You are on page 1of 3

1.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản
của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin
vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng
và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
2. Vai trò của Phật giáo tác động đến sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh chú ý kế thừa, phát triển tư tưởng từ bi, vị tha, yêu thương con người, khuyến
khích làm việc thiện, chống lại điều ác; đề cao quyền bình đẳng của con người và chân lý; khuyên
con người sống hòa đồng, gắn bó với đất nước của Đạo Phật. Những quan điểm tích cực đó
được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo để đoàn kết đồng bào theo đạo Phật, đoàn kết toàn dân vì
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; góp phần vào việc xây
dựng xã hội mới, con người mới Việt Nam hiện nay.’
2.1. Đề cao con người, yêu thương con người
Chia sẻ tấm lòng yêu thương con người của Đức Phật, chính lòng yêu nước và yêu đồng bào
là điểm xuất phát cho cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Sinh ra
và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình và dân tộc, từ các trải nghiệm đã hình
thành nên ở Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh một tình
cảm sâu sắc và sự đồng cảm với những người nghèo khổ, cùng cực. Để rồi người thanh niên
họ Nguyễn quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân với “một sự ham muốn, ham muốn
tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng
bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Theo Hồ Chí Minh, người làm cách
mạng là những người tình cảm nhất, bởi họ làm cách mạng vì tình yêu đối với con người và
Tổ quốc. Phát huy triết lý “Hạnh vô ngã” của Phật giáo, người làm cách mạng sẵn sàng hy
sinh để mọi người có được một cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn: “Một ngày mà Tổ quốc
chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Không chỉ đau đáu nỗi đau của dân tộc, khi bôn ba trên khắp thế giới, người thanh niên họ
Nguyễn đã chứng kiến sự tàn bạo của đế quốc, thực dân đối với các dân tộc bị nô lệ, người
lao động nghèo khổ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Từ những người công nhân da đen
trên tàu ở Dakar phải mất mạng khi nhảy xuống biển để đáp tàu cho chủ, đến những trẻ em
bị chết đói ở Dahomey, người nghèo sống ở các khu nhà ổ chuột ngay trong lòng thành phố
hoa lệ Paris..., những câu chuyện đau lòng ấy càng thôi thúc người thanh niên có tấm lòng
nhân văn cao đẹp quyết tâm góp sức mình giúp đỡ cho các dân tộc không được hưởng tự do
và công lý. Cho đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn
luôn đau đáu đến hạnh phúc của Nhân dân, đến việc trên hết, trước hết là “công việc đối với
con người”, trong đó có việc chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bảo vệ quyền của
phụ nữ, quan tâm đến nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với những người lầm
đường lạc lối, Người tỏ lòng nhân ái để khuyến khích họ trở về. Có thể nói, “ngoài sự nhìn
nhận là một nhà yêu nước và vị lãnh tụ giải phóng dân tộc với tinh thần bất khuất, Hồ Chí
Minh còn là một người nhân văn sâu sắc”. Có thể nói rằng, tư tưởng vị tha của Phật giáo đã
được Hồ Chí Minh tiếp nhận và phát triển trong chính tư tưởng lí luận mà Người đã vạch ra
cho toàn Đảng, toàn dân sau này.
2.2. Đề cao, coi trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã
được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự
vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu
có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại ở cả phương Đông
và phương Tây, trong đó có Phật giáo gắn liền với đời sống nhân dân ta từ xưa đến nay với
những triết lý, những giá trị sống tốt đẹp.
Vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh khẳng định: làm cách mạng để
cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ
rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được
nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn
thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang; có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ,
thất bại không rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian
khổ, chất phác, khiêm tốn, mới lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lo hoàn thành nhiệm vụ
cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu
ngạo, không hủ hóa. Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai
cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân
mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện
rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”
Trong các bài nói chuyện, bài viết, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và nhấn mạnh tới việc giáo dục
đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người coi giáo dục đạo đức là nguồn cội vững chắc để hình
thành nên cách mạng, là động lực để cách mạng thành công, là sự kết nối giữa Đảng và Nhân
dân. Theo Hồ Chí Minh, con người muốn tiến bộ thì phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách
mạng, nhưng đó không phải là sự rèn luyện nhất thời, mà là cả một quá trình rèn luyện
không ngừng, phấn đấu suốt đời. Càng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thì con người
sẽ ngày càng mang đầy đủ tư cách, phẩm chất của một người cộng sản tiên phong, bao gồm
trung với Đảng, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
2.3. Đề cao, chú trọng phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Ở Việt Nam, truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng được hình thành và củng cố qua hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do thường xuyên phải đương đầu và chế
ngự trước những khắc nghiệt của tự nhiên và sự uy hiếp của kẻ thù nên tinh thần cố kết
cộng đồng của dân tộc Việt Nam đã sớm phát triển thành ý thức dân tộc, ý thức quốc gia.
Truyền thống đoàn kết đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để đương đầu
và chiến thắng thiên tai, địch họa.

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo rất phù hợp với
truyền thống đoàn kết của dân tộc, chính vì lẽ đó, Phật giáo nhanh chóng bám rễ sâu vào
mọi mặt đời sống của con người Việt Nam. Những nội dung trong tư tưởng “lục hòa” của
Phật giáo như: không nói lời dữ, không tranh hơn thua; ý của các thành viên trong cộng
đồng hòa hợp với nhau; chia sẻ những hiểu biết của mình cho mọi người cùng hiểu; có lợi
thì cùng chia sẻ với nhau... là cơ sở để xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết nhằm kiến tạo
một môi trường chung, giúp nhau cùng phát triển.
Tiếp thi những tinh hoa của tư tưởng “lục hòa” của Phật giáo, Hồ Chí Minh hiểu thấu đáo vai
trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị đại
biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc ngày 10/01/1955, Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là
trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông
dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như
cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp
nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù
những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”

Theo Người, muốn đoàn kết phải biết lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; lấy lợi
ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là tự do, dân chủ, bình đẳng
là điểm tương đồng làm ngọn cờ đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cũng là nguyên tắc “bất di
bất dịch” của sự nghiệp cách mạng. Tính chất đoàn kết rộng rãi của khối đại đoàn kết toàn
dân trong kháng chiến chống xâm lược thể hiện ở việc mở rộng tập hợp lực lượng trong mọi
giai tầng xã hội, mọi ngành, mọi giới, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, đảng phái, tổ chức và cá
nhân vào Mặt trận Dân tộc thống nhất. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc
thống nhất đã thể hiện đặc sắc tư duy của Hồ Chí Minh về sức mạnh và yêu cầu, nguyên tắc
của đoàn kết toàn dân, đồng thời phản ánh nghệ thuật, khoa học quy tụ, tổ chức và xây
dựng lực lượng cho cách mạng nói chung, cho chiến tranh nhân dân của Người nói riêng. Sự
vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở của liên minh công - nông, dưới sự
lãnh đạo của Đảng đã phát huy sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đập tan những âm
mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù, tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí, quyết tâm,
phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

You might also like