You are on page 1of 20

Đề cương ôn tập TTGDSK – Y đức

1. Nội dung cơ bản của một chu trình giáo dục sức khỏe?
Bước 1: Thu thập thông tin, xác định vấn đề
Bước 2: Chọn vấn đề sức khỏe ưu tiên
Bước 3: Xác định mục tiêu và đối tượng GDSK
Bước 4: Soạn thảo nội dung
Bước 5: Xác định nguồn lực, lựa chọn các phương pháp và phương tiện truyền
thông
Bước 6:Thử nghiệm các phương pháp và phương tiện
Bước 7: Xây dựng chương trình hoạt động cụ thể
Bước 8: Lập kế hoạch đánh giá chương trình GDSK
2. Trình bày khái niệm và các nguyên tắc trong lựa chọn các nội dung
TTGDSK?
- Khái niệm: Truyền thông giáo dục sức khỏe là quá trình tác động có mục đích,
có kế hoạch đến suy nghĩ và tình cảm của con người, nhằm nâng cao kiến thức,
thay đổi thái độ và thực hành hành vi lành mạnh để bảo vệ và nâng cao sức
khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Khái niệm: Nguyên tắc truyền thông giáo dục sức khỏe là những cơ sở định
hướng cho chỉ đạo thực hiện mọi hoạt động giáo dục sức khỏe, cơ sở cho việc
lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện và lập kế hoạch và tổ chức giáo
dục sức khỏe sao cho phù hợp với mục đích và nhiệm vụ giáo dục sức khỏe,
được ứng dụng trong hoạt động thực tiễn truyền thông giáo dục sức khỏe.
- Các nguyên tắc truyền thông giáo dục sức khỏe:
+ Nguyên tắc khoa học: là xác định các nội dung GDSK, lựa chọn phương tiện,
phương pháp một cách khoa học, làm cho các nội dung này phù hợp với từng
đối tượng giáo dục, từng cộng đồng.
Giáo dục sức khỏe có tính khoa học vì nó dựa trên cơ sở khoa học sau:

● Những cơ sở khoa học hành vi


● Những cơ sở tâm lý học giáo dục

● Những cơ sở tâm lý học xã hội

● Những cơ sở tâm lý học nhận thức

● Lý thuyết phổ biến sự đổi mới

Nguyên tắc tính khoa học còn được thể hiện trong việc xác định nội dung
Giáo dục sức khỏe dựa trên cơ sở điều tra nghiên cứu toàn diện về xã hội, tâm
lý, dịch tể, kinh tế chính trị của mỗi cộng đồng để xác định và lựa chọn vấn đề
ưu tiên cần giáo dục. Những nội dung Giáo dục sức khỏe cũng phải thực sự
khoa học, đã được chứng minh bằng khoa học và thực tiễn. Trong khi tiến hành
Giáo dục sức khỏe không nên đưa những nội dung mà các nhà khoa học còn
đang bàn cãi, chưa rõ ràng, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện trong việc lựa chọn những
phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục sức khỏe khoa học, hiện đại song
phải phù hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng, từng giai đoạn, và từng hoàn
cảnh kinh tế - xã hội nhất định.
+ Nguyên tắc đại chúng
Giáo dục sức khỏe không những được tiến hành cho mọi người và vì lợi
ích của mọi người trong cộng đồng xã hội, mà còn được mọi người tham gia
thực hiện. Mọi người vừa là đối tượng của giáo dục sức khỏe vừa là người tiến
hành giáo dục sức khỏe.
Đối tượng của giáo dục sức khỏe rất đa dạng, không thể cùng một lúc
chúng ta có thể làm thay đổi hành vi sức khỏe của tất cả mọi người với mọi vấn
đề về sức khỏe.
Việc nghiên cứu đối tượng trong một đợt hoặc một nội dung là việc làm
hết sức quan trọng cho phép chúng ta đạt được mục tiêu và hiệu quả của giáo
dục sức khỏe. Khi nghiên cứu đối tượng giáo dục sức khỏe chúng ta cần chú ý
những đặc điểm văn hóa, địa lý, xã hội, kinh tế, tôn giáo, trình độ học vấn và
yếu tố dân tộc. Nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục phải mang tính
phổ cập phù hợp với từng loại đối tượng.
+ Nguyên tắc trực quan
Sử dụng các phương tiện trực quan trong giáo dục sức khỏe sẽ gây được
ấn tượng mạnh với đối tượng giáo dục làm cho đối tượng dễ tập trung và dễ
nhớ. Để gây được ấn tượng sâu sắc cho mọi người, nội dung giáo dục sức khỏe
phải được minh họa hết sức cụ thể bằng những hình tượng sinh động, các
phương tiện trực quan cần sử dụng trong giáo dục sức khỏe là các tranh ảnh, mô
hình, vật thật
Sử dụng phương tiện trực quan phải nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng suy
nghĩ và hành động để đạt được những mục tiêu đã định. Tuy nhiên, cần tránh
lạm dụng bất cứ nội dung gì cũng phải có phương tiện trực quan.
Bản thân người cán bộ y tế và cơ sở y tế với toàn bộ những hoạt động của
mình phải là những mẫu hình trực quan sinh động có tác dụng giáo dục mạnh
mẽ nhất đối với nhân dân. Tấm gương người cán bộ y tế và cơ sở y tế thông qua
các hoạt động có thể phản chiếu thành hai mặt tích cực và tiêu cực cho sự hình
thành hay thay đổi hành vi sức khỏe nhân dân.
+ Nguyên tắc thực tiễn
Mỗi lý luận khoa học về giáo dục sức khỏe đều phải góp phần tích cực
giải quyết được các vấn đề sức khỏe một cách thiết thực, mang lại hiệu quả một
cách cụ thể thì mới có sức thuyết phục cao.
Chính nhân dân phải thực sự bắt tay vào làm những công việc nhằm biến
đổi hiện thực chất lượng cuộc sống, trong đó có sức khỏe của họ
Lấy thực tiễn của các kết quả hành động đó để giáo dục, đánh giá và cải
tiến toàn bộ hệ thống giáo dục sức khỏe
+ Nguyên tắc lồng ghép
Lồng ghép trong giáo dục sức khỏe là nhằm phát huy mọi nguồn lực sẵn
có để đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình giáo dục sức khỏe, tránh được những
trùng lắp không cần thiết hoặc bỏ sót công việc, tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng
phí và nâng cao chất lượng công tác giáo dục sức khỏe.
Lồng ghép trong giáo dục sức khỏe là sự phối hợp các mặt hoạt động
trong quá trình giáo dục sức khỏe.
Phối hợp một số hoạt động của các chương trình giáo dục sức khỏe có
tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau nhằm tạo điều kiện hỗ
trợ và tăng cường lẫn nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn.
Phối hợp các hoạt động của giáo dục sức khỏe với các lĩnh vực hoạt động
khác của ngành y tế và các ngành khác, các giới, các đoàn thể nhân dân thành
một quá trình chung nhằm tạo được những hành vi sức khỏe lành mạnh, từ bỏ
được hành vi sức khỏe lạc hậu, có hại cho sức khỏe của mọi người.
+ Một số nguyên tắc khác
Nguyên tắc tính vừa sức và vững chắc: Nội dung và phương pháp giáo
dục sức khỏe phải thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng loại đối tượng
sao cho họ có thể tiếp thu được. Phải lặp đi lặp lại nhiều lần dưới nhiều hình
thức và bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Nguyên tắc đối xử cá biệt và bảo đảm tính tập thể: Phải tìm cách tiếp cận
và tác động khác nhau đối với từng cá nhân và từng nhóm, từng tập thể khác
nhau
Nguyên tắc phát huy cao độ tính tích cực
3. Các phương tiện TT-GDSK?
Thường được phân chia thành 4 loại như sau:
1) Phương tiện bằng lời nói:
- Là công cụ được sử dụng rộng rãi và rất có hiệu quả trong GDSK.
- Có thể là lời nói trực tiếp thông qua công tác GDSK với đối tượng; cũng có thể là
lời nói gián tiếp khi thông tin truyền tới đối tượng qua báo, đài, TV,… Tuy nhiên
lời nói trực tiếp thường hiệu quả hơn cả.
- Sử dụng lời nói giúp dễ dàng truyền tải nội dung GDSK một cách linh hoạt, phù
hợp với đối tượng. Lời nói rất tiện lợi, có thể sử dụng ở mọi nơi mọi chỗ, cho nhiều
loại đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau.
- Lời nói sẽ có hiệu quả cao hơn khi kết hợp với các phương tiện khác như áp
phích, tranh, ảnh, pano, mô hình,…
- Tuy nhiên nếu không tập luyện và chuẩn bị kỹ càng trước, người làm TT GDSK
khi trình bày dễ gây nhàm chán, không gây được chú ý, tạo được cảm hứng. Người
nói cũng cần nắm chắc nội dung muốn truyền đạt để đảm bảo tính xác thực của
thông tin mình truyền tải.
2) Phương tiện bằng chữ viết
- Hình thức đa dạng như sử dụng chữ viết trong các bài báo, sách chuyên đề, SGK,
tờ bướm, tờ rơi, tạp chí, khẩu hiệu, biểu ngữ,…
- Có thể sử dụng rộng rãi cho nhiều người; có thể tồn tại lâu giúp đối tượng có thời
gian nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ. Việc đối tượng tự đọc, tự ghi nhớ thông tin từ
tài liệu sẽ giúp ghi nhớ thông tin tốt hơn so với việc nghe giảng 1 chiều.
- Tài liệu GDSK có thể được lưu truyền từ người này qua người khác, tuy nhiên
hạn chế là chỉ sử dụng được khi đối tượng biết đọc và hiệu quả của nó còn phụ
thuộc vào trình độ văn hóa của người đọc. Tài liệu trong quá trình lưu truyền thậm
chí có thể bị diễn dịch sai.
- Việc in ấn, xuất bản cũng như sửa đổi yêu cầu kinh phí cao.
- Cũng nên kết hợp với các phương tiện khác.
3) Phương tiện tác động qua thị giác
- Ưu điểm là có thể gây ấn tượng mạnh
- Ví dụ là các tranh ảnh, pano, áp phích, bảng quảng cáo, mô hình, tiêu bản, triển
lãm,… giúp đối tượng dễ cảm nhận, nhớ lâu và hình dung ra được vấn đề.
- Các nội dụng giáo dục cần được đưa ra ngắn gọn, đơn giản thông qua hình ảnh,
cần có khả năng tác động tới nhiều người ở những nơi công cộng; hình thức thiết
kế cần có tính logic, tạo được sự hấp dẫn, quan tâm.
- Cần được thử nghiệm trước nếu không có thể gây lãng phí kinh tế mà không đem
lại hiệu quả.
4) Phương tiện nghe nhìn
- Sử dụng phối hợp cả ba loại phương tiện trên, tác động lên cả thính giác và thị
giác.
- Ví dụ: Phim, TV, video, kịch, múa
- Tuy tích hợp được nhiều ưu điểm của cả ba loại phương tiện đã nêu trên nhưng
phương tiện này thường tốn nhiều kinh phí sản xuất và muốn sử dụng cần có các
điều kiện căn bản: điện, internet, TV, đầu chiếu bóng,…
=> Không có phương tiện nào là có ưu điểm tuyệt đối, cũng như không có phương
tiện nào hoàn toàn không có hiệu quả. Quan trọng nhất là người là TT GDSK cần
biết lựa chọn phương tiện phù hợp với nội dung truyền tải, trình độ đối tượng tiếp
nhận, hoàn ảnh thực tế, các phương tiện sẵn có,…
4. Trình các bước của quá trình thay đổi hành vi?
Bước 1: Nhận ra vấn đề mới
- Muốn thay đổi một hành vi có hại tới sức khỏe của đối tượng, việc trước tiên
người làm TT GDSK cần làm là làm cho đối tượng nhận ra vấn đề sức khỏe của
họ, tức là giúp họ nhận thức được những ảnh hưởng xấu của vấn đề cần thay đổi tới
sức khỏe của họ.
- Người làm TT GDSK cần cung cấp đủ thông tin, kiến thức giúp đối tượng hiểu
được vấn đề của bản thân. Bước này có thể thực hiện bằng các phương tiện thông
tin đại chúng trực tiếp cung cấp thông tin, thậm chí trực tiếp trao đổi về vấn đề,
cung cấp các ví dụ, tư liệu trực quan.
- Giúp đối tượng nhận ra vấn đề của họ là tiền đề rất tốt cho các bước sau của quá
trình thay đổi hành vi.
Bước 2: Quan tâm tới hành vi mới
- Bước tiếp theo của quá trình thay đổi hành vi là làm cho họ nhận thức được đây là
vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của họ và cần giải quyết.
- Để đối tượng quan tâm tới các hành vi mới ở giai đoạn này cần các hoạt động
giáo dục sức khỏe trực tiếp, kiên trì giải thích, cung cấp các thông tin bổ sung, các
ví dụ minh họa, hướng đối tượng tới thực hành hành vi mới.
Bước 3: Áp dụng thử nghiệm hành vi mới
- Đây thường là giai đoạn khó khăn vì đối tượng đi vào thực hiện hành động, cần
sự giúp đỡ của các nhân viên y tế, các cán bộ TT GDSK và những người xung
quanh về mặt tinh thần, vật chất cũng như các kỹ năng thực hành nhất định.
- Trong giai đoạn này có thể cần tới một số nguồn lực nhất định, có thể do đối
tượng có khả năng, cũng có thể do được hỗ trợ thêm từ bên ngoài.
Bước 4: Đánh giá kết quả hành vi mới
- Sau một thời gian áp dụng các hành vi mới, thường đối tượng sẽ có thể đánh giá
được những khó khăn và thuận lợi và lợi ích khi thực hiện các hành vi này.
- Tuy nhiên với những đối tượng chưa nhìn nhận ra kết quả của quá trình thay đổi
hành vi thì các cán bộ TT GDSK cần có nghĩa vụ thảo luận, phân tích để giúp đối
tượng thấy rõ kết quả đã đạt được và những tác động có lợi của hành vi mới đối với
sức khỏe.
Bước 5: Khẳng định
- Khi phân tích kết quả đạt được của việc thử nghiệm hành vi mới, đối tượng sẽ đi
đến quyết định duy trì hành vi mới hay từ chối.
- Trong giai đoạn này, với những đối tượng đã nhận thức được lợi ích của việc thay
đổi hành vi, các cán bộ TT GDSK cần tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để đối
tượng duy trì hành vi mới.
- Với những đối tượng chưa nhận thấy những tác động có lợi của hành vi mới, các
cán bộ TT GDSK cần triển khai những cách tiếp cận mới mẻ hơn trong công tác
giáo dục sức khỏe, có những biện pháp hỗ trợ thiết thực giúp đối tượng thực hành
lại và duy trì hành vi mới.
5. Các nội dung cơ bản của đạo đức trong nghiên cứu y sinh?
- Nghiên cứu y sinh trên đối tượng con người phải tuân theo các nguyên tắc khoa
học, phải dựa trên các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, trên động vật một cách đầy
đủ là thấu đáo từ các tài liệu khoa học.
- Thiết kế từng thử nghiệm trên đối tượng con người phải được xây dựng và ghi rõ
trong đề cương nghiên cứu và được đánh giá bởi hội đồng độc lập.
- Nghiên cứu thực nghiệm phải được thực hiện bởi cán bộ có trình độ khoa học
tương xứng và được giám sát bởi các chuyên gia y học có kinh nghiệm lâm sàng.
- Bất kỳ các nghiên cứu y sinh học nào có đối tượng nghiên cứu là con người cũng
cần phải đánh giá cẩn thận các nguy cơ có thể lường trước được so với các lợi ích
có thể đạt
6. Trình bày nhiệm vụ của thầy thuốc với người bệnh và với đồng
nghiệp?
Với người bệnh
- Luôn ghi nhớ trách nhiệm tôn trọng cuộc sống con người
- Hành động vì quyền lợi tốt nhất của BN khi chăm sóc y tế
- Mang lại cho BN lòng trung thành và tất cả nguồn lực thích hợp
- Tôn trọng quyền bảo mật cho BN, chỉ để lộ thông tin khi BN đồng ý hoặc cần
thiết để loại bỏ nguy hiểm cho BN hay người khác
- Cung ứng chăm sóc cấp cứu như một trách nhiệm con người trừ khi chắc chắn có
người khác mong muốn và đủ khả năng thực hiện
- Cần đảm bảo BN có đủ thông tin trong trường hợp làm việc cho bên thứ ba
- Không được có quan hệ tình dục hoặc bất kì sự lạm dụng, bóc lột nào với BN
Với đồng nghiệp
- Ứng xử với đồng nghiệp theo cách mình mong muốn họ đối xử lại
- Không can thiệp vào quan hệ thầy thuốc – người bệnh của đồng nghiệp nhằm lôi
kéo BN
- Khi cần thiết, bác sĩ cần liên hệ với đồng nghiệp để họ tham gia vào chăm sóc
BN, đảm bảo tôn trọng bí mật và mở thông tin ở mức giới hạn
7. Trình bày kỹ năng lắng nghe, giải thích trong truyền thông GDSK?
Nghe là một trong những kỹ năng cơ bản của truyền thông giao tiếp hàng ngày.
Người TT GDSK cần biết lắng nghe đối tượng được TT GDSK của mình
nhằm:
- Thu nhận các thông tin chung lượng giá khái quát kiến thức, thái độ, thực hành và
các ý tưởng mới của đối tượng.
- Có được thông tin phản hồi đúng, đủ để biết liệu nội dung thông tin, thông điệp
truyền đi có được đối tượng tiếp nhận đầy đủ và hiểu đúng hay không.
- Có thêm nhiều thông tin và ý tưởng để điều chỉnh quả trình TT GDSK.
- Khích lệ người được TT GDSK tham gia tích cực hơn.
- Thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu các vấn đề và hoàn cảnh của đối tượng.
Yêu cầu khi lắng nghe:
- Giữ trật tự khi nghe
- Tạo điều kiện cho người nói ( giúp người nói cảm thấy tự tin khi nói).
- Kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự quan tâm khi nghe.
- Nhìn vào mắt người nói với thái độ thân thiện, khích lệ.
- Không đột ngột ngắt lời người nói.
- Không làm việc riêng, mất tập trung khi nghe.
- Không thể hiện sự sốt ruột, khó chịu khi nghe.
- Đặt câu hỏi: sử dụng các từ ngữ phụ họa hợp lý, giọng điệu, cử chỉ, cách thức
đúng mực để thể hiện sự quan tâm, cổ vũ đối với người nói.
- Đề nghị những người xung quanh cũng có ý thức như trên.
8. Trình bày những đặc điểm của nghề Y?
- Tác động đến mọi người trong xã hội không kể giai cấp, địa vị, giàu nghèo…
trong mọi giai đoạn cuộc đời
- Người hành nghề nắm trong tay tính mạng BN nên dễ có nhiều cơ hội lạm dụng
quyền lực
- Biết nhiều bí mật về cuộc sống con người
- Dễ gây bệnh cho người khác
- Kỹ năng hành nghề không dễ kiểm soát
- Không có mẫu hình tốt duy nhất, đôi lúc khó diễn tả và dễ ngụy biện
- Chỉ có lương tâm và đồng nghiệp có thể kiểm soát đạo đức nghề nghiệp
9. Nội dung 12 điều Y đức cán bộ y tế cần phải ghi nhớ và làm theo?
- Phải có lương tâm và tính trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề và rèn luyện phẩm
chất đạo đức tốt của ng thầy thuốc. Không ngừng học tập và nghiên cứu để nâng
cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn vì sự nghiệp chăm sóc
và bảo vệ nhân dân.
- Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không sử
dụng người bệnh làm thử nghiệm cho chẩn đoán, điều trị hay nghiên cứu khi chưa
được phép của bộ Y tế và chưa có sự đồng ý của người bệnh.
- Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí
mật riêng tư của người bệnh, khi thăm khám cần đảm bảo kín đáo và lịch sự. Quan
tâm đến những người bệnh thuộc diện chính sách ưu tiên. Không phân biệt đối xử
giữa các người bệnh; không có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp gây phiền hà
cho người bệnh. Phải trung thực khi tính toán chi phí khám, chữa bệnh.
- Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình cần có thái độ niềm nở, tận tình; trang
phục chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình
bệnh tật cho người bệnh và người nhà của họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ
biến cho họ về chế độ, chính sách cũng như quyền lời và nghĩa vụ họ cần làm;
động viên, an ủi, khuyến khích để người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục, Trong
TH bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa cho đến cuối cùng,
phải thông báo cho người nhà người bệnh biết.
- Khi cấp cứu phải chẩn đoán nhanh, xử lý kịp thời, tránh đùn đẩy người bệnh.
- Kê đơn phù hợp với chẩn đoán, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; không vì
lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc k đúng bệnh, kém hiệu quả điều trị.
- Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, có mặt kịp thời để xử lý các
diễn biến của người bệnh.
- Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ để tiếp tục điều trị tại
nhà, tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe.
- Khi người bệnh tử vong phải thông cảm sâu sắc, chia buồn cùng người nhà đồng
thời hướng dẫn họ làm các thủ tục cần thiết.
- Thật thà, đoàn kết, tôn trọng đồng nghiệp; kính trọng các bậc thầy; sẵn sàng
truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
- Khi bản thân có thiếu sót phải tự giác nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi.
- Hăng hái tham gia các công tác TTGDSK, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa
người bị nạn; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường trong
sạch.
10.Phân tích các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe của mỗi
người?
Nếu muốn TT GDSK để thay đổi hành vi thì trước tiên phải tìm hiểu rõ các yếu tố
có thể ảnh hưởng tới hành vi sức khỏe của các đối tượng cần được TT GDSK.
Suy nghĩ tình cảm
Kiến thức: kthuc được tích lũy qua quá trình học tập và kinh nghiệm thu
được từ cuộc sống. Chúng ta có thể tự kiểm tra xem hiểu biết của mk là đúng hay
sai. Các kiến thức về sức khỏe và bảo vệ SK là điều kiện cần thiết để mọi người có
cơ sở thực hiện hành vi sức khỏe lành mạnh. Chúng có thể được tích lũy qua các
hoạt động thực tiễn và từ nhiều nguồn khác nhau.
Niềm tin: Niềm tin có sức mạnh, nó ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của
con người. Nhiệm vụ của người TTGDSK là phải xác định được niềm tin nào là
đúng, là sai, niềm tin nào có lợi, có hại cho sức khỏe, từ đó lập kế hoạch TTGDSK
để thay đổi hành vi bắt đầu từ những niềm tin có hại cho sức khỏe.
Thái độ: được coi là trạng thái chuẩn bị của cơ thể để đáp ứng với các
tình huống hay hoàn cảnh cụ thể. Thái độ phản ánh những điều người ta thích hay k
thích, tin hay không tin, bắt nguồn từ kiến thức, niềm tin và kinh nghiệm hay ngăn
cản… Thái độ chịu ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh và những người xung
quanh.
Giá trị: là các tiêu chuẩn có vai trò quan trọng tác động đến suy nghĩ, tình
cảm của con người. Giá trị còn là phẩm chất trước một sự cản trở nào đó, VD như
thông minh hay dũng cảm… Sức khỏe cũng là 1 trong những giá trị quan trọng của
mỗi người. TTGDSK cần làm cho mọi người hiểu được giá trị của cuộc sống khỏe
mạnh, giá trị của SK.
Những người có ảnh hưởng quan trọng
Các ctr GDSK không thành công chủ yếu là do chúng ta chỉ chú ý vào các hành
vi của cá nhân mà không chủ ý đến ảnh hưởng của những ng xung quanh lên hành
vi của cá nhân ấy.
Nguồn lực

● Thời gian: là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi. Có

những hành vi cần có tgian để thay đổi và thực hiện.

● Nhân lực: nếu huy động được nhân lực thì việc tổ chức các hoạt động phúc

lợi xã hội sẽ được thực hiện dễ dàng.

● Kinh phí: cần thiết để có thể thực hiện một số hành vi.

● Cơ sở vật chất, trang thiết bị: là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho thay đổi 1

số hành vi sức khỏe


Yếu tố văn hóa
Văn hóa là tổng hợp của nhiều yếu tố bao gồm kiến thức, niềm tin, phong tục
tập quán, lối sống, thói quen và tất cả những năng lực mà con người thu được trong
cuộc sống. Cán bộ TTGDSK khi làm việc với một cộng đồng phải tìm hiểu các đặc
điểm đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng ấy để nắm bắt các hành vi liên quan
đến sức khỏe bắt nguồn từ nền văn hóa.
11.Trình bày nguyên tắc thực tiễn trong TT – GDSK và nêu ví dụ minh
họa?
- Hoạt động TT GDSK cần bắt nguồn từ những vấn đề sức khỏe của cộng đồng, và
phải góp phần tích cực giải quyết các vấn đề đó một cách thiết thực, đem lại hiệu
quả cụ thể bằng việc nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong thì mới có sức
thuyết phục cao.
- Nguyên tắc thực tiễn được thể hiện trong quá trình tự giáo dục sức khỏe. Chính
đối tượng phải bắt tay vào làm những công việc nhằm nâng cao chất lượng cuộc
sống, trong đó có sức khỏe của họ.
- Nguyên tắc thực tiễn còn được thể hiện trong việc lấy các kết quả của hoạt động
giáo dục chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng trong thực tiễn nhằm giáo
dục, đánh giá và cải tiến toàn bộ hoạt động TT GDSK.
12.Trình bày các nguyên lý cơ bản của đạo đức Y học?
Tôn trọng quyền tự chủ
- Tôn trọng quyền lợi tốt nhất của bệnh nhân
- Tôn trọng quyền tự quyết định của bệnh nhân
- Bảo vệ thông tin của bệnh nhân
- Trung thực, không được lừa dối bệnh nhân
- Thể hiện khả năng giao tiếp lưu loát giữa bác sĩ, bệnh nhân
- Biết tích cực lắng nghe
- Cung cấp thông tin đúng trọng tâm cho bệnh nhân
- Tìm kiếm sự đồng ý, sự lựa chọn của bệnh nhân
Lòng nhân ái
- Cung cấp nguồn lực phù hợp với tình trạng bệnh và đảm bảo nguồn lực này lợi
hơn hại
- Biết đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân
- Đảm bảo phác đồ điều trị, thăm dò có lợi nhiều hơn hại
- Sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân trong mọi tình huống
- Cân nhắc về khả năng kinh tế của bệnh nhân từ đó đưa ra phác đồ điều trị hợp lý
nhất
Không làm việc có hại/Không ác ý
- Bản thân bác sỹ phải tích cực cập nhật kiến thức và kỹ năng để nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh
- Không được làm điều gì có hại tới cuộc sống, sức khỏe, giá trị cá nhân của bệnh
nhân
- Phải biết kỹ lưỡng lợi hại của bất cứ một thăm dò, trị liệu nào trước khi chỉ định.
- Phải cẩn trọng, liên tục theo sát trong quá trình chữa trị; sẵn sàng loại bỏ hoặc
dừng trị liệu khi nhận thấy nguy cơ lớn hơn lợi ích cho bệnh nhân
Công bằng
- Công bằng trong việc phân chia các nguồn nguyên liệu, các vật tư khám chữa
bệnh hiếm
- Công bằng trong Quyền con người
- Công bằng trong các khía cạnh có liên quan tới sự chấp nhận của luật pháp: tất cả
mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
- Công bằng trong chăm sóc sức khỏe, không phân biệt giàu nghèo
- Công bằng trong việc mọi người đều được hưởng dịch vụ chăm sóc khi cần thiết
và theo nhu cầu bản thân
- Người có khả năng chi trả tốt hơn sẽ được hưởng dịch vụ theo đúng yêu cầu
- Người nghèo, chưa có điều kiện, vân được hưởng chăm sóc sức khỏe đúng tiêu
chuẩn và được hỗ trợ kinh phí qua các hình thức BHYT, BH xã hội, quỹ hỗ trợ
người nghèo,…
- Ưu tiên người già, trẻ nhỏ, người trong trạng thái nguy kịch, người tàn tật, phụ nữ
có thai
- Không được kì thị những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
13.Trình bày nội dung của Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh?
1. Phàm người học thuốc, tất phải hiểu thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo
Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có chút thì giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu
các sách thuốc xưa này, luôn luôn phát huy biến hoá thâm nhập được vào tâm, thấy
rõ được ỏ mắt, thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
=> Người thầy thuốc cần thông hiểu đạo lý Nho giáo, cần tích cực nghiên cứu và
biến hóa các cách chữa bệnh có tác dụng tốt cho bn.
2. Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tuỳ bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi
thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới
sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém. Khi lòng mình có chỗ không thành thật
thì khó mong thu được hiệu quả.
=> Thầy thuốc đi thăm bệnh cần công bằng, không phân biệt giàu nghèo mà ưu
tiên người bệnh nặng trước.
3. Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và đàn bà goá, nicô cần phải có người
nhà bên cạnh mới bước vào phòng mà thăm bệnh, để tránh hết sự nghi ngờ; dù cho
đến con hát nhà thổ cũng vậy, phải đứng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa
cợt mà mang tiếng bất chính sẽ bị hậu quả về tà dâm.
=> Khi xem bệnh cho phái nữ thầy thuốc cần nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp, tránh
các hành vi nhạy cảm.
4. Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui,
như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, nhỡ có bệnh nhân
cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ nguy hại đến tính mệnh con người.
Vậy cần phải biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào?
=> Người thầy thuốc không nên vì nhu cầu bản thân mà rời bỏ vị trí, phòng
trường hợp có BN tìm tới.
5. Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn hết sức mình để cứu chữa tuy
đó là lòng tốt, song phải nói rõ cho gia đình người ốm biết trước rồi mới cho thuốc;
lại có khi phải cho không cả thuốc như thế thì thuốc uống nếu có công hiệu thì
người ta sẽ biết cảm phục mình; nếu không chữa khỏi bệnh, cũng không có sự oán
trách mà tự mình cũng không bị hổ thẹn.
=> Khi chữa bệnh, cần giải thích cho BN và người nhà BN hiểu rõ ràng về cách
thức điều trị.
6. Phàm chuẩn bị thuốc men thì nên mua giá cao để được thứ tốt. Theo sách
lôi công mà bào chế và cất giữ thuốc men cho cẩn thận. Hoặc y theo từng phương
mà bào chế, hoặc tuỳ thời tuỳ bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương mới, phải
phỏng theo ý nghĩa của người xưa, chớ nên tự lập ra những phương bừa bãi để thử
bệnh, Thuốc sắc và thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc sắc nên chế sẵn. Có
như thế mới ứng dụng được kịp thời, khi gặp bệnh khỏi phải bó tay.
=> Người thầy thuốc cần có các phương thuốc đa dạng, chất lượng tốt, khi tạo ra
phương thuốc mới cần cẩn thận, dựa theo những kiến thức đã biết.
7. Khi gặp bạn đồng nghiệp cần nên khiêm tốn hoà nhã, giữ gìn thái độ kính
cẩn không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì nên kính trọng, người học
giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình
thì mình dìu hắt họ, Giữ được lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc
cho mình.
=> Người thầy thuốc cần có thái độ phù hợp với đồng nghiệp
8. Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi, hoá
bụa hiếm hoi càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì những người giầu sang không lo
không có người chữa; còn những người nghèo hèn thì không đủ sức đón được thầy
giỏi, vậy ta để tâm một chút họ sẽ được sống suốt đời. Còn như những người con
thảo vợ hiền nghèo mà mắc bệnh ngoài việc cho thuốc lại tuỳ sức mình mà chu cấp
cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn đi đến chỗ chết, cần phải cho
họ được sống đầy đủ, mới đáng gọi là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi đời phóng
đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương tiếc lắm.
=> Người thầy thuốc cần thông cảm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó
khăn.
9. Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người
nhận của người khác thường hay sinh ra nể nang huống chi với kẻ giàu sang tính
khí thất thường mà mình cầu cạnh thì hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta
để cầu lợi, thường hay sinh ra nhiều chuyện; cho nên nghề thuốc là thanh cao, ta
phải giữ khí tiết trong sạch, Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên hiền về lòng tử tế
và đức hàm dục. Rèn luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đạo làm thuốc một
nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người phải lo cái lo của người và vui cái
vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người để làm nhiệm vụ cho mình, không
nên cầu lợi, kể công, tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để làm âm đức về sau.
=> Làm người thầy thuốc cần thanh cao, trong sạch, không nên cầu lợi, kể công
14.Nguyên tắc đại chúng trong TT – GDSK và nêu ví dụ minh họa

- Truyền thông GDSK không những tiến hành cho mọi người và vì lợi ích của mọi
người trong cộng đồng xã hội, mà còn cần được mọi người tham gia thực hiện. Mọi
người vừa là đối tượng của GDSK vừa là người tiến hành GDSK.

- Đối tượng của GDSK rất đa dạng nên không thể cùng lúc thay đổi hành vi sức
khỏe của tất cả mọi người với vấn đề sk khác nhau. Việc nghiên cứu đối tượng
trong một đợt/ nội dung nhất định là rất quan trọng giúp đạt được mục tiêu và hiệu
quả của TT GDSK. Cần lưu ý những điểm sau khi nghiên cứu đối tượng:

+ Đối tượng TT GDSK hướng tới chủ yếu là người dân sống tại khu vực nông
thôn, nơi những tư tưởng, tục lệ phong kiến lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc
đến lối suy nghĩ, sự hình thành những hành vi sức khỏe lành mạnh đối với những
người dân ở đây.

+ Mỗi cộng đồng mang tính khép kín tương đối và mang bản sắc đặc thù của địa
phương. Ví dụ cùng là người sống tại khu vực nông thôn, chịu ảnh hưởng của tư
tưởng phong kiến nhưng khu vực đồng bằng sẽ khác với vùng cao, miền Nam khác
với miền Bắc. v.v… Chỉ khi hiểu rõ đặc trưng tại khu vực của đối tượng hướng tới,
người làm TT GDSK mới có thể xây dựng được nội dung giảng dạy đúng đắn.

+ Trong bối cảnh đổi mới kinh tế, sự phân hóa tầng lớp ở nông thôn diễn ra khá
mạnh mẽ. Đối với hai nhóm đối tượng giàu và nghèo do có những khác biệt về lối
sống, khả năng tài chính, ý thức,… cần có những biện pháp tuyên truyền khác nhau
sao cho phù hợp.

+ Yếu tố tôn giáo: mỗi tôn giáo có một chuẩn mực đạo đức riêng, chớ phạm vào
những điều răn, điều cấm kỵ của họ.
+ Trình độ học vấn, giáo dục: mỗi đối tượng với trình độ học vấn khác nhau sẽ có
khả năng tiếp thu tốt hơn cũng như thái độ cởi mở hơn với những hành vi sức khỏe
lành mạnh, nên chọn những cách tiếp cận sao cho phù hợp nhất.

+ Yếu tố dân tộc, chủng học: sử dụng ngôn ngữ dân tộc, sử dụng người thuộc chính
dân tộc, chủng tộc ấy để hỗ trợ GDSK đem lại hiệu quả tốt hơn.

=> Tóm lại, mọi nội dung GDSK muốn truyền đạt có hiệu quả trong cộng đồng cần
có tính phổ cập, phù hợp với từng loại đối tượng.

- Truyền thông GDSK là một nhu cầu không thể thiếu của cộng đồng. Tiến hành
TT-GDSK cần xuất phát từ nhu cầu bảo vệ sức khỏe bức thiết và nguồn lực của
cộng đồng xã hội và đáp ứng được các nhu cầu đó.

+ Nội dung để tiến hành GDSK phải trên cơ sở của việc chẩn đoán cộng đồng.
Những nội dung đó có thể mang tính chất đặc trưng cho cả thế giới, cho một quốc
gia, một tỉnh, một xã, thôn,…; tùy theo từng giai đoạn thời gian nhất định

+ Cần động viên được mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi
cùng tham gia thực hiện công tác GDSK.

+ Là công tác lâu dài, đòi hỏi phải phát động thành những phong trào quần chúng
rộng khắp, liên tục, trở thành loại hình hoạt động xã hội rộng lớn, không ngừng
phát triển.

+ Sử dụng sức mạnh tổng hợp của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội và ngành y
tế.

15.Nguyên tắc lồng ghép trong TT – GDSK và nêu ví dụ minh họa *

Lồng ghép không những là nguyên tắc quan trọng được áp dụng trong
TT-GDSK mà còn là phương pháp công tác trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ
sức khỏe cho nhân dân nói chung và ngành Y tế nói riêng.
Lồng ghép trong TT-GDSK là sự phối hợp các mặt hoạt động trong quá
trình giáo dục sức khỏe; phối họp một số hoạt động của chương trình giáo dục
sức khỏe có tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau nhàm tạo
điều kiện hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn. Lồng ghép
trong giáo dục sức khỏe còn là phối họp các hoạt động giáo dục sức khỏe với
các lĩnh vực hoạt động khác của ngành Y tế và các ngành khác, các tổ chức xã
hội và các đoàn thể nhân dân thành một quá trình chung nhằm tạo được những
lối sống, hành vi sức khỏe lành mạnh, từ bỏ được hành vi sức khỏe lạc hậu, có
hại cho sức khỏe của mọi người.
Lồng ghép trong TT-GDSK là nhằm phát huy mọi nguồn lực sẵn có để
đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình giáo dục sức khỏe, tránh được những
trùng lặp không cần thiết hoặc bỏ sót công việc, tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng
phí và nâng cao chất lượng công tác giáo dục sức khỏe.
Lồng ghép hoạt động TT-GDSK trong ngành Y tế có thể được thể hiện
trong:
- Các hoạt động chuyên môn: trong khi các hoạt động chuyên môn như
phòng bệnh, khám, chữa bệnh được thực hiện thì một loạt các nội dung TT-
GDSK cũng có thể được các cán bộ y tế thực hiện với nhân dân hay với người
bệnh như nếp sống vệ sinh, hướng dẫn cách phòng bệnh, phát hiện bệnh, tư vấn
những phương pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe v.v...
- Hoạt động của các cơ sở y tế (CSYT) từ Trung ương đến địa phương: một
trong những nội dung nhiệm vụ của các cơ sở y tế là thực hiện TT-GDSK.
Trong khi tiến hành cung cấp, đáp ứng các dịch vụ y tế, nhiệm vụ Truyền thông
- giáo dục sức khỏe có thể được lồng ghép vào các dịch vụ đó.
- Hoạt động của các cơ quan đào tạo cán bộ, nhân viên y tế: hoạt động đào
tạo cán bộ, nhân viên y tế bản chất là một hoạt động giáo dục sức khỏe. Có thể
coi đây là hoạt động tạo nguồn nhân lực cho TT-GDSK.
Hoạt động của từng cán bộ, nhân viên y tế: nhiệm vụ của mỗi cán bộ,
nhân viên y tế không thể thiếu giáo dục sức khỏe. Đối với những cán bộ nhân
viên y tế cơ sở thì có thể coi là nhiệm vụ hàng đầu, vì vậy, lồng ghép hoạt động
TT-GDSK với các dịch vụ y tế là việc làm cần thiết và thường xuyên.
Lồng ghép hoạt động TT-GDSK với hoạt động của các ngành khác:
- Lồng ghép TT-GDSK trong ngành Giáo dục: trong các chương trình giáo
dục phổ thông, trường trung học, cao đẳng, đại học không phải ngành Y cũng đã
có nhiều môn học hoặc một số nội dung môn học là những nội dung giáo dục
sức khỏe.
- Lồng ghép TT-GDSK trong hoạt động của các cơ quan thông tin đại
chúng: những thông tin về kiến thức y học thường thức, về phòng bệnh, chữa
bệnh và bảo vệ sức khỏe vẫn thường xuyên được các cơ quan thông tin đại
chúng truyền đi có lúc bằng chương trình riêng biệt, có lúc là những nội dung
phối hợp.
- Lồng ghép TT-GDSK trong hoạt động của quần chúng nhân dân hàng
ngày tại các cộng đồng khác nhau: những kinh nghiệm phòng bệnh chữa bệnh,
những nếp sống, cách ăn ở văn hóa, họp vệ sinh vẫn thường xuyên được mọi
người trong cộng đồng truyền đạt cho nhau thông qua nhiều hoạt động khác
nhau diễn ra hàng ngày.
- Lồng ghép TT-GDSK trong hoạt động của các ngành về kinh tế - xã hội
khác.
Lồng ghép ngay trong bản thân hoạt động TT-GDSK:
- Phối họp các nguồn lực, sử dụng các nguồn lực, sử dụng phối họp các
phương tiện, phương pháp, kế hoạch, hoạt động v.v... một cách có hiệu quả
nhất.
- Trong khi tiến hành lồng ghép phải đảm bảo được các nguyên tắc về giáo
dục sức khỏe đã trình bày ở trên.

You might also like