You are on page 1of 6

6 ĐỀ ĐỌC HIỂU ÔN TẬP KT ĐK GIỮA HKI

ĐỀ SỐ 1

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Sự trưởng thành là nhiệm vụ cá nhân và tạo ra môi trường cho mọi người trở
nên trưởng thành là nhiệm vụ của gia đình, trường học, xã hội. Trưởng thành là một
quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi
trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người
trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành.
Mục tiêu đầu tiên của đàn ông nên là trở thành người trưởng thành thay vì thành
đạt hay quyền lực. Các cô gái cũng vậy, muốn lấy được tấm chồng tốt cũng nên đặt tiêu
chí tìm người trưởng thành làm gốc. Cha mẹ nên mong và tạo điều kiện cho con cái
trưởng thành thay vì để chúng là những đứa con lớn xác biết nghe lời. Bởi vì vâng lời
hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành.
Dù trọng tâm cuộc sống của bạn đã và đang đặt ở đâu: vật chất, danh vọng,
quyền lực, gia đình, người yêu… hãy tạm gác lại và ưu tiên vào bản thân mình trước.
Hãy biến mình trở thành người trưởng thành, một cây cao có tán lá sum sê và bộ rễ
vững chãi, có vậy mới không có cơn bão nào quật ngã, chim muông sẽ đến dưới tán
lá trú ngụ và bạn sẽ không còn cảm thấy chông chênh…”.
(“Sống như ngày mai sẽ chết” – Phi Tuyết)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, trưởng thành là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) hiểu câu câu nói sau như thế nào: “Vâng lời hay ngoan hiền không có
nghĩa là trưởng thành”? (1,5 điểm)
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “ý nghĩa sự trưởng thành của con
người trong cuộc sống”. (2,0 điểm)

-1-
ĐỀ SỐ 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Tin giả thời nào cũng có nhưng Facebook là mảnh đất màu mỡ cho tin giả
lan tràn. Trước đây. những người cổ xúy cho thế giới phẳng thường ca tụng các nền
tảng như Yahoo 360⁰ hay Facebook giúp trao quyền cho cá nhân để một người bình
thường có tiếng nói ngang bằng các tờ báo lâu đời khác. Nhìn từ góc độ từng cá nhân
như vậy thì quả đúng nhưng nhìn từ góc độ người tiếp nhận thông tin thì sao? Các tờ
báo có uy tín, đáng tin cậy không bao giờ khinh suất đăng bày một tin chưa kiểm chứng
nhưng từng cá nhân thì lúc nào cũng sẵn sàng đăng các dòng trạng thái được càng
nhiều người đọc càng tốt. Có gì khoái hơn đăng vài câu mà hàng loạt người vào đọc,
thích và chia sẻ, tin càng giật gân càng được chia sẻ nhiều. Đó là cơ chế đẻ ra tin giả,
tin bịa. Điều đáng buồn là bản năng con người giúp lan truyền loại tin giả này, ai cũng
muốn có gì đó mới lạ, độc, sốc để khoe với bạn bè. Ai cũng nghĩ nó vô hại vì đăng hôm
nay, mai bị phát hiện sai thì xóa và lúc đó lại nghĩ mình chỉ là một cá nhân nhỏ xíu, đâu
ai để ý”.
(“Sống trong thời viễn tưởng? Chuyện người và máy” – Nguyễn Vạn Phú)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo văn bản, các nền tảng như Yahoo 360°, Facebook giúp ích gì cho con
người? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm sau không: “Việc đăng tin giả là vô hại
vì đăng hôm nay, mai bị phát hiện sai thì xóa”? Vì sao?
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “trách nhiệm của cá nhân khi phát
ngôn hoặc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội”.

-2-
ĐỀ SỐ 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Giặc Covid đang áp đặt luật chơi cho loài người, và đã thấy rõ con người mới
yếu ớt, mỏng manh, nhỏ bé biết bao. Trong cuộc chiến này, nếu muốn lật ngược thế
cờ, đẩy giặc virus Covid ra khỏi cơ thể, dập dịch thành công ở mỗi quốc gia, nhân loại,
thì con người phải nghĩ đến con người. Cá nhân nghĩ đến mình, nhưng cũng phải nghĩ
đến mọi người. Chỉ cần Covid đục thủng phòng tuyến ở một người, và người đó chủ
quan, vô tình tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn xã hội, thì đội quân virus sẽ tràn lan
cả cộng đồng, cả quốc gia. Chỉ cần Covid xâm nhập vào một quốc gia, nhưng quốc gia
ấy và các quốc gia khác không phong tỏa, lơ là phòng chống, thì đại dịch sẽ hoành
hành, tàn phá khắp hành tinh.
Mỗi người hãy hòa mình vào dân tộc, nhân loại. Loài người hãy hòa nhập với
thiên nhiên. Không phá đi rồi xây. Không hủy diệt rồi nuôi trồng. Không đối đầu. Không
đối nghịch. Không đối kháng. Con người phải đặt trong môi trường sinh thái của thiên
nhiên, chung sống hòa bình với vạn vật. (…) Con người chớ ngạo mạn đến mức khùng
điên làm chúa tể của muôn loài, khống chế, thống trị chúng sinh, mà không biết sống
hòa nhập, hòa bình trong sinh thái cân bằng”.
(“Loài người có bớt ngạo mạn?” – Sương Nguyệt Minh)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên bằng những cách nào?
(0,5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói sau: “Chỉ cần Covid đục thủng phòng
tuyến ở một người, và người đó chủ quan, vô tình, tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn
xã hội, thì đội quân virus sẽ tràn lan cả cộng đồng, cả quốc gia”? (1,5 điểm)
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “trách nhiệm của cá nhân với
cộng đồng”. (2,0 điểm)

-3-
ĐỀ SỐ 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Có một câu nói là: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn
tay”. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có được ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người
biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự
với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó,
bảo sẽ thất bại hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”
Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người
ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.
Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều
gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần
chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha
ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một
chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kĩ năng của ta khá lên.
Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế
giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ
hay mở công ty.
Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.
Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.
(“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” – Rosie Nguyễn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì những lí do nào?
(0,5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói sau của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên mặt đất
vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”? (1,5 điểm)
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “vai trò của khả năng hành động
với những người trẻ tuổi”. (2,0 điểm)

-4-
ĐỀ SỐ 5

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Nếu bạn được tặng một chiếc xe Rolls Royce, một món trang sức bằng đá quý,
hoặc một thứ gì đó rất đắt tiền, bạn sẽ chăm chút nó như thế nào? Tôi nghĩ câu trả lời
thật rõ ràng, bạn sẽ nâng niu, giữ gìn nó rất cẩn thận.
Còn nếu bạn được tặng một cuộc đời – cuộc đời của chính bạn, bạn sẽ chăm sóc
nó thế nào? Tôi cho rằng đôi khi bạn đã không quan tâm đến cuộc đời mình bằng những
của cải mà bạn sở hữu. Đời sống là một nhạc cụ diệu kỳ, hãy học cách sử dụng nó và
gảy lên những khúc nhạc tuyệt vời bằng tất cả khả năng của bạn. Nhưng trên hết,
hãy đối xử với cuộc đời bạn bằng sự trân trọng xứng đáng.
…Hãy nhớ, cuộc đời bạn chính là món quà huyền diệu nhất mà cuộc sống ban
tặng. Bạn chính là người gieo trồng, kiến tạo nên cuộc đời mình thông qua lời nói và
hành động. Vậy, hãy nghĩ đến những lời bạn nói, những việc bạn làm. Tương lai của
thế giới này sẽ ra sao, một phần phụ thuộc vào bạn.
Chúng ta không thêu dệt nên cuộc đời, chúng ta chỉ là một phần trong đó. Bất
cứ điều gì chúng ta làm với cuộc đời này cũng là làm cho chính chúng ta”.
(“Quà tặng cuộc sống” – Dr. Bernie S. Siegel)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, tại sao “hãy nghĩ đến những lời bạn nói, những việc bạn làm”?
(0,5 điểm)
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến sau: “Tương lai của thế giới này sẽ ra sao,
một phần phụ thuộc vào bạn”? (1,5 điểm)
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về “vai trò của việc đối xử với cuộc
đời mình bằng sự trân trọng”. (2,0 điểm)

-5-
ĐỀ SỐ 6

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Chúng ta thường có khuynh hướng ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những
con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Song,
nếu chúng ta chỉ chấp nhận những mức độ sẵn có, chẳng muốn gắng sức vươn lên một
tầm cao mới, thì mãi mãi bản thân ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao
người khác và lúc nào cũng dậm chân tại chỗ.
Luôn cố gắng phát huy khả năng của bạn đến mức xuất sắc là điều rất quan
trọng trong cuộc sống. Bạn hãy xem xét những công việc nhỏ mà bạn thường làm, rồi
tự hỏi xem: Mình có thể thực hiện chúng cách nào tốt hơn?
Ví dụ như: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay
sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt.
Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc
chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.
Khi bạn quyết tâm làm mọi việc với một kết quả tốt nhất, nội tâm và cảm xúc
trong bạn sẽ sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy cuộc đời mình đổi thay đáng kể và con đường
tiến tới thành công sẽ rộng mở trước mắt bạn, dù có thể trước đó bạn thấy nó dường
như đã đóng kín”.
(“Thay thái độ, đổi cuộc đời” – Keith D. Harrell)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả theo lựa chọn nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu
chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính
mình”? (1,5 điểm)
Câu 4. Chỉ ra 1 BPTT có trong câu văn in đậm và nêu hiệu quả biểu đạt. (1,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn
(khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự quyết tâm. (2,0
điểm)

-6-

You might also like