You are on page 1of 10

Bài 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ GIÁO DỤC SỨC KHỎE

VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE

Mục tiêu
1. Trình bày được các khái niệm về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu
2. Phân biệt được các khái niệm thông tin, tuyên truyền, truyền thông - giáo dục sức
khỏe và nâng cao sức khỏe
3. Trình bày được các thành phần của nâng cao sức khỏe.
4. Trình bày được vai trò của người điều dưỡng trong công tác truyền thông- giáo
dục sức khỏe tại các cơ sở y tế.

1.1. Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái toàn diện
về thể chất, tinh thần xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”. Sức khỏe
là vốn quí nhất của con người, là nhân tố cơ bản trong toàn bộ sự phát triển của xã hội.
Có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe của mỗi người: yếu tố xã hội, văn hóa, kinh
tế, môi trường và yếu tố sinh học như di truyền thể chất. Muốn có sức khỏe tốt phải tạo
ra môi trường sống lành mạnh và đòi hỏi có sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình và
cộng đồng cho các hoạt động bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh công tác truyền
thông giáo dục sức khoẻ (TTGDSK) là biện pháp quan trọng giúp người dân có kiến thức
về sức khỏe, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Năm 1978, Hội nghị quốc tế về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu (CSSKBĐ) được tổ
chức tại Alma-Ata, Kazakhstan, do WHO và UNICEF bảo trợ, với 134 nước (trong đó có
Việt Nam) và 67 tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị đã nhất trí thông qua một tuyên bố
lịch sử: "Sức khỏe cho mọi người có thể đạt được bằng cách sử dụng đầy đủ và hiệu quả
các nguồn lực của thế giới...".
Các quốc gia cũng đã nhận thấy rằng, CSSKBĐ chính là biện pháp để đạt được mục
đích này. Đây là quá trình chăm sóc ở mức độ tiếp xúc đầu tiên, gần nhất của các cá nhân,
gia đình và cộng đồng với hệ thống y tế nhà nước, nhằm đáp ứng những nhu cầu y tế thiết
yếu cho số đông người, với chi phí thấp nhất, tạo thành bước đầu tiên trong quá trình
chăm sóc sức khỏe liên tục.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là công việc của các nhân viên y tế, các trạm y tế, các
trung tâm y tế, các bệnh viện, các phòng khám đa khoa khu vực. Hoạt động CSSKBĐ
bao gồm cả những hoạt động tự chăm sóc sức khỏe của các hộ gia đình. CSSKBĐ được
xem như là một chiến lược quan trọng để người dân trên toàn thế giới có được tình trạng
sức khỏe để có thể sống một cuộc sống hạnh phúc.
Theo tuyên ngôn Alma Ata, nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu gồm 8 vấn đề, có
thể viết tắt bằng chữ ELEMENTS:
- Giáo dục sức khỏe (Education).
- Kiểm soát các bệnh dịch tại địa phương (Local disease control).
- Chương trình tiêm chủng mở rộng (Expanded program of immunifation).
- Bảo vệ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình (MCH and family planing).
- Cung cấp thuốc thiết yếu (Essential drugs).
- Cung cấp lương thực, thực phẩm và cải thiện bữa ăn (Nutrition and food suply).
- Điều trị và phòng bệnh (Treatment and prevention).
- Cung cấp nước sạch và thanh khiết môi trường (Safewater and sanitation).
Việt Nam đã bổ sung thêm 2 vấn đề quan trọng nữa trong nội dung chăm sóc sức
khỏe ban đầu của thế giới là:
- Củng cố mạng lưới y tế cơ sở.
- Tăng cường công tác quản lí sức khoẻ tuyến cơ sở.
Ngày 25/10/2018, tại thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên ngôn Astana đã chính
thức được công bố tại Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu hướng đến mục
tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân và mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến
sức khoẻ, do WHO và UNICEF tổ chức với sự tham dự của 192 nước thành viên của Liên
Hợp Quốc.
Tuyên ngôn Astana tái khẳng định Tuyên ngôn lịch sử Alma-Ata năm 1978, lần đầu
tiên các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chăm sóc sức khỏe ban đầu, thể hiện quyết tâm của
tất cả các nước trên thế giới xem chăm sóc sức khỏe ban đầu là nền tảng cốt lõi để hướng
đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia.
1.2. Thông tin, tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe
1.2.1. Thông tin
Thông tin là quá trình chuyển đi các tin tức, sự kiện từ một nguồn phát tin tới đối
tượng nhận tin. Thông tin là một phần quan trọng của TT-GDSK, nhưng TT-GDSK không
chỉ là quá trình cung cấp các tin tức một chiều từ nguồn phát tin đến nơi nhận tin mà là
quá trình tác động qua lại và có sự hợp tác giữa người TT-GDSK và đối tượng được TT-
GDSK.
1.2.2. Tuyên truyền
Tuyên truyền là hoạt động cung cấp thông tin về một chủ đề sức khỏe, bệnh tật cụ
thể nào đó, được lặp đi lặp lại nhiều lần, bằng nhiều hình thức như quảng cáo trên các
phương tiện báo, đài, ti vi, pano, áp phích, tờ rơi. Trong tuyên truyền, thông tin được
chuyển đi chủ yếu là theo một chiều. Việc tuyên truyền rộng rãi những vấn đề sức khỏe,
bệnh tật ưu tiên trên các phương tiện thông tin đại chúng là một bộ phận quan trọng trong
chiến lược TT-GDSK nói chung.
1.2.3. Truyền thông - giáo dục sức khỏe
1.2.3.1. Khái niệm
Giáo dục sức khỏe (GDSK) là một quá trình truyền thông, bao gồm những tác động
tương hỗ thông tin hai chiều giữa người TT-GDSK và đối tượng được TT-GDSK.

Người Người được


TT-GDSK TT-GDSK
(Người học)
Sơ đồ 1.1. Mối liên quan giữa người TT-GDSK và người được TT-GDSK
Truyền thông - giáo dục sức khỏe là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch
đến suy nghĩ và tình cảm của con người, nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và
thực hành các hành vi lành mạnh để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cá nhân, gia đình
và cộng đồng.
Hoạt động TT-GDSK tác động vào 3 lĩnh vực của đối tượng được TT-GDSK là:
kiến thức của đối tượng về vấn đề sức khỏe, thái độ của đối tượng với vấn đề sức khỏe,
thực hành hay cách ứng xử của đối tượng về giải quyết vấn đề sức khỏe, nhằm bảo vệ và
nâng cao sức khỏe.
1.2.3.2. Mục đích của truyền thông-giáo dục sức khỏe
- Nâng cao kiến thức cho đối tượng được TT-GDSK.
- Thay đổi thái độ về vấn dề sức khỏe của đối tượng thông qua nội dung TT-GDSK.
- Từ việc thay đổi nhận thức và thái độ họ sẽ thực hiện hành vi sức khỏe lành mạnh.
Một trong những khó khăn thường gặp phải trong TT-GDSK là quyền tự do lựa
chọn thông tin và mức độ tự nguyện thực hiện của người dân. Giáo dục sức khỏe là một
quá trình cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, bằng nhiều biện pháp khác nhau
chứ không phải là một công việc có thể làm một lần là xong.
Giáo dục sức khỏe là quá trình dạy học có mối quan hệ qua lại hai chiều. Người
TT-GDSK không phải chỉ là người "dạy" mà còn phải biết "học" từ học viên của mình,
thu nhận những thông tin phản hồi từ đối tượng được TT-GDSK là vấn đề hết sức quan
trọng mà người TT-GDSK cần phải làm để điều chỉnh, bổ sung những việc làm cần thiết
trong TT-GDSK. Như vậy TTGDSK là hình thức cung cấp thông tin hai chiều, từ người
TT-GDSK đến đối tượng TT-GDSK và ngược lại.
TT-GDSK không thay thế được các dịch vụ y tế khác, nhưng rất cần thiết để đẩy
mạnh việc sử dụng đúng các dịch vụ này.
Tuy nhiên, nếu chỉ có TT-GDSK nhằm thay đổi hành vi của người dân thì chưa đủ
vì hành vi của con người có liên quan với nhiều yếu tố. Chính vì thế, để hành vi sức khỏe
của người dân thay đổi, duy trì và bền vững thì cần có những chiến lược tác động đến các
yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi như: các nguồn lực sẵn có, sự ủng hộ của những người
ra quyết định, người hoạch định chính sách, môi trường tự nhiên và xã hội... và đây chính
là hoạt động của lĩnh vực nâng cao sức khỏe (NCSK).
1.2.3.4. Người làm công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ
Có một số người được đào tạo để chuyên làm công tác TT-GDSK, họ được coi là
những chuyên gia về lĩnh vực này. Công việc của các cán bộ chuyên môn khác như bác
sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, giáo viên, huấn luyện viên... đều có liên quan đến việc cung cấp
thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tăng cường, nâng cao kiến thức và
kĩ năng về phòng bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. TT-GDSK là nhiệm vụ của những
người tham gia vào các hoạt động y tế và phát triển cộng đồng.
1.2.4. Nâng cao sức khỏe
1.2.4.1. Khái niệm
So với giáo dục sức khỏe, nâng cao sức khỏe có nội dung rộng và khái quát hơn.
NCSK kết hợp tất cả những giải pháp, được thiết kế một cách chặt chẽ để tăng cường sức
khỏe và kiểm soát bệnh tật. Các hoạt động của NCSK liên quan đến các hành động chính
trị, môi trường, xã hội, đa ngành và lồng ghép với các hoạt động.
Vào cuối những năm 80, các Hội nghị quốc tế về NCSK đã xác định các chiến lược
hành động để tăng cường tiến trình hướng đến mục tiêu "Sức khỏe cho mọi người", điều
mà trong tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 đã nêu ra. Năm 1986, Hội nghị quốc tế đầu tiên
về NCSK của các nước phát triển, được tổ chức tại Ottawa, Canada. Khái niệm về NCSK
được nêu ra là “quá trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tăng khả năng
kiểm soát và cải thiện sức khỏe của họ; là một sự cam kết để giải quyết những thách thức
nhằm làm giảm sự bất công bằng về chăm sóc sức khỏe; mở rộng phạm vi dự phòng, giúp
người dân đối phó với hoàn cảnh của họ; tạo ra môi trường có lợi cho sức khỏe trong đó
người dân có khả năng tự chăm sóc cho bản thân họ một cách tốt hơn”.
1.2.4.2. Các thành phần của nâng cao sức khỏe
Nâng cao sức khỏe gồm có ba thành phần là:
Giáo dục sức khỏe: Được xem như là thành phần quan trọng nhất của NCSK, các
hoạt động GDSK hướng đến cá nhân, gia đình và cộng đồng nhằm thúc đẩy chấp nhận
hành vi lành mạnh, giúp người dân có đủ năng lực và tự tin để hành động.
Cải thiện dịch vụ: Bao gồm cải thiện nội dung, loại hình của dịch vụ; cải thiện khả
năng tiếp cận dịch vụ của người dân và tăng cường khả năng chấp nhận sử dụng dịch vụ.
Vận động: Tác động đến các nhà hoạch định chính sách, xây dựng luật, qui định
liên quan đến việc phân bổ nguồn lực, định hướng hoạt động dịch vụ và tăng cường tuân
thủ luật pháp.

Nâng cao sức khỏe

Giáo dục sức khỏe Cải thiện dịch vụ Vận động

Tác động đến: Hiểu Cải thiện chất lượng và Thiết lập chương trình
biết/kiến thức; quyết số lượng dịch vụ: Khả nghị sự và vận động các
định; niềm tin/thái độ; năng tiếp cận; tư vấn; chính sách công có lợi
trao quyền; thay đổi hành cung cấp thuốc; thái độ cho sức khỏe: Chính
vi/hành động của cá nhân nhân viên; quản lý ca sách y tế; chính sách liên
và cộng đồng; sự tham bệnh; tiếp thị xã hội. quan đến cải thiện đời
gia của cộng đồng. sống; giảm thiểu sự phân
biệt đối xử; bất bình
đẳng; các rào cản về giới
trong chăm sóc sức khỏe.

Sơ đồ 1.1. Các thành phần của nâng cao sức khỏe


Như vậy, NCSK bao gồm tất cả những hoạt động nhằm phòng ngừa bệnh tật hoặc
làm cho tình trạng sức khỏe tốt hơn. Chúng ta cần xác định, đánh giá các chiến lược và
chương trình NCSK đang tiến hành một cách khoa học để có được những bài học kinh
nghiệm, tiếp tục thiết kế và triển khai những chiến lược mới.
1.3. Vai trò của người điều dưỡng trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại
các cơ sở y tế
Công tác TT-GDSK là cần thiết, gắn với công tác cải tiến chất lượng, chăm sóc
người bệnh toàn diện. Theo Thông tư 07/2011-BYT thì TT-GDSK là nhiệm vụ được xếp
ưu tiên số một trong 12 nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh.
Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, người điều dưỡng đóng vai
trò quan trọng. Điều dưỡng viên đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy giao tiếp, hỗ trợ
người bệnh bằng hành động cụ thể, quan tâm chăm sóc người bệnh cả về thể chất và tình
thần: Động viên, thăm hỏi người bệnh, hướng dẫn, tư vấn giáo dục sức khỏe, chăm sóc
dinh dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng, dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho người
bệnh, thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng, theo dõi và đánh giá người bệnh hàng ngày, đảm
bảo an toàn cho người bệnh…
Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế đã hướng dẫn
công tác điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh. Trong đó có Điều 4 quy định nhiệm vụ
của điều dưỡng trong việc hướng dẫn, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh như sau:
(1) Bệnh viện có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe
phù hợp. (2) Người bệnh nằm viện được điều dưỡng viên, hộ sinh viên tư vấn, giáo dục
sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong thời gian nằm viện và sau
khi ra viện.
Mục đích quan trọng của việc tư vấn điều trị và giáo dục sức khỏe là giúp người
bệnh có kiến thức, kỹ năng để có thể tự phòng bệnh, theo dõi tiến trình bệnh tật và tự
nguyện tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn. Người bệnh được tư vấn, giáo dục sức khỏe
khi điều trị và trước khi ra viện.
Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (Phiên bản 2.0); ban hành kèm theo
Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế; trong
đó có tiêu chí quy định về hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh của hệ
thống điều dưỡng trong bệnh viện. Một số tiêu chí yêu cầu ở các bệnh viện như sau:
- Ban hành các quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về việc tư vấn, giáo dục sức khỏe
cho người bệnh (và người nhà người bệnh).
- Nhân viên y tế tại các khoa/phòng thực hiện đầy đủ các quy định của bệnh viện về
hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh trong quá trình khám và điều
trị.
- Sẵn có các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh do các cơ quan
có thẩm quyền ban hành (Bộ Y tế, Sở Y tế… ) theo định kỳ hoặc theo chiến dịch, chương
trình truyền thông như tờ rơi, tranh, ảnh, băng hình…
- Các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe người bệnh được phổ biến cho nhân
viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh bằng các hình thức (như được treo, dán ở vị
trí dễ thấy đối với tranh ảnh, dễ lấy đối với tờ rơi…).
- Các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe do bệnh viện xây dựng được họp góp
ý và được cấp có thẩm quyền (hội đồng điều dưỡng, hội đồng khoa học kỹ thuật hoặc ban
giám đốc bệnh viện) phê duyệt, thông qua.
- Người bệnh nội trú được điều dưỡng, hộ sinh tư vấn, truyền thông, giáo dục sức
khỏe.
- Người bệnh được tư vấn, giáo dục sức khỏe phù hợp với bệnh khi vào viện, trong
quá trình điều trị và lúc ra viện.
- Người bệnh có được các kiến thức, thực hành thiết yếu để tự theo dõi, chăm sóc,
điều trị và phòng các biến chứng cho bản thân.
- Người bệnh được điều dưỡng, hộ sinh nhận định nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe
và ghi vào “Phiếu chăm sóc điều dưỡng”.
- Điều dưỡng, hộ sinh được đào tạo, tập huấn kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo
dục sức khỏe cho người bệnh.
- Lập danh mục các bệnh hoặc vấn đề sức khỏe (theo mô hình bệnh tật của bệnh
viện) và lộ trình cần ưu tiên xây dựng, cập nhật tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe.
- Phòng (hoặc tổ) điều dưỡng làm đầu mối hoặc tham gia xây dựng các nội dung,
tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh theo lộ trình đã lập, có tham khảo
các tài liệu khác (trong nước và nước ngoài).
- Tiến hành đánh giá (hoặc nghiên cứu) hiệu quả hoạt động truyền thông, giáo dục
sức khỏe cho người bệnh; có báo cáo đánh giá, trong đó có chỉ ra những nhược điểm cần
khắc phục và đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng.
- Có hình thức công bố, thông báo hoặc phản hồi kết quả đánh giá tới các khoa liên
quan bằng các hình thức như bản tin nội bộ, gửi báo cáo, thư điện tử…
- Thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng công tác tư vấn, truyền thông, giáo dục
sức khỏe cho người bệnh dựa trên kết quả đánh giá.
THỰC HÀNH:
Chia lớp thành các nhóm (mỗi nhóm khoảng 6-10 sinh viên).
Nội dung thảo luận nhóm:
- Cho các ví dụ cụ thể về thông tin, tuyên truyền, TT-GDSK và NCSK.
- Tìm hiểu một số chương trình nâng cao sức khỏe hiện đang triển khai tại các địa
phương. Phân tích vai trò của 3 thành phần trong chương trình NCSK.
Đại diện các nhóm trình bày. Các nhóm còn lại nhận xét.
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ
Phần 1: Câu hỏi trắc nghiệm
Câu 1. Chữ N trong chữ viết tắt về nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu thế giới là:
A. Cung cấp thuốc thiết yếu.
B. Chương trình tiêm chủng mở rộng.
C. Bảo vệ bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình.
D. Cung cấp lương thực - thực phẩm và cải thiện bữa ăn.
Câu 2. Giáo dục sức khỏe là quá trình tác động nhằm thay đổi điều gì ở đối tượng:
A. Quan điểm, thái độ của đối tượng về vấn đề sức khỏe.
B. Suy nghĩ của đối tượng về vấn đề sức khỏe.
C. Kiến thức, thái độ, thực hành của đối tượng về vấn đề sức khỏe.
D. Kiến thức, thái độ, thực hành, tín ngưỡng của đối tượng.
Câu 3. Ai là người tham gia thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu:
A. Nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ và điều dưỡng.
B. Nhân viên y tế, cá nhân và các hộ gia đình.
C. Nhân viên y tế làm công tác liên quan đến y tế công cộng.
D. Nhân viên y tế ở tuyến y tế cơ sở, cộng tác viên.
Câu 4. Việc “Ban hành nội quy, quy tắc ứng xử trong bệnh viện” là thuộc lĩnh vực
nào của chiến lược nâng cao sức khỏe tại một bệnh viện:
A. Cải thiện chất lượng dịch vụ.
B. Giáo dục sức khỏe.
C. Vận động.
D. Tiếp thị xã hội.
Câu 5. Tuyên truyền có đặc điểm nào sau đây:
A. Một chiều, lặp lại nhiều lần.
B. Hai chiều.
C. Lặp lại nhiều lần.
D. Hai chiều, lặp lại nhiều lần.
Câu 6. Một trong những thành phần của nâng cao sức khỏe là:
B. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở.
C. Tăng cường công tác quản lí sức khoẻ tuyến cơ sở.
C. Cung cấp đầy đủ nước sạch.
D. Vận động.
Câu 7. Giáo dục sức khỏe là một quá trình:
A. Giáo dục.
B. Dạy học.
C. Giúp đỡ.
D. Huấn luyện.
Câu 8. Các hoạt động của nâng cao sức khoẻ liên quan đến:
A. Chính trị, môi trường.
B. Văn hóa.
C. Xã hội.
D. Khoa học.
Câu 9. Theo tuyên ngôn Alma-Ata, nội dung Chăm sóc sức khoẻ ban đầu được viết
tắt bằng chữ:
A. ELEMENST.
B. ELMENTSE.
C. EMELENTS.
D. ELEMENTS.
Câu 10. Đối tượng của giáo dục sức khỏe là:
A. Người ốm.
B. Người khoẻ.
C. Người ốm và người khỏe.
D. Đối tượng có nguy cơ cao.
Phần 2: Câu hỏi tự luận
Câu 1. Trình bày những điểm giống và khác nhau giữa thông tin, tuyên truyền, truyền
thông giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe
Câu 2. Phân tích và cho ví dụ cụ thể vai trò của người điều dưỡng trong công tác truyền
thông giáo dục sức khỏe tại các khoa, phòng trong bệnh viện.
Câu 3. Cho ví dụ về một số hoạt động giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe điển
hình tại địa phương.

You might also like