You are on page 1of 2

Giao tiếp là một trong những việc làm thường xuyên nhất của con người.

Hai người có thể trò chuyện trực tiếp


với nhau qua lời nói hay gián tiếp qua chữ viết. Thế nhưng, việc giao tiếp thông thường vẫn có nguy cơ hiểu sai. Vậy
làm cách nào để có thể hiểu những tác phẩm triết học của các triết gia được viết cách đây nhiều thế kỷ thì sao? Chúng
ta đọc cuốn Kinh Thánh - “cuốn sách được đọc nhiều nhất” và được viết cách đây hơn 2000 năm - như thế nào để
không hiểu sai? Khải nghĩa triết học là một phương pháp hỗ trợ hiểu được ý của tác giả trong bản văn đó. Trong buổi
hội thảo triết học năm nay, Cha Phaolô Đậu Văn Hồng đã thuyết giảng chủ đề “Khải nghĩa triết học ứng dụng cho
Kinh Thánh” để giúp cho học viên hiểu rõ hơn về khải nghĩa triết học và ứng dụng vào thực tế nhất là trong Kinh
Thánh.
Khải nghĩa hay thông diễn có gốc La Tinh là Herméneutique. Chữ này được bắt nguồn từ vị thần Hermes, là
vị thần trung gian để truyền tải sứ điệp thần linh cho con người. Khải nghĩa chính là cầu nối giữa ngôn ngữ thần linh
và ngôn ngữ loài người. Qua việc khải nghĩa, chúng ta kín múc, gạn lọc tinh vi những thông tin, kiến thức. Vì thế,
phương pháp khải nghĩa mang chiều kích triết học và triết học mang chiều kích khải nghĩa.
Ban đầu, nghệ thuật giải thích, diễn nghĩa được dùng cho ngành thần học, luật pháp, văn chương để có thể
hiểu đầy đủ và đúng đắn. Tuy vậy, nguy cơ hiểu mang tính chất phổ quát nên nghệ thuật giải thích và diễn nghĩa được
chuyển mình thành nghệ thuật hiểu. Ngày càng mở rộng hơn, theo Schleiermacher, việc hiểu không chỉ dừng lại ở nơi
ý hướng của tác giả nhưng còn vượt xa hơn cả tác giả. Trong khi đó, Dilthey nhấn mạnh rằng nghệ thuật hiểu là riêng
của bộ môn xã hội nhân văn: chúng ta không thể thâu nhận được những trải nghiệm sinh động của con người nên chỉ
dừng lại nơi giải thích. Đối với Heidegger, Dasein tự mình khải nghĩa chính mình. Mọi trình tự khải nghĩa đều từ
Dasein kéo dài, tiếp nối. Dasein càng được minh giải thì càng được định hình rõ nét và hiểu rõ hơn. Từ đó vòng tròn
của cái hiểu ngày càng được mở rộng. Đối thể của cách hiểu là huyền nhiệm hữu thể được biểu đạt ngang qua ngôn
ngữ.
Sau khi đã tìm hiểu vai trò của ngôn ngữ, Cha Hồng đã nói sâu thêm về tính tự động siêu vượt tiềm lực lý tính
của ngôn ngữ. Theo Heidegger, hữu thể tỏa sáng ra là ngôn ngữ, qua ngôn ngữ chúng ta có thể đi đến hữu thể. Còn đối
với Ricoeur, ngôn ngữ là định chế trên mọi định chế. Ngôn ngữ có tiềm lực lý tính nghĩa là ngôn ngữ có khả năng tự
vượt lên chính mình. Ngôn ngữ có khả năng kết dệt hình ảnh. Đối với ngôn ngữ thì không có giới hạn nhưng chỉ có
giới hạn nơi người vận dụng hữu hạn. Vì thế ngôn ngữ có tính tự động siêu vượt. Từ đó Heidegger nói về bước ngoặt
khải nghĩa khi đề cập đến triết học hiện tượng luận. Chủ thể siêu nghiệm kết dệt ý nghĩa. Hữu thể không phải là hiện
tượng thuần túy vì nó vừa tỏ lộ vừa ẩn khuất. Còn đối với Ricoeur, hiện tượng luận là một cuộc lắp ghép khải nghĩa vì
nó bổ khuyết cho bước tiến của khải nghĩa. Ricoeur biến khải nghĩa thành triết học bằng cách mở rộng khái niệm bản
văn với tất cả những gì liên quan đến con người theo hướng hiện hữu. Ở đâu có cái chờ đợi được hiểu chính là bản
văn. Việc khải nghĩa cần được thực hiện qua bốn giai chặng: phân tích bản văn về mặt cấu trúc; trả lại năng động động
lực của bản văn; tạo điều kiện cho sự vật của bản văn được phóng chiếu, thế giới bản văn mở ra; hoàn tất lộ trình khải
nghĩa bằng cách diễn nghĩa chính, chấp nhận đánh mất chính mình đẻ chiếm giữ một chính mình nên khác.
Phần thứ hai của buổi diễn thuyết, Cha nói về việc khải nghĩa Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta cần phân tích
kỹ bản văn cũng như chú trọng tới các loại hình văn chương. Hai loại văn chương chính yếu trong Kinh Thánh là trình
thuật và sấm ngôn. Có ba cấp độ cần duyệt xét: diễn từ và tuyên xưng đức tin; cấu trúc tương ứng; liên thông văn
chương hình thành từng khối bản văn và toàn bộ Kinh Thánh. Cần đọc bản văn theo kiểu liên thông tự nội nghĩa là
đọc trên cùng thời gian. Nhờ đó, các bản văn trở nên đầy sức sống do sự bổ khuyết cũng như đối kháng lẫn nhau. Độc
giả đón nhận được ý nghĩa đầy phong phú của bản văn. Tương quan giữa lời và văn tự cũng đóng vai trò trong việc
khải nghĩa Kinh Thánh. Thông thường từ lới mới có văn tự nhưng đôi khi cũng từ văn tự để hình thành nên lời: đơn cử
là những tước hiệu trong Đức Kitô học đã được nói từ thời Cựu Ước. Kitô Giáo ngay từ ban đầu đã có những chứng từ
diễn giải, diễn nghĩa. Yếu tố khoan giãn khoảng cách tạo nên mối tương quan giữa lời và sách - nền tảng cho công
cuộc loan báo. Khi tách biệt tác giả với bản văn, khoảng cách được khoan giãn, các lời được diễn nghĩa và đến với
chúng ta.
Bước tiếp theo, cần tạo điều kiện tối đa cho “sự vật”, “thế giới” và “hữu thể mới” được bản văn dàn trải. Đây
là bước quan trọng nhất. Cần đón nhận thế giới mới của bản văn bằng cách để khách thể tính của bản văn được phóng
chiếu ra. Chúng ta cũng không được ngộ nhận, thành kiến với vấn đề linh hướng vì Kinh Thánh có năng lực tự vén
mở. Chúng ta cũng không được đóng khuôn Kinh Thánh chỉ trong vấn đề đạo đức, luân lý nhưng bản văn có tính cách
phổ quát và chiều kích hoàn vũ, tác động đến mọi khía cạnh của con người. Cuối cùng, thế giới mới đòi buộc loại bỏ
mọi cái thường nhật để đi đến những cái thi vị. Sau đó, cha nói về việc thâu nhận và chiếm dụng bản văn cho chính
mình nghĩa là tự hiểu chính mình nhờ tác động của bản văn. Tất cả việc khởi nghĩa để kết tạo nên đức tin làm đào sâu
thêm đức tin. Đức tin là tận điểm của tiến trình khải nghĩa. Chúng ta cần có một trình tự phê bình nội tại, kh ải nghĩa
trong ngờ vực cũng như khởi nghĩa trong tin cậy. Với việc khoan giãn khoảng cách, chiều kích sáng tạo sẽ được mở
rộng hơn nhờ sự phần của trí tưởng tượng. Từ đó chủ thể sẽ đáp trả bản văn như một bài thơ, được nhấc bổng lên khỏi
đời sống thường nhật. Con người sẽ tự giải thoát chính chính với trí tưởng tượng gợi mở từ bản văn.
Qua bài diễn thuyết của cha Phaolô Đậu Văn Hồng, các sinh viên của học viện Phanxicô được biết thêm về
khải nghĩa triết học cũng như việc áp dụng vào Kinh Thánh. . Khải nghĩa mở ra cho mỗi người một cách thức để hiểu
những gì được truyền đạt. Khải nghĩa chú trọng đến vai trò của người tiếp nhận mở ra và đón nhận những sự phóng
chiếu cũng như thế giới của bản văn. Khi áp dụng vào Kinh Thánh, bản văn ưu việt nhất, cần phải tạo điều kiện tối đa
cho bản văn được dàn trải. Người đọc sẽ được nhấc bổng lên khỏi đời sống thường nhật để đón nhận một “Thế giới
mới”, “Hữu thể mới” đầy thi vị. Thế nhưng đối với một người Công giáo, việc khải nghĩa Kinh Thánh cần được đặt
trong huấn quyền của Giáo Hội để tránh khỏi những tư tưởng lạc giáo.

You might also like