You are on page 1of 5

1.

Những sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc

Thứ nhất, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường
cách mạng vô sản
Yêu nước và kiên quyết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và nền độc lập là truyền thống
quý báu của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, tận mắt
chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đói khổ lầm than, ngày 5-6-1911, người thanh niên
yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Mang trong mình
khát vọng giải phóng dân tộc, qua nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn - con đường cách mạng vô sản.
Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con
đường cách mạng vô sản”(1). Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân
tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo Người: “Trong thế giới bây
giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được
hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”(2). Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh
hướng cách mạng vô sản, là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để. Cuộc cách mạng đó
không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.

Trong quá trình vận dụng lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã kiên trì khắc
phục những trở ngại của khuynh hướng giáo điều, nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp trong
nửa sau những năm 20 và nửa đầu những năm 30 của thế kỷ XX, làm cho lý luận cách mạng giải
phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản có sức sống mạnh mẽ, thâm nhập trong đông đảo quần
chúng nhân dân. Đi theo con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh sớm xác định phương
hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách
mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3). Sau khi giành độc lập, phải tiến lên xây dựng CNXH. Bên
cạnh đó, Người dành nhiều tâm trí vào sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở Việt
Nam, hình thành nên những quan điểm hết sức cơ bản về CNXH và con đường đi lên CNXH từ
một nước thuộc địa, với những tàn tích phong kiến nặng nề; xác định những đặc trưng bản chất
của CNXH, mục tiêu và bước đi để đạt tới CNXH. Đó là một quá trình cải biến cách mạng lâu
dài, gian khổ, phải trải qua nhiều chặng đường khác nhau, tất cả vì sự nghiệp giải phóng con
người, làm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là độc lập dân tộc đi tới
CNXH. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết, là tiền đề đi tới CNXH. Không giành được độc
lập dân tộc sẽ không có gì hết. Độc lập dân tộc thể hiện ở chỗ giành và giữ chính quyền dân chủ
nhân dân, chuẩn bị tiền đề đi lên CNXH. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh
phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. CNXH là hạnh phúc, tự do. Vì vậy, phải xây
dựng CNXH như là sự phát triển tất yếu của độc lập dân tộc, để bảo vệ độc lập dân tộc và tạo ra
bước phát triển mới với một trình độ cao hơn của toàn bộ tiến trình cách mạng. Đây chính là sự
phát triển sáng tạo luận điểm của V.I.Lênin về cách mạng không ngừng - cách mạng dân tộc dân
chủ và cách mạng XHCN, giữa hai giai đoạn đó không có một bức tường thành nào ngăn cách
cả.

Thực tiễn đó cho thấy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của
cách mạng vô sản là một trong những sáng tạo nổi bật về mặt lý luận của Hồ Chí Minh. Chính
theo con đường cách mạng vô sản, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám
1945 “long trời lở đất”, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Trong Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh trịnh
trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước
tự do độc lập”(4). Với Tuyên ngôn độc lập,  Hồ Chí Minh đã tuyên bố với toàn thế giới về quyền
độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết của dân tộc
Việt Nam. Trong đó, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa
là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ, cho việc xác lập và bảo vệ quyền con người.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do Đảng và Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra một thời
đại mới cho dân tộc Việt Nam - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Kiên trì với con
đường đã lựa chọn, trải qua 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
xâm lược, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo
của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến
lược chiến tranh của thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu
tranh trường kỳ này, tất cả người dân Việt Nam đã kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và
tự do cho nhân dân. Quyền vốn dĩ tự nhiên đó của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam
được cộng đồng quốc tế đón nhận như là một trong những tư tưởng lớn của thời đại.

Thứ hai, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng Cộng sản
lãnh đạo
Đây là một sáng tạo của Hồ Chí Minh về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh
cho rằng, “Cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành
công...”(5). Đảng đó phải được xây dựng theo nguyên tắc đảng kiểu mới của V.I.Lênin, được vũ
trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng Cộng sản là: Xác định mục tiêu
của cách mạng, xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; thông qua cương lĩnh, tổ
chức vận động, tập hợp các lực lượng cách mạng, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đối với
cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chống đế quốc và
chống phong kiến, giành độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Cương lĩnh
Chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã
khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”(6). Điều đáng chú ý là, Chủ tịch Hồ
Chí Minh cho rằng, Đảng không chỉ là của riêng giai cấp công nhân, mà của toàn dân tộc. Tại
Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951), Hồ Chí Minh phân tích: “Trong giai đoạn hiện nay,
quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao
động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của
dân tộc Việt Nam”(7). Năm 1961, khi nhân dân miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của
dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(8).

Đó là một Đảng đạo đức và văn minh, được võ trang bằng lý luận Mác - Lênin; có bản lĩnh chính
trị vững vàng; đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực trí tuệ dồi
dào, biết giải quyết mọi vấn đề xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và theo kịp bước tiến của thời
đại. Đảng đó phải xây dựng được một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, vững chắc, lâu dài,
chân thành, đoàn kết; trong đó, lực lượng của Đảng là cả dân tộc, mọi con dân nước Việt, con
Lạc cháu Hồng. Đảng đó còn biết tập hợp các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới đấu
tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, vì mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ là: hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thực tiễn phong phú cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt
của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chính
trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng
thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng,
xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân; qua đó, khẳng định một chân lý, “ở Việt Nam không có
một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh
nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa
dân tộc đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc”(9).

Thứ ba, cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân trên
cơ sở liên minh công nông
Sinh thời, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết toàn dân,
trên cơ sở liên minh công nông làm nòng cốt”... Trong đó, “thực hiện cho được liên minh công
nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng”(10).

Từ thực tiễn Việt Nam, với tuyệt đại đa số dân số là nông dân, Hồ Chí Minh cho rằng, nông dân
là những người chịu nhiều tầng áp bức, bị bần cùng hóa nên họ luôn có ý thức phản kháng, sẵn
sàng tham gia cách mạng. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc phải có sự tham gia của giai cấp
nông dân và là sự nghiệp của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nông dân là một lực
lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng
chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập, thống nhất thật sự, ắt phải dựa vào lực lượng của
nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí
khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh. Do vậy, vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam, thực chất là
vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối
tượng vận động của cách mạng.

Đánh giá cao vai trò, sứ mệnh của giai cấp nông dân, nhưng Hồ Chí Minh luôn khẳng định, giai
cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng và Đảng phải lãnh đạo xây dựng khối liên minh
công - nông làm nòng cốt cho Mặt trận Dân tộc thống nhất. Hồ Chí Minh chủ trương vận động,
tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam, những người dân mất nước, đang phải chịu
thân phận nô lệ, tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm huy động sức mạnh của toàn
dân tộc vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Đây là luận điểm rất mới, có giá trị lý luận và
thực tiễn to lớn đối với cách mạng thế giới, đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc. Đó là sự bổ
sung kịp thời vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có thể nói, đối với cách mạng
Việt Nam, luận điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở
liên minh công - nông đã được vận dụng một cách chủ động, sáng tạo trong tiến trình tiến hành
cách mạng giải phóng dân tộc.

Thứ tư, cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường
cách mạng bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh
vũ trang; thực hiện khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng
lợi hoàn toàn
Vượt lên tư tưởng của các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, Hồ Chí Minh xác định phương pháp
đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo
lực, kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang; thực hiện khởi nghĩa từng
phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nhận thức
sâu sắc bản chất của chế độ thực dân: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo
lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”(11),“lũ giặc cướp nước, chết thì chết, nết không chừa. Càng
gần thất bại thì chúng càng hung ác”(12). Người khẳng định: “Độc lập tự do không thể cầu xin
mà có được”. Vì vậy, để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như cuộc đấu tranh
để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ CNXH, tất yếu phải “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo
lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”(13).

Quan điểm bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh không hề đối lập với tinh thần yêu chuộng hòa
bình và chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam mà là sự tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của
cha ông ta. Đối với Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp, việc sử dụng bạo lực cũng nhằm mục đích hòa bình: “Dụng việc binh là việc
nhân nghĩa, muốn cứu dân, cứu nước”(14). Theo Người, hòa bình phải là nền hòa bình thật sự,
gắn liền với độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và tự do, dân chủ của nhân dân. Nếu mục tiêu đó
không được đáp ứng, phương thức tiến hành chiến tranh tất yếu là bạo lực cách mạng. Đó chính
là nghệ thuật khéo léo dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Người.

Tuy đề cao vai trò của bạo lực cách mạng nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của
bạo lực, của đấu tranh vũ trang trong chiến tranh cách mạng. Với Người, đấu tranh vũ trang chỉ
là một trong những phương pháp để thực hiện mục tiêu chính trị của cách mạng. Với tinh thần
ấy, sau khi về nước chuẩn bị giành chính quyền, tháng 12-1944, trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình
hình cách mạng trong nước và trên thế giới, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập đội “Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân”. Người căn dặn: “Chính trị trọng hơn quân sự”(15), “tuyên truyền
trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Chỉ thị nêu rõ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ
trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động là kết hợp quân sự
với chính trị.

Trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh và Đảng đã chỉ đạo tích cực
xây dựng và phát triển lực lượng, để khi có thời cơ sẽ phát động khởi nghĩa vũ trang. Trước hết
là xây dựng các căn cứ địa, đồng thời mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, xây dựng các tổ
chức chính trị của quần chúng... Với sự chủ động, tích cực chuẩn bị đón chờ thời cơ khởi nghĩa,
tháng Tám năm 1945, khi thời cơ đến, lệnh “Tổng khởi nghĩa” được ban ra, chỉ trong chưa đầy
nửa tháng, cả nước đã đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kế thừa và phát huy
nghệ thuật lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945,
Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đã tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang
lớn mạnh, với ba thứ quân và không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của quân đội
để đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù; đồng thời, kết hợp với xây dựng lực lượng chính
trị mạnh mẽ của quần chúng để khi thời cơ đến tiến hành tổng tiến công, giành thắng lợi quyết
định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
2. Giá trị thời đại

Những sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc phản ánh nguyện vọng được sống
trong độc lập, tự do và công bằng, bình đẳng của không chỉ dân tộc Việt Nam mà còn là ý chí, nguyện vọng
của mọi dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “tất cả các dân tộc trên thế
giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(16). Có thể
nói, giải phóng dân tộc là nguyện vọng cháy bỏng hơn bất cứ yêu cầu nào khác. Nó là điều kiện tiên quyết cho
mọi quyền tự do, dân chủ của con người.

Link: https://tcnn.vn/news/detail/48328/Nhung-sang-tao-ly-luan-cua-Ho-Chi-Minh-ve-cachmang-giai-phong-
dan-toc-va-gia-tri-thoi-dai.html

You might also like