You are on page 1of 17

Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo sức manh tổng

hợp cho
CMVN được thể hiện như thế nào trong TTHCM

1. Cơ sở lý luận

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của
mình, giai cấp vô sản ở mỗi nước phải biết tạo ra sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác - Ăngghen đã chỉ rõ: Giai cấp vô
sản có sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở từng
quốc gia dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới. Sức mạnh để thực hiện sứ mệnh lịch
sử của giai cấp vô sản không chỉ giới hạn trong phạm vi từng dân tộc, mà phải mở
rộng ra vô sản toàn thế giới. Mác - Ăngghen kêu gọi Vô sản toàn thế giới, đoàn kết
lại. Nói cách khác, cách mạng vô sản muốn giành thắng lợi phải tạo ra được sức
mạnh tổng hợp, kết hợp giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, dân tộc với thời
đại, trong nước và ngoài nước.

Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh phát triển đến giai đoạn tột cùng thành
chủ nghĩa đế quốc. Sự khai thác, bóc lột thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc đã
trở thành một phương thức đảm bảo cho sự tồn tại phát triển của chúng. Lúc
đó, bên cạnh mâu thuẫn giữa tư bản và vô sản còn xuất hiện mâu thuẫn giữa
chủ nghĩa đế quốc với các nước thuộc địa. Trong điều kiện lịch sử mới này,
Lênin đã phát triển các quan điểm của Mác - Ăngghen về vấn đề dân tộc,
thuộc địa thành một hệ thống lý luận. Theo Lênin, cuộc đấu tranh của giai cấp
vô sản ở chính quốc sẽ không giành được thắng lợi, nếu không biết liên minh
với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa, cách mạng giải
phóng thuộc địa muốn thắng lợi thì phải liên hiệp lại. Nếu trước đây Mác -
Ăngghen khẳng định Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại thì bây giờ Lênin bổ
sung Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.

Như vậy, từ bản chất quốc tế của giai cấp vô sản, từ xu thế chung của thời đại
và thực tiễn kẻ thù của giai cấp vô sản là một lực lượng quốc tế, cách mạng vô sản
muốn thắng lợi đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại. Nhận rõ yêu cầu khách quan này là cơ sở quan trọng cho các
đảng cộng sản ở các nước định ra chiến lược và sách lược phù hợp với điều kiện của
mình. Trung thành với tư tưởng đó của các nhà lý luận mácxít Hồ Chí Minh
nói: Trong thời đại ngày nay sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa muốn
giành thắng lợi phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc mình với sức mạnh do
xu thế chung của thời đại tao ra. Để thực hiện điều đó, Người kêu gọi: Lao
động tất cả các nước đoàn kết lại. Nghiên cứu luận cương của Lênin về vấn đề
dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh nhận xét: “Lênin đã đặt tiền đề cho một
thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa” [1] . Nhận thức trên là
cơ sở quan trọng để hình thành quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Cơ sở thực tiễn

a. Thực tiễn thế giới

Sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học kỹ thuật vào những năm 60 của
thế kỷ XX, cùng với những ứng dụng thành tựu khoa học đó vào mọi mặt đời sống
xã hội, làm cho nền sản suất thế giới phát triển mạnh, đem lại cho con người và thời
đại sức mạnh chưa từng có. Hồ Chí Minh khẳng định: "Thế giới ngày nay đang tiến
những bước khổng lồ về mặt kiến thức của con người. Khoa học tự nhiên cũng như
khoa học xã hội không ngừng mở rộng ra những chân trời mới, con người ngày càng
làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản
thân mình"[2]. Đây là một đặc điểm của thời đại, các nước muốn phát triển không thể
tự bó hẹp trong phạm vi dân tộc mình, mà phải mở rộng ra bên ngoài, chiếm lĩnh
đỉnh cao của khoa học, tận dụng được sức mạnh của thời đại nhân lên sức mạnh dân
tộc.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 giành thắng lợi, đã mở ra một thời đại
mới - Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn
thế giới. Thực tiễn này đã giúp cho Hồ Chí Minh thấy rõ cách mạng giải phóng dân tộc
thuộc địa ở các nước muốn thắng lợi triệt để phải đi theo "con đường cách mạng vô
sản". Xu thế chung của thời đại đòi hỏi các dân tộc phải nhận thức được yêu cầu tất
yếu của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Sự hình thành, phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa từ sau chiến
tranh thế giới lần thứ hai là một nhân tố quan trọng tạo ra sức mạnh của thời đại.
Các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện tinh thần quốc tế vô sản của mình giúp đỡ
phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công
nhân, nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự
phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai
cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản đã góp phần làm suy yếu
chủ nghĩa đế quốc, qua đó đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hệ thống xã hội chủ
nghĩa trên thế giới. Nhận thấy vai trò của nhân tố thời đại này, Hồ Chí Minh chủ
trương phát huy sức mạnh của các trào lưu cách mạng trên thế giới, nhất là các nước
xã hội chủ nghĩa phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh nhận thấy
chủ nghĩa đế quốc là một lực lượng quốc tế, chúng liên minh lại để chống vô sản ở
mọi nơi chưa đủ mà còn dùng vô sản da trắng đi đàn áp, bó lột vô sản da đen. Người
kết luận: Chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù của nhân dân lao động ở chính quốc và nhân
dân lao động ở các nước thuộc địa. Muốn đánh bại chủ nghĩa đế quốc, giai cấp vô
sản phải tập hợp lực lượng chiến đấu trong tất cả nhân dân lao động ở các nước
thuộc địa; lao động ở thuộc địa với vô sản ở chính quốc, nếu tách riêng mỗi lực
lượng, mỗi bộ phận thì không thể nào thắng được kẻ thù.

Những đặc điểm tình hình thế giới nổi bật nêu trên đã được Hồ Chí Minh khái
quát trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội II của Đảng (2.1951): “Năm mươi năm
vừa qua có những biến đổi mau chóng hơn và quan trọng hơn nhiều thế kỷ trước cộng
lại... loài người đã tiến một bước dài trong việc điều khiển sức thiên nhiên... chủ nghĩa
tư bản từ chỗ tự do cạnh tranh, đã đổi ra độc quyền lũng đoạn, đã tiến lên chủ nghĩa
đế quốc... Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Liên xô nước xã hội chủ nghĩa
thành lập, rộng một phần sáu thế giới và gần một nửa loài người đã tiến vào con
đường dân chủ mới, những dân tộc bị áp bức lần lượt nổi dậy chống chủ nghĩa đế
quốc đòi độc lập tự do” [3]. Đó là một sự tổng kết ngắn gọn và sâu sắc, bao quát được
những vấn đề cơ bản của thực tiễn thế giới nửa đầu thế kỷ XX. Nhận thức đúng về
tình hình thế giới, về thời đại là một cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh đề ra chiến
lược, sách lược cách mạng nói chung, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại nói riêng để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Cách phân tích và nhìn
nhận về thời đại của Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay, khi thời
đại mới đang tiếp diễn phức tạp.

b. Thực tiễn Việt Nam


Vào giữa thế kỷ XIX thực dân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam. Đến Việt Nam, đế quốc Pháp có trong tay một đội quân nhà nghề, trang bị
vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng cũng
phải mất gần một phần ba thế kỷ mới đặt được ách thống trị lên toàn đất nước ta.
Các phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam diễn ra
sôi nổi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm thà chết không chịu làm nô lệ. Kết quả cuối
cùng, tất cả các phong trào kháng pháp của nhân dân Việt Nam đều bị thất bại,
“những đám đen lại bao phủ đất nước Việt Nam”. Từ thực tiễn trên cho thấy Việt
Nam một dân tộc nhỏ, nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, chống lại đế quốc
thực dân có tiềm lực kinh tế, quân sự ban đầu mạnh hơn mình, không thể không
phát huy sức mạnh bên trong và bên ngoài để giành thắng lợi. Mặt khác, do đòi
hỏi khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc lúc này phải có một giai cấp
tiến tiến, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, lãnh đạo định ra đường lối
gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Thực tiễn đó là nguyên nhân
đầu tiên thôi thúc Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước và tìm thấy con đường
cứu nước đúng, đáp ứng được yêu cầu khách quan mà xã hội Việt Nam đòi hỏi là
kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giải phóng đất nước.

Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ thực
tiễn tình hình thế giới và Việt Nam đã được nghiên cứu và khảo nghiệm, Hồ Chí
Minh có nhận thức mới về sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam để thực
hiện con đường giải phóng dân tộc mà các nhà yêu nước đương thời không nhìn
thấy được, hoặc nhìn không đầy đủ. Cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Quan điểm trên của Nguyễn Ái Quốc
được hình thành từng bước, từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, thông qua
hoạt động thực tiễn mà tổng kết thành lý luận: kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng.

II. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KẾT HỢP SỨC MẠNH
DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI

1. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản
thế giới

Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước trong điều kiện thời đại có những
biến đổi to lớn, đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời đại quá độ từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917. Thời đại chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ
nghĩa đế quốc, gắn liền với hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa đế quốc tạo dựng nên.
Nhắc nhở những người cộng sản cần bám sát yếu tố thời đại để định ra đường lối
cách mạng cho phù hợp, Lênin khẳng định: “chúng ta đang sống ở khoảng giao thời
giữa hai thời đại và chỉ có thể hiểu được những biến cố lịch sử và có ý nghĩa lớn lao
đang diễn ra trước mắt chúng ta nếu trước hết chúng ta phân tích những điều kiện
khách quan của bước chuyển từ thời đại này sang thời đại kia” [4]. Quán triệt tinh thần
đó, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: "Thời đại của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là
thời đại một nhóm nước lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ
thuộc và nửa phụ thuộc, bởi vậy công cuộc giải phóng các nước và các dân tộc bị áp
bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản" [5]. Từ thực tiễn yếu tố thời đại
đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc tin tưởng thời kỳ tồn tại biệt lập giữa các quốc gia dân
tộc bị xoá bỏ, thay vào đó là sự mở rộng quan hệ giữa các nước, vận mệnh của mỗi
dân tộc gắn liền với vận mệnh chung của cả loài người. Do đó, sự nghiệp giải phóng
dân tộc ở Việt Nam là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng vô sản thế
giới.

Trước Hồ Chí Minh, ở Việt Nam đã có nhiều nhà yêu nước nhiệt thành dám
đứng lên tập hợp nhân dân phất cao ngọn cờ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm
lược. Nhưng các phong trào đó đều mang nặng tính tự phát, cô lập, không gắn cách
mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, không nắm bắt được xu thế chung của thời
đại, kết cục đều đi đến thất bại. Nguyễn Ái Quốc không đi theo, không lặp lại những
thất bại của cha anh mình mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của họ. Người
ra đi tìm đường cứu nước, “xem họ làm thế nào”, đi tìm sự mách bảo của thời đại để
cứu nước cứu dân. Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin tìm thấy con
đường cứu nước đúng cho cách mạng Việt Nam. Từ đây khẳng định, cách mạng giải
phóng dân tộc Việt Nam phải hoà nhập chung vào phong trào cách mạng vô sản thế
giới, là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.

Trên mặt trận lý luận tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc kiên quyết chống lại chủ
nghĩa cơ hội, bảo vệ phát triển quan điểm về mối quan hệ khăng khít cách mạng
thuộc địa với cách mạng vô sản thế giới của Lênin. Người nói: "Cách mạng ở
phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng
chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch” [6]. Vai trò của
cách mạng thuộc địa rất to lớn, không có họ thì cách mạng vô sản không thể giành
thắng lợi. “Lênin là người đầu tiên"[7] đã nhận thức đúng vấn đề đó. Theo Hồ Chí
Minh thuộc địa là nơi mà "tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các
xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó,
nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ công nhân rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và
nhất là tuyển những binh lính người bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của
nó"[8]. Người khái quát: Lịch sử tất cả cuộc xâm chiếm thuộc địa nào thì từ đầu đến
cuối đều được viết bằng máu của người bản xứ. Sự bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư
bản nói trên, đã đẩy các nước thuộc địa đến bước đường cùng phải đoàn kết chống
lại chủ nghĩa tư bản, lựa chọn đi theo con đường cách mạng vô sản. Sự phân tích
trên của Hồ Chí Minh là một thực tế về vai trò của cách mạng thuộc địa đối với
cách mạng vô sản thế giới và sự cần thiết phải gắn bó chặt chẽ cách mạng dân tộc
với cách mạng vô sản thế giới. Quan điểm này còn góp phần đập tan huyền thoại
của chủ nghĩa cơ hội cho rằng: chủ nghĩa đế quốc đi xâm lược các nước thuộc
địa, đóng vai là nhà “khai hoá, truyền bá văn minh” đối với các dân tộc còn lạc
hậu, trình độ phát triển thấp. Các dân tộc thuộc địa chưa có đủ khả năng để giải
phóng mình, vì họ còn thấp kém về mọi mặt. Mặt khác, giai cấp vô sản thế giới
chưa thể giúp giai cấp vô sản thuộc địa giải phóng được, để làm được điều đó cần
phải có thời gian tích luỹ lực lượng.

Hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nguyễn Ái
Quốc tìm mọi cách gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người
khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế
giới"[9]. Cách mạng ở phương Đông chậm phát triển và suy yếu vì có một nguyên
nhân là “sự biệt lập”. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước
láng riềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp
hành động và sự cổ vũ lẫn nhau. Biết được nguyên nhân suy yếu của cách mạng
thì phải tìm cách khắc phục, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy phải tuyên truyền giáo
dục để: làm cho các dân tộc thuộc địa từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu
nhau hơn và đoàn kết lại để cùng nhau chống kẻ thù chung. Người đưa ra luận
điểm nổi tiếng về bản chất của chủ nghĩa tư bản và sự cần thiết phải hợp lực các
dân tộc bị áp bức chống lại kẻ thù của mình. "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có
một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào
giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa... Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người
ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia
vẫn tiếp tục hút máu giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt
đứt lại sẽ mọc ra" [10]. Như vậy, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù của các
dân tộc bị áp bức, mà còn là kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động
ở chính quốc. Do đó, cách mạng Việt Nam phải liên hệ với cách mạng thế giới, ai
làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam để cùng nhau
đánh đuổi kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản
thế giới, quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chiều hướng đi lên tất yếu của
dân tộc Việt Nam, chủ động đưa nước ta hoà nhập xu thế chung của thời đại để đạt
đến mục đích. Đây là công lao đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam
cũng như các dân tộc bị áp bức khác. Tư tưởng đó làm cơ sở cho Đảng ta xác định
đường lối lãnh đạo gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới để phát huy sức
mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

2. Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế
vô sản trong sáng.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Tinh thần yêu nước chân chính... là một bộ phận của
tinh thần quốc tế”[11]. Do đó sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chỉ được phát
huy khi kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản
trong sáng. Là nhà yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh đã triệt để phát huy sức mạnh
của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; đồng thời là nhà quốc tế chủ nghĩa trong
sáng, Hồ Chí Minh đã suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để củng cố tăng cường tình
đoàn kết và hữu nghị giữa Việt Nam và các dân tộc khác đang đấu tranh cho mục tiêu
chung là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh:
Đảng ta lấy toàn bộ hoạt động thực tiễn của mình để chứng minh chủ nghĩa yêu nước
chân chính không thể nào tách rời chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trước việc kẻ thù tuyên truyền chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực
đoan, thói kỳ thị màu da, tiếng nói, phong tục, tập quán... để chia rẽ giữa các dân tộc,
Hồ Chí Minh chỉ ra cách mạng vô sản phải thực hiện triệt để tư tưởng kết hợp chủ
nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Từ đó, muốn giải
phóng mình thì nhân dân “bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống
bọn áp bức”[12]. Người không giấu nổi niềm phấn khởi khi thấy trường đại học phương
Đông đã thể hiện rõ tư tưởng của Lênin về kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với
chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng qua việc đoàn kết các dân tộc thuộc địa: “Làm
cho các dân tộc thuộc địa từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và
đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh
này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”[13]. Rằng đây bốn biển một
nhà, vàng đen trắng đỏ đều là anh em.

Để phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện giành
độc lập cho dân tộc, trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi mọi người phân biệt rõ sự khác nhau
giữa nhân dân lao động yêu chuộng hoà bình, tự do với bọn thực dân đế quốc; nhân
dân lao động pháp với bọn thực dân xâm lược Pháp. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
xâm lược gây bao tội ác đối với nhân dân Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn
đề cao văn hoá Pháp, ca ngợi truyền thống đấu tranh cho độc lập tự do của nhân dân
Mỹ. Hàng loạt những biểu hiện nêu trên đã làm cho thế giới càng hiểu rõ hơn về
cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; làn sóng phản đối chiến tranh ở
Việt Nam không ngừng được mở rộng cả ở trong nước và thế giới. Khắp các châu
lục đòi đế quốc thực dân phải chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam; tinh
thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản được phát huy cao độ, tạo ra
sức mạnh tổng hợp để chống quân xâm lược.

Như vậy, chủ nghĩa yêu nước chân chính muốn kết hợp được với chủ nghĩa
quốc tế vô sản, những người cộng sản phải dựa trên nền tảng lý luận Mác - Lênin về
tinh thần quốc tế vô sản mà vận dụng vào điều kiện thực tiễn cách mạng nước mình
cho phù hợp, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ
nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa sô vanh, bảo vệ lợi ích của dân tộc mình và lợi ích
chung của các dân tộc khác vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã
hội.

3. Dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, không
quên nghĩa vụ quốc tế vô sản

Vận dụng sáng tạo quan điểm mácxít về mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong
và bên ngoài, khách quan và chủ quan vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí
Minh khẳng định: Trong quá trình tiến hành cách mạng phải tranh thủ sự giúp đỡ về
mọi mặt từ bên ngoài, nhưng luôn đề cao ý thức tự lực tự cường, dựa vào sức mình
là chính.

Theo Hồ Chí Minh "sức mình" ở đây chính là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân, là nguồn nội lực, là cái gốc, điểm mấu chốt để đảm
bảo nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài đạt kết quả. Sức mạnh của dân tộc là một động lực
lớn đã kiểm nghiệm qua thực tiễn được Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là
một động lực lớn của đất nước"[14]. Trong tư duy Hồ Chí Minh để tranh thủ sự giúp
đỡ từ bên ngoài, trước hết phải chủ động tạo ra sức mạnh của chính mình. Bởi lẽ
“Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” [15]. Người thường
nói: Có độc lập mới có tự lập, có tự cường mới có tự do: “Cố nhiên sự giúp đỡ của
các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ
người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp
đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [16]. Sức mạnh đó không phải ở đâu xa lạ, mà
nằm ngay trong sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của cộng đồng
người Việt Nam yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trong mối quan hệ sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, Hồ Chí
Minh coi sức mạnh của thời đại là nhân tố quan trọng, sức mạnh của dân tộc là nhân
tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm
1945 ở Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại. Sức mạnh của thời đại ở đây được coi là những điều kiện khách quan
thuận lợi - Thời cơ cách mạng chín muồi. Nhưng Hồ Chí Minh vẫn coi yếu tố bên
trong là quyết định, Người kêu gọi: Hỡi toàn quốc đồng bào, hãy đứng dậy đem sức
ta mà giải phóng cho ta. Dựa vào sức mình là chính nhưng phải tranh thủ sự giúp đỡ
bên ngoài có hiệu quả, Người nói: “Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta.
Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của
ta”[17].

Để tranh thủ sức mạnh từ bên ngoài, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ đảng
viên, nhân dân ta làm sao tuyên truyền cho sâu, cho rộng cuộc chiến tranh chính nghĩa
của Việt Nam trước nhân dân tiến bộ yêu chuộng hoà bình, tự do công lý trên thế giới,
nhất là nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, thực hiện tư tưởng ngoại giao nhân dân. Cuộc
kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta diễn ra trong hoàn cảnh hệ thống
các nước xã hội chủ nghĩa có sự bất đồng, nhất là giữa Liên xô và Trung Quốc. Đảng
ta định ra đường lối độc lập, tự chủ, kết hợp cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì
những mục tiêu của thời đại là hoà bình, độc lập, dân chủ với cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đường lối đó chẳng những đã góp phần tăng
cường sự đoàn kết giữa các đảng, mà còn huy động được sức mạnh bên ngoài, tranh
thủ được phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, ủng hộ Việt Nam giành độc lập,
tạo ra được một mặt trận rộng lớn, mạnh mẽ chưa từng có đoàn kết với Việt Nam
chống Mỹ xâm lược. Tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế với Việt Nam, Hồ Chí Minh
đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Việt Nam với phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế. Khi có sự mất đoàn kết giữa các dân tộc phải cùng nhau khôi phục,
củng cố, phát triển tình đoàn kết có lý, có tình trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin về
tinh thần quốc tế vô sản. Nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đấu vì độc lập tự do cho
dân tộc mình mà còn vì độc lập tự do của các nước khác.

Thực tiễn cách mạng nước ta hơn 75 năm qua, đã khẳng định: chính sự nỗ lực,
cố gắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tạo nên nguồn sức mạnh nội lực
to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã từng
nói: Chúng ta có quyền tự hào rằng nước ta là một dân tộc nhỏ nhưng đã đánh thắng
hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó là thắng lợi của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại, thắng lợi của tư tưởng dựa vào sức mình là chính nhưng phải ra
sức tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Thắng lợi đó còn góp phần vào bảo vệ củng
cố tình đoàn kết phong trào vô sản thế giới, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của
mình theo đúng nghĩa “Giúp bạn là tự giúp mình”.

4. Xây dựng tình hữu nghị hợp tác, đoàn kết giữa các quốc gia dân tộc và
các lực lượng cách mạng, hoà bình, dân chủ trên thế giới.

Xây dựng tình hữu nghị hợp tác, đoàn kết giữa các quốc gia dân tộc và các lực
lượng cách mạng, hoà bình, dân chủ trên thế giới, là điều kiện quan trọng để tranh
thủ, khai thác sức mạnh từ bên ngoài vào củng cố giữ vững nền độc lập cho dân tộc,
xây dựng đất nước vững mạnh. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề
đó, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay tới
việc mở rộng xây dựng tình hữu nghị, quan hệ hợp tác với các lực lượng cách mạng,
hoà bình, dân chủ trên thế giới. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong chủ trương,
đường lối, chính sách của Nhà nước ta: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là
Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền
lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao
với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ
quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân
chủ thế giới”[18]. Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân
thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình. Nước Việt Nam
độc lập có quyền bình đẳng với mọi quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Các nước
khác trên thế giới cũng phải tôn trọng quyền độc lập của Việt Nam, xây dựng tình hữu
nghị đoàn kết với Việt Nam.

“1. Đối với nước Lào và Miên, Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó
và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có
chủ quyền.

2. Đối với các nước dân chủ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và
hợp tác trong mọi lĩnh vực.

a. Nước Việt Nam giành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản,
nhà kỹ thuật nước ngoài, trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông
cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác quốc tế dưới sự
lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong
khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước
liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”[19].

Những tuyên bố trên đây của Chính phủ Việt Nam một mặt khẳng định nước ta
là một nước độc lập, có chủ quyền, yêu cầu mọi quốc gia trên thế giới phải tôn trọng
sự thật này, mặt khác còn tỏ rõ tư tưởng nhất quán Việt Nam muốn xây dựng tình
hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia dân tộc, các lực lượng cách mạng, hoà
bình, dân chủ trên thế giới.

Việt Nam xây dựng tình hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới đó là quan
điểm chung, nhưng với từng nước, nhóm nước có chính sách cụ thể. “Thái độ nước
Việt Nam đối với những nước Á châu là thái độ anh em, đối với ngũ cường là thái
độ bạn bè”[20]. Hồ Chí Minh chỉ rõ xây dựng tình hữu nghị láng giềng gần gũi với
Lào và Cămpuchia, hình thành mặt trận chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước
Đông Dưong. Với Trung Quốc, nước có quan hệ lịch sử văn hoá lâu đời, củng cố
xây đắp tình hoà hiếu vốn có giữa hai dân tộc ngày càng phát triển, xây dựng tình
hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Mặc dù các nước trong khu vực có phong
tục, tập quán, chế độ chính trị xã hội khác nhau nhưng Việt Nam luôn luôn thiết lập
mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia dân tộc.
Đối với các tư bản, nếu muốn thật thà đến kinh doanh ở Việt Nam cốt làm lợi
cho cả hai bên, thì Việt Nam sẽ hoan nghênh. Ngay cả thực dân Pháp: “Việt Nam sẵn
sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân,
thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân
dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn” [21]. Còn nếu tư bản đến Việt Nam
để ràng buộc, chế áp, cao hơn nữa là thôn tính, xâm lược thì nhân dân Việt Nam sẽ
cương quyết cự tuyệt chống lại.

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, Hồ
Chí Minh đã có nhiều cuộc đi thăm hữu nghị chính thức một số nước ở châu Á như Ấn
Độ, Miến Điện, Inđônêxia... hình thành trục hữu nghị Hà Nội - Niuđêli - Giacácta và
đón tiếp nhiều đoàn đại biểu cấp cao từ các nước Á, Phi; nhiều tổ chức quốc tế sang
thăm Việt Nam. Từ năm 1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta đã chủ trương vận
động nhân dân thế giới, các tổ chức của nhân dân Á, Phi, Mỹ la tinh có hành động phối
hợp mạnh mẽ hơn đòi đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Kết quả là ở
nhiều nước đã thành lập Uỷ ban đoàn kết với Việt Nam và Hồ Chí Minh cũng không
quên gửi điện cảm ơn kịp thời tới vị đứng đầu các tổ chức đó.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh Việt Nam muốn kết hợp được sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại thì phải mở rộng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, các lực
lượng hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Mặt khác chúng ta chủ trương xây dựng
tình hữu nghị đoàn kết hợp tác lẫn nhau nhưng phải trên cơ sở hợp lý và hợp tình. Về
lý, phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng,
cùng có lợi. Về tình, mở rộng quan hệ với các nước nhưng luôn chú ý tới đặc điểm
riêng của mỗi dân tộc, coi trọng đặc điểm của dân tộc mình nhưng không làm hại đến
lợi ích của dân tộc khác. Quan điểm đó là phương hướng hành động cho Đảng ta xác
định đường lối, chủ trương, chính sách ngoại giao trong lịch sử và đường lối đa phương
hoá, đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Tóm lại, vượt lên tư duy của các nhà yêu nước đương thời, với một tư chất
thông minh, nhãn quan chính trị sắc sảo, với một tấm lòng yêu nước thương dân vô
hạn, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sức mạnh của dân tộc. Trải qua hoạt động thực
tiễn trong nước và thế giới, đến với lý luận Mác - Lênin, Người càng nhận rõ sức
mạnh của thời đại. Nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, Hồ Chí Minh đã đưa
cách mạng Việt Nam theo hướng chung của cách mạng thế giới. Từ đây sức mạnh
dân tộc được nhân lên, phát huy kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh tổng
hợp đưa cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi như ngày nay và góp phần
tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân
chủ, tiến bộ xã hội.

You might also like