà
năm xưa, Chí Phèo đã bị cuộc đời này lãng quên, bài trừ và cách biệt. Hắn đã vất vưởng, ngật ngờ bước
lên trang giấy của Nam Cao, đứng giữa lằn ranh của một con thú dữ ngang tàng và một trái tim thiện
lương tội nghiệp để đòi lại cái quyền lương thiện, cái quyền làm người. Tất cả mọi người trong làng Vũ
Đại, tất cả mọi kẻ tự cho mình là người tốt đã gắn lên người Chí Phèo cái nhãn mác là con quỷ dữ để
đẩy hắn ra ngoài rìa xã hội, tước bỏ hết mọi quyền làm người của hắn, ép hắn bán đứt luôn thứ vốn liếng
cuối cùng và duy nhất của mình là “nhân tính”. Không một ai ngoài Thị Nở nhận ra hắn đáng thương,
chả ai ngoài thị “thấy như yêu hắn”. Và Nam Cao, đã để Thị Nở xuất hiện như một sự cứu rỗi, như một
sợi dây liên kết kéo hắn trở về với cuộc đời. Cũng nhà văn, chính là người nhận ra ở cái thằng cùng hơn
cả dân cùng kia cũng từng có tư cách làm người biết mấy, từng biết nhục biết khinh trước sự dâm đãng
tục tĩu của bà ba. Chỉ có Nam Cao mới biết rằng, đằng sau một thằng tù tội, rạch mặt ăn vạ, “rượu vào là
hắn chửi” ấy từng có một quá khứ thật thà, lương thiện, từng có một ước mơ bình dị là “có một gia đình
chồng cuốc mướn, cày thuê vợ dệt vải”. Trong khi mọi người xa lánh, miệt thị Chí Phèo, Nam Cao lại
nhìn thấy ở hắn cái ước ao “thèm được lương thiện, muốn làm hoà với mọi người biết bao” không phải
vì ông có đôi mắt tinh tường nhìn thấy rõ lòng người, mà vì Nam Cao đã nhìn nhận Chí Phèo bằng ánh
sáng và hơi ấm của trái tim. Nam Cao tin rằng đâu đó trong hắn vẫn còn lại sự sống và dấu vết của nhân
tính, của một con người. Nhà văn xót xa cho một bản chất trong sạch bị che mờ đi đằng sau lớp mặt nạ
của những vết chai trên mặt, của cái vỏ tội ác mà Chí Phèo đeo vào sau quá trình bị tha hoá. Nhà văn đã
thật sự như một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ, đã dành trọn vẹn tấm lòng nhân hậu của mình không chỉ
để trân trọng tính người bên trong Chí Phèo, mà còn là của tất thảy những kẻ cùng đường bị tống khứ ra
bên lề xã hội, bị phủ nhận giá trị sống. Chính tấm lòng ấy, trái tim nhiệt thành ấy đã tạo nên một tình
văn, ý văn sâu sắc, ấm áp ẩn đằng sau câu chữ lạnh lùng, gai góc. Và đây cũng là lý do mà “Chí Phèo”
trở thành một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất, nổi trội nhất mà không ai không biết đến. Liệu
rằng, nếu không phải một Nam Cao với cái tình yêu thương con người thiết tha ấy, thì sẽ có một Chí
Phèo nào hay không khi mà những chiếc máy móc chỉ thấy được bằng bề mặt và có đôi mắt mù loà
trước những điều cốt tuỷ? Chúng có thể tinh ranh lắm, nhìn được những ngõ hẻm con người vô tình
không thấy nhưng mà, sâu trong cùng tận ấy nếu không phải con người dấn thân sâu vào, thì thứ chúng
nhìn được chỉ là mặt đường trơn phẳng vô tri. Thế nên, những cỗ máy kia vốn dĩ không cách nào thay
thế được con người để viết văn, làm thơ vì những gì chúng thấy được cốt yếu cũng là điều mà ai cũng có
thể nhìn ra bằng mắt thường trong khi văn chương lại luôn đòi hỏi một trái tim biết nhìn nhận, thấu hiểu
và đồng điệu.
Văn chương, với những chức năng, vai trò tồn tại thực chất chỉ vì một mục đích cao cả nhất
chính là hướng tới sự sống, mở ra sự sống và khát vọng sống cho con người. Mỗi một người trong cuộc
đời này hẳn đều sợ cái chết, đó là cái chết của thể xác, của tâm thức và linh hồn. Văn chương chính vì
vậy, muốn là nguồn cảm hứng, là chỗ dựa, là động lực thôi thúc con người hoà vào chung với hơi thở
của thời đại để sống, sống cho trọn vẹn, sống đến cùng thật ý nghĩa. Chính vì lẽ đó, văn chương phải bắt
nguồn từ những ngòi bút tràn trề nhựa sống, một linh hồn ham sống, cuồng nhiệt ùa vào đời để sống.
Văn chương hiển nhiên không thể được tạo ra từ một cái máy mà sự sống duy trì nhờ nguồn điện, nhờ
những ốc vít, những sóng từ cảm ứng vô cảm. Làm gì có ai ngoài những nhà thơ, nhà văn yêu đời, muốn
gắn bó bền chặt sinh mệnh của mình với đời có thể viết nên những vần thơ dạt dào cảm xúc đến độ ai
đọc xong cũng muốn lao vào đời như một cánh chim mạnh mẽ vẫy vùng trên không trung để chao liệng,
để nhìn ngắm, hưởng thụ cuộc đời? Ví như Xuân Diệu, một người luôn thiết tha được yêu, được sống,
một người nặng lòng với sự sống và luôn muốn bơi mình trong ánh nắng của sự sống từng viết:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Bốn câu thơ mở đầu trong “Vội vàng” chính là điển hình rõ ràng nhất cho cái khao khát để luôn
được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc đẹp đẽ của nhà thơ. Xuân Diệu luôn bị ám ảnh bởi ý niệm về thời
gian, luôn khắc khoải bâng khuâng vì nỗi niềm “Xuân có dài đâu? Tình có bền đâu”, luôn sợ hãi trước
“cái chết vẫn chờ ta trong mộ” chính vì lẽ đó, ông luôn muốn níu giữ, luôn muốn tận hưởng từng tấc
một của tia nắng ấm rạng ngời. Ông luôn sợ mình sống không kịp, sợ mình chẳng kịp ngắm nhìn màu
nắng mai của hy vọng, của niềm tin, hạnh phúc trong đời. Nhà thơ như muốn ôm vào mình “cả sự sống
bắt đầu mơn mởn” để cuộc đời này thật sự xứng đáng với chữ “sống” để cho hương vị của đời luôn
đọng lại trên đầu lưỡi, để cho chẳng phút nào bất kì điều tuyệt đẹp nào của cuộc đời bị gió cuốn đi. Là
một người sống trong cuộc đời, nhà thơ nhìn thấy những sự vô thường, thấy cái đáng sợ của những lần
vội vã nên mới có thể thốt ra tận trong tâm can cái khát khao nồng nàn đến cháy bỏng cái ý thức, cái
ước nguyện được tận hưởng hết thảy những hương vị ngọt ngào của sự sống, của cuộc đời. Nhà thơ
không chỉ thể hiện đam mê được sống của mình mà còn lan toả cái ước ao ấy đến với bạn đọc của ông,
như muốn mọi người đều cùng hoà vào trong dòng đời để sống. Ông không chỉ sợ mình không kịp tận
hưởng cuộc đời mà còn lo luôn cả một ai đó bỏ lỡ thanh âm tuyệt diệu của sự sống. Đọc thơ Xuân Diệu,
hơn cả nỗi cô liêu tịch mịch thoáng qua, người ta như bị cuốn vào trong cái tâm hồn lúc nào cũng nhộn
nhịp ước muốn được sống, được hoà mình cùng đất trời, con người và vạn vật. Lúc nào ta cũng thấy hoa
cỏ, lá cây trong thơ ông đẹp đến nghẹn ngào, đến chẳng nỡ bỏ qua. Và không chỉ Xuân Diệu, mỗi nhà
thơ từng thật sự sống đều sẽ như vậy, đều thả hồn vào trong lời thơ đem đến bên tai ta để ta yêu sống,
muốn sống và thèm được sống. Đó chắc chắn là điều mà không một công nghệ tiên tiến hiện đại nào
đem đến được cho ta. Máy móc có thể cứu lấy thể xác bệnh tật của loài người nhưng lại chẳng cách nào
ngoài tình cảm thiết tha có thể giữ lại một linh hồn yếu ớt, chênh vênh giữa bờ vực sống chết như văn
chương được tạo ra từ những người nghệ nhân ngôn từ với trái tim mong manh tình người liên hồi thổn
thức vì đời.
Văn chương, với bản chất là tình cảm, là sự sáng tạo độc đáo như một món quà vô gía mà thần
Apolo đã để vào nàng Muse đem xuống cho thế gian dành tặng cho riêng con người. Văn chương là
những cách tân, những tiếp biến mà chẳng biết giờ nào phút nào thoáng ngang đầu người nghệ sĩ. Văn
chương thậm chí tự thân nó vận động, bộc phát ngay trong tìm thức của nhà văn ngay trong khi viết.
Trong khi máy móc là những cái khuôn, là những công thức, là những cái công tắc chờ ai đó bật để hoạt
động dựa trên những gì được thiết lập sẵn có. Thế nên, văn chương khi ấy bị điều khiển, đầy cứng nhắc.
Văn chương mất đi cái sức sống tự thân của nó, tác phẩm và các nhân vật không thể thực sự sống trên
trang giấy và tất cả sẽ chỉ nằm thẳng ngay ở đó, lặp đi lặp lại đến chán chường, ủ ê.
Chế Lan Viên từng nói “Thi sĩ không phải là Người, nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên,
nó là Tiên, là Ma, là Quỷ,…” quả nhiên không sai. Nhà văn bản chất sống giữa đời này như một người
bình thường nhưng cái khác thường ở chỗ, họ biết mộng mơ, họ biết khát khao đến cuồng nhiệt một
điều gì đó, thế nên họ lúc nào cũng không hài lòng, cũng hoài nghi, họ mới mở ra trong tác phẩm của
mình những trăn trở, những băn khoăn để kiếm tìm những điều hoàn hảo, tuyệt đối. Họ là Người Say,
say nhưng tỉnh giữa cõi đời này, chìm vào cơn say để rồi khắc khoải rọi vào đời kiếm tìm một tia sáng
mới lạ từ những điều tối tăm. Họ ngông nghênh như những kẻ Điên, những kẻ khác thường đến kì dị, họ
sáng tạo những điều khiến con người chưng hửng, trố mắt đến ngạc nhiên. Họ độc đáo, khác lạ, họ có
chất riêng, họ sống đến trọn vẹn, đến hả hê để rồi họ viết, viết cho mình, cho người và cho đời. Họ viết
để kiến tạo lại một thế giới, viết để dựng xây một vùng trời của những điều lý tưởng và hạnh phúc. Và
họ, hiển nhiên không ai hay thứ gì thay thế được vì không ai nhạy cảm bằng họ, tinh tế bằng họ và
không ai biết yêu đến tuyệt đối như thứ tình yêu họ dành cho đời này.
Đứng giữa thời đại với những điều mới lạ, những thay đổi triền miên từng ngày khiến ai cũng
băn khoăn, trăn trở, không chỉ văn chương mà bất kì một lĩnh vực, ngành nghề nào cũng đều phải đối
diện với nghi vấn về sự tồn tại của nó trong cuộc đời. Nỗi lo sợ ấy là hoàn toàn đúng và dễ hiểu. Đội
quân của những trí tuệ nhân tạo đang tiến vào nhân loại khiến ai nấy hoang mang. Thế nhưng con người
là độc nhất và những gì chúng ta làm cũng như vậy, tuyệt nhiên không thể thay thế. Và hơn cả, đối với
văn chương, là một phạm trù của cảm xúc, sẽ không bao giờ văn chương có thể dung nạp những sáng
tác được tạo ra từ những chiếc máy vô hồn, vô cảm, bằng những lời có sẵn trong bộ não vận hành bằng
con chip, bằng nhiên liệu mà một chút tình thơ, ý văn chân thành cũng không có.
---------
NGUYỄN ĐỨC LAM THẢO
LỚP 11 CHUYÊN VĂN-TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP

You might also like