You are on page 1of 6

TIỂU LUẬN

MÔN: LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Giảng viên giảng dạy : Phan Thị Lệ Hương


Họ và tên sinh viên : Nguyễn Khánh Tâm
MSSV : 31201021339
Mã lớp HP : 22D1HIS51002614
Tên HP : Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam
Câu 1. Trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc” của Việt Nam sau Tháng Tám năm
1945, Đảng và chính quyền cách mạng đã có những chủ trương, đường lối như thế
nào để có thể vượt qua tình thế trên (1945 – 1946)?
Sau ngày tuyên bố độc lập, lịch sử nước Việt Nam bước sang một chặng đường mới với
nhiều thuận lợi căn bản và khó khăn chồng chất.
“Thuận lợi về quốc tế là sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, hệ thống xã hội chủ
nghĩa được hình thành trên diện rộng do Liên Xô đứng đầu. Phong trào giải phóng dân
tộc ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh dâng cao.
Đối với trong nước, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam từ
thân phận nô lệ, bị áp bức trở thành chủ nhân của chế độ dân chủ mới; có Đảng và hệ
thống chính quyền cách mạng với bộ máy thống nhất từ cấp Trung ương đến cơ sở. Chủ
tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của nền độc lập, tự do, là trung tâm của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.”
“Khó khăn là trên thế giới, phe đế quốc chủ nghĩa với âm mưu “Chia lại hệ thống
thuộc địa thế giới” vẫn ra sức tấn công, đàn áp phong trào cách mạng thế giới, Việt Nam
nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, bị bao vây cách biệt hoàn toàn với thế giới
bên ngoài. Cách mạng ba nước Đông Dương nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng
phải đương đầu với nhiều bất lợi, khó khăn, thử thách hết sức to lớn và rất nghiêm trọng.
Khó khăn ở trong nước là hệ thống chính quyền cách mạng mới được thiết lập, còn rất
non trẻ, thiếu thốn, yếu kém về nhiều mặt; hậu quả của chế độ cũ để lại hết sức nặng nề
như nạn đói, nạn dốt, nền kinh tế xơ xác, công nghiệp đình đốn, nông nghiệp bị hoang
hóa, ngân quỹ quốc gia trống rỗng; 95% dân số thất học, mù chữ, nạn đói cuối năm 1944
đầu năm 1945 làm 2 triệu người dân chết đói. Sự tàn phá của nạn lũ lụt, nạn đói đang đe
doạ rất nghiêm trọng. Thêm vào đó, với danh nghĩa Đồng minh đến tước khí giới của
phát xít Nhật, phía Bắc 20 vạn quân đội của Tưởng Giới Thạch mang bọn tay sai kéo vào
chiếm đóng, phía Nam, 2 vạn quân Anh - Ấn đổ bộ vào Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, quân
Pháp núp bóng quân Anh nổ súng tái chiếm Nam Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược
lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nền độc lập và chính quyền cách mạng non trẻ
của Việt Nam bị đặt trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đối phó với
nạn đói, nạn dốt và bọn thù trong, giặc ngoài.”
Những chủ trương của Đảng nhằm xây dựng chế độ mới và kháng chiến chống thực
dân Pháp ở Nam Bộ
“○ Chủ trương kháng chiến kiến quốc.
Ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã xác định ngay nhiệm vụ lớn trước mắt là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt
giặc ngoại xâm. Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng
chiến kiến quốc, vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới:
▪ Về chỉ đạo chiến lược: mục tiêu của cách mạng Đông Dương vẫn là dân tộc giải
phóng, khẩu hiệu lúc này là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”
▪ Xác định kẻ thù: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập
trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”.
▪ Về nhiệm vụ: Đảng nêu bốn nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách là “củng cố chính quyền,
chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”.
Chỉ thị cũng đề ra những biện pháp cụ thể giải quyết những khó khăn của cách mạng
Việt Nam. Nhanh chóng xúc tiến bầu cử Quốc hội để thành lập Chính phủ chính thức, lập
ra Hiến pháp. Đảng chủ trương kiên trì nguyên tắc: “Bình đẳng tương trợ”, “Thêm bạn
bớt thù”, thực hiện khẩu hiệu: “Hoa – Việt thân thiện” đối với quân đội Tưởng Giới
Thạch và “Độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế” đối với Pháp.
Những chủ trương của Đảng, chính phủ và Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng đã giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng về chỉ đạo
chiến lược và sách lược cách mạng trong tình thế cách mạng phức tạp, khó khăn; tư
tưởng “kháng chiến kiến quốc” đã nêu bật hai nhiệm vụ chiến lược mới của cách mạng
Việt Nam là xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước.”
○ “Chống giặc đói, đẩy lùi nạn đói là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, cấp bách. Đảng,
Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, động viên mọi tầng lớp nhân dân
tham gia các phong trào như tăng gia sản xuất, lập hũ gạo tiết kiệm, tổ chức Tuần lễ
vàng, gây Quỹ độc lập … Ngay năm đầu, sản xuất nông nghiệp khởi sắc rõ rệt, sản xuất
lương thực tăng lên, ngân khố quốc gia được xây dựng lại, phát hành đồng giấy bạc Việt
Nam.”
○ “Chống giặc dốt, xóa nạn mù chữ được chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, phát
động phong trào “Bình dân học vụ”, toàn dân học chữ quốc ngữ để từng bước xóa bỏ nạn
dốt…Đến cuối năm 1946, có hơn 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết. Đời sống tinh
thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tin tưởng vào chế độ mới, nêu cao tinh thần quyết
tâm bảo vệ chính quyền cách mạng.”
○ Khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.
Đảng và Hồ Chí Minh đã chủ trương sớm tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc theo hình
thức phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội và thành lập Chính phủ chính thức. Bầu cử
thành công đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ
cộng hòa. Các địa phương cũng tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và kiện toàn
Ủy ban hành chính các cấp. Mặt trận dân tộc thống nhất tiếp tục được mở rộng nhằm tăng
cường thực lực cách mạng, tập trung chống Pháp ở Nam Bộ. Hội liên hiệp quốc dân Việt
Nam (Liên Việt) được thành lập do Huỳnh Thúc Kháng làm hội trưởng. Lực lượng vũ
trang cách mạng được củng cố và tổ chức lại; tích cực mua sắm vũ khí, tích trữ lương
thực, thuốc men, củng cố các cơ sở và căn cứ địa cách mạng cả ở miền Bắc, miền Nam.
○ Tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ.
Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, quân đội Pháp đã nổ súng gây hấn đánh chiếm Sài Gòn-
Chợ Lớn (Nam Bộ). Sáng 23-9-1945, Hội nghị liên tịch giữa Xứ ủy, Ủy ban nhân dân,
Ủy ban kháng chiến và đại diện Tổng bộ Việt Minh đã nhanh chóng thống nhất, đề ra chủ
trương hiệu triệu quân, dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống xâm lược Pháp. Nhân
dân các tỉnh Nam Bộ đã nêu cao tinh thần chiến đấu “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”
nhất loạt đứng lên chống trả hành động xâm lược của thực dân Pháp, kiên quyết bảo vệ
nền độc lập, tự do và chính quyền cách mạng. Chính phủ, Hồ Chí Minh và nhân dân miền
Bắc nhanh chóng hưởng ứng và kịp thời chi viện, chia lửa với đồng bào Nam Bộ kháng
chiến.
○ Đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
“ Để làm thất bại âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ, phá Việt Minh” của quân Tưởng và tay
sai, Đảng, Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện sách lược “triệt để lợi dụng mâu
thuẫn kẻ thù, hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc” với quân Tưởng; Để tránh mũi nhọn
tấn công của các kẻ thù, Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật, chỉ để lại một bộ
phận hoạt động công khai với danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông
Dương”. Đầu năm 1946, phe đế quốc đã dàn xếp, thỏa thuận để Chính phủ Pháp và
Chính phủ Trung Hoa dân quốc ký kết bản Hiệp ước Trùng Khánh (còn gọi là Hiệp ước
Hoa - Pháp, ngày 28-2-1946). Chính phủ và nhân dân Việt Nam đứng trước một tình thế
vô cùng nguy hiểm, phải cùng lúc đối mặt trực tiếp với hai kẻ thù xâm lược to lớn là
Pháp và Tưởng, trong khi thực lực cách mạng vẫn còn non kém. Thường vụ Trung ương
Đảng, Hồ Chí Minh đã nhận định, đánh giá âm mưu, ý đồ chính trị của Pháp và Tưởng và
ra bản Chỉ thị Tình hình và chủ trương vào ngày 3-3-1946, ta chủ trương tạm thời “dàn
hòa với Pháp”, nhân nhượng về lợi ích kinh tế, nhưng đòi Pháp phải thừa nhận quyền dân
tộc tự quyết củaViệt Nam.”
“Để hòa hoãn nhân nhượng với Pháp, ngày 6-3-1946, tại Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí
Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Cộng
hòa Pháp Pháp tại Hà Nội là J.Xanhtơny bản Hiệp định sơ bộ. Ngày 9-3-1946, Thường
vụ Trung ương Đảng đã ra ngay bản Chỉ thị Hòa để tiến phân tích, đánh giá chủ trương
hòa hoãn và khả năng phát triển của tình hình. Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã ký với M.Mutê đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước 14-9 tại Mácxây (Pháp),
đồng ý nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam; hai
bên cam kết đình chỉ chiến sự ở Nam Bộ và tiếp tục đàm phán. Ở các nơi quân Pháp có
thể chiếm đóng, nhân dân thực hiện kháng chiến với khẩu hiệu “vườn không nhà trống”,
“phá hoại để kháng chiến” nhằm ngăn cản bước tiến của địch, hạn chế tiềm năng kinh tế
địch, phá kinh tế địch…”

Câu 2. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng trong giai
đoạn trên. Từ việc nghiên cứu những sự kiện lịch sử trên, anh/chị rút ra được bài
học kinh nghiệm nào cho bản thân?
Ý nghĩa của những thành quả đấu tranh nói trên là đã bảo vệ được nền độc lập của đất
nước, giữ vững chính quyền cách mạng; xây dựng được những nền móng đầu tiên và cơ
bản cho một chế độ mới, chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chuẩn bị được những điều
kiện cần thiết, trực tiếp cho cuộc kháng chiến toàn quốc sau đó. Đạt được những thành
tựu vĩ đại đó là do Đảng ta vô cùng sáng suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đánh
giá đúng tình hình nước ta, kịp thời đề ra chủ trương kháng chiến, kiến quốc đúng đắn;
xây dựng và phát huy được sức manh của khối đại đoàn kết dân tộc; lợi dụng được mâu
thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch… Đảng đã biết rút ra bài học kinh nghiệm, vận dụng một
cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng nên đã phát huy sức mạnh trí tuệ của
Đảng; động viên tinh thần, vật chất của nhân dân cho sự nghiệp chung của dân tộc.
“Bài học kinh nghiệm hàng đầu về sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn trên đó là trên
cơ sở nắm chắc và phân tích đúng tình hình thực tiễn, cần phải đề ra đường lối chiến lược
đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Trên cơ sở chiến lược cách
mạng, Đảng ta đã xác định lực lượng cách mạng và đề ra phương pháp đấu tranh, tiến
hành chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, chờ đợi và thúc đẩy thời cơ cách mạng chín mùi,
lãnh đạo nhân đứng lên đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa. Đây là bài học đầu tiên có tính
quyết định để Đảng ta lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng thành công, giành lại
độc lập tự do cho đất nước. Bên cạnh việc đề ra chiến lược cách mạng phù hợp với tình
hình, chuyển hướng chiến lược kịp thời và tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
toàn dân tộc tham gia vào mục tiêu chung, dựa vào dân để xây dựng và bảo vệ chính
quyền cách mạng, giúp chúng ta trong suốt hàng nghìn năm vừa qua đứng vững qua các
cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho nên ở những thời khắc tổ quốc lâm nguy,
thời khắc quyết định cần có nội lực to lớn của dân tộc để vượt qua những khó khăn của
lịch sử thì khối đại đoàn kết dân tộc là hết sức quan trọng. Triệt để lợi dụng mâu thuẫn
trong nội bộ kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính, coi sự nhân nhượng có nguyên tắc
với kẻ địch cũng là một biện pháp đấu tranh cách mạng cần thiết trong hoàn cành, cụ thể.
Tận dụng khả năng hòa hoãn để xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền nhân dân,
đồng thời đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với khả năng chiến tranh lan ra cả nước khi
kẻ địch bội ước. Chớp thời cơ cách mạng, kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo
tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc
biệt trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và
khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ thời cơ, không được bỏ lỡ lãnh đạo nhân
dân đứng lên làm cuộc cách mạng cũng là bài học kinh nghiệm lớn để lại cho Đảng và
nhân dân ta.”
“Những chủ trương, sách lược và biện pháp đúng đắn của Đảng cùng với tinh thần
quyết đoán, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chống
giặc ngoài, thù trong những năm đầu chính quyền cách mạng non trẻ đã đem lại thắng lợi
có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngăn chặn bước tiến của đội quân xâm lược Pháp ở Nam
Bộ, vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các kẻ thù; củng cố,
giữ vững và bảo vệ bộ máy chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở và những
thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám; tạo thêm thời gian hòa bình, hòa hoãn, tranh
thủ xây dựng thực lực, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến lâu dài.”
“Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ nền tự do, độc lập. Triệt để lợi dụng
mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, thực hành nhân nhượng có nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng
vạn biến”. Tăng cường đại đoàn kết dân tộc, dựa vào sự ủng hộ vật chất là chính trị, tinh
thần của toàn dân. Phát triển thực lực cách mạng. Đó là những thành công và kinh
nghiệm nổi bật của Đảng trong lãnh đạo cách mạng, giai đoạn 1945 - 1946.”
“Trong tâm thức của người dân Việt Nam, Đảng là một hình tượng cao quý và thiêng
liêng. Là một sinh viên, tôi luôn cảm thấy may mắn khi được sống và học tập trong xã
hội hòa bình như hôm nay. Đội ngũ sinh viên luôn biết ơn sự hy sinh thầm lặng của thế
hệ cha anh cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục để chúng
tôi có một môi trường học tập tốt như hiện nay.”
Từ những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn lịch sử 1945 -
1946), là một công dân tôi ý thức được vai trò, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của
bản thân chính là một phần trong yếu tố hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Phải
luôn rèn luyện cho mình hai phẩm chất cốt yếu là đức và tài. Bất kỳ làm một việc gì đều
không sợ khó, không sợ khổ, làm tròn trách nhiệm, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, từ
bỏ chủ nghĩa cá nhân, không kiêu ngạo, tự mãn hay phô trương hình thức. Về tài, tức là
năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Là một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà
trường, phải luôn cố gắng tích lũy và phát huy, đóng góp thiết thực những kiến thức, kỹ
năng cho lợi ích của xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
“Hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, xã hội ngày càng tiến bộ, bên
cạnh nguồn tin chính thống thì vẫn còn một số thông tin độc hại, xuyên tạc xuất hiện trên
các trang mạng xã hội, tác động không tốt đến nhận thức, lập trường của một bộ phận
giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Do đó, sinh viên cần chủ động tìm kiếm, nắm bắt những
thông tin chính thức; không nhẹ dạ cả tin, không cổ xúy cho những điều bịa đặt, bình
luận không đúng về tình hình đất nước cũng như làm tổn hại đến hình ảnh đất nước. Bản
thân mỗi sinh viên cần biết cách tiếp cận và đánh giá vấn đề chính trị, xã hội một cách
đúng đắn, khách quan.”
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, tích cực hội nhập quốc tế. Không ngừng
phấn đấu, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng thích nghi trong
môi trường quốc tế. Tìm tòi, học hỏi các ứng dụng công nghệ thông tin, thể hiện bản thân
ở khả năng ngoại giao trực tuyến. Càng hội nhập sâu với thế giới, càng cần sự bản lĩnh, tư
duy hiện đại, phải đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với bạn bè quốc tế. Phải
luôn không ngừng phấn đấu làm theo lời Bác, cố gắng học tập, nâng cao hiểu biết và
nhận thức, rèn luyện tốt, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh, kiên định với mục tiêu,
lý tưởng đã chọn, không giảm sút niềm tin, ý chí chiến đấu. Luôn xung kích, sáng tạo, đi
đầu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện bằng được mục
tiêu xây dựng Tổ quốc ngày càng hùng cường, đất nước ngày càng giàu mạng, nhân dân
ngày càng hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo

1. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (2019), Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, hoàn thành
giải phóng dân tộc thống nhất đất nước (1945-1975), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản
Việt Nam, Tr.61-100, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2000,
tập 7, tr.149
3. Chủ trương xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, được trích lục từ
https://loigiaihay.com/chu-truong-xay-dung-va-bao-ve-chinh-quyen-cach-mang-1945-
1946-c125a20119.html

You might also like