You are on page 1of 10

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI BẮT ĐẦU HỌC DỊCH CỦA SINH

VIÊN NĂM BA KHOA PHÁP ĐẠI HỌC HÀ NỘI


SVTH: Đặng Thu Hương, Nguyễn Phương Khánh – 4P17

GVHD: Nguyễn Hữu Ngọc Khánh

1. Đặt vấn đề
1.1. Tình hình thực tế
Trước khi cụm từ “biên phiên dịch” được sử dụng rộng rãi, trong tiếng Việt ta
có một từ cổ mà khi dùng ít nhiều sẽ khiến người trong ngành cảm thấy giá trị
nghề của mình bị giảm đi, đó là “thông ngôn”. Ở đây, “thông” nghĩa là nối, còn
“ngôn” là ngôn ngữ, vì vậy ta có thể hiểu “thông ngôn” là thông dịch hai ngôn
ngữ với nhau. Sở dĩ cụm từ này từng được sử dụng tương đối phổ biến là bởi
nhiều người cho rằng, dịch chỉ đơn giản là câu chuyện chuyển câu từ trong ngôn
ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Người “thông ngôn” chỉ cần nằm chắc cả hai
ngôn ngữ là có thể dịch được mà không cần phải học hành gì thêm.

Tuy nhiên, có một định nghĩa về Dịch thuật được nhiều người công nhận, đó
là: Dịch thuật là “quá trình truyền đạt một nội dung, một thông điệp từ ngữ nguồn
sang ngữ đích” (Jean-René Ladmiral). Có thể thấy, theo định nghĩa này, điều cốt
lõi của Dịch là truyền tải thông tin, còn ngôn ngữ chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Song,
để làm được điều này, câu chuyện không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, mà xa hơn nữa
là những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng.

Vấn đề này đặt ra cho các tác giả - những sinh viên đang học Dịch nhiều băn
khoăn. Bởi lẽ, trước khi tiếp xúc với bộ môn Dịch, sinh viên đã trải qua những
buổi học Thực hành tiếng theo hướng phát triển bốn kĩ năng ngôn ngữ nghe, nói,
đọc, viết. Thế nhưng, nội dung học cũng như những yêu cầu khác biệt trong hai
bộ môn trên đã gây ra cho sinh viên không ít khó khăn.

1.2. Câu hỏi nghiên cứu


Câu hỏi các tác giả đặt ra trong nghiên cứu này là:
Sau khi đã quen với phương pháp học của bộ môn Thực hành tiếng, sinh viên
năm 3 khoa Pháp Đại học Hà Nội gặp phải những khó khăn gì khi mới tiếp xúc
với bộ môn Dịch?

Các tác giả đã xác định được ba câu hỏi cụ thể hơn để trả lời cho câu hỏi lớn này,
đó là:
- So với bộ môn Thực hành tiếng, khi bắt đầu học Dịch, có những sự khác biệt gì
trong bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và từ đó gây ra những khó khăn gì cho
sinh viên?
- Sinh viên gặp phải những khó khăn nào khi tiếp xúc với nguồn kiến thức trong
bộ môn Dịch?
- Với tư cách là sinh viên, các tác giả có đề xuất gì để cải thiện kỹ năng và trau
dồi kiến thức trong quá trình học Thực hành tiếng, để khi học Dịch sinh viên
không gặp phải những khó khăn nêu trên?

1.3. Mục đích nghiên cứu


Mục đích nghiên cứu của các tác giả là tìm hiểu những khó khăn cụ thể của
sinh viên năm 3 khoa Pháp khi bắt đầu học Biên - Phiên dịch, dựa trên sự khác
biệt trong yêu cầu của hai bộ môn Thực hành tiếng và Dịch; đồng thời đưa ra
những giải pháp, khuyến nghị phù hợp.

1.4. Phương pháp nghiên cứu


Các tác giả thực hiện nghiên cứu này dựa trên những nghiên cứu, quan sát và
nhất là trên trải nghiệm thực tế của bản thân. Từ đó so sánh và chỉ ra những sự
khác biệt trong yêu cầu của hai bộ môn Thực hành tiếng và Dịch, để rút ra những
khó khăn mà sinh viên gặp phải khi bắt đầu học Dịch.

2. Nội dung thực hiện


2.1. Giới thiệu chương trình học
Trong 3 học kỳ, từ kỳ 6 đến kỳ 8, sinh viên Cử nhân tiếng Pháp định hướng
Biên - Phiên Dịch hệ chuẩn của Đại học Hà Nội sẽ được học 3 môn Dịch, đó là
Dịch I, II, III với độ khó tăng dần. Trong năm nhất và năm 2, các bạn đã được
học các kĩ năng tiếng qua bộ môn Thực hành tiếng từ trình độ 1A tới 6B (tương
đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu CECR).

2.1.1. Bộ môn Thực hành tiếng


Sinh viên được tiếp xúc với bộ môn này xuyên suốt bốn năm học. Đây là bộ
môn “phụ trách việc giảng dạy tiếng Pháp cho toàn bộ sinh viên khoa Pháp. Các
môn học thực hành tiếng hiểu ngắn gọn là một loạt các môn tiếng Pháp. Các môn
học này trang bị cho sinh viên khoa Pháp vốn ngôn ngữ cần thiết trong bốn kỹ
năng nghe, nói, đọc, viết.”

2.1.2. Bộ môn Dịch


Vào năm 3, sinh viên được tiếp xúc với bộ môn này, cụ thể được chia làm hai
môn là thực hành dịch nói I và thực hành dịch viết I. Theo chương trình học bộ
môn Thực hành tiếng và đào tạo Biên - Phiên dịch của khoa Pháp trường Đại học
Hà Nội, thực hành dịch nói I là “học phần nhập môn thực hành dịch nói trong đó
người học được trang bị các kỹ thuật cơ bản của dịch nói nối tiếp là ghi nhớ và
ghi chép phục vụ việc nhớ thông tin trong khi dịch”, còn thực hành dịch viết 1 là
“học phần nhập môn thực hành dịch viết trong đó người học được trang bị các kỹ
thuật cơ bản của dịch viết là đọc tổng thể và phân tích văn bản viết, kỹ thuật dịch
nội ngữ ở mức độ cơ bản và kỹ thuật dịch cơ bản”
Thực hành dịch nói và thực hành dịch viết có những điểm giống và khác nhau
nhất định. Về mặt kiến thức, cả hai môn học đều giúp sinh viên “nắm được một
số kiến thức cơ bản về các chủ đề của môn học, nắm được từ vựng các cấu trúc
câu điển hình trong các chủ đề của môn học cũng như nắm được các tiêu chí để
xác minh độ tin cậy của nguồn tài liệu tham khảo”. Tiếp đó, hai môn học này còn
giúp cho sinh viên “nắm được kỹ năng thực hiện được công việc tìm và khai thác
tài liệu (tài liệu chuyên ngành, từ điển trực tuyến, bảng từ vựng thuật ngữ trực
tuyến) phục vụ cho công việc dịch, xây dựng được bảng từ vựng chuyên ngành
ở mức độ cơ bản cho các chủ đề trong môn học, nhận diện được thế nào là dịch
nói hoặc dịch viết, dịch thoát ý, không phụ thuộc vào bản gốc cũng như thực hiện
được ở mức độ cơ bản việc dịch thoát ý”, hơn nữa giúp sinh viên “nâng cao kỹ
năng sử dụng các thuật ngữ và cấu trúc câu điển hình trong các chủ đề của môn
học và sử dụng được các biện pháp liên kết ý và logic.”
Về những điểm khác biệt, khi học thực hành dịch nói, sinh viên có thể “hiểu
và nắm được ở mức độ cơ bản các kỹ thuật ghi nhớ và kỹ thuật ghi chép hỗ trợ
việc nhớ thông tin trong dịch nói”. Ở thực hành dịch viết, sinh viên “hiểu và nắm
được ở mức độ cơ bản các kỹ thuật đọc tổng thể, phân tích văn bản, kỹ thuật dịch
nội ngữ”. Hơn nữa, xét về mặt kỹ năng, thực hành dịch nói giúp cho sinh viên
“thực hành được ở mức độ cơ bản các kỹ thuật ghi nhớ và ghi chép nhanh” cũng
như “áp dụng được ở mức độ cơ bản các kỹ thuật nói trên trong dịch”; còn thực
hành dịch viết giúp sinh viên “thực hành được kỹ thuật đọc tổng thể và phân tích
văn bản” và “thực hành được việc phân tích nội ngữ các văn bản ở mức độ cơ
bản”. Ngoài ra, người học cũng sẽ trang bị được cho mình một số kiến thức mềm
như kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giao tiếp qua môn thực hành dịch nói
và kỹ năng tóm tắt, tổng hợp văn bản ở thực hành dịch viết.

2.2. Khó khăn:


Cách tiếp cận trong Thực hành tiếng phân theo 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc,
Viết theo giáo trình có sẵn và làm bài, để lại nhiều lỗ hổng về ngôn ngữ khiến
cho sinh viên khi học Dịch gặp rất nhiều khó khăn. Điều này trái với yêu cầu của
Dịch, một công việc đòi hỏi nền tảng ngôn ngữ vô cùng vững chắc. Bởi lẽ khi
Dịch, ngoài ngôn ngữ ra, sinh viên cũng phải có những kỹ năng bổ trợ cần thiết
như phân tích văn bản, chọn cách diễn đạt phù hợp với ý tác giả và đối tượng tiếp
nhận thông tin bản dịch trong Dịch Viết; kỹ năng ghi nhớ, kỹ năng ghi nhanh
trong Dịch Nói… Nhưng do phải loay hoay, vá víu những lỗ hổng ngôn ngữ từ
thời học Thực hành tiếng khiến sinh viên không thể chuyên tâm vào Dịch, vào
việc học những kỹ năng này.

2.2.1. Khó khăn về kỹ năng


i) Trong kỹ năng Đọc:
Trong môn Thực hành tiếng, kỹ năng đọc chủ yếu được luyện tập thông qua
những bài đọc không quá dài nhằm phục vụ cho việc trả lời câu hỏi là chính.
Những câu hỏi cho trước này đã phần nào khiến sinh viên hình dung được nội
dung bài đọc và những ý cần phải nắm được. Vì lý do đó, nhiều sinh viên đã
“sốc” khi mới tiếp xúc với những bài đọc khi học dịch. Bởi lẽ những bài cần đọc
dài hơn và khó hơn rất nhiều. Bên cạnh đó cũng không có câu hỏi nào cần phải
trả lời, khiến cho sinh viên mông lung, khó nắm được cấu trúc bài cũng như khó
có thể xác định được đâu là thông tin chính, thông tin phụ.
ii) Trong kỹ năng Nghe:
Kỹ năng nghe luôn là điều ít nhiều gây khó khăn cho sinh viên học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, trong quá trình học Thực hành tiếng, kỹ năng này được đơn giản hóa
hơn bởi nhiệm vụ của sinh viên sau khi nghe là trả lời những câu hỏi cho trước.
Từ đó, sinh viên không nhất thiết phải hiểu toàn bộ bài nghe mà chỉ cần nghe
được những từ khóa quan trọng và những ý chính. Ngược lại, khi học Dịch, sinh
viên bắt buộc phải hiểu được nội dung của cả bài, đồng thời trong lúc nghe phải
lập tức lọc ra những ý quan trọng để truyền tải ý của tác giả sang ngôn ngữ đích
một cách nhanh và chính xác nhất. Không ít sinh viên chỉ nghe được từ và dịch
những từ mình nghe được, dẫn đến dịch thiếu thông tin. Hơn nữa, trong môn
Thực hành tiếng, những bài nghe thường được lấy từ giáo trình hay tài liệu học
tiếng với tốc độ vừa phải và giọng “chuẩn”, trong khi học Dịch, sinh viên phải
ứng biến với tốc độ nói, ngắt nghỉ cũng như cách phát âm khác nhau của từng tác
giả.

iii) Trong kỹ năng Viết:


Ở bộ môn Thực hành tiếng, sinh viên sau khi học xong một chủ đề nhất định
sẽ được cung cấp một số cách diễn đạt, những từ vựng liên quan, thậm chí có
những bài đọc về chủ đề đó để có thể tham khảo cách viết. Điều này khiến cho
kỹ năng Viết được đơn giản hóa phần nào và sinh viên có thể học trước những
kiến thức đã cho và áp dụng thẳng vào bài viết của mình. Thế nhưng, ở bộ môn
Dịch lại đòi hỏi cách vận dụng và khả năng tư duy ngôn ngữ cao hơn. Không có
giới hạn về cách diễn đạt, nội dung bài dịch đa dạng và từ đó kéo theo khối lượng
từ vựng lớn, sinh viên bắt buộc phải trau chuốt kiến thức của mình để có thể đưa
ra được bản dịch phù hợp. Do đó, nhiều bạn khi chưa quen với việc học Dịch đã
chọn cách dịch từng từ một để ghép lại thành câu, khiến cho câu văn trở nên
gượng gạo, khó hiểu và thậm chí là sai về mặt nghĩa.

iv) Trong kỹ năng Nói:


Sinh viên chưa có cơ hội được phát huy hết kỹ năng nói của mình khi học Thực
hành tiếng. Với kỹ năng này, sinh viên nói trong những tình huống đã được học
rất kỹ, gần như những cấu trúc, cách diễn đạt đã có sẵn hết trong bài học. Bài nói
cũng không đòi hỏi sinh viên phải phản xạ quá nhiều vì nội dung cũng chỉ bó hẹp
trong một khuôn cảnh nhất định. Tuy nhiên, khi học Dịch, sinh viên có phần bị
động hơn vì phải nghe tác giả nói trước khi có thể truyền tải thông điệp, dẫn đến
việc hầu như không thể biết mình sẽ phải dịch, phải nói gì tiếp theo, từ đó dễ gây
lúng túng khi bắt gặp một cấu trúc mới hay cách diễn đạt lạ ở trong bài dịch. Khi
chưa quen với việc dịch nói, sinh viên còn có xu hướng cố gắng ghi nhớ từng từ
một trong một câu thay vì ghi nhớ cả ý, khiến cho bản thân bỏ sót mất ý tiếp theo
của bài.

2.2.2. Khó khăn về kiến thức


i) Khó khăn khi độ phức tạp của các chủ đề học tăng dần
Dù trong Thực hành tiếng hay Dịch thì việc bổ sung vốn từ, cách diễn đạt mới
luôn được ưu tiên. Trong cả 2 bộ môn này, sinh viên được học từ mới theo các
chủ đề. Tuy nhiên, không khó để nhận ra sự khác biệt trong độ khó của các chủ
đề:
- Chủ đề trong Thực hành tiếng thường là những chủ đề quen thuộc, hết sức gần
gũi với sinh viên. Ex: trong giáo trình Alter Ego+ A2 mà sinh viên học trong học
kì II năm nhất, các chủ đề gồm có des relations (các mối quan hệ trong xã hội),
des médias (các phương tiện truyền thông), des loisirs (các hoạt động giải trí), ...
- Chủ đề trong Dịch đều là những chủ đề rộng và phức tạp hơn, mang tầm vĩ mô
hơn rất nhiều. Ex: các chủ đề trong môn Dịch 1 - học phần Dịch đầu tiên bao gồm
dân số, môi trường, du lịch và xoá đói giảm nghèo.

ii) Khó khăn trong việc tìm kiếm và khai thác tài liệu tham khảo
Trong năm 2, sinh viên đã được tiếp xúc với những chủ đề vĩ mô hơn so với
năm nhất (môi trường, kinh tế, chính trị,...), nhưng những kiến thức này chủ yếu
được gói gọn trong giáo trình có sẵn, với mục đích chính là bổ sung thêm từ vựng
và học ngữ pháp. Việc tìm thêm tài liệu ở ngoài là tuỳ chọn và không bắt buộc.
Nếu có thì công việc đó cũng là của giáo viên.
Tuy nhiên, vào năm 3, khi tiếp xúc với Dịch cũng là lúc sinh viên bắt buộc
phải bắt tay vào việc tự tìm kiếm tài liệu, tự nghiên cứu và tự mình lọc ra những
từ, cụm từ, cách diễn đạt phù hợp với chủ đề, phục vụ cho bài dịch của mình. Yêu
cầu này gây khó khăn cho sinh viên mới học khi tìm kiếm các nguồn tài liệu tham
khảo trong cả 2 ngôn ngữ.
Do kỹ năng tìm kiếm và khai thác còn chưa tốt, sinh viên có khả năng cao tìm
ra những tài liệu chưa thực sự sát với chủ đề học, hoặc quá khó so với trình độ
của bản thân.
Bên cạnh đó, sinh viên học Dịch nói riêng và sinh viên học chuyên ngành tiếng
Pháp nói chung đều có một dạng bài tập, đó chính là chuẩn bị glossaire (tạm dịch:
bảng chú giải thuật ngữ). Đây là một công cụ không thể thiếu trong quá trình học
Dịch, nhất là với môn Dịch Viết. Theo cơ quan dịch thuật SLRR, glossaire được
định nghĩa là “tập hợp các thuật ngữ liên quan đến một lĩnh vực chuyên ngành;
glossaire có thể đưa ra định nghĩa hoặc giải thích các thuật ngữ bằng chính ngôn
ngữ nguồn hoặc tương đương của chúng trong ngôn ngữ đích". Nhưng, để có thể
làm ra một glossaire chất lượng không phải là đơn giản khi sinh viên chưa phân
biệt được giữa glossaire với các từ vựng thông thường. Điều này được thể hiện
khi sinh viên còn gặp khó khăn khi tìm các thuật ngữ và từ chuyên ngành thuộc
chủ đề.

iii) Khó khăn ngay trong việc sử dụng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ.
Trong các giờ học Dịch, cả Dịch Nói lẫn Dịch Viết, luôn có hai hoạt động là
dịch xuôi (từ tiếng Pháp sang tiếng Việt) và dịch ngược (từ tiếng Việt sang tiếng
Pháp). Không khó để nhận ra nỗi sợ hãi của sinh viên đối với các bài dịch ngược.
Trong tâm lý chung của các sinh viên và cũng là suy nghĩ chung của tất cả mọi
người, dịch xuôi tương đối dễ hơn dịch ngược. Bởi lẽ, nói gì thì nói, tiếng Việt
cũng là tiếng mẹ đẻ, quen thuộc gần gũi hơn rất nhiều so với bất kì một ngoại
ngữ nào.

Gần gũi quen thuộc là thế, nhưng đôi khi sinh viên vẫn gặp khó khăn khi sử
dụng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đôi khi do tự tin vào vốn tiếng Việt của
mình, những bản dịch không sát với bản gốc, đi xa so với bản gốc được ra đời.
Bên cạnh đó, các văn bản bằng tiếng Pháp thường có cấu trúc câu khác so với
tiếng Việt. Tuy nhiên, trong quá trình dịch, sinh viên có xu hướng dịch xuôi theo
chính cấu trúc của câu gốc thay vì làm lại câu cho “thuần Việt” hơn, gây ra nhiều
sự khó hiểu cho người đọc. Hơn nữa, trong quá trình dịch, cần phải có sự cân
nhắc trong việc chọn lựa từ để đưa ra được một bản dịch hoàn chỉnh và dễ hiểu.
Quá trình này yêu cầu sinh viên có vốn từ vựng phong phú không chỉ trong ngôn
ngữ Pháp mà trong chính tiếng Việt. Việc thiếu vốn từ tiếng Việt sẽ khiến cho
quá trình dịch trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
2.3. Một số đề xuất
Có thể thấy, hầu hết những khó khăn các bạn sinh viên gặp phải khi bắt đầu
học Dịch có nguyên nhân xuất phát từ những lỗ hổng kiến thức từ chương trình
học Thực hành tiếng. Do đó, để cải thiện tình hình, chúng tôi xin được đề xuất
một số giải pháp mà sinh viên có thể áp dụng ngay từ khi học Thực hành tiếng.

i) Trong kỹ năng Đọc


Khác với các kỹ năng còn lại, kỹ năng đọc được cho là thuận tiện nhất để tự
nghiên cứu, tự nghiền ngẫm. Khi làm bài tập luyện kỹ năng, các bạn nên cố gắng
đọc hết, hình dung bố cục, cách sắp xếp ý của bài texte rồi tự suy luận, mày mò
để trả lời câu hỏi. Không nên vừa làm vừa tra từ, vì cách đó sẽ tạo cho các bạn
thói quen phụ thuộc vào từ điển. Còn đối với việc đọc để bổ sung kiến thức, nên
đọc theo trình độ và sở thích của mình, không nên cố gắng đọc những thứ quá
sức, dễ gây ra tâm lý mệt mỏi, chán chường. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên
tiếp cận với nhiều dạng tài liệu khác nhau: truyện văn học, báo mạng hay sách
giáo khoa… để rèn luyện kỹ năng cũng như hình thành thói quen đọc tiếng Pháp.

ii) Trong kỹ năng Nghe


Đây là kỹ năng đòi hỏi sinh viên phải luyện tập thường xuyên. Tuy rằng trong
giờ học Thực hành tiếng, sinh viên vẫn được học nghe qua các bài nghe mà giảng
viên chuẩn bị, nhưng chỉ học trên lớp thì không đủ. Do đó, chúng tôi đề xuất sinh
viên tìm tòi các bản tin bằng tiếng Pháp để tự mình rèn luyện kỹ năng này. Việc
nghe bản tin bằng tiếng Pháp không chỉ giúp làm quen với ngôn ngữ và quen với
tốc độ nói của ngôn ngữ này mà còn giúp cho người học cập nhật những thông
tin quan trọng trên thế giới, từ đó tự tích lũy kiến thức xã hội cho bản thân mình.
Một số kênh tin trực tuyến miễn phí mà người học có thể truy cập để luyện kỹ
năng nghe là: EuroNews, TV5 Monde, France 24,... Với sự phát triển của mạng
Internet, việc tìm kiếm những kênh tin tức như vậy là vô cùng dễ dàng. (điều
quan trọng là mỗi sinh viên phải ý thức được rằng việc cải thiện kỹ năng nghe
cần thiết phải có sự tập luyện thường xuyên và chăm chỉ.)

iii) Trong kỹ năng Viết


Với kỹ năng này, điều khiến sinh viên trăn trở chính là việc chọn cách diễn đạt
nào cho phù hợp và triển khai ý sao cho chính xác. Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất
kết hợp hai phương pháp đọc và viết để người học có thể nâng cao kỹ năng viết
của mình. Ngoài những bài viết bắt buộc được giao trên lớp hoặc về nhà, sinh
viên có thể dành thêm chút thời gian để thử viết nhật ký bằng tiếng Pháp, mỗi
ngày viết một vài câu kể về ngày của mình và khi đã quen dần thì thử thách bản
thân bằng những chủ đề vĩ mô hơn. Phương pháp này không chỉ giúp sinh viên
mở rộng vốn từ vựng do cần tra cứu những từ mình không biết, mà còn giúp nâng
cao khả năng tư duy khi viết bài. Cùng với đó, việc đọc cũng đóng vai trò rất
quan trọng trong việc phát triển kỹ năng viết, do đó chúng tôi xin tiếp tục đề xuất
người đọc tạo thói quen đọc báo bằng tiếng Pháp qua một số trang báo trực tuyến
đáng tin cậy như Le Monde hay Le Figaro. Việc đọc thường xuyên sẽ giúp cho
sinh viên không những tiếp thu được kiến thức xã hội mà còn học được những
cụm từ, những cách diễn đạt đắt giá để áp dụng vào chính bài viết của mình.

iv) Trong kỹ năng Nói


Đây có lẽ là kỹ năng khiến cho sinh viên lo lắng nhất. Bởi lẽ, nếu như chưa có
phản xạ ngôn ngữ ổn định và chưa nắm chắc ngữ pháp, sinh viên khó có thể làm
chủ được kỹ năng này. Do đó, đề xuất mà chúng tôi đưa ra đó là người học có thể
tự tập nói trước gương. Thoạt đầu, phương pháp này khiến cho chính chúng tôi
cũng hoài nghi, thế nhưng qua trải nghiệm, đây là một cách tương đối hiệu quả,
nhất là đối với những bạn sinh viên còn thiếu tự tin khi đối thoại hay thuyết trình
bằng tiếng Pháp. Người học sẽ độc thoại với chính mình, tự đặt ra câu hỏi và tự
trả lời chúng. Phương pháp này sẽ giúp sinh viên dần quen với việc sử dụng tiếng
Pháp cũng như tăng khả năng phản xạ ngôn ngữ, hơn nữa vì cần nói thường xuyên
nên cũng sẽ cải thiện được khả năng phát âm của chính mình. Khi đã tạo được
thói quen độc thoại bằng tiếng Pháp, chúng tôi gợi ý người học nâng cao “độ
khó” của phương pháp bằng cách đối thoại với bạn bè cùng học tiếng Pháp và
người Pháp nếu có thể để tăng sự tự tin cho bản thân.

3. Kết luận
Việc học chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi bắt đầu một môn học mới. Do
đặc thù cũng như những yêu cầu riêng của Thực hành tiếng và Biên - Phiên dịch,
quá trình chuyển tiếp giữa hai bộ môn này đã gây ra cho sinh viên không ít khó
khăn. Để giải quyết những khó khăn này, ngoài những đề xuất bên trên, sinh viên
cần có đức tính kiên trì và rèn luyện các kỹ năng mỗi ngày.
Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp các bạn sinh viên xác định, hiểu
nguyên nhân và vượt qua được những khó khăn khi bắt đầu bước vào quá trình
học Dịch, từ đó học tập thật tốt và thành công trên con đường Dịch thuật.

4. Tài liệu tham khảo


- Chương trình học bộ môn Thực hành tiếng và đào tạo Biên - Phiên dịch của khoa
Pháp trường Đại học Hà Nội.
- LADMIRAL Jean-René (1994), Traduire, théorèmes pour la traduction. Paris:
Gallimard.
- L’importance d’un glossaire pour la traduire technique,
https://traductionslrr.ca/limportance-dun-glossaire-pour-la-traduction-
technique/

You might also like