You are on page 1of 2

MỤC ĐÍCH TỐT NHƯNG CÁCH LÀM KHÔNG ĐÚNG THÌ SẼ CHẲNG CÓ KẾT QUẢ TỐT

Đề án dữ liệu dân cư quốc gia - CCCD gắn chip - VNEID thực sự là nó rất hay về bản chất, nhưng đến hiện
nay, nó mới chỉ thành công một phần và đang để lại cơn khủng hoảng lớn đối với công chức/công an xã
và sự khó chịu (thậm chí) mất niềm tin đối với Nhân dân dưới cơ sở. Chúng ta đã xây dựng được một hệ
thống dữ liệu quá tuyệt vời, nhưng có mấy sai lầm lớn đang tồn tại thế này:

1. Về cấn đề cấp CCCD gắn chip và đăng ký sử dụng ứng dụng VNEID - đây có thể nói là khâu vất vả nhất
mà anh em cấp xã vẫn đang làm - nói khó nghe hơn là bị ép chỉ tiêu, ép số lượng buộc phải làm, nếu
không sẽ bị kiểm điểm, nhắc nhở, cao hơn kỉ luật, hạ loại, điều ngược là ở chỗ, trên báo chí khi được hỏi
có bắt phải làm hay không thì nói rõ là: “Không bắt buộc, và không có luật nào ép phải làm”. Nhưng bên
trong nội bộ thì đã giao chỉ tiêu, anh em chúng tôi căng người ra làm ngày làm đêm, làm cả ngày nghỉ.
Công an đến nhà từng người dân: xin xỏ có, vận động có, thậm chí cả… doạ, điều này cực kì gây phiền
cho dân, và gây ức chế khổ sở cho cán bộ. Dân họ phản ứng gay gắt về vấn đề này, nhưng nhiều người
sau phải làm vì ngại, vì sợ chứ không phải thực tâm muốn làm. Phần mềm VNEID lẫn CCCD gắn chip chưa
nghiên cứu kĩ, lỗi tùm lum, chạy theo chỉ tiêu nên nó không đâu vào với đâu cả, bỏ sổ hộ khẩu lại sinh ra
xác minh cư trú, VNEID thì gần như vô dụng vì không sử dụng thay thế sổ hộ khẩu được! Thành ra cán
bộ gần như ép dân đi làm, tuyên truyền phải làm nhưng hiệu quả kém nên dân họ cũng chán, mất niềm
tin vào kế hoạch số hoá (vì thực tế họ chưa thấy ứng dụng VNEID hay đơn giản là CCCD gắn chip có tác
dụng gì khác CMND cũ cả)! Ngay cả không ít cán bộ, trong nội bộ với nhau còn không thể hiểu nổi tác
dụng thực sự của phần mềm này, khi mà đã cài mà khi có lỗi còn không đỡ được! Rồi người dân sẽ phải
đi làm, nhưng tỉ lệ sử dụng rất ít và họ làm vì sợ phiền, sợ các rắc rối (trong tâm lý) là chính.

2. Vấn đề dịch vụ hành chính công theo quy trình số hoá hiện nay: Hiện nay đây là vấn đề gây ức chế và
bức xúc nhất cho cán bộ tư pháp xã lẫn công an xã! Nó không thực tế và có lẽ người nghĩ ra phần mềm
này chưa đủ kinh nghiệm làm việc dưới cơ sở! Trước đây, công dân chỉ cần đem hồ sơ giấy nộp cán bộ -
cán bộ viết tay hoặc nhập máy, xong thì in ra lưu trữ, gọi dân lên thông báo rồi thu phí. Còn hiện nay ,
"nhờ" có những áp đặt duy ý chí về chỉ tiêu ( 70%, hoặc 100% hồ sơ nhập lên dịch vụ công - thể hiện là
dân họ tự nhập - từ đó báo cáo là hệ thống rất "thông minh" dân ai cũng dùng) mà các cán bộ buộc phải
làm gấp đôi công việc: thu hồ sơ của dân - nhập lên phần mềm hành chính công - lên máy chủ tiếp nhận
và làm thủ tục (bao gồm 2 bước thu nhận hồ sơ điện tử và phê duyệt bằng tài khoản chỉ huy) - in hồ sơ
lưu - gọi dân lên trả hồ sơ! Phần mềm nhập hành chính công rất khó dùng và khó hiểu, cán bộ cơ sở phải
trầy trật tự mày mò cả tuần trời mới tạm gọi là thạo mấy thủ tục cơ bản. Kể cả nếu người dân biết dùng,
thì họ cũng phải làm thêm 1 bước so với trước: tự nhập thông tin và chụp giấy tờ gửi công an, rồi cuối
cùng vẫn phải mang những loại giấy tờ đó lên công an nộp lại (để lưu) như cũ! Như vậy là thêm phiền!
Nói thẳng ra hiện nay làm thủ tục cứ như cũ: dân mang thẳng giấy tờ đến cơ quan, cán bộ cầm rồi nhập
thẳng lên hệ thống (bỏ qua dịch vụ công) vẫn là nhanh và hiệu quả nhất. Tuy nhiên cán bộ cơ sở bức xúc
nhưng rất ít dám nhập trực tiếp (bỏ qua dịch vụ công) vì sợ mất chỉ tiêu, sợ bị quy cho là đi ngược
đường lối, là tất nhiên phải giải trình với các trường hợp dám làm trực tiếp dù không hề sai luật! Khi họp
trực tuyến, lãnh đạo cấp cao yêu cầu không nhập hộ dân, nhưng thực tế bên dưới đều phải làm hộ! Dân
họ lo cày, lo cấy nên quan tâm quái gì mấy cái dịch vụ công này - nhất là mấy cụ già 70, 80 tuổi, có khi cả
đời còn chưa cầm điện thoại thông minh thì biết gì mà nhập. Thành ra thủ tục mặc dù muốn nhanh nó
lại biến thành chậm! Một số anh em tư pháp đi họp nói thẳng: dịch vụ công hay nhập trực tiếp chỉ là
hình thức, cốt lõi làm sao cho dân đúng thông tin, kết quả nhanh là được! Tại sao phải ép chỉ tiêu như
thế?! Tất nhiên ý kiến này ai cũng đồng tình, nhưng không ai dám thực hiện!

Cán bộ cơ sở bức xúc, công an xã bức xúc, người dân lại càng bức xúc vì chính họ bị quay cuồng trong
guồng quay khó hiểu của “chuyển đổi số chưa đến nơi”.

Hiện nay, có thể nói là thời kì khủng hoảng chưa từng có trong lực lượng. Nhiều anh em cơ sở chán nản,
mệt mỏi vì làm việc quá nhiều, bị áp lực quá nhiều, có người viết đơn xin ra khỏi ngành, hoặc nhiều
người cũng có tâm lý đó. Tôi còn nhớ thời kì covid, thật sự khủng khiếp cho cả chúng tôi lẫn anh em y tế!
Tôi vẫn tin tưởng vào mục tiêu số hoá, nhưng hiện nay chúng ta đang bị sa vào chủ quan duy ý chí,
không khác gì câu chuyện làm gang thép ở Trung Quốc thời kỳ đại nhảy vọt - sản phẩm hầu như ra đời
toàn phế phẩm, sức người thì bị huy động quá nhiều, mất niềm tin trong quần chúng và lực lượng. Nay
thành quả về cơ sở dữ liệu đã quá tốt, chỉ cần các sếp ở trên hít thở chậm lại, củng cố lại phần mềm và
lắng nghe ý kiến ở dưới cơ sở, chỉnh sửa lại cho thực tế và thực dụng hơn, bỏ qua hình thức và chỉ tiêu
không cần thiết, khoan thư sức lính, tiến chắc từng bước, biến phần mềm thành thứ không thể thiếu
trong cuộc sống của dân, dùng được đủ thứ từ vay vốn, xác minh, đi đường mà không cần xin thêm bất
cứ cái gì - lúc đấy họ sẽ tự đến đăng kí mà không cần ai phải vận động cả! Mấy lời chia sẻ, nếu bạn đọc
và hiểu được thì rất cảm ơn!

Tác giả gửi về Hvpcpd!

#Hvpcpd

You might also like