You are on page 1of 10

TÀI LIỆU ĐỌC PHÁP LUẬT 11

THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Pháp luật là phương tiện quản lý của nhà nước, là phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của công dân. Vậy nhà nước và công dân sử dụng phương tiện pháp luật như thế nào?
Các quy định trong luật, bộ luật đi vào đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức theo cách
thức nào? Cùng tìm hiểu một số khái niệm sau.

1. Thực hiện pháp luật: Là quá trình hoạt động có mục đích, làm cho những quy định của pháp
luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Phân loại các hình thức thực hiện pháp luật, gồm 4 loại:

- Tuân thủ pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật mà các chủ thể pháp luật kiềm chế
không tiến hành những hoạt động mà pháp luật ngăn cấm.

- Thi hành pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật mà các chủ thể pháp luật thực hiện
nghĩa vụ pháp lý của mình bằng những hành động tích cực.

- Sử dụng pháp luật : là hình thức thực hiện pháp luật mà các chủ thể pháp luật chủ động
thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của công dân đã được pháp luật công nhận.

- Áp dụng pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật chỉ dành cho các cơ quan nhà nước
hay nhà chức trách có thẩm quyền thực hiện các quy định của pháp luật hoặc căn cứ vào quy
định pháp luật để đưa ra những quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt
những quan hệ pháp luật cụ thể.

2. Vi phạm pháp luật: Là hành vi trái pháp luật (hành động hoặc không hành động), có lỗi, do
người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp
luật bảo vệ.

Ba dấu hiệu nhận biết hành vi vi phạm pháp luật:

(1) Là hành vi, thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động (lời nói)

(2) Tính trái pháp luật của hành vi

(3) Tính có lỗi của hành vi trái pháp luật

Vi phạm pháp luật có 4 loại:

- Vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm): là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm,
được quy định trong Bộ luật Hình sự.

- Vi phạm pháp luật hành chính: là hành vi xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà không
phải là tội phạm.

- Vi phạm pháp luật dân sự: là hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ tài sản (quản hệ
sở hữu, quan hệ hợp đồng, …) và quan hệ nhân thân (liên quan đến các quyền nhân thân,

1
không thể chuyển giao cho người khác, ví dụ: quyền đối với họ tên, quyền được khai sinh, bí
mật đời tư, quyền xác định lại giới tính, …)

- Vi phạm kỉ luật: là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quan hệ lao động, công vụ nhà
nước … do pháp luật lao động và pháp luật hành chính bảo vệ.

3. Trách nhiệm pháp lý.

Khi cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật, cá nhân và tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp
lý.

Trách nhiệm pháp lý là nghĩa vụ mà các cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ
hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Trách nhiệm pháp lý có 4 loại tương ứng với các loại vi phạm pháp luật gồm:

- Trách nhiệm hình sự: là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu hình phạt và các biện pháp
tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của
người phạm tội. Trách nhiệm hình sự do Tòa án áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.

- Trách nhiệm hành chính: là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan vi phạm các nguyên
tắc quản lý nhà nước phải chịu các hình thức xử lý hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền áp dụng.

- Trách nhiệm dân sự: là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi vi phạm pháp
luật dân sự phải chịu các biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của các quyền dân
sự bị vi phạm.

- Trách nhiệm kỉ luật: là trách nhiệm của người vi phạm kỉ luật phải chịu các hình thức kỉ luật
do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, trường học áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên, học sinh
của cơ quan, tổ chức mình.

II. CÂU HỎI TÌM HIỂU CHỦ ĐỀ

1. Vi phạm pháp luật là gì? Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật?

2. Có những loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý nào?

3. Tại sao nhà nước lại đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật?

4. Pháp luật Việt Nam nên thay đổi như thế nào trong xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay?

5. Có nên bỏ hình phạt tử hình trong khung trách nhiệm pháp lý tại Việt Nam hay không?

2
III. TRÍCH DẪN VĂN BẢN LUẬT

BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015, SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2017 (trích)

Chương VI

HÌNH PHẠT

Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Cải tạo không giam giữ;

d) Trục xuất;

đ) Tù có thời hạn;

e) Tù chung thân;

g) Tử hình.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

b) Cấm cư trú;

c) Quản chế;

d) Tước một số quyền công dân;

đ) Tịch thu tài sản;

e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp
dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;


3
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và
có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Mục 4. HÌNH PHẠT

Điều 98. Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội
phạm:

1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền.

3. Cải tạo không giam giữ.

4. Tù có thời hạn.

Điều 99. Phạt tiền

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu
người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai
mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Điều 100. Cải tạo không giam giữ

1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc
người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.

2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không
khấu trừ thu nhập của người đó.

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai
thời hạn mà điều luật quy định.

Điều 101. Tù có thời hạn

Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

4
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy
định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không
quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba
phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy
định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không
quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một
phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH 2012 (trích)

PHẦN THỨ NHẤT


NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 2. Giải thích từ ngữ


Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của
pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải
bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử
phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
3. Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về
an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ
sở cai nghiện bắt buộc.
4. Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng
để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với
người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý
tại gia đình.
5. Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn
được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt,
quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết
định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.
6. Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm
hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và
chưa hết thời hiệu xử lý.

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính
do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

5
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý
như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy
phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an
ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm
quyền xử lý;

b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh
hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi
phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90,
92, 94 và 96 của Luật này.

Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
PHẦN THỨ HAI
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
CHƯƠNG I
CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT
VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Mục 1
CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT
Điều 21. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có
thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
(sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp
dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là
hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một
hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định
tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt
chính.

6
BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 (trích)

Chương II

XÁC LẬP, THỰC HIỆN VÀ BẢO VỆ QUYỀN DÂN SỰ

Điều 8. Căn cứ xác lập quyền dân sự

Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng.

2. Hành vi pháp lý đơn phương.

3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.

4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng
quyền sở hữu trí tuệ.

5. Chiếm hữu tài sản.

6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

8. Thực hiện công việc không có ủy quyền.

9. Căn cứ khác do pháp luật quy định.

Điều 9. Thực hiện quyền dân sự

1. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy
định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật này.

2. Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm
chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Điều 10. Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự

1. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người
khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

2. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án
hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có
thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và
có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.

Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

7
Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo
quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Điều 13. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ
trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 14. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền

1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá
nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực
hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy
định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng;
trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.
Chương III

CÁ NHÂN

Mục 1. NĂNG LỰC PHÁP LUẬT DÂN SỰ, NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập,
thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

8
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều
22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó
xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải
được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt
hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch
dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch
dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ
được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức
hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên
cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của
chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan,
Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp
luật xác lập, thực hiện.

LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 2008

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh
theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội
ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh huyện, quận, thị
xã trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức
danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung
ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công

9
chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ
quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IX

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì
tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương
nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà
không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

4. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được
thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị -
xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan
thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.

2. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

10

You might also like