You are on page 1of 6

Nội dung và nghệ thuật trong tập thơ “ Góc sân và khoảng

trời” của Trần Đăng Khoa


Nghệ thuật
Góc sân và khoảng trời đã tạo nên những lớp không gian đa dạng, phong phú.
Trong tập thơ tồn tại cả không gian bầu trời lẫn không gian mặt đất, không gian vũ
trụ lẫn không gian xã hội... Tất cả đã làm nên một thế giới nghệ thuật muôn màu,
muôn sắc. Trong đó, không gian nghệ thuật trung tâm của tập thơ Góc sân và
khoảng trời chính là không gian làng quê. Rất hiếm khi Trần Đăng Khoa để cho
thơ mình chạy ra khỏi môi trường này. Làng quê đã trở thành nơi ẩn náu bình yên
nhưng cũng rất quyến rũ của một hồn thơ bé nhỏ. Trong mênh mang cảnh sắc nông
thôn mộc mạc ấy, Khoa dành nhiều tâm tư cho không gian nghệ thuật "góc sân",
một không gian đặc trưng cho nền "văn minh thôn dã", không gian có vị trí đặc
biệt đối với đời sống tâm linh người dân quê. Nhàthơ Xuân Diệu đã phát hiện ra ý
nghĩa đặc biệt của không gian này khi nhận định rằng: "Cái vũ trụ tí hon ấy như
lòng đỏ trứng gà". Với Khoa, không gian nhỏ bé, đơn sơ, thân thuộc này là một thế
giới diệu kì của tuổi thơ. Góc sân ấy là điểm tựa để em nhìn ra thế giới:
Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy
Từ khoảng không gian này, Khoa đã thả tuổi thơ bay lên cùng với ánh trăng đêm
rằm, bay lên cùng với cái diệu kì của đất trời... Và cũng tại nơi đây đã chứng kiến
bao sinh hoạt của con người và loài vật. Đó là cảnh những chú gà con liếp nhiếp đi
tìm mồi cùng mẹ (Gà con liếp nhiếp), cảnh thôn xóm vào mùa với chiếc máy tuốt
lúa mở miệng cười ầm ầm, với thóc vàng óng một màu no đủ, với ấm chè nóng
thơm hương lúa đồng đang cùng ông trăng và các đội bình công mừng một mùa
bội thu (Thôn xóm vào mùa). Góc sân ấy cũng trở thành sân khấu để tiếng trống
chèo sâu vợi, tiếng mõ đưa hương hoa đại len vào tâm tư con người (Cô Thị Mầu).
Tuổi thơ luôn bị mê hoặc bởi những trò vui. Niềm hân hoan của chú bé Khoa nhỏ
tuổi cũng vút lên từ góc sân nhỏ với bao sinh hoạt hấp dẫn:
Em thường rải cái nong
Ra góc sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya
(Cái sân)
Trong hồn nhiên của thế giới trẻ thơ, Trần Đăng Khoa luôn lấy cái sân làm địa
điểm diễn ra mọi trò chơi. Nào là trò xỉa cá mè, trò mèo đuổi chuột, trò hứng nước
mưa... Ở đấy, em đã chạy nhảy tung tăng, đã múa hát say mê quanh ông trăng đêm
rằm. Lắm lúc sân cũng trở thành nền bản vẽ để trẻ phác họa lên những bức tranh về
cô tiên, về đồng lúa chín...
Không phải ngẫu nhiên mà Khoa viết nhiều về góc sân. Đối với người dân quê
Việt Nam nói chung, đối với những trẻ thơ chưa bao giờ vượt khỏi lũy tre xanh
như Khoa thì đây là không gian thân thuộc, gắn bó như là máu thịt. Bao nhiêu sinh
hoạt của người dân quê, bao nhiêu trò chơi của trẻ nhỏ đều gắn với địa điểm này.
Chính không gian này cũng là nhịp cầu đưa trẻ đến với những không gian rộng lớn
hơn.Càng ngày thơ Trần Đăng Khoa càng mở rộng không gian nghệ thuật và đó
đều là những khoảng không gian thấm đượm hồn quê Việt Nam. Đến với thơ
Khoa, ta được ngắm nhìn những mảnh vườn quê hương ở nhiều giác độ khác nhau.
Là vườn cải tốt tươi, "lá xanh như mảnh mây trời lao xao" khi gió đến (Vườn cải).
Là khu vườn "dậy tiếng dịu hiền" từ vị ngọt của luống cà, ranh khoai, từ âm thanh
của tiếng lá vẫy gió trong những đêm "lấp ló trăng lên" (Vườn em). Là mảnh vườn
xanh biếc tiếng chim, rộn rã trong tiếng dơi khua lúc chạng vạng, nên thơ trong
hình ảnh ông trăng vàng dạo chơi dưới lùm nhãn (Hương nhãn). Rồi khi thu về
lành lạnh ta lại được nghe "Vườn sau nổi gió nghe như mưa rào" (Đêm thu) v.v...
Với hình ảnh con đường - nơi giữ sự liên thông giữa những không gian của mặt
đất, Khoa cũng dành cho nhiều quyến luyến. Đã có lần cậu bé này "hỏi đường"
rằng:
Đường ơi, có nhớ chăng là
Ngày nào dạy học, thầy qua đường này?
Con đường ấy đã một thời in bàn chân thầy giáo. Vậy mà giờ đây thầy đã đi xa rồi.
Bóng cây vẫn rợp con đường mà người xưa đã vắng. Không gian con đường vì thế
mà trở thành điểm nhấn của tâm tư và hoài niệm.
Với người nông dân, cánh đồng là ngôi nhà thứ hai. Người thơ rất trẻ của chúng ta
đã chín sớm trong suy tư và cảm xúc nên đã viết về không gian này thật tinh tế.
Cánh đồng Điền Trì thân thuộc đi vào thơ mang theo tâm tình của người con quê
hương:
Cánh đồng làng Điền Trì
Sớm nay sao mà rộng
Sương tan trên mũi súng
Trên sừng trâu cong veo
Cánh đồng này có in bóng hình những bác nông dân đang cày ruộng, những chị
thôn nữ tát gầu giai và cấy mạ, in bóng em chở phân ra lót ruộng... Nơi ấy có hồn
nhiên tiếng cười, có bọt tung trắng hoa nhài khi nước reo trong lòng máng, có lúa
vàng trong đáy mắt, có luống cày tỏa hương, có mây hong trên gốc rạ... Không
gian này đã tạo nên một âm sắc rất riêng cho thơ Khoa bởi nó đã chiết được mùi
hương riêng cho mình. Nhớ lắm những cánh đồng nồng mùi bùn ngấu, mùi phân
đang hoai và còn hăng mùi vôi chưa tan hẳn dưới những rãnh cày. Nhớ lắm những
giọt mồ hôi đang ủ mật cho đồng lên hương, cho hạt giống bốc men trong đất. Nhớ
lắm khung cảnh yên bình, đẹp tựa bài thơ:
Đồng ẩm trăng non
Luống cày sực nức
Mưa rào bữa trước
Nắng nồng chiều nay
(Hương đồng)
Có thể nói, viết về cánh đồng quê là cuộc dạo chơi ân tình không ngừng nghỉ trong
đời thơ Trần Đăng Khoa. Trong cuộc dạo chơi này anh không phải là khách qua
đường. Vị khách thơ trẻ tuổi này dẫu bước chân có đi lạc không gian ấy thì trái tim
vẫn "neo đậu bến quê":
Sáng đứng đỉnh Côn Sơn
Hương đồng thơm trong túi
(Côn Sơn)
Tình lưu luyến ấy không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bởi lẽ, Khoa đã thú nhận với
chúng ta rằng:
Thịt da ta cũng
Tỏa hơi ruộng đồng
(Hương đồng)
Nhắc đến không gian nông thôn trong thơ Khoa chúng ta không thể bỏ qua dòng
sông Kinh Thầy. Dòng sông này đã từ đồng bằng Bắc Bộ chảy tràn vào thơ Trần
Đăng Khoa, trở thành một vùng thẩm mĩ thi vị. Dòng "sông Kinh bên lở bên bồi"
đã thực sự thăng hoa trong trang thơ Khoa. Phù sa của dòng sông đã ngấm sâu vào
thiên nhiên, để rồi cảnh vật đã trỗi dậy trong một sức sống mãnh liệt:
Hàng chuối lên xanh mướt
Phi lao reo chập chùng
Vài ngôi nhà đỏ ngói
In bóng xuống dòng sông
(Bên sông Kinh Thầy)
Không gian này đã cùng với hương sen thơm, với lời mẹ hát, với bão tháng bảy,
mưa tháng ba, với giọt mồ hôi... để làm nên "hạt gạo làng ta". Khoa không quên
điều đó khi anh viết:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
(Hạt gạo làng ta)
Chính vì thế mà lòng biết ơn với dòng sông đã trở thành tình cảm thường trực
trong Khoa. Và cũng bởi cái ơn sâu nặng đó nên thi sĩ đã một đời không thôi tìm
kiếm bí mật về không gian này:
Sông ơi nhớ thương ai
Mà bốn mùa nước đỏ
Con chim nghiêng mắt ngó
Phù sa hồng đôi chân
(Cầu Cầm)
Những không gian trên đã tập hợp lại làm nên không khí thanh bình, yên ả ngàn
đời của thôn quê Việt Nam. Nhưng bên bến bờ bình yên ấy, gương mặt chiến tranh
lại hiện về. Là tiếng bom rùng rùng nổ trong đêm trăng tràn đầy tiếng đàn bầu, một
không gian căng tràn đã "tự rung lên sức mạnh Việt Nam". Là hình ảnh những hố
bom, những ngôi trường tốc mái... Chiến tranh còn hiện hình trong đôi nạng gỗ bên
bàn thầy giáo, bên mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi, bên cả những bài học dang
dở... Nhưng đó chỉ là phông nền làm hiển hiện và thăng hoa một không gian khác –
không gian của sự sống và niềm tin. Hàng cau đã ngã xuống nhưng tiếng đàn bầu
vẫn tuôn trào vô tận như những suối nguồn mát trong để xóa đi những âm thanh dơ
bẩn của cuộc chiến. Hình ảnh cánh diều vươn cao ngạo nghễ bên bờ hố bom là một
sự tương phản rất đẹp của không gian nghệ thuật, thể hiện được sức sống vĩnh
hằng của con người:
Tiếng diều vàng nắng
Trời xanh cao hơn
Dây diều em cắm
Bên bờ hố bom
(Thả diều)
Ngoài ra, Góc sân và khoảng trời cũng đã đưa đến cho người đọc những khoảng
không gian
tâm lí giàu sức biểu cảm. Con người là một thực thể tồn tại trong không gian.
Nhưng tự bản thân
con người cũng là một thế giới, một không gian với những chiều kích và tính chất
riêng. Ý thức
được điều ấy nên Trần Đăng Khoa luôn có thiên hướng khai thác không gian con
người với bề sâu
tâm hồn. Câu thơ:
"Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan"
đã làm chúng ta xúc động. "Nắng mưa" vốn là không gian của vũ trụ đã được xã
hội hóa thành một không gian gợi nhớ những vất vả, khó nhọc. Không dừng lại ở
đó, "nắng mưa" còn thâm nhập vào không gian con người, tạc nên vóc dáng, hình
hài chứa đầy nhọc nhằn của người mẹ. Từ "lặn" đã cụ thể hóa sự di chuyển của
không gian biểu trưng vốn rất trừu tượng ấy. Bàn chân của thầy giáo trong bài thơ
cùng tên cũng là một không gian như thế. Ẩn sau một bàn chân đã mất ấy là âm
vang của chiến trường, của sự hi sinh lặng lẽ. Đằng sau hình hài không hoàn hảo
ấy là cả một tấm lòng rạch ròi những yêu thương, hờn ghét, là cả một lẽ sống cao
đẹp. Chính vì thế mà "bàn chân thầy, bàn chân đã mất, vẫn dẫn chúng em đi trọn
cuộc đời". Đứng trước bàn chân ấy, những thế hệ học trò đã ngỡ ngàng nhận ra
được cái chưa hoàn hảo của chính cuộc đời mình. Góc sân và khoảng trời, tựa đề
của tập thơ đồng thời cũng đã mở ra hai thế giới đối lập. Đối lập giữa không gian
mặt đất nhỏ bé với không gian bầu trời rộng lớn. Đối lập giữa không gian thân
thuộc với khoảng xa vời, vô tận. Nhưng đó chỉ là sự đối lập bề ngoài của không
gian thực. Còn trong ý nghĩa biểu trưng thì hai miền thẩm mĩ này lại tìm được mối
liên thông chặt chẽ. Góc sân đại diện cho khoảng không gian gần gũi, quen thuộc
đối với trẻ thơ. Còn khoảng trời mang ý nghĩa biểu trưng cho một chân trời trong
mơ ước, cho những nơi xa rộng bao la của cuộc đời đầy hấp dẫn đang mời gọi tuổi
thơ. Chân trời ấy được kiến tạo bởi những con người có tình yêu đằm sâu với
không gian đời thường.

You might also like