You are on page 1of 12

CÁC PHƯƠNG THỨC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

MỤC TIÊU:
Sau khi học xong bài này, sinh viên phải:
1. Mô tả được vai trò của các thành viên nhóm phục hồi chức năng.
2. Trình bày được nội dung chủ yếu của các phương pháp phục hồi chức năng thường được ứng dụng.

1. NHÓM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (REHABILITATION TEAM)

Như đã biết, những biện pháp được sử dụng giúp người khuyết tật tăng khả năng hoạt động để
chăm sóc, giao tiếp, đi lại, ứng xử trong xã hội, phát triển nghề nghiệp, học tập... được coi là phục hồi
chức năng.
Để tiến hành phục hồi chức năng có hiệu quả cho người khuyết tật cần lập nhóm phục hồi chức năng
(Rehabilitation Team).

1.1. Định nghĩa

Nhóm phục hồi chức năng là một tập thể người được lập ra, không phải phục hồi chức năng
tàn tật mà là cho từng cá thể tàn tật.

1.2. Thành viên và vai trò của các thành viên trong nhóm phục hồi

Thành phần nhóm phục hồi: thay đổi tuỳ từng trường hợp cụ thể, thông thường gồm các thành
viên.

1.2.1. Người tàn tật

Tham gia tối đa tất cả các lĩnh vực mà bản thân người tàn tật đó có nhu cầu. Người tàn tật là
đối tác quan trọng nhất trong nhóm phục hồi chức năng.

1.2.2. Bác sỹ phục hồi chức năng

- Khám lượng giá.


- Can thiệp y khoa.
- Chỉ định các phương pháp, kỹ thuật phục hồi chức năng.
- Khám lượng giá lại.
- Quyết định tiếp tục, chấm dứt phục hồi chức năng, thay đổi, bổ sung phương thức phục hồi
chức năng.
Bác sĩ chuyên ngành phục hồi chức năng là nhóm trưởng nhóm phục hồi chức năng.

1.2.3. Điều dưỡng viên phục hồi chức năng

Điều dưỡng phục hồi chức năng là thành viên trong nhóm phục hồi chức năng có nhiều thời
gian chăm sóc người tàn tật nhất vì vậy có vai trò đặc biệt:
- Tâm lý điều trị.
- Môi trường phục hồi.
- Thực hiện y lệnh của bác sỹ.
- Theo dõi phát hiện sớm các tình trạng của bệnh nhân.

1.2.4. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu


- Lượng giá và can thiệp về kỹ thuật vật lý trị liệu.
- Tâm lý bệnh nhân
- Sử dụng dụng cụ chỉnh hình, di chuyển, thăng bằng...

1.2.5. Cán bộ ngôn ngữ trị liệu

Là thành viên đặc biệt của nhóm phục hồi, khám lượng giá về khả năng giao tiếp, can thiệp để
phục hồi chức năng về nói, nuốt, nghe, đặt vấn đề chỉ định, cung cấp các máy trợ thính, máy phát âm,
tâm lý...

1.2.6. Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu

Khám lượng giá hoạt động chức năng của chi trên, chi dưới, hoạt động hàng ngày, lập kế
hoạch can thiệp thích ứng về mặt hoạt động trị liệu, hướng nghiệp, việc làm, thu nhập..

1.2.7. Cán bộ xã hội

- Lượng giá về tâm lý.


- Tìm hiểu các yếu tố xã hội có liên quan đến khuyết tật, tìm các loại tàn tật để trợ giúp.
- Cải thiện môi trường.
- Liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hội nhập gia đình, học nghề mới...

1.2.8. Giáo viên hoà nhập

Lượng giá về:


- Tâm lý giáo dục.
- Phát hiện khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật.
- Các hoạt động vui chơi cho trẻ khuyết tật, tổ chức hệ thống giáo dục đặc biệt:
+ Giáo dục chuyên biệt.
+ Giáo dục hoà nhập.
1.2.9. Cán bộ tâm lý trị liệu
Nghiên cứu về các khía cạnh tâm lý, có liên quan đến tàn tật, phục hồi chức năng về mặt tâm
lý.

1.2.10. Kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình và chi giả

Chế tạo dụng cụ chỉnh trực và thay thế (chân tay giả) thích hợp cho người tàn tật.

2. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Nguyên tắc hoạt động của nhóm là bình đẳng, hợp tác:
- Khám lượng giá toàn diện.
- Chọn kỹ thuật và phương thức phục hồi chức năng tối ưu.
- Ra quyết định tiếp tục phục hồi, thay đổi, ngừng điều trị.
- Khám lại.
- Cung cấp các thiết bị thích hợp…
- Cải thiện môi trường tại cộng đồng, gia đình...

3. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Nói chung các phương thức tạo thuận lợi cho người hội nhập xã hội gọi là phương thức phục
hồi chức năng. Trong phần này, chúng tôi chỉ nêu lên 4 phương thức đại diện.
Khi nói về phục hồi chức năng, chúng ta luôn ý thức được là không chỉ có sự tham gia toàn
diện của nhóm phục hồi với những kiến thức, kỹ năng, phương tiện thích hợp, hiệu quả tối ưu mà cần
đánh giá rất trân trọng sự tham gia của người tàn tật cũng như thành viên gia đình họ.

3.1. Hoạt động trị liệu

3.1.1. Định nghĩa

Hoạt động trị liệu là điều trị bằng các vận động chức năng để người tàn tật tự chăm sóc cơ
thể, làm việc, giải trí, để có cơ hội tái hội nhập xã hội.

3.1.2. Nội dung của hoạt động trị liệu

- Lượng giá chức năng của người tàn tật:


+ Đánh giá cả quá trình điều trị: thu thập các triệu chứng, dấu hiệu, đưa ra quyết định thích hợp,
đặc điểm cá tính, kinh nghiệm, tín ngưỡng, học vấn của người bệnh, mối quan hệ gia đình,
tâm lý, cảm giác, vận động, thính giác, thị giác, nhận thức, tri giác, kỹ năng tâm lý học, xã hội
học…
+ Lượng giá môi trường hoạt động: lối đi (bậc thang, rào chắn, thềm nhà), chiều cao giường,
ghế, bếp, tay vịn cầu thang...
- Điều trị:
+ Phương tiện: vận động chức năng và các hoạt động sinh hoạt thường nhật.
+ Mục tiêu: điều trị dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và quá trình lượng giá. Trong
hoạt động trị liệu, từng mục tiêu cụ thể, một số kỹ thuật được sắp xếp lại thành nhóm để điều
trị có hiệu quả nhất gọi là "Mẫu điều trị".
Ví dụ:
+ Các kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân AIDS, giai đoạn cuối của ung thư gọi là "Mẫu chăm sóc
tạm thời".
+ Mẫu chăm sóc bệnh nhân sau chấn thương sọ não, đột quỵ gọi là "Mẫu phục hồi chức năng".
Mẫu phục hồi chức năng có mục tiêu:
● Đạt tối đa độc lập trong các lĩnh vực tự chăm sóc, làm việc, giải trí.
● Phục hồi chức năng tối đa gần với trước khi bị tàn tật.
● Duy trì khả năng cũ đã có.
● Sử dụng tốt các dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình, thay thế, thích nghi tối đa với môi
trường của người tàn tật.
- Các phương pháp kỹ thuật điều trị trong hoạt động trị liệu:
+ Phương pháp sinh lý cơ học: là phương pháp điều trị dựa vào mức độ vận động học của
xương, cơ, khớp, thần kinh, hô hấp tuần hoàn.
Loại hình điều trị này áp dụng điều trị sau tổn thương, gãy xương, tổn thương thần kinh ngoại biên,
viêm khớp, bỏng đoạn chi...
Mục đích là tăng sức mạnh cơ, hoạt động khớp, duy trì tính bền vững.
+ Phương pháp điều trị dựa vào học thuyết phát triển thần kinh: nguyên tắc điều trị là dựa
vào tạo thuận thần kinh cơ, kết hợp với cảm giác, để tái phát triển vận động và vị thế.
Chỉ định của phương pháp phát triển thần kinh:
* Điều trị bại não.
* Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, Parkinson, trẻ chậm
phát triển trí tuệ.
+ Phương pháp nhận thức:
● Nghiên cứu về nhận thức của người tàn tật để khắc phục các nhận thức sai và không đầy đủ
qua việc học lại hoặc thích nghi, khắc phục sai lệch kiến thức bằng cách huấn luyện cho
người tàn tật.
● Phương pháp này dùng để phục hồi chức năng cho các tổn thương có liên quan đến não, thần
kinh trung ương.
Hoạt động trị liệu góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng, hướng nghiệp cho
người tàn tật.

3.2. Ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu là một chuyên ngành trong phục hồi chức năng, nghiên cứu và giải quyết các bệnh
lý gây khó khăn về giao tiếp.

3.2.1. Một số khái niệm về giao tiếp

Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin, nhu cầu tình cảm giữa ít nhất hai đối tượng, nhờ các
hình thức khác nhau của ngôn ngữ.
Quá trình này mang tính hai chiều; vai trò gửi và nhận thông tin được luân chuyển giữa các
đối tượng giao tiếp, một người là người gửi thông điệp hay là người khởi xướng, còn người kia đáp
ứng - hay là người nhận thông điệp. Không thể có giao tiếp tốt nếu không có sự luân phiên vai trò
này.
Phương tiện để truyền đạt thông điệp chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu được
mã hoá một cách võ đoán, được một cộng đồng chấp nhận sử dụng. Ngôn ngữ là sản phẩm của quá
trình tư duy, nhờ hoạt động của não. Người ta giao tiếp bằng các hình thức khác nhau của ngôn ngữ:
có lời và không lời. Đối với một người bình thường, lời nói là hình thức được sử dụng và dễ dàng
nhất. Nhưng người có khó khăn về giao tiếp lại phải dùng nhiều hình thức giao tiếp khác nhau nhằm
đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt những người không thể dùng lời nói để giao tiếp (người bị
câm điếc).
Ngôn ngữ có lời gồm lời nói và chữ viết. Ngôn ngữ không lời gồm ngôn ngữ cơ thể (giao tiếp
bằng nét mặt, ánh mắt, tư thế cơ thể, giọng nói), dấu và hình vẽ. Qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, giọng
nói của người đối thoại, ta có thể đoán được nhiều điều: tâm trạng, sự chân thành, hứng thú giao
tiếp… mặc dù điều đó không được nói ra.
Dùng dấu để giao tiếp gồm các kỹ năng: ra hiệu bằng những cử động của tay thông thường (ví
dụ: "ra đây!", "ngồi xuống!" hoặc "yên lặng!"). Những cử chỉ này không cần quy ước, mọi người đều
hiểu và sử dụng được. Nhưng ở trong
những trường, lớp đặc biệt, trẻ câm điếc được dạy một cách hệ thống dấu khác, được quy ước và sử
dụng chung. Hệ thống dấu này được chia thành những bộ dấu theo các chủ đề như: các đại từ nhân
xưng (bố, mẹ, anh, chị em....); danh từ chỉ vật, từ hành động... Những nhược điểm của hệ thống dấu
này được hoàn chỉnh nhờ bộ dấu chữ cái ngón tay. Mỗi chữ cái trong bảng an-pha-bê của tiếng Việt,
các thanh diệu và số được mã hoá thành những tư thế khác nhau của ngón tay, bàn tay. Nhờ nó mà
người câm điếc có thể giao tiếp về mọi chủ đề phức tạp nhất.

3.2.2. Nguyên nhân gây khó khăn về giao tiếp

Có 3 nhóm:
Trước khi sinh:
+ Khiếm khuyết vành tai.
+ Dị dạng miệng (khe hở vòm miệng).
+ Mẹ ốm trong khi mang thai.
+ Dinh dưỡng mẹ - thai nhi (thiếu iod khiến trẻ bị chậm phát triển trí tuệ).
Trong khi sinh:
+ Đẻ non, chấn thương não do can thiệp sản khoa (bại não).
Sau khi sinh:
+ Bệnh nhiễm trùng: viêm màng não mủ, sởi, quai bị, viêm não gây các di chứng não, chậm
phát triển trí tuệ và tổn thương thính giác.
+ Do thuốc (streptomycin, gentamycin, quinin...) gây điếc.
+ Lão hoá: tuổi tác đi kèm với thoái hóa thần kinh thính giác gây nghe kém.
+ Môi trường ồn gây điếc.

3.2.3. Phát hiện người có khó khăn về giao tiếp

Những người có khó khăn về giao tiếp có thể thể hiện một số dấu hiệu:
- Không giao tiếp được theo cách bình thường.
- Không nói được hoặc không hiểu người khác.
- Thu mình lại không giao tiếp.
Cách kiểm tra khả năng nghe:
- Trẻ dưới 6 tháng: để trẻ nằm ngửa trên bàn, đứng phía đầu trẻ, cách nửa mét và vỗ tay hoặc
dùng xúc sắc phát ra tiếng động. Nếu nghe thấy, trẻ sẽ quay đầu về nơi phát ra tiếng động.
- Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi: để trẻ ngồi quay mặt về phía mẹ. Người khác đứng sau lưng cách
trẻ 3m, vỗ tay hoặc gọi tên trẻ xem trẻ có quay lại hay không.
- Trẻ trên 3 tuổi và người lớn: đứng sau lưng người bệnh 3m, nói bình thường, yêu cầu họ thực
hiện mệnh lệnh, ví dụ: "giơ tay phải lên", "giơ 3 ngón tay trái lên"... xem họ thực hiện có
đúng không.
Khi có nghi ngờ người bị nghe kém, hãy gửi họ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng để kiểm tra và đo
thính lực. Hãy kiểm tra tại trẻ để phát hiện có chảy mủ tai hay không và cho điều trị viêm tai giữa nếu
có.

3.2.4. Các kỹ thuật huấn luyện cơ bản

Nguyên tắc 3T:


Nội dung của nó là những người xung quanh cần thay đổi cách giao tiếp của mình để người
tàn tật có thể hiểu được và học được ngôn ngữ dễ hơn khi giao tiếp với họ.
- T1: Theo ý thích của trẻ: để trẻ tập trung lâu hơn và nhớ lâu hơn.
Bằng cách: chờ đợi, quan sát và lắng nghe xem trẻ thích gì, quan tâm đến điều gì. Chờ đợi trẻ
sẽ tự khởi xướng và chủ động giao tiếp.
- T2: Thích ứng với trẻ: người lớn thay đổi cách giao tiếp của mình cho phù hợp với trẻ tàn tật.
Bằng cách:
+ Mặt ngang mặt với trẻ để trẻ nhìn miệng người nói. Trẻ sẽ quan sát nét mặt, ánh mắt của
người đối thoại và hiểu người khác nói gì.
+ Nói chậm, câu ngắn, từ đơn giản, kết hợp với dùng dấu, cử chỉ điệu bộ và kỹ năng không lời
khác để trẻ dễ hiểu hơn.
+ Giao tiếp có lần có lượt, không tranh lượt chơi hoặc lượt nói của trẻ.
- T3: Thêm từ mới và thông tin mới khi giao tiếp với trẻ.
Bằng cách: nói về mọi vật, sự việc đang diễn ra quanh trẻ.
- Tưởng tượng và nói về các việc đã đang và sẽ xảy ra.
- Nhắc đi nhắc lại những từ đã học.
Bằng những kỹ năng này, trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn và được khuyến khích giao tiếp. Mục
đích giao tiếp với trẻ là hội thoại càng kéo dài càng tốt và trẻ bị cuốn hút, tham gia giao tiếp một cách
chủ động và hào hứng.
3.2.5. Các dạng khó khăn về giao tiếp

Bệnh lý ngôn ngữ gồm:


+ Thất ngôn: là tình trạng mất khả năng diễn giải và tạo các ký hiệu ngôn ngữ do tổn thương
não. Đó là bệnh lý của "các quá trình ngôn ngữ trung tâm", gồm các hình thức ngôn ngữ như:
hiểu lời nói, hiểu chữ viết, diễn đạt bằng lời nói và chữ viết. S5% các trường hợp thất ngôn là
do taii biến mạch máu não bán cầu trái. Có nhiều thể thất ngôn nhưng có thể phân ra những
nhóm như: rối loạn khả năng hiểu, rối loạn khả năng diễn đạt ngôn ngữ hoặc phối hợp.
+ Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em: là hiện tượng thụ đắc (học) ngôn ngữ mẹ đẻ muộn hơn,
hạn chế và khó khăn hơn do chậm phát triển trí tuệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng
này nhưng một trong những lý do thường gặp là do thiếu iod trong quá trình mẹ mang thai.
Phát hiện chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ dựa trên sự phát triển bình thường của trẻ.
Nguyên tắc dạy ngôn ngữ cho trẻ cũng phải dựa vào quá trình phát triển của các hình thức
ngôn ngữ bình thường.
+ Kém phát triển ngôn ngữ ở trẻ điếc cảm: tại người nghe được các âm thanh có tần số từ 20 tới
20.000Hz. Cường độ âm thanh mà người bình thường nghe được khoảng dưới ngưỡng 20dB
trong điều kiện yên lặng.
Nghe kém là khi ngưỡng nghe của một người cao hơn so với bình thường, chẳng hạn:
Từ 20 - 40dB: điếc nhẹ.
Từ 40 - 70dB: điếc vừa.
Từ 70 - 90dB: điếc nặng.
Trên 120dB; điếc sâu.

Giọng nói bình thường trước đám đông (lớp học) khoảng 50 - 60dB. Nếu ngưỡng nghe ở các
tần số đều trên 70dB thì bị coi là điếc. Điếc do bệnh lý của tai ngoài và tai giữa gọi là điếc dẫn truyền.
Nếu nguyên nhân thuộc tại trong và thần kinh thính giác gọi là điếc tiếp nhận.
Trẻ nghe kém có thể đeo máy trợ thính (khi ngưỡng nghe dưới 70dB), còn trẻ điếc (ngưỡng
nghe trên 70dB) đeo máy trợ thính ít có khả năng học nói được bình thường. Ngày nay những trẻ này
thường được cấy điện cực ốc tai từ nhỏ và có thể học nói được bình thường nếu kết hợp với phục hồi
chức năng ngôn ngữ.
+ Nói ngọng: là những trường hợp nói không tròn vành rõ tiếng, không giống chuẩn mực phát
âm của cộng đồng, khiến người xung quanh hiểu kém. Ngọng do lý do phát triển, do thói
quen từ nhỏ và không được sửa kịp thời. Ngọng cũng còn do bệnh lý thực thế của cơ quan
ngôn ngữ giao tiếp như (nghe kém, bại não, phanh lưỡi ngắn...). Khi trẻ ngọng nên cho trẻ đi
kiểm tra thính lực và đến khám để được tư vấn bởi chuyên gia ngôn ngữ. Trẻ có thể học nói
như các trẻ khác hoặc muộn hơn.
Cách dạy trẻ sửa phát âm:
● Nói chậm để trẻ có thể bắt chước được để sửa.
● Viết ra một loạt các từ chứa âm sai để trẻ đọc.
● Sửa âm sai khi trẻ đọc hoặc nói.
+ Nói lắp: là bệnh lý về sự lưu loát. Mất lưu loát khiến nói trở nên khó khăn, kém trôi chảy.
Nói lắp thường là do thói quen. Nếu ngay khi mới bị nói lắp, lưu ý trẻ ngay, trẻ sẽ tự điều
chỉnh được. Có một số trẻ thích nói lắp để được chú ý.
Còn ở trẻ lớn hơn, khi đã bị nói lắp thường xấu hổ và lo lắng về tật nói lắp của mình, do vậy
trẻ càng dễ bị nói lắp hơn, đặc biệt khi trẻ lo lắng.
Điều trị nói lắp: gồm điều trị về tâm lý và huấn luyện một số kỹ năng nói.
- Điều trị tâm lý: bệnh nhân cần được phân tích về tâm lý, điều trị về tâm lý và được tư vấn về
hành vi, cư xử. Giảm bớt căng thẳng và lo lắng của trẻ. Nếu trẻ nói lắp trong một số tình
huống như sắp đọc bài, bị mắng, đến chỗ lạ... cần tạo cho trẻ một không khí thư giãn, nhẹ
nhàng.
- Tập thở: nên hướng dẫn trẻ tập thở chậm và nhẹ nhàng, đặc biệt trước khi trẻ nói cần hít sâu
và thở ra chậm vài lần rồi mới nói. Cách này có thể giúp trẻ chuẩn bị tốt và thư giãn trước khi
nói.
- Nói chậm, câu ngắn: nhắc để trẻ nói bằng những câu ngắn vài ba từ, trẻ có thời gian nghĩ và
bớt nói lắp.
+ Nói khó:
Phần này dành cho trẻ nghe được, do bị khó khăn vận động thân mình, chân tay và mặt,
miệng nên nói khó (người ta gọi là trẻ bại não).
Giúp trẻ tạo âm: để trẻ bắt chước các âm của bạn, lúc đầu tạo các âm "a, o, e, i...", có thể phải
làm nhiều ngày các âm đó mới rõ ràng. Sau đó dạy trẻ tạo các âm "mama, baba, tata, chacha...". Khi
trẻ đã bắt chước được một số âm, hãy dạy trẻ gọi tên những người thân, tên một số thức ăn, đồ vật
quanh chúng. Khi trẻ đã nói được khá nhiều từ đơn, hãy tập cho trẻ ghép vài ba từ lại, ví dụ: trẻ nói
"mẹ", bạn hãy nhắc trẻ "mẹ nấu cơm" hoặc "chị học bài". Nếu trẻ không phát âm được có thể dùng
tranh để giao tiếp với trẻ.
Ngày nay, ngôn ngữ trị liệu đã trở thành một ngành học quan trọng trong chuyên ngành phục
hồi chức năng; nhờ đó nhiều người giảm khả năng giao tiếp tàn tật đã hội nhập xã hội, có chất lượng
cuộc sống được cải thiện đáng kể.

3.3. Cách làm và sử dụng dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng

3.3.1. Phân loại

Dụng cụ phục hồi chức năng có tầm quan trọng đặc biệt, được chia thành các nhóm:
- Các dụng cụ vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh cơ, tăng tầm hoạt động khớp: thang
tường, tập khớp vai, quả tạ, lò xo, bao cát, ròng rọc...
- Dụng cụ trợ giúp di chuyển và sinh hoạt: thanh song song, khung tập đi, nạng, gậy, đệm tay,
đệm gối, xe lăn... dụng cụ trợ giúp ăn uống sinh hoạt.
- Các dụng cụ chỉnh hình và thay thế.

3.3.2. Cách làm và sử dụng

3.3.2.1. Các dụng cụ vật lý trị liệu

- Thang tường: là dụng cụ giống thang nhưng gắn vào tường để tập luyện.
+ Nguyên liệu: gỗ, tre, kim loại đảm bảo độ bền, dẻo.
+ Cách làm: Như hình vẽ. Sử dụng 4 thanh gỗ dày > 2cm, chiều cao và chiều rộng tuỳ theo vị
trí đặt thang tường. Đục các lỗ để luồn các thanh tròn vào, cố định vào tường cho chắc chắn.
+ Chỉ định: dùng để tập sức mạnh của các chi, tăng tầm hoạt động của khớp và cột sống.

- Quả tạ, lò xo, bao cát, ròng rọc dùng để luyện cơ, khớp, tập tăng tiến.
- Xe đạp tập, thuyền tập, dụng cụ tập đa năng... để tập kháng trở tăng tiến.

3.3.2.2. Các dụng cụ trợ giúp di chuyển

- Thanh song song: là dụng cụ có hai thanh đặt song song để trợ giúp người tàn tật di chuyển trong
giai đoạn đầu.
+ Nguyên liệu: gỗ, tre, kim loại có độ bền, dẻo đảm bảo.
+ Cách làm:
Đo chiều cao:
Mức 1 đến ngang cổ tay
Mức 2 đến khuỷu tay
Mức 3 đến nách
Đo chiều rộng:
Khoảng cách giữa hai vai + 3cm
Lắp ghép và gia cố
+ Cách sử dụng:
● Người tàn tật nắm 2 tay trên 2 thanh song song.
● Người tàn tật chuyển 1 tay lên phía trước 1 thanh.
● Người tàn tật chuyển tay kia lên phía trước thanh kia.
● Người tàn tật bước 1 chân lên.
● Người tàn tật di chuyển nốt chân bên kia lên.
+ Chỉ định: dùng tập cho người bệnh nằm lâu còn đang yếu hoặc người tàn tật giai đoạn đầu
mới tập đi như: liệt bán thân, liệt hai chi dưới, bại não, bại liệt hoặc người mới lắp chân giả.
-Khung tập đi: là một dụng cụ giúp cho người tàn tật tập đi khi họ chưa sử dụng được nạng, gậy do cơ
thể còn yếu hoặc sau khi bị nạn chưa thể đi lại được…
+ Nguyên liệu: gỗ, tre, kim loại, mây song.
+ Cách làm:
Đo chiều cao:
Mức 1 đến thắt lưng
Mức 2 đến giữa thắt lưng và nách
Mức 3 có giá đỡ đến nách như nạng
Đo chiều rộng bằng hai vai người tàn tật.
Chọn 4 thanh gỗ bằng chiều cao đã định và 6 thanh gỗ bằng chiều rộng đã định. Dùng ốc vít
hoặc đục cưa để ghép lại, sau đó bào nhẵn và lót đệm ở phía trên.
Khung tập đi có thể không có bánh xe hoặc có bánh xe.
+ Chỉ định: dùng để tập cho người liệt bán thân, liệt hai chi dưới, bại não.
+ Cách sử dụng: người tàn tật di chuyển khung lên phía trước bằng cách đẩy hoặc nâng khung
lên, di chuyển một chân lên phía trước, tiếp tục di chuyển chân kia.
- Nạng: là dụng cụ giúp cho người tàn tật tập di chuyển.
+ Có 2 loại: nạng nách và nạng khuỷu.
+ Nguyên liệu: kim loại, gỗ, tre, mây song.
+ Cách làm nạng nách:
● Đo chiều cao của nạng từ đất đến điểm cách hố nách 2 - 3 khoát ngón tay. Khoảng cách từ
điểm trên đến tay cầm bằng từ khuỷu đến đầu mút ngón tay hoặc từ nách đến khuỷu tay. Lắp
nạng, dùng bu lông hoặc ốc vít, một miếng cao su để đệm.
● Có thể chọn một cành cây đủ bền để làm.
+ Cách làm nạng bằng tre: chọn tre già, đặc (tre gai, tre hóp). Sau khi chặt một hai thanh đường
kính 3 - 5cm, đo kích thước như nạng gỗ. Chọn một mắt tre, khoan một lỗ phía trên, phía dưới
buộc dây thép, chẻ đến ngang lỗ: dùng hai miếng gỗ dài 10 và 18cm kết thành nạng. Phía
dưới đệm cao su để cho khỏi trượt.
+ Cách làm nạng khuỷu: là dụng cụ trợ giúp cho người tàn tật di chuyển. Đo chiều cao từ sàn
nhà đến cổ tay. Đoạn tựa khuỷu từ khuỷu đến cổ tay.
+ Cách sử dụng 2 nạng:
Cách 1: đi hai điểm: đưa 1 chân và 1 nạng bên đối diện lên.
Cách 2: đi ba điểm: bước chân yếu và cả 2 nạng lên cùng một lúc, sau đó bước chân khoẻ.
Cách 3: đi bốn điểm: đưa 1 nạng lên, tiếp theo chân bên đối diện, sau đó nạng còn lại lên và cuối cùng
là đưa chân còn lại lên.
Cách 4: đu cả hai tay người lên nạng.
+ Cách sử dụng 1 nạng: cho nạng ở phía bên lành, cho chân liệt và nạng bước lên cùng một lúc, tiếp
theo là chân lành.
- Gậy: là dụng cụ trợ giúp người tàn tật đi lại sau khi đã sử dụng được khung tập đi, nạng...
+ Nguyên liệu: tre, gỗ, mây song, kim loại…
+ Cách làm: đo chiều cao gậy từ cổ tay đến mặt đất, ghép 2 miếng gỗ bằng đinh vít hoặc đục lỗ
ghép mộng.
+ Cách sử dụng: cầm gậy bên phía lành, bước chân yếu và gậy lên sau đó chân khỏe lên.
Lựa chọn giữa nạng và gậy: người có cơ bắp khỏe và thăng bằng tốt thì dùng gậy. Người có vấn đề ở
chi dưới hoặc giữ thăng bằng kém thì dùng nạng.
+ Cách làm đệm tay, đệm gối: là dụng cụ trợ giúp cho người tàn tật di chuyển bằng cách bò
hoặc khi ngồi trên xe lăn tay 4 bánh bằng gỗ để đẩy.
+ Cách làm đệm tay: chọn 2 miếng gỗ bằng, mỗi miếng bằng bàn tay, chiều dày khoảng 2 ngón
tay hoặc 2 đốt ngón tay. Dùng 2 miếng cao rộng bằng 3 đốt ngón tay, dài bằng miếng gỗ.
Dùng đinh đóng thêm đế cao su.
+ Cách làm đệm gối: dùng miếng cao su ở lốp xe hoặc mút, da. Đo chiều dài bằng 2 bàn tay,
chiều rộng phủ kín trước gối, làm 4 quai vải hoặc da. Đục 4 lỗ ở mỗi đầu miếng cao su hoặc
da. Xâu các quai vào lỗ, buộc vào khớp gối để bò.
- Xe lăn và các phương tiện dùng để di chuyển người tàn tật hoặc bệnh nhân:
+ Nguyên liệu: bánh cao su đặc, khung kim loại hoặc bánh xe đạp, khung gỗ, mây song.
+ Cách sử dụng xe lăn không có chỗ để tay:
● Di chuyển từ xe lăn sang giường.
● Từ giường sang xe lăn.
+ Sử dụng xe lăn có chỗ để tay.
+ Dùng xe lăn có ván trượt.
+ Hướng dẫn di chuyển từ xe lăn xuống nền nhà, từ nền nhà lên xe lăn (có ghế hoặc không).

3.3.2.3. Các dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt

Là các dụng cụ trợ giúp người tàn tật ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, mặc quần áo, đọc sách.

3.3.2.4. Dụng cụ chỉnh trực và thay thế

- Dụng cụ chỉnh trực: là những dụng cụ ứng dụng hệ thống lực hỗ trợ bên ngoài cho phần cơ thể bị yếu.
+ Mục đích:
● Nắn chỉnh trục của một phần chi thể.
● Bảo vệ một phần của bệnh nhân bị bệnh thần kinh, cơ, xương khớp.
● Ngăn ngừa các biến dạng.
● Giảm đau.
● Cần khám kỹ trước về cơ sinh học, bệnh học để có chỉ định chính xác nẹp chỉnh trực, thiết
kế cụ thể để khi sử dụng thoải mái, không gây thương tích, tăng cường chức năng cho
người bệnh, đạt được mục tiêu sử dụng nẹp chỉnh trực.
+ Nẹp chỉnh trực bao gồm:
● Các nẹp cho chi trên.
● Các nẹp cho chi dưới.
● Các nẹp cho cột sống.
● Dụng cụ thay thế (chân tay giả): khi bị mất chi, người khuyết tật được cung cấp dụng cụ
thay thế gọi là chi giả.
+ Gồm 2 loại:
● Loại nối kết trong (phần cứng chịu lực được thiết kế trong), ở Việt Nam, phần lớn theo
kiểu này.
● Loại nối kết ngoài (phần chịu lực nằm ngoài).
+ Chỉ định cắt cụt:
● Chấn thương.
● Một số bệnh của mạch, thần kinh xương không có khả năng điều trị bảo tồn.
● Tật bẩm sinh thiếu hụt chi.
● Dụng cụ chỉnh trực thay thế có vai trò rất quan trọng đối với người giảm chức năng vận
động.
Công nghệ chế tạo ngày càng tiên tiến đáp ứng được nhu cầu phục hồi chức năng và thẩm mỹ
cho người khuyết tật.
Các dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả rất cần thiết cho người tàn
tật. Các dụng cụ này tạo điều kiện cho người tàn tật hoà nhập xã hội, trong khi đó các phương pháp
như điều trị nội khoa, ngoại khoa không thể giải quyết được.

3.4. Giáo dục đặc biệt trong phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật

3.4.1. Các mô hình giáo dục đặc biệt

Trong chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, giáo dục cần lượng giá khả năng
của học sinh khuyết tật, sau đó tìm mục tiêu, phương pháp và hình thức giảng dạy. Nó bao gồm 3 hình
thức:

3.4.1.1. Giáo dục chuyên biệt

Là giáo dục mà học sinh tàn tật bị tách biệt với gia đình và xã hội. Các em bị đối xử biệt lập
với trẻ bình thường khác, dễ tạo cho các em mặc cảm, bị động và phụ thuộc. Hình thức giáo dục này ít
phù hợp, ít hiệu quả. Mô hình giáo dục này lấy kỹ thuật phục hồi chức năng làm trung tâm. Kết quả là
trẻ tàn tật bị phụ thuộc.

3.4.1.2. Giáo dục hội nhập

Các em tàn tật ngồi học cùng với các em học sinh khác nhưng giáo viên có những phương pháp đặc
biệt dành riêng cho các em để hy vọng trẻ khuyết tật có thể tiến kịp với các trẻ bình thường khác. Kết
quả là các em vẫn có mặc cảm bị đối xử phân biệt.

3.4.1.3. Giáo dục hoà nhập

Mô hình giáo dục hoà nhập là mô hình giáo dục mà trẻ tàn tật học chung với trẻ bình thường
cùng một lớp. Mô hình giáo dục hoà nhập lấy cả trẻ tàn tật và trẻ bình thường là trung tâm của giáo
dục. Giáo dục hoà nhập xuất phát từ quan niệm các trẻ tàn tật và không tàn tật đều có khả năng và nhu
cầu riêng biệt.
Giáo dục tạo mọi thuận lợi để đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh và phát triển tối đa tiềm
năng của mọi trẻ em. Các em được bình đẳng phát triển với mọi trẻ em bình thường khác về thể chất,
tinh thần, văn hoá, xã hội, nhân cách. Trẻ tàn tật được tham gia các hoạt động trong cộng đồng, xã hội
và có cơ hội đóng góp sức mình cho sự phát triển xã hội về tương lai.
Giáo dục chuyên biệt, giáo dục hội nhập, giáo dục hoà nhập ở đất nước ta đã và đang áp dụng,
nhưng giáo dục hoà nhập vẫn là định hướng chiến lược giáo dục cho trẻ em khuyết tật.
Giáo dục hội nhập và giáo dục chuyên biệt vẫn được áp dụng để giáo dục phục hồi chức năng
cho các trẻ tàn tật nặng và là nơi đào tạo giáo viên giáo dục hoà nhập.

3.4.2. Những ưu điểm của giáo dục hoà nhập Phù hợp với mục tiêu giáo dục cho trẻ tàn tật.

Tổ chức UNESCO nêu lên mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21 là: học để biết, để làm, để chung
sống, để khẳng định chính mình.
Giáo dục chuyên biệt và giáo dục hội nhập lấy mục tiêu đào tạo là trung tâm. Mọi trẻ em phải
theo mục tiêu đã định sẵn.
Giáo dục hoà nhập lấy trẻ em làm trung tâm, tạo môi trường giáo dục thuận lợi tổng thể để trẻ
phát triển toàn diện nhằm đáp ứng phát triển giáo dục của đất nước, kể cả các trẻ tàn tật.
Giáo dục hoà nhập có chi phí thấp, tạo thuận lợi để xã hội hoá công tác giáo dục.
Giáo dục hoà nhập đã được tuyên ngôn quốc tế Salanianca (1994) thừa nhận và phù hợp với
Luật Giáo dục của Việt Nam (1998).

3.4.3. Nội dung và quy trình giáo dục hoà nhập

Tìm hiểu khả năng mà trẻ có và các mặt yếu để hỗ trợ giáo dục.
- Xây dựng mục tiêu và kế hoạch dạy học, mục tiêu cấp học, năm học, tháng học, tuần học,
ngày học, bài học. Mục tiêu kế hoạch cần sự thảo luận giữa giáo viên với cán bộ phục hồi
chức năng, đặc biệt quan tâm đến nguyện vọng của gia đình.
Phương pháp giảng, phương tiện giảng cần phù hợp với khả năng của trẻ tàn tật như khiếm thị, khiếm
thính…
Đánh giá học tập toàn diện: kiến thức, tâm lý, xã hội so với ban đầu của trẻ, mục tiêu của lớp,
của gia đình đặt ra ban đầu cho trẻ tàn tật. Sự đánh giá này có sự tham gia rộng rãi, kể cả trẻ tàn tật và
gia đình.
- Để thực hiện giáo dục hoà nhập, cần có sự tham gia của giáo viên, năng lực giáo viên, sự
tham gia của gia đình và các nhà tài trợ…
Được đi học là niềm hạnh phúc to lớn của cha mẹ các em bị tàn tật và là quyền lợi của các
em.
Giáo dục đặc biệt là một phát kiến vĩ đại về mặt giáo dục và mang tính nhân văn sâu sắc.
Giáo dục đặc biệt phát triển qua thực tiễn nghiên cứu. Giáo dục chuyên biệt, giáo dục hội
nhập, giáo dục hoà nhập đã giúp cho hàng triệu trẻ em tàn tật trở thành những công dân có nhiều đóng
góp cho xã hội, gia đình và bản thân.
Trong sự phát triển ngành phục hồi chức năng nói chung cũng cần sự trợ giúp của giáo dục
đặc biệt. Chúng ta không chỉ nhìn thấy ghi nhận điều khó khăn của người tàn tật mà cần phát hiện
bằng được những khả năng tiềm ẩn về trí tuệ và thể chất của người tàn tật để giúp họ vượt qua chính
bản thân mình.
Giáo dục hoà nhập không những giúp các cháu học sinh tàn tật học tập tốt mà còn giúp cho
các cháu chưa tàn tật phát triển nhân tính hoàn hảo hơn, đạt kết quả học tập toàn diện hơn.

KẾT LUẬN

Người tàn tật bị giảm hoặc mất nhiều chức năng. Để chăm sóc phục hồi chức năng cho người
tàn tật cần phải toàn diện (Multisectoral Method). Ở đây chỉ nêu lên phương pháp đã được áp dụng tại
Việt Nam.
Các phương pháp phục hồi chức năng là một trong những mục tiêu cơ bản của y học, tạo
thuận lợi cho người tàn tật hội nhập xã hội, có chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

You might also like