You are on page 1of 8

Những sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc -

Giá trị và ý nghĩa thời đại.

PGS, TS Trần Minh Trưởng - Vụ Tổ chức cán bộ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1459-nhung-
sang-tao-cua-ho-chi-minh-ve-cach-mang-giai-phong-dan-toc-gia-tri-va-y-nghia-thoi-
dai.html

(LLCT) - Xuất phát từ yêu cầu và mục tiêu của cách mạng vô sản ở các nước Tây
Âu, C.Mác - Ph.Ăngghen tập trung giải quyết vấn đề giai cấp; “đặt lên hàng đầu và
bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô
sản”(1), phản ánh đòi hỏi của thực tiễn cách mạng vô sản ở các nước Tây Âu lúc bấy
giờ. Song những quan điểm cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và
giai cấp là cơ sở phương pháp luận cho các Đảng Cộng sản xây dựng đường lối, xác
định chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm nhận thức rõsự cần thiết bổ sung
cơ sở thực tiễn, đưa ra những vấn đề lý luận mới kịp thời bổ sung cho lý luận về cách
mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa.

Nhận thức rõ mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải
phóng dân tộc, trước những thay đổi của tình hình cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh
khẳng định:nhiệm vụ đặt ra cho các nước thuộc địa không phải là làm ngay một cuộc
cách mạng vô sản, mà trước hết là phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc; có độc lập
dân tộc, mới có điều kiện để tiến lên làm cách mạng XHCN. Yêu cầu bức thiết của sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc không cho phép ỷ lại, ngồi chờ cách mạng vô sản
ở châu Âu thắng lợi để được trả lại nền độc lập.Vì vậy, Người chỉ rõ phải đặt vấn đề
giải phóng dân tộc lên hàng đầu, khi giải quyết được vấn đề dân tộc (giành được độc
lập dân tộc), vấn đề giai cấp cũng sẽ được giải quyết.

Nhận thức rõ mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa và
cách mạng vô sản ở chính quốc, Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng giải phóng dân
tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách
mạng vô sản ở chính quốc(2). Tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) ở Mátxcơva,
Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái của một số Đảng
Cộng sản Tây Âu trong cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò, vị trí vàtương lai của cách
mạng thuộc địa. Người cho rằng, nhân dân các dân tộc thuộc địa có thể tiến hành cách
mạng giải phóng dân tộc và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Để
làm được điều đó, nhân dân thuộc địa phải dựa vào sức của chính mình, đồng thời
tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động thế giới.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh thể hiệnsự phát triển sáng tạo lý luận trên cơ sở
tổng kết, nắm bắtthực tiễn cách mạng trong giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai
cấp, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc với CNXH.

Về lực lượng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc:Hồ Chí Minh cho
rằng,trong thời đại mới,cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành thắng lợi phải do
Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người xác định: “Cách mệnh trước hết phải có đảng cách
mệnh...Đảng có vững cách mệnh mới thành công...”(3).Đảng đó phải được xây dựng
theo nguyên tắc đảng kiểu mới của Lênin, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác -
Lênin.Nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng Cộng sảnlà: Xác định mục tiêu của cách mạng,
xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; thông qua cương lĩnh, tổ chức vận
động, tập hợp các lực lượng cách mạng, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất (liên
minh công - nông là nòng cốt). Đối với cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản phải
thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chống đế quốc vàchống phongkiến, giành độc lập
dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Về lực lượng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, tiếp thu quan điểm của
chủ nghĩa Mác-Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đồng thời căn cứ
vào tình hình thực tiễn của các thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm
mới, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể: “Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp
đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công nông làm nòng cốt(4). Bộ phận trung tâm
trong lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là công nhân, nông dân và khối liên
minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Khi nghiên cứu điều kiện, hoàn
cảnh thực tiễn các thuộc địa, trong đó có Việt Nam (nước thuộc địa nửa phong kiến
với dân số hơn 95% là nông dân), Hồ Chí Minh nhận định: nông dân là những người
chịu nhiều tầng áp bức, bị bần cùng hoá, cho nên họ luôn có ý thức phản kháng, sẵn
sàng tham gia cách mạng. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc phải có sự tham gia
của giai cấp nông dân và là sự nghiệp của toàn dân. Đây là phát hiện quan trọng của
Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh và khả năng thực thi nhiệm vụ cách mạng giải phóng
dân tộc của giai cấp nông dân ở các thuộc địa nói chung và giai cấp nông dân Việt
Nam nói riêng. Người sớm nhìn thấy giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng cách
mạng tiềm tàng, có những khả năng to lớn, nếu “khéo tổ chức, khéo lãnh đạo thì lực
lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực
lượng to lớn ấy đánh tan”.

Đánh giá cao vai trò, sứ mệnh của giai cấp nông dân, nhưng trước sau Hồ Chí
Minh vẫn luôn khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạngvàĐảng
phải lãnh đạo xây dựng khối liên minh công-nông làm nòng cốt cho Mặt trận Dân tộc
thống nhất.Hồ Chí Minh chủ trương vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân
Việt Nam, những người dân mất nước, đang phải chịu thân phận nô lệ, tham gia vào
Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc đấu
tranh giành độc lập tự do. Người chỉ rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí
thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, vv..., để kéo họ đi vào phe vô sản giai
cấp”(5).Đây là luận điểm rất mới, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong
trào cách mạng thế giới và là sự bổ sung kịp thời vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa
Mác-Lênin. Đặc biệt, đối với cách mạng Việt Nam, luận điểm cách mạng của Hồ Chí
Minh đã được vận dụng một cách chủ động, sáng tạo trong tiến trình vận động cách
mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam
là minh chứng khẳng địnhtính khoa học, đúng đắn củaluận điểm trên.

Về phương pháp cách mạng:Phong trào yêu nước, cách mạng ở Việt Nam những
năm cuối thế kỷ XIXđầu thế kỷ XX cùng với vũ trang bạo động Cần Vương đấu tranh
bằng con đường “cải lương”, đấu tranh hợp pháp, hoà bình, thỏa hiệpđể giành độc lập
dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, đó là phương pháp thiếu thực tế và thất bại là không tránh
khỏi. Vì bản chất của thực dân, đế quốc là xâm lược, nô dịch và lợi nhuận, nên sẽ
không dễ dàng từ bỏ thị trường, thuộc địa mà chúng đang bóc lột, thu lợi. Đối với
phương pháp đấu tranh bằng hình thức vũ trang bạo động, nhờ sự giúp đỡ của bên
ngoài theo khuynh hướng dân chủ tư sản hoặc bằng phương pháp vũ trang ám sát cũng
đều dẫn đến thất bại. Vượt lên tư tưởng của các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, Hồ
Chí Minh xác định phương pháp đấu tranh giải phóng dân tộcở Việt Namphải được
tiến hànhbằng con đường cách mạng bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị của quần
chúng với đấu tranh vũ trang; thực hiện khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa
giành thắng lợi hoàn toàn.

Theo Người, cách mạng phải sử dụng hình thứcbạo lực (như trong lý luận của
Mác - Lênin), nhưng đối với điều kiện Việt Nam, khởi nghĩa vũ trang phải kết hợp với
đấu tranhchính trị của quần chúng, lực lượng chính trị là điểm tựa để phát triển lực
lượng vũ trang, tổ chức các hình thức đấu tranh vũ trang từ thấp đến cao, từ nhỏ đến
lớn, phù hợp với từng nơi, từng thời kỳ cụ thể. Hồ Chí Minh dự báo: “Cuộc cách mạng
Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, mở đầu có thể là bằng một
cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương... mà mở đầu cho một cuộc tổng
khởi nghĩa to lớn”(6). Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh chỉ đạo tích cực xây dựng và
phát triển lực lượng, để khi có thời cơ sẽ phát động khởi nghĩa vũ trang. Trước hết là
xây dựng các căn cứ địa, đồng thời mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng
các tổ chức chính trị của quần chúngvớihàng loạt các Hội Cứu quốc: Thanh niên cứu
quốc, Phụ nữ cứu quốc... Các đơn vị vũ trang được thành lập: Đội Cứu quốc quân I và
Cứu quốc quân II, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, các độitự vệdu kích...
Với sự chủ động, tích cựcchuẩn bịđón chờ thời cơ khởi nghĩa, tháng Tám năm 1945,
khi thời cơ đến, lệnh Tổng khởi nghĩađược ban ra, chỉ trong chưa đầy nửa tháng, cả
nước đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường
bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ tranh; tiến hành khởi nghĩa từng
phần tiến tới tổng khởi nghĩa được Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện linh hoạt và hiệu
quả. Trong đó,xây dựng lực lượng, chọn thời cơ khởi nghĩa,là những vấn đề mang tính
quyết định, đem đến thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt
Nam.
Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về cách
mạng thuộc địa, hình thành hệ thống luận điểm khá hoàn chỉnh, bao gồm:đường lối
chiến lược, sách lược và phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở một
nước thuộc địa, trong đó cơ bản được hình thành và phát triển từ nghiên cứu, tổng kết
thực tiễn cách mạng thế giới và Việt Nam. Đó là thành quả của tư duy sáng tạo, thể
hiện tư tưởng cách mạng và khoa họcđược kiểm chứng trong tiến trình đấu tranh cách
mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới của Hồ Chí Minh. Những quan
điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc thấm đẫm lý tưởng,khát vọng
của nhân dân Việt Nam về độc lập, tự do, công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc. Đó
là đòi hỏi chính đáng của tất cả các dân tộc trong đó có nhân dân Việt Nam.

Giá trị và ý nghĩa lịch sử những quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của
Hồ Chí Minh được minh chứng sinh động bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng
Tám (1945), hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân
Việt Nam. Thực tiễn vận động của phong trào cách mạng thế giới trong những năm
giữa thập niên 50 thế kỷ XX càng chứng tỏ rằng, những cống hiến lý luận xuất sắc của
Hồ Chí Minh đã kịp thời bổ sung cho kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-
Lênin, đồng thời cổ vũ, động viên, dẫn dắt các dân tộc thuộc địa trên thế giới noi theo
Việt Nam, đứng lên làm cách mạng giải phóng, giành độc lập dân tộc.

Trong hệ thống quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, có
những quan điểm đặc biệt quan trọng, như quan điểm lý luận về xây dựng tổ chức
Đảng Cộng sản ở thuộc địa. Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công
nhân ra đời muộn, yếu về trình độ nhận thức chính trị, ý thức giai cấp và thiếu về lực
lượng. Thành công của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một chính đảng mác xít ở
Việt Nam thể hiện thiên tài trí tuệ, sự mẫu mực trong việc vận dụng lý luận vào thực
tiễn của Người; đồng thời là đóng góp quan trọng vào lý luận xây dựng Đảng Cộng
sản trên thế giới.

Trong vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng, nếu như các nhà kinh điển mác xít
chỉ coi trọng lực lượng công - nông, thì Hồ Chí Minh lại đưa ra quan điểm xây dựng,
tập hợp lực lượng trên mẫu số chung là “lòng yêu nước”. Đối với Người, tất cả những
ai có lòng yêu nước, có mong muốn giải phóng dân tộc đều trở thành lực lượng cách
mạng. Do đó, phải vận động, giác ngộ tất cả các thành phần dân tộc, không phân biệt
đảng phái, giai cấp, tôn giáo... vào lực lượng quần chúng cách mạng. Đó là tư tưởng
bắt nguồn từ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, được Hồ Chí Minh thể hiện bằng một
sắc thái mới, tư duy mới trong thời đại mới.

Xuất phát từ tinh thần yêu nước, thương dân, khát khao độc lập cho đất nước, tự
do cho nhân dân, đứng trên lập trường mác xít (lịch sử và biện chứng), Hồ Chí Minh
đã xây dựng nên các quan điểm lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc. Những quan
điểm cách mạng của Người hướng tới mục tiêu phục vụ cho quyền lợi và khát vọng
của cả dân tộc, hòa quyện trong tình yêu giai cấp, yêu nhân loại, đậm tính nhân văn,
không có ranh giới quốc gia ngăn cách. Nhà văn - nhà sử học C.Paxken Ragiô viết:
“Chủ nghĩa yêu nước của cụ Hồ Chí Minh trước hết là biểu hiện ý chí của con người
mong muốn được đối xử và được thừa nhận đúng với danh nghĩa con người được sống
trong công lý, và được hưởng mọi quyền lợi của con người”(7).

Đánh giá về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và những cống hiến của Người đối với
cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thế giới, Tổ chức
Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO)khẳng định: “Chủ tịch
Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến
trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào
cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ
xã hội”(8). Trong tác phẩm Hồ,tác giả David Halberstam viết: “Lúc sinh thời, ông Hồ
Chí Minh không những đã giải phóng đất nước của ông mà thay đổi chiều hướng của
chế độ thuộc địa ở cả châu Phi lẫn châu Á, mà ông còn làm được một điều đáng chú ý
hơn: ông đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ địch của ông. Đối với Hồ Chí
Minh... đó là một cuộc đời đầy đủ”(9). Học giả người Mỹ Wiliam J.Duiker (trong cuốn
sách Hồ Chí Minh - một cuộc đời)khẳng định: Sự nghiệp mà ông thúc đẩy và chỉ đạo
tạo ra những thời khắc có một không hai trong thế kỷ XX, là đỉnh cao của kỷ nguyên
giải phóng dân tộc ở thế giới thứ ba và sự thừa nhận rõ ràng đầu tiên về hạn chế của
chính sách ngăn chặn cộng sản của Mỹ. Sau Việt Nam, thế giới không bao giờ như cũ
nữa.
Với tư cách là người đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, Hồ Chí
Minh đã góp phần quan trọng vào quá trình “phi thực dân hóa”, làm sụp đổ hoàn toàn
chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Tiến sĩ Ahmed, nguyên Giám đốc
UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận xét: “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở
thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống và rõ ràng cụ Hồ Chí Minh là một
trong số đó; Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc
và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh
và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công,
bất bình đẳng khỏi trái đất này”(10).

Sự thống nhất khẳng định của các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu về giá trị lý
luận và những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với phong trào cách mạng giải
phóng dân tộc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ nhân loại mãi là niềm tự hào
của các thế hệ người Việt Nam. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người vẫn luôn
luôn dẫn dắt, cổ vũ chúng ta vững bước trên con đường xây dựng đất nước giàu đẹp,
công bằng, dân chủ, văn minh.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,
tr.614.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, các dân tộc thuộc địa (Ba Lan, Ailen, các
nước châu Á) không thể tự mình làm cách mạng thắng lợi. Chỉ có một lần dự báo,
riêng đối với Ailen do hoàn cảnh địa lý đặc biệt, có thể tiến hành cách mạng thắng lợi,
nhưng thực tế lịch sử chưa kiểm nghiệm. Quan điểm này còn tồn tại đến tận Đại hội
VI Quốc tế cộng sản (1928). Trong Những luận cương về phong trào cách mạng ở các
nước thuộc địa và nửa thuộc địa, được thông qua tại Đại hội ngày 1-9-1928, có viết:
“Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản
giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến”.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010, tr.267.
(4) Trước Hồ Chí Minh, quan điểm về lực lượng cách mạng của các nhà kinh
điển như C.Mác Ph.Ăngghen, V.I.Lêninkhẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng”, tuy nhiên chủ yếu do giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân
tiến hành.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.3, Sđd,tr.3.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,
tr.426.

(7) Paxken Ragiô: Hồ Chí Minh,Nxb Đại học Pari, 1970, tr.167.

(8) Trích Nghị quyết 24c/18.65 của Đại hội đồng UNESCO khóa 24, 1987.

(9) David Halberstam: Hồ, Nxb Răngđô Haosơ, New York , 1971, tr.234.

(10) Dẫn theo Trần Văn Giàu: Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, t.2, Viện Hồ
Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1993, tr.42.

You might also like