You are on page 1of 4

Cốt lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao là

viện, trường
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khu nông nghiệp công nghệ cao cần có sự
phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu công lập và doanh
nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham gia trả lời chất vấn về khu nông nghiệp công nghệ cao. 

Trong phiên chất vấn sáng 7/6, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông đề nghị Bộ
trưởng Bộ NN-PTNT cho biết Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước, khu vực và thế
giới trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển
nông nghiệp.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn An Giang đề nghị Bộ trưởng Lê
Minh Hoan đánh giá thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, phát triển khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao là vấn đề trăn trở của Bộ NN-PTNT trong nhiều năm. 

Hơn 10 năm qua, Chính phủ đã phê duyệt 6 khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu đầu tiên bắt
đầu vào năm 2012, triển khai tại tỉnh Hậu Giang. 5 khu còn lại có tổng diện tích khoảng
7.000ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của vị tư lệnh ngành nông nghiệp, duy nhất có khu nông
nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Lý giải cụ thể về điều này, Bộ trưởng cho rằng hiện có sự nhầm lẫn trong một bộ phận xã hội,
về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đến
với khu nông nghiệp công nghệ cao với tâm lý, chỉ cần đầu tư nhà màng, nhà lưới, sau cung
cấp thêm một số công nghệ tiên tiến như tưới nhỏ giọt là thành "công nghệ cao".

Dẫn văn bản quy phạm pháp luật về định nghĩa khu nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng
nhấn mạnh: "Đây phải là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa các thành tựu mới nhất trong
nông nghiệp. Thành quả đó sẽ chuyển giao cho bà con nông dân theo từng mức độ, phụ thuộc
vào tình hình địa phương và thị trường".

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Bàn thêm về khái niệm "công nghệ cao", Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều cách tiếp cận về
vấn đề này trên thế giới. Một số doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thậm chí đã tạo ra những
công nghệ đi trước thời đại.

Ở quy mô Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá cao những công nghệ của các tập đoàn hàng đầu
như TH, ThaiBinh Seed, Lộc Trời...

Dẫu vậy, ông chia sẻ: "Cần đặt ra câu hỏi, rằng những công nghệ ấy có phù hợp để ứng dụng
cho từng hộ nông dân hay không? Tôi cho rằng, bất cứ công nghệ nào phù hợp mà tạo ra giá
trị, chất lượng trên một đơn vị diện tích, tạo ra thu nhập cho người nông dân, tạo ra sức cạnh
tranh thì đều là công nghệ cao".

Quay trở lại khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự
tin tưởng, khích lệ. Ông nhận xét, đây là một mô hình phù hợp khi đã biết kết hợp nhiệm vụ
nghiên cứu, lan tỏa các công trình khoa học, đồng thời chuyển giao thành công cho bà con.
"Mô hình này đạt được thành tựu nhờ có lõi giá trị từ viện, trường, hay rộng hơn là các đơn vị
sự nghiệp nghiên cứu công lập. Bao xung quanh hệ sinh thái là các doanh nghiệp. Họ sẵn sàng
đón nhận các kết quả để từ đó đưa vào nền sản xuất", người đứng đầu Bộ NN-PTNT đánh giá.

Qua các chuyến công tác nước ngoài, Bộ trưởng nhận thấy, các viện, trường, đơn vị khoa học
công lập kiêm nhiệm khá nhiều công việc, trong đó có cả phần việc của khuyến nông. Họ
không đơn thuần dừng ở nghiên cứu mà chủ động xây dựng "kênh" quảng bá, tuyên truyền tới
người dân.

Làm thế nào để bà con nông dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với khoa học công nghệ?
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, con đường ngắn nhất và nhanh nhất chính là thông qua viện,
trường, chuyển giao tới mô hình khuyến nông, rồi đến người dân. Ông tái khẳng định: "Cốt
lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao là viện, trường".

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang trăn trở về khu nông nghiệp công
nghệ cao.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa
học và Công nghệ trong việc tạo ra một cơ chế, hoặc ban hành những chính sách để sản phẩm
nghiên cứu có tính ứng dụng nhanh chóng đến với sản xuất. 

Với quan điểm cơ quan quản lý chỉ giữ vai trò kết nối, điều tiết, Bộ trưởng gợi mở một số
định hướng như kéo dài chuỗi nghiên cứu đến sát thực tiễn sản xuất, khuyến khích các đơn vị
sự nghiệp nghiên cứu công lập hợp tác, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp...

"Làm vậy, nguồn lực, sức mạnh của chúng ta sẽ được tăng thêm nhiều lần. Bà con nông dân
cũng hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn trong việc tổ chức sản xuất", Bộ trưởng kết luận.
Bảo Thắng
https://nongnghiep.vn/cot-loi-cua-khu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-la-vien-truong-d353272.html

You might also like