You are on page 1of 74

LỜI CẢM ƠN

Em xin kính gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô giáo - Tiến sĩ Dương Thị Ánh Tuyết
đã tận tình hướng dẫn, động viên, giúp đỡ em trong suốt quá trình thực hiện khóa luận.
Em cũng xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Quý thầy, cô giáo Khoa
Khoa học Xã hội, Quý thầy, cô giáo của Trường Đại học Quảng Bình đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi để em bồi dưỡng tri thức và hoàn thành khóa học của mình.
Thiết tha bày tỏ lòng tri ân sâu nặng tới gia đình, là suối nguồn niềm tin và khát
vọng của em. Cảm ơn bạn bè đã chia sẻ, động viên và giúp đỡ mình trong suốt thời
gian qua.
Chân thành cảm ơn!

1
LỜI CAM ĐOAN

Chúng tôi xin cam đoan và khẳng định đây là công trình nghiên cứu của riêng
chúng tôi. Các tài liệu và kết quả nghiên cứu trong khóa luận là trung thực, được các
đồng tác giả cho phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kì một công trình
nào khác.
Tác giả
Trần Thị Phượng

2
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ................................................................................................................................. 5
1. Lý do chọn đề tài ..................................................................................................... 5
2. Lịch sử vấn đề ......................................................................................................... 6
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...........................................................................7
4. Phương pháp nghiên cứu....................................................................................... 10
5. Đóng góp của khóa luận ........................................................................................ 10
6. Kết cấu của khóa luận ........................................................................................... 10
NỘI DUNG ........................................................................................................................... 11
Chương 1: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN
TRANH .................................................................................................................................. 11
1.1. Trần thuật đa tầng bậc và nghệ thuật phối kết điểm nhìn .................................. 11
1.1.1. Trần thuật đa tầng bậc.................................................................................. 11
1.1.2. Nghệ thuật phối kết điểm nhìn..................................................................... 14
1.1.2.1. Điểm nhìn bên ngoài và khả năng khái quát hóa hiện thực ................ 14
1.1.2.2. Điểm nhìn bên trong và khả năng khai phá thế giới nội tâm .............. 15
1.2. Giọng điệu trần thuật phức hợp.......................................................................... 18
1.2.1. Giọng buồn thương, day dứt ........................................................................ 19
1.2.2. Giọng chiêm nghiệm, suy tư ........................................................................ 21
Chương 2: HỆ THỐNG VÀ PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG
TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH .................................................................. 24
2.1. Các kiểu con người đặc trưng trước, trong và sau cuộc chiến ........................... 24
2.1.1. Con người với lý tưởng thời đại .................................................................. 24
2.1.2. Con người với những mặc cảm tội lỗi ......................................................... 26
2.1.3. Con người với những sang chấn về thể xác và tinh thần .......................... 31
2.1.4. Con người bản năng, vô thức ................................................................. 37
2.2. Phương thức xây dựng nhân vật......................................................................... 44
2.2.1. Phác thảo ngoại hình .................................................................................... 44
2.2.2. Cá thể hóa nhân vật qua ngôn ngữ ............................................................... 46
2.2.2.1. Ngôn ngữ đối thoại ............................................................................. 46
2.2.2.2. Độc thoại nội tâm................................................................................ 48

3
2.3. Khắc họa tính cách nhân vật qua hành động ...................................................... 51
2.4. Thủ pháp dòng ý thức và khả năng khai phá thế giới nội tâm nhân vật ............ 52
Chương 3: CẤU TRÚC KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG
TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH .................................................................. 57
3.1. Không - thời gian lịch sử.................................................................................... 57
3.2. Không - thời gian đời tư .................................................................................... 60
3.3. Thủ pháp đồng hiện không - thời gian ............................................................... 62
3.4. Không - thời gian giàu tính biểu tượng .............................................................. 64
KẾT LUẬN ............................................................................................................................ 71
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................... 73

4
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Là tấm gương phản ánh cuộc sống qua mọi thời đại, văn học luôn bắt
nguồn từ hiện thực cuộc sống. Tác phẩm văn học chính là đứa con tinh thần của nhà
văn. Tác phẩm nghệ thuật đích thực phải mang giá trị nhân bản sâu sắc và đậm đà hơi
thở của cuộc sống. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc về khả năng
nắm bắt và tái hiện cuộc sống hiện thực, cả hiện thực bên trong lẫn hiện thực bên
ngoài, tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây có những bước chuyển mình rất đáng
ghi nhận. Các nhà văn vận dụng khéo léo các quan điểm trong sáng tạo nghệ thuật để
đưa lại cho nền văn học Việt Nam đương đại một diện mạo mới, một bản sắc mới. Sự
thay đổi đó đã làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn.
1.2. Trong dòng chảy văn học đương đại, Bảo Ninh là nhà văn xuất sắc nhất.
Ông sinh ra và lớn lên giữa những ngày đất nước bị cày xới bởi bom đạn của kẻ thù,
như bao thanh niên khác Bảo Ninh lên đường thực hiện nghĩa vụ của trai thời loạn. Lí
tưởng xả thân, giấc mộng sa trường đã thôi thúc ông và bao người bạn khác cùng trang
lứa bước vào cuộc chiến. Sống sót trở về, được sống trong hoà bình, có cơ hội nhìn lại
cuộc chiến mà thời đại và cá nhân mình vừa đi qua, Bảo Ninh thấy rõ hơn bản chất của
chiến tranh. Kết thúc cuộc chiến không chỉ là ca khúc khải hoàn, mà đằng sau nó còn
là dằng dặc đau thương khắc đậm vào thực tại. Cũng như bao cựu binh khác, ra khỏi
chiến tranh, Bảo Ninh cũng mang trong mình những chấn thương về thể xác và tinh
thần. Chấn thương chiến tranh đeo bám dai dẳng buộc Bảo Ninh phải vắt kiệt kí ức để
viết về nó như để trả một món nợ. Ông từng nói: “Trở về từ chiến trường, trong hào
quang của một người lính chiến thắng, tôi đã trở thành nhà văn của nỗi buồn chiến
tranh”. Văn Bảo Ninh là câu chuyện của chính cuộc đời ông, ở đó, kí ức cá nhân trở
thành chất liệu. Nó khiến trang viết của ông nhuốm màu quá vãng và đượm buồn: nỗi
buồn mang tên chiến tranh và nỗi buồn không mang tên chiến tranh - nỗi buồn thời
hậu chiến. Bảo Ninh quan niệm rằng: “Nghề văn là nghề chuyên về sự ngẫm nghĩ”
[22; 8]. Với ông, viết văn không phải thú chơi, viết văn phải chuyên nghiệp bởi vì nó
là hình thức lao động bậc cao, lao động trí óc, lao động sáng tạo, một hình thức lao
động nhọc nhằn. Chính vì thế, Bảo Ninh rất chuyên tâm với nghề viết. Ông đã từng
tâm sự: “Sự thực thì viết văn là một nghề nghiệp (…), và cũng coi như mọi nghề khác
trong cuộc sinh nhai của con người, nghề viết văn có những nỗi buồn khổ, phiền lụy,
thất bại, những kì quặc và sự vô nghĩa lý nhưng cũng có vô vàn niềm vui, những sự
thú vị, những thành công và những hữu ích kiểu của nó” [22; 8]. Hiểu rõ những khó
khăn, thử thách và những hệ luỵ của nghiệp văn nên Bảo Ninh luôn có cái nhìn lạc
quan về nghề và sống với nghề bằng cả tấm lòng. Ông được đánh giá là một trong số
5
rất ít nhà văn Việt Nam đương đại có văn đẹp và văn hay, tác phẩm của ông “không
bao giờ là ngắn ở sức quyến rũ câu chữ” (Phạm Xuân Nguyên).
1.3. Cùng với những thành tựu đã được khẳng định của văn học Việt Nam ở các
thời kỳ trước thì văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt văn học thời kỳ đổi mới (sau
1986) đã gặt hái được rất nhiều thành công, nhiều hứa hẹn mới với các cây bút tiêu
biểu như Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Dương
Hướng, Bảo Ninh…trong đó, Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (xuất bản
lần đầu tiên năm 1990 - với tiêu đề Thân phận tình yêu) đã gây được tiếng vang lớn
trong và ngoài nước. Có thể nói, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã làm nên tên tuổi
Bảo Ninh bởi vì: Ngay trong lần đầu tiên xuất bản, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”
đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt và được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam
(1991). Ở nước ngoài, Nỗi buồn chiến tranh cũng rất được đề cao, được dịch ra 18 thứ
tiếng khác nhau. Chúng ta có thể khẳng định rằng, với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh
đã góp phần tạo nên bộ mặt mới, tạo thêm sự sôi động cho văn học Việt Nam đương đại.
1.4. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã để lại trong lòng độc giả những ấn
tượng sâu đậm bởi tác phẩm chứa đựng trong đó những nghịch lý, những cái nhìn đa
chiều về chiến tranh, về con người. Tác phẩm thể hiện một cách cảm thụ, cắt nghĩa và
lý giải mới về đề tài chiến tranh, đồng thời nó cũng chứa đựng những cách tân về kỹ
thuật tiểu thuyết. Tác phẩm không có các nhân vật trọn vẹn theo lối truyền thống, nhân
vật là những mảnh đời, những mẩu đời vụn nát, dang dở, chắp vá hợp lại thành từng
“bản hòa tấu của những khuôn mặt và những cuộc đời” thành “tiếng rì rầm của cuộc
đời thường” (GS.Trần Đình Sử). Có thể nói, toàn bộ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo
Ninh đã phản ánh quá trình sáng tạo, nỗ lực cách tân tiểu thuyết của nhà văn. Bởi vậy,
nghiên cứu nghệ thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cách để
chúng ta khám phá, phát hiện và khẳng định tài năng, cũng như những đóng góp của
Bảo Ninh cho nền tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
1.5. Văn học là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu được trong đời sống
văn nghệ của quần chúng. Vì vậy, việc đi sâu vào tìm hiểu nghệ thuật trong một tác
phẩm cụ thể như vậy, chúng ta phần nào giúp độc giả hiểu sâu hơn, lý giải cặn kẻ hơn
về một hiện tượng văn học. Xuất phát từ những lí do trên cùng với lòng yêu thích,
ngưỡng mộ tài năng của Bảo Ninh đồng thời muốn nâng cao tầm hiểu biết về văn học
Việt Nam nói chung nên tôi chọn vấn đề “Nghệ thuật tiểu thuyết Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh” làm đề tài nghiên cứu cho khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là tác phẩm có số phận đặc biệt, xuất bản
lần đầu tiên vào năm 1990 với tiêu đề do biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn lựa

6
chọn: Thân phận của tình yêu. Chỉ một năm sau đó, tác phẩm được tái bản với tiêu đề
chính của tác giả: Nỗi buồn chiến tranh. Cũng trong năm đó, tác phẩm được giải
thưởng của Hội nhà văn và từ đó trở thành một một lựa chọn bị tranh cãi nhiều nhất
trong số các giải thưởng của Hội nhà văn trao tặng. Nhiều cuộc tọa đàm, nhiều bài viết
với những ý kiến khen - chê về tác phẩm đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Nỗi buồn chiến tranh đặt trong bối cảnh của văn học Việt Nam sau 1975 mà
bản thân giai đoạn này chưa có sự thống nhất trong cách nhìn nhận, đánh giá. Có nhà
nghiên cứu, nhiều độc giả rất tán thành, khen ngợi và ghi nhận sự cống hiến của văn
học giai đoạn này khi nó đã có công đem đến một luồng gió mới cho văn học, bước
đầu làm thay đổi tư duy nghệ thuật. Song, cũng không ít những đánh giá ngược chiều
cho đây là bước thụt lùi của nền văn học Việt Nam. Hơn thế nữa, tiểu thuyết Nỗi buồn
chiến tranh chứa đựng trong đó những nghịch lý, những cái nhìn đa chiều về chiến
tranh. Nó thể hiện một cách cảm thụ, cắt nghĩa và lý giải mới về đề tài này. Tác phẩm
cũng chứa đựng những cách tân về kỹ thuật tiểu thuyết cho nên sự đánh giá, khẳng
định những giá trị của nó còn khá thận trọng và dè dặt.
Với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, sự đánh giá về tác phẩm cũng xoay quanh
hai trạng thái đối lập: người khen, khen hết mức; người chê, chê hết lời. Cụ thể: Đức
Trung trong bài viết:“Chiến tranh nào? Nỗi buồn nào?” đã tỏ rõ thái độ không tán
thành.Cũng có không ít nhà phê bình coi cuốn tiểu thuyết này của Bảo Ninh là“điên
loạn”,“rối bời”,“lố bịch hóa hiện thực”,“bôi nhọ quân đội”(Báo Văn nghệ số 43
ngày 26 tháng 10 năm 1991).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đánh giá cao tác phẩm về nội dung, đặc biệt
về hình thức nghệ thuật. Có thể kể đến một số công trình sau:
+ Hoàng Ngọc Hiến, Những nghịch lý của chiến tranh (Đọc Thân phận của tình
yêu của Báo Ninh, Báo Văn nghệ số 15/1991).
+ Trần Quốc Huấn, Đọc Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh (Tạp chí văn
học số 3/1991).
+ Nguyễn Thanh Sơn, Nỗi buồn chiễn tranh đến từ đâu?(www.tanviet.net).
+ Trần Huyền Sâm, Bảo Ninh và nỗi ám ảnh về chiến tranh
(http://www.tapchisonghuong.com.vn) ...
Là một hiện tượng văn học độc đáo, gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu,
phê bình nên cho đến nay vẫn có nhiều công trình tiếp tục nghiên cứu về Nỗi buồn
chiến tranh. Song, dường như gần đây do sự thay đổi trong tư duy tiếp nhận của độc
giả nên Nỗi buồn chiến tranh dần được nhìn nhận đúng với những giá trị mà tác giả
góp công tạo nên. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều bài viết đã khẳng định
Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết tiêu biểu cho văn học đổi mới. Hơn thế

7
nữa, nhiều nhà nghiên cứu còn khẳng định đây là cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất thế kỉ
XX, là tiểu thuyết mở đầu cho xu hướng tiểu thuyết mới trong văn xuôi Việt năm về
kỹ thuật tiểu thuyết.
Cũng trong mạch nguồn khám phá, nghiên cứu về Nỗi buồn chiến tranh, nhiều
công trình khoa học, luận văn, luận án đã ra đời. Ngoài những tác giả và các công
trình, bài viết về Nỗi buồn chiến tranh như đã kể trên thì cũng phải kể thêm một số bài
viết quan tâm nhiều hơn tới hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết như:
+ Đoàn Cầm Thi, Tự truyện bất thành (http://www.tienve.org).
+ Nguyễn Đăng Điệp, Kỹ thuật dòng ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo
Ninh (Tự sự học, Đại học sư phạm Hà Nội, Trần Đình Sử chủ biên).
Nhìn chung, hầu hết các bài viết đã có cái nhìn bao quát về tiểu thuyết Nỗi buồn
chiến tranh của Bảo Ninh từ góc độ nhan đề, tác phẩm, cảm hứng sáng tạo của nhà
văn, quan niệm nghệ thuật về con người - ngọn nguồn của mọi cách tân về nghệ thuật.
Nghiên cứu về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn phải kể đến các luận văn tốt
nghiệp đã đề cập khá sâu vào phương diện quan niệm nghệ thuật về con người. Các
luận văn đã phần nào làm rõ hơn quan niệm nghệ thuật về con người của Bảo Ninh
trong Nỗi buồn chiến tranh, như:
Nguyễn Thị Thu Hằng với đề tài: “Quan niệm nghệ thuật về con người trong
tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”. (Người hướng dẫn: Nguyễn Văn
Tùng, luận văn tốt nghiệp năm 2003) đã nghiên cứu chuyên sâu hơn, tác giả có cái
nhìn bao quát trên phương diện quan niệm nghệ thuật về con người với sự tiếp thu
nhiều công trình, bài viết đi trước. Công trình đã đề cập được đến khía cạnh nhân vật:
Nhân vật người lính trong quá trình tự nhận thức, tự sám hối; nhân vật người lính cô
đơn, mặc cảm.
Gần đây hơn nữa, năm 2003, với việc Nỗi buồn chiến tranh được tái bản với hai
tiêu đề Nỗi buồn chiến tranh (Nhà xuất bản hội nhà văn) và Thân phận của tình yêu
(Nhà xuất bản Phụ nữ) thì nhiều công trình lại tiếp tục nghiên cứu để giải đáp những
vấn đề còn chưa ngã ngũ. Một số bài viết đi sâu nghiên cứu về nhân vật trong tiểu
thuyết Nỗi buồn chiến tranh như: Phạm Xuân Thạch, Nỗi buồn chiến tranh viết về
chiến tranh thời hậu chiến - Từ chủ nghĩa anh hùng đến chủ đề đổi mới bút pháp (Văn
học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy).
Nguyễn Thị Mai Liên, Con người - nạn nhân chiến tranh trong hai tiểu thuyết:
Một nỗi đau riêng và Nỗi buồn chiến tranh (Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn
đề nghiên cứu và giảng dạy).
Đoàn Cầm Thi, Về nhân vật Phương, người phụ nữ Hà Nội và chủ đề văn học
của Nỗi buồn chiến tranh (http://www.evan.vn epress.net).

8
Trần Huyền Sâm, Bảo Ninh với nỗi ám ảnh về chiến tranh
(http://www.tapchisonghuong.com.vn).
Nhìn chung, các bài viết này đã tập trung nghiên cứu về nhân vật - một biểu
hiện trong sự cách tân nghệ thuật của Bảo Ninh trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh,
đưa ra các kiểu nhân vật “nạn nhân của chiến tranh”(Nguyễn Thị Mai Liên), ba tuyến
nhân vật chạy song song trong cuộc đời Kiên: người phụ nữ, những người đồng đội và
những người thân (Phạm Xuân Thạch) hay về nhân vật Phương - người phụ nữ - đối
âm của chiến tranh, nhân vật cứu rỗi và khơi nguồn sáng tạo (Đoàn Thi)… Trần Huyền
Sâm cũng đã đặt ra những câu hỏi mới để suy xét về Nỗi buồn chiến tranh. Bà cũng đã
đánh giá cao tiểu thuyết này và đặc biệt quan tâm đến nhân vật Kiên, bà cho đây là
“một kiểu bi kịch về người lính” trong và sau chiến tranh. Kiên được tác giả “dồn”
vào nhiều vai và “đặt” vào nhiều góc nhìn khác nhau. Trong phần cuối của bài viết,
Trần Huyền Sâm càng khẳng định đánh giá của mình về Nỗi buồn chiến tranh khi cho
rằng với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã vượt lên một số nhà văn về kỹ thuật tiểu
thuyết. Trong tác phẩm này, người đọc bắt gặp kiểu nhân vật bệnh lý của Đôntôiepxki,
thủ pháp độc thoại nội tâm và dòng ý thức của Faukner, bút pháp gán ghép điện ảnh
của Duras…với một lối kết cấu phi logic. Chính vì những cách tân táo bạo ấy mà Nỗi
buồn chiến tranh đã tạo ra sự khiêu khích, và có khả năng đối thoại với bạn đọc. Bài
viết của Trần Huyền Sâm đã khẳng định thêm một lần nữa những thành công của Nỗi
buồn chiến tranh. Tuy nhiên dung lượng hạn hẹp của một bài báo chưa cho phép tác
giả kiến giải, đi sâu phân tích tác phẩm theo đánh giá của riêng mình. Do vậy, những
vấn đề nêu ra trong bài viết chúng tôi thiết nghĩ nên tiếp tục được luận bàn.
Với đề tài: Nghệ thuật tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chúng
tôi tập trung nghiên cứu nghệ thuật trong Nỗi buồn chiến tranh để khám phá đặc sắc
nghệ thuật trên các phương diện xây dựng cấu trúc trần thuật, kết cấu không gian ,thời
gian của Bảo Ninh và cũng thể hiện sự sắc sảo trong quan niệm nghệ thuật về con
người của nhà văn. Tiếp thu những kết quả đã đạt được của những công trình đi trước
với hướng nghiên cứu trọng tâm về nghệ thuật, chúng tôi muốn góp thêm một cách
hiểu Nỗi buồn chiến tranh - tác phẩm được xem là tiểu thuyết tiêu biểu của văn học
Việt Nam thời kỳ đổi mới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu Nghệ thuật tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chúng
tôi tập trung vào ba phương diện chính sau:
- Cấu trúc trần thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
- Nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh

9
- Cấu trúc không gian, thời gian trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp, người viết hướng đề tài của
mình tập trung vào cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, nhà xuất bản
Trẻ 2015 để khảo sát, nghiên cứu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx làm nền tảng, chúng tôi tiến hành
khóa luận với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành chủ yếu là thi pháp học, tự sự
học.
Khóa luận cũng được tiến hành bằng một số phương pháp cụ thể như: khảo sát,
thống kê, phân loại, phân tích, bình giá, tổng hợp.
Các thao tác này được sử dụng một cách có hệ thống, ngoài ra, trong khi thực
hiện đề tài này chúng tôi cũng không loại trừ một số gợi ý của phê bình trực giác.
5. Đóng góp của khóa luận
Từ phương diện của lịch sử vấn đề, khóa luận của chúng tôi sẽ có những đóng
góp sau:
Hệ thống lại vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh trong phạm vi
tài liệu bao quát được.
Đưa ra cách tiếp cận mới về nghệ thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
của Bảo Ninh. Đó là cách tiếp cận dưới ánh sáng của lí thuyết văn học hiện đại: thi
pháp học có kết hợp tự sự học (lý thuyết điểm nhìn).
Có những đóng góp trên, khóa luận sẽ là một tài liệu bổ ích cho việc học tập,
nghiên cứu và giảng dạy Bảo Ninh ở trong nước.
6. Kết cấu của khóa luận
Ngoài mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung của khóa luận
gồm có ba chương:
Chương 1: Cấu trúc trần thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Chương 2: Nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
Chương 3: Cấu trúc không gian và thời gian trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến
tranh

10
NỘI DUNG
Chương 1
CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
Mỗi nhà văn khi sáng tác đều chọn cho mình những chiến lược trần thuật riêng,
thể hiện trong cách lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu, cách bố trí
không gian - thời gian… Cũng trong quy luật chung ấy, Bảo Ninh chọn cho mình
hướng trần thuật đứng từ hiện thực bên ngoài để khám phá thế giới nội tâm bên trong
nhân vật rồi từ câu chuyện của từng nhân vật để khái quát nên câu chuyện của thời đại.
Cách thức trần thuật này tạo nên tính đa chiều trong việc nhìn nhận, bày tỏ quan điểm
của tác giả. Đến phiên người đọc, vượt qua cảm giác mơ hồ ban đầu, sẽ là những cảm
nhận gần gũi, thích thú với quyền tự quyết của mình đối với câu chuyện của từng nhân
vật cũng như những thông điệp nghệ thuật được tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
1.1. Trần thuật đa tầng bậc và nghệ thuật phối kết điểm nhìn
1.1.1. Trần thuật đa tầng bậc
Hình tượng nhân vật người kể chuyện là một trong những phương diện quan
trọng góp phần tạo nên chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm. Giới thuyết về “người kể
chuyện” hay “người trần thuật” trong Từ điển thuật ngữ văn học khái quát như sau:
“Người kể chuyện là hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ
xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Một tác
phẩm có thể có một hoặc nhiều người kể chuyện. Hình tượng kể chuyện đem lại cho
tác phẩm một cái nhìn và một sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay lập
trường xã hội cho cái nhìn tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống
trong tác phẩm thêm phong phú, nhiều cảnh” [13; 221].
Còn “Người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn tự sự là do
hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành… Có thể chia ra thành người trần thuật lộ diện
và người trần thuật ẩn tàng. Theo thuật ngữ thông dụng, thì người trần thuật lộ diện là
người trần thuật theo “ngôi thứ nhất”, còn người trần thuật ẩn tàng là người trần thật
theo ngôi thứ ba… Người trần thuật nói chung thực hiện chức năng: 1. Chức năng kể
chuyện, trần thuật; 2. Chức năng truyền đạt đóng vai trò một yếu tố của tổ chức tự sự;
3. Chức năng chỉ dẫn thuộc phương pháp trần thuật; 4. Chức năng bình luận; 5. Chức
năng nhân vật hóa [13; 222 - 223].
Với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã tạo được một bút pháp trần
thuật mới mẻ, với cách kể chuyện song hành. Tác phẩm xuất hiện hai người kể chuyện
xưng “tôi” (một là Kiên và một là người kể lại câu chuyện của Kiên). Hai người kể
“tôi” này rất ít lộ diện trong tác phẩm. Xuyên suốt mọi hành động kể là lời của người
kể ngôi thứ ba “đọc” lời Kiên: “Mắt mờ đi, Kiên mở khóa và đẩy cửa ra. Bầu không

11
khí trong căn phòng đã nhiều năm trời hầu như thường xuyên khép kín ùa ra, bao bọc
lấy anh như làn hơi thở cuối cùng của cuộc đời yêu dấu xa xưa” [22; 100]. Ngôi kể
thứ ba này rất phức tạp. Đó không phải là ngôi ba của người thu thập bản thảo (của
nhà văn Kiên) mà là ngôi ba của chính Kiên tự chuyển từ “tôi” kể chuyện “tôi” (hoặc
chuyện của người khác) sang “tôi” độc thoại, suy nghẫm về “tôi”, một cái tôi chuyển
dịch giữa hai cực tôi - ta, vừa là tôi vừa là người khác.
Đặc biệt hơn, nhân vật xưng tôi trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo
Ninh vừa là người trần thuật, lại vừa là nhân vật trong câu chuyện mà họ đang kể cộng
với sự phối kết của nhiều hình tượng người trần thuật ngôi thứ nhất đem đến cho độc
giả những phám phá mới mẻ về chính bản thân nhân vật. Tác giả đã tạo cho người đọc
cảm giác được bước vào chính cuộc đời nhân vật thông qua những gì mà họ trải
nghiệm và phơi bày. Một mặt, nó cho thấy cái nhìn đa diện của nhà văn trong việc
phản ánh hiện thực. Mặt khác nó chứng tỏ sự phổ biến của các hiện tượng được đề cập
mà chúng tôi gọi là “vô thức tập thể”. Người kể chuyện ngôi thứ nhất vừa tham gia các
sự kiện, biến cố của cốt truyện qua đó có điều kiện bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ
của mình làm tăng thêm chất trữ tình và tạo nên sắc thái chân thực.
Một số nét hiện đại trong sáng tạo của Bảo Ninh là: trí nhớ, sự hồi tưởng. Tất cả
câu chuyện như một mô hình lắp ráp. Nó đa phần phụ thuộc vào mớ trí nhớ hỗn độn
thuận theo chiều cảm xúc của nhân vật, tạo cho người đọc một cảm giác gần gũi. Bởi
lẽ cách phản ứng ấy hoàn toàn giống với suy nghĩ của con người bình thường không
còn chỉ đơn giản là hình tượng nhân vật trên trang giấy mà tác giả phải đi “xin” từng
cử chỉ, hành động, thái độ, diễn biến tâm trạng của con người chỉ để cho nhân vặt trên
trang sách sống động hơn. Dưới ngòi bút của Bảo Ninh, cảm xúc nhân vật diễn ra tự
nhiên không hè gượng ép, nó ngập ngừng, lộn xộn, đầy bí ẩn gây cho người đọc nhiều
suy nghĩ. Với Kiên cuộc sống được cảm nhận bằng rất nhiều giác quan - khứu giác và
thị giác: “Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối
rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi (Xáo Thịt) la liệt người chết sau trận xáp lá cà
tắm máu cuối tháng Chạp 72”, “một ngày nọ rất bất ngờ, nhờ vào phép liên tưởng
nhiệm màu của hồi ức, khi đang xem một nghệ sĩ kịch câm uốn lượn thân mình một
cách quằn quại, gào thét một cách âm thầm thống thiết nỗi đời tuyệt vọng …” [22;
58]. Bảo Ninh để cho nhân vật được tự do vẫy vùng trong hồi ức của bản thân với
nhiều cung bậc cảm xúc, gây cho người đọc vừa có những cảm giác mơ hồ về ký ức
vừa căng người sử dụng hết tất cả các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác…) để
cảm nhận “mùi” của chiến tranh cùng nhân vật, mà không theo một logic hay một
trình tự nhất định. Thông qua cách kể chuyện đó, tác phẩm như đang lật từng ô cửa
tâm hồn của Kiên và đến lúc mở xong những ô cửa đó ta mới thấm thía “nỗi đau buồn
của chiến tranh”. Nhà văn sử dụng rất nhiều cụm từ có ý nghĩa khơi gợi làm cho người

12
đọc ý thức được giá trị của con người, tinh thần phản kháng trước chiến tranh: “chết
cho đồng đội của mình sống”, “vĩnh viễn tình người”. Bảo Ninh đã xây dựng thành
công sự dằn vặt nội tâm trong nhân vật này bằng những ngôn từ, cách kể chuyện đơn
giản, đời thường, không hoa mỹ, nhưng mang lại hiệu quả gợi tả không nhỏ. “Khi đọc
lướt nhanh lại bản thảo, anh ngỡ ngàng và kinh hãi thấy điều mà mình vừa khẳng định
ở trang trước đã bị phủ định ở trang này. Và các nhân vật của anh không ngừng mâu
thuẫn. Tuồng như càng trăn trở càng trượt nhanh ra vấn đề làm anh trăn trở” [22; 61].
Bảo Ninh đã cho ta thấy sự giày vò trong tâm khảm một nhà văn chân chính, mang nỗi
đau lên trang giấy cho người đọc đối diện với chính mình.
Lời kể trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chủ yếu vẫn
nghiêng về dòng nội tâm của nhân vật Kiên. Những lúc này Kiên hiện lên với tư cách
là một người kể độc thoại nội tâm: “Trong tâm trí anh vẫn không ngừng nhói đau
những hồi tưởng tan nát về thời gian sống cùng nhau sau chiến tranh của anh và
Phương. Mảnh đời còn lại sau mười lăm năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị
móng vuốt của tình yêu xéo nát” [22; 101] . Lời độc thoại nội tâm này thực chất là
thao tác phân tích tâm trạng của người kể. Chỉ là sự phân tích. Chuỗi sự kiện hiện thực
bên ngoài không quan trọng bằng hành vi lộn trái nội tâm này. Ta mạnh hay yếu? Kiên
suy tư: “Có lẽ là như thế thật. Kiên cũng chẳng biết nữa. Anh do dự. Đã đành là đánh
nhau thì phải đánh nhau thôi một khi không còn cách nào khác, nhưng dù sao thì
…Trái đất Việt thực ra không ham chiến trận lắm đâu như người ta hay đồn, hăng
chiến phải nói là mấy ông trí thức tuổi sồn sồn bụng to chân ngắn. Còn với dân chúng,
cơn binh lửa vừa rồi đã đủ đau thấu tới ngàn năm” [22; 91]. Hai chủ thể “tôi” (của
Kiên và của người bao quát toàn tác phẩm) kết hợp với “dòng nội tâm kép” của Kiên
(được quan sát bởi “chính Kiên”) đã tạo nên nhiều lớp văn bản trùng phức cho tác
phẩm.
Kết hợp người kể chuyện xưng tôi và người kể chuyện hàm ẩn cùng với sự di
chuyển điểm nhìn hết sức sáng tạo. Bảo Ninh đã tạo cho thế giới truyện kể trong tiểu
thuyết của mình một cấu trúc trần thuật độc đáo nhưng không kém phần phức tạp với
nhiều tầng bậc, nhiều cấp độ và nhiều hệ thống trần thuật khác nhau. Điều này khiến
cho nhân vật có cơ hội thực hiện trọn vẹn những cuộc hành trình của mình, mặt khác
lại cho người đọc chiêm nghiệm về những chuyến đi dưới nhiều góc độ khác nhau qua
cái nhìn đối sánh của người kể chuyện đồng hiện. Có thể nói rằng, cấu trúc trần thuật
trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có tính chất đa dạng, luân chuyển
của nhiều người trần thuật trong kỹ thuật tự sự đa chủ đề kể chuyện. Đó là một cấu
trúc có khả năng tạo ra sự đa dạng trong lời trần thuật của người kể chuyện, do vậy
đem lại những hiệu quả tiếp nhận đa chiều cho độc giả, tránh đi sự nhàm chán. Cấu
trúc đó vừa mang tính khách quan nhưng đồng thời cũng thể hiện được tính chủ quan

13
của tác giả. Do đó, dù không có thói quen xuất hiện trong các tác phẩm của mình
nhưng hình tượng của nhà văn không hề bị lu mờ sau các hình tượng nhân vật. Đâu đó,
trong các trang văn vẫn tồn tại hình ảnh của một Bảo Ninh dấn thân và đầy trăn trở với
số phận của nhân vật mình.
1.1.2. Nghệ thuật phối kết điểm nhìn
Điểm nhìn trần thuật (the point of view) là vấn đề cơ bản, then chốt của kết cấu
nghệ thuật. Là vị trí, chỗ đứng để xem xét, miêu tả, bình giá, sự vật, hiện tượng trong
tác phẩm, điểm nhìn nghệ thuật biểu hiện qua các phương diện như ngôi kể, cách gọi
tên nhân vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu…Không thể tạo ra tính nghệ thuật nếu không
chọn đúng vị trí để đặt điểm nhìn. Theo Abrahams, điểm nhìn chỉ ra “những cách thức
mà một câu chuyện được kể đến - một hay nhiều phương thức được thiết lập bởi tác
giả bằng ý nghĩa mà độc giả được giới thiệu với những cá tính, đối thoại, những hành
động, sự sắp đặt và những sự kiện mà trần thuật cấu thành trong một tác phẩm hư cấu
[23; 165].
Để bức chân dung về các nhân vật trở nên sinh động và sắc nét hơn, không chỉ
về ngoại hình mà còn cả về tính cách, tác giả đặt nhân vật vào tụ điểm của nhiều lăng
kính. Điểm nhìn trở thành camera dẫn dắt người đọc vào mê cung văn bản ngôn từ.
Tiếp xúc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh ta thấy Bảo Ninh không hề xây dựng cố
định một điểm nhìn mà là một sự đan xen phối kết giữa các điểm nhìn.
1.1.2.1. Điểm nhìn bên ngoài và khả năng khái quát hóa hiện thực
Điểm nhìn bên ngoài luôn tạo ra khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật.
Đây là một dạng khá phổ biến của hình thức trần thuật ngôi thứ ba. Từ điểm nhìn này,
người trần thuật quan sát, thể hiện sự hiểu biết với tư cách bên ngoài truyện. Không bị
hạn chế về tầm nhìn trần thuật, việc sử dụng điểm nhìn bên ngoài có khả năng bao quát
hiện thực và mang lại tính khách quan tối đa cho vấn đề được trần thuật.
Người kể chuyện không chỉ đứng bên ngoài để quan sát những hiện tượng xung
quanh đời sống nhân vật mà còn đứng cao hơn nhân vật để bộc lộ sự nhìn nhận, đánh
giá về các hành vi của họ: “Lãnh đạm và thờ ơ với mọi người, với mọi sự xung quanh,
anh như đang âm thầm vĩnh biệt chính mình. Anh đón đợi cái chết, nhưng ngay cả nó,
cái chết cũng thường và vô vị” [22; 23]. Đấy là lời bình phẩm khách quan của người
kể chuyện trước thái độ của Kiên. Người kể chuyện cũng thấy được suy nghĩ của Kiên:
“Anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu và cái
kiến của chiến tranh.” [22; 25]. Đồng thời người kể chuyện cũng không ngại đưa ra
những nhận xét của mình về nhân vật: “Kiên cũng có một thời trẻ trung, cái thời mà
toàn bộ con người anh, nhân tính và nhân dạng, còn chưa bị bạo lực tàn bạo của
chiến tranh hủy hoại, cái thời anh cũng ngập lòng ham muốn, cũng biết say sưa, si mê,

14
cùng trải những cơn bồng bột, và cũng ngốc nghếch ngẩn ngơ…” [22; 39]. So với
nhân vật, điểm nhìn của người kể chuyện không trùng khít với nhân vật, mà theo cá
tính, địa vị tâm lý. Từ điểm nhìn bên ngoài, người trần thuật vừa có chức năng truyền
đạt, tổ chức tự sự bên cạnh chức năng trần thuật, chức năng chỉ dẫn và đặc biệt là chức
năng bình luận.
Với điểm nhìn này, người trần thuật có thể khách quan tường thuật lại một cách
chính xác những điều anh ta chứng kiến. Không bình phẩm, không áp đặt quan điểm
lên cho nhân vật mà để cho họ tự do đi lại trong môi trường riêng và có quyền trình
bày suy nghĩ một cách độc lập và dân chủ. Do đó, câu chuyện chủ yếu được trần thuật
bằng giọng điệu, ngôn ngữ, ý thức của chính nhân vật.
Từ vị trí bên ngoài, người kể chuyện đem lại cho người đọc những chi tiết hiện
thực sâu sắc. Những mốc sự kiện lịch sử diễn ra cụ thể: “Mùa khô đầu tiên sau chiến
tranh đến với miền hậu cứ Cánh Bắc của Mặt trận B3 êm ả nhưng muộn màng. Tháng
Chín và tháng Mười, rồi tháng Mười một nữa đã trôi qua, vậy mà trên dọc dòng Ya
Crông Pôcô làn nước mùa mưa xanh ngắt vẫn tràn ắp đôi bờ.” [22; 9]. Không gian
Hà Nội, không gian trường Bưởi, không gian núi rừng Tây Nguyên…tất cả những nơi
nhân vật đi qua, chứng kiến và gắn chặt với số phận của họ đều được miêu tả sinh
động. Gắn với không gian Hà Nội là một mối tình tình tuyệt đẹp của Kiên và Phương,
gắn với không gian của núi rừng Tây Nguyên là những địa danh khốc liệt: truông Gọi
Hồn, đồi Xáo Thịt, hồ Cá Sấu…gắn với mùa khô là những trận đánh ghê rợn, thảm
khốc như trận đánh quyết tử mùa khô năm 69 xóa phiên hiệu tiểu đoàn 27. Gắn với
mùa mưa là không gian của núi rừng đói rét, bệnh tật, ảm đạm, thê lương, chết chóc.
Những đánh giá khách quan ấy của người kể chuyện đã giúp người đọc hình dung
được sự khốc liệt của chiến tranh và cuộc sống của con người hiện lên đằng sau cuộc
chiến ấy.
Phát huy lợi thế của người ngoài cuộc, người trần thuật có thể đánh giá khách
quan về số phận của nhân vật gắn liền với thời đại mà họ đã và đang sống, đó là thời
đại của những cuộc chiến đấu, con người hi sinh để bảo vệ tổ quốc, để chết cho đồng
đội mình được sống. Nhưng đằng sau niềm may mắn được sống sót, trở về với cuộc
sống hòa bình thì họ lại mang trong mình một sự mặc cảm, một nỗi đau, còn hơn cả
cái chết, sự dằn vặt, day dứt luôn gặm nhấm trong tâm hồn họ cứ âm ỉ mãi không thôi.
Mục đích cuối cùng của sáng tạo nghệ thuật là vì con người, vì cuộc sống. Bảo Ninh
có lẽ thấu hiểu điều đó. Văn chương của ông vì vậy cũng ngồn ngộn chất liệu và hơi
thở cuộc sống đời thường. Dưới góc quay tinh tế của người trần thuật, bầu không khí
chiến trận, những sự thật khốc liệt đằng sau ánh hào quang của chiến thắng được khéo
léo phơi bày.
1.1.2.2. Điểm nhìn bên trong và khả năng khai phá thế giới nội tâm
15
Điểm nhìn bên trong không chỉ gắn với hình tượng người trần thuật ngôi thứ
nhất mà còn gắn với hình tượng người trần thuật ngôi thứ ba giấu mặt. Nó xuất hiện
khi người kể chuyện thâm nhập vào suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Vì thế thường
mang tính chủ quan hoặc dễ gây cho người đọc cảm giác về tính chủ quan của người
kể. Nếu điểm nhìn bên ngoài là tình huống người kể chuyện đứng từ ngoài để quan sát
câu chuyện thì điểm nhìn bên trong là sự quan sát từ cảm nhận nội tâm nhân vật. Nó
cho phép trần thuật qua một tâm trạng cụ thể, tái hiện đời sống nội tâm nhân vật một
cách sâu sắc. Bảo Ninh rất ý thức trong việc lựa chọn và sắp xếp điểm nhìn cả về
không gian lẫn thời gian nhưng điểm nhìn của tác giả và nhân vật mới là điểm nhấn
đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của ông.
Người trần thuật trong Nỗi buồn chiến tranh không xem mình là người kể
chuyện toàn tri, không nắm toàn bộ các góc nhìn trong việc khám phá sự phức tạp và
tinh tế trong mỗi con người. Sử dụng bút pháp gửi điểm nhìn từ người kể chuyện sang
nhân vật, câu chuyện trở nên linh hoạt hơn. Người kể chuyện trở thành người kể toàn
tri một phần (partially omniscient).
Bằng việc trao điểm nhìn người trần thuật có thể nắm được vòng đời cũng như
số phận của nhân vật, có thể nhảy cóc từ nhân vật này sang nhân vật khác, xuyên thấu
mọi ngõ ngách kể cả đi sâu vào đời sống nội tâm. Nghĩa là người kể chuyện mượn
điểm nhìn, mượn giọng điệu của nhân vật để tường thuật câu chuyện khiến người đọc
rất khó phân biệt đâu là giọng nhân vật, đâu là giọng người kể chuyện. Bước tiếp theo
là thâm nhập vào đời sống bên trong để khéo léo chuyển vai kể sang nhân vật rồi rút
lui để họ tự bộc bạch những suy tư, quan niệm của riêng mình. Với điểm nhìn bên
trong, người kể chuyện chạm đến những nơi thầm kín nhất, những ám ảnh sâu xa nhất
trong tâm hồn con người. Đây là cách tốt nhất để nhân vật tự nói lên tiếng nói của
mình thông qua những dòng độc thoại nội tâm, tự đối diện với chính mình.
Trong Nỗi buồn chiến tranh những dòng độc thoại khơi mở chiều sâu nội tâm
thậm chí nó còn chạm đến tầng vô thức, tiềm thức của nhân vật. Tuy nhiên độc thoại
trong Nỗi buồn chiến tranh không phải là độc thoại một chiều. Ngay trong dòng độc
thoại nội tâm của nhân vật, nhà văn cũng thường sử dụng những kiểu câu phỏng đoán,
không xác định, tạo nên sự phức tạp khó nắm bắt. Thực ra, nó là những cuộc đối thoại
của nhân vật với chính mình, với những luồng tư tưởng, tình cảm khác nhau tồn tại
trong con người mình. Nhân vật của Bảo Ninh là kiểu nhân vật tự vấn. Kiên miên man
trong những dòng độc thoại nội tâm suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Tuy nhiên, lời độc
thoại của Kiên lại cho thấy anh không phải đang kể lại cuộc đời của mình mà đang
sống lại những ngày tháng đã qua, vì thế, nhiều lời độc thoại của Kiên như là đang đối
thoại với chính mình, với độc giả. Chẳng hạn như, cuộc độc thoại sau: “Bây giờ thì đã
qua cả rồi. Tiếng ồn ào của những cuộc sung sát đã im bặt. Và vì chúng ta đã chiến

16
thắng nên đương nhiên có nghĩa là chính nghĩa đã chiến thắng, điều này có một ý
nghĩa an ủi lớn lao, thật thế. Tuy nhiên cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của
bản thân mình, cứ nhìn kỹ vào nền hoà bình thản nhiên kia, và nhìn cái đất nước đã
chiến thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao. Một người ngã
xuống để người khác được sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế... là cả một nghịch
lý quái gở” [22; 258]. Lời độc thoại về lẽ sống chết, về cuộc chiến thắng và nền hoà
bình nghe như những dằn vặt, xót xa, lại nghe như đang tự vấn, như đang đối thoại với
người đọc và cần sự đối thoại trở lại.
Đặt Kiên là nhân vật trung tâm trong tác phẩm của mình với một cái nhìn đa
chiều, Bảo Ninh đã xây dựng thành công bi kịch của một người lính. Vừa mới bước ra
khỏi cuộc chiến, Kiên lại phải đối mặt với những phủ phàng của thời hậu chiến, những
mặt trái của xã hội. Chính nó làm cho anh có một suy nghĩ: “Tại sao lại không viết về
tiểu thuyết về cái cộng đồng kỳ thú những người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới và ở
chung tầng với anh trong ngôi nhà này?” [22; 74]. Những dòng suy tư, những giấc mơ
đứt nối, những hồi tưởng gấp gáp, thật hỗn loạn nhưng dường như nó lại thống nhất
trong một dòng chảy, dòng chảy của nội tâm nhân vật.
Bảo Ninh cũng để nhân vật luân phiên kể chuyện của mình và của nhân vật
khác dù không công khai lộ diện. Tuổi thơ của Kiên đã phải sống trong hoàn cảnh bị
mẹ bỏ rơi để đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Những sang chấn về tuổi thơ đã để lại
những ám ảnh quá lớn trong cuộc đời anh. Và khi đã trưởng thành, anh tâm sự:
“…Còn hơn là một khuyết tật, trong Kiên rõ ràng là có mầm bẩm sinh độc ác, có thói
nhẫn tâm, khô rắn, lạnh lùng. Một sự trống rỗng bất hạnh và tệ mạt. Một lương tri
không lành. Có lẽ anh lớn lên chỉ với nhiều nhất là một phần hai nhân cách” [22;
155]. Anh cũng tự nhủ với mình rằng: “Phải viết thôi! - Viết để quên đi, viết để nhớ
lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để
mà muốn còn sống” [22; 188]. Qua những dòng độc thoại nội tâm, những quan điểm,
cách nhìn và ước muốn của nhân vật được bộc lộ một cách chân thật và sinh động. Với
điểm nhìn của Kiên, bạn đọc có thể thấy được cái nhìn khốc liệt của chiến tranh, dù
cuộc chiến đã đi qua nhưng những nỗi đau, những mất mát mà nó để lại trong tâm hồn
mỗi con người thì không thể nào bù đắp được.
Lối trần thuật trao điểm nhìn cho nhân vật, nương theo nhân vật để kể thực chất
không mới nhưng lại được Bảo Ninh khéo léo vận dụng, nhờ thế đời sống nhân vật
được soi chiếu từ nhiều phía. Với điểm nhìn bên trong, Bảo Ninh đã dựng nên bức
tranh về thân phận con người, từ sự cô đơn, nỗi dằn vặt, cảm hứng tự thú của con
người trước, trong và sau cuộc chiến mang tính nhân văn sâu sắc. Quan trọng hơn là
tạo cho độc giả, có cơ hội nắm bắt tâm lý nhân vật rõ ràng, có khả năng phân tích được
những động cơ tạo ra hành động của nhân vật để thấu hiểu và cảm thông cho họ nhiều

17
hơn. Có lẽ, trước Bảo Ninh chưa từng, hoặc rất hiếm có một tác phẩm nào viết về đời
sống con người chiến tranh một cách trần trụi nhưng đầy ngậm ngùi, khắc khoải đến
vậy. Ông đắm mình vào không gian khốc liệt đó để khơi dậy, để đánh thức trong lòng
độc giả cái nhìn cảm thông, sẽ chia với nhân vật. Bản thân việc sử dụng điểm nhìn bên
trong đã mang tính mới mẻ, đi ngược lại lối mòn và khẳng định tâm huyết tìm tòi và
đổi mới kỹ thuật tiểu thuyết của Bảo Ninh.
1.2. Giọng điệu trần thuật phức hợp
Văn học là tiếng nói của con người về cuộc đời. Tác phẩm chứa đựng tiếng nói
ấy, nghĩa là đã mang trong đó một hay nhiều giọng điệu. Nó mang tính tổng hợp và
tính cá thể rất cao, đến mức trở thành quy luật ngữ pháp riêng, giọng điệu riêng của
từng người chứ không phải tuân theo quy luật ngữ pháp chung của ngôn ngữ. “Giọng
điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời
sống ta thường chỉ nghe giọng nói là nhận ra con người, thì trong văn học cũng vậy.
Giọng điệu giúp nhận ra tác giả” [26; 134] Giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập
trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong
lời văn, quy định cách xưng hô gọi tên, dùng số, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa
gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [22; 134]. Giọng điệu
là cơ sở để phân biệt nhà văn này với nhà văn khác, đồng thời có vai trò rất lớn trong
việc tạo nên phong cách của nhà văn. Khi trần thuật tác giả tạo ra những sắc thái giọng
điệu khác nhau, cái mà M.Bakhtin gọi là “tính đa thanh trong giọng điệu”. Vì vậy, việc
“nghiên cứu là tìm hiểu ngôn ngữ của chủ thể, cách nói của chủ thể về vấn đề được nói
đến và với đối tượng mà lời văn nhắm tới” (Nguyễn Đăng Điệp).
Tuy nhiên, nếu chỉ bám vào những ký hiệu trực tiếp, thì đó chỉ là cuộc tìm kiếm
vô ích trong đại dương mênh mông ngôn từ. Nhà nghiên cứu M.Khravchenko đã từng
chỉ ra hướng tiếp cận tác phẩm rằng: “Tiếp cận hệ thống các ngữ điệu như một gam
ngữ điệu”. Giọng điệu trần thuật trong văn chương cũng xuất phát từ ngôn ngữ, song
có nghĩa rộng hơn, bao hàm cả ngữ cảnh, thái độ, quan niệm, cách ứng xử ..., và được
cá thể hóa, trở thành tài sản riêng của một cá nhân, như giọng điệu riêng của người ấy
trong cuộc đời. Giọng điệu trần thuật có vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học.
Thậm chí, có nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, giọng điệu trần thuật là cơ sở, là
thước đo để đánh giá tài năng của nhà văn. Văn hào của người Nga A.P.Chekhov nói:
“Nếu tác giả nào không có lối nói riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà
văn cả”. Có rất nhiều người trước khi sáng tác đã dự cảm được các sự kiện, tình huống
truyện. Thế nhưng, Khi mà chưa xác định được cho tác phẩm một giọng điệu trần
thuật cụ thể thì vẩn chưa sáng tác được.
Ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh
đã gây chú ý về một lối kể chuyện điềm đạm với sự tham dự nhiều giọng, tạo nên một
18
dàn hợp xướng biến hóa linh hoạt. Sự hòa điệu của các giọng khác nhau tạo nên một
lối kể chuyện nhiều bè và bổ sung những cách nhìn nhận khác nhau về cuộc sống. Tuy
nhiên, có thể nhận thấy giọng buồn thương, day dứt và giọng chiêm nghiệm, suy tư là
hai gam giọng chủ đạo chi phối toàn truyện.
1.2.1. Giọng buồn thương, day dứt
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ta thấy, khát vọng khám
phá chiều sâu cuộc sống con người được ông chú ý. Nhà văn đặt các nhân vật vào
những suy tư, day dứt, dằn vặt, lý giải về những vấn đề cốt lõi mang tính nhân sinh.
Giọng buồn thương, dằn vặt là nơi thể hiện những góc nhìn khác nhau của nhân vật.
Đây đồng thời cũng là gam giọng thường gặp trong tiểu thuyết đương đại nói chung và
trong Nỗi buồn chiến tranh nói riêng. Bởi thông qua tác phẩm, đứa con tinh thần của
nhà văn bao giờ cũng được gửi gắm những thông điệp về cuộc đời của tác giả. Giọng
buồn thương, dằn vặt thường gắn với nội tâm nhân vật được thể hiện chủ yếu qua suy
nghĩ, cách nhìn cuộc đời, và những đối thoại, độc thoại của họ trước hiện thực khắc
nghiệt.
Chiến tranh là cơn chấn động quá lớn để lại những di chứng không có gì xoá
được trong tâm hồn của Bảo Ninh. Nó áp vào nhãn quan của ông một màn sương u
hoài để những gì khúc xạ lại đều bàng bạc một nỗi buồn thương day dứt. Thế giới
nghệ thuật của ông là một bản hoà tấu của những giọng điệu buồn. Ở đó có nỗi buồn
chiến tranh, nỗi buồn tình yêu, nỗi buồn sáng tạo, nỗi buồn thực tại nhân thế. Những
nỗi buồn cất lên từ một tiếng lòng sâu nặng với quá khứ, với nhân sinh. Bởi thế nó
không phải là cái buồn bi quan, tuyệt vọng mà là cái buồn có khả năng thanh lọc con
người, hướng con người đến với chân, thiện, mỹ.
Viết về chiến tranh, về số phận con người, tình yêu trong tâm chấn và dư chấn
chiến tranh, giọng điệu Bảo Ninh đầy xót xa, thương cảm. Bởi hơn ai hết, là người
từng trải nghiệm, ông thấu hiểu cảm giác mất mát, đau đớn khi chứng kiến cái chết
của đồng chí, đồng bào, cảm giác khiếp hãi khi nằm trọn trong tay thần chết, cảm giác
day dứt khi đồng đội dám chết để mình được sống. Nói về chiến tranh, chết chóc, huỷ
diệt người ta thường nói đến cảm giác đau đớn hơn là cảm giác buồn. Bảo Ninh không
nghĩ thế, bởi vì đau rồi sẽ nguôi ngoai, đau rồi sẽ chữa lành, còn buồn thì mãi mãi
đọng lại. Nó mơ hồ nhưng da diết và không thôi day dứt lòng người. Chính nhờ nỗi
buồn đó mà người lính của ông đã “thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi
trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, đầu lê,
những ám ảnh bạo lực và bạo hành” [22; 319] để trở về với hoà bình. Cũng nhờ nỗi
buồn còn đọng mãi đó mà những nhân vật của ông không bị sự quên lãng ăn mòn,
không bị tha hoá trước cuộc đời phồn tạp.

19
Nỗi buồn, sự day dứt luôn gặm nhấm trong tâm hồn của những người sống sót
sau chiến tranh. Giọng buồn thương, day dứt còn được thể hiện qua cuộc đối thoại
giữa người lái xe và Kiên:
“Hay đếch gì! Buồn lắm. Thương lắm. Ai oán. Dưới mồ sâu đâu còn là người.
Nhìn nhau hiểu nhau mà không làm được gì cho nhau.
- Giá có cách gì thông tin cho họ biết là đã thắng lợi cho họ an lòng nhỉ?
- Ôi giời! Có nói được thì cũng nói làm gì cơ. Dưới âm ti người ta cũng chẳng
nhớ tới chiến tranh nữa đâu. Chém giết là sự nghiệp của những người đang sống.
- Nhưng dù sao thì cũng đã hòa bình. Giá mà giờ phút hòa bình là giờ phút
phục sinh cho tất cả những người chết trận nhỉ.” [22; 52]
Nhân vật thể hiện rõ nhất giọng buồn thương, day dứt chính là Kiên với những
đoạn độc thoại nội tâm dai dẳng khi nhớ về đồng đội, khi chia tay từ biệt hương hồn
Thịnh: “ từ lòng sâu đất ẩm xin bạn thân yêu hãy nghe thấu lời anh em vĩnh biệt. Xin
hãy chứng giám và phù hộ cho anh em tung hoành trong đồn bốt quân địch hoàn
thành nhiệm vụ. Xin hãy lắng nge tiếng súng anh em rửa thù cho bạn rồi đây sẽ rung
chuyển đất trời...” [22; 57].
Kiên mang đầy mặc cảm tội lỗi bởi những quyết định sai lầm, Kiên đã không
quyết liệt ngăn Can và khuyên bảo Can khi đồng đội của anh đã tâm sự rất chân thành:
“Can đưa bàn tay lạnh ngắt móp nước nắm lấy cổ tay Kiên. Hồi lâu. Kiên gạt tay Can
ra và quay lưng bỏ đi không nói một lời” [22; 30]. Và rồi, là hậu quả cái chết thương
tâm của Can - người đã vào sinh ra tử cùng anh, người đáng được sống hơn bao người
khác trên đời. Theo Kiên cái chết của Can có một phần lớn trách nhiệm của anh. Do
vậy mặc cảm tội lỗi đã giày vò ám ảnh Kiên hàng ngày và ngay cả trong những giấc
mơ “Kiên không sao gột hẳn Can ra khỏi tâm trí. Đêm đêm, anh nghe thấy Can trở về
thì thầm ngay bên võng, lặp đi lặp lại cuộc trò chuyện nhạt nhẽo ở bờ suối chiều hôm
nào. Tiếng thì thào chuyển dần thành tiếng nức nở, thành tiếng nấc nghẹn y như là
tiếng nước sặc lên trong họng kẻ sắp sửa chết chìm” [22, 32].
Giọng day dứt, giằng xé nội tâm còn được thể hiện rõ khi Kiên ngồi trên bàn
viết: “Nhiều đêm ngồi trên bàn viết anh miệt mài theo đuổi một ý tưởng nào đó, bám
nó theo thừng dòng từng trang, vật vã với nó, dằn vặt đầu óc bởi nó, để rồi rốt cuộc
chợt nhận thấy rằng hóa ra là nói chung mình chẳng có một ý tưởng nào cả… Anh viết
dường như chỉ để mà hủy. Nỗi xót xa tiếc rẻ công sức và tâm lực bị phí hoài cùng nỗi
lo sợ mãi mãi giẫm chân tại chỗ không thắng nỗi bệnh cầu toàn đầy oan nghiệt. Gạch,
xóa, gạch, xóa và xé, xé sạch rồi lại cặm cụi viết, nhích dần từng chữ như một gã i tờ
đang đọc đánh vần” [22; 61- 62].
Trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã dành cho nhân vật của mình những

20
danh xưng trừu mến, lúc thì ông gọi băng tên: Kiên, Phương...lúc thì ông gọi anh, cô...
chứ không phải là hắn, y, thị... Cách xưng hô tạo cảm giác yêu thương trân trọng nhân
vật dù cho đó có thể là người lính phía bên kia chiến tuyến. Giọng buồn thương day
dứt hiện lên qua những dòng tâm trạng của nhân vật khi nghĩ về những đồng đội:
“Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không người vinh
kẻ nhục, không người hùng kẻ nhát, không có người đáng sống và kẻ đáng chết. Chỉ có
người tên tuổi còn đó, người thì thời gian đã xoá mất rồi và người thì còn chút xương,
người chỉ đọng chút bùn lỏng” [22; 33].
Điều dễ nhận thấy trong những sáng tác của Bảo Ninh là các câu chuyện được
kể đều là chuyện buồn. Mà đã là chuyện buồn thì không thể nào kể bằng giọng hồ hởi,
náo nức hay say mê được. Vì thế, giọng văn của Bảo Ninh cứ nhẹ nhàng, da diết như
thủ thỉ, tỉ tê, day dứt thấm sâu vào lòng người. Giọng buồn thương, day dứt đã phả vào
trong trang viết của Bảo Ninh những dòng cảm xúc thấm đẫm, ấm áp đến nao lòng để
rồi từ đó nó đánh thức lương tri, đánh thức lòng khoan dung, trắc ẩn của con người.
Chính giọng điệu này đã mang lại cho Nỗi buồn chiến tranh một âm sắc mới. Tạo nên
sự day dứt, khắc khoải, ngậm ngùi trong tiếp nhận.
1.2.2. Giọng chiêm nghiệm, suy tư
Trong quá trình sáng tác, mỗi nhà văn đều phải trăn trở để tìm ra giọng điệu
nghệ thuật cho tác phẩm của mình. Hơn nữa, ở mỗi tác phẩm văn chương, giọng điệu
chính là “một hiện tượng nghệ thuật toát ra từ bản thân tác phẩm và mang một nội hàm
tư tưởng thẩm mỹ” (Trần Đình Sử). Ngoài ra nó còn thể hiện thái độ tình cảm của nhà
văn. Hơn hết lời nhân vật chính là lời của nhà văn, mà nhà văn trao cho nhân vật
chính.
Trong cuộc sống, Bảo Ninh là người thích quan sát, lắng nghe và suy ngẫm.
Trong sáng tác, Bảo Ninh không làm công việc mô tả hiện thực mà là nghiền ngẫm
hiện thực. Những điều đó đã làm nên giọng điệu buồn thương day dứt hay là giọng
chiêm nghiệm, suy tư. Đây là giọng điệu của người từng trải nghiệm cuộc sống, trăn
trở với cuộc sống, suy nghĩ sâu lắng và thường xem xét ngẫm nghĩ, đoán biết. Trong
tiểu thuyết, giọng điệu này thường đi với dòng độc thoại nội tâm của nhân vật, nó
thường biểu thị bằng những câu văn suy tưởng triết lý, cũng có khi hoà vào trong
chính chủ đề của câu chuyện mà nhà văn đề cập.
Trong tác phẩm, hành trình sáng tạo của Kiên là hành trình trải nghiệm lại cuộc
đời đã qua, cũng là hành trình chiêm nghiệm, suy tư về lẽ sống, vinh nhục, về chiến
tranh, về hoà bình, về tình yêu, về nghệ thuật... Sau mỗi biến cố, bao giờ Kiên cũng có
những đúc rút triết lí. Trước sự huỷ diệt cuả chiến tranh, Kiên nhận thấy: “Chiến tranh
là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn

21
ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng
giống con người” [22; 39 - 40]. Nghĩ về hoà bình, Kiên chua chát: “Hoà bình chẳng
qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt của bao anh em mình, để chừa lại có chút xương.”
[22; 52].
Sau những gì đã trải qua Kiên ngậm ngùi: “Thì ra cuộc đời tôi kỳ thực có khác
nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng. Đối với tôi
tương lai đã nằm lại ở phía xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới,
không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những
tấm thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi
thoát khỏi những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại không
phải là những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng” [22; 59].
Trong tác phẩm, sau câu chuyện về cuộc đời của Kiên, nhà văn cũng có những
suy tư, chiêm nghiệm về nỗi buồn chiến tranh: “Nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi
buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng
tôi đã thoát ra khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền
miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh của bạo
lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung
sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng cũng là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể
hi vọng, bởi đấy là đời sống hòa bình” [22; 319]... Sự xuất hiện dày đặc của những
suy ngẫm triết lý như thế đã tạo nên chiều sâu tư tưởng cho Nỗi buồn chiến tranh.
Những điều Bảo Ninh chiêm nghiệm, đúc rút không phải là có cái gì đó cao siêu, xa
vời. Nó đơn giản chỉ là những hiện tượng, những quy luật tự nhiên của cuộc đời mà ai
cũng có thể nhận thấy nhưng không phải ai cũng có thể khái quát. Giọng điệu chiêm
nghiệm, suy tư đã tỏ ra khá phù hợp với thiên hướng đi sâu vào những vùng khuất lấp
mờ tối của chiến tranh và hậu chiến để phát hiện và ngẫm ngợi của Bảo Ninh. Với
giọng điệu này, Bảo Ninh tỏ ra là cây bút già dặn, sắc sảo trên từng trang viết và tác
phẩm của ông vì thế mà cũng ý vị, sâu lắng hơn, đạt đến chiều sâu triết học.
Sự thay đổi linh hoạt các sắc thái giọng điệu khác nhau cũng là một thành công
của Bảo Ninh, đan xen bên cạnh các giọng điệu chủ đạo trên, ở các chương đoạn khác,
còn có giọng điệu trữ tình, sâu lắng và xót xa thương cảm sâu sắc. Ngôn ngữ rất gần
gũi, những lời văn như được thốt ra từ cõi lòng sâu thẳm của nhân vật. Nhà văn đã để
cho lời kể của nhân vật tự thể hiện nỗi lòng và trải nghiệm, khiến sắc thái trữ tình càng
thiết tha, sâu lắng.
Mọi sự vật, hiện tượng, mọi biến cố thăng trầm trong cuộc đời nhân vật bao giờ
cũng được nhìn từ nhiều phía, mỗi giọng điệu vang lên bày tỏ một thái độ, một cách
nhìn nhận, một quan điểm riêng. Với việc sử dụng nhiều giọng điệu trong tác phẩm,
tác giả tạo được sự linh hoạt, hấp dẫn trong trần thuật. Cũng một lúc có thể khơi gợi
22
nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nơi người đọc. Sắc thái giọng điệu trong Nỗi buồn
chiến tranh không tồn tại riêng lẻ, độc lập mà có sự đan xen, hòa điệu với nhau tạo nên
tính đa thanh cho tác phẩm, thể hiện cái nhìn đa chiều đối với hiện thực. Mỗi câu
chuyện là một bè riêng nhưng lại hướng đến bản hợp ca về thành công và thất bại của
con người sau cuộc chiến.
Cuộc sống vốn đa sự mà nhà văn lại đa đoan. Chính sự đa đoan đã mang đến
cho Bảo Ninh những trải nghiệm sâu sắc với cuộc đời để từ đó chắp bút cho những
cảm xúc và suy tư sâu lắng chảy tràn trên trang viết làm nên sắc thái giọng điệu chủ
đạo là buồn thương, day dứt và chiêm nghiệm, suy tư. Nếu giọng điệu buồn thương,
day dứt làm nên vẻ đẹp nhân văn thì giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư lại mang đến
cho tác phẩm của ông chiều sâu tư tưởng và giá trị phổ quát. Sự hoà kết của hai sắc
thái giọng điệu này đã tạo nên sức hút cho tác phẩm và dấu ấn phong cách riêng của
Bảo Ninh.
*
* *
Bảo Ninh là một nhà văn đương đại Việt Nam, tài năng và giàu trải nghiệm,
ông đã tạo dựng được những thành công trong thể loại tiểu thuyết, đặc biệt ở phương
thức trần thuật. Sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trần thuật từ ngôi kể, điểm nhìn,
giọng điệu đã giúp nhà văn tái hiện một cách chân thực đời sống và con người trước,
trong và sau chiến tranh. Qua những trang văn của Bảo Ninh, thế giới tâm hồn con
người với tất cả sự phong phú, đa dạng và phức tạp hiện lên thật sinh động, đa chiều.

23
Chương 2
HỆ THỐNG VÀ PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
Nhân vật không chỉ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm mà còn thể hiện
quan điểm nghệ thuật về con người của nhà văn ở những thời điểm lịch sử nhất định.
Thông qua nhân vật nhà văn khái quát những quy luật của cuộc sống, con người thể
hiện những hiểu biết, ao ước và kỳ vọng về con người. Trong cuộc đời cầm bút của
mình, Bảo Ninh đã khắc họa nhiều hình tượng nhân vật độc đáo. Các nhân vật của ông
từ trang sách đã bước ra khỏi cuộc đời và sống trong lòng nhiều thế hệ độc giả.
2.1. Các kiểu con người đặc trưng trước, trong và sau cuộc chiến
Đối tượng chung của văn học là cuộc đời, trong đó con người luôn giữ vị trí
trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên,
những lời bình luận ... đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm,
nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc khắc họa chân dung
nhân vật. Đọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người tiếp nhận
thường là những cảm xúc, suy tư về thân phận con người trong đó.
Số phận con người trước, trong và sau cuộc chiến là cội nguồn cho mọi cảm
hứng sáng tạo của Bảo Ninh. Những kiểu nhân vật mà ông lựa chọn để đem vào tác
phẩm thường được xây dựng trong môi trường chiến tranh gắn với những tưởng thời
đại, những mặc cảm về tội lỗi hay là những ám ảnh về những sang chấn tinh thần.
2.1.1. Con người với lý tưởng thời đại
Sau năm 1986, văn học đã tiếp cận con người ở góc độ đời tư, cá thể. Mỗi
người là một thế giới riêng, một số phận riêng. Chiến tranh, vì thế cũng được nhận
thức lại từ sự tác động ghê gớm của nó đến tính cách và số phận con người. Trên tinh
thần đó, Bảo Ninh hướng ngòi bút của mình vào góc khuất của chiến tranh, viết về nó
dưới góc nhìn hoàn toàn mới, góc nhìn từ thân phận con người. Các trang viết của ông
man mác một nỗi buồn nhân bản gắn với thân phận con người bị buộc vào cái trục
chiến tranh và bị cuốn theo vòng xoáy của nó. Nói đến chiến tranh là nói đến cơn lốc
huỷ diệt. Nó cuốn theo hàng vạn sinh linh, hất tung họ ra khỏi cuộc đời bình thường
mà nạn nhân đầu tiên là những người lính. Trên trang viết, Bảo Ninh đặc biệt quan tâm
tới số phận của họ. Với cái nhìn của một người trải nghiệm, ông cay đắng nhận ra
rằng, người lính là phận con sâu cái kiến, bị buộc phải cõng chiến tranh trên lưng. Còn
chiến tranh thì không ngừng tàn sát huỷ hoại họ cả nhân hình và có sức ám ảnh mạnh
mẽ đến nhân tính. Viết về số phận người lính trong chiến tranh, Bảo Ninh không dừng
lại ở việc người lính bị huỷ hoại sự sống, nhân hình. Cái ông muốn xoáy sâu chính là
sự ám ảnh mạnh mẽ tâm hồn, nhân tính. Đây là điểm mới trong ngòi bút của Bảo Ninh

24
ngay ở thời điểm ông xuất hiện trên văn đàn. Ông luôn trăn trở về vấn đề sự ám ảnh
nhân tính của người lính trước sự huỷ diệt trong chiến tranh. Trong Nỗi buồn chiến
tranh rất nhiều lần Bảo Ninh đã để cho nhân vật của mình đưa ra những cảnh báo về
nhân tính. Trước khi bước vào cuộc chiến, đa phần người lính là những thanh niên
mười tám, đôi mươi, tâm hồn trẻ trung phơi phới. Sau ba tháng huấn luyện chiến sỹ
mới, họ được ấn vào tay súng đạn và chính thức bước vào chiến trường làm cái công
việc bất khả kháng là chém giết, dù những cuộc chém giết kinh hoàng đó là phục vụ
cho sự sinh tồn của quê hương đất nước. Họ phải đổ máu, họ phải hi sinh dể dành
chiến thắng, để chiến tranh chấm dứt, được trở về với cuộc sống bình yên. Thế nhưng,
chiến thắng tiếp nối chiến thắng mà đường chiến tranh vẫn mịt mù thăm thẳm, hoà
bình thì chỉ đến trong giấc mơ! Tâm hồn họ thì cứ xơ cứng dần theo thời gian cùng
đạn bom, máu lửa và cái chết. Một phần trong số họ bắt đầu nảy sinh tâm lí hoài nghi,
chán nản, ấm ức, bực bội, mâu thuẫn không sao giải toả nổi. Cảnh chết chóc, chém
giết, máu lửa, đói khổ, bệnh tật luôn ám ảnh khiến họ rơi vào trạng thái sống lẫn lộn
giữa thực tại và ảo giác. Họ thấy lo sợ cho nhân tính của mình. Bảo Ninh đã tái hiện
những cảnh đời thực của người lính chiến đấu. Ông muốn phơi bày tận cùng nỗi đau
khổ mà người lính phải gánh chịu, đồng thời nói lên sự khốc liệt sau ánh hào quang
của chiến thắng.
Đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, người đọc có thể thấy rõ
con người gắn với lý tưởng thời đại đó là nhân vật Kiên. Kiên là một chàng trai chính
gốc Hà Nội, bố là hoạ sỹ đã ly hôn với mẹ. Anh có một mối tình với Phương - người
bạn gái học cùng lớp hồi cấp ba. Kiên thuộc lớp thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh
chiến tranh. Sau khi cha mất (1965), Kiên nhập ngũ khi tròn 17 tuổi. Mang theo trái
tim nhiệt tình cách mạng, Kiên dấn thân vào cuộc chiến tranh sinh tử với lý tưởng giải
phóng đất nước. Lý tưởng đó đã theo Kiên trong suốt quá trình chiến đấu và nó đã cho
anh có những suy nghĩ, những tình cảm tốt đẹp, chân thành về đồng đội, về những con
người làm nên chiến thắng. Mặc dù rất yêu Phương, nhưng khi Phương bị cưỡng hiếp,
anh đã bỏ mặc Phương để đi theo tiếng gọi lí tưởng của đời mình là chiến đấu bảo vệ
tổ quốc. Kiên lúc này là hiện thân cho lí tưởng thời đại, một con người của cộng đồng,
theo cách đánh giá của Phương, khi hai người tình tứ lãng mạn, khi khói lửa chiến
tranh chưa chạm đến họ: “Anh say mê cuộc chiến đến đứng ngồi không yên. Anh
không yêu mẹ, không yêu cha, không yêu tình yêu của em. Anh khăng khăng: tôi đi
chiến đấu, tôi là con người trung thực, tôi trong sạch và tôi không muốn em bị nhơ
nhuốc” [22; 136].
Lý tưởng của Kiên là lý tưởng của thời đại lúc bấy giờ. Khi Tổ quốc lâm nguy,
vì độc lập tự do của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên lên đường “Quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh”. Đúng như hai câu thơ trong bài thơ “Tiếng hát sang xuân” của Tố Hữu:

25
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành...”
Đây là lý tưởng đúng đắn, để bảo vệ chính nghĩa họ sẵn sàng lên đường nhập
ngũ, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, dù biết như thế là chôn vùi tuổi thanh xuân ngắn ngủi,
là một đi không trở lại, thậm chí là bước vào cõi chết. Đáng trân trọng những con
người với lý tưởng cao cả như Kiên, như những đồng đội của anh... Nhờ lý tưởng cao
đẹp của những con người đó mà ta mới có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.
Bằng ngòi bút tinh tế của mình, Bảo Ninh đã khắc họa được những người lính
gắn với lý tưởng thời đại. Sẵn sàng lên đường đấu tranh để bảo vệ đất nước, giành lại
tự do cho tổ quốc. Nhưng đằng sau đó là một sự hi sinh, mất mát, đau thương, khốc
liệt mà họ phải gánh chịu.
2.1.2. Con người với những mặc cảm tội lỗi
Trong tất cả sự phức hợp tâm lý thì cảm giác mặc cảm tội lỗi luôn là cảm xúc
nỗi trội của nhân vật trong sáng tác của Bảo Ninh. Trong Nỗi buồn chiến tranh, đã bao
lần Bảo Ninh để nhân vật Kiên sống với những dằn vặt, những suy nghĩ, ám ảnh của
mình về những cái chết của đồng đội, mà ở đó có một phần rất rõ trách nhiệm của anh.
Trước hết, đó là cái chết của Can do đào ngũ. Cuộc đời lính chiến dài dằng dặc, không
bến bờ với bao chết chóc, huỷ diệt mà nơi quê nhà vẫn khắc khoải hình bóng mẹ già
ngày đêm mong ngóng. Người lính chiến cũng là những con người cụ thể bằng xương
thịt, họ cũng cần có những tâm sự. Nhưng khi Can muốn giãi bày thực sự với Kiên thì
anh lại có thái độ thờ ơ, khinh rẻ, không thực sự lắng nghe để phân tích điều hay lẽ
phải hoặc động viên đồng đội. Kiên suy nghĩ: “Ý hắn lại chực tâm sự chi đây. Anh
chúa ghét nghe ai bộc bạch sự tình riêng tư ngóc ngách. Nếu cả trung đội vào những
ngày toàn sự khổ thế này đều đến tìm anh để bày tỏ nỗi niềm kia thì chắc chắn anh
phải đâm đầu xuống thác thôi” [22; 26]. Kiên đã không quyết liệt ngăn cản và khuyên
bảo Can khi đồng đội của anh đã tâm sự rất chân thành: “Can đưa bàn tay lạnh ngắt,
móp nước nắm lấy cổ tay Kiên. Hồi lâu. Kiên gạt tay Can ra và quay lưng bỏ đi không
nói một lời” [22; 30]. Và rồi, hậu quả là cái chết thương tâm của Can - người đã vào
sinh ra tử cùng anh, người đáng được sống hơn bao người khác trên đời. Theo Kiên,
cái chết của Can có một phần lớn trách nhiệm của anh. Do vậy, mặc cảm tội lỗi đã dày
vò, ám ảnh Kiên hàng ngày và ngay cả trong những giấc mơ “Kiên không sao gột hẳn
Can ra khỏi tâm trí. Đêm đêm, anh nghe thấy Can trở về thì thầm ngay bên võng, lặp
đi lặp lại cuộc trò chuyện nhạt nhẽo ở bờ suối chiều hôm nào. Tiếng thì thào chuyển
dần thành tiếng nức nở, thành tiếng nấc nghẹn y như là tiếng nước sặc lên trong họng
kẻ sắp sửa chết chìm” [22; 32]. Những đồng đội của Kiên đã hy sinh trong chiến trận
thì không thể ngay một lúc lần lượt kể hết những kỷ niệm về họ. Thế nhưng, vì mặc

26
cảm tội lỗi mà hình ảnh những con người ấy cứ trở đi trở lại trong tâm trí và trong
những giấc mơ của Kiên hết lần này tới lần khác. Đó là cô giao liên xinh đẹp quê Hải
Hậu tên Hoà đã hy sinh từ hồi 1968. Chính xác là cô đã hy sinh để Kiên và đoàn
thương binh được sống. Trong khi đi tìm đường đưa thương binh sang sông, bất ngờ
chạm trán bọn lính Mỹ da đen có cả chó bécgiê đánh hơi truy lùng dấu vết. Hoà đã
đánh lạc hướng bọn Mỹ và bắn chết con chó bécgiê nguy hiểm. Bọn Mỹ đã bắt được
Hoà khi khẩu K59 của cô hết đạn. “Hoà gục ngã giữa trảng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô
tới, vây xúm lại, trần trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng
giật, nặng nề hộc rống lên” [22; 58]. Thế nhưng, Kiên không giúp gì cho Hoà được
trong tình huống anh nhìn cận cảnh cảnh tượng dã man đó khi trong tay anh, quả u - ét
đã mở chốt: “Chỉ trong tầm ba chục thước không hơn, Kiên đủ sức “cả cái” trái cầu
thép này vào giữa đám, quét đi ít nhất là non nửa số Mỹ đang chất đống. Nhưng nín
lặng, gần như nín cả thở nữa, Kiên cứ thế quỳ mãi, náu kín mình sau lùm cây ở bìa
rừng. Đã đến lúc phải cắt ngang cận cảnh dã man này, phải đánh dấu chấm hết lên
đầu bọn khỉ đột, song cái dấu chấm hết ấy vẫn bị giữ khư khư trong lòng bàn tay
Kiên… Vậy mà lẳng lặng anh tra lại chốt cho quả u-ét, rồi từ từ bò lui, và cùng với
bóng tối đang buông xuống từng đợt anh êm thấm trở về chỗ khe cạn” [22; 255 - 256].
Rồi đến những cái chết của Từ, Oanh, Cừ và bao nhiêu đồng đội khác của Kiên
cũng vậy, luôn để lại những dằn vặt, ám ảnh trong suốt cuộc đời anh. Từ và Oanh đã
hy sinh tính mạng của bản thân mình để cho Kiên được sống. Những cái chết ấy của
họ có phần tội lỗi của anh. Trong một đợt tấn công, khi tiến đánh vào dãy lầu Lăng
Cha Cả, Kiên đã có một giây chần chừ: “Khựng lại và hơi né ngang, Kiên chậm bước
trong một phần tích tắc không cảm thấy được. Nhưng thế là Từ đã thoắt lên trước, áp
tới khung cửa dành cho Kiên. Loạt đạn của tên lính không thể trúng Kiên được nữa,
dù anh chỉ sau Từ có nửa bước chân. Dòng máu đặc sệt của Từ vọt toé vào mặt Kiên
thay cho một tiếng hét, thay cho một lời giục giã” [22; 241 - 242]. Và khi đánh ở Nha
cảnh sát Buôn Ma Thuột “Oanh đã che chắn cho Kiên khỏi hứng phải loạt đạn của kẻ
bắn lén mặc váy mà hai người đã sơ ý để cho sống” [22; 242]. Cái chết của Tâm và
Thịnh cũng vậy. Nếu như Kiên ở lại để cùng đồng đội chiến đấu lại bọn biệt kích thì
có thể Tâm và Thịnh đã không phải nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo, cô đơn và Kiên
cũng không phải dằn vặt, ám ảnh. “Trong đêm đen của hồi tưởng, Kiên nhìn đăm đăm
vào bóng tối như nhìn vào cõi âm và lần lượt thấy lại họ, những con người tuyệt vời,
những con người xững đáng hơn ai hết quyến được sống trên cõi dương này nhưng đã
lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống”
[22; 241]. Ngoài mặc cảm tội lỗi vì những cái chết của đồng đội mình trong đó có một
phần trách nhiệm của Kiên thì trong vô thức, Kiên còn có mặc cảm tội lỗi về việc để
cho Phương vào tận tuyến lửa của chiến tranh, và để Phương gặp phải hoàn cảnh bị

27
làm nhục trên toa tàu khi đoàn tầu bị giặc không kích. Hình ảnh Kiên nhìn thấy là:
“Phương ngẩng lên. Hai má nhợt nhạt, như là gầy hóp đi - một gương mặt lạ lẫm hầu
như không quen biết. Ngực áo cộc tay mở toang hết cúc, cổ bị những vết xước…
Phương cắn môi, cặp môi bầm dập, và không nói, nhìn, cái nhìn trừng trừng nhưng vô
cảm, lững lờ, xa lạ…” [22; 276 - 277]. Nhìn thấy Phương, người anh yêu quý nhất,
người từng “rực cháy sân trường Bưởi” mà trong lòng Kiên hối hận vô cùng. Nếu như
Kiên quyết tạm chia tay để cho Phương không vào đến tận trong này thì đâu có sự việc
đau lòng này sảy ra. Nếu Phương không vào tuyến lửa mà đi học đại học thì có lẽ cuộc
đời cô ấy đã rẽ sang trang khác và ngay cả cuộc đời Kiên cũng vậy. Những day dứt,
ám ảnh đó đã thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn trong Kiên, để anh hành động đầy man
dại khi đánh kẻ đã cưỡng hiếp Phương. “Kiên vụng về vung cây thép lên, quật xuống.
Một khối tăm tối chụp lấy tâm trí Kiên…. Thanh thép dẹt nện trúng khuỷu tay. Người
nọ tuyệt vọng đưa nốt tay kia lên đỡ. Ngã ngửa ra, kinh hoàng và tắc sặc họng lại vì
đau, y không kêu lên được nữa (…) và cứ giữa mặt anh ta mà đấm. Máu ộc ra, trơn
như xà phòng” [22; 283]. Đối với nhân vật Kiên, sự ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi lại
càng làm cho phẩm chất của anh trong sáng hơn, nhân văn hơn, con người hơn. Dù
mang trong mình mặc cảm tội lỗi nhưng Kiên vẫn được người đọc xót xa, thương cảm
hơn là oán trách.
Trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã không ít lần cho những người lính
sống với những dằn vặt, những suy nghĩ, ám ảnh về những cái chết của con người mà
chính họ cũng có một phần trách nhiệm. Nếu như nhân vật Kiên đã nhiều lần bị ám
ảnh bởi những cái chết của đồng đội thì những người đồng đội của anh cũng vậy, họ
luôn bị ám ảnh, dằn vặt bởi những cái chết của con người, kể cả những người lính bên
kia chiến tuyến bởi vì họ cũng là người và họ có quyền được sống. Hiện thực của
chiến tranh rất ác liệt, nó là cuộc chơi mà bên nào cũng phải cố giết thật nhanh, thật
nhiều người của bên đối phương. Ngược lại, nếu chậm thì họ cũng bị giết. Những
người lính ở đây luôn dằn vặt, ám ảnh bởi vì họ giết người như bản năng, như vô thức
ngay cả lúc đối phương không đủ sức hoặc không hề kháng cự. Phán - một đồng đội
của Kiên - cũng là người mang nặng những ám ảnh như thế. Phán đã giết một tên lính
ngụy một cách hết sức dã man trong nỗi sợ hãi của vô thức. Tên ngụy đã bị thương
nặng rồi nhung nhưng vẫn phải chịu những nhát dao oan nghiệt của Phán và rồi lại vô
tình, Phán để tên nguỵ đó chết chìm trong vũng nước. Cái chết tức tưởi ấy đã dày vò,
ám ảnh Phán suốt cuộc đời. Đó chính là mặc cảm tội lỗi mà Phán phải chịu đựng vì
hành vi bắn giết vô thức của mình.
Bên cạnh Phán còn có nhân vật Can, do áp lực bắn giết, chết chóc của chiến
tranh là quá lớn nên anh ta không chịu đựng được và đã chạy theo tiếng gọi vô thức -
đào ngũ. Mặc cảm tội lỗi của Can được thể hiện rất rõ qua những giấc mơ và câu

28
chuyện cuối cùng anh kể cho Kiên trước khi “B quay”: “Tôi không sợ chết, nhưng cứ
bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người. Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người
bằng dao và lê, nhưng mà quen tay mất rồi” [22; 27 - 28]. Do đã phải giết quá nhiều
người đến mức độ quen tay, thành thục nên Can đã không nhớ nổi là mình đã giết bao
nhiêu người, đã có bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh tang tóc do anh. Dằn vặt, ám ảnh
ấy mãi bám riết Can ngay cả trong mơ: “mơ thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến
thành con ma cà rồng đi hút máu người” [22; 27 - 28]. Áp lực của sự nhẫn tâm đến
“hoại tình người” và áp lực khủng khiếp của sống và chết cùng với nỗi niềm đau đáu
ngóng trông về nơi quê nghèo lụt lội thiên tai với bà mẹ già đang vò võ chờ con, khiến
Can quyết định “tự cứu lấy mình”. Anh tự đưa mình ra khổi lò lửa của sự chết chóc để
về với miền bình an, và anh đã mãi mãi yên nghỉ bình an ở “dưới âm ty người ta chẳng
nhớ chiến tranh là cái trò gì nữa đâu. Chém giết là sự nghiệp của những thằng đang
sống”.
Đối với nhân vật những người lính trong Nỗi buồn chiến tranh, sự ám ảnh bởi
mặc cảm tội lỗi lại càng làm cho phẩm chất của anh trong sáng hơn, nhân văn hơn, con
người hơn. Dù mang trong mình mặc cảm tội lỗi nhưng họ vẫn được người đọc xót xa,
thương cảm hơn là oán trách.
Ngoài mặc cảm tội lỗi thì nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn
mang mặc cảm bị bỏ rơi. Có thể nói bị bỏ rơi là một trong nỗi ám ảnh lớn nhất và nặng
nề nhất đối với mọi mặt của đời sống con người. Cũng như bao thanh niên Hà Nội lớn
lên trong chiến tranh chống Mỹ lúc đó, Kiên cũng có một gia đình với bố và mẹ. Tuổi
thơ cắp sách đến trường với bao bạn bè, thầy cô và sân trường Bưởi đầy kỉ niệm.
Trong suốt dọc đường chiến tranh, những lúc buông súng thảnh thơi, Kiên lại nhớ tới
gia đình và tuổi thơ của mình. Thế nhưng, nỗi nhớ đó khiến Kiên lại ám ảnh vì mặc
cảm bị bỏ rơi của mình. Tuổi thơ của Kiên thiếu vắng tình cảm của mẹ, bởi vì mẹ Kiên
đã bỏ hai cha con Kiên để đi tìm một hạnh phúc khác cho riêng mình. Lí do mẹ ra đi
cũng rất đơn giản:“Nhưng hình như mẹ anh thì không chịu nổi những cơn xuất thần
hiền lành và thờ thẫn ấy của cha. Hình như bà coi đấy là nỗi nhục, là bằng chứng về
sự suy đồi và về sự thất bại vô phương cứu chữa…” [22; 154]. Chính vì thế mà hình
ảnh người mẹ rất mờ nhạt và đơn điệu trong Kiên: “Bóng hình mẹ chỉ còn sơ sài ở vài
tấm ảnh. Nhưng những bức hình ấy chẳng giúp anh thấy lại được mẹ. Trong ảnh, từ
đáy thời gian mòn mỏi đã úa vàng, người phụ nữ trẻ có khuôn mặt ghi lại nét mặt của
mẹ dõi vào anh một cái nhìn chẳng nói lên một điều gì hết, mọi tình cảm như thể bị
nuốt đi đâu cả, chỉ làm cho lòng anh thêm mặc cảm về sự què quặt hiển nhiên của tâm
hồn mình... Có lẽ anh lớn lên chỉ với nhiều nhất là một phần hai nhân cách” [22; 155].
Tình mẫu tử thuộc bản năng, tự nhiên, nhưng vô cùng thiêng liêng, cao quý ở con
người. Thế mà, thật xót xa thay! Có thể vì lí do gì đó mà mẹ Kiên đã không làm tròn

29
trách nhiệm với anh. Cả tuổi thơ của Kiên sống bên cha. Cha Kiên là một hoạ sỹ
không hợp thời, sống khép mình và rất ít trò chuyện cùng Kiên. Do vậy Kiên không
hiểu cha, anh lại càng không hiểu những bức vẽ của cha. Khi mẹ ra đi, cuộc sống của
hai cha con càng chật vật, nhưng “chỉ có điều ông uống rượu rất nhiều và thả mình
nhiều hơn vào những cơn mộng du”. Đến khi Kiên học cấp 3 nhưng Kiên khó lòng
hiểu được nỗi lòng của cha. Ông như giam mình hoàn toàn trên căn gác xép tầng áp
mái để vẽ, còn hằng ngày đến bữa cơm, Kiêm lại đem cơm lên cho cha. Cuộc sống cứ
thế trôi đi, và rồi một ngày cha anh ra đi theo: “dòng những hình nhân héo vàng, sống
vu vơ giữa những miền không có thực của cuộc đời, mỗi ngày thêm lạc bước rời xa cõi
dương”. Trước lúc đi xa, ông đã trăng trối rằng: “Còn con… từ nay còn một mình…
phải gắng sống với thời của mình. Thời đại mới rồi sẽ đến. Huy hoàng. Tráng lệ…
không còn những bất hạnh lớn lao nữa… Nhưng nỗi buồn thì không nguôi… vẫn sẽ
còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại được gì cho con ngoài nó,
nỗi buồn ấy” [22, 159]. Như vậy, tài sản thừa kế của Kiên để bước vào đời chẳng có
gì, duy nhất chỉ có nỗi buồn, một nỗi buồn truyền kiếp. Chính mặc cảm bị bỏ rơi này
của Kiên đã dằn vặt day dứt, ám ảnh anh ngay cả trong những giấc mơ. Trong mơ, anh
vẫn vẳng lên bên tai những lời ca buồn, những lời ca đấy như bám riết lấy anh: “…
Mất mẹ từ tấm bé không cha từ ấu thơ, đứa trẻ chẳng mồ côi lớn lên cùng thành phố
trải qua thời chiến tranh… đứa trẻ chẳng mồ côi…” [22; 160].
Mặc cảm bị bỏ rơi của Kiên còn đến từ mối tình thủa học trò đẹp như mộng với
Phương. Nhưng rồi, vì chiến tranh mà người anh yêu thương nhất cũng đã bỏ anh đi để
lại sự cô đơn lạc lõng trong tâm hồn. Mặc cảm bị bỏ rơi trong hoàn cảnh như là “mồ
côi” của Kiên, cộng với mối tình đẹp như trong mộng tan vỡ, Kiên như kẻ bơ vơ, lạc
loài trên thế gian. Những lời trăng trối của người cha trước lúc đi xa đã như một điềm
báo trước nỗi buồn sẽ đầy ắp trong cuộc đời anh, một nỗi buồn truyền kiếp. Bởi vì mặc
cảm bị bỏ rơi của Kiên không chỉ đến từ gia đình, từ tình yêu mà nó đến từ những đồng
đội đã lần lượt hy sinh của anh, mặc dù họ hy sinh để cho anh được sống. Những
người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa xôi, lạnh lẽo ấy đã bỏ lại Kiên cô
đơn lạc lõng với thời bình. “Hoà bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu
đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui” [22; 131] mà
Kiên như kẻ mắc kẹt trong hoà bình. Đêm đêm, cứ nhìn vào bóng tối là anh lại thấy
những người đã khuất về trò chuyện, vui đùa có, buồn cũng có. “Bây giờ đây chỉ có
nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn - nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh tràn
phủ tâm hồn anh” [22; 257]. Nhưng quan trọng hơn là anh tìm thấy sự cân bằng trong
cuộc sống, tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình ở thời bình mặc dù anh là kẻ
“mắc kẹt”. Đó là phải viết, viết như để trả ơn những người đã chết để anh được sống,
để có hoà bình như ngày hôm nay, trong hoà bình có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa thì

30
nó vẫn là cái ngày mà anh và đồng đội anh hằng mong ước.
Bằng cách nhìn nhận mới mẻ, Bảo Ninh đã xây dựng thành công hình tượng
con người gắn với những mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi vì đã bắn, giết quá nhiều trở
thành nỗi ám ảnh. Đây là bi kịch của người lính. Hình tượng con người này được Bảo
Ninh miêu tả khá sâu sắc làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm.
2.1.3. Con người với những sang chấn về thể xác và tinh thần
Bảo Ninh đã thể hiện trong tiểu thuyết của mình những nhân vật bị tổn thương
về thể xác và tâm hồn sâu sắc. Nhân vật bị tẩy trắng “méo mó về tinh thần”. Đa phần
họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, diện mạo không toàn vẹn, thậm chí có
nhân vật chỉ còn là tiếng nói vang vọng trong tâm tưởng của nhân vật khác. Đó là nỗi
ám ảnh của những sang chấn trong tâm hồn Kiên. Tuổi thơ của Kiên phải sống trong
hoàn cảnh bi ̣me ̣bỏ rơi để đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Căn nhà vốn đã đầy ắp nỗi
buồn thì nay laị chỉ còn có hai cha con lủi thủi sớm chiều. Hình ảnh người mẹ chỉ còn lại
rất mờ nhạt và vô nghĩa trong Kiên. Cha Kiên thì số ng khép mình, thầ m lăṇ g, cách biêṭ
với cuộc đời nên bản thân Kiên cũng không hiểu được cha nhiều. Cha lại mất sớm, Kiên
như một đứa trẻ mồ côi nhưng cũng không hẳn là mồ côi, anh phải tự xoay xở với cuộc
đời để tồn tại. Sang chấn này của tuổi thơ đã để lại những ám ảnh quá lớn trong cuộc
đời anh. Sau này, khi đã trưởng thành, nói tới những ám ảnh đó, Kiên đã tâm sự: “…
Còn hơn là một khuyết tật , trong Kiên rõ ràng là có mầm bẩm sinh độc ác, của thói
nhẫn tâm, khô rắn, lạnh lùng. Một sự trố ng rỗng bất hạnh và tệ mạt. Một lương tri
không lành. Có lẽ lớn lên chỉ với nhiều nhấ t là một phầ n hai nhân cá ch” [22; 155].
Trong các giâć mơ của mình, thỉnh thoảng vẫn văng vẳng bên tai những lời ca buồn,
những lời ca ấy như bám riết lấy anh:
“… Mất mẹ từ tấm bé… không cha từ ấu thơ… đứa trẻ chẳng mồ côi … lớn
lên cùng thành phố …trải qua thời chiến tranh … đứa trẻ chẳng mồ côi…”
Khi đã trở thành một thanh niên biết yêu, nhiều mơ mộng và có chí hướng
quyết tâm ra đi góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng đất nước, Kiên lại
có sang chấn thứ hai đầy ám ảnh. Kiên có một tình yêu đẹp, trong sáng, đầy mộng ước
với cô bé cùng lớp xinh đẹp tên Phương. Tuổi thơ của Kiên và Phương gắn bó với
nhau với những trò chơi con trẻ. Khi biết yêu, với những rung động đầu đời, hai người
càng gắn bó với nhau hơn. Họ suốt ngày bên nhau khiến các bạn bè cùng trang lứa
phải ghen tỵ và đã có lần chi đoàn và nhà trường đã phải có ý kiến. Một tình yêu thật
đẹp. Nhưng rồi chiến tranh đã chia cắt họ: Kiên lên đường vào Nam chiến đấu, còn
Phương dự tính sẽ đi học đại học. Họ gặp nhau lần cuối ở ga tàu, Phương đã quyết
định đi cùng Kiên đi vào tuyến lửa. Trên toa tàu vào Nam, khi tàu bị đánh bom, cùng
lúc đó Kiên tận mắt chứng kiến cảnh Phương bị một gã đàn ông xa lạ hiếp. Tuổi mười

31
bảy, Kiên cũng chưa hiểu gì nhiều, nhưng hình ảnh đó mãi ám ảnh, nó như một dấu
mốc để đánh dấu sự chia đôi con đường của họ. Họ cũng chỉ ở bên nhau ít giờ sau đấy
và rồi suốt thời kì chiến tranh họ không gặp lại nhau nữa. Chỉ đến khi hòa bình, Kiên
trở về căn nhà xưa, họ gặp lại nhau nhưng tình yêu của họ đã hoàn toàn khác. Họ như
hai đường kẻ song song mà không bao giờ tìm được điểm giao cắt. Trong suốt dọc
đường chiến tranh, Kiên đã nhiều lần nhớ tới Phương, mơ tới Phương, Kiên bi ̣thương
ở chiến trường làm mất đi “khả năng đàn ông”, đó là một nỗi đau quá lớn mà không phải
ai cũng vượt qua được. Hình ảnh Phương và tình yêu đẹp như mộng buồn mênh mang ấy
cứ ám ảnh Kiên suốt phần đời còn lại của mình: “Anh mơ thấy Phương đang ở trên
thuyền thoi với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương”
[22; 19]. Hình ảnh của Phương không chỉ đến trong những giấc mơ bình thường khi
ngủ của Kiên mà hình ảnh Phương còn đến cả khi Kiên mê man vì sốt rét ác tính, vì bị
thương phải điều trị tại trạm quân y dã chiến. “Những lúc tỉnh dậy mở được mắt ra
như thế, bao giờ anh cũng mờ mờ thấy Phương đang ở trong hầm với mình. Anh thều
thào gọi tên nàng nhưng Phương không đáp, chỉ mỉm cười và cúi sát xuống đặt môi
lên trán anh nhờn nhụa mồ hôi” [22, 178]. Khi trở thành người lính, suố t dọc đường
chiến tranh, Kiên đã chứng kiêń bao nhiêu cảnh chết chóc khổ ải, bản thân anh cũng đã
nhiều lần “tử thần sơ soạng”, đó cũng là những chấn động tâm lý hết sức mạnh mẽ để
rồi ám ảnh anh suốt đời. Kiên bi ̣ám ảnh bởi những cái chết của đồng chí, đồng đội của
mình như Can (đào ngũ, chết do lũ cuốn, xác trương phình, mặt bi ̣qụa ̣rỉa…), Thịnh
“con” (chết trong cuộc đọ súng với bọn thám báo đã bắt ba cô gái, anh bị bắn trúng
tim), Vân (chế t chá y trong chiế c T 54, thân xác ra tro không cầ n mộ huyệt ), Thanh
(cũng chết trong xe tăng cùng tổ lái )… Đó còn là những cảnh chết chóc kinh hoàng mà
chiến tranh gây ra, nó có sức ám ảnh ghê gớm đối với những người lính đã trực tiếp
chứng kiến như Kiên: “Những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống
đồng cỏ voi… sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt mộ mái nhà lợp
bằng thây người (….) một người lính nọ đạp phải mìn nhẩy cẫng lên ngọn cây như
được chắp cánh” [22; 109]. Những ám ảnh của Kiên còn đến từ những cái chết của
người lính ở bên kia chiến tuyến: “Những xâu lính Mỹ trẻ măng, mình mẩy không chút
xây sát, ngồi ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm… Những lính dù trang
phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi núp xúp… thản nhiên trương phình
lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy giòi và mùi da thịt khắm lặm của mình” [22;
109].
Những cái chết của đồng đội đã luôn ám ảnh Kiên, ngay cả trong giấc mơ vẫn
không buông tha anh: “Kiên không sao gột hẳn Can ra khỏi tâm trí. Đêm đêm, anh
nghe thấy Can trở về thì thầm ngay bên võng, lặp đi lặp lại cuộc trò chuyện nhạt nhẽo
ở bờ suối chiều hôm nào” [22; 32]. Rồi trong một giấc mơ khác, Kiên mơ thấy Hoà -

32
cô giao liên đường rừng quê Hải Hậu, người đã cứu Kiên thoát chết trong một lần
chậm trán với quân địch: “Hoà gục ngã giữa trảng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô tới, vây
xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng
giật, nặng nề hộc rống lên” [22; 58]. Hiện thực chiến tranh tàn khốc đã để lại những
ám ảnh nặng nề đến mức độ Kiên như kẻ mộng du khi đi giữa phố xá hòa bình nhưng
lại liên tưởng mùi hôi thối của cống rãnh thành mùi xác chết mà anh từng chứng kiến
sau một trận đánh giáp lá cà. Nghe tiếng quạt trần Kiên cũng tưởng là tiếng trực thăng
vũ trang của giặc.
Kiên còn bi ̣ám ảnh ngay cả những xác chết của những người lính bên kia chiến
tuyến: cái chết của tên ngụy qua lời kể của Phán, cái chết của người đàn bà trần truồng ở
cửa hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Hình ảnh ấy còn ám ảnh Kiên vào cả những giấc
mơ: “Cô gái hôm qua nằm chết trần truồng ở ngưỡng cửa hải quan, giờ đây đã dứt bỏ
tấm vải liệm bằng rèm cửa sổ, và cả bộ đò người ta mặc vào người cho cô trước lúc
đem đi chôn cũng rữ tuột, loã lồ khủng khiếp bơi tới với anh. Bộ ngực trắng bệch, mái
tóc xoà rối rũ rượi, cặp mắt huyền đầy kiến, đôi môi méo mó, nụ cười vàng ệch” [22;
132 - 133].
Nhìn chung, trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật Kiên hiện lên với nhiều mặc
cảm, ám ảnh và bi kịch. Song, đằng sau những mặc cảm, những ám ảnh đó, người đọc
vẫn tìm thấy ở Kiên một niềm khát khao vươn lên, khắc khoải tìm kiếm bản thể người.
Dù trong hoàn cảnh nào thì trong sâu thẳm cõi lòng vẫn ánh lên một cái tôi thánh thiện
nhỏ nhoi, một vệt sáng của lòng nhân ái, của tính bản thiện luôn tồn tại trong sâu thẳm
mỗi con người.
Ngoài nhân vật Kiên thì nhân vật Phương có biểu hiện ám ảnh từ những sang
chấn. Đúng như vậy, những rung động đầu đời của một cô bé mười ba tuổi với một
bạn trai cùng lớp trên toa tàu điện bỏ hoang, những kỉ niệm đẹp đẽ bên bờ hồ tuổi
mười bảy là những kỉ niệm không bao giờ quên được, nó đeo bám trong tâm trí
Phương đến hết cuộc đời. Đó còn là ám ảnh tuổi thơ khi Phương trực tiếp chứng kiến
cảnh cha Kiên đốt tranh - một nghi lễ hết sức man dại. Hình ảnh ngọn lửa đó luôn ám
ảnh cô và nó còn là dự cảm trước về tương lai cuộc đời cô: “Ngọn lửa thiêu đốt các
bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa ấy em nhìn thấy tương lai (...)
em là đứa con gái lạc thời và lạc loài” [22; 170 - 171].
Đặc biệt, ám ảnh lớn nhất đời Phương chính là việc cô bị hãm hiếp trên toa tàu
ở ga Thanh Hoá ngay trước mắt người mình yêu thương nhất để rồi từ đó Phương và
Kiên cứ dần xa nhau mãi mãi. “Phương ngẩng đầu lên. Hai má nhợt nhạtm như là gầy
hóp đi - một khuôn mặt lạ lẫm hầu như không quen biết. Ngực áo cộc tay mở toang hết
cúc, cổ bị những vết xước” [22; 276]. Ám ảnh ấy cứ đeo bám Phương suốt cả cuộc
đời, sau này gặp lại Kiên trong hoà bình, những ám ảnh ấy lại càng sôi sục, càng làm
33
cho Phương đau khổ hơn, bởi vì lúc này nàng đã trượt dài trên con đường lầm lạc từ
sau sự kiện trên toa tàu năm ấy. Nếu như sang chấn lớn nhất cuộc đời Phương là việc
nàng bị hãm hiếp trên chuyến tàu tại ga Thanh Hoá thì đây cũng là mặc cảm lớn nhất
mà Phương phải chịu đựng suốt cuộc đời. Phương luôn mặc cảm mình là một cô gái
không còn trinh trắng, cô đã để lại nỗi buồn sâu thẳm trong lòng người mình yêu
thương nhất. Mặc cảm đó luôn giằng xé Phương, xô đẩy Phương để rồi khi gặp lại
Kiên, cô đã trở thành con người sống cuộc sống của “loài ca kỹ”. Phương đã trượt dài
trên con đường lầm lạc mà cái đà trượt ấy bắt đầu từ mặc cảm bị hãm hiếp của cô.
Nhân vật những người đồng đội của Kiên cũng có những sang chấn để lại
những ám ảnh trong suốt cuộc đời họ. Sang chấn đầu tiên và có sức ám ảnh lớn nhất là
hiện thực khốc liệt của chiến tranh: “Những xâu lính Mỹ trẻ măng, mình mẩy không
chút xây xát, ngồi ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm (…) Những lính
dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng,
thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mì da thịt khắm
lặm của mình (…) sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến bom y hệt một mái nhà
lợp bằng thây người (…) người lính nọ đạp phải mìn nhẩy cẵng lên ngọn cây như
được chắp cánh” [22; 109]. Những người lính trinh sát thiện chiến như Kiên luôn
phải thực hiện những trò giết người điêu luyện: không tiếng nổ, chỉ bằng dao và lê. Họ
thực sự là những cỗ máy giết người. Chính vì thế trong họ có rất nhiều ám ảnh, để rồi,
ngay trong nhưng câu hát của họ cũng thể hiện sự mệt mỏi và tâm trạng chờ đợi cái
chết đến để được giải thoát: “Bên bếp lửa đàn ghi ta bập bùng, quân lính thời 74 hát,
lời hát khốc liệt làm ớn lạnh những đêm trường, “ôi chiến trận không bến không bờ…
ngày mai hay hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh ơi, bao giờ tôi sẽ…”
[22; 22].
Khốc liệt của chiến trường còn đeo bám để ám sảnh những người lính ngay cả
khi đã hoà bình, đã trở về sống với cuộc đời thường nhật. Đại diện tiêu biểu cho những
thân phận lính bị ám ảnh cả cuộc đời là Vượng “tồ”, một lính tăng thời chiến. Vượng
“tồ” đại diện cho cả một loại người “không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố chiến
tranh, loại người bị những kí ức quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn” [22; 196].
Trong chiến tranh, Vượng đã bốn năm liền lái xe tăng tung hoành khắp Miền Đông.
Xe của anh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhưng bên trong còn có nhiều
cảnh tượng ám ảnh anh suốt đời: “các cậu hẳn thấy cảnh tăng cán người rồi chứ?
nặng thế mà thân xe vẫn bị xương thịt con người mềm mại đội kích lên một chút…Như
cái túi đẫy nước thằng người vỡ đánh bép một cái và đẩy nhẹ băng xích lên” [22; 197
- 198]. Hoà bình, Vượng vẫn là một chân lái xe, nhưng giờ đây anh ta mắc chứng
“ngợp mặt đường”, đúng ra Vượng không chịu nổi xóc. Vượng kể: “xóc mạnh ổ gà, ổ
trâu, chồm nảy lên thì còn chịu được, chứ mà những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm

34
mềm, nhũn nhũn là tớ oẹ liền, nôn, chóng mặt đến buông tay lái (…) Cứ thấy ngưới
láng cháng trước đầu xe là hết kiên nhẫn. Phải cố sức kìm mới khỏi dận ga thúc ba đờ
xốc vào họ” [22; 197]. Đó còn là hình ảnh chiếc xe tăng qua nỗi nhớ luôn ám ảnh của
Vượng: “Ở các rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. Xe chạy tới
đâu ruồi bâu tới đấy” [22; 198].
Ám ảnh từ những sang chấn của chiến tranh khốc liệt còn đến với nhiều người
lính khác, như Hiền - quê Nam Định, chiến sĩ của mặt trận khu 9. Chiến tranh tàn khốc
đã vĩnh viễn lấy đi một bên chân của chị, trả chị về hoà bình với thân thể tật nguyền.
Ám ảnh phế binh đã biến “đôi mắt đen trong sáng” của Hiền thành đôi mắt “sâu thẳm
nỗi buồn và tâm trạng tan hoang bi đát” [22; 97]. Lời cuối họ nói với nhau thật buồn:
“Đời hoà bình biết nông sâu thế nào mà lường anh. Có phải là còn chiến tranh, còn
trong bộ đội đâu mà bảo rằng sẽ một điều gì. Thôi, mai rày có nhớ nhau thì cứ cậy
vào run rủi” [22; 97].
Đó còn là Trần Sinh, một thương binh nặng đang đối mặt với tử thần. Nhưng
thần chết cũng không đưa anh đi ngay mà như là để tra tấn anh thêm một lần nữa vào
những ngày tháng cuối đời, khi đất nước đã không còn tiếng súng. Đau đớn hành hạ
khiến anh tâm sự: “Lắm lúc nghĩ cay cực khôn cùng. Ước gì có cách nào tự chết ngay
cho chóng cuộc đời. Thân phận những thằng bị thương như mình bị chiến tranh đoạt
mất tự do có khác nào thân phận nô lệ” [22; 95].
Nhìn chung, hình ảnh những người lính trong Nỗi buồn chiến tranh hiện lên với
nhiều mặc cảm, nhiều ám ảnh và nhiều bi kịch. Song, đằng sau những ám ảnh và mặc
cảm đó, người đọc vẫn tìm thấy ở họ một niềm khát khao vươn lên, nỗi khắc khoải tìm
kiếm bản thể người. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, bi kịch nào, trong sâu thẳm cõi
lòng vẫn ánh lên cái tôi thánh thiện, nhỏ nhoi, một vệt sáng của lòng nhân tình, của
tính bản thiện luôn tồn tại bên trong mỗi con người.
Quan tâm đến số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh, Bảo Ninh nhận
thấy: “Cũng như cỏ cây, số phận con người mà bị khói lửa chiến tranh ngốn thì chỉ
thoáng chốc thôi là thành tro than”. Chiến tranh như con quái vật đang say máu đã
vươn dài đôi tay bóp nát tuổi xuân, tình yêu, hạnh phúc, cuộc đời người phụ nữ. Cả
đến lúc dãy chết nó vẫn còn cào móng vuốt vào cuộc đời họ để lại những vết thương
không thể chữa lành. Bằng trải nghiệm xương máu và tấm lòng cảm thông sâu sắc với
người phụ nữ, Bảo Ninh đã mang đến cho người đọc cái nhìn chân thực và cảm xúc
khó quên. Để rồi từ đó người đọc hiểu hơn về những mất mát đau thương mà người
phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu, hiểu hơn về giá trị con người, giá trị của cái đẹp
trước sự tàn bạo của chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh của
không biết bao nhiêu người vô tội. Người chết tan xương nát thịt đã là một nhẽ, người
sống sót cũng không ra hình hài con người. Chiến tranh tràn qua đã biến những bản
35
làng bình yên thành những vùng đất chết. Những cuộc thảm sát thường dân vô tội
thường sảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là hiện thân cho những gì tàn bạo
nhất mà cuộc chiến đã gây ra. Trong tác phẩm của mình, Bảo Ninh nhắc nhiều đến
những cuộc xoá sổ những ngôi làng thường dân như thế. Đó là cái làng hủi, nơi vốn đã
tập hợp những con người bất hạnh nương tựa vào nhau lánh nạn tận xó rừng. Thế mà
chiến tranh vẫn không buông tha. Trận đánh ác liệt vào mùa khô năm 1969 xoá sổ
Tiểu đoàn 27, xoá luôn vết tích của ngôi làng. Khi đơn vị của Kiên quay lại, làng chỉ
còn lại là một đống tro tàn, tịnh không một bóng người. Tất cả hoàn toàn bị thiêu
rụi.Cuộc chiến kết thúc nhưng câu chuyện về số phận về người dân của Bảo Ninh thì
chưa kết thúc. Ông tiếp tục kể câu chuyện của họ trước bộn bề đổ nát, ngang trái sau
chiến tranh. Thực tế khủng khiếp nhất mà họ phải đối mặt là cảnh cô đơn và nỗi đau
mất người thân, mất con. Cuộc sống sau chiến tranh của gia đình ông Huynh là những
chuỗi ngày dài chìm trong đau khổ. Đó cũng là nỗi đau của Lan và mẹ Lan…
Gia đình Kiên, ngoài Kiên còn có các nhân vật: mẹ, cha và dượng của Kiên. Tất
cả những nhân vật này đều là nhân vật phụ, làm nền cho nhân vật chính là Kiên. Ngoài
mẹ Kiên, cha và dượng của Kiên đều thuộc về cùng một hệ thống, chính xác hơn là
một kiểu nhân vật. Họ nổi bật ở sự yếu đuối và lạc loài. Họ là những hình ảnh cuối
cùng buồn bã của một lớp người đã qua, một thứ chứng tích của thời thuộc địa:
“những nhà thơ thời tiền chiến“ (dượng của Kiên) và những hoạ sỹ thời “mỹ thuật
Đông Dương“ (cha của Kiên). Cắm rễ vào một thời đại để rồi không thể hoà nhập vào
đời sống và thời đại hiện tại (những dằn vặt về sáng tạo bộc lộ qua những cơn mê sảng
của cha Kiên), họ như ngững cái bóng hắt hiu của quá khứ giữa thời hiện tại. Ở
phương diện đó, những con người này vừa có ý nghĩa như một sự đối chiếu (cái lãng
mạn và một thứ tự do cá nhân đã qua và anh hùng của của một thời đang đến, một thời
báo táp và cách mạng của thế hệ Kiên), vừa nổi bật ở khả năng tiên cảm về một thời
đại sắp tới. Khả năng tiên cảm ấy thể hiện ở những lời tiễn biệt buồn bã như một lới
trăn trối của dượng Kiên với Kiên trước ngày anh ra trận. Nó thể hiện cái nghi thức
“man rợ và dấy loạn”của cha Kiên đốt đi toàn bộ tác phẩm của mình trước khi ông từ
dã cõi đời. Đối với ông, hành động đốt tác phẩm thể hiện tột cùng của một sự lạc loài
của một tâm hồn trong một thời đại mới đồng thời cũng là tiên cảm về mặt bên kia của
một thời đại chiến tranh đang tới, một thời đại anh hùng nhưng tột cùng đe doạ đối với
cái đẹp - cái giá đau đớn của chiến tranh. Mối quan hệ và những tình cảm của cha Kiên
dành cho Phương vượt ra ngoài trường nghĩa của những tình cảm thông thường của
con người. Đó là sự chiêm ngưỡng cái đẹp của người nghệ sỹ và là sự lo âu suy nghĩ
trước tương lai của những mối đe doạ đối với cái đẹp. Hình tượng người cha nghệ sỹ
của Kiên cũng đã dự báo trước cuộc đời anh. Đi qua chiến tranh mà hành trang là
những kỉ niệm êm đềm có, ác hại cũng có, Kiên trở thành người bị cầm tù của quá

36
khứ. Anh cũng phải trải qua những vật vã trong sáng tác và những đau đớn trong cuộc
đời hiện tại như cha của mình. Và hành động cuối cùng trong cuộc đời nghệ sỹ của anh
cũng là một nghi lễ tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm tinh thần của cuộc đời mình.
Bằng cảm hứng “nhận thức lại”, Bảo Ninh đã hướng ngòi bút của mình vào
những miền khuất lấp của chiến tranh để khắc hoạ bức tranh chân thật nhất về cuộc
chiến. Tuy nhiên, viết về chiến tranh Bảo Ninh không dừng lại ở việc phản ánh sự
khốc liệt của nó, cái ông hướng đến chính là phản ánh số phận con người. Với tâm
thức “không được quên tất cả những gì sảy ra trong cuộc chiến tranh này, số phận
chung của chúng ta, cả người sống lẫn người chết”, Bảo Ninh đã mang đến cho người
đọc những cảm xúc và những ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam
trong và sau chiến tranh. Dù còn nhiều buồn đau nhưng nó lại chứa đựng những giá trị
cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời về đất nước và nhân dân Việt Nam anh hùng.
2.1.4. Con người bản năng, vô thức
Năm 1905, S.Freud đã nêu lên những luận điểm đắt giá về vô thức - được xem
là một đóng góp xuất sắc nhất của phân tâm học. Hiểu khái lược nhất, vô thức là
những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của thế giới nội cảm và
không bao giờ có ở dạng tồn tại biểu hiện, không thể dùng ý thức để điều khiển được.
Trong vùng vô thức luôn diễn ra các xung đột bản năng và bản ngã, giữa phần con và
phần người và bản năng bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt không cho vượt lên
tầng ý thức. Nhưng xung lực này thể hiện phần lớn trong chứng bệnh thần kinh và một
phần trong giấc mơ.
Với mục đích làm sinh động và đày dặn thêm về bức tranh tâm lý nhân vật,
phơi bày thế giới nội tâm bí ẩn và sâu kín của con người, Bảo Ninh đã tạo ra những
biến cố gay cấn và để vô thức dẫn dắt nhân vật trải qua hành động.
Khác với các nhân vật nữ trong văn học đương đại và các nhân vật nữ khác
trong tác phẩm của Bảo Ninh, Phương không trực tiếp cầm súng, không bầm dập bởi
đạn bom khói lửa nhưng chiến tranh đã chà nát cuộc đời của cô từ cái giây phút bị làm
nhục tàn bạo tại nhà ga Thanh Hoá ấy. Biến cố chiến tranh đã kéo cô ngày càng xa
Kiên, đẩy cô vào kiếp sống của “loài ca kỹ”. Phương trở thành kẻ lạc thời, lún sâu vào
trò chơi nhục cảm để rồi luôn cảm thấy cô đơn khi có quá nhiều đàn ông đi qua cuộc
đời mình. Chiến tranh đã biến cô thiếu nữ Hà thành hồn nhiên, trinh trắng thành một
người đàn bà rệu rã trong nỗi đau thể xác lẫn tinh thần và mãi không thể hoà nhập lại
với cuộc sống bình thường được nữa.
Nhân vật Phương trước hết chúng ta cảm nhận là con người mạnh mẽ và kiên
quyết. Đó là sự mạnh mẽ, trong tình yêu với Kiên và trong cả việc bày tỏ tình yêu.
Phương luôn là người chủ động trong tình yêu với Kiên. Đó là hình ảnh Phương và

37
Kiên ở tuổi mười ba trên một toa tàu điện bỏ không: “Hai cánh tay trần của cô bé
quàng lên cổ thằng bạn trai cùng tuổi mười ba, và tới tấp cô hôn lên má, lên môi, lên
mắt bạn trong nỗi cuồng khấu trẻ thơ nhưng ngây ngất tột cùng” [22; 205]. Đó còn là
kỉ niệm Phương rủ Kiên trốn khỏi sân trường Bưởi để đi tắm Hồ Tây: “Cô máy Kiên
lẩn ra hồ. Kệ! - Cô cười - kệ các anh hùng rơm hò hét. Tớ vừa may một bộ áo tắm cực
đẹp. Phải bơi” [22; 166]. Và trong buổi tối hôm đó, Phương đã chủ động thổ lộ tình
yêu với Kiên: “Em yêu anh (...) Từ tối nay, em là vợ của anh (...) còn tối nay chúng
mình ở bên nhau (...) đừng cần gì khác ngoài em, đừng sợ gì hết. Và nhất là đừng có
sợ thay cho em. Hãy nhớ là từ nay tới lúc đó, em là vợ của anh. Đừng sợ...” [22; 173].
Ngay cả trên chuyến tàu vào Thanh Hoá, cô bị hãm hiếp, trong khi Kiên đang sững sờ,
ngơ ngác thì Phương - nạn nhân của cuộc hãm hiếp lại tỏ ra khá đàng hoàng và thản
nhiên: “Phương trả lời dửng dưng... Phương ăn uống bình thản” [22; 29]. Vô thức đã
điều khiển, sai khiến nàng, biến nàng thành con người luôn từ chối và phản kháng. Ở
sân trường Bưởi, khi mọi người nô nức bởi cuộc chiến bắt đầu thì Phương “Kệ”. Cao
hơn nữa còn là thái độ phản kháng vô thức. Phương đã từ chối con đường duy nhất mở
ra cho các thanh nữ lúc bấy giờ là đi học đại học hoặc đi thanh niên xung phong. Đó là
thái độ quay lưng lại với cả một xu thế, một quan niệm của xã hội lúc bấy giờ. Có lẽ,
tất cả những hành động đó của Phương đã bị phần vô thức sâu thẳm của nàng sai
khiến.
Đó là bóng dáng của vô thức, bởi lẽ mỗi con người đều sống trong những ràng
buộc của khuôn khổ, định chế mà xã hội và bản thân họ đặt ra. Vậy nên tất yếu sẽ có
những ham muốn bị “bắt buộc” phải rơi vào quên lãng. Nhưng nó không bao giờ là
quên lãng hoàn toàn, chúng luôn chực chờ cơ hội thoát ra khỏi bóng đêm của sự quên
lãng. Việc Phương không đi học đại học mà cũng không tham gia thanh niên xung
phong chỉ có thể giải thích được bằng vô thức như thế.
Cái đẹp vô thức bản năng của Phương đối lập với cuộc chiến hủy diệt. Nhân vật
Phương trong Nỗi buồn chiến tranh luôn khắc khoải, tìm kiếm một cái gì đó mà đôi
khi chính cô cũng không nắm bắt và chế ngự nổi. Do vậy, nhiều lúc nhân vật rơi vào
những tình thế bất ngờ, không được báo trước, không kiểm soát nổi. Tất cả những điều
đó, suy cho cùng chính là sự biểu hiện của một tâm linh vô thức đang quẫy đạp, chi
phối và điều khiển con người.
Với nhân vật Kiên - con người chỉ sống với ký ức quá khứ và những giấc mơ -
thì không dễ gì chúng ta cắt nghĩa hết được những hành động do vô thức sai khiến của
anh. Vô thức trong sâu thẳm tâm hồn đã giúp chúng ta cắt nghĩa, lý giải được những
hoạt động mà bình thường dưới ánh sáng của ý thức thì không tài nào hiểu được.
Nhân vật Kiên có tuổi thơ gắn liền với một Hà Nội đẹp, có một tình yêu thủa
học trò trong sáng, đẹp đẽ với Phương - người bạn cùng khu tập thể, cùng tuổi thơ và
38
cùng lớp, cô gái kiều diễm có đôi mắt nâu. Hình ảnh Hà Nội của tuổi thơ luôn theo sát
anh trên con đường chiến tranh. Hà Nội luôn hiện lên rất rõ trong tâm trí Kiên trong
những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương và trong những cơn mê dài của những trận sốt rét
rừng hành hạ. Đó là Hà Nội với hồ Tây, hồ Gươm, những con phố tấp nập người qua
lại; sân trường Bưởi - nơi lưu giữ bao nhiêu kỉ niệm đẹp của tuổi học trò; khu tập thể
luôn náo nhiệt với những trò chơi tuổi thơ, những lần đi tàu điện cùng các bạn… Cũng
chính hình ảnh về Hà Nội luôn thức tỉnh trong tâm trí Kiên để rồi lưu giữ, níu kéo
Kiên bao lần thoát khỏi cái chết, ở lại với cuộc đời này trong những lần mà “tử thần sờ
soạng”. Hà Nội là nguồn nuôi dưỡng và là sinh lực tiếp thêm để Kiên vượt qua bao
gian khổ chết chóc chiến trường. Trong cơn mơ, “Kiên lại được thấy Hà Nội của anh,
Hồ Tây, chiều hạ, hàng phượng vĩ ven hồ, và anh cũng nghe thấy, cảm thấy gió hồ
lộng thổi, cảm thấy sóng vỗ mạn thuyền.” [22; 19]. Tất cả những kỉ niệm đẹp của Hà
Nội đã khắc sâu trong vô thức của Kiên từ thủa thiếu thời và nó cứ trở đi trở laị, cứ ám
ảnh anh trong suốt thời gian chiến trận và ám ảnh ngay cả thời hậu chiến.
Cùng với những hình ảnh về Hà Nội là những hình ảnh, những kỉ niệm về
Phương - kỉ niệm về những rung động đầu đời luôn đeo bám, ám ảnh, dằn vặt Kiên từ
trong những giấc mơ cho đến những hành động khó có thể lý giải được bằng ý thức,
bằng lý trí. Trong nỗi nhớ của Kiên thì nỗi nhớ Phương chiếm một tỉ lệ lớn. Mối tình
tuổi học trò đó như một ngọn lửa luôn cháy trong Kiên lúc dữ dội nồng nàn, lúc lại âm
thầm sâu lắng. Trong tâm trí Kiên, hình ảnh Phương hiện lên luôn thánh thiện, trong
sáng và có sức ám ảnh lớn. Ám ảnh tới mức độ tất cả những hành động của Kiên trong
cuộc sống sau này, chỉ có thể lý giải bằng vô thức “Anh mơ thấy Phương đang ở cùng
trên thuyền thoi với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu
thương” [22; 19]. Kiên mơ thấy sân trường Bưởi, cuộc mít tinh, mơ thấy tắm cùng
Phương: “Hai đứa lẩn ra phía sau nhà bát giác, ẩn vào lùm cây sát mép Hồ Tây (…)
Kệ! - Phương nói, quỳ xuống sau lùm cây và cởi nhanh áo ngoài. Bộ đồ tắm đen kiểu
xưa không thấy các cô ngày nay bận nữa nhưng thực sự là đẹp tuyệt và nhất là thật
liều lĩnh. Mầu vải đen nhánh. Màu da trắng loá. Kiên sững người, muốn nhắm mắt lại
trước thân hình của người bạn gái” [22; 148]. Hình ảnh của Phương - một sắc đẹp
bừng cháy sân trường Bưởi - đã luôn bám lấy anh, để lại trong anh nhiều ám ảnh. Đến
nỗi, khi bị thương, nằm điều trị tại trạm quân y dã chiến, nhìn cô y tá câm có đôi mắt
mầu nâu, trong lúc nửa tỉnh, nửa mê Kiên đã bao lần gọi tên Phương. Kiên nhớ đến
những kỉ niệm đẹp: “Kiên bế Phương trên tay, bước lên bờ, nước trên mình nàng nhỏ
xuống ấm ấm. Cỏ mát rượi. Còn anh khoẻ mạnh và cường tráng biết bao, cái tuổi
mười bảy ấy. Phương mệt rũ, nằm lả trên cỏ, bàn tay nhỏ nhắn lọt trong bàn tay
Kiên... Lần đầu tiên cô xưng em với Kiên” [22; 167]. Những lời nói của Phương mà
Kiên đã được nghe, giờ đây, trên con đường chiến tranh khốc liệt, vẫn ám ảnh, vẫn

39
văng vẳng bên tai Kiên. Để rồi anh hành động một cách khó hiểu nếu chỉ nhìn từ ý
thức bên ngoài. Đó là câu nói của Phương mà anh sực nhớ khi chuẩn bị tử hình ba tên
thám báo độc ác: “Tới giây phút móc tay vào vòng cò rồi, lên súng rồi anh lại tha tử
hình cho bọn chúng”. Chẳng phải vì những lời van xin, chẳng phải vì nỗi hoang mang
của đồng đội, mà bởi tự nhiên lúc đó anh chợt nhớ tới lời nói của Phương: “Anh sẽ
giết nhiều người chứ? Sẽ trở thành người hùng chứ” [22; 176 - 177]. Đó còn là những
cảm xúc, nỗi nhớ, những kỉ niệm về những người thân của Kiên: bố Kiên, mẹ Kiên,
dượng của Kiên cũng luôn sống dậy trong lòng Kiên ám ảnh mặc dù Kiên không thật
biết nhiều về họ. Kiên cũng không thật hiểu bố - một hoạ sỹ lạc thời, u buồn và phải
thực hiện nghi lễ man dại: đốt tất cả các bức tranh ông đã vẽ trước khi chết. Đó là
những kỉ niệm về ngôi nhà, căn gác xép... kỉ niệm về lần cuối cùng gặp dượng để
chuẩn bị lên đường chiến tranh. Cảm xúc tuổi thơ, tuổi mười bảy ám ảnh Kiên còn là
hình ảnh và những kỉ niệm với Hạnh. “Người phụ nữ độc thân từng sống trong căn nhà
nhỏ sát chân cầu thang”. Đó là lần Hạnh nhờ Kiên đào giúp một cái “tăng xê” và sự va
chạm xác thịt: “Lần đầu tiên cậu cảm thấy không phải bằng mắt mà mà bằng cả khứu
giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai, của
cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng” [22; 81]. Kiên là một con người cương
quyết, rắn rỏi, gan dạ và kiên định vớí vai trò là trung đội trưởng trinh sát khi nói
chuyện với Can trước khi Can đào ngũ: “Mày điên rồi, Can! Một là mày không có
quyền làm thế, hai là tút sao nổi. Sẽ bị tóm. Rồi toà án binh, sẽ ăn đạn, càng vô phúc
hơn. Nghe tao, bình tâm đi” [22; 29]. Nhưng đó cũng là người mà luôn cảm thấy có độ
vênh với cuộc sống thời hoà bình. Kiên chỉ còn niềm vui và hơn hết là trách nhiệm
sống để viết, để làm tròn trách nhiệm với nghề văn và đặc biệt là với đồng đội - những
người đã mãi mãi không trở về được nữa để có được hoà bình ngày hôm nay. Chính vì
vậy mà những kỉ niệm của quá khứ chiến tranh chỉ là đòn cân bằng để giúp anh tồn tại
mà thôi. Chưa hết, đọc Nỗi buồn chiến tranh, người đọc còn nhận ra được một Kiên
nhút nhát trong yêu đương, trong tuổi trẻ khi là một lính mới nhưng cuộc chiến đã tôi
luyện, nhào nặn anh thành con người lì lợm, bất cần, vô thức và vô cảm với cái chết.
Bên cạnh đó, nằm rải rác và hầu hết trong tác phẩm là những đoạn Kiên nhớ lại,
kể lại những kỉ niệm, những hình ảnh đã diễn ra trong thời gian quá khứ của tuổi thơ,
trong chiến tranh và thời hậu chiến của mình. Đó là tuổi thơ đầy những kỉ niệm, tuổi
17 thật đẹp với một tình yêu trong trắng với Phương, đó là thời gian khốc liệt của
chiến trường mà bao lần cận kề với cái chết,… đó còn là cuộc sống hoà bình với
những cuộc chiến tranh ngầm không dứt trong Kiên. Tất cả được Kiên nhớ lại, kể lại
bằng các từ bắt đầu như: Hồi đó, mùa khô năm ấy, mùa mưa cuối cùng, đêm ấy… xâu
chuỗi lại, chúng ta thấy tất cả như những thước phim quay chậm về cuộc đời của nhân
vật. Bảo Ninh cũng thành công trong việc khắc hoạ nhân vật Kiên với nhiều khía cạnh

40
khác nhau nhưng tất cả đều hướng về miền đẹp đẽ nhất của tâm hồn con người. Từ đó,
người đọc sẽ cảm thông hơn, xót xa hơn cho nhân vật và cho thân phận con người.
Tóm lại, nhân vật Kiên trong suốt cuốn tiểu thuyết luôn luôn khắc khoải, luôn
kiếm tìm một cái gí đó mà đôi khi bản thể người cũng không nắm bắt và chế ngự nổi.
Do vậy, nhiều lúc Kiên rơi vào tình thế bất ngờ, không được báo trước, không kiểm
soát nổi. Tất cả những điều đó, suy cho cùng, chính là sự biểu hiện của một tâm linh
vô thức đang thức dậy, quẫy đạp, chi phối và điều khiển con người. Đời sống vô thức
chính là hai mảng vấn đề: cuộc chiến khốc liệt, gian khổ ở chiến trường và tình yêu
với nhiều nỗi buồn mà anh đã trải qua. Trong cuộc chiến tranh gian khổ khốc liệt ấy,
để sống sót trở về như Kiên thực là một sự phi thường. Cuộc chiến khốc liệt mà ở đó
đã nằm lại biết bao nhiêu đồng đội, họ nằm lại với đất ấm của đại ngàn Trường Sơn để
cho Kiên được sống, được trở về. Hình ảnh của họ, cái chết của họ luôn ám ảnh anh
trong suốt cuộc đời. Chính vì vậy, trong các giấc mơ của mình, hình ảnh những người
đồng đội đã hy sinh luôn trở đi trở lại. Sự xuất hiện hình ảnh của những người đã hy
sinh trong các giấc mơ của Kiên cũng như một lần nữa anh tri ân với họ bằng lòng biết
ơn, sự cảm phục, bằng nỗi nhớ và cả nỗi buồn mênh mang.
Con người bản năng cũng là một biểu hiện của vô thức. Freud, ông tổ của
học thuyết phân tâm học đã khám phá ra rằng năng lực libido không phải chỉ gồm bản
năng thúc đẩy chúng ta muốn sống mà nó còn gắn bó chặt chẽ với lực lượng gây hấn
với những bản năng chết. Nguyên nhân xuất hiện hai bản năng này là do con người
phải duy trì trạng thái cân bằng mong manh giữa những ham muốn cá nhân và thực tế
đời sống. Như vậy trong mỗi kiểu con người, đều có hai lực lượng vô thức mạnh
ngang nhau và chống đối nhau. Đây là nguyên nhân chính đưa tới tính cách lưỡng
năng tình cảm của tâm linh con người.
Bản năng sống
Bản năng sống là bản năng gốc, bản năng nguyên thuỷ của con người. Bản năng
sống bao gồm những gì liên quan đến sự tồn tại của con người như hô hấp, ăn uống,
tính dục và các hoạt động đáp ứng toàn bộ các nhu cầu khác của cơ thể. Đề cập đến
bản năng sống của con người, đã không ít lần trong tác phẩm, nhân vật Kiên được đặt
vào ranh giới mỏng tang của sự sống và cái chết, để qua đó thấy được bản năng sống
của con người bộc lộ nguyên hình, nguyên dạng.
Khái quát bản năng sống, Bảo Ninh đã cho nhân vật cha dượng của Kiên
phát biểu qua lời dặn dò đối với Kiên trước khi anh lên đường vào tuyến lửa:
“Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là
nếm trải sự đời một cách đủ ngọn ngành chứ không phải là chối bỏ…” [22; 72].
Trước thực tế khốc liệt của chiến tranh, mà con đường chiến tranh thì vẫn mịt

41
mù, nhưng Kiên và đồng đội của mình vẫn luôn hy vọng, vẫn luôn tin tưởng chờ đợi
vào một ngày mai tươi sáng - đó là ngày mai hoà bình, độc lập, hết chiến tranh. Mặc
dù vẫn tin tưởng và chờ đợi vào ngày mai, nhưng hiện thực chiến tranh thì không
ngừng khốc liệt, Kiên và những người lính đã phải tìm nguồn vui để quên đi tất cả sự
khổ ải của đời lính. Tối tối họ lại quây quần bên nhau để chơi bài, chuyện trò cho vơi
đi nỗi niềm. Họ có thể quên sự khổ ải đó bằng cách sử dụng một thứ dạng tiền ma tuý -
“hồng ma” để tự chế ra cho mình những ảo giác. Trong những cơn mơ lú vì hồng ma
đó, Kiên đã mơ về Hà Nội, mơ thấy Phương và cả hai người đi thuyền trên Hồ Tây với
ven hồ toàn hoa phượng. Giấc mơ đẹp đó như những biện pháp tinh thần nuôi dưỡng
tâm hồn Kiên để anh đủ sức vượt qua mọi khổ ải đời lính.
Khi cận kề với cái chết, bản năng sống của Kiên càng thể hiện rõ tràng hơn bao
giờ hết. Kiên vẫn còn nhớ rõ cái chết của Hoà, cô giao liên xinh đẹp quê Hải Hậu, hy
sinh từ năm 68, hy sinh để Kiên và đoàn thương binh đựơc sống. Bọn Mỹ đã bắt được
Hoà khi khẩu K59 của cô hết đạn. Thế nhưng, Kiên không giúp gì cho Hoà được trong
tình huống anh nhìn cận cảnh cảnh tượng dã man đó khi trong tay anh, quả u-ét đã mở
chốt, nhưng anh lại âm thầm rút lui. Đó có thể là vì đoàn thương binh đang phải cần có
Kiên giúp đỡ hay bản năng sống của Kiên đã chế ngự mọi hành động?
Trong một đợt tấn công, khi tiến đánh vào dãy lầu Lăng Cha Cả, Kiên đã có
một giây chần chừ. Từ đã nhanh chân bước lên trước để rồi Từ đã đỡ trọn loạt đạn thay
Kiên mà lẽ ra Kiên phải hứng chịu. Giây phút chần chừ đó chỉ có thể hiểu rõ khi đặt nó
dưới ánh sáng vô thức của bản năng sống. Cái chết của Tâm và Thịnh “nhớn” cũng
vậy. Nếu như Kiên ở lại để cùng đồng đội chiến đấu lại bọn biệt kích thì có thể Tâm và
Thịnh đã không phải nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo, cô đơn và Kiên cũng không
phải dằn vặt, ám ảnh.
Suy cho cùng, xuất phát từ áp lực sinh tồn và bản năng sống dồn đẩy từ trong
sâu thẳm cõi vô thức cho nên Kiên mới có những hành động như vậy. Sức mạnh vô
hình của bản năng sống trong cõi sâu vô thức nhiều khi lấn át cả lý trí con người. Dù
trong mọi hoàn cảnh, bản năng sống đã giúp con người vượt qua tất cả, chiến thắng tất
cả để đến với khát khao sẽ đến ngày dành độc lập, tự do, cuộc đời sẽ bước sang một
trang sử mới huy hoàng hơn.
Bản năng chết
Sống là phải trải qua nhưng giây phút căng thẳng, không thoả mãn, tạo ra lo âu
và đau khổ. Khi rơi vào trạng thái lo âu, đau khổ hay thất vọng, con người hao mòn
sinh lực và tạo ra một sự lo âu truyền kiếp. Chính lúc đó, cái chết xuất hiện như sự trở
về của cuộc sống an toàn và vô thức, trở về thân phận bình yên. Và chết là một cách
thức để giết những ham muốn của mình, tránh được sự đau khổ vì không thể thoả mãn

42
mọi ham muốn. Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhân vật Kiên đã nhiều lần rơi vào trạng
thái lo âu, đau khổ, thất vọng. Những lúc như thế, Kiên đã nghĩ tới cái chết, muốn tìm
đến cái chết để giải thoát bản thân mình ra khổi những lo âu không lối thoát. Chính
bản thân Kiên đã tự bộc bạch về cái chết: “Các bạn hãy tin tôi: Trong lòng cái chết
không phải là địa ngục khủng khiếp (…) Trong lòng cái chết vẫn là cuộc sống, dĩ
nhiên là một kiểu khác của cuộc sống kia. Trong lòng cái chết ta có được sự bình yên,
sự thanh thoát và tự do đích thực” [22; 110]. Khảo sát toàn bộ tiểu thuyết, chúng tôi
thấy có 5 lần tác giả viết về bản năng chết trong ám ảnh vô thức của Kiên. Đúng là đã
có những lúc Kiên buông xuôi, tìm đến cái chết như là sự tự giải thoát. Trong năm lần
Kiên nhắc tới cái chết thì có tới bốn lần Kiên nhắc tới với góc độ bản năng chết còn
lại một lần Kiên nhắc tới cái chết như một khái niệm.
Sự kiện Kiên đã tận mắt chứng kiến cảnh người mình yêu thương nhất bị hãm
hiếp ngay trên toa tàu. Sự kiện đó đã làm Kiên xót xa vô cùng. Thế nhưng hoàn toàn
trái ngược lại với suy nghĩ của Kiên, Phương “như một người đàn bà từng trải, đã gạt
bỏ mọi ảo tưởng và đã tan biến niềm hy vọng, lạnh nhạt, vô tình, dửng dưng với tất
thảy (…) một nỗi thất vọng đớn đau tràn ngập lòng anh” [22; 306]. Anh có cảm giác
như mình bị phản bội, cùng lúc đó tâm trạng anh đang dằn vặt về việc để lạc mất đơn
vị, việc không hoàn thành được nhiệm vụ hành quân. Tâm trạng dằn vặt ấy của vô thức
đã đẩy Kiên tới bản năng chết như cách tự tìm lối thoát cho bản thân mình: “Họng
súng sát sống mũi, ngón tay rít trên vòng cò, Kiên nhắm mắt lại, lòng phân vân tự hỏi.
Thốt nhiên, từ đâu đấy, dường như từ rất xa vang lên một tiếng kêu dài, gọi tên anh”
[22; 307]. Trong lần xung đột này và cả những lần xung đột tiếp theo nữa, anh không
chết, vô thức không được thoả mãn, anh vẫn không thoát khỏi những lo âu, suy nghĩ,
dằn vặt.
Nhưng không chỉ dừng lại ở lần ấy, đi sâu vào những ngày tháng chiến tranh,
sống cuộc sống khốc liệt của đói rách, bệnh tật và cả sự vô vọng trong chờ đợi ngày
chiến thắng, tinh thần người lính mục ruỗng, đầu óc mụ mị. Bản thân Kiên nhiều lần
phải ép, phải vực tâm trí mình lên nhưng không được. Trong hoàn cảnh ấy, bản năng
chết của vô thức lại trỗi dậy: “Anh như âm thầm vĩnh biệt chính mình. Anh đón đợi cái
chết nhưng ngay cả nó, cái chết cũng tầm thường và vô vị” [22; 23].
Trong vai trò của một nhà văn, khi chiến tranh đã là quá khứ, Kiên cũng không
thoát khỏi tình trạng xung đột giữa ý thức và vô thức. Anh không thoát khỏi những ám
ảnh của chiến tranh, ám ảnh của tình yêu luôn giằng xé anh đẩy anh vào ngõ cụt tinh
thần để rồi bản năng chết trỗi dậy. Kiên đã nghĩ: “chỉ có cái chết mới thực sự làm cho
anh có cảm giác yên nghỉ thực sự”. Trong trạng thái như vậy, Kiên đã thấy cái chết
đến rất gần với bản thân mình:“Anh như nghe thấy hồn mình buông một tiếng thở dài.
Âu là đã tới lúc rồi, anh tự nhủ và nhắm mắt lại, từ từ ngả người để thả rơi mình

43
xuống” [22; 152]. Ý thức đã lại một lần nữa chiến thắng. Bản năng sống đã thắng,
Kiên đã được kéo ra khỏi cái chết khi “chợt cất lên một tiếng kêu dài, gọi tên anh:
“Kiên” [22; 152].
Như vậy, sự xung đột giữa ý thức và vô thức đã dẫn đến mặc cảm chết. Nhưng
ở Kiên, bản năng sống, phần ý thức đã luôn mạnh hơn, chế ngự được vô thức, đã chiến
thắng được cái chết. Kiên tiếp tục phải sống, sống để viết như là sự trả nợ cuộc đời,
như là đi tìm một sự giải thoát.
Đề cập đến bản năng chết của Kiên không phải để cổ vũ cho những suy nghĩ và
hành động tiêu cực, bi quan của anh mà qua đó giúp chúng ta hiểu sâu hơn trạng thái
tinh thần, những diễn biến tâm lý trong chiều sâu tâm hồn của nhân vật.
2.2. Phương thức xây dựng nhân vật
M.Gorki có lần khuyên một nhà văn trẻ: “Anh hãy bỏ nghề viết đi. Đấy không
phải là việc của anh, có thể thấy rõ như. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con
người cho sinh động, mà đấy là điều chủ yếu” [25; 6]. Bởi nhân vật là một hiện tượng
ước lệ, nhưng không phải là sự sao chụp y nguyên mọi chi tiết biểu hiện mà từ những
đặc điểm điển hình về ngoại hình, tính cách, hành động...để khái quát nên những kiểu
người đặc trưng trong một môi trường sống. Do đó, nó đòi hỏi người cầm bút phải có
những khám phá tinh tế, gắn với bản thể con người. Một trong những thành công của
Bảo Ninh là khả năng khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật. Điều đó, không chỉ làm cho
nội dung tác phẩm trở nên hoàn hảo mà còn thể hiện được tối đa cái nhìn, tâm tư, tình
cảm của tác giả. Bằng nhiều phương thức khác nhau, Bảo Ninh đã mang đến cho nhân
vật mình sự sông động và chân thật.
Nhìn chung, trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh sử dụng các phương thức
xây dựng nhân vật chủ yếu sau đây: xây dựng nhân vật thông qua ngoại hình, qua
ngôn ngữ và hành động. Việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật phù hợp sẽ giúp nhà văn dễ
thành công trong việc xây dựng nhân vật. Nhân vật của Bảo Ninh trở nên sống động và
hấp dẫn người đọc nhiều thế hệ.
2.2.1. Phác thảo ngoại hình
Để khắc họa bức chân dung sinh động về các nhân vật, Bảo Ninh thường phối
hợp nhiều phương thức nhằm bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trước hết là cách khắc họa
ngoại hình. Nhân vật được nhận diện qua diện mạo, cử chỉ, dáng điệu...Chỉ vài nét
chấm phá linh động, tác giả đã có thể phác họa nên chân dung thích hợp cho mỗi vai.
Gợi cho người đọc nhận diện những nét độc đáo về tính cách của họ.
Trong những trang đầu tiên, Bảo Ninh đã giới thiệu cho người đọc những ấn
tượng về Phương một cô gái trẻ trung, xinh đẹp với mái tóc vờn trước gió: “tóc vờn
trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương” [22; 19]. Trong giấc mơ của

44
Kiên thì bóng hình của Phương xuất hiện như “bóng hình tiên nữ mờ ảo” [22; 38].
Một cô gái “tươi rói, vui vẻ và táo tợn” [22; 163], “bước sang tuổi mười bảy đã vút
lên trở thành một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi” [22; 165]. “Phương thì đẹp lồ
lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh, nỗi trội đã chẳng lẫn đi đâu lại chẳng có ý thức
nép mình” [22; 166], hình dáng của cô hiện lên trong trí nhớ của Kiên: “tấm thân đẹp
đẽ trắng ngần, nhớ hương thơm ngây ngất quyến rũ của làn da, nhớ cặp môi mọng
ngọt như trái chín, nhớ quầng thâm mệt mỏi quanh đôi mắt nâu những đêm nàng âm
thầm bải hoải” [22; 207]. Chỉ vài nét chấm phá sắc sảo về diện mạo, người kể chuyện
đã giúp người đọc hình dung được hình ảnh Phương một cô gái xinh đẹp, và cũng là
hiện thân của cái đẹp. Nhưng là cái đẹp lạc loài và lạc thời, bị tàn phá bởi chiến tranh.
Và dù chiến tranh có khốc liệt, có tàn phá thế nào đi chăng nữa thì Phương vẫn luôn
đẹp trong mắt Kiên, trong mắt người đọc cho dù bao đổi thay. “Và Kiên, Kiên cũng trở
thành một con người khác. Chỉ riêng Phương cô gái mắt nâu, long lanh, bất tử, kiều
mị và điên rồ của anh, thì dẫu bao nhiêu phong trần, dâu bể vẫn chẳng làm thay đổi
được nàng. Bất chấp những núi non tội lỗi, bất chấp những tai tiếng xấu xa, những
điều kinh khủng, mà từ nhiều năm nay đời đã gắn vào cho tên tuổi của nàng, với Kiên,
Phương vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn trong trắng, vĩnh viễn tuổi thanh xuân”
[22; 233].
Kiên “khỏe mạnh, cường tráng biết bao, cái tuổi mười bảy ấy” [22; 167].
Người kể chuyện đã cho chúng ta thấy hình ảnh của Kiên, một chàng thanh niên khỏe
mạnh, hừng hực lý tưởng chiến đấu đến đứng ngồi không yên. Anh là người đại diện
cho lí tưởng của thời đại. Tuy nhiên, anh cũng mang trong mình một nỗi cô đơn, một
sự sang chấn về tinh thần: “lầm lì lớn lên, cao lớn và cô độc” [22; 165], và chân dung
của anh cũng hiện lên khi Phương dứt khỏi anh thì anh như “rộc” đi: “tóc tai râu ria,
hốc mắt, gò má, những nếp nhăn, vẻ suy tàn” [22; 85].
Ngoài Phương và Kiên thì những nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh cũng
được Bảo Ninh phác họa ngoại hình một cách trần trụi và tinh tế. Đó là Sinh đồng đội
của Kiên “Đầu sinh trụi hết tóc, đen sạm, quắt queo như cái gộc cây. Mũi dẹt lét chỉ
còn cái sống mảnh như lưỡi dao. Môi má chẳng thấy, chỉ thấy hai hàm răng và hai hố
mắt, không rõ nhắm hay mở” [22; 93]. Đó là hình ảnh cô y tá: “Gầy yếu võ vàng, da
bọc xương, nàng vuốt ve anh với đôi bàn tay tô thám” [22; 178]. Đó là Hiền với “thân
hình mềm mại hơi lệch nghiêng, phướn lên, cô đu người tới trước từng đoạn, bả vai
nhô cao” [22; 97]. “Đôi mắt đen trong sáng nhưng sâu thẳm nỗi buồn” [22; 97]. Hay
đó là Can “một anh chàng bé nhỏ, còm nhom”... [22; 26].
Cách xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình không phải là mới. Chỉ là
khi sử dụng bút pháp này, Bảo Ninh đã có sự cách tân đáng kể. Không còn việc miêu
tả ngoại hình với những tình tiết có tính ước lệ mà từ các chi tiết biết nói để làm nên

45
hình hài, tính cách của nhân vật. Nhân vật được miêu tả từ nhiều góc nhìn, nhiều
phương diện như: mái tóc, ánh mắt, trang phục cùng những cử chỉ bình thường qua
cặp mắt quan sát tinh tế của người kể chuyện và qua những nhận xét của các nhân vật
về nhau. Do vậy, họ thoát khỏi tính ước lệ, trở nên chân thực và sống động vô cùng.
Do khả năng bao quát thế giới nhân vật trong các tác phẩm của Bảo Ninh
thường đa dạng và khá đầy đặn. Dostoiepxki từng khẳng định: “Đối với nhà văn, toàn
bộ vấn đề là ở tính cách” [22; 129], đó là trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và
hình thức, cho nên luôn được nhà văn chú ý khai thác. Tính cách nhân vật trong Nỗi
buồn chiến tranh được Bảo Ninh miêu tả rất tinh tế, từ những ước muốn, những suy tư
thầm kín bên trong, từ hành động cho đến quá trình phát triển tâm lý. Bảo Ninh với
khả năng quan sát và liên tưởng nhạy bén đã khá thành công trong việc miêu tả nhân
vật bắt đầu từ dung mạo bên ngoài để khơi gợi tính cách, làm cho chân dung nhân vật
trở nên dễ nắm bắt và chân thật như bản chất vốn có của nó.
2.2.2. Cá thể hóa nhân vật qua ngôn ngữ
Thủ pháp xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động và ngôn ngữ để bộc lộ tâm
lí là cách làm quen thuộc của Bảo Ninh. Phối hợp miêu tả hành động và lời nói sẽ bổ
sung cho những thủ pháp nghệ thuật khác để tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao hơn.
Nhân vật không chỉ được khắc họa qua ngoại hình mà còn tập trung miêu tả qua hành
động và ngôn ngữ. Hành động và ngôn ngữ góp phần cá thể hóa chân dung nhân vật.
2.2.2.1. Ngôn ngữ đối thoại
Đối thoại là lời phát ngôn của nhân vật, tác phẩm của Bảo Ninh nói chung và
Nỗi buồn chiến tranh nói riêng không hướng đến việc đồng hiện nhiều số phận, nhiều
cuộc đời. Nhưng ông thường đặt họ trong mối quan hệ liên kết chặt chẽ, có thể soi
chiếu, nhận thức trong nhau hoặc trong chính bản thân mình. Điều này thể hiện đậm
nét qua đối thoại giữa các nhân vật và đối thoại với chính tiếng nói bí ẩn trong bản
thân nhân vật. Nhờ có đối thoại mà tâm lí nhân vật có sự trao đổi, qua lại với nhau.
Giúp mỗi người có cơ hội truyền tải thông tin, khám phá tính cách của người đối diện
cũng như công khai bộc lộ quan điểm hay ước muốn của mình.
Nếu tiểu thuyết cổ điển thường hướng vào những chuyện sinh ly, từ biệt đánh
vào trái tim người đọc thì tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nói riêng và
tiểu thuyết hiện đại nói chung chủ yếu phản ánh hiện thực bằng việc xây dựng những
kiểu con người mang đặc trưng từng thời đại qua việc sử dụng người kể chuyện không
đáng tin cậy và tạo ra đối thoại. Bạn đọc có quyền nghi hoặc, chất vấn chứ không phải
đóng khung trong kết thúc mà người kể chuyện nêu sẵn. Đối thoại trong Nỗi buồn
chiến tranh thường đặt trong mạch chảy của tâm lí nhân vật và là dấu hiệu đánh dấu
những bước chuyển mạch tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lí của họ.

46
Nỗi buồn chiến tranh về cơ bản là những ký ức được tái hiện lại trong lòng hồi
tưởng của nhân vật. Vì thế, ta thấy ngôn ngữ độc thoại chiếm tỉ lệ lớn hơn ngôn ngữ
đối thoại. Tuy nhiên, ngôn ngữ độc thoại trong tiểu thuyết này lại có khả năng gợi ra
nhiều tầng nghĩa và đặc biệt ngôn ngữ độc thoại cũng mang tính đối thoại. Ngôn ngữ
đối thoại trong Nỗi buồn chiến tranh không hướng nhiều đến việc trao đổi thông tin
mà chủ yếu là để tạo bối cảnh cho tâm trạng hoặc thẻ hiện tư trưởng. Lời đối thoại có
tính chất mở, gợi suy nghĩ cho người đọc, nhưng ở đây lời đối thoại cũng không nhiều.
Phần lớn có hình thức rời rạc, buồn tẻ nhưng nó lại chất chứa tâm trạng, xung đột bên
trong. Chẳng hạn cuộc đối thoại giữa Kiên và Phương trong đêm Hồ Tây, sau ngày cha
Kiên mất:
“- Anh có nói chuyện với cha bao giờ không?
- Có chứ? Hỏi gì lạ thế? Sao lại không? Nói nhiều chuyện.
- Thế cha có nói vì sao cha không muốn sống nữa không? Vì sao cha huỷ tranh
của cha không?
- Không? Ông chỉ nói với mình chuyện khác. Nhưng sao lại huỷ? Mình không
hiểu?
- À, ừ nhỉ. Kiên đâu có biết chuyện ấy. Thế mà em lại biết. Thế mà cha lại kể
với em. Em gần với cha chứ không phải với anh. Ngọn lửa thiêu đốt các bức tranh.
Thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa ấy em nhìn thấy tương lai...
- Cái gì? Phương bảo sao? Nói gì như điên vậy. Thử nói rõ xem nào, Phương! (...)
- Từ ngày cha anh mất đi em mới thực sự yêu anh mà mới hiểu vì sao yêu anh
đến thế này (...) em là đứa con gái lạc thời và lạc loài... Anh là người con trai đúng
thời... Vậy tại sao chúng mình yêu nhau, bất chấp tất cả, bất chấp cả sự khác nhau quá
lớn giữa hai đứa? Anh có biết không?
- Thôi chúng mình về đi. Chúng mình...Kiên sợ. Phương nói những chuyện gì
đâu ấy? Sao lại lạc thời, sao lại khác nhau?
- Bây giờ thì em hiểu rằng (...) Nếu cha anh là người cùng thời, là anh, thì em
sẽ yêu cha anh chứ không phải là yêu anh” [22; 170 - 171]. Cuộc đối thoại giữa hai
người yêu nhau nhưng lời thoại rời rạc. Lời thoại của Phương thì miên man, không
nhằm trả lời câu hỏi của Kiên mà đang nhằm bộc lộ tâm sự. Phương đang nói với Kiên
mà như đang nói với chính mình. Bởi cô là người nhạy cảm trước cái đẹp, tình yêu, cô
luôn có những dự cảm buồn khi nhìn về chiến tranh. Còn Kiên thì say mê lý tưởng xả
thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, tỉnh táo, lý trí. Kiên gần như không hiểu những gì
Phương đang nói và muốn nói. Nó vượt quá tầm đón nhận của anh. Các câu hỏi của
anh đầy bực dọc, yêu cầu được giải thích. Anh và Phương đang đối thoại lệch pha. Sự
lệch pha này đã khiến cho cuộc nói chuyện giữa họ trở thành cuộc đối thoại tư tưởng

47
chứ không còn là tâm sự của hai người yêu nhau. Đằng sau cuộc đối thoại đó là những
va xiết, xung đột gay gắt giữa hai tâm hồn, hai dòng ý thức. Để rồi từ xung đột đó mãi
mãi Kiên và Phương không thể gặp nhau ở một điểm đúng như dự cảm của Phương.
Trong tác phẩm, Bảo Ninh liên tục duy trì hình thức đối thoại này để tạo nên những
mạch ngầm trong văn bản.
Trong Nỗi buồn chiến tranh ta còn bắt gặp ngôn ngữ đối thoại qua những cuộc
đối thoại khác. Đó là cuộc đối thoại của Kiên và Can:
“- Nghe nói anh sắp được ra Bắc học phải không? - Can hỏi
- Ừ, - Kiên đáp, sa sầm - mà sao?
- Không. Hỏi thế thôi, mừng cho anh.
- Mừng à? - Kiên cười gần và rành rọt văng một câu rõ tục.
- Không, đừng nghĩ là tôi tỵ Kiên. Thành thật đấy, anh không ưa tôi, nhưng
chẳng lẽ không hiểu lòng dạ tôi chút nào sao? (...) Với lại anh là con nhà tri thức,
không đáng phải chết. Với lại chẳng ai muốn chết, đúng không?
- Ai mà muốn chết, thực thế...Tớ chả đi đâu mà cậu phải mừng hộ tớ.
- Còn tôi thì bấy lâu vẫn mong ngóng cơ hội. Thú thực là tôi mơ đợt học sĩ quan
này...Thành thật là tôi rất muốn sống. Đã sống gì đâu. Nhưng tôi sẵn sàng mất tuốt chỉ
để có một tuần ở ngoài Bắc.
- Nếu thế để tớ bảo quân chủ lực họ sang tên - Kiên mỉa mai - Chứ đừng kêu
càm ràm nữa. Về lán mà nằm đi!...”. [22; 27]. Cuộc đối thoại của Kiên và Can cho
chúng ta thấy hai con người, hai cách suy nghĩ khác nhau. Kiên thì lí tưởng xả thân
chiến đấu còn Can, anh đã thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, anh thấy “cứ bắn
giết thế này thì hủy hoại tình người” [22; 27] và anh muốn dừng lại.
Nếu như cách miêu tả nhân vật từ ngoại hình mới chỉ tạo nên hình dáng bên
ngoài và hé mở sơ lược tính cách thì qua đối thoại, nhà văn đã khái quát nên cái hồn,
cái thần cho nhân vật. Làm cho bức chân dung nhân vật không còn là hình ảnh ước lệ
khô khan mà là những cá thể người với thế giới nội tâm phong phú. Những lời thoại
của nhân vật xuất phát từ chính suy nghĩ, diễn biến tâm lý bên trong, vì vậy hạn chế
được sự miêu tả chủ quan của người trần thuật. Nhân vật thoát khỏi tình trạng cái loa
phát ngôn của người viết để phát triển cá tính của mình một cách tự nhiên. Đó là một
trong những cách tân đáng kể khi xây dựng nhân vật của Bảo Ninh. Từ đối thoại, diện
mạo, quan điểm, tính cách của nhân vật được khai mở và tính khách quan được đảm
bảo tối đa.
2.2.2.2. Độc thoại nội tâm
Văn học dùng chi tiết để mô tả chân dung, hành động, quá trình nội tâm của

48
nhân vật. Những mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm cho nhân vật bộc
lộ cái bản chất sau kín của nó. Nhưng họ thường bộc lộ mình nhiều nhất qua hành
động và độc thoại nội tâm. Bằng cách này, nhân vật có thể được miêu tả một cách trực
tiếp qua ngôn ngữ trần thuật của nhà văn, có thể gián tiếp qua sự cảm nhận của nhân
vật khác hay chính là cái tôi tự trải nghiệm.
Nhân vật của Bảo Ninh được đặt trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, mỗi
người mang mỗi quan niệm, tính cách riêng. Họ luôn xuất hiện với bức tranh tâm lí đa
màu sắc. Tính cách hay số phận của họ được bộc lộ ngay trên diện mạo, cử chỉ, phát
ngôn và có khi được lồng trong các biến cố, sự kiện đời sống. Tuy nhiên, thế giới tâm
hồn họ không hề bất biến mà luôn chịu tác động sâu sắc của hoàn cảnh. Bằng cách
này, tác giả muốn xóa nhòa ranh giới giữa nhân vật hư cấu và con người có thật ngoài
đời, từ đó dễ dàng nhận được sự đồng cảm của người đọc. Cách Bảo Ninh miêu tả thế
giới nội tâm của nhân vật là trực tiếp để cho họ tự bộc lộ tâm sự của mình. Thế giới
nội tâm các nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh là những bức tranh tâm lý mang đầy
mặc cảm, dằn vặt qua các trường độc thoại nội tâm.
Độc thoại nội tâm (Interior monologue): “Là lời phát ngôn của nhân vật nói với
chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc,
suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [13; 122]. Thủ pháp này
được sử dụng rộng rãi trong văn chương. Đánh dấu mốc quan trọng trên con đường
phát triển văn học, làm cho văn học thể hiện ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về con
người.
Đặc điểm của độc thoại nội tâm trong Nỗi buồn chiến tranh là sự tái hiện dòng
ý thức trực tiếp trong bản thân nhân vật, là sự chuyển đổi cảm xúc, vận động tình cảm,
tư tưởng của nhân vật gắn với các biến cố, sự kiện. Bảo Ninh đã nắm bắt tinh tế các
hiện tượng tâm lý bên trong nhân vật khi họ phải đối diện với những tình huống cam
go của số phận hay những tranh cãi ngay trong ước muốn của nhân vật. Tạo nên những
hình tượng văn học sống động, đa diện, đa nhân cách và gắn với đời thường.
Để phản ánh hiện thực không có cách nào khác hiện hữu cho bằng để nhân vật
tự nói lên những cảm xúc và trải nghiệm của chính mình. F. Schiller từng viết: Chúng
ta không phải chỉ nhìn thấy anh ta đang thực hiện hành động như thế nào mà còn phải
nhìn thấy anh ta đang nghĩ về nó như thế nào. Ý nghĩ của anh ta đối với chúng ta còn
có ý nghĩa nhiều hơn so với hậu quả của các hành động [24; T2]. Để khắc họa thành
công bức chân dung các nhân vật gắn với nhu cầu bóc tách những suy tư thầm kín của
họ, Bảo Ninh đã mô tả những biến động thầm kín trong tâm hồn mỗi con người. Ngôn
ngữ độc thoại trong Nỗi buồn chiến tranh hàm chứa những dằn vặt, trăn trở, suy nghĩ,
thậm chí là suy nghĩ trái chiều, tự đấu tranh trong chính nhân vật. Những dòng độc
thoại khơi mở chiều sâu nội tâm thậm chí nó còn chạm được đến tầm vô thức, tiềm
49
thức của nhân vật. Tuy nhiên, độc thoại trong Nỗi buồn chiến tranh không phải là độc
thoại một chiều. Ngay trong dòng độc thoại nội tâm của nhân vật, nhà văn cũng
thường sử dụng những kiểu câu phỏng đoán, không xác định, tạo nên sự phức tạp khó
nắm bắt. Thực ra, nó là những cuộc đối thoại của nhân vật với chính mình, với những
luồng tư tưởng, tình cảm khác nhau tồn tại trong con người mình. Nhân vật của Bảo
Ninh là kiểu nhân vật tự vấn. Kiên miên man trong những dòng độc thoại nội tâm suốt
từ đầu đến cuối tác phẩm. Tuy nhiên lời độc thoại của Kiên lại cho thấy anh không
phải đang kể lại cuộc đời của mình mà đang sống lại những ngày tháng đã qua, vì thế
nhiều lời độc thoại của Kiên như là đang đối thoại với chính mình, với độc giả. Chẳng
hạn như cuộc độc thoại sau: “Bây giờ thì đã qua cả rồi. Tiếng ồn ào của những cuộc
sung sát đã im bặt (...). Tuy nhiên cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản
thân mình, cứ nhìn kỹ vào nền hoà bình thản nhiên kia, và nhìn cái đất nước đã chiến
thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao. Một người ngã xuống
để người khác được sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế (...) Chính nghĩa đã thắng,
lòng dân đã thắng, nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng (...).
Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa
thạch, nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng thấm thía hơn, sẽ không bao
giờ nguôi” [22; 258]. Lời độc thoại về lẽ sống chết, về cuộc chiến thắng và nền hoà
bình nghe như những dằn vặt, xót xa, lại nghe như đang tự vấn, như đang đối thoại với
người đọc và cần sự đối thoại trở lại.
Người đọc càng xót xa khi chứng kiến sự dằn vặt của Kiên khi anh đọc bản thảo
của mình: “Anh ngỡ ngàng và kinh hãi thấy điều mà mình vừa khẳng định ở trang
trước lại phủ định ở trang này. Và các nhân vật của anh không ngừng mâu thuẩn.
Tuồng như càng trăn trở anh càng trượt nhanh khỏi vấn đề làm anh trăn trở (...) miền
của những bí quyết và năng lực tinh thần có thể là bẩm sinh song rất có thể chẳng bao
giờ bộc lộ, mãi mãi chỉ là tiềm ẩn” [22; 61]. Đó là những dằn vặt mang đầy mặc cảm
của anh về những dự định mà anh đã đánh mất. Nó khiến anh day dứt, khao khát muốn
được viết theo đúng trái tim mình nhưng không thể. Những cuộc tranh luận không
công khai trong một con người, chỉ mình anh day dứt với nỗi đau và ước muốn của
mình.
L. Tolstoi từng phát biểu: “Mục đích của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm
hồn con người, nói lên những điều bí ẩn mà không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ
thông thường được”. Với độc thoại nội tâm, Bảo Ninh đã phơi bày từ bên trong những
diễn biến tâm lý phong phú, phức tạp và bí ẩn. Con người có thể có những biểu hiện
bên ngoài giống nhau, nhưng sự dằn vặt khổ đau, êm đềm hay nổi sóng bên trong lại
mang những âm điệu hoàn toàn khác. Con người ở đây không chỉ là con người “đã
sống” mà còn là con người “đang sống”, đang chịu đựng và vượt qua cuộc vật lộn đầy

50
khắc nghiệt của cuộc sống sau chiến tranh. Hình tượng nhân vật trong Nỗi buồn chiến
tranh vì thế cũng trở nên sâu sắc và toàn vẹn hơn. Hơn ai hết, Bảo Ninh đã có những
cảm nhận sâu sắc khi thể hiện sự dằn vặt và cô đơn chất chứa ở đáy sâu tâm hồn con
người sau ánh hào quang của chiến thắng.
2.3. Khắc họa tính cách nhân vật qua hành động
Bên cạnh ngôn ngữ thì hành động của nhân vật cũng là một phương diện quan
trọng góp phần khái quát tính cách của họ.
Phương, cô gái mạnh mẽ và kiên quyết. Sự mạnh mẽ và cương quyết đó của
Phương được thể hiện trong tình yêu đối với Kiên và trong cả việc bày tỏ tình yêu.
Phương luôn là người chủ động trong tình yêu với Kiên. Đó là hình ảnh Phương và
Kiên ở tuổi mười ba trên một toa tàu điện bỏ không: “Hai cánh tay trần của cô bé
quàng lên cổ thằng bạn trai cùng tuổi mười ba, và tới tấp cô hôn lên má, lên môi, lên
mắt bạn trong nỗi cuồng khấu trẻ thơ nhưng ngây ngất tột cùng” [22; 205]. Đó còn là
kỉ niệm Phương rủ Kiên trốn khỏi sân trường Bưởi để đi tắm Hồ Tây: “Cô máy Kiên
lẩn ra hồ. Kệ! - Cô cười - kệ các anh hùng rơm hò hét. Tớ vừa may một bộ áo tắm cực
đẹp. Phải bơi” [22, 166]. Và trong buổi tối hôm đó, Phương đã chủ động thổ lộ tình
yêu với Kiên: “Em yêu anh! Như yêu cha anh. Như em là chị, là mẹ của anh. Như em
vẫn yêu anh từ xưa đến giờ. Từ nay, từ tối nay, em là vợ của anh. Em sẽ đi cùng anh
tới cửa chiến tranh, xem nó sẽ ra sao. Cho tới khi buộc phải chia lìa không cưỡng
được thì thôi (...) đừng cần gì khác ngoài em, đừng sợ gì hết. Và nhất là đừng có sợ
thay cho em. Hãy nhớ là từ nay tới lúc đó, em là vợ của anh. Đừng sợ...” [22; 173].
Ngay cả trên chuyến tàu vào Thanh Hoá, cô bị hãm hiếp, trong khi Kiên đang sững sờ,
ngơ ngác thì Phương - nạn nhân của cuộc hãm hiếp lại tỏ ra khá đàng hoàng và thản
nhiên: “Phương trả lời dửng dưng...Phương ăn uống bình thản” [22; 29]. Hành động
đó thể hiện cá tính mạnh mẽ, bất cần và lòng tự trọng của cô.
Kiên, một chàng trai luôn mang trong mình lí tưởng chiến đấu. Kiên là một con
người cương quyết, rắn rỏi, gan dạ và kiên định vớí vai trò là trung đội trưởng trinh sát
khi nói chuyện với Can trước khi Can đào ngũ: “Mày điên rồi, Can! Một là mày không
có quyền làm thế, hai là tút sao nổi. Sẽ bị tóm. Rồi toà án binh, sẽ ăn đạn, càng vô
phúc hơn. Nghe tao, bình tâm đi” [22, 29]. Đã có những lúc, khi đối mặt với kẻ thù,
đạn bắn xỗi xả, nổ inh tai, thế nhưng Kiên “chẳng buồn khom người xuống, thong thả
đi tới, vẻ khinh thị và uể oải…” Và rồi Kiên tiến sát đến từng tên địch đang nấp một
để “điểm xạ” cho “tên nguỵ bật khỏi gốc cây như bị búng đi”. Đó còn là hành động xả
súng như điên loạn, không thể kiểm soát được khi Kiên “và Tạo “voi”, hai thằng quỳ
bên khẩu Mã lai bắn xả vào dòng thác tàn binh của trung đoàn 45 đang tháo chạy
khỏi vùng đất trống Phước An rìa ngoài Buôn Mê Thuật. Khẩu đại liên hoá điên (…)
Kiên muốn ngừng bắn nhưng bàn tay thần chết giữ rịt lấy tay anh” [22; 150 - 151].
51
Chúng ta cũng có thể giải thích được hành động của Kiên khi anh để các chiến sỹ dưới
quyền của mình (Thời gian đơn vị đóng ở truông Gọi Hồn vào mùa mưa năm 1974) tự
do mất kỷ luật, bỏ đơn vị đi theo tiếng gọi của tình yêu với ba cô gái bị kẹt lại giữa
rừng ở huyện đội 67. “Lí ra, là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỉ luật quá
quẩn này (…) Không những nó năn nỉ anh mà trái tim anh buộc nó phải im lặng, buộc
anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm thế nào khác được, thực thể trước
tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh xuân” [22; 38].
Khi hoà bình lập lại, Kiên trở về sống với cuộc sống của một công dân thời hậu
chiến với bao “vênh lệch” khó hoà nhập. Hơn hết, với vai trò là một nhà văn, anh phải
viết, phải phản ánh tất cả trong những sáng tác của mình. Đôi lúc Kiên nghĩ, nên viết
về những người xung quanh mình, những người thân hoặc những người cùng khu tập
thể của mình với biết bao nhiêu câu chuyện thú vị. Ý định thì vậy, dường như có một
thế lực vô hình nào đó cứ đẩy anh chệch đi khỏi con đường anh đã chọn: “ đà viết đã
cuốn trôi đi hết mọi dự định hoặc làm xáo trộn lên làm mất trình tự và mạch lạc mà
Kiên mong muốn. Khi đọc lướt lại bản thảo anh ngỡ ngàng và kinh hãi thấy điều mà
mình vừa khẳng định ở trang trước đã bị phủ định ở trang này. Và các nhân vật của
anh không ngừng tự mâu thuẫn. Tuồng như càng trăn trở anh càng trượt nhanh khỏi
vấn đề làm anh trăn trở” [22; 61].
Nhà văn Kiên đã viết rất nhiều trang bản thảo song “càng viết, Kiên càng âm
thầm nhận thấy rằng, không phải là anh mà là một cái gì đấy đối lập thậm chí thù
nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả
những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất
của anh” [22; 62]. Hoặc là “đôi khi cũng toan một hướng mới nào đó nhưng ngòi bút
lại chẳng tuân theo (...). Song một cách không thể cưỡng lại, các trang bản thảo dựng
dậy hết cái chết này qua cái chết khác, dần dần đi sâu vào những cánh rừng nguyên thuỷ
của chiến tranh, lặng lẽ nhóm lên mãi cái lò lửa tàn khốc ấy của kí ức” [22; 70 - 71].
Qua hành động của nhân vật, nhà văn dựng nên bức chân dung sống động về
con người trước những hoàn cảnh, những khúc ngoặt của cuộc đời, mỗi người tự đưa
ra cho mình những lựa chọn riêng và đòi hỏi phải có trách nhiệm trước những lựa chọn
ấy. Bức tranh tâm lý nhân vật trở nên sinh động hơn qua những phân tích, đánh giá có
ý thức của nhân vật trước những quyết định của họ.
2.4. Thủ pháp dòng ý thức và khả năng khai phá thế giới nội tâm nhân vật
Theo Đào Tuấn Ảnh: “Dòng ý thức là một trong những nguyên tắc tổ chức tác
phẩm nghệ thuật, là phát hiện của nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, thể hiện tham vọng
của các nghệ sĩ tái dựng thế giới bên trong con người một cách chân thực” [2; 47].
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh đã sử dụng khá thành công thủ pháp dòng

52
ý và khả năng khai phá thế giới nội tâm nhân vật. Đặc biệt, Bảo Ninh đã dùng hàng
loạt những giấc mơ để khai phá thế giới nội tâm nhân vật của mình.
Đó là giấc mơ Kiên gặp lại những đồng đội của anh khi anh đi thu nhặt hài cốt
đồng đội và ngủ đêm lại ở truông Gọi Hồn. Đêm xuống, “anh vẫn mơ thấy chúng,
những con bài ấy. Xướng lên và một mình đen đỏ với mình (…) Cỗ bài được trang lần
cuối, Kiên nhớ, khi trung đội chỉ còn lại bốn mống: Từ, Thanh, Vân và Kiên (…) Sau
đấy chừng nửa giờ Vân chết cháy cùng với chiếc T54 đầu đàn. Thân xác ra tro chẳng
cần huyệt mộ. Còn Thanh thì chết ở Cầu Bông, và cũng bị thiêu trong quan tài thép
cùng với tổ lái” [22; 16 - 17]. Hoặc ở một giấc mơ khác: “Cách đây không lâu, trong
mơ tôi đã trở lại với truông Gọi Hồn… cảnh ven suối, toàn trung đội tập hợp trước
nấm mồ của Thịnh “con , vào buổi chiều trước lúc nhổ neo rời Cánh Bắc “Thịnh ơi,
nằm lại với đại ngàn thân yêu (. ..) Xin hãy lắng nghe tiếng súng anh em rửa thù cho
bạn rồi đây sẽ rung chuyển đất trời” [22; 57].
Đó còn là hình ảnh của cô giao liên xinh đẹp tên Hoà, đã hiện lên rất rõ trong
giấc mơ của Kiên: “Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hoà thấp
thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi da diết
mà ngay hồi đó tôi không hề cảm thấy.(…) Hoà gục ngã giữa trảng cỏ và đằng sau
bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như con đười ươi, phì phò
thở, giằng giật, nặng nề, hộc rống lên” [22; 58].
Đó là hình ảnh của Can không sao gột ra khỏi tâm trí: “Đêm đêm, anh nghe
thấy Can trở về thì thào ngay bên võng (...) thành tiếng nấc nhẹ y như là tiếng nước
sặc lên trong họng của kẻ sắp sửa chết chìm” [22; 32]. Nhớ về những người đồng đội
đã hy sinh cho anh được sống, cho đất nước được hoà bình cũng có nghĩa là anh đã
sống lại với những năm tháng khủng khiếp, khốc liệt của chiến tranh, nơi mà: “Chiến
tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi
không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp
nhất của dòng giống con người!” [22; 39 - 40]. Đó là giấc mơ khi Kiên ngủ qua đêm
trên xe với hàng chục bộ xương tử sỹ trên đường thu nhặt hài cốt tại truông Gọi Hồn.
Đó là trận đánh vào cuối mùa khô năm 69, đã xoá sổ phiên hiêụ Tiểu đoàn 27 Độc lập.
Đó là hình ảnh đậm đặc của lửa xăng, của lửa napan thiêu rụi rừng và nhấn chìm con
người trong biển lửa rồi trực thăng rà rạp trên đầu… Hình ảnh máu tung xối, chảy toé,
ồng ộc, nhoe nhoét, hình ảnh trung đội trưởng tự sát đầy man dại…
Rồi ở một giấc mơ khác: “Gần như toàn bộ cuộc đời chiến đấu với cả một đạo
quân những người đã chết mà anh từng gặp gỡ trong chiến trận đã trở về với anh qua
những cánh cửa vòm cuốn mờ tối của giấc mơ dài không dứt. Âm vang của ngày tháng
đã qua như những chuỗi sấm nguồn xa tắp làm tâm hồn anh từng lúc một hoặc sôi sục,
hoặc nhói đau, hoặc ngưng lặng đi” [22; 33].
53
Hiện thực chiến tranh khốc liệt đã in dấu ấn quá đậm nét vào trong tâm trí của
những người lính chiến trực tiếp chiến đấu như Kiên để rồi những hình ảnh ghê rợn
của chết chóc và huỷ diệt ấy luôn đeo bám để ám ảnh Kiên. Không những nó đeo bám
trong mỗi giấc mơ khi ngủ mà nó còn hiện lên ngay cả những lúc Kiên không hề ngủ.
Hay nói cách khác là Kiên đã mơ khi vẫn đang thức: “Nhiều hôm không đâu giữa phố
xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh (...). Có đêm tôi giật mình thức dậy
nghe tiếng quạt trần hoá thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang” [22; 58 - 59].
Hiện thực chiến tranh còn ám ảnh Kiên ngay cả với những xác chết của kẻ thù ở
bên kia chiến tuyến. Đó là tên ngụy bị chết dưới hai làn đạn qua lời kể của Phán: “Và
chính lúc đó anh ta lộn sấp xuống đè uỵch lên tôi như khúc gỗ (…) Mảnh bom chém lìa
một bàn chân, người đầm đìa máu, hai tay run bần bật ôm lấy chỗ ruột đang phòi ra
đang nghi ngút hơi nóng” [22; 113]. Đó còn là những xác chết của nữ chiến binh bên
kia chiến tuyến cũng ám ảnh Kiên trong những giấc mơ: “Cô gái hôm qua nằm chết
trần truồng ở ngưỡng cửa hải quan, giờ đây đã vứt bỏ tấm vải liệm bằng rèm cửa sổ,
và cả bộ đồ người ta mặc vào người cô trước lúc đem đi chôn cũng rũ tuột, loã lồ
khủng khiếp bơi tới với anh. Bộ ngực trắng bệch, mái tóc xoà rối rũ rượi, cặp mắt
huyền đầy kiến, đôi môi méo mó nở nụ cười vàng ệch” [22; 132 - 133]. Qua những
giấc mơ của Kiên, chúng ta còn có thể nhận thấy nỗi nhớ Hà Nội thân yêu, nỗi nhớ
Phương với mối tình trong trắng của thủa thiếu thời cứ trở đi trở lại và khắc sâu trong
vô thức của anh mãi không thôi. Suốt dọc đường chiến tranh, đã nhiều lần Kiên mơ
thấy Hà Nội. Cuộc đời người lính gian khổ và nhiều khi tưởng chừng sẽ không thể
vượt qua, họ phải tìm đến “hồng ma” - một thứ bả độc để khi hút nó, người lính lại
tràn ngập vào những giấc mơ mộng mị. Ngay cả Kiên cũng vậy, “trong những cơn
mê… Kiên lại được thấy Hà Nội của anh, Hồ Tây, chiều hạ, hàng phượng vỹ ven hồ,
tiếng ve kêu râm ran khi hoàng hôn xuống” [22; 19]. Hà Nội của Kiên trong mơ còn là
một Hà Nội mùa đông: “không hiểu sao Kiên đặc biệt hay mơ thấy Hà Nội mùa đông
những đêm tối trời, suốt đêm gió thổi, mưa rơi, lá rụng…và cứ khoảng xế chiều là da
trời lại xám ngăn ngắt. Gió lạnh lùa dọc phố, mưa phùn lại bắt đầu rơi, lại nỗi nao
buồn” [22; 84]. Những giấc mơ của Kiên về Hà Nội, về ký ức tuổi thơ không thể thiếu
vắng được hình bóng thân thương, quen thuộc của Phương - người con gái mắt nâu
xinh đẹp đã từng “rực cháy sân trường Bưởi” - mối tình trong sáng, đầy kỉ niệm đẹp
nhưng cũng đầy ắp nỗi buồn chứa chất. “Anh mơ thấy Phương đang ở trên thuyền thoi
với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương” [22; 19].
Trong những hôm anh để cho chiến sỹ trong trung đội bỏ đơn vị đi theo tiếng gọi của
tình yêu, anh lại mơ thấy Phương trong nỗi nhớ nhung và trong tiếng gọi của bản năng:
“Hai đứa mình có khi chết vẫn còn trong trắng… Vậy mà chúng mình yêu nhau biết
dường nào… Những lời nói của Phương văng vẳng làm tim anh thắt đau. Mới mười

54
bảy tuổi, thủa đó cả hai đứa còn biết chừng nào là vụng dại. Giá như... ” [22; 39].
Trong những giấc mơ về Hà Nội những ngày đông rét, Kiên cũng mơ thấy Phương,
nhưng lại là hình ảnh khác: “Phương đã bỏ ra đi từ đầu mùa đông. Không có tin tức
gì cả, chẳng thư từ gì hết như thể là nàng đã quyết một đi không trở lại. Cửa giả bên
buồng nàng im lìm, khoá trái, có vẻ như sẽ không bao giờ còn mở ra nữa.” [22; 84].
Hình ảnh của Phương không chỉ đến trong những giấc mơ bình thường khi ngủ của
Kiên mà hình ảnh Phương còn đến cả khi Kiên mê man vì sốt rét ác tính, vì bị thương
phải điều trị tại trạm quân y dã chiến. “Những lúc tỉnh dậy mở được mắt ra như thế,
bao giờ anh cũng mờ mờ thấy Phương đang ở trong hầm với mình. Anh thều thào gọi
tên nàng nhưng Phương không đáp, chỉ mỉm cười và cúi sát xuống đặt môi lên trán
anh nhờn nhụa mồ hôi” [22; 178]. Ngoài việc thể hiện một ước muốn nào đó bị kìm
nén với ít nhiều có tính nguỵ trang thì những giấc mơ của Kiên và những người đồng
đội của anh còn có tính chất như một dự báo, một dự cảm cho một tương lai gần sẽ xảy
ra, ngày càng khốc liệt hơn. Chiến tranh gian khổ, ác liệt, không biết sống chết như thế
nào, con người tồn tại được trong chiến tranh quả thật là một điều kỳ diệu. Sự khốc
liệt, tàn bạo của chiến tranh đã in dấu rất đậm những ám ảnh, lo sợ trong giấc mơ của
Kiên và đồng đội. Thế nhưng, vẫn là chưa đủ, bởi dường như, qua những giấc mơ đó,
chúng ta thấy nó như báo trước một điều gì đấy cho diễn biến tiếp theo của cuộc đời
lính chiến. Trong cơn mơ, “trông thấy vô khối sự hão huyền (…) chính mắt nom thấy
những toán lính da đen không đầu chơi trò rước đèn ở ven rừng … những tiếng hú
man dại” [22; 20 - 21]. Và điềm báo đó chính là hệ quả của sự quá khốc liệt, quá
nhiều chết chóc của chiến tranh để rồi nó luôn ám ảnh người lính ngay cả trong vô
thức: “Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đôị mọc lên
nhấp nhô tựa sóng cồn… Bên bếp lửa… quân lính thời 74 hát…” ôi chiến trận không
bến không bờ… ngày mai hay ngày hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh
ơi, bao giờ tôi sẽ...” [22; 22]. Hoặc, ngay trong những giấc mơ của đồng đội mà Kiên
được nghe họ kể lại cũng ẩn chứa dự cảm cho một tương lai gần sắp diễn ra. Đó là
giấc mơ mà Can đã kể lại cho Kiên nghe vào buổi chiều mưa rừng: “Dạo này đêm nào
tôi cũng mộng thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu
người” [22; 29]. Điềm báo từ giấc mơ của Can kể lại đã trở thành sự thật. Đúng chiều
hôm đó, đơn vị đã mất Can mãi mãi: “Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm
được cái xác. Cái xác lở loét, ốm o như cái xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau
lầy lội. Mặt của cái xác chết bị quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kỳ ghê
tởm… Hai cái hố mắt như hai cái tăng xê…” [22; 31].
Bằng thủ pháp dòng ý thức và khả năng khai phá thế giới nội tâm nhân vật qua
những giấc mơ. Bảo Ninh đã giúp cho chúng ta thấy được nhân vật Kiên trong Nỗi
buồn chiến tranh là một người luôn khắc khoải, luôn trăn trở, luôn kiếm tìm một cái gì

55
đó mà đôi khi bản thể người cũng không nắm bắt và chế ngự nổi. Và cũng qua những
giấc mơ ta thấy được cuộc chiến khốc liệt, để đổi lại sự sống cho con người thì đã có
biết bao đồng đội phải hi sinh và nằm lại ở chiến trường.
*
* *
Thế giới nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh thật phong phú và đa dạng. Đó là
những con người mang lí tưởng thời đại đồng thời mang những mặc cảm tội lỗi, những
sang chấn thể xác lẫn tinh thần, con người bản năng, vô thức. Với tài năng và nỗ lực
của mình, Bảo Ninh đã vẻ nên những bức chân dung về con người. Đồng thời, qua
những thân phận nhỏ bé, những mảnh vở của cuộc đời ấy, nhà văn đã phần nào giúp
người đọc hiểu rõ thân phận của con người trong thời kì chiến tranh và hậu chiến.
Cuộc sống của con người hậu chiến hiện lên trong tiểu thuyết đầy ám ảnh và
nhức nhối. Đó là một phức hợp của những dạng thức cô đơn mà độc giả khó lòng phân
tách được, nhưng ẩn sau đó là sự xót xa, một nỗi buồn cần thiết và đủ để con người ý
thức rõ giá trị đích thực của cuộc đời.
Từng trang văn, từng dòng chữ đều thấm đẫm máu và nước mắt, ngập đầy nỗi
đau và tiếng rên xiết từ nỗi lòng sâu thẳm của con người. Lắng nghe những tiếng rên
rên xiên ấy, ta lại phải suy nghĩ sâu hơn về cuộc sống của chính mình và thời đại mình.
Liệu những nỗi đau ấy còn tồn tại đâu đó trong cuộc sống của chúng ta khi vòng quay
xã hội đang dần bóp chặt con người bằng cách tàn nhẫn của nó? Và cũng có thể nỗi
đau ấy đang hiện hữu ngay trong bản thân chúng ta mà ngay bản thân ta lúc này chưa
thấu thị được. Nỗi đau mà Bảo Ninh nói đến trong tác phẩm của mình không phải là
vấn đề của chỉ một số phận , một con người hay một dân tộc mà chính là vấn đề của cả
thời đại chúng ta.

56
Chương 3
CẤU TRÚC KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn
nhất định về không gian và thời gian. TS. Nguyễn Văn Nam đã viết: “Không gian
nghệ thuật càng ngày càng được chú ý trong các nghiên cứu về thi pháp, không những
vì trên những nguyên lý chung đó là hình thức tồn tại cơ bản của thế giới con người,
mà còn vì càng ngày ta càng ta càng nhận thấy bản sắc riêng của nền văn học, văn hóa,
văn minh khác nhau thể hiện hết sức rõ rệt và độc đáo qua cách lý giải riêng của chúng
về các phạm trù không gian - thời gian” [10; 312].
3.1. Không - thời gian lịch sử
Không gian, thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, nó thể
hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Thời gian và không gian
nghệ thuật không tách rời nhau vì thế người ta có thể xem xét một cách tổng hợp qua
phạm trù không - thời gian. Không - thời gian nghệ thuật có đặc điểm là luôn mang
cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh. Nó mang đầy tính chủ quan, in đậm phong cách nghệ
thuật của nhà văn. Tuỳ vào cá tính sáng tạo, ý đồ nghệ thuật của mỗi nhà văn ở mỗi
giai đoạn văn học mà hình tượng không - thời gian trong văn học có sự khác nhau.
Giai đoạn trước 1975, các nhà văn khi triển khai thế giới nghệ thuật thường lấy
sự kiện, biến cố làm trung tâm chú ý, tâm lý nhân vật nếu có khai thác thì cũng nhằm
làm nổi rõ những biến cố, sự kiện lịch sử đang diễn ra.
Còn đối với Bảo Ninh, khi xây dựng thế giới nghệ thuật, ông đã chú ý nhiều
đến dòng ý thức của nhân vật, những sự kiện và biến cố hiện lên trong hồi tưởng đều
nhằm khắc sâu tâm trạng của nhân vật Kiên ở hiện tại. Chính vì thế, không - thời gian
nghệ thuật trong tác phẩm của Bảo Ninh nói chung và trong Nỗi buồn chiến tranh nói
riêng có những đặc trưng không giống với những nhà văn khác.
Như chúng ta đã biết, cốt truyện của Nỗi buồn chiến tranh phần lớn hiện lên
qua dòng hồi tưởng của nhân vật sau một độ lùi thời gian nhất định, bởi thế không -
thời gian trong tác phẩm hầu hết là không - thời gian lịch sử được thể hiện qua không -
thời gian quá khứ. Câu chuyện của Bảo Ninh thường bắt đầu ở không - thời gian hiện
tại hoặc người kể chuyện đứng ở không - thời gian hiện tại để kể chuyện. Nhưng nội
dung câu chuyện lại hầu hết thuộc về quá khứ. Khảo sát toàn bộ cuốn tiểu thuyết, để
thể hiện không - thời gian quá khứ, Bảo Ninh đã sử dụng đến 60 lần các từ ngữ chỉ dẫn
thời gian quá khứ (60 trên tổng số 98 lần xuất hiện các từ và cụm từ chỉ dẫn cho cả 3
thì: quá khứ, hiện tại và tương lai). Cụ thể: “đêm ấy” được sử dụng 8 lần, từ “hồi” kết
hợp với “hồi đó”, “hồi ấy”, “hồi xưa”, “hồi hè”, “hồi trung đoàn 3 về đây” được dùng

57
tới 16 lần. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các từ ngữ khác như: “bấy giờ” (3 lần), “cái
đêm xa xăm ấy”, “buổi tối hôm ấy”, “mấy hôm ấy”, “những ngày tháng phía trước”,
“phải rất nhiều năm sau”, “năm ấy”, “hôm đó”, “ngay tối hôm đó”, “nhiều tháng năm
trôi qua”, “từ đêm ấy bắt đầu”, “cách đây không lâu”, “hai mươi năm đã qua”, “Kiên
nhớ lại một buổi chiều”, “vào một mùa hè cách đây đã dăm năm”, “chiều hôm ấy”,
“mùa đông ấy”, “trước chiến tranh”, “nhiều phút đã qua”, “cuối mùa hạ vừa rồi”… Đó
có thể là quá khứ của nhiều năm về trước. Đó có thể là quá khứ của những ngày chiến
tranh hay những ngày hoà bình đầu tiên. Không - thời gian hiện tại, tương lai có xuất
hiện nhưng bị không - thời gian quá khứ áp đảo, lấn lướt. Nó hoặc trở nên nhoè mờ,
hoặc đồng hiện cùng thời gian quá khứ để nói đến cái hiện thực đầy xáo trộn trong tâm
thức của nhân vật ở hiện tại. Để hướng về hiện tại, tác giả sử dụng các chỉ dẫn thời
gian như: “một đêm”, “một buổi tối”, “đã bao đêm như thế”, “bây giờ”, “giờ đây”,
“năm nay đã tứ tuần rồi”, “buổi sáng”. Tuy nhiên, không - thời gian quá khứ của Bảo
Ninh không phải là đã đông cứng, đã hoàn kết mà là cái đang được nhà văn làm sống
lại, tươi rói và sinh động trước mắt người đọc. Để có được điều đó, Bảo Ninh đã sử
dụng thủ pháp đồng hiện, hiện tại hoá không - thời gian quá khứ. Ông đã không tạo ra
khoảng cách tách biệt giữa quá khứ với hiện tại mà để quá khứ đồng hiện cùng hiện tại
hoặc đặt quá khứ vào hiện tại dể cảm nhận. Không gian, thời gian thì thuộc về quá khứ
nhưng cảm giác về nó thì thuộc về hiện tại. Bởi thế không - thời gian nghệ thuật trong
Nỗi buồn chiến tranh phát huy tối đa hiệu quả nghệ thuật, sinh động, lôi cuốn người đọc.
Không - thời gian lịch sử trong Nỗi buồn chiến tranh liên quan đến nhiều số
phận, con người và cả dân tộc. Nhân vật trung tâm của tác phẩm như chúng ta đã biết
là Kiên, cựu binh, tay nhà văn phường đang viết cuốn tiểu thuyết bằng tư liệu cuộc đời
chiến binh của mình. Kiên viết không phải để cho ai đọc mà viết như là lẽ sống bởi
anh là kẻ lạc thời, không hoà nhập được với hiện tại, chỉ thấy ý nghĩa tồn tại ở quá
khứ: “Tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho
tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn
lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà do những hồi tưởng” [22; 59]. Nghĩa
là Kiên đang sống lại với quá khứ, trải nghiệm một lần nữa quá khứ. Bởi thế trong tác
phẩm, các mốc thời gian, các điểm không gian quá khứ ngồn ngộn hiện lên cùng hồi
ức. Bắt đầu của những mảnh hồi ức trong dòng chảy ý thức của Kiên bao giờ cũng là
các cụm từ chỉ thời gian quá khứ: “Đêm ấy” [22; 35], “Hồi đó, vào độ cuối tháng
tám” [22; 18], “Thời ấy” [22; 14], “Hồi ấy, sau ba tháng huấn luyện ở Nhã Nam”
[22; 209]... Sau các mốc thời gian là không gian hiện lên. Đó là không gian trường
Bưởi, không gian Hà Nội xưa, không gian núi rừng Tây nguyên gắn với những địa
danh của chiến trường B3 khốc liệt: truông Gọi Hồn, đồi Xáo Thịt, hồ Cá Sấu, miền
hậu cứ Cánh Bắc, Cánh Nam, hay không gian ga Thanh Hoá - nút giao thông ác liệt

58
của thời chiến... Gắn với không gian núi rừng là thời gian mùa với các sự kiện buồn
đau, dữ dội. Gắn liền với mùa khô là không gian những trận đánh ghê rợn, thảm khốc
như trận đánh quyết tử mùa khô năm 69 xoá phiên hiệu tiểu đoàn 27. Gắn liền với mùa
mưa là không gian núi rừng ảm đạm, thê lương, đói rét, bệnh tật, chết chóc. Gắn với
không gian Hà Nội là kỉ niệm tình yêu với Phương và tuổi học trò, kỉ niệm về cha. Nhờ
không - thời gian quá khứ dày đặc mà Kiên được sống lại những ngày tháng ngọt ngào
trong tình yêu với Phương, những ngày tháng dữ dội, quặn đau mà ngời sáng, đầy ý
nghĩa của đời lính, ở đó có những con người sẵn sàng chết cho Kiên được sống. Không
- thời gian quá khứ được nhìn trong con mắt của người hiện tại, được cảm nhận trong
cái nhìn đã được đối sánh với hiện tại nên nó thấm đẫm cảm xúc, câu chuyện hiện lên
trong hồi ức, vì thế cũng sinh động chân thực như đang diễn ra. Không - thời gian hiện
tại trong tác phẩm chiếm một tỉ lệ nhỏ, đóng vai trò làm nền cho không - thời gian quá
khứ. Thời gian hiện tại chỉ là những phút giật mình hồi tỉnh sau những chặng dài hồi
tưởng, chỉ đóng vai trò là bước ngoặt chuyển cảnh cho ký ức. Không gian hiện tại
chủ yếu là căn gác xép chật chội và ẩm tối, lạnh lẽo đêm đông và bí bức ngày hè.
Nó đồng hiện cùng không - thời gian quá khứ để tô đậm thực cảnh hiện tại của cuộc
đời Kiên: cô đơn, mệt mỏi, vật vã trên trang viết, điên rồ trong những cơn say. Có thể
nói, không - thời gian quá khứ chiếm ưu thế, bị hiện tại hoá có vai trò đặc biệt quan
trọng trong tiểu thuyết của Bảo Ninh bởi nó là bối cảnh cho hành trình sống lại quãng
đời đã qua của nhân vật - hành trình nhận thức về chiến tranh, tình yêu, tình người. Chỉ
có sau một độ lùi nhất định của thời gian, con người mới có thể hiểu hết giá trị của
những gì đã qua.
Nỗi buồn chiến tranh được bắt đầu bằng: “Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh
đến với miền hậu cứ Cánh Bắc của Mặt trận B3 êm ả nhưng muộn màng” [22; 9], một
thời điểm, một địa điểm được xác định và cả sự chống chếnh (êm ả nhưng muộn
màng) cũng được xác định. Ngay câu đầu tiên này, thần thái của toàn thiên truyện đã
được thâu tóm. Người đọc được dẫn vào một mê cung đầy bất trắc của cuộc đời người
lính trong và sau chiến tranh. Những khoảnh khắc “trong” và “sau đó” được đồng hiện
liên tục, tạo thành những mảnh ghép nối quá khứ - thực tại, hạnh phúc - bất hạnh...
những mảnh ghép của phận người, không liền mạch nên đứt gãy, chỏng chơ. Cứ thế,
một sự kiện lịch sử được đưa ra để gợi nhắc về một quá khứ, một thực tại hay nhiều
quá khứ, thực tại chồng chất. Một chứng nhân lịch sử đang nhìn lịch sử theo cách của
mình. Cách nhìn lịch sử song hành này không nhằm hướng đến việc đánh giá lại lịch
sử, đơn giản chỉ soi chiếu lịch sử dưới cái nhìn hư cấu của một nghệ sĩ, một người đam
mê cái đẹp và khao khát mọi thứ xung quanh được tồn tại theo nguyên tắc của cái đẹp.
Nhưng điều đó không dễ. Bởi lẽ cái đẹp tự thân vốn mong manh dễ bị vùi dập cho dù
ngay cả khi nguyên do không phải là những thế lực hung tàn. Lịch sử ở đây không liền

59
mạch, được nhìn không theo một cái nhìn duy nhất và thống nhất. Lịch sử trở thành
những mảnh vỡ, vòng quay trong sự hỗn độn của những mảnh vỡ liên hồi. Và số phận
con người rốt cuộc cũng chỉ là những mảnh vỡ. Những mảnh vỡ mang trong đó những
chân lí ngẫu nhiên về cuộc đời.
Không - thời gian lịch sử trong Nỗi buồn chiến tranh còn là những không gian
huyền bí, gợi cảm xúc mãnh liệt từ cách gọi tên:“truông Gọi Hồn”, “đồi Xáo Thịt”,
“đèo Thăng Thiên”, “hồ Cá Sấu”, “đồi 300”. Những không gian đó “tù mù như tên
tuổi của sông núi cõi âm” [22; 119]. Cái nhìn lịch sử cũng được thể hiện qua cuộc đời
của Kiên và Phương. Qua nhân vật của mình, Bảo Ninh đã khái quát được cuộc sống
của dân tộc ta những năm trước và trong chiến tranh. Chiến tranh không chỉ là vấn đề
của Kiên, của Phương của các nhân vật trong tác phẩm mà nó còn là vấn đề của thời đại.
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, thời gian đã là những khoảng cách dài, không
gian cũng chỉ là những điểm mờ nhạt còn lưu lại trong kí ức nhưng cảm giác về chiến
tranh thì còn nguyên vẹn như nó đang diễn ra: khủng khiếp, tàn bạo, đáng sợ. Bởi thế
mà nhân vật của Bảo Ninh không thể quên được lịch sử. Qúa khứ cứ mãi ám ảnh, chỉ
chờ có cơ hội lại chợt ùa về nhức nhối, xót xa. Bảo Ninh không phải là người duy nhất
sử dụng không - thời gian lịch sử phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình, bởi chúng ta
đã gặp kiểu không - thời gian này trong Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Ăn mày dĩ
vãng của Chu Lai… Tuy nhiên, sử dụng kiểu không - thời gian lịch sử một cách có hệ
thống xuyên suốt toàn bộ sáng tác của mình từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn thì chỉ
có ở Bảo Ninh.
3.2. Không - thời gian đời tư
Bên cạnh không gian thời gian lịch sử xác thực thì trong Nỗi buồn chiến tranh
còn kiểu không - thời gian đời tư hiện lên trong từng dòng hồi tưởng, mộng mị của
nhân vật. Nếu không - thời gian lịch sử xác thực tập trung khắc hoạ ký ức chiến tranh
nặng nề, bộ mặt chiến tranh khủng khiếp thì không - thời gian đời tư lại hướng đến
việc thể hiện chiều sâu cảm xúc của nhân vật. Không - thời gian đời tư xuất hiện nhiều
trong tác phẩm là không - thời gian đêm. Trong Nỗi buồn chiến tranh, không - thời
gian đêm xuất hiện dày đặc. Đó là lúc Kiên đối diện với thực tại cô đơn, đối diện với
chính mình để dằn vặt. Day dứt, trăn trở cùng trang viết và ký ức. Đó là không - thời
gian để những mộng mị đến với Kiên và từ đó kí ức sống dậy. Không - thời gian đêm
đóng vai trò gợi mở tâm trạng, chất chứa tâm trạng Kiên.
Trong Nỗi buồn chiến tranh đời tư của nhân nhân vật là số phận cá nhân, là cái
riêng, cái sâu thẳm trong tâm hồn con ngưởi, là những dấu ấn, kỷ niệm. Không gian
đời tư được thể hiện qua căn phòng đầy bóng tối của Kiên, cũng chính nơi đó bao
nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu kí ức ùa về khiến trái tim anh đau nhói. Và cũng chính nơi

60
này những điều sâu thẳm trong tâm hồn anh được bộc lộ. Không gian đó còn được thể
hiện qua “ngôi nhà xám xịt, cũ kỹ” [22; 72] của dượng Kiên. Trong không gian này
cảnh sinh hoạt trong nhà nghèo nàn lộ liễu. Và chính sự nghèo nàn này đã chi phối tính
cách con người tồn tại trong đó. Khiến bản thân họ phải vùng lên để chống lại với
hoàn cảnh khắc nghiệt “bản thân dượng cố giữ một phong độ trái ngược với tình cảnh”
[22; 72]. Cũng chính qua không gian đó giúp cho Kiên hiểu nhiều hơn về dượng, hiểu
được vì sao mẹ đã bỏ cha con anh để đến với người đàn ông này.
Nỗi buồn chiến tranh theo dòng hồi tưởng của nhân vật, thời gian được lượng
hoá bằng những khoảng xa mờ khó xác định: “Mùa khô đầu tiên”, “Mùa mưa năm
đó”,“Ngày đó”, “Cái buổi chiều êm ả đầu mùa khô năm ấy”…và không gian hiện lên
là những địa danh mơ hồ từ cách gọi tên: “truông Gọi Hồn”, “đồi Xáo Thịt”… khó
xác định cho chính xác những không - thời gian đó cụ thể là ở đâu, lúc nào. Chỉ biết
rằng nó đã được khúc xạ qua tâm trạng nhân vật, qua cái nhìn hồi tưởng của nhà văn
góp phần tái hiện một hiện thực trần trụi nghiệt ngã của chiến tranh và hậu chiến.
Trong Nỗi buồn chiến tranh thời gian - không gian đời tư còn hiện lên bởi
những không gian khác gắn chặt với số phận của mỗi nhân vật. Đó là không gian
trường Bưởi hiện lên trong tâm trí Kiên: “Kiên nhìn thấy sân trường Bưởi buổi chiều
cuối xuân đầu hạ năm nào, những hàng cây râm mát bị đốn hạ, mặt đất bị xẻ dọc xẻ
ngang, bị đào hoắm xuống, thầy hiệu trưởng chụp trên đầu cái mũ đồng của lính cứu
hỏa hào sảng khoa trương nói lớn lên rằng chính là nước Mỹ sẽ bị hủy diệt trong cuộc
chiến tranh này chứ không phải chúng ta.” [22; 148]. Đằng sau không gian đó là hình
ảnh hai cô cậu học trò trốn buổi mít tin: “Hai đứa lẫn ra phía sau nhà bát giác, ẩn vào
lùm cây sát mép Hồ Tây. Đằng xa, đường Cổ Ngư đỏ ánh chiều và rực rở màu phượng
vĩ. Ve sầu râm ran.” [22; 148].
Đó là không gian Hà Nội, được hiện lên thật đẹp trong Kiên: “Hồ Tây, chiều
hạ, hàng phượng vĩ ven hồ, tiếng ve sầu ran lên khi hoàng hôn xuống, và anh cũng
nghe thấy, cảm thấy gió hồ lộng thổi, cảm thấy sóng vỗ mạn thuyền” [22; 19]. Một
không gian Hà Nội vào mùa đông cũng được hiện lên trong sâu thẳm tâm hồn anh:
“không hiểu sao Kiên đặc biệt mơ thấy Hà Nội mùa đông những đêm tối trời, suốt đêm
gió thổi, mưa rơi, lá rụng…và cứ khoảng xế chiều là da trời lại xám ngăn ngắt. Gió
lạnh lùa dọc phố, mưa phùn lại bắt đầu rơi, lại nỗi nao buồn” [22; 84]. Không gian
Hà Nội cũng được hiện lên trong trí nhớ của Kiên gắn với kí ức về cha: “ Hà Nội thủa
ấy tử tế và tốt bụng, người ta sẽ sẵn sàng nhường lối cho ông già lạc nẻo, không ai xen
ngang vào cõi phiêu diêu bát ngát của ông, ngay cả bọn trẻ con cũng không chọc phá
ông, chúng chỉ trông chừng để giấc ngủ không đưa ông xuống hồ Thuyền Quang.”
[22; 154]. Và: “Cha thì hầu như chưa bao giờ ông kể cho anh nghe về mẹ. Hẳn là ông
tránh cho ông. Tránh nỗi đau khổ. Trong nhiều năm khả năng cam chịu của ông đã

61
giữ được cho hai cha con một đời sống quân binh. Chỉ có điều ông uống rượu rất
nhiều và thả mình nhiều hơn vào những cơn mộng du” [22; 156]. Và cũng qua không
gian này, đời sống con người được hiện lên. Đó là một mối tình tuyệt đẹp của tuổi học
trò của Phương và Kiên.
Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã sử dụng thành công không - thời gian đời tư
để nói lên không - thời gian của cá nhân, riêng tư, gắn chặt với số phận của từng nhân
vật. Và cũng qua không - thời gian đời tư ta mới hiểu được những trăn trở, những suy
nghĩ và những dằn vặt của nhân vật trong tác phẩm.
3.3. Thủ pháp đồng hiện không - thời gian
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh đã sử dụng khá thành công
thủ pháp đồng hiện không - thời gian. Đó là sự đan xen, hòa trộn giữa lịch sử và đời
thường, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản năng vô thức và ý thức.
Không - thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh được miêu tả ở mọi chiều kích,
tầng bậc. Trong đó, không - thời gian lịch sử là điển hình. Được thể hiện qua không -
thời gian quá khứ. Miêu tả không gian và thời gian dựa trên hồi ức của nhân vật, con
người luôn đi về giữa hai dòng quá khứ - hiện tại. Từ hiện tại kỉ niệm trào dâng về quá
khứ, từ hiện tại của quá khứ ta lùi về một quá khứ xa xăm hơn. Nhớ quá khứ để những
câu chuyện đã qua, những con người đã mất hiện lên đầy ám ảnh và chính ngược về
quá khứ họ lại có dịp nhìn sâu hơn, hiểu hơn về cuộc đời mình, đồng đội mình từ ngày
xa xưa đó cũng chính là hiện tại mình đang sống.
Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện kể men theo dòng hồi ức và suy nghĩ của
nhân vật Kiên ngược dòng thời gian sống lại cảm xúc và suy nghĩ của những năm
chiến đấu về trước. Dường như, nhân vật trong tác phẩm chỉ sống bằng hoài niệm về
quá khứ, sống với suy nghĩ và tình cảm hướng tới những người đã chết. Trong cuốn
tiểu thuyết ta bắt gặp có vô số từ chỉ quá khứ như: “đêm ấy”, “hồi đó”, “hồi ấy”, “hồi
hè”, “hồi xưa”, “cái đêm xa xăm ấy”, “năm ấy”, “hôm đó”, “ngay tối hôm đó”, “chiều
hôm ấy”, “mùa đông ấy”, “nhiều phút đã qua”... Và những câu cụ thể như “Hồi đó,
vào cuối tháng Tám, ven các rừng cành dọc theo triền suối này hoa hồng ma nở rộ
trong mưa, đâm bong trắng xóa, thở hương thơm ngát” [22; 18], “Đêm ấy thường
tình, tháng Tám, mưa to và khác thường là khắp trời nhằng nhằng sấm chớp”. [22;
34], “ Hồi đó, anh ngồi khá khuya, nhâm nhi cốc cà phê thứ hai”. [22; 200], “Hồi xưa
bọn trẻ con trong chung cư thỉnh thoảng vẫn được ông Huynh cho đi rong một tua tàu
điện.” [22; 204], “Năm ấy, Kiên cùng Phương, Toán và Sinh học cùng một lớp, một tổ
thân nhau lắm.” [22; 204], “Hồi ấy, sau khi bị trận oanh kích cảnh cáo sát rạt, buộc
phải hãm lại, rồi chốc lát đoàn tàu lại liều chết chuyển bánh” [22; 275]. Cùng với
không - thời gian quá khứ thì không - thời gian hiện tại được hiện lên, đan xen và hòa

62
trộn cho dù nó trở nên nhòe mờ và bị quá khứ áp đảo, lấn lướt để nói lên cái hiện thực
đầy xáo trộn trong tâm thức nhân vật ở hiện tại. Cụ thể trong cuốn tiểu thuyết có
những từ chỉ về hiện tại như: “một đêm”, “một buổi tối”, “bây giờ”, “giờ đây”, “buổi
sáng”…Và những câu cụ thể như: “Giờ đây tất cả còn cận cảnh rõ mồn một trong tâm
trí Kiên” [22; 42], “Gần sáng, Kiên được về tới nhà, ngôi nhà cũ kĩ trên góc đường
Nguyễn Du đầy mưa gió” [22; 206]. “Giờ đây dù có ra đi mỗi người mỗi rìa thế giới
thì trong tâm tưởng anh, Phương vẫn là toàn bộ cuộc sống, tinh thần.” [22; 207].
“Bây giờ thì đã qua cả rồi. Tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt” [22; 258].
Không - thời gian quá khứ của Bảo Ninh không phải là đã đông cứng, đã hoàn kết mà
là cái đang được nhà văn làm sống lại, tươi rói và sinh động trước mắt người đọc. Để
có được điều đó, Bảo Ninh đã sử dụng thủ pháp đồng hiện, hiện tại hoá không - thời
gian quá khứ. Ông đã không tạo ra khoảng cách tách biệt giữa quá khứ với hiện tại mà
để quá khứ đồng hiện cùng hiện tại hoặc đặt quá khứ vào hiện tại dể cảm nhận. Không
- thời gian thì thuộc về quá khứ nhưng cảm giác về nó thì thuộc về hiện tại. Bởi thế thủ
pháp đồng hiện không - thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh phát huy tối đa hiệu quả
nghệ thuật, sinh động, lôi cuốn người đọc.
Nỗi buồn chiến tranh được viết lên bằng sự đan xen, hòa trộn giữa lịch sử và
đời thường. Đằng sau những sự kiện lịch sử cụ thể, cuộc sống đời thường của nhân vật
được hiện lên rõ nét.
Thủ pháp đồng hiện không - thời gian được xem là chiến lược trần thuật của tác
giả nhằm soi chiếu cặn kẻ con người với nhiều chiều kích. Đó là một thành tựu nỗi bật
của tiểu thuyết đương đại. Sự đồng hiện thời gian và không gian làm cho hiện thực đời
sống rộng hơn, hiện thực tâm hồn sâu hơn.
Theo Đặng Anh Đào: “Trong dòng tâm tư quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện
cùng một lúc, không bị ngăn cách liên tục như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà
người ta gọi là thời gian đồng hiện” [22; 77]. Một trong hình thức đồng hiện đảo
ngược xen kẽ thời gian. Kéo theo sự trôi chảy của chuỗi những kí ức và cả những
mộng mị, hoảng loạn, câu chuyện cũng liên tục bị đứt quãng, dịch chuyển. Có thể nói
thời gian bị xáo trộn là kiểu thời gian trần thuật đặc trưng ở dạng truyện có độ nhòe
của cảm giác, của hồi ức. Tổ chức đồng hiện không gian thời gian theo kĩ thuật điện
ảnh, trong một chừng mực nhất định được xem như là chiến lược trần thuật của tác giả
nhằm soi chiếu cặn kẽ con người với nhiều chiều kích. Nhờ hình thức đồng hiện này,
người kể chuyện có thể nối kết những chuyện thuộc về khoảng thời gian khác nhau, rút
ngắn thời gian kể.
Hình thức đồng hiện này thường xuất hiện ở những tiểu thuyết phân mảnh. Lúc
này những mảnh vỡ đời sống được kể chuyện lắp ghép, khiến những chiều thời gian
khác nhau có thể tồn tại. Nhưng bên cạnh sự phân mảnh hai tuyến thời gian không
63
gian đồng hiện, nhiều yếu tố, những sự kiện chỉ được người kể chuyện đề cập ngẫu
nhiên,thông qua chuỗi hồi ức, những giấc mơ của nhân vật.
Tâm hồn con người cũng giống như dòng sông bất tận, không ai có thể đo được
chiều sâu và bến bờ của nó. Con người lại mang nhiều trạng thái cảm xúc đan xen
trong một thời gian nhất định. Đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là đọc lên những
dòng suy nghĩ đầy ám ảnh của con người. Không - thời gian luôn đồng hiện hòa trộn
giữa không - thời gian lịch sử và đời thường, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản năng
và vô thức, vì những dòng tâm tư của con người không bao giờ liền mạch. Ký ức thì
phai nhạt theo năm tháng, những gì còn lại trong sâu thẳm con người chỉ là những
mảnh vỡ “Hồi tưởng là quay về quá khứ nhưng đồng thời cũng là sống lại cái hiện tại
của quá khứ, mơ ước tương lai chính là sống cái hiện tại của tương lai” [22; 70]. Với
cách viết này, Bảo Ninh đã làm nổi bật những vùng mờ của vô thức, tiềm thức được
khơi gợi trước mắt người đọc.
3.4. Không - thời gian giàu tính biểu tượng
Biểu tượng là hình tượng nghệ thuật thể hiện tập trung nguyên tắc phản ánh
hiện thực trong tính quan niệm thông qua các mô hình đời sống của văn học nghệ
thuật. Biểu tượng là cái nhìn thấy được mang tính kí hiệu dẫn ta đến cái nhìn không
thấy được, biểu tượng là sự thể hiện dưới hình thức hình ảnh của một ngôn ngữ dấu
giếm, ngôn ngữ của những thèm muốn của chúng ta. Dù lãng mạn hay tầm thường,
hình ảnh biểu tượng vẫn cứ bên trong một hiện thực cuộc sống. Theo G. Jung: “Biểu
tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh ngay cả khi chúng là quen thuộc
trong đời sống hằng ngày vẫn chứa đựng mối quan hệ liên can, cộng thêm vào đó cái
ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì
đó mơ hồ, chưa biết hay bị che giấu đối với chúng ta” [28; 102]. Nhìn từ góc độ này,
biểu tượng trong tác phẩm văn học là một “nhân vật” đặc biệt, được biểu hiện dưới
nhiều hình thức khác nhau, có thể là con vật, đồ vật, hình ảnh, hình tượng… gọi chung
là các dạng thức biểu hiện ý nghĩa của tác phẩm văn học. Đó là một thủ pháp đặc biệt
để tác giả thể hiện ý đồ sáng tạo.
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh đã xây dựng không - thời
gian giàu tính biểu tượng. Được thể hiện rõ nét qua biểu tượng bóng đêm và biểu
tượng mưa.
Khảo sát toàn bộ tác phẩm, chúng tôi thấy biểu tượng bóng đêm đã xuất hiện tất
cả 299 lần dưới các tên gọi và các biến thể khác nhau. Trong đó, biểu tượng bóng đêm
thường xuất hiện kèm theo biểu tượng mưa và biểu tượng giấc mơ. Có thể nói, trong
những trang viết của Bảo Ninh, mỗi hình ảnh đều có chiều sâu và sự liên tưởng mạnh.
Tính đa tầng của hình ảnh là năng lượng kỳ diệu, là lực hấp dẫn của Nỗi buồn chiến

64
tranh.
Biểu tượng bóng đêm và sự kết hợp với biểu tượng mưa đã ám ảnh Kiên trong
suốt thời gian ở chiến trường. Bóng tối và mưa đã song song xuất hiện 9 lần trong tác
phẩm, có khi để khắc đậm không gian tơi tả, bê bết, nhập nhụa bùn lầy của con đường
trinh sát, có khi để nhấn mạnh cái hoang vu, lạnh lẽo, cô độc. Những đêm mưa nhớ
nhà, cả đội quân tụ tập đánh bài “vui vẻ om sòm,… tuồng như là một thời kỳ sung
sướng, bình yên, nhàn cư, vô tư lự lắm vậy” [22; 15]. Thế nhưng sau chút vui thoáng
qua, nỗi buồn ngập ngụa tê dại. Can không thể bình tĩnh hơn trước hiện thực cuộc
chiến. Can bỏ đi “Suối lũ rền rĩ. Mưa tầm tã trong bóng đêm. Tối tăm, ẩm ướt, hoang
rợn, đất trời như bị bưng kín, bị đè nghẹt” [22; 30]. Thịnh “con” và đồng đội theo
tiếng gọi của ảo giác mơn man hằng đêm đưa lại, theo mùi ngây ngất của hồng ma,
đêm nào cũng lặng lẽ “nhón bước chân ra khỏi lán, lẹ làng mất hút trên con đường
mòn không dấu vết chạy men theo một dòng suối nhánh dẫn sâu vào trong lòng núi tối
tăm đắm dưới mùa mưa như thác đổ (…) Ướt át, lầy lội, khốn khổ” [22; 37]. Những
đêm mưa chiến tranh, nỗi cô dơn thôi thúc con người cháy dậy những khát vọng. Bóng
đêm chiến tranh vây bủa con người. Không chỉ là hiện thực những mùa mưa, những
không gian mịt mù dấn bước hành quân, bóng tối chiến tranh dịch chuyển vào tâm
thức con người trở thành nỗi đau giằng xé. Suốt trang văn của Bảo Ninh, ta không tìm
thấy sự vỗ về, không tìm thấy cảm giác bình yên trong đêm mưa. Toàn bộ là sự huỷ
diệt rùng rợn. Chưa xét đến khía cạnh nhân bản, nhân tính trong những ham muốn của
ngưòi lính, rõ ràng hành động của họ là sự cô đơn tột độ, là hiện tượng thảm hại khốn
cùng của sự thiếu hụt đời sống tình cảm. Chiến tranh như lưỡi dao cắt bổ con người
thành từng mảnh, rời rạc và khô khốc. Bản thân Kiên, trung đội trưởng gan dạ và chai
lỳ, luôn phải gặm nhấm nỗi buồn tủi của cuộc chiến:“Đêm tháng tám mưa to và chốc
chốc ánh chớp lại phá thinh không tăm tối và dữ dội dựng đứng rừng lên trong khoảnh
khắc. Bứt rứt trong lòng, gần sáng anh mặc áo tơi, sách súng đi kiểm tra một lượt các
lán. Đất rừng lầy lội, phù thũng. Kiên co người trong tấm áo tơi lá. Súng đeo thong,
bước dò dẫm” [22; 34]. Kiên cảm thấy sự huỷ diệt ghê gớm đang thấm tràn trong
trung đội khi nghe thấy những tiếng cười man dai. Sự tỉnh táo, vững vàng và sắc sảo
khiến lòng Kiên càng cô đơn và nặng nề. Nhưng đêm mưa nơi lũng hoang, Kiên đau
đớn nhận thấy tâm hồn con người bị chiến tranh biến thành niềm đam mê thác loạn,
niềm khao khát giải toả những ẩn ức. Kiên ngơ ngác, hụt hẫng chạy theo Can. Tức
nghẹn và bật khóc, nước mắt cứ ứa ra mãi trên gương mặt Kiên. Thông qua cái nhìn
của người trong cuộc (nhân vật Kiên), nhà văn Bảo Ninh dựng lên không gian hiện
thực xám xịt, u tối và cô đơn. Không một ai đọc Nỗi buồn chiến tranh mà không cảm
giác rờn rợn bởi sự chết chóc, mệt mỏi. Hiện thực chiến tranh không đơn thuần là sự
tàn phá thiên nhiên, sự cày xới và lật tung từng khoảng đất. Hiện thực chiến tranh còn

65
là những khoảng tối, những lo âu và sợ hãi trong tâm hồn của những người trong cuộc.
Đó là những vết thương không bao giờ tẩy rửa được. Khắc hoạ song trùng hình ảnh
bóng đêm và mưa, Bảo Ninh nhấn mạnh hơn sự huỷ diệt, chết chóc. Và ở một phương
diện nào đó, trong ý nghĩa thanh tẩy của biểu tượng mưa, Bảo Ninh muốn đặt vấn đề
về thân phận con người với những khát khao tẩy rửa khoảng tối đè nặng trong tâm
hồn, tẩy rửa những ám ảnh cô đơn và sầu đau.
Bóng đêm của chiến tranh còn dai dẳng trong tâm trí Kiên lúc hoà bình lập lại.
Hằng đêm, Kiên thu mình trong đêm khuya, lặng ngắm Hà Nội những mùa lạnh lẽo và
hoang vu. Kiên đẩy ý nghĩ trở về với những đêm mưa tối ở truông Gọi Hồn: “Dưới
đường, những ngọn đèn khuya sáng rải thành một rẻo rời rạc nhoà mờ luồn trong lưới
mưa đan, chạy xa hết về khoảng trống của hồ nước ở cuối phố. Bên kia lòng đường
bóng đêm lay động theo những vòm cây tối đen làm hiện lên dập dờn những mái nhà”.
Đứng ở bên cửa sổ nhìn mưa giăng mặt phố,“anh thường bất giác mường tượng ra
trước mặt cảnh rừng mưa am vang mênh mang buồn của những đại ngàn năm xưa
vươn qua biển maí nhà nhấp nhô, tràn lên tiếng rì rầm của phố xá canh khuya, dội tới
triền miên như sóng vỗ, như kí ức xô bờ”. Và Kiên vẫn thấy “Đêm lạnh lùng. Đêm
kinh khủng (…) Không thể nào không rùng mình cảm thấy rằng ra đi cùng với ba chục
năm trường chiến trận là cả một thời, là cả một thế giới với biết bao nhiêu là cuộc đời
và số phận, là sự sụp đổ của cả một góc trời cùng đất đai và sông núi” . Hiện thực
chiến tranh, qua cái nhìn của Kiên, và cũng là cái nhìn của Bảo Ninh có sức tàn phá
ghê rợn. Những khủng khiếp của bóng tối còn rình rập trong tâm hồn Kiên mãi mãi.
Bóng đêm còn gắn với sự lầm lạc của Phương. Trên toa tàu, trong bóng đêm, khung
cảnh nhốn nháo, chật ních người, Phương bị người ta làm nhục. Phương đau đớn và tê
dại, tả tơi và ngơ ngác. Kiên dìu Phương trong bóng tối. Bóng tối như ma quỷ giết chết
sự trinh trắng khiến Phương trở nên đờ đẫn và trống rỗng. Số phận nhưng con người bị
đẩy đến bước đường cùng trong đêm tối của chiến tranh. Nỗi đau đặc quánh, đóng
váng trong đêm đen. Thân phận con người nhỏ bé và tàn lụi như chính màn đêm tăm
tối. Cũng từ hôm ấy, tại sân ga, Kiên và Phương trượt theo hai ngả. Bóng tối của lầm
lạc, của loạn ly đẩy con người ra hai hướng. Khắc hoạ không gian đêm tối, Bảo Ninh
chuyển đến người đọc thông điệp về sự tàn phá của chiến tranh.
Tại sao Bảo Ninh lựa chọn bóng đêm làm nền chính cho câu chuyện? Không
gian truyện, nhờ sự nhoè mờ của đêm tối, tạo ra những khoảng ảo giác của huyền
thoại. Bóng đêm đậm đặc gắn với tiếng than của người chết, tiếng rên rỉ kêu khóc của
hồn ma. Đặc biệt, tại truông Gọi Hồn, đêm đêm, hương hoa hồng ma đan quyện vào
giấc ngủ của người lính, mơn man và vẫy gọi. Bản thân bóng đêm là một không gian
huyền thoại.
Bảo Ninh gắn kết bóng đêm bới những chi tiết có tính huyễn hoặc, mơ hồ. Hiệu

66
ứng của thủ pháp này, một mặt tạo độ nhoè mờ về không gian, liên thông và ghép
trùng hiện thực - phi hiện thực, tăng biên độ ý nghĩa của lời văn. Thêm nữa, những
huyền thoại trong tác phẩm gắn nối hiện thực vào vô thức. Trong khoảng im lặng của
đêm đen luôn vang lên tiếng rên rỉ. Tiềng gào khóc của hiện thực hay nỗi cô đơn kết
tủa thành ảo giác âm thanh? Kiên nghe thấy…hằng đêm Kiên cảm nhận… Dòng ý
thức, dòng suy nghĩ của nhân vật đẩy xa và tiến sâu hơn nhờ bút pháp huyền thoại. Chỉ
là điểm qua một vài chi tiết, chưa khảo sát toàn diện, riêng biệt không gian huyền thoại
của Nỗi buồn chiến tranh, nhưng chúng ta đã thấy được công lực của ngòi bút Bảo
Ninh. Tất cả phục vụ cho diễn tiến dòng ý thức của nhân vật. Bóng đêm là biểu tượng
nhệ thuật độc đáo, song điệu, bao hàm cả nội dung hiện thực và nghệ thuật xây dựng
chi tiết của Bảo Ninh. Một hiện thực tàn khốc và sầu thảm bao bọc trong tác phẩm.
Đặc sắc nhất trong tác phẩm là vấn đề biểu tượng bóng đêm và nỗi ám ảnh
những giấc mơ. Biểu tượng bóng đêm gắn với giấc mơ xuất hiện năm lần trong tác
phẩm. Bảo Ninh đã sử dụng giấc mơ như một phương tiện làm nổi bật dòng ý thức của
nhân vật, nhấn mạnh những trạng thái tinh thần và những cảm xúc ẩn chìm, có thể là
ngọt ngào, có thể là đắng nghét. Một cách hợp lí, giấc mơ xuất hiện trong bóng đêm.
Trong giấc mơ, nhân vật thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết. Can tâm sự:“Dạo này
đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng
đi hút máu người” [22; 27]. Kiên day dứt thú nhận:“Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã
ngưng bước lại ở những ngày thang ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản
thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn
đang lẩn khuất. Đêm đêm, giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những
thủa nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá”. Kiên thường xuyên mơ về truông
Gọi Hồn, thường xuyên lần giở lại những ngày tháng kí ức như những thước phim
quay chậm. Trong giấc mơ, những trải nghiệm của nhân vật liên tục va chạm với trạng
thái tinh thần. Có niềm vui những ngày tháng đánh bài cùng nhau để quên đi sự mòn
mỏi nơi chiến trường, có nỗi buồn những lần chiến đấu và cả sự tê dại tâm hồn khi
chôn chặt mình ở chốn chiến tranh tàn nhẫn. Khói lửa chiến tranh bao trùm trong giấc
mơ. Những ánh lửa đọng lại trong tâm trí Kiên, in hằn thành những vết thương nhức
nhối. Sực tỉnh sau những mê man dài. Kiên thường xuyên trong trạng thái “toàn thân
tôi lạnh giá nhưng ướt đẫm mồ hôi, cổ họng đau rát vì mê hoảng la hét, môi rớm máu,
cúc áo ngủ đứt tung, ngực bị móng tay cào xoạc da. Và trái tim tôi run rẩy nhói đau
hồi hộp đập dồn như treo trên đầu sợi chỉ”. Giấc mơ trở về trong tâm trí Kiên là
những mảnh đoạn u tối, điên cuồng của chiến tranh. Sợ hãi và cô độc, Kiên thường
xuyên ám ảnh bởi bom đạn và súng ống. Nghe tiếng quạt trần trong đêm, Kiên cảm
giác là tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ tran. Kiên nhìn thấy trong đêm những hồn
ma rách nát hiện hình, ôm theo những vết thương đỏ lòm, toác hoác. Nỗi đau và những

67
trải nghiệm dạn dày in hằn trong tâm trí Kiên. Cả khi thức, cả khi ngủ, cả một phút
chốc nào đó, kỉ niệm đau thương có thể gợi dậy trong Kiên. Khủng khiếp và ghê rợn.
Ám ảnh chiến tranh và cái chết đeo đẳng suốt cuộc đời Kiên. Kiên luôn sống trong tình
trạng căng thẳng và dồn nén, bức bối và ngột ngạt.
Trong giấc mơ, Kiên thường xuyên gặp lại hình bóng những đồng đội: “Đêm
đêm, anh nghe thấy Can trở về thì thào ngay bên võng, lặp đi lặp lại cuộc chuyện trò
nhạt nhẽo ở bờ suối chiều hôm nào…” Luồng sinh khí chết đọng lại trong tâm hồn
Kiên, hoà vào tiềm thức, trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Kiên sầu đau, bi thảm
trước cái chết của đồng đội. Và “dằng dặc trôi qua trong kí ức của Kiên vô vàn những
hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến
tranh”, “Đêm, thật lạ lùng, một đêm có lẽ là kì ảo nhất trong hằng hà bao nhiêu đêm
tối của đời anh. Gần như toàn bộ cuộc đời chiến đấu với cả một đạo quân những
người đã chết trong chiến trận đã trở về với anh qua những cách cửa vòm cuốn mờ tối
cử những giấc mơ dài không dứt” [22; 33]. Sau những giấc mơ, Kiên sợ hãi và cảm
giác lạnh lẽo. Nhưng Kiên hầu như chỉ nhìn thấy những cảnh tượng đã qua. Chiến
tranh sống trong Kiên như một con người thứ hai, khi phân tách, khi nhập vào chính
Kiên. Bóng đêm trở thành ám thị cái chết rùng rợn, nỗi buồn miên man và nơi trú ẩn
của những cô hồn bơ vơ. Sự phân mảnh của bóng đêm và những biến thể của nó cứ trở
đi trở lại trong dòng suy nghĩ của Kiên. Bóng đêm không chỉ là một khách thể, bóng
đêm trở thành bóng tối của chiến tranh, trở thành bản chất của chiến tranh và biểu
tượng cho sự tăm tối trong tâm hồn Kiên, một tâm hồn bị chiến tranh bào mòn, trở nên
xơ cứng và điên loạn.
Nhưng thoát ra khỏi giấc mơ, khỏi chiến tranh, Kiên vẫn không ngừng lại
những cô đơn trong tâm hồn. Dường như Kiên chỉ thực sống trong chiến tranh. Còn
trong hoà bình, anh nhợt nhạt, dật dờ như một cái bóng. Lang thang và mệt mỏi. Thế
nhưng, cuộc đời trong chiến tranh là cuộc đời mà Kiên luôn muốn thoát ra. Nhân vật
Kiên đầy những mâu thuẫn trong sự tăm tối của chiến tranh. Kiên là nạn nhân, là con
người cô đơn, và là một thân phận phức tạp “không trùng khớp với chính mình”.
Giấc mơ về Phương hằng đêm vẫn là những giấc mơ ám ảnh dai dẳng nhất. Vị
ngọt tình yêu cho Kiên lòng ham sống và nghị lực, giúp Kiên trở thành người may
mắn nhất - người duy nhất còn sống sót. Nỗi nhớ Phương như một điểm tựa tinh thần,
vừa như một đích đến mà Kiên luôn khao khát và ham muốn. Phương hiện thân cho vẻ
đẹp tình yêu, và chính Phương cũng là biểu tượng của thân phận tình yêu trong chiến
tranh. Qua những giấc mơ về Phương, khi thì kỷ niệm đêm hè mát rượi, khi thì kỷ
niệm những đêm mát lạnh đượm mùi của biển, có cả những đêm đau đớn ở ga Thanh
Hoá, Kiên cảm nhận đầy đủ dư vị tình yêu, cả ngọt ngào lẫn đắng chát. Kiên sống lại
những trạng thái, những cuộc đời như những ẩn ức, những mảnh ghép rời rạc. Và ở chi

68
tiết nào, mẩu mảnh nào, nỗi cô đơn và khát vọng hạnh phúc đều song trùng hiển hiện.
Sử dụng biểu tượng bóng đêm gắn với giấc mơ, trước hết, Bảo Ninh đã xếp lớp
các tầng biểu tượng tạo nên tính đa nghĩa cho hình tượng nghệ thuật. Bản thân giấc mơ
là một biểu tượng giàu ý nghĩa. Và mỗi nhân vật trong tác phẩm lại mang nhiều tầng
biểu hiện khác nhau. Đặt cạnh nhau các biểu tượng và đan dệt mối quan hệ, Bảo Ninh
tạo nên sự đa dạng cho tác phẩm và tăng chiều sâu tiếp nhận.
Nhà văn dùng bóng đêm và giấc mơ để đảo ngược thời gian. Bóng đêm thường
tạo ra nhiều ảo giác ám gợi nỗi lo sợ và đớn đau. Trong bóng đêm, con người sống với
chính mình, đối diện với những nếm trải của bản thân và thường trực nhưng suy tư
chiêm nghiệm về sự sống. Biểu tượng bóng đêm có sức dồn nén về không gian, cả
trong hiện thực khách quan, cả trong bản thân con người. Giấc mơ đến trong bóng
đêm. Bản thân giấc mơ là sự chắp vá. Giấc mơ có dấu ấn của sự trải nghiệm đã in hằn
trong tâm thức, nhưng không liền mạch mà đứt đoạn. Giấc mơ đảo ngược thời gian.
Có khi, ở thời điểm hiện tại, Kiên mơ về truông Gọi Hồn, mơ về những bóng ma và
mơ về Phương - những hạnh phúc xen lẫn buồn đau cắt xé trái tim Kiên. Có khi trong
những thời điểm Kiên sống, nỗi sợ hãi ám ảnh vào giấc mơ, giấc mơ phản ánh dấu ấn
hiện thực mà Kiên vừa trải qua. Nhiều nhất vẫn là những giấc mơ ở hiện tại và nội
dung giấc mơ luôn là câu chuyện của quá khứ. Không theo một trật tự nhất định, từ
khung cảnh này lộn ngược sang khung cảnh kia, từ thời gian bom đạn chiến trường khi
còn trong quân ngũ, nối kết nhanh chóng với thời gian hiện tại, một nhà văn chứa đầy
bí ẩn của nỗi đau. Sự gián đoạn trong giấc mơ phản ánh những mảnh mẩu cuộc đời
Kiên. Có thể nói: Bảo Ninh sử dụng giấc mơ như là phương tiện để phục vụ đắc lực
cho kỹ thuật dòng ý thức. Người viết nương theo những suy nghĩ và tâm trạng của
nhân vật Kiên, men theo thời gian cắt dán để tìm hiểu những chặng đường mà Kiên
trải qua. Bảo Ninh đã tạo nên sự đồng hiện quá khứ với hiện tại, liên tục đảo chiều thời
gian. Bóng đêm - vô thức - ám ảnh suy tư… tất cả được soi chiếu nhiều nhất từ điểm
nhìn của nhân vật Kiên. Sự tương hợp kĩ thuật dàn dựng hình ảnh và cấu tạo điểm nhìn
tạo nên tính đa chiều, phức tạp trong dòng tâm trạng của nhân vật Kiên. Thêm nữa,
trong lời văn của Bảo Ninh, sự lặp lại của các từ “đêm” diễn tả thời gian thường
xuyên: hằng đêm, bao đêm, suốt đêm… Những “đêm” ấy là những đêm trăn trở và ám
ảnh. Vì thế, trang văn của Bảo Ninh tràn ngập những day dứt, những hồi tưởng miên
man và những đứt gãy trong tâm hồn, tạo cảm giác chiến tranh là định mệnh tăm tối.
Ngoài ra, bóng đêm trong tác phẩm còn là cõi vô thức của sáng tạo. Bóng đêm,
xét trong mối quan hệ với nhân vật Kiên - nhà văn, ngoài việc thể hiện sự cô đơn giằng
xé của người nghệ sỹ, bóng đêm còn là cõi vô thức của sáng tạo:“Từng đêm lần hồi,
cần mẫn và do dự, bản thảo tiểu thuyết của Kiên đầy dần lên và dần đến đoạn kết,
song đồng thời cũng như thể mỗi ngày một thêm giang dở”. Suốt bao đêm, Kiên mò

69
mẫm, lặn lội, tìm lần lại không gian, thời gian quá khứ nơi in hằn những vết thương
chiến tranh, tìm lại gương mặt đồng đội, và của chính bản thân Kiên. Kiên tìm lại tất
cả để viết tiểu thuyết, viết cho những người đã chết mà với Kiên họ xứng đáng được
nhắc đến. Ở phương diện này, phải chăng viết là một sự trả nợ, một hành vi đòi công
bằng? Bóng đêm gắn với sự cô đơn của người sáng tạo. Người nghệ sỹ thu mình trong
bóng tối: “Ở chặng cuối này đời Kiên hầu nhu thu hết về đêm. Ngọn đèn trên bàn viết
chong từ đầu tối tới hừng đông”. Trong đêm, Kiên nhớ lại tất cả những nếm trải và
muốn vùng thoát. Hình ảnh Kiên cô đơn mệt mỏi, gục đầu trên những trang bản thảo
ám gợi sự cô đơn dai dẳng của người cầm bút. Kiên vẫn viết. Bóng đêm thức dậy
những trải nghiệm thầm kín giải thoát Kiên. Kiên mải mê bên ngọn đèn, âm thầm và
dai dẳng. Kiên lần tìm quá khứ như một sự thanh thản. Bảo Ninh đã thể hiện sự cởi
thoát tâm hồn Kiên trong đêm tối.
Bóng đêm còn bao hàm nghĩa huỷ hoại. Trong căn phòng lặng câm, im phăng
phắc, Kiên đốt bản thảo:“một nghi lễ cuồng tín, man dại, dấy loạn”. Trước đây, cha
anh, một hoạ sỹ có tài cũng đã từng “đốt sạch không còn bức nào trong cái đêm ông
cảm thấy thần chết giục giã”. Đốt như một cuộc tự hành xác,“một hình thức sám hối
quyết liệt dưới ánh lửa nhưng rầu rĩ, im lìm”. Tại sao Kiên lại làm điều đó? Trước hết,
Kiên muốn xoá sạch các nỗi đau, như một nghi lễ dâng lên những linh hồn chết, một
sự thấu hiểu và cảm thông. Hơn nữa, hành động đốt bản thảo của Kiên, tức là sự tự ý
thức số mệnh cô đơn của mình. Sự cô đơn của Kiên cũng là sự cô đơn của người nghệ
sỹ trên hành trình tìm kiếm lối đi riêng. Giữa cha Kiên và Kiên có sự tương đồng về số
phận người sáng tạo. Bên cạnh thông điệp sự cô đơn của người nghệ sỹ, Bảo Ninh còn
khẳng định giá trị của lao động nghệ thuật. Câu chuyện người cha đốt tranh vẽ trong
đêm sau này vẫn được Phương kể lại. Câu chuyện Kiên thủ tiêu những bản thảo vẫn
được người đàn bà câm gom nhặt lại được. Đâu đó ta thấy niềm tin của Bảo Ninh
dành cho số phận những người khai mở hướng đi mới trong nghệ thuật. Tuy còn ít ỏi
và chưa rõ ràng, song, ý hướng này, bên cạnh nỗi buồn sáng tạo đã làm cho trang văn
của Bảo Ninh rộng thêm ý nghĩa và sâu xa hơn những thông điệp đắt giá.
*
* *
Với cách xử lý không - thời gian rất đặc sắc, Bảo Ninh đã làm nổi bật những
vấn đề bức thiết của con người, của xã hội và lịch sử. Hành trình cuộc đời của mỗi
nhân vật chính là những trải nghiệm, sống với quá khứ, khám phá hiện thực và đánh
đổi bản thân. Đó là lí do khiến nghệ thuật trần thuật trong sáng tác của Bảo Ninh mang
dấu hiệu của kĩ thuật viết hiện đại như tỉnh lược, đảo ngược trật tự thời gian, sự kiện.

70
KẾT LUẬN

Hồ Anh Thái từng nói: “Tiểu thuyết như là một giấc mơ ẩn chứa những điều
không có thực ngoài xã hội. Thực chất tiểu thuyết là một câu chuyện bịa đặt nhưng nó
còn thật hơn cả sự thật”. Qủa vậy, Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện hiện thực, sâu
sắc và tàn nhẫn về bi kịch của con người trong thời kì chiến tranh.
Văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới ghi nhận thành công trong nhiều thể loại,
đặc biệt là thể loại tiểu thuyết. Hầu hết các nhà văn đều tập trung hơn để hướng ngòi
bút của mình vào khám phá các cung bậc tình cảm của con người trong đời thường.
Các cây bút sáng tác thành công giai đoạn này phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Hồ
Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài... Đặc biệt, tiểu thuyết Nỗi buồn
chiến tranh, Bảo Ninh đã khẳng định vị trí của mình trong lịch sử văn học hậu chiến
nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây cũng là dấu ấn cho thấy
bước tiến mới của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
1. Trong chương một, chúng tôi đã chỉ ra những đặc sắc trong cấu trúc trần
thuật của Bảo Ninh. Với việc sử dụng nghệ thuật trần thuật đa tầng bậc, phức hợp
điểm nhìn và giọng điệu. Trong đó, có điểm nhìn bên trong với khả năng khai phá thế
giới nội tâm con người, điểm nhìn bên ngoài gắn với nhu cầu khái quát hóa hiện thực
thời đại, đã mở ra phạm vi phản ánh rộng lớn, đa chiều. Nỗi buồn chiến tranh có thể là
vấn đề của một cá nhân, một giai tầng trong xã hội, có thể là một thời đại của một
quốc gia hay là nỗi niềm chung của toàn nhân thế. Giọng điệu cũng là một nhân tố
quan trọng làm nên nét riêng trong chiến lược trần thuật của Bảo Ninh. Với hai gam
giọng chủ đạo: giọng buồn thương, day dứt gắn với những cảm xúc thấm đẫm của
người kể chuyện, giọng chiêm nghiệm, suy tư gắn với những trải nghiệm và cái tôi đầy
biến động của nhân vật. Mỗi giọng điệu bày tỏ một thái độ, một quan điểm riêng của
con người trước các vấn đề của cuộc sống. Sắc thái giọng điệu trong Nỗi buồn chiến
tranh không tồn tại một cách riêng lẻ, mỗi câu chuyện là một bè riêng nhưng lại hướng
đến bản hợp ca về bi kịch của con người trước, trong và sau cuộc chiến.
Đằng sau cấu trúc trần thuật là cả một thế giới hiện thực với các vấn đề nền tảng gắn
liền với những biến động của xã hội. Đó là hoàn cảnh điển hình để làm nổi bật tính
chất bi kịch nơi các nhân vật của Bảo Ninh.
2. Là những con người mang lí tưởng thời đại, nên dù muốn hay không nhân
vật của Bảo Ninh vẫn luôn phải vật lộn trong dòng xoáy chiến tranh để giành tự do cho
Tổ quốc. Trong hành trình đó, để nhận thức thế giới bên ngoài thì họ cũng đồng thời
bộc lộ được chiều sâu bản thể, với những bản năng của con người. Với việc xoáy sâu
vào bốn kiểu nhân vật đặc trưng: con người gắn với lí tưởng thời đại, con người với

71
những mặc cảm tội lỗi, con người với những sang chấn về thể xác và tinh thần, con
người bản năng, vô thức... đồng thời khắc họa bức chân dung nhân vật qua ngoại hình,
ngôn ngữ, hành động và sự xoáy sâu vào chiều sâu tâm lý, thế giới vô thức bản năng...
Bảo Ninh đã giúp người đọc chạm vào đáy sâu tâm hồn con người. Không chỉ sáng tạo
những kiểu con người mang đặc trưng thời chiến, mà Bảo Ninh còn sáng tạo bằng cả
sự trải nghiệm sâu sắc của người đã nếm mùi vị chiến tranh. Một cách nào đó, Nỗi
buồn chiến tranh là câu chuyện có khả năng lớn lao trong việc biện giải, chiêm nghiệm
về thân phận con người thời đại.
3. Cuộc sống với sự xoay vòng của vô vàn những biến cố thăng trầm. Đặt nhân
vật trong không - thời gian lịch sử và không - thời gian đời thường cùng với thủ pháp
đồng hiện không - thời gian và không - thời gian giàu tính biểu tượng càng làm cho
các nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh bộc lộ rõ ràng hơn bức chân dung của mình
cả về ngoại hình lẫn tính cách.
Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện của hôm qua, chuyện của một ngày, một
hành trình thậm chí là chuyện của một đời người, một thời đại chưa hoàn kết. Tất cả
cứ đan xen, chồng lấp lên nhau, soi chiếu nhau để cùng thể hiện những bộn bề, phức
tạp của cuộc sống thời đại qua giọng kể của người kể chuyện giàu trải nghiệm và am
hiểu sâu sắc các vấn đề của cuộc sống. Bi kịch cá nhân đặt trong bi kịch thời đại. Hành
trình cuộc đời của mỗi nhân vật chính là những trải nghiệm, khám phá hiện thực và
đánh đổi bản thân. Tất cả được trần thuật theo chiều dài thời gian gắn liền với những
biến động của lịch sử trong bầu không khí thời đại chưa hoàn kết. Nhưng dẫu chiến
tranh có tàn phá, hủy hoại không thương tiếc, các nhân vật của Bảo Ninh vẫn không hề
mất đi khát vọng được sống, dù phải sống nhờ những hoài vọng từ quá khứ, sống bằng
sự chạy đua, giành gật với hiện tại và không thôi ngưỡng vọng về tương lai.
Không thể hiện con người thông qua những cái bí ẩn, khác thường mà luôn đặt
nhân vật của mình trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, qua thời gian quá khứ và đôi
khi mang hơi thở tâm trạng là cách làm quen thuộc của Bảo Ninh. Bi kịch cuộc đời ẩn
chứa dưới những cái tưởng như rất bình thường, cũng như dưới mặt nước phẳng lặng
là những đợt sóng ngầm dữ dội. Khi người ta chỉ rõ những khiếm khuyết, những đau
đớn, những cái được và mất của kiếp người hoặc đôi khi là những suy tư về thân phận
làm người thì đấy cũng là lúc con người khao khát đạt tới nếu không phải là cái tuyệt
đối, thanh khiết thì chí ít là sự an ủi và trăn trở cho chính mình. Tiểu thuyết Nỗi buồn
chiến tranh giúp cho người đọc có một cái nhìn toàn diện hơn về con người và vẫn
cảm nhận được đây là một cuốn tiểu thuyết đặc sắc có giá trị văn chương, thể hiện
được tâm huyết của người cầm bút “Muốn đưa đến cho văn học một cái gì mới lạ”.

72
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Ảnh (1968), Hành trình vào phân tâm học, Nxb Hoàng Phương Đông, Sài Gòn.
2. Đào Tuấn Ảnh (2015), Quan niệm thực tại con người trong văn học hậu hiện đại,
nghiên cứu văn học 8.
3. Lê Huy Bắc (1969), Nghiên cứu phân tâm học của S.Freud, Nxb An Tiêm, Sài Gòn.
4. Hồ Thế Duy (2001), “Bảo Ninh và ám ảnh nỗi buồn chiến tranh”, http://www. Tap
chi song huong.com.vn
5. Huyền Dương (1999), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông
tin, Hà Nội.
6. Đặng Anh Đào (2005), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, nghiên
cứu văn học 8.
7. Nguyễn Đăng Đàn (1993), Giáo trình thi pháp học, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
8. Đoàn Ánh Đức (1995), “Carl Gustav Jung và cái vô thức”, Tạp chí Văn học nước
ngoài, số 7.
9. Lê Bá Giang (2001), Văn chương - tiến trình - tác giả - tác phẩm, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
10. Hoàng Ngọc Hà (2003), Văn học về người lính, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
11. Lê Thị Hà (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
12. Nguyễn Hán (2004), Yếu tố phân tâm học trong truyện ngắn Việt Nam 1975 -
2000, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Khoa học Huế.
13. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2009), Từ điển thuật
ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Phạm Minh Hán (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
15. Lê Thị Hán (2005), “Tiểu thuyết - tầm vóc hiện thực và số phận con người”, trong
sách Đồng cảm và sáng tạo, Nxb Văn học, Hà Nội.
16. Hoàng Ngọc Hiến (2009), Quan niệm của Freud về vai trò của nghệ thuật trong đời
sống, Google.com
17. Phương Hương (2005), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
18. Phương Hường (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục.
19. Phương Lê (2006), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
20. Lã Lựu (2007), “Kỹ thuật dòng ý thức” trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí
luận và lich sử, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội.
21. Trần Huyền Nguyên (2008), “Hướng tiếp cận từ phân tâm học trong truyện ngắn

73
Việt nam sau 1975”, Tạp chí Sông Hương, số 6.
22. Bảo Ninh (2015), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ Hà Nội.
23. Ngô Ninh (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
24. Nguyễn Ninh (2008), Lí luận phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975, Luận án
Tiến sĩ Ngữ văn, Viện khoa học xã hội Việt Nam.
25. Hoàng Cẩm Sử (2009), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam
đương đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
26. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
27. Bích Sỹ (2009), Từ phân tâm học tìm hiểu tính hiện đại qua tiểu thuyết “Thân
phận của tình yêu” của Bảo Ninh, Tạp chí Sông Hương, số 195.
28. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
29. Đào Huy Thiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
30. Nguyễn Thanh Thu (2012), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Hà Nội.
31. Đặng Anh Thúy (chủ biên) (1998), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
32. Lê Bá Thưởng (2012), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1945 - chuyên luận, Nxb
Công an nhân dân, Hà Nội.
33. Đào Tuấn Thưởng (2013), Không gian văn học đương đại, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
34. Hà Minh Tú, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
35. Abrams. MH. (1993), A glossary of literary terms, Harcourt Brace Jovanovich
College Publishers, The United States of America.
36. Pospelov G.N (1964), Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian, Nguyễn Minh
Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch, Nguồn: http://vnthuquan.net.
37. Pospelov G.N (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học (Tập 2), Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
38. Xaaytlin (1968), Lao động nhà văn (Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.

74

You might also like