You are on page 1of 13

LUYỆN TẬP NGAY, VIẾT LIỀN TAY

DÀN Ý KHAI TRIỂN CỦA MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

MỤC TIÊU BÀI HỌC


★ Nắm được cấu trúc sơ lược của một bài văn Nghị luận Xã hội.

★ Hiểu được cách phân bố và khai triển luận điểm, từ đó áp dụng vào quá trình
luyện giải bài tập, đề thi,...

★ Biết được những yếu tố cần thiết trong từng phần của bài Nghị luận Xã hội.

★ Hiểu được cách khai triển mạch ý từ luận đề để hình thành dàn ý chung.

ĐỀ 1

Trong cuốn sách Yêu những điều không hoàn hảo, tác giả Hae Min cho rằng:
“Có thể bạn không tài nào hiểu được
Tại sao cha mẹ mình, anh chị em mình, bạn bè mình…
Lại suy nghĩ và hành động như thế.
Nhưng cho dù bạn không thể hiểu họ
Và không vừa lòng với những điều họ làm
Bạn vẫn có thể yêu thương họ thật lòng.
Vì tình yêu thực sự
Vượt qua mọi hiểu biết của con người.
(...)
Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn
vẹn.
(Theo Haemin, Yêu những điều không hoàn hảo, NXB Thế Giới, 2018)

Em có đồng ý với suy nghĩ “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không
cần hiểu nhau một cách trọn vẹn” không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của em.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
- Dẫn dắt

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không
cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”

II. THÂN BÀI


1. Giải thích

- “Yêu thương” là tình cảm cao đẹp, là sợi dây gắn kết giữa người với người. Trong cuộc
sống, tình yêu thương có biểu hiện rất đa dạng, như: quan tâm, sẻ chia, chăm sóc, gắn bó,
an ủi động viên khi gặp khó khăn, thử thách...

- "Hiểu nhau”: khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để nhận thức, nắm bắt
được suy nghĩ, hành động, tình cảm, tính cách của họ.

- Trong cuộc sống, sẽ có những lúc ta không thể hiểu được hành động, suy nghĩ của
những người xung quanh, thậm chí sẽ có những khi hành động, suy nghĩ của họ khiến
cho ta - “không vừa lòng". Dẫu cho như vậy, ta vẫn có thể yêu thương họ thật lòng”, con
người vẫn 1 có c thể "yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn
vẹn”. Đây là thông điệp sâu sắc về khả năng yêu thương vô hạn của mỗi người.

2. Bàn luận:

Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn
vẹn:

- Con người, để “hiểu nhau một cách trọn vẹn” là một việc rất khó khăn, nếu không muốn
nói là bất khả. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể "yêu thương nhau trọn vẹn”. Bởi “hiểu nhau"
là câu chuyện của lý trí, “yêu thương nhau” là câu chuyện của trái tim. Lý trí luôn đòi hỏi
nhiều lý lẽ, nhiều bằng chứng, nhiều lập luận để ta có thể “hiểu”; còn trái tim chỉ cần ta
mở lòng, đồng cảm, chân thành, bao dung, là ta đã có thể “yêu thương".

- Yêu thương là “nhân tính thiêng liêng" (R. Tagore), là tình cảm sâu sắc nhất và tự nhiên
nhất trong trái tim mỗi người.

- Dù cho "Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một
cách trọn vẹn", tình yêu thương đích thực vẫn cần xây dựng trên nền tảng của sự thấu
hiểu. Bởi thiếu đi sự thấu hiểu, tình yêu đó sẽ lạc hướng và mang đến những điều tiêu
cực: chúng ta có thể nhầm lẫn tình yêu thương với sự chiếm hữu, hoặc vì yêu thương mà
mù quáng, dung túng cho cái sai, cái xấu của người khác....
- "Yêu thương nhau trọn vẹn”, xét cho cùng, chính là đạt đến sự hài hoà về cảm xúc, suy
nghĩ, cách sống giữa ta và người khác. Điều kiện để tạo nên sự hài hoà ấy chính là "hiểu
nhau".

3. Bài học nhận thức và hành động:

- Rèn luyện cho mình cách nhìn rộng mở, biết tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận và yêu
thương người khác bằng chính con người thật của họ, không phân biệt giới tính, màu da,
sắc tộc, quan niệm, và tư tưởng.

- Biết cách lắng nghe, biết đối thoại để thấu hiểu.

III. KẾT BÀI


- Tái khẳng định lại quan điểm cá nhân

- Liên hệ thực tế cuộc sống, mở ra điểm nhìn tương lai,...

ĐỀ 2

Trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó
khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn”.

DÀN Ý

I. MỞ BÀI
- Cuộc đời sẽ tẻ nhạt, vô nghĩa biết bao khi con người ta sống không có ước mơ, khát
vọng.

- Đúng vậy, ước mơ là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên, sống có mục đích, có
tương lai, hạnh phúc. Một câu nói đáng để ta suy ngẫm: “Ở trên đời, mọi chuyện đều
không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn".

II. THÂN BÀI


1. Giải thích câu nói:
- Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong
hướng tới, đạt được.

- Có người đã ví: "Ước mơ giống như ngọn hải đăng, chúng ta là những con thuyền giữa
biển khơi bao la, ngọn hải đăng thắp sáng giúp cho con thuyền của chúng ta đi được tới
bờ mà không bị mất phương hướng”. Sự ví von quả thật chí lí, giúp người ta hiểu rõ, hiểu
đúng hơn về ước mơ của mình.

- Ước mơ đủ lớn: là ước mơ khởi đầu từ điều nhỏ bé, trải qua một quá trình nuôi dưỡng,
phần đầu, vượt những khó khăn trở ngại để trở thành hiện thực.

- Câu nói: đề cập đến ước mơ của mỗi con người trong cuộc sống. Bằng ý chí, nghị lực và
niềm tin, ước mơ của mỗi người sẽ “đủ lớn”, trở thành hiện thực.

2. Phân tích, chứng minh ý nghĩa câu nói:

Có phải "Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn?

- Ước mơ của mỗi người trong cuộc đời cũng thật phong phú. Có những ước mơ nhỏ bé,
bình dị, có những ước mơ lớn lao, cao cá, có ước mơ vụt đến rồi vụt đi, ước mơ bay theo
đời người, ước mơ là vô tận. Thật tẻ nhạt, vô nghĩa khi cuộc đời không có những ước mơ.

- Ước mơ đủ lớn cũng như một cái cây phải được ươm mầm rồi trưởng thành. Một cây sồi
cổ thụ cũng phải bắt đầu từ một hạt giống được gieo và nảy mầm rồi dần lớn lên. Như
vậy, ước mơ đủ lớn nghĩa là ước mơ bắt đầu từ những điều nhỏ bé và được nuôi dưỡng
dần lên. Nhưng để ước mơ lớn lên, trưởng thành thì không dễ dàng mà có được. Nó phải
trải qua bao bước thăng trầm, vinh nhục, thậm chí phải nếm mùi cay đắng, thất bại. Nếu
con người vượt qua được những thử thách, trở ngại, kiên trung với ước mơ, khát vọng, lý
tưởng của mình thì sẽ đạt được điều mình mong muốn.

+ Ước mơ của chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh
phúc cho dân mình. Trải qua bao gian khổ khó khăn và hi sinh. Người đã đạt được điều
mình mơ ước.

+ Nhiều nhà tư tưởng lớn, những nhà khoa học cho đến những người bình dân, thậm chỉ
những thân thể khuyết tật... vẫn vươn tới, đạp bằng mọi khó khăn, cản trở trong cuộc
sống để đạt được mơ ước của mình.

- Nhưng cũng có những ước mơ thật nhỏ bé, bình dị thôi mà cũng khó có thể đạt được:

+ Những em bé bị mù, những em bé tật nguyền do chất độc da cam, những em bé mắc
bệnh hiểm nghèo... vẫn hằng ấp ủ những mơ ước, hi vọng. Nhưng cái chính là họ không
bao giờ để cho ước mơ của mình lụi tàn hoặc mất đi.

+ Ước mơ cũng không đến với những con người sống không lí tưởng, thiếu ý chí, nghị lực,
lười biếng, ăn bám....

3. Đánh giá, rút ra bài học:

- Lời bài hát "Ước mơ cũng là lời nhắc nhở chúng ta: “Mỗi người một ước mơ, nhỏ bỏ mà
lớn lao trong cuộc đời, ước mơ có thể thành, có thể không. Thật đúng vậy, mỗi một con
người tồn tại trên cõi đời này phải có riêng cho mình ước mơ, hi vọng, là tương, mục đích
sống của đời mình.

- Phê phán: Ước mơ có thể thành, cơ thể không, xin người hãy tự tin. Nếu sự ước mơ bị
thất bại mà không dám ước mơ, hay không đủ ý chí, nghị lực mà nuôi dưỡng ước mơ "đủ
lớn" thì thật đáng tiếc, đáng phê phán. Cuộc đời sẽ chẳng đạt đạt được điều gì mình
mong muốn, sống như thế thật tẻ nhạt, vô nghĩa.

- Bài học nhận thức, hành động: Nếu cuộc đời là chiếc thuyền thì ước mơ là ngọn hải
đăng. Thuyền gặp nhiều phong ba, ngọn hải đăng sẽ là niềm tin, ánh sáng hưởng thuyền.
Mắt ngọn hải đăng, con thuyền biết đi đầu về đâu? Vì thế, hai chữ “ước mơ thật đẹp, thật
lớn lao. Mỗi người chúng ta hãy có cho mình một ước mơ, hi vọng. Nếu ai đó sống không
có ước mơ, khát vọng thì cuộc đời tẻ nhạt, và nghĩa biết nhường nào!

III. KẾT BÀI


-Liên hệ ước mơ, khát vọng của bản thân

- Cần có ý chí, nghị lực để nuôi dưỡng, biến ước mơ thành hiện thực.

ĐỀ 3

Đọc đoạn trích sau:

Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi
con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,...”

(Trích Cổng trường mở ra, Lý Lan)

Từ việc mẹ không cầm tay dắt con đi tiếp mà buông tay để con tự đi, em hãy viết một bài
văn bàn về tính tự lập.

DÀN Ý
I. MỞ BÀI
- Trong cuộc sống, chúng ta luôn cần sự nâng đỡ của mọi người. Khi còn nhỏ ta có sự
nâng đỡ của ông bà, cha mẹ. Lúc đi học, ta có thầy cô dìu dắt và sự sẻ chia từ bạn bè.
Khi vào đời ta có đồng nghiệp, đồng môn giúp đỡ. Nhưng không vì thế mà ta quên đi
tầm quan trọng của việc tự bước trên đôi chân của mình. Vì vậy, trong văn bản Cổng
trường mở ra, nhà văn Lý Lan đã viết Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua
cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của
con,...”
- Hình ảnh người mẹ buông tay để con tự bước đi chính là trao cho con cơ hội để tự lập
ngay từ buổi đầu đến trường.

II. THÂN BÀI


1. Giải thích

- Tự lập là:

+ Tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác

+ Không dựa dẫm vào người khác

- Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà
không ỷ lại, phụ thuộc vào mọi người xung quanh

2. Bàn luận

- LĐ1: Tự lập là đức tính cần có đối với mỗi người khi ta bước vào đời

- LĐ2: Tự lập nên được rèn luyện từ nhỏ

- LĐ3: Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của
một con người

3. Dẫn chứng

- Steve Jobs tên đầy đủ là Steven Paul Jobs ( 24/02/1955 – 05/10/2011) là một nhà phát
minh, nhà thiết kế và doanh nhân người Mỹ, người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám
đốc điều hành của Apple Inc .Ông từ một con người rất bình thường nhưng bằng
tính tự lập, luôn vượt qua những thách thức của cuộc sống, không dựa dẫm vào
những đồng tiền và vị thế của bố mẹ mà trở thành ông chủ của Apple vô cùng nổi
tiếng. Ông được ghi nhận là một trong những người tiên phong trong cuộc cách
mạng vi, máy tính và điện thoại di động thông minh, đóng góp không nhỏ vào sự
thành công của Apple với các sản phẩm như iPhone, iPod, iPad, MacBook.

- Abraham Lincoln là một tấm gương sáng của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để
trở thành người quyền lực. Ông xuất thân từ gia đình nghèo khổ, thiếu thốn đủ bề.
Vào năm 1836, ông bắt đầu hành nghề luật sư. Cuộc đời ông gặp nhiều thất bại và
cả thành công. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều nhanh chóng lấy lại tinh thần,
coi đó là nguồn động lực để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công khác.

⇒ Đây là hai trong số những minh chứng sáng về tài năng, sự nỗ lực và là tấm gương về
sự tự lập. Họ đều là những người rèn luyện tính tự lập từ nhỏ nên hơn ai hết họ hiểu được
những ý nghĩa mà tình tự lập đem lại cho cuộc sống của mình.

4. Phản đề

- Tuy nhiên tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng, có những việc
chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tập thể.

III. KẾT BÀI


- Đưa ra kết luận

ĐỀ 4

Đọc đoạn thơ sau:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.

Một người - đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

(Tiếng ru, Tố Hữu)

Từ đoạn thơ trên, viết bài văn nêu suy nghĩ của em về lẽ sống của con
người trong xã hội ngày nay.

DÀN Ý
I. MỞ BÀI
- Bước vào thế kỉ 21, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới
cùng rất nhiều cơ hội và thử thách đang được mở ra. Muốn xây dựng đất nước giàu
đẹp, cá nhân của mỗi người cần phải biết phát huy và cống hiến

- Bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu mặc dù ra đời trong những năm chiến tranh
nhưng vẫn còn nguyên giá trị gợi nhắc về lẽ sống ấy của mỗi người chúng ta ngày
nay.

II. THÂN BÀI


1. Giải thích
- Nội dung của đoạn thơ: tả thực một loạt sự vật: con ong, con cá, con chim, trong
mối quan hệ, gắn kết với môi trường sống.

+ Triết lý: một thân lúa chín - chẳng thể làm nên mùa vàng; một người - không
thể tạo ra nhân gian

⇒ Từ đó tác giả liên hệ và đúc kết bài học về lẽ sống cho con người: sống để yêu
thương tất thảy, tự nguyện sống hòa nhập, gắn bó với cả cộng đồng

2. Bàn luận

- Một giọt nước không thể làm nên biển cả vì nó nhỏ bé, nhưng ti tỉ giọt nước từ
trăm sông ngàn suối tuôn chảy về cùng một hướng sẽ tạo nên biển cả mênh
mông. Con người cũng vậy. Không ai có thể sống một mình vì phải cần đến rất
nhiều quan hệ với thế giới xung quanh.

+ Miếng cơm ta ăn do người nông dân dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi, sôi
nước mắt làm ra. Tấm áo ta mặc, một cuốn sách, cây bút, đôi dép ta mang
và bao vật dụng khác là do công sức của hàng triệu công nhân miệt mài
ngày đêm. Trong nhà trường, thầy cô không quản ngại những khó nhọc,
gian lao giáo dục đạo lý cho học sinh.

- Từ đoạn thơ, mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình trong xã hội

+ Lẽ sống đẹp của con người trong xã hội: sống để yêu thương, dâng hiến, cá
nhân tự nguyện gắn bó với cộng đồng mới hình thành môi trường sống rộng
lớn, giàu tính nhân văn, sống cho những điều lớn lao của xã hội và đất nước.

+ Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội, thời sự và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, liên quan
tới nhận thức, lối sống và hành động của con người. Đặc biệt là thời kinh tế
thị trường, khi mà những giá trị tình cảm của con người với con người trong
xã hội đang có những thay đổi.

- Lý tưởng sống chính là lẽ sống của cuộc đời, lý tưởng phải cao đẹp thì tâm tâm hồn
mới thanh cao. Lý tưởng cao cả đẹp đẽ chính là điều kiện để con người sống có ý
nghĩa. Trong cuộc đời của mỗi con người thì lý tưởng sống rõ nhất ở thanh niên.

3. Phản đề

- Tuy nhiên, bên cạnh lẽ sống đẹp đó vẫn còn có nhiều người sống ích kỷ, hẹp hòi,
không biết quan tâm đến người khác. Sống vô trách nhiệm với bản thân, không có
mục đích. Những kẻ đó đáng bị lên án và phải bị gạt ra khỏi lề của xã hội.

III. KẾT BÀI


- Bài thơ là lời giáo dục, là triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc và thấm thía về lẽ sống đẹp
cho mỗi con người trong cuộc đời mà nhà thơ Tố Hữu muốn gửi đến chúng ta.
Sống có lý tưởng, có mục đích và được cống hiến sẽ mang lại ý nghĩa cao đẹp
cho cuộc đời.
- Thanh niên ngày nay phải xác định được mục đích sống cho mình, nghĩa là
sống có ích, sống có trách nhiệm và phải luôn hướng tới cộng đồng. Đất nước sẽ
hùng mạnh, giàu đẹp chính là nhờ lẽ sống ấy của tất cả mọi người chúng ta

ĐỀ 5

CÂU CHUYỆN VỀ GIỎ CÁ VÀ CẦN CÂU


“Ngày xưa, có hai người nọ gặp cảnh túng quẫn, đương bụng đói cồn cào đã được một
ông lão râu tóc bạc phơ ban cho ân huệ: chiếc cần câu và giỏ cá đầy ắp. Một người vội vã
chọn ngay giỏ cá to, người kia nhận lấy chiếc cần câu. Cảm ơn cụ già, họ chia tay nhau,
mỗi người đi một ngả.

Người được giỏ cá lập tức quơ vội quơ vàng đám củi khô gần đấy, nhóm lửa lên và bắt
đầu nướng cá. Cá vừa chín tới, anh ta đã cho vào miệng nhai ngấu nghiến, đến nỗi chẳng
kịp cảm nhận mùi vị thơm ngon. Chỉ trong chốc lát, cả cái giỏ đầy tú ụ những con cá to
béo đã nằm gọn trong dạ dày háu ăn của anh ta. Nhưng chẳng được bao lâu, anh lại phải
ôm cái bụng đói meo nằm kề đống xương cá còn lại.

Người chọn chiếc cần câu thì sao? Vác cần câu lên vai, anh kiên trì lê từng bước khó nhọc
về hướng biển, mặc cho cái bụng đang réo sôi vì đói. Ánh mắt anh bỗng ngời sáng khi
trông thấy màu xanh nước biển thấp thoáng phía trước. Tiếc thay, anh đã kiệt sức, không
thể tiếp tục cuộc hành trình, dù chỉ còn cách biển trong gang tấc. Đầu óc choáng váng,
anh ngã nhào xuống đất, mắt vẫn đau đáu nhìn về phía biển trong nỗi tiếc nuối khôn
nguôi.”

Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện trên.

DÀN Ý
I. MỞ BÀI
● Dẫn dắt vào ngữ liệu đề cho (“Câu chuyện về giỏ cá và cần câu”).

● Giới thiệu vấn đề nghị luận: Sống cần phải nắm bắt thực tại và hướng đến tương lai.

II. THÂN BÀI

1. Giải thích:
● Trước ân huệ của cụ già, hai người túng quẫn lần lượt đưa ra lựa chọn khác
nhau: giỏ cá và cần câu. Tuy lựa chọn khác nhau, nhưng cả hai người họ đều
không thể tránh khỏi kết cục đáng buồn.

● Người chọn giỏ cá chú trọng đến thực tại, mưu cầu thỏa mãn cơn đói cồn
cào. Tuy người ấy có thể thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo trước mắt nhưng
lại không thể có được hạnh phúc lâu dài.

● Chọn cần câu cá, ắt hẳn người còn lại phải có mục tiêu lâu dài, có ước mơ, có
lý tưởng. Nhưng đáng tiếc thay, cuối cùng anh vẫn không thể vượt qua cạm
bẫy, thử thách của thực tại khó lường.

● Từ sự lựa chọn và kết cục đáng buồn của hai nhân vật, người đọc có thể đi
đến đúc kết về ngụ ý của câu chuyện gợi nhắc chúng ta rằng: “Sống phải biết
nắm bắt thực tại và hướng đến tương lai”. Điều quan trọng, cốt lõi nhất là
dung hợp được sự hiện hữu đồng thời của cả thực tại và tương lai trong ý chí,
trong động cơ sống của bản thân.

2. Bình:

a. Luận điểm 1: Sống phải biết nắm bắt, nhận thức thực tại.

● Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, khoảnh khắc bản thân đang sống,
đang hiện hữu, đang tồn tại chính là khoảnh khắc có ý nghĩa nhất. Bởi
lẽ, theo quy luật hằng hữu của thời gian vũ trụ, hành động của bản
thân ở hiện tại có thể là cơ sở hình thành tương lai, là bánh răng tất yếu
trong chuỗi vận động của dòng sự kiện đời người. Chính vì thế, trân
trọng thực tại, ta đang trân trọng quá khứ, trân trọng tương lai, đồng
thời trân trọng chính bản thân mình.

● Quá khứ không thể đổi thay, tương lai lại không thể bị định đoạt theo ý
thích chủ quan nhưng ta có thể kiểm soát, nắm giữ thực tại vì nó đang
xoay vần, đang vận chuyển xung quanh chúng ta.

● Cơ hội chỉ đến với chúng ta trong thực tại. Ai sống với ngày hôm nay
đúng nghĩa thì mới có thể nắm bắt được cơ hội ấy.

● Thực tại là nền tảng của tương lai, mãi mơ tưởng để rồi rời xa thực tại sẽ
khiến ta bị đẩy vào mông lung, vô định.

● Hiện tại của mỗi người là hữu hạn, nếu không phải nói là khoảnh khắc -
phải biết nắm bắt để trau dồi, để tôi rèn bản thân. Có vậy, ta mới có
được tương lai tốt đẹp và không phải dằn vặt trong nỗi tiếc nuối khôn
nguôi sau này.

● “Ngày hôm nay chính là tài sản quý giá nhất của chúng ta. Nó là tài sản
duy nhất chúng ta chắc chắn có” (“Quẳng gánh lo đi và vui sống” - Dale
Carnegie).
● Các dẫn chứng tham khảo: Picasso tự quảng bá những bức tranh của
bản thân, Malala Yousafzai thấu cảm nỗi đau của quê hương và đấu
tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ, Kito Aya trân trọng những ngày
cuối cùng của cuộc đời và truyền động lực cho hàng nghìn người khác,
chiến dịch quảng bá truyền thông của nhà tù Hỏa Lò,...

b. Luận điểm 2: Sống phải có lý tưởng.

● Có ước mơ cũng đồng nghĩa ta đã định hướng cho cuộc đời mình, đặt
ra mục tiêu để phấn đấu, theo đuổi.

● Một khi lý tưởng đã đủ vững vàng, mỗi chúng ta sẽ có động lực để vượt
qua khó khăn, thử thách để tiếp tục hướng đến những ước mơ, chinh
phục hoài bão.

● Có ước mơ cũng chính là có khát vọng vươn lên, điều đó lại càng hoàn
thiện ta từng ngày từng giờ.

● Ước mơ sẽ là chất xăng, là nguồn nhiên liệu để cung cấp cho sự vận
động của cuộc sống, và đó cũng là cách ta làm giàu cho tâm hồn mình
với những khát khao, với những niềm hoài vọng thẳm sâu.

● Ước mơ của mỗi người còn kích thích, xúc tác cho sự phát triển, đi lên
của xã hội.

● “Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi mà là
người không có lấy một ước mơ” (“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” -
Phạm Lữ Ân).

● “Ước mơ giống như những vì sao…ta có thể không bao giờ chạm tay
vào được, nhưng nếu đi theo chúng, chúng sẽ dẫn ta đến vận mệnh
của mình” (Samuel Johnson).

● “Ai cũng có cả bầu trời đại dương để bay nếu điều đó nằm trong tim họ.
Mạo hiểm chăng ? Có thể. Nhưng giấc mơ nào biết đến biên giới”
(Amelia Earhart).

● Dẫn chứng: Oprah Winfrey vượt qua định kiến và mặc cảm quá khứ để
trở thành tỷ phú ở tuổi 40, Martin Luther King với ước mơ chấm dứt
nạn phân biệt chủng tộc, Quan Kế Huy với khao khát được sống trọn
với nghiệp diễn, Charlize Theron vượt qua ám ảnh quá khứ về một gia
đình tan vỡ để trở thành nữ diễn viên Hollywood danh tiếng,...

⇒ Tựu trung lại, sự dung hòa, kết hợp giữa thực tại và lý tưởng là yếu tố cốt yếu cho thành
công. Chẳng có ai có thể thành công mà chưa bao giờ ấp ủ một ý nguyện lớn lao và cũng
chẳng có ai “sống” đúng nghĩa mà lại lãng quên và rời xa thực tại. Bởi lẽ, suy cho cùng, sự
sống cũng chính là sự cân bằng, tổng hòa giữa thực tại và tương lai.

3. Luận:
a) Phê phán:

● Những kẻ không biết nắm bắt thực tại, không nắm bắt những khoảnh
khắc đang sống.

● Những kẻ chẳng bao giờ có ước mơ khát vọng.

● Những kẻ sống mà chỉ chú trọng đến thực tại hoặc tương lai mà chẳng
mảy may bận tâm đến yếu tố còn lại.

b) Mở rộng:

● Ước mơ phải nằm trong tầm với, không thể viển vông, xa vời.

● Đừng chà đạp người khác để đạt được ước mơ của mình.

● Phải bắt tay vào thực hiện thì mới có thể khiến ước mơ thành hiện thực,
chứ chỉ mãi mơ tưởng thì mãi mãi ước mơ vẫn chỉ bị giam trong tiềm
thức.

● Những ước mơ vị tha - chắp cánh cho ước mơ của người khác bay cao.

● Sống nắm bắt thực tại nhưng cũng đừng lãng quên quá khứ, đánh mất
tương lai.

III. KẾT BÀI

● Khẳng định lại mối liên đới giữa “thực tại - lý tưởng”.
● Mở ra điểm nhìn thực tế cuộc sống.
TỔNG KẾT
★ Thao tác phân chia và khai triển luận điểm là yếu tố quan trọng bậc nhất
trong quá trình hình thành bài viết.

★ Luận điểm có thể được chia dựa trên cấu trúc câu của luận đề, mạch ý của
ngữ liệu, yêu cầu cụ thể của đề bài,... hoặc dựa trên ý kiến, quan điểm cá nhân
của người viết.

★ Các thao tác giải thích, bình luận, phản biện, so sánh, chứng minh,... đều cần
thiết và không nên bị lược bỏ.

★ Cần đảm bảo đầy đủ các phần trong bài NLXH, lưu ý những phần hay bị lướt
qua như Phê phán, Mở rộng, Bài học nhận thức & hành động.

HƯỚNG DẪN TỰ HỌC TÀI LIỆU


1. Highlight những phần quan trọng trong cấu trúc bài NLXH để ghi nhớ khi viết
bài.

2. Note lại những ý khai triển bản thân tâm đắc nhằm ứng dụng trong quá trình
giải đề.

3. Ghi chú và ghi nhớ cấu trúc tổng quan của bài NLXH.

You might also like