You are on page 1of 15

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN1

QUY ĐỊNH CỦA SINGAPORE VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

ThS. Đỗ Nhật Ánh*

Nghiên cứu quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân là
điều cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong phạm vi bài viết, tác
giả nghiên cứu, đề cập một số quy định về trách nhiệm hình sự của
tổ chức của Singapore và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Đặt vấn đề


Theo tư duy truyền thống, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra với
chủ thể là cá nhân - người thực hiện hành vi mà pháp luật quy định là tội
phạm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội;
sự vi phạm pháp luật của các tổ chức ngày càng gia tăng cả về số lượng
và mức độ nguy hiểm cho xã hội, kéo theo yêu cầu đấu tranh phòng,
chống tội phạm phải được đặt ra, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó
có Việt Nam đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân,
bên cạnh trách nhiệm hình sự của cá nhân. Với riêng Việt Nam, lần đầu
tiên trong lịch sử lập pháp, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 ghi nhận
trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đánh dấu bước phát
triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp hình sự của nước ta. Mặc
dù trong quá trình xây dựng các quy định về trách nhiệm hình sự của
pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 đã tiến hành những
nghiên cứu, so sánh, đánh giá, học hỏi từ các quy định tương ứng trong
luật hình sự của nhiều quốc gia nhưng hoạt động này được thực hiện
chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; vì vậy, các quy định hiện hành trong
BLHS chưa đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của việc áp dụng
pháp luật trên thực tế. Nghiên cứu dưới đây về trách nhiệm hình sự của

1
* Giảng viên Khoa Đào tạo Đại học, Học viện Tòa án.
Tác giả sử dụng thuật ngữ “pháp nhân” ở bài viết này để chỉ chung chủ thể không phải là cá nhân phải chịu
trách nhiệm hình sự, các quốc gia có các tên gọi khác nhau về chủ thể này như đơn vị ở Trung Quốc, Cộng hòa
Áo; tổ chức ở Thụy Sỹ, Anh hoặc pháp nhân thương mại ở Việt Nam. Tuy nhiên, tên gọi “pháp nhân” là tên gọi
được sử dụng tương đối phổ biến trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia, tài liệu giảng dạy, nghiên cứu...
1
tổ chức ở Singapore, một quốc gia phát triển ở châu Á, có nhiều nét văn
hóa tương đồng với Việt Nam và cùng áp dụng hệ thống Civil law để xây
dựng BLHS, vì vậy, pháp luật hình sự Singapore có thể được coi là
tương đối phù hợp để so sánh với các quy định tương ứng của Việt
Nam, từ đó đưa ra được những góc nhìn mới, những kinh nghiệm được
đúc rút, tham khảo, học hỏi nhằm hoàn thiện hơn chế định trách nhiệm
hình sự của pháp nhân thương mại ở Việt Nam.

1. Trách nhiệm hình sự của tổ chức theo quy định pháp luật ở
Singapore
Trong hệ thống pháp luật, cả Việt Nam và Singapore đều xây dựng
BLHS; tuy nhiên, ở Việt Nam, BLHS được coi là nguồn duy nhất của luật
hình sự, mọi vấn đề về tội phạm và hình phạt được quy định tập trung
trong BLHS; trong khi đó, nguồn của luật hình sự Singapore không chỉ là
BLHS mà bao gồm cả các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như
Đạo luật về quyền tác giả năm 1987, Đạo luật về hải quan năm 1960,
Đạo luật về quản lý tài sản gắn liền với nhà năm 1970, Đạo luật về giáo
dục năm 1957, Đạo luật về chống bán phá giá năm 1996, Đạo luật về
điện lực năm 2001,…

Nghiên cứu luật hình sự Singapore, có thể nhận thấy Singapore đã
được kế thừa và học tập pháp luật nói chung và chế định trách nhiệm
hình sự của tổ chức nói riêng từ luật pháp của Anh do Singapore có một
thời gian dài là thuộc địa của Anh. Tuy nhiên, Anh là quốc gia theo
truyền thống Common Law, không có BLHS mà chỉ có các đạo luật hình
sự khác nhau quy định những vấn đề chuyên ngành, trong đó bao gồm
một số quy định về tội phạm của các chuyên ngành đó; trong khi đó,
mặc dù Singapore kế thừa, học tập từ hệ thống luật pháp Common Law
của Anh nhưng qua nhiều năm, hệ thống pháp luật hiện hành ở
Singapore đã được định hình bởi sự phát triển nhanh chóng của chính
trị, xã hội và kinh tế, Common Law của Anh vẫn tiếp tục ảnh hưởng

2
mạnh mẽ đến nhiều ngành luật ở Singapore như luật hợp đồng, tra tấn
và bồi thường, nhưng ở các lĩnh vực khác như luật hình sự, luật doanh
nghiệp, luật chứng khoán, Singapore đã xây dựng pháp luật những
chuyên ngành này theo hệ thống Civil Law, vì thế Singapore vẫn có
BLHS bên cạnh các đạo luật quy định về các tội phạm cụ thể. Chính vì
vậy, trách nhiệm hình sự của tổ chức ở Singapore được quy định ở cả
BLHS và các văn bản pháp luật chuyên ngành nhưng chủ yếu được quy
định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Đúc kết từ các án lệ trong lịch sử tư pháp Singapore và các quy


định về trách nhiệm hình sự của tổ chức có thể nhận thấy để có thể truy
cứu trách nhiệm hình sự của tổ chức, có hai nguyên tắc đã được phát
triển để thấy được mối quan hệ giữa ý chí của nhân viên (của tổ chức)
và tổ chức vì rõ ràng rằng, một tổ chức không tồn tại ý chí độc lập. Đó là
nguyên tắc trách nhiệm đồng nhất (identification principle) và nguyên tắc
đại diện (agency principle). Đây cũng là hai nguyên tắc mà luật pháp của
Singapore đã kế thừa từ luật pháp nước Anh trong quá trình là thuộc địa
của Anh.

Thứ nhất, về nguyên tắc đại diện. Nguyên tắc đại diện theo luật
pháp Singapore được xây dựng dựa trên thuyết trách nhiệm thay thế.
Đây là thuyết ra đời đầu tiên để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ
chức theo nghiên cứu của các nhà khoa học luật hình sự ở Anh2. Theo
nội dung của thuyết trách nhiệm thay thế, trách nhiệm hình sự của tổ
chức là loại trách nhiệm hình sự được quy cho tổ chức trên cơ sở hành
vi phạm tội của các nhân viên của tổ chức trong khi thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ của mình trong tổ chức. Có thể kể đến một số đạo luật
áp dụng thuyết trách nhiệm thay thế để truy cứu trách nhiệm hình sự đối
với tổ chức ở Singapore như Đạo luật Cơ quan phát triển phương tiện
truyền thông 2016 (Info-communications Media Development Authority
2
Từ những năm 1800, các tòa án Anh đã bắt đầu áp dụng nguyên tắc trách nhiệm hình sự thay thế để truy cứu
trách nhiệm hình sự đối với tổ chức.
3
Act 2016); Đạo luật Cơ quan SkillsFuture Singapore 2016 (SkillsFuture
Singapore Agency Act 2016); Đạo luật Cơ quan Công nghệ Chính phủ
2016 (Government Technology Agency Act 2016); Đạo luật Cục Tín
dụng 2016 (Credit Bureau Act 2016); Đạo luật Công ty (Companies Act).
Thực chất, nguyên tắc trách nhiệm hình sự thay thế của tổ chức được
hình thành từ việc áp dụng nguyên tắc trách nhiệm hình sự nghiêm ngặt
(strict liability) – là loại hình trách nhiệm vốn để truy cứu trách nhiệm
hình sự của cá nhân mà không đòi hỏi chứng minh lỗi của người đó. Do
các tổ chức là các thực thể pháp lý không tồn tại ý chí hay thái độ tâm lý
nên không thể có lỗi theo nghĩa vốn có trong luật hình sự; vì vậy các tòa
án áp dụng nguyên tắc này để luận giải cho việc quy trách nhiệm hình
sự đối với các tổ chức. Các tội phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo nguyên tắc nghiêm ngặt sẽ không phải chứng minh chủ thể có lỗi
cố ý, vô ý do quá tự tin hay vô ý do cẩu thả. Nhìn chung, một tổ chức
phải chịu trách nhiệm thay thế cho hành vi phạm tội của nhân viên nếu
hành vi của nhân viên đó được thực hiện trong phạm vi chức năng,
quyền hạn hay trong phạm vi được ủy quyền 3 mà không đòi hỏi phải
chứng minh dấu hiệu lỗi của tổ chức. Theo đó, hai điều kiện truy cứu
trách nhiệm hình sự của tổ chức theo nguyên tắc trách nhiệm thay thế
đó là: thứ nhất, cán bộ, nhân viên hoặc đại diện của công ty đã thực hiện
hành vi phạm tội trong phạm vi thẩm quyền; thứ hai, cán bộ, nhân viên
hoặc đại diện của công ty đã có ý định, cố ý phạm tội.

Ngoài ra, một số đạo luật ở Singapore áp dụng thuyết trách nhiệm
thay thế đặt ra thêm điều kiện về cá nhân có khả năng thể hiện tư tưởng
chỉ đạo và ý chí của công ty như Đạo luật Tham nhũng, buôn bán ma túy
và các tội nghiêm trọng khác; Đạo luật Công ty, Đạo luật Cơ quan Công
nghệ Chính phủ 2016. Ví dụ Điều 69 Đạo luật Cơ quan Công nghệ
Chính phủ 2016 quy định rất rõ về cá nhân cụ thể có khả năng thể hiện ý
chí của công ty như sau:
3
Ví dụ xem vụ Tom-Reck Security Service Pte Ltd v. Public Prosecutor [2001] 1 SLR® 327 at [17]-[18].
4
“(2)…
(a) Người là ----
(i) cán bộ của công ty; hoặc
(ii) cá nhân có liên quan đến việc quản lý công ty và có vị trí ảnh
hưởng đến hoạt động của công ty liên quan đến hành vi phạm tội.
(6)…
Cán bộ của công ty nghĩa là bất kỳ giám đốc, giám đốc điều hành,
quản lý, thư ký hoặc những cán bộ tương tự khác của công ty, và bao
gồm ---
(a) người có hành vi phạm tội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn;

(b) người là giám đốc của công ty trong trường hợp công ty có
nhiều người điều hành, quản lý”.
Những đạo luật này quy định rất rõ ràng về việc chứng minh ý chí
của tổ chức được dựa trên chứng cứ chứng minh ý chí của các cán bộ,
nhân viên, đại diện của tổ chức có liên quan đến hành vi phạm tội trong
phạm vi thẩm quyền4.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự của tổ chức theo nguyên tắc đại
diện hay thuyết trách nhiệm thay thế được nhà nghiên cứu luật hình sự
của Anh – Ashworth lí giải trên cơ sở yêu cầu về bảo đảm lợi ích (an
toàn) của công chúng và sự tuân thủ vô điều kiện những nghĩa vụ pháp
lý đã được thiết lập đối với một tổ chức5. Ngoài ra, việc áp dụng thuyết
trách nhiệm thay thế còn giúp giải quyết vấn đề về không tồn tại ý chí
hay thái độ tâm lý của tổ chức, bởi thuyết này cho phép truy cứu trách
nhiệm hình sự của tổ chức dựa trên hành vi khách quan của bất kì nhân
viên nào đang làm việc cho tổ chức và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của họ.
4
Article 69 (1) Singapore Governent Technology Agency Act 2016:
(1) Where, in a proceeding for an offence under this Act, it is necessary to prove the state of mind of a
corporation in relation to a particular conduct, evidence that —
(a) an officer, employee or agent of the corporation engaged in that conduct within the scope of his or her actual
or apparent authority; and
(b) the officer, employee or agent had that state of mind,
is evidence that the corporation had state of mind.
5
Andrew Ashworth (2003), Principle of Criminal Law, Oxford University Press, pg.116-117.
5
Thứ hai, về nguyên tắc trách nhiệm đồng nhất. Nguyên tắc này quy
tội cho công ty trên cơ sở hành vi và lỗi của những người thể hiện “tư
tưởng chỉ đạo và ý chí” của công ty.6 Điều này có nghĩa là trong trường
hợp, hành vi và ý chí của một người thể hiện hành vi, ý chí của công ty
thì công ty đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân này
thực hiện.

Trong một vụ án, có nhận định cho rằng con người có ý chí và có
tay để thực hiện ý định, một công ty lại không có những thứ đó; nó phải
hành động thông qua con người mặc dù không phải luôn luôn là một con
người duy nhất. Con người này nói và làm không phải với tư cách cá
nhân mà với tư cách của công ty, tư tưởng chỉ đạo của người đó là tư
tưởng chỉ đạo của công ty. Con người này không phải hành động như
người đại diện, người được ủy quyền mà cá nhân này là một hiện thân
của công ty (an embodiment of the company)7. Vì vậy, trách nhiệm hình
sự của công ty là trách nhiệm chính, trực tiếp không phải trách nhiệm
thay thế theo nguyên tắc trách nhiệm thay thế.

Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng được xác định là người
thể hiện “tư tưởng chỉ đạo và ý chí” của công ty. Để xác định được
những cá nhân này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào các văn
bản quy định về tổ chức và hoạt động của công ty như điều lệ công ty.
Nhìn chung, nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm thường áp dụng đối với
hành vi của ban giám đốc, giám đốc điều hành và những cán bộ cấp cao
khác thực hiện chức năng quản lý, phát ngôn và hành động với tư cách
của công ty. Vì vậy, có thể thấy nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm xem
xét phạm vi cá nhân của công ty hẹp hơn.

Đạo luật Tội phạm có tổ chức năm 2015 là đạo luật truy cứu trách
nhiệm hình sự của công ty theo nguyên tắc trách nhiệm đồng nhất. Theo
6
Andrew Martin và Yi Lin Seng (Baker McKenzie Singapore). Corporate liability in Singapore, Global
Complaince News, truy cập tại: https://globalcompliancenews.com/white-collar-crime/corporate-liability-
singapore/#_ftn5
7
Tom-Reck Security Services Pte Ltd v.Public Prosecutor [2001] 1 SLR(R) 327 at [17]
6
đó, một công ty sẽ phạm tội nếu chứng minh được cán bộ của công ty
đã đồng ý hoặc thông đồng thực hiện tội phạm hoặc hành vi phạm tội
được thực hiện là do lỗi vô ý của cán bộ công ty. Cũng tại Đạo luật này,
có giải thích rằng cán bộ của công ty nghĩa là bất kì giám đốc, thành viên
hội đồng quản trị, giám đốc điều hành, quản lý, thư ký hoặc những
người có chức vụ tương tự khác của công ty và bao gồm những người
có khả năng hành động như vậy8.

Như vậy, có thể thấy hệ thống pháp luật hình sự của Singapore đã
quy định các nguyên tắc chịu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức là
nguyên tắc trách nhiệm thay thế và nguyên tắc trách nhiệm đồng nhất.
Qua đó, có thể thấy luật hình sự Singapore xác định tổ chức chỉ là chủ
thể của trách nhiệm hình sự, không phải là chủ thể của tội phạm, chỉ con
người/cá nhân mới có thể thực hiện hành vi phạm tội. Trách nhiệm hình
sự của tổ chức là trách nhiệm phái sinh trên cơ sở hành vi phạm tội của
cá nhân/con người.

Trên cơ sở quy định của BLHS, các văn bản pháp luật chuyên
ngành và các án lệ của Singapore, tất cả các loại hình tổ chức đều có
thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhìn chung, nếu các quy định không
nhấn mạnh hoặc không có ngụ ý về điều ngược lại, thì một hành vi vi
phạm là một hành vi mà tổ chức có thể bị buộc tội, bất kể quy định có đề
cập rõ ràng đến loại tổ chức cụ thể hay không 9. Nội dung này được quy
định tại Điều 11 BLHS Singapore giải thích thuật ngữ “con người” bao
gồm mọi loại hình công ty hoặc hiệp hội hoặc bất kì tổ chức nào dù đã
được thành lập hợp pháp hay chưa” 10. Ngoài ra, Điều 2(1) Đạo luật Giải
thích quy định rằng trừ khi quy định trực tiếp hoặc gián tiếp, nếu không

8
Article 76 Singapore Organised Crime Act 2015.
9
Andrew Martin và Yi Lin Seng (Baker McKenzie Singapore). Corporate liability in Singapore, Global
Complaince News, truy cập tại: https://globalcompliancenews.com/white-collar-crime/corporate-liability-
singapore/#_ftn5.
10
Article 11 “The word “person” includes any company or association or body of persons, whether incorporated
or not”. (Singapore Penal Code).
https://sso.agc.gov.sg/Act/PC1871#pr11-
7
thuật ngữ “con người” (“a person”) và “một bên” (“a party”) bao gồm “bất
kì công ty hay hiệp hội hay tổ chức, đã được thành lập hoặc chưa được
thành lập”. Điều này có nghĩa là các pháp nhân kinh tế, bao gồm cả khu
vực công và tư; các tổ chức không có tư cách pháp nhân (như các câu
lạc bộ, các tổ chức xã hội) hay các tổ chức với quy mô khác nhau, hoạt
động vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận đều nằm trong phạm vi chủ thể chịu
trách nhiệm hình sự, đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu pháp
luật có quy định. Mặc dù vậy, một số văn bản pháp luật của Singapore
có quy định cụ thể về loại hình tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình
sự như Đạo luật Tội phạm có tổ chức, Đạo luật Sản phẩm Y tế, Đạo luật
ô nhiễm khói xuyên biên giới quy định cụ thể loại hình tổ chức có thể
phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là công ty hợp danh trách nhiệm hữu
hạn theo quy định tại Điều 2(1) Đạo luật Công ty hợp danh trách nhiệm
hữu hạn.11 Tuy vậy, các loại hình tổ chức cụ thể có thể phải chịu trách
nhiệm hình sự chỉ được quy định trong một số các đạo luật chuyên
ngành; trong khi BLHS và Đạo luật Giải thích thuật ngữ có giá trị pháp lý
cao hơn cho nên nhìn chung, luật Singapore truy cứu trách nhiệm hình
sự đối với tổ chức bao gồm mọi loại hình công ty hoặc hiệp hội hoặc bất
kì tổ chức nào mặc dù đã được thành lập hợp pháp hay chưa.

Các hình phạt có thể áp dụng đối với tổ chức bị truy cứu trách
nhiệm hình sự bao gồm hình phạt tiền và tịch thu tài sản. Tịch thu tài sản
được tòa án áp dụng đối với tài sản mà tổ chức đã thu được từ việc thực
hiện tội phạm. Ví dụ trong Đạo luật Tham nhũng, buôn ma túy và các tội
nghiêm trọng khác, các tòa án của Singapore có thể áp dụng lệnh tịch
thu tài sản của bị cáo đối với các lợi ích thu được do phạm tội mà có.
Tòa án cũng có thể ban hành quyết định buộc bị cáo phải bồi thường
cho nạn nhân.12

11
Article 76(5) Singapore Organised Crime Act 2015; Article 59(5) Singapore Health Products Act; Article
16(2) Singapore Transboundary Haze Pollution Act 2014.
12
Article 359(1) Singapore Criminal Procedure Code (Cap. 68).
8
Để có thể quyết định hình phạt đối với tổ chức, Tòa án tối cao
Singapore đã ban hành một số căn cứ phải cân nhắc, xem xét trong khi
truy cứu trách nhiệm hình sự của tổ chức. Những căn cứ đó bao gồm:

- Mức độ vi phạm quy định pháp luật;

- Mục đích và động cơ phạm tội;

- Quá trình thực hiện tội phạm và mức độ ăn năn hối cải;

- Xem xét có phải công ty chỉ đơn thuần là chủ thể chịu trách
nhiệm thay cho các giám đốc hay không, với nguyên tắc chung là không
nên áp dụng biện pháp răn đe hai lần (tức là đối với cả công ty và cổ
đông duy nhất của công ty);

- Xem xét có phải công ty là một doanh nghiệp gia đình nhỏ với
nguồn lực ít, nếu áp dụng một khoản tiền phạt nặng trên thực tế thì sẽ là
quá nặng;

- Xem xét đến lợi ích cộng đồng có thể bị ảnh hưởng nếu một
khoản tiền phạt được áp dụng đối với công ty (ảnh hưởng đến cả cổ
đông, nhân viên và chủ nợ của công ty).

Bên cạnh những hình phạt được áp dụng đối với tổ chức, một số
văn bản pháp luật khác của Singapore quy định về các biện pháp bắt
buộc trước hoặc sau khi kết án. Ví dụ như Đạo luật Tội phạm có tổ chức
được thông qua, ghi nhận rằng những tội phạm trong nhóm tội phạm có
tổ chức thường tạo ra nhiều lớp và cấu trúc phức tạp để trốn tội. Do vậy,
không phải lúc nào cũng có thể truy tố và kết án những tội phạm này. Để
ngăn chặn những hành động của nhóm tội phạm có tổ chức và việc thu
lợi bất chính của nhóm tội phạm này, Đạo luật Tội phạm có tổ chức 2015
quy định về việc ban hành lệnh phòng chống tội phạm có tổ chức13 và
chế độ tịch thu tài sản14. Thủ tục đối với các lệnh này và chế độ tịch thu
tài sản được tiến hành theo thủ tục dân sự, nghĩa là các thủ tục vẫn có
13
Article 15 Singapore Organised Crime Act 2015.
14
Article 61 Singapore Organised Crime Act 2015.
9
thể được tiến hành ngay cả khi người đó không bị buộc tội hoặc trắng
án.

Phạm vi tội danh có thể áp dụng đối với tổ chức, nếu quy định
pháp luật không quy định trực tiếp hoặc gián tiếp điều ngược lại thì một
tổ chức có thể bị buộc tội với một hành vi vi phạm pháp luật bất kể quy
định có dẫn chiếu rõ ràng đến chủ thể là công ty hay không 15. Vì vậy,
một công ty có thể chịu trách hiệm hầu hết các loại tội phạm16. Những
loại tội phạm mà tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự phải đáp
ứng những điều kiện như: thứ nhất, hình phạt của những tội phạm này
phải bao gồm hình phạt tiền và hình phạt tù không phải là hình phạt duy
nhất, điều này loại trừ tội giết người, tội phản quốc, tội cướp biển; thứ
hai, những tội phạm này không thể là loại tội phạm chỉ có thể được thực
hiển bởi con người như tội hiếp dâm, tội vi phạm chế độ kết hôn một vợ,
một chồng. Một số tội danh mà các tổ chức thường vi phạm như: tội rửa
tiền và tài trợ khủng bố, tội trốn thuế, tội hối lộ và tham nhũng, tội gian
lận, tội vi phạm quy định xuất khẩu, tội phạm môi trường, tội phạm an
toàn sức khỏe. Ngoài ra, các tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm đối với
những hành vi chuẩn bị phạm tội như tiếp tay cho nhân viên, nhà thầu,
đối tác kinh doanh; hỗ trợ thực hiện tội phạm; xúi giục thực hiện tội
phạm; khuyến khích thực hiện tội phạm; lên kế hoạch thực hiện tội
phạm. Nhìn chung, các văn bản pháp luật Singapore không giới hạn
phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự của tổ chức.

2. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việc nghiên cứu pháp luật Singapore, một quốc gia phát triển ở
châu Á, có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam để học hỏi, tham
khảo kinh nghiệm lập pháp là một việc làm hết sức cần thiết. Đối với vấn
đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, những nghiên cứu toàn diện và
15
Article 2(1) Singapore Interpretation Act and Article 11 Singapore Penal Code.
16
Andrew Martin và Yi Lin Seng (Baker McKenzie Singapore). Corporate liability in Singapore, Global
Complaince News, truy cập tại: https://globalcompliancenews.com/white-collar-crime/corporate-liability-
singapore/#_ftn5.
10
sâu sắc về quy định tương ứng trong pháp luật Singapore phần nào sẽ
giúp Việt Nam khắc phục được những bất cập còn tồn tại trong quy định
của BLHS. Với những nghiên cứu đã phân tích ở trên, một số kinh
nghiệm về quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức ở Singapore có thể
được tham khảo để xây dựng và áp dụng ở Việt Nam.

Thứ nhất, về nguồn của luật hình sự. Pháp luật Singapore có quy
định trách nhiệm hình sự của tổ chức trong BLHS nhưng chủ yếu được
quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Điều này có khó
khăn khi tìm hiểu tổng quan về nội dung các quy định liên quan đến
trách nhiệm hình sự của tổ chức trong luật Singapore vì tội phạm và
hình phạt rải rác trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành nhưng
cũng có mặt thuận lợi khi áp dụng pháp luật vì sẽ giúp người áp dụng
pháp luật hiểu chính xác về hành vi phạm tội và chế tài tương ứng. Bên
cạnh đó, cách quy định như vậy sẽ giúp nâng cao tính ổn định của BLHS
và dễ dàng, nhanh chóng, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự
thay đổi của đời sống xã hội17. Hiện nay, BLHS là nguồn duy nhất của
luật hình sự Việt Nam, điều này ảnh hưởng phần nào đến tính ổn định
của BLHS. Do sự thay đổi của đời sống xã hội, kĩ thuật lập pháp, các
văn bản pháp luật chuyên ngành và BLHS của Việt Nam có nhiều điểm
không thống nhất, dẫn đến khó áp dụng. Việc mở rộng nguồn của luật
hình sự như pháp luật Singapore phần nào có thể giúp Việt Nam khắc
phục được những bất cập trên.

Thứ hai, về bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của
pháp nhân. Quan điểm của pháp luật Singapore chỉ coi tổ chức là chủ
thể của trách nhiệm hình sự không phải là chủ thể của tội phạm. Trách
nhiệm hình sự của tổ chức là trách nhiệm hình sự phái sinh, không làm
thay đổi khái niệm của tội phạm trong luật hình sự. Đối với Việt Nam,
17
Theo “Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2005 – 2006” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng Quốc hội
Singapore đứng đầu trong số 117 quốc gia về tính hiệu quả trong xây dựng luật và giám sát thực thi pháp luật,
trích trong tài liệu Effective measures against corporate crime and corporate liability in Singapore tại địa chỉ truy
cập: https://unafei.or.jp/publications/pdf/RS_No76/No76_06VE_Ang.pdf.
11
BLHS năm 2015 quy định không thống nhất về vấn đề này. Khoản 1
Điều 75 BLHS quy định một trong những điều kiện chịu trách nhiệm hình
sự của pháp nhân thương mại là “hành vi phạm tội được thực hiện nhân
danh pháp nhân thương mại”; với cách mô tả này, có thể hiểu, hành vi
phạm tội vẫn do cá nhân thực hiện và nhân danh pháp nhân để thực
hiện hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn phải là cá nhân.
Nhưng khi quy định về khái niệm tội phạm, khoản 1 Điều 8 BLHS lại quy
định, “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội... do người có năng lực
trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố
ý hoặc vô ý, xâm phạm...”; với nội dung của quy định này, có thể hiểu
chủ thể của tội phạm có thể là pháp nhân thương mại chứ không đơn
thuần chỉ là cá nhân. Như vậy, BLHS năm 2015 chưa có sự thống nhất
hay còn mâu thuẫn giữa nội dung của các điều luật nói trên. Chính vì
vậy, cần phải có sự chỉnh sửa về kỹ thuật cho phù hợp và thống nhất với
các quan điểm khoa học về vấn đề này theo hướng chỉ có một chủ thể
duy nhất thực hiện tội phạm là cá nhân và có hai chủ thể của trách
nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân; việc quy định trách nhiệm hình
sự của pháp nhân thương mại chỉ là bổ sung các quy định về chủ thể
thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, về chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khác với luật
hình sự Việt Nam, luật Singapore xác định chủ thể bị truy cứu trách
nhiệm hình sự ngoài cá nhân còn có tổ chức, bao gồm mọi loại hình
công ty hoặc hiệp hội hoặc bất kì tổ chức nào mặc dù đã được thành lập
hợp pháp hay chưa. Việc không hạn chế các đối tượng tổ chức có thể
phải chịu trách nhiệm hình sự đảm bảo việc áp dụng pháp luật một cách
triệt để, công bằng đối với nhiều đối tượng. Mặc dù, Việt Nam chỉ truy
cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại với lý do đây là
lần đầu tiên Việt Nam quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
nhưng theo quan điểm của tác giả, Việt Nam vẫn nên học hỏi pháp luật

12
Singapore quy định mở rộng hơn về phạm vi chủ thể chịu trách nhiệm
hình sự ngoài cá nhân, còn là pháp nhân nói chung, không phân biệt là
pháp nhân thương mại hay pháp nhân phi thương mại. Ngoài ra, không
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan nhà nước; vì đây là một
chủ thể đặc biệt18. Các cơ quan nhà nước là chủ thể mang quyền lực
nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vì vậy, pháp luật Việt Nam nên quy định mở rộng phạm vi pháp nhân có
thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân, ngoại trừ cơ quan nhà nước.

Thứ ba, về phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Singapore không giới hạn phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
tổ chức. Việc quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản pháp
luật chuyên ngành giúp Singapore dễ dàng bổ sung các điều khoản truy
cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức để đáp ứng yêu cầu đấu tranh
phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam giới hạn phạm vi truy
cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khá hẹp với 33
tội danh. Trong một số lĩnh vực, nếu hành vi phạm tội đều thỏa mãn các
điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo pháp
luật Việt Nam tuy nhiên hành vi phạm tội không thuộc phạm vi 33 tội
danh pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự thì
cũng không thể truy cứu trách nhiệm đối với pháp nhân được. Đây là
vấn đề cần có hướng giải quyết cho phù hợp. Mặc dù có thể hiểu, trong
giai đoạn bước đầu áp dụng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương
mại, việc quy định này của BLHS Việt Nam được xem là phù hợp, thể
hiện “sự thận trọng cần thiết” khi tập trung vào một số tội phạm điển
hình, thường xuyên xảy ra vi phạm, có mức độ nguy hiểm nhất định và
dễ chứng minh trên thực tế. Tuy vậy, BLHS Việt Nam vẫn cần phải có
định hướng mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp
nhân thương mại.
18
Theo khoản 1 Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận: “Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì
Nhân dân”.
13
Thứ tư, về chế tài hình sự đối với pháp nhân. Hiện nay, Singapore
quy định chế tài hình sự bao gồm hình phạt tiền và tịch thu tài sản.
Trong khi đó, Việt Nam quy định hệ thống chế tài hình sự tương đối
phong phú như phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực
nhất định, cấm huy động vốn; ưu điểm là nhiều sự lựa chọn khi áp dụng
hình phạt đối với pháp nhân. Tuy nhiên, “những hình phạt trên khi áp
dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều bất cập và ảnh hưởng đến quyền
lợi của người lao động, các cá nhân, pháp nhân có liên quan... Nếu đình
chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp
nhân thương mại thì các cổ đông hay người lao động của pháp nhân
thương mại đó sẽ giải quyết như thế nào khi mà hàng trăm lao động
thậm chí hàng nghìn lao động trở thành thất nghiệp”19. Ngoài ra, khi áp
dụng những hình phạt này còn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực,
ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam. Theo kinh
nghiệm từ Singapore, Nhật Bản, hay Hoa Kỳ, việc áp dụng hình phạt tiền
hoàn toàn đủ sức răn đe đối với pháp nhân, việc đình chỉ hay chấm dứt
hoạt động của pháp nhân hoàn toàn không cần thiết. Do đó, Singapore
và nhiều quốc gia trên thế giới không quy định những hình phạt đóng
cửa, kết án tử đối với một tổ chức. Vì vậy, Việt Nam nên cân nhắc khi áp
dụng hình phạt này đối với pháp nhân thương mại.

Nghiên cứu pháp luật Singapore về trách nhiệm hình sự của tổ


chức là cơ sở để so sánh với quy định của BLHS Việt Nam về trách
nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây được coi là hoạt động
cần thiết để tìm ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, phần
nào giúp ích cho quá trình sửa đổi, hoàn thiện các quy định của BLHS
Việt Nam hiện hành cũng như tìm ra hướng khắc phục những bất cập

19
Phạm Minh Tuyên (2019), “Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với pháp nhân
thương mại phạm tội theo BLHS năm 2015”, Tòa án nhân dân, (11), tr.18.
14
trong quá trình áp dụng các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp
nhân thương mại trong thực tiễn thi hành BLHS của Việt Nam.

15

You might also like